Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thông báo: Về việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng

Posted: 24 Jun 2013 08:46 AM PDT

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng thông báo về việc tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng như sau:


 

1. Đối tượng dự thi: Các ứng viên là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng đương chức các trường đại học công lập trong và ngoài thành phố.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn dự thi: Là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; không trong thời gian đang thi hành kỷ luật, không trong thời gian bị cấm đảm nhiệm chức vụ; trong độ tuổi bổ nhiệm cán bộ và đủ sức khỏe theo quy định; có trình độ tiến sĩ; đã tốt nghiệp hoặc đang học cao cấp (hoặc cử nhân) lý luận chính trị; sử dụng được một trong 5 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc trình độ C và tương đương trở lên; sử dụng được công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành, giảng dạy; có uy tín trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo; có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 05 năm.

Ưu tiên các ứng viên có học hàm phó giáo sư trở lên; có trình độ chuyên môn phù hợp với các chuyên ngành đào tạo chính của Trường Đại học Hải Phòng; là cán bộ trẻ; có giải thưởng về công tác nghiên cứu khoa học và quản lý.

3. Hồ sơ ứng viên đăng ký thi tuyển: Danh mục hồ sơ và mẫu được đăng tải tại Website Thành ủy Hải Phòng, Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng và Website Trường Đại học Hải Phòng.

4. Thời gian tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi: đến hết ngày 20/7/2013. Địa điểm tiếp nhận hồ sơ: tại Phòng Tổ chức cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy Hải Phòng; địa chỉ: số 128 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng;

Các chi tiết liên quan, đề nghị liên hệ: điện thoại: 08031141, 0912856303; Fax: 08031147.

5. Thời gian tổ chức thi tuyển: Cuối tháng 8 năm 2013.

Các thông tin cụ thể có liên quan đến việc thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng nêu trên, đề nghị xem tại Website Thành ủy Hải Phòng (http://haiphong.gov.vn/thanhuy), Cổng thông tin điện tử thành phố Hải Phòng (http://haiphong.gov.vn) và Website Trường Đại học Hải Phòng (www.dhhp.edu.vn)./.
 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201306/thong-bao-ve-viec-thi-tuyen-chuc-danh-hieu-truong-truong-dai-hoc-hai-phong-1970291/

Đề thi môn văn “gài bẫy” học sinh?

Posted: 24 Jun 2013 08:46 AM PDT

Tuổi Trẻ trích đăng bài viết của TS Trần Thị Mai Nhân (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐHQG TP.HCM) về vấn đề này.

Là một giáo viên từng giảng dạy môn văn ở các trường phổ thông, tôi đặc biệt quan tâm đến đề thi môn văn ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH cũng như tuyển sinh vào lớp 10. Tôi nhận thấy đề thi môn văn ngày càng hay, mang tính giáo dục cao. Trước khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố đáp án các môn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2013-2014, tôi xin có vài ý kiến.

Mơ hồ, đánh đố…

Trước hết, về đề thi, tôi thấy đề thi năm nay nhìn chung hay nhưng khó: hay vì có tính chất mới mẻ trong yêu cầu đối với thí sinh (câu 4), có tính thực tế và tính giáo dục cao (câu 2 và câu 3); khó vì đòi hỏi thí sinh vừa phải có năng lực cảm thụ tác phẩm thơ, vừa có kỹ năng phân tích, so sánh, khái quát… (câu 4 – nghị luận văn học). Trong khi đó, đề thi những năm trước thường yêu cầu đơn giản hơn như: cảm nhận về một đoạn thơ (đề thi năm 2011) hay cảm nhận về vẻ đẹp của nhân vật trong truyện ngắn (đề thi năm 2012)…

Cái khó còn thể hiện ở sự mơ hồ, có tính chất đánh đố thí sinh ở câu 2 (câu hỏi tiếng Việt): "Bạn trẻ trong hình bên đã dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn. Theo em, bạn ấy đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm đó?". Theo tôi, ở đây cần phân biệt "ngôn ngữ chat" và "ngôn ngữ tuổi teen". Vì "ngôn ngữ chat" là ngôn ngữ tiếng Việt không có dấu, ngôn ngữ viết tắt, biệt ngữ, ký hiệu hoặc ngôn ngữ bị làm cho biến dạng (thjk = thích, h0k bik = không biết, roài = rồi, yk = đi…), thường được giới trẻ sử dụng khi chat với nhau qua mạng, qua điện thoại, không sử dụng khi giao tiếp trực tiếp (hội thoại). Còn "ngôn ngữ tuổi teen" được hiểu rộng hơn, bao gồm cả ngôn ngữ "lóng" (chém gió, hài vãi…), viết tắt, ký hiệu, biệt ngữ…, được giới trẻ sử dụng khi nói chuyện, nhắn tin, chat với nhau. Như vậy, đề thi và hình ảnh minh họa trong đề thi không hợp lý. Bạn trẻ đang "giao tiếp trực tiếp" (nói chuyện với cha) không thể sử dụng ngôn ngữ chat được.

Hơn nữa, đề thi nêu rõ trường hợp "dùng ngôn ngữ chat, ngôn ngữ tuổi teen, khi giao tiếp với người lớn" chứ không phải "giao tiếp chung chung" hay "giao tiếp với bạn bè". Vì vậy, thí sinh cũng có thể trả lời là "vi phạm phương châm lịch sự" thay vì chọn "vi phạm phương châm cách thức". Đây là sự sơ suất hay sự cố ý "gài bẫy" thí sinh của người ra đề? Qua tìm hiểu, tôi được biết vấn đề được các em tranh luận rất sôi nổi sau khi kết thúc giờ thi, vì chọn phương án nào cũng hợp lý. Vậy đáp án sẽ thế nào cho thỏa đáng? Trong trường hợp này, nên chăng chấp nhận cả hai phương án?

Tương tự, câu 3 (nghị luận xã hội) cũng là câu hỏi mở và khá khó đối với thí sinh. Vì từ câu chuyện được nêu trong đề thi, thí sinh có thể trình bày suy nghĩ về nhiều vấn đề, nhiều phương diện: cảm thông với hoàn cảnh lam lũ nghèo khổ của các học trò nghèo ở Quảng Ngãi; cảm phục trước tinh thần vượt khó, ham học của các bạn; cảm động trước tình yêu thương con và đức hi sinh của những người mẹ nghèo… Nhưng vì đề chỉ giới hạn trong khoảng một trang giấy thi nên thí sinh chỉ có thể trình bày được một hoặc hai vấn đề. Như vậy, liệu có đáp ứng được yêu cầu của đề thi? Về câu hỏi này, thí sinh cũng rất băn khoăn sau khi ra khỏi phòng thi.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/555557/de-thi-mon-van-gai-bay-hoc-sinh.html

Chủ tịch nước gửi thư khen em Lê Văn Được

Posted: 24 Jun 2013 07:46 AM PDT

(GDTĐ) – Tối 22/6, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Lương Hồng Quang – Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng, Văn phòng Chủ tịch nước đã vào trao thư và quà của Chủ tịch nước cho em Lê Văn Được – Học sinh lớp 9B, Trường THCS Thanh Ngọc (Thanh Chương, Nghệ An) – người đã dũng cảm cứu được 5 bạn khỏi bị đuối nước.

- Bộ GDĐT trao bằng khen cho học sinh Lê Văn Được
- Bộ trưởng Bộ GDĐT khen thưởng học sinh dũng cảm
- Sở GDĐT Nghệ An trao thưởng cho em Lê Văn Được
- “Cu Tèo” kể chuyện cứu người

Em Lê Văn Được và 5 em nhỏ được cứu sống
Em Lê Văn Được và 5 em nhỏ được cứu sống
Thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết:

“Tôi đánh giá cao và biểu dương tinh thần dũng cảm, quên mình  của em, một học sinh nhỏ ở tuổi 15 đã cứu 5 em nhỏ khỏi đuối nước trên dòng sông Gang, khu vực xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Cũng như em Nguyễn Văn Nam, một học sinh của quê hương Nghệ An, vừa qua đã dũng cảm hy sinh thân mình cứu người, em là tấm gương sáng cho thanh thiếu niên cả nước học tập.

Qua những sự việc như trên, Tôi đề nghị các cấp chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình hãy quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ trẻ em, giúp các em có được những kỹ năng sống cần thiết, không để bị tai nạn rủi ro, nhất là tai nạn đuối nước thương tâm.

Chúc em, cậu học trò nhỏ bé có tấm lòng nhân ái lớn lao, mạnh khỏe, học giỏi; chúc gia đình em hạnh phúc".

Sáng cùng ngày, ông Trần Hưng Thịnh – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng tỉnh Nghệ An đã về trao Bằng khen kèm theo tiền thưởng 10 triệu đồng của Chủ tịch UBND tỉnh cho em Lê Văn Được.

Cũng trong ngày 22/6, ông Trần Hưng Thịnh đã trao Bằng khen kèm theo tiền thưởng 05 triệu đồng của Chủ tịch UBND tỉnh cho em Nguyễn Thị Hiền – Học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Nam Tân (huyện Nam Đàn) đã dũng cảm cứu sống một em nhỏ bị đuối nước trên dòng sông Lam.

Chiều 12/5, em Đào Thị Thùy Dương – 8 tuổi, học lớp 2, Trường Tiểu học Nam Tân và em là Đào Anh Quyền – 5 tuổi theo ông đi chăn bò. Trong lúc ông không chú ý, hai chị em Dương dắt nhau chơi dọc bờ, không may em Quyền bị sẩy chân rơi xuống sông Lam (đoạn qua Nam Tân).

Nghe tiếng kêu cứu, em Nguyễn Thị Hiền đang chơi với bạn ở gần đó vội chạy lại và lao ngay xuống sông, cứu được em Quyền khỏi bị đuối nước. Em Nguyễn Thị Hiền đã được Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn tặng Giấy khen kèm theo tiền thưởng 1 triệu đồng.   

                                                                                      Minh Đức

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3010/201306/chu-tich-nuoc-gui-thu-khen-em-le-van-duoc-1970293/

Tuyển thẳng 20 học sinh đạt giải hộì thi khoa học kỹ thuật toàn quốc

Posted: 24 Jun 2013 07:46 AM PDT

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2013, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông (Intel ISEF) trên phạm vi toàn quốc. Kết quả Hội thi đã được các thầy giáo, cô giáo ở các trường THPT và các trường ĐH, CĐ và xã hội đánh giá cao về khả năng sáng tạo và vận dụng khoa học kỹ thuật trong đời sống của học sinh phổ thông.

Để khuyến khích động viên phong trào học tập, nghiên cứu, sáng tạo của học sinh trong các trường THPT trên cơ sở đề nghị của các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT quyết định cho phép các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ vận dụng điểm e, khoản 2, Điều 7 của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 đối với 20 học sinh lớp 12 đạt giải trong Hội thi Intel ISEF toàn quốc năm 2013 (áp dụng chính sách đối với thí sinh đã dự thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia). Cụ thể, 13 học sinh đạt giải Nhì, Ba xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ; 7 học sinh đạt giải Khuyến khích xét tuyển thẳng vào CĐ

Những thí sinh được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo đề nghị trên phải tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Khoa học môi trường, Máy tính và CNTT, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Môi trường và Bảo vệ môi trường.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tuyen-thang-20-hoc-sinh-dat-giai-hoi-thi-khoa-hoc-ky-thuat-toan-quoc-746614.htm

HS có nghĩa cử cao đẹp là tiêu chí được xét trao học bổng

Posted: 24 Jun 2013 03:46 AM PDT

(GDTĐ) – Xét chọn học bổng "Vinamilk – Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam" năm học 2012 – 2013, Bộ GDĐT đã đưa vào tiêu chí học sinh có nghĩa cử cao đẹp như: dũng cảm cứu người bị nạn, giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn …

(GDTĐ) - Xét chọn học bổng
HS tiểu học Bình Dương nhận học bổng "Vinamilk – Ươm mầm tài năng trẻ VN

Ngoài ra, theo hướng dẫn gửi các Sở GDĐT triển khai chương trình học bổng này, các tiêu chí khác bao gồm: Học sinh giỏi, học sinh có thành tích xuất sắc hoặc đạt giải cao trong các hội thi, giao lưu về văn hóa, thể dục thể thao, nghệ thuật cấp tỉnh/thành phố, quốc gia và khu vực.

Học sinh khuyết tật, học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên học giỏi hoặc đạt giải trong các hội thi, giao lưu về văn hóa, thể dục thể thao, nghệ thuật cấp huyện, quận, thành phố trực thuộc tỉnh.

Học sinh có sáng kiến hay trong học tập, rèn luyện và trong phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Các Sở GDĐT sẽ tổ chức trao học bổng "Vinamilk – Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam" cho học sinh tại địa phương vào đầu năm học 2013 – 2014. Mỗi suất học bổng 1 triệu đồng.

Bộ yêu cầu các Sở GDĐT hướng dẫn các đơn vị lựa chọn, đề cử những học sinh xứng đáng nhận học bổng theo các tiêu chí đã nêu trên, lập danh sách học sinh được nhận học bổng với đầy đủ thông tin gửi về Bộ GDĐT trước ngày 15/7/2013 để Ban Điều hành Quỹ học bổng trình Lãnh đạo Bộ duyệt và ra Quyết định.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201306/hs-co-nghia-cu-cao-dep-la-tieu-chi-duoc-xet-trao-hoc-bong-1970282/

20 HS đạt giải Hội thi KHKT 2013 được tuyển thẳng ĐH, CĐ

Posted: 24 Jun 2013 02:46 AM PDT

(GDTĐ) – Bộ GDĐT vừa có công văn gửi các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ đề nghị xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ cho 20 học sinh lớp 12 đạt giải trong Hội thi Khoa học kỹ thuật năm 2013.

TP.HCM đón đoàn học sinh đoạt giải Intel ISEF năm 2013
TP.HCM đón đoàn học sinh đoạt giải Intel ISEF năm 2013

Công văn ghi rõ: Để khuyến khích động viên phong trào học tập, nghiên cứu, sáng tạo của học sinh trong các trường THPT trên cơ sở đề nghị của các trường ĐH, CĐ, Bộ GDĐT quyết định cho phép các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ vận dụng điểm e, khoản 2, Điều 7 của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 đối với 20 học sinh lớp 12 đạt giải trong Hội thi KHKT năm 2013 (áp dụng chính sách đối với thí sinh đã dự thi trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia). Cụ thể, 13 học sinh đạt giải nhì, ba xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ; 7 học sinh đạt giải khuyến khích xét tuyển thẳng vào CĐ.

Những thí sinh được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo đề nghị trên phải tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các ngành thuộc lĩnh vực: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên, Khoa học môi trường, Máy tính và CNTT, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Môi trường và Bảo vệ môi trường.

Bộ GDĐT đề nghị Giám đốc các ĐH, Học viện và hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ tổ chức thực hiện theo đúng quy định trên để xem xét và quyết định đối với từng trường học của thí sinh khi có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường.

Năm 2013, Bộ GDĐT tổ chức Hội thi KHKT dành cho học sinh phổ thông trên phạm vi toàn quốc. Kết quả Hội thi đã được các thầy giáo, cô giáo ở các trường THPT và các trường ĐH, CĐ và xã hội đánh giá cao về khả năng sáng tạo và vận dụng khoa học kỹ thuật trong đời sống của học sinh phổ thông.


 

 

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201306/20-hs-dat-giai-hoi-thi-khkt-2013-duoc-tuyen-thang-dh-cd-1970284/

Định biên trường học: Chiếc áo đã quá chật

Posted: 24 Jun 2013 01:46 AM PDT

(GDTĐ) – Từ áp lực nhu cầu gửi con của phụ huynh đồng thời với yêu cầu tăng số lớp học hai buổi/ngày, công việc của đội ngũ GV- CNV trong trường học ngày càng nhiều. Để giảm tải, nhiều trường học tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… đã phải xoay sở mọi cách để có "ngân sách" tuyển dụng thêm nhân sự cho nhiều vị trí cần thiết, trong đó có việc "thỏa thuận" với phụ huynh (thực chất là kêu gọi phụ huynh đóng góp) và bị nhắc nhở. Từ đây cho thấy "chiếc áo" định biên trong trường học đã dần lộ rõ nhiều bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Với các lớp bán trú, nhà trường phải hợp đồng thêm giám thị, bảo vệ...
Với các lớp bán trú, nhà trường phải hợp đồng thêm giám thị, bảo vệ…

HIỆU TRƯỞNG THAN TRỜI

Trong buổi làm việc mới đây giữa đoàn khảo sát thuộc Ban Văn hóa- Xã hội HĐND TP.HCM với UBND các quận, huyện về cơ chế thu và sử dụng học phí, nhiều hiệu trưởng đã "than trời" với những khó khăn mà trường mình đang đối mặt.

Hiện nay, theo định biên mà Bộ Nội vụ quy định với các trường học thì ngoài mức định biên GV từ 1,2 (học một buổi) – 1,5 (học 2 buổi) GV/lớp cho bậc TH, THCS là 1,9 GV/ lớp, THPT là 2,25 GV/ lớp… Ngoài ra, các trường còn có thêm biên chế thư viện, thiết bị trường học, văn phòng (văn thư, thủ quỹ, kế toán, thí nghiệm, y tế trường học…). Tuyệt nhiên không có định mức biên chế cho đội ngũ nhân viên như: bảo mẫu,  giám thị… Chính điều đó khiến không ít trường vì nhu cầu muốn tuyển dụng thêm các vị trí trên, đành phải lựa cách mà làm.

Cô Phạm Thị Huệ, hiệu trưởng trường THCS Bạch Đằng, Q.3 cho biết: Trường học giờ đây không chỉ đảm trách nhiệm vụ dạy chữ mà còn kiêm nhiệm thêm việc chăm sóc, nuôi trẻ. Do đó, với định mức thu học phí 30.000 đồng/tháng, 50.000 đồng cho học buổi hai hiện nay chỉ mới đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu hàng ngày cho học sinh, không thể "đảm đương" các buổi ngoại khóa. Với trường có tổ chức bán trú (dạy 2 buổi/ngày) thì việc phải tuyển thêm các vị trí bảo mẫu, vệ sinh, bảo vệ, giám thị từ 1-2 người là chuyện bắt buộc. Tuy nhiên, do không có định biên nên các trường đều phải thỏa thuận với phụ huynh để trả lương cho các vị trí nhân sự trên. Biết như vậy là sai nguyên tắc nhưng không làm thế thì lấy đâu ra kinh phí để  tuyển nhân viên.

Ngoài việc khó khăn trong tuyển dụng các nhân viên hợp đồng thì việc phải đảm bảo các chế độ (BHYT, BHXH) và đồng lương không quá thấp cho đối tượng này cũng là một thách thức không nhỏ cho các trường. Không ít trường phải giữ chân nhân viên bằng mức đãi ngộ gần giống như một biên chế chính thức để họ không nghỉ việc. Cô Nguyễn Thị Kim Hương, hiệu trưởng trường TH Lạc Long Quân, Q.11 chia sẻ: "Thử nghĩ xem, trường tôi với hơn 1.500 học sinh, trong đó 40% học bán trú mà trường chỉ có một biên chế nhân viên vệ sinh, 2 biên chế thư viện và y tế trường học, thì làm sao đảm bảo điều kiện quản lý, chăm sóc? Đành phải linh hoạt từ chính nguồn thu phúc lợi. Tức là giảm chi phí mọi thứ có thể, thậm chí tiết giảm một ít phúc lợi của tập thể nhằm có được một nguồn dư đủ tuyển các vị trí trên. Tuy bị ít đi một chút phúc lợi, nhưng bù lại GV sẽ bớt cực hơn, công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn cho học sinh được tốt hơn".

Ngoài sự "lạc hậu" của mức học phí, định biên trường học không còn phù hợp, việc quy định nộp lại 40% nguồn thu học phí vào ngân sách cho việc chi trả tăng lương cho giáo viên khiến 60% nguồn thu còn lại không đảm bảo việc duy trì các hoạt động tối thiểu trong nhà trường. Thầy Võ Anh Dũng, hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5 cho biết: Nói về nhân sự ngoài biên chế (định biên), trường tôi hiện có tới 32 người với quỹ lương hàng năm tròm trèm trên 1 tỉ. Để có tiền chi trả cho đội ngũ này, trường đã phải linh hoạt vận dụng nhiều hình thức như kêu gọi tài trợ từ các đơn vị, thành lập các trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ,  tiết giảm các nguồn chi phúc lợi từ quỹ sự nghiệp…

Nhiều trường, từ nguồn đóng góp của phụ huynh, hợp đồng bác sĩ cho phòng Nha học đường
Nhiều trường, từ nguồn đóng góp của phụ huynh, hợp đồng bác sĩ cho phòng Nha học đườn

"CƠI NỚI" ĐỊNH BIÊN HAY TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ "THU CHI"?

Thực tế, tùy tình hình, điều kiện cụ thể của mỗi trường mà nguồn định biên các vị trí giám thị, vệ sinh, bảo mẫu… thấp hay cao. Nhưng có thể khẳng định, với thực tế hiện nay, trường nào cũng có nhu cầu tuyển thêm nhân sự các vị trí trên. Để tăng thêm định biên cho các vị trí trên trong điều kiện ngân sách khó khăn là điều không thể có trong một sớm một chiều. Vì thế nhiều hiệu trưởng thẳng thắn nêu rõ mong muốn: Sở GDĐT và Sở Tài chính cần có hướng dẫn, biểu mẫu thu chi theo từng trường chứ không nên đổ đồng như nhau. Đồng thời cho phép các trường được thu chi một số khoản ngoài quy định (tất nhiên được sự đồng ý của phụ huynh) nhằm đảm bảo tốt việc thực hiện chế độ và phúc lợi cho các vị trí tuyển dụng không có trong định biên.

Cô Phạm Thị Huệ chia sẻ: Ngân sách chúng ta hạn hẹp, để đáp ứng yêu cầu của các trường vào thời điểm này tôi e là khó. Vậy để tháo nút thắt thiếu định biên mà các trường đang gặp phải không cách nào khác là tìm sự chia sẻ từ nhiều phía (phụ huynh, doanh nghiệp…). Và để làm được điều đó, Sở GDĐT và Sở Tài chính, cao hơn nữa là cấp Bộ, cần ngồi lại với nhau để bàn thảo tạo một hành lang pháp lý cho các trường thực hiện.

Cô Nguyễn Thị Ánh Mai, hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản, Q.12 cũng cho rằng: Với thực tế của nhà trường hiện nay, các định biên quy định như trước đã không còn phù hợp. Đặc biệt là với những trường đông học sinh, thực hiện mô hình bán trú rõ ràng là phải tuyển thêm cơ số nhân viên các vị trí đã nói. Cái khó ở đây là không thể "minh bạch hóa" nguồn thu để trả lương cho đội ngũ trên. Do đó, đã đến lúc Sở GDĐT cùng các ban, ngành liên quan cần nghiên cứu tìm ra một giải pháp tháo gỡ cho các trường. Mặt khác, khi có được cơ chế và hành lang pháp lý để các trường vin vào đó thực hiện, công tác tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ bảo mẫu sẽ dễ dàng hơn, tránh hiện tượng tuyển người tay ngang, thiếu các kỹ năng cần thiết trong chăm sóc trẻ như hiện nay.

Cô Phạm Thúy Hà, hiệu trưởng trường TH Nguyễn Văn Trỗi, Q.4 góp ý:  Thực tế hiện nay cho thấy, trường nào càng đẩy mạnh tỉ lệ bán trú thì nhu cầu tuyển dụng các vị trí bảo mẫu, nhân viên vệ sinh càng cao. Khi chưa được duyệt định biên, chẳng cách nào khác, các trường phải tự xoay kinh phí để tuyển dụng. Nguồn kinh phí ấy ở đâu ra nếu chẳng phải chủ yếu từ phía phụ huynh đóng góp, ủng hộ. Số trường có điều kiện cơ sở vật chất để cải thiện kinh tế, trưng dụng lại đội ngũ GV nghỉ hưu là không nhiều. Vì thế, rất nhiều GV đang giữ vai trò kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, thậm chí có GV phải làm nhiệm vụ… bảo mẫu! Thực tế ấy đòi hỏi ngành GD cần có nghiên cứu, sớm đưa ra các văn bản quy định về việc "nới" thêm biên chế để các trường thực hiện, đồng thời cần linh hoạt hóa các biểu thu theo quy định với từng khu vực, từng trường, nhằm tránh sự mất cân đối thu chi, mặt khác huy động được tiềm lực của xã hội cùng chung tay đóng góp cho sự phát triển của ngành.

Nguyễn Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201306/dinh-bien-truong-hoc-chiec-ao-da-qua-chat-1970288/

Kinh tế buồn, y tế, giáo dục “lên ngôi”

Posted: 23 Jun 2013 09:45 PM PDT


Sự ảm đạm của nền kinh tế khiến cho những hạn chế, bất cập của giáo dục, y tế càng bị khoét sâu hơn, đưa các lĩnh vực này "lên ngôi" về mức độ không hài lòng của người dân cũng như của đại biểu Quốc hội.

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, lĩnh vực giáo dục và y tế "đang có quá nhiều bất cập ngày càng phát sinh gây bức xúc nhiều hơn".

Nhìn về tổng thể hiện nay của nền kinh tế, điều gì khiến ông còn nhiều băn khoăn?

Tôi cho rằng cũng đã có quá nhiều ý kiến ở Quốc hội phân tích cũng như nhận định về tình hình của nền kinh tế rồi và Chính phủ cũng đã có những đánh giá, nhìn nhận tương đối đầy đủ.

Nhận xét chung thì Chính phủ đã điều hành rất quyết liệt và thực hiện đúng theo mục tiêu tổng quát mà Quốc hội đã đề ra là chúng ta phải kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì mức tăng trưởng hợp lý.

Tuy nhiên, điều mà tôi còn nhiều băn khoăn không phải chỉ trong năm nay mà trong nhiều năm qua là: các chỉ tiêu cơ bản như tăng trưởng kinh tế, lạm phát và các chỉ tiêu liên quan khác đều không đạt như nghị quyết của Quốc hội đặt ra nhưng vấn đề này dường như chưa được xem xét một cách thấu đáo.


Chính phủ cũng chưa đánh giá được mức độ chịu đựng của nền kinh tế đối với những tác động tiêu cực.
Ông Nguyễn Thành Tâm

Theo tôi cần phải phân tích là có phải do các chỉ tiêu của chúng ta đưa ra thiếu căn cứ, không được phân tích cặn kẽ, mang tính chủ quan hay là các chỉ tiêu đưa ra không được dự báo, nắm bắt, đánh giá các nhân tố đóng góp vào trong mức tăng trưởng nên thiếu chính xác.

Nếu điều này không được làm rõ thì dù Chính phủ có đưa nhiều chính sách, nhiều giải pháp cũng vẫn khó cải thiện được tình hình. Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa đánh giá được mức độ chịu đựng của nền kinh tế đối với những tác động tiêu cực.

Tái cơ cấu đầu tư công đang được xem là điểm sáng hiếm hoi trong toàn cảnh chậm trễ của tình hình tái cơ cấu nền kinh tế. Ông có bình luận gì về điểm sáng này?

Chúng ta chỉ có thể khẳng định đó có phải thực sự là điểm sáng hay không khi Chính phủ có tổng kết, đánh giá và báo cáo toàn diện hơn về việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trong đó có tái cơ cấu đầu tư công.

Theo đó, các nội dung cần đánh giá là về việc ban hành các tiêu chí, tiêu chuẩn, thứ tự ưu tiên trong rà soát, sắp xếp lại đầu tư công theo quan điểm đầu tư mới: đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, chống dàn trải và đầu tư theo trung hạn.

Thực trạng các dự án công trình, dự án chịu ảnh hưởng bởi các chính sách đổi mới đầu tư này như thế nào, cả ở cấp bộ, ngành và ở cấp địa phương? Bởi vì rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội hiện nay cho rằng khi thực hiện tái cơ cấu như vậy, hiệu quả tích cực chưa rõ bằng lãng phí do việc thực hiện tiến trình này gây ra.

Chính phủ cũng cần phải có đánh giá kết quả ban đầu, khả năng cân đối các nguồn lực và các nguy cơ hậu quả có thể xảy ra khi thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế trước mắt cũng như mục tiêu dài hạn.

Phải khẳng định lại các quan điểm, mục tiêu và giải pháp để làm sao chúng ta thực hiện chúng vừa nhằm giải quyết những khó khăn trong ngắn hạn, vừa kiên trì mục tiêu chung và dài hạn để có sự phát triển bền vững, tránh sự không thống nhất trong cách thực hiện.

Trong bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế hai năm qua, năm ngoái, mũi dùi được chĩa mạnh sang lĩnh vực tham nhũng và phòng chống tham nhũng. Còn năm nay, theo ông, xu hướng này chĩa mạnh vào đâu?

Tôi cho đó là lĩnh vực giáo dục và y tế đang có quá nhiều bất cập ngày càng phát sinh gây bức xúc nhiều hơn. Như trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta đã tiếp tục đổi mới nhưng có lẽ còn quá bị động và chưa lường trước hết những hậu quả của nó.


Tôi cho rằng trong tình hình kinh tế càng khó khăn thì vấn đề y đức lẽ ra càng phải được ngành y tế chú trọng hơn để giảm bớt bức xúc cho người dân. Nhưng vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Nguyễn Thành Tâm

Đổi mới giáo dục là chủ trương đã được Đảng thông qua nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ trương này thu hút được sự quan tâm và đồng thuận cao trong xã hội.

Tuy nhiên việc triển khai còn phải chờ vào đề án đổi mới căn bản đang trong quá trình xây dựng, nên những vấn đề cốt lõi về quan điểm, định hướng mục tiêu nhiệm vụ và giải pháp tổng thể của hệ thống giáo dục quốc dân chưa được xác định cụ thể.

Trong khi đó giáo dục phổ thông là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân lại đang chuẩn bị để thay đổi chương trình và sách giáo khoa vào năm 2015. Đây là một vấn đề rất lớn và dự kiến chi phí cũng không ít, vừa có tác động đến một thế hệ trẻ em cùng với hàng triệu gia đình và cả xã hội.

Còn trong lĩnh vực y tế. Hiện nay cử tri có rất nhiều ý kiến không đồng thuận về chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở y tế công lập, nhất là việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và y đức của đội ngũ thầy thuốc. Tôi cho rằng trong tình hình kinh tế càng khó khăn thì vấn đề y đức lẽ ra càng phải được ngành y tế chú trọng hơn để giảm bớt bức xúc cho người dân. Nhưng vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức.

Nguồn: http://vneconomy.vn/2013062412466187P0C9920/kinh-te-buon-y-te-giao-duc-len-ngoi.htm

Đại học phản đối cấm thi ĐH-CĐ ở trường tiểu học

Posted: 23 Jun 2013 08:46 PM PDT

– Cấm tổ chức thi ở trường tiểu học là đúng, nhưng khó thực hiện được trong mùa tuyển sinh này… các trường ĐH phản ứng về việc cấn tổ chức đặt địa điểm thi tại các trường tiểu học của Bộ GD- ĐT.

Quá nhiều điểm thi tại trường tiểu học

Ngày 6/6, Bộ GD-ĐT phát thông báo hướng dẫn thanh tra công tác thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2013. Trong đó có nhấn mạnh "không tổ chức thi trong các trường tiểu học". Quy định này thực tế hợp lý nhưng thời điểm áp dụng lại không khả thi.

Với lý do mà Bộ đưa ra là vì ở trường tiểu học, bàn ghế hẹp, phòng học nhỏ, thí sinh thi ĐH phải ngồi vất vả và có thể không bảo đảm khoảng cách giữa hai thí sinh ở mức 1,2m như quy chế. Tuy nhiên đến thời điểm này công tác tuyển sinh gần như đã chuẩn bị hoàn tất, các trường đã gửi giấy báo dự thi cho các thí sinh, trong đó nhiều trường ĐH có địa điểm thi đặt tại các trường tiểu học.

Thi, ĐH-CĐ, trường tiểu học

Thí sịnh dự thi ĐH năm 2012

Tại cụm thi TPHCM năm nay có tất cả 590.124 lượt thí sinh dự thi tại 517 điểm thi thuộc 97 hội đồng thi. So với năm trước lượng thí sinh dự thi có giảm nhưng địa điểm thi tăng 17 điểm thi.

Điều đáng nói, trong 3 đợt thi (2 đợt đại học, 1 cao đẳng) có 49 điểm thi được thuê tại các trường tiểu học. Một một số trường có điểm thi thuê ở các trường tiểu học lớn như Trường ĐH Y Dược TPHCM có tới 12 điểm thi với hơn 10.000 thí sinh. Trong 12 địa điểm thi của trường ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM có ba địa điểm thi ở các trường tiểu học Thanh Đa, Tiểu học Bình Quới Tây, Trường Tiểu học Chu Văn An ( Bình Thạnh) với 2.630 thí sinh

ĐH Kiến trúc TP. HCM có 3 điểm thi đặt tại các trường tiểu học Trần Quốc Thảo (Q.3) trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Q.1) Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chính (Q. Phú Nhuận)… Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân: 7 điểm thi; Trường ĐH Sư phạm TPHCM: 6 điểm thi ( đợt 1: có hai địa điểm thuê tại Trường Tiểu học Phú Lâm (Q.6), Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Q.3); Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cũng thuê điểm thi tại các trường tiểu học: Trường Tiểu học Phước Long (Q.9), trường Tiểu học Tân Phú (Q.9), Trường Tiểu học Đỗ Tấn Phong (Q.Thủ Đức)…

Ở đợt thi cao đẳng, một số trường cao đẳng tại TPHCM cũng phải thuê địa điểm trường tiểu học làm địa điểm thi như như: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng có một địa điểm thi tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1); Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại (Trường Tiểu học Hồ Thị Kỷ; Trường Tiểu học Kì Đồng, Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn); Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn thuê tại Trường Tiểu học An Hội…

Việc thực hiện khó khả thi

Theo đại diện các trường đại học, công tác thuê mướn địa điểm thi đã được hoàn tất từ tháng 4 và cuối tháng 5 đã in và phát giấy báo dự thi cho thí sinh, tuy nhiên đến ngày 6/6 văn bản của Bộ mới yêu cầu các trường ĐH không được thuê điểm thi tại trường tiểu học, nên trong mùa tuyển sinh năm 2013 này khó thực hiện được điều này.

Ông Lê Quan Nghiệm – chủ tịch đồng tuyển sinh Trường ĐH Y Dược TPHCM cho rằng: quan điểm của Bộ GD- ĐT về việc cấm tổ chức địa điểm thi tại các trường tiểu học là đúng đắn nhưng không thực tế bởi hiện nay các trường có số lượng thí sinh dự thi rất đông.

"Việc bàn ghế nhỏ, phòng nhỏ, khoảng cách không đủ…đó là vấn đề hoàn toàn đúng, nhưng thực tế ở TPHCM các trường trung học không đủ chỗ để cho các trường ĐH tổ chức thi các khối A, B…

Văn bản này hơi muộn vì trước khi văn bản ra các trường đã lên kế hoạch và triển khai công tác tuyển sinh. Tuy nhiên mới đây Bộ GD – ĐT cũng đã có văn bản không xử phạt các trường thuê địa điểm thi ở các trường tiểu học " đã lỡ triển khai rồi thì triển khai" nên các trường vẫn có thể yên tâm tổ chức địa điểm thi" – ông Nghiệm cho biết

Trong đó TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM cho rằng văn bản của Bộ hơi cứng. "Công tác tuyển sinh là một chuỗi các mắt xích, khi nhận được hồ sơ tuyển sinh các trường đã làm thủ tục in ngay giấy báo, nếu thủ tục văn bản đi sau bắt các trường làm lại thì công tác tuyển sinh sẽ đảo lộn hết, nếu vin vào yếu tố khách quan rằng thi tại các trường tiểu học dễ tạo nên tiêu cực cũng không nên vì nếu có tiêu cực các hội đồng tuyển sinh phải tự chịu trách nhiệm"

Trong khi đó, về phía Sở GD TPHCM, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở cho rằng quan điểm của Sở là chỉ đạo các trường THPT, THCS tạo điều kiện cho các trường ĐH đặt địa điểm thi với giá cả theo mức hỗ trợ… Qua tổng hợp cho thấy, đa số các trường ĐH trong TP đều có địa điểm thi tại các trường THCS, địa điểm thi tiểu học không nhiều, việc thuê chỉ nằm trong cụm thi cho dễ quản lý.

"Trở ngại lớn nhất ở các trường tiểu học hiện nay là ghế ngồi hơi nhỏ, người lớn ngồi hơi khó, nhưng tất cả đều một bàn, một ghế, hơn nữa nhiều bàn vẫn có thể cải thiện được vì thực ra nhiều học sinh lớp 5 hiện nay cũng đã trưởng thành, việc ngồi trong một thời gian nhắn cũng không ảnh hưởng nhiều" – theo lời ông Đạt

Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/128303/dai-hoc-phan-doi-cam-thi-dh-cd-o-truong-tieu-hoc.html

Bộ trưởng Bộ GD-amp;ĐT khen thưởng học sinh dũng cảm

Posted: 23 Jun 2013 08:45 PM PDT

(GDTĐ) – Chiều nay (19/6), ngay khi biết thông tin em Lê Văn Được – Học sinh lớp 9 Trường THCS Thanh Ngọc (xóm Ngọc Hạ, xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương, Nghệ An) quên mình cứu 5 bạn khỏi chết đuối, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã gửi thư biểu dương tinh thần dũng cảm của em. Bộ GDĐT quyết định trao bằng khen cùng phần thưởng 5 triệu đồng cho học sinh Lê Văn Được.

Em Lê Văn Được (nam, áo trắng) cùng mẹ  và 05 em gái đã được Được cứu sống.
Em Lê Văn Được (nam, áo trắng) cùng mẹ và 5 em gái đã được Được cứu sống.

Sáng nay (19/6), đại diện Phòng GDĐT, Huyện Đoàn, Hội đồng Đội huyện Thanh Chương (Nghệ An) đã đến nhà động viên, biểu dương tinh thần dũng cảm cứu 5 bạn khỏi chết đuối của em Lê Văn Được – Học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Ngọc, trú tại xóm Ngọc Hạ (xã Thanh Ngọc).

Trước đó, chiều 17/6, khi đang chăn trâu tại khu vực Lầy (sông Gang, xã Thanh Ngọc) thì Lê Văn Được nghe tiếng kêu cứu của các bạn nhỏ ở dưới sông.

Biết các bạn đang bị đuối nước, Được tri hô kêu các bạn cùng chăn trâu đến cứu, nhưng không ai nghe thấy vì đang ở xa. Không một phút chần chừ, em lao ngay xuống dòng nước.

Được nắm vào tà áo của 2 bạn đưa vào bờ trước (sau này biết đó là Nhi và Trang), sau đó quay ra đưa cả nhóm ba bạn khác đang níu chặt lấy nhau vào bờ. Lúc này vẫn chưa có ai biết để tới giúp sức, Được một mình tiếp tục làm công tác sơ cứu. Rất may, cả 5 bạn đều qua cơn nguy hiểm…

5 học sinh đã được Lê Văn Được cứu sống là các em: Trịnh Thị Hậu (13 tuổi), Nguyễn Thị Uyển Nhi (12 tuổi), Nguyễn Thị Phương (13 tuổi); Nguyễn Thị Tú (10 tuổi) và Nguyễn Thị Trang (13 tuổi) đều ở xóm Ngọc Khánh (xã Thanh Ngọc). Đang mò hến dưới sông thì có em bị sa chân xuống vùng nước sâu; quá hoảng hốt, các em níu với nhau, cả 5 cùng ôm chặt nhau chới với dưới sông.

Được biết, Lê Văn Được là con trai cả trong một gia đình có 3 anh em. Từ nhỏ, Được đã được bố hướng dẫn bơi, cách cứu người đuối nước. Ngoài việc cố gắng trong học tập và tích cực tham gia các hoạt động Đội, Được còn là một người con ngoan, biết giúp đỡ và yêu thương mọi người xung quanh.

                                                                                      Minh Đức

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3010/201306/bo-truong-bo-gdampdt-khen-thuong-hoc-sinh-dung-cam-1970150/

Comments