Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thắt chặt phần gốc, buông phần ngọn

Posted: 11 Jan 2013 06:41 AM PST

- Giáo dục là cả một quá trình. Nếu bản thân quá trình đó không thống nhất, kiểu
"chặn gốc thả ngọn" như hiện nay, thì sẽ có không ít thế hệ trẻ em Việt Nam sẽ bị ảnh
hưởng.

Trường tư, nên chương trình học là cả ngày. Tuy nhiên học sinh không phải học thêm

gì cả. Tất nhiên, không phủ nhận vẫn có phụ huynh cạy cục đưa con đến nhà xin cô cho
học thêm, nhưng đó là chuyện hãn hữu. Và trường đó cũng là một trong những trường mà
học sinh ít phải gò ép tuổi thơ của mình hết trong những giờ lên lớp chính khóa lại
đến chạy sô học thêm.

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Áp lực + văn mẫu = đỗ ĐH

Với nhiều trường học khác cả tư cả công, việc học thêm là bất khả kháng. Học thêm
phần là vì cô, thầy mở lớp, không đi học thì dễ bị "để ý". Tuy vậy, cũng là vì sức ép
từ phía phụ huynh lo con mình không theo kịp bạn bè, không đủ kiến thức để đạt danh
hiệu, để vào trường tốt, để vượt qua kì thi ĐH. Đối với không ít trẻ, học thêm mang
tiếng là phụ, nhưng thực ra lại là chính.

Dù không học thêm nhưng ấn tượng của con trai lớn của chúng tôi về trường Việt Nam
được thể hiện qua cách cháu kể cho em. Vì cậu em rời Việt Nam trước khi vào lớp 1,
nên không biết được trường học ở Việt Nam thế nào. Bởi vậy, cậu em cứ xin, về Việt
Nam bố mẹ cho con đi học trường tư. Phản ứng của cậu anh là: "Minh hâm lắm. Minh
có thích làm bài tập đến 10h – 11h không? Cuối tuần cũng đầy bài tập, có khi làm cả
ngày không xong. Lúc đấy khổ thì đừng có mà xin tha."

Ký ức của một đứa 10 tuổi về trường học ở Việt Nam là vậy. Nghe thật xót xa.

Nhìn vào thời khóa biểu của cô cháu lớp 9, tôi cứ băn khoăn mãi:

"Vậy cháu chơi vào lúc nào?”

"Dạ, giờ nghỉ giải lao giữa các lớp ạ!"

Mẹ nó bồi thêm: "Giờ bọn trẻ sướng thật, chỉ có mỗi ăn với học. Thế mà không đỗ
ĐH thì có ăn cám…"

Quan niệm về niềm vui của trẻ thật đơn giản. Ăn và học. Ngoài ra không phải đụng
đến bất cứ gì khác. Nhưng lịch học của trẻ ở thành phố, nhìn vào đã thấy sợ. Lịch của
nó kín cả. Chỗ nào không có ghi môn cụ thể, thì nó đề là để làm bài tập. Khổ đi học
đến 6-7h tối, về ăn vội miếng cơm, tắm rửa là lại ôm lấy cái bàn học đến khuya.

Cái mục tiêu mẹ nó đặt ra thật cũng đơn giản không kém: đỗ đại học.

Trẻ phần lớn được "lập trình" để vượt qua các rào cản, các kì thi, các câu hỏi cắc
cớ chứ ít khi là để khơi gợi sự sáng tạo. Học sinh được rèn luyện để làm tốt các bài
kiểm tra từ giữa kì đến cuối kì, rồi nặng hơn là tốt nghiệp và thi vào trường mình
lựa chọn. Để đối phó với các trở ngại ấy, là văn mẫu, là dạng bài tập phức tạp, là
luyện thi…

Thất bại

Cho đến nay, các cơ sở đào tạo vẫn không xây dựng được một phương pháp đánh giá kiểm thí đạt chuẩn.Việc đưa đề vào chấm điểm thiếu khoa học dẫn đến không đánh giá đúng năng lực học sinh, và các kì thi có tính may rủi cao. "Kiểm tra chất lượng" là đòi hỏi một phương pháp khoa học, sao cho đánh giá chính các khả năng của học sinh. Lấy
ví dụ rất đơn giản, các kì thi TOELF hay IELTS được áp dụng một cách rất khoa học phương pháp đánh giá. Nếu trình độ tiếng Anh một người ở đâu, thì thi qua thi lại ở nhiều chỗ, mức điểm cũng không chênh lệch nhiều.

Một điều lạ là trong khi rất chú trọng đến việc "kiểm tra" học sinh, thì chính
ngành giáo dục lại thất bại trong việc kiểm tra chính mình. Đơn cử như chuyện thi ĐH.
Bởi không thể kiểm soát được tiêu cực, nếu chỉ dừng ở mức xét tuyển hồ sơ theo lực
học phổ thông, nên tổ chức một kì thi đại trà và áp dụng các quy tắc bảo mật nghiêm
ngặt trong một thời gian ngắn, huy động cả công an để tham gia chống gian lận trở
thành cứu cánh cho năng lực yếu kém trong quản lý của ngành.

Chuyện thi ĐH tốn kém thế nào đã tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, nhưng cứ đến
hẹn lại lên, kì thi này năm nào cũng khiến cho các thành phố lớn như Hà Nội, HCM mất
đến hàng tuần vì xáo trộn. Nhưng hai thành phố này bị xáo trộn thì ít, mà mồ hôi,
công sức đèn sách của các sĩ tử, lẫn nỗi lo của gia đình họ, cứ hòa theo cái nóng hầm
hập của mùa hè khiến nó càng ngột ngạt.

Nhưng hơn hết, cửa ải này đã khiến cho tuổi thơ của biết bao đứa trẻ đã bị đánh
cắp.  Thay vào đó là học thêm, học tiếng Anh, học chính khóa. Và để rồi lên đến ĐH là
coi như thoát. Vì lẽ trong khi phần gốc được "chăm sóc" một cách quá kỹ thì "phần
ngọn" lại bị thả một cách phi lý.

Buông phần ngọn

Nhìn vào lịch học của sinh viên ĐH Mỹ mà thấy "choáng" với khối lượng bài vở mà họ
phải thực hiện. Học theo tín chỉ, nhưng việc đọc làm bài tập là hàng tuần. Việc đánh
giá chất lượng diễn ra trong suốt quá trình học chứ không chỉ dựa vào một hay hai kì
kiểm tra giữa và cuối kì. Kết quả của môn học được tổng hợp từ các bài tập thực hành,
kiểm tra, đến việc tham gia trong lớp. Bởi vậy, khi theo học 3-4 môn là lịch của sinh
viên lúc nào cũng căng như dây đàn.

Hơn thế, các sinh viên còn phải đi thực tập tại các công ty, văn phòng trong lĩnh
vực mình học để lấy thêm kiến thức thực tế. Việc thực tập hoàn toàn có lợi cho sinh
viên khi ra trường, vì họ vừa có sản phẩm để chứng minh cho nhà tuyển dụng về khả
năng vừa tích lũy thêm kinh nghiệm.

Những năm ĐH, CĐ chính là lúc để sinh viên học lấy các kĩ năng làm việc cả về mặt
lý thuyết lẫn thực hành, nên việc đào tạo rất cần thiết. Với nhiều trường ĐH ở các
nước phát triển, các phòng giới thiệu việc làm, thực tập là một bộ phận không thể
tách rời của mỗi khoa. Đây sẽ là đầu mối cho các công ty, tổ chức đến tuyển dụng
những thực tập sinh. Sinh viên nhờ đó có cơ hội được cọ xát thực tế.

Ngược lại ấn tượng của tôi về học đại học ở Việt Nam là quá dễ dàng. Thi đầu vào khó, nhưng qua ải đó, gần như chắc chắn là sinh viên sẽ ra trường. Bố mẹ cũng cố cho đến khi con qua được ải này là yên tâm. Học hành được đánh giá khá sơ sài và không liên tục. Như thời của tôi, mỗi môn thi vấn đáp cả lớp góp tiền lại làm phong bì, mua bánh kẹo để không bị trượt. Đánh giá chất lượng phần lớn chỉ dựa vào một vài kì thi hết môn. Kiểm tra đánh giá thưa thớt, lại dễ phát sinh tiêu cực khiến cho việc học hành chểnh mảng là điều khó tránh khỏi.

Ta có chương trình thực tập không? Có, nhưng việc thực tập vẫn chưa được chú trọng
đúng mức, bởi việc tuyển dụng có rất nhiều phần trăm tùy vào sự quen biết hoặc sắp
xếp bằng tài chính.

Tôi thừa nhận rằng có nhiều cá nhân các em sinh viên tự xin việc và chứng minh
bằng chính năng lực các em có. Nhưng xin trích lời của một thầy hiệu phó một trường
đại học mà tôi đã có dịp nói chuyện. Khi được hỏi là tại sao chất lượng đào tạo đầu
ra của đại học thấp như vậy, thầy đã nói rằng: "Bởi khu vực nhà nước vẫn đang là nhà
tuyển dụng lớn, mà yêu cầu chất lượng đối với khu vực này chỉ cần đến thế thôi."

Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì đôi lúc lại kêu trời là sinh viên ra trường
không viết làm việc, rằng họ phải đào tạo lại từ đầu.

Giáo dục là cả một quá trình. Nếu bản thân quá trình đó không thống nhất, kiểu
"chặn gốc thả ngọn" như hiện nay, thì chắc sẽ có không ít thế hệ trẻ em Việt Nam nữa
sẽ bị ảnh hưởng.

  • Hồng Vũ (Gửi từ Mỹ)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/104673/that-chat-phan-goc--buong-phan-ngon.html

BDTX giáo viên góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Posted: 11 Jan 2013 06:41 AM PST

(GDTĐ) – Với quan điểm, giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục của trường học; Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên. Một trong những nội dung được chú trọng trong công tác này là bồi dưỡng giáo viên.

Theo đó, Bộ GDĐT đã tập trung xây dựng Chương trình bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên và Quy chế thực hiện các chương trình này nhằm hỗ trợ đội ngũ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm.

Theo tinh thần quy chế, công tác chỉ đạo BDTX được thực hiện kết hợp cả hai hướng là từ trên xuống và từ dưới lên. Bộ GDĐT, các Sở và phòng GDĐT chỉ đạo các nội dung bắt buộc nhằm phát triển giáo dục của ngành, địa phương nhưng trong đó giáo viên vẫn được đề xuất và lựa chọn nội dung BDTX theo nhu cầu phát triển chuyên môn liên tục của cá nhân mỗi giáo viên, hỗ trợ họ nâng cao mức độ đáp ứng so với chuẩn nghề nghiệp.

Hộ nghị triển khai
Hộ nghị triển khai Chương trình BDTX cho giáo viên mầm non, phổ thông và GDTX do Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý cơ sở Giáo dục – Bộ GDĐT tổ chức. (Ảnh: gdtd.vn)

Tại tỉnh Phú Yên, riêng đối với cấp học mầm non trong hai năm học vừa qua (2010-2011 và 2011-2012), toàn tỉnh đã thực hiện BDTX cho gần 4.000 người tham gia học tập nâng cao trình độ. Đến cuối năm học 2011-2012, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn là 99% và trên chuẩn là 59,5%. Hiện nay, 100%  cac xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có trường lớp mầm non. Năm học 2012-2013 có 134 trường mầm non, tăng thêm 02 trường so với năm học trước, trong đó có 125 trường công lập và 09 trường tư thục. Quy mô phát triển trường lớp mầm non ngày được nâng lên cả về số lượng và chất lượng đáp ứng được yêu cầu thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hiện số trẻ đi học nhà trẻ, mẫu giáo tăng so với năm học trước, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi trong các năm vừa qua huy động đạt 99% trở lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, đáp ứng nhu cầu phát triển GDMN.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Phú Yên, muốn triển khai thực hiện tốt công tác BDTX đối với giáo viên mầm non, điều trước tiên là hàng năm phải có kế hoạch BDTX. Và điều quan trọng là phải chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên cốt cán có năng lực, trách nhiệm được tập huấn do Bộ tổ chức hoặc được giao nghiên cứu các chuyên đề theo tài liệu hướng dẫn của Bộ và của Sở trước khi tập huấn. Mặt khác cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia công tác bồi dưỡng và phòng ban chuyên môn liên quan của Sở GDĐT.

Còn đối với Lào Cai, một tỉnh vùng cao chủ yếu là đồng bào dân tộc, dân tộc thiểu số sinh sống. Theo Sở GDĐT, toàn tỉnh hiện có 243 trường tiểu học, trong đó số học sinh dân tộc chiếm 74,2% với trên 49.000 em. Trình độ giáo viên ở bậc học này không đồng đều do đó ngành GDĐT Lào Cai xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên ngày càng nâng cao về phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ là giải pháp đột phá; trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ là nhiệm vụ then chốt.

Theo đó, Lào cai đã tập trung thực hiện nhiều nhóm giải pháp có tính chất đồng bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đó là: Chú trọng xây dựng đội ngũ cốt cán ổn định, trong đó có lực lượng làm cốt cán ở cấp tỉnh, cấp huyện và tại cơ sở. Đội ngũ cốt cán được lựa chọn từ những phong trào hội giảng, thi đua dạy tốt, học tốt những điển hình xuất sắc. Hiện đội ngũ này ở Lào Cai có vài trăm người, trung bình mỗi huyện 30 người. Đội ngũ này vừa làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, vừa làm nhiệm vụ hướng dẫn, BDTX. Do vậy hiệu công tác bồi dưỡng đạt cao hơn.

Ngoài ra, Sở GDĐT Lào Cai còn chú tập trung chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng BDTX theo chu kỳ; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chương trình BDTX theo Thông tư số 32/2011/TT-BGDĐT ngày 08/8/2011 của Bộ GDĐT về việc ban hành chương trình BDTX giáo viên tiểu học và cuối cùng là mạnh dạn đẩy mạnh bồi dưỡng cho cán bộ quản lý trường học giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học thông qua các Chương trình dự án.

Kết quả, trong những năm gần đây, tỷ lệ huy động trẻ đến trường luôn ở mức cao. 100% số trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo trước khi vào lớp 1 đều có vốn tiếng Việt tối thiểu. Học sinh vùng đặc biệt khó khăn và học sinh dân tộc thiểu số học xong lớp 1 đều đạt yêu cầu trở lên theo chuẩn kiến thức kỹ năng. Toàn tỉnh có 115 trường đạt chuẩn quốc gia.

Theo lãnh đạo Sở GDĐT Lào Cai, Chương trình BDTX cho giáo viên đã góp phần thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy – học, đáp ứng yêu cầu đổi mới nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới cho giáo dục phổ thông.

Thực tế cho thấy, công BDTX cho giáo viên là yêu cầu khác quan vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo. Và hơn bao giờ hết, các đơn vị có liên quan tới công tác BDTX giáo viên theo nhiệm vụ, vai trò, chức năng của mình, cần phối hợp chặt chẽ và nhất quán trong tất cả các khâu của quá trình BDTX từ chỉ đạo, xây dựng thực hiện kế hoạch cũng như giám sát. Bên cạnh đó rất cần sự đổi mới từ suy nghĩ đến hành động của mỗi giáo viên trong phát triển chuyên môn liên tục để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của đất nước vì rằng giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Dương Thủy - Vũ Hùng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201301/BDTX-giao-vien-gop-phan-nang-cao-chat-luong-giao-duc-1966216/

ĐHQG TP.HCM công bố phương án tuyển sinh 2013

Posted: 11 Jan 2013 06:41 AM PST

- Năm nay ĐHQG TP.HCM vẫn áp dụng phương thức thi chung đề, chung đợt với toàn hệ
thống đại học toàn quốc. Tuy nhiên có một số thay đổi liên quan đến quyền lợi của thí
sinh…Thông tin được Hội đồng tuyển sinh ĐHQG thống nhất chiều 11/1.


Thí sinh dự thi tuyển sinh năm 2012

 

Theo đó, năm 2013 các trường thành viên ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc tế, ĐH
Khoa học Tự nhiên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn không có biến động về khối thi.
Riêng Trường ĐH Công nghệ thông tin bổ sung khối thi A1.

PGS .TS Nguyễn Hội Nghĩa – phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết: tổng chỉ tiêu tuyển
sinh năm 2013 của ĐHQG là 12.850, tăng 90 chỉ tiêu so với năm trước.

Vế khối thi, các trường thành viên như ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Luật, ĐH Quốc tế,
ĐH Công nghệ Thông tin áp dụng bổ sung khối thi A1 cho tất các các ngành, nhóm ngành
tuyển sinh khối A. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên thi khối A1 cho nhóm ngành Công nghệ
thông tin, Toán học, Kỹ thuật điện tử-truyền thông. Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân
văn thi khối A1 cho các ngành Triết học, Địa lý, Xã hội học, Thư viện thông tin và Đô
thị học.

Một điểm mới nữa là trong năm 2013 một số ngành ở các trường thành viên của ĐHQG
sẽ áp dụng nhân hệ số trong xây dựng điểm trúng tuyển như: ĐH Công nghệ Thông tin
(nhân hệ số môn Toán khối A, A1); ĐH Kinh tế Luật (nhân hệ số môn Toán khối A, A1,
D1); ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn (nhân hệ số môn ngoại ngữ gồm tiếng Anh, tiếng
Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức vào các ngành Ngữ văn Anh, Song ngữ Nga-Anh, Ngữ văn Pháp,
Ngữ văn Trung, Ngữ văn Đức, Ngữ văn Tây Ban Nha, Ngữ văn Ý và nhân hệ số môn Văn cho
ngành Văn học, Ngôn ngữ, nhân hệ số môn Sử cho ngành Lịch sử và nhân hệ số môn Địa
cho ngành Địa lý. Những trường còn lại và Khoa Y không áp dụng nhân hệ số khi xây
dựng điểm trúng tuyển.

Riêng đối với tuyển sinh hệ vừa học vừa làm, Hội đồng tuyển sinh ĐHQG cũng cắt
giảm mạnh so với những năm trước. Hệ liên thông, các trường thành viên xác định chỉ
tiêu không vượt quá 20% so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh chính quy.

Bên cạnh đó, các trường thành viên cũng kiến nghị ĐHQG nên trình Bộ GD-ĐT cho phép
ĐHQG có cơ chế riêng trong tuyển sinh liên thông.

Đại diện của các trường ĐH cũng đề nghị Bộ hạn chế việc sử đổi quy chế thi và ban
hành các văn bản hướng dẫn kèm theo vào thời điểm cận kề với kỳ thi vì việc này sẽ
gây khó khăn   cho công tổ chức thi của các trường. Đồng thời, Bộ nên sớm
công bố lộ trình đổi mới tuyển sinh cho những năm tiếp theo để các trường có thời
gian chuẩn bị.

  • Anh Thư

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/104918/dhqg-tp-hcm-cong-bo-phuong-an-tuyen-sinh-2013.html

Trò lên “phây”, thầy lo lắng

Posted: 11 Jan 2013 06:40 AM PST

Học sinh nghiền "phây"

Tại Hà Nội, lên "phây" (từ "lóng" mà học sinh chỉ Facebook) đã trở thành thói quen hàng ngày của nhiều học sinh. T.K, học sinh Trường THCS Bế Văn Đàn cho biết: "Em thấy các bạn hầu như ai cũng cũng dùng "phây". Em lập tài khoản được hơn 2 năm rồi, mục đích nhằm chia sẻ với các bạn về chuyện học tập, bàn luận về ca nhạc, bóng đá và game. Ngày thường em vào khoảng 30 phút và ngày nghỉ em vào khoảng 1 giờ. Dùng "phây" lâu nên thành thói quen, nếu ngày nào mà không vào "phây" cũng thấy bứt rứt, nhớ nhớ".

"Hàng ngày em vào "phây" để chia sẻ với bạn bè, có những chuyện hàng ngày gặp nhau khó nói thì lên "phây" tha hồ "chém gió". Mỗi khi có gì hay là "khoe" với các bạn, rồi "hóng" phản ứng. Nói chung, "phây" với em như một cuốn nhật ký, ở đó luôn cập nhật những buồn vui của em hàng ngày", M.H, học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi chia sẻ.


Học sinh Nguyễn Thanh Vy (Quảng

Học sinh Nguyễn Thanh Vy (Quảng Nam) đã bị đình chỉ học 1 năm vì "chống phá kỳ thi" trên Facebook.

 

Để tìm hiểu về số lượng học sinh sử dụng Facebook, PV Báo GĐXH đã làm cuộc khảo sát nhỏ tại một số trường THCS, THPT tại Hà Nội. Tại các trường THCS: Nguyễn Trãi, Khương Đình, Bế Văn Đàn, Trung Tự, Lê Ngọc Hân, số học sinh nói rằng có sử dụng Facebook chiếm khoảng 80%. Còn tại các trường THPT như: Lương Thế Vinh, Nhân Chính, Kim Liên, Đống Đa, Phan Huy Chú, Trần Phú, Việt Đức, số học sinh xác nhận sử dụng Facebook trên 90%.

Trường học "đau đầu"

 

Trên thực tế, mục đích của Facebook nhằm kết nối con người thật với nhau qua mạng xã hội "ảo" nhằm chia sẻ, giao lưu, giải trí… Tuy nhiên, mặt trái của Facebook đang khiến xã hội phải lo lắng. Tình trạng học sinh mải mê Facebook, nói xấu gia đình để bảo vệ thần tượng, sử dụng ngôn từ tục tĩu… khiến phụ huynh và nhà trường phải đau đầu. Gần đây nhất là trường hợp em Nguyễn Thanh Vy, học sinh lớp 8 Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã dùng Facebook để ra "tuyên ngôn" với lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo. Với hành vi này, Vy đã bị buộc thôi học 1 năm.

Trường hợp của Vy chưa hẳn là trường hợp đầu tiên lĩnh hậu quả từ Facebook. Tại Hà Nội, lãnh đạo một số trường cũng phải "đau đầu" khi giải quyết các trường hợp học sinh mải mê Facebook, phát ngôn bừa bãi về thầy cô, nhà trường. Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cũng đã đình chỉ 1 năm học đối với hai học sinh vì Facebook. PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng nhà trường cho hay: "Tình trạng học sinh sử dụng Facebook một cách tràn lan, không kiểm soát như hiện nay là đáng báo động, cần phải có biện pháp để chấn chỉnh hiện tượng này. Tôi thấy, học sinh đa phần bây giờ đều sử dụng Facebook không đúng cách. Các em sử dụng thiếu nhận thức, hễ có việc gì trên mạng là xúm vào phản ứng, bình luận dù không biết cụ thể việc đó thế nào. Bởi vậy, trường học cần phải nâng cao biện pháp giáo dục, chỉ bảo các em thận trọng trong lời nói, việc làm của mình".

Để giải quyết căn bản "vấn nạn ảo", theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học – Tâm lý giáo dục Hà Nội: "Qua những vụ việc vừa qua trên Facebook có thể thấy, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh ở nhiều nơi vẫn còn yếu. Trường chỉ tìm cách ra kỷ luật mà không chỉ rõ cho học sinh thấy khuyết điểm để khắc phục. Nhà trường, gia đình cũng cần có sự chia sẻ với học trò để định hướng, hướng dẫn các em tôn trọng người khác".

 Theo Gia đình Xã hội

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tro-len-phay-thay-lo-lang-684065.htm

Nhiều sáng kiến trong có thể nhân rộng thành hình mẫu để các địa phương học tập

Posted: 11 Jan 2013 06:40 AM PST

(GDĐT) -  Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc sáng nay (11/01) tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, khi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ninh; tập trung vào hoạt động phối hợp giữa tỉnh Quảng Ninh và Bộ trong thời gian qua, đồng thời cùng bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn, tồn tại để GD – ĐT Quảng Ninh tiếp tục phát triển, xứng đáng với tiềm năng sẵn có cũng như đáp ứng được nhu cầu của địa phương.

Quang cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Tham gia đoàn công tác của Bộ GDĐT cùng với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận có: Thứ trưởng Bùi Văn Ga; Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển; đại diện lãnh đạo Vụ GDĐH, GDTr.H, GDMN, Vụ KH-TC, Cục CSVCTBTH,…; đại diện lãnh đạo ĐH QGHN,  Trường ĐH Bách Khoa, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Thái Nguyên…

Về phía tỉnh Quảng Ninh, có ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy, chủ trì buổi tiếp và làm việc với đoàn, cùng dự có các đại diện Thường trực Tỉnh Ủy – HĐND – UBND tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh.

Tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội và công tác giáo dục, đào tạo của Quảng Ninh trong năm 2012, định hướng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, về quy mô, mạng lưới cơ sở GD-ĐT, hiện Quảng Ninh có 655 đơn vị trường học từ mầm non đến đại học, trong đó: 207 trường mầm non, 181 trường tiểu học, 186 trường THCS và THTHCS, 57 trường THPT và THCSTHPT, 15 trung tâm HNGDTX, 02 trường trung cấp, 06 trường cao đẳng, 01 trường đại học của tỉnh và của các Bộ, Ngành đóng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn có 01 cơ sở của trường Đại học Ngoại thương,186 trung tâm HTCĐ ở đơn vị cấp xã, 27 trung tâm đào tạo tin học, ngoại ngữ. Hệ thống giáo dục ngoài công lập hiện có 41 trường (mầm non: 18, tiểu học: 02, THPT: 21). Mạng lưới cơ sở GD-ĐT của tỉnh cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

ông Phạm Minh Chính - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh
Ông Phạm Minh Chính – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc

Về cơ sở vật chất, đến năm 2010, cơ bản toàn tỉnh không còn phòng học tạm, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 84%, 50% số trường đạt chuẩn quốc gia; toàn tỉnh hiện có trên 19.200 cán bộ, giáo viên với 99,5%  đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định, đạt chuẩn trên 53%. Hàng năm, tỷ lệ huy động trẻ đến trường, lớp đều cao hơn tỷ lệ chung của cả nước; kết quả phổ cập giáo dục được duy trì, giữ vững và nâng cao; nhiều năm liền, Quảng Ninh đứng đầu các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và nằm trong nhóm 10 tỉnh đứng đầu cả nước về chất lượng giáo dục.

Có được kết quả trên, trong thời gian qua, các cấp, ngành tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, trọng tâm là các chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non, trẻ mầm non, học sinh phổ thông khó khăn, trường ngoài công lập; Nghị quyết về xây dựng xã hội học tập trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kiên quyết chấn chỉnh hoạt động dạy thêm, học thêm…

Trong khuôn khổ buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đã đề xuất Bộ GDĐT xem xét, hỗ trợ một số nội dung như: Thành lập trường đại học đa ngành trên cơ sở hợp nhất, nâng cấp các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn; thành lập Trường Đại học Quảng Ninh; bố trí vốn cho các dự án hỗ trợ phát triển giáo dục; hỗ trợ kêu gọi các đối tác đầu tư Trường Đại học quốc tế tại Quảng Ninh; tăng chỉ tiêu đào tạo ngoại ngữ ở nước ngoài; tiếp tục đầu tư cơ sở, vất chất, mở rộng ngành, nghề, loại hình đào tạo; hỗ trợ Quảng Ninh kêu gọi các đối tác đầu tư về lĩnh vực giáo dục; có cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo công bằng giữa các trường công lập và dân lập; xem xét chất lượng đào tạo tại chức; cân nhắc việc để giáo dục thường xuyên chỉ tiếp tục chương trình đào tạo nghề, không thi tuyển đại học…

Đại diện các ĐH, trường ĐH tham gia buổi làm việc cũng đã có những đề xuất cũng như kiến nghị cụ thể đối với tỉnh Quảng Ninh và Bộ GDĐT trong việc phát triển đào tạo đại học trên địa bàn. Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cùng đại diện một số Vụ, Cục chức năng cũng đã có những ý kiến phát biểu, giải đáp, làm rõ một số vấn đề liên quan đến GD ĐH cũng như GD phổ thông của tỉnh, đặc biệt đối với các đề xuất cụ thể được địa phương nêu ra.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Minh Chính – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh – nhấn mạnh: Xuất phát từ nhu cầu cao về lao động để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực và định hướng phát triển của tỉnh; hiện tại, tỉnh đang chú trọng phát triển giáo dục, đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề, chất lượng cao. Đây là cơ sở tỉnh đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, hỗ trợ Quảng Ninh trong việc thành lập Trường Đại học Quảng Ninh, thành lập phân hiệu Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Segi (Malaysia)…

Bộ trưởng Bộ GDĐT phát biểu kết luận tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ GDĐT phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ghi nhận sự chủ động, tích cực, đi đầu của Quảng Ninh trong việc triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, đặc biệt trong lĩnh vực GD-ĐT. Bộ trưởng đánh giá cao những điển hình của Quảng Ninh trong phát triển sự nghiệp giáo dục, trong đó có nhiều sáng kiến trong quản lý lý giáo dục có thể phát huy, nhân rộng thành hình mẫu để các địa phương khác có thể học tập như: kiên quyết chấm dứt dạy thêm học thêm, vấn đề lạm thu trong trường học; kiện toàn cán bộ quản lý ngành giáo dục có chất lượng; cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho cán bộ, giáo viên…

Bộ trưởng cũng bày tỏ sự nhất trí về cơ bản và trên nguyên tắc những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh trong lĩnh vực giáo dục. Liên quan đến đề xuất cụ thể của Quảng Ninh về thành lập trường đại học, các phân hiệu trên địa bàn, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xem xét, căn cứ quy hoạch chung của tỉnh, của ngành giáo dục, chủ động xây dựng phương án triển khai cụ thể. Các trường đại học có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh trong việc triển khai nội dung trên. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GDĐT, siết chặt kỷ cương trong ngành giáo dục, chống bệnh thành tích, khắc phục học thêm, dạy thêm, nâng cao chất lượng đào tạo…

Khánh Sơn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201301/Nhieu-sang-kien-trong-co-the-nhan-rong-thanh-hinh-mau-de-cac-dia-phuong-hoc-tap-1966222/

Hàng tỷ USD theo du học sinh chảy ra nước ngoài?

Posted: 11 Jan 2013 06:39 AM PST

Mới đây trên một số báo, ông Nguyễn Trường Giang, Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, mỗi năm người dân chuyển hàng tỷ USD ra nước ngoài cho con em học tập. Cụ thể, mỗi suất học học tập ở nước ngoài phải chi phí tối thiểu 10.000 – 15.000 đô la/năm. Trong khi đó, theo số liệu thống kế của Bộ GD – ĐT, trong năm học 2011 – 2012 có hơn 106. 000 học sinh, sinh viên đi học tập ở nước ngoài. Nhân con số này với chi phí một suất du học sẽ cho thấy mỗi năm, người Việt Nam phải chuyển ra nước ngoài ít nhất 1 – 1,5 tỷ USD. Theo ông Giang, để khuyến khích học sinh, sinh viên học tập ở trong nước, các cơ sở đào tạo phải nâng cao chất lượng.

Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, để ngăn chặn dòng chảy này, ngành giáo dục trong nước nên có kế hoạch nhân rộng, phát triển chất lượng đào tạo các trường quốc tế ở Việt Nam.


Mỗi năm người dân Việt Nam chi hơn tỷ đô la cho việc đi học ở nước ngoài?. (Ảnh minh họa)

Theo ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD – ĐT, con số 1,5 tỷ USD là một con số lớn, bằng một nửa số gạo của Việt Nam xuất khẩu một năm, là công sức của hơn 10 triệu nông dân quần quật quanh năm. Đây là một thất thoát nguồn thu lớn cho các cơ sở đào tạo trong nước. Tuy nhiên, do chất lượng giáo dục của ta còn yếu kém, những quy định về thi cử mang tính áp đặt, gò bó khiến một số người chạy sang nước ngoài học dù chi phí cao gấp nhiều lần học trong nước.

Đồng tình với ý kiến nên phát triển hệ thống trường quốc tế trong nước, đẩy mạnh hình thức du học tại chỗ để hạn chế chi phí, ông Nhĩ cho rằng đây là một xu thế đang thịnh hành ở các nước Đông Nam Á, nó giúp người dân đất nước đó tiết kiệm được rất nhiều.

"Chi phí cho một suất du học nước ngoài có thể lo được cho 4 suất du học tại chỗ. Nếu chất lượng giáo dục trong nước đảm bảo, tạo được uy tín trong xã hội thì sẽ không có việc người và tiền chạy sang nước ngoài", ông Nhĩ nói.

Không chỉ giữ chân học sinh trong nước ở lại học, ông Nhĩ cho rằng, nên cải cách chất lượng giáo dục để thu hút người nước ngoài vào học. Muốn vậy, giáo dục phải thay đổi cả chất lượng và những quy chế thi cử phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Đồng thời phải triển khai việc giảng dạy bằng tiếng Anh, công nghệ thông tin …

Tuy nhiên, với một số ngành nghề nước ta chưa đầu tư được thì nên tạo điều kiện cho ra nước ngoài học tập, nhất là với đối tượng nghiên cứu sinh, nhưng cần phải tính toán hợp lý.

"Giáo dục của ta hiện đang thắt chặt đầu vào và nới lỏng đầu ra. Xu hướng này đi ngược với định hướng của nhiều nước trên thế giới là nới lỏng đầu vào và thắt chặt đầu ra. Đây chính là lý do khiến lượng học sinh nước ngoài đến Việt Nam học còn ít",

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GDĐT) cho rằng, con số mà Phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Nguyễn Trường Giang đưa ra chỉ là ước lượng, tương đối chứ không chính xác 100%. Con số này chỉ đưa ra để phân tích chứ không phải số liệu thống kê. Ngay cả con số tổng học sinh, sinh viên đang học tập ở nước ngoài cũng không thật chính xác vì đó chỉ là số liệu do đại sứ quán và các trường nước ngoài cung cấp. Hơn nữa, chi phí học tập ở mỗi nước cao thấp nên không thể tính bổ đều rồi nhân lên như vậy

"Khoản tiền này dù có lớn đi chăng nữa thì cũng không thể cấm được họ vì các gia đình có điều kiện thì cho con đi học để hưởng môi trường, cơ sở vật chất học tập tốt chứ không hẳn do chất lượng đào tạo trong nước kém. Hơn nữa, nhiều nước tiên tiến như Anh, Mỹ cũng cho con đi học nước ngoài chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đi học tập, nghiên cứu sinh ở nước ngoài cũng là điều kiện để học viên có cơ hội giao lưu học hỏi với cách dậy, cách học ở nước bạn", ông Vang nói tiếp.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hang-ty-USD-theo-du-hoc-sinh-chay-ra-nuoc-ngoai/267650.gd

Vì đâu sinh viên khó kiếm việc làm?

Posted: 11 Jan 2013 06:39 AM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm thích hợp với ngành được đào tạo, trước hết là các điều kiện đảm bảo chất lượng của một số trường không đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

Theo Bộ GDĐT, hiện định mức kinh phí trung bình mà ngân sách cấp để duy trì hoạt động thường xuyên của các trường công lập tính theo đầu sinh viên là 6.000.000 đ/SV/năm. Ở hầu hết các trường ngoài công lập, suất đầu tư/SV cao nhất là bằng học phí, thường dao động từ 4.000.000 đ đến 7.000.000 đ/năm (mức học phí của Trường Đại học RMIT (Australia) mở ở thành phố Hồ Chí Minh từ 5.000 USD đến 7.000 USD/năm). Một số trường đại học địa phương và trường đại học tư thục có đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng, yếu chưa đảm bảo về chất lượng, không tương xứng với quy mô đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị lạc hậu, uy tín và chất lượng đào tạo thấp, khả năng cạnh tranh thấp, sinh viên khó tìm kiếm việc làm.

Một nguyên nhân khác xuất phát từ chất lượng đầu vào của sinh viên của nhiều trường tư thục thấp. Hầu hết sinh viên có năng lực tốt đều vào ở các trường nhóm đầu, có uy tín và hầu hết sau tốt nghiệp đều có việc làm. Phần còn lại học trong các trường tư thục, cao đẳng địa phương có trình độ năng lực thuộc nhóm dưới. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp càng khó tìm kiếm việc làm.

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo không tổ chức nghiên cứu nhu cầu đào tạo, chỉ đào tạo những gì trường có khả năng, chưa đào tạo những ngành xã hội cần, trách nhiệm đối với người học, đối với xã hội chưa cao. Hệ thống quản lý lao động và việc làm không có thông tin dự báo nguồn nhân lực theo trình độ và ngành đào tạo trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu thừa cục bộ, sinh viên tốt nghiệp khó tìm kiếm việc làm.

Nguyên nhân tiếp theo do tiêu chí đăng ký, xác nhận chỉ tiêu đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước đối với các các trường chỉ dựa trên năng lực đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, không chú ý đến nhu cầu nhân lực của toàn ngành, không điều tiết được chênh lệch cung cầu.

Cuối cùng phải nói đến sự suy thoái kinh tế dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc làm, không có khả năng tạo thêm việc làm mới làm cho sinh viên sau tốt nghiệp gặp càng nhiều khó khăn hơn.

Để khắc phục tình trạng trên, ngày 22/7/2011, Thủ trướng Chính phủ đã ký phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam. Trên cơ sở của Quy hoạch này, các Bộ, ngành và địa phương xây dựng và phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương và ngành đến năm 2020.

Căn cứ vào Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, ngày 30/12/2011, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã ký ban hành Quy hoạch phát triển nhân lực ngành giáo dục. Những định hướng lớn trong trung và dài hạn là cơ sở xây dựng Chiến lược giáo dục và đào tạo cho giai đoạn tiếp theo.

Ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các sai phạm trong tổ chức và quản lý đào tạo, Bộ GDĐT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực để có kế hoạch phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành học phù hợp các nhu cầu việc làm hiện nay.

N.N

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201301/Vi-dau-sinh-vien-kho-kiem-viec-lam-1966177/

Giới trẻ không quay lưng với lịch sử

Posted: 10 Jan 2013 08:04 PM PST

- Clip toàn cảnh về lịch sử Việt Nam, dài gần 10 phút được cộng đồng mạng chia sẻ “chóng mặt”. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng “phải hoan nghênh vì các bạn trẻ đã không quay lưng với lịch sử…”

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh Lê Anh Dũng)


- Thưa ông, hai ngày clip về lịch sử Việt Nam xuất hiện trên mạng đã hút được quan tâm của nhiều người. Ông có bình luận gì về tính chính xác của dữ liệu trong clip đưa ra?

Tôi chưa xem kĩ từng chi tiết số liệu, nhưng trước hết phải hoan nghênh đã.

Thứ nhất, bạn ấy ứng dụng công nghệ mới đáp ứng nhu cầu hiểu biết về đất nước, về lịch sử.

Thứ hai, tôi được biết bạn tác giả cũng rất thiện chí, phục thiện “Nếu có gì sai, xin các bạn cứ đóng góp ý kiến”.

Thứ ba, ngôn ngữ trong clip vừa hiện đại, vừa rất gần gũi với các bạn trẻ, truyền tải được thông tin. Còn thông tin có đủ hay không thì mỗi người sẽ tiếp cận ở các trình độ khác nhau.

Bên cạnh việc chúng ta chống những điều tiêu cực trên mạng, thì phải hoan nghênh, khích lệ những nhân tố tích cực càng hay. Đi sâu vào phân tích nội dung thì do tôi chưa xem kĩ nên không bình luận.

- Sự lan truyền nhanh đến chóng mặt của clip này trong giới trẻ nói lên điều gì, thưa ông?

Các bạn trẻ không quay lưng lại với lịch sử. Vấn đề là lịch sử nào? Ai cung cấp, cung cấp như thế nào? Chính ở đây là trách nhiệm của người lớn, trách nhiệm của người làm sử. Khi ta làm thứ lịch sử thiếu hấp dẫn, thiếu tin cậy… thì người ta không xem. Nhất là các bạn trẻ bây giờ có nhiều nhu cầu khác nhau nên phải biết cách đáp ứng những nhu cầu ấy, nếu như nó thích đáng.

- Ông vừa nói về trách nhiệm của người lớn. Có vẻ như giới trẻ Việt Nam hiện nay chưa được người lớn nhìn nhận đúng cáhh và vẫn còn nhiều phần phán xét?

Điều đó dễ hiểu thôi. Quan hệ giữa các thế hệ thường gặp phải vấn đề này. Người lớn nghĩ mình là bậc cha chú – cha chú thì luôn nghĩ rằng mình hơn các bạn trẻ mà quên đi cái quan trọng nhất là phải gần các bạn trẻ. Có gần thì mới hiểu được. Còn chuyện hơn là một chuyện khác.

Phải biết cách nâng đỡ, tạo điều kiện để các bạn trẻ làm. Trong công việc của mình cũng phải có một phần hướng đến các bạn trẻ, coi đó là một đối tượng mình phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ.

Phán xét là tâm lý kẻ cả, bề trên. Điều đó ngày càng không phù hợp với đời sống hiện đại, dân chủ ngày nay. Mặc dù quan hệ trên dưới, quan hệ tuổi tác vẫn cần gìn giữ dưới góc độ đạo lý; nhưng ở góc độ tri thức, sáng tạo… thì nên có sự bình đẳng hơn.

- Xin cảm ơn ông!


  • Hồ Hương Giang

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/104525/gioi-tre-khong-quay-lung-voi-lich-su.html

Triển khai tuyển sinh năm 2013 theo Đề án 911

Posted: 10 Jan 2013 08:03 PM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa có văn bản đề nghị các trường phối hợp triển khai kịp thời công việc liên quan đến công tác tuyển sinh đi học tiến sĩ ở nước ngoài năm 2013 theo Đề án 911.

Theo đó, yêu cầu các trường thành lập hội đồng của trường để xét chọn ứng viên đáp ứng các quy định của Bộ GDĐT, phù hợp với kế hoạch và nhu cầu đào tạo giảng viên của trường, lập danh sách trích ngang ứng viên được trường cử dự tuyển theo thứ tự ưu tiên (nêu rõ tiêu chí ưu tiên) kèm theo công văn đề nghị xem xét phê duyệt trúng tuyển gửi đến Bộ trước ngày 15/2/2013.

Đối với giảng viên trước đây đã trúng tuyển theo Đề án 322 nhưng chưa đi học, có nguyện vọng đăng ký chuyển sang Đề án 911 và đáp ứng đầy đủ các quy định của thông báo số 1240/TB-BGDĐT, đề nghị trường phối hợp giải quyết, tạo điều kiện cho ứng viên hoàn tất các thủ tục bổ sung hồ sơ tuyển sinh theo Đề án 911 theo hướng dẫn của Cục Đào tạo với nước ngoài tại văn bản số 01/HD-ĐTVNN ngày 6/12/2012 đã đăng tải trên trang thông tin của Bộ GDĐT và của Cục Đào tạo với nước ngoài.

Trước đó, 30/11/2012, Bộ GDĐT đã ban hành thông báo số 1240/TB-BGDĐT về việc tuyển sinh đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài theo Đề án 911 năm 2013 và đưa tin chính thức trên các trang web: www.moet.gov.vn và www.vied.vn.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201301/Trien-khai-tuyen-sinh-nam-2013-theo-De-an-911-1966178/

Giáo dục bỏ kiểu ‘chặn gốc thả ngọn’?

Posted: 10 Jan 2013 08:03 PM PST

- Giáo dục là cả một quá trình. Nếu bản thân quá trình đó không thống nhất, kiểu
"chặn gốc thả ngọn" như hiện nay, thì sẽ có không ít thế hệ trẻ em Việt Nam sẽ bị ảnh
hưởng.



Khi gia đình tôi tạm thời chuyển đến Mỹ, con lớn của tôi mới bắt đầu lớp 5 và cậu thứ
hai đang học mẫu giáo. Khi ở Việt Nam con tôi học một trường tư. Những so sánh, trải
nghiệm anh đưa ra nhằm góp thêm tiếng nâng chất lượng giáo dục nước nhà.
VietNamNet
xin giới thiệu bài viết của tác giả Hồng Vũ. Ý kiến khác gửi về
bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Áp lực + văn mẫu = đỗ ĐH

Với nhiều trường học khác cả tư cả công, việc học thêm là bất khả kháng. Học thêm
phần là vì cô, thầy mở lớp, không đi học thì dễ bị "để ý". Tuy vậy, cũng là vì sức ép
từ phía phụ huynh lo con mình không theo kịp bạn bè, không đủ kiến thức để đạt danh
hiệu, để vào trường tốt, để vượt qua kì thi ĐH. Đối với không ít trẻ, học thêm mang
tiếng là phụ, nhưng thực ra lại là chính.

Dù không học thêm nhưng ấn tượng của con trai lớn của chúng tôi về trường Việt Nam
được thể hiện qua cách cháu kể cho em. Vì cậu em rời Việt Nam trước khi vào lớp 1,
nên không biết được trường học ở Việt Nam thế nào. Bởi vậy, cậu em cứ xin, về Việt
Nam bố mẹ cho con đi học trường tư. Phản ứng của cậu anh là: "Minh hâm lắm. Minh
có thích làm bài tập đến 10h – 11h không? Cuối tuần cũng đầy bài tập, có khi làm cả
ngày không xong. Lúc đấy khổ thì đừng có mà xin tha."

Ký ức của một đứa 10 tuổi về trường học ở Việt Nam là vậy. Nghe thật xót xa.

Nhìn vào thời khóa biểu của cô cháu lớp 9, tôi cứ băn khoăn mãi:

"Vậy cháu chơi vào lúc nào?”

"Dạ, giờ nghỉ giải lao giữa các lớp ạ!"

Mẹ nó bồi thêm: "Giờ bọn trẻ sướng thật, chỉ có mỗi ăn với học. Thế mà không đỗ
ĐH thì có ăn cám…"

Quan niệm về niềm vui của trẻ thật đơn giản. Ăn và học. Ngoài ra không phải đụng
đến bất cứ gì khác. Nhưng lịch học của trẻ ở thành phố, nhìn vào đã thấy sợ. Lịch của
nó kín cả. Chỗ nào không có ghi môn cụ thể, thì nó đề là để làm bài tập. Khổ đi học
đến 6-7h tối, về ăn vội miếng cơm, tắm rửa là lại ôm lấy cái bàn học đến khuya.

Cái mục tiêu mẹ nó đặt ra thật cũng đơn giản không kém: đỗ đại học.

Trẻ phần lớn được "lập trình" để vượt qua các rào cản, các kì thi, các câu hỏi cắc
cớ chứ ít khi là để khơi gợi sự sáng tạo. Học sinh được rèn luyện để làm tốt các bài
kiểm tra từ giữa kì đến cuối kì, rồi nặng hơn là tốt nghiệp và thi vào trường mình
lựa chọn. Để đối phó với các trở ngại ấy, là văn mẫu, là dạng bài tập phức tạp, là
luyện thi…

Thất bại

Cho đến nay, các cơ sở đào tạo vẫn không xây dựng được một phương pháp đánh giá
kiểm thí đạt chuẩn.

Một điều lạ là trong khi rất chú trọng đến việc "kiểm tra" học sinh, thì chính
ngành giáo dục lại thất bại trong việc kiểm tra chính mình. Đơn cử như chuyện thi ĐH.
Bởi không thể kiểm soát được tiêu cực, nếu chỉ dừng ở mức xét tuyển hồ sơ theo lực
học phổ thông, nên tổ chức một kì thi đại trà và áp dụng các quy tắc bảo mật nghiêm
ngặt trong một thời gian ngắn, huy động cả công an để tham gia chống gian lận trở
thành cứu cánh cho năng lực yếu kém trong quản lý của ngành.

Chuyện thi ĐH tốn kém thế nào đã tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí, nhưng cứ đến
hẹn lại lên, kì thi này năm nào cũng khiến cho các thành phố lớn như Hà Nội, HCM mất
đến hàng tuần vì xáo trộn. Nhưng hai thành phố này bị xáo trộn thì ít, mà mồ hôi,
công sức đèn sách của các sĩ tử, lẫn nỗi lo của gia đình họ, cứ hòa theo cái nóng hầm
hập của mùa hè khiến nó càng ngột ngạt.

Nhưng hơn hết, cửa ải này đã khiến cho tuổi thơ của biết bao đứa trẻ đã bị đánh
cắp.  Thay vào đó là học thêm, học tiếng Anh, học chính khóa. Và để rồi lên đến ĐH là
coi như thoát. Vì lẽ trong khi phần gốc được "chăm sóc" một cách quá kỹ thì "phần
ngọn" lại bị thả một cách phi lý.

Bỏ kiểu giáo dục “thả ngọn”?

Nhìn vào lịch học của sinh viên ĐH Mỹ mà thấy "choáng" với khối lượng bài vở mà họ
phải thực hiện. Học theo tín chỉ, nhưng việc đọc làm bài tập là hàng tuần. Việc đánh
giá chất lượng diễn ra trong suốt quá trình học chứ không chỉ dựa vào một hay hai kì
kiểm tra giữa và cuối kì. Kết quả của môn học được tổng hợp từ các bài tập thực hành,
kiểm tra, đến việc tham gia trong lớp. Bởi vậy, khi theo học 3-4 môn là lịch của sinh
viên lúc nào cũng căng như dây đàn.

Hơn thế, các sinh viên còn phải đi thực tập tại các công ty, văn phòng trong lĩnh
vực mình học để lấy thêm kiến thức thực tế. Việc thực tập hoàn toàn có lợi cho sinh
viên khi ra trường, vì họ vừa có sản phẩm để chứng minh cho nhà tuyển dụng về khả
năng vừa tích lũy thêm kinh nghiệm.

Những năm ĐH, CĐ chính là lúc để sinh viên học lấy các kĩ năng làm việc cả về mặt
lý thuyết lẫn thực hành, nên việc đào tạo rất cần thiết. Với nhiều trường ĐH ở các
nước phát triển, các phòng giới thiệu việc làm, thực tập là một bộ phận không thể
tách rời của mỗi khoa. Đây sẽ là đầu mối cho các công ty, tổ chức đến tuyển dụng
những thực tập sinh. Sinh viên nhờ đó có cơ hội được cọ xát thực tế.

Ngược lại ấn tượng của tôi về học ĐH ở Việt Nam là quá dễ dàng. Thi đầu vào khó,
nhưng qua ải đó, gần như chắc chắn là sinh viên sẽ ra trường.

Ta có chương trình thực tập không? Có, nhưng việc thực tập vẫn chưa được chú trọng
đúng mức, bởi việc tuyển dụng có rất nhiều phần trăm tùy vào sự quen biết hoặc sắp
xếp bằng tài chính.

Tôi thừa nhận rằng có nhiều cá nhân các em sinh viên tự xin việc và chứng minh
bằng chính năng lực các em có. Nhưng xin trích lời của một thầy hiệu phó một trường
đại học mà tôi đã có dịp nói chuyện. Khi được hỏi là tại sao chất lượng đào tạo đầu
ra của đại học thấp như vậy, thầy đã nói rằng: "Bởi khu vực nhà nước vẫn đang là nhà
tuyển dụng lớn, mà yêu cầu chất lượng đối với khu vực này chỉ cần đến thế thôi."

Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì đôi lúc lại kêu trời là sinh viên ra trường
không viết làm việc, rằng họ phải đào tạo lại từ đầu.

Giáo dục là cả một quá trình. Nếu bản thân quá trình đó không thống nhất, kiểu
"chặn gốc thả ngọn" như hiện nay, thì chắc sẽ có không ít thế hệ trẻ em Việt Nam nữa
sẽ bị ảnh hưởng.

  • Hồng Vũ (Gửi từ Mỹ)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/104673/giao-duc-bo-kieu--chan-goc-tha-ngon--.html

Comments