Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Trình Thủ tướng Khung trình độ giáo dục quốc gia trong tháng 3

Posted: 22 Feb 2013 04:10 AM PST

(GDTĐ)-Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ GDĐT xây dựng Đề cương Khung trình độ giáo dục quốc gia, trong đó có Khung trình độ nghề quốc gia; lấy ý kiến các Bộ và cơ quan liên quan; trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2013.

Việc làm này nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Kết luận số 51-KL/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đồng thời trên cơ sở xét đề nghị của Bộ Lao động – Thương binh xã hội về việc thành lập Tiểu ban xây dựng Khung trình độ nghề quốc gia.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ GDĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp đề xuất danh sách Ban biên soạn Khung trình độ giáo dục quốc gia và Tiểu ban biên soạn Khung trình độ nghề quốc gia, có ý kiến của các Bộ và cơ quan tham gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2013.

Theo Bộ GDĐT, hiện nay, Việt Nam chưa có một khung trình độ quốc gia với những đặc trưng giữa trình độ các bậc học như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Nếu khung trình độ quốc gia theo quy chuẩn của các nước ASEAN được áp dụng thì bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam cũng có ý nghĩa tương đương khi đến các quốc gia châu Á khác. Song song với việc xây dựng khung trình độ quốc gia, Việt Nam cũng sẽ chú trọng tới kiểm định chất lượng giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201302/Trinh-Thu-tuong-Khung-trinh-do-giao-duc-quoc-gia-trong-thang-3-1967130/

Đại học thành phố Seattle, Mỹ

Posted: 22 Feb 2013 04:10 AM PST

Thứ sáu, 22/2/2013, 08:00 GMT+7

Ông Dmitry Sherbakov, đại diện tuyển sinh quốc tế của trường sẽ tham gia hội thảo lúc 15h ngày 25/2 tại 239 Cách Mạng Tháng 8, Nhà A02 Chung cư Văn hoá, phường 4, quận 3, TP HCM và lúc 17h30 ngày 28/2 tại 230 Kim Mã, Hà Nội.

City University of Seattle (CityU) là trường đại học tư thục phi lợi nhuận. CityU được chứng nhận chất lượng bởi Hiệp hội các trường đại học vùng Tây Bắc (NWCCU) và Hiệp hội quốc tế về giáo dục kinh doanh bậc đại học (IACBE). 80% giảng viên của trường đã làm việc hoặc hiện vẫn là tư vấn cho các công ty quy mô toàn cầu.

Trường nằm trong top 20 đại học cung cấp chương trình đào tạo từ xa tại Mỹ (Forbes Magazine). Chương trình MBA liên kết với Đại học công nghệ Bắc Kinh thuộc top 10 chương trình MBA liên kết xuất sắc tại Trung Quốc. Sinh viên học ELP có thể xin thư mời có điều kiện đối với các chương trình chuyển tiếp đại học: quản lý, quản trị kinh doanh, khoa học đại cương, MBA, AMBA.

Tất cả các chương trình không yêu cầu GPA, trừ thạc sĩ tư vấn tâm lý: 2.75 GPA và portfolio; miễn SAT/ AC, không yêu cầu chuyển điểm qua WES, ECE, miễn GMAT/ GRE.

Cơ sở chính của CityU tọa lạc tại Bellevue, bang Washington, cách trung tâm thành phố Seattle khoảng 15 phút đi xe. Seattle là thành phố lớn nhất khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, có nhiều cây xanh, không khí trong lành, giao thông đi lại thuận tiện, có một hệ thống xe buýt hoạt động giữa Bellevue và toàn vùng Seattle. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Microsoft, Boeing, Starbucks, và Amazon… đã chọn đặt bản doanh tại đây. CityU cách hồ Washington xinh đẹp 5 phút đi xe, cách khu trượt tuyết dãy núi Cascade 40 phút và cách Vancouver, Canada 2,5 giờ đi xe. Có rất nhiều căn hộ cho thuê gần khuôn viên trường, cùng với rất nhiều khu mua sắm và các khu vực vui chơi giải trí.

Cơ sở chính tại Bellevue đào tạo khoảng 3.000 sinh viên, trong đó có hơn 300 sinh viên quốc tế. Ngoài ra, CityU còn có các cơ sở tại Canada, Australia, Trung Quốc, Mexico, Hy Lạp, Romania, Slovakia, Czech Republic.

CityU cung cấp các chương trình giáo dục chất lượng cao trong lĩnh vực kinh doanh, giáo dục, công nghệ… Các chuyên ngành tuyển sinh quốc tế như sau:

Các chương trình tuyển sinh 4 kỳ một năm:

Anh ngữ (ELP).

Chuyển tiếp đại học, quản lý.

Chuyển tiếp đại học, quản trị kinh doanh.

Chuyển tiếp đại học, khoa học đại cương.

Thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA và AMBA (chương trình MBA được hỗ trợ thêm ngoại ngữ).

Các chương trình chỉ tuyển sinh khóa mùa Thu (tháng 10).

Cử nhân quản lý (sinh viên mới).

Cử nhân quản trị kinh doanh (sinh viên mới).

Cử nhân khoa học đại cương (sinh viên mới).

Cử nhân kế toán (sinh viên mới và chuyển tiếp).

Cử nhân hệ thống thông tin – lập trình (sv mới và chuyển tiếp).

Thạc sĩ quản lý dự án.

Thạc sĩ lãnh đạo MBA-Leadership một năm.

Thạc sĩ tư vấn tâm lý.

Chương trình AMBA là chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh được hỗ trợ thêm về ngoại ngữ. Mất khoảng 15 đến 30 tháng để hoàn thành khóa học. Học phí phải chăng: Anh ngữ ELP 1.487,5 USD khóa 5 tuần; Đại học: 6.900 đến 7.600 USD một kỳ.

Trường cấp nhiều học bổng trị giá 3.000 cho sinh viên cử nhân năm thứ nhất lần đầu tới Mỹ; sinh viên chuyển tiếp từ các trường đại học cao đẳng khác bang Washington hoặc sinh viên đang theo học tại trường có GPA từ 2,0 đến 3,0.

Khai giảng tháng 1, 4, 7, 10 nên nộp hồ sơ trước 2 đến 3 tháng.

(Nguồn: Visco)

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/co-hoi-du-hoc/2013/02/dai-hoc-thanh-pho-seattle-my/

70% SV các trường công lập ra trường có việc làm ngay

Posted: 22 Feb 2013 03:10 AM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT cho biết, với các trường ĐH, CĐ công lập, số sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường chiếm khoảng 70%, tuy nhiên, con số này thấp hơn ở hệ ngoài công lập.

Những ngày hội việc làm luôn thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Ảnh: gdtd.vn
Những ngày hội việc làm luôn thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Ảnh: gdtd.vn

Theo số liệu "3 công khai" của ĐHQG Hà Nội, trừ sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ và kinh tế có việc làm sau 6 tháng tốt nghiệp đạt trên 85%, sinh viên tốt nghiệp các ngành khác có việc làm trong năm tốt nghiệp trung bình đạt 60% – 70%. Trường ĐHSP – ĐH Đà Nẵng, sinh viên đào tạo theo chương trình đại trà (khóa 2007-2011) có việc làm đạt 68,5%…

Trong khi con số báo cáo của 2 trường ĐH công lập có danh tiếng khá khiêm tốn, thì một số trường, trong đó nhiều trường ĐH ngoài công lập lại công bố con số sinh viên trường mình tốt nghiệp có việc làm khá cao.

Thống kê chưa đầy đủ của ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, trong số gần 5.000 sinh viên, học sinh của trường đã tốt nghiệp các trình độ, có 4.300 người (chiếm 86%) có việc làm.

Trung tâm TVPL Trường ĐH Luật TP.HCM khảo sát khóa 32 tốt nghiệp (Khóa 2007-2011), công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm là 94,4 %. Với chương trình chất lượng cao, tỷ lệ này đạt mức tuyệt đối: 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm và học lên chương trình cao hơn.

Trường ĐH Phú Yên, khoa CNTT, 100% sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường (theo thông báo công khai chất lượng đào tạo thực tế của trường năm học 2012 – 2013 ). Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2008 có việc làm khoảng 90%

Theo kết quả khảo sát được thực hiện từ tháng 3 – 6/2009 của Trường ĐH dân lập Hải Phòng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2008 có việc làm đạt 81,9 %; trong đó, tỷ lệ sinh viên làm đúng chuyên ngành đào tạo đạt 86,7%.

Theo con số ĐH Duy Tân công bố, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1  năm ra trường (khảo sát các khóa: 2004/2005-2009) với hệ ĐH đạt 87,3%, trong đó có ngành đạt tỷ lệ rất cao như Kỹ thuật mạng (100%), QTKD tổng hợp (95,12%), Anh văn Biên dịch (92,31%); đối với hệ CĐ, tỷ lệ này là 73,76%, trong đó có ngành đạt 100% sinh viên có việc làm là CĐ Tin học.

So với con số Bộ GDĐT đưa ra, tỷ lệ công khai sinh viên có việc làm của nhiều trường không khỏi khiến dư luận băn khoăn về độ tin cậy của công tác thống kê.

Trong khi đó, việc sinh viên ra trường khó tìm việc làm cũng như được làm việc đúng ngành nghề vẫn là một tồn tại. Để giải quyết khó khăn này, từ năm 2008, Bộ GDĐT đã ban hành Quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và TCCN. Thực hiện quy định này, các nhà trường đã tiến hành thành lập, kiện toàn Trung tâm, bộ phận chuyên trách thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và quan hệ với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động. Hiện nay, có khoảng hơn 80 trường đã thành lập trung tâm độc lập và hơn 100 trường thành lập trung tâm, bộ phận thuộc Phòng Công tác học sinh, sinh viên. Một số nhà trường đã tiến hành thành lập Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Quan hệ doanh nghiệp, có con dấu và tài khoản riêng để tiện giao dịch, qua đó đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác này.

Bộ GDĐT cũng khẳng định, với những ngành nghề đã dư thừa nhân lực sẽ kiên quyết không cho phép tuyển sinh tiếp mà khuyến khích, hỗ trợ tuyển sinh các ngành nghề đang thiếu nhân lực như cơ khí, công nghệ, nông – lâm – ngư… 

Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201302/70-SV-cac-truong-cong-lap-ra-truong-co-viec-lam-ngay-1967133/

Đào tạo ĐH, CĐ từ xa: Bấp bênh dạy và học

Posted: 22 Feb 2013 03:10 AM PST

Đào tạo ĐH, CĐ từ xa là loại hình đào tạo xuất hiện ở Việt Nam đầu những năm 1990. Thông qua internet, người học được cung cấp toàn bộ kho tài liệu, bài giảng trực tuyến cũng như hướng dẫn bài tập vào địa chỉ email cá nhân hoặc cập nhật trên website chính thức của nhà trường. Đây là loại hình đào tạo làm tăng tính chủ động, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại của người học. Song, sau hơn 20 năm hoạt động, loại hình này đang dần bộc lộ nhiều bất cập khiến các nhà quản lý phải suy ngẫm.

Những năm 1990, Việt Nam có 2 trường ĐH được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo cử nhân hệ giáo dục từ xa chính cho cả nước là ĐH Mở Hà Nội và ĐH Mở TPHCM. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều trường khác cũng bắt đầu mở hệ đào tạo này. Có thể kể đến các trường ĐH KHTN, ĐH CNTT (ĐHQG TPHCM) đào tạo cử nhân từ xa chuyên ngành CNTT, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM (Hutech) đào tạo ngành Quản trị kinh doanh, ĐH Huế, ĐH Kinh tế quốc dân (Hà Nội), CĐ sư phạm Cà Mau đào tạo các ngành về sư phạm, kinh tế… Trong đó, đào tạo nhiều nhất là ĐH Bình Dương.

Theo Cẩm nang tuyển sinh năm 2013 hiện đăng tải trên website chính thức của nhà trường, năm nay trường mở lớp chiêu sinh hệ đào tạo từ xa ở cả 13 chuyên ngành: CNTT, công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, kiến trúc, công nghệ sinh học, quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính – ngân hàng, xã hội học, văn học, ngoại ngữ, du lịch (Việt Nam học) và giáo dục thể chất.

Theo một thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có hơn 30 đơn vị đào tạo từ xa hệ ĐH, CĐ, trong đó tập trung nhiều ở Hà Nội và TPHCM. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường chỉ chạy đua về mặt số lượng, "trưng dụng" đội ngũ giảng viên chính quy hiện có chứ chưa đào tạo lực lượng giảng viên chuyên biệt dành riêng cho hệ đào tạo này. Bên cạnh đó, việc thiết kế chương trình học mỗi nơi một khác, giáo trình không thống nhất khiến chất lượng đào tạo mang tính "đèn nhà ai nấy sáng". 

Chỉ cần một máy tính kết nối Internet, người học có thể tải về tất cả giáo trình, tài liệu tham khảo hỗ trợ học từ xa. Ảnh: THU TÂM

Phạm Thùy Dương, 22 tuổi, đang học chuyên ngành tin học, hệ liên thông từ xa, ĐH Bình Dương, chi nhánh Cà Mau cho biết: "Chương trình học đi khá nhanh khiến em không theo kịp. Thời gian đào tạo chia làm nhiều đợt, thường bị giãn cách chứ không liên tục, có lúc học dồn dập, có lúc SV được nghỉ học khá dài. Thầy cô chỉ xuống chi nhánh dạy 3, 4 buổi đầu, phát giáo trình, hướng dẫn tài liệu học tập, còn lại trao đổi qua e-mail là chính". Do đó, nội dung học đa phần chỉ là lý thuyết suông, thực hành gần như không có.

Tương tự, Phạm Thị Kiểu, 21 tuổi, đang theo học ngành giáo viên mầm non, CĐ Cà Mau than thở: "Học phí một năm hơn 6 triệu đồng nhưng lịch học thường xuyên bị thay đổi. Thời gian học rất ít, một tuần có thể kết thúc một môn, thậm chí cao điểm 3, 4 ngày hoàn thành một môn học. SV chỉ được hỗ trợ về mặt giáo trình, còn lại phải "tự bơi" là chính, giáo viên không hướng dẫn gì nhiều. Thời hạn ra trường tuy đã được quy định nhưng khó lòng thực hiện vì hiện nay, hợp đồng giảng dạy giữa một số giảng viên và nhà trường có nhiều khúc mắc, chưa giải quyết được nên suốt mấy tháng nay nhiều ngành đang phải tạm ngưng đào tạo do chưa tìm được giáo viên mới". 

Ngoài ra, theo quy định của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ trong cả nước mở hệ đào tạo từ xa phải kết hợp 2 hình thức, hướng dẫn, cung cấp tài liệu cho SV tự nghiên cứu qua địa chỉ liên lạc cá nhân và tổ chức các tiết học trực tuyến qua mạng, thầy cô lên lớp online, giải đáp thắc mắc, tăng tính tương tác cho học viên.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay các trường chỉ làm nhiệm vụ cung cấp tài liệu đơn thuần, các buổi học trực tuyến qua mạng rất ít hoặc gần như không có. Nguyễn Khắc Chinh, SV năm 4 hệ đào tạo từ xa, lớp phần mềm 10.5, Trường ĐH Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM) cho biết, sau khi nộp hồ sơ đăng ký nhập học, mỗi học viên được cấp một account (tên người sử dụng) đăng nhập vào cổng thông tin phục vụ đào tạo của nhà trường.

Mặc dù trên lý thuyết, tài liệu học và mọi thông báo liên quan đến đào tạo đều được gửi trực tiếp vào địa chỉ e-mail cá nhân của từng người. Song trên thực tế, tình trạng mail không đến hay lỗi mạng thường xuyên xảy ra nên người học phải chủ động dùng tài khoản đăng nhập vào website chính của nhà trường cập nhật tin tức.

 Mô hình đào tạo từ xa mở ra ngày càng nhiều, như một phong trào nhưng chất lượng không ai đảm bảo. Thời gian học ngắn, người hướng dẫn và người học ít có dịp trao đổi nên học tập thường lấy lệ, mục tiêu có bằng ĐH trong tay nhiều hơn tích lũy kiến thức thực có Hứa Minh Đường, cựu SV ngành sư phạm sinh học, hệ đào tạo từ xa, Trường CĐ Sư phạm Cà Mau

Ngoài ra, do thời gian học tập trung khá ít, giảng viên không nhớ hết mặt SV nên thường xuyên xảy ra tình trạng thi nhờ, thi hộ. Nhiều người tốt nghiệp với tấm bằng đỏ trong tay nhưng kiến thức thực tế gần như không có. Hệ quả là đã có không ít doanh nghiệp nói không với người tốt nghiệp hệ đào tạo từ xa, học viên ra trường không tìm được việc làm như mong muốn.

Như vậy, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nhằm giúp người học có thêm cơ hội lựa chọn phương thức học tập phù hợp là chủ trương đúng đắn, cần phát huy. Tuy nhiên, với thực tế hiện nay, các trường chạy đua về mặt số lượng, bỏ quên chất lượng khiến xã hội chưa có cái nhìn đúng mức về hệ đào tạo non trẻ này. Do đó, thiết nghĩ trong thời gian tới, Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp, ngành, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ lớn trong cả nước nhằm dự báo đầy đủ và chính xác hơn nhu cầu nhân lực của xã hội, từ đó đề ra các chiến lược đào tạo có định hướng rõ ràng, thoát khỏi cảnh lỡ chợ lỡ quê hiện nay.

T.TÂM – H.PHI – T.LIỄU

Nguồn: http://www.sggp.org.vn/giaoduc/2013/2/311884/

Công bố phương hướng tuyển sinh ĐH, CĐ 2013

Posted: 22 Feb 2013 02:10 AM PST

(GDTĐ)-Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi văn Ga vừa ký văn bản hướng dẫn phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013 gửi các trường.

Thí sinh dự thi ĐH 2012. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh dự thi ĐH 2012. Ảnh: gdtd.vn

Một số điểm mới

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 về cơ bản giữ ổn định như năm 2012 trở về trước theo giải pháp "3 chung". Tuy nhiên, có một số điều chỉnh, bổ sung.

Theo đó, tuyển thẳng học sinh tham gia tập huấn đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế; học sinh trong đội tuyển tham dự hội thi sáng tạo khoa học kĩ thuật quốc tế đã tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu chưa tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp.

Học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ, được hưởng ưu tiên khu vực theo hộ khẩu thường trú.

Thí sinh dự thi liên thông lên cao đẳng hoặc đại học chính quy phải nộp hồ sơ ĐKDT theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông, dự thi theo đề thi chung của Bộ GDĐT, được xét tuyển theo nguyện vọng học liên thông đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường cao đẳng hoặc trường đại học.

Bổ sung Ban Chấm thanh tra vào tổ chức của Hội đồng tuyển sinh trường. Ban Chấm thanh tra thực hiện chấm thanh tra tối thiểu 5% tổng số bài thi của từng môn thi tự luận.

Điểm trúng tuyển được xác định theo nguyên tắc: điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, bắt đầu từ ngày 20/8/2013, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 30/10/2013.

Xét tuyển đến hết tháng 10

Nếu như năm 2011, thời hạn xét tuyển đến 30/11 thì năm nay thời gian này kết thúc sớm hơn 1 tháng. Cụ thể, thời hạn xét tuyển bắt đầu từ ngày 20/8/2013, kết thúc ngày 30/10/2013.

Các trường có ngành năng khiếu, nhưng không tổ chức thi vào các ngành này theo đề thi riêng, thì được xét tuyển thí sinh trong vùng tuyển, đã dự thi ngành đó tại các trường khác, có các môn văn hoá thi theo đề chung của Bộ GDĐT.

Các trường đại học có đào tạo hệ cao đẳng, các trường cao đẳng thuộc các đại học, nếu không tổ chức thi tuyển sinh riêng cho hệ này, được xét tuyển thí sinh đã dự thi theo đề thi chung của Bộ GDĐT có cùng khối thi, trong vùng tuyển qui định của trường.

Các trường dùng chung đề thi đại học, cao đẳng và sử dụng chung kết quả thi chủ động trong việc xét tuyển theo nguyên tắc: Các trường có thể xác định điểm trúng tuyển theo khối thi, theo ngành học hoặc điểm trúng tuyển chung. Điểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không được thấp hơn điểm sàn; Điểm trúng tuyển đợt xét tuyển sau không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt xét tuyển trước; Xét tuyển thí sinh có kết quả thi từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ tiêu; Chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1,0 điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm (trừ các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ có quy định riêng).

Các trường phải công bố công khai các thông tin liên quan đến điều kiện xét tuyển, thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày và công bố kết quả xét tuyển trên trang thông tin điện tử của trường và trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chuyển thông tin này về Cục Công nghệ thông tin để đăng trên trang thông tin điện tử của Bộ GDĐT.

Thí sinh được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi

Năm 2013, thí sinh không trúng tuyển vào trường dự thi, nhưng có kết quả thi từ điểm sàn cao đẳng trở lên (không có môn nào bị điểm 0) sẽ được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi có dấu đỏ. Thí sinh có kết quả thi dưới điểm sàn được cấp phiếu báo điểm.

Giấy chứng nhận kết quả thi đại học, cao đẳng, Phiếu báo điểm phải thống nhất mẫu đã thiết kế, không được thay đổi và phải điền đầy đủ thông tin cần thiết theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Cả hai loại Giấy này đều phải đóng dấu đỏ của trường để thí sinh có thể sử dụng đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ hoặc TCCN. Chỉ in điểm các môn thi chưa nhân hệ số.

Ngoài Phiếu báo điểm các trường đã cấp cho thí sinh trong kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 theo đề thi chung, thí sinh có thể dùng bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận kết quả thi (nếu chưa trúng tuyển vào đại học hoặc cao đẳng) để đăng kí xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Đối với thí sinh dự thi liên thông theo đề thi chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết quả thi được sử dụng để xét tuyển theo chỉ tiêu đào tạo liên thông của trường. Nếu không trúng tuyển được xét tuyển vào học liên thông các trường khác, cùng khối thi, trong vùng tuyển và đáp ứng được yêu cầu của trường cần tuyển. 

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201302/Cong-bo-phuong-huong-tuyen-sinh-DH-CD-2013-1967137/

Hơn 4.300 học sinh Yên Bái chưa ra lớp sau Tết

Posted: 22 Feb 2013 02:10 AM PST

Cụ thể: bậc tiểu học, tỷ lệ ra lớp đạt 97,4% ( toàn tỉnh có 68.853 em, số chưa đến lớp là 1.799 em, chiếm tỷ lệ 2,6%).

Bậc THCS tỷ lệ ra lớp đạt 94,7% ( toàn tỉnh có 45.052 học sinh, số chưa ra lớp là 2.376 em, chiếm tỷ lệ 5,3%).

Bậc học trung học phổ thông tỷ lệ ra lớp đạt 99,3% ( còn 147 em chưa ra lớp, chiếm 0,7% trong tổng số học sinh THPT toàn tỉnh là 19.504 em).

Trước tình hình trên, Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Yên Bái đã tổ chức các đoàn kiểm tra xuống cơ sở; chỉ đạo các phòng giáo dục phối hợp chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình học sinh ra lớp, có các biện pháp vận động học sinh các cấp tiến tục ra lớp học tập theo đúng kế hoạch lịch dạy đã được phê duyệt.

Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/giao-duc/h-n-4-300-h-c-sinh-yen-bai-ch-a-ra-l-p-sau-t-t-1.392587

Nhận bằng đại học ở tuổi 68

Posted: 21 Feb 2013 10:10 PM PST

Thứ sáu, 22/2/2013, 09:36 GMT+7

Sinh viên Lê Văn Xê (sinh năm 1944, ở tỉnh Long An) vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành trồng trọt ĐH Nông Lâm TP HCM.

Tốt nghiệp tú tài vào năm 1972 nhưng ông Xê vẫn ở nhà để làm ruộng, sau đó mở hiệu mua bán thuốc bảo vệ thực vật tại ấp Bình Cang 1, xã Bình Thạnh (Thủ Thừa, Long An). Năm 2000, ông đăng ký học trung cấp ngành bảo vệ thực vật.

Sau khi tốt nghiệp ông học liên thông lên đại học. Sau nhiều năm gắn bó với giảng đường, ông Xê đã thi lấy bằng kỹ sư trồng trọt ở tuổi 68. Bốn người con của ông đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học và đang công tác trong ngành ngân hàng ở tỉnh và TP HCM.

Theo Công an TP HCM

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2013/02/nhan-bang-dai-hoc-o-tuoi-68/

Tôn vinh tính đa dạng văn hóa và ngôn ngữ của Việt Nam

Posted: 21 Feb 2013 09:10 PM PST

(GDTĐ) – Ngày 21/2, tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã cùng với Unicef và Unesco phối hợp tổ sự kiện Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ nhằm tôn vinh tính đa dạng văn hóa và ngôn ngữ của Việt Nam, phát huy việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong cải thiện chất lượng giáo dục cho dân tộc.


Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến văn hóa, tiếng nói và chữ viết của các dân tộc ít người

Tham dự có các đại biểu từ các cơ quan hữu quan, các nhà tài trợ và đối tác quốc tế cùng học sinh, giáo viên, phụ huynh. Các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm sử dụng tiếng mẹ đẻ trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc và cải thiện đời sống phúc lợi của trẻ em nói riêng và cộng đồng nói chung.

Tại sự kiện, thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa, nhấn mạnh: "Tiếng mẹ đẻ là nguồn tài nguyên của mỗi cộng đồng. Với chức năng to lớn của mình-chức năng giao tiếp, chức năng thông tin, chức năng giáo dục. Tiếng mẹ đẻ đóng góp cho sự phát triển của mỗi cá nhân và cộng đồng. Ngôn ngữ là trung tâm của mọi hoạt động của con người".

Trong bối cảnh các dân tộc thiểu số chiếm hơn 13% tổng dân số, Việt Nam có kinh nghiệm sử dụng tiếng mẹ đẻ của học sinh dân tộc trong học tập và giảng dạy. Với sự hỗ trợ của UNICEF, Bộ GDĐT đã và đang thực hiện một sáng kiến về giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ từ năm 2008 tại một số trường tiểu học và mầm non được lựa chọn tại ba tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh.

Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng: "Việcgiảng dạy bằng tiếng mẹ đẻ của học sinh  góp phần vào công cuộc chống mù chữ và nâng cao chất lượng giáo dục. Bảo tồn ngôn ngữ cũng giúp đảm bảo những tri thức quý báu của đồng bào được gìn giữ và truyền cho đời sau. Ngôn ngữ là phương tiện cho mỗi chúng ta trong giao tiếp, chia sẻ ý kiến của mình và là nguồn lực giúp cho việc hòa nhập trong xã hội."

Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ lần đầu tiên được UNESCO công bố vào năm 1999 và kể từ năm 2000, được tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 21/2. "Sách Giáo dục Tiếng mẹ đẻ" là chủ đề của Ngày Quốc tế Tiếng mẹ đẻ năm nay. Sách là công cụ biểu đạt thiết yếu giúp trẻ làm giàu vốn ngôn ngữ, đồng thời ghi lại sự tiến bộ của trẻ qua thời gian.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201302/Ton-vinh-tinh-da-dang-van-hoa-va-ngon-ngu-cua-Viet-Nam-1967118/

Quyết liệt đổi mới vai trò giáo dục của Đoàn

Posted: 21 Feb 2013 09:10 PM PST

Theo Bí thư Thành đoàn Lê Quốc Phong, việc chọn chủ đề "Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn" năm 2013 để quyết liệt đổi mới vai trò giáo dục, khắc phục những tồn tại của Đoàn và những biểu hiện đáng lo ngại về đạo đức, văn hóa trong đời sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Tại hội nghị này, đại biểu cũng đã lắng nghe các chuyên đề về những vấn đề trọng tâm trong công tác xây dựng Đoàn, chương trình vì đàn em chăm lo cho thiếu nhi, các nội dung quan trọng trong việc đồng hành cùng thanh niên, phong trào xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dịp này, Thành đoàn triển khai đến các cơ sở kế hoạch Tháng thanh niên với chủ đề "Tuổi trẻ tham gia xây dựng văn minh đô thị".

Trong đó, các hoạt động ngoài mục tiêu giáo dục đạo đức lối sống sẽ tập trung phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ TP, tiếp tục các công việc Năm an toàn giao thông, chung tay xây dựng nông thôn mới, các hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/534863/quyet-liet-doi-moi-vai-tro-giao-duc-cua-doan.html

Số học sinh bỏ học ở Khánh Hòa gia tăng

Posted: 21 Feb 2013 08:10 PM PST

(GDTĐ) – Theo báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2012-2013 của Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 610 em học sinh bỏ học, tăng 19 em so cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân khiến học sinh bỏ học tăng là do sức học yếu, lưu ban, điều kiện kinh tế khó khăn.


Học sinh các huyện miền núi của Khánh Hòa còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện học tập

Trong số 610 em bỏ học, cấp tiểu học có 22 học sinh, cấp THCS có 288 học sinh và cấp THPT lên đến 300 học sinh. Trong số này, có 36 học sinh đã chuyển sang học nghề hoặc các lớp phổ cập giáo dục.

Thời gian qua, Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng HS bỏ học như: Mở thêm các điểm trường THCS, THPT tại các huyện miền núi để rút ngắn khoảng cách đi lại cho học sinh; tổ chức bữa ăn trưa miễn phí cho HS mầm non và tiểu học là người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, do sức học kém, không theo kịp chương trình, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nhiều HS vẫn còn bỏ học.

Ông Lê Tuấn Tứ, giám đốc Sở GDĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong học kỳ 2 năm nay, Sở GDĐT sẽ ưu tiên cho nhiệm vụ vận động học sinh bỏ học đến trường trở lại hoặc vào các lớp phổ cập. Riêng hai trường THPT miền núi là Lạc Long Quân và Khánh Sơn phải khẩn trương báo cáo, tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện có biện pháp chỉ đạo địa phương, ngành, đoàn thể… để kéo giảm tình trạng học sinh bỏ học như hiện nay.

Quỳnh Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201302/So-hoc-sinh-bo-hoc-o-Khanh-Hoa-gia-tang-1967125/

Comments