Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


‘Hâm nóng’ việc học sau Tết

Posted: 17 Feb 2013 03:40 AM PST

‘Hâm nóng’ việc học sau Tết

Làm sao bắt nhịp khi trở lại trường sau Tết?
Học sinh Hà Nội được nghỉ tết Nguyên đán 11 ngày

Sau một kỳ nghỉ Tết dài ngày đầy vui vẻ và hấp dẫn, những thói quen sinh hoạt cũng bị thay đổi không nhỏ sẽ khiến học sinh khó khăn và không mấy hứng thú khi trở lại trường.

Gợi cho trẻ niềm vui trở lại trường
Gợi cho trẻ niềm vui trở lại trường.

Đây là một thực tế làm "đau đầu", vất vả không chỉ với gia đình mà còn cả nhà trường trong việc ổn định nền nếp cho học sinh trở lại. Để việc học hành những ngày trong và sau Tết bớt vất vả cần có biện pháp "hâm nóng" việc học hành, sinh hoạt, nền nếp phù hợp, hiệu quả.

"Thả phanh" hoàn toàn

Trong những ngày Tết, học sinh thường không phải lo làm bài tập, không lo bị cô giáo kiểm tra bài hoặc quở trách và cũng không bị bố mẹ ép học bài vào mỗi buổi tối… Tất cả những nỗi lo học hành của trẻ tạm "gác" lại để nhường chỗ cho vui chơi, ăn uống, ngủ nghỉ, đi lại "thả phanh". Chính vì vậy, nói đến Tết thì chẳng HS nào không thích và mong đến tới Tết. Tuy nhiên, có một lịch sinh hoạt trong những ngày Tết càng được "thả phanh" và thay đổi bao nhiêu thì sau Tết càng khó khăn hơn trong việc thiết lập lại thói quen nề nếp học tập, sinh hoạt của trẻ bấy nhiêu.

Chị Thanh – một nhân viên văn phòng tại Hà Nội kể: Bé Thuý con gái chị quen chơi khuya và ngủ thả phanh tới 8-9h sáng suốt đợt nghỉ Tết dài thế nên vào ngày trở lại trường học bé nhất định không chịu dậy tới trường dù chị vừa dỗ dành lẫn "nạt nộ". Cuối cùng, sợ muộn làm chị đành "bất lực" để con ở lại nhà với ông bà nội.

Tình trạng đó không chỉ diễn ra với nhà chị Thanh mà đến công sở nào trong những ngày đầu năm thì tình trạng chị em đã than thở về nền nếp sinh hoạt đảo lộn là phổ biến. Có chị lo lắng con khó trở lại nếp sinh hoạt cũ nên khi bắt đầu phải đi học đã bắt con đi ngủ sơm hơn, nhưng cũng nhiều ông bố lại bênh con, để con chơi "nốt". Và kết quả nhiều bé sáng dậy trong tình trạng hoặc cuộn chặt chăn rên rỉ, mè nheo, không chịu ăn uống… chỉ thích đi chơi.

Đối với những HS ở cấp học lớn hơn, sau một thời gian dài đi ngủ lúc 12-1h đêm và ngủ nguyên đến trưa 10-11h mới dậy, đồng hồ sinh học gần như bị thay đổi hoàn toàn. Thế nên không ngạc nhiên khi đến ngày đi học, các bạn khó khăn trong việc dậy sớm và trễ học là chuyện đương nhiên. Không những thế còn đến lớp với tâm trạng lơ mơ, vật vã làm cho đầu óc không tỉnh táo, rất khó tiếp thu bài vở. Cộng thêm dư vị của không khí Tết còn bao trùm khắp lớp nên lớp học càng trở nên nhộn nhịp với đủ lại hoạt động vui chơi càng khiến các em mất tập trung, chán học. Nhiều HS sẵn tiền mừng tuổi, nên cũng sẵn sàng trốn vài tiết học để trốn vào hàng nét chơi điện tử, chat chit…

"Hâm nóng" học tập cách nào?

Rõ ràng sau một kỳ nghỉ dài đầy vui vẻ và hấp dẫn như kỳ nghỉ Tết thì trẻ có thể sẽ khó khăn và không hứng thú với việc trở lại với học tập, trường học. Chính vì vậy để tránh tình trạng trên, gia đình cha mẹ cần lên một kế hoạch nghỉ Tết hợp lý cho trẻ.

Kinh nghiệm nhiều bậc phụ huynh cho thấy, sau kỳ nghỉ bố mẹ sẽ rất vất vả để đưa trẻ vào "guồng" học tập nếu trẻ thiếu tính tự giác. Do đó, bố mẹ nên luôn nhắc nhở trẻ việc học tập. Không nên để trẻ ăn chơi, ngủ nghỉ, học tập thoải mái hoàn toàn trong cả kỳ nghỉ Tết.

Cha mẹ có thể giúp con bằng cách sử dụng các loại lịch gắn tường hoặc bảng kế hoạch cá nhân để trẻ tự đánh dấu các bài tập đến hạn phải nộp, khi nào có bài kiểm tra, hoạt động ngoại khoá. Việc học trong ngày Tết không nhất thiết phải ép trẻ mở sách vở, ngồi tính toán hoặc đánh vật với bài tập làm văn mà có thể học theo hình thức đố vui vẻ. Ví như, trong khi đi đường, hoặc nấu nướng tại nhà bố mẹ có thể cùng con học, và ôn tập kiến thức theo hình thức học mà vui như làm nhẩm phép tính đối với môn Toán, gợi ý cách làm bài tập làm văn hay và đủ ý, điền từ còn thiếu vào câu văn…

Đặc biệt nên nhắc nhở trẻ biết ngày nào phải quay lại trường học tập, ôn tập nhẹ nhàng bài vở để tránh việc quên kiến thức. Tránh tình trạng ngày mai đi học thì tối muộn mới giục con học, nhồi nhét kiến thức sẽ không đạt kết quả gì. Buổi tối cuối cùng của kỳ nghỉ, các bậc phụ huynh có thể đề nghị bé soát thời khóa biểu và kiểm tra xem con đã chuẩn bị tốt tất cả các môn học ngày mai chưa. Nếu bé có điều gì chưa rõ, bạn nên giúp trẻ.

Làm mới góc học tập của trẻ với việc lau chùi cẩn thận bàn ghế, kê ngay ngắn gọn gàng, sắp xếp giá sách khoa học… cũng sẽ tạo không khí mới mẻ, sinh động, kích thích trẻ muốn ngồi vào bàn học và "chăm" ngồi vào bàn học hơn. Rất đơn giản mà hiệu quả, đó là cha mẹ có thể đặt một khung ảnh đẹp trên bàn, một chiếc đồng hồ đẹp mắt, một chiếc đèn bàn được trang trí sinh động hoặc một hộp bút lạ, đáng yêu.

Việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ cũng vô cùng quan trọng. Được nghỉ, trẻ được ở nhà, ăn ngủ tự do và được cha mẹ dẫn đi chơi thoải mái khắp nơi, nhiều trẻ mang tâm trạng uể oải, không thích đến trường hoặc học tập với thái độ chểnh mảng. Khi còn mệt mỏi, hứng thú ôn bài và khả năng tiếp thu bài của trẻ sẽ giảm. Trẻ khó có thể nhồi nhét vào đầu kiến thức mới khi dư âm về chuyến du lịch vẫn còn in dấu trong đầu, hoặc mệt mỏi khi vừa có một hành trình du lịch dài ngày trở về nhà. Vì vậy, trong Tết, cha mẹ cần lên kế hoạch những chuyến đi chơi xa hợp lý sao cho trẻ không bị mệt. Tránh tình trạng trở về nhà hôm trước thì hôm sau đã phải cắp sách đến trường. Bên cạnh đó, không cho bé thức khuya, nhớ cho trẻ ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe cho ngày mới đi học.

Các nhà tâm lý GD cũng khuyên rằng cần gợi cho trẻ niềm vui khi trở lại trường, được gặp lại các bạn, thầy cô giáo ở lớp học thân yêu. Đối với trẻ, năm mới sẽ có nhiều điều mới để khoe và năm mới càng phải cố gắng học tập để đạt được nhiều kết quả mới, điểm cao mới. Đặc biệt, cha mẹ hãy biết tạo hứng thú niềm vui học tập trở lại bằng cách bắt đầu từ môn học trẻ thích nhất hoặc học khá nhất sau đó mới đến các môn học, lĩnh vực khác. Vì như vậy, trẻ sẽ thấy hào hứng, hiệu quả. Nên cho con làm những bài tập dễ đến khó, để trẻ không nản chí khi gặp bài khó.

Cha mẹ cũng cần lưu ý, hiệu quả từ việc học nhóm cũng khá tốt. Bởi khi học nhóm trẻ sẽ thực hiện tốt việc làm bài tập ở nhà. Tuy nhiên chỉ có thể tiến hành đối với những trẻ cùng học một lớp để có cùng bài tập, cùng bài kiểm tra và có những ngày học hợp lý, cùng có những khó khăn như thế trẻ sẽ có hứng thú học hơn. Học nhóm không phải để giải quyết mọi bài tập khó, nhưng việc học nhóm giúp HS vận dụng mọi thứ hiệu quả hơn.

La mắng, đánh đòn khi trẻ có biểu hiện thụ động đến lớp là thái độ tiêu cực ở người lớn. Vì vậy, nếu trẻ có lơ là trong những ngày đầu trở lại lớp, đừng dùng roi vọt để răn dạy trẻ. Thay vào đó, cần giúp trẻ tìm thấy niềm vui học tập bằng cách hỏi con về cuộc trò chuyện giữa chúng với bạn bè trong ngày đến lớp đầu tiên sau Tết. Đặc biệt, không nên bắt con học với cường độ quá cao, hoặc dồn ép chúng vào các lớp học thêm ngay tuần đầu tiên sau Tết. Cần dành chút thời gian ngồi bên bàn học cùng con để giải thích ngay những kiến thức mà chúng chưa kịp tiếp thu tại lớp. Nếu bé chưa thực sự hào hứng lắm, sao bố mẹ không bắt đầu với con bằng một cuốn truyện tranh, trái bóng, trò chơi nào đó. Sau giờ học, trẻ cần được giải trí, thư giãn bằng một trò chơi nhẹ nhàng giúp vận động tay chân.

Theo Ngọc Hà
GDTĐ

Nguồn: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/614014/Ham-nong-viec-hoc-sau-Tet-tpol.html

Nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế

Posted: 17 Feb 2013 02:40 AM PST

(GDTĐ) – Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) sau hơn một năm hoạt động chính thức đã tổ chức được khá nhiều loại hình đào tạo và nghiên cứu khác nhau, theo mô hình hoạt động của nước ngoài. Ðây là những tín hiệu khởi đầu trong Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020, góp phần nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế.


Lễ ra mắt quốc tế Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trong năm 2012

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) là tổ chức khoa học và công nghệ công lập đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu toán học, trực thuộc Bộ GDĐT. Giáo sư Ngô Bảo Châu của trường Đại học Chicago (Mỹ), đạt Giải thưởng Fields năm 2010, được bổ nhiệm làm Giám đốc khoa học của Viện vào ngày 3/3/2011. Viện đã triển khai một số hoạt động khoa học từ tháng 6/2011 và khai trương chính thức vào ngày 17/1/2012.

Ði theo mô hình của các nước phát triển, VIASM  có bộ máy tổ chức gọn nhẹ, bao gồm một giám đốc khoa học là GS Ngô Bảo Châu, một giám đốc điều hành và bảy chuyên viên. Hội đồng khoa học gồm 14 thành viên đều là các chuyên gia hàng đầu của các viện nghiên cứu và trường đại học trong và ngoài nước. Không kể GS Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Hội đồng khoa học (giảng dạy và nghiên cứu tại Ðại học Chi-ca-gô, Mỹ) còn có các thành viên như GS Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản), GS Ðinh Tiến Cường (Ðại học Paris 6), GS Vũ Hà Văn (Ðại học Yale, Mỹ)…

Ban tư vấn quốc tế gồm 6 người, tất cả đều là  giáo sư nổi tiếng thuộc các quốc gia Pháp, Mỹ, Ðức, Ấn Ðộ. Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, trong điều kiện cơ sở vật chất còn phải thuê mượn một số phòng làm việc của thư viện Tạ Quang Bửu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), bước đầu VIASM đã có những hoạt động khá sôi nổi theo mô hình một tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế.

Hình thức hoạt động chính của VIASM là tổ chức các nhóm nghiên cứu, tập hợp các nhà khoa học trong cùng một lĩnh vực đến làm việc một thời gian nhất định tại viện (ngắn nhất là hai tháng, dài nhất không quá một năm). GS Ngô Bảo Châu, với trách nhiệm là giám đốc khoa học, hằng năm giành ba tháng từ Mỹ về làm việc. Các giáo sư, chuyên gia nước ngoài đến giảng bài, dự hội thảo (do GS Ngô Bảo Châu giới thiệu, nhóm nghiên cứu đề xuất).

Việc tuyển chọn cán bộ được thực hiện một cách công khai, bảo đảm chất lượng. Nghĩa là thông tin tuyển chọn được đưa lên mạng trước từ một đến ba tháng. Các thành viên hội đồng khoa học truy cập và xem xét hồ sơ của từng ứng viên, rồi thảo luận, và có ý kiến nhận xét đánh giá qua mạng. Chủ tịch HÐKH tổng hợp đối chiếu các tiêu chí đã ban hành, dự kiến danh sách tuyển chọn để HÐKH cho ý kiến cuối cùng.

Năm 2012, VIASM đã tuyển chọn được 61 nghiên cứu viên (đa phần là các phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các viện, trường trong và ngoài nước) đến viện làm việc từ hai tháng đến sáu tháng (không kể hai trường hợp nghiên cứu sau tiến sĩ với thời gian một năm). Ðồng thời, Viện cũng mời 20 giáo sư, chuyên gia từ các nước Mỹ, Pháp, Ðức, Nga, Ấn Ðộ, Ukraina… trong đó có các giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài như GS Hồ Tú Bảo, GS Vũ Hà Văn về giảng bài, trao đổi các chuyên đề khoa học do VIASM “đặt hàng”.

Năm 2012, Viện hình thành được hơn mười nhóm nghiên cứu và đi theo sáu hướng, đó là: Lý thuyết tối ưu; Ðại số, hình học và đại số, lý thuyết số; Ứng dụng của toán học trong công nghệ thông tin; Tôpô đại số; Lý thuyết hệ thống và điều khiển; Giải tích phức và hình học.

Mỗi nhóm nghiên cứu được bố trí một giáo sư có uy tín  trong hoặc ngoài nước làm trưởng nhóm. Các nghiên cứu viên thuộc các cơ quan, đơn vị trong nước đến làm việc tại viện, theo cơ chế được giữ nguyên lương nơi mình công tác. Ngoài ra, khi kết thúc đợt học tập và nghiên cứu còn được VIASM chi trả một khoản phụ cấp theo quy định của Bộ GDĐT.

Cùng với việc bước đầu ươm tạo các nhóm nghiên cứu đi sâu vào các chuyên ngành, VIASM cũng đã tổ chức được mười cuộc hội nghị, hội thảo, trường, lớp chuyên biệt thu hút hơn 1.000 lượt cán bộ, chuyên gia và sinh viên giỏi toán trong nước và ngoài nước tham dự.

Không khí học thuật cởi mở, cùng trao đổi và tranh luận để tìm ra chân lý mà không hề có sự áp đặt, đã khiến cho những người dự các lớp nghiên cứu, cũng như khách mời đến làm việc tại viện cảm thấy hài lòng, bổ ích và hiệu quả. Có thể nói, đây là những tín hiệu khởi đầu nhằm vực dậy nền toán học nước nhà trong Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020.

GS Ngô Bảo Châu đã từng nhấn mạnh: Ý tưởng xây dựng một Viện nghiên cứu cao cấp ở Việt Nam theo mô hình ở các nước tiên tiến là một ý tưởng tốt  đẹp. Nhưng nó không thể trở thành hiện thực nếu thiếu sự ủng hộ vững chắc của Chính phủ, của Bộ GDĐT và các bộ ngành liên quan. Nó cũng không thể hoàn thành sứ mạng của mình với Toán học và Khoa học Việt Nam nếu thiếu sự ủng hộ của chính cộng đồng khoa học Việt Nam cũng như sự hợp tác của cộng đồng khoa học quốc tế.

Kim Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201302/Nang-cao-vi-the-cua-Toan-hoc-Viet-Nam-tren-truong-quoc-te-1966999/

Giáo sư Mỹ xin lỗi khi viết sai về VN

Posted: 17 Feb 2013 02:40 AM PST

Sau khi bài viết "Despite increasing prosperity, Vietnam's appetites remain unique" (Dù ngày càng thịnh vượng, thú ẩm thực ở VN vẫn khác thường) đăng tải cuối tháng 1/2013 trên tờ Chicago Tribune (Mỹ), cái tên Joel Brinkley trở thành mục tiêu công kích của bạn đọc khắp thế giới.

Trong bài viết gây tranh cãi của mình, GS Joel Brinkley tạo cho người đọc cảm giác người VN dường như đã ăn thịt hết mọi loài động vật. Cựu phóng viên tờ New York Times còn lớn tiếng quy kết VN là "một quốc gia hung hăng" do đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong suốt chiều dài lịch sử của mình. Vị giáo sư từng đoạt giải báo chí danh giá Pulitzer sau đó còn biện giải rằng tính cách "hung hăng" của người Việt là do họ thích ăn thịt, đặc biệt là thịt chó, thịt chuột và chim chóc.

Giáo sư Mỹ xin lỗi khi viết sai về VN, Tin tức trong ngày, giao su my viet sai ve viet nam, giao su my viet sai ve van hoa viet nam, bai viet sai ve van hoa viet nam, giao su my xin loi, bao, tin tuc, tin hay, tin hot, vn

Hàng ngàn người đã ký tên ủng hộ lời kêu gọi yêu cầu ĐH Stanford sa thải GS Joel Brinkley vì đã có bài viết xuyên tạc văn hóa VN.

Trước phản ứng mạnh mẽ của bạn đọc, tờ Chicago Tribune phải cho đăng một thông báo thừa nhận bài viết của GS Joel Brinkley "không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí của chúng tôi" và "các bước biên tập cần thiết đã không được tuân thủ" dù rằng "chúng tôi có cả một quá trình biên tập tin bài cẩn thận".

Báo đã có cuộc trò chuyện thẳng thắn với GS Joel Brinkley.

* Ông đã đến VN được bao nhiêu lần? Ông đã ở VN bao lâu trước khi viết bài báo gây tranh cãi này?

- GS Joel Brinkley: Tôi đã đến VN 4-5 lần rồi và bài viết của tôi là kết quả của chuyến tham quan kéo dài mười ngày trong khoảng từ cuối tháng 12-2012 đến đầu tháng 1-2013.

* Ông nghĩ gì về phản ứng giận dữ của độc giả VN lẫn quốc tế khi đọc bài viết của mình? Có khi nào họ hiểu lầm ý ông không?

- Tôi đã viết bài về các quốc gia khác nhau trong suốt gần 40 năm nay, trong đó tôi có 25 năm làm phóng viên thường trú ở nước ngoài cho tờ New York Times và sáu năm sắm vai là một nhà báo phụ trách các chuyên mục.

Rất nhiều người không thích một số bài tôi viết. Là một nhà báo, đặc biệt là người viết cho mục ý kiến cá nhân, đó là điều mà tôi mong đợi. Nhưng tôi chưa bao giờ gặp phải những phản ứng gay gắt trong suốt quá trình làm báo lâu năm của mình như lần này.

* Ông có gặp gỡ hay phỏng vấn ai ở VN trước khi viết bài báo đó không? Nếu có thì bao nhiêu người?

- Tôi đi từ TP.HCM ra Hà Nội trong chuyến du lịch vào tháng trước và đã nói chuyện với nhiều người, phần lớn là dân thường. Tôi không đếm số người tôi đã gặp gỡ.

Tôi biết chuyện ăn thịt động vật hoang dã không phải là một thói quen phổ biến khắp VN, nhưng tôi biết rõ những gì tôi đã tận mắt chứng kiến từ những người mà tôi đã trò chuyện. Tôi đi cùng với vài người và tất cả chúng tôi đều có cùng nhận xét như nhau.

* Dựa vào đâu mà ông lập luận rằng ăn thịt khiến người ta trở nên hung hăng hơn?

- Lập luận đó đã được viết không đúng và tôi xin lỗi về điều đó. Bản thân thịt không làm cho người ta trở nên hung hăng. Tuy vậy, khẩu phần ăn của người Việt thật sự khiến họ cường tráng hơn người dân ở các nước láng giềng. Tôi biết rõ điều này vì tôi đã có thời gian dài ở Campuchia và Lào.

* Từ đâu mà ông có thông tin khẳng định rằng ở VN "món ăn khoái khẩu là thịt chó"? Ông có thực hiện cuộc thăm dò nào chưa?

- Tôi không có thực hiện cuộc thăm dò nào cả. Nhưng nhiều người đã nói với tôi như thế và những người khác cũng đã viết như thế.

* Nếu có cơ hội thì ông có muốn thay đổi nội dung của bài viết trước sức ép của làn sóng phê phán gay gắt hiện nay không?

- Tôi sẽ sửa nội dung về thói quen ăn thịt và tính hung hăng. Tôi đã viết không chính xác phần đó. Tôi sẽ viết rằng người VN cường tráng hơn người dân các quốc gia láng giềng vốn chỉ ăn cơm chứ không có nhiều thứ khác trong khẩu phần của họ.

* "GS Joel Brinkley lẽ ra phải tìm hiểu nhiều hơn nữa trước khi viết bài này nhưng hình như ông ta chỉ biết vừa đủ để tỏ ra nguy hiểm mà thôi. Bài viết của ông đã khiến tờ báo cho khởi đăng phải xấu hổ mà thừa nhận rằng nó "không đáp ứng các tiêu chuẩn báo chí" rồi đổ thừa cho sơ sót trong "quá trình biên tập tin bài". Đồng nghiệp trước đây của vị giáo sư này tại tờ New York Times và hiện nay ở Đại học Stanford chắc là đang lắc đầu ngao ngán" – Scott Duke Harris (nhà báo Mỹ từng đoạt giải Pulitzer)

* "Hội Sinh viên VN tại Đại học Stanford nhận thấy bài viết này là một sự xuyên tạc hình ảnh văn hóa VN… Bài báo của GS Joel Brinkley là một sự tấn công được ngụy trang sơ sài vào nền văn hóa VN, đặc biệt là thú ẩm thực. Những phát biểu xúc phạm của vị giáo sư này, như khẳng định người Việt đã tiêu thụ gần hết động vật hoang dã/thuần hóa, là không chính xác và chỉ mang tính giật gân. Tất cả chỉ dựa trên số liệu thống kê xuất phát từ những hoàn cảnh không rõ ràng… Ông ấy đã khiến chúng tôi thất vọng" – Trích từ bài viết của Hội Sinh viên VN tại Đại học Stanford đăng trên tờ The Stanford Daily, tờ báo do sinh viên trường này điều hành.

Nguồn: http://us.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/giao-su-my-xin-loi-khi-viet-sai-ve-vn-c46a521152.html

Phấn đấu tuyển mới dạy nghề 1,9 triệu người

Posted: 17 Feb 2013 01:40 AM PST

(GDTĐ)-Đó là một trong những mục tiêu ngành Lao động – Thương binh xã hội đặt ra trong năm 2013.

Trong số chỉ tiêu phấn đấu 1,9 triệu người tuyển mới học nghề sẽ gồm trung cấp nghề, cao đẳng nghề 400 ngàn người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng: 1,5 triệu người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 600 ngàn lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 36%.

Ngành này cũng đặt mục tiêu tạo việc làm 1,6 triệu người, trong đó: tạo việc làm trong nước 1,515 triệu người; xuất khẩu lao động 85 ngàn người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Cơ cấu lao động: nông, lâm, ngư nghiệp 46%; công nghiệp và xây dựng 23,5%; dịch vụ 30,5%.

Tăng số người lao động tham gia bảo hiểm xã hội lên 11,146 triệu người (trong đó bảo hiểm tự nguyện là 196 ngàn người); đạt 98,5% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 98% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ người có công; huy động Quỹ đền ơn đáp nghĩa 200 tỷ đồng; hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho các gia đình chính sách chưa có nhà ở kiên cố. Giảm 2% tỷ lệ hộ nghèo cả nước, trong đó các huyện nghèo giảm 4% so với cuối năm 2012.

Phấn đấu 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xuống dưới 5,6%; 65% trẻ em được phát hiện có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp để giảm thiểu, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đó; 67% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được tiếp cận các dịch vụ y tế không phải trả tiền tại cơ sở y tế công lập…
 

NN

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201302/Phan-dau-tuyen-moi-day-nghe-19-trieu-nguoi-1967003/

Làm sao bắt nhịp khi trở lại trường?

Posted: 17 Feb 2013 01:40 AM PST

Những lời khuyên sau đây sẽ giúp giảm bớt tình trạng trên.

 

* Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (phó trưởng Phòng GD-ĐT Q.3, TP.HCM):

 

Ở bậc mầm non, nhiều bé thường bị sụt cân khi trở lại trường sau khi nghỉ tết, có bé còn bị rối loạn tiêu hóa, có bé quấy khóc, khó ngủ do sinh hoạt không điều độ. Đây là thời điểm giáo viên rất cực, nhất là bậc nhà trẻ. Lịch sinh hoạt ở trường không giống như ở nhà, tới giờ tất cả các cháu phải ăn, tới giờ ngủ bé nào không ngủ cũng phải lên giường nằm.

 


Làm sao bắt nhịp khi trở lại trường?

 

* ThS Lê Ngọc Điệp (trưởng Phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM):

 

Ngày đầu tiên đi học sau tết sẽ có học sinh uể oải, học sinh đến trường trễ giờ, có em để quên đồ dùng học tập ở nhà, có em còn quên cả nề nếp lớp học…

 

Theo tôi, từ mồng 7 phụ huynh hãy nói chuyện với con rằng tết đã hết, nhẹ nhàng mà cương quyết đồng thời cùng con xem lại sách vở, đồ dùng học tập, thời khóa biểu và chuẩn bị trước chu đáo mọi thứ cần thiết. Đừng để đến sáng mồng 9 đi học mới phát hiện thiếu cái này cái kia rồi quát mắng con khiến các em sợ hãi.

 

Tâm lý học sinh tiểu học lâu ngày gặp lại thầy cô, bạn bè thì rất mừng rỡ và thích nói chuyện. Các em thích kể cho nhau nghe về việc được đi chơi, được tiền lì xì, được quần áo mới… Nhà trường tiểu học nên nắm đặc điểm này để du di cho các em trong ngày đầu tiên đi học sau tết. Nên tạo không khí vui tươi, đầm ấm trong ngày đầu năm mới, giáo viên hỏi thăm học sinh tình hình ăn tết, chơi tết, em nào vắng thì điện thoại hỏi thăm, em nào để quên sách, vở… thì dặn dò ngày mai mang theo cho đủ, em nào quên bài thì hướng dẫn đọc lại, ôn lại… Tóm lại là tránh gây áp lực nặng nề hoặc nói nặng lời với các em.

 

* TS Nguyễn Thị Bích Hồng (trưởng bộ môn tâm lý học và giáo dục học, Khoa tâm lý – giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):

 

Đang được vui chơi thỏa thích, tâm lý học sinh ít có em nào muốn đi học để gò mình vào khuôn khổ trường lớp. Năm nay lại nghỉ tết dài ngày nên phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế cho con em quay lại với nhiệm vụ của học sinh. Việc chuẩn bị này nên làm từ từ và cha mẹ phải làm gương trước, tức là chính những người lớn trong gia đình cần điều chỉnh thời gian biểu của mình trước khi bắt con em phải làm theo. Ví dụ: nếu như mồng 1, mồng 2 tết các bé được đi chơi, 23, 24g mới đi ngủ thì ngay từ mồng 6 nhịp sinh hoạt của gia đình nên dần chuyển lại như ngày bình thường, cha mẹ và các con có thể đi ngủ lúc 22g hoặc 22g30, mồng 7 đi ngủ lúc 21g30 hoặc 22g, mồng 8 thì 21g (không thể bắt các con đi ngủ sớm còn ba mẹ đi chơi đây đó thì sẽ không thuyết phục trẻ). Tránh để các cháu thức quá khuya, sáng hôm sau ngủ "nướng", rất khó dậy sớm để đi học, có em dậy được thì mệt mỏi, uể oải, có đi học cũng khó tiếp thu bài. Thêm nữa, phụ huynh cũng cần nói với các bé là tết đã hết, mỗi ngày cần ngồi vào bàn học để ôn lại bài vở, có thể mồng 6 ngồi chốc lát thôi nhưng đến mồng 7, mồng 8 thì thời gian tăng lên.

 

* ThS Lê Thị Ngọc Điệp (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM):

 

Việc tập cho trẻ trở lại với nhịp sinh hoạt của ngày thường phụ thuộc vào cha mẹ các em. Trước khi đi học từ 2-3 ngày, phụ huynh hãy nhắc con em ngồi vào bàn học. Ngày đầu tiên có thể đọc truyện, xem sách… sau đó mới học bài, ôn bài (thường giáo viên có cho bài về nhà nhưng không nhiều), chuẩn bị mồng 9 đi học. Có thể ngày thường học sinh ôn bài 60 phút thì nay chỉ cần 30 phút là được. Điều tiếp theo là phụ huynh cố gắng tập cho các em ăn đủ 3 bữa/ngày và không dậy quá trễ.

 

Để tránh tình trạng học sinh bị hụt hẫng, ngày đầu tiên đi học sau tết nhà trường sẽ cho các em sinh hoạt tập thể dưới sân trường. Sau đó, khi lên lớp giáo viên bỏ ra một tiết đầu tiên để kể chuyện cho nhau nghe về cái tết của mình, tạo sự vui vẻ, thoải mái cho học sinh và dần dần đi vào nếp.

 

Chuyện sau ngày Tết

 

Năm nay, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán của học sinh trên địa bàn TP.HCM khá dài với trên 15 ngày, nhiều gia đình đã đưa cả nhà về quê ăn tết sum họp gia đình, hay tổ chức cho cả nhà chuyến tham quan du lịch xa để tinh thần thanh thản, đầu óc thư giãn sau một năm miệt mài lao động….

 

Vì trẻ được thả lỏng trong những ngày vui chơi hết sức thú vị này nên chẳng có cha mẹ nào để ý đến việc con mình có ngó ngàng đến bài vở mà thầy cô giáo cho làm ở nhà trước khi nghỉ tết. Với trẻ đang học cấp THPT hay THCS thì cha mẹ đỡ phải lo vì ít nhiều các em có ý thức rõ việc học của mình, còn với học sinh cấp tiểu học thì vô tư, không bao giờ đụng đến và xem sách vở, càng chơi đùa thì càng mê, càng thích. Không biết các bậc cha mẹ có biết thông tin ở sổ liên lạc của các em, sau tết vào học chỉ hai tuần lễ là học sinh cấp tiểu học của TP.HCM sẽ bước vào kiểm tra định kỳ giữa học kỳ 2 của năm học 2012-2013, vì thế cha mẹ phải sớm đưa con trở về nhà và giúp con chuẩn bị thật kỹ sách vở, đồ dùng học tập, ôn lại bài vở… trước khi đến trường học vài ba ngày, phải thật sự chú ý quan tâm nhắc nhở con mình." – Trần Văn Tám (Trường TH Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM)

 

Theo Hoàng Hương

Tuổi Trẻ

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/lam-sao-bat-nhip-khi-tro-lai-truong-697125.htm

Khai bút

Posted: 17 Feb 2013 12:01 AM PST

Không biết từ đời nào người ta đã có ý nghĩ về cái gì mới nhất như thế. Bước vào một năm mới, bất cứ thế nào, quang cảnh ra sao, của ta, của người, của xung quanh từ một sinh vật ra đến ngoài trời đất, cái gì ta làm hay việc xảy đến, hay ta trông thấy, ta gặp đầu tiên, kể từ lúc giao thừa sang canh, đều tưởng như có hình hài với rủi may của con người trong suốt một năm trời.

Ảnh: Dân Trí

Trong tâm tưởng và mong ước của con người thì một năm tốt lành y nguyên đang chờ đợi, năm mới đã đến cho con người phủi đi, quên đi cái năm cùng tháng tận, vừa trắc trở, lận đận lại chẳng đâu vào đâu. Câu "tống cựu nghênh tân" hầu như đã thành tục ngữ.

Người làm việc quan, dẫu chỉ chức tước ở làng bằng con mắt muỗi đều làm mâm lễ sắp ấn ngày hai mươi tháng chạp rồi sang giêng được ngày lành lại làm cỗ khai ân.

Mùng sáu tháng giêng ngày chẵn được các nhà "khai" khung cửi. Anh thợ vào khung cửi ngồi xuống đòn ngồi, lạch cạch đạp chân đòn, đưa mấy nhát thoi qua mặt cửi. Rồi ra nhà ngoài với các cô thợ hồ, thợ tơ được gia chủ mở hàng đồng hào ván xong đánh chén. Hôm ấy chỉ cốt lấy ngày, lấy may phải đến phiên tơ mọi công việc tơ cửi mới bắt đầu.

Đồng áng nhà nông thì mùng bảy khi hạ cây nêu rồi bác tôi nhấc cái vai bò trên nóc chuồng trâu dắt con bò ra ruộng cày vài đường, lỗ hạ điền. Ngày xưa, hôm ấy, nhà vua đi cày, làm gương cho bách tính. Các làng dân tộc Tày trên Thái Nguyên, hôm hạ điền là ngày Tết, cả vùng trong xống áo mới đi chơi hội "xuống đồng" (lồng tồng).

Xuất hành phía nào, hái lộc cây gì, khai ân, khai bút, động thổ, xuống đồng… những tục lệ chan chứa ước vọng về một năm mới.

Từ điển tiếng Việt – Viện ngôn ngữ 1994, cắt nghĩa "khai bút: cầm bút viết hoặc vẽ lần đầu tiên vào dịp đầu năm, theo tục xưa. Đầu năm khai bút Câu thơ khai bút".

Không nhớ tôi có cái ý thích khai bút từ năm nào. Nhưng đến bây giờ vẫn giữ thói quen hay hay ấy. Và tôi vẫn nhớ tôi khai bút năm mới từ những năm còn xa xôi với nghề văn. Khai bút mấy chữ vào nhật ký, làm bài thơ, viết cái thư, viết vẩn vơ…. Rõ ràng một điều gì chờ đợi. Đến khi làm nghề văn thì tôi khai bút bằng cách viết một truyện ngắn.

Trong nghề, viết có những việc nực cười, chẳng ra làm sao. Bạn đọc cần báo Tết. Người ta mua báo Tết cũng như mua hoa, cành đào ở Hà Nội hay quả dưa ở Sài Gòn và thói quen mua báo Tết đáng yêu đến độ nhất định phải sắm nó về bày trên án sách, bàn nước, chưa chắc đã đọc ngay, mà rỗi mới đọc. Thế là nhiều người phải lăn lưng vào viết bài. Ấy là cái sự viết bài báo Tết. Các bài in trên báo Tết âm lịch đều được viết từ khoảng tháng mười dương lịch. Như đêm nay đầu tháng 11, tôi đương ngồi viết bài này. Mà tôi tự đùa là "tôi làm hàng tết". Quanh tôi chưa thấy Tết đâu, cơn áp thấp nhiệt đới vào Đà Nẵng, ngoài này đương giao mùa, còn tiếng sấm rớt nhưng đã chớm lạnh, đường phố lầy lội sùi sụt suốt đêm mưa dầm. Tiếng rao "Khúc ơ! Bánh khúc ơ!", tiếng được tiếng mất thảng thốt trong khuya. Còn hai tháng nữa mới đến Nguyên Đán. Các báo Tết đều phải làm trước Tết. Tất cả các báo từ Sài Gòn ra Hà Nội đã mời cộng tác viên viết bài Tết, quảng cáo báo Tết, trong khi cảnh trời và cảnh người chưa mảy may vẻ Tết. Thế mà trong đầu đã phải vận dụng cho rộn rực những Tết là Tết để viết bài. Thời điện tử, tin học, nếu viết báo, in báo, đọc báo Tết dồn lại một lúc thì không biết cái đầm ấm thời sự sẽ thế nào, hay là lúc ấy cái sự cầm bút viết bài Tết đã lạc hậu với thời gian, không phải viết bài Tết nữa. Chưa biết sẽ ra sao.

Tôi thường viết cái truyện ngắn trong đêm giao thừa. Đêm giao thừa thức nghe cái nửa đêm cuối cùng và cái nửa đêm mới nhất của một năm. Cũng chẳng phải một mình tôi tò mò. Biết bao nhiêu người đã không ngủ đêm giao thừa, từ xưa đến nay. Năm cũ qua, năm mới đến, tiếng chuông chùa văng vẳng ngân xa xa, người thắp nén hương mới, người thay bát nước cúng trên bàn thờ rồi bước ra nhìn vòm không và bóng tối quanh mình, như tìm cái xuân đương sang. Nếu thấy mưa dầm sập sùi, đêm hôm ảm đạm, thế là mùa màng thất bát đến nơi. Trời hanh hao nhưng chưa dứt nồm, sang canh ba mưa rây mưa rợ thoang thoáng mát mặt nhưng không thấm vai, đằng chân trời ùng ục tiếng sấm mới. Sấm no, thế là rồi ra năm nay mưa thuận gió hòa… Trông về phía thành phố, trời hửng hơn các phía khác. Cứ ngỡ thế, mong thế bất chợt những niềm vui nho nhỏ đến với người đợi giao thừa.

Đêm giao thừa tôi khai bút một bài. Ngày ấy còn khỏe, cứ từ đêm qua sang canh là tôi lao xong một truyện ngắn. Cái để viết thì đã sẵn những mắt thấy tai nghe những ngày áp Tết với những cảm nghĩ quanh mình mấy hôm nay.

Truyện ngắn Khách nợ, đấy là những ngày cuối năm trong cái xóm túng đói từ sớm đến tối cứ ỉ eo cãi nhau. Chốc chốc, những người nặc nô sục sạo đi đòi nợ thuê, các con nợ xanh mặt lủi đi đâu, đến chập tối mới dám lần về đến nhà sờ lên bàn thờ, cái bát hương cũng bị khuân mất.

Truyện ngắn Vợ chồng trẻ con viết được là nhờ mấy ngày áp Tết đi chợ Đồng Xuân. Vùng Gam cầu, phố Hàng Khoai sang đầu ô Quan Chưởng tấp nập, hối hả ngời và hàng Tết. Các thứ dưới Phòng lên, bên Bắc đổ về, hai nơi đều cách sông Cái, nhưng thuận cầu thuận đường tàu hỏa, ô tô; xe ba gác náo nhiệt, bề bộn khác hẳn các đầu ô phía Nam lên, trên Sơn xuống. Nhà hỏa xa mới xây cái ga xệp ở đầu cầu Long Biên cho khách và hàng xuống chợ Đồng Xuân, vùng đầu ô sầm uất, khỏi vào tận gia Hàng Cỏ rồi lộn ra.

Trên toa tàu bước xuống hai đứa trẻ thật lạ mắt. Chúng trạc mười tuổi. Đứa trai đầu trọc tếu, chít khăn xếp, áo dài the thâm, quần vải ta gộc, chân đất, cắp nách cái ô trắng lơ. Hai lỗ mũi; còn thò lò xanh mà vẻ mặt cau có bộ trịnh trọng cụ lý trong quê ra. Bậc toa tàu cao, thằng bé loạng quạng bước hụt. Con bé nắm đằng sau cái đuôi ô. Thằng bé ngã bổ chửng dưới mặt đất. Nó nhổm dậy, cứ thế thượng cẳng tay, nện, chửi: Sư mày! về ông bảo cho! Sư mày! Con bé để im cho thằng kia đấm, chỉ lặng lẽ phủi vạt váy lấm. Thằng bé vẫn đấm thùm thụp, con bé đứng cúi mặt, nước mắt chảy ròng ròng. Người qua lại thấy hay, đứng lại xem, chẳng ai vào can trò trẻ con cãi nhau, đấm nhau. Tôi đoán: nếu chúng nó là anh em, chắc con bé kia đánh lại hay là đã chạy đi. Thế này là thế nào rồi tôi tìm được lời giải. Lân la một lát, đã biết chúng nó là hai vợ chồng nhà ở phủ Từ sang chợ Tết Đồng Xuân. U đi từ gà gáy quảy gánh củ cải sang chuyến tàu sớm. Hẹn xuống đợi ở cửa. Hai đứa đã thuộc đường ga Đầu cầu bấy giờ đương đi ra cửa chợ.

Đêm giao thừa, tôi viết truyện ngắn Vợ chồng trẻ con, y hệt hình thù đôi vợ chồng lau nhau này.

Khai bút giao thừa vào mấy ngày xuân, chuyện Tết viết giữa Tết nhất, đấy mới trong không khí Tết. Rồi làm thế nào đăng được vào báo Tết. Báo Tết mới đã có bán cả tuần nay rồi. Thưa rằng vẫn in được vào báo Tết như thường. Nhưng mà là báo Tết sang năm.

Tòa báo tôi cộng tác ngày ấy có một kiểu làm việc mà bây giờ không ai làm thế. Không nhiều thì cũng ít ra thuở ấy có một ông chủ bút làm như thế. Mùng hai Tết, tôi đến Hàng Bông mừng tuổi năm mới ông chủ bút đem theo bản thảo truyện ngắn Vợ chồng trẻ con. Tôi đưa ông chủ bút cái truyện ngắn như mọi khi đến hẹn nộp bài. Ông chủ bút hỏi vui: "Ông cho tôi bài Tết à?" – Thưa vâng. "Cái này để sang năm in. Ông viết sốt dẻo quá!" – Thưa vâng. Rồi ông chủ bút đưa tiền nhuận bút như lệ mỗi lần ông nhận bài của tôi. Nhưng số tiền hậu hĩnh gấp đôi mọi khi. Ông xoa tay nói: "Năm mới, mở hàng ông năm nay làm ăn phát tài".

Viết bài Tết, được tiền chơi xuân. Năm mới mọi sự may mắn, vui vẻ cả. Để Tết sang năm đăng thì cũng vẫn là viết trong Tết, giữa Tết, in để đọc Tết chứ sao!

(Theo Tô Hoài/ Báo Xuân An ninh thủ đô)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/108125/khai-but.html

Tết dưới góc nhìn cố giáo sư Trần Quốc Vượng

Posted: 16 Feb 2013 09:38 PM PST

(VTC News) – Có những giá trị về Tết Nguyên đán không thể dịch chuyển bởi đã ăn sâu vào tâm thức dân gian hàng nghìn đời.

Dưới góc nhìn văn hóa học, cố giáo sư Trần Quốc Vượng chỉ ra một cách sắc sảo để minh chứng rằng, bất cứ sự xê dịch nào về mặt thời gian, hệ giá trị, triết lý, nghi thức cổ truyền của Tết sẽ biến mất!

Tết – cái chết tạm thời của vũ trụ

Những huyền tích về Bánh chưng – Bánh dày được sách vở Lý Trần ghi lại đã phóng rọi về một cái Tết từ thời vua Hùng dựng nước. Ngày trước, bánh chưng làm theo kiểu "bánh tét" với ý nghĩa tượng trưng cặp đôi – linga (chưng)/ iôni (dày), còn triết lý "Trời tròn đất vuông" là một nét văn hóa muộn màng hội nhập từ Trung Hoa.

Triết lý chung quanh Tết mang tính nguyên hợp và thể hiện tư duy huyện thoại về cái Tết là cái chết tạm thời và sau đó là sự phục sinh của vũ trụ, từ năm cũ bước qua năm mới.

Nó tương hợp với triết lý Bác Hồ: "Ví không có cảnh Đông tàn/ Thì sao có cảnh huy hoàng ngày Xuân…"

Cái chung là quy luật tự nhiên của vũ trụ. Cái riêng, triết lý Bác Hồ, là một ẩn dụ triết lý xã hội về đạo đức nhân sinh. Triết lý Tết cổ truyền là cái nhìn tâm linh huyền thoại mang tính biểu trưng, với nhiều biểu tượng và pha màu Đạo giáo.

Bẩy ngày trước ngày đầu năm mới, tức 23 tháng Chạp là ngày chết tạm thời của vũ trụ, theo ước lệ. Bẩy (7) con số thiêng, biểu tượng của vũ trụ, chỉ cái toàn thể, như 3 hồn ở Tim, 7 vía ở Rốn trong toàn thể hồn vía một người đàn ông; Như Đức Phật sơ sinh bên Ấn Độ bước đi 7 bước, tức khắp vùng thế giới.

Một ước lệ khác. Hôm ấy ông Công, ông Táo (vị thần tuy 3 mà 1 trong "Tam vị nhất thể" Thổng công – Thổ địa – Thổ kỳ của Đạo giáo được Việt Nam hóa thành huyền tích "2 ông 1 bà"  – vị thần Đất – thần Nhà – thần Bếp núc) cưỡi ngựa Cá Chép bay lên Trời để lại dưới hạ giới một cảnh tượng vô chủ – tâm linh. (Cá cũng như rắn là tượng trưng vũ trụ bên dưới, trong cặp Chim/Cá hay Chim/Rắn hay Hươu/Cá của huyện thoại Thái Mường).

Ngày 23 tết được gọi là Tết Ông Công Ông Táo. Người ta làm cỗ cúng tiễn "ông Táo chầu Giời", người ta mua cá chép sống rồi thả "phóng sinh" xuống ao hồ sông lạch. Nét biện chứng: Từ trong cái chết đã gieo mầm sự sống.

Dựng Cây Nêu ngày Tết

Một nét biện chứng khác: Ngày 23 tháng Chạp, người ta dựng Cây Nêu.

Cây Nêu ngày Tết của người Việt có tiền thân và tên gọi từ cây tà-leo của các tộc bản nguyên Đông Nam Á (Môn Khơ –me, Tày Thái cổ). Cây Nêu mang ý nghĩa phổ quát của Cây Vũ Trụ, còn gọi là Cây Mặt Trời. Mặt trời được huyền thoại tượng trưng như cánh chim đỏ thắm đậu trên cây vũ trụ mà tượng hình trên cây nêu là túm lông gà sống thiến, miếng vải đỏ hay vật đan hình tròn mắt lưới.

Sự tích cây nêu Việt Nam là một huyền thoại cổ đã được Phật hóa về cành tre treo áo cà sa đức Phật, xua đuổi bầy quỷ dữ từ biển Đông (tượng trưng cho bóng tối, thế lực hắc ám) lợi dụng lúc cuối năm vô chủ – thần linh, ào vào đất liền tranh giành lãnh thổ của Con người. Việc dùng vôi trắng (tượng trưng cho ánh sáng) vẽ cung tên trên sân nhà hướng về Đông cũng xuất phát từ ý nghĩa đó.

Ánh sáng xua tan đêm tối, mặt trời đi ngủ đông, phải dựng nêu tà-leo để đón ánh mặt trời, để mặt trời có chỗ đậu ngay khi vừa tỉnh giấc Xuân.

Để xã hội hài hòa và tương thích với vũ trụ thì từ ngày 23 Tết mọi công việc làm ăn đồng áng, buôn bán… cũng tạm dừng. Từ đây, không ai được vào rừng khai thác, thu lượm cái gì nữa. Xưa các công thư huyện, tỉnh, trấn xứ và triều đình đều đóng cửa nghỉ việc từ hôm đó sau khi đã làm lễ "hạp ấn" (niêm phong mọi con dấu, ấn triện…). Đến nhà tù (nói chung) cũng không tiếp nhận tù nhân mới. Tóm lại đó là sự dừng nghỉ hoàn toàn, để hợp với cái chết tạm thời của vũ trụ.

Nghi thức thứ hai quan trọng của Tết sau Tết Ông Công là giây phút Giao thừa, điểm thời gian chuyển tiếp giữa năm Cũ – năm Mới, được huyện thoại quan niệm như sự giao hòa Âm – Dương, phối ngẫu Đất Trời, để từ trong cái Chết – Cũ nảy sinh sự Sống – Mới… Giao hòa, giao hợp là triết lý Phồn Thực.

Một ông Táo mới hay cũ mà đổi mới, lại xuống trần thế làm chủ nhà – bếp – đất một năm mới. Người ta bầy cỗ cúng ở ngoài sân để đón ông, mừng ông. Người ta còn thay những Ông Đầu Rau cũ bằng những Ông mới.

Sự sống hồi sinh

Tín ngưỡng cơ bản của người tiểu nông Việt Nam trồng lúa nước cổ truyền, pha đậm đặc thêm bởi ảnh hưởng Đạo Nho là sự thờ cúng Tổ Tiên.

Tháng 12 lịch cổ truyền là tháng Lạp – Chạp, người đi "chạp mả", sửa sang, thắp hương trên các mộ phần, khấn khứa mời ông bà ông vải tổ tiên về ăn tết cùng con cháu…

Cùng với mâm cỗ cúng Ông Táo cũ 23 tết là cỗ cúng tổ tiên. Cùng với mâm cỗ cúng đón Ông Táo mới phút giao thừa ngoài sân là mâm cỗ cúng Tổ Tiên trên bàn thờ trong Nhà, gian giữa.

Và 3 ngày hay 5 ngày đầu năm mới là 3-5 ngày thường xuyên sửa cỗ cúng Tổ Tiên. Tổ Tiên hưởng hương hoa còn con cháu thụ lộc trong tinh thần cộng cảm, gia đình – thân quyến.

Tình cảm gia đình người Việt Nam xưa nay rất nặng: "Tháng Giêng ăn tết ở nhà".

Dù đi làm ăn buôn bán nơi đâu quanh năm suốt tháng, gần ngày tết người ta cũng tìm mọi cách trở về quê, về nhà để cúng Tổ Tiên, xum họp gia đình, cộng cảm cùng thân quyến nội ngoại.

Như trên đã nói, lối sống và thế ứng xử Việt 3 ngày Tết cổ truyền là: "Mồng Một thì ở nhà Cha/ Mồng Hai nhà Mẹ, mồng Ba nhà Thầy". Đó là đạo đức hiếu lễ, đạo đức "tôn sư" của Nho phong.

Vì Tết là Đổi Mới, Sức Sống Mới nên gam màu chủ đạo của việc trang trí Tết là màu Đỏ – tượng trưng màu Máu, màu của Sự Sống và Sự Tái Sinh, theo quan niệm nguyên thủy và được bảo lưu tại văn hóa Phương Đông.

Tết là sự trình diễn những món ăn dân tộc: Giò, Chả, Vây bóng, Thị mỡ dưa hành. Đúc kết biểu trưng tết, không gì cô súc bằng đôi câu đối: "Thị mỡ dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu – tràng pháo – bánh trưng xanh".

 Như bất cứ lễ hội nào, tết cũng có những thủ thục và những điều kiêng kị. Thủ tục tắm gội tất niên, mặc quần áo mới, nói lời hay ý đẹp, chúc tụng nhau năm mới, hái lộc, xuất hành, khai bút… v.v. Đời Lý Trần có tục lệ rất hay: Trai gái nhà nghèo tự ý ăn ở lấy nhau lúc giao thừa. Kiêng kị ăn nói thô tục, kiêng quét nhà đổ rác ngày đầu năm mới (sợ mất lộc), người có tang kiêng đến nhà người khác đầu năm mới…v.v.

Sau 3 ngày hay 5 ngày, người ta làm lễ và cỗ cúng "hóa vàng", đốt tiền giấy và tiễn Tổ Tiên về lại thế giới của người đã khuất. Từ dương cơ người đang sống, Tổ Tiên trở lại chốn âm phần.

Từ phút giao thừa, sự sống hồi sinh tới 7 ngày thì được coi là hoàn toàn hồi phục. Mồng Bảy Tết là ngày khai hạ, hạ Cây Nêu xuống, coi như mừng kết thúc Tết. Người ta làm lễ "mở cửa rừng" nơi rừng núi để dân đi lại vào rừng tự do. Người ta lại làm lễ "khai ấn" ở các công thư quan lại và triều đình. Mọi sinh hoạt đời thường được xem là tiếp tục…

Nhưng xã hội tiểu nông ngày trước, có nhiều ngày nông nhàn. Vụ chiêm chỉ có ở miền trũng. Ở vùng đồng mùa vẫn có nhịp điệu đa canh: "Tháng Chạp là tháng trồng khoai/ Tháng Giêng trồng đậu, tháng Hai trồng cà". Tuy nhiên, nhịp điệu sản xuất tiểu nông những tháng này ngày trước không thật khẩn trương vì "Tháng Giêng ăn tết ở nhà/ Tháng Hai cờ bạc tháng Ba hội hè".

Quả thật ngày xưa "ra Giêng ngày rộng tháng dài", sau cái Tết chủ yếu diễn ra trong phạm vị gia đình, người ta bước vào mùa Hội hè đình đám, mùa sinh hoạt cộng đồng với "gái tháng hai giai tháng tám": Hội xoan đất tổ, Quan họ Bắc Ninh, Hội pháo Đồng Kỵ ngay từ mồng 4 tết (là sinh hoạt cộng đồng sớm nhất) và "các hội làng" rải rác suốt mấy tháng Xuân. Người ta chảy hội chùa Hương tháng 2 cho đến hội chùa Dâu tháng 4 và chỉ kết thúc với hội Gióng, hội Đầu mùa mưa: "Ai ơi mồng chín tháng tư/Không đi hội Gióng cũng hư mất đời".

Sau đó là một mùa làm ăn mới, với bao nỗi lo âu và bất trắc.

* Trích "Văn hóa Tết và Tết văn hóa" của cố giáo sư Trần Quốc Vượng

Hà Thành

Nguồn: http://vtc.vn/2-366358/xa-hoi/tet-duoi-goc-nhin-co-giao-su-tran-quoc-vuong.htm

Rà soát toàn bộ quá trình tuyển chọn, đào tạo VĐV

Posted: 16 Feb 2013 08:38 PM PST

Chương trình đào tạo VĐV cho Asiad 18 năm 2019

Rà soát toàn bộ quá trình tuyển chọn, đào tạo VĐV

TT – Đó là một trong những việc được tiến hành ngay sau tết của Tổng cục TDTT, nằm trong đề án "Chương trình đào tạo VĐV cho Asiad 18 năm 2019" chuẩn bị trình Chính phủ vào tháng 9 tới.

Ông Lâm Quang Thành – phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – cho biết để thực hiện việc này, tổng cục sẽ thành lập các đoàn công tác chuyên môn để kiểm tra toàn bộ quá trình tuyển chọn, đào tạo VĐV ở các địa phương trên cả nước. Chỉ có cách xuống tận nơi xem các địa phương tuyển chọn, đào tạo như thế nào mới biết được tình hình thực tế việc đào tạo, tuyển chọn VĐV đang diễn ra thế nào. Và từ đây, tổng cục hi vọng sẽ có cái nhìn thực tế hơn để xây dựng "Chương trình đào tạo VĐV cho Asiad 2019″.

Với hơn 10.000 VĐV năng khiếu ở các địa phương trên cả nước, đề án hi vọng sẽ chọn được những "mầm giống" tốt qua quá trình kiểm tra, rà soát để chuẩn bị lực lượng VĐV cho Asiad 2019 diễn ra tại Hà Nội.

Nguồn: http://thethao.tuoitre.vn/The-thao/534162/Ra-soat-toan-bo-qua-trinh-tuyen-chon-dao-tao-VDV.html

Hiệu quả từ việc học tiếng Anh qua video

Posted: 16 Feb 2013 07:38 PM PST

(GDTĐ) – Hiện nay, có quá nhiều những phương pháp học tiếng Anh được chia sẻ trên mạng, trên báo chí, qua các kênh mạng xã hội. Nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ hấp thụ lượng thông tin đó như thế nào? làm thế nào mà chúng ta có thể vận dụng được các phương pháp đó một cách hiệu quả? Câu hỏi có vẻ đơn giản, nhưng hẳn là số ít người có thể trả lời được câu hỏi đó. Sau đây là một phương pháp học tiếng ANH hiệu quả và khá thú vị đó là xem video. Phương pháp này sẽ giúp cho các bạn có cái nhìn chính xác, toàn diện hơn, dễ hiểu và dễ ghi nhớ.

Trở ngại lớn thường gặp trong giao tiếp với người nước ngoài chính là khả năng nghe hiểu còn hạn chế. Những rào cản chủ yếu là sự thiếu tự tin vào khả năng nghe của chính họ, thiếu những kĩ năng nghe hiệu quả, kiến thức nền về chủ đề bài nghe còn yếu…


Dạy và học tiếng Anh qua video là một phương pháp hiệu quả

Thực tế dạy nghe hiện nay, chúng ta cũng thấy có nhiều bất cập. Đáng chú ý, mặc dù chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, những tiện ích của công nghệ thông tin và những tin tức cập nhật về tình hình thế giới và cuộc sống dường như quá xa lạ với các lớp nghe hiểu tiếng Anh. Chúng ta cần xem xét thực tiễn ứng dụng video trong giờ học nghe. Trên thế giới từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, người ta đã nhận ra tiềm năng của video là nguồn tư liệu và công cụ hỗ trợ dạy và học hữu hiệu. Song, tính đến nay, video chưa được đưa vào chương trình dạy học. 

Có một số người cho rằng sử dụng video trong lớp học chẳng qua chỉ là nghe có hình ảnh. Tuy nhiên, video tiềm ẩn rất nhiều tiện ích cho cả người dạy và người học.Video mang đến lớp học ngôn ngữ của cuộc sống qua các tình huống giao tiếp thực. Đây là lợi ích lớn nhất của video, giúp sinh viên vẫn có cơ hội được "tắm" tiếng Anh mặc dù họ không có điều kiện sống ở các nước nói tiếng Anh.

Video giúp cho người nghe nhanh chóng nắm được ngữ cảnh và hiểu ngôn ngữ nói đúng hơn, giúp người học hiểu được văn hóa của các nước nói tiếng Anh, đặc biệt nền văn hóa nước Anh và Mỹ. Phim ảnh cung cấp cho người học những cái nhìn rõ nét cũng như khả năng quan sát, cảm nhận được những yếu tố văn hóa được lồng ghép khéo léo qua các lời thoại và cách thức giao tiếp của các nhân vật trong phim.Video giúp các em có được những trải nghiệm vui, khiến các em không cảm thấy bị áp lực khi nghe.


Đối với các em nhỏ, học tiếng Anh qua video như là một trò chơi thú vị 

Người dạy có thể sử dụng video để tạo ra sự mới mẻ cho giờ học nghe. Lợi ích này rất thiết thực đối với thực tế dạy nghe của chúng ta. Tuy các hoạt động trong cuốn giáo trình nghe có tính hệ thống và tính sư phạm cao nhưng lại khá nhàm chán. Người dạy có thể lôi cuốn các em vào hoạt động nghe một cách tự nhiên và hào hứng. Người dạy có thể sử dụng video để dạy kiến thức mới, củng cố, mở rộng nội dung bài học trong giáo trình; có thể sử dụng video làm cơ sở cho các hoạt động nói, viết; có thể sử dụng video để đánh giá khả năng nghe hiểu của người học.

Để có thể sử dụng video như một nguồn tư liệu dồi dào và công cụ hỗ trợ tích cực trong dạy và học nghe, người dạy cần có sự sáng tạo và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc lựa chọn video clip và thiết kế các hoạt động dạy.

Đồng thời, để phát huy được vai trò trong giờ học có sử dụng video, người giáo viên cần xác định rõ mục tiêu giờ học, đánh giá và lựa chọn tài liệu video phù hợp, xem video trước khi lên lớp và dự đoán những khó khăn các em có thể gặp phải. Đồng thời cần lên kế hoạch tổ chức các hoạt động, chuẩn bị các phiếu từ vựng, phiếu hoạt động nghe, kiểm tra chất lượng âm thanh, hình ảnh    

Những bước đột phá trong công nghệ thông tin không bao giờ thay thế được người giáo viên mà tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng sáng tạo trong giảng dạy. Ứng dụng video đòi hỏi người giáo viên đầu tư nhiều thời gian và công sức nhưng mang lại những giờ học thú vị, hiệu quả và đặc biệt các em sinh viên có thể được sống trong môi trường tiếng.

Thanh Hoa

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3062/201302/Hieu-qua-tu-viec-hoc-tieng-Anh-qua-video-1966991/

Nữ sinh viên trường đại học Y bị hiếp, giết

Posted: 16 Feb 2013 07:38 PM PST

Theo thông tin ban đầu, khoảng 22 giờ tối 14-2, NTCN (ngụ xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm), sinh viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM, đi chơi về gần tới nhà thì Ni núp từ bờ dừa xông ra bóp miệng, cổ N. và thực hiện hành vi hiếp dâm.

Một người bạn của N. đi chơi về sau phát hiện điện thoại của N. rơi nên đem vô cho gia đình N. Gia đình và những người trong xóm tủa ra tìm kiếm thì phát hiện xác N. trước mương nhà và bắt được Ni đang lẩn trốn cách đó không xa. Theo những người thân trong gia đình N., Ni học chung với N. thời trung học.

Nguồn: http://dantri.com.vn/phap-luat/nu-sinh-vien-truong-dai-hoc-y-bi-hiep-giet-697056.htm

Comments