Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nhiều ưu đãi cho người được đào tạo về năng lượng nguyên tử

Posted: 29 Jan 2013 07:20 AM PST

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng đầu năm 2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Vũ Luận, chính sách được xây dựng nhằm thu hút, lựa chọn được những người có học lực giỏi theo học, nghiên cứu các ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Góp phần đào tạo nguồn nhân lực đủ về số lượng và chất lượng để phục vụ xây dựng, khai thác, vận hành nhà máy điện hạt nhân và quản lí, ứng dụng, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng nguyên tử.

Đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục đại học được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ tại Quyết định số 1558/QĐ – TTg ngày 18/8/2010 và những người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn, nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử ở trong và ngoài nước, bao gồm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý, cán bộ khoa học và kỹ thuật.

Chính sách chủ yếu tập trung vào hai nội dung chính là học phí và mức hỗ trợ sinh hoạt phí đối với học viên ở các cấp đào tạo cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ hay các khóa ngắn hạn ở trong nước. Đối với đào tạo ở nước ngoài, chính sách áp dụng cho sinh viên đại học, học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Theo dự thảo, nếu được đào tạo trong nước, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử được hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 3,5 lần mức lương tối thiểu chung áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức/tháng; đồng thời được miễn học phí, tiền kí túc xá; được đi thực tập 6 tháng tại một số nước có ngành năng lượng nguyên tử phát triển. Sinh viên đại học xếp loại học lực giỏi trở lên được hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 2,5 lần mức lương tối thiểu; sinh viên cao đẳng xếp loại học lực giỏi trở lên được cấp sinh hoạt phí bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu chung.

Nếu được đi đào tạo ở nước ngoài, sinh viên đại học, cao học, nghiên cứu sinh được cấp sinh hoạt phí bằng 1,2 lần mức sinh hoạt phí cao nhất mà Nhà nước hiện đang cấp cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt nam được cử đi học ở nước ngoài theo các Đề án đào tạo của Chính phủ Việt Nam; đồng thời giữ nguyên mức lương và các chế độ theo quy định hiện hành đối với học viên cao học nghiên cứu sinh trong thời gian học tập, nghiên cứu ở nước ngoài.

Trong phần thảo luận, các thành viên Chính phủ cơ bản tán thành với những nội dung được đề cập. Chính phủ thống nhất sẽ ban hành Nghị định quy định chi tiết những cơ chế hỗ trợ này theo quy trình rút gọn để sớm được áp dụng.

* Cũng trong chiều nay, các thành viên Chính phủ đã nghe báo cáo về kết quả phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban Pháp luật Quốc hội về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh.

Xuân Tuyến

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Nhieu-uu-dai-cho-nguoi-duoc-dao-tao-ve-nang-luong-nguyen-tu/20131/160760.vgp

Thành lập trung tâm văn hóa đầu tiên của Ka-dăc-xtan tại Việt Nam

Posted: 29 Jan 2013 06:20 AM PST

(GDTĐ)-Hôm nay (29/1), tại Hà Nội, Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP quốc gia Ka-dắc-xtan phối hợp tổ chức lễ khai trương Trung tâm Văn hóa và Khoa học Abai – trung tâm văn hóa đầu tiên của Ka-dăc-xtan được thành lập trên đất nước Việt Nam.

cxcxcx
Hiệu trưởng hai trường ĐH tại buổi lễ ra mắt Trung tâm. Ảnh: gdtd.vn

Trung tâm Văn hóa và Khoa học Abai trực thuộc Trường ĐHSP Hà Nội sẽ là nhịp cầu củng cố tình hữu nghị và mối quan hệ bền chặt giữa hai nước Việt Nam và Ka-dắc-xtan; là nơi giao lưu giữa hai nền văn hóa cũng như giới thiệu sự nghiệp nhà thơ Ka-dắc vĩ đại Abai Kunanbaev; đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình liên kết hợp tác về khoa học và giáo dục giữa Trường ĐHSP Hà Nội và Trường ĐHSP quốc gia Ka-dắc-xtan. Trước mắt,  Trung tâm sẽ thực hiện một số chương trình hợp tác giáo dục, tổ chức hội thảo, các buổi thuyết trình và hoạt động giáo dục…

ĐHSP Quốc gia Ka-dắc-xtan Abai là trường đại học đầu tiên của Cộng hòa Ka-dắc-xtan, thành lập từ năm 1928. Hiện trường có gần 1500 giảng viên với hơn 160 viện sĩ, tiến sĩ khoa học và giáo sư; 480 phó tiến sĩ, phó giáo sư và hơn 12.000 sinh viên chính quy; 1,5 nghìn sinh viên dự bị đại học. Hiện tại, trường có 10 khoa, 60 bộ môn, đào tạo hơn 54 chuyên ngành cử nhân, 39 chuyên ngành thạc sỹ và 11 chuyên ngành tiến sỹ. Ngoài ra, ĐHSP Quốc gia Ka-dắc-xtan Abai còn có Viện cao học và đào tạo tiến sĩ; Viện phân tích chất lượng giáo dục và nâng cao trình độ; Viện nghiên cứu các công nghệ dạy học tiên tiến…

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201301/Thanh-lap-trung-tam-van-hoa-dau-tien-cua-Kadacxtan-tai-Viet-Nam-1966641/

Kỷ luật học sinh, mỗi nơi mỗi kiểu

Posted: 29 Jan 2013 06:20 AM PST

Kỷ luật học sinh, chọn cách nào? – Kỳ 1:

Kỷ luật học sinh, mỗi nơi mỗi kiểu

Kỷ luật học sinh đánh thầy nhập viện
Nam sinh và những đòn thù với thầy cô giáo
Sẽ đình chỉ học tập ‘trò cãi thầy’

Hiệu trưởng, nhân danh hội đồng kỷ luật, có quyền đình chỉ học tập một năm đối với học sinh, đây là mức kỷ luật nặng nhất trong trường phổ thông.

Danh sách viết tay của một giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Vân Tảo thông báo cho giáo viên bộ môn về chín học sinh bị đình chỉ học từ một tháng đến một năm. Ảnh: Hồ Ngọc
Danh sách viết tay của một giáo viên chủ nhiệm Trường THPT Vân Tảo thông báo cho giáo viên bộ môn về chín học sinh bị đình chỉ học từ một tháng đến một năm. Ảnh: Hồ Ngọc.

Nhưng kiểm soát của các cấp quản lý với việc thực thi của hiệu trưởng hiện nay lại quá lỏng lẻo, khiến việc kỷ luật học sinh có lúc bị lạm dụng…

Đình chỉ học

Câu chuyện học sinh bị đình chỉ học không còn xa lạ với người dân ở Vân Tảo, Thường Tín, Hà Nội khi từ năm 2007 đến nay, năm nào cũng có hàng loạt học sinh Trường THPT Vân Tảo bị lãnh đạo nhà trường ký quyết định đình chỉ học từ một tuần đến một năm với những lỗi hoàn toàn có thể giáo dục được trong nhà trường. Một số học sinh sau khi bị đình chỉ học đã phải xin chuyển trường hoặc bỏ học vĩnh viễn.

"Chỉ trong học kỳ 1 (năm học 2012-2013) đã có gần 40 lượt học sinh bị nhà trường đưa vào diện phải xử lý kỷ luật, trong đó nhiều trường hợp bị đình chỉ học" – một thầy giáo ở Trường Vân Tảo cho biết.

Tìm đến nhà một học sinh vừa có quyết định đình chỉ học một năm là em Bùi Văn N., cựu học sinh lớp 12A4 Trường THPT Vân Tảo, mẹ N. khóc cho biết: "Anh trai nó nghiện ma túy, cả gia đình tôi hi vọng vào đứa con trai thứ hai. Giờ cháu bị đình chỉ học, chúng tôi lo thắt ruột, chỉ sợ chưa kịp đi học trở lại vào năm học tới, cháu lại đi theo con đường của thằng anh!" Điều kỳ lạ là gia đình không hề được trường mời tới làm việc về vi phạm của em N.. Còn N. cho biết "hiện tại em thấy rất lo lắng khi trước mắt là những tháng ngày dông dài không biết đi đâu, làm gì!". Quyết định đình chỉ học một năm của N. được ký từ ngày 24-12-2012 ghi em N. mắc hai lỗi "sử dụng điện thoại trong giờ học và vô lễ với thầy giáo".

Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Văn Biên, giáo viên thể dục của lớp em N., kể: "Hôm đó vì em N. không mặc đồng phục nên tôi đã đề nghị em ngồi sang một góc riêng trên sân mà không cho em học. Bất mãn với việc này, N. đã văng tục trước mặt cả lớp!". Tuy nhiên thầy Biên cũng cho biết: "Tôi không được tham gia cũng như không biết hội đồng kỷ luật N. họp vào lúc nào. Sau khi em N. bị đình chỉ học, tôi mới biết".

Còn cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A4, xác nhận sự việc đối với em N. và cho biết: "Ở Trường Vân Tảo, việc kỷ luật học sinh có nguyên tắc riêng, chỉ có biên bản kỷ luật chứ không bao giờ có học sinh vi phạm được mời tham dự cuộc họp của hội đồng kỷ luật".

Bạn học cùng lớp với N. cho biết năm học trước có bốn em nữ cũng bị đình chỉ học một năm vì lỗi "đánh nhau". Trong đó chỉ ba em trở lại trường sau thời hạn kỷ luật. Lần giở lại "truyền thống" đình chỉ học tập của học sinh Trường Vân Tảo, chúng tôi nhận thấy các trường hợp bị kỷ luật đều rất chóng vánh, không theo quy trình mời cha mẹ học sinh tới cùng phối hợp phân tích, khuyên bảo, tìm kiếm biện pháp giáo dục phù hợp với các em.

Một số học sinh khác ở Vân Tảo đuổi đánh nhau trong trường, xô đổ thùng rác bị vỡ, trả lời thiếu lễ độ với thầy giáo, trèo tường trốn tiết… đều phải nhận quyết định buộc đình chỉ học từ một tuần đến một năm, trong đó có em mới phạm lỗi lần đầu. Còn có những học sinh bị đình chỉ học vì lỗi "mang máy ảnh đến trường trong lễ khai giảng", "nghịch cầu dao điện", "vuốt keo lên tóc", hoặc "không hát quốc ca", "để chân lên ghế". Có thời điểm một lớp học có tới 12 học sinh bị đình chỉ học tập một tuần, một tháng hoặc một năm. "Vào lớp cũng thấy hoang mang khi cô chủ nhiệm gửi tới danh sách chín học sinh bị đình chỉ học trong một ngày vì những lỗi không nghiêm trọng" – một giáo viên Trường Vân Tảo chia sẻ.

Trong một cuộc trả lời báo chí về biện pháp giáo dục của nhà trường khi bắt đầu áp dụng "kỷ luật thép" – ông Lê Xuân Trung, hiệu trưởng Trường THPT Vân Tảo, khẳng định quan điểm của mình nhằm chấn chỉnh nề nếp. Nhưng ông Trung cũng thẳng thắn cho rằng những học sinh bị đình chỉ một tuần, một tháng không theo kịp bài phải lưu ban là trách nhiệm của các em, nhà trường không thể chạy theo các em được. Và vì nhà trường quản lý học sinh trong giờ hành chính nên ông không muốn bình luận về trách nhiệm trong việc học sinh phải nghỉ học đi lang thang.

Em Dương Văn D. và Bùi Xuân Đ. trong thời gian bị đình chỉ học một năm. Ảnh: Hồ Ngọc
Em Dương Văn D. và Bùi Xuân Đ. trong thời gian bị đình chỉ học một năm. Ảnh: Hồ Ngọc.

Nặng nề

Không chỉ ở Vân Tảo, Trường THPT Mỹ Đức C, Hà Nội năm 2010 cũng đình chỉ học 11 học sinh chỉ vì hành vi "đái bậy". Trường THPT chuyên Hạ Long, Quảng Ninh, cuối năm 2012 có ba học sinh chuyên bị đình chỉ học, trong đó có một nữ sinh vì nhận được thông tin "thách đấu" của bạn, nhưng không báo cho cô giáo chủ nhiệm mà chuyển thẳng cho học sinh được thách đấu. Mặc dù cuộc xô xát xảy ra gây trọng thương cho nhiều học sinh nhưng mức kỷ luật đối với nữ sinh có hành vi "chuyển giấy thách đấu" quá nặng nề đối với em này và gia đình.

Nhiều trường hợp học sinh mắc lỗi nặng nề và bị kỷ luật như nữ sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Đông, Hà Nội vì "làm nhục bạn" năm học trước, hay mới đây là vụ em học sinh nói xấu thầy cô trên Facebook ở Tam Kỳ, Quảng Nam cũng gây ra tranh luận nhiều chiều, trong đó không ít ý kiến cho rằng không nên đình chỉ việc học.

Tại Hà Nội, một số trường hợp học sinh mắc lỗi đã được "gợi ý chuyển trường". Một phụ huynh có con học lớp 9 ở huyện Từ Liêm, Hà Nội cho biết: "Tôi được gợi ý chuyển trường cho con, vì nếu không con tôi sẽ rơi vào diện bị đuổi học". Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, mỗi năm học có 15-20 học sinh từ nơi khác chuyển về trường này. Trong đó nhiều học sinh rơi vào cảnh "bị đuổi ở nơi khác hoặc do mắc quá nhiều lỗi nên được trường cũ gợi ý chuyển trường".

"Căng thẳng và bối rối"

Thầy Nguyễn Đình Thịnh – hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP.HCM) – cho biết "chưa bao giờ áp dụng đình chỉ học một năm đối với học sinh". Những trường hợp phạm lỗi nặng như đánh nhau, mang hung khí vào trường… sẽ bị đình chỉ học từ ba ngày đến một tuần. "Bị đình chỉ học nhưng học sinh vẫn phải đến trường – thầy Thịnh nói – Các em ngồi ở phòng giám thị và học bài, chép bài đầy đủ vì không học các em sẽ không theo kịp". Tại trường này, thầy Thịnh cho biết có học sinh "phá cơ sở vật chất" bị phạt lao động như lau tường, cạo bã kẹo cao su…

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.10, TP.HCM kể năm 2009 một học sinh của trường mắc lỗi đánh nhau trong trường hai lần. "Tôi cũng định đình chỉ học một năm" – thầy hiệu trưởng này cho biết. Theo ông, lúc đó nếu áp dụng đình chỉ học một năm cũng đúng với thông tư 08. "Lúc đó tôi rất căng thẳng và bối rối. Mình không áp dụng thì không nghiêm, mà đình chỉ học một năm thì tiêu đời học sinh. Cuối cùng, tôi chọn cách đình chỉ học học sinh một tuần và bây giờ nghĩ lại tôi thấy mình làm đúng. Cuối năm họp xóa án kỷ luật, em này đã ngoan ngoãn hơn và học rất tốt".

Cô Vân Anh – giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu (TP.HCM) – cho biết việc kỷ luật học sinh ở trường chủ yếu là viết bản kiểm điểm, nhắc nhở học sinh. Với những trường hợp vi phạm nặng như đánh nhau, trường chỉ đình chỉ học từ ba ngày đến một tuần, chứ chưa áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất là đình chỉ học một năm…

Theo Tuổi Trẻ

Nguồn: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/612293/Ky-luat-hoc-sinh-moi-noi-moi-kieu-tpol.html

TP.HCM: Thưởng Tết thấp nhất 900.000 đồng

Posted: 29 Jan 2013 04:39 AM PST

- Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc chi
quà Tết cho giáo viên, cán bộ, công nhân viên.

Theo chỉ đạo của Sở các đơn vị này sẽ chi quà Tết cho giáo viên, cán bộ, công nhân
viên với mức chi 900.000 đồng/ người.

Về nguồn kinh phí chi quà Tết, nếu các đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm
bảo toàn bộ chi phí hoạt động sẽ được ngân sách thành phố bổ sung kinh phí chi quà
Tết.

Nếu là các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và
đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên tự cân đối kinh
phí (kinh phí chi thường xuyên, nguồn thu của đơn vị) để chi quà Tết cho giáo viên,
cán bộ, công nhân viên.

Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/107136/tp-hcm--thuong-tet-thap-nhat-900-000-dong.html

Thần đồng y khoa gốc Việt

Posted: 29 Jan 2013 04:39 AM PST

James Nguyễn trở thành thần đồng của ngành y khoa Mỹ với nhiều thành tích xuất chúng khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn học phổ thông.

James (hàng đầu tiên, thứ 3 từ phải sang) và các nghiên cứu sinh ở Đại học Arizona chụp hình cùng vợ chồng Tổng thống Mỹ Barack Obama – Ảnh: nhân vật cung cấp.

Thần đồng James Nguyễn được Đại học (ĐH) Santa Ana, ở bang California của Mỹ, vinh danh trong bảng vàng nhờ những dấu ấn đáng kinh ngạc.

Anh tốt nghiệp trường này khi mới 14 tuổi, năm 16 tuổi trở thành phụ giảng ngành sinh lý học. Trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây qua thư điện tử, James chia sẻ về quá trình học tập và những dự định tương lai.

Từ điểm kém đến siêu thành tích

 

James có thể kể lại quá trình học tập của mình, tại sao anh chọn ngành y?

Thuở nhỏ, tôi khá nghịch ngợm khi đi học và toàn bị điểm kém. Nhà trường liên tục mời mẹ tôi lên để than phiền.

Tôi thường gây chuyện đánh nhau hoặc làm phiền người khác như vẽ lên áo khoác của bạn bè, gấp máy bay giấy rồi phóng lên trong khi giáo viên đang viết trên bảng… Một ngày nọ, tôi về nhà với cánh tay bị gãy khiến mẹ tôi liên tục dò hỏi do ai gây ra.

Suốt đêm đó, bà chẳng ngủ để chờ đến khi trời sáng rồi chở tôi đến trường, tìm hiểu nguyên nhân. Đến nơi, bà lập tức gặp cô hiệu trưởng và yêu cầu được biết ai làm tôi gãy tay.

Đáp lại, cô hiệu trưởng nói: "Nếu là bà, tôi sẽ chẳng muốn biết nguyên nhân. Con bà gãy tay nhưng một bạn học của em bị đánh thẳng vào mặt khiến một mắt sưng vù. Mẹ của cậu học sinh đó đang muốn gặp bà để yêu cầu thanh toán hóa đơn thuốc men. Bà có muốn gặp phụ huynh đó không".

Mẹ tôi chẳng biết nói gì rồi ra về. Sau vụ đó, giáo viên xếp tôi ngồi vào một góc và chẳng thèm đoái hoài tới.

Sau vài tuần bị phạt như thế, tôi cảm thấy cô đơn, buồn tủi và trở nên chán nản. Tôi nói với mẹ tôi nhiều lần về cảm giác của mình nhưng bà cũng chẳng muốn nghe.

Sau đó, tôi giải thích cho mẹ hiểu rằng tôi chẳng muốn đến trường nữa và lý do khiến tôi chẳng muốn đi học là vì không hứng thú với chương trình đào tạo. Cho nên, bà đến lớp để quan sát xem điều tôi nói có đúng hay không.

Quả thực bà đã sốc khi nhận ra điều tôi nói là sự thật, chương trình dạy không tương đương với khả năng của tôi.

Mẹ tôi cố gắng thuyết phục cô hiệu trưởng rằng nhà trường đã đặt tôi ngồi "sai lớp" nên tôi chán rồi trở thành nỗi phiền toái của mọi người.

Cuối cùng, cô hiệu trưởng cũng đồng ý sẽ cho tôi thử ở một lớp học danh dự để xem tôi có đủ sức theo không trước khi chấp nhận để tôi chuyển sang lớp này.

Kể từ đó, tôi toàn đạt điểm loạt giỏi và không còn gây rối nữa. Điều này khiến mẹ tôi vô cùng lấy làm lạ, khi con trai bà chưa bao giờ đạt nổi điểm khá ở lớp thường thì làm cách nào đạt được toàn điểm giỏi trong một lớp danh dự.

Mẹ cảm thấy có điều gì đó đặc biệt nên muốn tôi thử sức với những chương trình cao hơn. Năm 1998, bà tìm đến ĐH Santa Ana và được Chủ tịch Hội đồng quản trị Pete Maddox đồng ý kiểm tra năng lực của tôi.

Chỉ với bài đánh giá duy nhất, tôi được phép nhập học và hoàn toàn đạt điểm loại giỏi. Tôi nhập học trường này khi mới 12 tuổi. Đến năm 17 tuổi, tôi tốt nghiệp chương trình sau ĐH của Trường UCI (University of California, Irvine – NV).

Tôi đã chọn ngành y khoa theo đúng mong muốn của mình trước đó khi một bác sĩ cứu sống cha tôi trong một cơn đau tim. Tôi ngưỡng mộ các bác sĩ và muốn nối bước họ chăm sóc sức khỏe cho người khác.

Muốn cưới vợ Việt


 

James Nguyễn – Ảnh: nhân vật cung cấp.

Công việc của anh hiện tại thế nào và anh có dự định gì trong tương lai?

Hiện nay, tôi còn 6 tháng nữa sẽ hoàn thành chương trình đào tạo về tim mạch tại ĐH Arizona.

Tôi sẽ chuyển sang Texas để tham gia khóa đào tạo kéo dài 2 năm về tim mạch can thiệ(interventional cardiology) ở ĐH UTSA (University of Texas, San Antonio).

Tim mạch can thiệp là một chuyên ngành điều trị cho các bệnh nhân bị đau tim do nghẽn động mạch vành.

Trong trường hợp đó, tôi sẽ mở lại động mạch vành. Khi hoàn thành khóa đào tạo tại Texas, tôi sẽ quay về và cố gắng đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng người Việt.

James có muốn chia sẻ thêm về cuộc sống của mình?

Tôi rất biết ơn những gì cha mẹ đã làm cho tôi. Hiện giờ, tôi vẫn đang độc thân nên mong muốn sẽ tìm được một cô gái Việt Nam xinh đẹp để cưới làm vợ, cùng nhau chia sẻ mọi thứ trong cuộc sống.

Cám ơn anh!

Nhân tài xuất chúng

James Nguyễn (30 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Hồi thập niên 1970,
gia đình anh đến nước này và định cư tại thành phố Garden Grove thuộc
bang California.

Thuở nhỏ, James luôn là một học sinh nghịch ngợm
và thành tích học khá bết bát. Thế nhưng, sau khi được mẹ phần nào hiểu
được năng lực thực sự của anh, James không ngần ngại khẳng định mong
muốn chinh phục những đỉnh cao tri thức.

Sau gần 20 năm, ông Pete
Maddox, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Santa Ana, vẫn chưa thể quên được
ấn tượng lần gặp đầu tiên khi James mới 12 tuổi.

Ông Maddox nhớ
lại: "Ngay lần đầu gặp, James đã nói cậu ấy muốn nhập học ĐH Santa Ana.
Cậu chỉ ra những mục tiêu học tập và muốn nhanh chóng làm điều đó. Thế
nhưng vấn đề là James chỉ mới 12 tuổi. Kiến thức trung học chưa đủ để
cậu từ một học sinh lớp 7 trở thành sinh viên đại học. Chúng tôi thảo
luận về mục tiêu của James, về những rắc rối của cậu ở nhà trường phổ
thông cũng như khó khăn của bậc ĐH. Thế nhưng, cậu chẳng hề nản chí.
James biết rõ bản thân muốn gì, và quan trọng hơn là cậu sẵn sàng vượt
qua thử thách để đạt mục tiêu".

James còn trình bày rõ nguyện
vọng trở thành bác sĩ tim mạch và đã khiến ông Maddox tin tưởng vào năng
lực của anh. Vì thế, ông đưa James gặp một tiến sĩ ở Santa Ana để "kiểm
tra chất lượng". C

uối cùng, James được nhập học tại ĐH Santa
Ana vào năm 12 tuổi. Anh không hề khiến ông Maddox thất vọng khi tốt
nghiệp trường này vào năm 14 tuổi với thành tích xuất sắc.

Sau
đó, thần đồng này chuyển sang UCI (University of California, Irvine -
NV) để học tiếp về ngành y và lại tốt nghiệp xuất sắc khi mới 16 tuổi.
Cũng trong năm này, James trở thành trợ giảng. Năm 19 tuổi, James vào
ngành y của ĐH St George và 4 năm sau trở thành bác sĩ nội trú thuộc
Bệnh viện khu vực Orlando ở thành phố Orlando, bang Florida. Trong giai
đoạn 3 năm làm bác sĩ nội trú tại đây, James hoàn thành một nghiên cứu
được đánh giá hạng ưu ở cuộc thi giữa các trường y của nước Mỹ.

Trong
Hội nghị nội khoa 2009, nghiên cứu này vượt qua 420 bài trình bày khác
để giành giải nhất. Năm 26 tuổi, James trở thành bác sĩ nội trú trưởng
của khoa nội tại Bệnh viện UMC thuộc ĐH Arizona ở Tucson rồi nghiên cứu
sâu về tim mạch tại đây cho đến nay.

Năm 2011, phát biểu trong
buổi vinh danh James vào bảng vàng của ĐH Santa Ana, ông Maddox tuyên
bố: "Chẳng có cơ hội nào lớn hơn cho trường (ĐH Santa Ana – NV) và cộng
đồng so với việc chúng ta phát hiện những người trẻ như James Nguyễn để
giúp anh ấy theo đuổi con đường học tập cho riêng mình".

Theo website của ĐH Santa Ana

(Theo Ngô Minh Trí/ Thanh Niên)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/107209/than-dong-y-khoa-goc-viet.html

Atlat về chủ quyền biển đảo

Posted: 29 Jan 2013 04:39 AM PST

Sách ảnh về Trường Sa, Hoàng Sa dành cho thiếu nhi mang tên “Tổ quốc nơi đầu sóng” đã chính thức ra mắt tại Hà Nội. 

Kiến trúc sư, nhà sưu tập ảnh Đoàn Bắc, đại diện nhóm tác giả thực hiện cuốn sách cho biết, “Tổ quốc nơi đầu sóng” là cuốn sách ảnh đầu tiên về Trường Sa, Hoàng Sa dành cho các em thiếu nhi.

Sách tuyển chọn 200 bức ảnh và tư liệu lịch sử, địa lý, văn hóa, thiên nhiên, cảnh vật, con người ở nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Play

  • Anh Tuấn ( Theo VTV ) 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/107351/atlat-ve-chu-quyen-bien-dao.html

Khổ vì quy định lỗi thời

Posted: 29 Jan 2013 04:38 AM PST

Nhiều chính sách, quy định lạc hậu, phi thực tế, nhưng đến nay vẫn được áp dụng tại
nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương, gây lúng túng, thậm chí bức xúc cho cán bộ công chức và người dân.

Vừa đi máy bay vừa ngủ khách sạn

Đầu những năm 2000, theo quy định của ngành tài chính, cán bộ (lính "chay") mà đi
công tác các tỉnh lẻ chỉ được thanh toán mỗi ngày 90.000 đồng tiền ngủ khách sạn, dù
trong hóa đơn có ghi bao nhiêu thì cũng chỉ được thanh toán chừng đó.

Minh họa: DAD/thanhnien.com.vn

Ở các thành phố "tỉnh lẻ" dạo đó, chỗ ngủ tồi nhất cũng mất 150.000 đồng/đêm, vì
vậy, hễ đi công tác một ngày, cán bộ đó phải chịu thiệt 60.000 đồng.

Thắc mắc trước nghịch lý này thì kế toán giải thích như sau: đó là quy định của
"tài chính". Nếu "ngủ ghép" thì hai người vẫn "thừa" tiền cơ mà! Báo hại, có phải cơ
quan lúc nào cũng đi hai người đâu để mà ngủ ghép? Nếu đi một mình, nếu anh nào "ngủ
ghép" thì lại là người… ngoài cơ quan.

Sau nhiều lần thấy nhân viên trong cơ quan mình phải chịu thiệt về tiền ngủ sau
mỗi chuyến công tác, cô kế toán của cơ quan anh Nguyễn Thành – một đơn vị hành chính
sự nghiệp mới "bày" cho anh: "Từ nay, hễ mỗi lần đi công tác, thay vì ngủ hai đêm,
anh nói với bộ phận lễ tân ghi ba đêm, số tiền anh phải trả vẫn không thay đổi, chỉ
thay đổi số đêm ngủ. Anh không phải chịu thiệt mà kế toán cũng đỡ khó xử".

Y lời kế toán bày vẽ, một lần, anh Thành đã yêu cầu lễ tân ghi thêm ngày, nhưng
khổ nỗi, ngày "ghi thêm" đó, ông sếp lại bất ngờ điều động anh bay ra Hà Nội gấp, mà
vé máy bay, hễ bay ngày nào thì hiện lên ngày đó chứ không thể ghi sai ngày cho hợp
với chứng từ "ngủ thêm" ở khách sạn được.

Đến khi thanh toán công tác phí, chính cô kế toán ấy "tố" anh Thành: "Tại sao anh
vừa ngủ khách sạn (đêm ghi thêm) mà lại vừa bay (ngày ghi trong vé) đi Hà Nội?" Anh
thành… cứng miệng, "chừa" luôn cái trò "lươn lẹo" mà cô kế toán ấy bày vẽ.

Hiện nay, việc thanh toán tiền phòng ngủ cho cán bộ nhân viên khi đi công tác ở
các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã có "nhích lên" nhưng so với thực tế thì vẫn
còn một khoảng cách khá xa. Ví dụ như ngủ ở TP.HCM (cán bộ dưới cấp trưởng phó phòng
đi lẻ) thì chỉ thanh toán được 300.000 đồng/ngày. Số tiền này chỉ đủ để thuê… nhà
nghỉ vài giờ.

Xe ôm cũng phải có… hóa đơn

Một cán bộ làm việc trong cơ quan hành chính sự nghiệp ở Quảng Trị thường xuyên đi
công tác ở Đà Nẵng. Vé xe Đông Hà – Đà Nẵng là 60.000 đồng.

Kẹt nỗi, nhà anh ở thị xã Quảng Trị, cách Đông Hà gần 20 cây số nên anh ra quốc lộ
để đón xe.

Toàn bộ những chuyến công tác đó, anh không được thanh toán vì không có vé xe theo
quy định của tài chính.

Muốn có vé xe, anh lại phải đón xe ôm quay ngược ra Đông Hà, mất thêm 40.000 đồng!

Lại nữa, từ Bến xe Đà Nẵng mà đến cơ quan anh dưới bờ sông Hàn, anh lại đón xe ôm
lần nữa, tốn thêm khoảng 40.000 đồng.

Mỗi lần đi công tác "có vé xe", anh phải chịu thiệt thêm 70.000 đồng tiền xe ôm.
Nghe anh than thở, cô kế toán "bày": "Anh phải nhờ anh xe ôm ấy ghi giấy xác nhận để
có chứng từ!"

Một hôm, anh làm theo lời chỉ dẫn của cô kế toán, thì anh xe ôm nói tỉnh queo:
"Anh thông cảm, em không biết chữ". Thế là anh đành bỏ luôn.

Tất cả kế toán ở các cơ quan đều thấy rõ nghịch lý trên, từ chuyện công tác phí
đến chế độ thanh toán tiền ngủ, tiền tàu xe, song họ không thể "linh hoạt vượt rào"
để rồi khi tài chính cấp trên về kiểm tra, họ sẽ bị xuất toán thì không lấy đâu ra
tiền mà đền!

Một bữa cơm, uống… 300 chai nước khoáng

Hiện nay, có những địa phương ra quy định rất kỳ quặc: "Không được tiếp khách bằng
bia rượu". Lâu lâu gặp nhau, nhất là "cấp trên về thăm" mà… uống nước khoáng thì coi
sao được. Thế là… bia. Mà đâu chỉ uống một vài chai. Hứng lên là 5-7 chai/người. Một
đoàn 10 người, cả khách lẫn chủ nhà cũng mất vài thùng, ngót nghét triệu bạc.

Để cho hợp lý chứng từ, cô kế toán buộc phải bắt nhà hàng ghi phần "nước uống" là
nước khoáng. Một triệu tiền nước khoáng hiện nay là khoảng 300 chai!

Tài chính ở trên về kiểm tra, thấy cái "list" nước khoáng cho một bữa ăn ấy là
không thể nhịn được cười vì nó quá vô lý với thực tế nhưng nó lại "hợp lý" với quy
định.

Ai cũng biết chuyện "đóng kịch" này là rất vô lối nhưng rồi tất cả đều… gật đầu
chấp nhận.

Đó là thực tế rất hài hước của những quy định hiện hành, ai cũng kêu nhưng sửa cho
hợp lý thì không biết đến bao giờ!

Dạy thêm 2.000 đồng/tiết!

Theo Văn bản số 91/THPT ngày 12.2.2011 về việc "Tổ chức, quản lý dạy thêm, học
thêm" tại Bình Định, có đề ra năm tiêu chuẩn của các lớp dạy thêm, gồm: số lượng học
sinh một lớp không quá 45 em đối với lớp luyện thi đại học và 30 em đối với lớp phổ
thông; diện tích bình quân tối thiểu là 0,7 m2/ học sinh; đầy đủ ánh sáng, thoáng
mát, hợp vệ sinh; có bảng, bàn ghế phù hợp với học sinh; có nhà vệ sinh cho học sinh.

Trong khi đó, mức thu học phí thực hiện theo Quyết định 59/1999/QĐ-UB ngày
6.5.1999 của UBND tỉnh Bình Định như sau: khối tiểu học từ 12.000 – 15.000 đồng/tháng
(vùng ngoại thành và các huyện từ 8.000 – 10.000 đồng/tháng), khối THCS không quá
12.000 – 15.000 đồng/môn học, khối THPT không quá 15.000 – 20.000 đồng/môn học, trung
tâm luyện thi thì không quá 1.500 – 2.000 đồng/tiết/môn học.

Hai văn bản này đến nay vẫn còn hiệu lực. Một thầy giáo THPT cười cười, xòe tay
tính toán rồi nói: "Nếu làm theo quy định, tôi tạm tính thế này: lớp học cao nhất 30
em, thu 20.000 đồng/tháng thì giáo viên dạy thêm thu được 600.000 đồng/tháng. Chừng
ấy tiền chưa đủ để thuê địa điểm dạy, trả tiền điện, nước chứ nói gì đến cải thiện
thu nhập. Quy định đưa ra để đọc chơi chứ có ai làm theo đâu? Làm theo thì giáo viên
dạy thêm sẽ chuyển từ hộ nghèo sang hộ đói hết rồi".

(Theo Thanh niên)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/107384/kho-vi-quy-dinh-loi-thoi.html

Không rập khuôn khó có ‘mưa’ học sinh giỏi

Posted: 29 Jan 2013 04:38 AM PST

- Trăn trở với việc làm thế nào để những thế hệ sau này sống thật hơn
với cảm xúc, với chính kiến của riêng mình, nhiều độc giả cho rằng: không thể chỉ trách giáo viên, mà đây là lỗi hệ thống.



Ảnh minh họa

Bệnh thành tích

Độc giả Lê Huân cho rằng không chỉ bây giờ mà đã từ rất lâu, từ thời 8x như anh đã có hiện tượng "học thuộc lòng để đi thi còn chép". "Có điều thời đó thông tin đại chúng không có, nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng nên mọi người không chú ý nhiều thôi!"

Cô giáo Bích Hà chia sẻ "đã có lần quăng bút chấm bài vì đọc bài học sinh viết y như nhau". Cô Hà cho rằng "khi để các em viết chân thực thì phải chấp nhận điểm không cao, giáo viên dạy không giỏi, tỷ lệ học sinh khá giỏi thấp, thành tích của trường kém…. Điều này lại không mấy ai chấp nhận". Tuy nhiên, cô giáo dạy Văn này vẫn ủng hộ việc dạy HS cách cảm nhận con người, cuộc sống theo cái nhìn riêng của các em.

"Việc cô yêu cầu trò làm theo mẫu sẽ làm méo mó cách nhìn của các em, dạy các em thói giả dối ngay từ bé. Như thế là phản giáo dục, là có tội…" Một độc giả khác đồng tình với ý kiến này. Anh cho rằng nếu chúng ta chỉ đổ lỗi cho giáo viên là hoàn toàn sai, mà phải tìm được đúng bản chất vấn đề.

Một bà mẹ có con học lớp 5 cũng giật mình khi đọc bài văn con tả bố hoàn toàn xa lạ với "bố thật". Khi yêu cầu cháu viết lại một bài văn khác chân thật hơn thì cháu nói rằng "cô giáo bảo tả như thế mới hay và cả lớp con tả bố như thế, tả thật cô không cho điểm cao" trong khi cô giáo dạy Văn của cháu là giáo viên giỏi, chuyên ôn luyện cho đội tuyển HS giỏi của trường – phụ huynh này cho biết. Chị cho rằng với cách dạy như vậy, chính ngành giáo dục đang dạy các cháu cách nói dối.

Độc giả Hoàng Lân Vũ cũng đồng tình và cho rằng: "Ngay cả thế hệ người lớn chúng ta đã từ lâu nhiễm thói giả dối vào trong câu, chữ, lời nói… Bây giờ nên làm lại từ thế hệ trẻ và người lớn chúng ta phải làm khuôn mẫu mới mong sớm ra ba, bốn thế hệ sau sẽ có lớp người mới trung thực hơn. Trẻ con các nước người ta “hướng dẫn” các cháu suy nghĩ, còn chúng ta thì “bắt buộc” các cháu suy nghĩ nên mới có những chuyện tréo ngoe nêu trên. Cứ mãi như thế thì các cháu lớn lên sẽ suy nghĩ, làm việc như cái máy, khả năng tìm tòi học hỏi kém, không có tư duy độc lập".

Để trẻ không là máy photocopy?

Nhiều độc giả nêu ví dụ ở các nước phát triển, họ để cho con trẻ nói ra những gì các con biết, các con nghĩ. Còn ở nước ta, trẻ được dạy phải nói những gì tốt đẹp, mượt mà, tránh nói những điều thô kệch, xấu xí cho dù đó có là sự thật.

Độc giả Trần Việt cho rằng Việt Nam nên học cách làm của những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác: "Tôi thấy rằng nền giáo dục của các nước phát triển luôn đề cao tính sáng tạo của học sinh. Các cháu được viết những gì các cháu nghĩ và nhìn thấy cuộc sống xung quanh mình, hoàn cảnh, gia đình, cuộc sống…

Từ đó giáo viên hiểu được các cháu đang có cuộc sống như thế nào để có thể hướng dẫn và giúp đỡ các cháu đi đúng con đường. Bên cạnh đó luôn gặp gỡ riêng phụ huynh của từng em để cùng giúp các cháu… Tại sao giáo dục chúng ta không nhìn theo con đường đó để giúp các cháu nhận thức cuộc sống tốt hơn. Ở đây tôi xin không đề cập đến lương của 2 nền giáo dục khác nhau mà nói về sự yêu nghề, yêu học sinh như con".

Anh Nguyễn Tiến Hùng cho rằng "việc tham khảo văn mẫu là tốt nhưng khi làm một bài văn thì phải biết sàng lọc những ngôn từ, áng văn hay để áp dụng sát với thực tiễn cảm nhận của các cháu; không copy nguyên bản bài văn mẫu…"

Bạn đọc Quỳnh Anh tỏ ra thông cảm với các giáo viên khi phải dạy theo chương trình quy định, "vì chỉ lệch chút ít họ sẽ bị kiểm điểm và kỷ luật". Độc giả này bất bình trước việc "trẻ chỉ được ca ngợi và không được phép phê phán hay nêu cảm xúc thực của mình. Một điều buồn là giáo viên dạy như những cái máy công nghịêp, chỉ cần không sai, không cần minh họa, không cho phép trao đổi phản biện…"

Chị Hồng Vân chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn viết văn cho con trai và đã thu được những kết quả tốt. "Điều khó nhất là phải tạo được hứng thú cho các cháu với môn học này thông qua đi chơi dã ngoại, xem qua ti vi, báo ảnh… hoặc qua internet để tạo kiến thức cho trẻ. Cha mẹ cũng cần phải chú ý hướng dẫn con cách quan sát phong cảnh, sự vật, con người khi ra ngoài".

Bên cạnh đó, chị cũng cho con đọc thêm văn mẫu, sách truyện để trẻ học được cách hành văn. Chị cho rằng đây là điều các con không thể tự có được mà phải qua học hỏi.

  • Nguyễn Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/107324/khong-rap-khuon-kho-co--mua--hoc-sinh-gioi.html

Không rập khuôn khó có ‘mưa’ học sinh giỏi

Posted: 29 Jan 2013 02:18 AM PST

Trăn trở với việc làm thế nào để những thế hệ sau này sống thật hơn
với cảm xúc, với chính kiến của riêng mình, nhiều độc giả cho rằng: không thể chỉ trách giáo viên, mà đây là lỗi hệ thống.



Ảnh minh họa

Bệnh thành tích

Độc giả Lê Huân cho rằng không chỉ bây giờ mà đã từ rất lâu, từ thời 8x như anh đã có hiện tượng "học thuộc lòng để đi thi còn chép". "Có điều thời đó thông tin đại chúng không có, nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng nên mọi người không chú ý nhiều thôi!"

Cô giáo Bích Hà chia sẻ "đã có lần quăng bút chấm bài vì đọc bài học sinh viết y như nhau". Cô Hà cho rằng "khi để các em viết chân thực thì phải chấp nhận điểm không cao, giáo viên dạy không giỏi, tỷ lệ học sinh khá giỏi thấp, thành tích của trường kém…. Điều này lại không mấy ai chấp nhận". Tuy nhiên, cô giáo dạy Văn này vẫn ủng hộ việc dạy HS cách cảm nhận con người, cuộc sống theo cái nhìn riêng của các em.

"Việc cô yêu cầu trò làm theo mẫu sẽ làm méo mó cách nhìn của các em, dạy các em thói giả dối ngay từ bé. Như thế là phản giáo dục, là có tội…" Một độc giả khác đồng tình với ý kiến này. Anh cho rằng nếu chúng ta chỉ đổ lỗi cho giáo viên là hoàn toàn sai, mà phải tìm được đúng bản chất vấn đề.

Một bà mẹ có con học lớp 5 cũng giật mình khi đọc bài văn con tả bố hoàn toàn xa lạ với "bố thật". Khi yêu cầu cháu viết lại một bài văn khác chân thật hơn thì cháu nói rằng "cô giáo bảo tả như thế mới hay và cả lớp con tả bố như thế, tả thật cô không cho điểm cao" trong khi cô giáo dạy Văn của cháu là giáo viên giỏi, chuyên ôn luyện cho đội tuyển HS giỏi của trường – phụ huynh này cho biết. Chị cho rằng với cách dạy như vậy, chính ngành giáo dục đang dạy các cháu cách nói dối.

Độc giả Hoàng Lân Vũ cũng đồng tình và cho rằng: "Ngay cả thế hệ người lớn chúng ta đã từ lâu nhiễm thói giả dối vào trong câu, chữ, lời nói… Bây giờ nên làm lại từ thế hệ trẻ và người lớn chúng ta phải làm khuôn mẫu mới mong sớm ra ba, bốn thế hệ sau sẽ có lớp người mới trung thực hơn. Trẻ con các nước người ta “hướng dẫn” các cháu suy nghĩ, còn chúng ta thì “bắt buộc” các cháu suy nghĩ nên mới có những chuyện tréo ngoe nêu trên. Cứ mãi như thế thì các cháu lớn lên sẽ suy nghĩ, làm việc như cái máy, khả năng tìm tòi học hỏi kém, không có tư duy độc lập".

Để trẻ không là máy photocopy?

Nhiều độc giả nêu ví dụ ở các nước phát triển, họ để cho con trẻ nói ra những gì các con biết, các con nghĩ. Còn ở nước ta, trẻ được dạy phải nói những gì tốt đẹp, mượt mà, tránh nói những điều thô kệch, xấu xí cho dù đó có là sự thật.

Độc giả Trần Việt cho rằng Việt Nam nên học cách làm của những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến khác: "Tôi thấy rằng nền giáo dục của các nước phát triển luôn đề cao tính sáng tạo của học sinh. Các cháu được viết những gì các cháu nghĩ và nhìn thấy cuộc sống xung quanh mình, hoàn cảnh, gia đình, cuộc sống…

Từ đó giáo viên hiểu được các cháu đang có cuộc sống như thế nào để có thể hướng dẫn và giúp đỡ các cháu đi đúng con đường. Bên cạnh đó luôn gặp gỡ riêng phụ huynh của từng em để cùng giúp các cháu… Tại sao giáo dục chúng ta không nhìn theo con đường đó để giúp các cháu nhận thức cuộc sống tốt hơn. Ở đây tôi xin không đề cập đến lương của 2 nền giáo dục khác nhau mà nói về sự yêu nghề, yêu học sinh như con".

Anh Nguyễn Tiến Hùng cho rằng "việc tham khảo văn mẫu là tốt nhưng khi làm một bài văn thì phải biết sàng lọc những ngôn từ, áng văn hay để áp dụng sát với thực tiễn cảm nhận của các cháu; không copy nguyên bản bài văn mẫu…"

Bạn đọc Quỳnh Anh tỏ ra thông cảm với các giáo viên khi phải dạy theo chương trình quy định, "vì chỉ lệch chút ít họ sẽ bị kiểm điểm và kỷ luật". Độc giả này bất bình trước việc "trẻ chỉ được ca ngợi và không được phép phê phán hay nêu cảm xúc thực của mình. Một điều buồn là giáo viên dạy như những cái máy công nghịêp, chỉ cần không sai, không cần minh họa, không cho phép trao đổi phản biện…"

Chị Hồng Vân chia sẻ kinh nghiệm hướng dẫn viết văn cho con trai và đã thu được những kết quả tốt. "Điều khó nhất là phải tạo được hứng thú cho các cháu với môn học này thông qua đi chơi dã ngoại, xem qua ti vi, báo ảnh… hoặc qua internet để tạo kiến thức cho trẻ. Cha mẹ cũng cần phải chú ý hướng dẫn con cách quan sát phong cảnh, sự vật, con người khi ra ngoài".

Bên cạnh đó, chị cũng cho con đọc thêm văn mẫu, sách truyện để trẻ học được cách hành văn. Chị cho rằng đây là điều các con không thể tự có được mà phải qua học hỏi.

  • Nguyễn Thảo 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/107324/khong-rap-khuon-kho-co--mua--hoc-sinh-gioi.html

Đại học tư thục nên chuyên về một nghề

Posted: 29 Jan 2013 01:18 AM PST

Đại học tư thục nên chuyên về một nghề

Hỗ trợ tối đa các trường không vì lợi nhuận
Đào tạo trình độ thạc sĩ theo hướng ứng dụng

Hiến kế cho khối trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) ngoài công lập, một cách vô tình độc giả Nguyễn Ngọc Lâm có quan điểm khá tương đồng với một vị giáo sư đầu ngành Nguyễn Lân Dũng.

ĐH FPT là mẫu hình thành công bậc nhất của khối ĐH, CĐ Ngoài công lập tại VN hiện nay
ĐH FPT là mẫu hình thành công bậc nhất của khối ĐH, CĐ Ngoài công lập tại VN hiện nay.

Trường ngoài công lập: Nên cải cách về tổ chức đào tạo

Để khối đại học ngoài công lập sớm thoát khỏi khó khăn và trở thành vững mạnh, trường tồn, trước tiên xin trao đổi 3 suy nghĩ mở đường:

- Một là nước ta muốn phát triển kinh tế theo chiều sâu phải ưu tiên đào tạo nhân lực cho lĩnh vực khoa học công nghệ vì trong lịch sử loài người, chỉ từ khi xã hội có dư thừa sản vật để trao đổi thì nghề buôn và các ngành dịch vụ khác mới xuất hiện. Do đó, trước tiên phải ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất vật chất và từ đó nên ưu tiên đào tạo nhân lực cho lĩnh vực khoa học công nghệ.

Mặc dầu trong lĩnh vực này có những ngành nghề cụ thể đã bão hoà khả năng cung ứng nhân lực nhưng nhìn kinh nghiệm các nước khác thì đào tạo cho lĩnh vực khoa học công nghệ là mãi mãi trường tồn.

Nhiều trường đại học công nghệ tư thục của Pháp ra đời từ cách đây hàng trăm năm (như trường đại học điện Supelec, thành lập năm 1894 cách đây 119 năm) vẫn đang tồn tại và vẫn nổi tiếng về uy tín đào tạo. Đây là một trong những hướng để thoát ra khỏi khủng hoảng và để trường tồn.

 - Hai là chúng ta thường nhắc nhau đào tạo nhân lực phải thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Điều đó hoàn toàn đúng đối với các xã hội sau công nghiệp. Nhưng nền kinh tế của đất nước chúng ta là nền kinh tế thị trường sơ khai, mới bước vào quá trình công nghiệp hoá, do đó nên tư duy ngược lại là phải đào tạo mở rộng ra nhiều nghề và nhờ với chính sách khuyến khích của Nhà nước để thành lập nhiều Doanh nghiệp trên mọi khu vực nghề nghiệp khác nhau, từ đó tạo ra nhiều nhu cầu mới về nhân lực cho thị trường lao động. Đó là hướng thoát thứ hai.

- Ba là để được thị trường lao động tiếp nhận, phải đào tạo nhân lực theo những mẫu chuẩn chất lượng nhất định. Bất kể cơ sở đào tạo là công lập hay ngoài công lập, bất kể đào tạo theo loại hình nào cũng không được xa rời các mẫu chuẩn đó.

Trong cuộc bình đẳng đua tranh về chất lượng đào tạo, các cơ sở chỉ có thể đào tạo tốt hơn chứ không thể đào tạo kém hơn các mẫu chuẩn đã được cơ quan quản lý giáo dục của quốc gia ban hành.

Bộ Giáo dục là người thiết kế, ban hành các mẫu chuẩn, đồng thời là người giám sát các cơ sở đào tạo thi công theo các mẫu chuẩn. Thị trường lao động gồm các nhà tuyển dụng là người nghiệm thu cuối cùng và đánh giá chất lượng sản phẩm đào tạo.

Chúng ta nên điểm sơ qua về những nhược điểm đang tồn tại của hệ thống cơ sở đào tạo ngoài công lập: Do nhiều trường Cao đẳng và Đại học được ra đời chỉ trong một thời gian ngắn nên thiếu đủ mọi điều kiện cần thiết để đào tạo: thiếu giáo viên đại học, thiếu thư viện chuyên ngành, thiếu phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập, thiếu cả năng lực tổ chức và quản lý. Từ đó, tìm ra cách thức tổ chức lại cho phù hợp hiện trạng, tránh bớt các nhược điểm có sẵn để chuyển đổi nhanh phương án chiến lược đào tạo là điều rất có ý nghĩa.

Chúng ta cũng nên tìm cách tận dụng những thuận lợi do các nền giáo dục của các nước phát triển đi trước ta đã tạo ra. Các nền giáo dục đó đã tạo được một số lượng nghề rất phong phú và đa dạng.

Ví dụ nước Pháp đến nay đã có 28 khu vực nghề nghiệp (secteur) bao gồm 525 nghề (métier) khác nhau, đang được đào tạo từ bậc nghề trung học đến bậc đại học (xem www.onisep.fr/). Để tận dụng thuận lợi đó không có cách nào khác là cử người đi học như người Nhật đã làm.

Nếu mỗi trường chuyên đào tạo cho 1 khu vực nghề nghiệp và đảm nhiệm cả 3 loại hình đào tạo (đào tạo từ ban đầu, đào tạo nối tiếp và đào tạo nghề cho những người chưa được đào tạo ban đầu) thì quy mô của mỗi trường đã khá lớn, tận dụng được giáo viên kiêm nhà nghiên cứu chuyên ngành, thư viện chuyên ngành, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và thực tập chuyên ngành, đồng thời bớt gặp khó khăn về năng lực tổ chức và quản lý.

Kinh nghiệm ở Pháp, hầu hết các trường đại học tư thục đều đào tạo chuyên 1 khu vực nghề, với quy mô trong khoảng 2000 đến 4000 sinh viên (ví dụ trường tư thục có quy mô lớn nhất là đại học quản trị doanh nghiệp ESG Paris (www.esgms.fr/, với 4000 sinh viên).

ĐH Dân lập Thăng Long cũng là mô hình thành công trong khối ĐH, CĐ ngoài công lập
ĐH Dân lập Thăng Long cũng là mô hình thành công trong khối ĐH, CĐ ngoài công lập.

Tư duy về cách tổ chức nhà trường cũng nên linh hoạt. Đối với các nước phát triển, mạng lưới các trường nghề bậc trung học rất hoàn hảo cả về số lượng và chất lượng (chẳng hạn ở Pháp, năm 2011 đã có 1672 trường THPT dạy nghề, thu hút 701.900 học sinh theo học) nên các trường đại học ở Pháp không đào tạo nghề bậc trung học.

Ở nước ta chưa có mạng lưới đào tạo nghề bậc trung học hoàn hảo như thế nên trong 1 thời gian trước mắt, các trường Cao đẳng và Đại học ngoài công lập đào tạo cho khu vực nghề nào nên đảm nhận cả nhiệm vụ đào tạo nghề bậc trung học cho khu vực nghề nghiệp đó, nhằm tận dụng đội ngũ giáo viên chuyên ngành, các trang thiết bị dạy và học chuyên ngành như thư viện, phòng thí nghiệm, từ đó có thể tiết kiệm nhu cầu vốn đầu tư ban đầu, phát huy hiệu quả sử dụng các trang thiết bị của mỗi trường, đồng thời thuận lợi cho công việc đào tạo.

Cũng lấy ví dụ ở Pháp, riêng khu vực nghề viễn thông và mạng có 51 nghề khác nhau, bao gồm 1 nghề đào tạo ở trình độ CAP, 9 nghề đào tạo ở trình độ Bac Pro, 18 nghề ở bậc Cao đẳng Bac +2 và 4 nghề ở bậc Cử nhân Bac +3 và 19 nghề ở bậc Thạc sĩ Bac+ 5. Đặt tất cả các nghề đó trong 1 trường thì một số nghề trong đó có thể được đào tạo liên thông với những điều kiện nhất định trong trường đó, thuận lợi cả cho việc đào tạo và cho người học.

Cách tổ chức các trường đại học của Pháp (và nhiều nước khác) cũng đã có những cải cách linh hoạt so với trước. Chẳng hạn hiện nay, số lớn các trường đại học tổng hợp của Pháp (Université) thực chất là trường hỗn hợp, gồm trường Đại học tổng hợp là chính và một số trường thành viên tự chủ trực thuộc trường đại học tổng hợp , như trường đại học bách khoa (cùng đào tạo Tiến sĩ PhD), Viện đào tạo nhà quản trị doanh nghiệp, Viện Cao đẳng công nghệ IUT và có trường còn có cả Viện đào tạo giáo chức IUPM.

Phụ lục kèm theo:

Cách tìm danh mục 28 khu vực nghề nghiệp của Pháp. Tìm trên Internet theo 4 bước:

1 – Trước tiên mở websire ( http:// www.onisep.fr/)

2 – Click vào khung chữ DECOUVRIR LES MÉTIERS ( Tìm các nghề ) để tìm bảng danh mục các khu vực nghề nghiệp ( secteurs professionnels )

3 – Click vào từng SECTEUR để tìm bảng danh mục các nghề thuộc khu vực nghề nghiệp đó ( Les métiers par secteurs professionnels )

4 – Click vào tên từng nghề để tìm FICHE MÉTIER ( bảng mẫu chuẩn đào tạo nghề ).

Tổng số khu vực nghề nghiệp ở nước Pháp là 33, trong đó có 5 khu vực chưa ghi số nghề nghiệp là khu vực Tiếp thị ( Marketing ), khu vực Văn hoá ( Culture ), khu vực Xuất bản ( Edition), khu vực Du lịch ( Tourisme ), khu vực chế tạo vũ khí ( Armée ).

Còn lại là 28 khu vực với 525 nghề khác nhau . Hiện nay, Bộ Giáo dục quốc gia Pháp đang đào tạo nghề từ bậc trung học đến bậc đại học cho 28 khu vực nghề nghiệp này, gồm :

1)- Khu vực nông nghiệp: 15 nghề, 2)- Khu vực Hoá học và dược phẩm: 13 nghề , 3)- Năng lượng: 18 nghề , 4)- Bảo dưỡng máy móc: 23 nghề, 5)- Buôn bán : 26 nghề, 6)- Giáo dục: 15 nghề, 7)- Cơ khí: 24 nghề, 8)- Mỹ thuật và thiết kế: 12 nghề , 9)- Môi trường: 17 nghề , 10)- Mốt thời trang và dệt: 15 nghề,

11)- Audiovisuel: 16 nghề, 12)- Chế tạo tầu thuyền, đường sắt và hàng không: 37 nghề, 13)-Gốm sứ, thuỷ tinh: 21 nghề, 14)- Hành chính công: 20 nghề, 15)- Nghiên cứu khoa học: 18 nghề,16)- Kiểm toán và quản lý tài chính: 12 nghề, 17)- Khách sạn: 14 nghề, 18)- Chăm sóc sức khoẻ: 29 nghề, 19)- Ôtô: 18 nghề, 20)- Dịch vụ pháp lý: 15 nghề, 21)- Công nghiệp chế biến thức ăn: 13 nghề, 22)- Dịch vụ xã hội: 8 nghề, 23)- Ngân hàng và bảo hiểm: 20 nghề, 24)- Tin học và viễn thông: 51 nghề (Tin học 26, Viễn thông 25 ), 25)- Nghề gỗ: 13 nghề , 26)- Điện tử: 16 nghề, 27)- Xây dựng và kiến trúc: 16 nghề, 28)- Logistic và vận tải: 10 nghề.

Các bậc đào tạo nghề ở Pháp gồm :

Bậc trung học có CAP 2 năm (Certificat d’ Aptitude Professionnelle), Tú tài nghề (Baccalaureat Professionnel viết tắt là Bac Pro) 3 năm, đào tạo tại các Lycée Professionnel, ra nghề là Kỹ thuật viên .

Bậc đại học có: Cao đẳng nghề 2 năm Bac+2 (DUT , BTS), Cử nhân nghề 3 năm Bac+3 (Licence Professionnelle ), Thạc sĩ chuyên ngành hoặc kỹ sư Bac+ 5, Tiến sĩ Bac+8.

Bac+ 8 là đào tạo 8 năm kể từ khi có bằng Tú tài Baccalaureat, tức là bằng tốt nghiệp THPT .

Theo Nguyễn Ngọc Lâm
giaoduc.net.vn

Nguồn: http://hssv.tienphong.vn/hoc-sinh-sinh-vien/612253/Dai-hoc-tu-thuc-nen-chuyen-ve-mot-nghe-tpol.html

Comments