Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Dự án “Nuôi dạy con thành nhà tri thức nhỏ”

Posted: 05 Dec 2012 02:39 AM PST

Với mong muốn vun đắp và tạo dựng cho trẻ một tương lai tốt đẹp, ngày nay nhiều bậc cha mẹ đã quan tâm và áp dụng phương pháp giáo dục sớm cho con mình. Một trong những phương pháp giáo dục sớm nổi bật là dự án Glenn Doman của giáo sư Glenn Doman.

ảnhSau 50 năm áp dụng trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, phương pháp giáo dục sớm với dự án Glenn Doman của giáo sư Glenn Doman (ảnh) đã giúp cho hàng triệu trẻ em có trí tuệ và thể chất vượt trội.

Tại Việt Nam, với dự án "nuôi dạy con thành nhà tri thức nhỏ", Viện Nghiên cứu phát triển tiềm năng con người IAHP xây dựng khoá học đặc biệt "Phát triển trí thông minh vượt trội cho con bạn" dành cho những bà mẹ đang mang thai, những ông bố, bà mẹ có con trong độ tuổi 0-6 nhằm cung cấp những kiến thức hữu ích để nuôi dạy con phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất, tinh thần và trí tuệ tạo lập một môi trường giáo dục tối ưu cho trẻ tại gia đình.

Các chuyên gia của viện IAHP sẽ cung cấp những hướng dẫn chuyên sâu về bản chất và nguyên lý của chương trình cũng như kiến thức cơ bản, cần thiết và bổ ích trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ.

Đến với khóa học, phụ huynh sẽ được cung cấp những kiến thức cơ bản để làm sao trở thành cha mẹ tốt, làm bạn với con, trang bị cho con một tương lai tốt đẹp, để con có thể chất tốt, tinh thần lạc quan…với những nội dung chính như: Dạy con học đọc, dạy con về thế giới xung quanh, dạy con học toán, dạy con học ngoại ngữ và âm nhạc, phát triển thể lực và dinh dưỡng cho con.

Viện Nghiên cứu phát triển tiềm năng con người là đơn vị duy nhất nhận sự chuyển giao của dự án Glenn Doman tại Việt Nam, phối hợp với Glenn Doman Việt Nam triển khai dự án "Nuôi dạy con thành nhà tri thức nhỏ" trên toàn quốc.
PV

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/du-an-nuoi-day-con-thanh-nha-tri-thuc-nho-670353.htm

Ế ẩm, trường nghề tính chuyện ‘sang tên đổi chủ’

Posted: 05 Dec 2012 02:38 AM PST

– Không chỉ các trường ĐH ngoài công lập khó tuyển – hàng loạt trường
nghề cũng “ngồi trên đống lửa” vì không có thí sinh đăng ký. Trước thực
tế, nhiều trường tuyển chưa được 10% đến 30% tổng chỉ tiêu. Có trường tính đến
chuyện…bán.

Học sinh học nghề tại Trường trung cấp nghề nhân đạo ( Tp.HCM). Ảnh: Anh Thư

Không có người học

Trường Trung cấp nghề Khôi Việt (TP.HCM) đến giờ mới tuyển được 47 học sinh. Ông Hà Kim Vọng – Hiệu trưởng than thở: "Chưa bao giờ việc tuyển sinh khó như bây giờ. Với số lượng này, chúng tôi khó có thể tồn tại được". Cũng theo ông vọng, làm sao để cứu trường nghề là một vấn đề lớn?

Cùng cảnh ngộ – Trường trung cấp nghề Tây Bắc đến thời điểm này mới tuyển được 30 học sinh. Đại diện nhà trường cho biết, nếu không tuyển thêm được học sinh thì trường khó trụ vì phải. Thực tế, nhà trường đã phải gồng lên trả lương cho giáo viên và nhân viên. “Hiện tại nhà trường kêu bán, nhưng chưa có người mua” – lời vị đại diện trường.

Tại Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng mới tuyển được 400 thí sinh với tổng chỉ tiêu hơn 1.000. Trong đó 400 thí sinh thì đa số là thí sinh đăng ký học nghề ngắn hạn còn hệ chính quy thì chỉ đạt 20%. Ông Trần Ngọc Châu – hiệu trưởng nhà trường đặt vấn đề: "Tôi không hiểu năm nay thi sinh đi đâu. Ở Quảng ngãi có hơn 24 trường THPT và Trung tâm hướng nghiệp, những mùa tuyển sinh năm trước trường chúng tôi luôn tuyển đủ hoặc vượt chỉ tiêu. Nhưng năm nay thì hẫm hiu thật….”

“Nếu không có định hướng và giải pháp để cứu các trường nghề thì hàng loạt trường đóng cửa. Thậm chí tính chuyện bán trường" – ông Châu lo lắng.

Ông Nguyễn Đăng Lý – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kinh tế – Công nghệ TP.HCM nhìn nhận, việc thí sinh không chọn trường ông và nhiều trường nghề khác là do các em có mặc cảm vì học trường nghề không oách. Hơn nữa, các trường ĐH có đào tạo hệ nghề nên nhiều em chọn học để liên thông lên ĐH. Năm 2012, Bộ GD-ĐT chỉ cho phép 16 trường ĐH được đào tạo liên thông lên từ CĐ nghề lên ĐH. Đây là lý do “gây khó” cho các trường nghề trong việc tuyển sinh.

Đồng quan điểm bà Nguyễn Thị Hằng – hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM góp lời: "Hiện có quá nhiều trường ĐH, CĐ được thành lập và tham gia đào tạo nghề dẫn tới cung vượt quá cầu. Và thực tế, học sinh thì cứ nghe thấy hệ ĐH là thích hơn trung cấp, CĐ…".

Nguyên nhân khác, theo lãnh đạo các trường – do chính sách của Bộ GD- ĐT cũng "góp phần" đẩy các trường nghề rơi vào tình trạng điêu đứng. Cụ thể: Gia hạn thời gian xét tuyển ĐH, CĐ kéo dài đến tháng 11/2012 – choán hến thời thời gian dành cho các trường nghề tuyển sinh.

Do đó, đến thời điểm này nhiều trường vẫn “ngồi trên đống lửa” vì thiếu học sinh trầm trọng. Các trường CĐ nghề Nguyễn Trường Tộ, CĐ nghề giao thông vận tải đường Thủy II, CĐ Nghề du lịch Sài Gòn, CĐ nghề Hàng hải, CĐ nghề Bến Tre, CĐ Nghề Công Nghệ Thông tin iSPace, Trung cấp nghề Thủ Đức… mới tuyển chưa tới 50% chỉ tiêu được giao.

Chất lượng trường nghề chưa hấp dẫn?

Đại diện (Tổng cục Dạy nghề) cho biết: "Ngoài lý do khó cạnh tranh với hệ ĐH có dạy nghề thì còn có lý do các trường nghề có chất lượng thường tập trung ở các khu đô thị, chi phí học tập cao, do đó khó thu hút học sinh vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt quan hệ giữa các trường dạy nghề với các doanh nghiệp thiếu chặt chẽ nên học sinh không chắc có việc làm sau đào tạo và tiền lương tương xứng với trình độ được đào tạo không".

Còn theo ông Trần Anh Tuấn – phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM nêu thực tế: "Hơn 1/3 số học sinh chấp nhận "chờ" kỳ thi ĐH, CĐ năm sau chứ không học nghề. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội, vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.

“Vì thế, cần có hướng nghiệp để các em lựa chọn việc học nghề và đảm bảo các hỗ trợ cho học sinh học nghề như học sinh học hệ ĐH, CĐ” – ông Tuấn đề xuất.

TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng Ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM cho rằng: "Có nhiều nguyên nhân khiến người học chưa mặn mà với trường nghề nhưng chủ yếu là chất lượng đào tạo, đầu ra, thang bảng lương và chính sách liên thông chưa hấp dẫn người học. Một nguyên nhân nữa là các trường nghề chưa tự thân "vận động" để đưa thông tin đến với người học. Do đó, người học muốn kiếm thông tin đào tạo của trường nghề còn khó hơn kiếm thông tin về các trường ĐH".

Theo TS Mai, qua thực tế khảo sát công tác hướng nghiệp ở bậc THPT và THCS – giáo viên hướng nghiệp gần như rất ít thông tin về đào tạo ở các trường nghề. Do đó, ở tầm vĩ mô cũng cần xem xét việc quy về một mối để đưa ra giải pháp tổng thể để công tác đào tạo nghề phát triển….

Còn ông Nguyễn Thành Hiệp – Trưởng phòng Dạy nghề – Sở LĐ TBXH TP.HCM đề xuất, việc cấp bách hiện nay là phải phân luồng học sinh và tuyên truyền để phụ huynh từ bỏ những định kiến về học nghề. Cùng với đó, các trường nghề phải tìm cách gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo nâng cao tay nghề cho học viên – như vậy học sinh mới mặn mà hơn với các trường nghề mới.

  • Anh Thư

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/99659/e-am--truong-nghe-tinh-chuyen--sang-ten-doi-chu-.html

Hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật

Posted: 05 Dec 2012 02:37 AM PST

Sai phạm trong tuyển sinh ĐH, SCĐ 2012:

Hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật

TT – "Xác định chỉ tiêu không đúng, hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật" – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nói với Tuổi Trẻ chiều 3-12. Ông cho biết:

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác tuyển sinh 2012 tại điểm thi Trường ĐH Luật TP.HCM – Ảnh: Trần Huỳnh

- Năm 2012, nhiều trường than khó tuyển sinh dù Bộ GD-ĐT đã nới rộng các điều kiện tự chủ. Bộ đang tiến hành rà soát tổng thể các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, xem bên cạnh yếu tố kinh tế khó khăn, cơ cấu ngành nghề thay đổi, nhiều ngành trở nên bão hòa… còn có những nguyên nhân nào.

Các trường phải thống kê đủ số sinh viên nhập học ngành sư phạm vì liên quan đến ngân sách cấp bù khi sinh viên sư phạm hiện vẫn được Nhà nước hỗ trợ học phí từ nguồn ngân sách. Năm nay là năm đầu tiên các trường được yêu cầu báo cáo số liệu thống kê tuyển sinh, số trúng tuyển và nhập học theo 22 mã ngành chi tiết.

Các số liệu này sẽ được công khai để ít nhất người học biết cách tự cân đối, lựa chọn ngành nghề phù hợp, tránh nguy cơ không có việc làm sau này. Ngay các trường khó tuyển sinh cũng có thể dựa trên những thống kê này để tính toán xem 3-4 năm nữa ngành nào nhu cầu việc làm dồi dào để định hướng mở ngành hợp lý.

* Việc xác định chỉ tiêu theo phương án tự chủ mà bộ giao cho các trường đang tạo cơ hội cho nhiều trường "âm thầm" tăng chỉ tiêu, hút người học, tăng nguồn thu. Bộ có cách nào giám sát?

- Mùa tuyển sinh 2012 là năm đầu tiên các trường áp dụng việc tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên điều kiện cụ thể về lực lượng giảng viên, cơ sở vật chất. Ngay khi các trường tự xác định và gửi lên bộ trước kỳ tuyển sinh, hơn 100 trường ĐH, CĐ đã bị yêu cầu điều chỉnh số chỉ tiêu vượt năng lực.

Hiện tại, khi kỳ tuyển sinh đã hoàn tất, bộ lại tiếp tục rà soát. Vụ Giáo dục ĐH, Thanh tra bộ, Vụ Kế hoạch – tài chính trực tiếp đến các trường kiểm tra, thanh tra thực tế xem các trường xác định chỉ tiêu chuẩn chưa, thực hiện tuân thủ quy định của Bộ GD-ĐT như thế nào.

* Công tác hậu kiểm này có ý nghĩa gì khi các trường nếu có khai khống về điều kiện cơ sở vật chất và giảng viên thì cũng đã tuyển sinh theo chỉ tiêu đã đăng ký?

- Việc gian lận kê khai là có, song không đến mức "lấy chỉ tiêu của trường khác". Có trường sai phạm nghiêm trọng khi gian lận ngay từ lúc kê khai, và có cả trường kê khai đúng nhưng lúc tuyển lại lấy vượt chỉ tiêu.

Đợt kiểm tra lần này được tiến hành ở 30 trường ĐH, CĐ của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Từ kết quả kiểm tra, sẽ xem xét mức độ xử lý đối với các trường sai phạm. Đặc biệt, đây sẽ là lần đầu tiên Bộ GD-ĐT tiến hành xử lý những sai phạm trong xác định chỉ tiêu đối với người đứng đầu. Trước đây cứ nói xử phạt nhà trường chung chung, nhưng lần này sẽ tiến hành xử lý kỷ luật đối với hiệu trưởng và chủ tịch hội đồng tuyển sinh nếu để xảy ra sai phạm theo đúng tinh thần của thông tư về xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Trước đây bộ cấp chỉ tiêu cho các trường, nhưng nay các trường được quyền xác định chỉ tiêu phải tự chịu trách nhiệm về số liệu đã xác định. Kết quả kiểm tra, xử lý dự kiến được công bố trong tuần tới.

* Mùa tuyển sinh 2012 đã khép lại với thời hạn "chốt" hồ sơ từ ngày 30-11. Những phương án tuyển sinh nào được bộ lựa chọn cho mùa tuyển sinh mới?

- Bộ GD-ĐT đang tính các phương án tổ chức hội nghị tuyển sinh năm nay cho phù hợp. Thay cho phương án họp tập trung, bộ đang tính phương án họp trực tuyến qua cầu truyền hình vào tháng 1-2013. Về cơ bản, mùa tuyển sinh 2013 sẽ không có thay đổi lớn. Điểm mới được bổ sung là thay cho quyết định xét tuyển thẳng với người học ở 62 huyện nghèo, Bộ GD-ĐT bổ sung đối tượng xét tuyển thẳng với các em học sinh ở các huyện biên giới, hải đảo.

Bộ vẫn khuyến khích các trường trọng điểm và trường văn hóa nghệ thuật lên phương án tuyển sinh riêng. Tuy nhiên, chưa có trường ĐH trọng điểm nào trình phương án riêng. Hiện Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch đã gửi đề án để các trường nghệ thuật tổ chức thi riêng để hai bên cùng bàn thảo. Trước nay các trường nghệ thuật vẫn tổ chức thi năng khiếu riêng. Phương án thi riêng sẽ bàn đến việc thi môn văn hóa về đề thi cũng như ngày thi, đợt thi. Việc quyết định có để các trường nghệ thuật thi riêng hay không sẽ được quyết định trong tháng 12-2012 để học sinh có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/523289/Hieu-truong-se-bi-ky-luat.html

Các cuộc thi người đẹp không phù hợp với học sinh phổ thông

Posted: 05 Dec 2012 02:37 AM PST

(GDTĐ) – Bộ GDĐT vừa có công văn gửi các Sở GDĐT đề nghị báo cáo khẩn về việc tổ chức thi người đẹp trong các trường phổ thông.


Một cuộc thi hoa khôi với sự tham gia của các học sinh cấp 3

Với lứa tuổi học sinh phổ thông, các cuộc thi người đẹp là không phù hợp. Bộ GDĐT đã nhiều lần yêu cầu các Sở GDĐT và các trường phổ thông không tổ chức, không tham gia tổ chức và không khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi người đẹp dưới mọi hình thức.

Hiện nay, nhiều cử tri có ý kiến về việc một số trường phổ thông tổ chức thi người đẹp hoặc các cuộc thi tương tự không có tác dụng giáo dục, ảnh hưởng không tốt đến việc học tập của học sinh. Để có căn cứ báo cáo và giải trình, Bộ GDĐT đề nghị các Sở GDĐT báo cáo gấp về việc này.

Báo cáo gửi về Vụ Công tác học sinh, sinh viên – Bộ GDĐT trước ngày 10/12.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Cac-cuoc-thi-nguoi-dep-khong-phu-hop-voi-hoc-sinh-pho-thong-1965372/

Dạy trẻ nói dối để… né dạy thêm

Posted: 04 Dec 2012 10:24 PM PST

Mẹ ơi, cô giáo con dặn đi dặn lại là khi có ai đến lớp hỏi có em nào đi học thêm không thì các em phải trả lời là không nhé. Tại sao cô lại bắt chúng con nói dối? Mà con nói thật là con chẳng thích đi học thêm vào ngày chủ nhật đâu. Mẹ cho con nghỉ học để được đi chơi cơ". Nghe cậu bé học lớp 2 Trường TH Thủ Lệ quận Ba Đình Hà Nội thỏ thẻ với mẹ, tôi giật mình.

Đúng là không thể tin chuyện học thêm của học sinh tiểu học biến tướng và làm khổ con trẻ như thế. Để đối phó với cơ quan chức năng, cô giáo luôn dặn học trò nói dối là không đi học thêm ở nơi cô dạy hợp đồng – trung tâm văn hóa ngoài giờ Tràng An. Bức xúc về chuyện con mình mới học lớp 2 bị ép đi học thêm, mẹ cháu phân trần: "Nào ai muốn cho nó đi học thêm vào ngày chủ nhật đâu nhưng cô giáo chủ nhiệm vừa tiếp thị rất khéo và mời chào đủ kiểu nên không thể từ chối".

Mẹ cháu cho biết, nhiều phụ huynh lớp 1 và lớp 2 của trường đều có chung bức xúc này. Trước đây, khi nhà trường chưa cấm dạy thêm thì giáo viên chủ nhiệm tổ chức tại nhà, thu 70.000 đồng/buổi học cuối tuần, còn bây giờ để đối phó với cơ quan chức năng, các cô hợp đồng dạy ngoài giờ với trung tâm và khoản thu tăng thêm 100.000 đồng/buổi (3 giờ).

Vào một buổi sáng chủ nhật mới đây, tìm gặp một số phụ huynh cho con đi học thêm ở Trung tâm Tràng An (thuê địa điểm tại Trường THPT Phạm Hồng Thái), người viết nghe được nhiều tâm sự buồn hơn. Chị H. có con đang học lớp 1 không kìm được bức xúc: "Con tôi mới học lớp 1 và cháu học cũng khá, vậy mà cô chủ nhiệm cứ chê bai cháu học chậm, cần rèn thêm môn toán, chính tả. Biết rõ ý đồ của cô là phải cho con đi học thêm nên tôi đành nhắm mắt cho yên chuyện. Với đồng lương làm công nhân, mỗi tháng phải chi thêm 400.000 đồng đối với gia đình tôi là khoản tiền không nhỏ. Hơn nữa, cuối tuần có duy nhất một ngày nghỉ, phải chở con đi học thêm thật là khổ".

Một phụ huynh khác ngán ngẩm: "Mình dư sức dạy con mình làm toán, viết chính tả. Nhưng không cho con đi học thêm thì con bé ngày nào đi học về cũng mếu máo vì bị cô chê viết chữ xấu, văn lủng củng, toán sai sót nhiều… Sợ con bị tổn thương và chán học nên phải cho nó đi học thêm". Nhưng điều đáng nói là "khi đã ép được phụ huynh cho con học thêm" thì cô giáo lại đổi giọng khen nức nở những học trò vốn bị chê trước khi chưa đi học: "Nào là cháu tiến bộ hẳn, cháu viết chữ đẹp lắm, cháu làm toán rất giỏi…".

Qua câu chuyện nêu trên cho thấy, chuyện ép học thêm đối với học sinh tiểu học ở bất kỳ địa phương nào cũng đáng lên án. Ở cái tuổi chơi nhiều học ít này, không nên ép các cháu học bằng mọi giá, nhất là hành vi trục lợi tuổi thơ để kiếm tiền thì phải xử lý nghiêm. Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm, không cho phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Nếu học sinh nào học yếu hoặc không theo kịp chương trình thì nhà trường nên tổ chức bồi dưỡng dạy thêm công khai tại trường chứ không để giáo viên chủ nhiệm "ép học thêm" bằng nhiều cách như đang xảy ra ở nhiều trường.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Day-tre-noi-doi-de-ne-day-them/256362.gd

Trường học Đức thích ứng với kiểu chữ mới

Posted: 04 Dec 2012 10:24 PM PST

- Hiệp hội các trường tiểu học (Đức) kêu gọi bãi bỏ các giờ tập viết "chữ đẹp" kiểu uốn lượn truyền thống. Thay vào đó, các em học sinh sẽ học kiểu chữ viết mới. Định hướng: Đó là loại chữ giống như chữ in.

Kiểu chữ gây ác cảm suốt mấy chục năm

Ở tuổi 20-30, người viết bài này chứng kiến thứ chữ "cũn cỡn, cứng quèo" được áp dụng ở bậc tiểu học nước ta, thay thế cho thứ chữ truyền thống "uốn lượn, mềm mại, bay bướm"… Trái lại, thứ chữ mới nom "cụt lủn" và thô như… chữ in, bị kết tội "làm hỏng óc thẩm mỹ của cả một thế hệ trẻ". Nếu cố gượng tìm một ưu điểm, thì nó có lẽ nó đơn giản, dễ bắt chước, dễ viết, dễ đọc.

Khi thứ chữ này bị cả nước lên án, những người liên quan lặn "mất tăm" trước dư luận. Cho đến tận hôm nay! Phải nói cho ngay, thứ chữ cứng quèo này được nhập nội, dù chưa rõ nguồn, nhưng dứt khoát không phải do người Việt nghĩ ra được.

Trên thế giới, có thể bắt gặp một số người viết thứ chữ này, nhưng rất thiểu số. Nội dung viết thường không quan trọng, ngắn. Ví dụ, trên phong bì, bưu thiếp, trên bản ghi nhớ của cá nhân, mảnh nhắn tin, trong sổ tay… Nghĩa là nó hoàn toàn không phổ cập. Đó là những năm máy chữ cơ học chưa phổ biến, máy tính chưa xuất hiện. Chính do vậy, một sáng kiến quá sớm không thể nảy mầm, phát triển. Còn bị tẩy chay nữa…

Học kiểu chữ viết mới

Hiệp hội các trường tiểu học (Đức) kêu gọi bãi bỏ các giờ tập viết "chữ đẹp" kiểu uốn lượn truyền thống. Thay vào đó, các em học sinh sẽ học kiểu chữ viết mới. Định hướng: Đó là loại chữ giống như chữ in. Từng chữ cái đứng riêng – tuy sát nhau – không cần có "bụng", "râu" và không có cái nét nối các chữ cái lại với nhau. Cũng không có nơ, không có cái "đuôi" đá hất lên ở cuối chữ (như ta vẫn thấy ở chữ viết tay hiện nay).

Tưởng gì ghê gớm, đó chính là thứ chữ bị Việt Nam tẩy chay từ khuya rồi.

Tại trường tiểu học Moers-Repelen kể từ mùa hè năm 2010 đã không còn dạy kiểu chữ viết thường với các nét kết nối nữa; thay vào đó, học sinh học viết kiểu chữ mới. Do “chữ của bọn trẻ ngày càng khó đọc”, cô hiệu trưởng Barbara van der Donk nói: “Còn với kiểu chữ mới, ngay từ đầu học sinh được học một dạng chữ viết tay có hình thức rõ ràng, dễ viết và dễ đọc”.

Chữ viết tay kiểu cũ đang đi vào quá khứ

Nó đang biến thành… di sản. Có lẽ, cứ 1.000 trang văn bản đang lưu hành hôm nay, may ra mới thấy một vài trang viết tay, mà nội dung thường ít quan trọng, số chữ càng ít. Còn lại, các trang khác toàn là thể hiện bằng chữ in từ máy ra. Từ bộ sách dày cộp ngàn trang tới tờ rơi quảng cáo. Đó là một trong những lý do để người ta thay chữ viết truyền thống bằng chữ viết đơn giản, gần chữ in, để bọn trẻ dễ học, dễ viết, dễ đọc. Chúng chuyển nhanh chóng từ cách đọc, cách viết chữ viết tay sang đọc, viết chữ in. Và chuyển ngược lại.

Tại bang Nordrhein-Westfalen, ngày càng nhiều giáo viên tiểu học dạy học sinh lớp 1 viết kiểu chữ mới, đơn giản. Học xong, lũ trẻ học tiếp sang chữ in rất thuận lợi. Toàn quốc có khoảng một trăm trường theo lời khuyên của Hiệp hội các trường tiểu học: Dạy học sinh viết kiểu chữ mới.

Ông Ulrich Hecker, phó chủ tịch hiệp hội và là hiệu trưởng trường tiểu học Moers nói: "Chữ viết tay kiểu cũ (hiện thời còn thịnh hành) là một gánh nặng mà người ta không cần đến nữa". Nói khác, phải thay nó bằng kiểu đơn giản, dễ viết, dễ đọc. Nếu năm lớp 1 các em đọc chữ in trong sách, đến năm lớp 2 mới tập viết, lại học thứ chữ "uốn lượn", khác hẳn chữ in, thì rất tốn công để nhớ 2 kiểu chữ. Ông Hecker nói: “Chúng ta cần tránh cho trẻ em cái đường vòng vèo này". Trước đó, nếu đã tập đọc bằng sách in, chi bằng khi học viết cũng học luôn thứ chữ "giống như in".

Một học sinh tiểu học cần khoảng 9 tháng để chuyển việc học từ chữ in (trong sách) sang chữ viết tay. Hai bộ chữ có hình thức khác nhau, nên thực tế trẻ em phải nhận diện tới 108 chữ cái, nhưng nếu cải tiễn chữ viết tay cho giống như chữ in, chúng chỉ cần nhận diện 54 chữ (27 chữ thường và 27 chữ hoa). Thời gian dôi ra – theo ý kiến của Hiệp hội – nên dùng vào những mục đích thiết thực hơn. Đó là: đọc nhiều (cho trơn tru và nhập tâm mặt chữ), viết đúng chính tả và ngữ pháp…

Đã đủ kinh nghiệm để mở hội nghị khoa học

Ông Hecker nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp. Đó là ông BaldurBertling, phát ngôn viên Hiệp hội các Trường Tiểu Học của tiểu bang Nordrhein-Westfalen: “Chương trình học nhồi nhét, chúng tôi rất biết ơn cho mỗi giờ mà chúng tôi có thể cống hiến nội dung".

“Trước đây, trẻ em ở trường tiểu học có tám giờ tiếng Đức một tuần, trong đó hai đến ba giờ dành cho luyện viết chữ đẹp. Hiện tại chỉ cần có năm. Viết chữ thời nay được dùng trong ngữ cảnh khác. Từ mục đích viết chữ cho đẹp, nay viết chỉ được coi là phương tiện. Kiểu chữ cơ bản mới có đủ tính năng đó: rõ ràng, cho phép tự do cá nhân, nhanh hơn và không bị đau cơ bắp (do nắn nót, tập trung) khi học viết.

Kinh nghiệm và những quy tắc rút ra được đã đủ để thảo luận trong một hội nghị. Những người ban đầu còn e ngại, kể cả phản đối, cũng công nhận ưu thế.

Tại một hội nghị khoa học với 200 đại diện các trường tiểu học tham dự, mọi người đưa ra kinh nghiệm của mình, khoảng 50 người trong số họ đến từ tiểu bang Nordrhein-Westfalen. Sau một năm thử nghiệm: “Các giáo viên rất hài lòng với chữ viết của học sinh". Trẻ em không còn bị “tra tấn", Cô hiệu trưởng van der Donk kết luận.

Sẽ tới lúc chữ viết tay không còn vai trò gì đáng kể

Chữ viết tay sẽ không còn đóng vai trò gì quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, ông Bertling nói.

“Ngày nay, những gì chúng ta cần viết thì phần lớn gõ phím, và nhìn thấy nó dưới dạng chữ in. Nếu nói về cả khía cạnh viết và đọc thì chữ viết tay cổ truyền sẽ dần dần được coi như là một cái gì đó gần như là… ngoại nhập.

Kể từ năm học 2011/2012, các trường tiểu học Hamburg cũng được tự do quyết định sẽ dạy kiểu chữ viết nào cho học sinh lớp 1. Nhưng dù có học viết kiểu chữ gì ở tiểu học, thì sau này các em cũng sẽ rất ít khi dùng đến, ngược lại kỹ năng sử dụng bàn phím nhất thiết phải nắm vững.

Đó là chuyện đang xảy ra ở Đức

Đã đành, chúng ta chủ trương hội nhập toàn diện, không nên khoe (hoặc khăng khăng) Việt Nam độc đáo, không cần bắt chước ai. Khó khăn nằm ở chỗ nước ta còn nghèo, việc huấn luyện, in sách và tiến hành thay đổi cách viết rất không dễ. Chuyện trang bị máy tính phổ cập càng khó. Nhưng khó khăn số một là tâm lý quyến luyến cách viết cũ và gán cho nó vai trò kiến tạo "nết người" – tuy trừu tượng, nhưng hoành tráng.

• Vũ Quốc Dũng
(Đức)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/99667/truong-hoc-duc-thich-ung-voi-kieu-chu-moi.html

Chỉ tổ chức tuyển sinh thạc sĩ 1-2 lần/năm

Posted: 04 Dec 2012 10:23 PM PST

Dự thảo cũng cho biết, kì thi tuyển sinh thạc sĩ gồm 3 môn: môn ngoại ngữ, môn cơ bản, môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo.

Đối với môn ngoại ngữ thì căn cứ yêu cầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quy định môn ngoại ngữ trong tuyển sinh đối với từng ngành hoặc chuyên ngành đào tạo, kể cả ngoại ngữ thứ hai cho người dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ.

Dựa vào khung trình độ năng lực ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 của khung châu Âu và dạng thức đề thi ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 của khung châu Âu, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH tổ chức đánh giá trình độ ngoại ngữ của thí sinh.

Môn cơ bản, môn cơ sở của ngành hoặc chuyên ngành đào tạo do cơ sở giáo dục đại học đề nghị trong hồ sơ đăng ký mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cũng theo dự thảo, thì căn cứ yêu cầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH quyết định môn ngoại ngữ được miễn thi cho một trong các trường hợp: Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, được cơ quan có thẩm quyền công nhận văn bằng theo quy định hiện hành; Có bằng tốt nghiệp đại học chính quy ngành ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ.

Có chứng chỉ trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo châu Âu chung về ngoại ngữ (Phụ lục II), trong thời hạn 2 năm tính đến ngày dự thi tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ do một trung tâm khảo thí quốc tế có thẩm quyền được Bộ GD-ĐT công nhận cấp; Học viên là người nước ngoài.

Về thời gian đào tạo thạc sĩ cũng có nhiều điểm khác so với trước đây. Cụ thể, thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ là một năm đối với các ngành mà thời gian đào tạo ở bậc đại học từ năm năm trở lên (đối với niên chế) hay 180 tín chỉ trở lên (đối với tín chỉ); Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ là hai năm đối với các ngành mà thời gian đào tạo ở bậc đại học từ bốn năm rưỡi trở xuống (đối với niên chế) hay thấp hơn 160 tín chỉ (đối với tín chỉ).

Để đảm bảo chất lượng dự thảo cũng nhấn mạnh, đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện tại cơ sở giáo dục đại học, nơi đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép đào tạo. Trường hợp cơ sở giáo dục đại học có phân hiệu, việc tổ chức đào tạo tại phân hiệu phải được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép.

Tuy nhiên lại nới quy định khi đưa ra khái niệm đào tạo thạc sĩ thực hành. Cụ thể, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định việc tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ theo hướng ứng dụng ở ngoài cơ sở giáo dục đại học.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chi-to-chuc-tuyen-sinh-thac-si-12-lannam-670174.htm

Sinh viên bị đình chỉ thi, hủy kết quả vì chậm học phí

Posted: 04 Dec 2012 10:22 PM PST

Thực tế những thông tin về quy định này đã được các trường công bố ngay từ đầu cho sinh viên, nhưng có rất nhiều sinh viên không nắm bắt và đã bị nhà trường xử lý.


Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM xếp hàng chờ đóng học phí

Hủy điểm thi

Nhiều sinh viên Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM phản ảnh "học phí của trường ngày càng tăng, nhưng sinh viên đóng tiền trễ lại bị hủy điểm thi".

Ông Nguyễn Quốc Anh, trưởng phòng tư vấn tuyển sinh – truyền thông Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, giải thích thông báo về thời gian đóng học phí được nhà trường công bố vào trước mỗi học kỳ trên website và gửi đến các lớp. Thời gian đóng học phí sẽ vào bốn tuần đầu tiên của học kỳ.

Trong trường hợp sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chưa thể hoàn thành học phí trong thời hạn trên mà muốn đảm bảo quyền lợi học tập thì phải làm đơn xin gia hạn học phí có xác nhận của phụ huynh và chứng thực của địa phương, sau đó nộp trực tiếp tại phòng kế hoạch – tài chính trong thời gian quy định đóng học phí. Sau thời gian quy định trên, nhà trường sẽ không chấp nhận đơn xin gia hạn học phí.

Sau khi kết thúc thời hạn đóng học phí (học kỳ, học lại, học vượt, học kỳ hè), phòng đào tạo sẽ lập danh

Kỷ luật sinh viên đóng học phí muộn

Cuối tháng 11-2012, Trường ĐH Công nghệ thông tin và truyền thông (ĐH Thái Nguyên) đã thông báo "kỷ luật sinh viên đóng học phí muộn". Theo đó, sinh viên các lớp ĐH chính quy theo tín chỉ hết hạn đóng học phí học kỳ I năm học 2012-2013 ngày 5-11 nhưng vẫn còn một số sinh viên chưa đóng hoặc đóng học phí trễ hạn.

"Theo quy định của nhà trường, những sinh viên này không được thi kết thúc học phần của học kỳ 1. Tuy nhiên trong học kỳ này nhà trường vẫn để những sinh viên nộp học phí muộn được thi, nhưng sẽ chịu hình thức kỷ luật hạ điểm rèn luyện xuống loại kém. Trong các học kỳ sau, những sinh viên không thực hiện đóng học phí theo quy định không được dự thi kết thúc học phần của học kỳ đó" – TS Phạm Việt Bình, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

sách chính thức của lớp học chỉ gồm những sinh viên đã đóng đủ học phí. Danh sách này được sử dụng để tổ chức, quản lý giảng dạy, cho điểm và đánh giá kết quả học tập. Tất cả sinh viên chưa đóng đủ học phí sẽ không có tên trong danh sách lớp chính thức (trừ trường hợp sinh viên có đơn xin gia hạn đóng học phí được phê duyệt).

Danh sách này là cơ sở để trường tổ chức, quản lý giảng dạy và cho điểm đánh giá quá trình học. HSSV chưa đóng học phí sẽ không có điểm đánh giá quá trình. Sau thời hạn đóng học phí bổ sung (học lại, học thêm hoặc học vượt) và học phí học kỳ phụ, phòng đào tạo sẽ lập danh sách HSSV học lại, học vượt hoặc học kỳ phụ chỉ gồm những HSSV đã đóng đủ 100% học phí. HSSV chưa đóng học phí sẽ không có tên trong danh sách thi hết môn.

Đóng học phí mới được học

Trong khi đó, một số trường quy định "cứng" việc đóng học phí, theo đó buộc sinh viên phải đóng học phí trước mới được học. Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM quy định đồng thời việc đăng ký học phần và đóng học phí. Theo đó thời gian đăng ký học phần thường kéo dài khoảng một tháng. Ngay sau khi hết thời hạn đăng ký học phần, sinh viên phải đóng học phí đợt 1 (trong khoảng hai tuần).

PGS.TS Nguyễn Đức Minh – trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho biết: "Cho đến ngày đóng học phí lần 1, những sinh viên đã đăng ký vào lớp học phần mà không đóng học phí sẽ bị xóa tên khỏi danh sách lớp học phần. Phần mềm sẽ mở lại lớp học phần này để sinh viên tự đăng ký lần 2 và đóng học phí (kể cả các sinh viên chưa kịp đăng ký đợt 1 vào lớp học phần).

Thời gian đăng ký và đóng tiền đợt 2 là sáu ngày. Những học phần sinh viên đã đăng ký mà không đóng học phí sau khi đã hết hạn đóng học phí lần 2 thì phần mềm sẽ xóa tên khỏi danh sách lớp học phần và xử lý theo quy chế học vụ". Sinh viên bị xóa tên do nộp học phí trễ phải chờ đến khi nhà trường mở lại môn học đó vào học kỳ sau hoặc năm sau.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng yêu cầu sinh viên phải đóng học phí đồng thời với đăng ký môn học theo học chế tín chỉ. Nhà trường không giải quyết các trường hợp đăng ký và đóng học phí trễ hạn.

ThS Nguyễn Ngọc Mỹ Trinh, phó trưởng phòng quản lý đào tạo, công tác sinh viên nhà trường, cho biết: "Hai tháng trước khi bắt đầu học kỳ mới nhà trường thông báo để sinh viên đăng ký học phần qua mạng, đồng thời phải đóng học phí. Sau khi học hai tuần sinh viên chưa đóng học phí sẽ bị xóa tên khỏi danh sách lớp. Những sinh viên khó khăn phải làm đơn để được Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp nhà trường giải quyết cho vay tiền để nộp học phí. Trường hợp khó khăn đột xuất sinh viên phải nộp đơn tại phòng quản lý đào tạo xin gia hạn trong 1-2 tuần".


Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sinh-vien-bi-dinh-chi-thi-huy-ket-qua-vi-cham-hoc-phi/256361.gd

Giáo viên làm phóng sự để vận động học bổng cho HS nghèo

Posted: 04 Dec 2012 10:22 PM PST

Mới đây, chúng tôi đã tìm đến Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng, TP Cần Thơ) để tìm hiểu rõ hơn mô hình giúp học sinh (HS) nghèo khá "táo bạo" của các giáo viên được gọi vui là những "phóng viên nghiệp dư".

Nói về ý tưởng giúp HS nghèo bằng việc quay phim làm phóng sự này, thầy Lâm Nhựt Nam – Bí thư Đoàn Trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, một lần tình cờ thầy thấy cô Trần Thị Kim Thêu (giáo viên dạy văn của trường) làm clip nhỏ về hoàn cảnh những em HS khó khăn mà cô biết, thầy đã nảy ra ý tưởng tại sao không thực hiện clip về các HS khó khăn của trường để từ đó vận động các mạnh thường quân hỗ trợ học bổng cho các em. Ý tưởng của thầy Nam được cô Thêu và Ban giám hiệu cũng như nhiều thầy cô khác trong trường tán thành.

Theo cô Trần Thị Kim Thêu, qua xem đài truyền hình và báo chí có nhiều chương trình giúp HS nghèo thông qua thực hiện phóng sự về hoàn cảnh của các em nên nhóm giáo viên của trường đã đặt ra chủ đề là "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ THPT Trần Đại Nghĩa". Cô Thêu cho biết, mô hình này bắt đầu được thực hiện từ năm học 2010- 2011.

Giáo viên làm phóng sự về học sinh nghèo để vận động học bổng

Bắt tay vào làm chương trình, nhóm giáo viên gồm: thầy Lâm Nhựt Nam, cô Trần Thị Kim Thêu, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, cô Nguyễn Yến Hoàng, cô Trương Thị Minh Hải đã chia nhau tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn của các em HS trong trường. Qua tìm hiểu, nhóm giáo viên này biết được hoàn cảnh của 3 em: Trần Thị Huỳnh Như, Hồ Thanh Tiến và Trần Trọng Nhân.

Sau khi nắm được hoàn cảnh của các em, nhóm giáo viên đã đến từng gia đình để ghi hình. Cô Thêu kể lại, lúc đó cả nhóm dùng một chiếc máy quay cá nhân nhỏ xíu, với lại không ai biết kỹ thuật quay hình nên còn khá lúng túng, vì thế hình ảnh có lúc loạn xạ cả lên, và để quay được hoàn cảnh của một em có khi mất cả ngày trời. Quay xong, cả nhóm lại về trường tập trung dựng hình, viết kịch bản rồi lồng tiếng cho phóng sự.

Thầy Lâm Nhựt Nam cho hay, phóng sự về 3 em học sinh trên, cả nhóm phải mất cả tháng mới hoàn chỉnh. "Khi phóng sự được đem ra trình chiếu đã được sự đánh giá cao của ban giám hiệu, giáo viên trường cùng phụ huynh HS, cả nhóm mới thở phào nhẹ nhõm vì biết rằng mô hình này bước đầu đã thành công", thầy Nam chia sẻ.

Thầy Lâm Nhựt Nam (

Nói về 3 em HS Huỳnh Như, Thanh Tiến và Trọng Nhân trong đoạn phóng sự, cô Thêu cho biết, em Thanh Tiến từng là nhân vật trong bài viết "Lòng hiếu thảo của cậu học trò bệnh tật" đăng trên báo điện tử Dân trí vào tháng 6/2010, việc mô hình mà nhóm giáo viên thực hiện cũng một phần bắt nguồn từ hoạt động nhân ái này của báo điện tử Dân trí.

Hay em Trần Trọng Nhân (thời điểm thực hiện phóng sự, em đang học lớp 11A1), hoàn cảnh của em rất khó khăn. Em sống với cha mẹ, cha bị bệnh không lao động được, mọi kinh tế gia đình đều phụ thuộc vào việc bán bánh của mẹ, còn em Nhân vừa học vừa làm công việc nhà để phụ mẹ. Trọng Nhân là một HS giỏi của trường. Còn em Trần Thị Huỳnh Như (thời điểm thực hiện phóng sự em đang học lớp 10A9) ở với ông bà ngoại và cậu mợ. Ông bà ngoại già yếu, cậu bị tật nguyền, mọi chi phí sinh hoạt gia đình đều phụ thuộc vào mợ đi làm lao công. Em Huỳnh Như cũng là một HS giỏi.

Ngày 26/3/2011, phóng sự về 3 em học sinh này được trình chiếu trong đêm văn nghệ hội trại thành lập Đoàn 26/3, phóng sự đã nhận được nhiều tình cảm của các bậc phụ huynh, HS khi xem. Và kết quả từ phóng sự này, nhà trường đã vận động được trên 10 triệu đồng từ các mạnh thường quân là các bậc phụ huynh, học sinh quyên góp lại. Với số tiền vận động được, nhà trường đã trao học bổng cho 3 em: Tiến, Nhân, Như, góp phần hỗ trợ thêm cho các em chi phí học tập. "Đây là niềm vui lớn nhất mà nhóm giáo viên làm được cho các em, ai cũng mừng và hạnh phúc lắm vì phần nào đã giúp các em tiếp tục có điều kiện đến trường", cô Thêu chia sẻ.

Thầy Lâm Nhựt Nam (

Mô hình của thầy cô Trường THPT Trần Đại Nghĩa đã tiếp sức cho các em HS nghèo tiếp tục vượt qua khó khăn, vươn lên học tốt. Được biết, các em Hồ Thanh Tiến, Trần Trọng Nhân đã ra trường và đã đậu vào các trường đại học. Còn riêng em Huỳnh Như đang nằm trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn Hóa học lớp 12 của trường. Em Huỳnh Như còn cho biết, ước mơ của em sau khi học xong lớp 12 sẽ thi vào Trường ĐH Y- Dược Cần Thơ để trở thành một bác sĩ tương lai.

Được nhóm giáo viên cho chúng tôi xem phóng sự mà nhóm đã thực hiện, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi việc dàn dựng khá chuyên nghiệp. Dù hình ảnh có những đoạn không rõ nhưng hoàn cảnh của mỗi em đều được sắp xếp rất có trật tự, còn người lồng tiếng thuyết minh cho phóng sự (cùng là một cô giáo trong nhóm) với giọng đọc trầm ấm khiến người nghe rất xúc động.

Nói về những thuận lợi và khó khăn khi thực hiện mô hình này, thầy Lâm Nhựt Nam cho biết: Điều thuận lợi mà nhóm thực hiện là sự ủng hộ hết mình của Ban giám hiệu, của thầy cô giáo trong toàn trường; trong đó Ban giám hiệu đã hỗ trợ tối đa những gì cần thiết cho nhóm đi làm chương trình. Tuy nhiên, khó khăn mà nhóm gặp phải là thiếu trang thiết bị để thực hiện. Do đó, năm vừa qua (2011-2012), nhóm không làm được phóng sự nào bởi máy quay hồi năm trước đã bị hư không có tiền sửa lại hoặc mua máy mới.

Thầy Lâm Nhựt Nam chia sẻ, trong năm học này, nhóm đang ấp ủ làm tiếp một phóng sự nữa nhưng hiện thời vẫn đang gặp khó về trang thiết bị nên không biết có thực hiện được hay không. "Thầy cô trong nhóm sẵn sàng bỏ công sức và thời gian để làm chương trình, nhưng kinh phí để trang bị máy quay và một số kỹ thuật khác không có nên nhóm cũng đang rất lo", thầy Nam cho hay.

Thầy Bí thư Đoàn trường THPT Trần Đại Nghĩa còn cho biết, mô hình này nhóm sẽ duy trì lâu dài, bởi theo thầy Nam, Trường THPT Trần Đại Nghĩa vẫn còn nhiều em HS có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ để các em tiếp tục được thắp sáng ước mơ của mình.

Được biết, một trường khác ở TP Cần Thơ là Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng) cũng đang thực hiện mô hình này để giúp học sinh nghèo của trường.

Cô Võ Thị Kim Cương – Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Việt Dũng cho biết, mô hình quay phim làm phóng sự về HS nghèo để vận động học bổng được trường thực hiện từ năm học 2008- 2009. Theo cô Cương, trường làm mô hình này một phần hưởng ứng phong trào thắp sang ước mơ tuổi trẻ Việt Nam, một phần tiếp bước các em HS nghèo của trường có điều kiện học tập.

Từ khi thực hiện cho đến nay, cô Kim Cương cho biết đã làm phóng sự được 20 trường hợp (mỗi năm học 5 em), các em chủ yếu là nhà ở xa trường, có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi, không có đất sản xuất, cha mẹ bệnh tật… Theo cô Kim Cương, khi thực hiện mô hình này, trường chú trọng vào hoàn cảnh của các em nên có em học khá giỏi, có em chỉ học lực trung bình, thậm chí là yếu. Song, khi đoạn phóng sự hoàn thành và được trình chiếu, vận động được nguồn hỗ trợ đã giúp các em an tâm học tập nên kết quả học của những em có học lực trung bình- yếu đều vươn lên.

Chia sẻ với PV Dân trí, cô Bí thư Đoàn Trường THPT Nguyễn Việt Dũng cho biết, thời gian qua, trường đã vận động được trên 60 triệu đồng, cấp rất nhiều suất học bổng cho các em HS nghèo của trường. Từ những suất học bổng này, nhiều em tiếp tục được học tập, ra trường và đậu vào nhiều trường đại học, cao đẳng ở khu vực. "Năm nay, trường sẽ tiếp tục thực hiện một phóng sự nữa và mô hình này trường sẽ duy trì lâu dài để tiếp bước ước mơ tương lai của các em", cô Kim Cương bày tỏ thêm.     

Huỳnh Hải

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giao-vien-lam-phong-su-de-van-dong-hoc-bong-cho-hs-ngheo-670245.htm

Vì sao nhiều trường gặp khó trong tuyển sinh năm 2012?

Posted: 04 Dec 2012 05:37 PM PST

Vì sao cả trường tư lẫn công đều gặp khó?

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã đưa ra những quy định mới để tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Sự "hỗn loạn" trong tuyển sinh khiến nhiều trường ngoài công lập (NCL) đành "ngậm đắng nuốt cay" tạm thời ngừng mở nhiều ngành, thậm chí có trường có số lượng sinh viên trong cả đợt xét tuyển không đủ mở một lớp như ĐH Phan Châu Trinh.  

Giải thích về "nghịch lý" này, GS Trần Hữu Nghị – hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng phân tích: "Tôi có thể khẳng định việc nhiều trường không tuyển được như các năm về trước xuất phát từ nguyên nhân Bộ GD-ĐT thay đổi một quy định trong xét tuyển. Ở đây là do nguồn tuyển không có nên việc kéo dài cũng không giải quyết được vấn đề. Việc nguồn tuyển không đáp ứng được cho các trường là do khâu xác định điểm sàn chưa sát với thực tế".

GS Nghị cũng cho rằng, nếu như trước kia việc Bộ GD-ĐT quy định điểm chuẩn nguyện vọng (NV) sau không được thấp hơn so với NV trước nên tạo hành lang pháp lý để trường công lập không thể "lấn sân" về phía sau. Tuy nhiên, với việc năm nay bỏ quy định này, cho phép trường công lập hạ điểm chuẩn thấp hơn NV trước thậm chí là sát sàn để "vớt" thí sinh thì điều này hẳn nhiên sẽ gây khó khăn cho các trường tốp dưới, đặc biệt là trường NCL.

"Không cần phân tích thì ai cũng hiểu lợi thế của trường công. Với mức chi phí đào tạo thấp hơn cùng với những lợi ích đi kèm thì hẳn nhiên khi có cơ hội các em đều cố gắng tìm đến trường công. Với việc tạo cơ hội cho trường công lấy đủ hoặc dư chỉ tiêu nên có hiện tượng nhiều em đã nhập học trường tốp dưới hoặc NCL nhưng khi trường tốp trên hạ điểm chuẩn thì rút hồ sơ về nhập học" - GS Nghị nói.

Cũng theo GS Nghị, một trong những yếu tố gây "rối loạn" trong khâu xét tuyển năm nay là Bộ GD-ĐT không giới hạn thời gian xét tuyển từng đợt, lại "mở cửa" cho việc làm hồ sơ xét tuyển bằng cách có thể nộp bản sao vào nhiều trường.

Một cán bộ tuyển sinh của Trường ĐH Thành Đô cho biết: "Nỗ lực nhiều mặt nhà trường mới cố gắng tuyển được khoảng 50% chỉ tiêu đề ra. So với các năm trước thì năm nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khâu nhận hồ sơ xét tuyển không có bản gốc. Có lúc nhận hàng trăm hồ sơ xét tuyển gửi về nhưng số thực tế đến nhập học thì lại quá ít".


Thí sinh thi tuyển sinh đại học năm 2012. (Ảnh: Khánh Hiền)

Đồng quan điểm này, GS Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL phân tích thêm, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng là do cơ cấu ngành nghề bất cập nên dẫn đến hiện tượng không tuyển được thí sinh nhưng nếu nhìn tổng quan thì không hẳn vậy. Không đơn thuần là các ngành khối Kinh tế gặp khó khăn trong việc "hút" thí sinh mà nhiều ngành khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Như vậy ở đây cần phải phân tích đánh giá lại các thay đổi của Bộ GD-ĐT trong năm vừa qua. Riêng về vấn đề điểm sàn cần phải xác định lại bởi khâu xây dựng hiện nay có nhiều điểm bất hợp lý.

Khống chế điểm sàn phải ở mức hợp lý

GS Trần Hữu Nghị phân tích: Tại sao điểm sàn cứ phải dao động trong phạm vi 13-15 điểm? Tôi nghĩ điểm sàn có thể cao hoặc thấp hơn tùy vào mức độ khó của đề thi. Nhiều em dự thi ĐH không đạt được mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng khi đi du học vẫn học tập có kết quả tốt. Qua đó cho thấy việc đánh giá qua thi cử của chúng ta là chưa phù hợp.

"Chúng tôi đang thử hỏi là tại sao Bộ GD-ĐT khi xây dựng điểm sàn không lấy độ dôi lớn so với chỉ tiêu để tạo điều kiện cho các trường tuyển đủ. Việc lấy dôi ra không có gì ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh bởi các trường vẫn xét tuyển theo nguyên tắc từ cao xuống thấp" - GS Nghị đặt vấn đề.

GS Trần Hồng Quân bộc bạch thêm: "Trên thực tế, dù số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn nhiều hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh, song do sự phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, nhiều địa phương khó khăn vẫn không đủ nguồn tuyển, ảnh hưởng tới việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương".

Cũng theo GS Quân thì kiến nghị cách đây 2 năm của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL rõ ràng là hợp lý vào thời điểm hiện tại nên thời gian tới khối này sẽ họp bàn để xem xét lại các vấn đề sau đó làm việc với Bộ GD-ĐT để tìm phương án giải quyết. Nếu cứ kéo dài tình trạng này như hiện nay thì chắc chắn các trường NCL sẽ khó tồn tại trong thời gian tới.

Một cán bộ tuyển sinh lâu năm cũng cho rằng không nên "quy chụp" do chất lượng đào tạo chưa tốt dẫn đến không tuyển được thí sinh. Ở đây phải thẳng thắn nhìn vào sự thật đó là các trường NCL không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước do đó muốn có sự bền vững thì cần phải có thời gian. Chính vì thế Bộ GD-ĐT cần có cơ chế để hỗ trợ cho các trường gặp khó khăn.

"Tôi cũng đã khảo sát một số trường NCL mà tuyển sinh năm nào cũng tốt và nhận thấy rằng sở dĩ họ làm được điều này là do có nền tảng đội ngũ giảng viên tốt do hình thành từ việc nâng cấp từ CĐ lên ĐH. Bên cạnh đó, họ chú trọng khâu đầu ra để đảm bảo sinh viên có việc làm. Yếu tố cuối cùng mới là cơ sở vật chất. Tuy nhiên ở đây không phải trường nào làm được việc này bởi xuất phát điểm của có là xây dựng ĐH ngay" – cán bộ tuyển sinh này cho biết.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vi-sao-nhieu-truong-gap-kho-trong-tuyen-sinh-nam-2012-669706.htm

Comments