Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Kéo dài phụ cấp giáo viên vùng đặc biệt khó khăn

Posted: 24 Feb 2013 08:17 AM PST

Theo đó, nhà giáo đã hết thời hạn công tác tại các vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi chuyển đến vùng khó khăn thì sẽ tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Những trường hợp nhà giáo được tiếp tục hưởng phụ cấp thu hút sẽ không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghị định trên cũng quy định trợ cấp chuyển vùng, thay quy định cụ thể mức trợ cấp 6,5 triệu đồng bằng quy định nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có gia đình chuyển đến vùng khó khăn được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển.

Tương tự, trợ cấp lần đầu đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi được luân chuyển tới vùng đặc biệt khó khăn, thay vì quy định trợ cấp 4 triệu đồng thì nghị định mới quy định mức trợ cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung vào thời điểm nhận công tác, luân chuyển.

UBND cấp huyện tại các địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp lần đầu và chỗ ở cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mới chuyển đến.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/535291/keo-dai-phu-cap-giao-vien-vung-dac-biet-kho-khan.html

Công bố phương hướng tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

Posted: 24 Feb 2013 04:16 AM PST

Một số điểm mới

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 về cơ bản giữ ổn định như năm 2012 trở về trước theo giải pháp "3 chung". Tuy nhiên, có một số điều chỉnh, bổ sung.


Theo đó, tuyển thẳng học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp.

Học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú.

Thí sinh dự thi liên thông lên cao đẳng hoặc đại học chính quy phải nộp hồ sơ ĐKDT theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông, dự thi theo đề thi chung của Bộ GDĐT, được xét tuyển theo nguyện vọng học liên thông đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường cao đẳng hoặc trường đại học.

Bổ sung Ban Chấm thanh tra vào tổ chức của Hội đồng tuyển sinh trường. Ban Chấm thanh tra thực hiện chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi của từng môn thi tự luận.

Điểm trúng tuyển được xác định theo nguyên tắc: điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, bắt đầu từ ngày 20/8/2013, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 30/10/2013.

Xét tuyển đến hết tháng 10

Nếu như năm 2011, thời hạn xét tuyển đến 30/11 thì năm nay thời gian này kết thúc sớm hơn 1 tháng. Cụ thể, thời hạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 20/8/2013, kết thúc ngày 30/10/2013.

Các trường có ngành năng khiếu, nhưng không tổ chức thi vào các ngành này theo đề thi riêng, thì được xét tuyển thí sinh trong vùng tuyển, đã dự thi ngành đó tại các trường khác, có các môn văn hoá thi theo đề chung của Bộ GDĐT.

Các trường đại học có đào tạo hệ cao đẳng, các trường cao đẳng thuộc các đại học, nếu không tổ chức thi tuyển sinh riêng cho hệ này, được xét tuyển thí sinh đã dự thi theo đề thi chung của Bộ GDĐT có cùng khối thi, trong vùng tuyển qui định của trường.

Các trường dùng chung đề thi đại học, cao đẳng và sử dụng chung kết quả thi chủ động trong việc xét tuyển theo nguyên tắc: Các trường có thể xác định điểm trúng tuyển theo khối thi, theo ngành học hoặc điểm trúng tuyển chung. Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không được thấp hơn điểm sàn; Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; Xét tuyển thí sinh có kết quả thi từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu; Chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1,0 điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm (trừ các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có quy định riêng).

Các trường phải công bố công khai các thông tin liên quan đến điều kiện xét tuyển, thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày và công bố kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chuyển thông tin này về Cục Công nghệ thông tin để đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ GDĐT.

Thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi

Năm 2013, thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi, nhưng có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng trở lên (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn được cấp phiếu báo điểm.

Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng, phiếu báo điểm phải thống nhất mẫu đã thiết kế, không được thay đổi và phải điền đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Cả hai loại Giấy này đều phải đóng dấu đỏ của trường để thí sinh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ hoặc TCCN. Chỉ in điểm các môn thi chưa nhân hệ số.

Ngoài phiếu báo điểm các trường đã cấp cho thí sinh trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 theo đề thi chung, thí sinh có thể dùng bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận kết quả thi (nếu chưa trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng) để đăng kí xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển được xét tuyển vào học liên thông các trường khác, cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển.

Theo GDTĐ

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cong-bo-phuong-huong-tuyen-sinh-DH-CD-2013/279013.gd

Khen thưởng đột xuất hai cử nhân U70

Posted: 24 Feb 2013 03:16 AM PST

Trước đó, hai ông Nguyễn Văn Biểu, 67 tuổi ngụ xã Hòa Phú, huyện Châu Thành và ông Lê Văn Xê, 69 tuổi ngụ xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa (Long An) cùng trúng tuyển đại học hệ vừa làm vừa học, ngành Nông học, Đại học Nông lâm TPHCM. Cuối năm 2012, cả hai ông đều tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá, riêng ông Biểu đạt danh hiệu Á khoa toàn khóa học. 

Không những là người đạt thành tích cao trong học tập khi tuổi cao mà tất cả con của 2  ông Biếu và Xê đều đã thành đạt. Riêng gia đình ông Biểu có tất cả 6 người, có tới 6 bằng cử nhân đại học.


Ông Phạm Thanh Phong (


Ông Phạm Thanh Phong (

Ông Phạm Thanh Phong – phó Chủ tịch TW Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Long An cho biết: "Tôi rất cảm kích gia đình ông Nguyễn Văn Biểu và ông Lê Văn Xê, mặc dù tuổi cao nhưng cả hai ông đều không ngừng học tập, nhất là đều chọn học ngành Nông nghiệp để cống hiến cho quê hương, nâng cao trình độ dân trí. Đây là hai mô hình tiêu biểu về gương sáng người cao tuổi học tập suốt đời để toàn xã hội học tập. Tôi cũng rất mong gương hiếu học của hai ông tỏa sáng ở Long An cũng như trên cả nước".


Ông Phạm Thanh Phong (

Ngọc Thụ

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/khen-thuong-dot-xuat-hai-cu-nhan-u70-699908.htm

Hướng dẫn thời hạn giải ngân kinh phí CTMTQG năm 2012

Posted: 24 Feb 2013 02:16 AM PST

(GDTĐ) – Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc hướng dẫn thời hạn giải ngân kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012, đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai hoàn thành các nội dung hoạt động đã được giao dự toán kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đến hết ngày 31/3/2013.

Tiếp theo công văn số 17024/BTC-ĐT ngày 06/12/2012 và công văn số 486/BTC-ĐT ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính về thời hạn thực hiện và thanh toán nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 đối với các dự án đầu tư được kéo dài đến 31/3/2013.

Đến nay, Bộ Tài chính đã có công văn số 1808/BTC-HCSN ngày 01/2/2013 hướng dẫn thời hạn giải ngân kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 đối với các nội dung chi được bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp được thanh toán đến hết ngày 31/03/2013.

Bộ GDĐT đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai hoàn thành các nội dung hoạt động đã được giao dự toán kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đến hết ngày 31/3/2013.

Đối với số kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2012 đã thanh toán đến trước ngày 31/01/2013 thì quyết toán vào niên độ ngân sách 2012; số kinh phí thanh toán và tạm ứng sau ngày 31/01/2013 được quyết toán vào niên độ ngân sách 2013.

Quỳnh Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201302/Huong-dan-thoi-han-giai-ngan-kinh-phi-CTMTQG-nam-2012-1967166/

Không thể bỏ điểm sàn đại học

Posted: 24 Feb 2013 02:16 AM PST

 Quan điểm của Bộ GDĐT luôn khuyến khích các trường tuyển sinh riêng, trên nguyên tắc các trường phải có đề án trình lên Bộ, thể hiện được năng lực của trường, cam kết không để xảy ra các tiêu cực khi tuyển sinh riêng để Bộ thẩm định, chấp thuận.

Bộ GDĐT tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các trường, trường nào có đề án tuyển sinh riêng hợp lý sẽ được trao quyền tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có trường nào trình lên Bộ đề án này, kể cả các trường công lập và ngoài công lập, trừ 10 trường khối năng khiếu nghệ thuật đã được Bộ GDĐT và Bộ Văn hóa-Thể thao Du lịch chấp thuận tuyển sinh riêng từ năm 2013. 

Về kiến nghị bỏ điểm sàn. Thứ trưởng cho rằng, điểm sàn là ngưỡng tối thiểu để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực. Nếu bỏ điểm sàn, thí sinh có điểm thấp vẫn được gọi vào học, ra trường không đáp ứng được yêu cầu xã hội, doanh nghiệp không chấp nhận, đó mới là sự lãng phí lớn. Hiện nay thi 3 chung thì phải có điểm sàn bình đẳng cho cả trường công lập và ngoài công lập. Bộ sẵn sàng lắng nghe, đối thoại và xử lý các kiến nghị của Hiệp hội theo các quy định chung

Nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/xahoi/2013/2/192438.cand

Những ngành, nghề nào đang ‘khát’ nhân lực?

Posted: 23 Feb 2013 10:15 PM PST

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, những nghề đang cần và còn thiếu nhiều nhân lực trong năm 2013 gồm: Công nghệ thông tin, Điện tử công nghiệp, Chế biến thực phẩm, Hàn công nghệ cao, Thiết kế đồ họa, Tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính…Công nghệ ô tô, cơ khí (tiện, phay, bào, hàn), Công nghệ thông tin, điện tử, thiết kế thời trang (vẽ mỹ thuật, hình họa, ký họa, thiết kế áo đầm, thiết kế rập, thời trang trẻ em, áo dài…), Nhà hàng khách sạn và các nghề lái xe, điện lạnh, thẩm mỹ…

Ông Trần Anh Tuấn Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, mặc dù lượng nhu cầu cho các ngành nghề vẫn còn cao nhưng chỉ có khoảng 80% sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, trung cấp, sơ cấp nghề tìm được việc làm. 20% còn lại tìm việc rất khó khăn.

“Trong tổng số tìm được việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển, 50% thật sự ổn định. Đặc biệt kỹ năng mềm là yêu cầu nhiều sinh viên, học sinh chưa đáp ứng được” - lời ông Tuấn.

Qua nhiều cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ học sinh chọn sai ngành học chiếm khoảng 60%, chỉ có 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 20% có hiểu biết tương đối đầy đủ và 75% thiếu hiểu biết về nghề bản thân chọn học, việc sinh viên tốt nghiệp ĐH không tìm được việc vẫn còn khá phổ biến.


Tỷ lệ nhu cầu nhận lực của TPHCM giai đoạn 2012- 2015

Vì vậy, SV muốn có được việc làm sau khi tốt nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau: xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp. Các quy định thi tuyển, xét tuyển Đh, CĐ, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình…

Học sinh không nên quyết tâm vào ĐH bằng mọi giá, tránh tình trạng khi vào học hoặc học xong ĐH có chán nản vì không đúng ngành nghề yêu thích. Trường hợp chọn trường tại chức thì vẫn có thể học liên thông (CĐ là 1,5 năm, ĐH là 3 năm) và cơ hội việc làm rất lớn.

“Hiện nay, nhiều cơ quan, doanh nghiệp tuyển người có trình độ ĐH chỉ khoảng 10-12 %, còn hệ tại chức và CĐ tuyển rất nhiều. Phụ huynh cũng không nên có những định kiến, tâm lý trọng bằng cấp bắt ép con em vào ĐH mà bỏ qua các trường dạy nghề” – ông Tuấn cho biết.

Theo VietNamNet

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-nganh-nghe-nao-dang-khat-nhan-luc/279028.gd

Quy định về 4 cụm thi quốc gia trong kỳ tuyển sinh 2013

Posted: 23 Feb 2013 09:15 PM PST

(GDTĐ)-Kỳ tuyển sinh 2013 vẫn có 4 cụm thi quốc gia gồm: Cụm thi tại thành phố Hải Phòng, thành phố Vinh, thành phố Quy Nhơn và thành phố Cần Thơ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trực tiếp trả lời băn khoăn của giám thị và thí sinh dự thi tại Đại học Thăng Long
Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời băn khoăn của giám thị và thí sinh dự thi tại ĐH Thăng Long

Cụm thi tại thành phố Hải Phòng: Dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Hàng hải và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Hà Nội. Cụm thi này do Trường ĐH Hàng hải chủ trì phối hợp với các trường đại học liên quan tổ chức thi.

Cụm thi tại thành phố Vinh: Dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Vinh và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, có nguyện vọng thi vào các trường đại học đóng tại khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Cụm thi này do Trường ĐH Vinh chủ trì phối hợp với các trường đại học liên quan tổ chức thi.

Cụm thi tại thành phố Quy Nhơn: Dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Quy Nhơn và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 6 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Hà Nội và Tp.HCM. Cụm thi này do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì phối hợp với các trường ĐH liên quan tổ chức thi.

Cụm thi tại thành phố Cần Thơ: Dành cho thí sinh thi vào Trường ĐH Cần Thơ và các thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 9 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, thành phố Cần Thơ có nguyện vọng thi vào các trường ĐH đóng tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh. Cụm thi này do Trường ĐH Cần Thơ chủ trì phối hợp với các trường ĐH liên quan tổ chức thi.

Riêng thí sinh của các tỉnh tại các cụm thi trên, nếu đăng ký dự thi vào các trường ĐH khối Quốc phòng và Công an hoặc các trường và các ngành năng khiếu vẫn phải đến trường ĐH, CĐ để dự thi (không dự thi ở cụm).

Thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố được chỉ định dự thi tại cụm thi TP. Hải Phòng, TP. Vinh, TP. Quy Nhơn hoặc TP. Cần Thơ, nhưng tốt nghiệp THPT tại các tỉnh, thành phố khác, thí sinh tự do, không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định theo hộ khẩu thường trú.

Bộ GDĐT giao các trường ĐH có thí sinh dự thi tại cụm thi TP Hải Phòng, TP. Vinh, TP. Quy Nhơn và TP. Cần Thơ trước ngày 20/5/2013, thông báo cho Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường số lượng thí sinh dự thi vào từng khối của trường mình; gửi giấy báo dự thi cho thí sinh. Trước ngày 20/5/2013 cử và thông báo cho Chủ tịch Hội đồng coi thi liên trường danh sách cán bộ tham gia Hội đồng coi thi liên trường, cán bộ làm Trưởng điểm thi, cán bộ giám sát thi và Ban thư ký tương ứng với số lượng thí sinh.

Ngày 3/7/2013, tất cả cán bộ của các trường được cử tham gia công tác thi tại cụm thi phải có mặt tại các cụm thi để chuẩn bị cho công tác coi thi. Tùy theo từng điều kiện, các trường có thể trực tiếp thoả thuận với Trường ĐH Hàng hải, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn hoặc Trường ĐH Cần Thơ về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức thi tại cụm thi.

Các trường ĐH: Hàng hải, Vinh, Quy Nhơn và Cần Thơ có trách nhiệm bảo đảm đủ số phòng thi cho các trường. Mỗi phòng thi có đủ bàn ghế, ánh sáng và các điều kiện về trật tự, an toàn, nước uống, phục vụ y tế cho thí sinh.

Trước ngày 25/5/2013, thông báo cho các trường địa chỉ cụ thể của các điểm thi và các phòng thi; số lượng thí sinh mỗi phòng thi. Tổ chức in sao đề thi, đóng gói, bảo quản, phân phối đề thi theo đúng quy chế. Có phương án dự phòng in đề thi khi mất điện. Chú ý phòng ngừa thiên tai, hoả hoạn,…

Cử đủ cán bộ coi thi, cán bộ y tế, cán bộ phục vụ và lực lượng bảo vệ thi. Tổ chức tập huấn kỹ cho các cán bộ tham gia tuyển sinh. Hướng dẫn và giúp đỡ các trường bố trí nơi ăn, ở cho cán bộ tham gia tuyển sinh.

Hướng dẫn và tạo điều kiện giúp đỡ nơi ăn, ở cho thí sinh và gia đình thí sinh ở các địa phương về thành phố dự thi. Có phương án dự phòng và xử lý các tình huống thiên tai bất thường.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu có phát sinh, các trường báo cáo Bộ GDĐT và Hội đồng coi thi liên trường tìm biện pháp giải quyết kịp thời.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201302/Quy-dinh-ve-4-cum-thi-quoc-gia-trong-ky-tuyen-sinh-2013-1967156/

Lộ diện những bộ trưởng, giáo sư dùng bằng cấp giả

Posted: 23 Feb 2013 09:15 PM PST

(ĐVO)- Họ là những ngôi sao kiêm giáo sư nổi tiếng, chuyên gia tư vấn luật pháp, cố vấn khoa học của chính phủ, bộ trưởng, giáo viên, rồi cả lính cứu hỏa…đã kiếm được việc làm và thu lợi được những khoản 'kha khá' trước khi bị phanh phui sử dụng bằng cấp giả mạo.

1.Chuyên gia tư vấn luật pháp Richard Gottfried

Trước khi bị phát hiện, Richard Gottfried luôn tự xưng mình là chuyên gia tư vấn luật pháp, đem lại vô số lời khuyên hữu ích cho các luật sư bào chữa hình sự tại trung tâm thành phố thuộc bang Philadelphia, Mỹ. Với tấm bằng luật học giả từ một lò sản xuất bằng, Richard cũng kiếm được 400.000 USD của tòa án thành phố trước khi bị kết án 20 năm tù giam vào năm 2006.

2. Ngôi sao Jang Mi-hee kiêm 'giáo sư' nghệ thuật
 


 

Jang Mi-hee, một ngôi sao điện ảnh màn bạc hàng đầu trong những năm 1970-1980 của Hàn Quốc. Sau này cô đã trở thành nghệ sĩ và giáo sư nghệ thuật tạo hình nổi tiếng tại Đại học Myongji. Tuy nhiên chính Jang Mi-hee sau này đã thú nhận cô chưa bao giờ tốt nghiệp tại Đại học Hawthorne (một trường đại học không được tín nhiệm). Đây là một thông tin đặc biệt đáng 'xấu hổ' trong một quốc gia cực kì chú trọng sự nghiệp giáo dục đào tạo.

3. Tiến sĩ Barry McSweeney-Cố vấn khoa học Chính phủ Ireland

Barry McSweeney, Trưởng ban cố vấn Khoa học đầu tiên của Chính Phủ Ireland, đồng thời trước đó nắm giữ nhiều cương vị công tác trong khoa học của nước này, đã buộc phải từ chức năm 2005 sau khi một tổ chức độc lập của Ireland phát hiện ra bằng tiến sĩ 'rởm' của ông. Thực tế Barry đã đạt được học vị tiến sĩ  Hóa sinh và công nghệ sinh học tại Đại học Tây Thái Bình Dương, một trường đại học không được tín nhiệm ở Mỹ, chỉ sau có 12 tháng nghiên cứu.

4. Hàng loạt giáo viên ở Mỹ mua bằng tiến sĩ để tăng lương

Trong năm 2004, hơn 10 giáo viên, tư vấn viên và hiệu trưởng ở Georgia, Mỹ đã bị phát hiện mua bằng giả với học vị thạc sĩ và tiến sĩ từ trường đại học trực tuyến Liberia không được tín nhiệm ở Tây Phi và trường đại học Đại học Saint Regis không khác gì lò sản xuất bằng giả với giá 1.500 USD. Mục đích của nhóm giáo viên này nhằm được tăng lương tới hàng ngàn USD. Cũng trong khoảng thời gian này, bang Oregon, Mỹ đã phát hiện ra 3 giáo viên đã tự hào với bằng cấp thạc sĩ từ trường Đại học La Salle ở Louisiana, một trường đại học giả mạo.

5. Lính cứu hỏa ở California sử dụng bằng cử nhân giả

16 nhân viên cứu hỏa thuộc đội cứu hỏa Sacramento County đã mua bằng tốt nghiệp giả từ ba trường đại học trực tuyến không được công nhận, với mục đích đòi tăng lương. Với tấm bằng giả, những 'chú lính cứu hỏa' này đã bỏ thêm vào túi khoảng 50.000 USD tiền lương trả thêm trong suốt thời gian từ tháng 4/2005-4/2006. Nhưng 'thật không may', cả đội đã bị phanh phui vào thời gian sau đấy.

6. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iran Ali Kordan sử dụng bằng giả Đại học Oxford
 


 

Ali Kordan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Iran đã bị luận tội sử dụng bằng giả Đại học Oxford vào tháng 11/2008.  Mặc dù ông Kordan cho rằng mình bị lừa bởi một văn phòng liên kết Đại học Oxford giả mạo tại Iran. Tuy nhiên, những lí do ông đưa ra không thuyết phục, kết quả cuộc họp của Quốc hội có 188/256 lá phiếu đồng ý sa thải ông Kordan.

7. Huấn luyện viên bóng đá dùng bằng thạc sĩ rởm

Năm 2001, ông George O’Leary đã từ chức huấn luyện viên đội bóng Notre Dame sau khi ông thú nhận rằng, chính mình đã gian dối về các thông tin trình độ thể thao và học thuật. Thực tế ông chưa từng chơi bóng suốt 3 năm trong trường đại học và tấm bằng thạc sĩ về giáo dục tại Đại học New York cũng là thông tin giả. Những lời nói dối đã buộc George O’Leary phải kết thúc cuộc đời huấn luyện viên bóng đá ngắn ngủi của mình.

8. Cựu giám đốc Bộ An ninh dùng bằng tiến sĩ rởm

Năm 2004, Cựu giám đốc cao cấp tại Bộ An ninh Nội địa bà Laura Callahan đã bị phát hiện dùng bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ khoa học máy tính rởm của Đại học Hamilton, một trường đại học giả mạo. Trước đấy, nhờ tấm bằng mua đó, bà Callahan leo lên tới chức vụ trưởng một vụ ở Bộ An ninh nội địa, sau đó được chuyển sang làm quản lý ở Bộ Lao động dưới thời tổng thống Bill Clinton.

9. Khởi kiện nhau vì giáo sư giả

Trong tháng 3 năm 2008, trường Đại học Dongguk ở Hàn Quốc đã kiện Đại học Yale phải bồi thường 50 triệu USD vì cho rằng Đại học Yale đã 'làm nhục' họ. Vụ việc nảy sinh khi Dongguk thuê một giáo sư lịch sử nghệ thuật tốt nghiệp tại Đại học Yale. Sau đó Dongguk nhờ Yale xác minh thông tin và nhận được bản fax xác thực trình độ của giáo sư này là có thật. Tuy nhiên vẫn nghi vấn, Dongguk đã gửi hồ sơ kiểm tra lần hai, song Yale đã không đưa ra được những yêu cầu xác thực vị giáo sư này. Dongguk cho rằng sai lầm của Yale đã dẫn đến sự hổ thẹn và suy giảm thu hút tài trợ của Dongguk.

10. Giáo chủ sử dụng bằng tiến sĩ giả
 


 

Năm 2009, L. Ron Hubbard, người sáng lập Giáo phái Khoa học luận đã bị một nhóm nhà ngoại giao Anh điều tra về trình độ bằng cấp khi ông này tự xưng mình là tiến sĩ. Với học vị này Hubbard còn thu về hơn 200 triệu USD từ các hoạt động tại một trường đại học do mình sáng lập. Điều tra đã xác minh Hubbard mua một bằng tiến sĩ từ một lò sản xuất bằng giả.

Quảng Văn (Theo Earnmydegree/Dailymail/Articles.philly/Asione/Xinhua)

Nguồn: http://www.baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/201302/Lo-dien-nhung-bo-truong-giao-su-dung-bang-cap-gia-2342166/

Tăng trợ cấp cho giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn

Posted: 23 Feb 2013 08:15 PM PST

(GDTĐ) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định 19/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm các huyện đảo: Trường Sa, Hoàng Sa; các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghị định 19/2013/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về phụ cấp thu hút đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhưng thôi không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Về trợ cấp chuyển vùng, thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 6,5 triệu đồng thì Nghị định 19/2013/ NĐ-CP quy định nếu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có gia đình chuyển đi theo thì được trợ cấp tiền tàu xe, cước hành lý cho các thành viên đi cùng và được trợ cấp chuyển vùng bằng 12 tháng lương tối thiểu chung cho một hộ tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển.

Về trợ cấp lần đầu đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục khi được luân chuyển đến công tác tại các cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, thay vì quy định cụ thể mức trợ cấp là 4 triệu đồng thì Nghị định mới quy định mức cấp lần đầu bằng 10 tháng lương tối thiểu chung cho một người tại thời điểm nhận công tác, luân chuyển ghi trong quyết định luân chuyển. UBND cấp huyện của địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết trợ cấp lần đầu và chỗ ở cho các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chuyển đến địa phương.

Trợ cấp chuyển vùng và trợ cấp lần đầu nêu trên chỉ thực hiện một lần trong cả thời gian công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2013.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201302/Tang-tro-cap-cho-giao-vien-cong-tac-tai-vung-dac-biet-kho-khan-1967157/

Hoảng nhìn học trò trưng diện quá lố

Posted: 23 Feb 2013 08:15 PM PST

Đua nhau làm đẹp… lố

Ở nhiều trường học, cả bậc THPT và THCS, không quá khó để bắt gặp hình ảnh các học trò thể hiện vẻ ngoài như diễn viên, ca sĩ khi đến lớp. Nét mặt non nớt được nhiều em tô vẽ đậm từ môi, mắt, chân mày, đeo trang sức… có em nhìn chẳng khác nào diễn viên tuồng. Nhiều bộ móng tay, móng chân cũng bị không ít em sơn sửa với những màu sắc xanh, đỏ, tím đậm chóe, cầu kỳ. 

Một nữ sinh tranh thủ dặm thêm phấn ngay lúc tập trung ở sân trường.

Tại trường THPT P. (Q. Phú Nhuận, TPHCM), giờ ra chơi hay lúc tập trung ở sân trường, có thể nhìn thấy một vài nữ sinh trang điểm đậm, lòe loẹt, tự làm mình già hơn tuổi rất nhiều. Không để ý đến bạn bè xung quanh, lâu lâu có em còn thản nhiên lôi gương, son môi, mascara dặm thêm lên mặt, bôi gel lên tóc như thể đang trong phòng riêng. Cũng có những bạn chỉ trỏ, bàn tán nhưng dường như những học trò khác cũng đã quá quen với những diễn như thế này. 

Em Lê Ngọc An, lớp 12 cho hay trong lớp cũng có một bạn thường xuyên trang điểm rất đậm khi đến lớp như dán mi giả, đánh mắt đen, môi đỏ choét… Lúc nào cô bạn này cũng chỉ chủ ý trau chuốt vẻ bên ngoài, ngay cả trong giờ học.

"Thời gian đầu khi bạn ấy trang điểm đậm, bọn em còn nói bàn tán, bình phẩm và thấy khó chịu vì không phù hợp nhưng giờ thì tụi em quen mắt rồi, tuy vẫn không thoải mái khi tiếp xúc. Bạn ấy khoe sáng nào cũng mất gần tiếng đồng hồ để trang điểm. Thầy cô từng nhắc nhở mà chẳng hiểu sao bạn ấy vẫn vậy", An nói.

Một lần đến Trường THPT L. (Q.3, TPHCM), chúng tôi… hết hồn trước vẻ sành điệu của một nhóm nữ sinh lớp 11. Những bộ móng tay chân sơn vẽ xanh đỏ đậm được các em cùng nhau đưa ra bình phẩm, nhận xét một cách thích thú. Có em khoe làm ở nơi cao cấp, hàng trăm nghìn một bộ móng.

Không hiếm học trò sơn móng tay chân lòe loẹt, cầu kỳ

Chưa kể việc trong nhóm có bạn sử dụng kiềng đeo cổ, vòng tay bằng vàng bắt mắt. Mấy cô học trò còn rủ nhau đồng phục với những đôi giày cao gót gỡ 10 - 12cm. Thế nên giờ ra chơi, trong khi bạn bè thoải mái vui đùa, chạy nhảy thì họ chỉ có thể ngồi tám chuyện về hình thức vì ngay việc đi lại cũng đã hết sức nan giải.  

Khi được hỏi về vẻ ngoài "khác người" của mình, nữ sinh tên Thương gượng gạo cho hay mình bắt chước theo các bạn trong nhóm. Do trái với quy định của nhà trường nên tuy trưng diện nổi bật như vậy nhưng thường phải tìm cách qua mắt giám thị, thầy cô vì sẽ bị nhắc nhở. Thương thừa nhận, do cách ăn mặc được coi là sành sỏi nên họ cũng ít vui chơi cùng bạn bè trong lớp, chỉ quanh quẩn trong nhóm với nhau. 

Chẳng riêng gì nữ sinh, không hiếm những gương mặt bạn trai với những mái tóc vót dài che mắt ra vẻ lãng tử hay tóc chỏm được xịt keo ngổ ngáo. Những phụ tùng thời trang như vòng đeo tay, đeo cổ đủ màu sắc vốn dùng để kết hợp với những trang phục đi chơi, dã ngoại không khỏi "lố" khi xuất hiện cùng trang phục và môi trường học đường. Tình trạng học trò ăn diện "bắt mắt" như thế này còn xuất hiện ở các em học sinh lớp 6, lớp 7.

Làm đẹp không xấu

Hầu hết trường học đều có quy định về ăn mặc cho học sinh khi đến trường như không trang điểm, không nhuộm tóc, không sơn móng tay, đeo trang sức… Nhưng thực tế, các trường không dễ bề kiểm soát việc học sinh làm đẹp, chủ yếu vẫn trên tinh thần nhắc nhở là chính. 

Khi học trò trưng diện quá mức, vẻ ngoài không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến môi trường học đường, gây khó chịu cho người khác. Việc trau chuốt vẻ ngoài làm các em hao tốn tiền bạc, thời gian đối với việc học và cũng dễ sa vào lối sống đua đòi.

Những quy định về văn hóa trường học đang bị nhiều học sinh qua mặt. 

Trong buổi gặp gỡ với lãnh đạo thành phố đầu năm nay, em Phan Thị Phương Oanh, học sinh lớp 7 Trường THCS Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ, TPHCM) bày tỏ lo lắng khi bản thân chứng kiến rất nhiều bạn bè của mình còn nhỏ tuổi nhưng thích đua đòi, chải chuốt mà lơ là chuyện học. Điển hình là các bạn nữ tô son, sơn móng tay, nhộm tóc; bạn nam thì để tóc dài, ăn mặc lếch thếch… làm mất đi sự trong sáng của tuổi học trò và làm môi trường học tập bị xáo trộn. Đặc biệt, em này e ngại vấn nạn này có thể lây lan vì các em đang trong độ tuổi "bắt chước".

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) cho rằng làm đẹp là một nhu cầu rất tự nhiên của con người ở mọi lứa tuổi. Các em ở tuổi học trò muốn làm đẹp không phải là xấu vì có khi nhờ một chút vẻ ngoài trang điểm hay thoa kem dưỡng môi, phấn hồng… giúp các em tự tin hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo thầy Khắc Hiếu, với những em làm quá thì sẽ gây phản cảm, khó chịu cho người khác, ảnh hưởng đến môi trường học đường. Vì thế, điều các em học sinh cần là phải biết tiết chế trong việc chưng diện diện để giúp mình đẹp hơn chứ không phải xấu đi.

"Khi các bạn làm đẹp hãy tự mình quan sát thật kỹ xem đã ổn chưa, nếu còn thấy lấn cần thì hãy suy nghĩ lại. Điều cần nhất là hãy soi mình trong mắt người khác, nếu người xung quanh thấy dễ chịu, khen đẹp, phù hợp nghĩa là bạn đang ổn; còn người khác khó chịu, phê phán đúng, xa lánh mình thì phải xem lại", thầy Hiếu nhắn nhủ.

BS Trương Trọng Hoàng, Phó trưởng bộ môn Khoa học hành vi Giáo dục sức khỏe (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM) cho hay lứa tuổi học trò thích làm đẹp nhưng ít quan tâm đến sức khỏe. Việc đi những đôi giày cao gót có thể giúp các em nhìn cao hơn, yểu điệu hơn nhưng nếu sử dụng thường xuyên rất nguy hại đến sức khỏe của đôi chân, có thể để lại hậu quả lâu dài. Ngoài ra, việc đi giày cao gót khi đến trường, các em sẽ thiệt thòi vì phải hạn chế vận động, vui chơi.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoang-nhin-hoc-tro-trung-dien-qua-lo-699772.htm

Comments