Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Đừng làm “thợ dạy”!

Posted: 14 Feb 2013 07:28 AM PST

Điều đầu tiên để nói như điểm nhấn đáng chú ý về giáo dục trong năm 2012, đó hẳn phải là việc Quốc hội đã lần đầu thông qua một luật chuyên biệt về giáo dục đại học (ĐH). Từ nay, hoạt động giáo dục ở trình độ cao nhất được đặt trong một khung pháp lý dành riêng cho nó.


Sinh viên đại học rất cần sự hỗ trợ đích thực của người thầy. Ảnh: HOÀNG LAN ANH

Giáo dục đại học bí lối thoát

Thực ra, không thiếu nỗ lực, đặc biệt về phía các nhà quản lý giáo dục ở cấp cao, trong việc tìm kiếm, thử nghiệm các biện pháp chỉnh sửa bức tranh giáo dục ĐH trong thời gian vừa qua. Nhưng rồi tình hình vẫn không được cải thiện, thậm chí tiếp tục tệ hơn.

Hãy tạo động lực cho người thầy!

Bệnh thành tích, dù rất trầm kha song không phải hết thuốc chữa; vấn đề là nó phải được chữa như thế nào, bằng cách nào thích hợp. Chắc chắn, chừng nào hệ thống giáo dục còn vận hành theo khuôn mẫu hệ thống hành chính thì xu hướng chạy theo thành tích vẫn tồn tại.

Không hẳn trong cơ chế đó, người thầy – với chức năng xã hội chủ yếu là đào tạo con người – không quan tâm đến việc chăm chút, đẽo gọt cho hoàn hảo sản phẩm do mình tạo tác theo các tiêu chí nào đó. Nhưng hầu như không xuất hiện ở họ động lực tự thân để làm việc ấy. Thậm chí, cả việc tìm hiểu, nhận dạng các tiêu chí đánh giá chất lượng công việc của mình, họ có thể cũng chẳng buồn làm. 

Thiếu hẳn mục tiêu chuyên môn đích thực để phấn đấu đạt tới trong công việc, con người ta tất nhiên cũng không hào hứng với việc tự hoàn thiện về phương diện kiến thức, kỹ năng – một trong những điều kiện tối cần thiết để hoạt động nghề nghiệp có thể cho ra sản phẩm, kết quả ngày càng tốt. Nhiều người thầy, sau nhiều năm đứng trên bục giảng với khối tri thức cũ mèm, đông cứng, tất yếu trở thành "thợ dạy".    

Không khó để từ đó nhận ra bài thuốc tốt nhất để chữa bệnh sùng bái thành tích và bệnh "thợ hóa người thầy", từ đó nâng cao chất lượng giáo dục: cần giải phóng nền giáo dục khỏi chiếc khung tù túng của hệ thống quản lý hành chính quan liêu. Cứ để cho nhà trường, người thầy được tự do trong việc thực hiện chức năng xã hội, nghề nghiệp của mình trong việc xác định sứ mạng cũng như tìm kiếm phương tiện để thực hiện sứ mạng đó.

Nguồn: http://nld.com.vn/20130214101422975p0c1017/dung-lam-tho-day.htm

Ngày Xuân bàn chuyện ‘học để thi’ hay ‘thi để học’

Posted: 14 Feb 2013 05:22 AM PST

Trước thực trạng bức tranh giáo dục nhiều mảng sáng tối, buồn vui lẫn lộn, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam đang là vấn đề đặt ra. Thẳng thắn nhìn vào nền giáo dục ứng thí, TS. Vũ Ngọc Hoàng đã có một cuộc trò chuyện nhân dịp đâu xuân về vấn đề này.

TS Vũ Ngọc Hoàng

- Thưa ông, nền giáo dục đã có thành tích đáng kể, chuyển từ dành cho thiểu số người đi học thành nền giáo dục đại chúng, nhưng có người cho rằng nền giáo dục của chúng ta vẫn đang “lạc đường”. Ông nhận định gì về ý kiến này?

Ngày nay chỉ di chuột máy tính !à học sinh đã nhận được biết bao nhiêu kiến thức nên không việc gì bắt các em phải nhớ nhiều. Biết nhớ bao nhiêu là đủ? Học sinh học toán lý hóa thi bị buộc phải nhớ quá nhiều công thức, học sử thì phải nhớ sự kiện, dù khi ra trường có người cả đời không hề sử dụng đến kiến thức ấy.

Theo tôi, những công thức ấy chỉ cần học để góp phần hình thành tư duy lô-gich, đế hiểu và biết cách vận dụng. Còn học sử thì chủ yếu là nhằm hình thành nhân cách, không phải bắt thuộc lòng, nhớ sự kiện. Dấu hiệu và biểu hiện đầu tiên của chất lượng là sự thích học.

Đã chán học, hoàn toàn không thích học, học như là một khổ dịch thì làm gì mà có chất lượng – năng lực được. Không cần bắt học sinh phải nhớ nhiều, phải thuộc lòng. Cái cần là năng lực, sự sáng tạo.

- Có sợ "sáng tạo'' quá trớn sẽ sinh ra "lệch chuẩn", thưa ông?

Đã sáng tạo thì bao giờ cũng có cái riêng của người học. Lâu nay học trò nói giống thầy, y như thầy thì đạt điểm cao, vậy thì phải “học gạo", học thuộc lòng.

Bây giờ không nên như thế nữa. Nói như ý thầy chỉ nên đánh giá đạt điếm trung bình, còn những ý mới, những phát hiện mới, khác thầy; mà có lý lẽ, có cơ sở khoa học thì mới đạt điểm cao. Chấm văn mà theo ba – rem cho điểm đã định sẵn thì thật là không nắm được đặc điểm của công việc này.

Các kiệt tác văn chương rất giàu ý tứ, đời sau khám phá mãi vẫn chưa cạn y, vậy tại sao cứ phải nói đúng 3-4 ý như thầy, như sách, không thừa không thiếu thì mới đạt điếm cao? Các em có thể nói nhiều ý hơn, có những ý khác mà có lý lẽ, phát hiện mới, sức thuyết phục thì mới điểm cao chứ.

- Theo ông, làm sao để khắc phục tình trạng trên?

Điều quan trọng là phải tạo cho người học có năng lực. Năng lực là cái “tự nó”, “của chính nó", là tư duy độc lập, không ai ban phát, không thể cho, không thế vay mượn. Năng lực không phải được tạo ra nhờ người khác truyền thụ, mà sẽ phát triển triển quá trình tự học, nghiền ngầm, tư duy.

Hầu hết trí thức lớn đã trở thành trí thức thông qua tự học là chính. Nếu truyền thụ một chiều, áp đặt thì làm sao có năng lực được? Người học phải được bình đẳng, được tham gia trao đổi, thảo luận, tranh luận, có chính kiến riêng của mình. Thực hiện giảng ít mà học nhiều.

Không phải giáo viên chỉ truyền dạy những điều gì mình có, mà phải giảng dạy cái học sinh cần.

- Có nghĩa người thầy phải chuyến sang cách truyền đạt mới?

Thầy giáo bây giờ không phái là "thầy dạy", mà phải là thầy về cách học, cách tiếp cận vấn đề, giúp các em biết cách học mới, cách tự học, tố chức việc học cho các em, nói gọn lại là “thầy học", tức là làm thầy về việc học.

Thầy giáo không nên là người áp đặt tư duy, mà là người luôn phát huy dân chủ, là người “bạn lớn", "bình đẳng", “bạn đồng hành" (cùng các em trong quá trình đi tìm chân lý; là một nhà tâm lý giáo dục, luôn tác động kích thích những yếu tố bên trong, sự tự tin, độc lập và bản lĩnh, những yếu tố tự nó của người học.

Công việc của người thầy như vậy càng khó hơn trước, là công việc của nhà khoa học, nhà văn hóa, vừa khoa học vừa nghệ thuật. Người thầy được tôn trọng, vinh danh, trọng dụng, ưu đãi nhưng cũng nên phải được đánh giá định kỳ, xếp hạng bậc một cách khoa học để có chính sách thỏa đáng khác nhau chứ không cào bằng, bình quân chủ nghĩa.

Vấn đề giáo viên vẫn và phải càng là vấn đề then chốt.

- Nhiều năm qua, dư luận vẫn luôn "nóng” về vấn nạn mua bán bằng cấp. Ông nghĩ sao về điều này?

Nền giáo dục của chúng ta từ xưa đã rất nặng ứng thí và bằng cấp, học là để trả thi, để ứng phó với thi cử, để có tấm bằng làm công cụ tiến thân, trước tiên là làm quan.

Đến nay, cơ bản vẫn nặng như vậy. Hơn nữa, mặt trái của cơ chế thị trường đã xâm nhập vào lĩnh vực giáo dục, có không ít trường hợp mua bằng bán điểm, nhờ người khác học hộ, thi giúp; học ít cũng có sao đâu, miễn là có được tấm bằng, không học mà có bằng càng tốt.

Như vậy, học không phải với mục đích để có năng lực, kiến thức, mà là để có điểm, có bằng.

- Việc cần làm ngay hiện nay là gì, thưa ông?

Thứ nhất, chuyển từ giáo dục chủ yếu là truyền thụ kiến thức sang giáo dục phát triển nhân cách, năng lực; Thứ hai, xây dựng một nền giáo dục mở, học tập suốt đời gắn với xây dựng xã hội học tập, phát triển giáo dục điện tử. Với cách học truyền thụ kiến thức, học sinh bị giới hạn bởi thầy giáo, thế hệ sau bị giới hạn bởi thế hệ trước, trong khi cuộc sống ngày nay rất cần phải chuẩn bị cho học sinh "vượt thầy, vượt sách”.

Việc chuyển từ giáo dục truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực liên quan trực tiếp, chặt chẽ và trước tiên tới việc xây dựng các chương trình đào tạo. Đổi mới chương trình cần chuyển mạnh sang tiếp cận mục tiêu phát triển năng lực (người học) thay cho cách tiếp cận nội dung như lâu nay.

Thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên; cùng với tổ bộ môn là người lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, trong số những bộ sách đã được xác nhận là đạt yêu cầu. Việc soạn sách giáo khoa cũng cần phải có cạnh tranh, so sánh về chất lượng, để có những bộ sách tốt nhất. Thi theo chương trình chứ không phải theo sách giáo khoa, là kiểm tra năng lực chứ không phải kiểm tra trí nhớ.

- Nói cách khác là thi để học, chứ không phải học để thi?

Đúng vậy, học là để nâng cao năng lực làm người, năng lực thực chất, chứ không phải để thi. Cần làm cho việc thi cử trở nên nhẹ nhàng và thực chất hơn, không nặng nề như hiện nay. Có thể mở rộng khung điểm để dễ phân hạng khi đánh giá.

Từ hai cuộc thi quốc gia liền kề như hiện nay (tốt nghiệp trung học phổ thông và vào đại học), nội dung và phương pháp thi giống nhau, nên nhập lại thành một. Nhiệm vụ chính là để đánh giá chất lượng phổ thông, đồng thời là sơ tuyển đại học.

Mỗi năm có thể thi vài lần, do một trung tâm sự nghiệp của Nhà nước đảm nhận. Những bất cập nêu trên càng đòi hỏi đổi mới tới đây phải tập trung cho vấn đề chất lượng. Đổi mới không có mục đích tự thân, mà đổi mới là phải nhằm nâng cao chất lượng, chuyển phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu.

- Cảm ơn ông!

(Theo Nguyệt Thương/ Báo Xuân Pháp Luật Việt Nam)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/108120/ngay-xuan-ban-chuyen--hoc-de-thi--hay--thi-de-hoc-.html

Đề xuất bỏ miễn giảm học phí theo địa bàn

Posted: 14 Feb 2013 05:21 AM PST

Bộ GD-ĐT đề xuất thay việc miễn giảm học phí theo địa bàn như hiện nay bằng thực
hiện miễn, giảm học phí theo đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo…

Trước một số bất cập trong việc xác định đối tượng miễn, giảm học phí, phương thức
cấp bù tiền miễn giảm học phí và trình tự hồ sơ thủ tục để được miễn, giảm học phí,
Bộ GD-ĐT cho biết đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương đề xuất
với Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP.

Theo đó, đề xuất thay việc miễn giảm học phí theo địa bàn như hiện nay bằng thực
hiện miễn, giảm học phí theo đối tượng thuộc diện chính sách, hộ nghèo…

Hiện nay, đối tượng được miễn giảm học phí nhận tiền qua các Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp huyện cũng có bất cập vì phải về địa phương nhận tiền, đi
lại nhiều lần gây tốn kém. Trước thực trạng này, Bộ GD-ĐT đề xuất đối tượng chính
sách sẽ được miễn, giảm học phí ngay tại cơ sở đào tạo mà học sinh, sinh viên đang
theo học.

Để khắc phục tình trạng xác nhận tràn lan của các cơ sở giáo dục và đào tạo về
việc miễn học phí đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghề nặng nhọc, độc hại
trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT cũng đề xuất sửa đổi Nghị định theo hướng chỉ thực hiện
miễn học phí đối với học sinh, sinh viên học ngành học nặng nhọc độc hại và nguy hiểm
đối với lĩnh vực dạy nghề.

Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản gửi các Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp bù
miễn, giảm học phí cho các đối tượng học hệ ngoài sư phạm trong trường sư phạm. Đối
với học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa trên 16 tuổi thì
UBND cấp xã sẽ cấp giấy xác nhận cho các đối tượng này.

Dự kiến, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 49/2010/NĐ-CP sẽ được trình Chính
phủ trong tháng 3/2013.

(Theo Giáo dục Thời đại)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109193/de-xuat-bo-mien-giam-hoc-phi-theo-dia-ban.html

Tiến sĩ ‘nội’ với thành tích khoa học ‘ngoại’

Posted: 14 Feb 2013 05:21 AM PST

Hơn 5 năm làm việc tại các viện nghiên cứu uy tín của Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật
Bản, Hàn Quốc, được nhiều nước mời đến giảng dạy, nghiên cứu, nhưng TS toán học Phạm
Hữu Anh Ngọc chọn con đường về nước.

"Tôi thích sống, nghiên cứu ở Việt Nam, hơn nữa về nước để con nói được tiếng
Việt. Điều kiện nghiên cứu trong nước cũng đã thoáng hơn trước đây", TS Phạm Hữu Anh
Ngọc, giảng viên bộ môn toán, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) – một trong hai người
được đặc cách phong phó giáo sư năm 2012 chia sẻ.

Về nước để con nói tiếng Việt

TS Ngọc kể: Năm 2005 khi anh nghiên cứu tại ĐH Điện tử – Truyền thông (The
University of Electro-Communications) Nhật Bản, bé Phạm Thái Thục Minh, con đầu của
anh mới được hai tuổi. Cả hai vợ chồng đều đi làm, phải gửi con vào trường. Tiếp xúc
với giáo viên, bạn bè người Nhật nên bé chỉ nói tiếng Nhật. Về nhà bố mẹ nói tiếng
Việt con hiểu, nhưng lại không nói được. "Nhìn con trong tình cảnh ấy rất đau lòng",
TS Ngọc bồi hồi nhớ lại.

TS Ngọc giảng dạy, nghiên cứu tại Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM)

Với thành tích khoa học của mình, kết thúc hai năm làm việc tại Nhật, anh được
Viện Toán thuộc ĐH Công nghệ Ilmenau (Cộng hòa Liên bang Đức) mời qua làm việc. Đến
Đức, bé Thục Minh đi học và lại chuyển sang nói tiếng Đức, trong khi tiếng Việt với
bé vẫn còn là "ngoại ngữ".

Trước hoàn cảnh con không nói rõ tiếng mẹ đẻ, kết thúc hai năm làm việc ở Đức, dù
vài nước mời qua tiếp tục nghiên cứu nhưng anh đã chọn con đường trở về. "Tôi về để
con nói được tiếng Việt và lúc này bé Thục Minh cũng đã bước sang tuổi vào lớp một",
TS Ngọc nói.

Ra thế giới bằng khoa học

Sinh ra tại Huế, trong một gia đình có sáu anh chị em, bố là sĩ quan chính quyền
Sài Gòn, sau năm 1975 cuộc sống gia đình Anh Ngọc rất vất vả. Thời phổ thông anh
thường phải nhịn đói đi học, lúc về mới có bo bo (lúa mạch) ăn. Dù cuộc sống khó
khăn, bố mẹ anh luôn dạy con cái phải sống trung thực. "Chính lời dạy của bố mẹ đã
giúp anh đầu tư nghiêm túc trong khoa học", anh khẳng định.

"Tài sản" khoa học của TS Ngọc gồm gần 50 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế,
trong đó 22 bài trên tạp chí có chỉ số SCI và 15 bài trên tạp chí có chỉ số SCIE. Tuy
vậy, TS Ngọc kể, hồi phổ thông anh không phải là học sinh xuất sắc nhất về toán. Tốt
nghiệp đại học ngành toán tại Trường ĐH Sư phạm Huế, anh tiếp tục học cao học tại
đây, và làm tiến sĩ tại Viện Toán học Việt Nam với thời gian kỷ lục trong hai năm.

TS Ngọc chụp tại Đức

Khác với nhiều nhà khoa học thành danh khác, TS Ngọc là sản phẩm "nội địa" hoàn
toàn của ngành giáo dục Việt Nam. GS.TSKH Nguyễn Khoa Sơn, chủ nhiệm chương trình
khoa học vụ trũ cấp nhà nước và là người hướng cho dẫn nghiên cứu sinh Phạm Hữu Anh
Ngọc tại Viện Toán học trước đây nhìn nhận: "Anh Ngọc có tố chất làm khoa học và lòng
ham mê nghiên cứu, biết nắm bắt cái mới để nghiên cứu chứ không bám mãi theo hướng
của thầy. Một tư chất tốt mà những nhà khoa học trẻ nên học hỏi".

Nghiên cứu trong nước đã dễ hơn

Sau khi có học vị tiến sĩ, dù chưa một lần ra nước ngoài, nhưng những bài báo trên
các tạp chí quốc tế về toán học đã giúp tên tuổi Phạm Hữu Anh Ngọc vượt ra khỏi biên
giới quốc gia. Anh được nhiều trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu tại Hàn Quốc,
Nhật Bản và Cộng hòa liên bang Đức mời sang làm việc theo chương trình dành cho người
có thành tựu nghiên cứu khoa học xuất sắc. Trong những năm nghiên cứu ở nước ngoài,
TS Ngọc nhận định, "đây chỉ là cách mua chất xám giá rẻ của những người giỏi và có
khả năng nghiên cứu thật sự".

TS Ngọc cùng vợ con tại Đức

Trong những năm làm việc ở nước ngoài, anh đã tạo dựng được sự tin cậy với nhiều
nhà khoa học tên tuổi. "Nhờ thế, sau khi về nước tôi từng viết bài báo quốc tế với
một giáo sư người Nhật nhưng chỉ cần trao đổi qua email", TS Ngọc nói.

Về nước từ cuối năm 2009, TS Ngọc đã có thêm 10 bài báo quốc tế. TS Ngọc nói:
"Việc nghiên cứu của tôi tại Việt Nam đang rất thuận lợi. Tiếp cận các quỹ cho nhà
khoa học nghiên cứu không đến nỗi quá khó như trước đây, số tiền tài trợ dù chưa
nhiều, nhưng cũng đủ nghiên cứu". Dù vậy, TS Ngọc vẫn dí dỏm thừa nhận, "so với các
nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác thì ngành toán chỉ cần cái máy tính, máy in và
sọt rác đã đủ".

Theo Thái Ngọc/ Khám phá

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/109195/tien-si--noi--voi-thanh-tich-khoa-hoc--ngoai-.html

Thầy Vàng Hoàng Sa

Posted: 14 Feb 2013 03:28 AM PST

Thầy Vàng Hoàng Sa

Con chữ Nậm Nơn
Những giáo viên không có thưởng Tết

TP – Thầy giáo Trần Văn Vàng (54 tuổi) giáo viên trường THCS Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi) bỏ nhiều thời gian, công sức lặn lội sưu tầm sách, tài liệu biên soạn chương trình học sử địa phương và lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa đưa vào chương trình dạy học cho hàng ngàn học sinh ở Quảng Ngãi.

Thầy Vàng tận tụy truyền sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh Ảnh: Nguyễn Thành
Thầy Vàng tận tụy truyền sử Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh.  Ảnh: Nguyễn Thành.

Dáng mảnh khảnh, giọng nói nhỏ nhẹ, thầy Vàng đã 34 năm gắn bó với bục giảng. Chương trình Sử địa phương do thầy dày công biên soạn lại lần đầu tiên được áp dụng cách đây gần 5 năm.

Thầy Nguyễn Công Tiến, Phó hiệu trưởng trường THCS Đức Chánh, kể: Năm 2007, thực hiện chủ trương của Bộ GDĐT về việc đưa chương trình sử địa phương cho học sinh lớp 6 đến lớp 9, trường phân công tổ chuyên môn do thầy Vàng làm tổ trưởng biên soạn chương trình. Gần 1 năm sau, chương trình hoàn thành, được đánh giá cao bởi độ công phu, ý nghĩa và sức hút đối với học sinh.

Điều đặc biệt, lần đầu tiên những bài giảng về chủ quyền biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa được thầy Vàng đưa vào dạy cho học sinh lớp 7. Thầy Vàng kể, từ năm 2007, để thu thập tài liệu, thầy đã đến tất cả các bảo tàng, thư viện, các nhà thờ tiền nhân ở Quảng Ngãi.

Riêng bài giảng tiết thứ 56 "Nhân dân Quảng Ngãi bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa" là khó khăn nhất, bởi thời điểm đó các tư liệu về Hoàng Sa, Trường Sa vẫn còn ít và khan hiếm. Lặn lội ra đảo Lý Sơn để tìm hiểu về Hải đội Hoàng Sa, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, tìm gặp hậu duệ của Phạm Hữu Nhật – người phụng mệnh triều đình ra khẳng định chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

Suốt gần một năm trời thầy bỏ tiền túi trang trải những chuyến đi dài ngày, để ghi chép, sao chụp lại từng trang tư liệu cổ, bản đồ, sắc phong… liên quan đến chủ quyền biển đảo của ta làm tư liệu, hình ảnh trực quan sinh động cho học sinh.

Riêng cuốn Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư – bản đồ vùng Quảng Ngãi do Đỗ Bá soạn ra giữa thế kỷ 17 thầy cất công tìm kiếm nhiều nơi nhưng chưa ra.

Thầy đau đáu không biết ai có cuốn này để ghi chép chụp hình lại làm tư liệu cho bài giảng thêm hấp dẫn. Bởi "Nói có sách, mách có chứng" học sinh mới đam mê với môn Sử, càng trực quan bao nhiêu càng cuốn hút.

Kết thúc mỗi bài giảng, thầy Vàng lại đưa ra những câu hỏi cho học sinh: Quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như thế nào? Vì sao có đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ? Vì sao Lý Sơn có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa… Mỗi tiết học, học sinh đều hăng say giải đáp.

Thấy thầy ngược xuôi vất vả, vợ có lúc than phiền. Nhưng rồi thầy được sự ủng hộ tuyệt đối của cả nhà, nhất là 3 đứa con đang độ tuổi ăn học. "Nhiều khi cũng buồn lắm, nhiều người kể cả công chức nhà nước nhắc đến Hoàng Sa, Trường Sa còn mập mờ, lúng túng. Lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa là lịch sử của cả dân tộc, đáng lẽ phải đưa vào giảng dạy từ lâu". 

Nguyễn Thành

Nguồn: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/610996/Thay-Vang-Hoang-Sa-tpp.html

Đổi mới toàn diện ngành Giáo dục

Posted: 14 Feb 2013 02:28 AM PST

- Đúng. Hiện nay, vị thế xã hội của người thầy bị hạ thấp trong thang giá trị xã hội. Trong cuộc điều tra gần đây có thể nhận thấy rõ điều này khi 40 – 60% giáo viên phổ thông đã thẳng thắn bày tỏ, nếu được chọn lại nghề họ sẽ không làm nghề dạy học.

Trước đây, có lúc ngành Sư phạm không tuyển được thí sinh giỏi như câu cửa miệng: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Khi có Nghị quyết Trung ương 2 Khoá VII, hệ số lương thầy giáo được nâng lên 1,5 thì ngành Sư phạm dễ dàng tuyển được nhiều sinh viên giỏi. Đến mấy năm gần đây, hệ số đó không còn có ý nghĩa trong thực tế nữa, nghề giáo lại khó sống… Ngành Sư phạm lại bị chê. Chuyện cơm áo quả là không đùa với nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Không thể kéo dài tình trạng này nếu muốn vực nền giáo dục thực sự đi lên.

Trong đóng góp ý kiến về đổi mới giáo dục cho Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI vừa rồi, tôi đã đề xuất việc đổi mới nền giáo dục Việt Nam đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người. Đó là việc xây dựng lại tiêu chuẩn đạo đức của lớp thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Điều này là cần thiết hơn cả, khi đã có một lớp người làm giáo dục với lương tâm trong sạch thì hãy tính đến các bước tiếp theo, việc đó không khó lắm.

Bộ trưởng phải xuống cơ sở nhiều

+ Khi làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ông rất chịu khó đi dự giờ các tỉnh, địa phương khó khăn. Phải chăng, đó là "bí quyết" cho những quyết sách đúng đắn thời bấy giờ?

- Nhiều người nghĩ, làm Bộ trưởng thì sướng lắm, nhưng chẳng mấy người biết rằng, các Bộ trưởng khổ, vì họ luôn phải canh cánh lo việc đại sự nước nhà.

Thời tôi làm, giao thông không thuận tiện như bây giờ, những chuyến đi lên các tỉnh miền núi phía Bắc phải mất nửa tháng, đường khó đi rất nguy hiểm, ô tô chỉ đi được 10 – 14 km/giờ. Những chuyến đi như thế, ngày đêm phải lặn lội là bình thường. Song, có đi như thế mới hiểu được thầy cô, học trò nơi đây khó khăn, thiếu thốn như thế nào. Sau này, tôi ký quyết định yêu cầu lãnh đạo Bộ Giáo dục, kể cả Bộ trưởng một năm tổng cộng phải có 3 tháng đi địa phương, phải đến các trường học và phải dự giờ để hiểu sâu sát tình hình thực tế giáo dục các vùng.

+ Làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thời nay có khó hơn thời của ông hay không?

- Vừa khó hơn lại vừa dễ hơn. Khó hơn vì làm sao giáo dục phải vận hành trong một xã hội theo cơ chế thị trường. Mà quy luật giá trị giữ vai trò chủ đạo. Tình hình xã hội phức tạp hơn, thang giá trị và định hướng giá trị đảo lộn nhiều. Còn dễ hơn ở việc đất nước ta đã hòa bình thống nhất được hơn 37 năm, kinh tế khá hơn, hội nhập quốc tế được mở rộng hơn!

+ Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://www.thanhtra.com.vn/tabid/77/newsid/64224/temidclicked/34/seo/doi-moi-toan-dien-nganh-Giao-duc/Default.aspx

“Độc” như chuyện Valentine của du học sinh

Posted: 14 Feb 2013 01:28 AM PST

Hoa hồng tình yêu giữa màn tuyết trắng

 

Ở những quốc gia, vùng lãnh thổ gần với cực Bắc, khí hậu không những là thử thách lớn buộc du học sinh Việt Nam phải vượt qua khắc nghiệt của thời tiết để học tập, mà cũng là "thuốc thử" đặc biệt của tình yêu. Năm nào cũng vậy, Lễ Tình yêu diễn ra vào mùa xuân, nhưng tuyết thì vẫn "ngự trị" dày đặc và trắng xóa cả một vùng Siberia rộng lớn của nước Nga.

 

Hoa hồng đỏ giữa tuyết lạnh như tình yêu Việt nơi xứ người - Ảnh : Nhân vật cung cấp

Ấy vậy mà để chứng tỏ tình yêu của mình, không ít chàng trai Việt đã lặn lội giữa cái "sân băng tự nhiên khổng lồ" ấy để tìm bằng được một bông hoa hồng, dành tặng bạn gái. Đối với cô bạn A.T (SV ĐH KTTH QG Irkutsk, LB Nga), dù mấy ngày Tết xa gia đình có buồn đến mấy, thì cảm giác được nhận bông hoa tươi thắm biểu tượng cho tình yêu của cậu bạn cùng khóa N. Đ. M, lòng chắc hẳn cũng phải… nở hoa. Chẳng có cô gái nào lại không động lòng trước tâm sức của người mình yêu như vậy, nhất là khi… giá hoa tươi ở Irkutsk chẳng hề rẻ chút nào!

 

Lãng mạn như nước Pháp

 

Tết này, mấy ngày đều bù đầu với lịch thi cử dày đặc, mãi đến mồng 4 Tết, Hải Anh (SV ĐH Paris) và bạn trai Tuấn Minh mới có dịp gặp nhau. Cùng đi học nước ngoài nhưng ở hai thành phố khác nhau nên cơ hội gặp gỡ như thế này là hết sức đáng quý, nhất là mai lại là… Valentine rồi. Ấy vậy mà vừa đặt chân đến Paris, Tuấn Minh đã kéo ngay cô bạn đi… ăn phở và mấy món Việt khác nữa.

 

Quà Valentine đặc biệt giữa lòng nước Pháp - Ảnh : Nhân vật cung cấp

Nếu như không phải vì toàn món "tủ" của Hải Anh và thương người yêu lặn lội mấy tiếng trên tàu từ nơi xa đến, cô nàng sẽ giận dỗi ngay với suy nghĩ: "Đi chơi gì mà đi ăn, Valentine chẳng… lãng mạn gì cả ". Nhưng bao nhiêu ấm ức trong lòng Hải Anh đã chẳng cần đuổi mà tự biến mất khi vừa đến dưới chân tháp Eiffel sau cả ngày rong ruổi phố phường, Tuấn Minh đã "tranh thủ" tặng cô nàng một nụ hôn ngọt ngào kèm theo hộp chocolate trái tim mà anh chàng đã giấu sẵn từ trước. Dù đỏ mặt vì… hơi xấu hổ, nhưng khỏi phải nói tim Hải Anh đập mạnh vì hạnh phúc đến cỡ nào, còn gì lãng mạn hơn thế nữa!

 

Lời cầu hôn dài… 13.000 cây số

 

Bốn năm yêu Tuấn – chàng du học sinh Việt tại Mỹ -  cũng là ngần đấy lần Valentine, Thu Giang một mình ngắm các cặp tình nhân hạnh phúc bên trên phố phường Hà Nội. Năm nào cũng nhận được những món quà Tuấn dành tặng, như khi thì con gấu bông to đùng gửi đường máy bay, khi thì mẹ và em gái Tuấn mang hẳn hoa và quà của Tuấn đến tận nơi Giang làm việc, nhưng cảm giác một mình trong ngày Tình yêu thì hẳn là không dễ chịu.

 

Hạnh phúc đẹp sau ngày Valentine - Ảnh : Nhân vật cung cấp

Hết thời gian học đại học, Tuấn được giữ lại nghiên cứu nên quãng thời gian xa nhau bỗng nhiên dài thêm cùng với những giọt nước mắt thương nhớ, đã có lúc Giang nghĩ đến việc… chia tay, nhưng cô không còn cơ hội làm điều đó nữa ở trong ngày Valentine vừa rồi…

 

Đúng ngày Valentine năm ngoái, Giang được em gái Tuấn đón sang ăn cơm cùng gia đình. Lưỡng lự không đi vì đang có ý định chia tay, nhưng vì cô em đón tận nhà nên sau đó, Giang vẫn có mặt, cùng mẹ Tuấn chuẩn bị bữa cơm chiều. Khi món ăn cuối cùng được dọn lên mâm, bỗng Tuấn điện thoại về, gặp Giang qua Skype. Và điều bất ngờ nhất mà Giang nhận được, đó là qua video call, chàng tiến sỹ tương lai đã nói lời cầu hôn "trực tuyến", với người bạn gái của mình, trước sự chứng kiến của cả gia đình Tuấn.

 

Chưa hết ngỡ ngàng, thì mẹ và em gái Tuấn lại trao tận tay cô chiếc nhẫn và bó hoa hồng thay cho lời cầu hôn từ nước Mỹ mà chàng tiến sỹ tương lai đã "ủ mưu" từ cách đây nửa năm trời. Cho đến hôm nay, tròn một năm kể từ "sự kiện" đó, Giang vẫn chưa thể nào quên cảm giác hạnh phúc và ngỡ ngàng mà Tuấn – giờ đã là chồng cô – dành tặng.

 

Tháng 8 vừa rồi, Giang chính thức về nhà chồng, và nửa năm nữa thôi, cô sẽ cùng chồng đón đứa con đầu lòng, kết thúc tuyệt vời cho mối tình và lời cầu hôn đặc biệt dài 13.000 cây số. 

 

 

Hải Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/du-hoc/doc-nhu-chuyen-valentine-cua-du-hoc-sinh-696427.htm

Lê Tuấn Hoa: Thầm lặng tỏa sáng

Posted: 13 Feb 2013 09:28 PM PST

Năm 1973, GS Hoàng Tụy có mặt tại Moscow (Nga) đúng vào dịp diễn ra Olympic Toán quốc tế (viết tắt theo tiếng Anh là IMO) lần thứ 15. Một hôm GS V. A. Skvortsov, một người bạn của GS Tụy và là thành viên ban tổ chức kỳ thi, mời ông tham gia đoàn chủ tịch buổi lễ bế mạc, trao huy chương cho các học sinh đoạt giải. Nhân cơ hội ấy, GS Tụy trao đổi ý kiến với một số vị trưởng đoàn các nước về khả năng Việt Nam dự IMO 16 sẽ tổ chức ở CHDC Ðức năm 1974. Khó khăn chính là liệu nước chủ nhà có vui lòng đài thọ chẳng những tiền ăn ở tại Ðức mà cả tiền vé máy bay đi, về. GS Tụy hỏi vị trưởng đoàn Ðức. Ông này sốt sắng tán thành. 

Trở về nước, GS Tụy báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Ðồng. Thủ tướng nói Chính phủ đồng ý nhưng dặn thêm: “Chỉ có một điều tôi đòi hỏi các anh là đừng để Việt Nam ta đứng… cuối bảng!”.


GS Lê Tuấn Hoa (

GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Ðại học và Trung học chuyên nghiệp thời ấy, là một trí thức bách khoa uyên bác, có tầm nhìn chiến lược. GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cũng là một nhà Việt Nam học nổi tiếng từ thời Pháp thuộc. Cả hai vị đều tán thành đề xuất của GS Hoàng Tụy và khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Ðồng.

Ðầu mùa hè năm 1974, đội dự tuyển quốc gia được thành lập, gồm 9 học sinh, chuẩn bị dự IMO 16. Các bạn trẻ được tập trung về tại dãy nhà lắp ghép mới xây, nóng như nung, trong sân sau trụ sở Bộ Ðại học và Trung học chuyên nghiệp ở số 9 Hai Bà Trưng – Hà Nội. Hầu hết là những học sinh lớp cuối phổ thông chuyên toán của 3 trường đại học lớn: Tổng hợp Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 1 và Sư phạm Vinh. Hoàng Lê Minh, Ðặng Hoàng Trung, Nguyễn Quốc Thắng – chuyên toán Tổng hợp; Vũ Ðình Hòa, Tạ Hồng Quảng – chuyên toán Sư phạm 1; Lê Tuấn Hoa – chuyên toán Sư phạm Vinh… Hằng ngày, những học sinh này được các thầy giáo giỏi kèm cặp ôn luyện trong vài ba tháng trước kỳ thi.

Lúc bấy giờ, tôi là phóng viên trẻ của Báo Hà Nội Mới, say mê đề tài học sinh giỏi, thường lui tới dãy nhà lắp ghép nơi đội dự tuyển tập trung để trò chuyện với các bạn sau giờ ôn luyện, khai thác tài liệu để dành viết báo.

Những năm đó, số nước dự IMO chưa nhiều cho nên đoàn học sinh mỗi nước gồm 8 người. Về sau, số nước dự thi đông hơn – chẳng hạn IMO 2012 ở Argentina lên tới 100 nước – nên mới quy định lại, rút bớt, chỉ còn 6.

Việt Nam dự IMO để thăm dò là chính, bởi thế, đội tuyển không cần đủ 8 học sinh mà chỉ chọn 5. Bốn bạn trong đội dự tuyển… bị loại! Trong đó có Lê Tuấn Hoa, người xếp… thứ 6. Sát nút. Tiếc quá!

Trước hôm đoàn học sinh ta lên đường đi Berlin (Ðức), Thủ tướng Phạm Văn Ðồng lặng lẽ tiếp đoàn tại Phủ Chủ tịch, ân cần căn dặn, rồi mời các bạn trẻ ăn phở, xem phim. Thời ấy, phở là món hiếm. Nói “lặng lẽ” bởi vì giới truyền thông không hay biết để đưa tin. Sau buổi tiếp, GS Tạ Quang Bửu nói nhỏ với tôi: "Học sinh ta rất thông minh. Chỉ cần các em bình tĩnh, tự tin là ta có thể giành giải. Nhưng nếu như lần đầu dự thi, chưa được giải thì vẫn có lợi. Ta sẽ rút được kinh nghiệm cho các năm sau".

Rồi ông mỉm cười nói thêm: “Tuy nhiên, cậu hãy chờ xem, biết đâu đấy, có thể có chuyện bất ngờ! Ta giành một tấm huy chương đồng chẳng hạn”.

Tấm huy chương đồng ấy, Bộ trưởng Bửu đặt hy vọng vào Vũ Ðình Hòa, học sinh luôn dẫn điểm trong suốt mấy tháng tập trung ôn luyện.

Kết quả thật vượt xa mong đợi. Việt Nam đoạt 4 huy chương: Hoàng Lê Minh (vàng), Vũ Ðình Hòa (bạc), Ðặng Hoàng Trung và Tạ Hồng Quảng (đồng). Nguyễn Quốc Thắng chỉ thiếu 1 điểm thì đoạt huy chương đồng.

Tôi mê say lao ngay vào viết những bài ký chân dung nóng hổi về các bạn trẻ đoạt huy chương như Hoàng Lê Minh, Vũ Ðình Hòa. Tiếc thay, từ đấy về sau, tôi không còn “ngó ngàng” gì tới những bạn khác trong đội dự tuyển bị loại vào phút chót. Lê Tuấn Hoa nằm trong số đó.

Cho đến năm 2004.

Anh Ngô Bảo Châu được tặng Giải thưởng Clay ở Mỹ. Ðể viết bài về Châu, tôi tìm gặp thân sinh của anh là GS Ngô Huy Cẩn. GS Cẩn đề nghị tôi nên hỏi chuyện thêm GS Lê Tuấn Hoa, khi ấy giữ chức phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam. Anh Hoa là người đã cùng anh Vũ Ðình Hòa dạy kèm Ngô Bảo Châu trong những năm trung học. Hơn nữa, anh Hoa lại nghiên cứu một chuyên ngành toán gần với Châu.

Giáp mặt anh Hoa rồi, tôi mới chợt nhớ ra người học trò tỉnh Thanh năm nào trong đội dự tuyển thi IMO 30 năm trước.

Anh sinh ra tại một làng quê ở tỉnh Thanh Hóa. “Nếu không có các kỳ thi học sinh giỏi thì thật khó tưởng tượng tôi có thể vượt xa lũy tre làng. Tôi nhớ hồi tôi còn nhỏ, làng quê ta còn nhiều tre lắm…” – Lê Tuấn Hoa nhớ lại.

Về những năm cấp II, anh kể: “Nghe đến thầy Tôn Thân “khét tiếng” ở Hà Nội, ai chẳng ao ước được học với thầy. Khi đó, những người tỉnh lẻ như tôi làm sao hy vọng biến niềm ao ước ấy thành sự thật!”.

Hoàng Lê Minh, Vũ Ðình Hòa và Ngô Bảo Châu sau này đều từng được học thầy Tôn Thân ở các lớp cấp II chuyên toán Trường Trưng Vương. Lên cấp III, các bạn ấy được vào học tại các khối chuyên toán của các trường đại học lớn ở thủ đô.

Phải giỏi toán lắm, một học sinh tỉnh lẻ như Lê Tuấn Hoa mới trúng tuyển vào khối chuyên toán Trường Ðại học Sư phạm Vinh. Nhưng những năm đó, trường sơ tán lên miền rừng núi. Thế mà Lê Tuấn Hoa vẫn lọt được vào đội dự tuyển quốc gia.

Suốt những năm dài sau đó, bằng cố gắng âm thầm và tài năng tiềm ẩn, Lê Tuấn Hoa lần lượt bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, rồi tiến sĩ khoa học, được Nhà nước ta công nhận phó giáo sư, rồi giáo sư. Và điều đáng quý nữa là anh không ngừng công bố nhiều công trình mới trên các tạp chí ISI, đạt chỉ số trích dẫn cao.

Chân tình, khiêm tốn, ôn hòa và cẩn trọng, anh được các bạn đồng nghiệp yêu mến, tin cậy bầu làm phó viện trưởng Viện Toán học, nhiều năm làm việc bên cạnh 2 nhà toán học nổi tiếng là Hoàng Tụy, Ngô Việt Trung. Anh còn giữ trọng trách phó chủ tịch, rồi chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, luân phiên đảm nhiệm chức chủ tịch Hội Toán học Ðông Nam Á và tham gia Hội đồng Toán học thế giới. Gần đây, GS Lê Tuấn Hoa được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (do GS Ngô Bảo Châu làm giám đốc khoa học). Quả là trời không phụ những ai bền chí. Người xưa từng nói: “Trường đồ tri mã lực” (Ðường dài mới biết ngựa hay). Ở đây, với Lê Tuấn Hoa thì: Ðường dài mới biết tài hoa!

Tôi muốn dẫn lời viện sĩ A. Markushavitch, phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô trước đây, thay cho lời kết: “Kinh nghiệm mấy chục năm tổ chức Olympic Toán ở Liên Xô cho thấy nhiều người đoạt giải về sau đã trở thành những nhà bác học lỗi lạc. Tuy nhiên, thật là sai lầm nếu tưởng rằng những ai không đoạt giải đều là những người không có khả năng trở thành thiên tài…”.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/le-tuan-hoa-tham-lang-toa-sang-696309.htm

Trường chỉ có hơn 100 học sinh

Posted: 13 Feb 2013 08:28 PM PST

Thứ năm, 14/2/2013, 07:00 GMT+7

Nằm ở đảo Trà Bản (Vân Đồn, Quảng Ninh), trường PTCS Bản Sen có cơ sở khang trang với hai khu nhà cao tầng phục vụ cho hơn 100 học sinh cấp 1, 2.
Tết trên đảo ‘mắt thần’ canh biển

Nằm giữa đảo Trà Bản, bên cạnh trạm rađa 485 là ngôi trường liên cấp 1, 2 Bản Sen khá khang trang. Khu nhà học với 10 phòng đầy đủ tiện nghi, khu nhà hiệu bộ hai tầng và dãy nhà cho giáo viên sạch sẽ tạo thuận lợi cho việc dạy và học giữa biển khơi.

Từ Vân Đồn ra làm Hiệu trưởng PTCS Bản Sen, chị Hoàng Thị Phương cho biết, trường học mới được bàn giao vào tháng 9/2012. Trước đó, trường học nơi đảo xa thuộc vùng 1 Hải quân này chỉ là những phòng học tạm bợ, lụp xụp, không cổng, không tường rào và không tên.

“Thậm chí, có lúc chúng tôi phải mượn nhà dân làm phòng học, giáo viên cũng không có khu tập thể, phải ở nhờ trong dân”, chị Phương cho hay.

Trường PTCS Bản Sen được xây dựng khang trang giữa đảo Trà Bản. Ảnh: Hoàng Thùy.

Từ khi trường mới xây xong, việc dạy và học ở xã đảo đã có nhiều thay đổi. Ngoài điểm chính ở Bản Sen, trường còn có hai phân hiệu nhỏ ở Điền Xá (cách điểm chính 15 km) và Quyết Tiến (cách điểm chính 7 km). Mỗi phân hiệu có bốn phòng dành cho học sinh tiểu học, riêng điểm trường chính có năm phòng. Toàn trường có 148 học sinh trong đó 73 em khối THCS và 75 em khối tiểu học.

Do số lượng học sinh ít nên sĩ số mỗi lớp khối THCS dao động từ 18 đến 20 em, tiểu học chỉ 5 đến 6 em, lớp 1 được nhiều nhất với 14 em. Riêng ở Điền Xá có lớp ít nhất chỉ với hai học sinh. Khi lên cấp 2, học sinh phải về học trường chính, nhiều em phải đi quãng đường gần 20 km.

“Mặc dù có chương trình bán trú dân nuôi nhưng nhà trường chưa có điều kiện thực hiện nên phát tiền cho các em tự trang trải. Nhiều học sinh ở nhờ nhà họ hàng gần trường để tiện cho việc học”, hiệu trưởng Phương nói.

Ở trường PTCS Bản Sen có 38 giáo viên trong đó 70% là từ đất liền ra đảo công tác. Giáo viên ở khu tập thể khang trang, sạch sẽ ngay sát trường. “Khó khăn nhất là đảo chưa có điện, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy cũng khó. Giáo viên muốn truy cập mạng tìm tư liệu, nghiên cứu thêm cũng không thuận lợi vì chỉ có mạng Viettel nhưng yếu”, cô Phương cho hay.

Mỗi lớp học chỉ có vài học sinh vì trẻ em trong độ tuổi đến trường trên đảo không nhiều. Ảnh: Hoàng Thùy.

Theo cô hiệu trưởng, học sinh ở đảo thiệt thòi nhiều vì không được tiếp cận với thông tin, ít được xem tivi vì trên đảo chưa có điện, phải chạy bằng máy nổ. Nếu như trong đất liền phụ huynh quan tâm đến con cái, cùng nhà trường uốn nắn con thì ở đảo cha mẹ phó mặc con cho nhà trường. Các cô ngoài dạy kiến thức còn phải là người cha, người mẹ dạy các em ứng xử, giao tiếp. Thế nên giáo viên ở đảo vẫn đùa với nhau: “Học sinh ở đây dạy thì ít mà giũa thì nhiều”.

Do đặc thù vị trí địa lý nên học sinh ở đảo Trà Bản ngoài học văn hóa còn được trang bị kiến thức về bảo vệ vùng vịnh dưới hình thức như cuộc thi rung chuông vàng, tập trung vào kiến thức biển đảo và bảo tồn thiên nhiên.

Bốn bên là biển, mỗi khi mưa to, nước suối dâng lên cao và chảy mạnh nên học sinh Bản Sen ở đảo Trà Bản không thể đến trường. Vì vậy, trường phải lên lịch học bù vào những ngày nắng ráo. “Mặc dù vậy, 90% học sinh của trường đỗ cấp 3 vào đất liền học, trong số đó khoảng 20% đỗ đại học. Nhiều học sinh cũ thành đạt quay về xây dựng quê hương, đặc biệt nhiều người quay về chính ngôi trường mình từng học để giảng dạy như cô Phạm Thị Hòa, Phạm Thị Nga (dạy văn), Phạm Thị Điểm, Hoàng Thị Điệp (dạy tiểu học)…”, hiệu trưởng Phương cho biết.

Hoàng Thùy

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/giao-duc/2013/02/truong-chi-co-hon-100-hoc-sinh/

Hết lòng vì học trò nghèo

Posted: 13 Feb 2013 07:28 PM PST

(GDTĐ)-Đồng lương ít ỏi, công việc vất vả nhưng những cô giáo vùng cao sẵn sàng sẻ chia miếng cơm, manh áo, giúp học sinh của mình thêm nghị lực, vượt khó đến trường.

Cô giáo như mẹ hiền
Cô giáo như mẹ hiền

Cô Hoàng Thị Tuyền – Trường THCS Pác Bó, Hà Quảng, Cao Bằng kể, học sinh miền núi, nhất là các xã vùng cao biên giới, vùng kinh tế chậm phát triển đa phần là con em hộ nghèo, có lớp con hộ nghèo chiếm 87%. Đặc biệt là giai đoạn khó khăn chung của đất nước, trang thiết bị phục vụ cho học tập thiếu thốn, có lúc 3-4 em chung nhau một quyển sách giáo khoa, bút mực, sách vở thiếu thốn, gia đình không có điều kiện chăm lo cho con em đi học, mùa đông rét buốt có em chỉ có một manh áo mỏng mặc đến lớp …

Thương học trò, cô Tuyền đã tìm mọi cách để giúp các em như phối hợp với giáo viên tổng phụ trách đội phát động phong trào gây quĩ "Vòng tay bạn bè", "Áo ấm tặng bạn"… Nhiều khi học sinh không có tiền nộp, phải nộp bằng vật chất như ngô, đỗ… để giáo viên mang đi bán để qui ra tiền nộp kế hoạch nhỏ. Là chủ nhiệm lớp, cô Tuyền lập danh những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trình lên chính quyền địa phương để các em được miễn giảm các khoản đóng góp, vận động các cấp các ngành như hội cha mẹ học sinh, hội Chữ thập đỏ, quĩ Bảo vệ trẻ em, quĩ Hội khuyến học… cùng vào cuộc nhằm giúp các em giảm bớt được phần nào những khó khăn trong học tập. 

Việc giúp các em bớt đi khó khăn không gian nan bằng vận vận động học sinh đi học. Cô Tuyền cho biết, các xã vùng cao biên giới hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt mà hầu như trường THCS chỉ đóng tại trung tâm xã, có nơi 2-3 xã mới có một trường THCS, nhiều nơi học sinh phải đi bộ hàng chục cây số để đến lớp. Hơn nữa từ những năm 1990 trở về trước, học sinh vùng cao thường đi học quá tuổi nên nhiều em ngại đi học. Do ảnh của phong tục tập quán, ở bộ phận dân tộc ít người như Mông, Dao… có phong tục lấy vợ, lấy chồng sớm. Có học sinh đang học lớp 7 bỏ học về nhà lấy chồng. Cô đã lặn lội hàng chục cây số và đến nhà rất nhiều lần để động viên các em đi học và kết quả là 2 vợ chồng tiếp tục đi học và ngồi chung một bàn cho đến lúc học hết THCS.

"Người dân miền núi hầu hết sống bằng nghề nông, đến mùa vụ (khoảng ra giêng và tháng hai âm lịch) học sinh thường nghỉ học dài ngày để lên rẫy phụ giúp cha mẹ, có những em sau đó không đến trường nữa. Chúng tôi đã phải đến từng nhà để thuyết phục, động viên các em đi học. Do trình độ dân trí thấp, có những phụ huynh đã phát biểu:"Chúng tôi không biết chữ, trồng cây ngô nó cũng mọc, cần gì phải đi học, để nó ở nhà giúp bố mẹ làm việc thôi"… – cô Tuyền kể lại.

Cô Hoàng Thị Tuyền. Ảnh: gdtd.vnCô Hoàng Thị Tuyền. Ảnh: gdtd.vn

Trường THPT Nguyên Bình nằm trên quốc lộ 34 đi từ Cao Bằng qua Nguyên Bình đến Bảo Lạc, Bảo Lâm. Trong tổng số học sinh của trường có trên 70% học sinh chủ yếu là con em dân tộc thiểu số (Mông, Dao, Lô Lô, Sán Chỉ) sống ở vùng sâu vùng xa của huyện Nguyên Bình, đời sống của người dân nơi đây rất nhiều khó khăn. Đa số học sinh thuộc hộ nghèo cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ ấm phải ra trọ học trong các túp lều dựng tạm quanh trường. Những lần đi thăm khu trọ, tận mắt chứng kiến bữa ăn rất đạm bạc của các em món ăn chính là ngô bung, thức ăn là muối và canh rau cải, trời mưa rét mà các em chỉ có dép tổ ong, nhiều em không có áo ấm để để mặc nhưng các em vẫn đến lớp đúng giờ, vẫn say mê học tập, cô giáo Lê Thị Thía xúc động vô cùng.

Là cô giáo, đồng thời là Chủ tịch công đoàn Trường THPT Nguyên Bình (Nguyên Bình, Cao Bằng), cô Thía đã phối hợp với BGH nhà trường phát động phong trào tương thân, tương ái, kêu gọi quyên góp gạo, tiền và áo ấm hỗ trợ các em học trò nghèo. Và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã ủng hộ mỗi tháng 15 kg gạo và 120.000đ cho 2 em học sinh nghèo trong 3 năm học tại trường. Trong năm học 2011- 2012, mỗi tháng nhà trường góp được trên 200 kg gạo từ các học sinh có điều kiện thuận lợi hơn và thầy cô giáo để ủng hộ cho 15 em học sinh nghèo của 15 lớp. Bản thân cô Thía cùng học sinh lớp 11A đã ủng hộ em Triệu Tòn Ghển – học sinh lớp 11B số tiền 670.000 đồng và 10 kg gạo.

Năm học vừa qua, trường THPT Nguyên Bình có tới 150 học sinh thuộc hộ nghèo trong số đó có hai anh em Triệu A Ghến nhà cách trường gần 6 cây số, bố mẹ chỉ làm rẫy trồng ngô, nhà đông anh em nên em không có điều kiện đi ở trọ mà phải đi bộ đến trường. Thấy em đi lại vất vả cô Thía đã phối hợp với BGH trình lên hội khuyến học UBND huyện xin hỗ trợ được 1.000.000đ, kết hợp với hội khuyến học của trường mua tặng Ghến một chiếc xe đạp.

"Nhờ những đóng góp đó mà nhiều em học sinh đã vươn lên trong học tập. Như em Triệu Tòn Chàn lớp 12D thi đỗ vàoT ĐH Luật; em Nguyễn Thị Quỳnh học sinh nghèo lớp 12A thi đỗ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với 22,5 điểm; nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp cụm các môn văn hoá…" – Cô Thía cho hay.

Là quản lý Trường PTDT bán trú THCS Quảng Đức, Hải Hà, Quảng Ninh, một ngôi trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135 của huyện, cô Nguyễn Thị Lan cho biết khó khăn lớn nhất các thầy cô giáo nơi đây phải đối mặt là công tác duy trì sĩ số. Những năm học trước, tỷ lệ học sinh bỏ học tương đối cao, nhà trường phối hợp với lãnh đạo địa phương và đã tìm một số biện pháp khắc phục xong hiệu quả chưa cao. Trăn trở trước câu hỏi, làm thế nào để học sinh, phụ  huynh học sinh nhận thức được việc chuyên cần đến trường? Cô Lan đã tìm ra câu trả lời: Muốn có học sinh phải biết học sinh, nghĩa là phải biết hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, học tập của các tại gia đình để có biện pháp tuyên truyền, vận động học sinh phù hợp.

Cô Lan kể lại:Trong quá trình khảo sát điều tra, vận động đầu năm học, trường đã nắm được số học sinh cư trú tại các bản có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng tham gia chuyên cần đều và có ý định bỏ học. Trường đã có biện pháp động viên kịp thời bằng các hình thức hỗ trợ vật chất cho các em đảm bảo “3 đủ” không để học sinh nghỉ lâu vì nếu nghỉ lâu sẽ ngại đi học, dẫn đến bỏ học. Ngoài việc Xây dựng thông tin giữa gia đình và nhà trường, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm để cùng có trách nhiệm về tình hình học sinh của lớp, những học sinh bản xa không có phương tiện đi lại trường cử giáo viên đón vào đầu tuần và cuối tuần.
        
"Quá trình tuyên truyền vận động từ lời nói, cử chỉ, hành vi của người giáo viên  phải thực sự thể hiện được sự chân thành, chia sẻ, tận tâm hết lòng vì học sinh và đồng cảm với hoàn cảnh điều kiện của học sinh, tạo sự tin tưởng đối với phụ huynh và học sinh. Từ đó phụ huynh tin và phối hợp cùng nhà trường trong việc tạo điều kiện cho học sinh ra lớp. Tránh cách tuyên truyền vận động khô cứng, dùng lời nói thiếu thiện cảm, thiếu sự thuyết phục. Đối với học sinh có biểu hiện muốn bỏ học cần báo cáo kịp thời với lãnh đạo xã, lãnh đạo phòng GDĐT để nhận sự chỉ đạo đúng đắn và kịp thời. Phải thường xuyên phối kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động học sinh, tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo" – Cô Lan chia sẻ.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201302/Het-long-vi-hoc-tro-ngheo-1966949/

Comments