Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2013 diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế

Posted: 15 Jan 2013 06:14 AM PST

(GDTĐ) – Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2013 diễn ra vừa qua có hơn 4.000 thí sinh tham dự các môn Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Ðịa lý và Ngoại ngữ. Kì thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2013, học sinh đoạt từ giải ba trở lên, sau khi tốt nghiệp sẽ được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng; đoạt giải khuyến khích, sau khi tốt nghiệp sẽ được tuyển thẳng vào cao đẳng theo đúng nhóm ngành quy định cho từng môn thi.

Trong Kỳ thi học sinh giỏi năm 2013, tiếp tục tổ chức hình thức thi nói đối với các môn Ngoại ngữ, ở mức độc thoại của thí sinh; đồng thời, triển khai hình thức thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học.

Tại Hà Nội, kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2013 được tổ chức tại Trường THPT chuyên Amsterdam với 162 gương mặt tiêu biểu. Trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam vẫn dẫn đầu về số lượng với 86 em, tiếp đến là THPT chuyên Nguyễn Huệ 45 em, THPT Chu Văn An 20 em. Trường THPT Sơn Tây, THPT Đào Duy Từ mỗi trường có 2 em tham dự. Số còn lại ở các trường THPT Thăng Long, Cổ Loa, Đan Phượng, Trần Nhân Tông, Quốc Oai, Trần Quốc Tuấn.

Tại TP.HCM, kì thi được tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với gần 150 học sinh lớp 11 và 12. Để chuẩn bị cho kỳ thi này, Sở GDĐT TP.HCM đã chuẩn bị chu đáo về điều kiện cơ sở vật chất, công tác an ninh, y tế nhằm góp phần đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, đúng quy chế thi. Nét mới của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm nay là học sinh phải thi thực hành đối với các môn Vật lý, Hóa học và Sinh học, nhằm nâng cao khả năng thực hành vốn là điểm hạn chế của học sinh nước ta tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

Tại Hải Phòng, 12 đội tuyển học sinh giỏi Hải Phòng dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2012-2013 gồm 102 học sinh của 8 trường THPT trên địa bàn thành phố. Trong đó, Trường THPT chuyên Trần Phú có 90 học sinh; các Trường THPT Thái Phiên, Ngô Quyền mỗi trường có 3 học sinh. Để kỳ thi bảo đảm an toàn, công bằng và đúng quy chế, Bộ GDĐT phân công Sở GDĐT các địa phương gồm Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Hà Nam coi thi tại Hải Phòng.

Tại Quảng Ninh, tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2013, toàn tỉnh có 80 học sinh từ 11 đội tuyển, gồm: Toán, Tin, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Văn học, Tiếng Trung và Tiếng Pháp. Tại lễ khai mạc, 80 học sinh tham gia kỳ thi đã được phổ biến đầy đủ nội quy, quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia.


Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2013 tại Khánh Hòa

Tại Khánh Hòa, kì thi học sinh giỏi THPT được tổ chức tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn. Khánh Hòa có 10 đội tuyển với 64 thí sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia năm học này. Trong kỳ thi năm 2013, theo quy định của Bộ GDĐT, cùng với thi viết sẽ tổ chức hình thức thi nói đối với các môn Ngoại ngữ. Đồng thời, triển khai thi thực hành đối với các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học.

Tại Đắc Lắc, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2012-2013, tỉnh Đắc Lắc có 60 học sinh dự thi. Các HS này đến từ 11 trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Các HS của tỉnh Đắk Lắk tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ở 10 bộ môn gồm: Tiếng Anh, tiếng Pháp, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Tin học.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2012 đã có 2074 thí sinh đoạt giải, trong đó có 69 giải nhất, 340 giải nhì, 809 giải ba và 856 giải khuyến khích. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu cả nước với 125 em đoạt giải, tiếp theo là Nam Định với 82 em, Hải Phòng 78 em, Hải Dương 67 em, Nghệ An 70 em, Đà Nẵng 63 em, TP.HCM 58 em…

Theo quy định của Bộ GDĐT, năm 2012, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT, được tuyển thẳng vào đại học các ngành đúng hoặc ngành gần với môn thí sinh đoạt giải. Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT được tuyển thẳng vào cao đẳng các ngành đúng hoặc ngành gần với môn thí sinh đoạt giải.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201301/Ky-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia-THPT-nam-2013-dien-ra-an-toan-nghiem-tuc-va-dung-quy-che-1966310/

Gặp Phó giám đốc Sở được tuyển công khai

Posted: 15 Jan 2013 06:13 AM PST

Năm 2011, thạc sĩ Ngô Văn Hợi, sinh năm 1959, đang giữ chức Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục thường xuyên tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh. Với một vị trí Phó Giám đốc Sở phụ trách giáo dục trung học đang khuyết, cơ hội “lên chức” mở ra cho 7 cán bộ nằm trong quy hoạch, trong đó có ông.

Tự tin

Đề bài đưa ra là “Những mục tiêu và giải pháp cơ bản để phát triển giáo dục trung học tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2010-2015″.

Với yêu cầu cụ thể về thời gian như vậy, theo ông Hợi, phải giải quyết những vấn đề trước mắt đang bức xúc: quản lý 57 trường trung học, nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, chất lượng đầu ra của học sinh, tình trạng lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan…

5 ứng cử viên đều có những lợi thế riêng về chuyên môn, kinh nghiệm, các mối quan hệ…, nhưng thạc sĩ Ngô Văn Hợi tự tin mình có thể đảm nhận chức vụ này. “Sau 30 năm làm trong ngành giáo dục của tỉnh, tôi đã va chạm gần như tất cả các vấn đề lớn nhỏ của ngành”, ông nói.

Không lo ngại những điểm có thể là lợi thế của các đối thủ, ông Hợi tin rằng người chiến thắng phải đưa ra được những giải pháp khả thi cho các vấn đề bức xúc trước mắt.

Ông Hợi cùng 4 ứng cử viên khác phải vượt qua một lần lấy phiếu tín nhiệm từ hiệu trưởng tất cả các trường trực thuộc Sở, lãnh đạo các cơ quan thuộc Sở, trưởng, phó các phòng ban cũng như các chuyên viên chính trở lên của Sở.


Ông Ngô Văn Hợi, Phó giám đốc Sở đầu tiên ở tỉnh Quảng Ninh được bổ nhiệm theo quy trình mới. Ảnh: Chung Hoàng

Công bằng

Ngày bảo vệ đề án, mỗi ứng viên có 30 phút trình bày và sau đó trả lời chất vấn trước Hội đồng chấm đề án và hội nghị cán bộ, công chức, viên chức. Cả 5 đề án đã được in ra gửi hội đồng nghiên cứu trước một tuần.

Hội đồng chấm đề án gồm 7 vị, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm chủ tịch, Giám đốc Sở Nội vụ làm Phó chủ tịch. Hội nghị thì có khoảng 100 người gồm hiệu trưởng tất cả các trường trung học, trung tâm hướng nghiệp, giáo dục thường xuyên trong tỉnh, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở, trưởng, phó các phòng ban.

Sau khi nghe tất cả các phần trình bày và trả lời chất vấn, 7 vị trong Hội đồng bỏ phiếu độc lập đánh giá theo 4 mức: tốt, khá, đạt yêu cầu và không đạt.

Cùng lúc, cử tọa 100 người bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu ở lần lấy phiếu để giới thiệu ứng cử viên, họ chỉ dựa trên sự quen biết trong quá trình công tác, thì lần này, họ thông qua chính nội dung bản đề án, sự nghiên cứu, chuẩn bị của các ứng cử viên thể hiện qua chất lượng đề án, khẩu khí của mỗi người khi trình bày… để củng cố lựa chọn của mình khi bỏ phiếu “5 chọn 1″.

Hai kết quả này quyết định người chiến thắng cuối cùng. Có hai đề án được Hội đồng đánh giá tốt, nhưng chỉ một người nhận được trên 50% phiếu tín nhiệm của hội nghị. Đó là thạc sĩ Ngô Văn Hợi, với tỉ lệ tín nhiệm 54%.

Đây cũng là điểm ông Hợi đánh giá cao nhất về tính công khai, khách quan và công bằng của buổi bảo vệ đề án mình đã tham gia. “Người này người kia có thể quen biết, vận động chỗ này chỗ kia, nhưng chỉ có thể làm như vậy với vài người chứ không thể với tất cả 100 người”, ông Hợi nói.

Thạc sĩ Ngô Văn Hợi được bổ nhiệm vào chức Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh, phụ trách khối trung học, ngay sau khi bảo vệ thành công đề án. Sau gần hai năm, ông cho biết đang triển khai thực hiện các giải pháp nêu trong đề án như cải tiến phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu kiến thức chủ động hơn, giao các trường tự cân đối kinh phí bồi dưỡng giữa trò kém và trò giỏi, xây dựng hệ thống trường chất lượng cao ở mỗi khu vực, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số…

Ông Hợi cũng nắm trọng trách triển khai việc chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm mà đến nay đã có những chuyển biến khả quan.

Chưa nhận xét vì thời gian chưa nhiều, song cấp trên của ông Hợi, Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Văn Thuấn, cho biết điểm ông hài lòng nhất về cách bổ nhiệm này là “người được bổ nhiệm rất sẵn sàng và quyết tâm nhận nhiệm vụ, vì họ đã có suy nghĩ và nghiên cứu về công việc sẽ đảm nhận”.

Riêng với thạc sĩ Ngô Văn Hợi, những giải pháp ông ấp ủ sau 30 năm làm trong ngành giáo dục giờ có thể thực hiện dễ dàng, nhanh chóng hơn.“Không phải vì chức vụ của tôi là Phó Giám đốc, mà quan trọng hơn là vì những giải pháp tôi đưa ra đã được cấp trên, anh em đồng nghiệp thấy thuyết phục ngay tại buổi bảo vệ đề án”.

Theo VNN

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Gap-Pho-giam-doc-So-duoc-tuyen-cong-khai/268700.gd

Thưởng Tết ‘nơi cười, nơi mếu’

Posted: 15 Jan 2013 06:13 AM PST

- Có những trường ở thành phố lớn mức thưởng Tết Quý Tỵ lên đến 15-20 triệu đồng, trong khi đó với nhiều GV vùng sâu vùng xa, thưởng Tết là một thứ xa xỉ.



Ảnh: Lê Anh Dũng

TP.HCM: Mức thưởng Tết cho giáo viên ở TP.HCM có một số trường lên tới 20 triệu đồng như Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận 8) hay trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4).

Hiệu trưởng trường Tạ Quang Bửu cho biết nhà trường sẽ cố gắng để thưởng Tết năm nay không thấp hơn năm ngoái. Năm ngoái, thưởng Tết cho mỗi GV của trường này giao động từ 15-20 triệu đồng. Thấp hơn, một trường tiểu học có mức thưởng khoảng 8-10 triệu đồng. Tuy nhiên, những mức thưởng khá cao này chỉ có ở một số ít trường nhờ kinh phí cho thuê mặt bằng, tiết kiệm chi tiêu, tự chủ tài chính… Nhiều trường tiểu học, mầm non khác có mức thưởng Tết từ 1,5-3 triệu, 3-4 triệu.

Một GV mầm non quận Gò Vấp chia sẻ thưởng Tết hằng năm chỉ khoảng 1 triệu đồng và các GV phải trông chờ vào những khoản hết sức tế nhị như quà biếu của phụ huynh.

Hà Nội: Dù là GV thủ đô nhưng những trường ở khu vực Hà Nội 2 như Ba Vì, Đan Phượng, thưởng Tết cũng phải xin hỗ trợ từ các nguồn khác, chỉ vài trăm ngàn hoặc một món quà nhỏ. Tương tự, thưởng Tết cho GV trường THCS Kim Sơn, Gia Lâm, HN cũng chỉ là một số tiền rất nhỏ mà theo Hiệu trưởng trường này, đó chỉ là một món quà cuối năm, chứ không thể gọi là thưởng Tết.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau cho biết năm ngoái, GV trong tỉnh được hỗ trợ thưởng Tết 300.000 đồng. Năm nay vẫn chưa có thông tin gì về khoản hỗ trợ này.

Tương tự, GV tỉnh An Giang được nhận mức hỗ trợ cao hơn là 600.000 đồng/ người.

Một GV THPT ở Đồng Tháp phấn khởi chia sẻ, mức thưởng Tết 2 triệu đồng năm nay đã là "to" so với mọi năm. Tuy vậy, GV tỉnh Kiên Giang lại không có thưởng Tết trong nhiều năm – hiệu trưởng một trường vùng sâu vùng xa của tỉnh cho biết.

Giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định cho biết thưởng Tết cho ngành giáo dục các trường phải tự lo vì từ trước tới nay chưa bao giờ ngân sách có mục thưởng Tết. Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định cho biết thưởng Tết mọi năm chủ yếu trông chờ vào các mạnh thường quân nhưng năm nay vẫn chưa có đơn vị, cá nhân nào đăng ký hỗ trợ.

Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam chia sẻ năm nay GV không có thưởng Tết do ngân sách của tỉnh thâm hụt. Những năm trước, mỗi GV được thưởng từ 100.000 – 200.000 đồng.

Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Quảng Ngãi: Rất khó để thưởng Tết cho GV năm nay vì nếu thưởng 200.000 đồng/ GV thì mức chi phí phải mất hơn 3,2 tỷ đồng. Nhiều GV Trường Tiểu học – THCS Trà Xinh, huyện Tây Trà – Quảng Ngãi chia sẻ: "Thưởng Tết đối với GV vùng cao chúng tôi là chuyện quá phù phiếm". Không chỉ Tây Trà, với GV ở nhiều huyện vùng cao khác của Quảng Ngãi như Minh Long, Sơn Tây, Ba Tơ, Sơn Hà…, chuyện thưởng Tết cũng trở nên quá xa xỉ. Thậm chí có GV đã hơn 20 năm trong nghề nhưng chưa một lần nhận được thưởng Tết.

Phú Yên: UBND tỉnh hỗ trợ mỗi GV 200.000 đồng.

Khánh Hòa: UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thông báo sẽ thưởng Tết 1 triệu đồng/người cho CBCCVC.

Quảng Trị: Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đakrông cho biết hầu như tất cả các trường trong huyện đều chỉ thưởng cho các GV những món quà nhỏ là cân hạt dưa, gói bột ngọt… trị giá khoảng 100.000 đồng. "Năm nay khó khăn quá, chưa biết có được vậy không" – hiệu trưởng một trường tiểu học nói.

Thừa Thiên Huế: Thưởng Tết cho GV tỉnh này mọi năm cũng chỉ là những món quà như bánh kẹo, hạt dưa, bột ngọt… nhưng năm nay "do quỹ công đoàn cạn kiệt nên chắc không có" – hiệu trưởng trường THCS thị trấn Khe Tra, huyện Nam Đông cho hay.

Nghệ An: Theo một GV tiểu học tại TP Vinh, thưởng Tết mấy năm qua mỗi GV được khoảng 2-2,5 triệu đồng nhờ phát động phong trào tiết kiệm trong toàn trường để dành một khoản nhỏ động viên GV trong dịp Tết.

Hà Giang: Những năm trước, các GV vùng sâu vùng xa chỉ được nhận trước 1 tháng lương về ăn Tết nhưng từ năm 2012, các thầy cô đã được nhận thưởng Tết, từ 400 nghìn đến 2 triệu đồng cùng một ít bánh kẹo. Mức thưởng này là nhờ hỗ trợ của Phòng Giáo dục và trích từ hỗ trợ của các đoàn từ thiện cho các trường vùng cao trong suốt 1 năm.

Phú Thọ: Theo một giáo viên tiểu học huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, năm ngoái mỗi GV được thưởng từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Năm nay khả năng cũng không thay đổi….

  • Nguyễn Thảo

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/105243/thuong-tet--noi-cuoi--noi-meu-.html

Đừng hiểu lầm là miễn thi môn Văn

Posted: 15 Jan 2013 06:13 AM PST

Đề án thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vào các trường khối văn hóa – nghệ thuật mà Bộ GD-ĐT công bố vào ngày 9/1 đã nêu rõ: Đối với các trường có tuyển sinh các ngành khối Văn hóa (khối C), chỉ xét tuyển dựa vào kết quả thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT. Đối với những trường có tuyển sinh các ngành khối Nghệ thuật (khối H, N, S): Môn Ngữ văn sẽ xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT. Môn năng khiếu do Hiệu trưởng các trường quyết định. Để tổ chức thi các môn năng khiếu này, hiệu trưởng các trường lập Đề án trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, báo cáo Bộ GD-ĐT trước ngày 31/1/2013.

Về phía Bộ GD-ĐT, PGS.TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT khẳng định: "Đối với một số ngành có yêu cầu cao về năng khiếu như hát, múa… thì Hội đồng tuyển sinh các trường có thể ưu tiên cho môn năng khiếu. Tuy nhiên, việc miễn thi môn văn không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu đối với môn học này. Các trường cần đặt ra yêu cầu trong khi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết các năm học. Các yêu cầu này cần phải được công bố công khai trước khi tuyển sinh".

Theo đó, tuyển sinh năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép 10 trường được thi tuyển sinh riêng theo Đề án này gồm: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Âm nhạc TP.HCM, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TP.HCM, ĐH sư phạm Nghệ thuật Trung ương, CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, CĐ Múa Việt Nam, CĐ Văn hóa nghệ thuật Tây Bắc, CĐ Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Theo PGS Đào Mạnh Hùng, mục đích của việc cho các trường khối này tổ chức thi riêng nhằm giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh. Việc tuyển sinh riêng này nhằm nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật. Bên cạnh đó, không để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi, ôn tập và các hình thức tiêu cực biến tướng khác.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dung-hieu-lam-la-mien-thi-mon-van-685347.htm

Làm gì để có được lựa chọn phù hợp cho nghề nghiệp tương lai?

Posted: 15 Jan 2013 12:09 AM PST

"Đầu ra" nhiều lựa chọn cho sinh viên ngành kinh tế. Sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính – ngân hàng và kế toán có thể công tác trong các lĩnh vực như: nghiên cứu, tín dụng, quản lý, thanh toán quốc tế, kế toán ngân hàng, thị trường chứng khoán tại Ngân hàng nhà nước, Ngân hàng thương mại, Ngân hàng đầu tư, Ngân hàng phát triển, các tổ chức tiến dụng, Viện tài chính tiền tệ và các doanh nghiệp khác. Bên cạnh đó, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh quốc tế và marketing lại có lợi thế để trở thành CEO – người điều hành doanh nghiệp, nhân sự marketing chuyên nghiệp tại các tập đoàn đa quốc gia, công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài và hầu hết các tổ chức hoạt động thương mại đều rất "khát" nhân sự có chuyên môn và được đào tạo bài bản về kinh doanh và marketing.


Những sinh viên khối ngành kinh tế của British University Vietnam.

Môi trường hiện đại và năng động. Làm việc trong môi trường kinh doanh là bạn được tiếp xúc với những vấn đề sôi động nhất của nền kinh tế. Nhân sự ngành kinh tế được đào tạo chuyên nghiệp sẽ là lợi thế cạnh tranh để bạn bước vào một  thị trường tài chính và kinh doanh đầy biến động, cũng đầy cơ hội như hiện nay. Sự năng động và trải nghiệm phong phú trong môi trường học quốc tế như British University Vietnam đã đem lại cơ hội thực tập cho nhiều sinh viên ngay từ năm thứ nhất. Đồng thời đem lại cho các bạn sinh viên tại đây những lợi thế khác biệt về khả năng tiếng Anh, kỹ năng mềm, phương pháp thuyết trình, trình bày và xây dựng, triển khai dự án. Đây cũng là "điểm cộng" mang tính quyết định đối khi đối diện với các nhà tuyển dụng.

Cơ hội phát triển tư duy phân tích và sự nhạy bén: Người làm trong ngành kinh doanh cần đặc biệt nhạy cảm với những biến đổi của thị trường, tiền tệ. Những dự đoán của bạn về tình hình tài chính, xu hướng của thị trường một cách chính xác có thể mang lại những siêu lợi nhuận cho bạn và doanh nghiệp nơi bạn sẽ làm việc trong tương lai.

Tính cạnh tranh cao, do đó có nhiều cơ hội thăng tiến: Sự khó khăn của nền kinh tế đi đôi với tính cạnh tranh cao trong tuyển dụng của các doanh nghiệp khiến bạn phải rất thận trọng cho hành trình Đại học của mình. Điều này cho thấy, khi có tấm bằng loại ưu được cấp bởi những trường Đại học uy tín hàng đầu của Anh quốc cùng với những trải nghiệm quý giá của sinh viên quốc tế tại những môi trường như British University Vietnam sẽ là điều kiện thuận lợi giúp bạn tăng lợi thế cạnh tranh khi xin việc. Điều này cũng đi kèm với khả năng thăng tiến của bạn sau này.

Mức thu nhập cao: Dân gian đã có câu "phi thương bất phú". Điều này phản ánh đúng thực tế, thu nhập của những người làm trong ngành kinh tế có cơ hội đạt thu nhập cao hơn so với nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt tại khu vực các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia.

Chương trình Hội thảo "Nhu cầu nhân sự khối ngành kinh tế và cơ hội tuyển sinh tại Đại học Anh Quốc VN" được tổ chức vào 9h sáng Thứ Bảy, ngày 19/01/2013 tại Britíh University Vietnam 193 Bà Triệu sẽ là một gợi ý tốt cho học sinh và các bậc phụ huynh trước thời điểm tuyển sinh đại học. Để tham dự Hội thảo, phụ huynh và học sinh cần  đăng ký trước tại đây, số lượng chỗ có hạn.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/lam-gi-de-co-duoc-lua-chon-phu-hop-cho-nghe-nghiep-tuong-lai-685281.htm

Trần Đăng Khoa: Sao lại bỏ thi văn?

Posted: 15 Jan 2013 12:09 AM PST

Đã đến lúc cần phải khép lại. Nhưng rồi, tôi vẫn không thể "khép" được, trước một việc làm rất đáng ngại mới đây của Bộ Giáo dục Đào tạo.


Thí sinh thi môn Văn khối D tại cụm thi Cần Thơ.

Việc chú trọng năng khiếu là cần thiết. Bộ Giáo dục Đào tạo đã đúng khi quyết định cho phép những em học sinh đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung học Chuyên nghiệp, đoạt giải xuất sắc hoặc giải nhất, nhì, ba tại các hội thi, hội diễn, liên hoan, triển lãm trong lĩnh vực nghệ thuật ở cấp quốc gia, quốc tế hoặc tương đương, được tuyển thẳng vào các trường Đại học, Cao đẳng theo đúng ngành thí sinh đã đoạt giải, mà không phải qua bất kỳ một cuộc thi nào. Các em chưa tốt nghiệp Trung học Phổ thông mà đoạt giải cũng sẽ được bảo lưu để được tuyển thẳng vào Đại học Cao đẳng theo đúng quy chế hiện hành.

Tuy nhiên, nếu chỉ coi trọng năng khiếu, chỉ thi mỗi môn năng khiếu mà lại loại bỏ môn ngữ văn ra khỏi kỳ thi tuyển chọn vào khối các trường Văn hóa Nghệ thuật thì lại là một việc làm rất không bình thường. Bởi văn là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có văn liệu có thẩm thấu được vẻ đẹp của một vở kịch, một điệu múa, hay một một câu hát, cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể làm được nghệ thuật, một loại hình đòi hỏi sự sáng tạo rất cao.

Nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất Chế Lan Viên từng dạy con: "Con phải chịu khó học. Nếu tiến lên, con thành nhà văn, mà có lùi xuống, con cũng là nhà văn hóa". Thật sâu sắc, thấm thía. Và như thế, không phải nhà văn hóa nào cũng thành được nhà văn. Nhưng đã là nhà văn, thì đồng thời bao giờ cũng phải là một nhà văn hóa. Mà không phải chỉ nhà văn, bất cứ nghệ sĩ nào, bất cứ trí thức nào cũng phải là một nhà văn hóa, nếu muốn thành một nghệ sĩ hay trí thức đích thực.

Nếu là nhà văn hóa, các hoa hậu, ca sĩ, nghệ sĩ sẽ không có những phát ngôn bừa bãi, những cách ăn mặc, ứng xử lố lăng trước đông đảo công chúng. Tự họ sẽ biết xấu hổ. Tuyển chọn, đào tạo ca sĩ, nghệ sĩ, và những người làm công tác văn hóa mà loại bỏ văn thì đào tạo cái gì? Chả lẽ chỉ cần mỗi chất giọng mà đã đủ thôi ư? Trở thành một nghệ sĩ sao chỉ đơn giản đến thế? Không thể biện hộ rằng, vì phải thi môn văn mà các em sẽ lỡ tham gia thi các trường khác, rằng: Chúng ta sẽ bỏ sót rất nhiều tài năng! Trời đất! Không có văn mà lại có thể thành được tài năng ư?

Đuổi văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường thuộc khối Văn hóa Nghệ thuật là cách tiêu diệt môn văn một cách hữu hiệu nhất. Không thi thì không học. Ở ta vẫn như vậy. Đấy là lý do vì sao hai môn văn và sử lại chiếm tỷ lệ điểm kém cao đến vậy trong các kỳ thi. Nhiều bài văn của học trò khiến công luận dở cười dở khóc. Nhiều năm trong kỳ thi, có hàng ngàn thí sinh bị điểm không về sử.

Mới đây, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc có cuộc trò chuyện rất đặc sắc trên sóng VOV3. Nhạc sĩ rất sửng sốt khi có nhiều học trò của ông bị điểm không về văn, và hỏi thì các thí sinh cho biết họ không hề đọc một cuốn sách nào. Theo quan niệm của ông, một người không có kiến thức đời sống, kiến thức văn hóa thì cũng khó có thể trở thành được nghệ sĩ, nhạc sĩ.

Cần phải nhắc lại rằng, kỳ thi vào Đại học, Cao đẳng năm qua đã để lại một dư vị đắng đót trong lòng mọi người, nhất là đối với những ai hằng quan tâm đến sự nghiệp phát triển văn hóa đất nước: Số lượng các em thi vào Khối C quá thấp. Điều ấy không còn mới nữa. Một kết cục bi thảm đã báo trước.

Tôi còn nhớ, trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục, một Đại biểu Quốc hội đã đưa ra vấn đề: Số lượng hồ sơ đăng ký thi Khối C rất thấp.  "Vậy Bộ trưởng có biện pháp gì để giải quyết tình trạng bi thảm hiện nay? Đây là một sự thật đáng phải báo động. Cứ đà này rồi không khéo sẽ đến lúc chúng ta phải giải tán khối C, vì không còn có người theo học!".

Lời cảnh báo của vị Đại biểu Quốc hội ấy đã ứng nghiệm. Năm qua, theo tổng kết của các trường Trung học Phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, và Hà Nội, hồ sơ đăng ký dự thi vào khối C có nơi chỉ chiếm chưa đến 0,2%. Nhiều nơi, số người xin thi còn ít hơn cả số chỉ tiêu dự kiến tuyển chọn. Và "cách giải quyết" mới nhất là loại văn ra khỏi kỳ thi vào chính các trường Đại học Cao đẳng thuộc khối Văn hóa Nghệ thuật. Với cách hành xử như vậy thì các  em học sinh không bỏ văn mới là chuyện lạ (!).

Đúng ra, hai môn văn và sử phải là hai môn thi bắt buộc trong các kỳ thi phổ thông và các trường đại học. Với các trường chuyên ngành, ví như toán và nghệ thuật, thì toán và năng khiếu nghệ thuật được tính ở hệ số 3, là môn chính yếu có tính quyết định. Nhưng cũng không bỏ văn và sử, dù chỉ tính ở hệ số 1. Đã là người Việt Nam thì phải hiểu văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Văn học là nhân học. Một hiền triết nước ngoài đã nói như vậy. Ở ta, các cụ cũng bảo: "Học văn là học làm người!". Ở một nước Văn hiến, có truyền thống Tôn Sư Trọng Đạo, với nền văn hiến lâu đời, đã được xây đắp qua rất nhiều thế hệ, mà bây giờ, trong đời sống thực dụng, ô trọc, người ta không còn khao khát, mơ mộng, không còn quan tâm đến việc dạy làm người, không còn muốn "học làm người" nữa thì thật đáng sợ. Có lẽ cũng vì thế chăng mà những năm gần đây, bạo lực lan tràn từ gia đình đến học đường. Đạo đức xã hội xuống cấp trầm trọng. Luật rừng lấn luật pháp…

Thôi, không bàn đến những vụ án động trời, mà những kẻ giết người man rợ là những học sinh còn đang học phổ thông. Mới đây, dư luận lại xôn xao về một cô học trò, một thiếu nữ có “khuôn mặt ưa nhìn” đã phô ra cả một loạt ảnh ngồi ghếch chân trên bia mộ liệt sĩ. Một hình ảnh rất phản cảm.  Nói như một bạn đọc: "Xem những bức ảnh như thế, không ít người cảm thấy bị sỉ nhục và xấu hổ cho lớp trẻ bây giờ”.

Chưa hết. Ở một góc khác, giữa Văn Miếu Quốc Tử Giám, nơi được coi là Trường Đại học đầu tiên của nước ta, một chốn linh thiêng không thể sàm sỡ, nói như nhà văn lớn, nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi: "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm", lại lù lù một sĩ tử mặc áo mai ô ba lỗ, nhảy lên đầu rùa đứng, chụp ảnh cười nhăn nhở. Rồi lại xuất hiện những bức ảnh khác chụp hai thiếu nữ  mặc quần soóc cũn cỡn ngồi lên đầu rùa làm dáng xì tin. Tất cả những hình ảnh rất đáng xấu hổ ấy đã phơi ra trước mắt thiên hạ và hứng trọn những trận mưa đá của cộng đồng mạng. Đó là sự nổi giận của văn hóa và lương tri.

Thật có lý khi một bạn đọc cho rằng: "Tôi đã được đi nhiều nơi, nhiều điểm di tích lịch sử của một số nước trong khu vực Đông Nam Á, nước bạn có quy định chặt chẽ ngay từ điểm thu và kiểm soát vé. Nếu mặc quần soóc, áo phông, áo ba lỗ đã không mua được vé, chứ đừng nói gì đến việc vào làm những trò lố lăng, lại còn chụp ảnh bôi bẩn nơi tôn kính.

Quy định chưa chặt chẽ, thậm chí một số điểm di tích lịch sử – văn hóa còn không có nội quy rõ ràng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành động nhố nhăng của lũ thanh niên vô đạo này. Mà suy cho cùng, đâu phải tất cả mọi tội lỗi đều tại lũ trẻ. Lỗi tại chúng ta đã không giáo dục con em mình. Đã chắc gì chúng biết được Văn Miếu Quốc Tử Giám là gì. Nếu biết, và lại là các sĩ tử, chúng sẽ không dám làm như thế".

Các cụ bảo: "Nhân nào thì quả ấy"! Với cách trồng người thế này, nghĩ mà rùng mình…

Theo Trần Đăng Khoa/VOV

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tran-dang-khoa-sao-lai-bo-thi-van-685164.htm

Thưởng Tết giáo viên cao nhất 20 triệu

Posted: 14 Jan 2013 05:50 PM PST

- Trường PTTH Nguyễn Hữu Huân, Nguyễn Hữu Thọ và THPT Tạ Quang Bửu ở
TP.HCM thưởng Tết cho giáo viên năm nay lên tới trên 20 triệu đồng. Ngược lại, nhiều GV ở vùng sâu vùng xa thì nghe nói đến thưởng Tết thì chỉ biết chạnh lòng…

Ảnh minh họa


Có bánh mứt,hạt dưa là vui rồi?

Thầy Lê Văn Quang – Hiệu trưởng Trường THCS Lý Chính Thắng 1, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: thưởng Tết năm nay không có gì thay đổi lắm. Công đoàn của nhà trường sẽ thưởng Tết mỗi giáo viên 100.000 đồng.

“Ngoài ra, Hội phụ huynh học sinh ở trường cũng trích quỹ tặng thêm cho mỗi giáo viên 200.000 đồng. Thêm khoản của UBND huyện, thành phố – cộng hết các khoản thì chắc mỗi thầy cô được gần 1 triệu đồng” – ông Quang nhẩm tính.

Ông nói, nhiều năm nay giáo viên đã quen với việc được thưởng Tết 100.000 – 200.000 đồng cùng tờ lịch hay kí bánh mứt, hạt dưa. Đây là món quà động viên tinh thần nên cũng không ai kêu ca gì.

Trường THCS Lý Chính Thắng 1 là ngôi trường có nhiều học sinh nghèo. Các thầy cô thường xuyên phát động phong trào giúp đỡ các em gặp phải hoàn cảnh ngặt nghèo, nên nói chuyện thưởng Tết với giáo viên ở ngôi trường này thật xa…vời vợi.

Một cựu giáo viên lâu năm tại TP.HCM chia sẻ: “Thực tế, không hiếm thầy cô đã nhường cơm sẻ áo, đã trích đồng lương eo hẹp để giúp học trò được bữa cơm có thịt, được có tấm áo lành lặn đến trường….Dù đồng lương còn hạn hẹp, ngày tết ngày lễ chẳng được thưởng bao nhiêu nhưng bao thầy cô vẫn bám bản, bám làng, vẫn chịu đựng gian khó để thực hiện thiên chức trồng người.”

Tâm sự của những người thầy cô giáo thật không khỏi ngậm ngùi…Bàn chuyện thưởng tết cho giáo viên mà hiện lên là cảnh những giáo viên xa gia đình băng rừng về quê đón tết giữa mưa rừng gió núi, giữa cái rét căm căm….nhìn thật chạnh lòng cho nghề giáo.

Cao nhất 20 triệu đồng

Theo đại diện các trường, sở dĩ tiền thưởng năm nay có trường thì thưởng lớn có trường thì thưởng chỉ vài trăm ngàn…

Đại diện một trường THPT ở quận 9 cho biết , năm nay giáo viên trường chúng tôi được hưởng chế độ thưởng Tết là 2 tháng lương, tương đương mức từ 4 đến 8 triệu đồng tùy theo hệ số lương.

Một phó Hiệu trưởng trên địa bàn TP.HCM cho biết, tiền thưởng Tết năm nay cũng thưởng bằng năm ngoái là do năm nay, trường chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi các khoản chi phí.

Một trường khác ở quận 2 cũng có mức thưởng tương tự là THPT Giồng Ông Tố. Mỗi giáo viên nhận được tiền thưởng cuối năm trên dưới 10 triệu đồng.

Nhưng lý tưởng hơn cả là trường PTTH Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức. Con số cao nhất là giáo viên ở trường này được thưởng lên tới trên 20 triệu đồng.

Mức thưởng 20 triệu đồng/ giáo viên cũng được Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ và THPT Tạ Quang Bửu áp dụng cho Tết Quý Tỵ này.

Ngược lại, ở các trường hệ tiểu học, mầm non và các trường ngoại thành, tiền thưởng Tết không khác gì so với những năm trước có trường nhận tiền thưởng vỏn vẹn chỉ có 300.000 đồng.

Nhiều giáo viên ,bão mẫu tại các nhóm trẻ mầm non trong thành phố lại không có tiền thưởng Tết. Cô Lê Thị Tuyết Mai, giáo viên mầm non tại một nhóm trẻ quận 12 chia sẻ: “tôi chỉ nghe đồng nghiệp trong trường nói năm nay chúng ta không có tiền thưởng đâu, nghe các đồng nghiệp nói mà thấy chạnh lòng…”

Nghề giáo không có tháng lương thứ 13, lại chưa có quy chuẩn thưởng Tết nên đã dẫn đến tình trạng trường thấp, trường cao. Những GV được thưởng "cao ngất" cũng chạnh lòng cho những đồng nghiệp dạy môn phụ, giáo viên ngoại thành cầm tiền thưởng cuối năm ít ỏi chẳng biết mua gì. Sự không công bằng trong thưởngTết cho giáo viên khiến nhiều người cảm thấy không vui.

  • Anh Thư

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/105240/thuong-tet-giao-vien-cao-nhat-20-trieu.html

Tiến sĩ mở lớp học 1 USD

Posted: 14 Jan 2013 05:49 PM PST

Tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải (28 tuổi) đã và đang mở lớp dạy học chỉ với 1 USD. Với hàng loạt sáng chế và hoạt động vì cộng đồng, anh vừa được vinh danh là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2012.

Anh cũng tham gia sáng chế thiết bị cho người khuyết tật, sản xuất và tặng cho họ. Hỏi về chuyện cá nhân, gia đình anh ít nói nhưng bàn về những công việc chung sao mang lại lợi ích cho cộng đồng anh bàn rất sôi nổi.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải tại lễ vinh danh Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2012.

1 USD

Nguyễn Bá Hải (quê Thanh Hóa) nhớ lại thuở bé, cứ mỗi khi xe tải chạy ngang qua làng là anh lại cũng lũ trẻ đuổi theo cho đến cuối làng. Bá Hải mê ô tô nên hay làm thế. Rồi hết cấp 3, anh chọn ngành cơ khí động lực – ĐH SP Kỹ thuật TP.HCM. Một học bổng thạc sĩ giúp Hải được sang Hàn Quốc du học chuyên ngành biorobotics (robot sinh học).

Hai năm cần cù học tập, Bá Hải lấy được 3 bằng sáng chế được chuyển giao cho các công ty tại Hàn Quốc cùng luận văn tốt nghiệp xuất sắc, Hải được cấp tiếp học bổng tiến sĩ.

Dù đa số các nghiên cứu sinh tại Hàn Quốc thường phải kéo dài từ ba đến bốn năm trở lên, nhưng Bá Hải lại lập một thành tích đặc biệt – báo cáo thành công luận văn tốt nghiệp chỉ sau 2 năm làm nghiên cứu sinh ở tuổi 27 và ngay sau đó nhận được chứng nhận: Bằng tiến sĩ hay nhất trong năm của trường (the best dissertation).

Ở thời điểm tốt nghiệp, được giáo sư đề xuất ở lại Hàn Quốc làm việc với mức lương khoảng 5.000 USD/tháng tại Viện nghiên cứu quốc gia hàng đầu về ô tô (KATECH) của Hàn Quốc. Anh từ chối và trở về nước ngay ngày bảo vệ luận văn để bắt đầu một hành trình mới.

Với khao khát cống hiến cho quê hương, Bá Hải về nước công tác tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật mà mình đã được dạy dỗ và mở lớp học 1 USD cuối năm 2010.

Tiến sĩ Bá Hải hướng dẫn lập trình cho các giáo viên tại Vũng Tàu.

1 USD – người học chỉ đóng phí tượng trưng vậy để tránh tình trạng đăng ký tràn lan. 1 USD để học khóa học ngắn hạn về sáng tạo kỹ thuật. 1 USD để học về những kiến thức cơ bản nhưng quan trọng của kỹ thuật như cảm biến, cơ cấu chấp hành, điều khiển tự động.

Cũng với 1 USD để học về ngôn ngữ lập trình trực quan. Điều thú vị là bất kỳ ai mê kỹ thuật đều có thể đăng ký học vào mỗi dịp cuối tuần. Người học có thể là học sinh cấp 2-3, cũng có thể là sinh viên, hay những kỹ sư cho đến những người lớn tuổi. Đến nay khóa học 1 USD đã mở được ở 6 tỉnh thành thu hút gần hang ngàn người đăng ký học.

Với phương châm "học để làm việc". Bá Hải truyền đạt kiến thức bằng phương pháp giảng dạy tích cực khiến người học phải kích não, người học phải tự mình sáng tạo, người học phải tự tay mình viết nên những chương trình để trong thời gian ngắn nhất có thể đạt được kiến thức vận dụng vào cuộc sống tốt nhất.

Từ những khóa học 1 USD, học viên của Hải sáng tạo ra nhiều mô hình như xe năng lượng mặt trời cỡ nhỏ, thiết bị báo trộm, thiết bị tự bật đèn trong nhà, xây dựng kế hoạch phát triển bản thân, sống có mục tiêu và biến những khó khăn thành những thuận lợi trong học tập và phát triển cá nhân…

"Nhận thấy càng ngày càng ít bạn trẻ chọn ngành kỹ thuật mà chọn kinh doanh, thương mại, ngân hàng, nên mình muốn truyền lửa đam mê kỹ thuật cho nhiều bạn trẻ, bằng khả năng trong tầm tay của mình nên mở lớp học 1 USD này". Bá Hải giải thích.

Bá Hải mất khoảng 40 triệu đồng để trang bị các dụng cụ, thiết bị để mở lớp. Và mỗi lớp học của khóa học ở ra anh lại mất 2–3 triệu đồng chi phí tổ chức, di chuyển, thiết bị thực hành. Tất cả đều từ thu nhập cá nhân của mình.

Khi được hỏi làm sao để có tiền trang trải: "Tiến sĩ 1 đô la" chia sẻ: “Ngoài giờ làm, mình và các em trong nhóm tranh thủ đi dạy, tư vấn kỹ thuật cho các cá nhân và doanh nghiệp, tiết kiệm nhu cầu cuộc sống của cá nhân tối đa để có đủ tài chính duy trì các khóa học”.

Và hơn 1 tỉ đồng

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải giảng dạy trong lớp học.

Làm từ thiện bằng mọi cách có thể là điều những người xung quanh dễ dàng nhận ra nhất ở Bá Hải. Đam mê tình nguyện, vừa rồi được bình chọn là một trong sáu Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2012, anh ngay lập tức trích một nửa số tiền của giải thưởng để giúp các em học sinh nghèo và người khiếm thị.

Tiến sĩ trẻ còn giúp đỡ cho cộng đồng bằng chính những sáng chế của mình. Từ sản phẩm đầu tiên năm 2007, đến nay anh đã có 5 phát minh được cấp giấy chứng nhận và số đăng ký. Trong đó có sản phầm Thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị mang tên "Mắt thần" hay "Chiếc nón kỳ diệu".

Đeo thiết bị nhỏ gọn như chiếc kính này vào, người khiếm thị sẽ cảm nhận và tránh được các vật cản để di chuyển dễ dàng hơn. Qua 8 phiên bản và rất nhiều lần thí nghiệm trên hội người mù, "Mắt thần" mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho người khiếm thị.

Tuy nhiên, nếu bán với mức giá thị trường, chiếc nón sẽ lên đến hơn 10 triệu. "Đã có nhiều doanh nghiệp muốn mua toàn bộ dữ liệu và chuyển giao sáng chế quyền sản xuất sản phẩm này với giá hàng tỷ đồng nhưng mình không bán. Vì nếu họ bán ra thị trường, giá sẽ cao nên đâu phải người khiếm thị nào cũng mua được. Vì thế chỉ mang lợi nhuận cho họ", anh nói.

Bá Hải cùng mạnh thường quân chung tay sản xuất "Chiếc nón kỳ diệu". Anh chọn cách đem tặng sản phẩm mình làm ra cho người mù. Đến nay, gần 100 "Chiếc nón kì diệu" được sản xuất và 20 thiết bị ấy đã đến với những người không may mắn. Sắp tới, chủ nhân chiếc nón sẽ tiếp tục đi tặng cho các hội người mù. Và hơn 1 tỷ đồng trong năm qua đến từ cách quy 100 chiếc nón ra tiền là như vậy.

Hướng dẫn cho "GS Cù Trọng Xoay" cách sử dụng thiết bị cho người khiếm thị.

Bên cạnh đó, anh cũng còn những hoạt động tình nguyện khác như cùng Đoàn thanh niên, Đảng ủy, UBND xã Đông Lĩnh sáng lập ra quỹ Vì cộng đồng xã Đông Lĩnh, một xã nghèo của tỉnh Thanh Hóa để giúp đỡ những trẻ em nghèo được đến trường. Đến nay thu hút gần 100 người tham gia đóng góp và được Đoàn thanh niên quản lý công khai bằng mạng xã hội.

Nhìn vào những việc mà anh đang làm, có lẽ sống vì cộng đồng là trên hết và đối với Bá Hải, mục tiêu sống của anh là: "Cứ tiếp tục như hiện tại thôi, miễn là mỗi phút giây trôi qua mình thấy cuộc sống này thật ý nghĩa"

(Theo Như Quỳnh/ Infonet)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/105216/tien-si-mo-lop-hoc-1-usd.html

Bằng đỏ vẫn thất nghiệp

Posted: 14 Jan 2013 05:49 PM PST

– Bốn, năm năm học đại học, ra trường với tấm bằng loại ưu nhưng nhiều sinh viên vẫn long đong tìm việc mà chưa đâu vào đâu.

Ảnh minh họa

Bằng ưu về quê…làm hương vòng

Tốt nghiệp Trường CĐ Y tế Ninh Bình với bằng giỏi, Thảo hăm hở mang hồ sơ đi đến các bệnh viện nhưng rồi 4,5 lần cứ mang hồ sơ đi lại mang về. Bệnh viện lớn không được, Thảo xin vào làm tư nhân ở các phòng khám.

Làm việc cho phòng khám của Trung Quốc được 2 tháng, Thảo xin nghỉ. Bác sĩ chính ở đây là người Trung Quốc mà cô cũng không giỏi ngoại ngữ vì thế việc giao tiếp, trao đổi công việc hàng ngày bi hạn chế.

Công việc tại phòng khám thường xuyên phải làm đến tối lại làm cả thứ bảy, chủ nhật mà lương lại thấp nên Thảo quyết định thôi việc..

Thảo nộp thêm 2 cơ sở tư nhân ở đường Giải Phóng nhưng cũng vì lý do "ma cũ bắt nạt ma mới" mà lương ba cọc ba đồng, được gần 2 triệu/tháng. Suy đi tính lại, tiền xăng xe, tiền ăn trưa, tiền nhà trọ nên Thảo quyết định về nhà kiếm việc ở quê….nối nghiệp làm hương vòng.

Hùng tốt nghiệp bằng khá ĐH xây dựng, chật vật mang tấm bằng đi xin các nơi nhưng đến công ty nào cũng nhận được câu hỏi: " Đã đi làm ở đâu chưa? Chỉ nhận nếu có kinh nghiệm làm việc được trên 6 tháng".

Hùng là con của một gia đình khá giả, không phải lo lắng đến kinh tế nhiều. Vì vậy, trong suốt quãng thời gian trên giảng đường ĐH, cậu không đi làm thêm ở bất cứ đâu. Đến tháng về quê, bố mẹ chu cấp tiền từ A đến Z.

Hùng không va chạm với cuộc sống, khó khăn hay thử làm bất cứ công viêc nào liên quan đến ngành đang theo học. Ra trường, kiến thức sách vở thì có nhưng kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế công việc thì Hùng còn non nớt.

Bơ vơ đi xin việc, mà họ ưu tiên những người có kinh nghiệm trên 6 tháng, với Hùng đây là thử thách lớn.

Hùng quyết định xin bố mẹ ít vốn, rủ thêm 2 người bạn cùng học hồi cấp 2 bàn nhau mở quán sữa ngô và đồ ăn vặt sau cạnh mấy trường tiểu học, THCS đường Trần Bình (Cầu Giấy)…chờ cơ hội.

Nhạy cảm khi nói đến "việc làm"

Thu Hương, tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành kinh tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Cầm tấm bằng đỏ – Hương  nộp hồ sơ xin việc tại 6 ngân hàng và nhận được lời hứa hẹn: "Em cứ để hồ sơ tại đây, khi nào có kết quả ngân hàng sẽ thông báo".

Hơn 1 năm ra trường, Hương đã lọ mọ đi khắp các nơi tìm việc nhưng cho đến tận bây giờ vẫn thất nghiệp. Quanh quẩn ở nhà phụ giúp gia đình bán quán giải khát ở cạnh trường cấp 3.

Lớp ĐH của Hương cũng có không ít trường hợp bằng giỏi ra trường mà vẫn long đong với hai chữ "công việc". Ngọc là trường hợp như thế.

Ra trường cùng nhau, cũng là đôi bạn thân cùng tiến trong suốt 4 năm trên giảng đường ĐH nhưng cho đến thời điểm này mỗi khi gặp nhau hai người lại thở ngắn, than dài cho số phận.

"Có khi tớ bỏ quách Hà Nội để về quê xin việc, làm văn thư ở xã cũng được. Tuy lương thấp không đủ sống nhưng vẫn còn có gia đình hỗ trợ thêm chứ ở thành phố cứ vật vờ hơn năm nay rồi mà chẳng đâu vào đâu. Tháng nào cũng phải trăn trở lo trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước sinh hoạt…" – Ngọc than thở.

Ngọc tốt nghiệp cử nhân kinh tế, ra trường cũng toán loạn đem hồ sơ đến các nhà tuyển dụng nhưng cũng được trả lời những câu tương tự như: " Cần có kinh nghiệm làm việc" hoặc " Cứ về, bao giờ có kết quả công ty sẽ gọi điện lại".

Có thời gian, cô mang tấm bằng ra một salon cắt tóc, gội đầu để xin làm kế toán ở đó. Lương tháng cũng được gần 2 triệu, đỡ đần một phần cho sinh hoạt hàng ngày mà không phải xin trợ cấp thêm của gia đình.

Một lần, có người quen ở quê lên cắt tóc đúng quán cô làm việc và về xì xào ầm ĩ với mấy người cùng làng. Người nhà quê thấy sao nói vậy, có câu chuyện nhỏ như con kiến lại tam sao thất bản lên thành con voi khi gặp nhau ở đầu chợ: " Con nhà ông Y, bà B học hành gì đâu, thấy làm ở quán cắt tóc gội đầu trên Hà Nội, tưởng thế nào, ai dè…". Họ xách mé nọ kia. Sau lần đó, Ngọc bị bố mẹ gọi về quê cấm đoán nên cô quyết định nghỉ việc.

Mỗi khi có người hỏi: " Thế đã xin được việc làm chưa?", Ngọc lại cáu gắt và phủi tay chán nản: " Xin mọi người đừng ai nói đến hai chữ "việc làm" trước mặt cháu trong thời điểm này với ạ".

Thảo, Hùng, Hương, Ngọc chỉ là bốn trong số vô vàn những sinh viên tốt nghiệp loại ưu mà vẫn chật vật với nghề nghiệp. Để thời gian chết là sai lầm hết sức nghiêm trọng. Mỗi công việc sẽ cho bạn không ít thì nhiều những kỹ năng nhất định. Vì thế thay vì đợi cơ hội đến các bạn hãy tự tạo cơ hội cho chính bản thân mình.

  • Nguyễn Linh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/105150/bang-do-van-that-nghiep.html

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Ngành giáo dục chưa biết lắng nghe

Posted: 14 Jan 2013 05:48 PM PST

ảnhĐề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) đã được Hội nghị lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng khóa XI thảo luận, cho ý kiến. BCH TƯ cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào thời điểm thích hợp. Đầu năm 2013, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình (ảnh), người rất trăn trở về nền giáo dục nước nhà, đã trao đổi với PV Báo SGGP về vấn đề này.

- Phóng viên: Vừa qua Hội nghị TƯ 6 chưa thông qua Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo bà, đề án này cần tiếp tục hoàn thiện thêm những nội dung gì để được kỳ vọng về đổi mới giáo dục hiện nay?

Nguyễn Thị Bình: Vừa rồi đề án chưa được thông qua, chứng tỏ sự chuẩn bị chưa tốt. Tôi cũng tham gia đóng góp ý kiến cho đề án nhưng có nhiều nội dung đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học chưa được tiếp thu đầy đủ. Trong xây dựng đất nước, lĩnh vực nào cũng quan trọng, có nhiều điều mới mẻ nên còn nhiều khó khăn. Nhưng điều quan trọng là người lãnh đạo phải khách quan, phải biết lắng nghe. Tôi cho là ngành giáo dục hiện nay không biết lắng nghe.

Trong 5 – 7 năm qua, trong và ngoài nước, các ý kiến đóng góp rất nhiều cho giáo dục, tất nhiên trong đó có những ý kiến không phù hợp nhưng ý kiến tốt rất nhiều. Nhưng tôi thấy lãnh đạo ngành giáo dục không tiếp nhận các ý kiến đó. Lĩnh vực giáo dục rất khó, là vấn đề khoa học tổng hợp về con người, tự nhiên, xã hội, cho nên càng phải có sự nghiên cứu nghiêm chỉnh và phải biết lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà giáo dục. Nhưng hiện nay, khuyết điểm là chúng ta chưa huy động được trí tuệ tập thể, chưa lắng nghe nhiều. Tôi mong sắp tới phải giải quyết được điều này.

Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải là trí tuệ tập thể của đất nước chứ không phải chỉ của ngành giáo dục. Thậm chí, chỉ vài đồng chí phụ trách đề án này là không được đâu. Giáo dục nhằm đào tạo ra một lớp người toàn diện nên một ngành không thể nghĩ ra hết. Thế nên, tới đây phải biết huy động trí tuệ của tập thể thì chúng ta mới làm được. Tôi cho vấn đề giáo dục bức xúc lắm rồi, nó quyết định hết tất cả, vì thế cần phải cấp bách đổi mới.

Một vấn đề xã hội nhức nhối vừa qua là nhiều thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội chẳng hạn. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân từ giáo dục. Không phải chúng ta quy tất cả nguyên nhân cho nhà trường, nhưng phải thấy tất cả trẻ em đều qua nhà trường, qua ngành giáo dục. Dĩ nhiên, ở đây gia đình cũng có vấn đề do không quan tâm con em đầy đủ. Đổi mới giáo dục phải giải quyết được những vấn đề này.

- Theo bà, có nên thành lập ủy ban cải cách giáo dục?

Trong tình hình hiện nay theo tôi phải có một ủy ban chỉ đạo vấn đề cải cách giáo dục. Ủy ban này không chỉ có ngành giáo dục mà phải có cả các nhà khoa học, nhà giáo dục trong và ngoài ngành để nghiên cứu một đề án tổng thể cả về giáo dục phổ thông, dạy nghề, giáo dục đại học. Đề án này phải được trình ra Trung ương, ra Quốc hội, với sự tham gia của các nhà chuyên môn, với những quan điểm đổi mới giáo dục rõ ràng. Phải hết sức quyết tâm, còn nếu cứ lơ mơ thế này rất khó thành công. Cần hiểu rằng, giáo dục chậm 1 năm là đất nước trễ hàng chục năm, ảnh hưởng đến cả một lớp người. Tôi rất quan tâm đến đề án này và mong đề án sớm được xây dựng một cách hoàn thiện. Tôi cũng mong muốn xã hội quan tâm hơn nữa đến giáo dục. Xã hội phải thấy giáo dục quyết định sự phát triển của chúng ta về tất cả các mặt.

- Lần này, bà mong muốn cải cách giáo dục Việt Nam theo hướng nào?

Trước đây, nhiệm vụ độc lập, giải phóng đất nước là mục tiêu, mọi người đều theo hướng đó. Ngày nay, với nhiệm vụ phát triển, từng người phải phát triển tiềm năng của mình. Những tiềm năng đó sẽ được phát huy trong từng lĩnh vực, giúp tạo ra những sản phẩm một cách sáng tạo hơn, khoa học hơn. Chúng ta phải hình thành ra những lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ. Tôi muốn giáo dục sẽ đổi mới theo hướng làm cho lớp thanh niên của Việt Nam có tự chủ. Con người tự chủ để xây dựng một đất nước tự chủ, chứ không thụ động. Còn hiện nay, giáo dục của chúng ta còn quá thụ động, chưa tự chủ.

 

 

Theo SGGP

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nguyen-pho-chu-tich-nuoc-nguyen-thi-binh-nganh-giao-duc-chua-biet-lang-nghe-684966.htm

Comments