Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nỗi niềm của nhà giáo

Posted: 31 Dec 2012 05:10 PM PST

- Trong khi mọi thứ là khuôn khổ, từ bài học từ trường sư phạm cho đến bài
dạy quy định từ chương trình SGK, cách đánh giá chuyên môn của các cấp.
Họ sáng tạo để làm gì? Khi mọi thứ chỉ là hình thức thi đua mà tiền
thưởng không có gì hấp dẫn.

Ảnh Lao động

Trước khi nói đội ngũ giáo viên mặc kệ học trò và… nguy hại, chúng ta thấy các bậc làm cha mẹ đã mặc kệ con cái của mình, chỉ thích nghe lời khen, không thích nghe góp ý hay tâm sự. Bản thân họ chưa trưởng thành dù tuổi đời đã nhiều, con cái đã lớn…

Xã hội nước ta cũng không có chuẩn nào để đánh giá cho người đã trưởng thành, thì làm thế nào để hướng dẫn trẻ em. Nhà giáo cũng là những người trong xã hội đó, thì họ không phải là vô cảm, mà là sự thích nghi, hay cũng là một trong số những bậc cha mẹ trong các nhà trường như chúng ta đã nói. Trong thời gian dài từ hơn 20 năm trở lại thì số lượng giáo viên được đào tạo từ một nền giáo dục như vậy thì những bất cập đã được tích lũy là không ít.

Họ làm gì để sáng tạo? Trong khi mọi thứ là khuôn khổ, từ bài học từ trường sư phạm cho đến bài dạy quy định từ chương trình SGK, cách đánh giá chuyên môn của các cấp. Họ sáng tạo để làm gì? Khi mọi thứ chỉ là hình thức thi đua mà tiền thưởng không có gì hấp dẫn.

Quyền của nhà giáo thì phụ thuộc vào kỹ năng và thế đứng của họ trong xã hội, nhưng nó không phải là để phục vụ cho việc giáo dục trẻ em.

Xã hội đòi hỏi ở giáo viên càng nhiều thì nhận lại được sẽ càng ít. Để làm một giáo viên tốt chỉ cần là người có tâm, yêu quý trẻ em sẽ hiểu chúng cần gì và làm như thế nào?

Tôi đã từng đọc qua nội dung Luật giáo dục của Phần Lan – quốc gia được xem là có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, họ đâu có nói dài, nói nhiều như chúng ta mà họ đã làm tất cả vì thế hệ tương lai của con em mình.

Cho các em thấy đâu là ước mơ, ý tưởng, hiểu được giá trị của cái đẹp, được sống vui vẻ dù là ở nhà hay ở trường là nền tảng cho một đứa trẻ lớn lên bình thường, những trải nghiệm đời thường giúp các em hiểu được giá trị của bản thân.

Giáo dục lòng trung thực, nhưng ngay cả giáo viên còn không nói thật thì học sinh còn tin ai? Thật giả ngày càng không phân biệt được, làm cho giới trẻ lớn lên trong nghi ngờ, những toan tính của người lớn đã sớm định hình cho con mình ỷ thế, cậy quyền của cha mẹ. Giáo viên không thể dạy một bài học hoàn chỉnh trên lớp. Tiền lương không giúp họ an tâm trong cuộc sống, sự sáng tạo của họ chúng ta lấy gì để đánh giá?

Mặt khác, giáo viên là một nghề như bao nghề khác trong xã hội, đội ngũ giáo viên phần lớn vẫn là những người có trách nhiệm với vai trò của mình, sẵn sàng chịu thiệt về vật chất, tinh thần, những búa rìu của dư luận, những xung đột hàng ngày với đủ lớp người trong xã hội.

Nhưng họ luôn cố gắng sống tốt, làm tốt công việc của mình đã là điều quý. Còn việc muốn thay đổi, muốn nâng cao chất lượng thì đòi hỏi một cuộc cách mạng cho toàn xã hội. Điều này sẽ rất phức tạp, chậm chạp….

Trước khi có sự thay thế tốt hơn, chúng tôi – đội ngũ nhà giáo sẽ âm thầm lao động và cống hiến hết sức mình, những người thầy tốt vẫn còn mãi đâu đó trong lòng học sinh, sẽ là ngọn lửa không bao giờ tắt…

  • Cao Thanh Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/102511/noi-niem-cua-nha-giao.html

Quy định mới đào tạo tín chỉ: Điều kiện để sinh viên được học 2 trường

Posted: 31 Dec 2012 05:10 PM PST

Cụ thể hơn, sau khi đã kết thúc học kỳ thứ nhất năm học đầu tiên của chương trình thứ nhất và sinh viên không thuộc diện xếp hạng học lực yếu. Trong quá trình sinh viên học cùng lúc hai chương trình, nếu điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 2,00 thì phải dừng học thêm chương trình thứ hai ở học kỳ tiếp theo. Thời gian tối đa được phép học đối với sinh viên học cùng lúc hai chương trình là thời gian tối đa quy định cho chương trình thứ nhất.

Khi học chương trình thứ hai, sinh viên được bảo lưu điểm của những học phần có nội dung và khối lượng kiến thức tương đương có trong chương trình thứ nhất. Sinh viên chỉ được xét tốt nghiệp chương trình thứ hai, nếu có đủ điều kiện tốt nghiệp ở chương trình thứ nhất.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định về số lượng tín chỉ ở từng bậc học. Theo đó, ở bậc đại học 6 năm, khối lượng của mỗi chương trình không dưới 180 tín chỉ, với khóa đại học 5 năm không dưới 150 tín chỉ, khóa đại học 4 năm không dưới 120 tín chỉ, khóa cao đẳng 3 năm không dưới 60 tín chỉ. Khối lượng tín chỉ tùy theo bậc học do Hiệu trưởng ban hành.


Ảnh minh họa Internet

Thông tư cũng nêu rõ, chương trình đào tạo cần thể hiện rõ: trình độ đào tạo; đối tượng đào tạo, điều kiện nhập học và điều kiện tốt nghiệp; mục tiêu đào tạo, chuẩn kiến thức, kỹ năng của người học khi tốt nghiệp; khối lượng kiến thức lý thuyết, thực hành, thực tập; kế hoạch đào tạo theo thời gian thiết kế; phương pháp và hình thức đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập; các điều kiện thực hiện chương trình.

Trong Quy định mới về đào tạo theo tín chỉ, sau mỗi học kỳ, căn cứ vào khối lượng kiến thức tích lũy, sinh viên được xếp hạng năm đào tạo: sinh viên năm thứ nhất, sinh viên năm thứ hai, sinh viên năm thứ ba, sinh viên năm thứ tư, sinh viên năm thứ năm, sinh viên năm thứ sáu. Tuỳ thuộc khối lượng của từng chương trình quy định, Hiệu trưởng quy định cụ thể giới hạn khối lượng kiến thức để chuyển xếp hạng năm đào tạo.

Trong Thông tư do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký nói rõ, điều kiện để cảnh báo về kết quả học tập, buộc thôi học đối với sinh viên ở những trường hợp sau: Điểm trung bình chung tích luỹ đạt dưới 1,20 đối với sinh viên năm thứ nhất, dưới 1,40 đối với sinh viên năm thứ hai, dưới 1,60 đối với sinh viên năm thứ ba hoặc dưới 1,80 đối với sinh viên các năm tiếp theo và cuối khoá. Điểm trung bình chung học kỳ đạt dưới 0,80 đối với học kỳ đầu của khóa học, dưới 1,00 đối với các học kỳ tiếp theo. Tổng số tín chỉ của các học phần bị điểm F còn tồn đọng tính từ đầu khoá học đến thời điểm xét vượt quá 24 tín chỉ.

Buộc thôi học đối với sinh viên: Có số lần cảnh báo kết quả học tập vượt quá giới hạn theo quy định của Hiệu trưởng. Vượt quá thời gian tối đa được phép học tại trường. Bị kỷ luật lần thứ hai vì lý do đi thi hộ hoặc nhờ người thi hộ theo quy định.

Cách tính thời gian làm việc của giảng viên, thông tư cho biết, Hiệu trưởng quy định việc tính số giờ giảng dạy của giảng viên cho các học phần trên cơ sở số giờ giảng dạy trên lớp, số giờ thực hành, thực tập, số giờ chuẩn bị khối lượng tự học cho sinh viên, đánh giá kết quả tự học của sinh viên và số giờ tiếp xúc sinh viên ngoài giờ lên lớp.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Quy-dinh-moi-dao-tao-tin-chi-Dieu-kien-de-sinh-vien-duoc-hoc-2-truong/264456.gd

Nghiên cứu sinh tuổi đôi mươi

Posted: 31 Dec 2012 05:10 PM PST

Trong kỳ tuyển sinh NCS năm 2010, trường có 60 NCS được công nhận và chỉ có duy nhất một người 29 tuổi là trẻ nhất. Trong số 58 NCS được công nhận năm 2011, người trẻ nhất là 27 tuổi và các NCS còn lại phần lớn có độ tuổi 35-50. Còn năm nay, trong 79 NCS có đến 16 NCS có độ tuổi 24-32.

 


Nghiên cứu sinh tuổi đôi mươi

 

Dự tuyển sau khi có giấy tốt nghiệp ĐH tạm thời

 

 

Đặc biệt, trong số NCS của Trường ĐH Y dược TP.HCM được công nhận năm nay có dược sĩ Ngô Triều Dủ sinh năm 1988, NCS ngành hóa dược. Ngô Triều Dủ trở thành NCS trẻ nhất khóa 2012 và là một trong những NCS khối y dược trẻ nhất của trường từ trước đến nay.

 

Ngô Triều Dủ là sinh viên khoa dược Trường ĐH Y dược TP.HCM khóa 2006-2011. Năm ngoái, Dủ tốt nghiệp ĐH với điểm trung bình toàn khóa 8,29 xếp loại giỏi. Với kết quả đó, cùng với chứng chỉ ngoại ngữ toefl 547 điểm trong tay, Dủ nộp hồ sơ dự tuyển NCS ngay khi mới có giấy chứng nhận tốt nghiệp ĐH tạm thời. Bên cạnh đó, Ngô Triều Dủ còn có hai bài báo đăng trên tạp chí y học của ĐH Y dược TP.HCM. Trong thư giới thiệu thí sinh dự tuyển NCS, Ngô Triều Dủ được PGS.TS Phạm Đình Luyến và TS Trần Thành Đạo (ĐH Y dược TP.HCM) đánh giá: "Thí sinh có năng lực hoạt động chuyên môn cao, đam mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là khả năng tư duy sáng tạo".

 

Trong khi đó, bác sĩ Trà Anh Duy sinh năm 1984 (hiện công tác tại Bệnh viện Bình Dân) là NCS y khoa trẻ nhất năm nay tại trường. Anh Duy tốt nghiệp bác sĩ loại khá năm 2007 và tiếp tục học bác sĩ nội trú khóa 2007-2010. Đề tài luận văn "Vai trò của phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể trong điều trị sỏi niệu quản đoạn lưng" của Anh Duy đạt 9 điểm. Sau đó Anh Duy tốt nghiệp bác sĩ nội trú với kết quả 8,22 điểm, xếp loại giỏi. Trong quá trình công tác, Anh Duy đã tích cực nghiên cứu và là đồng tác giả của hai bài báo khoa học đăng trên tạp chí Y Học TP.HCM. PGS Nguyễn Tuấn Vinh (Bệnh viện Bình Dân) nhận xét: "Bác sĩ Trà Anh Duy có khả năng chuyên môn vững vàng và nghiên cứu khoa học bài bản".

 

Đầu vào đã phù hợp hơn

 

 

Còn PGS.TS Châu Ngọc Hoa – phó hiệu trưởng nhà trường – cho rằng những sửa đổi trong Quy chế đào tạo trình độ TS hiện nay của Bộ GD-ĐT đã hợp lý hơn trước, điều kiện bài báo hiện không còn là "quy định cứng" đối với thí sinh dự tuyển NCS, nhưng vẫn là tiêu chí quan trọng trong xét tuyển của nhà trường. Vì vậy, những thí sinh có bài báo khoa học vẫn có nhiều lợi thế hơn. "Sinh viên y có điểm tổng kết loại khá giỏi được làm tiểu luận tốt nghiệp, đây là cơ hội để sinh viên cọ xát, bắt đầu tiếp cận nghiên cứu khoa học sau này… Đồng thời trong quá trình học phải tích cực tham gia phụ thầy cô thực hiện các công trình nghiên cứu"- PGS Hoa chia sẻ.

 

Tự tìm hướng nghiên cứu khi còn là sinh viên

 

 

Trong khi đó, bác sĩ Lê Khắc Bảo, hiện là NCS khoa nội khóa 2008 Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho rằng cơ hội học tập cho người trẻ hiện có rất nhiều từ nhà trường, bệnh viện, các đối tác trong hợp tác quốc tế của nhà trường… vấn đề là phải biết cách tiếp cận cơ hội đó. Muốn nắm bắt cơ hội này đòi hỏi sinh viên y khoa không chỉ học giỏi mà phải có ngoại ngữ giỏi và kỹ năng giao tiếp tốt.

 

Bác sĩ Bảo chia sẻ: "Trở thành NCS lĩnh vực y khoa khi ở độ tuổi trẻ sẽ có nhiều thuận lợi, với sức trẻ có thể chịu được nhiều áp lực khó khăn trong quá trình nghiên cứu, không nản chí khi thất bại. Người trẻ cũng năng động hơn trong việc tìm kiếm thông tin phục vụ quá trình nghiên cứu. Tuy nhiên do chưa có trải nghiệm thực tế cũng là một trở ngại cho các NCS trẻ".

 

"Từ năm 3, 4 sinh viên y khoa đã có thể tự tìm ý tưởng và hình thành đề cương nghiên cứu. Nếu thực hiện sớm các bạn sẽ có nhiều thuận lợi cho quá trình nghiên cứu sau này. Tuy nhiên không phải sinh viên y khoa nào cũng phù hợp để trở thành NCS. Muốn trở thành TS y khoa đòi hỏi phải say mê nghiên cứu và chịu khó" – bác sĩ Hải nói.

 

 

Theo Trần Huỳnh

 

Tuổi Trẻ

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nghien-cuu-sinh-tuoi-doi-muoi-680097.htm

Nông dân nghèo ‘mơ’ về giáo dục 2013

Posted: 31 Dec 2012 05:10 PM PST

- Với nhiều bậc cha mẹ nông dân, học là phương cách duy nhất cho con cái họ đổi đời. Họ có thể nghèo, có thể thất học, nhưng họ tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh của tri thức, của sự học. Họ cũng giữ cho mình những mong mỏi, mơ ước vào sự đổi thay tốt đẹp hơn của nền giáo dục nước nhà trong năm tới.

Mong nghề giáo "đỡ bấp bênh"

Mùa khai trường năm 2012, gia đình anh Nguyễn Văn Hiền (Việt Yên – Bắc Giang)– đón một niềm vui lớn: Con gái anh thi đỗ khoa Sư phạm Văn – ĐHQG Hà Nội. Cô bé cũng là sỹ tử duy nhất của làng anh đi thi ĐH và đỗ đạt.

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thỏa trong dịp đưa con gái lên Hà Nội dự thi Đại học – tháng 7/2012

Niềm vui thật lớn, nhưng nỗi lo cũng thật đầy đối với gia đình anh Hiền – một gia đình thuần nông, đông con. Để có thể trang trải cho con gái đi học ĐH, vợ chồng anh cũng phải "gánh còng lưng": Vợ anh hiền hiện làm giúp việc ở Hà Nội để có tiền trang trải tiền học, tiền ăn ở cho con và gửi về nhà. Còn anh làm ruộng ở quê, thi thoảng lại chở gạo, chở rau lên trường "tiếp tế" cho con gái.

"Vất vả, nhưng tôi vẫn động viên con liên tục, đã xác định đi học là phải theo đuổi đến cùng" là tâm sự đau đáu của người cha nông dân, mong con mình học hành đến nơi đến chốn. Điều anh Hiền lo lắng nhất đó là cái "tiếng" bấp bênh của nghề giáo mà con anh đã chọn.

"Học sư phạm, đỡ một phần học phí, nhưng tôi lo thêm trăm phần lúc con ra trường" – anh Hiền nói.

Anh bảo, cứ nhìn "gương" nhiều cô giáo trẻ mới ra trường không xin được việc, lao đao xin dạy hợp đồng cũng chẳng xong, anh cũng xót xa nghĩ chẳng may con gái mình sau này cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự thì biết làm sao?

"Nên tôi mong vài năm tới, nghề giáo đỡ bấp bênh, học sư phạm ra dễ xin việc hơn, đồng lương giáo viên cao hơn, thì con mình không phải khổ, không phải hối hận vì đã đi theo cái nghề mà cháu yêu thích. Mong sao, nhà nước có chính sách thế nào để mỗi người mỗi ngành, mỗi nghề, không để xảy ra cảnh đổ xô đi học ngành này rồi mai sau ra lại không xin được việc, học xong rồi để đấy…" – anh Hiền bày tỏ.

Ước không còn cảnh bán đất, bán ruộng… "chạy việc" cho con

Đó là mong ước rất giản dị nhưng cũng đầy thống thiết của một người cha – anh Nguyễn Văn Thỏa (Mê Linh, Hà Nội)-  người nông dân có con gái thi đỗ ĐH kỳ thi tuyển sinh 2012 vừa qua.

Một người đi thi, cả họ đứng đằng sau – anh Thỏa rất vui khi hai lần đưa hai con đi thi ĐH là hai lần anh nhận được tin các con đỗ ĐH điểm cao, hai lần họ nhà anh được vui vẻ tự hào, vợ chồng anh được rạng rỡ.

Năm nay, thêm một đứa lên thành phố học, tuy gánh nặng kinh tế đổ lên vai anh thêm nhiều phần nhưng anh Thỏa không hề nao núng. Bởi "tôi hài lòng vì gia đình mình tuy hoàn cảnh khó khăn nhưng các con đã cố gắng vượt lên, thi đỗ ĐH". Điều anh lo lắng là tương lai của các con khi ra trường.

"Ở quê tôi hầu hết các gia đình đều cho con đi học đại học, cao đẳng, không bố mẹ nào muốn để con ở nhà, bỏ học. Nhưng đến khi con ra trường, họ lại đôn đáo lo khoản "xin việc" vô cùng tốn kém" – anh cho biết.

Theo lời anh, có gia đình được đền bù đất đai cả trăm triệu cũng "đập" hết vào chạy việc cho con. Nhà không có tiền thì phải đi vay lãi, thậm chí cắt đất, cắt ruộng… để lo, không lo không được.

"Mong rằng những năm tới nền giáo dục nước nhà ngày càng phát triển và bình đẳng sao cho con em những gia đình nông dân, không có tiền, không có quyền như chúng tôi có thể học thật, thi thật, có kiến thức thật và quan trọng là ra trường sẽ có việc làm thật" – anh chia sẻ kỳ vọng vào nền giáo dục.

Ngoài ra, anh cũng mong ước trong tương lai gần, nhà nước sẽ có những chính sách thay đổi, cải cách trong việc học và thi, sao cho gia đình không còn phải quá hao tiền, tốn của trong những kỳ thi ĐH như anh từng 2 lần cùng các con "chiến đấu".

  • Quỳnh Anh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/103069/nong-dan-ngheo---mo---ve-giao-duc-2013.html

Nữ sinh nghèo mồ côi cha học giỏi toàn diện

Posted: 31 Dec 2012 05:09 PM PST

Đó là hoàn cảnh éo le của em Bùi Thị Thảo ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cô bé học sinh lớp 7B, Trường THCS Gio Hải ấy là con út trong gia đình thuộc diện hộ nghèo nhất nhì của xã.

 

 

Được nhà trường giới thiệu, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của em vào một chiều mùa đông giá rét, khi em vừa cùng mẹ ra biển nhặt ve chai trở về. Ngồi trong ngôi nhà nhỏ, đơn sơ nhìn em run rẩy trong bộ áo quần xạch xoạc, cũ kỷ, đôi chân trần, không áo ấm khiến chúng tôi không khỏi xót lòng. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi mà hai hàm răng của em cứ va vào nhau từng đợt vì rét.

 

 

Em tâm sự với chúng tôi, Thảo kể khi em mới được vài tuần tuổi, thì trong một lần ra khơi đánh cá, do sóng to, gió lớn đã đánh chìm tàu cá, bố em đã từ giã cõi đời bỏ lại vợ và con thơ không nghề nghiệp, không nhà cửa.

 

 

Em Bùi Thị Thảo bên góc học tập.

 

 

Em Bùi Thị Thảo bên góc học tập.

 

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình, mấy anh em Thảo ai cũng học giỏi chăm ngoan để làm vui lòng mẹ em. Anh trai đầu của Thảo đang học Cao đẳng Giao thông Vận tải Đà Nẵng, hai anh trai tiếp theo của Thảo đều đang học cấp ba. Còn Thảo một buổi tới trường, một buổi em làm đủ việc, từ việc nhà cho đến việc đi làm thuê, nhặt ve chai… để có thêm chút tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Không có tiền mua sắm sách vở như các bạn cùng trang lứa, em góp nhặt từng cuốn sách từ các tập sách cũ mà mẹ em mua về để làm tài liệu tham khảo và học tập. Không có điều kiện học thêm như các bạn trang lứa, em cố gắng học hỏi từ các thầy cô, anh chị đi trước, tham khảo thư viện trường.

 

 

Nhờ nghị lực vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn, côi cút, 7 năm qua Thảo liên tục là HS giỏi toàn diện. Năm nào em cũng đạt điểm tổng kết trên 8,0, trong đó môn Toán và môn Tiếng Anh em đều học rất giỏi và điểm tổng kết năm nào cũng trên 8,5. Đặc biệt trong năm học vừa rồi, Thảo giành giải Ba cấp huyện môn Olympic Tiếng Anh và giải Nhì cấp huyện môn Toán.

 

 

Trước những thành tích trên, Thảo liên tục nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Khuyến học thôn, xã, và huyện. Đặc biệt, em nhận được nhiều suất học bổng của Hội Khuyến học huyện, của xã và nhiều nhà hảo tâm dành cho HS nghèo vượt khó học giỏi trong toàn huyện.

 

 

Khi được hỏi về bí quyết giúp em đạt được kết quả cao trong học tập, Thảo cho biết: "Em học rất đơn giản, biết học và chơi đúng lúc. Đối với những môn tự nhiên trước hết là nắm vững công thức, thường xuyên làm bài tập nhiều sẽ quen, sau đó tập làm những bài có độ khó tăng dần. Đối với các môn như Tiếng Anh cần học thuộc ngữa pháp và từ vựng, cần chăm viết từ vựng thì lúc đó sẽ ngày càng tiến bộ".

 

 


Những giấy khen của Thảo.

 

Còn thầy Phan Văn Quốc Tuấn – GV chủ nhiệm của em tâm sự: "Mặc dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, vất vả nhưng Thảo đã biết vượt lên hoàn cảnh để học giỏi. Em đúng là một tấm gương sáng về tinh thần vượt khó học tập của trường và của toàn xã, em xứng đáng để các bạn noi theo".

 

 

Khi nói về ước mơ, Thảo cho biết: "Nhà em nghèo quá không biết mẹ em có nuôi nổi 4 anh em học hết đại học không, nhưng dù có thế nào đi nữa, em sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một cô giáo để truyền đạt tri thức cho các em nhỏ. Đây là một nghề mà em đã mong ước từ lâu".

 

 

Trần Văn Toàn

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nu-sinh-ngheo-mo-coi-cha-hoc-gioi-toan-dien-680103.htm

50 năm sau, thạc sĩ nhiều hơn cả… côn trùng!

Posted: 31 Dec 2012 05:09 PM PST

Những câu chuyện của sinh viên trong trận chung kết SV 2012, được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, khiến người ta nghĩ đến một Việt Nam trong hiện tại đầy những vấn đề cần giải quyết. Trong đó, không phải ngẫu nhiên mà vấn đề chất lượng đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ trở thành mối quan tâm hàng đầu của sinh viên.

Cứ 3 người, có 1 người là thạc sĩ

Ở phần thi “Bản tin sinh viên”, có một sự trùng hợp khi cả hai đội Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Xây dựng Hà Nội đều mang đến một kịch bản về viễn cảnh Việt Nam 50 năm sau trở thành nơi dân trí cao nhất vũ trụ khi thạc sĩ, tiến sĩ đông hơn cả côn trùng.


Viễn cảnh Việt Nam sau 50 năm do Trường ĐH Xây dựng Hà Nội vẽ lên

Nhận xét về phần thi này, nhà báo Lại Văn Sâm cũng ước mong thạc sĩ, tiến sĩ trong tương lai là những người chân chính để không đưa con người vào thảm họa.

Còn trong cách hình dung của sinh viên Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, Việt Nam năm 2062 là nước có dân trí cao nhất vũ trụ vì hoàn thành xuất sắc phổ cập giáo dục đại học và có số thạc sĩ đông nhất vũ trụ. Bản tin còn đưa ra thông tin “thống kê”, cứ 3 người có 1 người là thạc sĩ.

Bản tin giáo dục đầy tính chất châm biếm khi kết thúc với câu nói: "Làm thạc sĩ là không phải nghĩ, không bao giờ phải nghĩ".

Y tế, giao thông, thủy điện… đều đáng lo

Mặc dù những bản tin của sinh viên đề cập đến Việt Nam sau 50 năm, nhưng những vấn đề họ đưa ra đều cho thấy một Việt Nam không quá xa xôi, một Việt Nam rất gần với những vấn đề đáng lo ngại ở thì hiện tại.

Những câu chuyện đầy ngụ ý về nhiều lĩnh vực trong tương lai được coi là "rác xã hội, tội tương lai".

Các kỹ sư xây dựng cũng đưa ra giải pháp mì ăn liền khi đưa ra mô hình xây dựng nhà cửa theo kiến trúc Chùa Một Cột, nhỏ ở chân, phình to trên ngọn khi nhà được xây từ nóc.

Ở lĩnh vực y tế, Trường ĐH Đà Nẵng lại đưa đến hình ảnh Việt Nam sau 50 năm chất độc trong phân người tăng 400%, làm ảnh hưởng đến bữa ăn của tiến sĩ Bọ Hung.

Bức tranh thảm cảnh hơn của các loại côn trùng khi loài gián ráo riết tập bơi vì thủy điện S.T sắp vỡ do cách trước đó nửa thế kỷ bị xe ben tông vào. Cuộc sống của loài gián quanh khu vực thủy điện bị đe dọa nghiêm trọng.

Với loại hình múa bóng, cũng là phần thi được đánh giá cao nhất của Trường ĐH Yersin Đà Lạt – là phần thi quan trọng giúp đội này trở thành nhà vô địch - ước mơ của sinh viên về một Việt Nam sau 50 năm được thể hiện trọn vẹn nhất: Một đất nước với tài nguyên rừng, với nền nông nghiệp phát triển, một đô thị xanh. Và hơn hết, Việt Nam với chủ quyền lãnh thổ được xác lập rõ ràng đối với Hoàng Sa, Trường Sa cũng là ước muốn của nhiều người trong hiện tại.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/50-nam-sau-thac-si-nhieu-hon-ca-con-trung/264457.gd

Thế giới đón năm mới 2013 qua “lăng kính” du học sinh Việt

Posted: 31 Dec 2012 05:09 PM PST

Tiếp tục cập nhật

Malaysia:

 

 

Không khí đón năm mới tại Malaysia vừa được bạn Trương Văn Phúc – sinh viên ĐH Công nghệ Petronas cập nhật với Dân trí.

 

Tết Dương lịch năm nay diễn ra vào đúng thời điểm các bạn sinh viên tại Petronas tất bật chuẩn bị cho kì thi final nên bầu không khí có vẻ trầm lắng hơn mọi năm. Dù vậy, những bạn du học sinh quốc tế cũng đã có những hoạt động đáng nhớ để gửi lời chào tạm biệt năm 2012.

 

Sinh viên quốc tế tại Malaysia mở tiệc chào năm mới

Từ đêm qua (30/12) và đặc biệt là trong đêm nay, đêm giao thừa – sinh viên quốc tế đến từ 40 nước hiện đang theo học tại trường cùng nhau đốt lửa, hát hò, nướng thịt ăn uống và cùng nhau gửi lời chúc mừng năm mới qua Internet tới bạn bè, người thân.

Anh:

 

 

Đang có mặt tại Bournemouth, một thị trấn nhỏ nằm sát bờ biển phía Nam của nước Anh, cũng là bãi biển đẹp nhất xứ sở sương mù, bạn Đào Khánh Linh trao đổi với PV Dân Trí qua email:

 

"Do chênh lệch múi giờ nên những cư dân tại Bournemouth, Anh sẽ đón 2013 muộn hơn 7 tiếng so với Việt Nam. Đường phố đã được trang hoàng rất đẹp vào dịp Noel và cho đến năm mới vẫn vậy.

 

Từ cách đây mấy hôm, không khí mua sắm rất sôi động do có đợt đại giảm giá bắt đầu vào ngày "Boxing day 26/12" và còn tiếp diễn cho đến hết tháng một tới. Tuy vậy, trong ngày cuối cùng của năm 2012 này, đường phố cũng khá vắng vẻ vì mọi người tập trung ở nhà, ăn uống, xem tivi…"

 

Cũng trước thời khắc giao thừa, Linh và các bạn du học sinh ở đây sẽ tụ tập nấu ăn, sinh hoạt văn nghệ tại nhà, sau đó, ra ngoài biển dạo chơi xem không khí đón năm mới… Bournemouth là một đô thị nhỏ, suốt 7 năm nay không bắn pháo hoa nên từ chiều qua, 30/12, đã có rất nhiều bạn sinh viên Việt Nam lên London để đón năm mới tại đây.

Australia:

 

 

 

Có mặt trong dòng người đang đổ về trung tâm thành phố để đón chào thời khắc giao thừa, bạn Trần Quang Khoa, sinh viên ĐH James Cook (Brisbane, Australia) chia sẻ với phóng viên Dân trí:

 

Bãi tắm SouthBank nơi sẽ là một trong bốn điểm bắn pháo hoa tối nay tại Brisbane.

Người dân bản xứ tại thành phố Brisbane đang rất háo hức đón chờ một năm mới đến với nhiều điều mong đợi. Khác với thời tiết ở những nước Châu Âu – và Mỹ thì Úc lại đón tết trong tiết trời oi bức của mùa hè. Người dân Úc có thói quen đi biển mỗi khi cuối tuần và trong khi chờ đón thời khắc của năm mới thì họ đến khu vực biển nhân tạo tại SouthBank, đây cũng là địa điểm mà sinh viên Việt Nam thường tổ chức BBQ cuối tuần hay mỗi dịp sinh nhật.

 

Các hoạt động ở trên đường phố cũng không kém phần hấp dẫn và lôi kéo khá nhiều du khách cũng khiến phố phường phố trở nên đông đúc và nhông nhịp hơn ngày thường. Dù bận rộn cuối năm cho kỳ thi giữa khoá sắp tới nhưng các bạn du học sinh Việt Nam tại đây cũng hoà mình vào dòng người để cùng đón chào năm mới với nhiều may mắn và niềm vui.

 

Du học sinh Việt cùng bạn bè quốc tế ra đường đón Tết

Dòng sông

Dòng sông Brisbane được thiết kế như một rạp chiếu film sống động, để người dân ở đây có thể thư giãn trong khi chờ thời khắc giao mùa. Dòng sông hầu như ôm dọc các trường đại học ở thành phố Brisbane.

 

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, chính quyền sở tại sẽ tổ chức sự kiện bắn pháo hoa cho toàn bộ người dân đang sinh sống tại Brisbane. Chương trình pháo hoa cho trẻ em diễn ra vào lúc 20h30 phút (tức là 17h30, giờ Hà Nội), còn pháo hoa tầm cao cho toàn bộ cư dân thưởng lãm sẽ diễn ra lúc 0h (tức là 21h00, giờ Hà Nội).

 

Rạp chiếu phim ngoài trời

 

Nhật Bản:

 

 

Sendai là thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng Tohoku, cũng là nơi bị ảnh hưởng nặng nề do sóng thần xảy ra vào tháng 3/2011. Người dân nơi đây đã chuẩn bị đón năm mới 2013 như thế nào? Dân trí vừa kết nối với các bạn du học sinh tại Sendai. 

 

Ngày cuối cùng của năm 2012 tại Sendai là một ngày đẹp trời, ấm áp và có nắng, đường phố ít người hơn thường ngày khiến bất cứ người con xa Việt Nam nào cũng cảm thấy như Tết ở quê nhà. Ở đây người Nhật đón Tết nhẹ nhàng và ấm áp. Mặc dù là đất nước công nghiệp hiện đại nhưng cư dân Nhật vẫn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của mình. Như anh bạn đồng nghiệp, Hoshi-san, hôm nay ở nhà để tự tay làm món mì toshikishi-soba.

 

Vật trang trí năm mới của người Nhật.

Thông thường, ngày cuối năm, gia đình dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để xua đi những điều không may mắn của năm củ. Sau khi dọn dẹp xong, người ta trang trí hai cành thông ở hai bên cửa, gọi là kadomatsu. Cây thông được cho là trừ ma quỷ và tượng trưng cho sự tao nhã, thanh khiết. Ngoài ra trước cửa, người Nhật còn treo shimekazari, một trong những vật trang trí chào năm mới.

 

Đức:

 

 

Hàng quán được dựng lên phục vụ người dân Đức trong đêm giao thừa.
Hàng quán được dựng lên phục vụ người dân Đức trong đêm giao thừa.

Quang cảnh thủ đô

 

Từ buổi trưa (giờ địa phương), hàng loạt hàng quán đã được dựng lên ở nhiều địa điểm công cộng khác nhau, trong đó có địa danh nổi tiếng: cổng thành Brandenburg. Một bánh xe khổng lồ cũng vừa mới trên phố phục vụ cho việc ngắm cảnh đêm giao thừa. Lực lượng cảnh sát đã tiến hành tuần tra từ sán sớm nhằm đảm bảo an ninh cho các hoạt động vui chơi, giải trí của người dân và du khách.

 

Quang cảnh thủ đô

Hiện tại, mới chỉ có những bán hàng đang chuẩn bị dựng cửa hàng, bày biện hàng hóa hay những thành viên ban tổ chức chương trình ca nhạc xuất hiện trên đường phố, tuy nhiên, dự kiến chỉ ít tiếng nữa sẽ có hàng triệu người đổ về trung tâm Berlin để theo dõi màn bắn pháo hoa và đại nhạc hội chào năm mới 2013.

 

Trước đó thì từ nhiều ngày trước, đặc biệt là trong đêm qua – 30/12, một loạt hoạt động chuẩn bị cho đêm giao thừa cũng đã được những cư dân Berlin tiến hành.

 

Clip những hình ảnh trước thềm năm mới do Thu Hiền và Trung Kiên – DHS Việt Nam tại Đức vừa thực hiện và gửi về Dân trí

 

 

 

Hàn Quốc:

 

 

Những thông tin và hình ảnh về các hoạt động của người dân và du học sinh Việt Nam tại Suwon – thành phố với ngôi trường đại học đầu tiên của Hàn Quốc do bạn Lê Đại Dương vừa gửi về được chúng tôi chuyển đến ngay với độc giả.

 

Người Hàn quây quần bên nhau trong bữa ăn cuối năm

Với người dân bản xứ, ngày cuối cùng của năm 2012, họ sẽ tập hợp bạn bè đến quán ăn truyền thống, ăn những món ăn đặc trưng của đất nước Hàn Quốc. Với du học sinh Việt Nam thì công việc chuẩn bị cho tiệc tất niên, tiễn năm cũ 2012 và đón năm mới 2013 cũng đã được gấp rút tiến hành.

 

Từ 15h chiều nay theo giờ địa phương, các bạn sinh viên đã bắt đầu trang trí sân khấu, chuẩn bị các món ăn mang đậm bản sắc, hương vị Tết quê nhà như bánh tét, giò thủ, xôi gà, phở,… Hiện tại nhiệt độ ngoài trời đang là -12 độ C, trời khá lạnh, nhưng các bạn vẫn rất háo hức, cùng nhau di chuyển đồ dùng, dụng cụ vui chơi, ăn uống đến địa điểm tập kết đón giao thừa. Một buổi tiệc ấm cúng và vui vẻ sẽ diễn ra trong tối nay, ngay trước thềm năm mới.

Sinh viên Việt

 Sinh viên Việt Nam trước giờ liên hoan chào năm mới

 

Thực hiện: Mạnh Hải, Bảo Anh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/the-gioi-don-nam-moi-2013-qua-lang-kinh-du-hoc-sinh-viet-680053.htm

Comments