Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Học năng khiếu: Không nên ép buộc

Posted: 20 Jun 2013 08:30 AM PDT

(GDTĐ) – Làm cha me, ai cũng mong muốn có được những đứa con ngoan ngoãn, thông minh, giỏi giang. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào khi lọt lòng mẹ cũng mang trong mình một năng khiếu bẩm sinh. Vì vậy, với đứa trẻ bình thường, việc nhồi nhét, ép học năng khiếu chỉ làm trẻ thêm mệt mỏi, chán chường, học hành đối phó.


Sở thích không đồng nghĩa với năng khiếu                      Ảnh: Văn Lê

Những "ngộ nhận" về năng khiếu

Chị Đặng Thị Ngà (Chùa Bộc – Hà Nội) đã phải "trả giá" vì những ngộ nhận về năng khiếu của con. Khi thấy bé Linh, 4 tuổi, con gái đầu của mình thường hay đứng trước gương nhảy múa, hát hò, chị cứ ngỡ con có năng khiếu nghệ thuật.

Hơn nữa, trong suy nghĩ của chị, con gái thì cũng nên biết hát múa để khi lớn lên dáng dấp, tính cách thêm mềm mại, uyển chuyển… Thế là vợ chồng chị tức tốc tìm bằng được lớp học hát, múa ở cung văn hóa thiếu nhi để con theo học. Thậm chí, chị Ngà còn cất công tìm thêm lớp luyện thanh với kinh phí vài trăm nghìn một buổi của những thầy cô đang dạy thanh nhạc tại các trường Đại học, Cao đẳng văn hóa nghệ thuật để gửi con.

Nhưng chưa đầy ba tháng sau, bé đã nằng nặc "không học hát, chẳng học múa nữa đâu" vì lý do đơn giản "con chán rồi và học hát múa khó lắm". Vì cho rằng con "lười" nhất thời nên chị Ngà tiếp tục động viên và thậm chí "ép" con học hát, múa. Thế nhưng, những buổi học năng khiếu hát múa này hầu hết diễn ra trong căng thẳng, học hành đối phó, không hề có sự hứng khởi, say mê.

Trường hợp anh Hà, nhà ở Phan Đình Giót, Thanh Xuân cũng tương tự. Cậu con trai đang học lớp 5 của anh sau khi đến nhà bạn, được chứng kiến bạn chơi đàn piano điện đã thích "tít" mắt. Về nhà ngày nào cậu bé cũng hỏi han bố mẹ những thông tin xung quanh nhạc cụ này và mong muốn được theo học. Nhà vốn có điều kiện kinh tế, lại thấy con bỗng dưng "phát lộ" năng khiếu nghệ thuật, hơn nữa theo suy nghĩ của anh Hà, tìm một đứa trẻ học giỏi toán văn còn dễ gấp nhiều lần một đứa trẻ có năng khiếu nghệ thuật… thế là anh Hà đầu tư ngay cho con một cây đàn piano điện với giá gần 50 triệu.

Để học hành hiệu quả, anh còn mời cả thầy, cô giáo dạy đàn về nhà kèm thêm cho bé một tuần 2 buổi với giá 200 – 300 nghìn/buổi. Những ngày đầu còn tò mò, chưa thành thạo, bé tập quên ăn quên học văn hóa, ngày nào cũng ngồi tập luyện 1-2 tiếng đồng hồ. Song dần dần với giọng điệu "đau tay, mỏi cổ, phải dành thời gian học văn hóa…" cả tuần cu cậu ngồi đàn được 1-2 lần, mỗi lần 10-15 phút. Và sau 6 tháng mua đàn, đến giờ cây đàn mấy chục triệu chỉ có tác dụng để giữa phòng khách cho thêm "sang trọng".

Câu chuyện về học năng khiếu còn cho thấy sự thiếu hiểu biết đến tai hại của nhiều bậc phụ huynh, dẫn tới việc nhồi nhét, làm khổ và lấy mất tuổi thơ của trẻ. Nhiều bà mẹ, đến cung thiếu nhi đăng ký liền một lúc mấy lớp học năng khiếu (múa, hát, đàn, nhạc…) để con phát triển toàn diện. Thậm chí, trong những dịp hè, nhiều bậc phụ huynh lấy học năng khiếu như một cách để giữ chân trẻ khi không biết gửi trẻ ở đâu. Các bé được đưa tới những lớp học năng khiếu trong sự ảo tưởng của cha mẹ cũng như sự ngộ nhận của bản thân các bé. Để rồi, việc học năng khiếu trở thành phong trào mà không hề có tác dụng.


Cha mẹ không nên ảo tưởng về năng khiếu của con    Ảnh: Văn Lê

Học thêm năng khiếu – Có cần thiết?

Cô Nguyễn Thị Nhung – một giáo viên dạy năng khiếu tại Cung Thiếu nhi Hà Nội cho biết, việc học năng khiếu chỉ thực sự cần thiết khi học sinh đó có năng khiếu thực sự và ít nhất từ 10 tuổi trở lên. Không nên ép buộc các cháu phải học những môn năng khiếu khi bản thân các cháu không có khả năng và không yêu thích. Việc ép buộc không thể giúp các cháu có thêm năng khiếu mà còn gây ra hiệu ứng ngược, khiến trẻ rất ghét học hoặc có học thì cũng chỉ là đối phó.

Các bậc phụ huynh cũng cần biết, với sự quá tải trong các lớp học năng khiếu dịp hè, mặc dù các giáo viên giảng dạy đều là giáo viên giỏi được tuyển chọn tại các trường nghệ thuật và có tấm lòng yêu trẻ nhưng không vì thế mà cháu nào theo học cũng có thể thành tài. Giáo viên có thể soạn giáo án và giảng dạy theo giáo án nhưng cứ thử hình dung, mỗi lớp có từ 30 – 35 học sinh theo quy định của từng môn (chưa kể các lớp đông hơn) với độ tuổi từ 5 – 14 tuổi, cô giáo phải vừa dạy vừa dỗ để các cháu giữ trật tự và tập trung vào học đã là việc khó. Đấy là chưa kể, học được một buổi, học sinh lại nghỉ đến vài buổi thì làm sao có thể tiếp thu đầy đủ và giảng dạy đúng giáo án?

Một giáo viên dạy dịp hè cho các cung thiếu nhi, nhà văn hoá đã thẳng thắn chia sẻ: "Chúng tôi luôn coi việc dạy năng khiếu cho các cháu trong hè như một hình thức để các cháu có chỗ sinh hoạt, vui chơi. Có chăng đây chỉ là nơi phát hiện năng khiếu ban đầu của các cháu. Đừng quá kỳ vọng các cháu sẽ thành tài ngay từ các lớp học năng khiếu trong hè".

Rõ ràng, nếu muốn các con học thêm các môn năng khiếu trong hè thực sự có ích, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu những bộ môn cho phù hợp nhất với khả năng, sở thích của các con. Còn nếu chỉ để "gửi trẻ" trong các tháng hè cũng phải quan tâm đến mong muốn, nguyện vọng của con để con em mình có được một lịch học vừa phải, không quá tải.

Năng khiếu cần phát triển đúng cách

Năng khiếu cần phân biệt với tài năng. Người tài năng như một bông hoa phát tiết, kết quả thơm ngọt, còn năng khiếu chỉ là cái nụ tiềm ẩn. Cái nụ có thành hoa thành trái không còn phụ thuộc vào việc phát hiện, bồi dưỡng và công sức lao động bỏ ra.

Vì vậy, theo chuyên gia tâm lý giáo dục Đinh Đoàn, cha mẹ không nên ảo tưởng về năng khiếu của con mình. Trẻ con lứa tuổi 3 – 4  thường thích vẽ, thích hát, đừng tưởng như thế là trẻ đã có năng khiếu về âm nhạc, hội họa. Khi xác định chính xác con mình có năng khiếu về lĩnh vực nhất định, cần tạo điều kiện cho trẻ được hoạt động nhiều trong lĩnh vực đó để trẻ có cơ hội bộc lộ bản thân.

Cần theo dõi một thời gian dài thiên hướng của trẻ. Mỗi lĩnh vực lại có những vấn đề chuyên sâu hơn. Cùng là năng khiếu nghệ thuật, nhưng trẻ này có khả năng cảm thụ, trẻ kia có khả năng thể hiện… Khi đã xác định được thiên hướng nổi trội của trẻ, hãy cho trẻ theo học một lớp hay khóa học chuyên nào đó. Mặt khác, cần bố trí thời gian học tập các môn học khác, thời gian nghỉ ngơi sao cho phù hợp để trẻ có thời gian dành cho học năng khiếu. Trẻ cần học nhiều thứ, cần phát triển toàn diện, cần có tuổi thơ để vui chơi chứ không chỉ có phát triển năng khiếu một cách lệch lạc.

Ngọc Tùng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201306/hoc-nang-khieu-khong-nen-ep-buoc-1970191/

Giận bạn, học sinh chế "bom xăng" ném trả thù

Posted: 20 Jun 2013 08:30 AM PDT

(TNO) Chỉ vì tức giận bạn, T.N.S lên mạng tìm hiểu cách chế ”bom xăng” rồi đem vào trường ném, gây thương tích cho sáu học sinh khác.

Ngày 20.6, TAND TP.HCM xử phúc thẩm, bác kháng cáo, tuyên phạt T.N.S (16 tuổi, ngụ H.Củ Chi) hai năm tù về tội "cố ý gây thương tích".

Theo cáo trạng, S. là học sinh lớp 9A2 Trường THCS Trung An H.Củ Chi. Khoảng tháng 6.2011, S. và N.T.T.T (học sinh lớp 9A1 cùng trường) nhắn tin qua lại với nhau rồi phát sinh mâu thuẫn.

Do tức giận bạn, trưa 29.8.2011, S. chuẩn bị hai ”bom xăng” tự chế (dạng chai xăng, S. nhận là “học” được cách chế tạo trên mạng – PV), mang lên trường. Sau đó, thấy T. đang ngồi trong lớp học với các bạn, S. đã châm lửa chai xăng và ném qua cửa sổ vào lớp 9A1 gây cháy nổ, làm bị bỏng sáu học sinh ngồi gần cửa sổ với thương tích từ 14 - 32% (trong đó có hai học sinh từ chối giám định thương tích).

Chai xăng còn lại, S. đem ném ở hành lang nhà vệ sinh gây cháy nổ nhưng không gây thiệt hại gì về tài sản.

Lê Quang

Kẻ nào ném bom xăng ?
Những quả bom xăng
"Bom xăng" giữa phố
Dùng "bom xăng", cả bọn lãnh án

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130620/gian-ban-hoc-sinh-che-bom-xang-nem-tra-thu.aspx

Cảm ơn cô đã bên em trong cuộc đời này

Posted: 20 Jun 2013 07:30 AM PDT

(GDTĐ) – Lớp A4, niên khóa 2006 – 2009, cô Dương Thu Hải – GV dạy Toán Trường THPT Việt Bắc nói với chúng tôi: "Các em là lớp học trò đầu tiên của cô chủ nhiệm khi mới ra trường nên sau này mong các em cố gắng quen với phương pháp dạy của cô". Tôi còn nhớ mở đầu Toán lớp 6 là bài: "Tập hợp – phần tử của tập hợp", cô đã lấy rất nhiều ví dụ hay và gần gũi với cuộc sống. Cô nói: "Trong tập hợp lớp 6A4, các em là những phần tử của tập hợp này". Ngày hôm đó cả lớp rất chăm chú nghe cô giảng, nhìn nét mặt hài lòng của cô chúng tôi thấy rất vui.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Hàng tuần, vào ngày chủ nhật, lớp tôi lại đến trường lao động. Mọi ngày lên lớp, cô mặc rất đẹp, lịch sự và trang nghiêm, nhưng hôm nay cô đi giữa đám con gái lớp tôi với bộ quần áo màu hồng và đôi dép lê giống như bao học trò khác, chúng tôi cứ ngỡ là lớp có thêm học sinh mới. Cô cùng chúng tôi làm công việc lao động xung quanh trường, như một người mẹ. Cô dạy chúng tôi cách quét sân từ cổng trường vào thì sẽ không để sót lại chỗ nào. Khi làm xong, cô bảo chúng tôi vào nhà cô nghỉ. Cô mang rất nhiều bánh, hoa quả và nước cho chúng tôi. Ngày ấy, ngây thơ chưa biết gì, chúng tôi đã "giải quyết" sạch những thứ trong tủ lạnh nhà cô. Bây giờ, mỗi khi nhớ lại thấy mình thật trẻ con.

Cô rất quan tâm tới học trò của mình. Có lần bố mẹ tôi cãi nhau, hôm đó tôi rất buồn, không học bài và nghỉ học hai ngày liền. Cô gọi điện về nhà, tôi nghe máy, giọng nói ấm áp từ đầu dây bên kia hỏi rằng: "Sao hai hôm nay em không đi học? Dạo này ở lớp học quá nhiều bài rồi đấy". Tôi kể chuyện gia đình, cô nghe rồi bảo: "Cha mẹ cãi nhau trước mặt các em là không đúng nhưng em cũng đừng vì thế mà sao nhãng việc học tập của mình, cô rất mong em đi học trở lại". Sau ngày hôm đó, tôi đi học bình thường. Cô dạy tôi những bài Toán mà hôm trước nghỉ học không theo kịp các bạn. Cô còn âu yếm, vỗ về, động viên khiến tôi rất vui và tin cậy.

Cứ như vậy, ngày qua ngày, chúng tôi đã khôn lớn, trong những bài học, trong những tri thức của cô, cho đến khi chúng tôi học lớp 9…

Càng về cuối năm, trong tôi lại có những cảm giác kỳ lạ vô cùng, cảm giác buồn man mác, buồn vì sắp phải rời xa mái trường mến yêu, xa thầy cô và bạn bè, xa những trò tinh nghịch của tuổi mới lớn mà ngây thơ…

Ngày cuối năm học, lớp chúng tôi cùng ngồi nghe tâm sự của cô và những khúc mắc giữa các bạn được giải quyết hết tất cả. Khi nghe những lời cô nói, không ai bảo ai – hai hàng nước mắt của chúng tôi tuôn trào, cô cũng không kìm nén được cảm xúc. Lần đầu tiên cô khóc trước mặt cả lớp, cô nghẹn ngào nói: "Đây là lớp học trò đầu tiên của cô; là người lái đò – cô đã đưa các em cập bến, từ bây giờ chúng ta không còn cơ hội ngồi học cùng nhau nữa, rồi sau này mỗi đứa một nơi nhưng hãy nhớ lại kỷ niệm ở mái trường này, thầy – cô và bạn bè. Ngày hôm nay, cô muốn nói với các em một điều: "Chặng đường vẫn còn dài, kho tàng tri thức các em vẫn phải khám phá, đừng sợ khó khăn mà nản lòng, sau này cố học thành tài là cô vui rồi".

Ngày "Lễ tri ân", lại một lần nữa cả lớp đưa mắt nhìn nhau khóc thật nhiều khi nghe những câu hát về mái trường, thầy – cô và bạn bè. Ánh mắt cô trìu mến nhìn từng đứa học trò của mình, cô dặn chúng tôi: "Hãy cố gắng thi thật tốt, những lúc căng thẳng, hãy nghĩ rằng tại nơi đây cô vẫn đặt niềm tin vào các em".

Giờ tôi đã là học sinh lớp 11, tôi muốn gửi đến cô một lời: "Em cảm ơn cô trong suốt 4 năm qua, cô đã dạy chúng em biết bao điều hay, lẽ phải, cô là người mẹ đã dìu dắt, dạy bảo chúng em từng bước lớn khôn và ngày càng vững vàng hơn trong muôn vàn khó khăn, thử thách của cuộc sống". Những lời cô dạy sẽ mãi là hành trang theo tôi trong suốt cuộc đời này.

Mã số: 1065

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201306/cam-on-co-da-ben-em-trong-cuoc-doi-nay-1970155/

Báo chí gắn bó với những đổi mới của ngành Giáo dục

Posted: 20 Jun 2013 07:30 AM PDT

(GDTĐ) – Hôm nay (20/6), được sự ủy quyền của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng và Chánh văn phòng Phạm Ngọc Phương đã đến thăm và chuyển thư chúc mừng của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đến các cơ quan thông tấn, báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6.

Lãnh đạo Bộ GDĐT nhiệt liệt chúc mừng và trân trọng gửi tặng những lẵng hoa tươi thắm tới các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình.

Bộ GDĐT mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trong việc thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách lớn của ngành, các tấm gương thầy cô giáo, học sinh tiêu biểu, phản ánh những hạn chế, tồn tại với tinh thần khách quan, xây dựng, góp phần giúp ngành Giáo dục hoàn thành các nhiệm vụ được Đảng, nhân dân giao phó.

Một số hình ảnh lãnh đạo Bộ GDĐT chia sẻ niềm vui với các cơ quan thông tấn, báo đài nhân ngày “Tết Báo chí”:

Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chúc mừng Báo Tuổi trẻ TpHCM nhân ngày 21/6.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng thăm và chúc mừng Đài Truyền hình Việt Nam
123
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chúc mừng Báo Tuổi trẻ TPHCM
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chúc mừng Báo VietNamNet nhân ngày 21/6
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng tặng hoa cán bộ, phóng viên, biên tập viên  Báo VietNamNet

 

123
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng chia sẻ niềm vui Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam với lãnh đạo Báo Dân trí
123
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng gửi tới Báo Thanh Niên lẵng hoa tươi thắm
123
Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Phương chúc mừng Báo Nhân dân
123
Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Phương tặng hoa và chúc mừng Đài Tiếng nói Việt Nam
123
Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Phương chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thông tấn xã Việt Nam

Nguyễn Đăng Lương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201306/bao-chi-gan-bo-voi-nhung-doi-moi-cua-nganh-giao-duc-1970193/

Đi tắm suối mừng đỗ tốt nghiệp, 2 học sinh tử vong

Posted: 20 Jun 2013 07:30 AM PDT

Địa điểm 2 học sinh gặp nạn
Địa điểm 2 học sinh gặp nạn

Nạn nhân được xác định là em Phạm Văn Tây – học sinh lớp 12C4, Trường THPT số 1 huyện Nghĩa Hành và em Hồ Văn Kính – học sinh lớp 12C6 Trường THPT Nguyễn Công Phương (huyện Nghĩa Hành).

 

Vào ngày 18/6, Sở GDĐT Quảng Ngãi chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau khi xem kết quả, hai em Tây và Kính rất vui mừng, đã cùng nhóm bạn rủ nhau đi chơi tại suối Chè. Khi tắm suối, cả 2 học sinh bị rơi vào dòng nước xiết và tử vong.

 

Chính quyền và các hội, đoàn thể địa phương đã đến thăm hỏi, chia buồn và hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân 3 triệu đồng để lo an táng.

 

Hồng Long

Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/di-tam-suoi-mung-do-tot-nghiep-2-hoc-sinh-tu-vong-745219.htm

Cô học trò mang tên Ô Xin

Posted: 19 Jun 2013 07:28 PM PDT

Đặc biệt là vì hoàn cảnh của Ô Xin thuộc loại khó khăn nhất nhưng cũng là học sinh giỏi và thủ khoa của trường trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua với kết quả cuối năm lớp 12 đạt 8,9, tốt nghiệp thủ khoa của trường với số điểm 55,5. Ngay cái tên Trần Thị Ô Xin cũng đã quá đặc biệt. Vì yêu thích nhân vật trong bộ phim truyền hình Ôsin của Nhật Bản, với tuổi thơ cơ cực nhưng thật thà, siêng năng, thông minh mà bà mẹ đã lấy tên Ôsin để đặt cho con gái. Nhưng khi làm khai sinh, người ta ghi nhầm là Ô Xin. Cô bé rất tự hào với cái tên của mình.

Không như các bạn, gia đình Ô Xin chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ không chồng tảo tần sớm hôm gánh nước thuê, làm vệ sinh, quét chợ Truồi để nuôi Ô Xin. Dưới căn nhà xiêu vẹo, dột nát được dựng trên mảnh đất mà người bà con tốt bụng cho mượn, hai mảnh đời bám vào nhau để sống. Ô Xin được đến trường với các bạn cùng trang lứa. 12 năm liên tục là học sinh giỏi toàn diện, là học sinh tiêu biểu của Trường An Lương Đông, thầy giáo Đỗ Thiện Quang, hiệu trưởng nhà trường, không giấu nổi xúc động khi nói về học trò đặc biệt của mình: "Ô Xin là niềm tự hào của trường tôi, em không chỉ vượt qua được hoàn cảnh quá sức ngặt nghèo để luôn là học sinh giỏi, mà còn vượt lên cả mọi tự tin, mặc cảm về bệnh tật, về số phận để sống tự tin, tự hào về bản thân mình. Ô Xin là giáo án sinh động để thầy cô giáo dạy cho học sinh mình về nghị lực và nhân cách".

Những ngày này, căn bệnh cường lách bẩm sinh đã lên đến mức nguy hiểm độ 2 cùng với bệnh sỏi mật hành hạ, nhưng Ô Xin cười tươi tâm sự về ước mơ trở thành bác sĩ để có thể chữa bệnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn như mình. Ô Xin đăng ký thi vào Đại học Y dược Huế và Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Chúng tôi chia tay Ô Xin mà trong lòng trào dâng một niềm yêu thương và cảm phục. Tôi tin sẽ gặp lại Ô Xin ở giảng đường Đại học Y dược Huế, dù chưa biết bạn theo đuổi ước mơ đó bằng cách nào.

 LÊ TRIỀU SƠN

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/554862/co-hoc-tro-mang-ten-o-xin.html

TPHCM: Hơn 40.000 học sinh sẽ thi lớp 10 công lập

Posted: 19 Jun 2013 01:23 PM PDT

Tương đồng với số học sinh giảm thì số hội đồng thi cũng ít hơn 8 hội đồng thi so với năm 2012. Toàn thành phố có tổng cộng 84 hội đồng thi vào lớp 10, trong đó có 73 hội đồng thi thường và 11 hội đồng thi chuyên. Trong tổng số 40.390 học sinh dự thi thì đến 33.728 em đăng ký vào hệ lớp 10 thường, còn 6.662 em đăng ký thi vào hệ chuyên. Được biết, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập năm nay là 60.422 chỉ tiêu, trong đó riêng chỉ tiêu của thi tuyển là 36.071.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT thì đề thi lớp 10 năm nay vẫn bám sát chương trình THCS, trong đó tập trung chủ yếu ở kiến thức lớp 9. Cấu trúc đề vẫn theo quy định, khoảng 70% theo kiến thức chung để kiểm tra trình độ chung của học sinh và khoảng 30% câu khó để phân loại học sinh.

Như các năm trước, TPHCM vẫn áp dụng hai hình thức tuyển sinh là thi tuyển và xét tuyển vào lớp 10. Học sinh thuộc địa bàn của 9 quận huyện gồm Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, Hóc môn, quận Thủ Đức, quận 2, quận 9, quận 6 và quận Bình Tân được tham gia xét tuyển vào các trường THPT công lập trên địa bàn theo sự phân tuyến của từng quận, huyện. Học sinh ở các quận, huyện xét tuyển vẫn được tham gia thi tuyển vào lớp 10 công lập ở các trường có thi tuyển nhưng mất quyền ưu tiên xét tuyển tại địa phương.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tphcm-hon-40000-hoc-sinh-se-thi-lop-10-cong-lap-744894.htm

Comments