Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Ôn thi môn Toán: Cần hệ thống kiến thức và rèn luyện kỹ năng

Posted: 11 Apr 2013 07:47 AM PDT

(GDTĐ) – Giáo dục Thời đại xin chia sẻ một số kinh nghiệm từ GV và HS để các thí sinh tham khảo cách ôn tập môn Toán đạt hiệu quả nhất.

Chú trọng rèn kỹ năng

Cô Phạm Hải Anh, giáo viên Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ:  Đặc thù của môn Toán là phải tính toán nhiều, chính vì thế khi ôn tập cần phải có hệ thống và phân phối thời gian hợp lý.


Cô giáo Phạm Hải Anh

Điều đầu tiên các HS phải lưu ý, đó là ôn tập một cách thật vững chắc tất cả các kiến thức cơ bản và các dạng bài tập cơ bản có trong chương trình. Tuỳ từng đối tượng HS để có phương pháp và cách dạy khác nhau.  Dựa vào tài liệu hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp và ôn thi ĐH, GV có thể phân phối chương trình theo tuần, mảng, dạy đại trà cho các lớp. Tuỳ từng lớp đi vào chuyên sâu, có kế hoạch cụ thể từng tuần, mỗi tuần một chuyên đề.

Những bài tập trong đề cương thi được lựa chọn, có sự kiểm tra của GV. Một tuần có 2 tiết GV cọ xát cho HS qua đề thi còn 3 tiết thì làm theo mảng, phát hiện kiến thức HS thường hay mắc lỗi cần nhấn mạnh để HS rút kinh nghiệm. Sau khi làm bài tập áp dụng cho từng bài, cuối mỗi chương cần làm bài tập ôn luyện để nhìn lại các bài toán có tính chất tổng hợp và đó cũng là dịp tập huy động kiến thức liên quan để giải một bài toán.

Mặc dù trọng tâm kiến thức thi tốt nghiệp tập trung ở chương trình lớp 12 nhưng phần lớn các bài toán THPT đều liên quan đến chương trình lớp 10,11 như việc rút gọn một biểu thức, giải phương trình và bất phương trình bậc nhất, khảo sát, tích phân… Học sinh cần phải nắm vững các kiến thức, kĩ năng nói trên.

Phân bố thời gian hợp lý

Theo cô Hải Anh, bài khảo sát và vẽ đồ thị hàm số là bài có sẵn quy trình giải và luôn xuất hiện trong các kì thi tốt nghiệp THPT, học sinh có thể làm ngay bài khảo sát trước. Nếu học sinh làm bài khó không ra kết quả thì có thể mất tinh thần làm bài.

Một số lỗi có thể xảy ra khi làm bài thi môn Toán đó là bài toán khảo sát hàm số thiếu bước, bài toán có căn, phân thức, logarit, quên đặt điều kiện và thử lại. Tích phân thì khi đổi biến nhớ đổi cả cân. Một số bài toán phương trình, hệ phương trình, phương trình lượng giác có điều kiện nên thử cẩn thận. Các bài hình học không gian thì có thể tưởng tượng sai dẫn đến vẽ sai hình, hình giải tích thì nhầm trong tính toán. Nhìn chung các lỗi này hoàn toàn khắc phục được khi ôn tập, trong quá trình tự giải và so sánh đáp án. Vì thế việc tập trung giải nhiều bài toán là để lúc thi không còn sai nữa.

Thi tốt nghiệp chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản nhưng thi ĐH đòi hỏi HS phải sự xâu chuỗi kiến thức chương trình lớp 10, 11, 12, ngoài kiến thức cơ bản đòi hỏi phải có kĩ thuật, tư duy biết phân tích tìm hướng đi. Ví dụ phần kiến thức nền tảng về Hình học không gian, Lượng giác và Đại số (phương trình, bất phương trình và hệ phương trình) thường có trong các đề tuyển sinh ĐH mà lớp 12 thì không dạy trực tiếp. Thực tế cho thấy rất đông thí sinh làm bài kém ở phần các câu hỏi ở nội dung này, nếu không nắm vững chương trình lớp 10 và 11 thì cần phải có kế hoạch tự ôn tập một cách đều đặn, bền bỉ từng tuần, từng tháng; không thể ôn cấp tập trong thời gian ngắn.

 Hệ thống kiến thức theo từng chương, từng dạng bài


Sinh viên Đỗ Phi Trường

Để đạt điểm cao trong kì thi tốt nghiệp và ĐH, CĐ sắp tới, Đỗ Phi Trường, sinh viên khoa Toán, K11 Trường ĐH Tây Nguyên (Đoạt giải Ba Olympic Toán quốc gia năm 2012) chia sẻ:Phải nắm vững kiến thức căn bản, vạch ra cho mình một phương pháp học cơ bản. Môn học nào cũng vậy, nên đọc kỹ lý thuyết và áp dụng một cách có hệ thống vào thực tế. Trên lớp nên chú ý các thầy cô giảng bài, chỗ nào chưa hiểu thì nên hỏi thầy cô ngay. Ngoài ra nên đọc thêm nhiều loại sách tham khảo khác và tìm kiếm thông tin trên mạng Internet.

Bố cục đề thi Toán thường (câu 1: Khảo sát hàm số, câu 2: Giải phương trình; 3. Hình học không gian (tổng hợp):… ). Tính chất đặc trưng này đưa đến một cách học vô cùng hiệu quả, đó là học và hệ thống kiến thức theo từng chương, từng dạng bài. Với mỗi chương học sinh nên nắm chắc kiến thức cơ bản, không được chủ quan bỏ qua kiến thức trong sách giáo khoa bởi đây mới thực sự là tài liệu quý nhất, gần nhất với dạng bài thi ĐH.

Tuy nhiên, học phải đi đôi với hành. Với mỗi dạng bài cần chọn ra những bài tập tiêu biểu, mức độ từ dễ tới khó, làm đi làm lại nhiều lần trong các khoảng thời gian khác nhau đề nhận ra và sửa chữa những lỗi bản thân hay mắc phải. Ngoài ra, cũng cần chú trọng tới cách trình bày khoa học, ngắn gọn mà đầy đủ.

Trịnh Huyền (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201304/On-thi-mon-Toan-Can-he-thong-kien-thuc-va-ren-luyen-ky-nang-1968324/

Nặng đầu giáo viên, quá tải học sinh

Posted: 11 Apr 2013 07:46 AM PDT

Đa số giáo viên đều cho rằng kiến thức quá nhiều nhưng không phù hợp lứa tuổi và tâm sinh lý học sinh, kiến thức "chụp giật" làm đau đầu giáo viên. "Càng giảm tải càng thấy nặng nề hơn. Nhiều kiến thức đưa vào sách giáo khoa nhưng học rồi cũng không thể nhớ được" – một giáo viên THCS ở TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang nói.

Dạy học trò giống dạy những… nhà nghiên cứu quân sự!

Ở bậc THCS nội dung sách giáo khoa lớp 7 được xem là nặng nề nhất dù đã có giảm tải. Trong sách giáo khoa ngữ văn tập một có khá nhiều bài thơ cổ được dịch từ chữ Hán như bài Thiên Trường vãn vọng của Trần Nhân Tông, hay Vọng Lư Sơn bộc bố của Lý Bạch, Mao ốc vị thu phong sở phá ca của Đỗ Phủ… Học sinh phải mất nhiều thời gian để có thể học thuộc các nội dung này. Ngoài ra, thiết kế nội dung phần tập làm văn cũng khiến học sinh bỡ ngỡ. Ngoài các loại văn miêu tả, kể, biểu cảm, các em còn phải học thêm phần văn nghị luận. Nhiều giáo viên e ngại ở tuổi 13 học sinh chưa có đủ kiến thức xã hội và khả năng lý luận để học một thể loại đòi hỏi một tư duy cao như nghị luận.

Cô Hồ Thị Kim Quang, giáo viên dạy ngữ văn Trường THCS Lê Ngọc Hân, nói: "Chương trình ngữ văn mới hay ở chỗ đã đưa các văn bản nhật dụng gần gũi với đời sống vào. Tuy nhiên không nhất thiết đưa những bài có tính chất hô hào hay suy luận quá sớm. Ví dụ như lớp 6-7, các em còn khá nhỏ nên có thể học văn miêu tả, tự sự để biết yêu những gì xung quanh như yêu gia đình, thầy cô, bạn bè. Đến khi lên lớp 8-9 các em bắt đầu hình thành kỹ năng về cuộc sống, biết đánh giá, đồng cảm về con người và các sự việc xung quanh. Lúc đó khi làm văn về các vấn đề có tính chất suy luận, cảm nhận có thể đưa những kiến thức xã hội hay suy luận của mình vào". Một học sinh lớp 7 tỏ vẻ ngao ngán: "Sách giáo khoa ngữ văn lớp 7 tập hai có bài "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn. Đây là bài học chính khóa dài hơn hai trang, nhưng có tới 40 chú thích từ ngữ. Bài có quá nhiều từ khó hiểu, vừa đọc vừa tra giải thích từ ngữ. Đọc xong… hết hiểu luôn".

Ở bậc THPT, cấu trúc chương trình không hợp lý ở môn ngữ văn khiến học sinh không thể tự hệ thống được những nội dung đã được giáo viên hướng dẫn. Theo một số giáo viên dạy văn, muốn học tác phẩm trong thời kỳ văn học nào thì phải học bài khái quát về giai đoạn sau đó sẽ học từng tác giả cụ thể và tác phẩm của họ. Tuy nhiên khi học chương trình ngữ văn lớp 11, sau bài khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì các em phải học ngay tác phẩm Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Sau đó học hết văn học từ 1930-1945 với một loạt tác giả như Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao. Đến học kỳ II mới quay ngược lại học về tác giả Phan Bội Châu.

Nhưng trên thực tế tác giả Phan Bội Châu nằm ở giai đoạn từ đầu thế kỷ 20 đến 1930, Thạch Lam nằm ở giai đoạn thứ hai từ 1930-1945, tức là học sinh phải học Thạch Lam sau khi học Phan Bội Châu. Để học sinh nắm rõ kiến thức này, sau khi dạy xong cả giai đoạn giáo viên phải xây dựng hệ thống lại, vì thế mục tiêu của những người biên soạn sách đề ra là hướng học sinh làm việc theo kiểu tự học gần như không thực hiện được.

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, giáo viên dạy ngữ văn Trường THPT Chợ Gạo, cho biết khi dạy tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi (lớp 12) thì sách giáo khoa chỉ trích lần tỉnh dậy thứ tư của nhân vật. Để học sinh nắm rõ ý nghĩa bài học, cô phải tìm sách cũ và giới thiệu lại cho các em. "Cái hay của tác phẩm nằm ở các chi tiết hiện tại và quá khứ đan xen, qua những lần ngất đi rồi tỉnh lại của nhân vật. Học sinh nên tìm hiểu qua từng diễn biến tâm lý nhân vật thì mới hiểu hết ý đồ nghệ thuật mà tác giả gửi gắm" – cô Thủy nói.

Ở môn lịch sử cũng vậy, việc cắt xén một phần nội dung chương trình khiến giáo viên đau đầu vì không biết lý giải thế nào cho học sinh hiểu bản chất vấn đề. Ví dụ như ở bài "Lênin và phong trào công nhân Nga đầu thế kỷ 20" (lớp 10) thì theo hướng dẫn giảm tải sẽ giảm phần Lênin, chỉ học phong trào công nhân Nga. Tuy nhiên như thế thì không thể làm nổi bật được vai trò của Lênin đối với phong trào công nhân Nga.

Thầy Ngô Quốc Hùng, giáo viên dạy lịch sử Trường THPT Chợ Gạo, nói: "Ở lớp 10 các em phải học đến 40 bài. Còn học sinh lớp 12 phải học toàn bộ các trận đánh trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đến giai đoạn sau năm 1975 thì bài học bao gồm những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội được trích từ các văn kiện, báo cáo. Kiến thức bài nào cũng kinh khủng. Dạy cho học trò mà giống như dạy những nhà nghiên cứu quân sự. Đã vậy khi Bộ GD-ĐT đưa ra chuẩn kiến thức rồi sau đó giảm tải càng khiến chương trình khó dạy đến mức kỳ cục. Học sinh vừa phải gánh một khối lượng kiến thức khổng lồ, vừa phải đối phó với sự bất hợp lý trong chương trình".

Chưa phù hợp, lãng phí

Việc Bộ GD-ĐT từng đưa chuẩn kiến thức rồi sau đó giảm tải đã góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho học sinh nhưng thực tế đã xuất hiện nhiều bất cập mới.

Thầy Nguyễn Phú Cường, hiệu trưởng Trường THPT Chợ Gạo, cho biết hiện nay khó khăn lớn nhất là việc phân ban không rõ ràng ở bậc THPT. Dù tồn tại ba ban nhưng thực tế hiện nay học sinh chỉ học duy nhất một ban là cơ bản. Còn về kiến thức thì sách giáo khoa  nâng cao và cơ bản dường như là hai cuốn sách độc lập. Học sinh học cơ bản không thể tự mình nghiên cứu sách nâng cao để mở rộng kiến thức, vì thế hiện nay bộ sách giáo khoa  nâng cao đang trở thành lãng phí.

Trước đề án đổi mới chương trình – sách giáo khoa phổ thông năm 2015, thầy Cường và nhiều giáo viên cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề chuẩn bị nhân lực. Theo thầy Cường, hiện nay chất lượng đào tạo nhân lực cho ngành sư phạm chưa đồng đều. "Muốn thay đổi được chương trình học nên thay đổi từ cơ sở con người, đó là ở trường sư phạm. Không thể nào cứ mỗi lần thay đổi là lại áp dụng vô cho học sinh, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ học trò. Ở trường sư phạm chúng ta nên đào tạo bài bản, ngành nào ra ngành đó. Cuộc đời đi dạy kéo dài mấy chục năm và liên quan đến biết bao nhiêu thế hệ học trò. Mình đào tạo người thầy qua loa, không bài bản thì học sinh lãnh đủ. Có đổi mới chương trình hay sách giáo khoa hàng trăm lần cũng không có tác dụng" – thầy Cường nói.

Thầy Nguyễn Hồng Oanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, cho rằng hiện nay chương trình giáo dục phổ thông chưa phù hợp, chưa đạt được mục tiêu Bộ GĐ-ĐT đề ra. Học sinh học hết 12 năm phổ thông nhưng chỉ có kiến thức để thi cử, còn kỹ năng sống vẫn chưa được hình thành.

THÚY HẰNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/542333/nang-dau-giao-vien-qua-tai-hoc-sinh.html

Comments