Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Học sinh đọc gì ở thư viện trường THCS?

Posted: 06 Jan 2013 01:43 AM PST

(GDTĐ) - Là tổ trưởng tổ Ngữ văn của một trường phổ thông nên hàng tháng tôi thường dự họp, dự thao giảng của Hội đồng bộ môn ở các trường bạn. Những lúc chờ đợi tôi hay ghé vào các thư viện nhà trường mượn sách báo đọc để tham khảo. Điều dễ nhận thấy ở các thư viện trường học hiện nay có một điểm chung là sách báo quá ít, nhiều đầu sách không phục vụ được nhu cầu của thầy và trò bởi nó cũng chẳng có gì liên quan đến chuyên môn dạy và học. Và, một điều dễ nhận thấy nữa là thư viện nào cũng vắng hoe không thấy bạn đọc, đặc biệt là các em học sinh.

(ảnh MH: Internet)
(ảnh MH: Internet)

Thời đại thông tin, văn hóa đọc bị mai một dần hay sách báo không phục vụ được nhu cầu của học sinh? Nhiều khi trong giảng dạy, đặc biệt là những tiết trả bài kiểm tra tôi cứ phân trần: các em ít đọc quá, diễn đạt bài văn thì vụng về, vốn từ nghèo nàn, chẳng mấy khi gặp được những từ hay, từ đắt trong bài văn thì các em đã trả lời: các em không có sách, lên thư viện thì chẳng có gì để đọc. Lứa tuổi học sinh cấp 2 các em làm sao nuốt được những báo công an; pháp luật; những quyển sách gì gì ấy, vừa dày, vừa khô khan…các em cũng nghe các anh chị nói có những tờ báo hay như Thiếu niên Tiền phong; Mực Tím; Hoa học trò; Áo trắng; Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ; Tạp chí Toán tuổi thơ… nhưng ở vùng nông thôn này muốn mua để đọc cũng không có người bán, nhà trường lại không đặt mua.

Những câu trả lời của các em rất thật và đó là thực trạng ở các trường phổ thông nông thôn hiện nay. Sách đâu mà toàn là những quyển nhìn vào đã biết không phù hợp với trường cấp 2 rồi: Nghiên cứu văn học nhìn từ góc độ ngôn ngữ; Mỹ học đại cương; Triết học phương Đông; Cảm nhận hay những tác phẩm văn học Trung học phổ thông… Những quyển sách chỉ thiết thực cho tham khảo, nghiên cứu chuyên ngành hoặc các cấp học cao hơn. Tìm những tác phẩm văn học tiêu biểu qua các thời đại, một tập thơ một vài quyển sách viết cho thiếu nhi gần như không có. Hỏi các em lên và đọc gì ở đây?

Những giáo viên, nhiều khi muốn lên tìm một tờ báo hay một cuốn sách tham khảo trên thư viện cũng khan hiếm. Báo thì chỉ có tờ báo tỉnh, tờ Bạn đường, vài tờ thông tin tư tưởng nội bộ của Huyện (toàn báo cho) thư viện nhà trường mà không có cả tờ Giáo dục và Thời đại?

Vì sao có thực trạng trên? Theo chúng tôi có hai lý do. Thứ nhất là sách của các nhà sách bán không được, tồn kho lâu năm rồi đến ký hợp đồng với Phòng Giáo dục đưa về trường học, mặc dù biết nội dung không phù hợp với trường học THCS nhưng các Phòng giáo dục vẫn ký (…) Thứ hai là khi thực hiện kinh phí khoán cho từng đơn vị, gặp được BGH ham đọc thì đặt, gặp BGH mà cả đời không ngó đến tờ báo thì mỗi năm cho thư viện một khoản kinh phí nhỏ giọt rồi khoán cho nhân viên bưu điện đặt báo. Mà khi nhân viên thư viện đi đặt thì người ta khoái cái tờ nào thì đặt tờ đó nên dẫn đến tình trạng thư viện nhà trường có báo Công an mà thiếu tờ Giáo dục và Thời đại!

Một nguyên nhân nữa mà học sinh không lên thư viện là nhiều trường các phòng ban còn thiếu, nên thường thiết kế chung với các phòng chức năng nên thư viện lại kiêm thêm phòng họp. Một trường có tới cả gần chục tổ chuyên môn thì đảo đi đảo lại trong một tuần là gần kín ngày họp ở thư viện rồi.

Là một giáo viên dạy Văn, chúng tôi có nhiều trăn trở và day dứt và đó cũng là niềm trăn trở của nhiều giáo viên khác cho thế hệ tương lai. Trong lúc có nhiều kênh thông tin chúng ta không kiểm soát được thì rõ ràng những quyển sách hay, phù hợp có tác dụng bồi bổ rất nhiều đến tâm hồn thơ trẻ trong những năm đang định hình nhân cách.

Hướng học sinh đến với văn hóa đọc trước hết cần sự đầu thư, tham mưu của nhiều bộ phận trong trường học. Đặc biệt là sự quan tâm, đầu tư của BGH trường học về phòng ốc, sách báo đúng nghĩa, khuyến khích các em đến đọc sách. Đó cũng là cách tốt nhất để giúp các em tiếp cận tri thức, nâng cao chất lượng học tập trong nhà trường mà lại hạn chế được các trò chơi vô bổ khác trong giới trẻ hiện nay.

Nhật Duy

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201301/Hoc-sinh-doc-gi-o-thu-vien-truong-THCS-1966095/

Vinh danh tài năng trẻ Euréka lần 14

Posted: 06 Jan 2013 01:42 AM PST

Trong năm 2012, sinh viên các trường trên địa bàn TPHCM tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, với gần 1.600 đề tài được tiến hành từ 34 trường CĐ, ĐH và các học viện. Qua đó, các trường đã tuyển chọn và giới thiệu được 507 đề tài tham dự giải Euréka lần thứ 14. Qua nhiều vòng thi, ban tổ chức đã chọn ra 8 đề tài đạt giải Nhất (nhận bằng khen UBND thành phố và 10 triệu đồng/giải), 10 giải Nhì, 13 giải Ba, 30 giải Khuyến khích và 21 luận văn tốt nghiệp xuất sắc (nhận giấy khen của Thành Đoàn TPHCM và 2 triệu đồng/luận văn).

Tham gia giải lần này, các đề tài đã tập trung nghiên cứu vào những vấn đề xã hội quan tâm như bảo vệ biển đảo, bảo vệ môi trường, hỗ trợ người tàn tật, an sinh xã hội, các vấn đề nóng như tham ô, tham nhũng, nghiên cứu về nông thôn và xây dựng nông thôn mới…

Chia sẻ tại buổi lễ, bạn Đặng Mạnh Cường – sinh viên khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thành viên nhóm tác giả đề tài đạt giải nhất "Xây dựng đĩa CD hỗ trợ giáo dục giới tính dành cho học sinh mù hoàn toàn 12-18 tuổi tại trường THPT đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM" cho biết: "Ban đầu mong muốn đề tài nghiên cứu có thể ứng dụng được. Em cũng là một sinh viên khiếm thị. Em rất đau lòng khi hằng ngày nghe tin nhiều bạn gái khiếm thị bị xâm hại tình dục. Chúng em hi vọng rằng đề tài có thể mở rộng ra cho nhiều đối tượng và có điều kiện để tiếp tục phát triển hơn".


Vinh danh những chủ nhân đạt giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka năm 2012.

Bạn Hoàng Phi Hải – học viên trường Đại học An ninh Nhân dân, thành viên nhóm tác giả đề tài đạt giải Nhì "Nâng cao ý thức bảo về chủ quyền Biển, Đảo cho công dân Việt Nam trong tình hình hiện nay" chia sẻ: "Động lực thôi thúc chúng em nghiên cứu đề tài này là tình yêu quê hương biển đảo, chúng em là những học viên an ninh nhân dân nên phải có trách nhiệm tuyên truyền và góp phần nâng cao hơn nữa ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo cho mọi người".


Giao lưu với tác giả có đề tài nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng cao.

Cũng trong dịp này, có 6 đề tài tham gia Euréka năm 2012 được chuyển giao cho các đơn vị để tiếp tục triển khai và ứng dụng kết quả vào cuộc sống. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng ra mắt thư viện điện tử với hơn 1.000 đề tài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực nhằm hỗ trợ cho các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học.

Minh Kiệt – Cát Minh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vinh-danh-tai-nang-tre-eureka-lan-14-681935.htm

Nỗi niềm cô giáo bị học trò ‘bật’ lại giữa lớp

Posted: 06 Jan 2013 01:42 AM PST

Khi nhắc nhở về cảnh ôm nhau trong lớp, cô giáo độc thân đã bị học sinh “nhắm” vào điều khổ tâm. Một cô giáo trẻ khác đã sốc khi trò lạnh lùng “cô chỉ là giáo viên dạy môn phụ”.

Mắng cô giáo vì không được ra ngoài

Người xưa vốn có câu "tôn sư trọng đạo", đi học không chỉ học kiến thức mà còn học lễ nghĩa, học cách làm người… Nhưng giờ đây, một số ít học sinh quên đi điều này. Câu chuyện có thật được kể lại bởi một cô giáo trẻ mới ra trường, và khiến ai nghe xong cũng bất ngờ.
Thanh là cô giáo mới tốt nghiệp đại học, với tấm bằng loại giỏi cô muốn mình được nhanh chóng đi làm để ổn định cuộc sống và được cống hiến. Thanh được nhận vào làm giáo viên hợp động tại một trường dân lập ở Hà Nội.
Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành lịch sử, môn học được không chỉ học sinh mà nhiều phụ huynh đánh giá là môn phụ. Vì thế cô cảm thấy mình may mắn hơn nhiều bạn cùng lớp bởi đã nhanh chóng xin được việc, dù mới chỉ là giáo viên hợp đồng.
Năm đầu tiên dạy học, Thanh được nhà trường phân công dạy môn lịch sử tại khối lớp 9 của trường. Mỗi tuần Thanh cũng chỉ có một tiết ở mỗi lớp. Trong những ngày đầu đứng trên bục giảng ấy, tiết dạy đầu tiên của Thanh ở một lớp 9 của trường đã để lại nỗi buồn, niềm chua xót trong lòng cô giáo trẻ.
Chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lên lớp, Thanh hy vọng buổi học này sẽ thành công. Tiết học diễn ra khá suôn sẻ, học sinh tuy không chịu giơ tay phát biểu nhưng cũng không em nào công khai làm chuyện riêng hay mất trật tự, phá lớp.
Chỉ còn 5 phút nữa là giờ học kết thúc, Thanh đang tổng kết bài học và có một số yêu cầu cho học sinh. Đang giảng bài phía trên, bất ngờ một nam sinh trong lớp đứng dậy và xin cô cho ra ngoài.
Do chỉ còn vài phút nữa là hết giờ, Thanh yêu cầu học sinh ngồi xuống và không đồng ý cho em ra ngoài, cô nói: "Chỉ còn 5 phút nữa là kết thúc giờ học rồi, em ngồi xuống ghi nốt bài đã nhé".
Thấy không được cô giáo đồng ý cho mình ra ngoài, cậu học sinh tên Thắng lập tức đứng dậy văng tục mắng Thanh ngay trước lớp: “Cô là cái gì mà không cho tôi ra ngoài, cô cũng chỉ là giáo viên dạy môn phụ mà thôi!", rồi thản nhiên đi ra.

Bất ngờ và "sốc" khi thấy phản ứng của Thắng, cô Thanh vẫn cố kiềm chế để hoàn thành buổi học.


Ảnh minh họa, nguồn internet.

Giờ học kết thúc, trong lòng Thanh nặng trĩu một nỗi buồn và băn khoăn về chính bản thân mình, liệu có phải vì mình dạy chưa tốt mà các em học sinh phản ứng như vậy. Tuy nhiên việc học sinh có hành động vi phạm kỷ luật Thanh vẫn phải báo cáo lại với ban giám hiệu và phụ huynh để có biện pháp giáo dục.

Nhưng cô giáo trẻ còn "sốc" hơn khi nhận được phản ứng từ ban giám hiệu và phụ huynh. Khi phản ánh sự việc với ban giám hiệu, cô chỉ nhận được câu an ủi: "Học sinh bây giờ nó thế đấy, phải chấp nhận. Hơn nữa trường mình là trường tư, em làm găng lên là học trò bảo bố mẹ viết đơn đổi giáo viên".
Không những thế, khi phản ánh sự việc với phụ huynh của Thắng, cô Thanh không ngờ họ cho rằng cô bịa đặt về con trai mình. Thắng chối nói rằng mình không làm như vậy và phụ huynh của nam sinh này thì hoàn toàn tin tưởng con.
Sự việc cũng đã trôi qua vài năm, giờ cô Thanh đã là giáo viên của một trường công lập có tiếng ở tỉnh nhà. Nhưng nỗi đau mà cô vấp phải trong những ngày đầu tiên đứng lớp là cú sốc khiến cô không thể nào quên.
Bị cô cấm yêu, nữ sinh phản ứng gay gắt
Cô Lan đã có gần hai mươi năm đứng trên bục giảng. Duyên số không may mắn nên đến giờ dù đã ngoài tứ tuần, cô vẫn một mình. Trong khi đó, những năm gần đây, chuyện tình yêu ở lứa tuổi học trò với đầy rẫy cạm bẫy và những hậu quả khó lường đã làm đau đầu bao phụ huynh, nhà trường.
Ban giám hiệu trường cô Lan dạy yêu cầu các giáo viên chủ nhiệm phải quán triệt tinh thần đối với học sinh, cấm các em yêu đương và thể hiện tình cảm trong lớp. Bản thân cô Lan cũng cảm thấy ở lứa tuổi học sinh không nên để chuyện tình cảm ảnh hưởng đến việc học tập.
Một lần, do có việc đột xuất ở trường nên dù không có tiết dạy, cô vẫn lên lớp. Vừa bước vào đến cửa, cô sững sờ khi nhìn thấy hai học trò của mình: My và Hùng đang ngồi ở cuối lớp và … ôm nhau.
Giật mình khi nhìn thấy cảnh học trò thân mật, cô đến gần và yêu cầu My và Hùng đi lên bục giảng gặp cô.
Cô Lan rất tức giận và mắng học sinh của mình, cô yêu cầu hai em chấm dứt những hành động phản cảm như vậy để tập trung vào việc học. Thấy cô giáo mắng, My phản ứng lại: "Cô không yêu, không có chồng thì thôi, sao cấm chúng em yêu nhau!".
Nỗi chua xót bấy lâu nay cô giấu kín giờ đây bị chính những học trò khơi dậy. Cô buồn và tủi thân cho hoàn cảnh của mình, và cũng đau xót bởi thái độ của học sinh. Dù vậy, biết rằng học trò của mình còn trẻ, bồng bột và chưa thể hiểu hết chuyện.
Cô Lan vẫn dùng mọi cách để hướng cho các em vừa giữ được tình cảm trong sáng của tuổi học trò vừa không ảnh hưởng đến học tập. Cô Lan chia sẻ: "Mắng chửi nhiều khi không đem lại hiệu quả với lũ trẻ, cái chúng cần là tình cảm thật sự và những lời khuyên đúng đắn".
Xã hội và dư luận gần đây hầu như chỉ tập trung lên án việc học sinh bị giáo viên "hành" và chửi mắng. Nhưng nhìn lại, chính bản thân những người làm nhà giáo đã không phải một lần trong đời bị "bạo hành về mặt tinh thần" do chính học trò gây ra.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Noi-niem-co-giao-bi-hoc-tro-bat-lai-giua-lop/266010.gd

Chất lượng liên thông kém, lỗi tại Bộ?

Posted: 06 Jan 2013 01:40 AM PST

- Trước quy định mới về liên thông ĐH, CĐ mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành, đã
có rất nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí có ý kiến thời thẳng thắn:
liên thông biến tướng trách nhiệm thuộc
về cơ quan quản lý giáo dục.



Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Quy định gây tranh cãi

Nhiều độc giả thể hiện sự đồng tình với cách làm của Bộ cũng như ý kiến của Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn. Không ít ý kiến cho rằng chủ trương này sẽ giúp đảm bảo chất lượng của bậc đào tạo ĐH, đảm bảo sự công bằng, hạn chế trường hợp "vàng thau lẫn lộn".

Một số độc giả hiện đang là giảng viên các trường ĐH có đào tạo hệ liên thông cũng lên tiếng cho rằng việc siết chặt đầu vào liên thông là một phương hướng đúng.

Một giảng viên gay gắt phản đối việc một sinh viên CĐ, thi ĐH được 10 điểm/3 môn được học tiếp ĐH, nhận tấm bằng ĐH giống như những SV chính quy khác là không công bằng. Thậm chí, có những người chỉ tốt nghiệp trung cấp, liên thông lên CĐ mất 1,5 năm, sau đó lại liên thông lên ĐH mất 1,5 năm nữa. Trong khi đó, thi liên thông thì 100% là đỗ do những thí sinh này là nguồn thu của nhà trường.

Tuy vậy, ngoài đa số người học CĐ nhằm mục đích đi đường vòng để học tiếp ĐH thì cũng có những SV CĐ không hề thua kém SV ĐH. Một độc giả nêu dẫn chứng về những thí sinh đạt 25 điểm trong mùa thi 2011-2012 vừa qua mà vẫn chưa đỗ ĐH để cho thấy rằng có những thí sinh điểm rất cao nhưng không trúng tuyển nguyện vọng 1, vẫn phải vào học CĐ vì không muốn học trường dân lập hay chuyển ngành học khác có điểm trúng tuyển thấp hơn.

Cũng có những trường hợp đỗ ĐH như độc giả Phạm Vân, nhưng chọn học CĐ để nhanh ra trường, kiếm việc làm giúp đỡ gia đình, sau đó vừa làm vừa học liên thông để bổ sung kiến thức.

"Cái bằng là cái đích mà ai cũng có quyền được thử sức, lấy hay không, đi đường vòng hay đi đường thẳng, 4 năm hay 10 năm hay cả đời là tùy thuộc vào hoàn cảnh của từng người dân. Bộ GD có siết thì siết đầu ra thật chặt. Xã hội có siết thì siết khâu tuyển dụng thật chặt, sao lại ngáng gậy giữa đường?" – độc giả Phạm Vân bức xúc.

Lỗi quản lý, sao bắt các em gánh?

Đồng tình với ý kiến 'Bộ nên siết chặt đầu ra', 'quản lý chất lượng liên thông hơn là không kiểm soát được thì cấm', nhiều độc giả cho rằng để xảy ra tình trạng này "tất cả là do lỗi yếu kém của Bộ mà ra!" – ý kiến của Nguyễn Ngọc Minh.

"Bộ GD đang đem con bỏ chợ, không kiểm soát được thì cấm. Tôi nói thật, nhiều SV CĐ ở một số trường còn khá hơn nhiều so với các trường ĐH dân lập, kể cả một số trường công lập khác. Theo tôi, mấu chốt của vấn đề là Bộ phải kiểm soát được chất lượng đầu vào và đầu ra hệ liên thông của từng trường chứ không nên có quy định cứng nhắc như vậy. Bộ nên áp dụng những biện pháp mạnh đối với những trường có hệ liên thông chứ không thể đưa ra những quy định gây thiệt hại cho người học được".

Một ý kiến khẳng định "học liên thông không có gì xấu. Vấn đề là chất lượng đào tạo thôi!" Một số ý kiến khẳng định vẫn có những trường đào tạo liên thông rất nghiêm túc, SV phải học hành rất vất vả, học theo được có thể bị cảnh cáo, lưu ban hoặc buộc thôi học vĩnh viễn, SV liên thông học cùng, thi cùng SV chính quy. Có những trường điểm đầu vào của SV liên thông là 15/20, tỷ lệ chọi 6/1… chứ không phải chỉ cần đăng ký thi là đỗ 100%…

"Theo tôi, Bộ cần phải đánh giá chất lượng đào tạo từng cơ sơ và có những chế tài áp dụng riêng cho từng cơ sở đào tạo hoặc những hệ đào tạo còn yếu kém của các cơ sở này, không nên đánh đồng toàn bộ làm hạn chế nhu cầu học của học sinh" – ý kiến của độc giả Nguyễn Bảo Linh.

"Quyết định trước đây của Bộ GD-ĐT về chương trình liên thông chưa hẳn đã sai nếu như Bộ kiểm soát chặt chẽ chương trình, phương pháp tổ chức và chất lượng đào tạo liên thông ở các trường" – bạn đọc Vũ Khúc nhận xét.

Còn độc giả Nguyễn Lương cho rằng "đào tạo liên thông không đảm bảo chất lượng là lỗi của các nhà quản lý giáo dục, sao lại bắt các em gánh chịu?"

Bộ đã vội vàng

Riêng độc giả Lê Anh Duy thì cho rằng, mặc dù quy định mới là một quan điểm tích cực và cần thiết, nhưng Bộ đã "có phần vội vàng và chưa đưa ra được những câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề".

Theo độc giả Duy Anh, quy định mới "chỉ nên áp dụng đối với những học sinh năm nay mới thi TC-CĐ. Việc đưa luật vào quá bất ngờ thế này sẽ làm bản thân các SV TC-CĐ không thể chuẩn bị cho mình một trạng thái tốt nhất cho việc thi liên thông được. Bộ làm vậy có phần cứng nhắc và làm khó SV CĐ đang theo học, nhất là đối với những SV năm cuối".

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/103931/chat-luong-lien-thong-kem--loi-tai-bo-.html

Chăm lo đời sống các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhân dịp Tết

Posted: 06 Jan 2013 01:40 AM PST

(GDTĐ) – Nhân dịp đón Tết cổ truyền, xuân Quý Tỵ 2013, ngành GD-ĐT Hà Nội đã phát động phong trào trong toàn ngành nhằm chăm lo đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên, tổ chức đón Tết đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm.


Đời sống của một số giáo viên còn gặp nhiều khó khăn

Theo đó, ngành GD-ĐT Hà Nội sẽ tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và các nguồn kinh phí của đơn vị, quan tâm hỗ trợ đời sống cán bộ, giáo viên, nhân viên trong dịp Tết, đặc biệt diện chính sách, diện có hoàn cảnh khó khăn. Không để có cán bộ, giáo viên, nhân viên nào của đơn vị không có Tết.

Công đoàn giáo dục các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội và các công đoàn cơ sở chủ động tham mưu cho chính quyền, địa phương, các tổ chức đoàn thể chăm lo cán bộ, giáo viên, nhân viên diện chính sách, diện có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức thăm hỏi tặng quà cho cán bộ, giáo viên, nhân viên đã nghỉ hưu.

Để kịp thời có danh sách các cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt được ngành GDĐT hỗ trợ  trong dịp Tết nguyên đán, Công đoàn Giáo dục quận, huyện, thị xã sẽ lập danh sách 3 trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt để ngành trợ cấp, thăm hỏi.

Các đơn vị lập danh sách 1 trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt (nếu có) để ngành GD-ĐT Hà Nội xét hỗ trợ từ nguồn Quỹ xã hội và Quỹ Hỗ trợ giáo dục vùng khó khăn của ngành và 30 suất của LĐLĐ TP Hà Nội. Đồng thời có danh sách các cháu tật nguyền là con cán bộ, giáo viên, nhân viên để ngành có số liệu và quan tâm khi có nguồn hỗ trợ.

Các trường chuyên biệt, trung tâm GDTX  gửi danh sách từ 1 đến 2 học sinh tật nguyền có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các quận huyện lập danh sách các lớp tình thương, để được tặng quà nhân dịp năm mới.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201301/Cham-lo-doi-song-cac-can-bo-giao-vien-nhan-vien-nhan-dip-Tet-1966082/

Rút ngắn khoảng cách chất lượng GD nông thôn và thành thị

Posted: 05 Jan 2013 03:02 PM PST

(GDTĐ)-Thực trạng hiện nay, trình độ học vấn của học sinh nông thôn và học sinh thành thị còn có khoảng cách nhất định. Bộ GDĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm rút ngắn khoảng cách này.

HS Trường tiểu học Suối Giàng  (Huyện Văn Chấn - Yên Bái), khai giảng năm học mới. Ảnh: gdtd.vn
HS Trường tiểu học Suối Giàng (Huyện Văn Chấn – Yên Bái), khai giảng năm học mới. Ảnh: gdtd.vn

Củng cố và tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học, cơ sở giáo dục ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, ngành giáo dục đã sử dụng hiệu quả mọi nguồn vốn tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để thu hút trẻ đến trường. Tập trung làm tốt việc đầu tư phát triển số lượng, nâng cao chất lượng của trường đạt chuẩn quốc gia. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 nhằm thực hiện mục tiêu tiếp tục xóa bỏ tình trạng học 3 ca, phòng học tạm, giải quyết nhà công vụ cho giáo viên ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hợp tác quốc tế cũng được tăng cường, thu hút các nguồn tài trợ, các dự án vay vốn nước ngoài để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường học vùng nông thôn, khó khăn, thực hiện các tiêu chí về giáo dục trong chương trình xây dựng nông thôn mới của quốc gia.

Chăm lo và đầu tư cho phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm với việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các vùng nông thôn, khó khăn; xây dựng kế hoạch và lộ trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn mức độ cao ở mỗi cấp học; tăng cường công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và dự giờ thăm lớp; đổi mới tổ chức rút kinh nghiệm giảng dạy ở các tổ chuyên môn, hội thảo cấp trường, cụm trường, địa phương; tổ chức hội thi giáo viên giỏi các cấp theo hướng dẫn của Bộ GDĐT. Bộ GDĐT cũng quan tâm tăng cường nâng cao năng lực quản lý cho lãnh đạo các cơ sở giáo dục thuộc các vùng nông thôn, khó khăn. Đồng thời, chú trọng tổ chức cho giáo viên nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sáng kiến cải tiến; quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các môn học ở mỗi cơ sở giáo dục, mỗi cấp học ở địa phương.

Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương dạy học theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với các đối tượng học sinh và điều kiện thực tế ở những vùng nông thôn, khó khăn. Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày ở những nơi có điều kiện; Thực hiện Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 01/9/2011 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông các môn học theo hướng tinh giảm từ năm học 2011-2012; chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt Chương trình giáo dục phổ thông, lựa chọn các nội dung phù hợp với vùng, miền và thực tiễn của nhà trường; tổ chức dạy học phân hoá theo năng lực của học sinh dựa trên Chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông, tránh nặng nề, quá tải.

Giáo viên sử dụng hợp lý sách giáo khoa khi giảng bài trên lớp, tăng cường sử dụng hợp lý công nghệ thông tin trong các bài giảng; khai thác tối đa hiệu năng các thiết bị dạy học, phương tiện nghe nhìn, phòng học bộ môn; coi trọng thực hành, thí nghiệm; bảo đảm cân đối giữa việc truyền thụ kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho học sinh theo Chuẩn kiến thức và kỹ năng của Chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng liên hệ thực tế trong giảng dạy phù hợp với nội dung từng bài học, phát huy tính tích cực, hứng thú trong học tập của học sinh và vai trò chủ đạo của giáo viên trong tổ chức quá trình dạy học; tổ chức hợp lý cho học sinh làm việc cá nhân và theo nhóm; rèn luyện kỹ năng tự học, tạo điều kiện cho học sinh tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo.

Một giải pháp quan trọng là tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục, củng cố, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ; đẩy mạnh phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương, đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục thực chất. Huy động được nhiều trẻ khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đi học.

Các địa phương đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục phải rà soát lại các chỉ tiêu để kịp thời có các giải pháp giữ vững và nâng cao chất lượng, tỉ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục. Các địa phương ở vùng khó khăn cần tăng cường đầu tư kinh phí, huy động tối đa số trẻ trong độ tuổi đi học, vận động học sinh bỏ học đi học trở lại, phụ đạo học sinh, tăng cường đội ngũ giáo viên, mở rộng các hình thức tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục thường xuyên, đưa lớp học về các cụm dân cư; tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; tăng cường vai trò lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương để thực hiện xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục.

NN

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201301/Rut-ngan-khoang-cach-chat-luong-GD-nong-thon-va-thanh-thi-1966061/

Tư vấn tuyển sinh 2013: hấp dẫn, thiết thực

Posted: 05 Jan 2013 03:00 PM PST

Tư vấn tuyển sinh 2013: hấp dẫn, thiết thực

* Tặng thí sinh hơn 100.000 cẩm nang điện tử

TT – Báo Tuổi Trẻ cùng Bộ GD-ĐT tiếp tục tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp 2013 cho thí sinh trong cả nước. Chương trình năm nay do Tập đoàn Vingroup tài trợ được tổ chức khá đa dạng, mới lạ.

 

Đông đảo học sinh đến với Ngày hội tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp tại TP.HCM năm 2012 - Ảnh: Như Hùng

Học sinh tham quan các sản phẩm, thiết bị nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại TP.HCM 2012 – Ảnh: Trần Huỳnh

Ngày 6-1, chương trình sẽ chính thức khởi động với buổi tọa đàm "Trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp 2013" lần đầu tiên được tổ chức. Chương trình làm cầu nối để chuyên gia làm công tác hướng nghiệp ở các trường ĐH, CĐ, trung cấp và giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp của các trường THPT tại TP.HCM cùng chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến trong công tác hướng nghiệp, tư vấn giúp học sinh chọn ngành nghề phù hợp sở trường, chọn trường phù hợp học lực và điều kiện bản thân… Tuổi Trẻ kính mời ban giám hiệu các trường THPT, các thầy cô quan tâm đến dự vào lúc 8g tại 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Tư vấn tối đa

Đây là năm thứ 11 báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình này. Tổng kinh phí thực hiện chương trình năm nay lên đến gần 6 tỉ đồng. Chương trình được tổ chức với một chuỗi hoạt động diễn ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước kéo dài từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 3-2013 nhằm cung cấp tối đa thông tin cho học sinh và phụ huynh.

Ban tư vấn do Tuổi Trẻ xây dựng gồm các chuyên gia tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp là lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các cục, vụ chức năng của Bộ GD-ĐT và các chuyên gia đến từ các ĐH Quốc gia, lãnh đạo nhiều trường ĐH lớn, chuyên gia tuyển sinh uy tín, chuyên gia tư vấn tâm lý, sức khỏe… sẽ tham gia xuyên suốt chương trình.

Tất cả các chương trình tư vấn, ngày hội đều được tổ chức chuyên sâu theo hình thức tư vấn nhóm ngành nghề: khoa học công nghệ, kỹ thuật, kiến trúc – y dược, nông lâm – kinh tế, sư phạm, ngoại ngữ, xã hội nhân văn, luật, quân đội, công an… Tại mỗi nhóm, ban tư vấn sẽ cung cấp, trả lời thắc mắc về những vấn đề chung, những điểm mới nhất của kỳ thi tuyển sinh năm 2013 và các vấn đề liên quan đến ngành nghề cụ thể. Tại ngày hội, học sinh quan tâm đến nhóm ngành nào sẽ đến khu vực tư vấn của nhóm ngành đó ngay từ đầu. Tại mỗi khu vực, ban tư vấn sẽ cung cấp những thông tin chung về tuyển sinh 2013, sau đó là phần tư vấn chuyên sâu theo nhóm ngành.

Đặc sắc gian tư vấn các trường

Bên cạnh phần tư vấn do ban tổ chức thực hiện, khoảng 130 gian tư vấn với hàng trăm chuyên gia tư vấn của các trường ĐH, CĐ, trung cấp, trung tâm dạy nghề, các trung tâm tư vấn du học, trung tâm ngoại ngữ, trường ĐH, CĐ nước ngoài… tham gia ngày hội, hứa hẹn mang đến nguồn thông tin phong phú cho học sinh.

Riêng Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), đơn vị chủ nhà, đã chuẩn bị nhiều hoạt động kỹ lưỡng và sẽ mang đến ngày hội nhiều bất ngờ đối với các bạn học sinh.

Tặng hơn 100.000 cẩm nang điện tử

Báo Tuổi Trẻ tiếp tục tổ chức biên soạn Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2013 với nhiều nội dung mới, hấp dẫn để tặng thí sinh. Phần trắc nghiệm sẽ có hơn 100 câu hỏi liên quan sở thích, khả năng và hạn chế của bản thân, những quan niệm về cuộc sống… Để thông tin cho học sinh, phụ huynh thêm đa dạng và chính xác, Tuổi Trẻ mời các đơn vị, trường học quan tâm tham gia cung cấp thông tin trên Cẩm nang tuyển sinh điện tử 2013. Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ: Huỳnh Bảo Châu, điện thoại 08- 5404 7799 (số máy lẻ 101, 102).

Ba ngày hội và 14 chương trình tư vấn

Quy mô chương trình năm nay tiếp tục được mở rộng với 14 chương trình tư vấn diễn ra tại 13 tỉnh thành trong cả nước , từ Hà Nội đến Rạch Giá (Kiên Giang); từ các thành phố lớn đến các khu vực vùng sâu, vùng xa; từ các tỉnh đồng bằng đến các tỉnh khu vực miền Trung, Tây nguyên…: Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Thừa Thiên – Huế, Tiền Giang, Đồng Nai, Bình Thuận… Lần đầu tiên, chương trình sẽ đến với học sinh thành phố hoa phượng đỏ Hải Phòng và tỉnh An Giang.

Điểm nhấn của chương trình là các ngày hội, trong đó ngày hội tại TP.HCM diễn ra trong khuôn viên Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP.HCM (268 Lý Thường Kiệt, Q.10) cả ngày 27-1, bắt đầu cho cao điểm hoạt động tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp năm nay. Sau ngày hội tại TP.HCM còn có các ngày hội tại Cần Thơ (diễn ra ngày 3-3 ở Trường ĐH Cần Thơ), tại Hà Nội (ngày 10-3 ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội).

TUỔI TRẺ

Danh sách ban tư vấn

- PGS.TS Ngô Kim Khôi – cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).

- PGS.TS Trần Văn Nghĩa – phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT.

- Ông Đỗ Thanh Duy – trưởng phòng tuyển sinh và công nhận văn bằng, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT.

- TS Nguyễn Đức Nghĩa – phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

- PGS.TS Nguyễn Văn Thư – hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM.

- TS Lê Thị Thanh Mai – trưởng ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM.

- TS Nguyễn Kim Quang – phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP.HCM.

- TS Phạm Tấn Hạ – trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia TP.HCM.

- TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

- Thạc sĩ Lâm Tường Thoại – phó chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM.

- Thạc sĩ Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM.

- Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính – marketing.

- Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng – phó ban đào tạo khoa điều dưỡng – kỹ thuật y học Trường ĐH Y dược TP.HCM.

- PGS.TS Đỗ Văn Xê – phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ.

- TS Đinh Phương Duy – chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục TP.HCM.

- TS.BS Trần Thị Minh Hạnh – phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.

- TS.BS Trần Viết An – phó trưởng phòng đào tạo ĐH Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

- PGS.TSKH Nguyễn Đình Đức – trưởng Ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội.

- PGS.TS Hoàng Minh Sơn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

- PGS.TS Nguyễn Hữu Tú – phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội

- TS Đinh Xuân Mạnh – phó hiệu trưởng Trường ĐH Hàng hải – Hải Phòng.

- TS Nguyễn Khắc Khiêm – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hàng hải – Hải Phòng.

- TS Lê Thị Thu Thủy – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.

- Thạc sĩ Lê Quốc Hạnh – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Hà Nội.

- TS Trịnh Thị Thúy Giang – trưởng phòng chính trị và công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội.

- PGS.TS Nguyễn Việt Hà – phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ – ĐH Quốc gia Hà Nội.

- TS Nguyễn Mạnh Hà – khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội.

- PGS.TS Lê Bạch Mai – phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia

- Đại diện Cục Đào tạo – Tổng cục Xây dựng lực lượng công an nhân dân – Bộ Công an.

- Đại diện Ban tuyển sinh Quân đội – Bộ Quốc phòng.

- Đại diện các trường: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Hàng hải – Hải Phòng, ĐH Tây nguyên, ĐH Phú Yên, ĐH Tiền Giang và ĐH An Giang.

Đơn vị tài trợ:

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/528280/Tu-van-tuyen-sinh-2013-hap-dan-thiet-thuc.html

Xử lý kỷ luật những học sinh đi xe máy không có giấy phép

Posted: 05 Jan 2013 03:00 PM PST

Bộ GD-ĐT vừa có công văn chỉ đạo yêu cầu các đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp, các sở giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện đợt hoạt động cao điểm bảo đảm trật tự ATGT tết dương lịch và tết nguyên đán 2013.

Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường chỉ đạo quán triệt cán bộ, nhà giáo và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định về việc đội mũ bảo hiểm và việc tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông.

Đặc biệt, các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo quyết liệt các nhà trường triển khai họp với phụ huynh học sinh để tuyên truyền, nhắc nhở, ký cam kết việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa có giấy phép lái xe và cam kết đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông; có quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục học sinh và thông báo cho tất cả phụ huynh biết để cùng thực hiện.

Nhà trường giao cho giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở, có hình thức kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với học sinh, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường trong việc triển khai và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Các đại học, học viên; các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp chủ động liên hệ với các doanh nghiệp vận tải hành khách tổ chức bán vé cho học sinh, sinh viên tại trường hoặc tại ký túc xá; bố trí lịch nghỉ Tết nguyên đán 2013 và tập trung sau Tết nguyên đán phù hợp để tránh gây căng thẳng tại các đầu mối giao thông.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/xu-ly-ky-luat-nhung-hoc-sinh-di-xe-may-khong-co-giay-phep-681683.htm

Kiểm định chất lượng đào tạo các trường 5 năm/lần

Posted: 05 Jan 2013 03:00 PM PST

Mục đích của kiểm định chất lượng giáo dục nhằm góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục; xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đáp ứng mục tiêu đề ra trong từng giai đoạn nhất định; làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng giáo dục; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục và nhà tuyển dụng lao động tuyển chọn nhân lực.

Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục gồm các bước như cơ sở giáo dục tiến hành tự đánh giá; Cơ sở giáo dục đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đề nghị xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tiến hành đánh giá ngoài; Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định, công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 5 năm/lần.

Cơ sở giáo dục công bố báo cáo tự đánh giá trong nội bộ cơ sở giáo dục ít nhất 30 ngày trước khi đăng ký đánh giá ngoài với một tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Công bố công khai Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục chậm nhất 30 ngày sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục (không áp dụng đối với các cơ sở giáo dục cần được bảo mật thông tin theo quy định của Nhà nước).

Bộ GD-ĐT công khai danh sách các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trên trang thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Các cơ sở giáo dục giữ gìn và phát huy kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đã được công nhận trong toàn bộ thời hạn có giá trị của Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu không đảm bảo chất lượng so với kết quả đã được công nhận thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị khiển trách, cảnh cáo hoặc thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Bộ GD-ĐT thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trong trường hợp Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn thời hạn mà cơ sở giáo dục vi phạm pháp luật hoặc không còn đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục sẽ bị cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đề nghị Giám đốc tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quyết định thu hồi Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Các cơ sở giáo dục được phép nhận các tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ các hoạt động liên quan đến đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/kiem-dinh-chat-luong-dao-tao-cac-truong-5-namlan-681684.htm

Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam

Posted: 05 Jan 2013 02:58 PM PST

Đến dự hội thảo, có TS. Nguyễn Vinh Hiển - Thứ trưởng Bộ GDĐT và lãnh đạo tỉnh TT-Huế, ĐH Huế và các trường thành viên ĐH Huế. Điều bất ngờ là số lượng khách đến tham dự đã tăng đột biến khi vượt quá số người mời vì sự quan tâm đến tính chất hội thảo.

Các vấn đề chính đã được trình bày tại hội thảo đáng chú ý như: "Dạy học ngữ văn trong nhà trường Việt Nam – Hiện trạng, hướng phát triển và những vấn đề liên quan"; "Một số vấn đề về đánh giá chương trình, sách giáo khoa (SGK) hiện hành và đề xuất định hướng biên soạn chương trình, SGK mới"; "Tiếp tục hoàn thiện đổi mới chương trình và phương pháp dạy học ngữ văn"; "Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ngữ văn hiện nay - Thực trạng và giải pháp"…

Ngổn ngang bất cập của ngành Ngữ văn trong nền giáo dục nước nhà

Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, chương trình giáo dục phổ thông nói chung và chương trình, SGK Tiếng Việt/Ngữ văn nói riêng đã thực hiện được 10 năm đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần phải xem xét và thay đổi.

Có thể thấy, Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2010-2020 và Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định một trong các giải pháp phát triển giáo dục là: "Trên cơ sở đánh giá chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và tham khảo chương trình tiên tiến của các nước, thực hiện đổi mới CT và SGK từ sau năm 2015 theo định hướng phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp với đặc thù mỗi địa phương".

Điều kiện thuận lợi hơn là các dự thảo đề án Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam và đề án Đổi mới chương trình và SGK sau 2015 cũng đã được soạn thảo và tích cực hoàn thiện. Đây chính là những cơ sở pháp lý và vững chắc cho việc chuẩn bị đổi mới, phát triển chương trình môn học.

Bên cạnh đó, chương trình và SGK hiện hành đã thực hiện trong một thời gian khá dài (5 năm đối với lớp 12 và 11 năm đối với lớp 1 và lớp 6) đủ để giáo viên và các cơ quan chỉ đạo dạy học nhìn thấy rõ hơn những ưu điểm cũng như hạn chế của nó. Sau nhiều lần thay đổi, kinh nghiệm và trình độ xây dựng phát triển chương trình giáo dục của Việt Nam đã có nhiều tiến bộ; một số phương diện đã cập nhật được với trình độ quốc tế và khu vực. Lý luận phát triển chương trình và cơ sở vật chất đã có nhiều bước tiến so với các lần thay đổi trước, kể cả lần gần đây nhất. Và sự mở rộng giao lưu quốc tế đã tạo ra nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận tư liệu dạy học – các phương pháp dạy học tiên tiến – khoa học đánh giá hiện đại và kinh nghiệm phát triển chương trình và SGK.

Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam

Mục đích của Hội thảo lần này hướng đến 2 mục đích lớn là: 1. Đánh giá ưu nhược điểm của chương trình, SGK hiện hành - xem xét phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS cần có gì khắc phục - Từ việc phát hiện, bồi dưỡng HS giỏi đến bồi dưỡng giáo viên và nhất là xem xét việc đào tạo ở các trường sư phạm đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới dạy học ở nhà trường phổ thông hay chưa nhằm đề xuất giải pháp giúp cơ quan chỉ đạo dạy học, giáo viên và các trường  điều chỉnh có hiệu quả việc dạy học Ngữ văn ngay trong những năm tới. 2. Từ việc nhận thức bối cảnh và những yêu cầu mới, Hội thảo bước đầu nêu lên những định hướng phát triển của chương trình môn học, từ đó bàn bạc và góp ý kiến cho việc chuẩn bị điều chỉnh, xây dựng lại chương trình, SGK môn học Ngữ văn cho giai đoạn sau 2015.

Về cách đổi mới Ngữ văn trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã nêu ra khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. Cụ thể là chương trình và SGK Ngữ văn theo yêu cầu mới đặt ra nhiều vấn đề không dễ giải quyết. Trước hết là phải tập trung năng lực người học, coi trọng khả năng "làm được", "vận dụng được" những gì đã học để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống, qua đó mà phát triển tư duy, óc sáng tạo.

Trong khi thực trạng giáo dục nói chung và dạy học môn Ngữ văn nói riêng ở nước ta đang có nhiều hạn chế, bất cập thì điều kiện cải thiện tình hình cũng có nhiều khó khăn. Đặc biệt là về cơ bản, nước ta còn nghèo, các cơ sở, vật chất, thiết bị, trường lớp… chưa thể đáp ứng các đòi hỏi của dạy học hiện đại, nhất là về phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá. Chính sách, chế độ cho giáo viên còn chưa thỏa đáng, giáo viên còn gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần nhất là ở các vùng sâu vùng xa. Trong khi, tốc độ phát triển và nhu cầu học tập của người dân ngày càng tăng, sĩ số/đầu lớp khó giảm, tạo ra mâu thuẫn giữa yêu cầu về số lượng và chất lượng giáo dục.

Chất lượng đào tạo bồi dưỡng giáo viên còn nhiều bất cập; đầu vào của các trường sư phạm ngày càng có chất lượng thấp, nhất là các môn khoa học xã hội, trong đó có môn ngữ văn. Học sinh không thích học văn, giáo viên không nhiệt tình dạy văn, sinh viên không muốn học ngành văn; giáo trình đào tạo sư phạm Ngữ văn vẫn còn lạc hậu, chưa đáp ứng được những yêu cầu mới… tạo thành một vòng luẩn quẩn, tác động lẫn nhau làm cho môn học này nhiều nơi trở nên thiếu sinh khí.

Và vấn đề chưa đào tạo và phát triển được một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp về xây dựng, thiết kế, phát triển chương trình môn học. Phần lớn vẫn là kiêm nhiệm, làm theo hợp đồng, nghề tay trái… Nhiều người tham gia làm chương trình và viết SGK nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu kỹ, chưa đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của nghề làm chương trình và SGK theo đúng nghĩa.

Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam

Đặc biệt, hội thảo đã đánh giá SGK Ngữ văn dành cho Trung học hiện nay còn nhiều hạn chế. Cụ thể là: Nhiều bài học, nhất là ở các lớp trên nặng về lý thuyết, ít có tác dụng rèn luyện kỹ năng cho HS; Một số nội dung còn cao so với trình độ nhận thức HS; Thời lượng dành cho một số nội dung còn chưa hợp lý và hầu hết các tác phẩm văn học không phù hợp với tâm lý - xu hướng đọc sách của HS hiện nay, do đó không khơi gợi được hứng thú học tập môn văn của HS.

"Làm thế nào để môn học Ngữ văn xứng đáng với vị trí và tầm quan trọng của nó, thực sự là một thách thức lớn mà vai trò quyết định thuộc về đội ngũ các nhà giáo, các tác giả xây dựng chương trình và SGK" - Thứ trưởng trăn trở.

Tìm phương pháp đổi mới ngành học có "tuổi thọ" cao nhất Việt Nam

Theo PGS.TS. Đỗ Ngọc Thống - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Ngữ văn là môn học có "tuổi thọ" cao nhất ở nhà trường phổ thông. Suốt hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, khái niệm "đến trường", "đi học" chủ yếu là học Ngữ văn. Trước hết là học lễ nghĩa và sau đó là để biết đọc, biết viết, từ đó mà học đạo lý, luân lý, hình luật, chính trị, triết lý…

Có 3 vấn đề cần chú ý trong xác định một chiến lược dạy học nói chung và dạy Ngữ văn nói riêng, theo PGS Thống là: Người giáo viên cần biết tự thay đổi liên tục để thích nghi với những biến động của xã hội. Tự học và học suốt đời là một yêu cầu thực sự đối với mọi người, nhất là trí thức – những người thầy đứng trên bục giảng.

Dạy học Ngữ văn cần tập trung hình thành cho HS phương pháp học và học phương pháp học. Phương pháp dạy học phải tạo cho HS tính hiếu kỳ, tò mò và sự đam mê để họ tự đi tìm và lý giải. qua đó mà hình thành năng lực. Không nhồi nhét kiến thức, không bắt nhớ máy móc, cần biết quên cái cụ thể, chi tiết; chỉ nhớ cách làm, cách xử lý vấn đề… giúp HS tự học, tự khám phá, tự kích thích sáng tạo. Giờ văn học trước hết hãy giúp HS niềm yêu thích, say mê văn chương, mong muốn tìm tòi, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của thế giới nghệ thuật rồi sau đó mới là những yêu cầu khác.

Nhà trường phổ thông trong giai đoạn tới không chỉ chú ý khả năng tư duy loogic, biện chứng… mà cần lưu ý hình thành "khả năng suy tưởng, sự mẫn cảm", những "vẻ đẹp thẩm mỹ và xúc cảm". Trong thế giới hiện đại, điều đó còn quan trọng hơn cả tư duy phân tích - lôgic. Yêu cầu này là hết sức đúng với bản chất của môn Ngữ văn.

Tìm hướng đổi mới ngành Ngữ văn ở Việt Nam

Về vấn đề đề xuất định hướng biên soạn chương trình, SGK mới, GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết - Chủ tịch Hội đồng bộ môn Ngữ văn nêu lên chúng ta cần tham khảo cấu trúc mới của một số sách giáo khoa nước ngoài. Ví dụ như trong sách giáo khoa Ngôn ngữ tiểu học của Columbia thì mỗi tài liệu gồm nhiều mô-đun; mỗi mô-đun do một số bài học cấu thành; và mỗi bài học được chia thành các phần với những mục tiêu khác nhau. Mỗi phần gồm 3 loại hoạt động: Các hoạt động chính - Các hoạt động thực hành - Các hoạt động ứng dụng. Sau mỗi phần, HS được đánh giá để ghi nhận sự tiến bộ của mình.

Riêng sách giáo khoa Ngữ văn cấp THPT của Hàn Quốc (từ lớp 11) có 6 môn tự chọn với 6 cuốn sách giáo khoa là: Văn học - Quốc ngữ trong sinh hoạt - Đọc - Viết - Nói - Ngữ pháp. Một điểm nhìn để tiếp cận nước ngoài nữa là vấn đề so sánh chương trình môn Ngữ văn của Việt Nam và môn tiếng Anh nghệ thuật của bang California (Mỹ)…

Đại Dương

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tim-huong-doi-moi-nganh-ngu-van-o-viet-nam-681721.htm

Comments