Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đổi mới sư phạm phải đi trước phổ thông: Đòi hỏi cấp bách!

Posted: 17 May 2013 08:13 AM PDT

(GDTĐ) – Để "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục" (GD), một trong những đòi hỏi lớn nhất của dư luận, là các trường sư phạm (SP) phải tiên phong đổi mới. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, việc đổi mới ở các trường SP vẫn còn không ít trở ngại. Câu chuyện sau đây giữa PV Báo GDTĐ và PGS-TS Nguyễn Kim Hồng – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh sẽ giúp bạn đọc làm rõ hơn những bức xúc nói trên.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng
PGS-TS Nguyễn Kim Hồng

Phóng viên: Lâu nay, dư luận trong cũng như ngoài ngành có ý than phiền về việc các "lò" SP thường "đi sau" các cuộc cải cách phổ thông… Ông có suy nghĩ gì?

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng: Đúng là nhiều người nghĩ vậy, vì thấy rõ các trường SP trong đợt thay đổi chương trình và sách giáo khoa vừa qua chưa thể hiện tính tiên phong đối với cải cách phổ thông, dù chương trình và sách giáo khoa phổ thông hiện hành có sự đóng góp của nhiều giảng viên (GV) ĐH. Tuy nhiên, sự "vào cuộc" của các trường SP không đều: các trường hàng đầu có số lượng GV tham gia xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa, phản biện nhiều hơn các trường SP khác – điều ấy cũng là bình thường, vì ở các trường này, số lượng GV có học vị và học hàm cao chiếm phần lớn.

Chuyện các trường SP đi sau, ở đây được hiểu là họ đứng bên lề các cuộc cải cách, thay vì phải thể hiện tính tiên phong: đổi mới SP phải đi trước đổi mới phổ thông, phải dự báo được những thay đổi có thể xảy ra trong GD phổ thông. Ở góc độ này, rõ ràng các trường SP chưa thể hiện được vai trò của mình.

* Nhìn lại chặng đường 5 năm (2007-2012) công tác tuyển sinh của trường ĐH SP TP.HCM, ông có nhận xét gì? Phải chăng chất lượng "đầu vào" của trường nói riêng và ngành SP nói chung đang hồi báo động?

- 5 năm qua, số lượng học sinh thi vào khối các trường SP có xu thế sụt giảm. Những năm cuối của thế kỉ trước, có năm số thí sinh thi vào ĐH SP TP.HCM lên tới hơn 42.000 em. Năm 2012, số thí sinh đăng ký thi vào ĐH SP TP.HCM chỉ còn một nửa. Tất nhiên, khi số thí sinh chỉ còn một nửa, việc chọn điểm tuyển cũng không như trước, nhưng ở một số ngành học, điểm tuyển không giảm như: Tiếng Anh, Toán, Văn, Hóa học, GD Tiểu học và GD Mầm non… Một số ngành luôn gặp khó khăn trong tuyển sinh là GD Đặc biệt, GD Chính trị. Nguyên nhân của thí sinh ít đăng kí thi vào các trường SP thì có nhiều, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất bắt nguồn từ thu nhập của GV. Các ngành luôn có điểm tuyển cao, là những ngành mà sinh viên sau khi tốt nghiệp có thu nhập tốt. Các ngành khó tuyển sinh là những ngành mà sinh viên tốt nghiệp có thu nhập thấp. Ảnh hưởng của kinh tế thị trường càng ngày càng rõ nét trong mọi lĩnh vực và nó không loại trừ GD. Nếu chúng ta có chính sách tốt dành cho GD, nhất là chính sách tiền lương, thì khi đó các trường SP sẽ có sức hút hơn, điểm tuyển đầu vào cũng cao hơn.

Chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố cấu thành chất lượng đầu ra. Nếu đứng ở góc độ này, hồi chuông báo động đang rung lên ở nhiều trường SP, đặc biệt là các trường có tuyển sinh viên SP ở các ĐH địa phương, các trường vừa được chuyển từ đào tạo CĐ lên ĐH, nó sẽ lan sang cả các trường ĐH SP danh tiếng, trong đó không loại trừ trường chúng tôi. Mặc dù cho tới thời điểm này, điểm tuyển sinh vào ĐH SP TP.HCM vẫn thuộc top đầu các trường SP nói riêng và các trường ĐH nói chung.

* Cán bộ – GV của các trường SP nước ta hiện nay, theo ông đang có mức sống vật chất như thế nào so với các trường ĐH SP một số nước?

- Việc thu nhập của cán bộ viên chức các trường SP khác cũng như ĐHSP TP.HCM không thuộc nhóm có thu nhập cao trong các ĐH. Sau khi có chính sách thâm niên trong GD, thu nhập của GV tốt hơn trước, nhưng tập trung vào những giảng viên có thâm niên giảng dạy cao, nhóm giảng viên trẻ có tuổi đời dưới 30 thì mức tăng không đáng kể.

Thu nhập trung bình của cán bộ viên chức trong trường chúng tôi trong năm vừa qua bằng 1,5 lần thu nhập từ lương. Trong quá khứ, đã có thời gian, mức thu nhập trung bình của cán bộ viên chức gấp 2 lần thu nhập từ lương. Thu nhập bình quân tăng do tăng lương tối thiểu của nhà nước, nhưng tỉ lệ % thu nhập từ trường có xu hướng giảm.

Nhìn chung, thu nhập của GV vừa ra trường, có thời gian công tác dưới 15 năm (gần một nửa thời gian làm việc sau khi tốt nghiệp), mức thu nhập là khó sống.

Ở các nước phát triển, GV ĐH có thu nhập khoảng 3.500 – 4.000 USD/tháng. Thu nhập của GV vào mức trung bình trong xã hội, trừ một số nước Bắc Âu. GV ĐH có mức thu nhập cao hơn khoảng 25% – 30 % so với GV phổ thông.

Giờ tự học của SV ĐH Sư phạm TP.HCM
Giờ tự học của SV ĐH Sư phạm TP.HCM

* Theo ông, đâu là những đòi hỏi khắt khe nhất đối với sinh viên các trường SP của ta thời "đổi mới căn bản và toàn diện GD" đang bắt đầu hiện nay?

- Tôi nghĩ rằng, sinh viên các trường SP trong giai đoạn "chuyển mình" của GD phổ thông nước nhà, sẽ phải cố gắng gấp bội sinh viên trước đây. Nói như vậy là vì, các trường SP nói riêng sẽ thực hiện Luật GD ĐH, trong đó có việc các trường được "toàn quyền" trong việc xây dựng chương trình học. Điều quan trọng là chương trình đó phải đáp ứng được sự thay đổi của GD phổ thông giai đoạn tới.

GD là sáng tạo. Người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành nhân cách, kiến thức và kỹ năng cho HS-SV. Những đòi hỏi của GD phổ thông giai đoạn mới đó là những kỹ năng giải quyết những tình huống trong cuộc sống thực, sáng tạo, hội nhập quốc tế… là vô cùng quan trọng. Sinh viên các trường SP sau tốt nghiệp phải làm được những điều đó. Vì thế họ phải được đào tạo để đáp ứng nhu cầu công việc. GV phải biết làm cho HS-SV tự tin, biết tự học, biết giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, tức là biết làm chủ mình và làm chủ cuộc sống. Họ phải là những người hết lòng yêu nghề, mến trẻ.

* Một mình các trường SP không thể đủ sức tạo "vầng hào quang rực rỡ" thu hút cán bộ, GV, SV giỏi về với mình… Có lẽ ông đã trăn trở rất nhiều?

- Tất nhiên, giải bài toán GV không chỉ trông vào sự nhiệt huyết, quyết tâm của các trường SP, mà còn là sự quan tâm của cộng đồng đối với GD, sự xác lập của cộng đồng về vị trí người thầy và cả về thu nhập của nhà giáo nữa. Nếu chúng ta có quyết tâm chính trị, chúng ta huy động được sức mạnh cộng đồng cùng chung tay, góp sức cho GD; nếu vị thế của người thầy trong xã hội được coi trọng và nếu những thầy cô giáo không phải chật vật kiếm sống, thì chúng ta sẽ có được một lực lượng GV giỏi, tất nhiên chúng ta cũng có được các thế hệ HS-SV tự tin bước vào cuộc sống trong xã hội phát triển và hòa nhập hiện nay.

* Việc bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo chuyên đề, để nâng cao chất lượng đội ngũ GV mầm non và phổ thông đã và đang tiến hành lâu nay, bị dư luận cho là xa rời thực tiễn và ít có hiệu quả… Ông có ý kiến như thế nào?

- Việc chuẩn hóa đội ngũ GV các cấp, trong đó có bậc mầm non là rất cần thiết. Trong những năm qua, Bộ GDĐT đã ban hành chuẩn nghề nghiệp GV các cấp. Việc "nâng cấp" GV cho đạt chuẩn là việc phải làm, đặc biệt là chuẩn GV bậc mầm non và tiểu học – đây là bậc học đầu cấp. "Dấu ấn" mà nhà trường "ghi" lên người học sẽ đi theo họ trong suốt cuộc đời, không thể "đóng nhầm, đóng sai", nên việc chuẩn hóa là rất cần thiết. Tất nhiên, thực hiện chuẩn hóa bất chấp chất lượng thì không thể chấp nhận. Nếu trường nào không làm tốt việc chuẩn hóa qua đào tạo là lỗi của trường đó. Đừng vì lỗi của một đơn vị mà cho rằng chủ trương chuẩn hóa là xa rời thực tiễn, là ít hiệu quả.

* Xin cảm ơn ông!

Đinh Lê Yên (thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3064/201305/Doi-moi-su-pham-phai-di-truoc-pho-thong-Doi-hoi-cap-bach-1969183/

Hơn 200 học sinh nhảy flashmob chia tay mái trường

Posted: 17 May 2013 08:13 AM PDT

(TNO) Trưa nay 17.5, hơn 200 học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đồng loạt nhảy ngẫu hứng trước sân trường sau buổi học cuối cùng.

Chia tay mái trường bằng flashmob
Hàng chục ngàn người nhảy flashmob mừng năm mới 2013
Hơn 300 bạn trẻ nhảy flashmob ở bãi biển 
Tổ chức lễ trưởng thành cho học sinh lớp 12
Hơn 500 học sinh nhảy Big Dance cổ động Olympic 2012 

Sau buổi học cuối cùng của năm học 2012-2013, tập thể học sinh lớp 12 và một số học sinh lớp 10, 11 đã nhảy flashmob trên sân trường để chia tay mái trường.

Các học sinh đã trình diễn các bài nhảy trào lưu hiện đại bên cạnh xếp hình và chữ trong tiếng reo hò cổ vũ của học sinh khối 10 và 11.

Màn nhảy chỉ diễn ra trong vòng 5 phút nhưng đã thu hút rất đông học sinh tham gia. 

Các tiết mục được chia làm 2 phần với phần đầu là các chữ cái được lần lượt xếp thành “We love LHP” (LHP – Lê Hồng Phong) và phần 2 là tái hiện những trò chơi tuổi học trò.

Dưới đây là một số hình ảnh Thanh Niên Online ghi nhận tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sáng nay:

Hơn 200 học sinh nhảy ngẫu hứng chia tay trường
Các học sinh thay nhau nhảy đơn trước khi đồng diễn tập thể

Hơn 200 học sinh nhảy ngẫu hứng chia tay trường
Hơn 200 học sinh 3 khối lớp cùng nhảy

Hơn 200 học sinh nhảy ngẫu hứng chia tay trường

Hơn 200 học sinh nhảy ngẫu hứng chia tay trường

Hơn 200 học sinh nhảy ngẫu hứng chia tay trường


Học sinh đứng tràn ở các hành lang, ban công xem trình diễn

Hơn 200 học sinh nhảy ngẫu hứng chia tay trường
Hình trái tim thay cho chữ “yêu”, một trong những chữ học sinh xếp thành “We love LHP” (Chúng tôi yêu Trường Lê Hồng Phong)

Hơn 200 học sinh nhảy ngẫu hứng chia tay trường
Cuối màn biểu diễn, hàng trăm học sinh ập đến trước khu vực sân chính để ghi lại hình ảnh đẹp trong đời học sinh

Tin, ảnh: Hoàng Quyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130517/hon-200-hoc-sinh-nhay-flashmob-chia-tay-mai-truong.aspx

Học sinh đầu trần đến trường nơi ‘chảo lửa’

Posted: 17 May 2013 07:14 AM PDT

Số giấy phép: 1285/GP – BTTTT, cấp ngày 27/8/2008

Cơ quan chủ quản: Bộ Thông tin và Truyền thông

Tổng Biên Tập: Bùi Sỹ Hoa

 

Tòa soạn: Tòa nhà C´Land, 156 Xã Đàn 2, Phường Nam Đồng, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại: (04) 37722729 , Fax: (04) 37722734

 

Văn phòng đại diện tại TP.HCM: 51 Trương Định, P.6, Q.3

Điện thoại: (08) 39309882, Fax: (08) 39309881

 

Email: vietnamnet@vietnamnet.vn

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/121629/hoc-sinh-dau-tran-den-truong-noi--chao-lua-.html

Tự học

Posted: 17 May 2013 07:13 AM PDT

(GDTĐ) – Sau mỗi mùa thi cử, những gương mặt thủ khoa các trường Đại học lại xuất hiện. Điều đáng nói, phần đông các thủ khoa đều xuất thân từ con nhà nông, nhà nghèo. Không có tiền chạy theo những khóa ôn thi này nọ, các em đã tìm ra cho mình con đường tới đích hiệu quả nhất, đó là "tự học".

Cần có kỹ năng tự học

Trong quá trình đổi mới phương pháp giảng dạy trong giáo dục thì vai trò của người học đã có sự thay đổi, họ trở thành người giữ vai trò trung tâm, là chủ thể tích cực chủ động sáng tạo của quá trình học tập. Bên cạnh việc học ở lớp dưới sự hướng dẫn của giáo viên thì người học còn phải tự nghiên cứu, tự tìm hiểu khám phá để lĩnh hội tri thức. Không những thế, về mặt tâm lý học cũng cho thấy việc tự học sẽ làm cho người học phát huy được hết nội lực đem lại hiệu quả hơn trong quá trình học tập. 

Quá trình giảng dạy hơn 20 năm của mình, cô Nguyễn Thị Khánh – giáo viên môn Văn Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (Hà Nội) có nhận xét: Năng lực tự học của học sinh còn nhiều hạn chế. Phần lớn học sinh vẫn học thụ động và những kiến thức mà học sinh có được chủ yếu là ở trường học do giáo viên cung cấp, học sinh chưa có nhu cầu và thói quen tự học. Một số khác tuy đã có ý thức tự học nhưng chưa có kỹ năng nên chưa đem lại kết quả cao trong học tập. Vì vậy, theo cô Khánh, giáo viên cần phải quan tâm đến vấn đề tự học của học sinh và cần giúp cho các em có được một kỹ năng tự học thật tốt, nhất là đối với học sinh THPT. Điều này sẽ giúp các em có thể thích ứng ngay và học tốt khi chuyển lên học đại học và chuyên nghiệp sau này.


Ý thức tự học sẽ giúp HS có kết quả tốt trong thi cử

Từ thực tế ngày nay cũng cho thấy, vì học sinh quá thụ động vào các bài giảng của thầy cô trên lớp nên rất lười suy nghĩ và thiếu sáng tạo trong học tập hay đào xới thêm kiến thức. Và cũng chính vì chỉ học gói gọn trong các bài giảng trên lớp nên dẫn đến tình trạng học sinh phải đi học thêm tràn lan. Từ đó các em không có sự độc lập trong suy nghĩ, phụ thuộc vào thầy cô và bị tác động, áp lực từ điểm số, kết quả không thực chất; các em không chủ động được thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe…

Chị Vũ Hồng Nga (Đống Đa – Hà Nội) cho biết: Con trai chị đang học lớp 12. Mặc dù đang trong quá trình ôn thi tốt nghiệp và đại học nhưng chị thấy con dành ít thời gian cho học tại nhà. Thời gian học của cậu con trai chủ yếu là trên lớp và các buổi học thêm. Mặc dù đi học tối ngày song học lực của con chị chỉ ở dạng trung bình. 

Tự học không những giúp học sinh không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập khi còn ngồi trên ghế nhà trường, mà còn trang bị cho các em năng lực, hứng thú, thói quen, có phương pháp tự học thường xuyên và suốt đời. Qua đó giúp các em rèn luyện đức tính tự lập, ít phụ thuộc vào người khác đặc biệt là thầy cô ở trường. Từ đó chất lượng học tập của các em sẽ được đánh giá thực chất hơn. Có thể nói kinh nghiệm tự học của các em thường do người lớn truyền lại, do nhận biết được trong quan hệ giữa giáo viên và học sinh hoặc do thể nghiệm của bản thân, do tiếp thu qua sách, báo… Kinh nghiệm tuy không có tính chất hệ thống, đôi khi còn thiếu tính chính xác, nhưng vẫn là cơ sở, điều kiện rất cần thiết cho mọi hoạt động của các em. Kinh nghiệm càng phong phú thì hoạt động càng dễ dàng đạt được hiệu quả cao.

Lò luyện Không thể thay tự học

Chia sẻ của hàng chục thủ khoa ở các trường đại học, học viện trong mùa thi Đại học 2011- 2012 đều cho thấy trên 90% số thủ khoa tự ôn thi ở nhà và cho rằng đây là phương pháp hiệu quả. 

Thủ khoa Trường Đại học Y Hà Nội nói: Ngoài việc nắm vững kiến thức đã có, các bạn nên tự làm đề từ năm lớp 11. Sau khi làm cần tự chấm điểm và tìm ra cái sai của mình để tự sửa. Ôn thi, nếu không biết tận dụng thời gian để tự nghiên cứu, tự học sẽ không đạt kết quả tốt. Đến lò luyện nếu không học hành nghiêm túc, chỉ đến để "chém gió", tìm bạn… thì tốn thời gian mà không đem lại hiệu quả. 


Lò luyện không thể thay việc tự học 

Hầu hết các thủ khoa cũng cho rằng, việc tới lò luyện cũng tốt nhưng chỉ là giải pháp tâm lý. Bởi lẽ, tất cả kiến thức cơ bản đều có trong sách giáo khoa. Chỉ cần ôn theo hệ thống, học theo phương pháp hợp lý. Và đúng như Lê Cao Khánh, thủ khoa ĐH Thủy lợi bày tỏ quan điểm: "Đề thi đại học chỉ bao quanh kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Hội đồng ra đề không thể ra đề ngoài sách".  

Thời điểm này, nhiều phụ huynh ở Hà Nội có con thi đại học năm nay đang tấp nập tìm lò luyện thi cho con với mong muốn con được bổ sung những kiến thức "sát đề" "trúng đề", ôn luyện tâm lý làm bài vững vàng… từ đó tăng khả năng đỗ cao. Song có lẽ như một giảng viên tham gia giảng dạy tại trung tâm luyện thi đại học nói: "Không có chuyện đến trung tâm ôn tập thì sẽ trúng đề. Trước khi đến bất kỳ trung tâm nào, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Kiến thức chính vẫn là do các em tự học…" thì các bậc phụ huynh và học sinh cần phải suy nghĩ lại. 

Một thủ khoa Học viện An ninh nhân dân cũng khẳng định: Việc đi lò luyện ôn là giải pháp tâm lý cho các thí sinh chưa nắm vững kiến thức. Đa số các sĩ tử đỗ cao thì nguyên nhân chính vẫn do tinh thần tự học ở nhà, phương pháp học khoa học, chăm chú ghi chép, nghe lời thầy cô giảng trên lớp. 

Bí quyết tự học 

Qua kinh nghiệm giảng dạy bộ môn Toán bậc trung học, thầy giáo Lương Đức Tuấn – Giáo viên môn Toán Trường Trung học phổ thông Trần Phú (Móng Cái – Quảng Ninh) chia sẻ: Tùy vào đặc điểm của từng môn học mà việc rèn luyện kỹ năng tự học của học sinh cũng có những nét đặc thù riêng. Ví như, Toán học cũng là một môn khoa học nghiên cứu về các quan hệ số lượng, hình dạng và logic trong thế giới khách quan. Vì vậy, Toán học so với các môn học khác có các đặc điểm cơ bản đó là tính trừu tượng cao, tính thực tiễn phổ dụng và tính logic. Chính những đặc điểm này đã tác động không nhỏ đến việc rèn luyện kỹ năng tự học của học sinh. Nó đòi hỏi học sinh ngoài giờ lên lớp cần phải dành thời gian ở nhà để suy nghĩ, đào sâu, nghiên cứu, tìm hiểu kỹ sách giáo khoa cũng như ở trong các nguồn tài liệu khác mới có thể hiểu rõ và nắm vững các nội dung kiến thức… 

Nguyễn Đức Mạnh – một du học sinh tại Mỹ chia sẻ: Trước khi đến lớp, cần đọc trước nội dung chương mục, ghi câu hỏi, cố gắng đề xuất câu trả lời, sau đó đối chiếu với câu trả lời của thầy cô, bạn bè. Tham gia giờ học đầy đủ và ghi chép các ý chính, các ý phát triển… một cách có hệ thống. Sau buổi học cần làm bài tập, tự học qua sách, tài liệu từ Internet một cách nghiêm túc.

Tự học trước khi thi sẽ giúp bạn tập trung tâm trí, thời gian để ôn bài, bổ sung lỗ hổng kiến thức, phát hiện tìm tòi nhiều điều hay, tìm ra phương pháp làm bài khoa học. Tự học giúp bạn ghi nhớ kiến thức từng bài, từng phần một cách dứt điểm, lâu bền, sâu sắc và logic, giúp thí sinh đi thi làm bài chính xác, ngắn gọn, sáng tạo, đạt điểm cao.

Theo Mạnh, để có hiệu quả, học sinh cần có thái độ tự học nghiêm túc, có kỷ luật, nỗ lực hoàn thành mọi bài học theo kế hoạch đặt ra, luôn cầu thị, không tự bằng lòng với kiến thức đã có.

Lê Văn Lương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3006/201305/Tu-hoc-Chia-khoa-thanh-cong-1969184/

Tìm thấy thi thể 2 học sinh mất tích khi tắm biển

Posted: 17 May 2013 07:13 AM PDT

Thi thể của em Hà Công Minh (học sinh lớp 7, Trường THCS Đồng Phú, TP Đồng Hới) sau 2 ngày mất tích đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhật Lệ phối hợp với lực lượng chức năng tìm thấy tại vùng cửa biển, cách vị trí bị nạn khoảng 500m vào 9 giờ 30 sáng nay.

Tìm thấy thi thể 2 học sinh mất tích khi tắm biển
Trong hai ngày qua, người thân nạn nhân không nguôi hy vọng và chờ đợi khoảnh khắc thi thể các em được vớt lên

Trước đó vào sáng 16/5, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của em Lê Ngọc Hoàn cũng tại khu vực trên.

Như Dân trí đã đưa tin, vào khoảng 15 giờ 30 ngày 15/5, một nhóm 7 em học sinh lớp 7 trường THCS Đồng Phú, TP Đồng Hới, rủ nhau ra biển tắm tại khu vực cửa biển Nhật Lệ, phường Hải Thành, TP Đồng Hới. Do gặp phải dòng nước xoáy, địa hình không ổn định nên 3 học sinh gồm: Hà Công Minh, Phan Quốc Hiếu và Lê Ngọc Hoàn đã bị sóng cuốn trôi. Em Hiếu may mắn được người dân gần đó cứu sống và đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới cấp cứu và hiện sức khỏe của em đang bình phục, còn em Minh và Hoàn bị mất tích đến nay mới tìm thấy thi thể.

Đức Tài

Nguồn: http://dantri.com.vn/xa-hoi/tim-thay-thi-the-2-hoc-sinh-mat-tich-khi-tam-bien-731890.htm

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Trường “hot” và tỷ lệ “chọi”

Posted: 17 May 2013 03:13 AM PDT

(GDTĐ) – Chọn trường nào, ngành nào, làm thế nào để cầm chắc thi đỗ đại học là băn khoăn của hầu hết thí sinh và gia đình vào mỗi mùa tuyển sinh. Nhiều dự đoán được đưa ra dựa vào tỷ lệ thí sinh dự thi thường được gọi là tỷ lệ "chọi" của các trường ngành học, hay điểm chuẩn những năm gần đây và đặc biệt là độ "hot" của ngành học hay trường đại học. Tuy nhiên những phán đoán này vẫn chỉ luôn là phán đoán. Nhiều khi, thực tế lại khác xa với những dự báo được đưa ra. Phải biết tự lượng sức mình, "liệu cơm gắp mắm" là cách hiệu quả nhất dẫn đường cho thí sinh tới giảng đường đại học.

Sức học nào thi vào trường "hot" 

Theo số liệu thống kê tuyển sinh của các cơ quan chức năng, những năm gần đây số lượng thí sinh dự thi đạt tổng điểm 3 môn từ 15 trở lên luôn chiếm khoảng 13 – 20% trên tổng số thí sinh dự thi cả nước. Với mức điểm này, thí sinh cầm chắc mình sẽ đạt mức điểm sàn theo quy định của Bộ GDĐT. Đây là giới hạn khả năng trúng tuyển vào một trường nào đó. Tuy nhiên, trúng tuyển hay không lại phụ thuộc nhiều vào sự lựa chọn sáng suốt của thí sinh. 

Thực tế cho thấy, các thí sinh có lực học giỏi đều tập trung vào các trường "top" trên và các ngành nghề "hot". Số thí sinh này không nhiều nên tỷ lệ chọi của các trường này thường thấp hơn nhiều so với các trường top giữa, nhưng do "chất lượng" thí sinh cao nên điểm chuẩn ở những trường này luôn ở mức cao, thường phải từ 21 điểm trở lên. Có thể điểm mặt những trường này như Đại học Y Hà Nội, Đại học Dược Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Học viện Bưu chính viễn thông… Mà đỉnh điểm của sự kiện này là Đại học Y Hà Nội. Năm 2008 thí sinh dự thi vào ngành Bác sĩ răng – hàm – mặt đạt 28 điểm vẫn bị trượt vì ngành học này lấy tới 28,5 điểm. 


 Nộp hồ sơ dự thi

Thử nhìn vào xu hướng chọn trường, ngành trong một vài năm gần đây cho thấy các ngành học kinh tế đang ở trên thế thượng phong, nhưng câu nói cửa miệng trong dân gian "nhất y, nhì dược" cho thấy các ngành học này vẫn tiếp tục thể hiện đẳng cấp chứ không dễ bị đánh đổ bởi các ngành học Tài chính – ngân hàng. Đặc biệt bước sang mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 này thì một lần nữa các trường Y – Dược lại khẳng định ngôi "vương" khi tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi cao vượt khối ngành kinh tế.

Có nên căn cứ vào tỷ lệ "chọi" 

Nhiều chuyên gia tuyển sinh đều chung quan điểm rằng thí sinh không nên căn cứ vào tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi hay thường gọi là tỷ lệ "chọi". Con số này chỉ mang tính ước lệ tương đối thôi chứ không khẳng định được điều gì. Có thể lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhưng tỷ lệ dự thi ít, hồ sơ ảo nhiều, hoặc chưa chắc những thí sinh dự thi đã là những đối tượng sáng danh trên thí trường, vì thực tế như các số liệu thống kê đưa ra thì lượng thí sinh có điểm tổng cho cả 3 môn chỉ vào  khoảng từ 15 – 20%. 

Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008, dư luận đã hết sức bất ngờ trước điểm chuẩn của ngành bác sĩ răng – hàm – mặt của Đại học Y Hà Nội lên tới 28,5 điểm. Thế nhưng trong số thí sinh dự thi vẫn có hơn 50 thí sinh đạt được mức điểm này trở lên. Còn 2 năm gần đây là 2011 và 2012, điểm trúng tuyển của ngành học này lần lượt là 25,5 và 24 điểm và chỉ tiêu tuyển sinh cao gấp đôi năm 2008 tức là 100 chỉ tiêu. Có thể thấy sau sự kiện thí sinh có e dè hơn khi đặt bút đăng ký dự thi vào các ngành đặc biệt "hot" thế này, nhưng nhìn vào điểm trúng tuyển thì không đạt đỉnh điểm như năm 2008 nhưng ngành học này vẫn lấy điểm chuẩn rất cao. Và thống kê cho thấy lượng thí sinh có điểm cạnh tranh ở mức này cũng không nhiều.

Còn với ngành học sư phạm mà mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 này đang được đánh giá là có sức hút mới đối với người học. Nhìn lại thời kỳ trước năm 2008, Sư phạm là khối ngành thu hút khá đông thí sinh vì được miễn học phí. Nhưng cũng kể từ năm 2008 đến nay thì số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào các ngành sư phạm giảm dần. Trước việc hồ sơ đăng ký dự thi tăng đột biến ở các trường sư phạm, việc này cũng đồng nghĩa với tỷ lệ "chọi" vào các trường sẽ cao. Như vậy thí sinh sẽ phải tranh giành quyết liệt để có một ghế vào giảng đường. Nhận định về việc này, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng, không có căn cứ để chứng minh việc đông thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành sư phạm cao thì thí sinh sẽ phải cạnh tranh nhau nhiều hơn vì thực tế với những chế độ, chính sách mới ban hành tuy có hấp dẫn người học vào sư phạm, nhưng vẫn chưa đủ để cuốn hút người giỏi. Thí sinh sẽ còn tiếp tục suy nghĩ để đưa ra quyết định cuối cùng, chứ không hẳn đăng ký là dự thi. Tương tự, đối với khối ngành nông lâm ngư nghiệp mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 này cũng được coi là biến động.

Trước thực tế này, các chuyên gia tuyển sinh đều có lời khuyên đối với thí sinh là chỉ nên tham khảo thôi chứ không nên dựa vào những "biến động" ngành nghề để dự thi. Tốt hơn hết là thí sinh dựa vào sức học của mình, học giỏi, tự tin vào sức học thì chọn thi vào trường mà mình thích. Còn với những thí sinh chỉ với mức học khá thì nên chọn những trường có mức điểm trúng tuyển vừa phải. Bởi vì, nhiều khi trường có tỷ lệ chọi cao nhưng điểm xét tuyển lại thấp hơn trường có tỷ lệ chọi thấp. Vì thực tế là số thí sinh "phải chọi với nhau" không nhiều vì có rất nhiều thí sinh điểm thấp. Quyết định điểm chuẩn trúng tuyển cao hay thấp phụ thuộc vào chất lượng thí sinh dự thi.  

Dĩ Hạ

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201305/Tuyen-sinh-DH-CD-2013-Truong-hot-va-ty-le-choi-1969176/

Giá đất tụt dốc, trường học tiền tỉ bỏ hoang

Posted: 17 May 2013 03:13 AM PDT

Được sự cho phép của UBND TP. Vinh (Nghệ An), UBND phường Vinh Tân đã lên kế hoạch xây dựng trường học mới chỉ cách trường học cũ chừng 30m và khởi công từ năm 2010.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2005 Trường Tiểu học Vinh Tân đã được phê duyệt xây dựng trường học mới trước sự vui mừng của hàng chục giáo viên và hàng trăm phụ huynh học sinh. Bởi trường học cũ hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, không đủ phòng học cho con em trong phường học tập. Nhưng sau khi được phê duyệt thì mãi tới năm 2010, Trường Tiểu học Vinh Tân mới được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, công trình trên hiện nay đã xây dựng dang dở thì bỏ hoang cho đến tận hôm nay.

Được biết, Trường Tiểu học Vinh Tân mới được xây dựng trên địa bàn khối Cộng Hòa, phường Vinh Tân, TP. Vinh. Trường được thi công từ năm 2010 với tổng kinh phí gần 10 tỉ đồng- được chia làm 3 giai đoạn (giai đoạn 1 kinh phí xây dựng là 3 tỉ đồng, giai đoạn 2 kinh phí xây dựng gần 5 tỉ đồng và giai đoạn 3 kinh phí xây dựng gần 2 tỉ đồng), nguồn vốn trên do UBND phường Vinh Tân linh động từ quỹ đất của địa phương và được UBND TP. Vinh hỗ trở một phần kinh phí.

Tuy nhiên sau gần 3 năm xây dựng, trường học này vẫn chỉ xây dựng phần thô của tầng 1, và tầng 2 và bờ tường rào bao quanh trường, còn lại đang còn dở dang. Theo tìm hiểu, do thiếu kinh phí và phần giải phóng mặt bằng của 2 hộ nằm trên địa bàn nên nhà thầu thuộc Công ty Đông Dương đành "ngậm ngùi" bỏ công trình trọng điểm này của phường. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Sửu – Chủ tịch UBND phường Vinh Tân, thì ông này cho biết: "Theo kế hoạch thì Trường Tiểu học Vinh Tân đã được đưa vào sử dụng từ năm học 2011-2012. Tuy nhiên, trong thời điểm kinh tế hủng hoảng, giá đất tụt dốc nên phường không bán được đất dẫn đến thiếu kinh phí; hơn nữa, còn 2 hộ chưa giải phóng xong mặt bằng nên công trình trên vẫn chưa xong".

Điều khó khăn nhất hiện nay của giáo viên và học sinh Trường Tiểu học Vinh Tân là trong năm học mới 2013-2014 nhà trường thiếu phòng học nghiêm trọng. Các phòng học cũ xuống cấp, không đáp ứng đầy đủ những nhu cầu thiết yếu dạy và học của con em trong phường. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vinh Tân cho biết: "Hiện nay các phòng học của trường đã xuống cấp nghiêm trọng, năm học 2012- 2013 trường có 569 em học sinh với 17 lớp học từ lớp 1 đến lớp 5, nhưng đã không đủ đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Dự kiến năm học 2013 – 2014, trường sẽ tuyển sinh trên 600 học sinh với 24 phòng học. Như vậy, trường học cũ không đủ nhu cầu học tập của con em trong phường và địa bàn lân cận…".


Trường học bỏ hoang, cỏ dại mọc bao trùm.

Có mặt tại Trường Tiểu học Vinh Tân- nơi 569 em học sinh theo học thì điều đập vào mắt chúng tôi là một trường học đã xuống cấp, ẩm thấp, phòng học của các cháu thiếu ánh sáng, tường và vôi ve thì bị bóc từng tảng. Ngoài ra, sân chơi của các cháu không đạt tiêu chuẩn. "Nếu học môi trường cũ thì trường sẽ không bao giờ đạt chuẩn quốc gia"- cô Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết thêm.

Điều đặt biệt là theo phản ánh của cô giáo Nguyễn Thị Hồng Vân, từ khi trường bước vào khởi công xây dựng, trường đã không xây dựng đúng cơ bản hiện trạng. Theo cô Vân: "Nhu cầu của năm học mới là hơn 24 phòng học, trong đó có 20 phòng học văn hóa và 4 phòng học năng khiếu, ngoại ngữ, tin học. Hơn nữa, trường khi xây dựng thì độ sâu tổng thể của sân trường cũng như nền lớp học quá thấp so với cốt, đặc biệt là thấp hơn nhiều so với đường dân sinh. Hơn nữa, hệ thống mương thoát nước nhà số 3 quá thấp, nếu trường vẫn cứ giữ nguyên hiện trạng xây dựng như hiện nay thì khi hoàn thành cũng không thể đưa vào sử dụng được, vì mỗi khi mùa mưa bão về vì bị ngập khoảng 45 đến 50cm".

Như vậy, hiện nay ngoài việc ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của các em học sinh và giáo viên thì công trình Trường Tiểu học Vinh Tân còn đang và đã gây lãng phí và thất thoát nguồn ngân sách của Nhà nước. Thiết nghĩ, UBND TP. Vinh nên thanh tra, kiểm tra công trình trên, đồng thời chỉ đạo sớm thi công để trường học này được đưa vào sử dụng nhằm phục vụ tốt cho các học sinh trên địa bàn Vinh Tân trong năm học mới 2013-2014.

Nguồn: http://laodong.com.vn/Xa-hoi/Gia-dat-tut-doc-truong-hoc-tien-ti-bo-hoang/116255.bld

Phản giáo dục chuyện ‘thầy mượn tay trò’

Posted: 17 May 2013 02:13 AM PDT

Không ít trường hợp giáo viên mượn tay học sinh (HS) để phạt HS vi phạm kỷ luật. Cách làm này không chỉ phản sư phạm mà người thầy còn vô tình tạo ra mâu thuẫn trong HS, để lại "vết thương lòng" không nhỏ cho những em HS trót gây lỗi.

thy tr, mn tay tr, gio dc, pht

Để học sinh "tự xử"

Mới đây, em Nguyễn Vũ Quốc H. (HS lớp 7/2 Trường THCS Điện Biên, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói chuyện riêng với lớp trưởng trong giờ học Văn, bị cô giáo phê vào sổ đầu bài. Sau đó, thầy chủ nhiệm gọi hai em này lên, nhưng cho bạn lớp trưởng về chỗ, còn em H. phải chịu phạt. Thầy không đánh H., mà nhờ một HS khác là Lê A. xung phong lên đánh H. năm roi vào tay. Quá đau, H., quay về chỗ ngồi xin dầu thoa vào tay.

Chuyện tưởng như xong, nhưng "vừa đau lại vừa quê với bạn bè vì bị bạn học đánh ngay trước mặt thầy cô và cả lớp nên em không kìm được nóng giận đã đánh vào mặt Lê A. hai cái trên đường đi học về", H. cho biết. Gia đình em H. đã lên gặp nhà trường để tìm hiểu sự việc và bức xúc phản ánh vụ việc với Cơ quan Bộ GD-ĐT tại TP.HCM: Ngành giáo dục có quy định nào cho phép HS được phép phạt HS bằng đòn roi dù con tôi có vi phạm? Sao thầy lại xử phạt bằng cách cho học trò đánh học trò, làm ảnh hưởng đến tâm lý các cháu, chưa kể làm cho các cháu mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau bên ngoài trường.

Chuyện giáo viên (GV) "mượn tay" HS để phạt HS không phải hiếm, dù ngành giáo dục nghiêm cấm GV sử dụng bạo lực. Cuối tháng 2/2013, cô Nguyễn Thị Nhã Phương, GV chủ nhiệm lớp 1/3, Trường tiểu học Hương Mỹ I, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã bị cắt hợp đồng vì vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Do em Phạm Thị Mỹ Phương, HS lớp 1/3 làm mất chìa khóa lớp nên bị cô đánh vào mông. Sau đó, cô Phương còn yêu cầu mỗi HS trong lớp dùng thước đánh vào mông Phương một cái, HS nào đánh nhẹ thì cô bắt đánh lại. Tương tự, trước đây, cô giáo Trường THCS Nghĩa Hành, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã xử phạt HS bằng cách bắt năm HS… chổng mông lên, cho lớp trưởng dùng roi đánh từng em một, khiến một số em phải đến trạm y tế xã điều trị vết thương.

Có con từng là nạn nhân của "bạo hành tập thể", anh Quang Huy kể: Chuyện xảy ra khi con tôi học lớp 2 tại trường tiểu học H. nổi tiếng ở Q.1. Vài lần bị kẹt xe nên tôi đưa cháu đến lớp trễ. Vào lớp, cô hỏi con tôi tại sao đi trễ? Cháu thành thật trả lời là tại kẹt xe. Cô quay sang hỏi các bạn trong lớp: Thế tại sao bạn này lại bị kẹt xe, có phải do bạn đi học trễ không? Cả lớp đồng thanh đồng ý. Rồi cô giáo nói: Do đi trễ nên mới bị kẹt xe, sao không đi sớm hơn? Nhiều bạn học cũng "trách" bạn vì tội đi trễ làm ảnh hưởng đến lớp. Sau đó, tôi đi trễ tí thôi là cháu đòi nghỉ học; rồi cháu có vẻ sợ sệt, lo lắng khi đi học. "Cháu mất hứng thú học không phải vì bị cô la rầy. Chính cách xử lý không tốt của cô giáo làm cho cháu không còn muốn đến lớp nên đòi chuyển chỗ học. Đến cuối năm rồi tôi xin chuyển trường cho cháu", anh Quang Huy cho biết.

Một chuyên viên tư vấn tâm lý cho biết: “Trong nhiều buổi tư vấn, thỉnh thoảng HS tâm sự với tôi bị chính bạn mình "xử phạt" khiến các em cảm thấy quê, nhục nhã, muốn bỏ học. GV đánh trò đã sai, nhờ trò đánh trò càng sai gấp bội. Dù HS có phạm lỗi gì thì người thầy cũng không nên để các em "tự xử" nhau theo kiểu hai em nói chuyện trong giờ học thì gọi hai em đứng lên tự tát vào mặt nhau, như thế rất phản sư phạm”.

Phản giáo dục gấp ba lần "thầy đánh trò"

Chúng tôi đem phản ánh của PHHS đến gặp ban giám hiệu Trường THCS Điện Biên, bà Phạm Thị Thủy, Hiệu trưởng trường lý giải: “Nhà trường luôn nhắc nhở GV không được đánh hay gây tổn hại đến thân thể HS, phải giáo dục các em tự nhận ra lỗi khi sai phạm thông qua bạn bè vì các em đang ở lứa tuổi nhạy cảm về tâm sinh lý. Sau khi cho cả hai HS làm tường trình, chúng tôi đã nhắc nhở thầy giáo chủ nhiệm lớp 7/2 hành động trên là sai, đồng thời nhắc nhở chung tất cả GV. Sau đó, chúng tôi có mời PHHS trở lại trường lần nữa để trả lời vụ việc nhưng không thấy. Chúng tôi cũng đã báo với gia đình rằng H. (gia đình H. ở Đồng Nai. H. đang ở nội trú tại nhà dòng gần trường) cũng thường xuyên vi phạm nội quy nhà trường nên gia đình cần phối hợp nhắc nhở thêm”. Cô hiệu phó Nguyễn Thị Lan Anh cho biết thêm: Không phải GV sợ trách nhiệm nên đẩy cho HS phạt giùm mà có thể GV muốn các em xấu hổ với bạn bè rồi rút kinh nghiệm tự sửa lỗi nhưng đã xử lý chưa tốt.

Thầy Trần Tuấn Anh, GV môn GDCD Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) không đồng tình: Việc muốn làm HS "quê" với bạn bè để khắc phục thiếu sót đã gây ra tác dụng ngược. Đôi khi, hai em này đang có mâu thuẫn mà GV lại trao cơ hội "trả thù", như thế lại càng không ổn. GV phải biết quan sát và đưa ra giải pháp giáo dục, nhắc nhở phù hợp.

ThS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phân tích: Đầu tiên là không được sử dụng bạo lực trong nhà trường, dù là xuất phát từ GV hay HS. Việc GV nhờ HS này đánh HS khác tức là dạy tính bạo lực hành hạ thân thể bạn cho các em, vô tình làm chia rẽ mối quan hệ giữa hai HS. Kế nữa, hành động này đã làm nhục HS bị đánh trước mặt người khác, nếu các em sai phạm, bị thầy trách phạt còn đỡ, đằng này lại bị bạn phạt… Như vậy, hành động này phản sư phạm gấp ba lần so với việc thầy đánh HS.

Mặt khác, GV cũng thường không khéo léo khi sử dụng phương pháp giáo dục tập thể, nghĩa là dùng tập thể để điều chỉnh hành vi cá nhân. Nhưng, cho dù sử dụng phương pháp nào thì vẫn phải tôn trọng nhân cách cá nhân. Với lứa tuổi tiểu học – THCS, các em rất mong manh dễ vỡ, cái tôi đang phát triển nên rất sĩ diện. Việc thầy cô đè bẹp sĩ diện đó sẽ khiến các em nảy sinh phản ứng để tự vệ chứ không tiếp thu theo hướng tích cực. HS chỉ tiếp nhận khi cởi mở tâm lý nên chúng ta dội gáo nước lạnh vào các em thì chỉ gặp sự tự vệ tâm lý và kết quả là gây ra sự tổn thương.

(TheoTiêu Hà/ Phụ Nữ TP.HCM)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/121533/phan-giao-duc-chuyen--thay-muon-tay-tro-.html

Chuẩn bị hành trang cho con vào lớp 1

Posted: 17 May 2013 02:13 AM PDT

(GDTĐ) – Không ép trẻ phải học trước song để trẻ tự tin khi bước vào môi trường học tập mới, nhiều phụ huynh đã trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng phù hợp với lứa tuổi. Điều này rất quan trọng để trẻ hào hứng và mạnh dạn khi bước vào trường tiểu học.

Giúp trẻ làm quen với môi trường mới

Chị Hương ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Có con chuẩn bị vào lớp 1 nên chị đã tham khảo nhiều ý kiến cũng như kinh nghiệm của các bậc cha mẹ đi trước. 

Không quá nóng vội như nhiều phụ huynh bằng mọi giá cho con đi học tiền lớp 1, chị vẫn chỉ cho con theo học ở lớp mẫu giáo như bình thường. Bởi vậy con gái chị có thời gian nghỉ ngơi và vui chơi phù hợp với lứa tuổi. Thay vì học toán, Tiếng Việt trước chương trình, gần một năm nay chị đã tập cho cháu có thói quen tự lập biết tự làm vệ sinh cá nhân, tự phục vụ bản thân ở những việc đơn giản. Ở nhà, chị dành cho cháu một góc học tập để cháu có ý thức sắp xếp sách truyện cho gọn gàng. Anh chị cũng thường xuyên mua truyện với nội dung giáo dục gần gũi với trường tiểu học để đọc cho cháu mỗi tối. 


Dạy trẻ cách tự chăm sóc bản thân khi ở trường. Ảnh Thái Hòa

Để giúp con phát triển tốt, chuẩn bị tư tưởng cho việc học ở tiểu học, chị theo sát việc học ở mẫu giáo của con, có vấn đề gì chị trao đổi trực tiếp với cô giáo. Với chương trình mầm non hiện tại chị rất yên tâm vì con đã được làm quen với chữ cái và các con số từ 1 đến 10. Hiện tại cháu đã biết tô những nét đơn giản, biết cách cầm bút đúng cách và hào hứng với việc chuẩn bị vào lớp 1. 

Cô Đặng Phương Hoa, Hiệu trưởng trường Mầm non Tràng An (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ trước những lo lắng của phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1: Nhà trường luôn thực hiện công tác giảng dạy theo chỉ đạo chung của Bộ GDĐT. Đối với trẻ mầm non 5 tuổi nhà trường triển khai dạy theo nội dung chương trình giáo dục mầm non mới chú trọng vào các hoạt động về kỹ năng sống, cho trẻ làm quen với chữ cái, với các số từ 1 đến 10… Đặc biệt với chủ đề "Giúp bé làm quen với trường tiểu học", nhà trường đã tổ chức những buổi giao lưu cho trẻ làm quen với môi trường tiểu học: như thăm lớp, làm quen với các anh chị lớp một, khám phá đồ dùng sách vở… để giúp trẻ có thêm hiểu biết mới. Trong 3 tuần vào cuối năm học với chủ đề này trẻ được tập những thói quen, cách sinh hoạt khi học ở môi trường mới: Đó là độc lập trong sinh hoạt, tự lao động phục phụ bản thân, biết phối hợp trong các hoạt động nhóm… Với những giờ học nhận biết về chữ cái, bàn ghế trong lớp học được bố trí như ở trường tiểu học cũng giúp bé không lạ lẫm với trường học tương lai. 

Bên cạnh đó nhà trường cũng làm công tác tuyên truyền để phụ huynh yên tâm không nên cho con học trước. Điều quan trọng ở giai đoạn chuyển giao giữa hai môi trường là phụ huynh cần phối hợp với nhà trường để chuẩn bị tâm thế cho con thật tốt về tư tưởng và các kỹ năng sống mà con sẽ phải thực hiện ở trường tiểu học. 

Trang bị các kỹ năng sống cho trẻ

Sai lầm của nhiều phụ huynh là bắt con phải học trước trong khi điều quan trọng hơn là phải chuẩn bị tâm lý cho con để con không có sự thay đổi đột ngột. 

Cô Lê Thị Hậu – giáo viên tiểu học quận Hoàng Mai chia sẻ: Khi trẻ bước vào lớp 1 thường có tâm lý lo âu vì phải sang học ở môi trường mới. Các em sẽ thấy lạ lẫm bởi ở tiểu học hoạt động học là chính khác với ở trường mầm non chủ yếu là vui chơi. Nếu không chuẩn bị tốt về tư tưởng và các kỹ năng cần thiết trẻ sẽ thấy tự ti so với các bạn. Vì vậy trước khi vào lớp 1 trẻ cần được tham gia nhiều các hoạt động đòi hỏi sự vận động nhanh nhẹn, các trò chơi khám phá đòi hỏi khả năng suy nghĩ, sáng tạo. 

Như vậy để trẻ có được sự háo hức và hào hứng với trường học mới cha mẹ hãy cho con em mình làm quen với nếp sinh hoạt của trường tiểu học và cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập để trẻ tự tin và nhanh chóng hòa nhập với việc học tập ở trường tiểu học.

Minh Châu

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2775/201305/Chuan-bi-hanh-trang-cho-con-vao-lop-1-1969169/

BV Đại học Y Hà Nội: Khám sàng lọc miễn phí thoát vị đĩa đệm cột …

Posted: 17 May 2013 02:13 AM PDT

Trong đầu tháng 6 tới đây, các bác sĩ khoa Ngoại, bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sẽ tiếp tục hợp tác với các chuyên gia đầu ngành cột sống ở châu Âu để khám bệnh và mổ cho các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm bằng phương pháp mổ nội soi cột sống tiên tiến nhất hiện nay.

 

Người bệnh có thể liên hệ để đăng ký khám và tư vấn sàng lọc miễn phí tại P205 khoa Ngoại Bệnh viện Đại học Y (16-18h các ngày trong tuần) hoặc liên hệ theo số điện thoại: 0936182005 hoặc tìm hiểu qua website: www.phauthuatthankinh.edu.vn

 

Bệnh nhân trước và sau mổ
Bệnh nhân trước và sau mổ

Với đường mổ nhỏ khoảng 2cm, phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn này đã giúp tất cả số bệnh nhân nói trên hết triệu chứng đau lưng ngay sau mổ, có thể đi lại bình thường sau mổ 3 ngày. Đặc biệt, có trường hợp ông Bùi Văn H 41 tuổi ở Hải Phòng mắc bệnh trên 10 năm, đã biến dạng cột sống, lưng còng, đi lại rất khó khăn, sau khi can thiệp bằng phương pháp này, bệnh nhân có thể đi lại bình thường. Các triệu chứng đau lưng và tê bì chân giảm rõ rệt mà chính bệnh nhân cũng không ngờ.

 

Đây là thành quả bước đầu trong việc đưa các kỹ thuật mới, hiện đại, ít xâm lấn vào phục vụ cho công tác khám và điều trị các bệnh lý cột sống tại Khoa Ngoại, bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

 

Nhân Hà

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/suc-khoe/bv-dai-hoc-y-ha-noi-kham-sang-loc-mien-phi-thoat-vi-dia-dem-cot-song-731681.htm

Comments