Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Được mang phương tiện chống tiêu cực vào phòng thi

Posted: 27 Dec 2012 07:14 PM PST

Được mang phương tiện chống tiêu cực vào phòng thi

TTO – Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố chiều 27-12.

Clip quay cảnh "quay cóp" của thí sinh tại phòng thi  của Trường THPT Đồi Ngô năm 2012- Ảnh: chụp từ clip

Theo đó, với lý do "tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử", bộ hủy bỏ quy định cấm thí sinh mang các vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử vào phòng thi. Điều chỉnh này xuất phát từ thực tế tiêu cực thi tốt nghiệp năm 2012 ở Trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang.

Cụ thể, Bộ quy định tài liệu, vật dụng thí sinh được phép mang vào phòng thi gồm "bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình". Bộ GD-ĐT hủy bỏ quy định cũ về việc "không cho phép thí sinh mang các vật dụng gắn linh kiện điện, điện tử". Điểm mới này được Bộ GD-ĐT lý giải là nhằm "tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử".

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng quy định cụ thể hơn về quy trình phát hiện phản ánh tiêu cực trong kỳ thi, trong đó quy định "bảo mật thông tin và danh tánh người cung cấp thông tin".

Với điểm mới này, những trường hợp cung cấp chứng cứ tiêu cực bằng cách ghi lại hình ảnh phòng thi như thí sinh ở điểm thi Trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang sẽ không bị xử lý kỷ luật.

Tại dự thảo này, Bộ GD-ĐT quy định đề thi phải có mục cho thí sinh ghi rõ họ tên, số báo danh, chữ ký nhằm quản lý chặt chẽ đề thi và truy cứu trách nhiệm khi đề thi bị lọt ra ngoài trong thời gian diễn ra kỳ thi.

Ở khâu chấm thi, Bộ GD-ĐT cũng quy định cụ thể hơn quy trình và trách nhiệm chấm bài thi tự luận. "Mỗi hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại ít nhất 10% số lượng bài thi do giám khảo đã chấm" – quy chế mới nêu rõ. Bộ GD-ĐT cũng quy định trong các trường hợp cần thiết, Bộ GD-ĐT sẽ ra quyết định chấm thẩm định bài thi môn tự luận ở một số hội đồng chấm thi.

Dự thảo quy chế năm 2013 cũng bổ sung phần cộng điểm khuyến khích cho thí sinh đoạt giải cá nhân và đồng đội trong các cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật do ngành GD-ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức từ cấp tỉnh trở lên ở bậc THPT.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/527104/Duoc-mang-phuong-tien-chong-tieu-cuc-vao-phong-thi.html

Ổn định chỉ tiêu tuyển sinh, dự kiến tăng học phí ngành “nóng”

Posted: 27 Dec 2012 07:13 PM PST

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2012 là năm đầu tiêu các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Sang năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục Đại học theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm hơn nữa cho các cơ sở giáo dục ĐH. Năm 2013, bậc sau ĐH có 1.350 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ, 27.000 chỉ tiêu thạc sĩ và 1.000 chỉ tiêu đào tạo chuyên khoa. Như vậy chỉ tiêu mới sau ĐH tăng khoảng 10-12% số lượng chỉ tiêu đào tạo tiến sỹ, còn đối với thạc sỹ tăng khoảng 5%.


Ổn định chỉ tiêu tuyển sinh, dự kiến tăng học phí ngành

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, không chỉ năm 2013 mà những năm kế tiếp sẽ không tăng về quy mô mà chỉ thay đổi về cơ cấu theo hướng giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành Kinh tế, Tài chính, Quản trị kinh doanh; tăng chỉ tiêu nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ, Nông lâm, Y dược, Nghệ thuật. Về chỉ tiêu đào tạo giáo viên sư phạm sẽ giảm dần so với năm 2012 và tiếp tục điều chỉnh giảm trong những năm tới, trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu. Tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh bậc TCCN trong các trường đại học theo lộ trình giảm tối thiểu 20%/năm để sớm chấm dứt đào tạo trước năm 2017.

Về chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy được xác định bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Đối với chỉ tiêu vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng hai theo hình thức vừa làm vừa học, tiếp tục được xác định tối đa bằng 50% so với chỉ tiêu chính quy. Riêng các trường sư phạm, để triển khai thực hiện việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cần có đề án xác định rõ nhu cầu cần nâng chuẩn giáo viên. Không đào tạo TCCN vừa làm vừa học tại các sơ sở giáo dục ĐH trực thuộc trong năm 2013.

Ngành nghề "nóng" dự kiến tăng học phí

Cũng tại hội nghị này, Bộ GD-ĐT cũng cho biết, định hướng trong thời gian tới sẽ thực hiện giảm dần sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với những ngành nghề đào tạo có khả năng xã hội hóa cao như Kinh tế, Tài chính, Luật… Đối với các ngành này các cơ sở đào tạo tự xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu của cơ sở đào tạo, tiến tới tự đảm bảo bù đắp chi phí đào tạo từ nguồn thu học phí, các nguồn thu về nghiên cứu khoa học… chuyển giao công nghệ và các nguồn xã hội hóa khác. Dự kiến mức học phí cho các nhóm ngành trên sẽ tăng dần từ năm học 2012 đến 2016 với dao động khoảng 50 – 90% (gấp 1,5 – 2 lần so với mức học phí quy định – PV).

Thời gian tới, đối với những ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa cao mà nhà nước cần đào tạo như các ngành đào tạo sư phạm, đào tạo kỹ thuật công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông lâm ngư, nghệ thuật…, nhà nước sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tình đủ chi phí đào tạo và có cơ chế sử dụng để đảm bảo hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, tránh lãng phí. Sinh viên theo học các ngành này chỉ đóng học phí bằng mức quy định theo Nghị định số 49/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ. Các cơ sở đào tạo ngắn hạn phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo và công khai minh bạch các khoản thu chi tài chính.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/on-dinh-chi-tieu-tuyen-sinh-du-kien-tang-hoc-phi-nganh-nong-678976.htm

Nhiều điểm mới trong quy chế thi tốt nghiệp THPT

Posted: 27 Dec 2012 06:07 PM PST

(GDTĐ) – Bộ GDĐT vừa ban hành dự thảo thông tư về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 10/2012/TT-BGDĐT ngày 6/3/2012 của Bộ trưởng Bộ GDĐT. Theo đó, một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT sẽ được sửa đổi như sau:

Đề thi phải có mục cho thí sinh ghi họ tên, số báo danh và chữ ký.

Giám thị trong phòng thi tổ chức, hướng dẫn và kiểm tra, giám sát thí sinh trong phòng thi thực hiện đúng Quy chế thi, nội quy thi; nhận đề thi từ Chủ tịch Hội đồng coi thi và giao đề thi cho thí sinh tại phòng thi; ký tên vào giấy nháp và bài làm của thí sinh; thu bài do thí sinh nộp, kiểm tra đủ số bài, số tờ của từng bài và nộp đầy đủ cho Chủ tịch Hội đồng coi thi hoặc người được Chủ tịch Hội đồng coi thi uỷ quyền; lập biên bản và đề nghị xử lý kỷ luật những thí sinh vi phạm Quy chế thi.

Các vật dụng được mang vào phòng thi: Bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình.

Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi gồm: Lãnh đạo phòng khảo thí, phòng GDTrH, phòng GDTX thuộc sở GDĐT hoặc lãnh đạo trường phổ thông. Một Phó chủ tịch Hội đồng chấm thi phụ trách chấm kiểm tra theo quy định tại Điều 26a của Quy chế này. Các phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi khác, mỗi người phụ trách chấm một hoặc hai môn thi.

Mỗi Hội đồng chấm thi có một tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận, độc lập với các tổ chấm thi, thực hiện chấm lại để kiểm tra ít nhất 10% số lượng bài thi do các giám khảo đã chấm xong, theo tiến độ chấm của Hội đồng chấm thi.

Thành phần của tổ chấm kiểm tra: Tổ trưởng là một Phó Chủ tịch Hội đồng chấm thi; Chủ tịch Hội đồng chấm thi có thể phân công một thành viên của Hội đồng chấm thi làm Phó tổ trưởng, nếu thấy cần thiết; các tổ viên là cán bộ, giáo viên có phẩm chất đạo đức và chuyên môn tốt.

Tổ chấm kiểm tra thực hiện chấm kiểm tra theo Hướng dẫn chấm của Bộ GDĐT, đảm bảo đủ số lượng quy định, báo cáo kết quả chấm kiểm tra và kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Hội đồng chấm thi vào cuối mỗi buổi chấm, trực tiếp làm việc với các tổ chấm thi và giám khảo có liên quan theo chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng chấm thi (có ghi biên bản làm việc).

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ GDĐT ra quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi các môn tự luận của một số Hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thẩm định có thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm cuối cùng về điểm chính thức của bài thi.”

Về việc điểm khuyến khích trong công nhận tốt nghiệp đối với GDTX: bao gồm HS đạt giải cá nhân và đồng đội trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; vẽ; viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính bỏ túi; thi thí nghiệm thực hành bộ môn (Vật lí, Hoá học, Sinh học); thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật do Ngành GDĐT phối hợp với các ngành chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THPT.

Nơi tiếp nhận thông tin, bằng chứng về vi phạm Quy chế thi: Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Trung ương hoặc Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh (thành phố) hoặc Thanh tra giáo dục các cấp.

Người cung cấp thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp, không được lợi dụng việc làm đó để gây ảnh hưởng tiêu cực đến kỳ thi. Người có bằng chứng về vi phạm Quy chế thi có trách nhiệm gửi bằng chứng cho nơi tiếp nhận trong vòng 7 ngày,  tính từ khi kết thúc ngày thi.

Tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông tin và bằng chứng về vi phạm Quy chế thi tổ chức việc tiếp nhận thông tin, bảo quản bằng chứng theo quy định; xác minh tính xác thực của thông tin và bằng chứng theo thẩm quyền hoặc chuyển thông tin, bằng chứng đến cơ quan có thẩm quyền xác minh, xử lý. Triển khai kịp thời các biện pháp ngăn chặn tiêu cực, vi phạm Quy chế thi theo thông tin đã được cung cấp. Xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền để xử lý và công bố công khai kết quả xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế thi. Bảo mật thông tin và danh tính người cung cấp thông tin."

Đình chỉ thi và huỷ kết quả của cả kỳ thi nếu vi phạm một trong các khuyết điểm sau: Mang vào phòng thi tài liệu, vật dụng liên quan đến việc làm bài thi không đúng quy định hoặc vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, bia, rượu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi (đã hoặc chưa sử dụng); Nhận bài giải sẵn của người khác (đã hoặc chưa sử dụng); Chuyển giấy nháp, bài thi cho thí sinh khác hoặc nhận giấy nháp, bài thi của thí sinh khác; Cố tình không nộp bài thi, dùng bài thi hoặc giấy nháp của người khác để nộp làm bài thi của mình hoặc làm bài giống nhau do chép bài của nhau.

Xem dự thảo thông tư tại đây

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Nhieu-diem-moi-trong-quy-che-thi-tot-nghiep-THPT-1965902/

Bộ trưởng Giáo dục và thông điệp mạnh mẽ trong 2013

Posted: 27 Dec 2012 06:07 PM PST

- "Nếu Vụ Kế hoạch tài chính không xây dựng, đổi mới chính sách cấp kinh phí thì sẽ nhân sự phải thay đổi. Chúng ta phải nghĩ khác, làm có trách nhiệm, sáng tạo, đừng chỉ tư duy "tôi làm không sai". Nếu không làm được sẽ không đổi mới được…"

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Kế hoạch ngân sách năm 2013 ngày 27/12 tại Hà Nội.

Nói và làm phải đi đôi với nhau

“Phải đổi mới hơn nữa lề lối, phương pháp làm việc với các nhà trường…” là yêu cầu của Bộ trưởng đặt ra với các Vụ chức năng.

Bộ trưởng nhấn mạnh: "Việc cấp kinh phí cho các cơ sở như hiện nay phải thay đổi. Trong năm 2013 nếu không thay đổi thì nhân sự của Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cũng phải thay đổi".

Người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị các cơ sở đào tạo, các ĐH,CĐ "sử dụng cho hết quyền tự chủ của mình. Nhiều trường đã được trao quyền tự chủ đã cao tương đương với những trường ĐH trên thế giới nhưng không thấy tự hào, không có chút trách nhiệm nào".

Thông điệp phải đổi mới cách điều hành cũng được Bộ trưởng phát đi. "Về mặt phương pháp tư tưởng, tôi đề nghị nói và làm đi đôi với nhau. Tôi có cảm giác nhiều hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giảng viên đang tư duy theo cách tôi làm không sai. Chúng ta phải nghĩ khác. Hãy nghĩ làm sao không chỉ đúng, tốt mà phải sáng tạo, hiệu quả cao. Nếu không làm được sẽ không đổi mới được".

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị ngân sách 2013.
(Ảnh: Văn Chung)

Liên quan đến công tác tuyển sinh ĐH-CĐ 2012, Bộ trưởng Luận cho biết: qua kiểm tra có nhiều trường tuyển vượt rất nhiều. "Vi phạm đang trở thành phổ biến, tràn lan. Xử phạt 50 triệu, 80 triệu đồng các trường vẫn ung dung vì "có lãi". Năm nay, Bộ sẽ kỷ luật hiệu trưởng ngoài việc phạt hành chính".

Vấn đề giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ theo ông Luận sẽ được tính đến. Trước mắt sẽ giảm chỉ tiêu thạc sĩ, tiến sĩ về quản lý giáo dục. Ông bức xúc: "Không thể có chuyện người không biết gì về giáo dục lại đi làm thạc sĩ, tiến sĩ về giáo dục mà toàn bằng giỏi, bằng khá".

Công tác nước ngoài sẽ cắt giảm

Nói về tình trạng tham nhũng, thất thoát trong các cơ sở, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng "tình hình chung là tốt, có thể tạm thời yên tâm".

Về

sai phạm ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân
Hà Nội, Bộ trưởng Luận cho hay "vẫn còn
những sai sót mà Bộ đang tiến hành thanh tra và xử lí"
. Ông cũng thừa nhận
hiện nay trong xã hội đang tồn tại tình trạng suy thoái đạo đức của một bộ phận giáo
viên, chuyện mua bằng bán điểm.

Trước ý kiến của lãnh đạo các trường ĐH bày tỏ khó khăn về vấn đề tài chính eo hẹp, Bộ trưởng Luận cho hay: "Năm qua, nhiều bộ, ngành ngân sách được chi giảm nhiều nhưng riêng chi cho giáo dục không giảm nhiều, chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của nhà nước".

Với trách nhiệm người đứng đầu, Bộ trưởng Luận yêu cầu tất cả các đơn vị tiết kiệm tối đa các khoản chi: "Bộ và bản thân tôi sẽ đi đầu thực hiện tiết kiệm, dành tiền chi cho cơ sở. Hoạt động công tác nước ngoài phải cắt giảm. Các đoàn, các dự án phải chú ý việc này. Đi công tác địa phương cũng phải giảm thiểu, thành phần gọn nhẹ. Việc đón nhận huân chương, kỷ niệm năm chẵn cũng phải tiết kiệm".

Thí điểm đổi mới cơ chế tài chính

Đối với ngành nghề đào tạo ít có khả năng xã hội hóa như đào
tạo sư phạm, kĩ thuật công nghệ, KHTN, KHXH, nông lâm ngư, nghệ thuật,…
sẽ thực hiện đặt hàng bằng việc cấp kinh phí trên cơ sở tính đủ chi phí
đào tạo, đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.

Đối với ngành nghề có khả năng xã hội hóa (XHH) cao như kinh
tế, tài chính, luật,…thực hiện giảm dần hỗ trợ của NSNN, cho phép tự
xác định mức thu học phí, đa dạng hóa các nguồn thu, tiến tới tự đảm bảo
bù đắp chi phí.

Đối với các hoạt động đào tạo cung cấp dịch vụ gắn với nhu
cầu của xã hội: Trường được quyết định mức thu giá dịch vụ trên cơ sở
tính đủ các chi phí cần thiết cho việc cung cấp dịch vụ, từng bước tiến
tới thực hiện cơ chế tài chính hạch toán đầy đủ chi phí đầu vào đầu ra

  • Văn Chung (ghi)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/102837/bo-truong-giao-duc-va-thong-diep-manh-me-trong-2013.html

“Món nợ” lương giáo viên

Posted: 27 Dec 2012 06:06 PM PST

Chủ trì phiên giải trình là Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Theo báo cáo giải trình của Bộ GD-ĐT, cả nước còn thiếu tới 22.800 giáo viên (GV) mầm non. Số GV biên chế nhà nước chỉ chiếm hơn một nửa tổng số GV mầm non với 135.744 người (đạt tỷ lệ 56,1%). Bên cạnh một số địa phương hỗ trợ ngân sách như tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.HCM, còn lại phần lớn GV mầm non ngoài biên chế chưa được hưởng lương theo ngạch bậc, không tăng lương theo định kỳ. Có địa phương hỗ trợ cho GV mầm non ngoài biên chế thấp hơn mức lương tối thiểu chung. Thu nhập của GV cấp học này nhìn chung còn rất thấp.


GV mầm non làm việc khá vất vả nhưng thu nhập rất thấp, đặc biệt với những GV ngoài biên chế.

Bộ GD-ĐT nêu dẫn chứng, thu nhập bình quân của GV ngoài biên chế tính đến cuối năm 2010 thấp nhất là 1.192.000 đồng/tháng, cao nhất là 2.566.000 đồng/tháng. Một số tỉnh như Quảng Trị, Quảng Nam,  Bình Định, Phú Yên, Thái Nguyên, Hà Nam thu nhập của GV ngoài biên chế bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu.

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn: "Tại sao vẫn tồn tại nghịch lý là trong khi đang rất thiếu GV mầm non, số GV ngoài biên chế lại nhiều và đồng lương so với GV biên chế còn quá thấp, đời sống khó khăn? Vậy có kế hoạch chuyển GV mầm non ngoài biên chế vào để giải quyết cả hai vấn đề nêu trên không?". Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ sự day dứt vì vẫn chưa giải quyết được "món nợ" trong việc cải thiện lương cho GV mầm non ngoài biên chế tồn tại nhiều năm qua. Ông Luận cho rằng: "Một phần do nhận thức, một phần do điều kiện tài chính nên có giai đoạn đã không coi trọng giáo dục mầm non bằng các cấp học phổ thông. Nay Chính phủ đã quan tâm, chú trọng hơn nhiều nhưng bước đầu cũng mới chỉ giải quyết được đối với đối tượng trẻ mầm non 5 tuổi, quyết định chuyển từ trường mầm non bán công sang công lập…".

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng khẳng định chưa thể chuyển hết đội ngũ GV ngoài biên chế vào ngay được vì cần phải có lộ trình. Trước mắt, vẫn phụ thuộc vào việc các địa phương vận dụng ngân sách của địa phương mình để có thể quy định cho GV ngoài biên chế được hưởng chính sách tương đương với GV công lập, được đóng bảo hiểm…

Giải đáp vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho hay: "Mọi quy định hiện hành về chính sách cho giáo dục mầm non về mặt tài chính đã được thực hiện đầy đủ, mỗi năm ngân sách nhà nước chi thêm 3.000 tỉ đồng để chi lương cho GV khi chuyển từ trường ngoài công lập sang công lập, 20 tỉ đồng hỗ trợ cho GV nghỉ hưu dù chưa đủ tuổi nhưng không đảm bảo chất lượng giảng dạy. Số tiền này được phân bổ về ngân sách địa phương".

Chương trình kém vì thiếu "chỉ huy trưởng"

Khi đề cập tới những hạn chế, bất cập của chương trình,  sách giáo khoa (SGK) phổ thông hiện hành, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã đưa ra rất nhiều điều chưa làm được. Chẳng hạn chương trình chưa được xây dựng như một chỉnh thể xuyên suốt từ tiểu học đến THPT, từ cấp học đến từng môn học, không có tổng chủ biên chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12…

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh (Đắk Nông), Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, bày tỏ lo lắng

về hiện tượng học sinh học lệch theo khối thi ĐH, học nặng về kiến thức mà chưa chú trọng đến giáo dục nhân cách. Bên cạnh đó, ông Vinh cũng băn khoăn về việc học sinh tiểu học đạt điểm 9, 10 quá nhiều như hiện nay liệu có phản ánh đúng về việc phân loại học sinh hay không? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình với những băn khoăn của ông Vinh và hứa hẹn: "Sau năm 2015, chương trình sẽ được giải quyết căn bản theo hướng tích hợp cao, giảm dần khối lượng kiến thức hàn lâm, sách vở…". Về việc quá nhiều học sinh giỏi ở bậc tiểu học, ông Luận cũng cho rằng: "Sẽ phải nghiêm túc xem xét lại cách thức kiểm tra, đánh giá ở bậc tiểu học, không tạo áp lực cho các cháu nhưng cũng phải tạo động lực để các cháu có ý thức vươn lên, vượt qua chính bản thân mình".

Xung quanh chủ trương sau năm 2015 sẽ có một chương trình nhưng có thể có nhiều bộ SGK, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nêu quan điểm rõ hơn về vấn đề này. Tuy nhiên, ông Luận đã từ chối trả lời thẳng vào vấn đề này và cho rằng: "Đây là vấn đề hệ trọng và rất khó khăn, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và cần một sự bình lặng, tránh tranh cãi, bàn tán trên báo chí". Vì vậy, ông Luận xin phép khi nào kết quả nghiên cứu chín muồi sẽ báo cáo (mật) với ủy ban!

Tỷ lệ tốt nghiệp THPT bất thường

Tại phiên giải trình lần này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chính thức thừa nhận tỷ lệ tốt nghiệp THPT trong các năm gần đây không ổn định và bất thường (tăng gần 16% từ năm 2007-2011) gây nhiều băn khoăn, lo lắng và nghi ngại về chất lượng giáo dục.

Đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đề nghị Bộ GD-ĐT phải đổi mới mạnh mẽ trong khâu kiểm tra, đánh giá để có thể thay đổi ngược trở lại chất lượng dạy và học. Ông Luận thừa nhận: "Việc đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay vẫn đang dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Điều này khiến các địa phương chịu sức ép về kết quả tốt nghiệp nên đã dẫn tới chuyện nới lỏng khâu coi thi, chấm thi". Ông Luận cũng thông tin sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ đã tiến hành chấm lại ngẫu nhiên hơn 10.000 bài thi và sau đó đã có công văn mật gửi bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh và giám đốc sở GD-ĐT các địa phương để thông báo kết quả chấm lại và chỉ rõ khâu coi thi, chấm thi đúng và chưa đúng ở chỗ nào. "Chúng tôi cũng khẳng định năm nay làm "mật" nhưng từ năm sau kết quả này sẽ công khai để báo cáo với dân, với Đảng…", người đứng đầu ngành GD-ĐT khẳng định.

Liên quan đến việc đổi mới thi cử, ông Luận cho biết: "Sắp tới sẽ áp dụng chương trình đánh giá chuẩn quốc tế (PISA) để đánh giá chất lượng học sinh, kết quả này sẽ hoàn toàn độc lập với kết quả các kỳ thi hiện hành ở Việt Nam. Hình thức này đã được áp dụng thí điểm 2 năm nay và năm 2013 sẽ công bố kết quả của cuộc khảo sát năm 2012 để biết chất lượng GD-ĐT của chúng ta đang đứng ở đâu".

Sẽ dừng đào tạo ngành sư phạm ở những trường không đủ điều kiện

Chất lượng GV nói chung cũng là mối quan tâm của các đại biểu tại phiên giải trình. Đại biểu Nguyễn Thành Công (Vĩnh Long) lo ngại đầu vào của trường sư phạm thấp, chưa có cơ chế thu hút học sinh giỏi theo ngành sư phạm dẫn tới chất lượng GV ra trường không cao… Ông Công chất vấn: "Bộ GD-ĐT sẽ thiết kế lại hệ thống trường sư phạm hiện nay ra sao?". Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho hay: "Sẽ rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường sư phạm hiện nay, điều tra theo các hướng: trường nào không có nhu cầu và không đủ điều kiện tiếp tục đào tạo ngành sư phạm thì sẽ cho dừng; trường nào tiếp tục thì phải đào tạo gắn với nhu cầu thực tế. Riêng hai trường ĐH sư phạm trọng điểm thì sẽ phải có những nhiệm vụ đặc thù…".

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mon-no-luong-giao-vien/263437.gd

500 giờ dạy không lương, giáo viên mầm non chịu nhiều thiệt thòi

Posted: 27 Dec 2012 06:05 PM PST

Quá tải

Năm 2011, Bộ có Thông tư 48 quy định chế độ làm việc đối với giáo viên (GV) mầm non. Trong đó ghi rõ, mỗi năm thời gian làm việc của GV là 35 tuần dành cho công tác nuôi dưỡng chăm sóc trẻ, phải đảm bảo dạy đủ trên lớp 6 giờ/ngày và 7 tuần dành cho bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, chuẩn bị năm học mới. Thế nhưng, từ hiệu trưởng cho đến GV đều cho rằng, thông tư hoàn toàn xa rời thực tế vì phần lớn họ đều phải làm việc trên 10 giờ/ngày.

Nếu tính trung bình, GV mầm non phải làm việc 10 giờ/ngày, mỗi tuần có 50 giờ lên lớp, một năm (35 tuần dạy) là 1.750 giờ. Nếu kể cả số giờ của 7 tuần làm những công việc chuyên môn khác đúng quy định 6 tiếng/ngày thì tổng cộng số giờ làm việc họ khoảng 2.000 giờ/năm.


Giờ ngủ trưa của trẻ, GV mầm non vẫn tranh thủ làm việc

Tháng 4 vừa qua, Bộ cũng công bố dự thảo thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, định mức giờ dạy với GV mầm non dạy 2 buổi/ngày là 1.050 giờ dạy/năm, số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương theo quy định không quá 200 giờ dạy/năm. Như vậy so với giờ dạy thực tế, hằng năm, mỗi GV mầm non công lập có gần 500 giờ dạy không được hưởng lương!

Cứ hơn 5 giờ sáng, 5 cô giáo lớp mầm 2 Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), người ở Q.8, người ở Q.11, Bình Thạnh… đã phải đánh thức con nhỏ đang ở tuổi mẫu giáo dậy để nhanh chóng chuẩn bị đến trường sao cho đúng giờ quy định là 6 giờ 15. Từ thời điểm đó trở đi, nhiều công việc tiếp nối nhau, các cô ở trường cho đến hơn 5 giờ chiều. Trong đó, cô Nguyễn Trần Thảo Quyên, đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ cho biết: "Có ngày mệt, đau lưng mà cũng chỉ tranh thủ nghỉ được 5 phút khi trẻ tham gia trò chơi vận động ngoài sân". Thầy Lê Minh Hiền, Trường mầm non Hoa Hồng, Q.Tân Phú TP.HCM, cho biết: "Hết cho trẻ chơi, trẻ học, GV còn phải tranh thủ cho trẻ ngủ xong quay ra làm đồ dùng, học cụ, đồ chơi".

Có GV chạnh lòng: "Đã làm lố giờ nhưng Bộ còn ghi vào văn bản trách nhiệm của sở, phòng giáo dục các quận huyện là giám sát việc thực hiện chế độ làm việc của GV mầm non. Vậy bây giờ giám sát, biết chúng tôi vượt định mức, mỗi ngày làm việc bằng 2 như vậy sao không thấy có ý kiến chi trả lương cho phù hợp".

Biết vậy nhưng phải chấp nhận!

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục mầm non của Sở, từng thông tin: "Trước năm 1987, GV mầm non vẫn được hưởng tiền phụ trội là 2 giờ/ngày. Nhưng sau khi Ủy ban Bảo vệ bà mẹ, trẻ em sáp nhập với ngành giáo dục thì chế độ này đã bỏ".

Những quy định trong thông tư trên được ban hành nhằm giảm tải cho GV mầm non nhưng bà Vũ Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Bến Thành (Q.1), cho rằng: "Để làm được việc này chỉ còn cách cho GV dạy theo ca nhưng nguồn tuyển GV bậc học này lại khan hiếm, cùng với đó, kinh phí trả lương là cả một vấn đề".

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, tâm tư: "Biết là nợ giờ làm việc của GV như vậy nhưng chúng tôi vẫn lúng túng. Giờ lại bị khống chế thêm quy định về số giờ dạy thêm/năm nên không biết thực hiện ra sao? Với số lượng trẻ học mầm non như hiện nay, để đảm bảo đúng định biên GV/học sinh thì TP còn thiếu khoảng 1.000 GV nhưng không có nguồn tuyển. Hiện nay có một số quận, huyện áp dụng thu tiền phục vụ bữa sáng cho trẻ (vì đây không phải là trách nhiệm của nhà trường) để tạo thêm thu nhập cho GV. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời và không được "danh chính ngôn thuận" cho những giờ làm thêm của GV".

Cần chấm dứt tình trạng "quá tải sức lao động"

Đối với GV mầm non, đã có những văn bản quy định cụ thể về thời giờ làm việc, định mức tiết dạy, chế độ quyền lợi… Tuy nhiên, GV mầm non thường phải làm việc quá giờ và không được trả lương tương xứng với công sức và thời gian làm việc. Thực trạng này tồn tại phổ biến đến mức cho là việc bình thường. Những vi phạm pháp luật về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi nói chung và những vi phạm quyền lợi GV mầm non nói riêng cần phải được xử lý, chấn chỉnh để đảm bảo tính thống nhất và nghiêm minh của pháp luật. UBND các cấp, ngành giáo dục và hiệu trưởng các trường mầm non phải nghiêm túc thực hiện và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định; xây dựng ngay đề án điều chỉnh ngân sách để thực hiện quy chế quyền lợi thỏa đáng và đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng "quá tải sức lao động" giáo viên mầm non.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/500-gio-day-khong-luong-giao-vien-mam-non-chiu-nhieu-thiet-thoi/263432.gd

Comments