Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Người châu Á quá khôn ngoan vì lợi ích riêng?

Posted: 30 Dec 2012 05:37 AM PST

Phó giáo sư xã hội học Carolyn Chen cho rằng người ngồi trên giảng đường các trường đại học xuất sắc nhất nước Mỹ nên là những tài năng toàn diện, tuy nhiên bà lại lo ngại những tiêu chí tuyển sinh nhằm hạn chế sinh viên gốc Á là không công bằng với họ.

ĐH California ở Berkeley là trường có nhiều sinh viên gốc Á

 

Đặt chỉ tiêu ngầm với sinh viên gốc Á

Cuối tháng này, học sinh cuối cấp sẽ nộp đơn vào các trường đại học, cao đẳng và bắt đầu chờ đợi để nghe ngóng về nơi mà họ sẽ dành 4 năm tiếp theo để học tập. Hơn những gì mà họ có thể nhận ra, kết quả sẽ phụ thuộc vào chủng tộc. Nếu bạn là người châu Á, cơ hội được nhận vào những trường uy tín nhất chắc chắn sẽ thấp hơn nếu bạn là người da trắng.

Người Mỹ gốc Á chiếm 5,6% dân số Mỹ nhưng lại chiếm 12 tới 18% số lượng sinh viên ở các trường thuộc khối Ivy League. Người châu Á chiếm từ 40 tới 70% số học sinh các trường phổ thông công lập như Stuyvesant và Bronx Science ở New York, Lowell ở San Francisco và Thomas Jefferson ở Alexandria, Virginia – những nơi mà điều kiện xét tuyển chủ yếu dựa vào xếp loại và các kỳ thi.

Trong một nghiên cứu vào năm 2009 ở hơn 9.000 học sinh nộp đơn vào các trường đại học xuất sắc, 2 nhà xã hội học Thomas J. Espenshade và Alexandria Walton Radford nhận thấy sinh viên da trắng có khả năng được nhận gấp 3 lần sinh viên châu Á có cùng thành tích học tập.

Vào những năm 1920, khi người Do Thái (thường đạt thành tích cao) bắt đầu cạnh tranh với người da trắng Anglo-Saxon, các trường thuộc khối Ivy League bắt đầu hỏi các ứng viên về nền tảng gia đình và tìm kiếm ở họ những phẩm chất mơ hồ như "chí khí", "mạnh mẽ", "nam tính", "có tư chất lãnh đạo" để đánh bại hồ sơ của người Do Thái.

Những năm 1920, người ta thường đặt câu hỏi: Harvard có còn là Harvard nữa không khi có quá nhiều người Do Thái? Bây giờ chúng ta đặt câu hỏi: Harvard có còn là Harvard nữa không khi có quá nhiều người châu Á? Sinh viên ĐH Yale có 58% là người da trắng và 18% là người châu Á. Liệu sẽ là một tai họa nếu con số này bị đảo ngược?

Một số phụ huynh da trắng đang tránh xa những trường công xuất sắc – nơi đang có quá nhiều người châu Á vì lo sợ rằng con cái họ sẽ bị qua mặt. Nhiều người da trắng đủ khả năng tài chính cho con học trường tư – những nơi ủng hộ triết lý giáo dục "tiên tiến", "học không phải để thi" và đưa ra những giáo trình âm nhạc, nghệ thuật (không phải nhạc cụ châu Á) như piano, violin. Ở một số trường tư tốp đầu, trẻ châu Á rất khó để vào được.

Ở các trường uy tín, chỉ tiêu người châu Á ngấm ngầm được đặt ra. Ở ĐH Northwestern, sinh viên Mỹ gốc Á nói với tôi rằng họ cảm thấy xấu hổ về nguồn gốc của mình, rằng họ cảm thấy mình bị xem như là những kẻ nhàm chán, không cá tính. Khi họ thành công, bạn bè châm biếm "đúng là người châu Á". Họ quá thông minh và chăm chỉ vì lợi ích riêng của mình.

Không đưa thông điệp sai lầm

Kể từ khi cải tổ luật di trú năm 1965, Mỹ đã thu hút hàng triệu người nhập cư học vấn cao và tham vọng từ Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ. Chúng ta chào đón những người nhập cư này là chính xác vì họ xuất sắc và vượt trội. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta đang kỳ thị con cái họ vì đã chúng thừa hưởng những phẩm chất từ bố mẹ trong một nền giáo dục tốt. Chúng ta đã tự thủ tiêu mình!

Tôi không tán thành cách giáo dục cứng nhắc và nguy hiểm của "Mẹ Hổ" – giảng viên Luật Amy Chua – một phương pháp ngăn cản sự phát triển của trẻ châu Á bằng cách đưa trẻ đến thành công bằng những kỳ vọng thái quá của cha mẹ chứ không phải nhờ những nỗ lực cá nhân.

Chúng ta muốn thu nhận những sinh viên xuất sắc và có tài năng toàn diện, chứ không phải chỉ là những thí sinh xuất sắc. Nhưng điều làm tôi lo lắng là những tiêu chí tuyển sinh mang tính chủ quan và không công bằng như "cá nhân", "khác biệt" sẽ là một thiệt thòi cho người châu Á, giống như điều đã xảy ra với các ứng viên Do Thái trong quá khứ.

Cái cách mà chúng ta ứng xử với những đứa trẻ này sẽ ảnh hưởng tới nước Mỹ mà chúng ta đang xây dựng. Nếu như những trường xuất sắc nhất ngầm đặt ra chỉ tiêu số người châu Á được nhận vào, nghĩa là chúng ta đang gửi đi một thông điệp với tất cả học sinh, sinh viên rằng làm việc chăm chỉ và điểm tốt chỉ là mục tiêu phấn đấu của những kẻ ngốc.

Carolyn Chen là phó giáo sư xã hội học kiêm giám đốc Chương trình Nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại ĐH Northwestern.

  • Nguyễn Thảo (Theo New York Times)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/102708/nguoi-chau-a-qua-khon-ngoan-vi-loi-ich-rieng-.html

Vui buồn chuyện nghỉ lễ của giáo viên

Posted: 30 Dec 2012 05:36 AM PST

(GDTĐ) – Thực hiện chủ trương của Bộ Lao động thương binh và xãhội, những năm qua, trong những dịp nghỉ lễ như: Tết âm lịch, Tết dương lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4, 1/5, ngày 2/9, lịch làm việc của công chức, viên chức được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện nghỉ ngơi, du lịch, tham quan dài ngày. Theo đó, nếu ngày nghỉ lễ trùng vào những ngày cuối tuần thì người lao động có thể đi làm bù vào thời gian thích hợp, trước hoặc sau ngày nghỉ lễ. Mặc dầu vậy, với ngành giáo dục lại là một ngoại lệ. 

Từ bấy lâu nay, trong khi cán bộ, công chức ở các ngành nghề khác vẫn được nghỉ làm vào thứ Bảy và Chủ nhật nhưng đối với ngành giáo dục thì chỉ có bậc Tiểu học là được hưởng trọn 2 ngày nghỉ. Cán bộ quản lý và giáo viên bậc THCS và THPT vẫn phải làm việc bình thường trong ngày thứ Bảy, dù cho từ năm học 2008-2009, khung chương trình đã được kéo giãn ra thêm 2 tuần, từ 37 lên 39 tuần.

Trong dịp nghỉ Tết dương lịch năm 2013, Bộ Lao động thương binh và xã hội cũng đã quyết định về việc hoán đổi ngày nghỉ. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức đi làm ngày thứ Bảy (5/1/2013) để nghỉ ngày thứ Hai (31/12/2012). Như vậy, dịp Tết dương lịch năm nay, cán bộ, công nhân viên chức sẽ được nghỉ bốn ngày từ thứ bảy (29/12/2012) tới thứ Ba (1/1/2013), trừ… giáo viên bậc THCS và THPT, bởi lý do, giáo viên ở những bậc học này không được nghỉ vào ngày thứ Bảy.


Ảnh MH

Vậy là, trong khí cán bộ công chức ở các ngành nghề khác có thể có một kỳ nghỉ tương đối dài ngày, thực hiện các chuyến tham quan, du lịch cùng bạn bè, người thân, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí thì người giáo viên vẫn không thể được hưởng quyền lợi này. Hoạt động dạy và học của hầu hết các trường THCS và THPT vẫn được diễn ra bình thường trong ngày thứ Hai (31/12).

Để tạo điều kiện cho giáo viên được kéo dài ngày nghỉ, một số trường đã "linh hoạt" điều chỉnh bằng cách cho giáo viên và học sinh nghỉ trong ngày thứ Hai (31/12) nhưng lại phải "làm bù" vào ngày chủ nhật (30/12). Phải đi làm trong ngày chủ nhật sau một tuần làm việc căng thẳng, tâm lý của giáo viên không mấy thoải mái, thậm chí, có không ít giáo viên còn tỏ ý phàn nàn, không đồng tình với "sáng kiến" này.

Qua tìm hiểu được biết, dù muốn nhưng Ban giám hiệu của các nhà trường cũng không dám "xé rào" cho phép giáo viên nghỉ bốn ngày như công chức, viên chức ở các ngành nghề khác do sợ vi phạm quy định chung của ngành. Có ý kiến cho rằng, giáo viên phải đến trường vào thứ Bảy là chuyện… đương nhiên vì đã có 3 tháng nghỉ hè.

Ý kiến trên xem ra không hợp lý bởi, giáo viên và học sinh được nghỉ hè ngoài lý do về điều kiện thời tiết còn là để có được khoảng thời gian cần thiết nghỉ ngơi sau một năm dạy và học căng thẳng, chuẩn bị tốt về mặt tâm thế cho năm học mới. Mặt khác, trên thực tế, hiện nay giáo viên và học sinh đã không còn được nghỉ trọn vẹn 3 tháng hè do năm học kết thúc muộn và bắt đầu sớm hơn so với trước đây. Đó là chưa kể tới việc giáo viên phải tham gia các lớp tập huấn chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên trong dịp hè, thời gian nghỉ thực tế của giáo viên cũng bị "cắt xén" nhiều.

Việc học sinh và giáo viên được nghỉ thêm vào ngày thứ Bảy hàng tuần là quy định mang tính bắt buộc và là xu thế chung của nền giáo dục các nước trên thế giới. Ở nước ta, dù đã nhiều lần điều chỉnh khung chương trình và nội dung sách giáo khoa, nhưng chương trình giáo dục của các bậc học phổ thông hiện nay vẫn được đánh giá là quá tải.

Nên chăng, Bộ GDĐT cần có những điều chỉnh kịp thời về dung lượng kiến thức, khung chương trình theo hướng giảm tải để giáo viên và học sinh có thể nghỉ thêm ngày thứ Bảy. Một mặt, để cho học sinh có thêm thời gian vui chơi, thư giãn lấy lại sự thăng bằng sau một tuần học căng thẳng, người giáo viên có thể có thêm thời gian để tái tạo sức lao động, đồng thời có điều kiện tích lũy chuyên môn, nâng cao trình độ, nghiệp vụ. Mặt khác, người giáo viên cũng sẽ được đảm bảo quyền lợi trong các dịp nghỉ lễ trong năm như người lao động ở các ngành nghề khác.

Bùi Minh Tuấn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Vui-buon-chuyen-nghi-le-cua-giao-vien-1965957/

Bức thư xúc động gửi cô giáo vùng cao ngày Tết

Posted: 30 Dec 2012 05:36 AM PST

Con viết thư này, muốn gửi gắm đến cả cô giáo của mình. Ngày hôm nay, cô cũng chào lớp học để về xuôi thăm gia đình. Cô đã từng kể, nơi cô giáo sinh ra và lớn lên là vùng đồng bằng, những cánh đồng trải dài thẳng cánh cò bay. Nhiều người lớn lên, không ra khỏi lũy tre làng thì không biết thế nào là núi non, là những con suối róc rách nước chảy vùng núi. Ở đó cô có bố mẹ, tuổi đã già, có người yêu hứa hẹn ngày cô về sẽ tổ chức đám cưới.


Lớp học vùng cao (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Ngày hôm nay, trước khi từ biệt lớp học, cô còn phát bim bim cho chúng con. Cô cũng hứa, sẽ lên với chúng con khi ngày nghỉ Tết kết thúc. Con tin lời cô nói, nhưng vẫn sợ lắm. Bởi có nhiều thầy cô đã từng hứa với chúng con, sẽ trở lại lớp học nhưng rồi đều bỏ lớp mà đi.

Con mong cô sẽ trở lại, vào đầu năm học mới để gieo con chữ cho học sinh vùng cao nghèo khó. Bởi con biết cô thương học sinh như chính con mình. Cô lau những đôi bàn chân rớm máu, vì phải đi bộ, chân đất tới trường trên nẻo đường khúc khuỷu, trèo đèo, lội suối, còn nhiều khó khăn mà xót xa. Cô trò ở với nhau, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, tình cảm trở nên gắn bó.

Cô cũng đã từng nói với chúng con rằng, đời sống khó khăn cô trò cùng cố gắng khắc phục. Cô không mong gì thưởng Tết, bởi học trò của cô không đủ quần áo đến trường, bố mẹ của chúng con không đủ tiền mua gạo ăn ngày tết, việc cho các con đi học đã quá sức rồi. Vì vậy, sự vất vả của cô chưa thấm tháp gì. cô đồng cam cộng khổ cùng mọi người.

Ngày hôm nay, khi cô về xuôi mà nước mắt học trò đã ngắn dài. Có nhiều bạn cũng có chung cảm xúc, vừa muốn cô có những ngày nghỉ yên bình, vừa sợ cô không quay trở lại nữa.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Buc-thu-xuc-dong-gui-co-giao-vung-cao-ngay-Tet/264023.gd

Gieo chữ

Posted: 30 Dec 2012 05:35 AM PST

(GDTĐ) – Rời Nha Trang từ sáng sớm, sau khoảng hơn 1 giờ xe chạy, chúng tôi đến cảng Ba Ngòi xuống tàu qua đảo Bình Ba – một địa danh thuộc xã đảo Cam Bình đã đi vào ca dao Khánh Hòa " Yến sào hòn Nội, vịt lội Ninh Hòa, tôm hùm Bình Ba, nai khô Diên Khánh". Bình Ba xưa và nay vẫn nổi tiếng với nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản, với phong cảnh thiên nhiên hoang sơ, phóng khoáng giao hòa giữa trời và biển. Bình Ba nay không chỉ là nơi thu hút du khách gần xa, mà còn là điểm đến và neo đậu của các thầy cô giáo " gieo chữ – trồng Người nơi chắn sóng". 

Cô Nguyễn Thị Cảnh, 35 năm dạy học ở Trường TH Cam Bình 2
Cô Nguyễn Thị Cảnh, 35 năm dạy học ở Trường TH Cam Bình 2

Cách đất liền hơn 7 hải lý, Bình Ba là nơi chắn sóng cho vịnh Cam Ranh. Mùa biển lặng, thời tiết tốt, từ đất liền qua đảo như một chuyến tham quan. Nhưng mùa gió lớn, sóng to, đường ra đảo lênh đênh và nguy hiểm. Cùng đi với chúng tôi có anh Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hội đồng nhân dân và anh Nguyễn Văn Du – Trưởng phòng giáo dục thành phố Cam Ranh. Không hẹn mà nên, vừa đến cảng Ba Ngòi, chúng tôi gặp thầy Phan Ngọc Duyệt – Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Cam Bình.

Đang trên đường vào thành phố Cam Ranh, anh đã quay lại, cùng chúng tôi xuống tàu ra đảo. Đường xa, chuyện ngắn chuyện dài – người thầy giáo là con đất đảo, ra đi – trưởng thành, hơn 24 năm nay, anh về quê hương gieo chữ, trồng người. Trong tiếng máy tàu, gió và sóng, anh Duyệt kể cho chúng tôi chuyện nhiều năm về trước. Khi chưa có nhà công vụ, không ít giáo viên được phân công về Bình Ba đã bỏ nhiệm sở, bỏ đảo, về đất liền.

Mấy năm gần đây, tình hình khác rồi. Trường ra trường, lớp ra lớp. Xã có điện, đường, trường, trạm. Tôm hùm lồng được nuôi ngày một nhiều hơn. Khi xét tuyển, giáo viên qua tham quan trước, cảm nhận  những đổi thay trên đảo, họ đã ở lại. Trường anh có 3 đôi giáo viên xây dựng hạnh phúc và gắn bó lâu dài với Bình Ba. Khó khăn nhất vẫn là đối với nữ giáo viên mang thai và nuôi con trên đảo. Nhiều cô sinh con ở đất liền, mới 3,4 tháng đã phải bồng con sang đảo. Cuối tuần lại ngược từ đảo về đất liền. Thời tiết tốt cũng phải mất gần một tiếng rưỡi đồng hồ. Thời tiết xấu, biển động tàu đò không xuất bến, con nhỏ ốm đau… nỗi lo luôn canh cánh trong lòng những người mẹ trẻ. Vậy mà, các thầy cô giáo – người Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh và cả ở miền Bắc vào – vẫn san sẻ, đùm bọc, hỗ trợ nhau để hoàn thành nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Văn Du – Trưởng phòng giáo dục thành phố Cam Ranh đã nhiều lần ra với Bình Ba. Lênh đênh trên sóng, cảm xúc vẫn dâng đầy khi anh nói về các thầy cô giáo, học sinh và người dân trên đảo. Trung bình hàng năm, phòng giáo dục trên dưới 10 giáo viên, tuy không được hưởng chế độ vùng khó khăn (chỉ hưởng phụ cấp địa bàn 0,2%) nhưng phần lớn giáo viên đều tự nguyện ra Bình Ba, cống hiến cho ngành. Nhiều người đã công tác 6,7 năm. Thời gian gần đây, ngành có chủ trương thực hiện thuyên chuyển cho giáo viên: nữ: 3- 4 năm và nam: 4-5 năm công tác được về đất liền. Vậy mà vẫn có người ở lại lâu hơn với đảo. Điều đó bắt nguồn từ lòng yêu nghề, từ những đổi thay trên đảo và trên hết là tình cảm của người dân Bình Ba đối với các thầy cô giáo. Trời lúc nắng, lúc mưa, hình ảnh về giáo dục Bình Ba qua lời các anh dần hiện ra. Phía xa xa là ngôi trường mái đỏ 2 tầng – tâm điểm của xã Cam Bình – Trường THCS Nguyễn Trung Trực. Thành lập năm 2006 – 2007 ( theo dự án tách trường Phổ thông cơ sở Cam Bình). 5 năm sau, năm học 2011 – 2012, trường đã được công nhận trường Chuẩn Quốc gia và là trường Chuẩn Quốc gia đầu tiên của các trường đảo của tỉnh Khánh Hòa.

Trường chuẩn quốc gia đầu tiên của Khánh Hòa
Trường chuẩn quốc gia đầu tiên của Khánh Hòa

Từ một xã không có trường Trung học cơ sở, đến nay, Cam Bình đã có hệ thống trường từ mầm non, tiểu học đến Trung học cơ sở. Trường nào cũng khang trang, 2 tầng. Người dân đã quan tâm đến việc học của con em. 100% trẻ trong độ tuổi đã ra lớp 1. Toàn xã có trên 5200 nhân khẩu, trong đó có hơn 1000 học sinh, sinh viên. Trường không có học sinh bỏ học. Chúng tôi đến trường và được dự tiết chuyên đề về "Chủ quyền biển đảo". Giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin, tiết dạy sống động và gần gũi với học sinh. Bởi nó được bắt nguồn từ biển đảo quê hương, với con tàu, lồng tôm và cuộc sống của người dân trên đảo. Từ Bình Ba, các em đến với biển đảo Khánh Hòa, biển đảo Việt Nam và các quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Cô giáo trẻ Nguyễn  Thị Minh Luận hào hứng nói với chúng tôi: “Trong giáo dục biển đảo về quê hương Khánh Hòa chú trọng về đảo Bình Ba, vị trí, lợi thế kinh tế, quốc phòng để các em nắm vai trò công dân biển đảo, nắm địa bàn sinh sống của mình, từ cái nhỏ mở rộng ra quê hương Khánh Hòa, sau đó giáo dục ý thức biển đảo chung cho cả nước”.  Những giờ học khơi dậy trong trẻ thơ tình yêu quê hương, khơi nguồn mơ ước. Em Nguyễn Văn Sinh –  một học sinh lớp 7 trường THCS Nguyễn Trung Trực sôi nổi: “Con thấy tự hào về Bình Ba rất là tươi đẹp..Con muốn Bình Ba ngày càng tươi đẹp hơn, vì thế bây giờ con phải học, lớn lên.con dạy cho mọi người đánh bắt xa bờ. Ba mẹ con đã có ghe đánh bắt thủy sản. Con muốn sau này lớn lên con sẽ làm nghề nuôi bắt thủy sản ở đây phát triển rộng hơn".  Em Lâm Triệu Mẫn – một học sinh nữ lại có mơ ước học để làm nghề cô giáo về dạy ở quê hương mình. Người dân Bình Ba có nhiều tri thức để buôn bán thủy sản với số lượng lớn hơn. Mơ ước của các em nhỏ nhưng không nhỏ một chút nào.

Giữa đảo xa nhưng việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được nhà trường triển khai trong công tác quản lý, giảng dạy.  Phòng máy tuy không lón nhưng đã được nối mạng internet. Học sinh được học vi tính và biết sử dụng internet từ năm lớp 6. Các em tham gia các cuộc thi Toán, Tiếng Anh dành cho học sinh trên mạng internet, như những học sinh  khác ở đất liền. Sử dụng internet và học tiếng Anh bây giờ là nhu cầu không thể thiếu của học sinh xã đảo.

Lớp thầy cô đi trước trụ lại với đảo, với học sinh thân yêu đã gieo niềm tin cho lớp giáo viên trẻ về với đảo. Cho dù không hưởng chế độ đảo nhưng cuộc sống, con người và mái trường nơi đây đã là sợi dây neo – níu giữ họ đến và tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ, trồng Người”. Từ buổi đầu tiên qua đảo với ý nghĩa “qua cho biết thôi chứ chắc phải về”, đến năm học này, cô giáo Võ Thanh Vy đã có 4 năm công tác tại trường tiểu học Cam Bình. Cô tâm sự: “Học sinh ở đây rất là đông và rất là ngoan. Chính vì cuộc sống nơi đây, vì những   học trò bé bỏng đã tạo cho mình động lực và ở lại đây dạy.  Em mong ước trường và phòng giáo dục trang bị nhiều đồ dung dạy học để giáo viên chủ động trong tiết dạy của mình, từ đó mang đến chất lượng bài dạy và mang đến kiến thức cho các em dễ dàng hơn, dễ tiếp thu hơn".

Việc đầu tư cho giáo dục đã mang lại cho Bình Ba sự khởi sắc. Từ nay đến năm 2015, các trường của xã đảo Cam Bình sẽ được tiếp tục đầu tư theo hướng Chuẩn Quốc gia. Không chỉ ở thôn Bình Ba mà cả ở thôn Bình Hưng, trường học cũng sẽ khang trang. Tuy chưa có trường Trung học phổ thông,  tốt nghiệp lớp 9, các em phải vào học ở đất liền nhưng nhiều gia đình  đã cố gắng cho con em học tiếp. Ông  Trần Văn Hóa Bí thư, Chủ tịch UBND xã Cam Bình phấn khởi nói với chúng tôi: "Vấn đề đầu tư cho giáo dục mang lại cho địa phương rất lớn. Ngành giáo dục toàn dân trên xã đảo có chất lượng rất cao. Hàng năm các em đi vào các trường phổ thông đậu 90% trở lên. Nhân dân cũng tập trung cho một số  em đi vào Cao đẳng, Đại học. Hàng năm có khoảng 20 em. Còn lại đi vào trung cấp. Trong ngành giáo dục của địa phương đối với nhận thức của nhân dân có nhiều thay đổi và họ cũng đã tập trung tích cực hỗ trợ cho các trường đặc biệt giáo viên về công tác bên này rất là an tâm. Hướng của địa phương năm 2014 làm sao cho các trường có phòng chức năng theo chuẩn quốc gia, theo chuẩn của xây dựng nông thôn mới."

Chuyện "Khởi sắc giáo dục Bình Ba" vẫn còn nhiều. Khó khăn của các thầy cô giáo nơi đây chưa phải đã hết. Đời sống của giáo viên còn chất vật, lo toan. Song trên hết vẫn là tinh thương, trách nhiệm, lòng yêu nghề, mến trẻ. Đã có người bén duyên, lập nghiệp. Đã có người sau 5, 7 năm về lại đất liền. Bình Ba là kỷ niệm mặn nồng với người đi xa, là tình yêu bền chặt với người bén đất. Tàu đã đợi trên cầu đò. Tạm biệt Bình Ba, tạm biệt những con người "gieo chữ – trồng người" nơi chắn sóng, hẹn ngày gặp lại.

 Ký sự của Liên Minh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Gieo-chu-trong-nguoi-noi-chan-song-1965939/

Đăng ký thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy 2013

Posted: 30 Dec 2012 05:35 AM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT đề nghị các ĐH, học viện, các trường ĐH, CĐ, các trường sĩ quan đào tạo trình độ ĐH, CĐ đăng ký thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013.

Mục đích việc đăng ký nhằm có thông tin đầy đủ, chính xác của các cơ sở giáo dục ĐH trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 để công bố công khai trên website của Bộ GDĐT và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, gia đình thí sinh trong việc chọn trường, ngành nghề đào tạo.

Thông tin đăng ký gồm: Tên trường, địa chỉ, điện thoại, số fax, địa chỉ website của trường; tên ngành, mã ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ; khối thi hoặc khối xét tuyển tương ứng của từng ngành; vùng tuyển sinh; dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 (chỉ tiêu của từng ngành, tổng chỉ tiêu từng trình độ và tổng chỉ tiêu của trường); phương thức tuyển sinh theo từng trình độ đào tạo (tổ chức thi hoặc không tổ chức).

Các thông tin khác như: Điều kiện tuyển sinh các ngành năng khiếu, môn thi năng khiếu, hệ số môn năng khiếu (nếu có); số chỗ trong ký túc xá; điểm xét tuyển chung toàn trường hoặc theo ngành, khối thi; mức học phí tính theo tháng (đối với các trường ngoài công lập), các chương trình đào tạo theo chương trình tiên tiến được Bộ cho phép,….

Mẫu đăng ký thông tin tuyển sinh được tải về từ trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại địa chỉ: http://www.moet.gov.vn. Các trường gửi thông tin đăng ký về Bộ GDĐT trước ngày 10/01/2013.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201212/Dang-ky-thong-tin-tuyen-sinh-DH-CD-chinh-quy-2013-1965933/

Bài văn về mục đích của dạy học

Posted: 30 Dec 2012 05:33 AM PST

– Nền giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập, trước tiên chính là bởi rất
nhiều người học và thậm chí là một bộ phận thầy cô giáo đã chọn sai mục
tiêu hướng tới.


 

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng


Đề bài: Có người cho rằng mục đích của dạy học là dạy cho học sinh thi đỗ, lại có người khẳng định mục đích của dạy học nên là dạy cho học sinh biết cách tư duy. Trình bày ý kiến của anh (chị).

Bài làm:

Trong mấy năm trở lại đây, giáo dục và chất lượng giáo dục đang là thỏi nam châm thu hút mối quan tâm của dư luận toàn xã hội bởi những bất cập cũng như những biến chuyển xung quanh nó. Bộ Giáo dục công bố dự án thay SGK. Nhà nghiên cứu chuyên môn yêu cầu thay đổi phương pháp giáo dục. Nhà báo khẳng định nền giáo dục đang mất phương hướng, tròng trành không lối thoát.

Cuối cùng, giữa một mê cung rối rắm, người ta truy tìm đến căn nguyên của vấn đề. Trước khi thay đổi phương pháp, trước khi cải cách chương trình giảng dạy, điều cần thiết nhất chính là xác định một cái đích đúng đắn, rõ ràng làm kim chỉ nam cho cả nền giáo dục. Và một vấn đề mới tiếp tục nảy sinh khi nhiều người cho rằng mục đích của dạy học là dạy cho học sinh thi đỗ, trong khi lại có người khẳng định mục đích của dạy học nên là dạy cho học sinh biết cách tư duy.

Thi cử là thước đo xác định chất lượng giáo dục. Tư duy lại là một hoạt động trí tuệ, là phương thức nhận thức ở trình độ cao. Dễ thấy, hai yếu tố trên thuộc về hai phương diện hoàn toàn khác nhau, nhưng đều là những yếu tố hết sức quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục.

Bởi vậy, theo lẽ thường, hoàn toàn có thể lựa chọn bất kì một trong hai phương diện trên làm mục đích của việc giảng dạy. Nếu đã coi thi cử là thước đo đánh giá thì lấy kết quả đỗ – trượt trong một kì thi để phản ánh hiệu quả giáo dục là chuyện hết sức tự nhiên. Tương tự như vậy, khi biết cách tư duy chính là lúc con người đã có thể làm chủ được kiến thức của mình – giáo dục cần hướng tới cái đích đó là điều tất yếu.

Vậy… lẽ nào việc đặt ra vấn đề trên là vô nghĩa lí, là thừa, là không cần thiết?

Nhưng những cuộc tranh cãi nảy lửa để tìm ra câu trả lời cuối cùng cho câu hỏi ấy trên các diễn đàn, báo chí, truyền hình gần đây đã khẳng định với ta đáp án là không. Vậy điều gì đã khiến một chuyện hiển nhiên trở thành một câu hỏi hóc búa, một cuộc bàn luận không hồi kết? Điều gì đã khiến 2 mục tiêu “biết cách tư duy” và “thi đỗ” không còn là 2 cái đích giao nhau?

Nếu ví quá trình học tập là một con đường, thì những kì thi chính là những chướng ngại vật trên con đường ấy, còn tư duy có thể so sánh với một cỗ xe do ta điều khiển, đồng hành cùng ta đến hết con đường.

Bạn có thể nghĩ ra bao nhiêu cách để vượt qua một tảng đá chắn ngang đường? Chỉ đơn giản là dùng sức leo qua, khéo léo điều chỉnh cỗ xe của mình hay bạn sẽ đi nhờ xe khác, bạn sẽ đào một đường ngầm phía dưới hay bám víu vào một cành cây nào đó phía trên?

Vượt qua một kì thi cũng vậy. Trong tình hình công tác ra đề, chấm thi còn nhiều bất cập, trong khi chuộng thành tích vẫn còn là một căn bệnh trầm kha, trong thực tế người ta sẵn sàng tìm đủ mọi cách để chống trượt – hay thi đỗ, điểm 5 bạn đạt được có đủ để đảm bảo bạn đã hiểu vấn đề, hay đó chỉ là kết quả của kiểu học vẹt, học tủ, hay thậm chí là gian lận?

Câu chuyện buồn về những học sinh lớp 8 không thể đánh vần, những học sinh giỏi quốc gia bị hủy kết quả thi, những học sinh giỏi tốt nghiệp bị tước bằng… đã đánh mất niềm tin của rất nhiều người vào những tấm bằng khen, những tỉ lệ phần trăm học sinh khá giỏi. Các kì thi – cái thước đo chính thức mà ta vẫn đang công nhận đã không còn chính xác khách quan và đáng tin như nó cần phải có.

Hơn nữa, đúng là vượt qua một kì thi đôi khi không cần đến óc tư duy, nhưng nếu có một cỗ xe trong tay mà ta không biết cách vận hành thì thật là đáng tiếc. Hơn nữa, không phải lúc nào ta cũng có được cơ hội đi nhờ xe ai đó, cũng không phải chướng ngại vật nào cũng có thể vượt qua dễ dàng bằng hai bàn tay không.

Sẽ đến lúc thước đo đánh giá xếp loại ta không còn là một đề văn hay bài tập toán mà là một cuộc phỏng vấn, một bản hợp đồng… Nếu giáo dục không thể dạy cho mỗi người học thật, hiểu thật, những học sinh khi rời ghế nhà trường phải làm sao để đối mặt với những bài thi mà cuộc đời ra đề, chấm điểm?

Đó cũng chính là lí do vì sao ta cần quan tâm nhiều hơn đến cái thước đo ngầm phía sau mỗi kì thi, thậm chí, cần nâng nó lên vị trí là mục tiêu cốt yếu của việc dạy và học. Giáo dục phải dạy cho học sinh biết cách tư duy. Nghĩa là học sinh không cần nhớ đáp số của một bài toán, nhưng phải biết làm thế nào để tìm ra kết quả…

Dạy cho học sinh biết cách tư duy là con đường đúng đắn duy nhất để đào tạo được những thế hệ có thể nắm bắt, tiếp cận, và xử lí khối lượng thông tin khổng lồ – có thể bắt kịp với những bước tiến dài của nhân loại.

Nền giáo dục Việt Nam còn nhiều bất cập, trước tiên chính là bởi rất nhiều người học và thậm chí là một bộ phận thầy cô giáo đã chọn sai mục tiêu hướng tới. Học trước tiên để thi đỗ, dạy trước tiên để học sinh thi đỗ. Bởi vậy mới có hiện tượng phao thi rải trắng sân trường sau mỗi buổi thi. Bởi vậy mới có em học sinh lớp 9 học thuộc lòng những bài văn 4, 5 trang giấy của thầy cô làm tư liệu bước vào kì thi chuyển cấp.

Đổi mới cách nhìn về mục tiêu của giáo dục đã trở thành một yêu cầu khẩn thiết, để rồi từ đó, ta mới có thể đề ra những phương pháp dạy và học mới, phù hợp hơn, đúng đắn hơn….

Như cách nói của nhà văn Nhật Kakura “con người là ngọn đèn cần được thắp sáng, chứ không phải là những cái bình nước cần được đổ đầy”. Bên cạnh đó, ta cũng có thể giảm nhẹ áp lực thành tích trong thi cử bằng việc thay đổi hình thức xếp loại học sinh. Đừng để điểm thi tiếp tục trở thành chuẩn mực trong đánh giá.

Khi lựa chọn mục tiêu "học để biết cách tư duy" thay vì "thi đỗ", ta sẽ có thể vượt qua một kì thi bằng chính sức của mình – thi đỗ, và hơn thế, là thi tốt.

Đừng coi những kì thi là vật cản hay là cái đích trên con đường của bạn, hãy cứ để nó trở về vẹn nguyên với ý nghĩa ban đầu của nó. Thi cử, đơn giản chỉ là một lần kiểm nghiệm trình độ tư duy!

  • Trần Thị Lý

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/102836/bai-van-ve-muc-dich-cua-day-hoc.html

Thi tốt nghiệp THPT năm 2013: Tăng cường biện pháp chống tiêu cực

Posted: 30 Dec 2012 05:33 AM PST


Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2012.

Khuyến khích chống tiêu cực trong thi cử

Theo dự thảo thì năm 2013 đề thi sẽ có mục cho thí sinh ghi họ tên, số báo danh và chữ ký. Mục đích của việc làm này là nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ đề thi. Đối với vật dụng được phép mang vào phòng thi được điều chỉnh theo hướng linh động và cũng tạo điều kiện cho việc thu thập bằng chứng để phản ánh gian lận trong thi cử. Nếu như trước các vật dụng cần thiết để làm bài thi như bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ yêu cầu không được gắn linh kiện điện tử thì nay dự thảo không yêu cầu bắt buộc. Tuy nhiên các thiết bị này phải đảm bảo không truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi (đã hoặc chưa sử dụng). Nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy chế.

Về xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, dự thảo cho biết, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) hoặc Thanh tra giáo dục các cấp sẽ là nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi. Cũng để đảm bảo thông tin phản ánh chính xác và trung thực dự thảo cũng đưa ra quy định ràng buộc. Cụ thể, người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày, tính từ khi kết thúc ngày thi.

Đối với tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi thì tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý; Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm Quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp. Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi. Bên cạnh đó, bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin

Đảm bảo tính khách quan khi chấm bài thi tự luận

Để tăng cường các biện pháp đảm bảo tính khách quan trong chấm thi tự luận sẽ bổ sung quy định về chấm kiểm tra, chấm thẩm định. Cụ thể, mỗi Hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại để kiểm tra ít nhất 10% số lượng bài thi do các giám khảo đã chấm xong, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi.

Thành phần của tổ chấm kiểm tra bao gồm Tổ trưởng là một phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi; Chủ tịch Hội đồng chấm thi có thể phân công một thành viên của Hội đồng chấm thi làm Phó tổ trưởng, nếu thấy cần thiết; Các tổ viên là cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tố.

Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chấm kiểm tra đó là thực hiện chấm kiểm tra theo Hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT, đảm bảo đủ số lượng quy định; Báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi vào cuối mỗi buổi chấm; Trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi và giám khảo có liên quan theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chấm thi (có ghi biên bản làm việc).

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thi-tot-nghiep-thpt-nam-2013-tang-cuong-bien-phap-chong-tieu-cuc-679032.htm

Vài thập kỷ nữa Việt Nam mới có trường ĐH đẳng cấp quốc tế

Posted: 30 Dec 2012 05:33 AM PST

GS đánh giá thực trạng giáo dục đại học Việt Nam hiện nay như thế nào? Theo GS, chúng ta đang đứng ở vị trí nào so với thế giới?

 

 

Về nền giáo dục nói chung, theo tôi Việt Nam mới đạt mức trung bình yếu, còn riêng giáo dục Đại học thì là yếu. Hiện Việt Nam đang nằm trong số 60 nước có nền giáo dục Đại học yếu nhất thế giới. Điều đó phản ánh thực trạng yếu kém của giáo dục đại học Việt Nam so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

 

Không nói đâu xa, chỉ so sánh ngay với Thái Lan và Malaysia trong khu vực Đông Nam Á, hai nước này hiện cũng phát triển nhanh hơn Việt Nam về giáo dục đại học. Thậm chí là ở lĩnh vực toán học, ngành khoa học mà Việt Nam vốn thường tự hào. Theo số liệu mới đây mà tôi được biết, Thái Lan và Malaysia đã vượt qua Việt Nam về số lượng công trình toán học được xuất bản.

 

Theo GS, tại sao cho tới thời điểm này, Việt Nam chưa có một trường ĐH nào lọt Top 400 hay 500 của các BXH danh tiếng như Times Higher Education World University Rankings hay Academic ranking of world universites do ĐH Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University)?

 

 

Theo tôi, đây là điều phản ánh đúng thực tế, dù là một thực tế đáng buồn. Nếu Việt Nam có trường đại học lọt vào những Top như bạn liệt kê ở trên, đó mới là điều đáng ngạc nhiên. Không thể phủ nhận Việt Nam có nhiều nhà giáo dục, nhà khoa học tài năng và tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Tuy nhiên, do còn quá nhiều rào cản về cơ chế, thể chế, đầu tư cho nghiên cứu khoa học… nên những nhà khoa học này chưa thể toàn tâm, toàn ý và có đủ điều kiện để đóng góp cho nền giáo dục một cách tốt nhất.

 

Hiện tại theo tôi, chúng ta không nên đặt ra vấn đề là làm sao có được trường đại học đạt một thứ hạng nào đó trên các bảng xếp hạng của thế giới mà trước hết, cần phải xây dựng một nền tảng cơ sở tốt để các trường đại học có cơ hội phát triển. Như người ta thường nói bạn không thể xây một tòa lâu đài trên cát.

 

Khi chúng ta hướng tới chuẩn quốc tế, tức là chúng ta nhìn nhận được trường đại học đẳng cấp quốc tế nó như thế nào thì mới có thể dựa vào đó, biết chúng ta cần phải thay đổi những gì. Theo tôi, thời gian có lẽ cần phải vài thập kỷ nữa, chứ không phải 10-15 năm để Việt Nam có trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế. Trong thời điểm hiện tại, đó là một điều hoàn toàn viển vông.

 

Vài thập kỷ nữa Việt Nam mới có trường ĐH đẳng cấp quốc tế

Một trường đại học phải bao gồm những điều kiện gì và dựa trên tiêu chí nào thì được coi là đạt đẳng cấp quốc tế, thưa GS?

 

 

Để đánh giá một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế, người ta thường dựa vào hai tiêu chí chính là thành tích về giảng dạy và nghiên cứu. Thành tích về giảng dạy ở đây bao gồm uy tín của bằng cấp, tỷ lệ sinh viên ra trường tìm được việc làm, cựu sinh viên có nắm những vai trò quan trọng trong xã hội, hay các tổ chức quốc tế… Còn thành tích về nghiên cứu là số công trình được xuất bản, trích dẫn, giải thưởng…

 

Tuy nhiên, tôi cho rằng để đánh giá một trường đại học đạt tiêu chuẩn quốc tế thì việc xét các điều kiện mà trường đó có quan trọng hơn là đánh giá về thành tích. Nói một cách nôm na, "không có bột thì sao gột nên hồ", nếu điều kiện của ta tồi thì khó mà đạt được thành tích cao.

 

Tôi xin đưa ra một số điều kiện để một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế:

 

- Điều kiện về Đầu tư tài chính: Trên thế giới, có những trường đầu tư hàng tỷ USD một năm cho giảng dạy, nghiên cứu… Trong khi đó, một trường đại học Việt Nam tính theo tổng đầu tư trong 10 năm chỉ mới đạt 200 triệu USD, một mức còn quá khiêm tốn. Bởi vậy, chúng ta chưa nên đặt ngang bằng với quốc tế mà đặt mục đích đảm bảo chất lượng cho phù hợp với điều kiện kinh tế của VN.

 

- Điều kiện về con người: Một trường đại học dù trang bị tốt đến mấy, đầu tư nhiều đến mấy mà không có nhân lực giỏi thì cũng khó mà phát triển và đạt tầm quốc tế. Đội ngũ giảng viên của các trường đại học Việt Nam hiện tại còn quá mỏng. Tôi lấy ví dụ về ngành Toán, được coi là ngành khoa học phát triển tốt nhất ở VN hiện tại. Nếu so sánh cả nền toán học của Việt Nam vàViện Toán Toulouse nơi tôi đang làm việc, về số lượng thì người làm toán ở Việt Nam đông hơn nhưng số lượng công trình thì còn thấp hơn, đó là chưa nói tới chất lượng.

 

Nếu chúng ta tập hợp tất cả những nhà toán học giỏi ở Việt Nam thì còn có thể đủ điều kiện để xây dựng một trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế nhưng nếu làm như vậy thì những trường còn lại sẽ phát triển ra sao. Bởi vậy, theo tôi đó là một giải pháp không khả thi.

 

- Cơ chế đài thọ cho những nhà khoa học: Những trường đại học nổi tiếng như Harvard, Yale, Oxford đều có cơ chế đài thọ cực tốt cho đội ngũ giáo sư, giảng viên của họ. Các trường đại học Mỹ nổi tiếng không chỉ bởi họ tuyển mộ được những nhà khoa học giỏi ở mọi nơi trên thế giới mà còn luôn có cơ chế đài thọ xứng đáng. Trong tình hình hiện tại của Việt Nam thì đây là điều cực kỳ khó khăn và là một trong những rào cản khiến các trường đại học chúng ta khó có được những giáo sư hàng đầu thế giới tham gia giảng dạy.

 

Những khó khăn đối với giáo dục đại học Việt Nam để xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế là gì? GS đánh giá đâu là khó khăn lớn nhất và cần phải làm gì để tháo gỡ?

 

 

Theo tôi, giáo dục đại học Việt Nam đang đối diện rất nhiều khó khăn để có thể đạt được mục tiêu xây dựng một trường đại học đẳng cấp quốc tế. Đó là những rào cản về cơ chế, thể chế, nguồn lực giảng viên, quyền tự chủ cho các trường đại học, cơ chế tuyển chọn cán bộ… Cơ chế quản lý trói buộc khiến nhiều nhà khoa học có tâm huyết và tài năng nhưng lại không có đủ thời gian và điều kiện dành cho nghiên cứu.

 

Một điều rất quan trọng để các trường đại học phát triển là phải được tự chủ về tài chính. Khi về công tác ở Việt Nam, tôi được biết rằng ở một số trường đại học được tự chủ về tài chính, họ trả lương giáo viên thậm chí còn cao hơn nhiều so với các trường khác, dù họ không được nhà nước đầu tư nhiều bằng.

 

Điều đó cho thấy không phải các trường không có tiền trả cho giảng viên mà là cơ chế khiến các trường không thể trả lương xứng đáng cho giảng viên hoặc có tiền nhưng tiền đó dành cho các công việc, mục đích khác, không phục vụ công việc nghiên cứu. Hướng cho các trường đại học được phép tư chủ về tài chính, và theo tôi, minh bạch hóa là yếu tố quan trọng cần thiết để trường đại học phát triển.

 

Để tiến bước và dần bắt kịp với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực, châu lục cũng như thế giới, chúng ta có nên "học tập" theo một mô hình nào không?

 

 

Mỗi quốc gia có một môi trường giáo dục riêng. Nếu chúng ta copy nguyên xi một mô hình nào đó thì sẽ khó mà phù hợp bởi nền tảng, văn hóa, môi trường, cơ chế… ở Việt Nam hoàn toàn khác. Cái mà chúng ta có thể học tập được là phân tích những điểm tốt của các mô hình đó và áp dụng cho phù hợp với thực tế, điều kiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều đó, cần phải có những người có trình độ và tâm huyết để vạch ra và xây dựng thành chiến lược cụ thể.

 

Xin cảm ơn GS đã trả lời phỏng vấn của Dân trí!

 

 

Mạnh Hải

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vai-thap-ky-nua-viet-nam-moi-co-truong-dh-dang-cap-quoc-te-679069.htm

Comments