Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


GS Hồ Ngọc Đại: Dạy trước là thiển cận!

Posted: 25 Apr 2013 06:42 AM PDT

(GDTĐ) – GS Hồ Ngọc Đại khẳng định phải có cơ sở lý thuyết để xử lý, nếu không có hệ thống lý thuyết thì không thể xử lý nổi.

Cho đến nay, GS Đại vẫn tin vào lý thuyết "Hoạt động" do nhà tâm lý học nổi tiếng người Nga A.N Leontiev khởi xướng. Ông cho rằng, cái khác biệt căn bản giữa lý thuyết "Hoạt động" và lý thuyết "Hành vi" chính là chỗ nói đến sự phát triển tâm lý của trẻ em, mà sự phát triển tâm lý ấy mới đích thị là sự phát triển của con người. Trong mỗi giai đoạn của đời người, "hoạt động chủ đạo" luôn đóng vai trò chi phối toàn bộ. Nếu không có lý thuyết về "hoạt động chủ đạo" thì không biết được với lứa tuổi nào nên giáo dục cái gì.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Theo GS Hồ Ngọc Đại, trẻ em từ 0 – 2 tuổi, từ  3 – 5 tuổi, từ 6 – 11 tuổi, từ 12 – 18 tuổi, ngoài 18 tuổi phải có những phương pháp giáo dục khác nhau tạo ra sự chuyển hóa rất thực tiễn và chỉ khi được soi rọi bởi hệ thống lý thuyết mới thấy một cách tường minh điều này. Có thể ví trẻ em như hạt giống đem gieo. Hạt giống ấy, khi nảy mầm nó sống khác, khi thành cây, ra hoa, kết trái… nó lại theo một đời sống khác. Như vậy, sự phát triển của con người là tập hợp những giai đoạn phát triển khác nhau về chất.

Theo GS Hồ Ngọc Đại, nếu hiểu được như vậy sẽ tổ chức được hệ thống giáo dục rất tự nhiên, phù hợp với từng lứa tuổi và tất nhiên sẽ rất thành công. Nếu giáo dục theo kiểu lý thuyết thực dụng, rất có thể sẽ có hiệu quả tức thời, nhưng về lâu dài không thể bền vững được. Và cuối cùng, chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa kinh nghiệm chứ không phải khoa học. Không thể phủ nhận xử lý theo chủ nghĩa kinh nghiệm là hoàn toàn sai, nó cũng có cái đúng nhưng xác xuất đúng rất thấp – GS Hồ Ngọc Đại khẳng định.

Theo nhà tâm lý học nổi tiếng người Pháp Piaze, đặc trưng của hoạt động chủ đạo ở trẻ từ 0 – 2 tuổi là hệ thống thao tác (bú, tập đi, đứng, nhìn, quờ quạng…); từ 3 – 5 tuổi là tập nói và dần dần hoàn thiện ngôn ngữ. Ngoài 6 tuổi trẻ không học nói nữa mà dùng ngôn ngữ để làm việc khác. Ngoài ra, trẻ còn chịu sự tác động của nhiều mối quan hệ xã hội khác.

GS Đại kể ngày trước ở Nga có 2 trường phái: Một ủng hộ cho trẻ đi học năm 7 tuổi, một ủng hộ cho trẻ đi học năm 6 tuổi. Tại sao lại như vậy? Một phái thấy trẻ trưởng thành nhanh, muốn cho đi học sớm, một phái muốn giữ lại tuổi thơ để trẻ phát triển hoàn toàn tự nhiên, thoải mái. GS Đại cho rằng, triết lý sâu sắc nhất là giữ tuổi thơ của trẻ vì đó là nền tảng của cả đời người. Nếu phá hoại cái nền tảng ấy là vụ lợi – ông khẳng định. Việc cho trẻ đi học sớm được GS Hồ Ngọc Đại ví như hành động nhổ "nhớm" cây, tưởng nó chóng lớn nhưng không khéo bị đứt rễ. Đây là quan điểm thiển cận, nếu không muốn nói là tầm bậy – GS Hồ Ngọc Đại gay gắt.

Vậy "hoạt động chủ đạo" của trẻ trước 6 tuổi là gì? GS Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh, giáo dục cho trẻ ở độ tuổi mầm non là dạy cho trẻ chơi, múa hát, dạy đạo đức…, dạy cho trẻ biết nhận dạng… Tại sao lại như vậy? Vì trẻ ở tuổi mầm non là giai đoạn chuẩn bị "cơ sở vật chất" (sức khỏe, tâm sinh lý…) để vào lớp 1 học chữ. Còn phải từ 6 tuổi trở đi trẻ mới đủ trình độ tiếp thu chữ, số và lúc ấy chúng tiếp thu một cách căn bản, khoa học, khác hẳn với sự tiếp thu của trẻ ở giai đoạn 3 – 5 tuổi. GS Hồ Ngọc Đại khẳng định: Nếu trẻ biết chữ trước khi vào lớp 1 sẽ rất khổ cho các em. Những học sinh này chỉ chiếm ưu thế một vài tháng, sau đó… đụt hết!

GS Hồ Ngọc Đại kết luận: Dạy chữ cho trẻ "tiền lớp 1" là thiển cận.

Thụy Anh  (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201304/GS-Ho-Ngoc-Dai-Day-truoc-la-thien-can-1968600/

Đi thi… “chờ thời”

Posted: 25 Apr 2013 06:42 AM PDT

(GDTĐ) – Đến hẹn lại lên. Phòng GDĐT huyện nọ đang rục rịch chuẩn bị tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đây là một trong những chỉ tiêu thi đua mà giáo viên đăng ký (không bắt buộc) ngay từ đầu năm học, và kèm theo một số điều kiện (theo Thông tư  21/2010/TT – BGDĐT ban hành ngày 20/7/2010).

Ảnh có tính chất minh họa/internet
Ảnh có tính chất minh họa/internet

Hội thi là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các trường, được tổ chức định kỳ, theo quy mô từng cấp dưới sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục của địa phương và Trung ương. Đồng thời, Hội thi góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học tập và sáng tạo. Qua Hội thi, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.

Ai cũng mong muốn, việc tổ chức Hội thi phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giáo dục… Nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng, trơn tru, cầu được ước thấy. Điều đáng bàn ở đây, rằng có một bộ phận nhỏ giáo viên trình độ chuyên môn hơi "nhẹ ký", đạo đức nhà giáo chưa đi vào chuẩn mực, nhưng vì có quan hệ thân tín, "gan ruột" với cán bộ cao cấp, và được sự "động viên" kịp thời của các vị quan chức nên cũng khăn gói đi thi với hy vọng ấp ủ … "chờ thời".

Này nhé, muốn bài dạy đa dạng về hình ảnh, sống động về âm thanh và đầy đủ về nội dung, có sức thu hút học sinh,… thì giảng dạy bằng giáo án điện tử là một ưu thế nổi bật đang được nhiều thầy cô đầu tư lựa chọn, vận dụng linh hoạt. Thực trạng đáng buồn là, có giáo viên nọ dù tuổi nghề đã thâm niên, sống ở vùng thuận lợi, kinh tế thuộc diện "ưu", và đặc biệt là luôn được cây cao bóng cả "che mát" suốt bốn mùa, nhưng không hề biết đến máy vi tính, bàn phím, con chuột là gì. Vậy mà cũng đăng ký thi tuốt. Sống ở cõi đời, ai chẳng muốn tự lực cánh sinh, nhưng năng lực có hạn thì chỉ còn cách là "cậy em em có chịu lời". Về nhà rảnh rỗi biết cầu cứu ai trợ giúp? Tại sao không tranh thủ tận dụng thời gian vàng ngọc ở lớp để nhờ vả những người "cao tay ấn" về công nghệ thông tin soạn hẳn cho một giáo án điện tử rồi quà cáp, ăn uống, chén chú chén anh, coi đó là sự trả ơn? Đến khi đi thi giống như con robot chỉ cần thao tác kích chuột, enter là xong ngay. Ban Giám khảo đố ai lên tiếng rằng giáo viên nọ không biết trình chiếu powerpoint, không biết sử dụng internet, kỹ năng ứng dụng thông tin?

Thời gian phân bổ ở lớp tập trung vào việc giảng dạy. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh "đứa con cưng" mang vinh quang về, nên thầy nọ cô kia đã không ngại bỏ lớp, khoán trắng cho học sinh tự mày mò nghiên cứu bài học trong sách giáo khoa, gây lúng túng và mất phương hướng khi tiếp cận với dung lượng kiến thức khá mới mẻ. Hệ lụy này liên đới đến những bài học về sau. Hàng loạt các tiết học chẳng khác nào "cơm chấm cơm". Còn các trò thì mặc sức làm chủ không gian lớp học.

Phấn đấu vươn lên, không ngừng nỗ lực để đoạt được danh hiệu là điều đáng khích lệ, biểu dương. Nhưng đừng đánh bóng tên tuổi mình trong khi vay mượn quá nhiều và bản thân chưa thật sự đúng tầm, đủ "lực".

Vì vậy, bớt đi suy nghĩ ỷ lại khi nhận được sự hậu thuẫn hùng mạnh của các "ông tiên bà thần". Cần phải để Hội thi diễn ra đúng nghĩa, tích cực và thắp lên ngọn lửa hồng trong mỗi giáo viên.

Thiên Thu

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201304/Di-thi-cho-thoi-1968616/

‘Đừng tranh cãi học 9 hay 12 năm’

Posted: 25 Apr 2013 06:42 AM PDT

- "Khi giáo dục Việt Nam chưa xác định được triết lí giáo dục thì đừng bàn 9 năm hay 12 năm"- GS Hoàng Xuân Sính, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Thăng Long nêu quan điểm.


lp 9, trung hc ph thng, hc sinh, gio dc
GS Hoàng Xuân Sính (Ảnh: Văn Chung).

GS Hoàng Xuân Sính cho biết: Xem clip của nam sinh lớp 12 – bản thân tôi đồng tình hãy để tuổi trẻ nói lên suy nghĩ của các em. Nếu các em không nói chúng ta sẽ không biết người trẻ thích, không thích cái gì cũng như thấy được những gì mình đạt dược hoặc còn thiếu sót.

Cái nguy hiểm là khi tuổi trẻ không nói gì, trước mặt chúng ta chỉ là "những hộp đen bí hiểm". Anh là nhà GD mà trước những học sinh sinh viên (HSSV) không nói ý kiến về bài giảng, về chương trình, về nhà trường thì nhà GD biết gì để bổ sung, sửa chữa.

Ở VN, có lẽ lần đầu tiên một học sinh dám đưa ra quan điểm về giáo dục khi còn là học sinh nên được chú ý. Chính cái trái khoáy, lạ này nên mọi người mới cảm thấy ngạc nhiên. Nhưng tôi cho đây cũng là dấu hiệu đáng mừng.

Nhìn ra nước ngoài các em nói hàng ngày, ngay trên lớp học. Giáo dục phải làm sao để các em bày tỏ quan điểm, chính kiến ngay với thầy cô trong lớp học. Để bao nhiêu lâu học sinh mới nói ra trên clip thì hơi muộn.

Dù ủng hộ nhưng cần thấy đây chỉ là chủ quan suy nghĩ của học sinh, còn nhiều điểm cần uốn nắn. Giáo dục không cho phép được làm theo chủ quan của ai được. Giáo dục để đào tạo cho em thành một con người biết sống tốt giữa mọi người nên không thể theo cảm tính của một học sinh.

Ví dụ em bảo chỉ học môn nào thích. Nhưng Toán giúp phát triển óc phân tích, Văn giúp phát triển óc tổng hợp. Em không thích Văn hoặc Toán. Điều đó sẽ khiến em bị khập khiễng. Và tất nhiên, giáo dục sẽ áp đặt để em thành người toàn diện hơn.

Em nói không cần có thi cử kiểm tra nhưng kiểm tra nếu làm tốt chức năng đánh giá khả năng tiếp thu của em đến đâu lại cần thiết, phải làm dù em không thích.

- Một trong những quan điểm đáng chú ý của nam sinh này là học sinh chỉ cần học hết lớp 9. Ở tuổi 14, 15 các em đã biết xác định được khả năng và lối đi cho riêng mình. GS có đồng tình với ý kiến này?

Đó là suy nghĩ của em mà thôi. Tôi cũng thấy nhiều giáo sư đồng tình ủng hộ quan điểm đó. GS Văn Như Cương từng nói bậc phổ thông, mọi học trò không nhất thiết cần học đạo hàm tích phân. GS Nguyễn Lân Dũng và một số người sau đó cũng đồng tình ủng hộ.

Nhưng tôi xin lấy ví dụ nhiều nhà nghiên cứu kinh tế thế giới cho rằng chúng ta không thể dạy được học trò nghiên cứu về kinh tế.

TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên phó Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD-ĐT) chia sẻ trong lần sang Mỹ xem nghiên cứu sinh học hành như thế nào được các bạn tâm sự: "Ở đây phải học 2 năm về Toán trước, sau các GS mới cho học kinh tế. Theo các giáo viên ở đây: "Nếu không có Toán thì anh sẽ làm được gì với môn học của tôi. Có Toán mới nghiên cứu sâu được về kinh tế". Trong khi ta lại nói không cần (?!)

Một ví dụ khác GS Lê Văn Cường từ ĐH Paris 7, nổi tiếng kinh tế sau khi về VN muốn truyền dạy kiến thức của ông cho SV. Ông làm thí điểm với SV Trường ĐH Thủy lợi và cũng yêu cầu SV phải học thêm về Toán trước khi học kinh tế của ông.

Tóm lại những tích phân, đạo hàm là rất cần thiết. Và giáo dục phổ thông cần 12 năm.

Cần một triết lí

- Bộ GD-ĐT đang hoàn thiện Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau 2015. GS có góp ý gì để đề án có tính khả thi?

Trước khi góp ý tôi xin đưa chút so sánh về 2 nền giáo dục đối cực nhau là Mỹ và Pháp.

Giáo dục phổ thông ở Mỹ chủ trương cho thể thao lên hàng đầu. Tôi có chị bạn định cư ở Mỹ. Con học lớp 9, giỏi nhất tennis ở trường. Và đa số mọi người giỏi tennis còn hơn giỏi nhất Toán ở trường. Để trò phát triển tối đa về sức khỏe rồi vào đại học họ buộc SV phải "mở máy", học thật nhiều. Thành ra nhiều trường ĐH của họ khó vì SV phải học nhiều.

Pháp lại chủ trương có 12 năm phổ thông để vào ĐH sinh viên sẽ đi chuyên sâu ngay chứ không học đại cương như Mỹ.

Nhưng cả hai nền giáo dục đều sản sinh ra những người giỏi. Vì đâu?Vì họ xác định được triết lí giáo dục.Có triết lí rồi mới xác định cần theo chương trình 9, 10 năm hay 12 năm được.

Hiện giáo dục phổ thông của mình bắt chước Pháp là nặng nhưng đến giáo dục ĐH lại không làm theo mà thả lỏng cho chơi. Đó là hệ quả của nền kinh tế kế hoạch với tư tưởng vào bao nhiêu phải ra bấy nhiêu.

Cách làm không nhất quán đó dẫn tới giáo dục của ta cứ đi vòng quanh, rối rắm.

Thậm chí ta bắt chước Pháp được bao nhiêu hay chỉ hời hợt? Trẻ ở Pháp học rất nặng, đặc biệt là việc tự học. Ta thay vào là việc bắt trẻ đi học thêm.

Đổi mới chương trình sách giáo khoa ở VN muốn thành công cần một triết lí. Sau đó tính làm như thế nào, giao cho ai viết hay nhập khẩu chương trình thì đơn giản. Ban soạn thảo phải làm từ lớp 1 đến ĐH. Nếu tách ra làm sẽ dẫn đến khập khiễng, thiếu toàn diện.


Văn Chung(thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/118498/-dung-tranh-cai-hoc-9-hay-12-nam-.html

Học cô cách làm người!

Posted: 25 Apr 2013 06:41 AM PDT

(GDTĐ) – Năm ấy, cô Hồng Minh là giáo viên dạy văn của lớp tôi. Mỗi giờ Văn của cô sao mà cuốn hút đến vậy. Giọng giảng của cô lúc ngân nga, lúc trầm bổng say mê. Ánh mắt rạng ngời của cô làm cho lũ học trò chúng tôi xao xuyến lạ. Tiết học nào cũng thế, trong từng bài giảng, cô luôn minh hoạ bằng những câu chuyện, tình huống thực tế, những câu danh ngôn, tục ngữ, hoặc mẫu chuyện trạng Vĩnh Hoàng quê tôi làm cho giờ Văn của cô luôn hấp dẫn, mới mẻ, không nhàm chán bao giờ.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Bây giờ, tôi là một cô giáo dạy Văn, tôi nhận thấy rằng, hình như phương pháp dạy của tôi có nhiều điểm giống cô. Tôi còn nhớ khi tìm hiểu nội dung một tác phẩm cô luôn đặt câu hỏi cụ thể, có trình tự, lớp lang. Nếu chúng tôi chưa tìm ra câu trả lời thì cô đưa ra như là câu hỏi gợi ý nhỏ, dẫn dắt chúng tôi khai thác tác phẩm một cách nhẹ nhàng, nắm từ cái cụ thể đến phức tạp. Sau đó, cô giúp chúng tôi tìm ra điểm quan trọng, khái quát nhất. Cô luôn tôn trọng ý kiến của học sinh. Cô từng nói, mỗi bạn sẽ có những cảm nhận khác nhau về một bài văn, bài thơ nào đó. Cô không áp đặt cách cảm, hiểu của cô đối với các em.

Những nội dung mà cô đưa ra chỉ là định hướng từ đó các em có cách hiểu, cảm nhận và diễn đạt của riêng mình. Đó là phương pháp học văn sáng tạo, không rập khuôn. Tôi đã từng nói điều đó với các em học sinh của mình.. Vì vậy, nhiều học trò của tôi đã mạnh dạn đưa ra những cách hiểu, cảm nhận khác so với nhân định của tôi và sách vở. Sau những giờ dạy như thế, khi suy nghĩ lại tôi thấy ý kiến của học trò mình thật sát, đúng biết bao. Tôi vui vì điều đó! Đôi khi có một số bạn không chú ý đến bài giảng, cô có những câu hỏi nhỏ, nhắc nhở tế nhị kéo dần các bạn ấy vào giờ học một cách nhẹ nhàng mà không ảnh hưởng đến cả lớp. Tôi đã học theo cô cách làm đó trong khi nhắc nhở những học trò vi phạm trật tự, kỉ luật giờ học. Chính vì thế, trong giờ văn của tôi, hiếm khi tôi la mắng học sinh và hình như các em cũng chưa chống đối tôi bao giờ, cô trò chúng tôi rất thân thiện với nhau.

Chữ viết vở của tôi không đẹp nhưng khi viết bảng thì tôi khá tự tin. Nhiều đồng nghiệp dự giờ, có người đã khen tôi vì cách trình bày bảng. Họ cho rằng chữ viết bảng của tôi vừa rõ ràng, vừa có nét bay bổng, nội dung trình bày lại khoa học, hợp lí. Mỗi lúc như vậy, tôi lại nhớ nét chữ, cách viết bảng của cô. Chữ của cô đẹp ngay ngắn, ý lớn, ý nhỏ được sắp xếp một cách khoa học. Nhan đề bài dạy  luôn được cô viết một cách cầu kì, ấn tượng bằng phấn màu (có lẽ lúc đó để có phấn màu để viết là một sự đầu tư của cô). Khi khai thác xong một phần nội dung, nghệ thuật nào đó của một tác phẩm, cô luôn có những phần tiểu kết chốt lại kiến thức cần nhớ. Hoặc khi hướng dẫn học sinh xác định được nhãn tự, những hình ảnh, chi tiết, biện pháp nghệ thuật,… cô đều sắp xếp trên bảng hợp lí khiến chúng tôi chỉ cần ghi lại một cách ngắn gọn nhưng đã nắm được trọng tâm của bài. Từ đó, khi cảm nhận, phân tích,… chúng tôi dễ dàng hơn.

Trong những năm gần đây, phong trào đổi mới phương pháp dạy học đã được các cấp quản lí giáo dục và giáo viên quan tâm, chú trọng. Với tôi, bên cạnh những phương pháp dạy học đổi mới hiệu quả, việc sử dụng những phương học truyền thống – như cách thức mà cô tôi từng làm, luôn được tôi ưu tiên. Vì tôi nhận thấy, những phương pháp truyền thống ấy, vẫn luôn phù hợp trong việc dạy học văn, giúp học sinh hiểu văn, yêu văn và có khả năng sáng tạo.

Macxim Gorki từng nói: “Văn học là nhân học”. Học văn của cô, tôi đã được học cách làm người. Nhưng ý nghĩa hơn, đối với nghề dạy học của tôi, cô còn dạy tôi cả phương pháp, để tôi luôn tự tin đứng trước học sinh của mình. Với nỗ lực của bản thân, đến nay, tôi đã là một giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh suốt 9 năm liền. Nhiều năm liên tiếp, tôi đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Dù còn khiêm tốn, nhưng tôi đã có một vài học trò đạt giải học sinh giỏi Văn cấp huyện, tỉnh. Đó là một niềm vui lớn của tôi. Niềm vui ấy là món quà nhỏ ý nghĩa, tôi luôn thầm dành cho cô giáo Hồng Minh, Trường THCS Vĩnh Hòa (Vĩnh Linh) – Cô giáo yêu quý cửa tôi!

Mã số: 1011

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201304/Hoc-co-cach-lam-nguoi-1968617/

Ngân sách hạn hẹp: Bó hẹp giáo dục Việt Nam

Posted: 25 Apr 2013 06:40 AM PDT

GS Hoàng Xuân Sính

GS.TS. Hoàng Xuân Sính đưa ra bức tranh giáo dục của Việt Nam hiện nay sau hơn 30 năm đổi mới: Hệ phổ thông với thầy và trò xuốt ngày dạy thêm học thêm; hệ đại học với những sinh viên chỉ muốn xả hơi sau 12 năm gò lưng trên bàn học ở trường và ở lớp học thêm, đến mùa thi thì đi thày cô để có bảng điểm tốt; và một danh sách khá dài những gia đình chán ngán với giáo dục của nước mình, đã bằng mọi giá cho con ra nước ngoài học.

Tại sao ta lại có bức tranh đó? GS Sính giải thích: "Điều căn bản khiến giáo dục có nhiều vấn đề như vậy, đó là ngân sách rất hạn hẹp. Chẳng hạn khi nói về một trường đại học nào trên thế giới, người ta thường nói tới ngân sách dành cho sinh viên hàng năm, được tính như sau: học phí sinh viên đóng + hỗ trợ Nhà nước cho mỗi sinh viên + hỗ trợ doanh nghiệp. Con số này thay đổi tùy theo từng nước, thường nước càng giàu thì con số càng lớn. Ngân sách dành cho sinh viên trên thế giới có thể từ 50.000 đô la hay hơn cho đến mức thấp 5.000 đô la. Nhưng chưa bao giờ ta nghe tới con số 500 đô la. Nhưng đó lại là con số của các đại học của ta. Chính con số đó là nguyên nhân gây nên tất cả mọi khó khăn yếu kém cho nền giáo dục của ta".

Làm thế nào có đủ tiền cho giáo dục, đó là một thách thức lớn. GS Sính phân tích: "20% ngân sách dành cho giáo dục, chúng ta nghĩ là một con số quá lớn rồi, một cố gắng lớn lao để đưa giáo dục là quốc sách hàng đầu; nhưng ai cũng biết rằng 20% của vô cùng bé thì vẫn là vô cùng bé. Nếu chưa tìm ra tiền cụ thể cho giáo dục, trước hết ta hãy tìm những gì làm hỏng giáo dục, làm hỏng con người, lãng phí tiền bạc của nhà nước, của nhân dân và thời gian của thày và trò. Tìm ra và ngồi tính, sẽ thấy tiết kiệm được khối tiền".

GS Sính đã liệt kê một số những vấn đề lớn đang làm mất mát nhiều tiền của xã hội và làm hỏng học sinh, sinh viên. Cụ thể, vấn đề thứ nhất đó là dạy thêm học thêm. "Tôi chưa tìm thấy gia đình nào ở Hà Nội không cho con học thêm. Nếu ta chịu khó làm một nghiên cứu về việc học thêm của học sinh Hà Nội, ta sẽ thấy con số đó lớn từng nào. Nếu mỗi gia đình không cho con học thêm một cách nhiều như vậy và để dành tiền cho con học đại học, thì ngân sách đại học có thể tăng lên rất nhiều vì ta có thể tăng học phí ở các trường đại học công cũng như tư, không để ở mức buồn cười như 500 đô la mỗi năm cho mỗi sinh viên như hiện nay. Bên cạnh đó, người ta nói nhiều đến chương trình nặng, sách giáo khoa viết còn nhiều chỗ sai sót…" – GS Sính cho hay.

Dạy kiến thức nhưng chưa dạy người

Vấn đề thứ hai, GS Sính cho biết, trong 12 năm từ tiểu học đến hết trung học phổ thông, giáo dục của mình chỉ làm được việc dạy kiến thức, còn việc dạy người thì chưa làm được gì.

Triệt để không cho dạy thêm

Thứ ba nói đến vấn đề Xã hội hóa giáo dục. theo GS Hoàng Xuân Sính, đây là một biện pháp chúng ta đã sử dụng, bước đầu cho bậc đại học, tiếp theo đã mở ra cho toàn bộ hệ thống. Giờ là lúc chúng ta cần phải nghiên cứu các chính sách về pháp lý, quản lý, tài chính… có giúp cho hệ thống này được ổn định để phát triển, hay còn những điều chưa hợp lý gây nhiều trì trệ, lãng phí.

GS Sính cho rằng: "Vấn đề lớn của giáo dục là ngân sách quá hạn hẹp, khiến mọi ý muốn tốt đẹp không thực hiện được. Cho nên cần phải tiết kiệm ở mọi nơi mọi chỗ, cái gì không cần thiết thì phải bỏ, không đưa ra những chính sách khiến người ta không thực hiện được, bỏ lối quản lý bằng mệnh lệnh không phù hợp với thực tiễn, tạo cơ chế xin cho".

GS Sính đề nghị: Triệt để không cho dạy thêm học thêm hoành hành như hiện nay, làm cho các gia đình biết để dành tiền cho con học ở bậc đại học, không tiêu vô bổ vào việc học thêm ở bậc dưới làm hỏng con. Dạy chữ không được quên dạy người. Xem xét thật kỹ các quy chế ban hành cho các trường đại học ngoài công lập, cái gì không hợp lý, mất công, mất sức, tốn tiền, không cần thiết thì không đưa ra ép người ta phải thực hiện.

Theo GS Hoàng Xuân Sính, phải thiết lập một mạng lưới các trường cho hợp lý, một tỉnh chưa phải là công nghiệp mà có tới 3 trường đại học công và một trường đại học dân lập là tối ư bất hợp lý, khiến trường dân lập không tuyển sinh được. Không tuyển sinh được đang khiến nhiều trường tư phải hàng tháng bỏ tiền túi ra để trả lương giáo viên, một việc không thể tồn tại lâu được. Hãy tránh mọi lãng phí cho xã hội, ta sẽ có dư thêm khối tiền để làm giáo dục tốt lên.

Hồng Hạnh (ghi)

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ngan-sach-han-hep-bo-hep-giao-duc-viet-nam-723325.htm

‘Nam sinh bắt bệnh giáo dục chưa hiểu thực trạng VN’

Posted: 25 Apr 2013 06:40 AM PDT

Nếu bỏ hết các môn đạo đức, giáo dục công dân đi thì người học hết đại học vẫn hơn người học hết lớp 9 mọi mặt từ ứng xử, giao tiếp, văn hóa, đạo đức…

Tốt nghiệp đại học sớm để thành đạt ngay từ tuổi 20

Tôi rất hoan nghênh và phục tinh thần của em học sinh dám “bắt bệnh” ngành giáo dục. Nhưng dưới con mắt của một người đọc, cũng xin có những ý kiến riêng để phản biện. Dẫu biết rằng, việc phản biện chê bai, bao giờ cũng dễ hơn việc đưa ra quan điểm rất nhiều.

Chung quy toàn bộ bài viết này, tôi chỉ muốn nhấn mạnh 1 chữ: "NGHÈO". Từ chữ này, tôi phân tích các ý sau:

Thứ nhất, nhìn nhận kinh tế của Việt Nam:

Em học sinh trên chưa nhìn nhận được thực trạng xã hội của Việt Nam hiện nay. Có một vị Tổng thống Mỹ từng nói một câu rằng: "Đời cha chúng ta học, nghiên cứu kỹ thuật, để chúng ta học, làm kinh tế, và để con chúng ta học, biểu diễn nghệ thuật." Tức là với 1 đất nước, thường chia làm 3 bậc khác nhau:

Bậc 1: Ở mức thấp nhất, cơ bản, chẳng có gì nhiều như Việt Nam hiện tại, thì phải tập trung nhân lực, lao động vào các ngành nghề cơ bản như kỹ thuật, nông nghiệp, công nghiệp…

Bậc 2: Khi đã có vốn, có tiền, có nguồn lực, bắt đầu phát triển mạnh kinh tế, ngân hàng, đầu tư ra các nước xung quanh.

Bậc 3: Khi có mức độ giàu nhất định (như các nước phương tây, để người thất nghiệp cũng được trợ cấp ở mức cơ bản) thì con người mới thoải mái theo đuổi những đam mê của mình mà không sợ gì cả.

Em học sinh trên cũng đã loáng thoáng nhắc đến những điều này trong clip, nhưng chưa thật sự rõ.

Thực tế là với 70% dân số đang làm nông nghiệp, thì việc nhắc đến đam mê trong toàn bộ ngành giáo dục, thật sự là điều xa xỉ. Khi mà mỗi con người sinh ra đều có gánh nặng lo cho bản thân, cho gia đình, cho bố mẹ, anh em. Phải mang sứ mệnh thoát cái nghèo đói, cái cảnh chân lấm tay bùn thì việc theo đuổi đam mê khác nào sự ích kỉ và viển vông.

Thứ hai, nhìn nhận sự tiếp cận thông tin của Việt Nam:

Đối với các nước phát triển, việc tiếp cận thông tin tri thức bằng sách báo, internet, tivi trở nên rất phổ biến.

Trẻ em được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin từ sớm, nên khả năng nhận thức, độ hiểu biết về xã hội cũng tăng nhanh.

Có thể thấy trường hợp một bé trai được xem là thần đồng ở Việt Nam, được xem như hiện tượng lạ, bàn tán sôi nổi, thì ở nước ngoài họ xem là bình thường.

Ở Việt Nam, khả năng tiếp cận thông tin, tri thức của trẻ em còn hạn chế. Trẻ em nông thôn ngoài việc học ở trường, về nhà còn phải làm việc nhà, thậm chí cày ruộng từ khi còn rất nhỏ. Kể cả trẻ em thành phố, số lượng được tiếp cận với máy tính trước năm lớp 9 cũng chỉ là một phần rất nhỏ, lại thiếu sự quan tâm đúng mức của cha mẹ và xã hội.

Vì vậy trẻ em Việt chậm lớn về tư duy, về văn hóa hơn trẻ em các nước phát triển là chuyện thường. Khi học hết lớp 9, các em vẫn hầu như chưa có đủ nhận thức về xã hội, về tương lai, nghề nghiệp cũng như đam mê của mình. Em nam sinh hùng biện kia chỉ cần về các vùng nông thôn, hoặc ngoại thành Hà Nội thôi, là thấy ngay sự thật đó.

Thứ ba, nhìn nhận về giáo dục của Việt Nam:

Có thể nói, do chữ nghèo, nên giáo dục của ta, nhất là bậc mầm non và tiểu học không phát triển. Khi mà cha mẹ còn lo gánh nặng mưu sinh, khả năng tiếp cận tri thức khó khăn, thì trường mầm non và tiểu học là hi vọng duy nhất dạy dỗ cái gốc, cái nền tảng cho các em.

Tiếc rằng ở ta hiện nay, quá thiếu điều kiện để 2 cấp học này phát huy sự quan trọng của nó. Trẻ em các nước phát triển được đi dã ngoại, tham gia các hoạt động xã hội từ sớm. Chúng được tập làm người lớn, được chơi các trò chơi kích thích trí tuệ, cảm xúc, được định hướng bài bản từ nhỏ.

Tất cả những thứ đó, đối với Việt Nam đều xa xỉ. Cải cách giáo dục mà chỉ chăm chú vào bậc cấp 3, thì đó chỉ là phần ngọn, phần gốc này mới thực sự quan trọng. Tôi nghĩ những người làm giáo dục của ta chắc cũng nhận ra được, nhưng tiếc rằng lực bất tòng tâm, tiền không có thì sao được như người ta.

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/xa-hoi/2013/04/nam-sinh-bat-benh-giao-duc-chua-hieu-thuc-trang-vn/

Thi vào lớp 1 như thi đại học!

Posted: 25 Apr 2013 06:40 AM PDT

Nhiều bé đã hoàn tất việc thi tuyển vào một số trường và tiếp tục trường chinh chờ đợi những cuộc thi tiếp theo diễn ra vào tháng 5, tháng 6…

6-7 triệu đồng/đợt ôn thi

Sau khi Bộ GD-ĐT quy định "cấm tổ chức thi đọc, viết" đối với trẻ chuẩn bị vào lớp 1, một số trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội đã tìm kiếm phương thức thi tuyển khác để "né" quy định, như kiểm tra năng lực nhận thức, năng lực ngôn ngữ, năng lực tính toán, năng khiếu tiếng Anh và kiểm tra sức khỏe…

Và cùng với việc bắt trẻ tập đọc, tập viết, từ tháng 3, tháng 4 các bậc cha mẹ đã tìm thầy, tìm lớp để "luyện thi" cho con theo nội dung tương tự đề thi của các trường những năm trước. Giai đoạn "ôn thi nước rút", nhiều bé vừa phải học ở các lớp "ôn thi" bên ngoài, vừa học riêng ở nhà cô, tối đến lại cùng bố mẹ đánh vật với đống bài "trắc nghiệm trí tuệ". Theo tiết lộ của một phụ huynh, tiền ôn thi "nhẹ nhàng cũng tốn 6-7 triệu đồng".

Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm được nhiều phụ huynh gửi gắm là nơi tổ chức "câu lạc bộ tuổi thơ" bài bản, nơi con em mình được "tập dượt" trước kỳ thi. Bà Quỳnh Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đã cho cô con gái sinh năm 2007 tham gia câu lạc bộ từ tháng 3. Đều đặn thứ bảy hằng tuần, bé được đưa đến trường, được cô hướng dẫn làm các bài tập kiểm tra logic, luyện tiếng Anh, hướng dẫn kể chuyện theo tranh, đúng như mô hình các bài thi nhiều năm của nhà trường.

Cẩn thận hơn, bà Quỳnh Anh còn cho con theo học riêng một cô giáo "luyện" thêm các bài tập toán logic, chuẩn bị cho cuộc thi cuối tháng 5. "Gia nhập câu lạc bộ của nhà trường, chi phí phải đóng cho cháu là 4 triệu đồng/12 buổi. Nếu kể cả tiền xe đưa đón thì chi phí luyện thi này hơn 6 triệu đồng" – bà Quỳnh Anh chia sẻ.

Với mỗi lớp học tổ chức dưới dạng câu lạc bộ khoảng 30 em, số lớp học này năm nay của Trường Đoàn Thị Điểm đã lên đến khoảng 30 lớp với tổng số bé tham gia lên đến gần 1.000.

"Thua keo này, bày luôn keo khác"

Bà Thùy (thường trú ở khu Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội) nói: "Tôi đã nộp hồ sơ cho con thi ba trường để không đậu được trường này thì có thể đậu trường kia". Theo bà kể lại, vì quá hồi hộp nên bài thi vào Trường tiểu học Nguyễn Siêu (vào ngày 19-4) con gái bà đã làm không tốt bài thi trắc nghiệm IQ, mặc dù phần hỏi đáp tiếng Anh làm rất tốt.

"Tôi chỉ nghe cháu kể lại nhưng thấy đề thi khó quá, mặc dù đã luyện cùng cháu mấy tháng nay nhưng với tâm lý căng thẳng thì không phải cháu nào cũng có thể làm được. Đã có cháu vì sợ hãi mà khóc không chịu rời bố mẹ khi vào trường thi" – bà Thùy cho biết.

Sau buổi thi vào Trường Nguyễn Siêu, bà Thùy tiếp tục cho con học tại câu lạc bộ của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm và nhờ một cô giáo của trường này dạy kèm để chuẩn bị dự thi tiếp vào tháng 5.

Trong khi đó ông Tuyến, bà Hạnh – một cặp vợ chồng khác cũng có con vừa dự thi vào Trường Nguyễn Siêu – lại tỏ ra cay cú vì "bình thường con rất thông minh, bố mẹ đã cho con làm thử cả trăm bài trắc nghiệm nhưng khi thi lại làm hỏng". Thất vọng vì thất bại này, bà Hạnh cho biết sẽ cho con thi tiếp "vì không muốn cháu bị ám ảnh bởi thất bại" (!).

Cô Lý Thị Sơn, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Quý Đôn, một trường cũng tổ chức kiểm tra đầu vào lớp 1, kể: "Có những người quyết định cho con thi tới năm trường. Năm trước có cháu vừa thi xong trường này đã phải chạy sang trường khác thi tiếp do bị trùng lịch thi". Còn cô Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, nhận xét: "Chính phụ huynh làm cho áp lực đối với các cháu căng thẳng hơn. Trường Đoàn Thị Điểm nhiều năm tổ chức kiểm tra đầu vào, nhưng không phải 100% trẻ thi đỗ đều nhập học ở trường này. Có cháu đỗ nhiều trường nên nhập học trường khác, cá biệt có những cháu được bố mẹ cho đi thi chỉ vì muốn "kiểm tra trí thông minh của con".

"Chọi" căng hơn đại học!

Theo cô Nguyễn Thị Hiền, năm học trước Trường Đoàn Thị Điểm có tới 1.500 bé dự tuyển lớp 1, trong khi trường chỉ nhận trên 500 học sinh (khoảng 20 lớp). Năm nay dự đoán số lượng trẻ đăng ký sẽ đông hơn do tăng dân số cơ học, trong khi trường dự kiến chỉ tuyển 18 lớp. "Nếu áp lực quá mới nới thêm hai lớp" – cô Hiền cho biết. Như vậy tỉ lệ "chọi" vào trường này có thể tới 1/3- 1/4.

Tương tự, Trường tiểu học Lê Quý Đôn năm 2012 có 1.000 học sinh dự tuyển với chỉ tiêu 400. Theo cô Lý Thị Sơn, năm nay trường dự kiến tuyển 12-13 lớp (30 học sinh/lớp) trong khi số lượng đăng ký dự đoán đông hơn năm trước. Trường tiểu học Lý Thái Tổ nằm trong khu vực "trắng trường công" của Hà Nội (khu Trung Hòa, Nhân Chính) nên nhiều năm nay áp lực tuyển sinh lớp 1 cũng rất nặng nề.

Cô Mai Quỳnh Nga, cán bộ nhà trường, cho biết: "Chúng tôi chỉ giới hạn tuyển sinh đối với ba đối tượng là học sinh trong khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính, học sinh có hộ khẩu thường trú tại P.Trung Hòa và học sinh được chuyển tiếp từ hai trường mầm non nằm trong hệ thống Trường Lý Thái Tổ. Tuy nhiên số lượng đăng ký đã vượt xa chỉ tiêu. Nhà trường cũng giới hạn số hồ sơ phát ra là 500 bộ, nhưng số thật chỉ là 170 cháu (5 lớp). "Dù không muốn từ chối một học sinh nào nhưng chúng tôi buộc phải tuyển chọn" – cô Nga cho biết.

Chính vì áp lực đầu vào quá lớn khiến một số trường tổ chức thi tuyển phải đau đầu để tính toán những đề thi "có tính sàng lọc". Thay vì kiểm tra năng lực các cháu 20-30 phút/lượt như các trường khác, Trường tiểu học Nguyễn Siêu tổ chức chương trình kiểm tra toàn diện năng lực trong cả một ngày. Bé 6 tuổi sẽ được ở lại trường cả ngày, thực hiện các bài kiểm tra logic, tiếng Anh xen kẽ với các trò chơi vận động, thực hiện các bài tập nhảy, hát.

"Năm nay trường phát ra 1.000 bộ hồ sơ. Với phần kiểm tra "quét" toàn bộ kỹ năng của trẻ, trường phải tổ chức đến ba ngày, mỗi ngày kiểm tra 300 cháu. Cuộc đua giành một suất vào một trong 11 lớp 1, mỗi lớp chỉ có 24 học sinh như thông báo của nhà trường không dễ dàng" – ông Nguyễn Hùng, một phụ huynh có con thi vào trường này, chia sẻ.

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/544674/thi-vao-lop-1-nhu-thi-dai-hoc!.html

‘Nên bỏ 3 năm học trung học phổ thông’

Posted: 25 Apr 2013 06:39 AM PDT

- “Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một
trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo
dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu họctrung học, bỏ đi cấp THPT” -
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng nêu quan điểm khi trao đổi với VietNamNet.

gio dc, clip, lp 9, ph thng
Hiệu trưởng Trường ĐH FPT Lê Trường Tùng

Học phổ thông chỉ duy trì 9-10 năm?

Ông Lê Trường Tùng cho biết: Clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" – đây
là lần đầu tiên xã hội được nghe ý kiến khá đầy đủ của học sinh phổ thông liên quan
đến nền giáo dục nước nhà.

Với những gì em học sinh chia sẻ – tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt. Đặc biệt trong
bối cảnh đang soạn thảo Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp
ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"
để trình Trung ương xem xét phê
duyệt.

Những gì học sinh lớp 12 này nói thêm một lần nữa khẳng định việc đổi mới GDVN là
việc cấp bách, và đổi mới phải mang tính chất cơ bản, toàn diện, chứ không thể chỉ
dừng lại ở các giải pháp mang tính tình thế.

- Một trong những phát ngôn đáng chú ý của nam sinh này là "chỉ cần học đến lớp
9 là đủ. Xin ông cho biết quan điểm cá nhân về vấn đề này?

Năm 2012, khi thảo luận về đổi mới cơ bản và toàn diện GDVN, tôi đã đề nghị một
trong những công việc đầu tiên cần làm là tái cấu trúc nền giáo dục theo mô hình giáo
dục phổ thông chỉ còn 2 cấp là tiểu họctrung học, bỏ đi cấp Trung
học phổ thông (THPT).

Khi đó thời gian học phổ thông chỉ còn khoảng 9-10 năm, sau đó có thể học CĐ hoặc
học dự bị ĐH trước khi vào ĐH.

Khi học trung học, học sinh có thể chọn 6-7 môn, chứ không phải học tất cả các môn
như hiện nay. Các nước theo mô hình giáo dục Anh quốc – chẳng hạn như Singapore -
đang triển khai giáo dục phổ thông theo dạng này.

- Nếu thực hiện theo đề xuất này của ông, GDVN sẽ gặp thuận lợi, khó khăn gì?

Nếu quyết tâm chuyển đổi và dựa trên hệ thống giáo dục Anh quốc thì hoàn toàn có
thể sử dụng chương trình, sách giáo khoa của Anh cho các môn Khoa học, Toán, Kinh tế,
Nghệ thuật – chỉ phải soạn lại các môn xã hội. Đây không phải là việc khó nếu thực sự
muốn làm.

Trong cơ chế toàn cầu hiện nay, đến lúc nào đó tính chất quốc gia chỉ nên giữ lại
một phần. Chuyện khung, thời gian chương trình về mặt nguyên tắc phải làm sao đáp ứng
được yêu cầu hội nhập. Học sinh nước ngoài, có thời gian học phổ thông rất ngắn sau
đó vào ĐH. Ta dù có học thêm đi chăng nữa sau cũng chỉ vậy mà thôi.

-Nhiều người vẫn lo chuyện "nhập khẩu" tài liệu như ông nói sẽ không phù hợp
với năng lực học trò VN?

Những môn về xã hội có thể soạn riêng. Nhưng như đã nói những môn môn Toán, Lý,
Hóa, CNTT, Thiên văn,…đâu nhất thiết nước nào soạn chương trình riêng cho nước đó. Đi
theo họ 2/3 chương trình đã có sẵn. Dịch sang tiếng Việt không khó. Mua bản quyền còn
rẻ hơn biên soạn sách mới.

Phải kiến trúc lại GDVN

- Phải chăng chương trình giáo dục phổ thông VN hiện nay đang quá nặng
về kiến thức, thiếu dạy kĩ năng sống cho học sinh, thưa ông?

Mục đích giáo dục phổ thông là tạo văn hóa, tri thức chung cơ bản cho mỗi công
dân. Nếu theo các nước phát triển, chức năng định hướng nghề nghiệp được thể hiện
ngay khi lên trung học học sinh được lựa chọn các môn mình thích.

Bên cạnh ngoại ngữ, CNTT, Toán bắt buộc. Những môn còn lại, 3 4 môn còn lại thích
gì thì học đó. Thử hỏi trò phổ thông mấy em ở VN biết đến chứng khoán, công ty là gì.
Trong khi những khái niệm ấy nhan nhản trên mặt báo. Nước ngoài, lớp 7- 8 đã có môn
dạy về kinh tế, kinh doanh. Và 20 tuổi là có bằng ĐH rồi.

Ví dụ như vậy để thấy giáo dục của ta vừa thừa vừa thiếu. Cần không cần vẫn dạy,
cái thiết thực nhiều khi bỏ quên hoặc làm qua loa. Đặc biệt là những kĩ năng mềm hay
giáo dục sức khỏe,.. mấy trường học ở ta coi trọng? Trong khi cái đó gắn bó suốt đời
với mỗi con người

- Bộ GD-ĐT đang tiến hành công cuộc đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau
2015. Ông có nghĩ đề xuất của mình được tiếp thu?

Trong khi Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD VN chưa được duyệt – thì tất
cả việc làm khác ở dưới chỉ là tình thế.

Gốc rễ vấn đề là ta chưa quyết được 12 năm hay rút ngắn. Nếu cứ làm (viết
sách),…thì đổi mới sẽ chỉ tập trung vào phần ngọn.

GDVN đang thiếu quy hoạch mạch lạc dẫn đến tồn tại nhiều bất cập, thiếu gì thì
"đẻ" ra cái đó. Một đô thị vẫn có nhà cửa nhưng thiếu thiết kế nhà cửa ấy sẽ loạn
lên. Giáo dục cũng vậy, cần kiến trúc lại cho mạch lạc. Ổn rồi thì dựa vào đó xây
dựng mới yên tâm được. Kiến trúc tốt mà xây dựng tồi vẫn có thể có một sản phẩm tồi
nhưng kiến trúc tồi kiểu gì cũng không giải quyết được vấn đề.

- Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung(thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/118305/-nen-bo-3-nam-hoc-trung-hoc-pho-thong-.html

Đi học cũng dở, ở nhà không yên tâm

Posted: 25 Apr 2013 06:39 AM PDT

(GDTĐ) – Tâm lý sợ con vào lớp 1 không biết chữ sẽ không theo kịp các bạn, nhiều phụ huynh  cho con luyện chữ, học thêm từ lúc còn ở lứa tuổi mầm non. Từ nhu cầu của phụ huynh, những "lò luyện" chữ ở bậc mầm non xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí có phụ huynh chỉ cho con đi học mẫu giáo ở lớp mầm, lớp chồi đến lớp lá thì cho nghỉ vì cho con tập trung luyện chữ ở các lớp dạy thêm.

"Con trai sắp vào lớp 1, mình đang phân vân không biết có nên cho con đi học thêm trước không? Không học thì sợ vào không theo kịp bạn bè rồi cô giáo lại mắng, còn cho học thì cu cậu biết trước lại đâm ra không còn hứng thú nữa cũng mệt. Chọn cách nào đây ta?". Đó là tâm sự của chị Tuyền ở quận 2 (TPHCM) và đây cũng có lẽ cũng là tâm sự chung của nhiều bậc cha mẹ khi có con đang trước ngưỡng cửa chuẩn bị vào lớp 1.

Mặc dù băn khoăn nhưng phần lớn phụ huynh đều chọn giải pháp cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1. Gần 5 tháng chở con đi luyện chữ ở một địa chỉ gần nhà, chị T.Th, mẹ bé Hà kể những ngày đầu phải đến lớp luyện chữ, bé phản ứng rất dữ, khóc không chịu viết, phải mất mấy buổi làm quen. "Đến giờ thì cháu nó viết được chữ rồi, đọc chữ cái rất trôi. Sắp tới, cháu sẽ được học thêm môn Toán. Có vậy mình mới yên tâm cho cháu vào lớp 1".

a1 tr5.jpg
Dạy chữ sớm cho trẻ không phải biện pháp hay mà cha mẹ dành cho trẻ

Còn chị Nga ở quận 8 thì đã hối hận vì không cho con đi luyện chữ trước khi vào lớp 1. "Mình cũng nghĩ cho con từ từ rồi học, vì vậy vô lớp 1 cu cậu bơi không kịp các bạn".

Một số cô giáo nhận thấy việc dạy chữ cho trẻ ở lứa tuổi mầm non là không đúng nên đã tư vấn cho phụ huynh. Tuy nhiên, một thời gian sau các cô lại bị phụ huynh quay lại trách móc. Cô Phương ở trường mẫu giáo Tuổi Xanh 16 (quận 4, TPHCM) chia sẻ: "Tôi đã bị nhiều phụ huynh quay trở lại mắng vốn. Lý do là con họ khi vào lớp 1 học không theo kịp chương trình và không bằng các bạn trong lớp…".

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn TPHCM cũng bắt đầu nở rộ các trung tâm dạy cho trẻ các kỹ năng tư duy, làm toán… theo độ tuổi từ  4 đến 12 tuổi. Tâm sự trên wesite của Trung tâm Toán Mathnasium, bà Phạm Ngọc Hạ Uyên – Phụ huynh của bé Mai Bảo Kha (5 tuổi) – bày tỏ: "Bé thích đi học, tự tin hơn vì đạt nhiều điểm A+, được cô khen thưởng và động viên. Khả năng về toán có tiến bộ hay áp dụng những kiến thức mới trên lớp vào thực tế ở nhà khi chơi trò chơi (tính nhẩm, chia phần). Chương trình học phù hợp với độ tuổi của bé, không quá nặng…".

Việc cha mẹ đua nhau cho con đi luyện chữ, học thêm các chương trình đào tạo khác để được an tâm khi con vào lớp 1 đã gây lo lắng cho ngành Giáo dục nói chung và tính khoa học của vấn đề cũng là chuyện các bậc phụ huynh cần suy nghĩ. Gần 20 năm dạy cấp 1, cô B.V ở Trường TH Kim Đồng (Q.6, TPHCM), cho biết: "Nhiều học sinh lớp 1 do đã được học chữ với cô giáo dạy mẫu giáo từ rất sớm (trước khi vào lớp 1) nhưng do học không đúng cách đánh vần, phát âm và phần lớn đều không biết cách cầm bút, tư thế ngồi viết…, viết chữ sai về qui tắc, kích thước… nên khi vào lớp 1 sửa rất khó. Có em viết chữ số 8 bằng cách hai chữ O ghép lại. Chưa kể một số em còn ỷ lại "biết hết rồi" không chịu nghe giảng nữa".

 

Chia sẻ gần đây trên một số phương tiện truyền thông, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho hay, thực tế có một số phụ huynh chỉ cho con học lớp mầm, lớp chồi, còn sang lớp lá là cho nghỉ vì "bận" học thêm. Hoặc nhiều trẻ 5 tuổi chỉ đến lớp lá và kỳ 1, còn sang kỳ 2 lại nghỉ ở nhà học chữ để chuẩn bị vào lớp 1. Điều này rất phản khoa học vì lớp lá là một giai đoạn tạo nền tảng về nhân cách, sức khỏe, kỹ năng rất quan trọng cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Hiện nay, chương trình giáo dục mầm non mới trẻ được làm quen với chữ viết, con số… nhưng đúng chương trình, mức độ phù hợp với độ tuổi. Và theo chỉ đạo của Sở, GV lớp 1 phải dạy trên nền tảng ban đầu trẻ học chữ. GV không được “đốt cháy” giai đoạn.

 

Theo các nhà nghiên cứu lứa tuổi mầm non thì: "Trẻ học sớm rất dễ bị bệnh cận thị, cong vẹo cột sống, chán học (do các cơ tay còn vụng về, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa mắt và tay dẫn đến mệt mỏi). Tâm sinh lý, thể lực, trí lực của trẻ em 4-5 tuổi chỉ có thể học chương trình mẫu giáo".

Một cán bộ Phòng Giáo dục quận 8 (TPHCM) cho biết: "Tâm lý cho con học chữ trước khi vào lớp 1 đã hình thành nhiều năm nay trong phụ huynh, cùng một lúc rất khó thay đổi. Các trường mầm non, tiểu học cần có các hoạt động tuyên truyền giúp phụ huynh thay đổi nhận thức…".

Hoàng Công Chương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201304/Di-hoc-cung-do-o-nha-khong-yen-tam-1968590/

Comments