Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Chùm ảnh: Học sinh miền núi học trong ánh sáng tù mù

Posted: 06 Jan 2013 09:43 PM PST


Thào A Nua, học sinh lớp 8A, trường PTCS Háng Đồng (Xã Háng Đồng, Bắc Yên, Sơn La) do nhà xa nên phải dựng chòi gỗ ở cạnh trường. Không có điện, thời tiết mùa đông mau tối, chiếc đèn pin trở nên vật không thể thiếu trong sinh hoạt buổi tối của Nua cũng như các bạn.
 


Chỉ khi cần thiết chiếc đèn pin mới được bật để làm sao 2 viên pin tiểu dùng vừa vặn trong 1 tuần.
 


Hai học trò lớp 3 ở chung một chòi khác cũng chuẩn bị bữa cơm với chiếc đèn pin thông dụng.
 


Chiếc đèn tích hợp trên điện thoại di động trở nên hữu dụng với các trò nhỏ nhà ở bản Chống Cha cách trường 3 giờ đi bộ.
 


Một bữa cơm được nấu dưới ánh đèn từ điện thoại di động.
 


Cũng như mọi học trò ở đây, Mùa A Cua, học sinh lớp 5B luôn ôn bài buổi tối bằng chiếc đèn pin chỉ soi đủ ánh sáng vừa cho một cuốn vở.
 


Mùa đông ở Háng Đồng đến 8 giờ sáng trời vẫn tối do sương mù dày đặc, học sinh phải soi đèn mới có thể nhìn được mặt chữ khi ôn bài trước khi đến lớp.
 


Học trò ở trường TH và THCS Tà Xi Láng (Trạm Tấu – Yên Bái) cũng đều phải dùng đèn pin soi khi học bài do nơi đây cũng chưa có điện. Trong ảnh là học sinh lớp 7 Sùng A Dơ đang tranh thủ ôn bài buổi tối.
 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chum-anh-Hoc-sinh-mien-nui-hoc-trong-anh-sang-tu-mu/266251.gd

Đau đáu một chính sách riêng

Posted: 06 Jan 2013 09:42 PM PST

- Góp kiến cho diễn đàn giáo dục 2013 – độc giả Phạm Hữu Khương cho rằng, để giáo dục không giả dối, người thầy có đủ trí lực và toàn tâm với sự nghiệp ‘trồng người’ thì phải xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho nghề dạy học.

 

 

Ảnh minh họa (Tuổi Trẻ)

Nghề vinh hạnh…

Khi bước chân vào giảng đường trường Sư phạm – những giáo viên tương lai có nhiệm vụ và mục tiêu học tập, rèn luyện, cập nhật lĩnh hội cho được nhiều kiến thức khoa học về môn học… để làm tài sản và hành trang khi tốt nghiệp ra trường đi dạy học.

Và khi làm giáo viên dạy học cho đến lúc về hưu, cũng chỉ có một mục tiêu là làm thế nào để truyền thụ kiến thức (cả về kiến thức khoa học và tình cảm, đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống) cho học sinh để cùng với nhà trường, gia đình và xã hội giáo dục các em trở thành những con ngoan, trò giỏi, chủ nhân tương lai của đất nước và là những con người có ích cho xã hội. Và đó là niềm vinh hạnh lớn lao của nghề dạy học.

Làm điều tưởng chừng như đơn giản ấy người thầy giáo luôn có một tôn chỉ là đọc, nghiên cứu, cập nhật cho thật nhiều kiến thức để không bị lạc hậu và phải nghĩ ra cho được cách nào (PPDH) hay nhất để chuyển tải, hướng dẫn đến học sinh của mình và luôn luôn sống thật mẫu mực, đứng thẳng, đứng vững trong guồng quay của phát triển và xã hội để học sinh tin yêu và noi theo, đó là nghề dạy học.

Trong đầu mỗi người thầy giáo không có chút tính toán, hoạch toán kinh tế nào bằng tiền bạc đối với nghề dạy học; có chăng "lợi nhuận" thu về là niềm hạnh phúc, vinh hạnh khi học trò giỏi giang, thành đạt, là công dân tốt và nỗi buồn, trăn trở, mái đầu thêm bạc khi có học trò chưa ngoan.

…Nhiều áp lực

Có thể nói rằng, đối với người làm nghề giáo dục chỉ trừ khi ngủ, còn lại luôn chịu áp lực của xã hội về mọi khía cạnh của cuộc sống và cả không gian, thời gian. Những áp lực căn bản, đó là:

Tính mẫu mực về nhân cách và chính xác, sâu sắc về kiến thức. Người thầy giáo khi đến trường (đúng hơn là khi bước chân ra khỏi nhà) phải thể hiện sự mẫu mực (từ tác phong, cử chỉ, thái độ,…đến hành vi).

Trên bục giảng, ngoài sự mẫu mực đó ra về kiến thức môn học cần truyền thụ phải thực sự sâu sắc, nhuyễn mới vững vàng trong giảng dạy và đưa ra được phương pháp hay để dạy, muốn vậy người thầy giáo phải là những người luôn tự học, đọc, nghiên cứu cập nhật kiến thức để không lạc hậu.

Trăn trở nhất của người thầy giáo là học trò hỏi mà thầy không có hoặc không đủ, không chắc kiến thức môn mình dạy để giải đáp, giúp các em hiểu và thích thú vì được sáng tỏ vấn đề đã hỏi và điều đau khổ nữa là học trò không tin, nghi ngờ về nhân cách của thầy giáo có điều gì đó "giả dối"; tin tưởng, noi gương, bắt chước theo là một trong những ảnh hưởng rất mạnh đến hình thành nhân cách của tuổi học trò.

Nói như vậy, thì những người không làm trong ngành giáo dục có chịu áp lực này không? Có chứ, nhưng không đòi hỏi như người thầy giáo vì đối tượng của nghề dạy học là học sinh.

Thầy giáo không thể nói dối, nói không đúng sự thật, nói một đàng làm một nẻo. Đây cũng là một áp lực lớn với người thầy giáo mà những người làm ở ngành khác họ có thể làm và không chịu áp lực này (ngành kinh tế nói dối để đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế người ta vẫn làm hoặc nói như vậy nhưng chưa hẳn đã làm như thế,…

Nhưng thầy giáo thì không thể vì như thế là gieo vào trong nhân cách của các em sự sống không trung thực, giả dối và cao hơn nữa là làm thui chột lòng nhân ái,… Rất nhiều vụ việc đắng cay từ chuyện này (Thầy dạy chúng em là phải biết lễ độ, lễ phép nhưng chính thầy giáo lại gây ra bạo hành trong gia đình. Thầy dạy chúng em phải trung thực nhưng điểm thầy chấm chưa phản ánh sự trung thực và còn thể hiện phân biệt đối xử trong giáo dục học sinh,…).

Phải có chính sách riêng?

Thầy giáo phải "đứng vững" trước những mặt trái của cơ chế thị trường, của xã hội. Thầy giáo để thực hiện được nhiệm vụ truyền thụ kiến thức khoa học, hình thành nhân cách cho học sinh (giáo dục toàn diện).

Rất nhiều vụ việc cay đắng trong chuyện này, với thầy giáo một lần không đứng vững, một vết hoen ố về nhân cách sẽ gần như là mãi mãi không còn đứng được trong nghề dạy học. Đây thực sự là một áp lực lớn riêng đối với nghề dạy học.

Cuộc sống riêng tư của thầy giáo (gia đình, con cái quan hệ xã hội nơi cư trú,…) cũng là những áp lực rất tất yếu, rất đặc trưng của nghề dạy học, mang tính đòi hỏi của xã hội. Và còn nhiều áp lực khác nữa….

Như vậy để những áp lực trên mà thực chất là một sự đòi hỏi của xã hội đối với người thầy giáo và nghề dạy học thì tất yếu phải xây dựng chính sách riêng, đặc thù cho nghề dạy học để mỗi một giáo viên có đủ trí lực và vật lực toàn tâm toàn ý cho việc giáo dục con người.

Khi còn sống, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về nghề dạy học: "Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Vậy, làm chính sách cho giáo dục cũng phải thể hiện được tinh thần ấy.

  • Phạm Hữu Khương

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/103428/dau-dau-mot-chinh-sach-rieng.html

Thầy và trò bị siết trong vòng kim cô thi cử

Posted: 06 Jan 2013 09:42 PM PST

Học thuộc văn mẫu thay vì đọc hiểu tác phẩm văn học

Như đã phản ánh, tại hội thảo khoa học quốc gia về dạy học môn Ngữ Văn được tổ chức ở Huế trong hai ngày 5 và 6/1, các chuyên gia đã nhận định chương trình môn văn hiện hành đã tiếp cận được tư tưởng mới là đọc – hiểu nhưng trên thực tế điều này không xuống được các trường phổ thông.


Học sinh đang phải đọc văn bản văn học qua người khác. (Ảnh: Hồng Vĩnh)

Trao đổi trên các diễn đàn chính thức và phi chính thức, GS Trần Đình Sử, người phụ trách nhóm biên soạn chương trình môn Ngữ văn cấp THPT nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng khởi điểm của môn văn là dạy học sinh đọc hiểu trực tiếp văn bản văn học của nhà văn.

"Nếu học sinh không trực tiếp đọc các văn bản ấy, không hiểu được văn bản thì coi như mọi yêu cầu, mục tiêu cao đẹp của môn văn chỉ là nói suông, khó với tới, đừng nói gì tới tình yêu văn học", GS Trần Đình Sử nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo nhiều học giả, trên thực tế hoạt động dạy học môn văn trong trường phổ thông, học sinh không được trực tiếp đọc văn bản văn học mà là "đọc" qua người khác. Hiện tượng này các nhà chuyên môn gọi là đọc "thế bản" thay vì đọc văn bản của nhà văn.

"Văn bản quan trọng nhất mà học sinh phải/bị học không phải là văn bản tác phẩm mà là bài giảng của thầy, là văn bản các bài phân tích, bình giảng về tác phẩm đó", PGS TS Lưu Khánh Thơ, Viện Văn học nhận xét.

Cũng theo bà Thơ, điều này khiến cho học sinh chỉ biết tiếp thu một cách thụ động, mất dần kỹ năng đọc hiểu văn bản, thiếu năng lực đọc một cách sáng tạo trong khi môn văn là môn học của sự sáng tạo.

Thực tế này được cô Dương Phương Hồng, giáo viên Trường THPT Lê Trực, Kiên Giang xác nhận. Cô Hồng cho biết, các giáo viên được hướng dẫn là phải đổi mới phương pháp dạy học để phát huy tính tích cực của học sinh.

Các câu hỏi trong phần hướng dẫn học bài của SGK là những công cụ giúp giáo viên phát huy tính tích cực này. "Nhưng trên thị trường sách có quá nhiều sách học tốt môn Ngữ văn trả lời sẵn các câu hỏi đó. Vì thế khi được hỏi các em đã trả lời đúng y sì trong các sách hướng dẫn đó. Lớp có 40 em thì có 40 câu trả lời giống nhau", cô Hồng chia sẻ.

Cũng theo cô Hồng, dù trong suốt năm học nhiều giáo viên cũng có ý thức đổi mới phương pháp dạy học nhưng cứ đến kỳ ôn thi lại phải trở về cách nhồi nhét truyền thống để đạt mục tiêu làm sao giúp học sinh đạt ít nhất được 5 điểm trong kỳ thi.

Cần điều chỉnh cách thi ngay

Thầy Nguyễn Hữu Quyền, chuyên viên phụ trách môn văn Sở GDĐT Nghệ An cho rằng, một khi chưa bàn bạc thấu đáo chuyện vì sao học sinh không chịu học văn thì mọi bàn bạc về việc thay đổi nội dung chương trình – SGK là vô nghĩa.

"Với cách thi cử như hiện nay chúng tôi như ở trong cái bị có buộc nút bên trên, dù múa may quay cuồng kiểu gì thì vẫn chỉ trong cái bị đó", thầy Quyền nói.

 

 Còn thầy Nguyễn Công Lư, chuyên viên môn văn, Sở GD Nam Định thì cho rằng giáo dục nói chung và dạy học môn văn nói riêng đang bị vòng kim cô thi cử siết chặt. Cô Bùi Thị Kim Duyên, giáo viên văn Trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diệu, Đồng Tháp bày tỏ: "Chúng tôi tha thiết mong Bộ GDĐT thay đổi cách thi cử để tác động ngược trở lại cách dạy của giáo viên vì một thực tế không thể phủ nhận là thi thế nào thì giáo viên bị ràng buộc như thế".

PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam, Khoa Sư phạm, ĐH Cần Thơ cho rằng với cách thi cử, đánh giá như hiện nay thì học sinh chỉ có một cách hiểu duy nhất với những tác phẩm được giảng dạy trong trường phổ thông, vì vậy các em chán học văn là tất yếu.

Từ đó hình thành nên những lớp học sinh chỉ biết "ăn theo nói leo", không bao giờ được nói lên suy nghĩ thật của mình mà chỉ nói theo thầy cô, theo các bài văn mẫu.

"Cách đánh giá căn cứ vào đáp án cho từng đề thi như hiện nay không khác gì lấy "ni chân" của người ra đề để đo cho tất cả các học sinh, vì thế không có cơ hội cho các em sáng tạo, tự do thể hiện ý tưởng của mình", PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Nam nói.

Đại diện cho tiểu ban thảo luận về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá trong hội thảo, GS Phan Trọng Luận cũng nhận xét khâu kiểm tra đánh giá hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu khách quan, chính xác, công bằng.

Đánh giá chủ yếu vẫn là tái hiện kiến thức, chưa quan tâm lắm đến sự vận dụng kiến thức, chưa nói là sáng tạo kiến thức. Quy trình kiểm tra đánh giá chưa tuân thủ được đầy đủ, hình thức kiểm tra đánh giá còn đơn điệu, công cụ kiểm tra đánh giá còn lạc hậu.

"Dứt khoát hạn chế lối kiểm tra học tác phẩm nào ra đề đúng vào tác phẩm ấy. Đề mở có thể là mở về phạm vi tư liệu, về phương thức trình bày, về chính kiến quan điểm. Việc đánh giá bài làm của học sinh theo đề mở cần chú ý khả năng vận dụng kiến thức, khả năng tự biện luận để thể hiện quan điểm cá nhân, khả năng diễn đạt để thể hiện ý kiến của từng người. Đổi mới kiểm tra đánh giá trong môn Ngữ Văn cần được áp dụng ngay, áp dụng trực tiếp vào chương trình – SGK hiện hành", GS Phan Trọng Luận đề xuất.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thay-va-tro-bi-siet-trong-vong-kim-co-thi-cu-682109.htm

Chuyên gia Pháp ‘chấm điểm’ nền Toán học Việt

Posted: 06 Jan 2013 09:40 PM PST

Bên lề hội thảo quốc tế Pháp – Việt về Didactic Toán học – PGS.TS Hamid Chaachoua, Viện Nghiên cứu LIG, ĐH Grenoble 1 – Pháp nói: ‘Tôi thấy một học sinh THPT ở Việt Nam muốn thành công về môn Toán đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều, thậm chí nhiều hơn những học sinh học THPT ở Pháp”.

Học sinh phải cố gắng nhiều 

- Thưa ông, là người nghiên cứu khá kĩ về nền giáo dục Việt Nam cũng như từng hướng dẫn cho nhiều nghiên cứu sinh của Việt Nam ở Pháp, ông đánh giá như thế nào về ngành khoa học Toán học của Việt Nam?
Tôi biết đến nền Toán học Việt Nam thông qua những luận án tiến sĩ do tôi trực tiếp hướng dẫn ở Pháp. Đặc biệt có những luận án nghiên cứu, so sánh rất kĩ những vấn đề khác nhau rất quan trọng của việc dạy Toán ở Pháp và Việt Nam. Nhưng cần lưu ý rằng, mục tiêu của luận án này không phải để so sánh rằng hệ thống giáo dục nước nào tốt hơn mà nghiên cứu sự khác nhau giữa hai hệ thống giáo dục để thấy rõ sự vận hành của từng hệ thống.
Trên quan điểm của một nhà Toán học, tôi thấy giáo dục Toán học ở Việt Nam là một nền giáo dục rất xuất sắc nếu xét về nội dung Toán học được dạy ở các trường phổ thông.
Tuy nhiên, tôi đặt ra những câu hỏi rằng, cái trục chính của việc giảng dạy Toán học này là gì và học sinh có gặp khó khăn trong việc hiểu những khái niệm toán học hay không? Từ nội dung giảng dạy Toán học ở phổ thông đến nội dung giảng dạy toán ở ĐH cũng như cách thức đặt ra việc giảng dạy những nội dung đó như thế nào?
Tôi thấy một học sinh THPT ở Việt Nam muốn thành công về môn Toán đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều, thậm chí nhiều hơn những học sinh học THPT ở Pháp. Nhưng một vấn đề nữa được đặt ra, những học sinh cực về giỏi toán ở phổ thông sau này sẽ trở thành những người như thế nào trong việc trừu tượng hóa Toán học và nghiên cứu Toán học?
Như vậy, vấn đề không phải là những em ấy sẽ làm cái gì? Ở nước nào? Làm ở đâu? Mà Việt Nam cần phải quan tâm là giảng dạy những vấn đề trừu tượng đó để làm gì và ưu tiên cái đó để phục vụ mục đích gì?

PGS.TS Hamid Chaachoua, Viện Nghiên cứu LIG, ĐH Grenoble 1 – Pháp
- Nếu xét ở lĩnh vực Toán học, có thể nói đây là một ngành khoa học mà Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, ông có hiến kế gì cho sự phát triển ngành Toán học ở Việt Nam phát triển hơn? 
Nếu nhìn nhận ở quan điểm giáo dục là đào tạo ra những công dân tương lai thì có rất ít học sinh THPT đi vào ngành Toán. Vì vậy các bạn đừng bao giờ nghĩ rằng, dạy học môn Toán ở phổ thông là để đào tạo ra những nhà toán học tương lai cho đất nước. Đó không phải là mục đích chủ yếu để đào tạo Toán học.
Vì vậy, việc trước tiên chúng ta phải nghĩ tới việc dạy Toán ở THPT là đào tạo ra những công dân tương lai, sau đó là đào tạo những con người có khả năng lập luận trong mọi tình huống, hoàn cảnh, có thể hoàn thành nhiệm vụ trong xã hội. Nhưng điều đó không có nghĩa là giữ quan điểm thực dụng: dạy Toán học với những cái gì có lợi mà phải giữ một sự thăng bằng giữa cái trừu tượng và tính thực dụng của toán học.
Cần phải xem môn Toán ở phổ thông như một môn học đặc thù về cách tư duy, cách đặt câu hỏi, phản biện và đặc biệt là giữ lại cách lập luận khoa học đó để phục vụ cho các môn học khác như Vật lý, Hóa học…như là một công cụ.
Đất nước Việt Nam có nhiều nhà khoa học nổi tiếng, có những nhà khoa học đang làm việc và cống hiến cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có nước Pháp. Vì vậy một câu trả lời chung và có giá trị phổ quát cho tất cả mọi nước là phải có những điều kiện về nghiên cứu tốt, cần có điều kiện vật chất, tài chính…phục vụ cho nghiên cứu khoa học.
Phải quan tâm đào tạo giáo viên
- Trong bài nghiên cứu của mình, ông có đề cập đến vấn đề dạy học tích hợp công nghệ thông tin trong Toán học. Ở Việt Nam, đó là nội dung được Bộ GD-ĐT dự kiến đưa vào chương trình SGK phổ thông từ năm 2015. Có nhiều nhà nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam cũng cho rằng Việt Nam có thể vận dụng chương trình dạy học tích hợp và phân hóa trong nền giáo dục của Pháp. Trên quan điểm cá nhân ông có suy nghĩ như thế nào? 
Tôi nghĩ rằng không phải những cái gì thực hiện được ở nước này, cũng sẽ chuyển sang và thực hiện được một cách máy móc ở nước khác. Việt Nam cần xây dựng chương trình, nội dung của mình dựa trên nền tảng mà Việt Nam đã có và dựa trên những điều kiện thực tế về cơ sở vật chất ở đất nước các bạn.
Nhưng bù lại Việt Nam có thể tiến hành thí điểm hoặc thực nghiệm để xác định rõ ràng những ràng buộc mà Việt Nam đang đặt ra cho vấn đề tích hợp trong giáo dục, cũng như tích hợp công nghệ thông tin trong toán học nói riêng. Xuất phát từ việc phân tích những ràng buộc này các bạn có thể suy nghĩ lại một lần nữa về những đặc thù mà những chuyên gia đã đề nghị để rút ra những cái phù hợp nhất.
Một điểm quan trọng nhất mà tôi muốn đề nghị là các bạn phải thực sự quan tâm đến việc đào tạo giáo viên. Và điểm thứ hai là nghiên cứu lại nội dung chương trình giảng dạy có phù hợp hay không.
- Thưa ông, như vậy trong vấn đề dạy học tích hợp hay phân hóa, vai trò của người giáo viên là quan trọng nhất?
Đúng vậy, vai trò của giáo viên rất quan trọng trong vấn đề dạy học tích hợp hay dạy học phân hóa. Trước đây người ta nghĩ rằng giáo viên chỉ dẫn học sinh đến phòng máy rồi ra ngoài, bỏ lại học sinh tự xoay xở với những chiếc máy. Nhưng người giáo viên phải giữ đúng vai trò của mình ở chỗ họ là những người kết nối giữa học sinh với tri thức mà người thầy muốn truyền thụ.
Máy tính là một công cụ phức tạp vì vậy giáo viên phải biết lựa chọn những cái gì mà ông ta nên để lại trong máy, còn cái nào mà ông ta sẽ rút đi. Có nghĩa người giáo viên phải làm những công cụ của máy tính trở thành hữu hình khi trước đó nó là vô hình.
- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuyen-gia-Phap-cham-diem-nen-Toan-hoc-Viet/266266.gd

Đổi mới dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông-những kỳ vọng, cơ hội và thách thức

Posted: 06 Jan 2013 09:38 PM PST

(GDTĐ) – Là một trong những môn học có vị trí và tầm quan trọng số một ở nhà trường phổ thông, ngoài chức năng công cụ, môn Ngữ văn còn góp phần rất lớn hình thành và phát triển các năng lực chung cũng như góp phần bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm và các phẩm chất cao đẹp của người học. Chính vì thế không có bất cứ nước nào coi nhẹ chương trình môn học này! Tuy vậy, làm thế nào để môn học Ngữ văn xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng của nó, thực sự là một thách thức lớn mà vai trò quyết định thuộc về các nhà giáo, các tác giả xây dựng chương trình và biên soạn SGK"-Cách đặt vấn đề của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cũng là mối quan tâm của hầu hết các đại biểu tham dự Hội thảo Khoa học Quốc gia dạy và học môn Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam (trong 2 ngày 5-6/1/2013, tại Hội trường Trường ĐH Sư phạm Huế-như Báo Giáo dục và Thời đại đã đưa tin) .

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, GS Trần Đình Sử, GS Phan Trọng Luận, GS Nguyễn Minh Thuyết đồng chủ trì phần thảo luận chung tại Hội trường
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, GS Trần Đình Sử, GS Phan Trọng Luận, GS Nguyễn Minh Thuyết đồng chủ trì phần thảo luận chung tại Hội trường

Những hạn chế, bất cập cần phải xem xét và thay đổi

Nhận xét tổng quát về việc dạy học Ngữ văn hiện hành, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho rằng: có 2 cách tiếp cận trong việc dạy học Ngữ văn hiện hành: Một là so với mục tiêu ban đầu để chỉ ra cái được và chưa được. Những cái chưa được gọi là hạn chế, nhược điểm. Hai là so với yêu cầu của đất nước trong giai đoạn mới và xu thế hiện đại của quốc tế để nhận xét và đánh giá. Những gì môn Ngữ văn hiện hành chưa đáp ứng được là những bất cập, không phải là nhược điểm. Việc nêu lên những gì chưa được nhằm hướng đến khắc phục chứ không phải là sự phủ định. Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, tính từ thời điểm ban hành Chương trình tiểu học, đến nay, CTGDPT đã được thực hiện tròn 11 năm. Đánh giá CCGDPT là việc làm cấp thiết để bắt tay vào xây dựng CT mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GDVN.  PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chỉ ra những bất cập trong cấu trúc "kinh điển" của mục tiêu GD phổ thông hiện nay so với yêu cầu và xu thế mới đã bất cập: Thứ nhất,việc cung cấp kiến thức được coi là mục tiêu số một cho thấy chương trình tập trung nhấn mạnh kiến thức chứ không phải kỹ năng, năng lực. Thứ hai:các khái niệm "cơ bản, hiện đại" và nhất là tính hệ thống về ngôn ngữ và văn học đã tạo điều kiện cho các tác giả chương trình và SGK nghiêng về trang bị kiến thức mang tính hàn lâm và xây dựng môn Ngữ văn trong nhà trường tương ứng với toàn bộ khoa học Ngữ văn. Chương trình Ngữ văn hiện hành được xây dựng theo nguyên tắc tích hợp nhưng nhìn chung nhiều bài chất lượng, hiệu quả chưa cao, nhất là tích hợp ở THPT. Việc thực hiện phân hóa vi mô chủ yếu phụ thuộc vào GV trên lớp trong mỗi tiết học nên rất khó đánh giá. Tính chất phân hóa vĩ mô còn thể hiện trên hình thức…

Về PP dạy và học Ngữ văn, tư tưởng và PP đọc hiểu mới dừng lại ở nhận thức là chính. Trong thực tế, dạy và học tư tưởng vừa nêu chưa được hiện thực hóa một cách toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Hạn chế lớn nhất trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập là chưa đánh giá đúng được sự vận dụng kiến thức một cách sáng tạo. Đề thi Ngữ văn chủ yếu vẫn là kiểm tra kiến thức, trí nhớ, tái hiện, làm theo, chép lại…Cũng nêu lên những hạn chế như vậy, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết còn chỉ ra một số hạn chế khác như mức độ đáp ứng yêu cầu " phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo" của chương trình SGK phổ thông chưa cao, một số nội dung dạy học còn cao đối với khả năng tiếp thu của HS, nhất là HS nông thôn, miền núi…Thời lượng dành cho một số nội dung học tập chưa hợp lý. Hầu hết tác phẩm dạy trong SGK THCS, THPT tuy có vị trí trong lịch sử văn học nhưng đã ra đời từ gẫn nửa thế kỷ, cho đến vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, không còn phù hợp với tâm lý và xu hướng đọc sách của HS hiện nay.

Liên quan đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho GV, GS.NGND Phan Trọng Luận báo động về đội ngũ GV Ngữ văn trong nước vừa thiếu, vừa yếu. Xu hướng cắt bớt thời gian ở bộ môn phương pháp xuất phát từ nhận thức không đúng về vai trò nghiệp vụ sư phạm trong trường dạy nghề; uy tín khoa học và nghiệp vụ của các giảng viên PP và hiệu quả hoạt động nghiệp vụ không có sức thuyết phục. Ngoài trăn trở về vấn đề quy hoạch đào tạo, làm vị thể của các trường sư phạm bị thu hẹp trước xu thế mở rộng chung, dẫn đến số lượng áp đảo chất lượng mà GS.NGND Phan Trọng Luận đã nêu, GS. NGND Trần Đình Sử còn nêu lên nhiều vấn đề nổi cộm khác ở nhiều phương diện. đặc biệt, với "thâm niên" của một nhà giáo giàu kinh nghiệm bồi dưỡng PP giảng dạy cho GV trong nhiều năm, ông nêu lên những hạn chế "cốt lõi": Ít chú trọng thực hành, thực tập sư phạm; cách dạy, cách học ít chú trọng sáng tạo, thiên về thuộc kiến thức chuẩn; cái gọi là "giảng văn" và "văn mẫu" còn ngự trị quá lâu trong nhà trường; việc đào tạo GV tự khép kín trong khoa, hiếm giao lưu giảng dạy giữa các trường với nhau, bồi dưỡng GV chưa đáp ứng nhu cầu dạy học…

Hội thảo đã quy tụ được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các  GS đầu ngành, các nhà quản lý chuyên môn, các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp
Hội thảo đã quy tụ được nhiều ý kiến đóng góp hữu ích của các GS đầu ngành, các nhà quản lý chuyên môn, các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp

Điều chỉnh có hiệu quả việc dạy học Ngữ văn trong bối cảnh và yêu cầu mới   

Liên tục 3 buổi diễn ra Hội thảo, từ phần trình bày các báo cáo tham luận, phần thảo luận của các tiểu ban đến phần phát biểu ngay tại hội trường, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham gia tích cực, có chất lượng, đầy tâm huyết của các nhà khoa học, quản lý chuyên môn, các thầy cô giáo trực tiếp đứng lớp.

Chủ trì phần thảo luận của Tiểu ban 1 về đánh giá chương trình, SGK hiện hành và đề xuất xây dựng chương trình, biên soạn SGK, tài liệu dạy học môn Ngữ Văn thực hiện đổi mới GDPT sau 2015, GS.NGND Nguyễn Minh Thuyết đã sơ kết 5 vấn đề chính, trong đó, có việc đưa ra các phương án khác nhau về tên gọi của môn học và đi đến thống nhất việc đặt tên là Ngữ văn. Một số báo cáo khẳng định tính tích hợp cao của môn Ngữ văn; môn tiếng Việt có tính công cụ giúp HS có được phương tiện học tập, sinh hoạt có hiệu quả trong đời sống; Văn học là công cụ cho HS chiếm lĩnh tác phẩm, có tính GD cao về tư tưởng, tình cảm, thẩm mỹ. Các đại biểu đều tán thành việc xây dựng chương trình Ngữ văn với định hướng khác biệt, phát triển chương trình theo định hướng năng lực, "Dạy Ngữ văn sao cho học sinh biết đau trước nỗi đau của nhân loại, biết vui, buồn, khóc cười cùng đồng loại". Việc lưu ý đảm bảo mối quan hệ giữa ổn định và phát triển, đảm bảo tính kế thừa và phát triển; tăng cường tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội; đổi mới CT, SGK phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá, gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng GV của các trường SP-một loạt ý kiến đề xuất rất thiết thực của các đại biểu ở Tiểu ban 1.

Với sự chủ trì thảo luận của GS.NGND Phan Trọng Luận, các đại biểu ở Tiểu ban 2-PP dạy học và kiểm tra, đánh giá, cũng nhìn nhận một cách khách quan những ưu điểm cũng như những mặt còn hạn chế về PP dạy học Ngữ văn lâu nay, từ đó đưa ra những đề xuất: Chú trọng hơn nữa PP tự học cho HS, khả năng hợp tác, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức hoạt động học tập, xây dựng môi trường học tập tích cực, tương tác, thể hiện rõ đặc trưng bộ môn; tạo động lực học tập Ngữ văn cho HS, giúp HS thực sự hứng thú, say mê với môn học; sử dụng PP để giúp HS rèn luyện các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, hình thành năng lực giao tiếp, trong đó bao gồm cả giao tiếp đời sống và giao tiếp và nghệ thuật; tăng cường ứng dụng CNTT vào dạy học Ngữ văn; mở rộng nghiên cứu và chắt lọc những kinh nghiệm quốc tế vào dạy học và kiểm tra, đánh giá Ngữ văn…

Tại Tiểu ban 3-Về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, GS.NGND Trần Đình Sử cũng khơi gợi được khá nhiều ý kiến của các đại biểu đánh giá về chất lượng đào tạo cũng như thực trạng đào tạo GV trong thời gian qua, từ đó bàn bạc nhiều giải pháp cụ thể để khắc phục hạn chế, từ sự thống nhất về khung chương trình, đào tạo GV theo hướng chuẩn nghề nghiệp, đổi mới quy trình, PP đào tạo, sự hợp tác, sẻ chia, trao đổi kinh nghiệm đào tạo giữa các trường tới đổi mới chính sách tuyển dụng, chế độ lương….Đặc biệt, cần đa dạng hóa, đổi mới nội dung, PP, hình thức bồi dưỡng GV; xây dựng đội ngũ báo cáo viên có tâm và có tầm, kết hợp lí luận và thực tiễn; phổ biến, hướng dẫn cụ thể để việc triển khai các lớp bồi dưỡng ở địa phương hiệu quả hơn.

Có thể nhận thấy rõ những kỳ vọng của hơn 500 đại biểu khi lắng nghe phần tổng kết đầy sức bao quát những vấn đề trọng tâm tại Hội thảo củaThứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. Theo Thứ trưởng, với một nội dung sâu rộng, trên tất cả các phương diện, liên quan tới nhiều vấn đề khác đã làm nổi rõ một số vấn đề có tính thống nhất và gợi lên cả những vấn đề phải tiếp tục suy nghĩ, cân nhắc: Mục tiêu của CT, SGK hiện hành khá đầy đủ tuy nhiên còn những hạn chế nhất định. Năng lực phải là kiến thức, kỹ năng, thái độ nhưng phải làm thế nào cộng 3 yếu tố với nhau, đồng thời thêm những yếu tố khác (như động cơ, tình cảm, hoàn cảnh…) để tạo thành năng lực mới. Môn học tập trung vào năng lực giao tiếp cơ bản là nghe, nói, đọc, viết nhưng phải chú ý GD tình cảm, đạo đức, tính nhân văn và cả năng lực thẩm mỹ, văn hóa của HS. Chương trình, SGK sau 2015 phải khắc phục được nhược điểm, tìm ra thế mạnh cần phát huy. Chương trình từ lớp 1 đến lớp 12 cần có tính liên thông, nhất quán, theo nhu cầu vùng, miền, nhu cầu địa phương, phân hóa theo hướng nghề nghiệp, tránh trùng lặp không cần thiết. Chương trình mới phải theo trục tích hợp 4 kỹ năng giao tiếp, cần có sự hiểu đầy đủ, chính xác về Đọc-Hiểu. Bên cạnh rèn kỹ năng theo trục chính cần có phần tự chọn: tự chọn để phân hóa vĩ mô, tự chọn để phân hóa vi mô. Các văn bản được tuyển chọn phải phù hợp với lứa tuổi. Phần lịch sử văn học sẽ được hệ thống lại ở cuối cấp. Lý luận văn học sẽ được tích hợp trong PP đọc văn, tránh lý thuyết hàn lâm. Công tác biên soạn SGK và cấu trúc chương trình trong các năm tới phải có sự thay đổi; kiểm tra và đánh giá cụ thể, giúp đánh giá khách quan, tránh chung chung.

Cùng với việc xây dựng mục tiêu của CT, GSK mới,Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới PP dạy học theo hướng khuyến khích tính độc lập, chủ động, sáng tạo của HS; Đổi mới kiểm tra, đánh giá phải có tác dụng thúc đẩy hình thành năng lực, đặc biệt là việc coi trọng việc đa dạng hóa kiểm tra đánh giá…tất cả phải làm một cách thường xuyên, tích cực, ngay từ bây giờ, chứ không phải chờ tới năm 2015.

Về đổi mới đào tạo GV cũng cần phải làm ngay, nhưng lưu ý quán triệt mục tiêu đào tạo GV theo chuẩn phổ thông; đổi mới về hình thức, nội dung bồi dưỡng GV; phát hiện nhu cầu của GV. Thứ trưởng cho biết, Hiện nay, Bộ đang ban hành chương trình khung về bồi dưỡng; Vụ GD Trung học đang có chuyên đề đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn. Phải coi vai trò quản lý nhà trường là khâu đột phá, bồi dưỡng GV là then chốt. Tựu trung lại vẫn là: Làm thế nào để HS say mê học Ngữ văn, làm cho bộ môn hấp dẫn, có tính thiết thực…

                                                                        Hồng Thúy 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201301/Doi-moi-day-hoc-Ngu-van-o-truong-pho-thongnhung-ky-vong-co-hoi-va-thach-thuc-1966103/

Học văn, trò sợ lời phê vô cảm hơn điểm kém

Posted: 06 Jan 2013 09:37 PM PST

Hôm nay (5.1), tại TP.Huế, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo quốc gia về dạy và học môn văn trong trường phổ thông hiện nay nhằm bàn hướng đổi mới và lấy lại vị thế số 1 của môn học này.

Chấm văn là nghệ thuật

Khảo sát gần 3.100 bài văn của 15 trường trung học (gồm THCS và THPT), thạc sĩ Phan Thị Thanh Vân, (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP.Vinh, Nghệ An) chỉ ra rằng: một điều dễ thấy là còn có không ít giáo viên chưa coi trọng ý nghĩa của lời phê. Từ đó, dẫn tới việc không phê, hoặc phê một cách chung chung, ví như: "tạm được", "hiểu đề", "hiểu bài", "chưa sáng tạo", "thiếu ý", "có cố gắng", "có tiến bộ", "quá sơ sài"…

Bên cạnh đó, còn có những giáo viên không giấu được bức xúc của mình trên lời phê: "vớ vẩn", "tăm tối", "quá kém"… "Đây là điều không nên có trong lời phê, nhất là với môn văn", bà Vân bày tỏ.

Chấm bài văn, theo bà Vân, vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật. Nói đến nghệ thuật là nói đến cách chấm bài. Có người chấm nhanh nhưng vẫn chính xác, có người chấm chậm, đọc kỹ mà vẫn đánh giá không đúng bài làm của học sinh. Ngoài ra, đó còn là quan điểm, thái độ của người chấm đối với bài làm.

Trong gần 3.100 bài văn được khảo sát, có hơn 50% lời phê có sự tương thích giữa nội dung lời phê và điểm số trên bài. Với những lời phê như vậy, các em học sinh có kết quả tốt hoặc chưa tốt đều cảm thấy hài lòng vì các em được thầy cô chỉ rõ những gì đã làm được và cả những nhược điểm, thiếu sót trong bài làm của các em.

Điều đáng nói là những lời phê ân cần, tâm huyết của thầy cô giáo đã gieo vào lòng các em một niềm tin về khả năng học của mình.

Tuy nhiên, gần 50% bài làm có lời phê chưa, hoặc không tương thích giữa nội dung lời phê và điểm số là một điều rất đáng lo ngại. Theo bà Vân, "hậu quả của nó là khôn lường". Với các em có chút đam mê với môn văn, các em sẽ thấy rất buồn khi nhận được bài kiểm tra với những lời phê không ăn nhập gì với nội dung bài làm hoặc những lời phê những lời nhận xét chung chung, ít bổ ích, chỉ mang tính xếp loại như: còn yếu, khá, thường, giỏi…

Điều đáng nói hơn, là còn không ít hiện tượng chấm điểm mà không có lời phê, chỉ có cho điểm một cách "lạnh lùng". Trong số đó, có những bài điểm cao (8, 9), có những bài điểm thấp. Với cách chấm bài này, học sinh khi nhận được bài kiểm tra sẽ nghĩ gì khi cầm kết quả ấy trên tay?

Học sinh cần "cá tươi" hơn “mực khô”

Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa, Hà Nội) chỉ ra tình trạng khá phổ biến sau một số kỳ thi mà nhiều giáo viên hay mắc phải, đó là: đề thi sau buổi thi luôn được thầy dùng để chữa, để dạy cho trò trong thái độ rất quan trọng hóa, coi đó là một tạng đề. "Để rồi sau đó xếp vào kho "bảo bối" của thầy như “mực khô”, tỉnh thoảng đem ra nướng thơm lừng", bà Kim Anh ví von.

Tuy nhiên, theo bà Kim Anh, việc luyện đó sẽ khác lắm với những cái cần được chuẩn bị cho trò đi thi và vào đời. Bởi trò cần "mực tươi, cá đang bơi" trong những vấn đề mới đang nóng hổi. Nếu thầy cô không xác định đúng tính chất thời sự của cách kiểm tra, đánh giá mới thì lại hao tâm tổn trí với việc đuổi theo đề của mùa thi qua, "chỉ huy sau trận đánh".


Ảnh minh họa, nguồn internet

Đưa ra những lo lắng như vậy, bà Kim Anh mong muốn cách ra đề văn trong mỗi kỳ thi cần "nóng hổi hơi thở đời sống". Nếu việc học, việc kiểm tra đánh giá xa rời cuộc sống, ta sẽ không cần phải hỏi làm sao trò của ta không thực sự yêu văn? Hỏi làm sao cách dạy rất phản văn lại đang có điểm tốt. Hoặc cách dạy như thể rất văn vẻ lại làm mệt cho người học.

Khác với đề nghị luận văn học thường hạn chế ở tác phẩm đã hoàn thành từ lâu và chỉ còn trông chờ vào cách nhìn mới, ở câu nghị luận xã hội có nhiều đất để linh hoạt, gắn kết với đời sống. Các bài nghị luận xã hội thời gian qua cũng được đón đợi và khen ngợi nhiều về tính mở.

Tuy nhiên, cũng cần nghĩ đến kiểu ra đề này bị lạm dụng hoặc biến tấu khôn lường ở giáo viên dạy văn chưa tự trang bị được kỹ năng ra đề và kiểm soát tốt mức độ khó – dễ.

Bà Kim Anh nêu ví dụ: đơn cử như đề văn cho học sinh lớp 10, cô giáo ra là "vì sao tôi sống?", trò hoảng qúa, ngồi ôm đầu. Tối về, trò hỏi cha mẹ: "Con nghĩ cả tiết mà vẫn không biết nói thế nào là đúng với đề hỏi vì sao con sống nữa!".

Đồng quan điểm, ông Võ Anh Minh (Trường THPT Quảng Xương 4, Thanh Hóa), cho rằng: đề mở đòi hỏi ở người giáo viên một cách chấm "mở", giáo viên phải thực sự tinh nhạy và linh hoạt khi chấm bài để vừa đánh giá được lượng kiến thức chuẩn mà vừa "lắng nghe" được cảm xúc, suy nghĩ, đánh giá của học sinh về vấn đề "mở" mà bài nêu ra.

Cũng theo ông Anh Minh, phải xem việc đổi mới cách dạy học môn văn là gốc để tạo ra cái nền vững chắc cho việc đổi mới ra đề thi. Đề "mở" sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu người dạy và người học không thực sự chủ động, tích cực đổi mới.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-van-tro-so-loi-phe-vo-cam-hon-diem-kem/266101.gd

Comments