Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


11.000 sinh viên, học sinh "vào mùa" Xuân tình nguyện 2013

Posted: 27 Jan 2013 07:04 AM PST

Cây mùa xuân" đến với trẻ em khó khăn
Hơi ấm đêm xuân
Vào mùa "Xuân tình nguyện 2013"
Hương xuân ấm áp từ những tấm lòng

Chiến dịch do Hội Sinh viên TP.HCM tổ chức, diễn ra từ ngày 27-1 đến 9-2 (tức 29 tháng chạp), tập trung chính tại 5 huyện ngoại thành của TP.HCM, các xã xây dựng nông thôn mới; các mái ấm, nhà mở, các trường chuyên biệt, các cơ sở xã hội trên địa bàn TP.HCM; các ký túc xá, khu lưu trú sinh viên, khu lưu trú công nhân; các nhà ga, bến xe, chợ, khu lao động. Tổng kinh phí, nguồn lực của chiến dịch ước tính gần 1,5 tỉ đồng.

Chương trình thu hút sự tham gia góp sức của gần 11.000 chiến sĩ thuộc 43 trường đại học, cao đẳng, các trường THPT thuộc 8 quận – huyện Đoàn của TP.HCM.

Anh Phạm Kiều Hưng, phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM - chỉ huy trưởng chiến dịch, cho biết: “Thông điệp chính của chiến dịch là dù hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng Hội Sinh viên TP.HCM và sinh viên nói chung vẫn quyết tâm duy trì các hoạt động tình nguyện để góp phần mang lại mùa xuân ấm áp cho những cuộc đời còn khó khăn”.

Anh Phạm Kiều Hưng cũng cho biết chiến dịch năm nay có sự tham gia của hơn 200 học sinh THPT, dự kiến chiến dịch năm sau sẽ mở rộng cho học sinh THPT toàn thành phố.

Bạn Bùi Quang Phát – học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - hào hứng: “Đây là năm thứ hai mình tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện và đặc biệt vui hơn khi có nhiều học sinh tham gia hơn năm ngoái. Chúng mình sẽ gói bánh tét, làm thiệp, làm hoa mai, hoa đào và tổ chức chương trình vui tết cho thiếu nhi Làng trẻ SOS (Q.Gò Vấp, TP.HCM) và những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Bạn Nguyễn Thị Lý – sinh viên năm nhất ĐH Y dược TP.HCM – chia sẻ: “Quê mình ở Hà Tĩnh. Đây là lần đầu mình đón tết xa nhà vì khó khăn kinh tế. Mình quyết định tham gia chiến dịch này để cùng đón tết với những chiến sĩ ở Vũng Tàu. Những ngày này, mình rất nôn nao chờ đón một cái tết thật ấm cúng với những hoạt động tình nguyện ý nghĩa này”. 

Nguồn: http://tuoitre.vn/Nhip-song-tre/531886/11-000-sinh-vien-hoc-sinh-vao-mua-xuan-tinh-nguyen-2013.html

Chỉ dừng mở mới đào tạo các ngành tài chính, ngân hàng

Posted: 27 Jan 2013 06:04 AM PST

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận

Thời gian qua, thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ dừng mở mới một số ngành học thuộc lĩnh vực nói trên đã nhận được sự quan tâm của dư luận, không ít học sinh đang chuẩn bị thi vào đại học, cao đẳng đã gửi thư tới chương trình "Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời" tối 27/1 để bày tỏ băn khoăn và mong được làm rõ.

Thí sinh cần cân nhắc lựa chọn

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết Bộ chỉ chủ trương dừng mở mới các cơ sở đào tạo và các ngành đào tạo về tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán. Việc làm này nhằm điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo ở bậc đại học, hạn chế những ngành đã đào tạo tương đối đầy đủ nguồn nhân lực, khuyến khích mở mới những ngành đạo tạo mà nhu cầu trong những năm tới rất cần nhưng hiện quy mô đào tạo chưa đủ.

Do đó, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo không có chủ trương dừng đào tạo các ngành này, những cơ sở đào tạo đã được phép đào tạo vẫn tuyển sinh bình thường trong năm học tới, nhưng các thí sinh nên cân nhắc, thận trọng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khuyến cáo.

Hiện, số lượng sinh viên các ngành nói trên ra trường mỗi năm rất lớn. Theo một con số do Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính vừa công bố, trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính – ngân hàng không xin được việc sẽ là khoảng 13.000 người.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có hai nguyên nhân khiến số lượng các cơ sở đào tạo cũng như số lượng sinh viên theo học các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán tăng mạnh. Đó là nền kinh tế phát triển mạnh trong thời gian qua khiến số lượng doanh nghiệp tăng mạnh, nhu cầu nguồn nhân lực về lĩnh vực này rất lớn. Trong khi đó, việc đào tạo các chuyên ngành này không cần trang thiết bị nhiều so với các ngành khác. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu nguồn nhân lực trong các ngành này giảm đi.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết ông vừa nhận được thông tin tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế và các nhà lãnh đạo đã có những nhận định lạc quan về kinh tế thế giới trong năm 2013 và những triển vọng tốt đẹp hơn của nền kinh tế Việt Nam, do đó thị trường lao động nói chung sẽ phục hồi trở lại. Khi đó, cơ hội việc làm sẽ mở rộng với sinh viên các ngành nói trên.

Nhìn rộng ra, trong những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo coi việc chấn chỉnh lại kỷ cương trong đào tạo là một nhiệm vụ trọng tâm, không giới hạn trong các ngành ngành tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán mà ở tất cả các ngành.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển nguồn nhân lực, quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho từng ngành, từng địa phương. Do đó, nhu cầu xã hội và khả năng đào tạo của tất cả các ngành sẽ được thống kê, theo dõi để các thí sinh cân nhắc, các trường cũng có thể tự đánh giá khả năng xã hội tiếp nhận nguồn lao động do mình đào tạo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cập nhật, có giải pháp hạn chế hoặc khuyến khích các ngành học để bảo đảm đào tạo cân đối, phù hợp nhu cầu. Thông tin về ngành tài chính, ngân hàng là thông báo đầu tiên, tiếp theo sẽ có nhiều thông báo khác và việc này sẽ được làm định kỳ, thường xuyên.

Đưa đào tạo liên thông về đúng bản chất

Một vấn đề khác được đề cập nhiều trong các ý kiến gửi tới chương trình "Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời" là những quy định mới trong đào tạo liên thông.

Ông Phạm Vũ Luận nhấn mạnh, Bộ không dừng đào tạo liên thông, việc đào tạo liên thông sẽ được tiếp tục, mà chỉ triển khai các giải pháp để đưa liên thông trở về đúng bản chất của nó.

Bộ trưởng chỉ ra một điều mà nhiều người chưa thật nắm rõ: Đào tạo liên thông hiện nay được hiểu là một hệ đào tạo, điều này không đúng với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Theo quy định, chúng ta chỉ có 2 hệ đào tạo là đào tạo chính quy và đào tạo giáo dục thường xuyên, thường được gọi là tại chức. Đào tạo liên thông nhằm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người.

Đào tạo liên thông chỉ là cách tổ chức đào tạo, trong đó thừa nhận kết quả học tập đã có của người học ở bậc đào tạo trước đó khi tham gia học tập ở bậc cao hơn, nhằm giảm thời gian học tập, chứ không phải là hệ đào tạo mới. Do đó đào tạo liên thông phải tuân thủ theo quy định hoặc của hệ chính quy, hoặc của hệ thường xuyên, chứ không có quy định riêng.

Cách hiểu không đúng về đào tạo liên thông khiến xã hội coi việc học trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề, cao đẳng như là "đường vòng, đường tắt" để học đại học. Trong khi đó, việc phát triển các trường nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng là nhằm mục đích phân luồng, giúp xã hội bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa các loại trình độ đào tạo. 

"Nếu coi học trường nghề, cao đẳng là một phương tiện để vào đại học thì mục đích phân luồng  thất bại", Bộ trưởng nói.

Việc chấn chỉnh đào tạo liên thông để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao chất lượng, bảo đảm lợi ích căn bản và lâu dài của người học. Theo ông Phạm Vũ Luận cái gì sai phải sửa, ví dụ tổ chức đào tạo liên thông để xây dựng chương trình đào tạo không đúng chương trình chính quy.

Thanh Bình 

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Home/Chi-dung-mo-moi-dao-tao-cac-nganh-tai-chinh-ngan-hang/20131/160572.vgp

Hỗ trợ tiền ăn, nhà ở cho học sinh THPT dân tộc thiểu số, hộ nghèo

Posted: 27 Jan 2013 06:03 AM PST

(GDTĐ) – Chính phủ vừa có quyết định quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Theo đó, từ ngày 15/3, học sinh THPT là người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở.


Học sinh nội trú Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn- Lai Châu

Quyết định này quy định chính sách hỗ trợ học sinh THPT là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo ở xã, thôn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đáp ứng các điều kiện: Là học sinh đang học cấp THPT tại trường THPT hoặc trường phổ thông nhiều cấp học (có cấp THPT) thuộc loại hình công lập.

Bản thân bố, mẹ, hoặc người giám hộ của học sinh có hộ khẩu có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn, có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Do nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, nên không thể đến trường và trở về trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập.

Đối với học sinh là người Kinh ngoài các điều kiện trên thì còn phải thuộc hộ nghèo.

Mức hỗ trợ cụ thể như sau: Mỗi tháng được hỗ trợ mức tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/ năm học/ HS. Đối với HS phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/HS.

Bộ GDĐT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ được quy định. Kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện chính sách, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính có nhiệm vụ bố trí kinh phí chi thường xuyên hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định cụ thể về điệu kiện học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đối với trường hợp địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201301/Ho-tro-tien-an-nha-o-cho-hoc-sinh-THPT-dan-toc-thieu-so-ho-ngheo-1966585/

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Giữ ổn định chỉ tiêu

Posted: 27 Jan 2013 03:03 AM PST

(GDTĐ)-Theo Bộ GDĐT, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2013 sẽ giữ ổn định chỉ tiêu, đồng thời khuyến khích các trường thay đổi về cơ cấu theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mà xã hội có nhu cầu cao về nhân lực thuộc nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ, nông lâm, thủy sản, y dược, nghệ thuật;…

Thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Ảnh: gdtd.vn
Thí sinh thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2012. Ảnh: gdtd.vn

Năm 2012, cả nước có 370 lượt trường tổ chức thi (246 trường đại học và 124 trường cao đẳng). Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm 2012 của thí sinh là 2.023.541, giảm 160.089 hồ sơ, tương đương giảm xấp xỉ 7,3% so với năm 2011. Số hồ sơ đăng ký dự thi giảm đã cho thấy tác động tích cực, có hiệu quả của công tác hướng nghiệp ở các trường THPT, công tác tư vấn tuyển sinh của các trường và các cơ quan thông tấn báo chí, để thí sinh có cân nhắc, lựa chọn đúng đắn, phù hợp hơn trong đăng ký dự thi.

Theo báo cáo của 342 đại học, học viện, trường đại học và trường cao đẳng, đến hết ngày 31/12/2012, các trường đã xét tuyển và triệu tập 462.163  thí sinh trúng tuyển nhập học, so với 556.918 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 83%; trong đó các trường đại học tuyển được 266.524 thí sinh, đạt tỷ lệ 88% so với chỉ tiêu và các trường cao đẳng tuyển được 195.639 thí sinh, đạt tỷ lệ 78% so với chỉ tiêu.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, các trường đã xét tuyển được 2.638 thí sinh có hộ khẩu thường trú, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo vào học đại học (2.435 thí sinh) và cao đẳng (203 thí sinh).

Kết thúc mùa tuyển sinh 2012, một số trường tuyển không đủ chỉ tiêu ở hoặc tuyển được số lượng thí sinh ít. Theo phân tích của Bộ GDĐT, về phía chủ quan, nguyên nhân là do các trường không có sức thu hút đối với thí sinh, chưa khẳng định được vị trí, thương hiệu của mình trong xã hội; Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa chuẩn bị đầy đủ, thiếu thốn; Ngành đào tạo đơn điệu, tập trung chủ yếu các ngành thuộc khối kinh tế – quản trị kinh doanh, thiếu các ngành khối kỹ thuật – công nghệ; Một số trường đóng ở các địa phương, tỉnh lẻ, không xa so với các khu đô thị, thành phố lớn;
 
Việc khó khăn trong tuyển sinh cũng bắt nguồn từ thực trạng tình hình kinh tế đất nước khó khăn, hàng vạn doanh nghiệp giải thể, đóng cửa, tác động đến tâm lý của thí sinh, nhất là thí sinh đăng ký dự thi vào các trường, các ngành khối kinh tế – quản trị kinh doanh; Thí sinh ở các địa phương vùng cao, vùng sâu (Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ) lại có nguyện vọng về học các trường ở thành phố lớn, có cơ hội học thêm, làm thêm và tìm kiếm việc làm; Một số trường công lập tốp trên (kể cả trường tư thục đã khẳng định được thương hiệu) không những chỉ tiêu nhiều, mà còn tuyển vượt chỉ tiêu, làm cho nguồn tuyển vào các trường khác bị hạn chế; Việc kéo dài thời hạn xét tuyển và cho một số trường thuộc khu vực Tây bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ hạ điểm sàn và tổ chức học dự bị, cũng gây khó khăn cho một số trường trong việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.

Xử lý nghiêm trường tuyển vượt

Một trong những hạn chế, yếu kém của kỳ tuyển sinh 2012 là việc tính toán các điều kiện bảo đảm chất lượng (giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng) để xác định chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường không đúng, thiếu chính xác, vượt quá năng lực và các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường. Có trường không còn đủ năng lực để tuyển sinh, nhưng vẫn xác định và đề xuất chỉ tiêu tuyển mới năm 2012.

Bộ GDĐT đã tiến hành thanh tra 30 trường ĐH, CĐ trên cả nước (16 trường công lập, 14 trường ngoài công lập). Kết quả cho thấy: 5 trường không đạt cả 2 tiêu chí về giảng viên cơ hữu quy đổi và diện tích sàn xây dựng; 13 trường không đạt tiêu chí về đội ngũ giảng viên; 5 trường xác định chỉ tiêu khi không còn năng lực tuyển sinh; 16 trường xác định chỉ tiêu cao hơn năng lực thực tế.

Từ đó, Bộ GDĐT đã xem xét và đề nghị các Bộ chủ quản các trường có hình thức kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách đối với hiệu trưởng những trường vi phạm này. Đồng thời, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường tuyển sinh vượt từ 5% trở lên chỉ tiêu năm 2012 và trong năm 2013, sẽ cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với 17 trường.

Năm 2013, chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy sẽ giữ ổn định. Chỉ tiêu liên thông đại học, cao đẳng chính quy được xác định trong tổng chỉ tiêu đại học, cao đẳng chính qui của trường và chiếm không quá 20% tổng chỉ tiêu này; chỉ tiêu hệ vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định tối đa bằng khoảng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Bộ cũng tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bậc trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học theo lộ trình giảm 20%/năm và chấm dứt đào tạo trung cấp trong các trường đại học trước năm 2017.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201301/Tuyen-sinh-DH-CD-2013-Giu-on-dinh-chi-tieu-1966589/

Đại học Pháp có học phí thấp

Posted: 27 Jan 2013 02:03 AM PST

Sinh viên tìm hiểu thông tin du học tại Triển lãm Giáo dục ĐH Pháp 2012

Học phí chỉ từ 181 euro

Mức học phí hằng năm trong các cơ sở đào tạo công lập ở Pháp do nhà nước ấn định. Cụ thể, năm học 2012-2013, đối với sinh viên bậc cử nhân là 181 euro, thạc sĩ: 250 euro, tiến sĩ: 380 euro, sinh viên trường kỹ sư: 596 euro. Mức học phí trong các cơ sở đào tạo tư thục, nhất là các trường thương mại, thường cao hơn.

Bên cạnh đó, sinh viên quốc tế cũng như trong nước đều được hưởng nhiều chính sách giảm giá, cho phép chi trả những nhu cầu cơ bản với túi tiền khiêm tốn. Theo Campus France, văn phòng chính thức của Đại sứ quán Pháp, phụ trách du học sinh Việt Nam sang Pháp, với nhiều ưu đãi giảm giá, ngân sách của sinh viên trung bình hằng tháng khoảng từ 800 euro ở tỉnh đến 1.000 euro ở Paris.

Ngoài ra, luật pháp của Pháp cũng cho phép sinh viên nước ngoài làm việc với những quy định cụ thể. Sinh viên cũng có thể có việc làm tại cơ sở đào tạo ĐH công lập như: đón tiếp sinh viên, hỗ trợ và giúp đỡ sinh viên khuyết tật, dạy phụ đạo, quảng bá và thông tin về đào tạo…

Lên kế hoạch du học

Theo kinh nghiệm của nhiều du học sinh, dù lựa chọn bậc ĐH hay sau ĐH, điều quan trọng là xây dựng được kế hoạch du học cũng như mục tiêu để chọn lựa chương trình học và trường ĐH phù hợp với mình. "Tôi thấy rằng Campus France hỗ trợ rất nhiều cho học sinh trong việc lên kế hoạch du học" – Hoàng Hoa, đang thực hiện đề tài tiến sĩ về lĩnh vực hóa học, cho biết.

 

Nguồn: http://nld.com.vn/2013012609414952p0c1017/dai-hoc-phap-co-hoc-phi-thap.htm

Khai mạc “Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2013”

Posted: 27 Jan 2013 12:03 AM PST

(GDTĐ) – Sáng nay (27-1), tại trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện một số vụ, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đã tham dự lễ khai mạc "Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2013" do Báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT và Tập đòan Vingroup phối hợp tổ chức.

Lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị cắt băng khai mạc ngày hội
Lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị cắt băng khai mạc ngày hội

Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2013 có gần 130 gian tư vấn của 78 trường ĐH-CĐ, trung cấp, trường nghề trên cả nước với dự kiến có khoảng 30.000 học sinh TP.HCM và các tỉnh như: Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp…về tham gia.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ "Chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2013" do Bộ GD-ĐT và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức tại 15 tỉnh thành trên cả nước bắt đầu từ tháng 1-2013 và kết thúc vào tháng 3-2013.

Ông Đỗ Quốc Anh, vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ tại TP.HCM tặng hoa cho các đơn vị tài trợ ngày hội
Ông Đỗ Quốc Anh, vụ trưởng, giám đốc cơ quan đại diện Bộ tại TP.HCM tặng hoa cho các đơn vị tài trợ ngày hội

Tham gia ngày hội, các bạn học sinh ngoài việc được tư vấn trực tiếp của đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các trường, các em còn được tìm hiểu kỹ những ngành nghề mới, tư vấn cho những chọn lựa, định hướng tương lai của mình tại chính những trường mà các em dự định thi vào.

Được biết, đây là năm thứ 11 liên tiếp Tuổi trẻ tổ chức chương trình tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp cho học sinh.

Dưới đây là một số hình ảnh hoạt động tại ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp năm 2013.

Học sinh đang nghe tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia tuyển sinh của trường ĐH Bách KHoa
Học sinh đang nghe tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia tuyển sinh của trường ĐH Bách KHoa

Học sinh hào hứng tìm hiểu thông tin ngành nghề tại gian hàng của ĐHQG TP.HCM
Học sinh hào hứng tìm hiểu thông tin ngành nghề tại gian hàng của ĐHQG TP.HCM

Sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang tư vấn cho học sinh tỉnh Bình Phước
Sinh viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành đang tư vấn cho học sinh tỉnh Bình Phước

Anh Tú

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201301/Khai-mac-Ngay-hoi-tu-van-tuyen-sinhhuong-nghiep-2013-1966590/

Tái mặt học sinh diễn cảnh nóng ở cà phê "bệt" Sài thành

Posted: 27 Jan 2013 12:03 AM PST

Nếu chỉ uống cà phê một cách đơn thuần thì những quán mọc sâu trong hẻm, mang tên “cà phê bệt” không phải là điểm đến lý tưởng của giới trẻ Sài Thành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều cặp đôi, đặc biệt là học sinh sinh viên thường có sở thích vào quán cà phê giữa ban ngày để vừa nhâm nhi cà phê, sinh tố, vừa diễn cảnh nóng như chốn giữa không người. Nhìn thấy cảnh này, những bậc phụ huynh chắc cũng tái mặt với con trẻ ngày nay.

 

Nóng mặt xem trẻ con “đốt đền”

 

Một buổi trưa, tôi cùng người bạn có việc hẹn, vội dừng chân ở quán cafe ở đường Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM… Quán hơi nhỏ, nằm nép mình giữa hai ngôi nhà khá lớn, cánh cửa ra vào được trang trí rất teen với các hình dán bong bóng và chim bồ câu nhiều màu sắc.

 

Chẳng bận tâm đến không gian cũng như cách sắp đặt, tôi chỉ mong sao bàn thảo xong công việc để sớm về nhà. Vừa bước vào quán, cô chủ cùng những người làm nhìn chúng tôi với nụ cười khó hiểu, ánh mắt dường như có chút ngạc nhiên. Cảm giác hơi nhột, tôi vội lơ đi và tiến thẳng lên gác theo hướng tay của một chị phục vụ.

 

Chúng tôi gọi 2 ly cà phê, với giá hơn 30 ngàn mỗi ly, gấp 2-3 lần so với bên ngoài. Gọi là cà phê cho oách chứ kỳ thực cách pha chế ở đây nhạt thếch, chẳng có chút hương vị cà phê đúng chất. Tiếng nhạc vang lên từng bản du dương và trữ tình tạo nên một không khí khá lãng mạn. Ngó nghiêng sang các gian bên cạnh, tôi thấy ngoài chúng tôi ra thì những gian khác đều một nam một nữ.

 

Tái mặt học sinh diễn cảnh nóng ở cà phê bệt Sài thành
Nhiều cặp đôi vô tư diễn cảnh nóng ngay tại những quán cà phê bệt giữa ban ngày (Ảnh chụp tại Quận 5, TP.HCM).

 

Nhớ lại nụ cười khó hiểu của những người khác lúc mới bước vào, tôi mới loáng thoáng nhận ra, đây là quán café dành riêng cho những cặp đôi. Để ý kỹ thêm, tôi phát hiện ra cả quán có khoảng 10 gian và mỗi gian được bố trí chỉ dành cho 2 người, có màn trắng mỏng buông xuống để tạo không gian riêng tư. Mỗi khi có đôi vào, tấm mành được thả xuống báo hiệu buồng ấy đang có người.

 

Chưa kịp ngồi ấm chỗ, một cặp đôi khác mang trên mình đồng phục học sinh, có lẽ năm cuối cấp, đi xe đạp điện vừa đỗ ở sân quán, nhanh chóng bước xuống và tìm buồng. Cả hai chọn “chuồng” ở gần cuối dãy, phía vắng người rồi chui tọt vào bên trong.

 

Sau một hồi sột soạt quần áo, buồng của đôi học sinh im bặt, thỉnh thoảng có tiếng thì thầm nhỏ to. Bên trong những căn buồng có người, đủ loại âm thanh phát ra làm cho câu chuyện của họ lẫn vào nhau.

 

Mấy buồng đầu của các đôi trẻ, chỉ nghe rõ tiếng các cô gái trách yêu bạn trai vì tội dám “sàm sỡ”. Có cô hồn nhiên đến nỗi hét toáng lên mỗi khi bị người yêu âu yếm, khiến các đôi ở buồng bên cạnh phải tạm dừng vài phút để “hóng”.

 

Đến lúc này tôi mới hiểu, hóa ra những quán cà phê “chuồng” mang đậm phong cách vùng miệt vườn mà mình hay bắt gặp ở các vùng ngoại thành và những tỉnh lân cận giờ đã biến tướng thành những “cà phê chuồng bệt”. Có chăng, chỉ là sự khác biệt đôi chút về cách bài trí không gian.

 

Sau này tìm hiểu thêm, tôi được P.N.T.T, sinh viên Đại học Hùng Vương, cho biết: “Sinh viên và học sinh thường chọn những quán này để “tâm sự” vì nó vừa kín đáo vừa rẻ. Buồng sơ sài nhưng vẫn riêng tư, chỉ cần gọi đồ uống, họ có thể “tâm sự” đến lúc nào tùy thích mà không bị làm phiền.

 

Tấm vải hạ xuống, không gian bên trong là của họ. Nói thẳng ra, những góc riêng tư ấy không khác nào một “nhà nghỉ” thu nhỏ, có chăng chỉ là các cặp đôi không được “diễn” thoải mái nhưng vẫn đủ để chúng tôi hứng trọn đầy đủ âm thanh bên trong từng góc bàn cà phê bệt. Từ 12h trưa trở đi, hầu như các “chuồng” của quán đều kín chỗ. Chính vì thế, nhiều đôi không ngần ngại “hành sự” ngay trong buồng mặc cho các vị khách bóng gió nói vọng sang”.

 

Tàn đời vì “cảnh nóng” lên mạng

 

Cách đây ít lâu, trên một số diễn đàn mạng, lan truyền clip ngắn về cảnh nóng của một cặp đôi vô tư diễn ngay tại quán cà phê bệt. Hình ảnh từ clip cho thấy, cặp đôi rất trẻ, thoải mái “trình diễn” mọi động tác ôm ấp, vuốt ve, sờ soạng, nói oang oang như chốn giữa không người.

 

Những câu đối thoại vô cùng “teen”, văng tục, thậm chí giọng ỡm ờ, khuyến khích nhau phải ôm kiểu này, hôn kiểu nọ giống… như phim đều lọt vào máy thu âm của chiếc điện thoại mà một cặp đôi khác chủ đích ghi lại.

 

Đoạn clip ngắn này nhanh chóng tạo nên sự tò mò, bình luận của nhiều bạn khác. Một số bạn bình luận: “Thiếu gì nhà nghỉ, có hết bao nhiêu đâu sao không kéo vào đó mà tâm sự, lại phưỡn mặt ra giữa chốn đông người để biểu lộ cảm xúc. Xấu chưa, giờ lại chình ình mặt lên đó cho thiên hạ xem”.

 

Một số bạn khác còn bình luận khá gay gắt, cho rằng, ý thức vô tư, quá tự nhiên của nhiều bạn còn mặc áo học sinh những đã vội vàng dắt díu nhau tìm đến những quán cà phê bệt, buông rèm tâm sự.

 

“Nếu chỉ đơn thuần là ôm ấp, dành khoảng không gian riêng để tâm sự thì chẳng sao, vì tôi cũng đã từng đến những quán như thế, nếu cúi gập người xuống chút thôi, cũng thấy được toàn bộ những gian phòng khác họ đang làm gì. Lần đầu tiên tôi đến đó cùng bạn trai mới quen và phát ngượng với cách mà các cặp đôi quá thoải mái xem quán như nhà riêng của mình”.

 

Ở Sài thành bây giờ, những quán cà phê bệt đang được xem là khá thịnh hành trong giới trẻ. Hầu hết các cuộc hẹn hò, hay họp mặt, bạn trẻ thường tìm đến đây giải trí như một thói quen cố hữu. Chính vì thế, nhiều người kinh doanh đã nắm được thị hiếu này và xây dựng hàng loạt quán cà phê đáp ứng nhu cầu.

 

Với những quán được bài trí rõ ràng, không có chốn riêng tư, đèn mờ thì một số quán lại chọn hình thức kinh doanh đèn mờ, giống như nhiều quán cà phê “chuồng” ở nhiều vùng ngoại thành đang áp dụng.

 

Một lần đến quán cà phê K., ở khu vực quận 5, TP.HCM, chúng tôi cũng đã có dịp tận kiến kiểu kinh doanh lợi dụng chân dài để hút khách của quán. Chỉ cần vừa ngồi xuống, chúng tôi đã được nữ tiếp viên “chân dài” giọng ỡm ờ đến uốn éo hỏi khách dùng đồ gì.

 

Chỉ dăm ba câu chuyện chủ động đùa cợt, chúng tôi cũng như các vị khách khác cũng không khó đoán ra mục đích của quán phục vụ giải khát, đằng sau đó là lời mời chào khách có nhu cầu “khát tình” và cần nhu cầu “giải quyết” hay không. Khi nghe chúng tôi than mệt, cô tiếp viên như nắm được cơ hội nên luôn miệng mời gọi tách ra vào bàn bên cạnh “thư giãn”.

 

Hình thức “thư giãn” như gợi ý là cách âu yếm, nũng nịu, giả vờ đấm lưng lấy lệ. Thậm chí, cô tiếp viên phục vụ nước ghé sát tai tôi: “Em sẽ làm cho anh thích theo kiểu đàn ông với phụ nữ, nhưng không phải là mua bán dâm. Còn muốn đi tới bến thì sau giờ tan ca”.

 

Chúng tôi cố tình ngạc nhiên không hiểu, cô tiếp viên nói huỵch toẹt: “Tụi em sẽ làm mấy anh sướng bằng cách kích dục… tùy theo giá cả thấp hay cao”. Rồi cô ra giá: “Giá thấp là 150.000 đồng/lần, giá cao là 250.000 đồng/lần, các anh bao luôn tiền nước”.

 

Chỉ trong hơn 2 tiếng ngồi tại đây, chúng tôi chứng kiến hàng chục đôi, phần lớn đang độ tuổi học sinh siên viên cũng có đều ghé vào quán K., tìm thú vui. Quán chỉ có khoảng 15 bàn cà phê bệt nhưng lượng khách đến lúc nào cũng dư. Có vị khách trong lúc chờ đợi, cứ sốt ruột hết đứng lên ngồi xuống, để được vào gian phòng riêng cùng tiếp viên.

 

“Những quán cà phê trá hình ở đây cũng chính là “bãi đáp” để “xả stress” của đàn ông. Được cái nhìn ngoài nó kiểu cách quán cà phê rất lịch sự, lại tách ra riêng biệt sau lớp tấm vải rèm nên mình cũng tự nhiên hơn”, T. chia sẻ.

 

Suốt một ngày rong ruỗi qua các “cà phê tình”, với những lời mời chào “hấp dẫn”, điều dễ nhận thấy giờ, nhiều người tìm đến quán cà phê không đơn thuần là giải trí và thú đam mê nữa mà có nhiều hơn cuộc đổi chác thân xác chớp nhoáng ẩn sau những quán cà phê bệt đang thịnh hành như hiện tại ở đất Sài thành. Và điều đáng buồn là trong số đó phần đông lại là những cô cậu đang ở tuổi cắp sách đến trường.

 

Theo Trinh Hồ

Gia đình Xã hội

Nguồn: http://dantri.com.vn/nhip-song-tre/tai-mat-hoc-sinh-dien-canh-nong-o-ca-phe-bet-sai-thanh-689968.htm

Thuốc đắng mới dã tật

Posted: 26 Jan 2013 09:02 PM PST

(GDTĐ) – Chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây, những yếu kém, bất cập trong việc phát triển, đảm bảo chất lượng giáo dục của hệ thống các trường ngoài công lập (NCL) tại TP.HCM liên tục được các phương tiện truyền thông, phụ huynh phản ánh và đề cập.

Đứng trước làn sóng bức xúc của dư luận và phụ huynh về những bất ổn của không ít trường NCL, ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đã khẳng định: Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp không nhỏ của hệ thống trường NCL (toàn TP.HCM hiện có 119 trường NCL) khi các trường đã "gánh" 70% học sinh trong tổng số 197.000 học sinh không có hộ khẩu TP.HCM. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta dễ dãi chấp nhận một số trường không ra trường, lớp không ra lớp.

Thời gian qua đã có không ít trường sau khi thành lập đã không đảm bảo được chất lượng đào tạo và những điều kiện như công bố ban đầu với phụ huynh. Đó là sự lừa dối học sinh và phụ huynh, ảnh hưởng xấu đến uy tín và sự phát triển của GD-ĐT TP.HCM. Chính vì vậy, Sở GD-ĐT TP.HCM quyết định  "mạnh tay" với những trường không đảm bảo điều kiện dạy và học trong thời gian tới.

Theo đó, từ giữa tháng 2-2013 trở đi, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ bắt đầu đi kiểm tra nắm tình hình thực tế tại tất cả các trường dân lập, tư thục và trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn. Trường nào không đảm bảo, thiếu những điều kiện cần và đủ nhằm đảm bảo công tác dạy học sẽ phải đóng cửa. Đây thật sự được xem là phát súng lệnh của Sở GD-ĐT TP.HCM trong việc quyết tâm "thanh lọc" những cơ sở giáo dục yếu kém, đang làm trì trệ sự phát triển chung của toàn ngành.


Chất lượng giáo dục cần phải thay đổi cấp thiết

Những thông tin quyết liệt trong việc kiểm soát lại chất lượng đào tạo khối trường NCL từ lãnh đạo Sở khiến phụ huynh và học sinh rất phấn khởi và vui mừng. Bởi thực tế, chính sự bất cập trong cơ chế quản lý, sự chồng chéo và lỏng lẻo trong giám sát chất lượng đội ngũ GV, hoạt động của các trường (khi thành lập và đi vào hoạt động) từ các cấp quản lý là nguyên nhân chính ra đời những "đứa con" trong hình hài quặt quẹo, gây phương hại đến uy tín của toàn ngành và vơi nhạt niềm tin nơi phụ huynh. Ông bà xưa từng nói: "Thuốc đắng dã tật. Sự thật mất lòng" nên việc Sở GD-ĐT TP.HCM quyết tâm bốc những "phương thuốc" đặc trị để chữa căn bệnh hời hợt, vô cảm và thiếu cái tâm trong cách làm giáo dục của một số nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Nó không chỉ giúp thanh lọc khỏi môi trường giáo dục những cái đầu (nhà đầu tư) chỉ biết chăm chăm làm kinh tế thông qua cái bình phong vì sự nghiệp giáo dục. Loại bỏ khỏi "cơ thể" ngành giáo dục những ung nhọt, những mầm bệnh ẩn chứa nhiều bất ổn, rủi ro, thiếu tính bền vững trong quá trình phát triển. Vì thế, Sở GD-ĐT TP.HCM chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phụ huynh và học sinh khi họ quyết liệt chấn chỉnh lại hoạt động dạy và học khối trường NCL. 

Đề cập đến vấn đề này, chúng tôi không có ý đánh đồng tất cả các trường NCL với nhau. Bởi trong thực tế có nhiều trường đã tạo được uy tín đối với đông đảo phụ huynh và học sinh. Không chỉ có vậy, những trường này đã ít nhiều đóng góp vào thành tích của ngành GD-ĐT TP.HCM với tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đậu ĐH-CĐ khá cao. Còn các trường có yếu tố nước ngoài, phần nào đáp ứng được nhu cầu học tập trong môi trường giáo dục quốc tế của một bộ phận không nhỏ phụ huynh có điều kiện kinh tế khá giả.

Song, bên cạnh những nhà đầu tư thật sự tâm huyết với giáo dục thì cũng có không ít nhà đầu tư đã coi giáo dục là "miếng bánh" siêu lợi nhuận. Mặc dù những người này chưa hiểu nhiều về giáo dục, thậm chí không hiểu gì nhưng cũng cứ mở trường. Vì lẽ đó, các trường NCL cứ kéo nhau mọc lên, hầu như không năm nào là không có vài ba trường mới nhằm chiêu sinh-kiếm lợi nhuận. Trong khi họ (nhà đầu tư) gần như bỏ mặc chất lượng đào tạo, chăm lo về đội ngũ GV và cơ sở vật chất.

Do đó, việc Sở GD-ĐT TP.HCM quyết tâm làm một cuộc "đại phẫu thuật" nhằm "cắt bỏ" những yếu kém, những cái xấu trong hệ thống giáo dục NCL cho thấy rõ sự tiếp thu, và nhận thức đúng đắn của những người quản lý về một nền tảng phát triển giáo dục bền vững của địa phương. Chúng ta hãy tin và hy vọng, sự quyết liệt ấy sẽ mang lại những giá trị tốt đẹp, môi trường giáo dục đáp ứng được những đòi hỏi và kỳ vọng của phụ huynh và học sinh trong thời ký đổi mới và hội nhập. 

Anh Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201301/Thuoc-dang-moi-da-tat-1966574/

Tết Nguyên đán: Học sinh được nghỉ 11 ngày

Posted: 26 Jan 2013 08:02 PM PST

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội thông báo các cán bộ, giáo viên, học sinh tại các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, Trung tâm giáo dục thường xuyên được nghỉ Tết nguyên đán 11 ngày.

Theo đó, các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT và Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp, Trung tâm GDTX được nghỉ từ ngày 07/02/2013 (Thứ Năm) đến hết ngày 17/02/2013 (Chủ nhật), tức là từ 27 tháng Chạp năm Nhâm Thìn đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Tỵ (Thời gian nghỉ là 11 ngày).

Cán bộ, giáo viên, học sinh các trường TCCN được nghỉ  từ ngày 04/02/2013 (Thứ Hai) đến hết ngày 17/02/2013 (Chủ nhật), tức là từ ngày 24 tháng Chạp năm Nhâm Thìn đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Tỵ (thời gian nghỉ là 14 ngày).

Đối với cơ quan Sở và các phòng GDĐT được nghỉ Tết bắt đầu từ 09/02/2013 (Thứ Bảy) đến hết 17/02/2013 (Chủ nhật), tức là từ 29 tháng Chạp năm Nhâm Thìn đến hết ngày mùng 8  tháng Giêng năm Quý Tỵ (thời gian nghỉ là 9 ngày). Như vậy, đối với cán bộ, công chức thực hiện nghỉ ngày thứ Bảy và Chủ nhật sẽ được nghỉ thêm ngày thứ Sáu (ngày 15/02) và đi làm bù vào ngày thứ Bảy tuần tiếp theo (ngày 23/02/2013).

Sở GDĐT đề nghị, trong thời gian nghỉ Tết, các đơn vị cần thực hiện nghiêm túc việc trực và bảo vệ cơ quan, trường học; phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương để có các biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng chống cháy nổ; nghiêm túc triển khai thực hiện tổ chức đón Tết Nguyên đán theo đúng quy định.

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Quý Tỵ, các cơ quan, đơn vị trường học nhanh chóng ổn định nền nếp, tổ chức tốt hoạt động dạy và học, thực hiện nghiêm túc theo đúng nội quy. Tuyệt đối không kết hợp tổ chức cho giáo viên và học sinh đi tham quan trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Theo Quỳnh Giang

VnMedia

Nguồn: http://thethaovanhoa.vn/xa-hoi/tet-nguyen-dan-hoc-sinh-duoc-nghi-11-ngay-n20130127074406731.htm

Thủ tướng yêu cầu kiểm tra việc học sinh vùng cao thiếu cơm

Posted: 26 Jan 2013 07:02 PM PST

Nhức nhối câu hỏi của Thủ tướng
Hơi ấm đang lan tỏa

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục – đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan kiểm tra sự việc báo nêu, nếu đúng phải có biện pháp khắc phục, báo cáo Thủ tướng trước ngày 25-2.

Loạt bài nêu trên xuất phát từ một trong những nội dung phát biểu của Thủ tướng về sự khó khăn của học sinh vùng cao tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2013 do Bộ Lao động – thương binh và xã hội tổ chức sáng 7-1.

* Thủ tướng vừa có quyết định quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ gồm: đang học cấp trung học phổ thông tại trường trung học phổ thông hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông) thuộc loại hình công lập; bản thân, bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; do nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, phải ở lại trường hoặc khu vực gần trường để học tập. Đối với học sinh là dân tộc Kinh, ngoài ba điều kiện nêu trên còn phải thuộc hộ nghèo.

Mỗi tháng học sinh trong diện trên được hỗ trợ tiền ăn 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá chín tháng/năm học/học sinh. Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá chín tháng/năm học/học sinh.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/531927/thu-tuong-yeu-cau-kiem-tra-viec-hoc-sinh-vung-cao-thieu-com.html

Comments