Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Khoa học Việt Nam kẹt trong phi chuẩn mực, tư duy ăn xổi

Posted: 07 Jan 2013 04:24 PM PST

Từ chối chuẩn mực phổ quát trong nghiên cứu khoa học

 

Từ chối chuẩn mực phổ quát trong nghiên cứu khoa học

Ở nước ngoài, chức danh tiến sỹ khẳng định anh đã vượt qua những đòi hỏi gắt gao về học thuật để có thể bắt đầu theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học, hoặc giảng dạy đại học. Ở ta, thiếu tấm bằng tiến sỹ chẳng những không vênh vang được với thiên hạ mà không thể chen chân vào nhiều chức quan. Có nơi còn quy định 50% cán bộ thuộc thành ủy quản lý phải có bằng tiến sỹ (TuanVietnam.net, 29/10/2012).

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020 Việt Nam phải có sáu vạn tiến sỹ để đáp ứng quy mô mở rộng hệ thống đại học với 450 sinh viên trên một vạn dân, không cần biết hiện có bao nhiêu người hướng dẫn và phòng thí nghiệm đáp ứng yêu cầu.

Cách quy hoạch ngược đời này đang lạm phát ồ ạt bằng tiến sỹ, thực học không cần, chuẩn mực khoa học bị gạt bỏ, chưa kể bằng dởm, viết luận án thuê, đang tràn lan (ANTĐ, 28/10/2012).

Ở nước ngoài, giáo sư phải là người sáng tạo ra tri thức mới qua hàng loạt công trình được đồng nghiệp khắp nơi trên thế giới trích dẫn và sử dụng. Ở ta, trong Quy chế bổ nhiệm giáo sư mới sửa đổi gần đây để tiến gần hơn đến thông lệ quốc tế vẫn chưa có điểm sàn tối thiểu, chẳng hạn yêu cầu giáo sư phải có một vài bài báo quốc tế.

Giáo sư ở ta được tính điểm khoa học chủ yếu dựa trên 900 ấn phẩm nội địa, nhưng chưa có tạp chí nào trong số này, kể cả những tạp chí tiếng Anh, lọt vào Web of Knowledge của Thomson Reuter (ISI). Đây là cơ sở dữ liệu chứa những thông tin cơ bản về các công trình khoa học có phản biện quốc tế đăng trên một vạn tạp chí hàng đầu, bao quát mọi ngành khoa học, kỹ thuật, xã hội, nhân văn và nghệ thuật.

Tuy không đâu quy định chính thức, song ISI được giới khoa học khắp nơi xem như chuẩn mực, một bộ lọc bảo đảm chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học, qua đây khẳng định chỗ đứng của nhà khoa học trên mặt tiền thế giới.

Các tổ chức quốc tế cũng dựa vào số bài báo có phản biện quốc tế và số bằng sáng chế để xếp hạng đại học, trình độ khoa học và năng lực cạnh tranh của các quốc gia. Cách làm này chưa thể xem là tuyệt hảo, song tương tự như GDP, tuy còn khiếm khuyết vẫn được dùng làm thước đo sức mạnh của nền kinh tế. Cho nên né tránh các diễn đàn khoa học quốc tế chẳng khác nào vận động viên cấp quốc gia chê đấu trường Olympic.

Mãi gần đây, công bố quốc tế mới được dùng làm căn cứ để đánh giá các đề tài khoa học cơ bản. Nhưng công bố quốc tế lại không đòi hỏi đối với các nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật, xã hội, nhân văn chiếm hầu hết ngân sách và nguồn nhân lực khoa học của đất nước, lại có tác động trực tiếp đến quốc kế dân sinh.

Các ngành xã hội nhân văn chiếm ba phần tư số ấn phẩm khoa học nội địa hầu như không có mặt trên các tạp chí quốc tế. Các kết quả nghiên cứu này đúng sai đến đâu, rất khó biết. Trong nhiều thập kỷ gần đây diện mạo khoa học xã hội nhân văn trên thế giới đã thay đổi hoàn toàn nhờ có sự xâm nhập của toán học và các khoa học tự nhiên.

Nhiều hướng nghiên cứu đa ngành xuất hiện, khoa học tự nhiên và xã hội đan xen nhau, không thấy đâu phân chia riêng rẽ như ở ta. Khoa học xã hội nhân văn của ta đang lạc lõng khỏi thế giới.

Vì sao cho đến nay các diễn đàn khoa học quốc tế không được chấp nhận? Trong số các giáo sư được bổ nhiệm mấy năm gần đây chỉ những người làm Toán và Vật lý có 4-5 bài báo quốc tế trở lên, đa số những giáo sư nghiên cứu ứng dụng, kỹ thuật và xã hội, nhân văn chỉ công bố công trình trong nước.

Nhiều người trong số này lập luận rằng nghiên cứu ứng dụng cốt mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, cần gì những mục tiêu hàn lâm. Lập luận này phù hợp với quan điểm nhiều người trong giới quản lý và các cơ quan cấp kinh phí, nên có tác động đến chính sách.

Trên thực tế rất khó đánh giá một công trình nghiên cứu mang lại "lợi ích kinh tế thiết thực" bằng cách nào (xem phần sau). Vả lai, trong số hàng triệu công trình nghiên cứu hàng năm trên thế giới chỉ một số rất ít có tiềm năng trực tiếp tạo ra những ứng dụng nào đó.

Trong khi đó, nghiên cứu khoa học có sứ mạng tìm ra tri thức mới, mà cái mới lại rất dễ khẳng định qua bài báo có phản biện quốc tế. Những khám phá trong khoa học cơ bản là tri thức mới đã đành, những quy luật tự nhiên, xã hội ở Việt Nam mà thế giới chưa biết, những phiên bản ứng dụng có thêm phát hiện mới trong điều kiện cụ thể ở nước ta … vẫn cứ rất mới với thế giới, miễn là nhà khoa học phải am tường mọi kết quả nghiên cứu và phương pháp luận hiện đại nhất, từ đó tìm được chỗ đứng dành cho kết quả nghiên cứu của mình trên mặt tiền khoa học.

Cũng phải thừa nhận rất khó tìm được chỗ đứng trên mặt tiền khoa học nếu không có thiết bị nghiên cứu, phòng thí nghiệm và hạ tầng kỹ thuật hiện đại. Chính khó khăn này giải thích tại sao công bố quốc tế của Việt Nam nghiêng hẳn về Toán và các môn lý thuyết.

Số bài báo quốc tế về khoa học thực nghiệm, ứng dụng và kỹ thuật quá ít, không tương xứng với quy mô nhân lực và đầu tư, và ít hơn hẳn các nước xung quanh như Thái Lan, Malaysia.

Bước đột phá trong chiến lược KH-CN 2011-2020

Gần đây lãnh đạo Bộ KHCN đã tạo ra bước đột phá rất đáng mừng, chính thức khẳng định công bố quốc tế là thước đo năng lực nghiên cứu khoa học của đất nước. Chiến lược KH-CN 2011-2020 (sau đây gọi tắt là Chiến lược) nêu rõ mục tiêu (thứ hai) tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giớí.

Tăng số lượng công bố quốc tế 15-20%/năm là mục tiêu hoàn toàn khả thi, Ngay trong mười năm 2000-2009 chúng ta đã đạt tốc độ 15-16%/năm, ngang với Thái Lan và Malaysia, chỉ kém Trung Quốc (20%/năm), nhưng nhanh hơn Philippines và Indonesia (5,7%/năm).

Song số lượng công bố quốc tế chưa phản ảnh đầy đủ năng lực nghiên cứu và hiệu quả đầu tư cho khoa học của một quốc gia. Phân tích các công bố quốc tế của Việt Nam và 11 nước Đông Á cho thấy chất lượng các bài báo (dựa trên chỉ số trích dẫn trung bình) của Việt Nam còn thấp, nhiều ngành trực tiếp liên quan đến quốc kế dân sinh chưa có công bố quốc tế, và phần lớn đồng tác giả Việt Nam không đóng vai trò chính trong các công trình.

Số công trình do nội lực chỉ chiếm 30%, vào loại thấp nhất khu vực, so với 90% ở Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan (xem bài "A comparative study of research capability of East Asian countries and implication for Vietnam" đăng trên Higher Education, Vol. 60, trang 615-625, bản dịch tiếng Việt trên Tia Sáng, 22/06/2010).

Bước đột phá trong "Chiến lược" sẽ đưa chúng ta thoát khỏi tình trạng lạc lõng bấy lâu nay để sớm sánh vai với các nước, nhanh chóng tiếp cận mặt tiền khoa học. Song muốn đạt được các mục tiêu trong "Chiến lược" cần có những đột phá mới để khoa học Việt Nam khỏi bị mắc kẹt trong những tư duy, cơ chế và cơ cấu tổ chức bất cập hiện nay.

Hành chính hóa hoạt động nghiên cứu khoa học

Chỉ bám vào nguồn kinh phí duy nhất từ ngân sách nhà nước, lại thiếu chuẩn mực nghiêm túc, hoạt động nghiên cứu khoa học rơi vào tình trạng hành chính hóa, do các quan chức hành chính cầm cân nẩy mực.

Họ là những người chưa hề nghiên cứu khoa học, hoặc nếu xuất thân từ giới khoa học, họ sẽ ném ngay "hòn gạch gõ cửa" sau khi lọt vào chốn quan trường (Lỗ Tấn, Khổng Phu tử ở Trung Quốc đời nay, bản dịch Phan Khôi). Đối với nhiều người trong số họ, khoa học giờ đây chỉ còn là chiếc áo khoác bên ngoài, bên trong là danh, quyền và tiền, những cạm bẫy rất ít ai thoát khỏi.

Hành chính hóa nghiên cứu khoa học đặt ra luật chơi hành chính. Đề tài các cấp vận hành theo kiểu hợp đồng kinh tế như ra đầu bài, đấu thầu, tuyển chon, kiểm tra tiến độ v.v… Kinh phí được quyết toán dựa trên số ngày công khai báo cho từng thành viên tham gia, số trang dịch thuật, tiền thuê mướn nhân công, vật tư, hóa chất tiêu hao v.v…

Sản phẩm phải mục sở thị như quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn nhà nước, phần mềm, số cơ sở sử dụng các kết quả v.v…. Để được nghiệm thu lại phải có đầy đủ các chứng từ, hóa đơn thanh toán hợp "lệ". Chỉ có bài báo quốc tế là không đòi hỏi.

Bởi bài báo quốc tế yêu cầu cao hơn hẳn. Đó là phát hiện mới (new findings), tính độc đáo (originality), góp phần đẩy hướng nghiên cứu lên phía trước (significant advances in field) và phương pháp luận hiện đại (state – of – the art approach).

Không cần hội đồng đông người, chỉ một trong hai phản biện lắc đầu, bài báo sẽ bị từ chối. Rõ ràng từ đề tài được Bộ KH-CN nghiệm thu đến bài báo quốc tế được chấp nhận là một khoảng cách rất xa, đầy thách thức, nhiều người đành bỏ cuộc vì không còn kinh phí và thời gian, họ phải lao tiếp vào đề tài mới để tồn tại.

Song những đề tài, luận án nói trên lại được dùng làm căn cứ bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư. Theo Quy chế, giáo sư phải hướng dẫn chính ít nhất hai nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, chủ trì ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ hoặc đề tài cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên.

Các tân giáo sư sẽ được phân vai mới trong hệ thống hành chính, chủ trì các đề tài, dự án, chương trình nhà nước, có tiếng nói nặng cân hơn trong các hội đồng xét duyệt và nghiệm thu. Cuộc chơi trên sân nhà có thêm vai diễn mới, không thấy hồi kết.

Hành chính hóa nghiên cứu khoa học bộc lộ nhiều lỗ hổng làm nơi ẩn chứa cơ chế xin cho, ban phát, vốn là sản phẩm của thời bao cấp. Thời nay, mỗi đề tài, dự án cấp Bộ trở lên thường được cấp từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng, nên không còn ai ban phát vô tư nữa, kẻ cho người nhận đều phải biết hành xử theo "luật thị trường".

Có hội đồng khoa học để xét duyệt và nghiệm thu, nhưng hội đồng lại do chính bộ máy hành chính lập ra để dễ dàng hợp thức hóa các ý định của mình. Hội đồng chỉ bàn về học thuật không tham gia xét duyệt kinh phí cho đề tài, việc này thường được dàn xếp giữa người ban phát và người nhận. Tiếng nói chính trực thường là thiểu số và sẽ không có cơ hội trong các lần sau.

Dễ hiểu tại sao nạn gian dối - điều tối kỵ nhất trong khoa học – lại lên ngôi trong những năm gần đây. Khai gian, khai khống các khoản chi là chuyện thường tình. Mọi người đều gian dối nên không ai phải xấu hổ. Bịa số liệu, đạo văn, thuê viết luận án… ngày càng phổ biến.

Nhóm lợi ích hình thành qua các đề tài dự án, che chắn nhau rút ruột kinh phí nhà nước. Phi chuẩn mực và hành chính hóa làm cho môi trường học thuật ở nước ta ngày một tù mù, vàng thau lẫn lộn, nghiên cứu khoa học trở nên tùy tiện, đề tài nào, công trình nào cũng xem là nghiên cứu, hội thảo nào cũng có thể gán thêm mác khoa học. Báo chí và xã hội không phân biệt được thực và giả, nhà khoa học đích thực với những người khoác áo khoa học.

Từ môi trường học thuật này không thể xuất hiện đỉnh cao mà chỉ có số đông làng nhàng, thiếu chuyên nghiệp. Lao vào quan trường là con đường tiến thân độc đạo, số người theo đuổi học thuật đến cùng hiếm dần, thành phần ưu tú ngày càng vắng bóng trong lãnh đạo các viện nghiên cứu, trường đại học và ngay ở những cơ quan đầu não về KH-CN. Rất đông tài năng trẻ được đào tạo bài bản ở nước ngoài không tìm thấy đất dụng võ khi trở về nước. Thực trạng này liệu các nhà lãnh đạo có biết?

Không thành công trong nội địa hóa công nghệ

Nhà nước có chủ trương nội địa hóa công nghệ, nhưng thiếu quyết sách. Hàng điện tử và công nghệ cao là mũi nhọn xuất khẩu, dự kiến đến 2020 kim ngạch lên đến 45% để minh chứng cho mục tiêu công nghiệp hóa theo hướng hiện đại của đất nước. Riêng chín tháng đầu năm 2012 kim ngạch xuất khẩu lên đến 15 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch.

Song phần lớn là sản phẩm từ các doanh nghiệp nước ngoài, và đằng sau những con số ấn tượng trên là một sự thật ê chề: "trong mặt hàng này các doanh nghiệp Việt Nam nhập 100% linh kiện nước ngoài…, phần nội địa hóa chỉ là vỏ nhựa, thùng các tôn và xốp" (SGGP, 25/9/2012).

Về cơ khí, nội địa hóa công nghiệp ô tô trong hơn hai thập kỷ qua chỉ đạt vài phần trăm (Vneconomy, 03/07/2012), xem như thất bại. Công bằng mà nói, thành tích nội địa hóa công nghệ ấn tượng nhất chính là mấy con tàu trọng tải 50 nghìn tấn được VINASHIN cho hạ thủy và xuất khẩu. Nhưng VINASHIN vỡ nợ, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. Các học giả có dịp ném đá vào đống đổ nát mà ít ai quan tâm nhặt ra từ đó bài học nội địa hóa công nghệ thành công hay thất bại.

Có nhiều lợi thế hơn VINASHIN, nhưng TKV và EVN cũng không chịu nội địa hóa công nghệ. Theo Quyết định 167/2007/QĐ- TTg, hàng chục nhà máy chế biến alumina sẽ được xây dựng từ năm 2007 dến 2025 trên Tây Nguyên, nhưng không có từ ngữ nào nhắc đến lộ trình nội địa hóa công nghệ, trong khi Việt Nam sở hữu một tiềm năng bô xít lớn thứ năm thế giới.

Chính phủ cũng không yêu cầu TKV hứa hẹn đến bao giờ sẽ có công nghệ Việt Nam. Mẻ alumina đầu tiên đang chậm tiến độ hơn hai năm, và trên thực tế cả đại dự án bô xit đang gặp bế tắc, chính phủ phải rút quy mô chỉ còn hai nhà máy thí điểm. Một kết quả nhãn tiền, bởi không chỉ công nghệ, mà cả khoa học cũng đứng ngoài. Bao nhiêu bài toán kinh tế, kỹ thuật, môi trường, xã hội… chưa được nghiên cứu thấu đáo trước khi ra Quyết định.

Hàng chục nhà máy điện chạy than được EVN xây dựng trên khắp cả nước đều rơi vào tay nhà thầu nước ngoài. Không biết đến bao giờ mới thấy tua bin và máy phát điện do người Việt tự chế tạo. Trong khi đó, EVN đi tắt đến thẳng điện hạt nhân, đề xuất đưa vào vận hành hàng chục lò phản ứng từ 2020 đến 2030.

Nhiều ý kiến phản bác hoặc đề nghị đình hoãn kế hoạch mạo hiểm này sau khi xảy ra thảm họa Fukushima. Nhưng chúng đều lọt thỏm trong luồng dư luận phải làm điện hạt nhân mới có quốc phòng mạnh, mới có nước Việt Nam hiện đại vào năm 2020.

Thành ra hiện đại hay không là ở người tiêu dùng. Nói nôm na, với chiếc iphone 5S bên tay lái Mercedes ngày một phổ biến trên các xa lộ nước ta, người Việt cũng hiện đại không kém người Mỹ, người Đức. Đó là nhờ ta biết đi tắt đón đầu, đúng như lời một vị Bộ trưởng dõng dạc thuyết phục Quốc Hội trước đây ba năm: "xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam chính là phương án đi tắt đón đầu lên thẳng hiện đại".

Không có bằng sáng chế

Không có sản phẩm từ công nghệ Việt Nam, bằng sáng chế cũng không có nốt. Việt Nam hầu như không có bằng sáng chế đăng ký ở Mỹ (US Patent and Trademark Office, US PTO). Trong khi đó, năm 2011 Indonesia và Philippines sở hữu hàng chục bằng, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc còn nhiều hơn gấp bội.

Báo chí đổ lỗi cho 9000 giáo sư/ phó giáo sư (VietNamNet, 5/11/2012) khiến mọi người có dịp mang các vị ra đàm tiếu mà không biết rằng nghiên cứu khoa học khác nghiên cứu công nghệ. Sản phẩm nghiên cứu khoa học là tài sản chung cho mọi người cùng sử dụng, bằng sáng chế là bí quyết công nghệ của doanh nghiệp được bảo vệ và mua bán thông qua cơ quan đăng ký. Chính doanh nghiệp, chứ không phải tác giả, phải bỏ tiền ra để đăng ký bằng sáng chế và hưởng lợi từ việc mua bán nầy.

Đâu phải làm thơ, nhà khoa học lấy đâu ra bằng sáng chế khi doanh nghiệp không yêu cầu. Thiếu bằng sáng chế chứng tỏ trình độ quá thấp của nền công nghiệp nước nhà. Chúng ta chỉ du nhập công nghệ từ nước ngoài để sản xuất, mà không nội địa hóa để có công nghệ của mình. Nếu cần thay thế công nghệ, doanh nghiệp sẽ đi mua, hơn là đầu tư nghiên cứu.

Tư duy ăn xổi

Dù sao, thiếu bằng sáng chế cũng đặt ra dấu hỏi về tính thiết thực và hiệu quả của nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam hai thuật ngữ khoa học và công nghệ luôn gắn với nhau, thậm chí đồng nhất với nhau trong cùng một khái niệm như thị trường khoa học công nghệ, hội chợ khoa học công nghệ v.v…

Chính sự nhập nhằng này trong tư duy làm cho nghiên cứu công nghệ đích thực vẫn là bãi đất trống. Đây là hệ quả của tư duy ăn xổi, muốn nghiên cứu khoa học phải cho ra ngay sản phẩm trên thị trường.

Khoa học và công nghệ hỗ trợ lẫn nhau, nghiên cứu khoa học tạo ra mảnh đất cho công nghệ phát triển, và ngước lại. Tuy nhiên ngay trong số hàng triệu bài báo khoa học công bố hàng năm trên thế giới, rất ít công trình có tiềm năng tạo ra công nghệ hay dịch vụ.

Nếu có, còn phải trải qua nhiều khâu, đòi hỏi thời gian, công sức và kinh phí. Kết quả nghiên cứu phải được kiểm nghiệm và củng cố bằng nhiều nghiên cứu mới tiếp theo, bảo đảm chất lượng (QA), prototype, quy mô pilot, thử sai (trial by error) nhiều lần trước khi đưa ra ứng dụng.

Tư duy ăn xổi bỏ qua các khâu quan trọng này, nên nghiên cứu khoa học sinh ra những đứa trẻ đẻ non, chết yểu, làm thất thoát nguồn kinh phí lớn của nhà nước.

Bao nhiêu đề tài chế tạo thiết bị với tính năng "chẳng kém nước ngoài", nhưng chỉ là đơn chiếc mang trưng bày ở triển lãm, hội chợ, sau vài năm mất hút. Số trẻ đẻ non, chết yểu này nhiều lắm, cứ chọn ra một số đề tài, dự án lớn được Bộ KHCN nghiệm thu từ 5 đến 10 năm trước đây sẽ thấy ngay.

Tư duy ăn xổi không thể tạo ra những đỉnh cao khoa học, những hướng nghiên cứu mũi nhọn có thể sớm bứt phá lên mặt tiền khoa học thế giới. Các quan chức muốn thấy thành tích ngay trong nhiệm kỳ của mình, lại phải ban phát, rải đều quả thực cho mọi người, năm nay anh có đề tài, sang năm đến lượt anh khác, người làm khoa học giống như dân du canh, không chuyên sâu vào một hướng nhất định.

Trong khi đó, khoa học phát triển được nhờ tích lũy và kế thừa, công trình đẻ ra công trình, thành công lẫn thất bại trong công trình trước đều để lại dấu ấn trong các công trình sau. Biết tích lũy và kế thừa, tri thức sẽ tăng tốc theo cấp số nhân, được lưu lại trong đầu con người qua các thế hệ, trở thành một dạng chứng khoán (stock) của các doanh nghiệp, thành truyền thống của phòng thí nghiệm và hình hài của nền khoa học.

Qua cơ chế tích lũy và kế thừa, người tài mới xuất hiện, người khác đứng trên vai họ (stand on the shoulder of giants) để nhìn rõ chân trời phía trước. Nhờ đó các nhóm nghiên cứu mạnh được hình thành và phát triển, các thế hệ khoa học sinh ra và trưởng thành nối tiếp nhau.

Theo "Chiến lược", năm 2020 nước ta sẽ có 60 nhóm nghiên cứu mạnh. Hy vọng họ, và những người lãnh đạo của họ, sẽ làm nên hình hài nền khoa học nước nhà. Thế giới sẽ biết khoa học Việt Nam qua họ. Các thế hệ tương lai sẽ nhớ đến thế hệ hiện nay qua các công trình khoa học của họ.

Mấy bước đột phá thay lời kết

Chỉ cần cố gắng làm giống như các nước khác, KH-CN Việt Nam sẽ thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Nghiên cứu khoa học chỉ được xem là đích thực khi tìm ra tri thức mới. Những người cầm quân, như giáo sư, chỉ được bổ nhiệm khi có chỗ đứng nhất định trên mặt tiền khoa học.

Công bố quốc tế phải được dùng làm thước đo thay cho các chuẩn mực hành chính. Làm được những việc này sẽ tạo ra bước đột phá lớn đẩy lùi tệ nạn xin cho, ban phát và những tiêu cực trong môi trường học thuật hiện nay.

Sản phẩm nghiên cứu khoa học là đỉnh cao văn hóa, làm tăng vốn tri thức của đất nước, tác động đến chính sách và nâng cao mặt bằng dân trí, từ đó tạo nên sức mạnh tác động đến phát triển kinh tế xã hội. Trường đại học là nơi gánh vác tốt nhất sứ mạng này.

Từ trường đại học tri thức khoa học lan tỏa ra cộng đồng, do đó phải tạo điều kiện tốt nhất để sinh viên - những người lan tỏa tri thức - được tiếp thu tri thức mới trực tiếp từ những nhà khoa học có chỗ đứng trên mặt tiền khoa học.

Nghĩa là phải ưu tiên tập trung nghiên cứu khoa học về các trường đại học và xây dựng lên tại đây những nhóm nghiên cứu mạnh. Chúng ta đã bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội rồi, giờ đây không được chậm trễ nữa.

Nghiên cứu công nghệ khác với nghiên cứu khoa học và cần có chỗ đứng trong phát triển kinh tế. Nên cho qua đi niềm tự hào Việt Nam là nơi thu hút vốn FDI, ODA nhiều nhất, thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất…

Không thể mãi mãi làm người tiêu thụ mà phải bước lên bục cao hơn của những người tạo ra tiện ích cho xã hội. Con đường duy nhất là nội địa hóa công nghệ, sau đó tiến lên đổi mới để cạnh tranh.

Cho nên rất cần một quyết sách từ phía nhà nước, đừng để doanh nghiệp mãi chạy theo lợi nhuận trước mắt mà quên lợi ích lâu dài của dân tộc. Và sau quyết sách là tầm nhìn và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo KH-CN. Bởi tìm ra cách đi hợp lý trước trăm bề ngổn ngang hiện nay, thật không dễ chút nào.

_________________________________

*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến email: thaolam@dantri.com.vn

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/khoa-hoc-viet-nam-ket-trong-phi-chuan-muc-tu-duy-an-xoi-682132.htm

Thiếu kỹ năng, sinh viên mất nhiều cơ hội

Posted: 07 Jan 2013 04:23 PM PST

 

Do thiếu kỹ năng nên sinh viên (SV) Việt Nam đang đánh mất nhiều cơ hội. Nhiều tập đoàn, công ty có nhiều chương trình, hợp tác quốc tế dành cho nhân sự trẻ nhưng không tìm được người tham dự do cử nhân yếu kỹ năng, kém ngoại ngữ.

Sửng sốt nhất đã có những học bổng dành cho SV các trường ĐH nhưng không tìm đủ SV đáp ứng được các điều kiện để trao, chủ yếu do SV thiếu kỹ năng, định hướng bản thân… Thế nhưng thực tế hiện nay, SV vẫn còn coi nhẹ việc trau dồi kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn.

Nhiều SV chưa chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn. 

Tại chương trình "Làm thế nào để cân bằng giữa học tập và phát triển kĩ năng?" do tổ chứcsinh viên quốc tế (AIESEC) tại ĐH Ngoại thương TPHCM tổ chức vào ngày 6/1, bà Lê Thị Minh Hoa (chuyên viên của đài 1080) cho rằng phần đông SV chưa hiểu được tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng. Các bạn chỉ dừng ở mức biết trên lý thuyết chứ không biết cách biến thành kỹ năng thực tế.

Kể cả SV từng theo học các lớp kỹ năng mềm mà bà Hoa tham gia giảng dạy, nhiều SV cũng không biết lý do, mục tiêu mình theo học. Có SV bảo đi học chỉ vì nhà trường yêu cầu có chứng chỉ kỹ năng mềm để đảo bảo đầu ra, rất ít SV hiểu rằng kỹ năng cần thiết cho bản thân trong cuộc sống và công việc.

"SV năm nhất cho đến năm ba, các bạn đều gặp khó khăn trong việc thiệt lập lịch học hay viết một bản kế hoạch… Từng đó thời gian họ vẫn chỉ dừng lại ở chỗ biết, có kiến thức lý thuyết chứ không phát triển được thành kỹ năng để hành động. Chỉ khi hành động được lặp đi lặp lại thì kiến thức mới trở thành kỹ năng và kỹ năng cần phải rèn luyện", bà Hoa nhấn mạnh.

ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TPHCM) cho hay những năm ở giảng đường, nhiều SV chỉ cần biết học và học mà quên mất rằng đó còn là thời gian để mình rèn luyện kỹ năng nên các bạn tự đánh mất rất nhiều cơ hội.

SV có thể đến các lớp dạy kỹ năng để theo học nhưng theo ThS Khắc Hiếu, các bạn phải hiểu ở đó người ta chỉ cho mình cách thức, phương hướng chứ không đem đến sự thực tập. Chính SV phải đưa mình vào các hoạt động khác nhau như hoạt động xã hội ở trường lớp, ở CLB, làm lớp trưởng, tổ trưởng và đi làm thêm… Học kỹ năng bằng phải bằng cách sống thật vì chỉ khi thông qua các hoạt động thực tế mới hình thành kỹ năng.

Chuyên gia này cũng lưu ý, có 3 nhóm kỹ năng cơ bản là kỹ năng để áp dụng cho bản thân (khám phá bản thân và xác lập mục tiêu), kỹ năng dành cho công việc và kỹ năng để ứng dụng trong xã hội. Bên cạnh đó, mỗi người phải xác định được điều gì quan trọng, cần thiết với mình. SV trường Sư phạm sẽ chú trọng đến kỹ năng khác với SV trường Kinh tế, Ngoại thương… và còn tùy thuộc vào mục tiêu của mỗi người.

Nhiều SV chưa chú trọng đến việc rèn luyện kỹ năng bên cạnh kiến thức chuyên môn. 

Theo kết quả khảo sát SV từ các nguồn thông tin của các trường ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM và ĐH Nông lâm TPHCM cùng khảo sát của Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) với số lượng trên 25.000 SV, nhiều kết quả cho thấy SV còn coi nhẹ các kỹ năng.

Chỉ 10% SV cho rằng cần kỹ năng mềm và 7% SV cho rằng cần kỹ năng thực hành để được tuyển dụng và làm việc hiệu quả. Còn phần lớn (54%) SV cho rằng doanh nghiệp chỉ cần kiến thức chuyên môn.

Ngoài ra, ở nội dung khảo sát SV có nên tự trang bị kỹ năng hay không thì 11% SV cho là không cần thiết và 89% cho là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ khoảng 57% SV chia sẻ trang bị kỹ cần năng thông gia đoàn hội, học ngoại khóa, đi làm thêm, qua tài liệu…

Ông Trần Anh Tuấn – Phó giám đốc thường trực Falmi cho hay nhiều doanh nghiệp nói rằng, những ứng viên tìm việc với bằng cấp trường lớp và kinh nghệm cần thiết thời điểm này rất nhiều. Nhưng để tìm được ứng viên lý tưởng đáp ứng đủ các kỹ năng lại không hề dễ dàng.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thieu-ky-nang-sinh-vien-mat-nhieu-co-hoi-682320.htm

Thi theo phương thức “3 chung”, bổ sung một số điểm mới

Posted: 07 Jan 2013 04:23 PM PST

Sẽ giảm thời gian quy định xét tuyển

PGS-TS Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục Khảo thí Kiểm định chất lượng - Bộ GD-ĐT cho biết: "Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 về cơ bản giữ ổn định theo giải pháp "3 chung" như năm trước. Cụ thể là các chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng, chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia; Thí sinh ở 62 huyện nghèo được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo quy định. Một số vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ sẽ được hưởng chính sách ứu tiên riêng trong tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực".


Thí sinh dự thi đại học năm 2012.

Đối với các môn thi, bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn). Có nhiều câu để kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp 12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định về điều chỉnh nội dung môn học.

Để có thông tin đầy đủ, chính xác của các cơ sở giáo dục đại học trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 nhằm công bố công khai trên website của Bộ GD-ĐT và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, gia đình thí sinh trong việc chọn trường, ngành nghề đào tạo, Bộ GD-ĐT đề nghị các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng, các trường sĩ quan đào tạo trình độ đại học, cao đẳng đăng ký thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 như tên ngành, mã ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng. Khối thi hoặc khối xét tuyển tương ứng của từng ngành. Vùng tuyển sinh. Dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 (chỉ tiêu của từng ngành, tổng chỉ tiêu từng trình độ và tổng chỉ tiêu của trường). Phương thức tuyển sinh theo từng trình độ đào tạo (tổ chức thi hoặc không tổ chức);  Điều kiện tuyển sinh các ngành năng khiếu, môn thi năng khiếu, hệ số môn năng khiếu (nếu có); số chỗ trong ký túc xá; điểm xét tuyển chung toàn trường hoặc theo ngành, khối thi; mức học phí tính theo tháng (đối với các trường ngoài công lập), các chương trình đào tạo theo chương trình tiên tiến được Bộ cho phép…

Bộ đề nghị các trường gửi thông tin đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2013 về Bộ trước ngày 10/01/2013.

Hồng Hạnh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thi-theo-phuong-thuc-3-chung-bo-sung-mot-so-diem-moi-682173.htm

Cú sốc giáo dục: Học sinh chửi tục trong bài kiểm tra

Posted: 07 Jan 2013 04:22 PM PST

Vì thế, bài văn đã nhận điểm 0 cùng lời phê: "Cần xem lại đạo đức bản thân" của giáo viên.

Cô Đặng Nguyệt Anh – Giáo viên dạy văn trường chuyên Hà Nội – Asmterdam chia sẻ: “Là một giáo viên dạy văn đã 21 năm, dù may mắn được dạy học tại một ngôi trường danh tiếng – nơi hội tụ của rất nhiều học sinh giỏi được sinh ra từ vùng đất có truyền thống thanh lịch, văn minh, vậy mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy các em học sinh của mình nói tục ngay trong lớp học. Song, bài văn viết với những ngôn từ tục tĩu như thế này thì đây là lần đầu tiên tôi phải đọc.

Thật sự là tôi đã sốc và thấy thương cảm người bạn đồng nghiệp của tôi vì đã phải chấm và phê một “bài văn” như thế. Chắc chắn là tất cả các thầy cô dạy em H.L đều bị bất ngờ, buồn bực khi đọc bài văn này của L, nhưng đau lòng nhất hẳn là cô giáo dạy môn Ngữ văn lớp em L và bố mẹ của em ấy (nếu như họ đọc bài văn này và hiểu rõ lý do con trai mình bỗng trở nên nổi tiếng)”.

Cô Đặng Nguyệt Anh cho biết đã từng đọc, từng chấm điểm một số bài văn được cho là “bài văn lạ”. “Tôi cũng đã từng nêu các nguyên nhân tạo nên những bài văn lạ ấy: do ý tưởng sáng tạo và năng lực viết văn vượt trội của học sinh, do học sinh muốn gây sốc, tạo sự chú ý của dư luận hoặc do kiến thức, năng lực và phương pháp giảng dạy của giáo viên…Ở bài viết của H.L, sự “lạ” đâu phải do hiện tượng nói tục, chửi bậy đang tràn lan trong thế giới học đường tạo nên. Bởi L có thể viết về thực trạng đáng buồn ấy với một ngôn từ và giọng điệu hoàn toàn khác”, cô Nguyệt Anh nói.

Cũng theo cô Nguyệt Anh, có những cái mới lạ, độc đáo khiến người ta ngỡ ngàng, xúc động và thán phục; cũng có những cái lạ, cái độc khiến cho người ta giật mình, xót xa thậm chí là bi phẫn. “Tôi đã có đủ cả giật mình, xót xa và bi phẫn khi đọc bài văn của H.L. Nếu tôi là cô giáo của L, tôi sẽ không cho điểm bài văn này và sẽ viết vào đó: “Em hãy xem lại mình và làm lại bài này!”. Rất may là tối hôm qua, tôi vừa có được niềm vui, sự xúc động khi đọc “Bài viết cuối năm” của mấy em học sinh lớp 12 và lớp 8 mà tôi đang day. Chứ nếu không thì sau khi đọc bài văn của H.L, có thể tôi đã muốn bỏ nghề”, cô Nguyệt Anh nói.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cu-soc-giao-duc-Hoc-sinh-chui-tuc-trong-bai-kiem-tra/266188.gd

12 nhóm ngành nghề hút lao động năm 2013

Posted: 07 Jan 2013 04:22 PM PST

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa công
bố 12 nhóm ngành nghề "hấp dẫn" nhiều lao động (LĐ) năm 2013, chiếm hơn 91% tổng nhu
cầu rao tuyển 270.000 LĐ (bao gồm 140.000 chỗ làm việc mới).

Số liệu đưa ra từ kết quả khảo sát nhu cầu tuyển dụng LĐ tại khoảng 6.000 doanh
nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Các nhóm ngành thu hút lao động gồm marketing – kinh doanh – bán hàng; du lịch -
nhà hàng – khách sạn – dịch vụ – phục vụ; CNTT – điện tử – viễn thông; quản lý – hành
chính – giáo dục – đào tạo; dệt – may – da giày; tài chính – kế toán – kiểm toán -
đầu tư – bất động sản – chứng khoán; tư vấn – bảo hiểm; cơ khí – luyện kim – công
nghệ ôtô; hóa – y tế, chăm sóc sức khỏe; xây dựng – kiến trúc – giao thông vận tải;
điện – điện công nghiệp – điện lạnh; kho bãi – vật tư – xuất nhập khẩu.

Riêng KCX-KCN TP.HCM sẽ tập trung rao tuyển các ngành cơ khí, điện tử, CNTT, hóa -
dược – cao su, chế biến lương thực thực phẩm (khoảng 30.000 LĐ).

Trong năm 2013, chỉ tiêu cung ứng LĐ đạt trình độ ĐH trở lên chiếm 12,81%; CĐ -
trung cấp nghề chiếm 32,73%; sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật lành nghề (11,11%);
còn lại rơi vào các đối tượng LĐ chưa qua đào tạo (chiếm 43,35%).

Nhìn chung, thị trường LĐ 2013 phát triển song song với xu hướng doanh nghiệp nâng
cao chất lượng tuyển dụng LĐ, kết hợp khắc phục khó khăn chung của nền kinh tế. Do
vậy sự chuyển dịch cơ cấu trình độ tay nghề, cung – cầu LĐ dự báo còn tồn tại nhiều
nghịch lý và biến động, dẫn đến tình trạng nhiều LĐ thất nghiệp (hoặc mất việc làm)
trong khi doanh nghiệp muốn có đội ngũ LĐ có tay nghề và LĐ phổ thông lại không tìm
được.

Ước tính ngay trong quý I-2013, xu hướng tuyển dụng rơi vào các lĩnh vực dệt may,
da giày, chế biến thực phẩm, nhựa bao bì, xây dựng, cơ khí, điện tử… tăng cao nhưng
không nhiều so với các năm trước (vào cùng thời điểm), chiếm khoảng 43% nhu cầu lực
lượng LĐ phổ thông trên tổng số 65.000 chỗ làm việc trống vào đầu năm.

Tuy nhiên bắt đầu từ quý 2, 3-2013 trở đi, thị trường LĐ được dự báo đi vào ổn
định hơn. Theo đó, nhu cầu tuyển dụng trung bình cho mỗi quý đạt khoảng 70.000 LĐ.
Riêng quý 4-2013 dự ước có khoảng 30% nhu cầu việc làm bán thời gian, làm việc tại
nhà (thông qua các trang mạng điện tử hoặc tự tạo việc làm theo quy mô nhỏ…) trên
tổng nhu cầu 65.000 LĐ sẽ được tăng nhanh hơn so với năm 2012.

Thực tế từ các cuộc khảo sát cho thấy 50% học sinh – sinh viên đã qua đào tạo việc
làm có thể tìm được việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, 50% còn lại làm việc
trái ngành, thu nhập thấp, việc chưa thật sự ổn định và thường xuyên chuyển đổi công
việc.

Mặt khác, do tình trạng cơ cấu ngành nghề, trình độ nghề chuyên môn, nhân lực và
chính sách thu hút LĐ phân bổ không đồng đều, mất cân đối giữa các khu vực kinh tế
dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tại TP.HCM tăng cao (trung bình 5%/năm). Để khắc phục, các
nhà quản lý, doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác đồng bộ với cơ quan, tổ chức – xã
hội lập kế hoạch dự phòng, đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo và
thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng LĐ tương thích theo thực tế xã hội.

Ngoài ra, việc chú trọng hoàn thiện các hệ thống dự báo nhân lực, thông tin thị
trường LĐ, đầu tư phát triển quan hệ doanh nghiệp, định hướng tư vấn – giới thiệu
việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo… thông qua các quỹ tín dụng việc làm, quỹ
xóa đói giảm nghèo, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề cũng là điều thiết yếu. Cách làm này hỗ
trợ tích cực cho LĐ mất việc gặp hoàn cảnh khó khăn có thể tự tạo việc làm, trang
trải cuộc sống!.

(Theo Tuổi trẻ)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/104082/12-nhom-nganh-nghe-hut-lao-dong-nam-2013.html

Nhà như thời chiến vì con nghỉ học do rét

Posted: 07 Jan 2013 04:21 PM PST

- Sáng 7/1, do thời tiết xuống dưới 10 độ C, học sinh tại nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội tiếp tục được nghỉ. Việc nghỉ học đã gây khó cho không ít phụ huynh công chức.

 
Tập trung các cháu ở nhà ông bà nội, cắt cử người trông, nhốt con hay mang lên cơ quan ,…là một số cách làm của phụ huynh ở Hà Nội trước việc con được nghỉ nhiều ngày vì trời lạnh dưới 10 độ C.


 


Một số phụ huynh vì bận làm bù cho đợt nghỉ Tết dương lịch vẫn
mang con tới gửi ở nhà trường. Trong ảnh: Các học sinh Trường TH Dịch
Vọng B đang vui đùa tronglớp. (Ảnh: Văn Chung).

Chật vật xoay sở

Chị Minh, có con đang học lớp 2 Trường TH Đặng Trần Côn B (quận Thanh Xuân) cho biết: Theo lịch, sáng 7/1 cháu có tiết kiểm tra nên mẹ vẫn đưa con tới trường dù bản tin thời tiết báo dưới 10 độ C. Khá đông phụ huynh như chị phải đưa con về vì trường thông báo nghỉ. Nhiều người là công chức, văn phòng như chị lại cuống cuồng trở con về gửi người trông hộ.

Chị Thắm có con đang học lớp 3 ở Trường TH Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) cho biết: Từ buổi học ngày thứ Bảy (5/1) và sáng nay (7/1) con chị được nghỉ. Không chỉ chị
mà các anh em trong gia đình chị cũng tá hỏa vì con được nghỉ dài ngày. Mọi người họp mặt và quyết định mang các cháu tập trung gửi ở nhà ông bà nội.

Thức ăn chị và mọi người mua nhiều, làm và để sẵn trong tủ lạnh. Đến bữa ông bà chỉ làm nóng lại rồi để các cháu ăn. "Cũng mừng là các cháu đều ngoan nên ông bà không mệt. Chứ nếu nghịch quá chắc mình phải tìm người làm thuê trông hộ" – chị tâm sự.

Vợ chồng làm công chức, tổng thu nhập hàng tháng chỉ gần 10 triệu đồng nên ngay buổi sáng 5/1 vợ chồng chị Lan (nhà ở Cầu Giấy) có con đang học Trường TH Dịch Vọng B đã nhờ bà nội cháu ở quê xuống trông hộ.

Chị chia sẻ: "Dự báo thời tiết sẽ rét đậm, rét hại trong một tuần nữa. Vợ chồng mình cũng áy náy vì phiền bà nội tuổi cao xuống chăm con giúp. Nhưng không bà, chắc đồng lương còi của vợ chồng mình chỉ đủ trả để thuê người giúp việc".

Chị Thúy có con học ở Trường TH Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm) lại nghĩ ra phương án nhờ hàng xóm có người nhà đã nghỉ hưu trông giúp. Buổi trưa chị tranh thủ về sớm nấu cơm, mua ít quà bánh cho cả cháu nhà và hàng xóm.

Cô Thủy, hiệu phó Trường TH Trung Văn (huyện Từ Liêm) trấn an: "Các cháu được nghỉ nhưng phụ huynh nếu không có điều kiện gửi con ở nhà, nhà trường vẫn có giáo viên và bảo vệ trông giúp. Trường hoàn toàn không thu thêm khoản phí trông giữ nào".

Như… thời chiến

Chị Lan, nhà ở Long Biên có con đang học Trường TH 20/10 trên phố Thợ Nhuộm thở than: "Buổi sáng thứ Bảy (5/1) mình đưa con đến trường thì được nghỉ, lại phải đèo cháu về. Quãng đường hơn 20km, mẹ con đều vất".


Dự báo rét đậm, rét hại sẽ kéo dài trong 1 tuần tới. Con
được nghỉ học khiến nhiều phụ huynh lo lắng vì không có người chăm những
lúc bố mẹ đi làm. (Ảnh: Văn Chung)

Những ngày này nhà chị Lan như…thời chiến. Vợ chồng chị và người anh rể ở chung trong một mái nhà. Trời rét quá, ông bà nội đổ bệnh phải vào viện khám. 3 cháu nhỏ đang tuổi học tiểu học nên mọi người phải cắt cử nhau ở nhà trông.

Chị cho biết: "Sáng nay anh trai mình nghỉ, chiều đến lượt mình về cho anh đi làm. Mọi người phải xin nghỉ nửa ngày lo nhiệm vụ chăm con, cháu".

Vất vả hơn, chị Bình có con học lớp 2 Trường TH Quang Trung (quận Hoàn Kiếm) phải mang con lên cơ quan vì đường về nhà quá xa và ở nhà không có ai chăm cháu.

Chị Hiền có con đang học lớp 5, Trường TH Phú Thượng (quận Tây Hồ) thậm chí đành phải chọn cách nhốt con ở nhà. Cơm nước chị chuẩn bị sẵn, để trong tủ lạnh. Cứ 30 phút chị lại gọi về hỏi thăm tình hình con.

Mong dự báo sớm hơn

Chị Đặng Thu Huyền, nhà ở ngõ 178, đường Hoàng Hoa Thám và số phụ huynh cho rằng việc xem dự báo thời tiết lúc 6h15 cũng khiến họ bối rối, có lúc đãng trí quên xem. Có ngày xem xong, nếu nhiệt độ cao họ phải đưa con đi học. Con thì muộn giờ học, mẹ lại trễ giờ làm.

"Theo tôi Sở GD-ĐT nên phối hợp cùng Trung tâm Dự báo KTTV và VTV thông báo sớm cho phụ huynh từ tối hôm trước để chúng tôi chủ động sắp xếp công việc"- chị Trần Thị Thiêm, nhà ở ngõ Quỳnh, phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) nêu ý kiến.

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/104130/nha-nhu-thoi-chien-vi-con-nghi-hoc-do-ret.html

Comments