Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Quan trọng là, làm sao có đủ trình độ, năng lực học tiếp bậc ĐH, CĐ

Posted: 14 Mar 2013 06:17 AM PDT

(GDTĐ) – Câu chuyện về điểm sàn vẫn đang tiếp tục thu hút sự quan tâm chú ý của dư luận, trong đó có các em học sinh lớp 12. Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, nhiều em cho rằng điểm sàn nên linh hoạt và cũng đừng quá quan trọng.

a1 tr3.JPG
Em Huỳnh Nguyễn Hoài Bão

Huỳnh Nguyễn Hoài Bão – HS lớp 12A1 Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ: Năm nay em chọn thi vào ngành Công nghệ sinh học và Hóa học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM. Có thể thấy rằng điểm sàn là phổ điểm chung mặt bằng điểm mà thí sinh trong năm đó đạt được và điểm chuẩn là số điểm mà thí sinh phải đạt để vào học ĐH, CĐ. Theo dõi mức điểm sàn các năm vừa qua, theo sức học của các bạn và bản thân em thấy điểm sàn thời gian qua là vừa sức. Theo đó điểm sàn nằm ở mức trung bình, khoảng 5 điểm/môn, do đó không quá khó để đạt được nếu các bạn cố gắng. 

Theo em, điểm sàn nên giữ ổn định ở mức như các năm vừa qua là hợp lý, nếu nâng lên thì một số bạn HS ở vùng khó sẽ thiệt thòi và một số trường ĐH, CĐ không tuyển đủ chỉ tiêu. Cần dựa vào tình hình đề thi, điểm của thí sinh dự thi mỗi năm để đưa ra mức điểm sàn hợp lý nhất.

Ngưỡng cửa ĐH, CĐ sẽ mở rộng cho tất cả mọi người, ai có trình độ, có kiến thức sẽ được trúng tuyển. Điểm sàn là số điểm tối thiểu thí sinh phải đạt được ở các khối thi, đây là căn cứ quan trọng để các trường có thể tuyển được thí sinh, từ đó đưa ra điểm chuẩn cho từng ngành cụ thể. Tùy vào mục tiêu phấn đấu, mỗi người có cách học tập khác nhau để đạt mục tiêu của mình. Em hy vọng các bạn có nỗ lực, cố gắng học tập sẽ không phải quá bận tâm vào điểm sàn mà quan trọng là làm sao để có đủ trình độ, năng lực học tiếp bậc ĐH, CĐ…

Trần Ngọc Huyền Trân – HS lớp 12C1 Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, TP Cần Thơ: Đừng quá quan trọng điểm sàn 

a2 tr3.JPG
Em Trần Ngọc Huyền Trân

Hiện nay em rất quan tâm đến điểm sàn từng khối thi và điểm chuẩn các ngành mà bản thân chọn lựa. Năm nay em quan tâm nhất và chọn thi vào khối C, ngành Ngôn ngữ học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM. Qua theo dõi, trong những năm vừa qua mức điểm sàn là hợp lý ở các khối thi. Vì khi đăng ký thi vào các trường ĐH, CĐ có nhiều HS trình độ khác nhau, năng lực cũng khác nhau. Điểm sàn như vậy sẽ phù hợp chung cho các bạn HS, đặc biệt là các bạn ở vùng sâu, vùng xa có thể bước chân vào cánh cửa ĐH…

Theo em nghĩ điểm sàn linh động theo đề thi của Bộ GDĐT và sức học của thí sinh- thể hiện ở điểm mà thí sinh dự thi đạt được. Thường điểm sàn được công bố sau khi có điểm thi ở các khối thi, nên căn cứ vào phổ điểm mà thí sinh đạt được để có điểm sàn phù hợp nhất và thống nhất trên cả nước. Theo em thì hiện nay không cần nâng cao điểm sàn, điểm sàn cần dựa vào phổ điểm và thống nhất điểm sàn trên cả nước là hợp lý nhất.

Nếu các bạn nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa thì mức điểm sàn khoảng 5 điểm/môn là không khó. Những năm gần đây xu hướng ra đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, các bạn hiểu bài, nắm chắc kiến thức và vận dụng linh hoạt sẽ không ngại vấn đề điểm sàn…

Quốc Ngữ  (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/4561/201303/Quan-trong-la-lam-sao-co-du-trinh-do-nang-luc-hoc-tiep-bac-DH-CD-1967625/

Bí kíp trở thành du học sinh năng động

Posted: 14 Mar 2013 06:17 AM PDT

Vượt qua cú sốc văn hóa

"Khi nhắc đến hai chữ du học, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng lo sợ về cụm từ "Sốc văn hóa". Nhưng thật ra, sốc văn hóa không thật sự đáng lo ngại, việc ấy cũng như chú nhóc ngày đầu tiên bước vào lớp một, anh sinh viên tỉnh lẻ mới lên dô thành hay bạn đi du lịch đến một đất nước xa lạ mà thôi" - Anh Nhân, cựu du học sinh trường UBC, Nguyên chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vancouver chia sẻ.

Điều đó phần nào cũng có thể giải thích bởi, vì lần đầu chúng ta xa nhà và phải sống tự lập tại một môi trường mới, nhớ nhà cộng thêm bỡ ngỡ sẽ khiến không ít các bạn du học sinh lo lắng. Nhưng theo anh Nhân, để hòa nhập tốt thì một người Việt Nam khi bước sang bất kì quốc gia nào cần chú ý đến 4 điều sau: tập chung sống với điều khó chịu, tôn trọng tự do cá nhân, sống vì cộng đồng và phải biết xếp hàng nơi công cộng.

Các bạn du học sinh thường phải share phòng với các bạn khác đến từ nhiều quốc gia nên nhiều lúc gặp phải nhiều vướng mắc nhưng các bạn phải chấp nhận và tuyệt đối tôn trọng đời sống các nhân của mọi người. Một trong những người bạn cùng phòng với anh Nhân là người Indonesia, theo Hồi Giáo nên tính tình rất khép kín, không thích dẫn người khác giới về phòng và thường xuyên có những buổi cầu nguyện. Còn số khác đến từ châu Âu nên thường hay tiệc tùng, họ không thích người Châu Á nấu nướng trong nhà bếp với nhiều thực phẩm có mùi hôi như mắm, sầu riêng,…Đôi lúc, họ sẽ yêu cầu mình ra ngoài nấu nướng, nếu không thì mâu thuẫn dễ phát sinh và mất lòng nhau.


Trước khi quyết định du học tại bất kì đất nước nào, các bạn hãy “mòn dép” ở các buổi hội thảo du học. Một “kho” kinh nghiệm hay ho ừ những anh chị đi trước được chia sẻ trong ngày hội sẽ giúp bạn tăng cường sự tự tin và vốn sống đấy! Ảnh chụp tại Hội thảo du học Canada.

Sự độc lập trong suy nghĩ và hành động là vô cùng cần thiết. Và điều quan trọng nữa là các bạn hãy giúp đỡ khi họ yêu cầu chứ đừng luôn tỏ ra tốt bụng bất cứ lúc nào vì nhiều người sẽ cảm thấy chúng ta phiền toái.

Văn hóa xếp hàng được đánh giá là văn minh tối thiểu của một người hiện đại. Không phải lúc nào cũng phải ngay hàng thẳng lối mà quan trọng các bạn phải biết rằng ai đã đến trước mình và khi nào đến lượt mình. Anh Nhân kể ra một lần, trong một toilet công cộng, mặc dù trong lúc ấy chỉ có mình anh ấy nhưng người tiếp theo vẫn xin phép anh trước khi sử dụng. Và điều làm anh ấy ngạc nhiên là trong toilet luôn có bảng hướng dẫn sử dụng đúng cách, an toàn.

Lời cảm ơn, lời xin lỗi và nụ cười

Kinh nghiệm đút kết được là hãy luôn chia sẻ mọi khó khăn của mình đến với mọi người thay vì phải chịu trận một mình. Nếu sai lầm, hãy nhận lỗi và sửa chữa, học hỏi lối sống công bằng, bình đẳng của nơi bạn đến. Có một lần anh Nhân kể mua hàng trong một siêu thị nhỏ, anh phát hiện giá bán khác với giá niêm yết thì ngay lập tức cửa hàng tặng thêm một sản phẩm và kèm lời xin lỗi.

Người phương Tây luôn sống đúng nguyên tắc, đặc biệt là thời gian, nên đôi khi nhiều bạn sẽ bị sốc khi chỉ đến nơi làm trễn có vài phút hay làm việc không nhiệt tình thì sẽ nhận ngay lời phê bình gay gắt. Nhưng nếu bạn khắc phục được thì họ sẽ đối xử nhiệt tình với bạn ngay tức thì. Luôn luôn phải ghi nhớ 3 điều phải có đó là lời xin lỗi, lời cám ơn và nụ cười, vì đây là nguyên tắc chung nơi cộng đồng bạn sinh sống.


Đến một đất nước xa lạ, ở cùng một người bạn mới quen hẳn sẽ tạo ra cho bạn nhiều “cú sốc”. Hãy tự tin đối mặt, học cách tôn trọng sự khác biệt, nói lời xin lỗi khi cần thiết để trưởng thành hơn bạn nhé!

Học tập đúng kiểu sinh viên quốc tế năng động

Phương pháp giảng dạy ở nước ngoài là học tập chủ động, đóng góp xây dựng bài và chia sẻ kiến thức. Nếu bạn học thụ động, chỉ lắng nghe người khác hoàn toàn không công bằng. Các giáo viên sẽ luôn khuyến khích các bạn thảo luận xây dựng bài và điểm hoàn toàn được cộng vào trong lúc học như thế.

Đã có rất nhiều du học sinh bị cảnh cáo và chỉ trích vì vô tình copy một đoan trên google mà không ghi nguồn trích dẫn rõ ràng. Lời khuyên cho các bạn là phải học nghiêm túc, thật thà và trung thực. Đừng phí tiền của đến một đất nước xa lạ để rồi không gặt hái được bất cứ thành quả nào.

Nếu bạn thật sự muốn đắm mình vào đời sống sinh viên thì cách tốt nhất là tham gia vào các hoạt động của Hội sinh viên. Cô Swan, đại diện trường Thomson River University, Canada nhấn mạnh, các bạn không chỉ được gặp gỡ làm quen với nhiều bạn bè mới mà còn học hỏi được nhiều kinh nghiệm sống từ các hoạt dộng ngoại khóa này.

Ở những nước phương Tây như Anh, Mỹ, Canada… với địa hình phong phú và khí hậu đa dạng, bạn tha hồ hòa mình vào mọi loại hình thể thao như trượt tuyết, leo núi, đạp xe, chèo thuyền… Nếu bạn là một fan thể thao cuồng nhiệt thì hãy đăng ký vào đội bóng của trường, đam mê âm nhạc thì còn chờ gì mà không tham gia ban nhạc hay đội hợp xướng? Ngoài ra, cắm một chân cho tờ báo ở trường cũng học được vô số thứ hay ho đó nha.

Tham gia các hoạt động như thế, các bạn sẽ phần nào quên đi nỗi nhớ nhà mà còn làm giàu thêm vốn sống và làm đẹp thêm cho bản CV của mình sau này.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bi-kip-tro-thanh-du-hoc-sinh-nang-dong/283881.gd

Khuyến khích doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT

Posted: 14 Mar 2013 05:17 AM PDT

(GDTĐ)- Chiều nay (14/3) tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi tiếp đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN do bà Kathy Santillo- Giám đốc điều hành khu vực Asean dẫn đầu nhằm trao đổi một số lĩnh vực hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa các công ty Hoa Kỳ với Việt Nam. 


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tiếp đoàn DN Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ- ASEAN. Ảnh, gdtd.vn

Tại đây, các doanh nghiệp thành viên trong đoàn đã báo cáo với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về các chương trình hỗ trợ hướng nghiệp dành cho giới trẻ Việt Nam, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân, các lĩnh vực đầu tư liên quan đến GD-ĐT…; đồng thời bày tỏ trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT tiếp tục tạo điều kiện hợp tác, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam trong hoạt động đã được chấp thuận đầu tư liên quan đến GD-ĐT. 

Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hoan nghênh và trân trọng các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong thời gian hoạt động tại Việt Nam đã dành những khoản ngân sách tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên các nhà trường có thêm điều kiện học tập, đổi mới phương pháp, nâng cao năng lực học tập, nghiên cứu. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại Việt Nam, nhất là dành ưu ái cho sự nghiệp giáo dục.

Trong hợp tác giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, hiện nay dự án Đại học Việt- Mỹ đã bước đầu được triển khai thực hiện tại Việt Nam; tuy còn rất nhiều trở ngại mà hai phía cần nỗ lực tập trung tháo gỡ song đây là kết quả hết sức tốt đẹp trong hợp tác song phương giữa 2 Chính phủ Việt Nam- Hoa Kỳ. 

Đồng thời, cùng với đề nghị của phía Đại học Arizona của Hoa Kỳ, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường Đại học, các nhà đầu tư của Hoa Kỳ có các hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực GD-ĐT; trước mắt là để cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của Hoa Kỳ đang đầu tư sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Trong hợp tác, đầu tư vào lĩnh vực GD-ĐT, Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường Đại học mở các văn phòng đại diện, các chi nhánh của mình tại Việt Nam. Các trường Đại học Hoa Kỳ mở chi nhánh có thể hoạt động độc lập, hoặc liên kết đào tạo với các trường ĐH tại Việt Nam. 

Cuối cùng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận mong muốn Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ cùng với các doanh nghiệp thành viên và các trường Đại học đối tác trong quá trình hợp tác, đầu tư tại Việt Nam giúp phía Việt Nam hình thành, xây dựng nên cơ chế hợp tác, đào tạo nhân lực  giữa các trường Đại học và doanh nghiệp. 

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201303/Khuyen-khich-doanh-nghiep-Hoa-Ky-dau-tu-vao-linh-vuc-GDDT-1967632/

Cơ hội giành chuyến đi Vương Quốc Anh miễn phí

Posted: 14 Mar 2013 05:17 AM PDT


Quay li

Bạn mơ ước được khám phá Vương Quốc Anh, thăm những trường đại học danh tiếng và thưởng thức những món ăn truyền thống của xứ sở sương mù?

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Co-hoi-gianh-chuyen-di-Vuong-Quoc-Anh-mien-phi/283883.gd

Thu lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ làm 2 đợt

Posted: 14 Mar 2013 04:17 AM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa ban hành  hướng dẫn thu lệ phí tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Theo hướng dẫn này, thí sinh sẽ nộp lệ phí tuyển sinh làm 2 đợt.

Thí sinh dự thi ĐH 2012. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh dự thi ĐH 2012. Ảnh: gdtd.vn

Cụ thể, khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thí sinh nộp lệ phí tuyển sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2010/TTLT-BGDĐT. Mức trích nộp lệ phí tuyển sinh cho Bộ GDĐT, Sở GDĐT cũng sẽ được thực hiện theo quy định của thông tư trên.

Đối với phần chênh lệch lệ phí tuyển sinh giữa quy định cũ với quy định mới tại Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT, các ĐH, học viện; các trường ĐH, CĐ trực tiếp tổ chức thu trong ngày thí sinh làm thủ tục dự thi tại trường.

Các trường có trách nhiệm chuyển cho Bộ GDĐT và sở GDĐT phần chênh lệch mức trích nộp cho Bộ GDĐT, sở GDĐT theo quy định tại hai thông tư.

Dưới đây là mức nộp lệ phí tuyển sinh giữa 2 thông tư trên: 

Quy định lệ phí tuyển sinh tại Thông tư liên tịch số 21/2010/TTLT-BTC-BGDÐT:

Tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ và TCCN:

+ Thí sinh thuộc diện xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường ÐH, CÐ: 15 nghìn đồng/hồ sơ.

 + Thí sinh đăng ký, sơ tuyển và dự thi vào các trường ÐH, CÐ, TCCN có tổ chức thi: 50 nghìn đồng/hồ sơ;

+ Sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu là 100 nghìn đồng/hồ sơ; sơ tuyển đối với các ngành khác: 40 nghìn đồng/hồ sơ.

 + Lệ phí dự thi văn hóa là 30 nghìn đồng/hồ sơ; dự thi năng khiếu 200 nghìn đồng/hồ sơ.

 

Quy định lệ phí tuyển sinh tại Thông tư liên tịch số 25/2013/TTLT-BTC-BGDĐT:

Tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ và TCCN:

+ Thí sinh thuộc diện xét tuyển hoặc tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ, TCCN: 30.000 đ/ hồ sơ.

+ Thí sinh đăng kí dự thi, sơ tuyển và dự thi vào các trường ĐH, CĐ: 60.000 đ/ hồ sơ.

+ Sơ tuyển đối với các ngành năng khiếu: 120.000 đ/ hồ sơ (bao gồm tất cả các môn); Sơ tuyển đối với các ngành khác: 50.000 đ/ hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).

+ Dự thi: Dự thi văn hóa: 45.000 đ/ hồ sơ (bao gồm tất cả các môn); Dự thi năng khiếu: 300.000 đ/ hồ sơ (bao gồm tất cả các môn).

 Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201303/Thu-le-phi-tuyen-sinh-DH-CD-thuc-hien-lam-2-dot-1967629/

Ép học sinh học thêm, giáo viên có thể bị phạt 5 triệu đồng

Posted: 14 Mar 2013 04:17 AM PDT

Thứ năm, 14/3/2013, 15:10 GMT+7

Người cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm có thể bị phạt đến 5 triệu đồng. Đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định có thể bị phạt 10 triệu đồng.

Bộ GDĐT vừa lấy ý kiến dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, việc mở lớp để giảng dạy chương trình giáo dục mầm non trái phép có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Mức phạt cho hành vi vi phạm này ở cấp phổ thông là 10-20 triệu đồng, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đến 30 triệu đồng…

Theo dự thảo, nếu cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh học thêm sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng; tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định là 5-10 triệu đồng; dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng bị phạt đến 20 triệu đồng và 30 triệu đồng đối với hành vi cấp giấy phép dạy thêm, học thêm không đúng thẩm quyền.

Với những sai phạm trên, các cơ sở giáo dục, cá nhân buộc phải chấm dứt hoạt động giáo dục trái phép, trả lại cho người học các khoản tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả đối với hành vi vi phạm quy định. Văn bằng, chứng chỉ đã cấp trái phép phải thu hồi lại.

Trong quá trình tuyển sinh, hành vi khai man hoặc tiếp tay cho việc khai man hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 10 triệu đồng. Các trường tuyển sai đối tượng, tiêu chuẩn theo quy định vào các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp dạy nghề bị phạt tiền từ 2 đến 20 triệu đồng.

Dự thảo nghị định cũng đề xuất phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thi thay hoặc thi kèm; chuyển tài liệu, thông tin, đồ dùng trái phép vào phòng thi cho thí sinh đang dự thi hoặc làm bài; đánh tráo bài thi hoặc tiếp tay cho người khác đánh tráo bài thi hoặc làm lộ bí mật số phách bài thi; viết thêm hoặc sửa chữa nội dung bài thi của thí sinh trái quy định; mang các vật dụng không được phép vào khu vực thi, chấm thi. Nếu làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi (nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.

Đối với hành vi vi phạm quy định về phổ cập giáo dục, xúi giục không đi học hoặc xúi giục bỏ học đối với người học các cấp học phổ cập sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng, cản trở việc đi học của đối tượng phổ cập bị phạt tối đa 3 triệu đồng, không thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng…

Nếu ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học sẽ bị phạt 3-5 triệu đồng. Còn xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục sẽ bị phạt tối đa 20 triệu đồng.

Kiều Trinh

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2013/03/ep-hoc-sinh-hoc-them-giao-vien-co-the-bi-phat-5-trieu-dong/

Cẩn trọng khi mua sách trôi nổi ở thị trường

Posted: 14 Mar 2013 12:16 AM PDT

Ông Trần Thanh Tài – Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GDĐT TP Cần Thơ: Nhắc nhở nhà trường qua giao ban:

Hiện nay có rất nhiều NXB và nhiều tác giả, nhiều đơn vị cũng có thể viết sách, làm sách. Đặc biệt các loại sách tham khảo là một trong những món hàng có thể bán chạy, lời nhiều và không ít người chạy theo lợi nhuận, đôi khi bỏ quên chất lượng. Thực tế có nhiều loại sách tham khảo nội dung cứ “na ná” nhau. Chỉ cần đem kiến thức đó “xào nấu” lại thì cho ra “món mới”. Người mua không biết tưởng là “món mới” ngon hơn nên bỏ tiền ra mua… Nếu duy trì cách làm như vậy thì thị trường sách rất phức tạp và khó quản lý.


Ông Trần Thanh Tài  

Tại TP Cần Thơ, thời gian qua có nhiều người đến các trường học để chào hàng các loại sách tham khảo, sách bổ trợ kiến thức… Trước tình hình này, chúng tôi yêu cầu các trường học không mua các loại sách trôi nổi trên thị trường và sử dụng các loại sách trong danh mục theo quy định. 

Gần đây, qua các cuộc giao ban trường học trên địa bàn, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề sách và sách tham khảo trong nhà trường. Trong khi thị trường có rất nhiều loại sách tham khảo, đặc biệt khi phụ huynh mua sách hoặc giáo viên chủ nhiệm gợi ý mua sách bên ngoài thì không nên sử dụng. Chỉ sử dụng các loại sách trong danh mục sách trong nhà trường, đặc biệt là các loại sách của NXB Giáo dục Việt Nam vì thực tế danh mục sách của NXB Giáo dục Việt Nam đủ để thầy trò dạy, học cũng như bổ trợ kiến thức. 

Hiện nay có nhiều loại sách tham khảo, mỗi môn có hàng chục loại sách như: Học tốt môn Toán, Học tốt Tiếng Việt… đối với học sinh tiểu học thì giáo viên sử dụng loại sách nào thì học sinh sử dụng loại sách đó, các em học theo sự hướng dẫn của giáo viên. Nên giáo viên phải đóng vai trò hướng dẫn cho phụ huynh, học sinh những loại sách nào cần thiếu, của NXB có uy tín, nguồn gốc chính thống… Đối với phụ huynh muốn mua sách cho con em, chúng tôi có lời khuyên nên sử dụng những loại sách được nhà trường hướng dẫn, khuyên dùng, không nên mua các loại sách trôi nổi bên ngoài. 

Trước thị trường sách đa dạng hiện nay, đặc biệt là các loại sách tham khảo thì NXB khi cho phép in sách phải hết sức thận trọng, kiểm tra chặt chẽ về nội dung, hình thức. Nội dung nào phù hợp với chương trình, mang tính chất tham khảo thì cho phép, và chỉ cho phép phạm vi giới hạn. 

Bà Trần Hồng Nga – PGĐ Công ty Cổ phần sách – Thiết bị trường học TP Cần Thơ: Gắn trách nhiệm của NXB:

Thị trường hiện nay các loại sách tham khảo, sách ăn theo sách giáo khoa cũng có rất nhiều loại. Tuy nhiên sách từ NXB nào, dù lớn hay nhỏ cũng phải gắn với trách nhiệm của NXB và những người làm sách. Các loại sách tham khảo, sách ăn theo sách giáo khoa… khi làm sách bên cạnh lợi nhuận cũng cần phải có trách nhiệm chứ không phải muốn làm gì thì làm. Thực tế có một số loại sách hiện nay có quá nhiều người làm nên trùng lắp. Ví dụ như sách tham khảo họ khai thác nhiều khía cạnh trong chương trình học của học sinh để có nhiều quyển sách khác nhau… Sắp tới sách giáo khoa có xu hướng xóa bỏ độc quyền, tức là có nhiều bộ sách giáo khoa, từ đó có nhiều bộ sách tham khảo, xu hướng phát triển đa dạng các loại sách cũng là chuyện bình thường nhưng cần phải có phương án quản lý, kiểm duyệt và thẩm định một cách rốt ráo, kịp thời nhất.

Chúng tôi có lời khuyên cho học sinh và phụ huynh, khi chọn lựa sách nên theo nhu cầu, cần nội dung nào sẽ tìm sách loại đó. Kế tiếp chọn sách của các NXB có có uy tín, có chất lượng trên thị trường, không mua sách không rõ nguồn gốc, xuất xứ… Hiện nay NXB Giáo dục Việt Nam có nhiều loại sách tham khảo, nội dung phong phú, đa dạng, giá cả rẻ hơn hẳn các loại sách tham khảo khác ngoài thị trường. Bên cạnh đó phụ huynh và học sinh khi mua sách cần lựa sách có chất lượng về hình thức và nội dung. Cần phải đọc sơ lược qua nội dung và hình ảnh trong sách xem có phù hợp với lứa tuổi và kiến thức của con em. Hiện nay một số phụ huynh phản ánh có nhiều loại truyện tranh cho lứa tuổi học sinh mà nội dung, câu chữ không phù hợp, đôi khi không lành mạnh… Vì vậy cần xem sở thích của con em, tùy theo lứa tuổi để lựa sách chính thống, phù hợp…

Phụ huynh Trần Văn Toàn – xã Phú Quới, Long Hồ, Vĩnh Long: Người làm sách, cần có cái tâm 


Phụ huynh Trần Văn Toàn

Khi bước vào nhà sách chọn mua sách tham khảo cho con thì tôi rất bối rối, không biết chọn loại sách nào. Thông thường mỗi môn có đến hàng chục đầu sách, của nhiều nhà xuất bản khác nhau. Trước đây khi mua sách tôi chỉ theo sự lựa chọn của con, khi thấy bạn bè trong lớp sử dụng loại sách nào thì con về xin cha mẹ mua loại sách đó. Còn sách của NXB nào, bản quyền, nguồn gốc ra sao cũng chưa được quan tâm. Nhiều phụ huynh cũng như học sinh chủ yếu thấy sách nào đẹp, nhiều màu sắc, sách mới ra thì bỏ tiền mua.

Phụ huynh ít có thời gian nên chưa quan tâm đến nội dung những loại sách mà con em chọn đọc. Việc kiểm duyệt, thẩm định và đảm bảo về nội dung, hình thức cũng như kiến thức quan trọng nhất là ở NXB. Nếu nhà làm sách có cái tâm, có những loại sách tốt thì phụ huynh rất mừng và yên tâm. Sách là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong giới học sinh, sinh viên. Sách như người thầy, người bạn của các em, nếu kiến thức trong sách không phù hợp, bị sai lệch sẽ ảnh hưởng rất lớn không chỉ trước mắt mà còn lâu dài. Rất mong những NXB, những người làm sách làm hết mình với cái tâm của nghề để có những quyển sách hay, bổ ích… 

Quốc Ngữ (thực hiện)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201303/Can-trong-khi-mua-sach-troi-noi-o-thi-truong-1967621/

Học sinh ‘làng đu dây’ sẽ qua sông miễn phí

Posted: 14 Mar 2013 12:16 AM PDT

Học sinh ‘làng đu dây’ sẽ qua sông miễn phí

Khởi công xây dựng cầu treo qua sông Pô Kô
Cả làng đu dây qua sông
Thót tim học sinh băng sông tới trường

Ngay tuần này, toàn bộ học sinh và giáo viên ở xã Sơn Ba huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) đi cầu tre hoặc “đu dây” kéo bè qua sông Re được miễn phí. Sau khi tình trạng học sinh phải lội sông đi học vì cầu tre thu phí được báo chí phản ánh, Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi cùng UBND huyện Sơn Hà đã về kiểm tra thực tế tại xã Sơn Ba.

Học sinh làng đu dây sẽ qua sông miễn phí
Học sinh làng đu dây sẽ qua sông miễn phí .

Đoàn công tác ghi nhận, vào mùa nắng có 7 cầu tre bắc qua dòng sông Re ở xã Sơn Ba. Hầu hết do người dân tự làm, sau đó dựng lều bên sông thu phí người qua lại bằng tiền hoặc đến tháng thu lúa, gạo. Riêng học sinh mỗi lượt đi về, chủ cầu tre thu 2.000 đồng, còn giáo viên (kèm xe đạp, xe máy) phải nộp phí 5.000 – 7.000 đồng.

Do gia đình nghèo khó, vào mùa nắng không có tiền nộp phí cho chủ cầu tre, học sinh ở xã Sơn Ba phải lội sông đến trường học tập

Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch huyện Sơn Hà cho biết, đã chỉ đạo các trường học ở xã Sơn Ba thống kê danh sách học sinh, giáo viên để hỗ trợ tiền qua sông Re mỗi ngày.

Phương án hỗ trợ dự kiến là chính quyền sẽ chọn 2 trong số 7 cầu tre bắc qua sông Re ở điểm đầu và cuối xã để học sinh và giáo viên qua lại miễn phí mỗi ngày; hoặc hỗ trợ tiền trực tiếp cho học sinh và giáo viên mỗi lần qua sông trên cầu tre hoặc đi bè bằng ngân sách huyện (hoặc Ban an toàn giao thông tỉnh hỗ trợ).

Huyện Sơn Hà đã lập dự án xây cầu qua sông Re với chiều dài 165 m, rộng 5,5 m, thiết kế bê tông cốt thép với tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương, đơn vị tư vấn đang khảo sát vị trí, thiết kế xây dựng chiếc cầu này.

Sơn Ba là xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện miền núi Sơn Hà, với gần 1.000 hộ dân, hơn 4.400 nhân khẩu bị chia cắt bởi dòng sông Re. Người dân và học sinh hàng ngày phải lội qua sông vào mùa nắng và đi ghe, đu dây kéo bè vào mùa mưa.

Theo VNE

Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/617614/Hoc-sinh-lang-du-day-se-qua-song-mien-phi-tpol.html

Hướng tới giờ dạy thân thiện

Posted: 13 Mar 2013 11:16 PM PDT

(GDTĐ) – Mục tiêu của giáo dục tiểu học là nhằm giúp HS hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản để góp phần hình thành nhân cách. Theo đặc thù tâm lý lứa tuổi, phương pháp giảng dạy ở bậc tiểu học đòi hỏi sự tỉ mỉ nhẹ nhàng, dễ hiểu để hướng đến một giờ học thân thiện.

Phương pháp dạy học (PPDH) tích cực ở tiểu học là phương pháp dạy học tổ chức các hoạt động học cho học sinh. Trong đó giáo viên là người thiết kế các hoạt động học và học sinh là người tự thực hiện và tự tìm tòi kiến thức. Kiến thức ở tiểu học đơn giản, gần với cuộc sống nên học sinh hoàn toàn có thể tự hình thành kiến thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Điểm mấu chốt là giáo viên phải có năng lực chuyển từ nội dung kiến thức thành các hoạt động học tập, biết tổ chức hoạt động học, làm chủ các tình huống để định hướng và hướng dẫn học sinh khám phá, tìm hiểu kiến thức. Đồng thời biết động viên học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập. Đích đến của giáo viên là lớp học vui, học sinh thích học, biết cách học và nắm được bài học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên và hiệu quả .


Học sinh tự giới thiệu về sản xuất của mình

Giờ dạy của cô giáo Lê Thị Anh (Trường tiểu học Quang Minh B (Mê Linh,  Hà Nội) với tiết dạy "Cuộc sống xung quanh" (môn Tự nhiên xã hội lớp 2) đã mang lại những kiến thức phong phú cho các em HS về những vùng miền khác nhau. Bắt đầu từ việc hướng dẫn HS quan sát những bức ảnh trên màn hình, GV đưa ra những câu hỏi giúp HS nhận biết về nghề nghiệp, đặc thù riêng từng ngành nghề và vị trí địa lý riêng của từng vùng. Từ lời dẫn dắt cụ thể, dễ hiểu của cô giáo mà HS phát hiện ra những điều mà các em đã được làm quen trong cuộc sống. Đó là các cơ quan, công sở  như ngân hàng, bệnh viện, bưu điện …với các nghề nghiệp phong phú đa dạng. Ngoài ra còn rất nhiều công việc khác được người dân ở các vùng miền yêu thích như trồng trọt, buôn bán, chăn nuôi… Những kiến thức ngoài cuộc sống đã được GV giới thiệu thông qua kênh hình với việc hướng dẫn HS cách quan sát phù hợp với đối tượng HS tiểu học. Đặc biệt, từ những kiến thức mà các em được làm quen ngay ở địa phương mình, GV đã khuyến khích các em tự tìm hiểu và bổ sung thêm ở những cấp độ sâu hơn. Với clip minh họa được thực hiện ngay tại địa phương, GV đã giúp cho bài giảng của mình thêm sinh động. HS đã phát hiện ra những hoạt động hàng ngày của người dân quê hương mình như: nghề trồng lúa, trồng hoa, cây cảnh, nghề làm mộc chạm khắc… Và cũng từ đó các em biết yêu quý lao động gắn bó với quê hương. 

Với nội dung bài dạy Vẽ tranh đề tài "Ngày hội quê em" ở lớp 4, cô giáo Phan Thị Ngọc Bích  (Trường tiểu học Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã mang đến cả không khí lễ hội trong tiết dạy của mình. Cô giáo đã cho các em được thể hiện cảm xúc trong ngày Tết trung thu của trẻ em với màn trình diễn múa lân vui vẻ. Từ cảm xúc về lễ hội cùng những gợi ý về những trải nghiệm của từng em, GV đã cho HS tự vẽ một bức tranh về một lễ hội mà mình yêu thích. Nhờ những cảm xúc thực tế đã được trải nghiệm và sự hướng dẫn của cô, sau 20 phút các em đều hoàn thành bức vẽ của mình. GV cho HS tự giới thiệu về những sản phẩm mà mình vừa sáng tạo. Như vậy giờ dạy không chỉ đơn giản là hoạt động vẽ tranh mà qua đó GV còn bồi dưỡng thêm tình yêu với nét văn hóa dân tộc. 

Một giờ học thân thiện có thể bắt đầu từ những vấn đề gần gũi nhất trong cuộc sống. Quan trọng là mỗi giáo viên phải biết kết nối những kiến thức từ sách giáo khoa và những kiến thức mà các em đã được lĩnh hội hàng ngày từ thực tế.

Minh Châu

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201303/Huong-toi-gio-day-than-thien-1967603/

Học bổng tài năng IN – Wallonie

Posted: 13 Mar 2013 11:16 PM PDT

(GDTĐ)-Wallonie – Bruxelles International (WBI) – Cơ quan Hợp tác Quốc tế của Wallonie-Bruxelles (Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và vùng Wallonie) thành lập chương trình học bổng tài năng IN.WBI với mục tiêu tạo điều kiện cho những cán bộ giỏi và nghiên cứu sinh xuất sắc của các nước có thể nâng cao học vấn tại Wallonie và tại Bruxelles.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các loại học bổng gồm: Học bổng tiến sĩ có thời hạn tối thiểu là một năm, được gia hạn tối đa ba lần; Học bổng sau tiến sĩ có thời hạn tối thiểu là một năm, được gia hạn tối đa một lần; Học bổng nghiên cứu ngắn hạn từ 1 tháng đến 3 tháng dành cho ứng viên trình độ tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ; học bổng này chỉ xem xét cấp cho các chương trình nghiên cứu trong khuôn khổ hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Wallonie – Bruxelles. Chi phí nghiên cứu tại chỗ không được tính đến. Ứng viên chỉ được hưởng một lần loại học bổng này (ngắn hạn).

Lĩnh vực đào tạo gồm: Vận tải và hậu cần, Cơ khí, Khoa học đời sống, Công nghệ sản xuất nông nghiệp, Hàng không – vũ trụ, Công nghệ môi trường. Ngoài ra, tất cả các lĩnh vực khác thuộc khoa học nhân văn, khoa học cơ bản hoặc khoa học ứng dụng đều có thể được xem xét.

Người dự tuyển phải có bằng thạc sĩ II hoặc tương đương và/hoặc có bằng tiến sĩ (nếu văn bằng do một trường đại học nước ngoài cấp thì phải được các cấp có thẩm quyền của Wallonie-Bruxelles công nhận và đánh giá là tương đương với trình độ thạc sĩ II của Bỉ). Đồng thời, bằng thạc sĩ đó phải có đủ điều kiện cho phép người được cấp bằng theo học tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ tại một trường đại học của Wallonie – Bruxelles.

Ứng viên truy cập vào trang web theo đường dẫn http://www.wbi.be/cgi/bin3/render.cgi?id=0132990_mediauserid=lang=ln1rubr=bourse+bourses.
để biết được thông tin chi tiết về các giấy tờ cần nộp trong hồ sơ dự tuyển.

Mẫu đơn xin cấp học bổng và tài liệu giới thiệu đầy đủ về chương trình học bổng bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp:

http://www.wbi.be/cgi/bin3/render.cgi?id=0132990_mediauserid=lang=ln1rubr=bourse+bourses.

Ứng viên có thể thấy danh sách các trường đại học của vùng Wallonie hoặc của Bruxelles tại địa chỉ: http://www.ciuf.be/cms/loffre-denseignement.html

Thời hạn nộp hồ sơ: Đối với học bổng tiến sĩ hoặc sau tiến sĩ, thời hạn tối thiểu một năm: ngày 1/3/2013 đối với năm học 2013 – 2014 và ngày 1/3/2014 cho năm học 2014 – 2015.

Đối với học bổng nghiên cứu: nhận hồ sơ 3 lần/năm. Cụ thể, với thời gian học tập dự kiến từ tháng 6 đến tháng 9/2013: nộp hồ sơ trước ngày 1/2/2013; với thời gian học tập dự kiến từ tháng 10/2013 đến tháng 1/2014: nộp hồ sơ trước ngày 1/5/2013; với thời gian học tập dự kiến từ tháng 2 đến tháng 5/2014: nộp hồ sơ trước ngày 1/10/2013; với thời gian học tập dự kiến từ tháng 6 đến tháng 9/2014: nộp hồ sơ trước ngày 1/2/2014; với thời gian học tập dự kiến từ tháng 10/2014 đến tháng 1/2015: nộp hồ sơ trước ngày 1/5/2014.

Hồ sơ dự tuyển gửi qua bưu điện tới địa chỉ: Wallonie – Bruxelles International – Service des Bourses d'excellence

A l'attention de M. Eric VANDELOOK

2, place Sainctelette à 1080 Bruxelles – Belgique

hoặc gửi qua thư điện tử: e.vandelook@wbi.be

Các ứng viên chỉ chọn một phương thức duy nhất khi gửi hồ sơ. Khi nộp hồ sơ xin học bổng, ứng viên bắt buộc phải nộp giấy chứng nhận đồng ý tiếp nhận hoặc thư tiếp nhận ứng viên của trường đại học thuộc Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp.

Đan Thảo

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3009/201303/Hoc-bong-tai-nang-IN-Wallonie-Bruxelles-International-1967620/

Comments