Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thầy giáo cụt tay mê vẽ và chuyện tình cổ tích

Posted: 20 Jan 2013 12:55 AM PST

Chị Bùi Thị Cẩm – vợ thầy giáo Khanh Rông (giáo viên dạy môn Hội họa ở Trường THCS xã Thạnh Trị, Sóc Trăng) tâm sự về câu chuyện tình yêu của mình với người thầy giáo giàu nghị lực.

Trong nhiều năm qua, nhiều người ở Sóc Trăng rất xúc động khi nghe chuyện thầy giáo Khanh Rong, người dân tộc Khmer, ở ấp Trương Hiền, xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng), thầy tuy bị cụt hai cánh tay, hư một con mắt nhưng vẫn dạy giỏi, được đồng nghiệp tín nhiệm, được học sinh tin yêu.

Nói về những thành công của mình, thầy Khanh Rong luôn nhắc đến người bạn đời. Được biết, chị Cẩm là người dân tộc Mường, quê ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Thầy Khanh Rong tủm tỉm cười, kể lại: "Hồi còn học ở trường Văn hóa Nghệ thuật, chúng tôi thường đi thực tế ở nhiều địa phương. Một lần, tôi đến Ô Môn (Cần Thơ) sáng tác thì gặp bà xã bây giờ, không biết bà nghĩ gì mà chịu nhận lời lấy anh cụt tay này".

Khi biết chị Cẩm đồng ý lấy anh, nhiều người thân rất ngạc nhiên, thậm chí ngăn cản vì sợ chị sẽ vất vả. Nhưng chị đã quyết vì "vất vả tôi không sợ".

Tập cầm bút bằng cùi tay

Tập cầm bút bằng cùi tay

Vốn là chỗ quen biết từ lâu, tôi đã nhiều lần trò chuyện cùng thầy Khanh Rong và biết nhiều về chuyện đời của anh. Khanh Rong kể cho tôi nghe chuyện mình với đôi mắt nhìn vào xa xăm: Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lúc đó, Khanh Rong mới hơn 10 tuổi. Vào một buổi chiều, khi cùng đám bạn chăn trâu đi xuống sông, thấy một vật tròn có vỏ lạ mắt nổi lềnh bềnh trên mặt nước, Khanh Rông cùng bạn lao xuống nhặt lên chơi. Bất ngờ, vật ấy nổ tung, hai người bạn tử vong ngay tại chỗ, một người bị thương nhẹ, riêng Khanh Rong mất hai cánh tay và một con mắt phải.

Kể từ ngày đó, tất cả như sụp xuống dưới chân anh, Khanh Rong coi như đời mình thế là hỏng. Tuy nhiên, nghị lực của một cậu bé con nhà nghèo người dân tộc Khmer đã giúp Khanh Rong trụ lại, không hoàn toàn tuyệt vọng. Hàng ngày, Khanh Rông vẫn tập làm việc nhà giúp đỡ cha mẹ.

Những ngày đầu, cầm dụng cụ làm việc nhà là cả một nỗi vất vả với Khanh Rong. Người ta có đủ hai mắt, hai tay mà làm việc gì cũng còn khó. Còn Khanh Rong hư một con mắt, cụt hai cánh tay nên mọi việc không đơn giản gì. Nhưng trong cái khó mới thấy nghị lực phi thường của cậu bé người Khmer này. Việc nhà đã làm thành thạo, nhưng trong tâm hồn Khanh Rong lại cháy lên ước mơ được đến trường. Nhưng, đến trường mà không có tay thì viết thế nào  được? Vậy là Khanh Rong lại âm thầm chuẩn bị cho ước mơ của mình. Cậu bé tập cầm bút bằng hai cùi tay. Ban đầu, cầm cây que nhỏ, nguệch ngoạc xuống đất, vẽ những đường cong, đường thẳng, những nét chữ nguệch ngoạc. Sau bao khổ công luyện tập, mồ hôi đổ xuống từng giọt, từng giọt…

Ba tháng sau, những nét chữ đầu tiên đã thành hình. Lúc đó, Khanh Rong vụng về cầm quyển vở bằng hai mỏm cụt của cánh tay xin vào học lớp một nhưng cô giáo nhìn cậu bé với vẻ ái ngại. Thấy vậy Khanh Rong quả quyết: "Cô cho em theo học, em có thể viết chữ và cầm sách đọc như các bạn". Cô giáo bảo Khanh Rong phải viết thử, nếu viết được cô nhận vào học. Khanh Rong ngồi xuống, lấy bút ra viết bằng hai cùi tay. Nét chữ tròn trịa, đẹp không thua người có đủ hai bàn tay. Còn cô giáo và các bạn trong lớp hết sức ngạc nhiên trước nét chữ của một người không có bàn tay. Vậy là, Khanh Rong được đặc cách vào lớp 1 khi đã… 12 tuổi.

Học hết cấp 1 (tiểu học), Khanh Rong khăn gói ra thị trấn Phú Lộc để học tiếp cấp 2 rồi cấp 3. Khi vào cấp 3, nhà quá nghèo nên anh phải tạm gác lại ước mơ của mình, trở về nhà phụ giúp cha mẹ làm kinh tế. Những ngày còn đi học, Khanh Rong đã chứng tỏ tài năng của mình không chỉ qua việc viết chữ đẹp mà còn ở năng khiếu vẽ tranh, kẻ chữ trang trí trong lớp khiến nhiều bạn khâm phục.


Thầy Khanh Rông họa thêm chi tiết cho bức tranh sơn dầu mừng nhà mới. (Ảnh: Báo Cà Mau)

"Không có tay vẫn vẽ được"

Học xong phổ thông, Khanh Rong tiếp tục thực hiện ước mơ cầm cọ của mình khi đỗ đầu và được hưởng học bổng toàn phần học ngành họa của trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Hậu Giang. Đỗ rồi nhưng khi nhập trường, Khanh Rong lại phải đối mặt với một thực tế: Vị cán bộ tuyển sinh của trường nhất quyết không chịu cho Khanh Rong vào học hội họa với lý do "hội họa phải có tay, không có tay làm sao vẽ?".

Lại thêm một lần nữa, Khanh Rong chứng minh "không có tay vẫn vẽ được, vẽ đẹp nữa là khác". Tuy vậy, Khanh Rong vẫn không được vào thẳng hệ trung cấp, mà phải học lớp sơ cấp 3 tháng. Sau khi học xong, anh được tiếp tục học lên trung cấp và ra trường với kết quả đỗ thủ khoa.

Khanh Rong kể cho tôi nghe một kỷ niệm mà không bao giờ anh quên được khi còn học ở trường TH Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Đó là lần Khanh Rong cùng các bạn đồng môn đi vẽ cụm panô ở bến phà Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng). Tại đây, những bạn có đủ tay được giao vẽ chính, còn Khanh Rong chỉ được giao cho làm việc lặt vặt… Nhìn các bạn vẽ mãi chưa xong, Khanh Rong thấy… ngứa tay nên đề nghị cho mình lên vẽ tiếp. Tưởng Khanh Rong đùa nên mọi người đồng ý cho anh vẽ. Chỉ trong chốc lát cụm panô đã hoàn thành vừa nhanh, vừa đẹp nữa. Thế là mọi người lại càng nể phục anh hơn.

Thầy Khanh Rong trong giờ lên lớp

Không bằng lòng với những gì mà mình đã có, Khanh Rong đặt ra cho mình nhiệm vụ phải học vi tính và học lên nữa chứ nếu không thì thua bạn bè, khó dạy được học sinh lắm. Thế là Khanh Rong khăn gói, đạp xe lên Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng dự thi vào hệ CĐ văn hóa nghệ thuật. Vượt qua hơn 150 thí sinh, Khanh Rong thi đậu vào ngành họa của Trường CĐ Sư phạm Sóc Trăng, hệ tại chức. Thi đậu rồi, đi học rất vất vả vì xe gắn máy anh không đi được, xe đò thì lâu lâu mới có một chuyến… Vậy là, hàng ngày anh đạp xe hơn 40 km từ Thạnh Trị lên Sóc Trăng để học, bất kể nắng mưa, gió bão và kết thúc khóa học của mình một cách tốt đẹp.

Thầy Khanh Rong điều khiển máy tính thành thạo bằng hay cùi tay.


Thầy Khanh Rong điều khiển máy tính thành thạo bằng hay cùi tay.

Hiện nay, sau khi trúng tuyển vào lớp đại học liên thông của Trường ĐH Đồng Tháp niên khóa 2012-2014 tổ chức tại Bạc Liêu, thầy Khanh Rong lại tiếp tục đi học ở TP Bạc Liêu cách nhà hơn 25km. Theo Khanh Rong, học để biết thêm nhiều cái mới, phục vụ tốt cho giảng dạy của mình.

Nhiều học trò của thầy giáo Rong đã mang về nhiều giải tại các cuộc thi vẽ cấp huyện và tỉnh. Riêng Khanh Rong có nhiều những bức tranh từng dự triển lãm và đoạt giải lớn.

Bạch Dương

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thay-giao-cut-tay-me-ve-va-chuyen-tinh-co-tich-687188.htm

Giá tăng, sinh viên rủ nhau… “chơi sang”

Posted: 20 Jan 2013 12:55 AM PST

Sinh viên nghèo… sống sang

Nguyễn Thị Hồng, sinh viên (SV) Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho hay một trong những khoản chi tiêu "đứt ruột" nhất đối với những SV tự túc nấu ăn để tiết kiệm là tiền gas.

“Giá gas tăng liên tục, giá bình gas mini năm 2010 là 3.000 đồng/bình giờ lên 6.000 - 7.000 đồng mà "ruột" càng ngày càng nhẹ. Phòng em ở 3 người, nấu ăn bữa chỉ hai nồi mà ngày đun hết 2 bình gas, tháng hết khoảng 400.000 đồng. SV ăn uống tiết kiệm, đôi khi tiền gas mắc hơn tiền đồ ăn", Hồng nói.

Thời gian dài "gánh" chi phí này, gần đây một chị trong phòng đề xuất sắm bếp gas loại lớn thay cho dùng bếp mini. Lúc đầu mọi người e ngại vì phải góp khoản tiền lớn cùng với tâm lý SV ở trọ ít ổn định. Nhưng sau khi bàn đi tính lại, họ quyết định liều… một phen, góp mỗi người 300.000 đồng để mua bếp và bình gas gia đình loại 12kg.

Giá cả đắt đỏ, nhiều SV chọn cách sống sang đi mua sắm ở siêu thị để tiết kiệm

Các nữ sinh phấn khởi khi bình gas đầu tiên giá 412.000 đồng đổ từ đầu tháng 11/2012 đến nay vẫn còn. Những phòng SV bên cạnh thấy vậy cũng góp tiền "rinh" bình gas lớn về, cả xóm nhìn… sang hẳn lên.

"Mới đầu tốn kém một chút nhưng tính ra rẻ khoảng 3 lần và an toàn hơn dùng bình nhỏ. Cũng không còn phải khổ sở mỗi lần nấu ăn lại hết gas. Tài sản chung nên bọn mình cũng thống nhất nếu ai chuyển thì sẽ được bù từ người mới chuyển vào", Ngân – SV Trường CĐ Vạn Xuân cho hay.

Không những vậy, nhiều SV cũng tổ chức theo kiểu mua sắm chung để mua được giá rẻ. Nếu trước đây SV thường mua sắm theo kiểu "nhỏ giọt" tại các chợ, hàng tạp hóa gần chỗ ở thì giờ nhiều người góp lại cùng mua.

Thảo, ĐH Ngoại thương cơ sở 2 cho hay, phòng mình 4 người trước giờ đồ ai người nấy mua kiểu lẻ nhỏ rất đắt. Sau thấy cách mua chung rẻ hơn nên rủ luôn các em phòng bên cạnh lâu lâu lại đi siêu thị khuân đồ về chia ra. Như gạo mua 10kg thì được tặng thêm 1kg, các thực phẩm dầu ăn, mỳ tôm, trứng… hay đồ tiêu dùng khác như bột giặt, giấy lau… mua loại lớn nên giá rẻ hơn mua lẻ rất nhiều.

Cô nữ sinh khoe: "Như cuộn giấy lau mua lẻ là 4.000 đồng, mua cả bịch chỉ 28.000 đồng/lố 10 cuộn, dầu ăn mua can 5 lít rẻ hơn nhiều mỗi lần ra mua lẻ chai nhỏ xíu. Với cách này bọn mình tiết kiệm được nhiều mà đồ dùng cũng xông xênh hơn nên thấy rất thoải mái".

Bớt "cháy túi" nhờ sinh hoạt tập thể

Không chỉ là làm thêm, tiết kiệm… để “đối phó” với giá, hiện nay SV xa nhà còn nghĩ ra rất nhiều cách để "sống chung với giá". Đặc biệt, mô hình "sinh hoạt chung" để giúp túi tiền hạn hẹp của mình có thể "lướt sóng" được với giá cả không ngừng leo thang được nhiều bạn áp dụng.

Giá thực phẩm tăng luôn làm nồi cơm giảm chất giảm lượng

Lê Đức Hải – SV Trường ĐH Thủy lợi cho hay, từ giữa năm ngoái khi đối mặt với giá cả tăng, nhiều phòng trọ chỗ cậu nấu ăn chung thay cho nấu từng phòng. Họ sắp lịch luân phiên, tuần này phòng này nấu, tuần tới phòng kế tiếp.

4 phòng 12 người, mỗi bữa mỗi người góp khoảng 7.000 - 8.000 đồng là có thịt cá, rau củ ngon rất đầy đủ. Mỗi ngày nấu nhiều nên các bạn còn đi chợ đầu mối mua thức ăn giá rẻ; thay vì dùng gas, nhóm còn sắm luôn chiếc bếp than nên càng tiết kiệm hơn nữa.

"Cùng mức đó tiền nhưng nấu lẻ từng phòng thì chỉ ăn đậu, trứng… Nấu tập thể ngon rẻ mà còn rất đông vui nữa. Hôm nào cơm sống, đồ ăn dở chút vẫn đua nhau chiến. Từ ngày nấu ăn chung, mình ít hơi vào cảnh "cháy túi" hơn", Hải cười.

Ngoài những khoản cố định như nhà trọ, điện nước, đi lại… thì một trong những lý do SV phải gánh giá tiêu dùng đắt đỏ do họ thường chi tiêu theo kiểu nhỏ lẻ. Nhận ra điều này, nhiều SV khắc phục bằng cách tổ chức những sinh hoạt tập thể phù hợp.

Nấu ăn tập thể cũng là một cách giúp SV ít tiền mà vẫn no đủ

Trần Ngọc Hiền – SV Trường ĐH KHXHNV TPHCM cho hay, giá cả đắt đỏ mà tiền chi tiêu có hạn nên SV có xu hướng mua sắm, sinh hoạt theo mô hình đông người là cách làm hay để có thể sống tốt trong "bão giá". Cách này thật ra đã được thực hiện từ lâu như SV ở ghép, nhiều phòng dùng chung đường truyền internet… giờ chỉ là tổ chức thêm nhiều hình thức khác để tiết kiệm.

Hiền phân tích, khi sinh hoạt tập thể cũng thường phát sinh nhiều chuyện như đông SV dễ tổ chức ăn nhậu, tại nhiều khu trọ thực hiện được thời gian rồi tan rã vì cãi vã, mâu thuẫn làm mất luôn tình bạn.

"Theo mình, các bạn cần tổ chức làm sao lối sinh hoạt chung này trước hết phải lành mạnh. Đồng thời mỗi người cũng cần thể hiện được sự đồng thuận, kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn tập thể thì mới hiệu quả được. SV cố gắng tìm cho mình chỗ trọ ổn định để đầu tư mua sắm ban đầu ban đầu như bếp gas, tủ lạnh… dùng lâu dài thì chi tiêu rẻ hơn mà còn rất sang nữa", cô SV này chia sẻ.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gia-tang-sinh-vien-ru-nhau-choi-sang-687194.htm

Chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục

Posted: 20 Jan 2013 12:55 AM PST

(GDTĐ) – Sở GDĐT Hà Nội cho biết, chậm nhất trong quý I năm 2013 sẽ hoàn thành việc chuyển đổi loại hình trường từ dân lập sang tư thục đối với một số trường.

Theo Luật Giáo dục sửa đổi, từ cuối năm 2009 không còn tồn tại loại hình trường phổ thông dân lập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Việc chuyển đổi loại hình trường là thực hiện theo đúng Luật Giáo dục sửa đổi và nhằm ổn định tình hình hoạt động của các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố.

Theo Quy định của Bộ GDĐT, các trường dân lập, tư thục (đối với mầm non), các trường tư thục (đối với tiểu học, trung học cơ sở) được mở để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người học và tranh thủ sự đầu tư của xã hội cho giáo dục.

Trên cơ sở qui hoạch phát triển giáo dục trung học phổ thông (số lượng người học, mạng lưới trường, lớp) của địa phương, đảm bảo đủ các trường THPT (công lập, tư thục) đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của người học, yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội và nhân lực của địa phương.

Hiện nay, Hà Nội có 23 trường nằm trong diện phải chuyển đổi, gồm 16 trường THPT và 7 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201301/Chuyen-doi-loai-hinh-truong-tu-dan-lap-sang-tu-thuc-1966412/

Những bí quyết để vào Đại học Harvard

Posted: 20 Jan 2013 12:55 AM PST

Học sinh Việt Nam học hỏi cách "chinh phục" ĐH Harvard từ các học viên cao học ĐH Harvard.

Thể hiện sự khác biệt

Trả lời thắc mắc của V. Tiến, Julia chia sẻ: Điểm SAT chỉ là một trong nhiều yếu tố đầu vào của ĐH Harvard. Những yếu tố khác cũng rất quan trọng là phải có kết quả học tập tại trường THPT thật tốt, bài luận vượt trội, những kỹ năng cá nhân, cũng như các hoạt động cộng đồng. Lưu ý là ĐH Mỹ rất quan tâm đến những hoạt động bên ngoài nhà trường của người học.

Julia nhấn mạnh ứng viên cần phải chú trọng vào bài luận, phải làm sao thể hiện mình khác biệt, nổi bật để được chọn. Vì bình quân cứ khoảng 100 hồ sơ nộp vào ĐH Harvard để học ĐH thì có đến 94 bị loại, còn sau ĐH là 90 bị loại.

Để minh họa về việc viết bài luận, Julia kể kinh nghiệm vào ĐH Harvard của mình. Cô đã viết 2  bài luận. Bài thứ nhất kể về việc đi học lớp nấu ăn với chủ đề "Làm sao chấp nhận cảm giác mình là người tệ nhất lớp?". Bài luận thứ hai có chủ đề về kinh nghiệm sống ở Nhật (vì gia đình cô là người nước ngoài sống ở Nhật). Julia đúc kết: "Bài luận chính là chia sẻ những gì mỗi học sinh trải qua trong cuộc sống hơn là những hiểu biết mang tính học thuật, qua đó thể hiện cá tính của người đi học".

June Odongo bổ sung: "Các trường ở Mỹ thích những câu chuyện. Bạn có thể kể những câu chuyện mà lúc nhỏ đã gặp, đã trải qua trong cuộc sống. Và bạn học được gì, có được kinh nghiệm gì qua những điều đã kể. Bạn đã mắc lỗi lầm gì và đã vượt qua như thế nào… Họ muốn biết cách để bạn hòa nhập vào môi trường mới".

Wojtek Kubik cho biết ĐH Mỹ còn quan tâm đến việc sinh viên này thực sự đam mê gì, có thể cống hiến gì và có gì cho những sinh viên khác học hỏi, chia sẻ… Đó là những điều họ "để mắt" khi xét duyệt hồ sơ.

Rèn luyện tiếng Anh thường xuyên

Ngoài những điều đã chia sẻ ở trên, rèn luyện tiếng Anh thành thạo là vấn đề mà các học viên cao học ĐH Harvard muốn nhấn mạnh. Wojtek Kubik cho rằng môi trường ĐH quan trọng nhất là nói tiếng Anh tốt. Do đó, phải rèn luyện thường xuyên. Nếu không rèn luyện thì dù trong trường học tiếng Anh tốt (từ vựng, văn phạm) thì ra ngoài cũng không sử dụng được.

June Odongo kể rằng cô đến từ đất nước Kenya, nơi các chương trình đều được dạy bằng tiếng Anh. Nhưng khi sang Mỹ học, người Mỹ không nghe được tiếng Anh của cô. Cô rút ra bài học kinh nghiệm khi học tiếng Anh phải có môi trường sử dụng và phải rèn luyện mỗi ngày thì mới có thể thuần thục được.

Trong khi đó, những học sinh có ý định đặt chân vào ĐH hàng đầu của Mỹ cho biết: Để có thể thi SAT, lượng từ tiếng Anh cũng lên đến mấy chục ngàn từ, sách cao cả chồng, phải rất nỗ lực, cứ như phải vượt qua "vách đá".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của các học sinh này, điều họ yên tâm để phấn đấu là khi đã được chấp nhận vào ĐH Harvard thì không phải lo về tài chính. Nếu người học khó khăn, ĐH này sẽ dựa trên thu nhập của gia đình người đó để đưa ra mức đóng học phí phù hợp. Quả là không uổng công để vượt qua "vách đá" khi vừa được học ở ĐH danh tiếng của thế giới vừa không phải lo về học phí.

Theo Nguoi lao dong

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-bi-quyet-de-vao-Dai-hoc-Harvard/270057.gd

Để học sinh không sợ môn toán

Posted: 19 Jan 2013 04:18 PM PST

Học sinh không sợ học toán nếu thay nhồi nhét kiến thức hàn lâm như hiện nay bằng việc chú trọng tới những bài toán có tính ứng dụng vào đời sống.

Cùng với môn văn, sẽ có sự đổi mới trong việc dạy và học toán ở bậc phổ thông sau năm 2015. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Học để biết vận dụng


Tại Hội thảo về đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015 được tổ chức mới đây, tiến sĩ Phan Thị Luyến, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nhận định: "Nhìn chung, giáo viên và học sinh (HS) vẫn chưa khắc phục được nhận thức, thói quen dạy học truyền thống, nặng về lý thuyết, coi nhẹ thực hành ứng dụng. Cách dạy nhồi nhét kiến thức vẫn còn phổ biến… do đó bài học thường nặng nề, HS học một cách thụ động, sau khi học nhiều em chưa thể tự giải được bài tập".

Bà Luyến dẫn chứng: "Các đề thi môn toán hiện nay rất ít bài có nội dung thực tiễn. Điều này dẫn đến hậu quả là giáo viên không chú trọng dạy cho HS cách giải quyết các bài toán thực tiễn".

Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chia sẻ: "Với kinh nghiệm lâu năm, tôi hiểu rằng trẻ em không hề ghét toán nhưng chính cách tiếp cận toán học mà chúng ta đang thực hiện mang đến nỗi sợ hãi lớn hơn về toán cho trẻ".

Với mong muốn giúp trẻ thoải mái khi học toán, biến toán trở thành công cụ hỗ trợ thành công của các em chứ không phải biến các em thành nô lệ toán học, tiến sĩ Cẩm Thơ đề xuất: "Mục tiêu dạy toán phổ thông nên hướng tới là "học để biết vận dụng và khẳng định giá trị bản thân".

Cụ thể dạy học toán phổ thông phải đạt những năng lực như: lập luận logic trong giải toán; giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ toán; vận dụng kiến thức toán để giải quyết các tình huống có vấn đề.

Học theo sở thích và năng lực

Theo dự thảo đề án đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, môn toán vẫn là một trong 4 môn học bắt buộc đối với tất cả HS từ lớp 1 đến lớp 12.

Phó giáo sư Trần Kiều và nhóm nghiên cứu đề án đổi mới giáo dục phổ thông, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng: "Trong dự kiến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015 sẽ quán triệt tinh thần "toán học cho mỗi người", nghĩa là ai cũng cần học toán nhưng mỗi người có thể học toán theo những cách khác nhau, tùy theo sở thích và năng lực cá nhân".

Đây cũng là điều bức xúc hiện nay khi mà việc dạy phân hóa vẫn chỉ nằm trên lý thuyết, còn thực tế, giáo viên vẫn dạy học đồng loạt, không coi trọng đến khả năng tiếp thu của từng đối tượng HS.

Nhóm nghiên cứu đề xuất mục tiêu cụ thể của môn toán sẽ có hai giai đoạn: giai đoạn cơ bản (bao gồm cấp tiểu học và THCS) và sau cơ bản (cấp THPT).

Mục tiêu của việc dạy môn toán là phải gần gũi với cuộc sống nhiều hơn, trong đó có nhấn mạnh khả năng ứng dụng rộng rãi của toán học trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

HS biết cách làm việc có kế hoạch, cẩn thận, chính xác, có thói quen tò mò, thích tìm hiểu, khám phá; biết cách học độc lập với phương pháp thích hợp cùng những kỹ năng cần thiết, trong sự hợp tác có hiệu quả với người khác.

Riêng đối với giai đoạn sau cơ bản, nhóm nghiên cứu đề xuất việc tổ chức phân hóa sẽ đạt mức độ cao. Mỗi người học theo định hướng nghề nghiệp sẽ chọn lựa nội dung học tập thích hợp.

Chính vì vậy việc dạy học môn toán phải có các chương trình cùng tài liệu giáo khoa khác nhau với những mục tiêu riêng theo hướng phục vụ trực tiếp cho việc học tập tiếp theo của HS.

Giáo sư Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán – Tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng: "Trong dạy học bộ môn toán, ngoài cách tiếp cận hàn lâm, coi trọng tính logic của toán học như một khoa học suy diễn, cần chú ý đến cách tiếp cận dựa trên vốn kinh nghiệm, trải nghiệm của HS".

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

Nguồn: http://www.tienphong.vn/giao-duc/610569/De-hoc-sinh-khong-so-mon-toan-tpol.html

Gồng gánh tha phương nuôi con vào đại học

Posted: 19 Jan 2013 04:15 PM PST

Chỉ khi ai đó vô tình nhắc đến đứa con trai lớn vừa giỏi vừa ngoan của chị là nỗi buồn lại đong thành giọt nơi khoé mắt chị.

Để đời con không khổ như cha mẹ

Chị tên Nguyễn Thị Thanh Thuý, sinh năm 1966, quê ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Bởi ở quê "chỉ kiếm 5.000 đồng mỗi ngày sao nuôi nổi ba đứa con vẫn còn nhỏ xíu", chị kể, nên sau khi đưa con gái út vào trường mẫu giáo, chị về nhà thắp nhang lạy ông bà tổ tiên rồi xách giỏ đi thẳng ra bến xe mà không dám ngoái đầu nhìn lại. Chị nhớ như in đó là ngày 24.10.1993, buổi sáng mà đất trời âm u, mưa lất phất. "Thiệt là não ruột, đi không đành", chị Thuý ngậm ngùi nhớ lại. Vậy mà, thoắt đó chị vô Sài Gòn bán đậu hũ dạo đã 20 năm.


Chị Thanh Thuý và gánh đậu hũ mưu sinh 20 năm nay ở Sài Gòn.

Vợ ở Sài Gòn lang thang buôn gánh bán bưng, chồng ở quê làm đủ chuyện lặt vặt, cực khổ vậy nhưng anh chị quyết tâm nuôi ba đứa con học tới đại học để "đời tụi nó không khổ như đời cha mẹ", chị nói. Nên ngày biết tin con trai lớn đậu đại học Kinh tế ở TP.HCM, hai vợ chồng mừng không thể tả. Anh chị còn vô cùng hãnh diện vì là gia đình đầu tiên trong xóm có con đậu đại học. Mừng đến nỗi đang ăn cơm, nghĩ đến chuyện con thi đậu, vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ cùng cười tủm tỉm.

"Vợ chồng tôi quyết tâm đầu tư cho các con ăn học tới nơi tới chốn nên cực khổ cỡ nào cũng không than với con", chị kể trong ánh mắt tràn đầy hy vọng về một tương lai tươi sáng đang mở ra cho các con thân yêu của mình.

Lá vàng khóc lá xanh

Rồi cũng đến ngày, con trai lớn của chị tốt nghiệp đại học. Tuy mới ra trường nhưng con chị may mắn được một công ty lớn ở TP.HCM nhận vào làm việc ngay. Chuyện không ai ngờ, năm 2007, đang trên đường đi ăn trưa thì con trai chị bị tai nạn giao thông, qua đời ở tuổi 22 tràn sức sống. Kỷ niệm đau thương ùa về, chị kể mà nước mắt rưng rưng: "Chắc số đã định, hôm đó, chú nó rủ đi ăn trưa, không ai chịu đi, vậy mà nó lại đi. Nó chỉ mới đi làm được hai tháng thôi mà!"

Người mẹ gồng gánh tha phương cầu thực vì con như chị ở lại nhân gian trong nỗi đau thương tức tưởi. Con trai mất hơn năm năm rồi nhưng chị cứ ngỡ mới hôm qua. Nhiều lúc nhớ con không chịu nổi, chị tự an ủi: "Nó vừa ngoan hiền vừa hiếu thảo, chắc không phải con mình nên trời Phật đưa nó đi sớm".

Giờ đây, chị vẫn cố gắng sống vì chồng, vì hai đứa con gái. Con gái thứ hai của chị đang làm cô giáo đi dạy ở quê nhà. Con gái út cũng đã ra trường và đi làm. Ngày ngày chị vẫn gánh hàng đi bán. Chén đậu hũ của chị có những viên ỷ dai giòn, đậu hũ mềm mịn, chan thêm nước gừng nóng ấm cùng nước cốt dừa béo ngậy, hương lá dứa thơm phức lan toả cả góc phố trong buổi sớm mai. Gánh đậu hũ của người mẹ đó đã nuôi ba con ăn học thành tài trong khốn khó.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gong-ganh-tha-phuong-nuoi-con-vao-dai-hoc-687132.htm

Tết sớm đến với học sinh nghèo hiếu học, gia đình khó khăn

Posted: 19 Jan 2013 04:15 PM PST

Đây là một trong những hoạt động thường niên của Hội Khuyến học mỗi khi Tết đến Xuân về.

Xã Triệu Lăng là một vùng đất hiếu học của huyện Triệu Phong nhưng còn nghèo khó. Vì vậy, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ Phật tử Phúc Thiện Hà Nội trao học bổng, gạo, quần áo ấm… tổng giá trị trên 50 triệu đồng cho các em học sinh nghèo hiếu học và gia đình khó khăn đón một cái Tết no ấm.


Ban tổ chức trao quà cho các em học sinh và gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Tại lễ trao học bổng và quà, bà Nguyễn Thị Thùy Mỵ – Chủ tịch Hội Khuyến học Quảng Trị cho biết, đây là tấm lòng hảo tâm của các phật tử gửi tới các em học sinh và người dân để bớt đi một phần nào khó khăn trong cuộc sống, đón một cái Tết no ấm hơn.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tet-som-den-voi-hoc-sinh-ngheo-hieu-hoc-gia-dinh-kho-khan-686890.htm

Giáo viên ‘bật’ lại lãnh đạo công đoàn ngành

Posted: 18 Jan 2013 06:28 PM PST

- Lương thấp, lại thêm ý kiến cho rằng “giáo viên không nên đặt nặng vấn
đề thưởng Tết” khiến những người trong cuộc đã tỏ ra bất bình về sự vô
cảm này.


Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Cái gì cũng cắt, lương thì không tăng

Số đông giáo viên cho rằng không nên đánh đồng sự cao quý của nghề giáo với việc đương nhiên phải chấp nhận lương thấp, thưởng không có.

"Giáo viên chúng ta là thần thánh mà! Mà đã là thần thánh thì cần gì phải ăn mà sống, cứ sống theo kiểu thần thánh thôi. Và gia đình, con cái của GV cũng phải thần thánh nốt" – độc giả Ngô Dung than vãn trong bức xúc.

Một độc giả khác thì ví von đầy tủi thân: "Nhà giáo chỉ khác nhà sư là được lấy vợ, nhưng lại không có tiền nuôi con".

"Giáo viên có là người không? Có lao động không? Có cần ăn để sống không? Xa lắm rồi giáo viên có lương tháng 13. Bây giờ cái gì cũng cắt giảm, siết chặt: cắt tiền chấm bài, siết chặt dạy thêm, không được dạy vượt chuẩn 200 tiết/ năm… Bộ sẽ còn siết chặt giáo viên như thế nào nữa? Giáo viên trông chờ vào sự hảo tâm của doanh nghiệp ư?" – bạn đọc Ngô Đồng đặt ra những câu hỏi khó có lời đáp.

Cô giáo Ngô Thanh Ngọc cũng chia sẻ với nỗi niềm này: "Chúng ta chắc sẽ phải sống bằng niềm tin, húp không khí rồi hừng hực khí thế và lý tưởng để đào tạo ra những công dân có đức, có tài thôi quý thầy cô ạ!"

"Giáo viên không phải là người sao? Không cần ăn, không cần mặc sao? Hay chỉ hít khí trời mà sống? Trong khi đó giáo viên không chỉ làm việc trên lớp mà về nhà còn bao nhiêu việc phải làm. Muốn cống hiến mà ăn không đủ, ra ngoài xã hội thì thiệt thòi đủ đường, vậy giáo dục có còn là quốc sách nữa không? Người trong ngành thì muốn bỏ nghề hoặc là phải lao ra làm trái ngành để trang trải cuộc sống, vậy thì ai còn muốn làm giáo viên nữa?" – giáo viên Nguyễn Thị Thúy trăn trở.

"Giáo viên ốm đến bệnh viện mà không có tiền liệu có được chữa bệnh? Đi xe máy có phải nộp thuế đường bộ không? Đi chợ có được giảm giá không?"…

"Kinh doanh, sản xuất tạo ra sản phẩm. Ngành giáo cũng tạo ra sản phẩm mà còn là sản phẩm đặc biệt, là nhân cách con người. Nếu so sánh sản phẩm để tính đến chuyện thưởng tết chẳng lẽ nhân cách của con người không thể bì được với những sản phẩm, lợi nhuận kia sao?" – thầy giáo Bùi Chí Tuyển đặt câu hỏi ngược trở lại.

Coi 3 tháng hè là món quà: thật nực cười!

Trước ý kiến của một nhà giáo cho rằng “hãy coi 3 tháng hè là một món quà của mỗi GV” – nhiều thầy cô giáo đã phản bác. Bởi từ lâu thời gian nghỉ hè đã không còn được 3 tháng, người cao nhất cũng chỉ 2 tháng.

Độc giả Bùi Chí Tuyển đưa ý kiến: "Nói là nghỉ 3 tháng không lương cũng không đúng vì thực tế ngành giáo chỉ nghỉ được 2 tháng,1 tháng đi tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và các công tác khác". "Bản thân tôi cao nhất gần 2 tháng. 3 tháng hè mà coi là quà à? Thật là nực cười!" – cô giáo Ngô Thanh Ngọc phản bác.

Nhiều người trong cuộc khác cũng đồng tình với ý kiến này. Trong 3 tháng hè, các GV còn phải đi tập huấn, coi thi, soạn giáo án, chấm bài… Có những trường giữa tháng 8 đã phải đi dạy.

Một bạn đọc có mẹ là giáo viên chia sẻ GV ở quê chị phải dạy 2 buổi cho 2 khối lớp khác nhau. Mà đâu phải cứ một giáo án thôi là xong, nào là sáng kiến kinh nghiệm, nào là họp chuyên môn, những người làm tổ trưởng còn phải làm nhiều hơn thế mà có ai phụ cấp cho họ đâu! Nếu như GV ở thành phố thưởng Tết còn được đến 2 triệu/người, thì ở quê 100 ngàn cũng là quý rồi.

Thầy giáo Tùng Xuân khá hợp lý khi cho rằng cho dù có được nghỉ 3 tháng đi nữa thì GV vẫn phải chi các khoản phục vụ đời sống, chứ không thể nhịn. "Hơn nữa đó là đặc thù nghề nghiệp, sao lại đưa chuyện lương vào ở đây; còn nghỉ phép, lễ, Tết này nọ chẳng lẽ chỉ có giáo viên mới được nghỉ. Và chúng tôi là những người được gọi là được ưu tiên để phát triển đất nước thì sao lại phải sống vất vả với đồng lương thế này!"

Trong số nhiều chia sẻ của các nhà giáo, có những tâm sự thật rất đáng để các lãnh đạo ngành giáo dục phải trăn trở: "Vợ tôi lương hợp đồng không đủ mua sữa cho con", hay "Ở trường tôi, chúng tôi mong ngóng từng ngày chờ lương nên chỉ cần có thông tin là có lương, đặc biệt là thưởng là như một luồng gió mới, làm cho tinh thần giáo viên phấn chấn làm việc".

Đặc biệt, tâm sự của một giáo viên mầm non phải bỏ nghề có lẽ đáng buồn hơn cả: "Em là GV mầm non. Đi làm được 6 năm, ở Sài Gòn mà lương có 2,2 triệu thôi! Làm đủ 12 tháng nhé! Nghỉ 1 tháng là trừ vào lương tháng 13 liền. Giờ thì bỏ nghề đi buôn bán rồi". Buồn hơn khi cô giáo mầm non này thừa nhận: "Nghe các thầy nói vậy em nghiệm ra 1 điều là mình bỏ nghề là đúng rồi!"

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/105885/giao-vien--bat--lai-lanh-dao-cong-doan-nganh.html

Sinh viên đổ xô đi giúp việc, trông nhà ngày Tết

Posted: 18 Jan 2013 06:28 PM PST

Ở lại thành phố để giúp việc nhà ngày Tết

Từ đầu tháng 1, sinh viên (SV) lại TPHCM lại tất bật tìm cho mình công việc thời vụ Tết với hy vọng kiếm một khoản chi tiêu cho ngày Tết đầy đủ hơn. Đối tượng săn lùng công việc nhiều nhất là các SV ở lại thành phố, không về quê đón Tết.

Công việc thời vụ quen thuộc cho SV là bán hàng, gói quà Tết tại các siêu thị; phục vụ tiệc tại các nhà hàng, quán ăn; nhân viên tiếp thị, nhân viên bảo vệ… với mức thu nhập giao động 18.000 - 22.000 đồng/giờ hoặc 2,5 – 3,5 triệu đồng/tháng tùy việc.


Nhiều SV rao tìm công việc giúp việc, trông nhà… ngày Tết.

Thu nhập từ những công việc này không cao, trong khi mục đích làm thêm mùa Tết của SV chủ yếu để kiếm tiền nên nhiều SV chuyển hướng kiếm những việc như giúp việc nhà, lau dọn nhà cửa hay trông nhà thuê…

Tìm hiểu một số công việc thời vụ thông thường, nhưng sau đó Nguyễn Thị B. – SV Trường ĐH KHXHNV TPHCM quyết định chọn việc… quét dọn nhà cửa. Theo B. các việc thông thường khó kiếm mà lại không đáp ứng được hai yêu cầu là thu nhập và chủ động thời gian trong khi B. có chưa đến 3 tuần làm việc Tết và cô còn muốn thu xếp để tham gia nhiều chương trình tình nguyện xuân.

"Chị bạn cùng phòng rủ dọn nhà 30 - 40.000 đồng/giờ, em đang làm cho một gia đình thấy rất ổn. Những ngày Tết, người giúp việc về quê, rất nhiều gia đình cần người dọn dẹp và họ cũng sẵn sàng trả mức rất cao nếu mình làm tốt", B. cho biết.

Trên các trang rao vặt, thời điểm rất nhiều tin SV rao tin cần tìm công việc giúp việc nhà, dọn nhà theo giờ, trông trẻ, trông nhà… dịp Tết. SV ở hầu hết các trường như Kinh tế, Sư phạm, Bách khoa… Nhiều bạn còn không ngại giới thiệu "việc gì cũng làm". Đây là cách họ chủ động kiếm việc làm thêm thích hợp với mong muốn làm việc trong những ngày Tết của mình.

"Mình ở lại ăn Tết, chỉ làm thêm trong thời gian này nên muốn tìm một công việc thu nhập cao một chút để ra năm có khoản tiền đi học tiếng Anh. Các công việc thông thường phải bắt đầu trước Tết khá sớm, thu nhập thấp nên mình hướng đến làm việc tại nhà cho các gia đình", Hiệu – SV năm 2 ngành Kế toán một trường cao đẳng đăng tin tìm việc trông nhà ngày Tết cho biết.

Hiện đã có một vài người liên hệ nhưng vẫn cậu vẫn chưa chốt được mối làm việc. Cậu SV này hy vọng với mức giá trông nhà từ 200 - 250 ngàn đồng/ngày, cậu có thể kiếm được từ 3 - 4 triệu đồng trong thời gian từ 25 tháng Chạp đến mùng 9 Tết.

“SV thích công việc tại gia vì không gò bó như làm ở các siêu thị, nhà hàng mà rõ ràng thu nhập cao hơn rất nhiều. Chỉ có mấy ngày nghỉ nên ai cũng mong kiếm được một khoản kha khá chứ không quá chú trọng hình thức công việc”, một nữ sinh Trường ĐH Sư phạm TPHCM đang rao tin đi giúp việc, trông nhà cho hay.


SV có thể chủ động kiếm thu nhập từ nhiều chương trình, hội chợ cuối năm.

Vẫn có việc chờ SV

Ông Trần Anh Tuấn – phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trước đây thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp rất khó tìm lao động để phục vụ các đơn hàng Tết thì năm nay thị trường khá ảm đạm do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Thời điểm này, nhu cầu việc làm thời vụ chiếm khoảng 50% nhu cầu lao động toàn thành phố, tập trung ở các lĩnh vực bán hàng Tết, dọn dẹp nhà cửa, phục vụ nhà hàng… Ngoài ra, một số ngành nghề như nhân viên tiếp thị, nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ, kế toán - kiểm toán… vẫn có nhu cầu tuyển dụng phục vụ cho các hoạt động cuối năm của doanh nghiệp. Tuy vậy, so với năm ngoái, nhu cầu lao động thời vụ cuối năm năm nay giảm gần một nửa, số doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng giảm rõ rệt.

Số đầu việc giảm so với các năm trước nhưng tại TPHCM vẫn có nhiều chương trình hỗ trợ SV làm thêm dịp Tết. Trung tâm hỗ trợ HS, SV TPHCM triển khai chương trình kéo dài từ cuối năm 2012 đến đến tháng 2/1013 với khoảng 4.500 việc làm giới thiệu cho SV trong dịp Tết.

Ông Nguyễn Trọng Hoàng – Trưởng phòng hỗ trợ đời sống SV thuộc Trung tâm hỗ trợ HS, SV TPHCM cho hay số doanh nghiệp tuyển dụng giảm 15-20% so với năm ngoái, do nhiều đơn vị giải thể, phá sản.. Nhưng một số công việc thời vụ đặc thù làm những tuần trước Tết vẫn đang ráo riết tuyển người, nhất là nhu cầu ở các siêu thị. Hiện trung tâm vẫn còn trên 1.500 đầu việc trống đang chờ người lao động.

Ngoài những chương trình giới thiệu việc làm còn có những hoạt động, hội chợ được tổ chức không chỉ để SV mua sắm giá rẻ mà còn nhằm hỗ trợ SV có thể tham gia, chủ động hơn trong việc kiếm tiền.

Hội chợ mua sắm SV cuối năm Banquet Sale sẽ diễn ra từ 13g - 22g trong hai ngày 26 và 27/1 tại Sân vận động Hoa Lưu (Q.1, TPHCM) ưu tiên gian hàng cho SV cần thanh lý lại đồ đạc, hàng hóa không dùng đến hoặc các bạn SV chuyên kinh doanh các shop online cần thanh lý hàng tồn với mức giá rẻ. SV cũng có thể đăng ký gian hàng bán các sản phẩm như hàng lưu niệm, ẩm thực (phải đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm)… Ngoài ra, SV có số lượng đồ ít nhưng còn mới 80% cũng có thể tham gia chương trình đổi đổ.

Hay chợ phiên thanh niên tiếp tục tổ chức định kỳ vào thứ 7 tuần đầu tiên của mỗi tháng tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM không chỉ là nơi để SV mua sắm mà quan trọng hơn họ có thể đăng ký tham gia hoạt động kinh doanh ở đây vừa để có những trải nghiệm thực tế và có thêm nguồn thu nhập.

Theo Dan tri

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sinh-vien-do-xo-di-giup-viec-trong-nha-ngay-Tet/269867.gd

Hụt hẫng trong ‘văn hóa chào’?

Posted: 18 Jan 2013 06:27 PM PST

- Mới đây, một cô gái đã lỡ miệng "vơ đũa cả nắm" với những người có sinh quán ở một tỉnh, phải "chào" diễn đàn để xin lỗi, nhưng tự xưng mình là "cháu"! Có một cách nào cất lời chào trước, như lời tự giới thiệu: vừa đủ thân mật để tranh thủ, mà vẫn giữ được khoảng cách, vẫn đầy tự trọng?


Gần cuối đời nhìn lại, U60 tôi thấy mỗi năm qua đi như một cú lướt qua mình trên cầu thang khu tập thể của một vị hàng xóm hoặc "sành điệu" mà xưng xỉa trong mùi thơm của nước hoa ngoại, hoặc sự gườm gườm của một đầu gấu nửa chí phèo. Họ hầu như chẳng "thèm" chào hỏi gì bạn.

Một đặc tính của thời buổi @ là khan hiếm tiếng chào. Tuy nhiên điều này đã có những căn nguyên thâm căn cố đế, dẫn tới một nguyện vọng tột bậc hôm nay là phải cách mạng hóa văn hóa chào hỏi?

Khủng hoảng "tiếng chào"

Một di sản của văn hóa Việt là câu "tiếng chào cao hơn mâm cỗ", rất đắc dụng trong vai trò cân bằng những câu kiểu như "một miếng giữa làng". Câu này đến nay sức thuyết phục dường như giảm sút, chắc vì hoạt động văn hóa của người Việt ngày một phong phú hơn là văn hóa ẩm thực kiểu làng xã.

Nhưng "cao hơn mâm cỗ" tuyệt ở chỗ nó nhấn mạnh giá trị tinh thần, chống những cuộc chơi số lượng, duy vật tầm thường, kiểu cưới vợ mấy trăm mâm…

Thời bao cấp có bài "Chim vành khuyên" để dạy trẻ con cách chào hỏi từ nhỏ. Chắc có một chút Khổng giáo trong bài qua câu "gọi dạ bảo vâng", nhưng vấn đề ở chỗ khác.

Có một bạn nước ngoài dự ăn cỗ ở Việt Nam rất kinh ngạc về thể thức chào của Việt Nam. Nó như một nghi lễ. Cha hoặc mẹ dẫn đứa bé đi một vòng, chỉ vào từng người, (giống như trong bài hát về chim vành khuyên), rồi nói: chào bác đi, hoặc chào anh, chào cô đi, căn cứ theo thứ bậc, tôn ti trong "họ hàng hang hốc".

Đặc thù văn hóa của riêng Việt Nam này gây xáo động cho nhân sinh quan của trẻ em. Có những người đã già lại chỉ chào là anh/chị (!), trong khi có những "anh chích chòe" lại phải chào, phải gọi là bác, thậm chí là ông.

Bọn trẻ khi lớn dần lên (mà không có tập tiếp theo của bài 'Chim vành khuyên" để dạy văn hóa chào hỏi), trở nên "quái hơn", chúng bắt đầu thể hiện chính kiến, thái độ qua chào hỏi. Chẳng hạn, "mình" lớn tuổi hơn bố mẹ nó thì nó cứ táng: 'chào chú', để hạ thấp mình, do muốn nhạo, hoặc do muốn trừng phạt "mình" về một hành tung nào chúng cho rằng không xứng với tước hiệu "bác", một tư cách được đặt cao hơn "bố"…

Còn các bé gái, khi chúng lớn lên thành thiếu nữ, chúng bắt đầu tìm cách lướt qua người quen biết nhiều tuổi hơn mà không chào, có phải do "ánh xạ buồn" của câu "ra ngõ gặp gái".

Vừa thừa, vừa thiếu

Một vị tiến sĩ người Tiệp sống lâu năm ở Hà Nội, hay ra chợ thời bao cấp, rất ấn tượng về sự phong phú trong văn hóa chào của người Việt, thể hiện trong một trạng từ khó dịch sang tiếng nước ngoài: "đon đả".

Nhưng ông cũng nhận thấy có hôm, ông không mua gì ở hàng quen, thì tiếng chào từ phía ấy, hoặc gượng ép, hoặc không nghe rõ…

Ngược lại, người Việt sau khi mua bán xong cũng ít chào nhau, cho dù văn hóa "hàng cá hàng tôm", "chợ búa" không phải là một đặc thù của các chợ, nay hầu như thành "chợ cóc', cạnh các khu dân cư.

Người Pháp với vốn văn hóa Việt tích từ nhiều thế kỷ, giải thích kỹ càng vì sao "ăn cơm chửa" cũng thành một câu chào. Đó là vì người Việt xưa thường dạy sớm từ canh bốn, canh năm, nấu cơm ăn bữa chính rồi đi làm đồng; bữa trưa ngoài ruộng thường chỉ có củ khoại củ sắn thay cơm…

Vì vậy, câu chào nói về bữa trưa đàng hoàng, thật ra không có kia, thể hiện thiện chí mong ước nhau làm ăn sung túc, để cuộc sống, quan hệ đồng nghĩa với "như bát cơm đầy"…

Thật vậy, các hình thái chào hỏi của người Việt thật đa dạng, tạo thuận tiện cho một cộng đồng kính nhường lẫn nhau. Bâng quơ kiểu "Bác (đi) đâu đấy?", cũng là câu chào mà không nhất thiết nhận được thông tin chính xác về hướng đích của người được chào, nên nhận xét là người Việt tò mò, moi móc, như một tờ báo nào từng viết, e hơi quá lời.

Ngược lại, do đặc thù nói ở trên về sự rắc rối về nhân xưng trong quan hệ giữa người Việt với nhau, văn hóa chào bị hụt hẫng, gây khó khăn cả cho người muốn cất lời chào.

Một thời tôi phiên dịch trong một tập thể có chuyên gia nước ngoài tham gia. Có vị chuyên gia phàn nàn là những người trẻ tuổi, có cả nữ, khi bước vào xưởng, thường tỏ ra bẽn lẽn, nhưng không chào. Tôi giải thích, chẳng hạn, vì khi còn nhỏ, mỗi lần bước vào nhà ăn tập thể, bọn trẻ chúng tôi chào: "chúng cháu chào các ông các bà các bác các chú các cô các anh các chị các em …".

Chúng tôi bị các vị bề trên nhạo là "chúng mày cứ cạc cạc như lũ vịt", gây bức bối… Các chuyên gia cũng đưa ra nhận xét là họ, dù trẻ, chào tập thể người Việt là "chào các bạn" thì không sao, nhưng chỉ thấy các bậc cao tuổi ở Việt Nam là "có quyền" xúc tiến quan hệ trên một tư cách như vậy trong một cộng đồng nhiều lứa tuổi.

Cần giải pháp cấp thiết

Hôm nay, các cô gái hẳn là khó xử, khi những bậc gia trưởng ngay trong cơ quan cằn nhằn "loanh quanh lúc anh lúc chú". Rồi, đôi khi những bà cụ già hàng rong gọi đàn ông U60 như tôi, cả U50 nữa là bác, thậm chí là ông, tự xưng là "cháu"!

Vậy chúng ta có nên đề xuất với các nhà văn hóa, cần trung tính hóa tiếng chào? Có nên xây dựng quy tắc ứng xử của công dân, bắt đầu từ chuẩn hóa cách chào hỏi?

Trước mặt, việc xây dựng tập quán chào hỏi trong thời buổi hội nhập đang trở nên cấp thiết, nếu không nói là sinh tử. Nếu các 9X, 10X… không được trang bị hệ thống tín hiệu đúng mực để xúc tiến giao thiệp với nhau, hoặc chỉ để chào hỏi lịch thiệp, xã giao, thì một tiếp cận thông thường có thể biến dạng va chạm, thậm chí xung đột.

Nếu không, chúng ta còn tiếp tục phải đọc những tin về các nam sinh, thậm chí nữ sinh, lấy mạng nhau chỉ vì một cái "nhìn đểu" (?!).

  • Lê Thành

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/105890/hut-hang-trong--van-hoa-chao--.html

Comments