Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thuở ấy học tiếng Anh

Posted: 07 Apr 2013 08:05 AM PDT

(GDTĐ) – Thầy giáo tiếng Anh của chúng tôi có 3 người: Thầy Đặng Chấn Liêu, thầy Phạm Duy Trọng và cô Freeda Cook, đảng viên Đảng Cộng sản New Zealand. Trên con đường lập nghiệp, phải nói rằng thầy Liêu là người thầy đã xây dựng nền tảng cho tôi.

Bài học văn hóa Anh đầu tiên

Trong những năm tháng ấy, chúng tôi chẳng biết gì về nước Anh ngoài vài bài học trong sách Liên Xô về Nghị viện Anh, về Big Ben, về người Anh một ngày ăn mấy bữa… Cô Freeda Cook rất quý học sinh Việt Nam. Cô tổ chức cho từng nhóm 6 người, mỗi chủ nhật một nhóm đến ăn ở nhà cô để học cách dùng dao dĩa. Đến lượt nhóm chúng tôi có 7 người vì sĩ số lớp lẻ. Chúng tôi nghĩ theo kiểu Việt Nam, thôi thì cứ đến cả, chỉ thêm bát thêm đũa mà thôi. Đến nơi, Freeda đón chúng tôi ở cửa. Cô chỉ ngay vào anh chàng thứ bảy và nói: "I dont want you" (Tôi không mời anh đâu). Thế là anh ta ngượng quá phải ra về và sau này cứ "chửi rủa" chúng tôi mãi: "Chỉ tại chúng mày". Đấy là bài học văn hóa Anh đầu tiên của chúng tôi.

Tự "phát minh" cách học

Do thiếu đủ mọi điều kiện cho nên chúng tôi phải tự "phát minh" ra mọi cách học. Hồi ấy tất cả sinh viên phải ở nội trú, sáng thứ hai có mặt bảy giờ để lên lớp và chiều thứ bảy năm giờ mới được phép ra khỏi trường. Chúng tôi có một anh bạn lớn tuổi trong lớp tìm ra một con đường đi từ phía sau trường, ngoằn ngoèo qua mấy đám ruộng, qua một làng nhỏ dẫn đến bến tàu điện Cầu Giấy. Đường này tránh được "Đội cờ đỏ" và chúng tôi có thể chuồn về Hà Nội từ 1, 2 giờ chiều. Chúng tôi đặt tên con đường đó là "Đường mòn Nguyễn Gia Thi" (tên anh bạn phát hiện ra con đường). Đường mòn này trở thành con đường khổ luyện nói tiếng Anh với nhau. Mỗi tuần chúng tôi ra một chủ đề, ví dụ tuần này là các từ nói về thời tiết, tuần kia là những từ về các loài hoa, tuần khác lại về đồ dùng trong nhà. Mỗi người lần lượt nói ra một từ. Đến cuối con đường ai nói được ít từ nhất phải bỏ tiền thết mấy người kia một chầu cà phê đen. Thường khi thua tôi phải rẽ vội qua nhà xin cô em gái mấy đồng để thết bạn.


Thầy giáo Nguyễn Quốc Hùng

Khi chúng tôi học đến năm thứ hai thì có hai thầy giáo đi học ở Liên Xô về, thầy Đoàn Minh và thầy Lâm Huy Hiếu. Học tiếng Anh ở Liên Xô là điều chúng tôi chỉ thấy trong mơ. Quả thật khi hai thầy này về nói tiếng Anh có khác với các thầy khác, nghĩa là có lên giọng xuống giọng. Cứ khi nào trông thấy thầy Đoàn Minh dạy ở phía lớp bên kia là tôi lại trốn lớp mình sang đứng nấp sau cửa sổ để nghe và bắt chước, tối về phòng ngủ phổ biến cho các bạn. Đến lúc chúng tôi nói tiếng Anh lên lên xuống xuống được một chút là cảm thấy mình lớn hẳn lên và có cảm giác là mình đã đọc thơ được rồi. Thế là chúng tôi tổ chức buổi liên hoan đọc thơ tiếng Anh. Chúng tôi đọc say sưa. Cuối buổi thầy Liêu gật gù nói với chúng tôi "Something English". Chúng tôi sung sướng quá vì không hiểu được cái nghĩa trào phúng đằng sau từ "something". Nói đến "something English" tôi lại nhớ đến thầy giáo Chuyên cũng đi học ở Liên Xô về, nhưng lúc nào cũng loẹt quẹt đôi guốc mộc lên lớp. Chúng tôi tò mò hỏi thì thầy bảo "Something English" với một nét mặt bình thản làm chúng tôi cứ tranh luận với nhau mãi không biết người Anh có đi guốc không.

Ngược lại hồi ấy chúng tôi không thích ngữ pháp lắm. Cứ đến giờ ngữ pháp của cô Dung và cô Thanh là chúng tôi phân công nhau trong nhóm: 3 người ở lại học còn 3 người kia nhảy qua cửa sổ trốn xuống trường múa xem "các em" luyện tập. Hậu quả cuối cùng là khi ra trường làm giáo viên tôi phải bỏ cả năm đem liền dịch một quyển ngữ pháp tiếng Anh cơ bản, chủ yếu là để mình học lại một cách có hệ thống.

Đuổi tiếng mẹ đẻ ra khỏi lớp!

Trên lớp chúng tôi không được nói tiếng Việt, vì thầy giáo chúng tôi thuộc trường phái trực tiếp, kiên quyết đuổi tiếng mẹ đẻ ra khỏi lớp. Lắm khi cũng sợ. Anh bạn tôi bị gọi đứng lên, thầy hỏi "What is this?". Anh ta không biết. Thầy hỏi lần thứ hai hơi gằn giọng "What is this?" thì anh ta luống cuống vội trả lời "This is bơ ạ!". Cũng buổi hôm ấy, chúng tôi học đặt câu hỏi với "Who?" Hai người đầu tiên đứng lên đã hỏi "Who is this?", chị bạn thứ ba của tôi lại đứng dậy cuống quýt hỏi tiếp "Who is this?" Thầy tôi đành cau mày trả lời "Your uncle!" Tuy rằng phương pháp trực tiếp không đuổi được tiếng mẹ đẻ ra khỏi đầu học sinh, nhưng nó giúp chúng tôi rất nhiều khả năng phản xạ bằng tiếng Anh và sau này là năng lực tư duy bằng tiếng Anh khi nói tiếng Anh.

Chúng tôi tìm cách dùng tiếng Anh ở mọi nơi mọi chỗ. Không hiểu sao thời ấy chúng tôi say mê thế. Một hôm đi lao động cấy giúp dân, phải lội xuống ruộng nước. Cả lớp nhân dịp này quy định vừa làm vừa nói tiếng Anh. Ruộng có nhiều đỉa. Cô bạn Nghi "gốc Hà Nội" gọi tôi và anh bạn Cơ đến, dặn dò: "Bây giờ xuống nước mỗi cậu trông hộ tớ một đùi, Nếu thấy con đỉa nào thì bóc ra nhé". Chúng tôi cũng ngoan ngoãn làm theo. Đến khi lên bờ anh bạn tôi tinh nghịch ném một con đỉa về phía cô ấy. Thế là cuống quýt, "nàng" nhảy ngay lên đu vào cổ một anh bạn khác đứng gần đó. Thật là "quýt làm cam hưởng". Tuy nhiên, ngày hôm đó chúng tôi học được rất nhiều từ về đồng áng, nhất là từ "con đỉa (leech)", một từ ít ai biết nhưng chúng tôi thì không bao giờ có thể quên được.

 Họa phúc hay không cũng là ở mình

Vào năm thứ tư, tôi mắc một sai lầm là trốn về Hà Nội chơi 4 ngày vì nhớ Hà Nội quá. Lên đến nơi, do bất đồng, tôi và anh bạn cùng lớp lôi nhau ra suối "tay bo". Thế là tôi bị cảnh cáo toàn khoa. Bị cảnh cáo vào năm thứ tư (năm cuối) cho nên khi tốt nghiệp tôi bị treo bằng một năm.

Năm ấy, 6 người được giữ lại trường thì 5 anh bạn tôi được làm thầy, còn tôi thì làm nhân viên thư viện. Các bạn ái ngại cho tôi lắm. Nhưng cuộc sống đúng là "ngựa tái ông". Chính một năm làm thư viện là năm bản lề cho sự nghiệp của tôi sau này. Có lẽ chỉ có tôi là người duy nhất lúc đó được tiếp xúc nhiều nhất và kỹ nhất với những sách chính cống của Anh do cô Freeda Cook mang sang tặng khoa. Tôi nhận thức ra một điều là hệ sách viết dễ lại của Anh (simplified series) giúp ta rất nhiều về kỹ năng nói tiếng Anh, nói đơn giản nhưng đúng kiểu người Anh, và nói trôi chảy.

Tôi đọc nghiến ngấu, ghi ghi chép chép, học thuộc lòng để có cơ hội là "đọc ra". Sau này khi học ở Ấn Độ, tiếp xúc với trường phái Selinker và S.Pit Corder về ngôn ngữ trung gian, điều "phát hiện" của tôi càng tỏ ra đúng hướng. Cũng trong một năm "kỷ luật" làm thư viện, qua những tháng ngày đọc nghiền ngẫm và đôi khi dịch thử một vài chương nào đó tôi lại nhận thức ra một điều thứ hai rằng vốn tiếng Việt của mình quá nghèo nàn và nếu không có kiến thức về ngôn ngữ học thì không thể nào tiến hơn được, suốt đời sẽ chỉ dạy "cò con" những bài đã quen thuộc, và khi bị bế tắc trước câu hỏi của học trò thì lấy cái uy lực của người thầy mà trả lời rằng người Anh nói thế thì cứ nói thế. Cái kiểu dạy mà sau này có lần bác Tạ Quang Bửu bảo chúng tôi là "thông ngôn dạy thông ngôn".

Suy nghĩ này cứ day dứt mãi trong tôi suốt thời kỳ ở thư viện. Sau này khi được đi dạy học, ý nghĩ đó càng thôi thúc tôi. Cuối cùng, tôi xin nghỉ dạy trong 4 năm để đi học Tổng hợp Văn, và tôi vào Ban Ngôn ngữ học. Quả thật, 1 năm làm thư viện làm cho tôi hiểu rằng họa phúc hay không cũng là ở mình.

Khi quay trở lại giảng dạy, tôi lại được một cái may mắn nữa do thầy Liêu mang đến. Và tôi mang ơn thầy cho đến ngày hôm nay. Một hôm, thầy Liêu giao cho tôi dạy lớp dạy học đặc biệt. Mỗi buổi chỉ mở băng cho học viên nghe một lượt từ đầu đến cuối một bài. Sau đó mở từng câu cho họ nghe và nhắc lại. Nếu họ không nhắc được thì lại mở băng, chứ không được tự mình nói ra. Chừng nào họ đọc giống như băng thì sang câu khác. Cứ thế. Tôi còn nhớ đó là bộ "What to say". Sau 6 tháng dạy theo cách này, tiếng Anh nói của tôi đã thay da đổi thịt. Suốt ngày văng vẳng bên tai ngữ điệu Anh, lối nói Anh. Thầy tôi đã chọn cho tôi một hướng đi đúng.

Gia Hân (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201304/Thuo-ay-hoc-tieng-Anh-1968238/

Không nên ‘ném đá thần đồng Việt’

Posted: 07 Apr 2013 08:04 AM PDT

Sau khi một đoạn clip xuất hiện trên các trang mạng về việc bé Nhật Nam – nhiều ý
kiến cho rằng Nhật Nam tự kiêu, chảnh… và không có tuổi thơ. Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng
Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý, ĐH Sư phạm TP.HCM) cần phải có cái nhìn toàn diện
hơn về bé Nhật Nam, không nên “ném đá” em.

- Thầy đánh giá thế nào về đoạn clip bé Nam trả lời báo chí?

 

Sự việc nào cũng có hai mặt, nếu nhìn thấy cái chưa được thì cũng cần
nhìn thấy cái được của vấn đề để phản ánh toàn diện. Phần trả lời của
Nam cái được nhiều hơn hẳn, chỉ có chút xíu về mặt phong cách cần điều
chỉnh: chẳng hạn cách nói và giọng nói cần giữ sự tự tin nhưng nên nhẹ
lại một chút, đầu không nên ngước cao khi trò chuyện (mặc dù đôi lúc em
phải ngước cao mới nhìn thấy người đối diện, vì em còn nhỏ mà). Một số
câu nói cần lý giải rõ ràng để không bị người đọc hiểu phiến diện.

 

Clip, thn ng, Nht Nam, Nguyn Hong Khc Hiu
Thầy giáo “hotboy” Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

- Còn về câu nói của Nhật Nam "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn"?

 

Quan điểm "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" là quan điểm của
mẹ cậu, muốn rõ hàm ý của câu này thì ta nên hỏi bác ấy. Ngoài ra,
người ta cố tình quên đi cụm từ "đọc truyện tranh thì đôi lúc cũng có tác
dụng" mà cậu đã nói. Cậu cũng thừa nhận nó có tác dụng tốt, và cũng
thừa nhận tác dụng chưa tốt. Biết đâu hàm ý của cậu là nói về việc
nghiện truyện tranh, hoặc những bộ truyện tranh ít lành mạnh đang tràn lan
là con sâu đục khoét tâm hồn thật sự?.

 

Phải đặt mình vào vị trí của cậu và mẹ cậu, xỏ chân vào giày họ để
hiểu hàm ý của họ, ý tốt của họ. Nếu không, chúng ta là người nhận
định phiến diện chứ không phải là cậu bé và mẹ cậu.

 

- Thầy nghĩ sao khi nhiều cư dân mạng “ném đá” cho rằng bé Nhật Nam tự kiêu,
chảnh và “ông cụ non”, đánh mất tuổi thơ..?

 

Phong cách của bé hơi tự tin so với chuẩn mực thường thấy của trẻ em
phương Đông. Tuy nhiên, điều đó không đáng để bị “ném đá” dữ dội trên các
mạng xã hội.

 

Thật ra sự việc đang bị nghiêm trọng hóa. Với những gì Nam đã làm được,
cậu có quyền tự hào. Những thành tích cậu kể là thành tích thật, nhiều
người lớn chúng ta còn chưa làm được những điều cậu đã làm từ lúc 5-6
tuổi. Đó là sự thật, ta nên tôn trọng. Cậu kể ra một phần để làm minh
chứng cho quyển sách mới ra mắt về phương pháp học tiếng Anh của mình nữa
mà.

 

Việc tuổi thơ cậu có bị đánh mất hay không thì chỉ có cậu biết. Biết
đâu học tiếng Anh là niềm vui tuổi thơ của cậu (cậu cũng nói học tiếng
Anh là đam mê)?. Biết đâu dịch sách và viết sách là thú vị tuổi thơ của
cậu?. Biết đâu làm diễn giả và MC cho một số chương trình truyền hình là
trải nghiệm ấn tượng của cậu?. Mỗi người có một niềm vui tuổi thơ khác
nhau, giống như người thì thích hoa hồng nhưng người khác lại thích hoa sen,
người thì thích hoa phượng. Đâu nhất thiết phải thả diều, bắt dế, đọc
truyện tranh thì mới gọi là có tuổi thơ.

 

Người ta “ném đá” mà quên rằng cậu mới 11 tuổi. Người lớn còn dễ bị
tổn thương huống hồ gì là một cậu bé.

 

Tôi lo sợ rằng sau chuyện này, em ấy sẽ trở nên e dè khi tiếp xúc với
công chúng. Biết đâu chúng ta đang giết chết sự tự tin của cậu ấy – cái
đã giúp cậu ấy làm được rất nhiều việc phi thường.

 

Clip, thn ng, Nht Nam, Nguyn Hong Khc Hiu
Bé Nhật Nam trong đoạn clip trả lời phỏng vấn

- Thầy nghĩ phản ứng của bé Nam và bố mẹ bé ra sao khi biết phản ứng của cư dân
mạng về bé như thế?

 

Tôi nghĩ, bé Nhật Nam đang sốc. Tôi cũng đang trông chờ xem bố mẹ bé sẽ
nói gì. Nhưng tôi nghĩ, tốt nhất là các bác nên dành thời gian để đả thông
tư tưởng cho cậu bé, bên cạnh cậu bé, vì đây là lúc cậu bé đang cần hai
bác ấy nhất.

 

- Thầy có cho rằng bố mẹ Nhật Nam đã dạy em ấy đúng cách?

 

Tôi chưa biết rõ cách dạy của bố mẹ Nhật Nam nên chưa thể nhận định
được. Còn câu nói "truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn" thì phải đặt
vào hoàn cảnh lúc nói của hai mẹ con thì mới biết được dụng ý của nó.

 

- Thầy muốn nói gì với Nhật Nam lúc này?

 

Tôi cũng muốn nói với Nam: Qua chuyện này, em cũng đừng buồn phiền
nhiều, đại đa số mọi người thông cảm vẫn ủng hộ em.

 

- Cảm ơn thầy!

 

Thành tích mà Nhật Nam đã đạt:

- Đạt điểm tuyệt đối trong các kì thi của trường Đại học Cambridge: Starter,
Mover, Flyers (15/15). Thi TOEIC đạt 940/990 điểm. Thi TOEFLT itp đạt 617 điểm. Thi
TOEFLT ibt đạt 99 điểm. Thi IELTS đạt 6.5 ( lần 1); đạt 8.0 lần 2 với điểm reading
đạt tuyệt đối: 9.0.

- Đạt giải Thí sinh tài năng trong kì thi viết bài luận của trường Đại học St
Andrew. Đạt giải Nhất kì thi tiếng Anh do Sở giáo dục và Trung tâm Việt Anh tổ chức.
Được nhận học bổng Học sinh tài năng của quỹ khuyến học Đạt giải Thí sinh nhỏ tuổi
nhất, thí sinh tài năng và giải Nhất chung cuộc trong kì thi Hùng biện tiếng Anh
Wordstorm.

Trong kì thi viết bài luận Chasing your dream dành cho học sinh, sinh viên từ 15
đến 20 tuổi, đạt giải Bài viết ấn tượng nhất. Đạt giải Tiềm năng trong cuộc thi viết
bài luận Nhà lãnh đạo trẻ (dành cho học sinh lớp 10,11).

Đạt giải Khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc
(với phần mềm). Đạt giải Nhất kì thi Olimpic tiếng Anh toàn Thành phố Hà Nội. Một
trong những học sinh tiêu biểu của thủ đô Hà Nội năm học 2011-2012 và được Giám đốc
Sở tặng Bằng khen.

- Dịch sách. Sách đã xuất bản: Mặt trời mọc, mặt trời lặn; Nạp điện. Sách chuẩn bị
xuất bản: Cách tư duy của những người thành đạt.

- Tham gia dịch phim cho VTV3.

TheoMinh Hằng(Pháp luật Việt Nam)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/116131/khong-nen--nem-da-than-dong-viet-.html

52 học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng được cấp bằng tốt nghiệp THPT quốc tế

Posted: 07 Apr 2013 08:04 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay (6/4), Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho 52 học sinh đã hoàn thành Chương trình THPT quốc tế Cambridge Igcse của Hội đồng Khảo thí quốc tế Đại học Cambridge.

Dự buổi lễ có đại diện Vụ Công tác Học sinh sinh viên (Bộ GDĐT), Thành ủy Hà Nội, Sở GDĐT Hà Nội, các trường Đại học tiếp nhận học sinh tốt nghiệp Khóa học.


Lễ trao bằng tốt nghiệp cho 52 học sinh đã hoàn thành Chương trình THPT quốc tế Cambridge Igcse. Ảnh: Bá Hải

Được Sở GDĐT Hà Nội cấp phép, từ năm học 2009 – 2010, Trường THPT Phan Đình Phùng đã hợp tác với Trung tâm Khảo thí quốc tế Đại học Cambridge triển khai Chương trình THPT Quốc tế. 100% học sinh tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Chương trình đã thi đỗ vào các trường Đại học uy tín trong nước và quốc tế.

Chương trình THPT Quốc tế được giảng dạy song song với Chương trình chính khóa của Bộ GDĐT. Chính vì vậy, những học sinh tham gia các khóa học này phải thực sự có năng lực học tập và cố gắng vươn lên; bên cạnh đó là các gia đình cho con em theo học phải có năng lực tài chính và nhu cầu du học.

Tại buổi lễ, Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Đàm Hoài Vĩnh đã khẳng định: Chương trình THPT quốc tế tại đây được Sở GDĐT Hà Nội tiến hành cấp phép nhằm mở ra cho học sinh giáo dục Thủ đô hội nhập quốc tế ngay từ những năm học Trung học, tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục;

Ông Đàm Hoài Vĩnh đề nghị: Trường THPT Phan Đình Phùng sau khóa học này tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện kết quả mô hình từ khi triển khai cho đến nay báo cáo Sở GDĐT; Coi đây như là một mô hình thử nghiệm trên địa bàn TP Hà Nội, nếu hoạt động có hiệu quả, sẽ nhân rộng ra các trường THPT khác trên địa bàn Thủ đô theo nhu cầu giảng dạy học tập của gia đình và các nhà trường.

Việc giáo dục Thủ đô ứng dụng Chương trình THPT quốc tế vào giảng dạy sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020 trên địa bàn, góp phần vào cùng toàn ngành giáo dục thúc đẩy "đổi mới căn bản và toàn diện" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Hải An

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201304/52-hoc-sinh-Truong-THPT-Phan-Dinh-Phung-duoc-cap-bang-tot-nghiep-THPT-quoc-te-1968248/

Thất vọng với cách xử sai của Bộ Giáo dục

Posted: 07 Apr 2013 08:04 AM PDT

- Sau quyết định "cảnh cáo" công chức đối với Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội Nguyễn Văn Nam – nhiều cán bộ, giảng viên đã/đang công tác tại trường tỏ ra chán nản và thất vọng.

Quyết định hình thức xử lí "cảnh cáo" đối với Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nam cùng hình
thức "phê bình nghiêm khắc" và "phê bình rút kinh nghiệm" với các hiệu phó đương
nhiệm được Bộ GD-ĐT công bố ngày 4/4.

H, Kinh t Quc dn, Nguyn Vn Nam, hiu trng, B GD-T
Sau hàng loạt sai phạm – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Nguyễn Văn Nam chỉ nhận hình thức “Cảnh cáo”

Phản ứng sau quyết định này, nhiều cán bộ đã/đang công tác tại Trường ĐH Kinh tế
quốc dân Hà Nội tỏ rõ chán nản và thất vọng.

Nguyên Hiệu trưởng Lê Du Phong cho rằng: "Quyết định của Bộ là nương nhẹ, bỏ qua
nhiều sai phạm lớn của ông Nam. Đơn cử như việc thu chi tài chính, đấu thầu xây dựng,
đào tạo sau đại học,…có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng không được chuyển cho cơ
quan điều tra.”

Ông Phong dẫn dụ: “vừa qua, một số trường chỉ sai phạm trong xác định chỉ tiêu
tuyển sinh Bộ đã đề nghị xử lí cảnh cáo. Cái sai của ông Nam quá lớn nhưng vẫn chỉ
nhận hình thức xử lí tương tự là chưa hợp lí".

Trao đổi với VietNamNet, nhiều cán bộ nhà trường cho rằng hình thức xử lí
trên "hoàn toàn chưa thỏa đáng".

Một cán bộ (xin giấu tên) bức xúc: "3 vấn đề sai phạm rất nghiêm trọng của hiệu
trưởng Nam trong quyết định của Bộ cũng không được đề cập là: Ký ban hành văn bản
trái phép về việc cấp chứng chỉ sau đại học và cho phép sử dụng chứng chỉ này để thay
thế các môn học bổ sung kiến thức dự thi cao học; Quản lý tài chính yếu kém mà điển
hình là việc thu sai, thu vượt 51 tỷ đồng từ học viên và sinh viên; Sai phạm trong
công tác xây dựng cơ bản".

Trong lá thư gửi Ban Tổ chức TW, UB Kiểm tra TW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ
Luận, tập thể cán bộ giảng viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cũng đã chỉ ra:
"Việc thu sai 51 tỷ đồng của hiệu trưởng Nam có dấu hiệu "lạm dụng chức vụ, quyền hạn
cưỡng đoạt tài sản" , "có tổ chức" được quy định tại điều 280 bộ luật tố tụng hình
sự, vụ việc này phải chuyển hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo thẩm
quyền".

Và hàng loạt sai phạm khác như: Ký ban hành văn bản trái phép về việc cấp chứng
chỉ sau đại học và cho phép sử dụng chứng chỉ này để thay thế các môn học bổ sung
kiến thức dự thi cao học; Cho phép 83 người đã đỗ cao học và bảo vệ xong luận án thạc
sỹ khi họ không đủ điều kiện dự thi. Điều này trái luật giáo dục, vi phạm nghiêm
trọng quy chế tuyển sinh sau đại học của Bộ…

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức độ "cảnh cáo" là quá nhẹ, khó có thể chấp
nhận".

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/116133/that-vong-voi-cach-xu-sai-cua-bo-giao-duc.html

Comments