Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tình trạng dạy thêm, học thêm tại Hải Phòng đã được chấn chỉnh

Posted: 10 Mar 2013 05:58 AM PDT

(GDTĐ) – Sau 3 tháng triển khai Quy định của UBND thành phố về dạy thêm học thêm, tình trạng này tại Hải Phòng đã từng bước được chấn chỉnh, được người dân đồng tình. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh những điều chưa phù hợp để quy định đáp ứng được đầy đủ nguyện vọng của nhân dân, học sinh.

Ông Trần Văn Độ, Chánh thanh tra Sở GDĐT Hải Phòng cho biết: Sau 3 tháng thực hiện quy định mới về DTHT, tình trạng DTHT tràn lan gây bức xúc trong nhân dân bước đầu được chấn chỉnh. Thanh tra Sở GDĐT đã tập trung vào việc hướng dẫn các đơn vị giáo dục hoàn tất hồ sơ, thủ tục pháp lý về DTHT theo quy định mới. Đồng thời, đơn vị tổ chức kiểm tra, thẩm định cấp phép DTHT trong và ngoài nhà trường. Đến nay, hầu hết các trường THPT, THCS đã được cấp phép DTHT trong nhà trường.

Hiện nay, Sở GDĐT Hải Phòng đã thực hiện cấp phép cho 5 tổ chức được DTHT ngoài nhà trường. Trước đây, hoạt động DTHT ngoài nhà trường tại Hải Phòng diễn ra rầm rộ, tràn lan, hầu như các giáo viên môn Toán, Lý, Hóa, Văn, tiếng Anh bậc THCS và THPT khu vực nội thành đều tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Đến nay, tình trạng này đã không còn.

Tuy nhiên, theo phản ánh của một số người dân ở khu vực nội thành, còn một số giáo viên duy trì hoạt động DTHT ngoài nhà trường tại nhà riêng hoặc ở những nơi cơ quan chức năng chưa cho phép. Việc phát hiện, xử lý những trường hợp DTHT không phép này phụ thuộc vào cơ quan chủ quản là ngành GDĐT và chính quyền các địa phương. 

Gần đây, Sở GDĐT Hải Phòng đã có thông báo trong toàn ngành về việc xử lý kỷ luật đối với 4 giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các trường học có giáo viên vi phạm tổ chức kiểm điểm giáo viên vi phạm, báo cáo kết quả xử lý bằng văn bản về Sở GDĐT.

Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam khẳng định, sau khi ban hành quy định về DTHT, thành phố rất mong nhận được ý kiến phản hồi từ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên trực tiếp giảng dạy về những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện quy định. Qua đó, thành phố sẽ xem xét và điều chỉnh những điều chưa phù hợp, sao cho quy định mới về DTHT đáp ứng đúng nguyện vọng của nhân dân, học sinh, để việc DTHT thực sự là nhu cầu tự nguyện, thể hiện tinh thần hiếu học, ham học của học sinh thành phố.

Quỳnh Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201303/Tinh-trang-day-them-hoc-them-tai-Hai-Phong-da-duoc-chan-chinh-1967505/

Để thư viện trường cuốn hút học sinh

Posted: 10 Mar 2013 05:58 AM PDT

Học sinh ít có thói quen đến thư viện

Có con đang học tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Nội), anh Trung cho biết: "Con trai tôi năm nay học lớp 7 nhưng khi hỏi con có hay xuống thư viện đọc sách không, cháu trả lời rất thật: Từ khi vào trường học lớp 6 đến nay con mới đến thư viện một lần. Cháu tâm sự: Thư viện ở trường mới chán lắm, không có nhiều sách, truyện hấp dẫn như của Trường Đoàn Thị Điểm con học trước đây. Thì ra, 5 năm con học ở trường cũ, anh Trung ngày nào cũng đến chiều muộn mới đón con về nhà bởi anh phải chiều theo sở thích vào thư viện đọc sách của con. Thậm chí, mặc dù nhà trường phân lịch đọc theo từng khối lớp nhưng bé Bin ngày nào cũng tìm cách xin cô thư viện để vào đọc sách truyện.

Một tình trạng chung hiện nay đó là học sinh các lớp lớn hơn, thói quen đến thư viện của các em gần như không còn. Đặc biệt, với các em cuối cấp, lịch học dày đặc đã khiến cho con trẻ không còn thời gian đọc và càng không còn thói quen đến thư viện trường. Đây là chia sẻ của nhiều thầy cô cũng như các bậc phụ huynh. Còn với Thùy Linh, đang học lớp 12 Trường THPT Lê Quý Đôn- (Hà Nội) thì: Ngoài buổi học chính, em tham gia các lớp luyện thi đại học, có hôm gần 10 giờ đêm mới tan học. Lịch học kín cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Dù có muốn đến thư viện tìm sách cùng không còn thời gian. 

Coi trọng công tác thư viện

Cả nước hiện có gần 3 vạn trường học. Nếu tính mỗi trường có một thư viện thì số thư viện trường học cũng xấp xỉ 3 vạn. Việc phát triển, đầu tư thư viện trường học các cấp đã được ngành GDĐT cũng như các địa phương quan tâm trong những năm trở lại đây song thực tế, hệ thống thư viện trường học vẫn chưa có đủ về số lượng và chất lượng.

Thống kê của Bộ GD ĐT năm học 2009 – 2010: Trong tổng số 24.746 trường có thư viện, chỉ có một nửa số này đạt chuẩn (khoảng 13.580 trường). Đội ngũ cán bộ thư viện có 26.578 người, nhưng chỉ có hơn 49% là cán bộ chuyên trách (13.110 người). Kinh phí đầu tư cho thư viện trường học năm 2009 – 2010 là hơn 202 tỷ đồng, bình quân một trường học được đầu tư 7,4 triệu đồng.. Với số tiền này, chắc chắn, dù có mua bổ sung tài liệu cho thư viện thì cũng chỉ là muối bỏ bể bởi giá cả sách, truyện in ấn tăng giá  đến chóng mặt.

Đấy là chưa kể, đến thời điểm này, cả nước vẫn còn tới 3.859 trường học chưa có thư viện trường học. Hệ thống thư viện trường học chậm phát triển cả số lượng và chất lượng. Nhiều trường nếu có thư viện chỉ là hình thức, không phát huy được hiệu quả. Trong tổng số 23.344 trường có thư viện, số thư viện đạt chuẩn mới chỉ có 10.595 (tỷ lệ hơn 45%). Số cán bộ thư viện chuyên trách mới có 9.171 người (tỷ lệ 35,7%). Đáng chú ý, con số bình quân cán bộ thư viện mỗi năm một giảm sút.

Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ thư viện vẫn chưa đồng bộ, còn kiêm nhiệm, một số chưa đạt yêu cầu chuyên môn đề ra. Theo con số thống kê của NXB Giáo dục, cách đây 3 năm, cả nước có 27.280 trường học nhưng mới chỉ có 23.251 trường có thư viện, chỉ đạt mức 85,2%. Hiện nay, đội ngũ cán bộ thư viện các trường học phổ thông là gần 27.000 người, trong đó cán bộ chuyên trách chiếm 41,7%, cán bộ thư viện kiêm nhiệm là 58,3%.

Nhìn vào đội ngũ cán bộ quản lý thư viện trường học hiện nay cho thấy còn yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Đây là một thực tế, bởi đa số cán bộ trông coi thư viện được ban giám hiệu nhà trường thuyên chuyển từ đội ngũ giáo viên yếu kém năng lực sư phạm, hoặc tình trạng sức khỏe yếu, thậm chí bị kỉ luật. Bên cạnh đó còn có cả lực lượng giáo viên kiêm nhiệm làm công tác thư viện. Vì vậy, đa số cán bộ thư viên trường học chưa qua trường lớp nghiệp vụ đào tạo chuyên môn. Mặc dù, một số ít đã được Công ty sách- thiết bị trường học tổ chức tập huấn nhưng cũng chỉ dừng ở phần việc quản lý, bảo quản, cho mượn sách báo, ít quan tâm tới nâng cao nghiệp vụ phục vụ tốt hơn nhu cầu của giáo viên và học sinh tại thư viện trường.

Trường học không thể không có thư viện, đó là tất yếu. Tuy nhiên, để thư viện thật sự thu hút được học sinh thì hệ thống thư viện trường học cần được đầu tư thỏa đáng.

Nguồn: http://us.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/de-thu-vien-truong-cuon-hut-hoc-sinh-c216a526379.html

Hàng vạn học sinh Hà Nội tham gia tư vấn tuyển sinh

Posted: 10 Mar 2013 04:58 AM PDT

(GDTĐ) – Sáng nay (10/1), hàng vạn học sinh Hà Nội đã có mặt tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham dự Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm 2013 nhằm có cơ hội tiếp cận trực tiếp với các trường ĐH, CĐ cũng như được tham vấn chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp. Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng đã đến dự.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Mạnh Hùng phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: gdtd.vn

Ngày hội có hơn 110 gian tư vấn của trên 80 trường ĐH, CĐ, TCCN, trường nghề và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Cũng tại ngày hội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ mở cửa các phòng thí nghiệm, thực hành để học sinh tham quan, tìm hiểu môi trường học tập ở bậc ĐH.

Điểm nhấn của ngày hội là 4 khu vực tư vấn chuyên sâu, giải đáp và tư vấn các thắc mắc của từng nhóm ngành, từng trường… Học sinh quan tâm đến nhóm ngành nào sẽ tham gia tư vấn ở khu vực của nhóm ngành đó.

Nhiều sinh viên xuất sắc tham gia tư vấn, sẵn sàng giải đáp các kinh nghiệm học thi. Ảnh: gdtd.vn
Nhiều sinh viên xuất sắc tham gia tư vấn, sẵn sàng giải đáp các kinh nghiệm học thi. Ảnh: gdtd.vn

Ngoài ra, các khu vực tư vấn gỡ rối hướng nghiệp – chọn lối vào đời; tư vấn tâm lý, sức khỏe sẽ giúp học sinh và phụ huynh giải tỏa các băn khoăn về việc chọn nghề, chọn trường, sức khỏe mùa thi và những thắc mắc chưa biết hỏi ai…

Một trong những điểm đáng chú ý tại ngày hội là phần trắc nghiệm kiến thức và trắc nghiệm chọn ngành nghề theo năng lực và sở thích. Học sinh có thể thao tác dễ dàng với hệ thống 40 máy tính kết nối internet được Ban tổ chức bố trí sẵn tại ngày hội để khám phá năng lực bản thân và chọn ngành nghề phù hợp với sở thích của mình…

Đông đảo khách mời và học sinh tham gia ngày hội. Ảnh:gdtd.vn
Đông đảo khách mời và học sinh tham gia ngày hội. Ảnh:gdtd.vn

 Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201303/Hang-van-hoc-sinh-Ha-Noi-tham-gia-tu-van-tuyen-sinh-1967518/

Thu phí cầu tre, học sinh lội sông đến trường

Posted: 10 Mar 2013 04:57 AM PDT

(ĐVO) – Ngày mưa cũng như nắng, các em học sinh xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi đều phải đu dây, lội sông đến trường tìm chữ.

Ngày nắng, những chiếc bè phao ngưng hoạt động, người dân thôn Bung, Mò O, làng Già, làng Chai tự làm cầu tre bắc ngang qua sông Re để thu phí 2.000 – 5.000 đồng (kèm theo xe đạp, xe máy) hai lượt qua lại.

Khó khăn nhất là các em học sinh khi phải ngày ngày vượt sông qua cầu đến trường vì không có tiền nộp phí qua cầu.

Đội áo lạnh, sách vở trên đầu, dò dẫm vượt sông.
Đội áo lạnh, sách vở trên đầu, dò dẫm vượt sông.

Đội sách vở lên đầu, các em học sinh lũ lượt vượt sông để đến lớp cho kịp giờ. Nhiều khi lỡ tay đánh rơi đồ dùng xuống nước làm sách vở ướt nhèm, lấm lem bùn đất.

Nước ngập bụng, các bạn học sinh đành cởi bỏ quần dài lội sông đến trường
Nước ngập bụng, các bạn học sinh đành cởi bỏ quần dài lội sông đến trường

Ông Đặng Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà xót xa cho biết do địa hình cách trở nên nhiều năm qua đường đến trường của hàng trăm học sinh ở xã Sơn Ba còn quá gian nan vất vả. Mùa mưa thì “đu dây” kéo bè đến trường, mùa nắng thì tìm địa điểm nào cạn nhất để vượt sông (do gia đình nghèo nên không thể trang trải tiền nộp phí) qua những chiếc cầu tre do người dân tự làm.

Không chỉ vượt quãng sông Re rộng hơn 300 m, học sinh Tiểu học, THCS Sơn Ba còn vượt qua nhiều con suối rộng để đến trường. Thầy Đặng Ngọc Việt, Hiệu phó THCS Sơn Ba cho biết, nhiều lần trường kiến nghị với chính quyền địa phương can thiệp nhưng lãnh đạo xã bảo người dân tự làm cầu tre bắc qua sông, họ có quyền thu phí.

Nhiều em ngồi học mà quần sũng nước. Cô Lưu Nguyễn Thúy Ly, giáo viên Tiểu học Sơn Ba bộc bạch, thương học trò nghèo, có hôm các giáo viên trích tiền lương hỗ trợ các em tiền phí qua cầu nhưng chỉ vài hôm sau hết tiền là các em lại phải lội sông Re để rồi vừa học vừa run.

Lớp học có những ngày nghỉ học đến quá 1/3 tổng số học sinh
Lớp học có những ngày nghỉ học đến quá 1/3 tổng số học sinh

Những hôm trời mưa lớn, mực nước trên các sông suối dâng cao khiến học sinh không thể đến trường, có lớp vắng hơn 1/3 sĩ số.

Tiểu học THCS Sơn Ba phải bố trí các giáo viên dạy học bù cho học sinh vào những ngày sau đó.

Trước thực trạng này, huyện Sơn Hà đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Quảng Ngãi xem xét hỗ trợ đầu tư chiếc cầu kiên cố bắc ngang qua sông Re nhưng do kinh phí quá lớn lên đến hàng chục tỷ đồng nên chưa thực hiện được. Mới đây Quảng Ngãi đã đồng ý chủ trương xây cầu qua sông Re ở xã Sơn Ba nhưng hiện vẫn chờ Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.

Trong một diễn biến khác, mới đây Bộ GTVT đã hoàn tất dự thảo Thông tư về hoạt động thu – chi của Quỹ Bảo trì đường bộ.

Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/1/2013 chính thức áp dụng việc thu phí bảo trì đường bộ. Đây là loại phí chồng lên phí giao thông đường bộ.

Trước đó còn có một loại là phí xăng dầu nhưng nay đã được đổi tên là thuế môi trường. Đó là chưa kể hai loại phí mà Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất là phí lưu hành phương tiện cá nhân (tại năm TP: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng) và phí lưu thông ôtô trong đô thị giờ cao điểm.

 

Hàng loạt các loại phí giao thông, đường bộ chồng chéo đang gây khó khăn cho người dân
Hàng loạt các loại phí giao thông, đường bộ chồng chéo đang gây khó khăn cho người dân

Ngoài ra, xe tải còn có lệ phí ra vào cảng. để một chiếc xe được lưu hành trên đường, chủ xe còn phải đóng lệ phí trước bạ, lệ phí cấp biển số xe, phí bảo hiểm. Với ôtô, xe tải còn thêm phí kiểm định. Như vậy, nếu hai loại phí đề xuất nói trên được duyệt, tổng cộng một xe máy sẽ chịu năm loại phí, ôtô và xe tải sẽ chịu chín loại phí.

Với loại phí giao thông đường bộ, người đi xe sẽ phải trả tiền khi qua các trạm thu phí giao thông được đặt dày đặc trên đường, nhất là quốc lộ. Hiện tại trạm thu phí đã bủa vây TP.HCM và Hà Nội. Tại khu vực miền Trung cũng trong tình trạng tương tự.

TP.HCM là địa phương có số lượng trạm thu phí giao thông nhiều nhất nước. Các cửa ngõ về các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung và miền Bắc đều bị vây kín bởi các trạm thu phí

Sáng 12/1 mới đây, trong chương trình “Chào buổi sáng”, VTV1 đã phát một phóng sự trong đó có chi tiết học sinh trường nội trú xã vùng cao Háng Đồng, (Bắc Yên, Sơn La) dùng bẫy bắt chuột để có thêm miếng thịt cho bữa ăn.
 
Không có thức ăn, hết măng ớt, các em học sinh vùng cao này phải dùng bẫy bắt chuột làm thức ăn chống rét.
 
Nhà xa, không về được nhà mọi sinh hoạt, ăn uống các em đều tự lo. Có những khi hết măng ớt thì các em dùng bẫy bắt chuột để làm đồ ăn cho mình. Tuy nhiên, theo em Mùa A Tủa – học sinh lớp 5 Trường PTCS Háng Đồng thì nếu may mắn mỗi tuần các em cũng chỉ bắt được một đến 2 con chuột.
 
Ở một nơi khác, vì không có tiền mua thức ăn nên các em học sinh bán trú ở Kim Bon (Phù Yên – Sơn La) cũng phải đi bẫy chuột về làm thức ăn từ hơn 1 năm nay. Để bắt được những con chuột như này, các em phải mang bẫy ra đặt ở ngoài nương từ tối hôm trước. Kể cả những con chuột bé bắt được các em cũng mang về làm thức ăn.
 
Thầy Đỗ Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường PTCS Háng Đồng, Sơn La cho biết: Mỗi em học sinh theo học tại nhà trường đều nhận được số tiền hỗ trợ khoảng 500.000 đồng/tháng, nhưng số tiền đó không đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Chứng kiến cảnh sinh hoạt khó khăn của các em, nhiều thầy cô trong nhà trường vẫn thường xuyên tới để hỗ trợ và động viên.
 

  • Chi Mai (Tổng hợp)
     

Nguồn: http://www.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri/201303/Thu-phi-cau-tre-hoc-sinh-loi-song-den-truong-2342989/

Ngày mai (11/3) bắt đầu thu nhận hồ sơ thi ĐH, CĐ

Posted: 10 Mar 2013 03:58 AM PDT

(GDTĐ) – Từ ngày mai (11/3), các sở GDĐT bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) vào ĐH, CĐ năm 2013. Thời hạn nộp hồ sơ theo hệ thống sở GDĐT sẽ kết thúc vào ngày 11/4/2013. Thời hạn này được quy định thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tìm hiểu thông tin trước mùa tuyển sinh. Ảnh: gdtd.vn
Tìm hiểu thông tin trước mùa tuyển sinh. Ảnh: gdtd.vn

Tại các trường tổ chức thi, thời gian nhận hồ sơ ĐKDT được quy định từ ngày 12/4 đến 17.00 giờ ngày 19/4/2013.

Các sở GDĐT, các trường không thay đổi thời hạn, không kết thúc việc nhận hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT trước hoặc sau thời hạn quy định.

Thí sinh lưu ý, hồ sơ ĐKDT gồm: Một túi đựng hồ sơ, phiếu số 1, phiếu số 2 (Phiếu số 1 do Sở GDĐT lưu giữ, Phiếu số 2 do thí sinh giữ để sử dụng trong các trường hợp cần thiết); 3 ảnh chân dung cỡ 4x6cm được chụp trong thời gian 6 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKDT; 3 phong bì đã dán sẵn tem ghi rõ họ, tên và địa chỉ, số điện thoại của thí sinh; Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có).

Riêng thí sinh có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH, trường CĐ thuộc các đại học cần nộp thêm bản photocopy mặt trước của tờ phiếu ĐKDT số 1.

Học trường nào nộp hồ sơ tại trường đó

Theo quy định của Bộ GDĐT, học sinh đang học lớp 12 THPT tại trường nào thì nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT tại trường đó.

Các đối tượng khác nộp hồ sơ ĐKDT (kể cả thí sinh dự thi liên thông), lệ phí ĐKDT tại các địa điểm do sở GDĐT quy định. Các địa điểm này không thu hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT của học sinh đang học lớp 12.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201303/Ngay-mai-11/3-bat-dau-thu-nhan-ho-so-thi-DH-CD-1967515/

Ôtô đâm nhau, gần 100 học sinh hoảng sợ

Posted: 10 Mar 2013 03:57 AM PDT

Chủ nhật, 10/3/2013, 14:14 GMT+7

Trên đường đi dự tư vấn mùa thi, xe 50 chỗ đâm vào ôtô chở học sinh tham quan khu du lịch Suối Tiên làm cả trăm em sợ hãi. Các học sinh phải bắt xe buýt để tới điểm tư vấn tuyển sinh.

Xe chở gần 50 học sinh Vĩnh Long lên TP HCM dự tư vấn mùa thi bị hư hỏng sau cú tông vào xe chạy phía trước. Ảnh: Trần Công

7h sáng nay, tại giao lộ Ký Con – Võ Văn Kiệt ở quận 1, TP HCM xảy ra tai nạn giao thông làm một học sinh chấn thương ngực. Tài xế Lê Hữu Chiến lái ôtô biển số tỉnh Vĩnh Long cũng bị thương được đưa vào Trung tâm cấp cứu Sài Gòn.

Theo cô Nguyễn Thị Bé Năm (giáo viên THPT Vĩnh Long), xe anh Chiến lái là một trong bảy ôtô đưa gần 300 học sinh từ Vĩnh Long lên ĐH Nông Lâm (Thủ Đức, TP HCM) nghe tư vấn tuyển sinh đại học 2013 tổ chức sáng nay.

“Sau khi dừng đèn đỏ, xe lăn bánh thì mọi người nghe một tiếng ‘rầm’ làm tôi với 47 học sinh đổ nhào về phía trước. Khi định thần mới biết vừa thoát nạn sau cú tông mạnh vào ôtô cùng chiều”, cô giáo Năm cho biết.

Nét mặt thấn thần của học sinh sau khi thoát nạn. Ảnh: Trần Công

Anh Lê Minh Lâm, tài xế xe bị nạn cho biết, đang chở gần 50 học sinh Tiền Giang lên TP HCM tham quan khu du lịch Suối Tiên. “Vừa qua giao lộ để vào hầm chui Thủ Thiêm, bất ngờ có xe gắn máy cúp ngang đầu nên phải thắng gấp và bị xe anh Chiến tông từ phía sau”, tài xế Lâm kể.

Tai nạn làm cả trăm học sinh miền Tây đi trên hai xe khách vô cùng hoảng hốt. Cảnh sát giao thông Đội Bến Thành tạm giữ hai xe để làm rõ vụ việc nên gần 50 học sinh đi tư vấn mùa thi phải đón xe buýt đến ĐH Nông Lâm dự tư vấn muộn.

Trần Công

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/03/oto-dam-nhau-gan-100-hoc-sinh-hoang-so/

Chọn ngành nào cho bậc học Đại học?

Posted: 09 Mar 2013 08:57 PM PST

Những phân vân trong lựa chọn ngành học, trường học hiện nay đặc biệt hiện rõ đối với các ngành kinh tế, Tài chính – Ngân hàng khi những báo cáo về nhu cầu nguồn nhân lực trình độ đại học và sau đại học gần đây thể hiện rõ hướng bão hoà nhân lực đối với các ngành này. Thực tế, nếu xem xét kỹ hơn cân đối nguồn nhân lực hiện nay ở Việt Nam, có thể thấy rõ xu hướng thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ở những lĩnh vực đan xen, có kiến thức và kỹ năng đủ sâu, đủ bao quát cả khía cạnh vĩ mô và vi mô của quá trình phát triển, kể cả đối với lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, Kinh tế Đối ngoại và Quản trị Doanh nghiệp.

Ở khía cạnh nguồn đào tạo, dễ nhận thấy lỗ hổng nhân lực có hiểu biết về bối cảnh kinh tế vĩ mô và quốc tế đối với hoạt động của doanh nghiệp đang hiện hữu. Như đã đề cập, trong khoảng chục năm trở lại đây, các ngành được coi là "hot" chủ yếu rơi vào khối ngành Kinh tế và Tài chính – Ngân hàng như: Quản trị Kinh doanh, Kinh tế Đối ngoại, Tài chính Doanh nghiệp và Ngân hàng.

Các ngành này được các trường thiết kế chủ yếu trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc cho khu vực doanh nghiệp, ngoại trừ một số ít trường có bề dày đào tạo trong lĩnh vực kinh tế và quản lý. Do vậy, phần lớn trong đội ngũ nhân lực được đào tạo với các ngành trên chủ yếu được trang bị các kiến thức và kỹ năng ở tầm hoạt động của doanh nghiệp mà không chú trọng nhiều đến những kiến thức và kỹ năng làm việc cho các lĩnh vực này ở tầm cao hơn mà có liên quan trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp nói chung. Cụ thể, những ngành đào tạo trang bị kiến thức và kỹ năng trong cả cho quản lý vĩ mô và quản lý vi mô bị thiếu hụt, đó là các ngành: Tài chính Công, Chính sách Công, Kinh tế Đối ngoại (hướng nhiều hơn đến quản lý hoạt động Kinh tế Đối ngoại). Xem xét ngành đào tạo của các trường đại học về kinh tế hiện nay nhận thấy rõ sự thiếu hụt trầm trọng này.

Xét trên góc độ nhu cầu nguồn nhân lực, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ rõ nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn cho giai đoạn 10 năm tới trong các lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc các lĩnh vực Quản lý kinh tế, Tài chính công, Quản lý Doanh nghiệp, Dự báo vĩ mô, Quản lý Đầu tư, Quản lý các ngành, lĩnh vực, Quản lý Đất đai, Quản lý Dự án, v.v… Đội ngũ nhân lực này phải được trang bị bài bản những kiến thức cơ bản và chuyên sâu về kinh tế học, kinh tế đối ngoại, tài chính công và quy trình chính sách công song song với những hiểu biết sâu về hoạt động của khu vực doanh nghiệp, làm cơ sở gắn kết giữa quản lý nhà nước về các lĩnh kinh tế, tài chính, các ngành – lĩnh vực trong phát triển ở bình diện vĩ mô với thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp trong mọi thành phần kinh tế. Đội ngũ nhân lực này đồng thời sẽ là nền tảng để góp phần nâng cao độ phù hợp trong quy trình quản lý, quy trình thực thi chính sách giữa các cấp quản lý với khu vực doanh nghiệp và xã hội. Một cách tiếp cận khác, đội ngũ nhân lực được đào tạo ở các trường đại học theo hướng đào tạo phục vụ doanh nghiệp lại không thực sự được trang bị đầy đủ những kiến thức, kỹ năng quan sát xu thế kinh tế vĩ mô liên quan đến lĩnh vực mà mình đang thực hiện ở doanh nghiệp, điều này càng cho thấy nhu cầu đối với nhân lực được trang bị cả kiến thức, kỹ năng ở tầm vĩ mô và vi mô là rõ rệt.

Quan sát các trường đại học đào tạo về kinh tế và quản lý ở Việt Nam, một trong số ít các trường đại học đào tạo theo hướng này là Học viện Chính sách và Phát triển (APD) – một trường đại học công lập được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2008. Học viện là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư-cơ quan tham mưu quan trọng của Chính phủ về Kế hoạch và Đầu tư, với quy mô đào tạo nhỏ, môi trường và chương trình đào tạo tiên tiến, phục vụ nhu cầu nhân lực quản lý nhà nước về hoạch định, phân tích chính sách tài chính của Nhà nước như quản lý ngân sách, quản lý thuế, nợ công; về hoạch định, phân tích và thực thi chính sách công; về quản lý công tác quy hoạch phát triển; về quản lý kinh tế quốc tế và đầu tư quốc tế; về quản lý dự án, quản lý đầu tư, xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư, kế hoạch phát triển và về quản trị doanh nghiệp.


Cơ sở đào tạo của Học viện Chính sách và Phát triển

Học viện Chính sách và Phát triển có chương trình đào tạo tiên tiến được xây dựng trên sự tham vấn ý kiến các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực kinh tế, chính sách, tài chính và đầu tư kết hợp với việc đối chiếu với các chương trình đào tạo cùng lĩnh vực cập nhật nhất của các trường đào tạo nổi tiếng ở nước ngoài về phát triển kinh tế và đầu tư nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng phủ rộng và chuyên sâu cho sinh viên, giúp sinh viên có khả năng thích ứng tốt nhất với môi trường làm việc quốc tế sau khi tốt nghiệp với trình độ tiếng Anh cao theo chuẩn quốc tế. Chương trình này được hướng dẫn và giảng dạy bởi các giảng viên nhiệt huyết, nhiều kinh nghiệm, có kiến thức và kỹ năng cập nhật kết hợp với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực kiến thức và kỹ năng tương ứng, những người đang công tác thành công ở các vị trí chuyên môn khác nhau ở các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Các chuyên gia quốc tế cũng sẽ được mời dưới nhiều hình thức để cùng tham gia hướng dẫn và tập huấn cho sinh viên Học viện. Hơn nữa, sinh viên của Học viện được bố trí đi thực tế hai tuần ngay từ năm thứ hai của chương trình học, giúp các em xác định rõ kế hoạch trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết trong quá trình học ở những năm tiếp theo tại Học viện. Học viện áp dụng chương trình trang bị kỹ năng mềm chuyên nghiệp và sôi động, giúp sinh viên trang bị kỹ năng toàn diện trong quá trình học tập tại trường, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của các nhà tuyển dụng.

Cơ sở đào tạo của Học viện được toạ lạc ở toà nhà 17 tầng – là cơ sở nghiên cứu và đào tạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong khu đô thị Cầu Giấy, Hà Nội. Cơ sở đào tạo của Học viện được thiết kế hệ thống điều hòa trung tâm; hệ thống cửa kính cách âm và cách nhiệt để đảm bảo môi trường học tập yên tĩnh; hệ thống đèn chiếu sáng đồng bộ đảm bảo ánh sáng tiêu chuẩn tại giảng đường; hệ thống cửa đi được làm bằng gỗ; các lớp học được trang bị máy chiếu overhead; toàn bộ khu giảng đường được lắp đặt hệ thống Wifi tốc độ cao để phục vụ việc cập nhật các thông tin cho sinh viên và giảng viên. Cùng với hạ tầng tốt đảm bảo cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, trụ sở của Học viện Chính sách và Phát triển còn đứng chân trên địa bàn có hạ tầng giao thông thuận lợi, cảnh quan đẹp, không khí trong lành, gần các trường đại học lớn như: ĐH Sư phạm; ĐH Ngoại ngữ; ĐH Thương mại; ĐH FPT, v.v. Đây là điều kiện tốt để tạo ra sự giao lưu, liên kết trong học tập và sinh hoạt của cộng đồng sinh viên.

Năm 2013, Học viện tuyển sinh Khoá 4, đại học chính quy cho năm ngành đào tạo: Kinh tế, Chính sách Công, Kinh tế Quốc tế, Tài chính Ngân hàng và Quản trị Doanh nghiệp. Thông tin thêm về ngành học, chỉ tiêu, học phí… của Học viện Chính sách và Phát triển xin xem thêm tại website: http://apd.edu.vn hoặc trong quyển "Những điều cần biết về tuyển sinh 2013" của Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chon-nganh-nao-cho-bac-hoc-dai-hoc-705186.htm

Học trò nghiên cứu về bạo lực học đường

Posted: 09 Mar 2013 04:57 PM PST

Nhóm 3 học sinh này gồm em Nguyễn Ngọc Anh (trưởng nhóm); Vũ Thảo Vân và Ngô Đức Minh. Cả ba em đều học lớp 11A6 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội). 

Học sinh có cách nhìn nhận bạo lực học đường khác so với người lớn.

Trước hết chúc mừng các em đã đạt giải nhất cuộc thi Intel ISEF cấp thành phố vừa qua. Nhóm có thể cho biết, xuất phát từ đâu bọn em quyết định chọn vấn đề bạo lực học đường làm đề tài nghiên cứu để tham dự cuộc thi Intel ISEF? Mục đích của đề tài này là gì?

Vũ Thảo Vân: Giáo dục công dân là môn học bổ ích và lý thú. Có thể khẳng định rằng, môn học này có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách học sinh. Đặc biệt, những kiến thức của môn Giáo dục công dân giúp học sinh củng cố được những kĩ năng sống, tự hoàn thiện mình để trở thành một người có ích cho xã hội. Tuy nhiên, môn Gục công dân chưa được phát huy tối đa tính cấp thiết của nó. Chương trình dạy học hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu: " Học đi đôi với hành" cho môn học mang tính chất thực tiễn này.

Mặt khác, thực trạng bạo lực hoc đường trở thành một vấn đề nóng bỏng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Do vậy đề tài: "Bạo lực học đường" sẽ mang đến một cái nhìn cụ thể hóa về tình trạng bạo lực của giới trẻ, đại bộ phận là các bạn học sinh. Chúng em đã tiến hành sưu tầm các tài liệu liên quan và thực hiện nghiên cứu đề tài thông qua các kiến thức đã học và được trau dồi trên lớp. Để từ đó, chúng em – những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường có thể tìm ra những giải pháp và đề xuất mới mẻ, góp phần ngăn chặn được nạn bạo lực mà cả xã hội đang lên án.

Với tư cách là một học sinh, nhóm nhìn nhận vấn đề bạo lực học đường như thế nào? Nguyên nhân là do đâu? Ở trường học các em mong muốn điều gì?

Nguyễn Ngọc Anh: Bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng tới truyền thống văn hóa, kỷ cương xã hội và đặc biệt gây hoang mang, tạo sự bất ổn trong môi trường học đường – nơi nuôi dưỡng những chủ nhân tương lai của đất nước. Theo chúng em, bạo lực học đường bên cạnh những nguyên nhân khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan khác, xuất phát từ 4 yếu tố chính: tâm lí học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.

Để tiến tới ngăn chặn vấn nạn này,về phía nhà trường, chúng em mong muốn rằng trường học không chỉ là môi trường để chúng em tiếp thu kiến thức mà còn là nơi để chúng em thể hiên cá tính, mở rộng mối quan hệ giao lưu và thể hiện những nét văn hóa vẻ đẹp trong sáng hồn nhiên của tuổi học trò: một trường học thân thiện thực sự.

Hiện nay bài toán giải quyết vấn đề bạo lực học đường đã được nhiều nhà giáo dục đề cập đến. Tuy nhiên để chọn ra một giải pháp khả thi là rất khó. Nhóm có sáng kiến gì để giải quyết vấn đề này? Cơ sở khoa học để giải pháp có thể được triển khai?

Ngô Đức Minh: Xuất phát từ nguyên nhân gây ra bạo lực học đường nêu trên. theo chúng em để ngăn chặn vấn đề này cần có sự chung tay góp sức phối hợp từ phía gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân các bạn học sinh. Từ môi trường gia đình đầm ấm, mái trường thân thiện, xã hội lành mạnh và bản thân các bạn học sinh phải biết cách giao tiếp, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn…

Giải pháp thì rất nhiều nhưng chúng em xin đưa ra những đề xuất là những bước đi cần được ưu tiên hàng đầu và nó cũng là phần quan trọng nhất-thể hiện tính mới mẻ của đề tài chúng em khi đến với cuộc thi năm nay. Thứ nhất cần xây dựng văn phòng tư vấn tâm lí trong mỗi nhà trường. Thứ hai là một góc truyền thông về bạo lực học đường trong trường học. Thứ ba mở một tổng đài tư vấn chuyên biệt về bạo lực học đường. Thứ tư là tăng cường an toàn trường hoc như dạy tự vệ, đội ngũ bảo vệ chuyên nghiệp. Và cuối cùng quan trọng nhất của bọn em thể hiện tính mới mẻ của đề tài chính là một Bộ luật học đường hướng tới lứa tuổi vị thành niên với những khung hình phạt khác nhau.

Và điều quan trọng nhất trong các giải pháp là làm sao đê bản thân học sinh ý thức được hành vi, trách nhiệm của mình và hơn hơn hết có sự chủ động, tự giác rèn luyện hiểu được giá trị làm người.

Việc nghiên cứu khoa học ở trường sẽ làm cho các em mất khá nhiều thời gian. Vậy nhóm bố trí như thế nào để vừa có thể học tốt nhưng vẫn có thể nghiên cứu khoa học?

Nguyễn Ngọc Anh: Vì bản thân mỗi môn học cung cấp tri thức kĩ năng để chúng nghiên cứu đề tài như toán giúp cho sự logic trong mạch lập luận hay văn trong diễn đạt nên chúng em luôn cố gắng bố trí thời gian hợp lí, vận dụng kiến thức như một cách học để không những không ảnh hưởng đến kết quả trên lớp mà còn hỗ trợ được cho đề tài.

Bên cạnh đó cần có sự đầu tư hợp lí thiết thực cho cả giáo viên và học trò trong quá trình nghiên cứ đề tài thời gian, tiền bạc. Do vậy việc chưa có chính sách để hỗ trợ chi phí nghiên cứu khoa học có phải là rào cản lớn bởi vì trên thực tế chúng em đang là học sinh cho nên chưa tự chủ về mặt tài chính hơn nữa bản chất của những người làm khoa học, yêu khoa học trong đó có chúng em, rất đề cao tính tự trọng đặc biệt là tự trọng về tiền bạc. Vì vậy trong quá trình làm nếu không có sự hỗ trợ này chúng em gặp nhiều khó khăn.

Trong quá trình tìm người hướng dẫn là các GS, TS thì nhóm có gặp khó khăn gì hay không? Các em mong muốn điều gì từ các nhà khoa học trong việc phối hợp để tạo điều kiện cho HS nghiên cứu?

Vũ Thảo Vân: Thực tế như anh thấy đề tài của chúng em chỉ có một cô giáo dạy bộ môn Giáo dục công công là người hướng dẫn nhưng nhóm chúng em lại cảm thấy hài lòng về điều đó vì cô đã hướng dẫn chúng em bằng sự tâm huyết bằng sự trăn trở với nghề với thực trạng bạo lực học đường và bằng cả những trải nghiệm trong nghề dạy học của cô nữa. Bởi vậy giữa chúng em và cô có sự phối hợp đồng thuận cao. Chúng em muốn góp một tiếng nói, một góc nhìn của những người trong cuộc.

Tuy nhiên chúng em vẫn rất cần và luôn cần sự đồng hành của những nhà khoa học trong suốt quá trình làm đề tài để cô trò chúng em được hoàn thiện hơn những nội dung cũng như hình thức đề tài.

Cảm ơn các em. Chúc nhóm tiếp tục hoàn thành đề tài và đạt kết quả cao ở cuộc thi toàn quốc sắp tới.

S.H (ghi)

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoc-tro-nghien-cuu-ve-bao-luc-hoc-duong-703898.htm

Bình xét danh hiệu “Học sinh 3 rèn luyện”

Posted: 09 Mar 2013 03:57 PM PST

Trong đó, một số yêu cầu cụ thể như: học lực giỏi, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, có kỹ năng về ngoại ngữ, tin học, có giải thưởng cuộc thi nghề từ cấp trường trở lên, có sáng kiến cải tiến học cụ, nâng cao tay nghề.

Ngoài ra, ứng viên còn phải có kết quả rèn luyện kỷ luật tốt, tích cực tham gia hoạt động học thuật, hoạt động tình nguyện, tham gia các lớp trang bị kỹ năng, kết quả phân loại đoàn viên xuất sắc… Hồ sơ có xác nhận của ban giám hiệu, Đoàn trường, gửi về Ban thanh niên trường học Thành đoàn (1 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) và email: bantruonghocthanhdoan@gmail.com đến hết ngày 16-4-2013.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/537328/binh-xet-danh-hieu-hoc-sinh-3-ren-luyen.html

Một du học sinh được chọn thi Olympic Hóa học

Posted: 09 Mar 2013 02:57 PM PST

Phương Thảo đã tự tin bước vào cuộc thi học sinh giỏi của New Zealand chỉ sau 1 năm học tập tại đây và giành huy chương bạc. Với thành tích này, Thảo chính thức bước chân vào đội tuyển của New Zealand để tham dự kỳ thi Olympic hóa học quốc tế. "Thảo là một học sinh tuyệt vời. Em chịu khó tìm tòi học hỏi và có đầu óc nhạy bén, cùng với sự chăm chỉ và nỗ lực cao trong học tập, chiến thắng của em là điều dễ hiểu. Tôi tin rằng Thảo cũng sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi quốc tế sắp đến" – ông Morag Padfield, giáo viên hóa học của Thảo, nhận xét.


Huỳnh Ngọc Phương Thảo - gương mặt du học sinh thành công

Thảo hiện đang học năm thứ hai chương trình tú tài quốc tế tại Trường Trung học Quốc tế Auckland International College (AIC) – New Zealand. Khi còn là học sinh của Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM), Thảo đã tham gia thi tuyển học bổng tú tài quốc tế của AIC do Văn phòng Tư vấn giáo dục New Zealand ENC tổ chức. Lúc đó, Thảo đang học học kỳ 1 của lớp 10. Với điểm toán và tiếng Anh trong nhóm dẫn đầu, Thảo đạt học bổng 80% cho 3 năm học liên tục tại AIC.

Ba của Phương Thảo cho biết: "Từ nhỏ, Thảo đã có tính tự lập trong việc học tập, rất chịu khó tìm tòi. Cô giáo cho 10 bài tập về nhà thì Thảo không chỉ làm hết mà còn tìm làm thêm khoảng 20 bài khác". Thảo chia sẻ: "Bí quyết học tập của em là tự học và học thêm ngoài nội dung học trên lớp để mở rộng và đào sâu kiến thức. Điều quan trọng là phải tự tin vào bản thân. Nếu người ta thành công thì sao mình không thể thành công?".

Sau khi hoàn thành bậc phổ thông, Thảo dự định sẽ vào ĐH Melbourne, Úc ngành Y sinh học để thực hiện ước mơ trở thành nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực này.        

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mot-du-hoc-sinh-duoc-chon-thi-olympic-hoa-hoc-705189.htm

Comments