Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại Nghệ An

Posted: 18 May 2013 02:16 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay 18/5, Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi tỉnh Nghệ An và Trường Đại học Vinh. Ông Nguyễn Xuân Đường – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi của tỉnh – tham dự buổi làm việc.

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2013 đã được chuẩn bị chu đáo. Năm nay, Nghệ An sẽ bố trí 60 cụm thi, với 90 hội đồng coi thi, gồm 1.770 phòng thi, 38.617 thí sinh THPT và 2.445 thí sinh bổ túc THPT. Gần 7.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang được tập huấn nghiệp vụ để tham gia vào các công việc của kỳ thi.

Tại hội nghị triển khai công tác thi và tuyển sinh năm 2013, Ban Chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo: Để đảm bảo các kỳ thi năm 2013, nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức an toàn, thật sự nghiêm túc, phải tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; không lấy tỷ lệ tốt nghiệp để xếp thành tích cho các nhà trường; kết quả tốt nghiệp phải phản ánh đúng thực chất dạy và học của thầy và trò…..


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển kết luận tại buổi làm việc

Nhằm thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo này, Ban Chỉ đạo thi của tỉnh đã thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi. Các đoàn được phân công trực tiếp kiểm tra hết 20 huyện, thành phố, thị xã về việc triển khai công tác thi; tuyên truyền, giáo dục về quy chế thi trong các tầng lớp nhân dân; tổ chức ôn tập cho học sinh; chuẩn bị hồ sơ thi, cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ và bảo đảm trật tự, an toàn các kỳ thi. Việc kiểm tra sẽ được hoàn thành chậm nhất vào ngày 25/5/2013.  

Tại buổi làm việc, ông Đinh Xuân Khoa – Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh – đã báo cáo với Đoàn công tác tình hình chuẩn bị thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng năm 2013 tại Cụm thi Vinh.

Theo đó, đến thời điểm này, Cụm thi Vinh có  71.264 hồ sơ đăng ký dự thi vào 189 trường đại học, cao đẳng trên cả nước, đó là chưa kể 13.558 hồ sơ đăng ký dự thi vào Trường Đại học Y khoa Vinh (trường này tổ chức thi riêng).

Trường Đại học Vinh đã khảo sát, bố trí 62 địa điểm thi với 1.451 phòng thi tại các phường, xã ở thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, thị xã Cửa Lò thuộc tỉnh Nghệ An và 6 điểm thi với 126 phòng thi tại huyện Nghi Xuân thuộc tỉnh Hà Tĩnh (chưa kể 19 điểm thi với 387 phòng thi của Trường Đại học Y khoa Vinh được bố trí ở Vinh và huyện Nghi Lộc).

Ngày 13/5, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các địa phương liên quan chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, an ninh trật tự, an toàn giao thông, thông tin liên lạc, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe, tiếp sức mùa thi, thông tin tuyên truyền để phục vụ cho kỳ thi này.

Tại hội nghị, Sở GDĐT Nghệ An đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu 4 nội dung: Ở buổi thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, nên bố trí thi môn có thời gian làm bài ít nhất để các hội đồng coi thi có thời gian tổ chức tốt lễ khai mạc kỳ thi.

Đối với học sinh đạt giải ba trở lên trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, nên tuyển thẳng các em vào đại học theo nguyện vọng của các em (như học sinh đạt giải quốc tế và khu vực). Đối với việc thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, thay vì thi 3 môn như hiện nay, nên thi 4 môn, gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư (sẽ chọn theo từng năm).

Đối với việc tuyển thẳng học sinh diện 30a, nên nghiên cứu để có điều chỉnh cho phù hợp. Đồng quan điểm với Sở GDĐT Nghệ An, ông Đinh Xuân Khoa cũng đề nghị Bộ nên nghiên cứu vấn đề tuyển thẳng học sinh diện 30a.

Ông cho biết, năm vừa rồi, Trường Đại học Vinh đã tuyển 450 em của 53 huyện trên cả nước. Trường rất quan tâm để nâng cao chất lượng học tập cho các em trong năm học dự bị đầu tiên, nhưng thực tế có nhiều em có kiến thức rất yếu và yếu, không thể nâng lên để bảo đảm yêu cầu vào học đại học. Nhà trường đã khuyến cáo, khuyên những em có kiến thức quá yếu nên thôi học, những em có kiến thức yếu nên chuyển sang học nghề.

TT NVHiển tặng hoa chúc mừng ông NXĐường vừa được bầu giữ chức PBT Tỉnh uỷ, CT UBND tỉnh Nghệ An
Ngay đầu buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tặng hoa chúc mừng ông Nguyễn Xuân Đường vừa được bầu giữ chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đánh giá cao công tác chuẩn bị các kỳ thi của tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Vinh và Trường Đại học Y khoa Vinh; nhất là việc Nghệ An đã thực hiện nhiều giải pháp, kiên quyết chỉ đạo để có một kỳ thi nghiêm túc.

Thứ trưởng lưu ý Ban Chỉ đạo thi tỉnh Nghệ An cần chú ý chỉ đạo công tác thanh tra, vai trò của Chủ tịch Hội đồng coi thi và người làm công tác chấm thi; đồng thời tiếp nhận các kiến nghị, đề xuất của Sở GDĐT Nghệ An, của Trường Đại học Vinh để các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu, trình lãnh đạo Bộ quyết định.

Trước đó, ngay đầu buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã tặng hoa, chúc mừng ông Nguyễn Xuân Đường vừa được bầu giữ các chức vụ mới: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

                                                                                        Minh Đức

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201305/Thu-truong-Nguyen-Vinh-Hien-kiem-tra-cong-tac-chuan-bi-thi-tai-Nghe-An-1969207/

Dạy bơi cho học sinh: 10 năm vẫn “giẫm chân tại chỗ”

Posted: 18 May 2013 02:16 AM PDT

Chưa có quy chuẩn

 

Bà Hoàng Thị Sinh – nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Cách đây khoảng 10 năm, Sở Văn hoá- Thể thao đã phối hợp với Sở GDĐT lên kế hoạch phổ cập bơi cho trẻ cấp tiểu học. Sau một thời gian bàn đi tính lại thì thấy kế hoạch không khả thi".

 


Cảnh trẻ em tắm sông không hiếm ở các vùng quê

 

Theo bà Sinh, cái khó lớn nhất chính là quỹ đất của trường hạn hẹp, học sinh lại quá đông (hơn 15.000 học sinh). "Nếu xây dựng hồ bơi thì kinh phí ở đâu, xây theo quy chuẩn nào. Tính trong quy mô cả nước thì xây bao nhiêu hồ thì đủ? Tôi nghĩ ngành giáo dục cần mổ xẻ, bàn bạc vấn đề này trước khi đưa ra các đề án dạy bơi” – bà Sinh băn khoăn.

 

Nhìn từ thực tế này, bà Hoàng Thị Sinh cho rằng: "Nếu các trường chưa thể có bể bơi thì Nhà nước, và các tổ chức xã hội cũng nên có chính sách ưu tiên, giảm giá vé vào hồ, cộng điểm thể chất cho các cháu biết bơi… để khuyến khích trẻ tự đăng ký tham gia các khóa học bơi ngoại khoá”.

 

Bà Trần Tố Trinh – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ba Đình, Hà Nội cũng nêu thực tế: "Nhà trường có hơn 1.000 học sinh nhưng diện tích chỉ tầm 7.000m2. Giờ nói xây bể bơi thì đúng là “lực bất tòng tâm”. Trường này hiện phối hợp với một bể bơi gần đó để nhận học sinh, nhưng mỗi đợt cũng chỉ có 20-30 học sinh. Nhưng theo cô Trinh, không phải bố mẹ nào cũng đồng ý cho con đi học bơi. Có phụ huynh cho rằng không cần cho con đi học bơi vì ở thành phố không có sông hồ nên không cần biết bơi”.

 

Khó khả thi?

 

Trong khi các trường tiểu học ở thành phố triển khai từ 10 năm trước thì các trường tiểu học ở nông thôn chỉ quan tâm tới vấn đề này vào thời điểm tháng 2/2010. Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT đã ra văn bản chính thức yêu cầu và khuyến khích đưa dạy bơi vào chương trình tiểu học với trọng tâm là khối lớp 4, mở rộng ra khối lớp 3 và lớp 5.

 

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên hưởng ứng văn bản này. Tháng 9/2012, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án thí điểm dạy bơi trong một số cụm trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư xây dựng 3 bể bơi bán Olympic kiên cố tại 3 trường tiểu học tại các địa phương đại diện cho khu vực thành thị, miền núi, đồng bằng, bao gồm: Trường Tiểu học Vĩnh Khê (thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều); Trường Tiểu học Cẩm Thuỷ (phường Cẩm Thuỷ, TP.Cẩm Phả); Trường Tiểu học thị trấn Hải Hà (huyện Hải Hà), kinh phí dự kiến hơn 12 tỷ đồng. Thế nhưng, cho tới tận bây giờ vẫn chưa có bể bơi nào.

 

Trước thực trạng trẻ đuối nước nhiều, nhiều trường học cũng đặt vấn đề dạy bơi nhưng đều "vướng" về chuẩn xây dựng, kinh phí đầu tư. Điển hình như vụ việc ở Trường Tiểu học xã Bạch Đằng (Kinh Môn, Hải Dương). Đây là trường hưởng ứng đầu tiên đề án dạy bơi cho trẻ trong tỉnh. Nhưng kinh phí xây bể bơi được "huy động" từ phụ huynh, khiến phụ huynh bức xúc.

 

Ông Nguyễn Trọng An – Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em: Nên phổ cập môn bơi cho học sinh

 

Dĩ nhiên là nên phổ cập môn bơi cho toàn bộ học sinh.Tuy nhiên phổ cập bằng cách nào, phổ cập ở độ tuổi nào… thì cần phải tính toán.

 

Về kinh phí, theo tôi thay vì trông chờ vào Nhà nước, vào Bộ GD-ĐT, các địa phương, nhất là những địa phương có điều kiện nên bố trí ngân sách để hỗ trợ dạy bơi cho trẻ. Bản thân chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, nhà trường cũng cần sáng tạo trong cách thức xây, hoặc tạo bể bơi thông minh cho trẻ. Mỗi trường tùy thuộc vào diện tích, nông thôn hay thành thị có thể áp dụng mô hình bể bơi bằng lưới, bể bơi bằng cao su, bằng dù bơm nước vào để dạy cho các em. Hoặc có thể dạy ngay ở ao hồ, sông suối trong sự giám sát của người lớn.

 

Trong trường học thì nên có các bài học giúp các em phân biệt những chỗ nguy hiểm không nên bơi lội, ứng phó khi có tình huống đuối nước… Bên cạnh đó, khi trên địa bàn có các hố sâu, các hồ nguy hiểm, các bậc cha mẹ cũng cần có ý kiến, yêu cầu các ngành chức năng phải rào lại hố sâu, dựng các điểm cảnh báo. Tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất là người ta có muốn làm hay không, nếu muốn làm thì có rất nhiều cách bảo vệ trẻ em, còn nếu không thì cứ đổ cho khó khăn, do cơ chế, do thiếu kinh phí.

 

Theo Dân Việt

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/day-boi-cho-hoc-sinh-10-nam-van-giam-chan-tai-cho-732064.htm

Những người thầy sau ngày giải phóng Thủ đô

Posted: 18 May 2013 01:16 AM PDT

(GDTĐ) - (Sau hơn hai tháng Thủ đô được giải phóng (10/10/1954), các trường học làng Yên Thái (thuộc phường Bưởi, Tây Hồ, Hà Nội ngày nay) được mở trở lại với tên Trường Yên Thái. Trường có từ lớp năm đến lớp nhất (tương đương với cấp Tiểu học).

1. Một ngày đầu đông năm 1954, cha tôi đưa tôi đến văn phòng trường Yên Thái gặp thầy hiệu trưởng Trịnh Ngọc Thâm để xin học lớp nhì của trường. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh thầy Trịnh Ngọc Thâm. Thầy có bộ râu quai nón nhưng cạo nhẵn, chỉ để lại vết đen trên má và cằm, dáng người tầm thước. Thầy mặc bộ com lê màu nâu đã ngả màu vì thời gian, nét mặt thầy nghiêm nghị.

Thầy Thâm mời cha tôi ngồi xuống ghế và chỉ tôi đứng cạnh cha tôi. Cha tôi đưa gửi thầy lá đơn xin cho tôi học lớp nhì. Thầy Thâm nhận tờ đơn và đeo cặp kính trắng đọc. Lát sau thầy ngửng lên nhìn tôi trìu mến và bảo tôi khoanh tay trước ngực để thầy hỏi một số câu. Tôi ngoan ngoãn làm theo.

 - Con biết làm tính đố chưa?

- Dạ, con biết làm rồi ạ!

- Con biết làm đủ bốn phép tính?

- Dạ vâng ạ!

Rồi đột nhiên thầy hỏi:

- Ai đuổi giặc Nam Hán khi sang xâm lược nước ta?

Nghĩ một lúc tôi ngập ngừng thưa:

- Thưa thầy hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị ạ!

Thầy lại hỏi:

- Thế ai đánh đuổi quân Nguyên – Mông?

Tôi ngập ngừng không trả lời được.

Thầy Thâm quay sang phía cha rồi hỏi:

- Trước đây cháu học ở đâu?

Cha tôi thưa:

- Gia đình tôi tản cư vào Thanh Hóa, vùng chợ Nấp, Rừng Thông. Cháu theo học một lớp học tư của một thầy giáo người Hà Nội cũng tản cư về vùng này và mở lớp học. Cháu học từ lớp ba và nửa năm lớp nhì. Nay tôi xin trường nhận cho cháu học lại lớp nhì ạ!

Thầy Thâm vui vẻ cầm lá đơn xin học của tôi và nói:

- Ông và con cứ về, chúng tôi sẽ sắp xếp lớp.

Thầy đứng lên xoa đầu tôi và nói:

- Ba ngày nữa con đến trường xem danh sách để vào lớp.

Ba ngày sau, tôi đến trường. Nhiều học sinh cũng tấp nập đến xem danh sách xếp lớp. Có nhiều học sinh lớn tuổi hơn tôi cao to như thanh niên. Ngày ấy học sinh đi học chưa quy định độ tuổi. Có nhiều người bỏ học vì phải tản cư, nay hòa bình lập lại mới cắp sách đến trường mặc dù tuổi đã lớn. Sân đình Yên Thái tưng bừng học sinh đến nhận lớp chuẩn bị năm học mới – năm học đầu tiên sau ngày giải phóng Thủ đô.


Học sinh thời chiến

2. Tôi được phân vào lớp thầy Đô học tại ngôi đền thờ ông Dầu, bà Dầu – nơi ngày xưa là con sông Thiên Phù. Ông Dầu, bà Dầu đã nhảy xuống dòng sông này để cứu vua Lý khỏi bệnh đau mắt và ông bà đã hiển thánh trở thành phúc thần của làng Yên Thái.

Thầy Đô cao to, thầy mặc bộ đồ âu phục, đeo kính trắng gọng vàng trông như người Âu. Bọn học trò ai cũng phải sợ. Lớp tôi học buổi chiều. Hôm ấy trời nắng nóng, lớp học của tôi hướng Tây nên ánh nắng rọi chiếu vào lớp học càng thêm nóng bức. Thầy Đô đi xuống từng bàn thân mật hỏi học trò: "Nắng, nóng quá phải không các con?”. Thầy nhìn học trò vẻ ái ngại.

Buổi học hôm sau, thầy Đô đến lớp sớm. Thầy mang một phông vải màu xanh dài rồi tự thầy đi đóng đinh căng che cho lớp học khỏi bị ánh nắng hắt vào. Từ buổi học ấy, bọn học trò chúng tôi thấy gần thầy hơn. Cả năm học lớp nhì của thầy, chúng tôi nhận được ở thầy sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình. Tôi là một học trò kém môn Toán. Thầy chú ý tới tôi cũng như một số bạn học kém khác hơn bằng cách gọi lên bảng thường xuyên.

Lớp có bảng danh dự được thầy trang trí rất trịnh trọng và treo lên tường của lớp học gần bảng đen. Mỗi tháng bảng danh dự tuyên dương đều đặn tên những học sinh có tổng điểm cao với thứ bậc nhất, nhì, ba. Có tháng tôi cũng được nêu tên trên bảng danh dự. Hình thức động viên học sinh chăm, học giỏi này có tác dụng rất tốt đối với mỗi học sinh chúng tôi. Bạn nào cũng ganh đua học thật chăm đạt nhiều điểm 9, điểm 10, để được nêu tên trên bảng danh dự. Ngược lại, bạn nào học bị nhiều điểm kém hoặc vi phạm kỉ luật đều bị thầy phạt bằng hình thức đứng trước bảng úp mặt vào tường.

Cuối năm học, tôi được lên lớp và đứng thứ nhất được nhận phần thưởng của trường. Tôi nhớ cả lớp tôi chỉ có ba bạn phải ở lại lớp – bị đúp. Ba "bạn" ấy ngày nay đều là những ông cụ tóc bạc phơ. Mỗi khi họp đồng môn những học sinh cũ của trường Yên Thái, chúng tôi đều ôm nhau xúc động nhắc lại những kỉ niệm xưa khi học lớp nhì thầy Đô. Cả ba bạn tâm sự: "Thầy Đô nghiêm khắc nhưng rất thương học trò, bọn mình "bị đúp" là do bọn mình lười, mải chơi và cũng có phần "dốt" nữa. Mình vẫn nhớ và biết ơn thầy – những người thầy đầu tiên dạy mình làm người".

Ngày chia tay thầy trò lớp nhì, trước khi nghỉ hè thầy Đô tổ chức cho chúng tôi cắm trại ở Gò Đống Đa – nơi ghi chiến công phá tan 20 vạn quân xâm lược nhà Thanh của vua Quang Trung – Nguyễn Huệ ngày 5 Tết Kỷ Dậu (1789). Lần đầu tiên tôi được đến Gò Đống Đa. Ngồi trong lều trại, thầy Đô giảng giải về vua Quang Trung, về trận đánh Ngọc Hồi – Đống Đa. Thầy nói: "Xác của giặc Thanh chất đống xếp thành nhiều gò. Đống Đa là một gò". Chúng tôi chăm chú nghe thầy nói. Buổi cắm trại như một giờ học lịch sử thật nhẹ nhàng và bổ ích.

Tôi nghĩ tới việc học hôm nay. Vì sao nhiều học sinh không thích học môn Lịch sử? Ngày ấy, học sinh chúng tôi mới học ở cấp Tiểu học đã rất thích học môn Lịch sử (ngày đó gọi là môn Sử ký). Trong ý nghĩ của chúng tôi và của các thầy hồi đó, không bao giờ cho rằng môn Toán, môn Văn mới là quan trọng, mà môn nào cũng như môn nào, môn nào cũng cần học như nhau. Ngay cả môn Vẽ, môn Thủ công chúng tôi cũng thích học.

Trường làng, nơi đã cung cấp cho tôi những tri thức sơ giản đầu đời, nơi đã chắp cánh cho những ước mơ tuổi thơ tôi. Trường chỉ là những lớp học ở đình, ở đền, ở chùa, nhưng sao vẫn thấy gắn bó thân thương không bao giờ tôi có thể quên.

Vũ Xuân Vinh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201305/Nhung-nguoi-thay-sau-ngay-giai-phong-Thu-do-1969206/

Chấm dứt hoạt động tuyển sinh liên kết đào tạo Dược của trường …

Posted: 18 May 2013 01:15 AM PDT

Ngày 16/5/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có buổi làm việc với Trường Cao đẳng Asean về việc xử lý các sai phạm của trường trong hoạt động liên kết đào tạo liên thông.           

Ngày 17/5, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra GD-ĐT đã kết luận: Trường Cao đẳng Asean thông báo, tuyển sinh, tổ chức liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, cấp bằng chính quy ngành Dược với Trường Trung cấp Vạn Tường (TPHCM) và Trường Trung cấp Việt Anh (Nghệ An) với số lượng sinh viên là 703 người. Việc liên kết đào tạo khi không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm quy định tại Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2012 quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Việc Thông báo tuyển sinh và tổ chức đào tạo chính quy ngoài trường là vi phạm quy định tại Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.

Chánh Thanh tra Bằng cho rằng, những vi phạm trên đây thể hiện nhận thức pháp luật của Nhà trường trong việc tuyển sinh, đào tạo không đầy đủ, thái độ chấp hành pháp luật không nghiêm túc, cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật nhiều lần, số lượng sinh viên đã tuyển và đào tạo lớn. Khi các vi phạm bị phát hiện, Nhà trường đã báo cáo không trung thực; bất chấp các cảnh báo và xử phạt của Bộ GD-ĐT, thể hiện thái độ coi thường pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Tính đến thời điểm này, Nhà trường chưa thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT tại Công văn số 2733/BGDĐT-TTr ngày 25/4/2013 và Quyết định số 54/QĐ-XPHC ngày 9/5/2013 của Chánh Thanh tra về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Trường CĐ Asean.

Do vậy, Bộ GD-ĐT yêu cầu nhà trường chấm dứt mọi hoạt động tuyển sinh, đào tạo ngành Dược tại TPHCM, Nghệ An và các địa điểm khác ngoài trường (nếu có).

Thanh tra Bộ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mới được phát hiện của Trường Cao đẳng Asean (sau khi đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-XPHC ngày 9/5/2013 của Chánh Thanh tra về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Trường CĐ Asean) với tình tiết tăng nặng; xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Trung cấp Việt Anh (Nghệ An).

Vụ Giáo dục Đại học tham mưu với Bộ trưởng để thu hồi Công văn số 1087/BGDĐT-GDĐH ngày 20/2/2013 của Bộ GD-ĐT.

Thanh tra Bộ tham mưu với Bộ trưởng GD-ĐT có văn bản gửi Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM, UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Hưng Yên về việc phối hợp xử lý sai phạm của các trường và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân thuộc trường liên quan đến sai phạm theo phân cấp tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Trường Cao đẳng Asean có trách nhiệm kiểm tra, rà soát cho thôi học, hoàn trả kinh phí cho những người không đủ điều kiện theo quy định về đối tượng đào tạo liên thông và đề xuất phương án khắc phục sai phạm cụ thể đối với người đủ điều kiện theo quy định về đối tượng đào tạo liên thông đang liên kết đào tạo trái phép và có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 30/5/2013; có văn bản báo cáo Bộ GD-ĐT kết quả giải quyết quyền lợi cho người học đang đào tạo sai quy định trước ngày 30/6/2013.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cham-dut-hoat-dong-tuyen-sinh-lien-ket-dao-tao-duoc-cua-truong-cd-asean-732125.htm

Hải Dương tuyên dương học sinh tiêu biểu, xuất sắc

Posted: 17 May 2013 09:15 PM PDT

(GDTĐ) – Ngày 16/5, Sở GDĐT Hải Dương long trọng tổ chức lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh (HS) giỏi các môn văn hoá năm học 2012 – 2013. Tới dự có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương – Bùi Thanh Quyến, cùng đại diện các Vụ chức năng của Bộ GDĐT, các Sở, ban ngành và đông đảo các thầy cô giáo, các em HS của tỉnh Hải Dương… 

Phát huy thành tích của những năm học trước, năm học 2012 – 2013, kết quả HS giỏi của Hải Dương tiếp tục được duy trì ổn định và có sự phát triển mới ở mức cao, mở rộng ra nhiều đối tượng HS. Số lượng và chất lượng HS giỏi cấp tỉnh tăng ở tất cả các bậc học. Bậc THCS có 960 HS lớp 9 dự thi tuyển chọn HS giỏi cấp tỉnh, trong đó có 617 em đoạt giải, chiếm 64,13%, trong đó có 12 giải nhất, 86 giải nhì, 230 giải ba và 260 giải khuyến khích. Khối THPT kết quả HS giỏi các khối (lớp 10, 11, 12) tiếp tục được duy trì và có bước phát triển. Các trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Nam Sách, Đoàn Thượng, Gia Lộc, vẫn giữ vững truyền thống về chất lượng HS giỏi ở cả 3 khối lớp… 

c
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển và Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương – Bùi Thanh Quyến trao thưởng cho những HS xuất sắc nhất năm học 2012-2013

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển đã ghi nhận những đóng góp và biểu dương các thành tích trong việc bồi dưỡng HS giỏi các bậc học của các thầy, cô giáo, thành tích của các em HS. Để tiếp tục nâng cao chất lượng GD đại trà, đặc biệt, để công tác bồi dưỡng HS giỏi của Hải Dương tiếp tục được phát huy với kết quả tốt hơn, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị ngành GD Hải Dương cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD, đổi mới phương pháp dạy học, có giải pháp phù hợp để phân loại, tuyển chọn và bồi dưỡng HS giỏi ngay từ bậc tiểu học, ngay từ đầu năm học nhằm duy trì và củng cố vững chắc thành tích HS giỏi hàng năm. Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành GD Hải Dương cần tiếp tục tăng cường các biện pháp huy động nguồn lực xã hội cho việc động viên, khen thưởng HS giỏi, GV có công trong việc bồi dưỡng HS giỏi kết hợp với kiện toàn và phát huy vai trò của các tổ chức hội khuyến học từ tỉnh đến huyện, thị, từ các cơ quan doanh nghiệp đến mỗi gia đình…

Tại buổi lễ, các em HS giỏi và các thầy, cô giáo có HS giỏi đạt thành tích trong năm học 2012 – 2013 đã được Bộ GDĐT, UBND tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen, Giấy khen cùng nhiều phần thưởng khác…

 T. Toàn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3010/201305/Hai-Duong-tuyen-duong-hoc-sinh-tieu-bieu-xuat-sac-1969162/

Nhóm trẻ gia đình: Lắm nguy cơ nhưng quản không xuể?

Posted: 17 May 2013 09:15 PM PDT

Đề cập về việc khó khăn trong việc quản lý bậc học mầm non, đội ngũ phụ trách bậc học này tại các Phòng GD-ĐT ở TPHCM sẽ thở dài nói ngay đến nhóm trẻ gia đình. Bởi việc quản lý và theo dõi chuyên môn không hề đơn giản.

Thu tiền thấp "hút" người học

Hiện nay toàn TPHCM có khoảng 1.200 nhóm trẻ gia đình hoạt động có giấy phép, nhưng thực tế có rất nhiều nhóm trẻ tự phát, hoạt động trông trẻ không đăng ký hoặc chưa đủ điều kiện. Việc trông trẻ tại nhiều nhóm trẻ có nguy cơ thiếu an toàn rõ ràng xuất phát từ việc thu tiền ăn quá thấp, cơ sở vật chất kém, đội ngũ trông trẻ thiếu chuyên môn lại thay đổi thường xuyên.

Trường mầm non Đô Rê Mon (huyện Bình Chánh, TPHCM) thực ra là nhóm lớp... chưa có giấy phép

Vấn đề được xem như là "căn bệnh kinh niên" của nhóm trẻ gia đình là thu tiền ăn quá thấp. Rất nhiều nhóm trẻ thu tiền ăn chỉ 20.000 đồng/3 bữa – khoản tiền mà các nhà quản lý lắc đầu, chắc chắn không thể đảm bảo cho sự phát triển của trẻ.

Thậm chí, bà Bùi Thị Kim Chùng, Phó phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho hay dù UBND huyện cho phép thu tiền ăn 22.000 đồng nhưng thực tế nhiều nhóm trẻ vẫn chủ thu 17.000 đồng, chất lượng bữa ăn của trẻ rất đáng lo ngại.

Bà Lê Thị Phước, Phó Phòng Giáo dục Q. Tân Bình bày tỏ, đã dùng đến rất nhiều cách như động viên đến cả la lên thì nhiều nhóm trẻ vẫn thu tiền ăn mức thấp vì điều kiện phụ huynh gửi con chỉ trong mức đó, tăng cao là người ta không gửi trẻ nên các nhóm trẻ chiều theo để "giữ" người học.

Quản không xuể

Quận Tân Bình có khoảng 130 lớp, nhóm lớp mầm non ngoài công lập trong khi chuyên viên bậc học này chỉ có 3 người còn phải lo rất nhiều vấn đề chuyên môn nên việc kiểm tra, theo sát các nhóm trẻ là không xuể.

"Chúng tôi nhắc nhở cải tạo cơ sở vật chất thì chủ nhóm lớp đưa ra lý do nhà thuê, chủ nhà nhà không cho sửa đổi nên an toàn cho trẻ cũng rất đáng lo ngại", bà Phước nói.

Đại diện quận Gò Vấp chia sẻ, địa bàn có 80 nhóm lớp việc kiểm tra cũng rất khó khăn, có khi một nội dung chuyên viên phải đi lại rất nhiều lần cũng chưa xong việc. Thế nên việc sâu sát các vấn đề ở nhóm trẻ gia đình rất nan giải.

Chất lượng nuôi dạy trẻ tại nhóm trẻ gia đình rất đang lo ngại (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – phó Trưởng Phòng GD-ĐT Q.5 cho rằng tuy trên địa bàn chỉ có 7 nhóm trẻ nhưng việc quản không hề đơn giản. Đáng ngại nhất là việc giáo viên ở nhóm trẻ thay đổi thường xuyên, không làm việc lâu dài và sự thiếu an toàn cho trẻ dễ gặp phải ở những giáo viên mới nhận lớp.

Tại Hội nghi giao ban bậc học mầm non, bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng Phòng Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ việc nhóm trẻ thu tiền ăn, cơ sở vật chất thấp để có phụ huynh gửi trẻ nên tồn tại rất nhiều vấn đề đáng lo ngại. Công tác quản lý rất nan giải vì đội ngũ giáo viên thay đổi liên tục, nơi nào tốt hơn thì họ lại chuyển chỗ. Nhiều trường hợp trong bảo hiểm xã hội là người khác nhưng đi làm việc thì lại là người khác.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh – phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh việc cấp phép cho các nhóm trẻ gia đình thuộc về chính quyền địa phương, còn ngành giáo dục chỉ hỗ trợ về chuyên môn để cùng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc trẻ. Trong quá trình đó sẽ động viên nhóm trẻ nào đảm bảo điều kiện thì xúc tiến thành lập trường.

Bà Thanh cũng chia sẻ, với điều kiện nhiều nhóm trẻ hiện nay, trẻ rất thiệt thòi và phải đối mặt với nhiều vấn đề không đảm an toàn, chất lượng. Hơn nữa địa phương cũng quản lý chưa chặt xuống tận các tổ dân phố nên việc vẫn tồn tại nhiều nhóm trẻ gia đình không phép.

Với nhiều bất cập như vậy nhưng với việc thiếu trường lớp như hiện nay, nhất là việc ưu tiên cho trẻ 5 tuổi phổ cập thì cùng với các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình giữ một vai trò cần thiết để đủ chỗ cho trẻ học.

Tháng 3/2013, Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi các Sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Trong đó, chỉ đạo các Sở phối hợp với phường xã kiên quyết đình chỉ các cơ sở giáo dục mầm non chưa đủ điều kiện.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhom-tre-gia-dinh-lam-nguy-co-nhung-quan-khong-xue-731972.htm

Trường CĐ ASEAN phải chấm dứt việc liên kết đào tạo liên thông trái phép

Posted: 17 May 2013 08:15 PM PDT

(GDTĐ) – Ngày 17/5, Bộ GDĐT đã có văn bản số 626/TB-BGDĐT, thông báo Kết luận của Bộ GDĐT liên quan đến các sai phạm của Trường CĐ ASEAN trong  hoạt động liên kết đào tạo liên thông. Dưới đây là toàn văn Kết luận:

Ngày 16/5/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có buổi làm việc với Trường Cao đẳng ASEAN về việc xử lý các sai phạm của Nhà trường trong hoạt động liên kết đào tạo liên thông.

Sau khi nghe báo cáo của Trường về hoạt động liên thông, liên kết đào tạo tại Tp.HCM và Nghệ An; ý kiến phát biểu của đại diện Cơ quan Bộ GDĐT tại Tp.HCM về quá trình phát hiện sai phạm của Trường; các ý kiến trao đổi của đại diện các đơn vị liên quan; ý kiến của đại diện Nhà trường đề nghị Bộ GDĐT giảm nhẹ hình thức xử lý vì Nhà trường mới thành lập và đã có nhiều cố gắng trong đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giảng viên; Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GDĐT kết luận như sau:

1. Trường Cao đẳng ASEAN thông báo, tuyển sinh, tổ chức liên kết đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, cấp bằng chính quy ngành Dược với Trường Trung cấp Vạn Tường (Tp.HCM) và Trường Trung cấp Việt Anh (Nghệ An) với số lượng sinh viên là 703 người. Việc liên kết đào tạo khi không được các cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm quy định tại Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2012 quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.

Việc Thông báo tuyển sinh và tổ chức đào tạo chính quy ngoài trường là vi phạm quy định tại Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học.

2. Những vi phạm trên đây thể hiện nhận thức pháp luật của Nhà trường trong việc tuyển sinh, đào tạo không đầy đủ, thái độ chấp hành pháp luật không nghiêm túc, cố ý thực hiện hành vi trái pháp luật nhiều lần, số lượng sinh viên đã tuyển và đào tạo lớn. Khi các vi phạm bị phát hiện, Nhà trường đã báo cáo không trung thực; bất chấp các cảnh báo và xử phạt của Bộ GDĐT, thể hiện thái độ coi thường pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

3. Tính đến thời điểm này, Nhà trường chưa thực hiện yêu cầu của Bộ GDĐT tại Công văn số 2733/BGDĐT-TTr ngày 25/4/2013 và Quyết định số 54/QĐ-XPHC ngày 09/5/2013 của Chánh Thanh tra về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Trường CĐ ASEAN.

4. Căn cứ quy định tại Quyết định số 06/2008/QĐ-BGDĐT ban hành quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008 quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; Thông tư số 08/2011/TT-BGDĐT ngày 17/02/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng; Nghị định số 49/2005/NĐ-CP ngày 11/4/2005 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP ngày 08/6/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, kết luận về xử lý sai phạm như sau:      

a) Yêu cầu Nhà trường chấm dứt mọi hoạt động tuyển sinh, đào tạo ngành Dược tại Tp.HCM, Nghệ An và các địa điểm khác ngoài trường (nếu có).

b) Thanh tra Bộ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm mới được phát hiện của Trường Cao đẳng ASEAN (sau khi đã ban hành Quyết định số 54/QĐ-XPHC ngày 09/5/2013 của Chánh Thanh tra về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với Trường CĐ ASEAN) với tình tiết tăng nặng; xử phạt vi phạm hành chính đối với Trường Trung cấp Việt Anh (Nghệ An).

c) Vụ Giáo dục Đại học tham mưu với Bộ trưởng để thu hồi Công văn số 1087/BGDĐT-GDĐH ngày 20/2/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d) Thanh tra Bộ tham mưu với Bộ trưởng GDĐT có văn bản gửi Ủy ban nhân dân (UBND) TpHCM, UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Hưng Yên về việc phối hợp xử lý sai phạm của các trường và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân thuộc trường liên quan đến sai phạm theo phân cấp tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

e) Trường Cao đẳng ASEAN có trách nhiệm kiểm tra, rà soát cho thôi học, hoàn trả kinh phí cho những người không đủ điều kiện theo quy định về đối tượng đào tạo liên thông và đề xuất phương án khắc phục sai phạm cụ thể đối với người đủ điều kiện theo quy định về đối tượng đào tạo liên thông đang liên kết đào tạo trái phép và có văn bản báo cáo Bộ GDĐT trước ngày 30/5/2013; có văn bản báo cáo Bộ GDĐT kết quả giải quyết quyền lợi cho người học đang đào tạo sai quy định trước ngày 30/6/2013.

Báo GDTĐ

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201305/Truong-CD-ASEAN-phai-cham-dut-viec-lien-ket-dao-tao-lien-thong-trai-phep-1969187/

Học sinh giỏi tiếng anh giành học bổng 120 triệu đồng

Posted: 17 May 2013 08:15 PM PDT

Sự kiện: Tiếng anh, học tiếng anh, trung tâm tiếng anh, tiếng anh du học

Nữ sinh giỏi tiếng Anh giành học bổng 120 triệu đồng

Vượt qua hơn 10.000 thí sinh, em Huỳnh Vũ Thảo Vy, học sinh trường Phổ thông năng khiếu TPHCM đã giành giải Nhất Giải Trần Đại Nghĩa lần 10, năm 2013 "Yola Toefl cup" với học bổng toàn phần cho khóa du học hè 2 tháng tại ĐH Loyola Chicago (Mỹ) trị giá 120 triệu đồng.

Trong phần thuyết trình bằng tiếng Anh, Huỳnh Vũ Thảo Vy, học sinh lớp 11 Toán trường Phổ thông năng khiếu TPHCM đã thuyết phục hoàn toàn được ban giám khảo và các thí sinh tham dự bằng kỹ năng diễn thuyết trôi chảy cộng thêm vốn tiếng Anh tốt. == Xem thêm bài viết về Kỹ năng thuyết trình tiếng anh

Từ bức ảnh ban giám khảo (BGK) đưa ra, Thảo Vy cho biết nhìn cảnh tượng lũ lụt, tai ương nhưng các bạn học sinh nơi đó vẫn cố gắng đến trường. "Em nhận thấy rằng mình có điều kiện tốt hơn các bạn ấy rất nhiều nên phải cố gắng học và sẽ quay lại giúp các bạn có hoàn cảnh như vậy", Thảo Vy bày tỏ suy nghĩ trong phần thi của mình.

Học sinh giỏi tiếng anh giành học bổng 120 triệu đồng | hoc tieng anh

Học sinh giỏi tiếng anh giành học bổng 120 triệu đồng | hoc tieng anh

Sau khi nhận giải, Thảo Vy chia sẻ rằng mặc dù sở trường của mình là chuyên Toán nhưng tiếng Anh cũng là môn học yêu thích của em. Bí quyết học tốt tiếng Anh của Vy là tự học thêm. Tham dự cuộc thi năm nay, Vy đã phát huy được 2 sở trường của mình.

Được biết, vòng Chung kết giải Trần Đại Nghĩa diễn ra ngày 12/5 với 100 thí sinh tham dự phải thi phần phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh với hội đồng BGK. Chủ đề ở phần phỏng vấn gắn liền với cuộc sống để thí sinh có thể trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình.

Kết thúc phần thi này, 10 thí sinh được chọn vào thi vòng thuyết trình với 4-5 phút để trình bày suy nghĩ, định hướng thông qua một bức ảnh BGK cung cấp. Ba thí sinh có điểm số cao nhất được trao giải Nhất, Nhì, Ba. Xem thêm các bài viết về chủ đề Học tiếng anh

Theo dõi buổi thi chung kết, bà Trần Thị Kim Thanh – phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá phần thuyết trình của các thí sinh rất hứng thú. "Để thuyết trình bằng tiếng Anh theo tiêu chuẩn châu Âu là nỗ lực rất lớn và bản lĩnh của các em. Nhiều đề tài được ban giám khảo đưa ra khá hóc búa đối với lứa tuổi các em nhưng các em vẫn diễn đạt tốt. Các em thực sự chiến thắng ở bản lĩnh và quá trình tích lũy kiến thức", bà Thanh nhận xét.

Đây là năm thứ 10 giải Trần Đại Nghĩa được Sở GD-ĐT TPHCM và báo Giáo dục TPHCM tổ chức.

Giải này giúp cho học sinh thệ thống hóa và khắc sâu kiến thức trọng tâm các môn học theo chương trình từ lớp 8 đến lớp 12. Bên cạnh đó, cuộc thi tăng cường phương pháp tự học, khuyến khích học sinh suy nghĩ, sáng tạo, phát huy tính tích cực trong học tập; tạo điều kiện cho học sinh giao lưu, nâng cao kiến thức, tạo động lực học tập.

Kênh Tuyển Sinh – Theo Tiền Phong – Xem tin gốc

Nguồn: http://kenhtuyensinh.vn/hoc-sinh-gioi-tieng-anh-gianh-hoc-bong-120-trieu-dong

Những bi kịch mang tên “cho con học đại học”

Posted: 17 May 2013 07:15 PM PDT

Nếu như ở miền Trung, miền Bắc…, một gia đình nghèo, phải vay mượn cho con cái thực hiện giấc mơ đổi đời bằng cách học đại học, và sẽ trở thành "tấm gương" của hàng xóm thì ngược lại ở nhiều địa phương của Đồng bằng sông Cửu Long, điều đó sẽ bị miệt thị kiểu "thân ốc mà bày đặt đòi mang mai rùa". Chính sự khinh rẻ này là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bi kịch đẫm nước mắt và máu trong thời gian qua…

Kỳ 1: Mẹ treo cổ chết vì… không có tiền đóng học phí cho con

Đã hơn 20 ngày, nhưng gia đình và người dân ấp 5, xã An Xuyên, thành phố Cà Mau vẫn chưa thôi bàng hoàng về cái chết của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân. Họ không tin và không thể nào lý giải nổi rằng vì sao, một bà mẹ của 3 người con, đã sống trên đời này đến 48 năm như chị Nhân lại có thể tự tay kết liễu cuộc sống của mình chỉ vì không vay được 4 triệu đồng cho con đóng học phí…

i hc, ngho, bi kch, t t

Anh Đinh Ngọc Bảo – chồng chị Nhân. Ảnh: H.V.M

Tôi gặp anh Đinh Ngọc Bảo – người đàn ông trông hom hem và cam chịu trước mọi thứ – là chồng chị Nhân tại chi nhánh NHNNPTNT thành phố Cà Mau, khi anh đang làm thủ tục trả nợ số tiền 25 triệu đồng mà vợ chồng anh vay cho con đi học trước đó. "Cũng… nhờ có tiền phúng điếu và cô bác hỗ trợ sau cái chết của vợ, tui mới trả được nợ ngân hàng, nếu không thì chẳng biết đến năm tháng nào tui mới trả được". Nói rồi anh cười, trông như mếu, bảo tôi "ráng chờ chút nữa rồi cùng về nhà nói chuyện". Đó là nụ cười duy nhất mà tôi nhận được từ anh Bảo trong suốt cả một ngày nói chuyện sau đó.

"Không lối thoát…"

Giữa trưa. Nhà anh Bảo, giống như bao gia đình nghèo khác ở miền Tây bốn bề bọc tôn, nóng nực tới mức tưởng như di ảnh của chị Nhân trên bàn thờ cũng toát mồ hôi như người lạ đang thắp hương cho mình. Hương vừa cắm xong là anh Bảo lấy tay quệt nước mắt, nắm tay tôi kéo vội xuống nhà sau. Anh gọi con trai út đang ngồi thu lu một mình sau vườn vào lấy nước mời khách.

"Nó tên là Ngân. Từ ngày bả mất, nó trở nên lầm lỳ. Nhớ hôm má nó chết, bà con ra trường chở nó vào. Nó bảo tưởng má hôm nay làm bánh gì ngon kêu nó vào ăn nên mừng hú…". Ông Bảo thở dài thườn thượt, nói "hai mươi ngày nay, đêm nào tui cũng thức trắng, ngồi một mình với hàng trăm câu hỏi vì sao? Thời gian gần đây, đêm nào vợ tui cũng nói chắc em sẽ chết thì may ra các con mình mới có cơ hội được tiếp tục đi học. Tui cũng có la rầy, khuyên bảo, nhưng chỉ nghĩ là vợ mình túng quẫn quá nên nói bậy, ai ngờ bả chết thiệt…".

Rồi anh kể, điều được điều mất, trước sau lẫn lộn. Anh và chị Nhân cưới nhau năm 1990, sinh được ba con trai: Đinh Công Bằng, đang học Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu; Đinh Thành Tâm, đang học lớp 11 và Đinh Phát Ngân, đang học lớp 8. Anh chị được cha mẹ hai bên cho 5 công (5 ngàn mét vuông) đất ruộng. Việc trồng trọt thất bát, cộng thêm vài trận bệnh của chị, đất phải bán đi để trả nợ nần và lo việc học cho các con.

Khác với phần lớn người dân trong ấp, anh chị cùng có ước mơ sẽ nuôi ba đứa con trai ăn học đến nơi đến chốn để được đổi đời. Với quyết tâm này, họ đã quần quật mười mấy năm qua bằng đủ nghề, từ phụ hồ, bán rau cải, bánh mì ngoài chợ… Và bi kịch cũng bắt đầu từ ước mơ này.

Đầu năm 2011, chị Nhân bị viêm thần kinh số 7, miệng méo và sức khỏe sa sút. Mỗi ngày chị phải chích thuốc hết 140 ngàn đồng, trong khi tiền công phụ hồ của anh Bảo chỉ có 100 ngàn đồng một ngày. Không thể cùng chồng phụ hồ được nữa nên chị xin giúp việc nhà cho một gia đình ở thành phố Cà Mau.

Khi đó, con trai lớn của chị là Đinh Công Bằng thi đỗ vào Trường Cao đẳng Dầu khí Vũng Tàu, tiền nong gia đình vì vậy càng thêm bức bách, nhất là khoản học phí một năm 8 triệu của Đinh Công Bằng. Túng quá, chị làm đơn ra xã chứng nhận hoàn cảnh khó khăn của gia đình để vay Ngân hàng Chính sách Cà Mau cho con đi học. Tuy nhiên, ngân hàng từ chối vì chị không có sổ hộ nghèo.

Chị lại về xin công nhận hộ nghèo nhưng xin mãi chẳng ai cho chị nghèo với lý do: Nhà chị có hai lao động chính, thu nhập 5 triệu đồng một tháng (anh làm thợ hồ 3 triệu, chị đi giúp việc được 2 triệu). Số tiền đó chia cho 5 nhân khẩu thì bình quân mỗi người được 1 triệu đồng một tháng. Trong khi theo quy định hiện hành, một gia đình muốn được công nhận là nghèo thì phải có thu nhập bình quân đầu người 401.000 đồng trở xuống.

Trước buổi chiều định mệnh 24.4 mấy hôm, chị Nhân xin chủ nhà nghỉ một hôm để đi chạy 4 triệu cho con nộp học phí và sau đó bất ngờ chị bị chủ nhà cho thôi việc luôn. Không chạy được tiền, lại mất việc, bệnh tật, rồi nợ nần, cực khổ, tủi nhục chồng chất bây lâu… đã khiến chị Nhân tìm đến cái chết bằng cách treo cổ ngay trong nhà mình.

i hc, ngho, bi kch, t t

Di ảnh chị Nhân. Ảnh: H.V.M

Chị chết vào chiều 24.4, để lại một một bức thư tuyệt mệnh 4 trang giấy học trò. Mở đầu chị viết: "Anh! Trong hoàn cảnh quá khổ sở, không lối thoát, em đành phải xa anh và các con…". Chị nói mình chọn cái chết là vì để cho chồng bớt gánh nặng tiền thuốc men cho vợ, dành phần tiền này lo cho các con ăn học vì bản thân bệnh nặng, sức khỏe tinh thần đều suy sụp, vì muốn phù hộ cho chồng con khỏe mạnh, trúng số độc đắc và cuối cùng là để chính quyền địa phương xót thương mà cấp cho chồng con chị cái sổ hộ nghèo hoặc cận nghèo. Chị viết: "Xin các cấp chính quyền ấp 5 thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống những ngày tháng còn lại trên đời…".

Chết vì sự vô cảm?

Cái chết của chị Nhân đã dấy lên những luồng dư luận trái chiều trên báo chí và ở Cà Mau, trong đó sự công kích nặng nề nhất dành cho chính quyền địa phương vì đã cứng nhắc trong việc xét hộ nghèo cho gia đình chị Nhân, dẫn đến thảm cảnh đau lòng chưa từng thấy ở vùng đất này. Ông Trần Đại Đoàn – Bí thư Đảng ủy xã An Xuyên; bà Nguyễn Thị Tiến – Hội trưởng Hội Phụ nữ ấp 5 – những người tôi gặp để tìm hiểu về nguyên nhân cái chết của chị Nhân, đều khẳng định là chính quyền địa phương không có lỗi trong cái chết của chị Nhân.

i hc, ngho, bi kch, t t

Bà Nguyễn Thị Tiến: "Chị Nhân chết không phải lỗi của chính quyền địa phương". Ảnh: H.V.M

"Dư luận, báo chí nói chị Nhân chết do ấp, xã An Xuyên không xét cấp hộ nghèo cho chị Nhân là không chính xác. Thực tế là gia đình chị Nhân không hề nghèo theo quy định và trong ấp, trong xã còn hàng chục gia đình khác nghèo hơn chị Nhân nhiều, nhưng không ai tìm đến cái chết cả" – bà Tùng bức xúc.

Theo lời bà Tùng (có xác nhận của ông Đinh Ngọc Bảo) thì "nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất dẫn đến việc chị Nhân phải thắt cổ tự vẫn ngoài bệnh tật, thiếu nợ, không chạy được tiền đóng học phí cho con… là sự vô cảm của anh em, bà con bên nhà chị Nhân".

Bà Tùng nói: "Từ nhà chị Nhân vạch bán kính một ngàn mét trở lại, đâu đâu cũng là anh em, bà con của chị. Và chị Nhân từng nhiều lần tâm sự với tui rằng, trong cơn túng quẫn, đã nhiều lần, kể cả trước khi chết mấy hôm, chị Nhân đã tìm đến họ, gõ cửa từng nhà để cầu xin sự giúp đỡ, nếu không chị sẽ tự vẫn chết, nhưng ai cũng làm ngơ. Thậm chí có ông anh ruột của chị Nhân còn nói đại ý mày về đào mả cha mẹ tao lên để bán mà lấy tiền cho con mày đi học…".

Ông Bảo ngồi rũ xuống, nước mắt lăn dài khi nghe bà Tùng nhấn mạnh câu cuối cùng. Ông kể cách đây mấy hôm, Chi bộ ấp 5 có tổ chức họp để bình xét lại chuyện nghèo của gia đình anh sau khi chị Nhân chết, có người đã đứng lên phê phán vợ chồng anh "thân ốc mà bày đặt đòi mang mai rùa" (ý nói nghèo không có tiền mà bày đặt cho con đi học đại học). Anh nấc lên từng hồi: "Mấy năm nay, chỉ vì ước mơ cho các con được đổi đời bằng cách đi học mà vợ chồng tui chịu không biết bao nhiêu điều tiếng của bà con cô bác. Ai cũng nói vợ chồng tui ngu, nghèo mà không để con ở nhà đi làm kiếm tiền, cho đi học làm chi để mang nợ…". Bà Tùng thở dài: "Đó là lý do khiến cả ấp, cả xã này, số em tốt nghiệp đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay…".

Ông Bảo lại khóc, nói "cũng may là bả chết không vô nghĩa". Ông kể sau khi chị Nhân mất, tiền phúng điếu và cô bác khắp nơi gửi về cho đến nay đã nhận được hơn 200 triệu đồng, đủ để trả nợ và để dành cho các con đi học. Rồi một nhà báo giấu tên đã hứa sẽ bảo trợ cho Đinh Công Bằng đến lúc tốt nghiệp; đích thân Chủ tịch thành phố Cà Mau cũng đã gặp anh Bảo hứa sẽ dành một suất việc cho Đinh Công Bằng sau khi tốt nghiệp. Với Đinh Thành Tâm và Đinh Phát Ngân, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Cà Mau cũng hứa sẽ miễn học phí cho hai em bắt đầu từ năm nay cho đến khi tốt nghiệp 12.

"Vợ tui thắt cổ chết cũng chỉ vì mong có được cái sổ nghèo để vay tiền cho các con tui đi học. Nghe nói sắp tới ấp và xã sẽ họp lần nữa để xét công nhận hộ nghèo cho tui. Nhưng tui quyết định rồi, sẽ không xin, không nhận hộ nghèo nữa…".

(TheoHoàng Văn Minh/ Lao Động)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/121540/nhung-bi-kich-mang-ten--cho-con-hoc-dai-hoc-.html

Nghĩ từ con số 46,5%

Posted: 17 May 2013 07:15 PM PDT

(GDTĐ) – Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra kết luận hết sức bất ngờ khi kiểm tra 419 chương trình liên kết đào tạo tại 18 trường (liên kết với 569 cơ sở đào tạo, đào tạo 105 ngành hệ ĐH và 82 ngành sau ĐH với 192.916 sinh viên, học viên và đã tốt nghiệp 96.787 người). Có đến 46,5% chương trình liên kết vừa học vừa làm chưa được Bộ GDĐT cho phép, một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, mời giảng viên tổ chức đánh giá kết quả học phần, không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương. 15/18 trường không có biên bản ghi nhận điều kiện cơ sở vật chất, danh sách giảng viên tham gia giảng dạy.

Rõ ràng, vấn đề liên kết đào tạo đã và đang nhiều bất ổn, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi người học, kỷ cương phép nước, uy tín của ngành Giáo dục. Vậy là trăm dâu đổ vào trách nhiệm quản lí ngành. Nhưng xung quanh câu chuyện 46,5% này, cũng còn trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan. Lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận: Thực tế việc liên kết giữa các trường trong nước, ngoài mối quan hệ thì vấn đề tăng nguồn thu cũng là yếu tố quan trọng. Trường liên kết gần như chỉ quản lý, theo dõi kết quả học tập, cấp phát bằng nên không tốn nhiều chi phí công tác đào tạo. Ngược lại, đối tác được liên kết gần như lo toàn bộ từ cả 3 khâu: Đầu vào – Đào tạo – Đầu ra. Lợi ích cục bộ đã được đặt trên lợi ích người học và xã hội!

Khi vì bài toán lợi ích cục bộ, một bộ phận đơn vị giáo dục đã bất chấp quy định pháp luật, cố tình vi phạm với nhiều chiêu thức rất tinh vi. Và, đương nhiên, khi đơn vị đã cố ý vi phạm, thì đồng thời  đi kèm họ cũng có hàng loạt chiêu thức che chắn. Thanh kiểm tra, vì thế,  không phải dễ! Đơn cử vụ Trường CĐ ASEAN liên kết đào tạo liên thông trái phép vừa qua. Lực lượng kiểm tra phải hết sức mưu trí mới qua được cổng gác, vào được những lớp học của trường này. Con số chương trình liên kết thì hằng trăm, hằng ngàn nhưng lực lượng thanh tra thì quá mỏng. Kiểm tra, lập biên bản, xử phạt rồi, sức răn đe vẫn chưa… tới. Một số cán bộ thanh tra cho biết: Mức xử phạt nhẹ quá… Tuyển trái phép cả ngàn SV, mức thu tiền tỉ mà phạt nhẹ hều thì… không ít đơn vị… chấp nhận phạt, nếu tính toán vẫn… có lợi!

Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm của các địa phương cũng không nhỏ. Nhiều địa phương chưa nắm hết hoạt động đào tạo trên địa bàn của mình và cũng thiếu cân nhắc khi đồng ý cho liên kết. Hiện nay hễ trường nào muốn liên kết chỉ cần nêu chiêu bài "đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương" thì y như rằng bất kể ngành nghề gì cũng được  địa phương thông qua mà chưa tính đến mức độ dư thừa của nhân lực. Quay lại chuyện CĐ ASEAN và ngành dược, thuộc nhóm ngành sức khỏe. Tại TPHCM có 27 cơ sở đào tạo trình độ TCCN ngành này, trong đó có 22 trường NCL, với 14.000 HS. Khảo sát của các trường NCL, theo báo cáo của Sở GDĐT, có đến 50-60% HS tốt nghiệp không xin được việc làm hoặc làm trái ngành…

Mô hình liên kết đào tạo được sinh ra với mục tiêu tốt đẹp: Tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nhưng  để cho mục tiêu đó được thực thi đúng hướng, cần phải quyết liệt hơn trong lập lại kỷ cương. Người học cũng cần am hiểu hơn quy định pháp luật để không rơi vào các chương trình đào tạo chui.

Hà Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201305/Nghi-tu-con-so-465-1969188/

Comments