Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Phú Thọ được công nhận đạt chuẩn PCGD mầm mon cho trẻ em 5 tuổi

Posted: 25 Feb 2013 04:19 AM PST

(GDTĐ) – Sáng nay (25/2) tại Thành phố Việt Trì, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức lễ công bố Quyết định của Bộ GDĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tới dự lễ công bố có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa, ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch – Trưởng Ban chỉ đạo PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi UBND tỉnh Phú Thọ, cùng đại diện các Cục, Vụ, Viện của Bộ GDĐT, các Sở ban ngành, các phòng giáo dục, các thầy cô giáo của trường mầm non trong toàn tỉnh Phú Thọ…


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại lễ công bố Quyết định tỉnh Phú Thọ đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi 

Phú Thọ là một tỉnh miền núi phía Bắc, diện tích tự nhiên 3.528,4 km2, có 13 huyện, thành, thị với 277 xã, phường, thị trấn trong đó 11 huyện miền núi, 01 thị xã, 01 thành phố (218 xã miền núi thì 43 xã đặc biệt khó khăn và 7 xã an toàn khun); có 30 dân tộc cùng chung sống nhưng dân tộc kinh chiếm đa số (84,2%), dân tộc Mường (13,6%), dân tộc Dao (0,9%) còn lại là dân tộc Cao Lan và các dân tộc khác thế nhưng công tác PCGD Mầm non cho trẻ em 5 tuổi được triển khai đạt được kết quả cao. Đó là nhờ vào sự tập trung chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các sở ban, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh; sự chủ động, tích cực của UBND các huyện, thị, thành phố, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của cán bộ quản lý, giáo viên trong ngành GDĐT trong công tác tham mưu xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao cờ đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ

Trong những năm qua, giáo dục mầm non Phú Thọ đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ của các phụ huynh học sinh. Đội ngũ cán bộ giáo viên ngày càng được chuẩn hóa, trẻ hóa, ổn định. Chế độ chính sách được quan tâm nên đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, tích cực bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Hiện toàn tỉnh có 6.808 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong đó có 3.439 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế chiếm 50,5%. Trình độ chuyên môn ngày càng được chuẩn hóa. Hiện có 6509/6808 đạt chuẩn chiếm 95.6%; trên chuẩn 3075/6908 đạt 45.1%. Riêng giáo viên dạy lớp 5 tuổi có 1722 giáo viên đều đạt chuẩn 100% và trên chuẩn là 61.5%.


Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tặng Bằng khen của Bộ GDĐT cho ông Hà Kế San – Phó Chủ tịch – Trưởng BCĐ PCGD mầm non trẻ em 5 tuổi tỉnh Phú Thọ 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường ngày càng được đầu tư xây dựng kiên cố; công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được nhân rộng ở các địa phương đã tạo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ. Hiện nay tỉnh đã có 114 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 312 trường mầm non (trong đó có 296 trường công lập, 13 trường tư thục, 02 trường dân lập, 01 trường mầm non trực thuộc Sở GD-ĐT). Đến tháng 9/2010 tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đến trường đạt 15,4%; mẫu giáo đạt 92,4%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 100%.


Thứ trưởng Nguyễn Thị tặng hoa chúc mừng lãnh đạo Sở GD-ĐT Phú Thọ hoàn thành sớm công tác PCGD trẻ em 5 tuổi  

Khi tiến hành triển khai công tác PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh quan tâm sát sao, Sở GD-ĐT tham mưu hiệu quả, phối hợp tốt giữa các Sở, Ban, Ngành. Ban chỉ đạo PCGD cấp xã được kiện toàn hàng năm và hoat động có hiệu quả. Mọi tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh Phú Thọ đã tích cực chăm lo cho giáo dục mầm non Đến nay, Phú Thọ có 277/277 xã, phường, thị trấn và 13/13 đơn vị huyện, thị xã, thành phố đạt PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Căn cứ vào quy định tại Thông tư số 32/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình công nhận PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Phú Thọ đã đạt được tất cả các mục tiêu PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.  


Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các em thiếu nhi TP Việt trì tại buổi lễ

Phát biểu tại lễ công bố Quyết định, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, cũng như sự chủ động, tích cực của Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của Ngành GD-ĐT để Phú Thọ sớm về đích trong công tác PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý Ngành GD-ĐT Phú Thọ trong thời gian tới cần phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời đối với các lớp 5 tuổi và các lớp dưới 5 tuổi nhằm duy trì củng cố và nâng cao chất lượng PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non nói chung; Có lộ trình để bổ sung giáo viên cho các lớp mầm non dưới 5 tuổi (2 giáo viên/lớp), bổ sung nhân viên y tế, kế toán cho các trường mầm non tuyển biên chế hết số giáo viên mầm non hợp đồng còn lại để bảo đảm sự công bằng và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Quan tâm củng cố mô hình các trường mầm non trực thuộc tỉnh (Sở GD-ĐT) và huyện (Phòng GD) để thực hiện chức năng nhiệm vụ thực hành, thực tập giáo viên mầm non, xây dựng mô hình nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ; Tiếp tục chỉ đạo, tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của chương trình PCGD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, nâng cao chất lượng tiêu các chí của các xã đã đạt chuẩn, quy hoạch mạng lưới trường lớp theo từng địa phương…

Cũng tại buổi lễ, nhiều tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT Phú Thọ tặng Bằng khen, Giấy khen…

Trung Toàn-Trung Việt

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201302/Phu-Tho-duoc-cong-nhan-dat-chuan-PCGD-mam-mon-cho-tre-em-5-tuoi-1967180/

Cô giáo phạt học sinh bằng roi

Posted: 25 Feb 2013 04:19 AM PST

Thứ hai, 25/2/2013, 15:06 GMT+7

Cho rằng phụ huynh đồng ý phạt con em bằng biện pháp mạnh, một nữ giáo viên ở Sóc Trăng đã đánh hàng chục học sinh trước lớp.

Ông Quách Thanh Huy, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Bình, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) cho biết, chiều 24/2 hội đồng kỷ luật của trường đã thống nhất cảnh cáo cô Hồ Thị Huỳnh Như (32 tuổi, giáo viên môn Lịch sử). Sáng 25/2, hồ sơ được chuyển sang Phòng GDĐT huyện Trần Đề để xem xét ra quyết định kỷ luật chính thức.

Theo ông Huy, cô Như đã vi phạm những điều giáo viên không được làm khi dùng roi đánh học sinh. Hình phạt này được áp dụng suốt tuần học thứ 23 (từ 21-26/1) đối với nhiều học sinh lớp 9A2 khi các em không thuộc bài, mất trật tự, bỏ tiết, không mặc đồng phục…

Sang tuần 24, học sinh bị đánh kể lại với cha mẹ nên vụ việc được phản ánh với Phòng GDĐT huyện Trần Đề. “Ngày 8/2, Phòng Giáo dục làm việc với trường, yêu cầu xác minh làm rõ việc cô Như đánh học sinh nhưng cận Tết nên chúng tôi chưa họp kịp”, ông Huy giải thích.

Trường THCS Trung Bình, nơi cô Như công tác 8 năm và vừa đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2011-2012. Ảnh: Duy Khang

Một học sinh lớp 9A2 kể, có 32/33 em bị cô Như dùng roi to bằng 2 ngón tay đánh vào mông. Có em bị đánh trên chục roi vì vi phạm nhiều nội quy của trường, lớp.

Không chỉ trực tiếp đánh, cô giáo này còn giao cho lớp trưởng thực thi hình phạt với các bạn cùng trang lứa. Giải trình việc này, cô Như cho rằng “để lớp trưởng có vai trò trong công tác quản lý lớp khi cô chủ nhiệm dạy bên ngoài”.

Tại biên bản họp cùng hiệu trưởng và 33 phụ huynh lớp 9A2 vào ngày 21/2, cô Như thừa nhận đã đánh học sinh lớp mình chủ nhiệm. Theo cô, trong buổi họp bốn tháng trước, phụ huynh đã cho phép giáo viên chủ nhiệm dùng roi để xử phạt con em họ.

“Các em thường xuyên nói chuyện riêng, gây mất trật tự trong lớp và không thuộc bài, không sinh hoạt dưới cờ, cúp tiết… Qua một thời gian khuyên dạy nhưng không được nên áp dụng biện pháp mà phụ huynh đưa ra là dùng roi xử phạt”, cô Như nêu trong biên bản.

Trao đổi với VnExpress.net, Hiệu trưởng Huy cho rằng mục đích của cô giáo trẻ là muốn răn dạy các em, nhưng dùng roi đánh là không đúng quy định nên phải kỷ luật nghiêm để rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

“Cô Như đã trực tiếp xin lỗi phụ huynh vì làm sai. Là lãnh đạo trường, tôi xin nhận trách nhiệm trước ngành giáo dục vì suốt năm qua bận đi học chính trị nên không quán xuyến hết mọi việc của trường”, ông Huy cho biết thêm.

Duy Khang

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2013/02/co-giao-phat-hoc-sinh-bang-roi/

Nhiều trường công bố mở ngành mới

Posted: 25 Feb 2013 03:19 AM PST

(GDTĐ)-Những ngành mới mở các trường công bố trong kỳ tuyển sinh năm 2013 chủ yếu thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Một số trường ĐH khối Y dược cũng công bố mở ngành mới.

Thí sinh thi ĐH năm 2012. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh thi ĐH năm 2012. Ảnh: gdtd.vn

Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga đã ký quyết định giao nhiệm vụ cho Trường đào tạo ngành Y đa khoa trình độ ĐH hệ chính quy mã số 52720101. Theo Quyết định, chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ngành học trên trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy của trường, việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng tốt nghiệp được thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ GDĐT về đào tạo chính quy. Năm 2013 Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương sẽ tuyển sinh đào tạo 50 chỉ tiêu ngành này.

Cùng ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương, năm 2013, Trường ĐH Y Hà Nội sẽ bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân Dinh dưỡng (50 chỉ tiêu) và đào tạo thí điểm ĐH văn bằng 2 ngành bác sỹ Y học dự phòng (50 chỉ tiêu); Trường ĐH Y dược Cần Thơ tuyển mới ngành bác sĩ y học cổ truyền

ĐH Nha Trang cũng vừa được Bộ GDĐT cho phép đào tạo thêm hai ngành mới trong chương trình đào tạo đại học chính quy. Cụ thể, ngành công nghệ kỹ thuật hóa học (khối thi A, B) năm 2013 tuyển 70 chỉ tiêu và ngành công nghệ sau thu hoạch (khối A, A1, B): 70 chỉ tiêu.

ĐH Quốc gia TPHCM mở thêm 2 ngành mới là kỹ thuật tài chính và quản trị rủi ro (Trường ĐH Quốc tế) và ngành an ninh thông tin (Trường ĐH Công nghệ Thông tin TPHCM).

Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam năm nay thêm ngành học Công nghệ Vật liệu, thi khối A,A1 với 50 chỉ tiêu.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mở thêm chuyên ngành kỹ thuật nền móng và công trình ngầm thuộc ngành kỹ thuật công trình xây dựng. Ngành này đào tạo chuyên sâu về tính toán, thiết kế, xử lý các vấn đề liên quan đến địa kỹ thuật, nền móng các công trình dân dụng – công nghiệp, công trình cầu, công trình ngầm trong đô thị; Ngoài ra sinh viên còn được trang bị kiến thức cho việc giám sát, tổ chức thi công các công trình. Trường tách chuyên ngành Xây dựng cầu đường thành 2 chuyên ngành mới là Xây dựng cầu hầm và Xây dựng đường bộ.

Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng đã công bố chỉ tiêu cụ thể các nhóm ngành. Theo đó hệ ĐH chính quy: Ngành Khoa học hàng hải, Chuyên ngành Điều khiển tàu biển: chỉ tiêu 130; Ngành Khoa học hàng hải, Chuyên ngành Vận hành khai thác Máy tàu thủy: chỉ tiêu 80; Nhóm ngành Điện, điện tử: chỉ tiêu 320; Ngành Kỹ thuật cơ khí: chỉ tiêu 200; Ngành Kỹ thuật công trình xây dựng: chỉ tiêu 360; Ngành Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông: chỉ tiêu 500; Ngành Công nghệ thông tin: chỉ tiêu 80; Ngành Kinh tế vận tải (Chuyên ngành Kinh tế vận tải biển): chỉ tiêu 180; Ngành Kinh tế xây dựng: chỉ tiêu 220; Ngành Khai thác vận tải (Chuyên ngành Quản trị logistic và vận tải đa phương thức): chỉ tiêu 80. Hệ CĐ chính quy chỉ tiêu 80 sinh viên/ngành

Trường ĐH Hoa Sen tuyển mới ngành kỹ thuật phần mềm (khối A, A1, D1, D3 với 80 chỉ tiêu). Còn ĐH Bách khoa HCM cho biết, kể từ năm 2014, nếu còn tuyển sinh chung trường dự kiến sẽ có ngành Hóa (QSB-114) chỉ nhận thí sinh dự thi theo khối A (không nhận thí sinh thi khối A1).

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201302/Nhieu-truong-cong-bo-mo-nganh-moi-1967183/

Cho giáo viên giỏi dạy thêm và thu thuế

Posted: 25 Feb 2013 03:19 AM PST

Sở GD-ĐT Hải Phòng mới đưa ra quy định giáo viên giỏi cấp thành phố mới được dạy thêm. Quy định này dựa trên quyết định của UBND Thành phố Hải Phòng về dạy thêm, học thêm.





Cho dạy và thu thuế

Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng cho biết, việc dạy thêm trong nhà trường phải có ít nhất 2 loại hình lớp học để bồi dưỡng, củng cố, bổ sung kiến thức cho học sinh trung bình, dưới trung bình và nâng cao kiến thức cho học sinh khá, giỏi.

Đồng thời quy định chỉ tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường ở một địa điểm cố định. Tại đó phải có ít nhất 3 phòng học diện tích tối thiểu mỗi phòng 30m2, có công trình vệ sinh, bộ phận quản lý tài chính, người bảo vệ, người trực trong các buổi học và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước.

Giáo viên phải được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp thành phố mới được tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Mức thu tiền học thêm trong và ngoài nhà trường, không quá 8000 đồng/học sinh/tiết đối với các quận Hồng Bàng, Ngô Quyền, Lê Chân, Hải An và Kiến An; không quá 5000 đồng/học sinh/tiết đối với các địa phương còn lại, áp dụng từ ngày 1/1/2013.

Sau một thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm mà chất lượng học tập của học sinh không tốt lên, Sở GD-ĐT sẽ đình chỉ giảng dạy, hoạt động của giáo viên và đơn vị tổ chức dạy thêm, học thêm.

Cán bộ quản lý, giáo viên lần đầu vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm phải kiểm điểm nghiêm khắc trước hội đồng giáo viên, thông báo toàn ngành về mức độ vi phạm.

Những lần vi phạm tiếp theo, tùy mức độ vi phạm, Sở GD-ĐT có hình thức kỷ luật từ tạm đình chỉ công tác đến buộc thôi việc, thôi chức.

Bắt dạy thêm như bắt buôn lậu Trước đó, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, nhiều địa phương đã chấp hành bằng cách cấm tuyệt đối tất cả hình thức dạy thêm học thêm. Tại một số tỉnh thành, nhiều lớp dạy thêm đã đóng cửa.

Nhiều lớp dạy thêm ngoài nhà trường bị kiểm tra, giáo viên bị lập biên bản ngay trong buổi học bởi các đoàn kiểm tra liên ngành. Việc làm này khiến cho thầy trò nhiều lớp học thêm ngơ ngác, đa số các giáo viên đều cảm thấy "tủi hổ".

Cô T., giáo viên dạy văn trường PM (Hà Nội), kể: "Tôi đang dạy cho một nhóm học sinh lớp 9 thì đoàn kiểm tra đến. Ngoài đại diện nhà trường, phòng GD-ĐT, còn có đại diện chính quyền, công an. Việc kiểm tra bất ngờ nên cả thầy và trò đều không chuẩn bị tinh thần cho việc này… Xem xét trên cơ sở quy định, tôi có lỗi. Nhưng cách "ập đến, bắt quả tang giáo viên tại chỗ, lập biên bản, đề nghị ký xác nhận" khiến giáo viên tủi hổ vô cùng".

Một giáo viên bị thanh tra Sở GD-ĐT Phú Yên "bắt" vì tổ chức dạy thêm trái phép nói "Hôm đó, khi lực lượng thanh tra sở "làm việc" với những học sinh có tham gia học thêm tại nhà tôi để làm chứng cứ bắt tội mà tôi rưng rưng nước mắt vì thấy hoàn cảnh thầy trò thảm quá. Dù biết mình đã sai, theo thông tư, quy định của ngành nhưng cách xử lý như vậy tôi thấy "đao to búa lớn" quá, làm mất uy tín và hình ảnh nghề giáo nghiêm trọng".

Một giáo viên khác ở trường THPT Lê Hồng Phong (Tây Hòa, Phú Yên) nói: "Để nghề giáo còn cao quý nhất trong các nghề thì đừng nên hành xử nhà giáo thiếu công bằng và thô bạo như vậy. Bởi suy cho cùng, chúng tôi là những người gieo chữ chứ nào phạm tội nguy hiểm cho xã hội!".

"Để tránh rơi vào cảnh "bị bắt quả tang", chúng tôi đã đóng cửa dạy thêm vì không thể đảm bảo được thủ tục" – một số giáo viên các trường THCS Đống Đa, Cát Linh, tiểu học Lê Ngọc Hân, Hà Nội cho biết. Hình thức kiểm tra lớp học giống như "bắt buôn lậu" khiến cho việc dạy thêm, học thêm chẳng khác nào "buôn lậu"?

(Theo Đất Việt)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/110265/cho-giao-vien-gioi-day-them-va-thu-thue.html

Bộ GD-amp;ĐT thông báo học bổng Chính phủ Nhật bản năm 2013

Posted: 25 Feb 2013 02:19 AM PST

(GDTĐ)-Cục đào tạo với nước ngoài thông báo tuyển cán bộ đi nghiên cứu về giáo dục phổ thông tại Nhật Bản và tuyển sinh viên đi học ngành Tiếng Nhật – Văn hóa Nhật tại Nhật Bản theo học bổng Chính phủ Nhật Bản cấp năm 2013.

Ảnh MH (internet)
Ảnh MH (internet)

Về học bổng ngành giáo dục, đây là chương trình bồi dưỡng giáo viên 1,5 năm (từ tháng 10/2013 đến tháng 3/2015). Ngoài ra giáo viên sẽ được học thêm tiếng Nhật để có thể nghe giảng bằng tiếng Nhật. Thời gian thi vấn đáp, thi viết tiếng Nhật, tiếng Anh dự kiến vào cuối tháng 3/2013 tại Đại sứ quán Nhật Bản.

Bộ GDĐT đề nghị các sở GDĐT nghiên cứu và đề cử cán bộ/giảng viên/giáo viên tham gia dự tuyển trên cơ sở nhu cầu đào tạo của cơ quan và nguyện vọng của ứng viên (mỗi cơ quan đề cử 1 ứng viên). Công văn đề cử ứng viên dự tuyển cùng hồ sơ dự tuyển (theo mẫu quy định) đến Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài, 21 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 08/3/2013.
   
Về học bổng đi học ngành Tiếng Nhật – Văn hóa Nhật, thời gian học tại Nhật Bản 1 năm, dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2013. Thời gian thi vấn đáp, thi viết tiếng Nhật dự kiến vào cuối tháng 3/2013 tại Đại sứ quán Nhật Bản. ứng viên là sinh viên đang học năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 khoa tiếng Nhật có đạo đức tốt, kết quả học ở đại học (đến hết học kỳ I năm học 2012-2013) đạt loại khá trở lên tham gia dự tuyển. (Chỉ tiêu dự tuyển của từng trường được thông báo bằng văn bản của Bộ GDĐT gửi trực tiếp tới trường. Lưu ý: đề nghị không đề cử lại những ứng viên đã tham gia dự thi năm trước).

Các trường gửi công văn đề cử ứng viên cùng hồ sơ dự tuyển đến Văn phòng Cục Đào tạo với nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 21 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 08/3/2013 để xem xét và chuyển cho phía Nhật Bản tổ chức tuyển chọn, duyệt cấp học bổng.

Thông tin chi tiết về chương trình học bổng và các mẫu hồ sơ liên quan cần download từ các trang web dưới đây:

Hướng dẫn chung về du học Nhật Bản: http://www.studyjapan.go.jp/jp/toj/toj0307j.html (tiếng Nhật); http://www.studyjapan.go.jp/en/toj/toj0307e.html (tiếng Anh).

Trang web của Bộ Giáo dục và Khoa học Nhật Bản: http://www.mext.go.jp/a_menu/koutou/ryugaku/06032818.htm. 

Đan Thảo

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3009/201302/Bo-GD-DT-thong-bao-hoc-bong-Chinh-phu-Nhat-ban-nam-2013-1967187/

Anh: Ngôi trường đầu tiên 100% học sinh quốc tế

Posted: 25 Feb 2013 02:19 AM PST

Một trường tiểu học với hơn 400 học sinh đã trở thành ngôi trường đầu tiên ở nước Anh không có đứa trẻ nào nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Hiệu trưởng Parker cùng các học sinh của mình

Punjabi Urdu, Bồ Đào Nha, Séc, Ba Lan, Nga và một số thổ ngữ châu Phi là một trong 20 thứ tiếng được nói ở Trường Tiểu học Gladstone.

Tuy vậy, ngôi trường vẫn đang ngày một phát triển tốt bất chấp suy thoái của kinh tế. Chỉ cách đây 14 tháng ngôi trường này vẫn được Ofsted – cơ quan đánh giá trường học nhận xét là "không tốt" – mức thấp nhất trong 4 đánh giá xếp hạng. Tháng trước, mức đánh giá được nâng lên thành "tốt" – mức xếp hạng cao thứ hai.

Ngôi trường có trụ sở ở Peterborough này đã tiến hành một loạt các biện pháp cải thiện tình hình trong thời gian đó. Các giáo viên phải đưa ra những hướng dẫn giải thích mọi thứ mà họ đang làm để học sinh hiểu được.

Trường cũng xây dựng một "hệ thống kết bạn" với các ngôi trường khác để học sinh có thể tiếp xúc với những người nói tiếng Anh. Chúng được học tập và vui chơi cùng nhau hai lần mỗi tuần.

Giáo viên ở đây cũng được khuyến khích bằng cách nhận lương theo khả năng làm việc. Hiệu trưởng Christine Parker, 54 tuổi chia sẻ: "Ngày càng nhiều lĩnh vực trên thế giới đang tiến tới song ngữ. Văn hóa ở trường chúng tôi không coi song ngữ là một khó khăn".

Bà Parker cũng cho rằng trẻ được tiếp xúc với môi trường nói tiếng Anh thực sự sẽ tốt hơn là để chúng nói một thứ tiếng trộn lẫn tiếng Anh và tiếng mẹ đẻ. "Đôi khi cha mẹ cố gắng giúp chúng học tiếng Anh nhưng chính bản thân họ cũng không nói tốt" – bà nhận xét.

Có 358 trong tổng số 440 học sinh nói tiếng Punjabi Urdu – ngôn ngữ được sử dụng ở Pakistan và Ấn Độ.

23 em nói tiếng Dari – ngôn ngữ được sử dụng ở Afghanistan, Iran và Tajikistan. Có 15 học sinh nói tiếng Lithuania, 11 em nói tiếng Latvia, trong khi các ngôn ngữ còn lại gồm có Bồ Đào Nha, Ba Lan, Slovakia….

Để giải quyết vấn đề đa ngôn ngữ này, nhà trường đã bố trí 28 trợ giảng. "Có những học sinh muốn thử dùng ngay ngôn ngữ mới nhưng cũng có đứa im lặng liên tục trong 6 tháng".

Ngoài Gladstone, còn có Trường Tiểu học Beeches ở Peterborough với 592 học sinh cũng sử dụng 23 thứ tiếng. Chỉ có 24 học sinh ở trường này nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ.

  • Nguyễn Thảo (Theo Dailymail)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/110291/anh--ngoi-truong-dau-tien-100--hoc-sinh-quoc-te.html

Săn học bổng tại Triển lãm giáo dục Mỹ 2013

Posted: 24 Feb 2013 10:19 PM PST

 Tới triển lãm giáo dục Mỹ 2013, học sinh sẽ được tiếp cận trực tiếp với đại diện
của 20 trường và có cơ hội tìm được những suất học bổng phù hợp với năng lực.

Triển lãm sẽ diễn ra vào: 15h – 18h Chủ nhật, ngày10/3/2013.

Địa điểm: Tầng 2, Khách sạn Intercontinental Asiana Saigon – Góc Lê Duẩn – Hai
Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM

Đăng ký tham dự: Mobile 091 894 4243 (Ms. Hạnh) – Tel: 08. 3827 4243

Với hơn 20 trường Đại học, Cao đẳng uy tín của Mỹ, triển lãm hứa hẹn sẽ là một
chương trình bổ ích dành cho phụ huynh và các em học sinh đang tìm kiếm cơ hội
học tập và học bổng tại Mỹ năm 2013.

Tại buổi triển lãm, đại diện phòng tuyển sinh của mỗi trường sẽ tư vấn và giải
đáp trực tiếp tất cả câu hỏi của phụ huynh, học sinh về chương trình học, thủ
tục làm hồ sơ và các thông tin về điều kiện nhập học, học bổng cho mùa tuyển
sinh 2013…

Một số trường tham gia triển lãm giáo dục Mỹ 2013: La Salle University
(Pensylvania), Lewis University (Illinois), University of Wisconsin – Stout
(Wisconsin), City University of Seattle (Washington), Berkeley College (New
York). University of Cincinnati (Ohio), Missisippi College (Missisippi), Hệ
Thống Các Trường Đại Học Bang New York (SUNY ), Monroe College (New York).Tập
đoàn INTO gồm 4 trường: Oregon State University (Oregon), University of South
Florida (Florida)Colorado State University (Colorado), Marshall University (West
Virginia).

Cao Đẳng Cộng Đồng: Lane Community College, South Puget South Community College,
Delaware County Community College (Pennsylvania), Skagit Valley College
(Washington), Moraine Valley Community College (Illinois), West Hills Community
College (California), College of Central Florida (Florida), Foothill De Anza
Colleges (California).

Triển lãm mở cửa miễn phí dành cho tất cả phụ huynh và học sinh quan tâm đến du
học Mỹ.

Đặc biệt, cơ hội nhận được quà tặng khi tham dự chương trình: Loa nghe nhạc, máy
ảnh, series USD may mắn, cẩm nang tuyển sinh các trường đại học tại Mỹ, Tượng Nữ
Thần Tự Do những món quà cực cool được đem về từ Mỹ.

Thông tin liên hệ:
Văn phòng Access American Education (AAE)
31A Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP HCM
Website: www.aaevietnam.com
Email: info@aaevietnam.com
Điện thoại: (08) 38274243

Tấn Tài

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/du-hoc/110007/san-hoc-bong-tai-trien-lam-giao-duc-my-2013.html

‘Quân đội là trường đại học danh tiếng giới trẻ cần học’

Posted: 24 Feb 2013 09:19 PM PST

Thứ hai, 25/2/2013, 06:30 GMT+7

“Các bạn trẻ nên nhớ tổ quốc chỉ có một và tổ quốc lúc nào cũng cần sự cống hiến của các bạn. Quân đội cũng là một trong những trường đại học danh tiếng mà các bạn nên nhập học”, độc giả Lê Bình chia sẻ.
‘Không để tình trạng học dốt mới đi bộ đội’ / Đỗ đại học vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự

Trưởng thành từ môi trường quân đội và hiện là công chức, độc giả Lê Bình cho biết, anh hoàn toàn đồng ý với quy định này bởi đi bộ đội là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân. Nếu ai cũng viện cớ đi học thì không ai canh giữ biên cương, biển đảo của tổ quốc.

“Các bạn trẻ nên nhớ tổ quốc chỉ có một và tổ quốc lúc nào cũng cần sự cống hiến của các bạn. Quân đội cũng là một trong những trường đại học danh tiếng mà các bạn nên nhập học”, anh Bình nói.

Thanh niên nhập ngũ là thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng đối với tổ quốc. Ảnh: Nguyên Khoa.

Nhận định môi trường quân đội rất tốt cho việc rèn luyện ý chí thanh niên, độc giả Lê Sơn dẫn chứng, những khóa học trong quân ngũ cho trẻ em đang được phụ huynh ủng hộ. Điều này chứng tỏ đây là môi trường nên để các em rèn luyện ý chí và tinh thần dân tộc, thấu hiểu phần nào những vất vả mà cha ông ta đã làm, từ đó có trách nhiệm đối với gia đình, xã hội.

“Chiến sĩ có tư duy kém khó có thể sử dụng những trang thiết bị hiện đại trong bối cảnh hiện đại hóa quốc phòng. Quân đội rất cần những chiến sĩ có trình độ cao và các bạn trẻ nên nhớ, phục vụ cho tổ quốc là phục vụ cho chính mình”, anh Sơn nói.

Còn theo độc giả tên Dũng, nhiều người cứ cho mình là tất cả, ích kỷ, cá nhân… chỉ muốn phát triển bản thân, phụ huynh thì muốn con cái mình được học hành, sung sướng mà quên đi việc phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân. Vì vậy, nghĩa vụ quân sự phải là bắt buộc và làm mạnh tay, không trừ một ai. Có như vậy mới giáo dục được thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tính kỷ luật, tính chiến đấu.

“Là công dân Việt Nam nằm trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ với tổ quốc. Như ca sĩ Bi Rain nổi tiếng, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp hay Hoàng tử Anh vẫn thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự. Luật Nghĩa vụ quân sự ở nước mình còn dễ, chứ ở một số nước nếu trốn nghĩa vụ sẽ bị đi tù”, độc giả này cho hay.

Đồng tình với quy định của thông tư 13, nhiều độc giả góp ý Việt Nam cần học Hàn Quốc, tất cả công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Không những ủng hộ thông tư 13, anh Lê Minh còn mong muốn tất cả nam thanh niên từ 18 tuổi trở lên phải nhập ngũ để rèn luyện quân sự, sẵn sàng bảo vệ đất nước. Anh tâm sự, khi đi làm ở nước ngoài, nhìn hồ sơ của các bạn Hàn Quốc mà thấy “thèm”. Mở đầu hồ sơ của họ, bao giờ cũng là “tham gia quân đội” và thực hiện một công việc đặc biệt nào đó trong thời gian ở quân ngũ.

Anh Minh phân tích, trước đây cha ông chúng ta đã lấy chiến tranh nhân dân làm sức mạnh để đánh thắng mọi kẻ thù thì hiện nay toàn dân cũng phải góp sức cho quân đội. Do đó, nghĩa vụ quân sự cần chia làm 2 loại: nghĩa vụ quân sự chính quy đối với thanh niên nhập ngũ thường niên dài 24 tháng và nghĩa vụ quân sự dự bị đối với tất cả sinh viên các trường đại học, cao đẳng và trung cấp dạy nghề.

Theo đó, sinh viên sẽ được phân về các đơn vị phù hợp với chuyên ngành mình học để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Thời gian tham gia là 12 tháng, nếu đạt yêu cầu thì mới được tiếp tục học đại học. Kể cả học sinh đi du học, nếu không tham gia nghĩa vụ quân sự dự bị thì không cấp hộ chiếu.

Độc giả Đình Huy cũng cho rằng, mọi công dân đều phải được quân đội huấn luyện để đảm bảo số lượng binh sĩ trong mọi thời điểm. Khi chiến sĩ có trình độ văn hoá càng cao thì chất lượng quân đội càng tinh nhuệ, kỷ luật quân đội sẽ được chấp hành tốt, thao tác khí tài quân sự hay tác chiến thực tiễn đều đạt hiệu quả cao hơn.

Theo anh Huy, đất nước muốn được hoà bình ổn định, ngoài yếu tố vĩ mô ở các phương diện kinh tế, xã hội thì yêu cầu phải có một lực lượng quân đội hùng mạnh, tinh nhuệ, vì thế nâng cấp chất lượng binh sĩ là thiết yếu. Tuy nhiên, yếu tố công bằng trong việc xét tuyển phải được đặt lên hàng đầu, các địa phương không được chấp nhận việc chạy tiền, lo lót cho con, cháu trốn nghĩa vụ quân sự. Quân đội phải là một tập thể trên dưới một lòng, hy sinh và phụng sự cho tổ quốc.

“Người không hiểu biết mới lo kiến thức mai một vì cách học ở đại học khác hẳn với phổ thông. Hơn nữa, quân đội luôn tạo điều kiện để chiến sĩ học tập tốt nhất. Sinh viên các trường quân đội như Học viện Kỹ thuật Quân sự trước khi vào học chính thức chương trình đại học cũng được huấn luyện 12 tháng về quân sự”, anh Huy nói và cho hay, năm nay đã 29 tuổi nhưng anh vẫn muốn đi bộ đội.

Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại, sau khi thông tư 13 có hiệu lực, số lượng thanh niên tới tuổi thực hiện nghĩa vụ nhiều mà số gọi nhập ngũ có hạn, hiện tượng tiêu cực sẽ xảy ra như chạy chọt để trốn nghĩa vụ quân sự. “Phải công khai, giám sát thì mới minh bạch được”, một độc giả đề nghị.

Ông Đặng Sâm từng tham gia nghĩa vụ quân sự khi mới đi du học về cách đây 30 năm đề xuất, nên để các em học xong rồi mới đi nghĩa vụ, như vậy các trường đã giúp quân đội trong việc đào tạo chuyên môn. Khi đó quân đội chỉ tốn ít thời gian bồi dưỡng, huấn luyện về quân sự thì đã có một quân đội chuyên nghiệp, trình độ cao.

“Cần quy định mọi thanh niên đều phải có giấy xác nhận phục viên mới được nhận đơn xin việc vào bất kể công ty nào để làm việc”, ông Sâm đề nghị.

Còn bạn đọc Lê Bình góp ý, nên quy định độ tuổi thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự (ví dụ từ 18 đến 30) phải tòng quân 2 năm để họ tự lựa chọn thời gian, như vậy thanh niên sẽ chủ động sắp xếp công việc của mình.

Kiều Trinh

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2013/02/quan-doi-la-truong-dai-hoc-danh-tieng-gioi-tre-can-hoc/

Cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật dành cho học sinh trung học Hà Nội năm 2013

Posted: 24 Feb 2013 08:19 PM PST

(GDTĐ) – Sở GDĐT Hà Nội vừa tổ chức lễ khai mạc cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật dành cho học sinh trung học trên địa bàn thành phố năm 2013. Đây là lần thứ hai Hà Nội tổ chức cuộc thi nhằm tạo sân chơi cho HS trung học đua tài sáng tạo, phát minh ra các sản phẩm hoặc các công trình nghiên cứu thiết thực phục vụ cuộc sống.


Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại lễ khai mạc

Tham dự lễ khai mạc có Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cùng với các ban ngành liên quan. Ban giám khảo cuộc thi là các thầy cô, các nhà khoa học ở địa bàn Hà Nội.

Hội thi sáng tạo Khoa học và kỹ thuật (Intel ISEF) dành cho học sinh phổ thông được ra đời tại nước Mỹ cách đây 64 năm do hãng Intel tài trợ. Đây là cơ hội cho những nhà khoa học trẻ được chia sẻ ý tưởng khoa học, các dự án khoa học với bạn bè trong nước và quốc tế.

Việt Nam đã 3 lần tham dự kỳ thi Intel ISEF quốc tế, nhưng đến năm 2012 là lần đầu tiên Bộ GDĐT phát động rộng rãi trên cả nước với mục đích thúc đẩy đổi mới phương pháp giáo dục trong các nhà trường, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, khả năng vận dụng kiến thức lý thuyết vào thực tiễn của học sinh.

Tuy là năm đầu tiên chính thức tham dự Hội thi quốc tế, đoàn học sinh Hà Nội đã vinh dự giành giải Nhất, mang lại niềm vinh quang và tự hào cho đất nước Việt Nam trên đấu trường khoa học quốc tế.

Cuộc thi năm nay có 136 HS đến từ 23 trường THPT, tham dự ở 55 đề tài khoa học. Đây là những đề tài tiêu biểu nhất được lựa chọn từ 88 đề tài đã dự thi ở cấp cụm trường. Những đề tài xuất sắc nhất sẽ được chọn tham dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 3/2013. Một số trường THPT có số đề tài dự thi nhiều là Chu Văn An (7 đề tài), Chuyên Nguyễn Huệ (7 đề tài), Chuyên Hà Nội- Amsterdam (6 đề tài), Kim Liên (4 đề tài).

Năm nay các đề tài phong phú hơn, nhiều vấn đề nóng của xã hội đã được các em đặt ra vấn đề giải quyết. Đây là một tín hiệu mừng đối với cấp học phổ thông. Hiện nay đã có 24 Sở GDĐT địa phương đăng ký để tham dự kì thi cấp quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 3 tới. Qua đây cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học ở phổ thông đã thực sự thu hút được các em.

Theo quy định của Bộ GDĐT thì mỗi Sở GDĐT chỉ có 6 đề tài tham dự ở kì thi toàn quốc. Tuy nhiên, Bộ GDĐT sẽ cân nhắc đề số lượng đề tài của Hà Nội và TPHCM cao hơn so với quy định. Sở GDĐT Hà Nội dự định, nếu được Bộ GDĐT đồng tình thì 14 đề tài đạt ở giải toàn cuộc (từ Khuyến khích đến giải Nhất) sẽ tham gia cuộc thi toàn quốc.

Quỳnh Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201302/Cuoc-thi-Khoa-hoc-va-Ky-thuat-danh-cho-hoc-sinh-trung-hoc-Ha-Noi-nam-2013-1967169/

Giáo dục đứa trẻ không thể bằng bạo lực

Posted: 24 Feb 2013 08:19 PM PST

Sẽ không ai thương yêu đứa bé bằng chính bố mẹ của em. Cho nên, cũng không nên lên án nặng nề, mà chỉ nên góp ý về phương pháp giáo dục để ông bố có đứa con nghiện game này và nhiều bậc phục huynh khác cùng tham khảo.

 

Con cái cứng đầu, hư hỏng hoặc không vâng lời cha mẹ là chuyện có thể xảy ra đối với bất kỳ gia đình nào. Điều quan trọng là cha mẹ phải có trách nhiệm uốn nắn các hành vi sai trái hay thói quen xấu để đứa trẻ phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần, đặc biệt là sự trưởng thành về nhân cách. Với công trình "con người", cần có sự thương yêu, lòng kiên nhẫn và phương pháp giáo dục khoa học. Sự nóng nảy, mất bình tĩnh chỉ mang đến thảm họa.

 

Dạy dỗ con cái, nếu như dùng đến bạo lực, tra tấn, chửi bới là bắt đầu cho một sự thất bại, cởi truồng rồi trói con vào cột điện là thể hiện sự bất lực của cha mẹ. Đa số những đứa bé bị cha mẹ khủng bố tinh thần, đánh đập, tra tấn đều bị chấn thương tâm lý nặng nề, dễ bị méo mó nhân cách về sau. Ra đời, các em thường mang mặc cảm của sự thiếu vắng tình thương, hành động thiên về bạo lực, gây gỗ, tính khí dữ dằn. Ngược lại, những đứa trẻ được lớn lên trong môi trường giáo dục bằng tình thương, lời dạy bảo ngọt ngào và sự hướng dẫn khoa học, thì tâm hồn các em đẹp hơn, có hành vi ứng xử khoan hòa và nhân ái về sau.

 

Giáo dục một đứa trẻ là một quá trình, nếu để con mình nghiện game nặng chứng tỏ thiếu một quá trình giáo dục. Ngay từ khi còn "măng", cha mẹ theo dõi sinh hoạt, học tập của con sát sao, hướng dẫn chu đáo, ngăn chặn kịp thời để đưa trẻ không bị sa đà vào chơi game thì sẽ không có hậu quả nghiện. Ngược lại, cha em quá chăm chú vào công ăn việc làm, bỏ bê con cái, thì nếu không nghiện game, đứa trẻ có thể sa vào các thói hư tật xấu khác. Đua xe, tụ tập băng nhóm đánh nhau, cờ bạc, bi da, cá độ bóng đá, nghiện hút đều là những cạm bẫy chực chờ rất nguy hiểm.

 

Nhiều ý kiến cho rằng nhà trường phải có trách nhiệm trong chuyện giáo dục học sinh tránh xa tệ nạn xã hội, những trò chơi thiếu lành mạnh hoặc có hại như nghiện game. Điều này rất đúng, bởi vì sự chỉ dạy của thầy cô giáo và sự kiểm soát chặt chẽ thời gian lên lớp sẽ hạn chế tối đa cơ hội để các em tiếp cận với cái xấu. Ngoài ra, việc đánh giá  hạnh kiểm và kết quả học tập của các em tại học đường sẽ giúp cho phụ huynh thông tin để có biện pháp hỗ trợ và giáo dục con cái.

 

Tuy nhiên, nhà trường, đoàn thể sẽ không thể thay thế được gia đình. Sự phát triển thể chất, trưởng thành về nhân cách của một con người chịu sự ảnh hưởng rất lớn của giáo dục gia đình. Nếu như cha mẹ buông thả con cái, mải lo chạy theo danh vọng hay tiền bạc thì sẽ không có nhà trường nào cứu nổi con họ. Thực tế không thiếu những gia đình rất giàu có, cha mẹ là quan chức to, nhưng con cái hư hỏng, nghiện hút, tàn phá gia đình và phá hoại xã hội.

 

Còn với nghiện game, nếu gia đình có biện pháp giáo dục thích hợp và ngăn chặn ngay từ khi mới phát hiện, chắc em bé sẽ không đến nỗi bị trừng phạt “quá tay”  như vậy.

 

 

Lê Chân Nhân

 

 

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!

Nguồn: http://dantri.com.vn/blog/giao-duc-dua-tre-khong-the-bang-bao-luc-699938.htm

Comments