Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Lập Đề án xây dựng Đại học Hàng hải thành trường trọng điểm

Posted: 19 Feb 2013 07:54 AM PST

Phương Hiển

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Lap-De-an-xay-dung-Dai-hoc-Hang-hai-thanh-truong-trong-diem/20132/161993.vgp

Chăm lo cải thiện đời sống giáo viên

Posted: 19 Feb 2013 03:54 AM PST

Với trách nhiệm của mình, các cấp CĐ GDHN đã chủ động tham gia cùng chính quyền chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, CBCNV, giáo viên.

Giám sát thực hiện chế độ đối với giáo viên

Toàn ngành hiện có trên 113.000 CBCNV, giáo viên, trong đó hơn 82.800 giáo viên các cấp học. Khó khăn đối với ngành và hoạt động CĐ là địa bàn phân bổ rộng, có sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền. Khu vực vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất tuy đã được đầu tư nhưng chưa được chuẩn hóa, nhiều công trình xây dựng đã cũ và xuống cấp. Hoạt động CĐ ở các trường ngoài công lập còn nhiều hạn chế, nhiều trường ngoài công lập chưa có tổ chức CĐ…

Những năm qua, nhiệm vụ hàng đầu của CĐ GDHN là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CBCNV, giáo viên, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả GDĐT. Với quan điểm đó, các cấp CĐ ngành đã chủ động tham gia cùng chính quyền trong việc phổ biến, giám sát thực hiện chế độ cho NLĐ. Các chế độ BHXH, BHYT được thực hiện ở 100% CBCNV, giáo viên trong biên chế, hợp đồng chỉ tiêu và giáo viên cơ hữu (ngoài công lập). Các chế độ phúc lợi được quy định cụ thể, chi tiết trong quy chế chi tiêu nội bộ. Mỗi nơi đều có những hình thức thiết thực, phù hợp với điều kiện của đơn vị. Chẳng hạn ở quận Hoàn Kiếm, theo bà Bùi Thị Phương Mai – Chủ tịch CĐGD quận – để động viên và tạo động lực cho các nhà giáo tiếp tục học tập bồi dưỡng nâng cao trình độ, CĐ đã đề nghị Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ sớm xây dựng và ban hành tiêu chuẩn ngạch bậc đối với giáo viên có trình độ trên chuẩn (đã có ngạch, mã số ngành, song chưa có tiêu chuẩn cụ thể). Trường THPT Liên Hà (Đông Anh) thì chăm lo tới bữa ăn trưa của CBCNV, giáo viên nhà xa bằng cách cùng cha mẹ học sinh xây dựng khu nhà ăn mới và cho thuê bếp ăn, tạo thêm kinh phí hỗ trợ tết cho CBCNV, giáo viên.

Trợ cấp trên 3.000 CBCNV, giáo viên khó khăn

Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCNV, giáo viên, các cấp CĐ GDHN coi trọng việc thăm hỏi, trợ cấp cho CBCNV, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, toàn ngành đã trợ cấp cho trên 3.000 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tổng số tiền gần 10 tỉ đồng. Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, có 289 trường hợp CBCNV, giáo viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được CĐ ngành trợ cấp với tổng số tiền gần 400 triệu. Hằng năm, trên 60% số CBCNV, giáo viên được khám sức khỏe, qua đó phát hiện bệnh và chữa trị kịp thời. Nhiều CĐGD địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động xã hội, từ thiện như CĐGD huyện Thanh Oai có cuộc vận động "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt". Tiêu biểu trong cuộc vận động này là cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương – Trường Tiểu học Cao Viên 1 – có hoàn cảnh éo le, kinh tế hạn hẹp nhưng cô sẵn sàng đỡ đầu 1 học sinh, giúp đỡ học sinh vượt khó để đạt thành tích cao trong học tập. Nét nổi bật của CĐ Trường THPT Cầu Giấy là hoạt động xã hội, từ thiện. Đặc biệt, CĐ trường cùng với ban giám hiệu đã tổ chức những chuyến đi đến cơ sở trường học tặng quần áo, sách vở, tiền cho học sinh vùng khó khăn của hai tỉnh miền núi Lào Cai và Tuyên Quang…

Nhiệm kỳ 2013-2018, để tiếp tục việc chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi CBCNV, giáo viên, Chủ tịch CĐ GDHN Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh đến nhiệm vụ của CĐ tham gia khảo sát đời sống và chính sách đối với giáo viên để có ý kiến đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng đề án chính sách tiền lương nhà ở, phụ cấp thâm niên cho CBCNV, giáo viên.

Nguồn: http://laodong.com.vn/Cong-doan/Cham-lo-cai-thien-doi-song-giao-vien/102766.bld

Trung Quốc: Đồng phục học sinh có chứa chất gây ung thư

Posted: 19 Feb 2013 03:00 AM PST

Học sinh ở 21 trường tiểu học và trung học Thượng Hải đã được cảnh báo không nên mặc đồng phục sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy chúng có thể bị nhiễm độc.

Công ty Ouxia buộc phải ngừng sản xuất sau khi sản phẩm bị phát hiện có chứa các chất độc hại có thể gây ung thư.

Mới đây cơ quan giám sát chất lượng của thành phố này đã kiểm tra 22 lô đồng phục học sinh, gồm có áo, quần dài và phát hiện ra 6 lô có chứa các chất độc hại.

Những lô đồng phục này được sản xuất bởi công ty quần áo Ouxia của Thượng Hải và bị phát hiện có chứa thuốc nhuộm amine thơm – một hóa chất có thể gây ung thư.

Các nhà chức trách ở khu Pudong đã đưa ra danh sách 21 trường mua đồng phục của công ty này.

Công ty Ouxia là một nhà sản xuất nhỏ, đã may đồng phục học sinh 5 năm nay và bán được khoảng 15.000 bộ mỗi năm.

Công ty này cho biết những sản phẩm có chứa chất độc hại được phát hiện trong 50 mẫu sản phẩm không được bán cho các trường mà đã được thiêu hủy.

Ông Xu Hui – một công nhân tại nhà máy này tiết lộ những nguyên vật liệu bị phát hiện độc hại được mua từ tỉnh Chiết Giang bên cạnh và được dùng để may trang trí trên tay áo đồng phục.

Những mặt hàng của công ty này đã bị liệt trong danh sách đen trong 3 năm qua do hướng dẫn không đủ tiêu chuẩn hoặc chỉ số pH cao, có thể dẫn đến dị ứng da.

"Quần áo của công ty Ouxia gặp vấn đề nghiêm trọng về chất lượng và chúng tôi sẽ xử phạt vi phạm hành chính" – ông Zhou Yitian, một quan chức của Cục giám sát kĩ thuật và chất lượng thành phố Thượng Hải cho hay.

Cục này cũng cho biết đã yêu cầu Ouxia ngừng sản xuất và hiện đang tiến hành một cuộc điều tra kĩ lưỡng.

Ở Trung Quốc, trường học mua đồng phục từ các nhà máy theo giá chỉ đạo của Chính phủ, thường không quá 150 tệ (24 USD) đối với đồng phục tiểu học và trung học cơ sở và không quá 250 tệ đối với trung học phổ thông.

Những người hoạt động trong ngành công nghiệp này cho biết, mặc dù không có rào cản nào đối với việc sản xuất đồng phục học sinh, song nhiều nhà sản xuất quần áo lớn không muốn nhận đơn đặt hàng từ các trường do lợi nhuận thấp mà giá nhân công lại cao.

Khoảng 90% đồng phục học sinh được sản xuất bởi các nhà máy nhỏ giống như công ty Ouxia, và hơn một nửa đồng phục được may bởi những nhà máy này là không đạt chất lượng.

"Mặc dù sự việc xảy ra ở Pudong, nhưng tôi vẫn không dám chắc rằng bộ đồng phục mà con trai tôi đang mặc là an toàn" – chị Zhang Yuerong, một bà mẹ chia sẻ.

Hôm 18/2, chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết thành phố này sẽ đưa ra những tiêu chí nghiêm ngặt đối với các nhà sản xuất đồng phục học sinh. Ngoài ra, Thượng Hải cũng đưa ra một danh sách đen các nhà sản xuất không đủ tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, Thượng Hải cũng đang xem xét áp dụng mô hình mua bán tập trung, theo đó toàn bộ quá trình đặt hàng và mua hàng sẽ được giám sát bởi một cơ quan giám sát chất lượng và phụ huynh học sinh.

  • Nguyễn Thảo (Theo China Daily)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109487/trung-quoc--dong-phuc-hoc-sinh-co-chua-chat-gay-ung-thu.html

Tiếp tục ủng hộ công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ

Posted: 19 Feb 2013 02:54 AM PST

(GDTĐ)- Cuộc họp đầu tiên sau kì nghỉ Tết Nguyên đán Quý tỵ, ngày 19/2 (mùng 10 tháng Giêng), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có buổi làm việc với Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam; các thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Mạnh Hùng cùng dự.


 Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh, gdtd.vn

2013 là năm thứ 3 Hội Cựu giáo chức đi vào hoạt động. Đã có 58/63 tỉnh thành phố có tổ chức hội với con số hội viên cả nước khoảng 600 ngàn. Trong năm qua, các cấp Hội đã có những hoạt động phong phú, thiết thực chăm lo đời sống của hội viên ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, gặp thiên tai, bão lũ; các hoạt động nâng cao đời sống tinh thần, hoạt động truyền thống … được đông đảo hội viên và dư luận xã hội đánh giá cao.

Ở một số tỉnh, hội cựu giáo chức đã được công nhận là tổ chức hội có tính đặc thù. Tuy nhiên, cấp TƯ Hội thì chưa được công nhận là tổ chức hội có tính đặc thù. Trong nội dung "4 cùng" với ngành giáo dục, thời gian qua Hội đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Chiến lược giáo dục (giai đoạn 2012-2020), tham gia xây dựng Đề án phụ cấp thâm niên giáo dục, Đề án Xã hội học tập giai đoạn 2012-2020, tham gia tổ chức thành công kỉ niệm 50 năm giáo dục vùng giải phóng ở miền Nam….

Tại buổi làm việc, lãnh đạo TƯ Hội Cựu giáo chức Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị với Bộ GD-ĐT một số nội dung cần quan tâm triển khai trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đánh giá cao vai trò và các hoạt động của Hội Cựu giáo chức; đồng thời mong rằng trong thời gian tới, các cấp hội cùng các thành viên, lãnh đạo Hội tiếp tục ủng hộ, phối kết hợp chặt chẽ với Bộ GD-ĐT trong công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ; nhất là định hướng dư luận trong các sự kiện giáo dục tiêu biểu, điển hình.

Về xây dựng bảo tàng giáo dục, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng ý về chủ trương nhưng phải triển khai theo hướng xây dựng hệ thống các phòng truyền thống tại các trường Đại học, tại các tỉnh/thành phố trên cả nước để HSSV trong vùng và nhà trường có thường xuyên được học tập tham quan.

Về chế độ trợ cấp cho nhà giáo chưa được hưởng phụ cấp thâm niên, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ. Các Bộ, ngành thành viên của Chính phủ đang tổ chức thẩm định để đưa ra phương án hợp lý nhất trên cơ sở tình hình kinh tế khó khăn hiện nay. 

Bộ trưởng cũng đã đồng ý tổ chức kỉ niệm 45 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức thư cuối cùng cho ngành giáo dục (15/10/1968-15/10/2013) trên cơ sở tổ chức các hoạt động thiết thực, có chiều sâu trong các nhà trường.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201302/Tiep-tuc-ung-ho-cong-tac-tuyen-truyen-giao-duc-the-he-tre-1967043/

Trung Quốc: Đồng phục học sinh có chứa chất gây ung thư

Posted: 19 Feb 2013 02:54 AM PST

Học sinh ở 21 trường tiểu học và trung học Thượng Hải đã được cảnh báo không nên mặc đồng phục sau khi các cuộc kiểm tra cho thấy chúng có thể bị nhiễm độc.

Công ty Ouxia buộc phải ngừng sản xuất sau khi sản phẩm bị phát hiện có chứa các chất độc hại có thể gây ung thư.

Mới đây cơ quan giám sát chất lượng của thành phố này đã kiểm tra 22 lô đồng phục học sinh, gồm có áo, quần dài và phát hiện ra 6 lô có chứa các chất độc hại.

Những lô đồng phục này được sản xuất bởi công ty quần áo Ouxia của Thượng Hải và bị phát hiện có chứa thuốc nhuộm amine thơm – một hóa chất có thể gây ung thư.

Các nhà chức trách ở khu Pudong đã đưa ra danh sách 21 trường mua đồng phục của công ty này.

Công ty Ouxia là một nhà sản xuất nhỏ, đã may đồng phục học sinh 5 năm nay và bán được khoảng 15.000 bộ mỗi năm.

Công ty này cho biết những sản phẩm có chứa chất độc hại được phát hiện trong 50 mẫu sản phẩm không được bán cho các trường mà đã được thiêu hủy.

Ông Xu Hui – một công nhân tại nhà máy này tiết lộ những nguyên vật liệu bị phát hiện độc hại được mua từ tỉnh Chiết Giang bên cạnh và được dùng để may trang trí trên tay áo đồng phục.

Những mặt hàng của công ty này đã bị liệt trong danh sách đen trong 3 năm qua do hướng dẫn không đủ tiêu chuẩn hoặc chỉ số pH cao, có thể dẫn đến dị ứng da.

"Quần áo của công ty Ouxia gặp vấn đề nghiêm trọng về chất lượng và chúng tôi sẽ xử phạt vi phạm hành chính" – ông Zhou Yitian, một quan chức của Cục giám sát kĩ thuật và chất lượng thành phố Thượng Hải cho hay.

Cục này cũng cho biết đã yêu cầu Ouxia ngừng sản xuất và hiện đang tiến hành một cuộc điều tra kĩ lưỡng.

Ở Trung Quốc, trường học mua đồng phục từ các nhà máy theo giá chỉ đạo của Chính phủ, thường không quá 150 tệ (24 USD) đối với đồng phục tiểu học và trung học cơ sở và không quá 250 tệ đối với trung học phổ thông.

Những người hoạt động trong ngành công nghiệp này cho biết, mặc dù không có rào cản nào đối với việc sản xuất đồng phục học sinh, song nhiều nhà sản xuất quần áo lớn không muốn nhận đơn đặt hàng từ các trường do lợi nhuận thấp mà giá nhân công lại cao.

Khoảng 90% đồng phục học sinh được sản xuất bởi các nhà máy nhỏ giống như công ty Ouxia, và hơn một nửa đồng phục được may bởi những nhà máy này là không đạt chất lượng.

"Mặc dù sự việc xảy ra ở Pudong, nhưng tôi vẫn không dám chắc rằng bộ đồng phục mà con trai tôi đang mặc là an toàn" – chị Zhang Yuerong, một bà mẹ chia sẻ.

Hôm 18/2, chính quyền thành phố Thượng Hải cho biết thành phố này sẽ đưa ra những tiêu chí nghiêm ngặt đối với các nhà sản xuất đồng phục học sinh. Ngoài ra, Thượng Hải cũng đưa ra một danh sách đen các nhà sản xuất không đủ tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, Thượng Hải cũng đang xem xét áp dụng mô hình mua bán tập trung, theo đó toàn bộ quá trình đặt hàng và mua hàng sẽ được giám sát bởi một cơ quan giám sát chất lượng và phụ huynh học sinh.

  • Nguyễn Thảo (Theo China Daily)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109487/trung-quoc--dong-phuc-hoc-sinh-co-chua-chat-gay-ung-thu.html

Thêm nhiều ngành học được miễn giảm học phí

Posted: 19 Feb 2013 01:54 AM PST

(GDTĐ)- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y và Giải phẫu bệnh giai đoạn 2013 – 2020″.

Đề án đưa ra nhiều chính sách ưu tiên đối với người học, như: ưu tiên điểm thi tuyển và duy trì chế độ đào tạo liên thông; ưu tiên thi tuyển và những điều kiện tuyển sinh đối với những học viên thi vào nội trú, chuyên khoa cấp 1, chuyên khoa cấp 2, thạc sĩ, tiến sĩ; miễn, giảm học phí đối với tất cả các loại hình đào tạo; hỗ trợ một cách hợp lý điều kiện học tập đối với các sinh viên, học viên theo học các chuyên ngành trên ở tất cả các loại hình đào tạo.

Không chỉ ưu tiên người học, Đề án cũng có những ưu tiên với người dạy như ưu tiên đào tạo, cập nhật kiến thức; hỗ trợ phương tiện, điều kiện làm việc, giảng dạy và nghiên cứu khoa học; được hưởng cả chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo và chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề như người làm trực tiếp các chuyên ngành trên; ưu tiên trong việc xét công nhận các danh hiệu vinh danh của nhà nước.

Đối với cơ sở đào tạo, ưu tiên đầu tư, nâng cấp các phòng thí nghiệm, thực hành tiền lâm sàng và cơ sở đào tạo lâm sàng, tạo điều kiện cho người học có cơ hội tiếp cận những kỹ thuật, công nghệ mới. Ưu tiên đầu tư, xây dựng các chương trình đào tạo và biên soạn tài liệu giảng dạy các chuyên ngành ở các trình độ và loại hình đào tạo, đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu đào tạo các chuyên ngành thời kỳ hội nhập và phát triển; ưu tiên củng cố và phát triển đội ngũ giảng viên và bộ môn các chuyên ngành trong các trường ĐH y dược đa ngành trong hệ thống công lập.

Đề án cũng đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo nhân lực y tế các chuyên ngành thuộc Đề án làm việc có hiệu quả, lâu dài và bền vững tại các cơ sở y tế trong cả nước.

Theo Đề án này, mục tiêu đến năm 2020 số lượng đào tạo nhân lực y tế các chuyên ngành thuộc Đề án ước tính 2.500 người. Trong đó, 30 người trình độ Tiến sĩ; 30 thạc sĩ; 170 bác sĩ chuyên khoa cấp 2; 570 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; 1500 bác sĩ đa khoa định hướng chuyên ngành; 200 cử nhân xét nghiệm kỹ thuật định hướng chuyên ngành giải phẫu bệnh và pháp y.

Tổng số nhân lực trên được phân bổ như sau: Chuyên ngành Lao 250; chuyên ngành Phong 550; chuyên ngành Tâm thần 600; chuyên ngành Pháp y 550; chuyên ngành Giải phẫu bệnh 550.

Đề án cũng đặt mục tiêu 90 – 100% bệnh viện, viện tuyến trung ương và các cơ sở đào tạo, 70 – 90% bệnh viện, viện tuyến tỉnh và các cơ sở đào tạo có đủ nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Pháp y, Giải phẫu bệnh; 50 – 70% bệnh viện tuyến huyện có đủ nhân lực các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần…

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201302/Them-nhieu-nganh-hoc-duoc-mien-giam-hoc-phi-1967037/

Ước vọng của cô học sinh nghèo

Posted: 19 Feb 2013 01:54 AM PST

Không như chúng bạn cùng trang lứa vô tư vui tết cùng gia đình, khoảng hai tuần nghỉ tết vừa qua Kim Tươi đã tranh thủ đi làm việc. Mỗi ngày em thức từ 2 giờ sáng đi giúp việc ở tiệm cơm chay. Mãi đến sáng hôm qua (ngày 18/2), trước buổi học đầu tiên trong năm mới em vẫn làm việc từ 2 giờ đến 6 giờ sáng với ước mơ "sẽ làm cô giáo, có tiền để nuôi cha và người anh bệnh tật".

 

Chín cái tết không có mẹ

 

Em bùi ngùi chia sẻ chuyện buồn riêng: "Hơn chín năm rồi đêm nào em cũng nhớ về cái ngày mẹ bỏ nhà, bỏ cha con em mà đi. Em biết vì gia đình quá nghèo, mẹ không chịu nổi sự thiếu thốn nên mới làm vậy. Em không trách mẹ, chỉ mong một ngày nào đó gia đình em khá hơn, mẹ sẽ quay về cùng cha con em. Bấy nhiêu năm nay, em luôn quyết tâm dù khổ đến đâu cũng phải học. Chỉ có học mới làm cho cuộc sống của em và gia đình em thay đổi, mới hy vọng có một ngày mẹ sẽ trở lại".

 

Khẽ lau nước mắt, Tươi hồi tưởng: "Lúc đó em 10 tuổi. Hồi đó ngày nào cha em cũng đi vác lúa, vác đồ thuê cho mấy cái ghe gần nhà. Còn mẹ thì đi lượm phế liệu và bán mớ rau, mớ cá kiếm thêm tiền. Em còn nhớ như in buổi chiều mẹ bỏ đi. Chiều hôm đó cha em đi vác lúa về, ba anh em của em cũng tan học về nhà nấu cơm ngồi chờ mẹ. Nhưng chờ hoài không thấy. Tới 9 giờ tối vẫn không có. Sợ mẹ có chuyện gì xảy ra tụi em chạy khắp xóm nhờ các cô chú trong xóm đi kiếm.

 


Ước vọng của cô học sinh nghèo

Dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Phan Kim Tươi luôn nỗ lực vươn lên, nuôi giấc mơ trở thành một cô giáo.

 

Đến mấy ngày sau thì có mấy bác xóm trên nói mới thấy mẹ đi theo hướng miệt trên rồi. Lúc đó cha con em mới hiểu mẹ đã quyết định đi rồi. Từ bữa đó cha em buồn rầu ngồi một chỗ, không chịu ăn uống gì, em ép mãi ông chỉ húp vài muỗng cháo. Hơn bốn tháng ròng ông ngồi trước cửa chờ mẹ em về. Râu tóc ông dài thòn. Thương cha, anh hai của em (anh Phan Việt Dũng, sinh năm 1986 – PV) bỏ học lên Sài Gòn đi làm hồ kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Hơn một năm sau (năm 2007), nội em lại đổ bệnh, cũng may mất mát này làm cha em bình tĩnh lại, xin đi chặt mía, vác mía thuê… Hồi đầu năm 2008, cũng một buổi chiều, vừa tan học em chạy về thì thấy đầu nhà có một phụ nữ đội nón lá ngồi trên ghe cứ nhìn vào nhà hoài. Nhìn dáng người giống mẹ, em chạy ra giữ nhưng bà bỏ đi. Em khóc kêu hoài mẹ mới chịu trở lại. Cả nhà em năn nỉ mãi nhưng mẹ chỉ ngồi nói chuyện đến nửa đêm thì lại bỏ đi. Cha em bị câm không nói được gì chỉ ú ớ, rớt nước mắt thôi… Đã chín cái tết rồi em không được sống bên cạnh mẹ".

 

Làm đậu hũ nuôi giấc mơ ĐH

 

Trong cảnh khó khăn ấy, Phan Kim Tươi không lùi bước, không có tiền mua sách em đi mượn, xin sách của thầy cô, bạn bè. Thời gian không lên lớp em làm việc nhà, đi phụ việc làm đậu hũ, làm thuê cho tiệm cơm chay đầu chợ để kiếm tiền phụ gia đình. Làm đậu hũ, tay ngâm nước lâu làm nứt nẻ, chảy máu nhưng em vẫn không bỏ cuộc. Công việc lao động chân tay, thu nhập thấp, thù lao chỉ mang tính tượng trưng mỗi buổi vài chục ngàn đồng nhưng em chấp nhận như niềm khích lệ.

 

Ngày tôi xuống thăm gia đình em, trong bộ đồ học thể dục đẫm mồ hôi em đang phăng phăng chẻ củi nấu nồi cơm chiều với rau đồng luộc và mấy con cá khô cho ba cha con. Em cho biết những ngày tết em làm được 180.000 đồng. Em đã trích một phần mua đôi dép mới để đi học trong năm mới. Em kể về ước mơ tương lai. "Em sẽ cố gắng hết sức. Mong ước một ngày nào đó em sẽ được làm cô giáo dạy văn hoặc dạy sử. Hy vọng kinh tế gia đình em cũng bớt khó khăn, để em có thể nuôi cha và anh ba" – Tươi tâm sự.

 

Chặng đường đến với bục giảng của Phan Kim Tươi còn đầy gian nan nhưng nhìn vào sâu thẳm đôi mắt đầy nghị lực của em hẳn không ít người cũng muốn cùng chắp cánh cho những ước mơ của em.

 

 

Theo Anh Phú

Pháp luật TPHCM

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/uoc-vong-cua-co-hoc-sinh-ngheo-697960.htm

Gặp cậu học trò giải nhất toán Quốc gia

Posted: 18 Feb 2013 11:26 PM PST

- Chúng tôi đến nhà Nguyễn Huy Dũng (12 toán, Trường THPT Chuyên Lam Sơn) – cậu học trò giải nhất toán trong kì thi học sinh giỏi quốc gia vừa rồi trong một chiều xuân
nắng đẹp. Bên chiếc bàn nhỏ, câu chuyện với chàng trai huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh
Hóa có nụ cười lỏn lẻn như ấm cúng hơn với sắc đào đỏ thắm.

Những cú hích đầu đời

Dũng có một tuổi thơ khá đặc biệt. Khi Dũng vào lớp 1 là lúc chị Thu, mẹ Dũng đi
học ĐH xa nhà. Chồng đi làm xa, ông bà thì già yếu, cực chẳng đã, chị đành đưa con đi
theo. Gần như từ lớp 1 đến lớp 3, mẹ là người thầy dạy Dũng tất cả các môn học ở
trường. Ban ngày, khi mẹ đi học, Dũng ở nhà 1 mình, lang thang sang nhà mấy chú hàng
xóm học đánh cờ. Tối đến, một mẹ một con lại đèn sách ê a.

Nguyễn Huy Dũng

Những năm tháng gian khổ ấy đã để lại nhiều bài học cho 2 mẹ con Dũng. Chị Thu tự
tìm ra cách dạy con nhanh nhất và hiệu quả nhất, còn Dũng, vẫn đạt học lực giỏi, và
lại còn rất xuất sắc trong môn đánh cờ nữa.

Cấp 1, Dũng học ở trường có mẹ dạy, lại thông minh nhanh nhẹn nên rất được các
thầy cô quan tâm. Lên cấp 2, Dũng bước vào môi trường rộng hơn với nhiều thầy mới,
bạn mới. Không bắt kịp thay đổi, năm lớp 6, Dũng chỉ đứng thứ 20 trong lớp. Một hôm,
đi học về, Dũng òa vào lòng mẹ khóc nức nở. Gặng hỏi, thì cậu mới thút thít trả lời:
"hôm nay con bị thầy giáo mắng trên lớp, con học dốt lắm, không đi học nữa đâu".

Mẹ ôm Dũng vào lòng, động viên con. Sau đó, mẹ đã giúp Dũng vạch một kế hoạch đặc
biệt, liệt kê ra 2 danh sách những bạn học kém hơn và khá hơn Dũng trong lớp.

Rồi cứ thế, mỗi tháng, cậu lại đặt mục tiêu vượt qua 2 bạn. Kết quả thật bất ngờ,
cuối năm lớp 7, Dũng đã là học sinh đứng đầu trong lớp, đặc biệt là môn toán.

Không có thời gian để buồn

Dũng say mê học toán, đặc biệt là môn hình. Với Dũng đó là những vùng đất mới mẻ,
kì diệu và bí ẩn. Đừng nghĩ toán học là môn khô khan nhé, mỗi lần giải toán, Dũng lại
kết hợp với nghe nhạc, và khi giải được những bài thật khó, Dũng sung sướng vô cùng.
Với cậu học trò chăm chỉ này, quỹ thời gian gần như chỉ dành cho việc học, chỉ khi
nào thật rảnh rỗi, Dũng mới tự thưởng cho mình những phút giây thư thái để đi bộ và
nghe nhạc.

Dũng và mẹ

Dũng bảo, em chả có thời gian để buồn đâu, vì cứ khi nào buồn, em lại mang toán ra
giải, thế là cái buồn nó tiêu đi đâu mất. Khi nào mẹ bận, Dũng cũng rất chăm chỉ giúp
mẹ nấu nướng. Có thời gian mẹ ốm mấy tháng ròng rã, Dũng cơm nước chăm sóc mẹ cẩn
thận và chu đáo. Với Dũng, mẹ như người bạn thân thiết, gần gũi, có thể chia sẻ tất
tần tật mọi chuyện. Chả thế mà thi thoảng cậu vẫn vào tranh nhau với cô em gái bé nhỏ
để được ngủ cùng mẹ, lắm lúc lại còn nĩu nịu đòi…mẹ bế con tí.

Dũng tự nhận thấy nhược điểm của mình là nhút nhát và bẽn lẽn trong giao tiếp. Để
khắc phục nhược điểm này, cậu cũng đang tự đặt ra một kế hoạc rất bí mật, Dũng bảo
“1 năm nữa gặp em, chắc là chị sẽ bất ngờ cho mà xem.”

Tháng 7 này, Dũng sẽ lên đường sang Colombia để tham dự kì thi quan trọng. Vì thế,
cậu vừa ăn tết vừa miệt mài ôn tập. Con đường tương lai đang rộng mở, cậu học trò
hiếu học ấy thổ lộ 1 ước mơ giản dị mà cao quý “em muốn trở thành giảng viên của
trường kinh tế, bởi em muốn đào tạo ra những người làm kinh tế giỏi cho Đất nước…”

Chúng ta cùng chúc cho ước mơ của cậu học trò xứ Thanh tỏa sáng!

  • Trang Nhung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109336/gap-cau-hoc-tro-giai-nhat-toan-quoc-gia.html

Vì sao dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế?

Posted: 18 Feb 2013 11:26 PM PST

- Thông tin hạn chế học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế mới được biết đến đang khiến dư luận xôn xao. Sáng 18/2, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã có trao đổi với VietNamNet.

- Đề nghị Thứ trưởng cho biết Nghị định số 73/2012/NĐ-CP của Chính phủ về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục áp dụng cho những đối tượng nào, và họ được đầu tư các loại hình cơ sở giáo dục nào tại Việt Nam?

Thứ trưởng Trần Quang Quý: Tại Khoản 2 Điều 1 của Nghị định nêu rõ đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức Quốc tế và tổ chức, cá nhân người nước ngoài – gọi là Nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) hoạt động hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo các hình thức: Liên kết đào tạo; Thành lập cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý

Nghị định cũng nêu rõ các loại hình cơ sở giáo dục mà các nhà đầu tư nước ngoài được phép thành lập và qui định các đối tượng người học, gồm: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; Cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Ba loại hình cơ sở giáo dục này dành cho mọi đối tượng là người nước ngoài và người Việt Nam và không hạn chế số lượng người Việt Nam học tập.

Điều 21 của Nghị định cũng quy định, nhà ĐTNN được thành lập các cơ sở giáo dục Mầm non thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài và dành cho trẻ em là người nước ngoài.

Cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục theo chương trình của nước ngoài, cấp bằng của nước ngoài, chủ yếu dành cho học sinh là người nước ngoài và cho phép các cơ sở giáo dục này được tiếp nhận một tỷ lệ học sinh Việt Nam có nhu cầu học tập, cụ thể: Ở các trường Tiểu học và THCS không quá 10% tổng số học sinh của trường; ở các trường THPT không quá 20% tổng số học sinh của trường.

Nghị định còn qui định học sinh Việt Nam không đủ 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài.

Mong trẻ lớn lên thông thạo tiếng Việt….

- Tại sao lại quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài và hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam vào học ở các cơ sở giáo dục phổ thông có vốn ĐTNN, thưa Thứ trưởng?

Tại Nghị định 73 quy định trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi không được tiếp nhận vào học chương trình của nước ngoài. Ở đây chúng ta hiểu chương trình của nước ngoài là toàn bộ chương trình giáo dục được nhập của nước ngoài và được dạy bằng tiếng nước ngoài.

Trong quá trình xây dựng Nghị định chúng tôi quan tâm đến đối tượng các em dưới 5 tuổi, ở độ tuổi này các em cần phải học nói thạo tiếng Việt để giao tiếp với cộng đồng cùng lứa tuổi là người Việt Nam, để xây dựng cái gốc văn hoá Việt và để sau này các em có khả năng học bằng tiếng Việt một số môn học quy định bắt buộc theo chương trình giáo dục của Việt Nam. Các môn học bắt buộc này sẽ được quy định cụ thể tại Thông tư hướng dẫn Nghị định 73.

Nếu các em chưa vững tiếng Việt mà đã phải học toàn bộ chương trình giáo dục của nước ngoài bằng tiếng nước ngoài và lại học trong môi trường đa số các bạn là người nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và khó khăn hoà nhập với bạn bè và cộng đồng sau này. Chúng ta không mong muốn con em mình lớn lên tại Việt Nam mà không thông thạo tiếng Việt và không hoà nhập với cộng đồng, với các bạn cùng lứa tuổi ở trên quê hương mình.


 

“Trong
Luật giáo dục 2005 và Luật sửa đổi bổ sung Luật giáo dục 2009 đã nêu rõ:
Mục tiêu của giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn
diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung
thành với lí tưởng độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội, hình thành và
bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng nhu cầu
của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều
35 của Hiến pháp 1992 cũng qui định: giáo dục và đào tạo là quốc sách
hàng đầu, Nhà nước phát triển giáo dục nhằm nâng cao dân trí. Cho nên
trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư cho giáo dục và
đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và miễn học phí cho mọi
đối tượng cấp Giáo dục tiểu học.”

 

Các em học trong các trường có vốn ĐTNN sẽ không được hưởng ưu đãi này và do trường có vốn ĐTNN được thành lập với mục đích giảng dạy cho học sinh là người nước ngoài chứ không phải là học sinh Việt Nam, nên việc giúp cho các em học sinh Việt Nam học tại trường này hình thành kiến thức và hiểu biết được truyền thống văn hoá, lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ khó khăn.

Nhưng thực tế cũng có một số gia đình có điều kiện về kinh tế mong muốn cho con em mình được học tập tại các trường có vốn ĐTNN, dạy bằng chương trình nước ngoài để các em có khả năng đi du học hoặc học tập trình độ cao hơn tại nước ngoài. Thể theo nguyện vọng chính đáng này, Nghị định 73 cho phép trường có vốn ĐTNN được tiếp nhận một số học sinh Việt Nam có điều kiện được học tập tại trường.

Theo kinh nghiệm quốc tế, những trường đầu tư nước ngoài hoạt động có chất lượng thì tỉ lệ học sinh bản địa theo học thường từ 10 đến 20% là hợp lý. Hơn nữa, mục tiêu của các trường được thành lập là dành cho con em của họ được học tập thuận lợi tại Việt Nam và không phải vì mục tiêu kinh doanh giáo dục, nên các nhà ĐTNN cũng như là các phụ huynh mong muốn nếu tiếp nhận học sinh là công dân Việt Nam thì nên theo tỷ lệ như vậy.

Sẽ có hướng dẫn cụ thể

- Đối với các cơ sở giáo dục có vốn ĐTNN, dành cho người nước ngoài đã tiếp nhận học sinh Việt Nam cao hơn tỷ lệ quy định thì thực hiện Nghị định 73 như thế nào?

Nghị định số 73 không quy định hồi tố hoặc xem xét lại các trường đã thành lập và hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết khi thành lập.

Những em học sinh Việt Nam đã được tiếp nhận vẫn tiếp tục học tập bình thường tại trường, nhưng nhà trường cần phải có kế hoạch, lộ trình để tuân thủ các quy định của Nghị định số 73 về tỷ lệ tiếp nhận học sinh Việt Nam.

Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng Thông tư hướng dẫn về việc này.

- Các trường quốc tế có 100% vốn đầu tư trong nước có thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 73 hay không?

Không. Các trường quốc tế trước đây được cho phép thí điểm thì cần phải tổng kết, đánh giá thí điểm và đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Hiện nay, Bộ đang xây dựng thông tư hướng dẫn Nghị định 73 và sẽ đưa lên mạng lấy ý kiến đóng góp, chúng tôi rất mong các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và các bậc phụ huynh quan tâm góp ý.

- Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

  • Đông Quang (Thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109411/vi-sao-duoi-5-tuoi-khong-duoc-hoc-truong-quoc-te-.html

ĐH Việt lọt ‘top 200′ các trường khu vực Châu Á

Posted: 18 Feb 2013 11:25 PM PST

Bảng xếp hạng Webometrics vừa công bố kết quả xếp hạng thường niên đợt 1 năm 2013.
Theo đó, các trường ĐH của Việt Nam có vị trí xếp hạng từ vị trí 907 trở xuống (gồm
21.248 cơ sở giáo dục ĐH) trên thế giới.

Đứng cao nhất trong các trường của Việt Nam là ĐHQG Hà Nội – xếp ở vị trí 187
trong số 7.292 trường ĐH trong bảng xếp hạng ở Châu Á và vị trí 907 trong bảng xếp
hạng các trường ĐH toàn thế giới.

ĐHQG Hà Nội – xếp ở vị trí 187

Được biết, hiện Webometrics không chỉ là bảng xếp hạng đánh giá thông thường về
website của các trường ĐH mà đang tiếp cận đến các chỉ báo toàn diện hơn ở mức độ
hoạt động toàn cầu của đại học (university global performance), gồm cả hai yếu tố:
Mức độ số hoá và xuất bản quốc tế.

(Theo Lao động)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109463/dh-viet-lot--top-200--cac-truong-khu-vuc-chau-a.html

Comments