Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Những sự kiện ‘chấn động’ giáo dục 2012

Posted: 24 Dec 2012 05:34 AM PST

- Nhìn lại sự kiện năm 2012 cho thấy “bức tranh” giáo dục nước nhà có không ít tín hiệu…buồn. Làn sóng nói không với bằng tại chức; Gian lận thi cử tập thể; Cải tiến thi càng
rối; Bát nháo liên kết đào tạo; bạo lực học đường, bệnh bằng giả, thành tích ảo….
là những “bài toán” đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tìm lời giải.


Làn sóng nói không với tại chức

Bước sang năm 2012, sau các tỉnh Đà Nẵng,
Vĩnh Phúc, Hải Dương … thì

Nam Định, Phú Thọ, Thái Nguyên,
Quảng Nam,
Quảng Bình, Hà Nam cũng đã có quyết định không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức (tức
hệ vừa làm vừa học).

Ảnh: Internet

Tại TP.HCM, tuy không quy định bằng văn bản nhưng Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: khi
tuyển giáo viên cho năm học 2012-2013, các ứng viên tốt nghiệp hệ tại chức sẽ bị chấm
thang điểm thấp.

Với hàng loạt các tỉnh “quay lưng” với hệ đào tạo tại chức, đồng nghĩa với việc nói không ngay với sản phẩm do
chính các trường ĐH của ngành giáo dục thực hiện.
Đây được xem là hồi chuông cảnh báo về chất lượng giáo dục cho các nhà hoạch định
chính sách phải xem xét.



Xô đổ cổng trường để xin học cho con




Ảnh: Báo Hải Quan

Khát vọng con được học một môi trường học tốt
theo GS Hồ Ngọc Đại “đó là mong muốn bình thường. Một khát vọng chính đáng”. Sự bình
thường đã trở nên bất thường khi hàng ngàn phụ huynh chầu chực thâu thêm, dầm
mưa…thậm chí đạp

đổ cổng trường để có được “vé” thi vào Trường Thực nghiệm
.

Họ

bất chấp tất cả để
con được học môi trường tốt. Một cuộc thi… chạy theo nghĩa
đen đã diễn ra trong sự ngỡ ngàng và

thương cảm
.

Thế nhưng, những môi trường thế này vì sao không được nhân rộng
vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ?


Tiêu cực thi tập thể




Ảnh: Thanh Niên

Đầu tháng 6, hơn 1 triệu thí sinh Việt Nam đã dự
kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một thực
tế tréo nghoe diễn ra ngay lập tức: Nhận định kỳ thi “an toàn, nghiêm túc” vừa ngớt
hôm trước thì hôm sau, sự gian lận trong thi cử đã được phát giác qua các clip ở hội
đồng thi Trường THPT dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) với các hình ảnh giám thị vô tư ném
‘phao’ cho thí sinh.


Clip tiêu cực
được một học sinh nông thôn ở
tận huyện miền núi Lục Nam dùng "công nghệ bút quay" để làm lộ sáng một phần nhỏ
giả dối của giáo dục: những tiêu cực bấy lâu trong thi tốt nghiệp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Chuyện Bắc Giang là
danh dự ngành giáo dục.
Các chuyên gia, nhà giáo dục cho rằng đây là

vấn đề xã hội đáng quan tâm
. “Vì Việt Nam không chỉ có một Đồi Ngô

mà có cả một rừng Ngô
– lời GS Nguyễn Lân Dũng.

Ông đề xuất, từ Đồi Ngô, Bộ GD-ĐT cần xem lại ‘Hai không’,
xem xét lại cách thi tốt
nghiệp

“Nở rộ” học sinh tự tử


 


Bức xúc với cô nhảy lầu tự tử; Xấu hổ bị bị bạn
“tụt quần” tự tử; Phản đối cô cứa tay tự tử; Để mất quỹ lớp tự tử…Đó là những lý do
dẫn đến những cái chết thương tâm để lại nỗi ám ảnh cho các bậc cha mẹ và những người
làm công tác giáo dục.

Người ta vẫn chưa quên nữ
học sinh lớp 12 ở huyện Đông Hưng, Thái Bình
đã
nhảy lầu tự vẫn do bị cô giáo dạy môn Toán xúc phạm  Một học sinh Trường THPT
Chuyên Lê Hồng Phong Nam Định thắt cổ…không do căn nguyên.

Đáng thương hơn khi chỉ vì dại dột suy nghĩ “bị
làm nhục” mà nữ sinh
Lương Thị Hoa (thôn Hòa Tô, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm
Giàng, tỉnh Hải Dương) đã nhảy xuống sông

tự tử.

Chỉ vì

làm mất số tiền quỹ lớp hơn 600.000 đồng
, em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 9/6,
Trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM đã tìm đến cái chết.

Vào khoảng 9h30 ngày 20/10, Công an xã Mê Linh nhận được tin báo của gia đình em
Nguyễn Thị L. (sinh lớp 10, Trường THPT Tiền Phong) cho biết, L. vừa được gia đình đưa đi cấp cứu vì cô bé đã
uống thuốc diệt cỏ để tự tử.

Lý do tự tử vì được giao cầm

khoảng 500.000 đồng tiền quỹ lớp
nhưng L.
đã để mất.

Mới đây, dư luận thêm phen hú vía khi hay tin tại lớp 11B1, Trường
THPT Trần Kỳ Phong (xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nữ sinh tên Trần
Thị Thế Y,

đã cứa tay phản đối cách dạy của cô giáo.           
 






Quy định mới về dạy thêm

Chiều 17/5, Bộ GD-ĐT chính thức công bố
quy định
mới về dạy thêm, học thêm
.


 


Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư 17 quy định về dạy thêm học thêm, nhiều địa
phương đã chấp hành bằng cách cấm tuyệt đối tất cả hình thức dạy thêm học thêm. Tại
một số tỉnh thành, nhiều lớp dạy thêm đã đóng cửa.

Dù quy định đã đi vào cuộc sống, nhưng những

“nền tảng” vốn có
của việc dạy thêm học thêm khiến người trong cuộc lo ngại: quy
định này

có dấu hiệu phá sản
.


Càng cải tiến càng rối




Ảnh: Lê Anh Dũng


Mùa

tuyển sinh năm 2012
các trường được kéo dài thời gian xét tuyển đến hết tháng 11.
Nhưng,chưa năm nào các trường tuyển sinh chật vật, ế ẩm như năm nay. Dù Bộ GD-ĐT có
nhiều điều chỉnh hướng đến tăng nhiều quyền lợi hơn cho thí sinh, nhưng,
thực tế diễn ra

không như mong đợi
. Các trường ĐH ngoài công lập đã nhóm họp đưa
thông điệp “nguy
cơ sẽ giải thể
vì không tuyển được người học”.

Sự ế ẩm này theo chuyên gia Phạm Thị Ly (ĐHQG TP.HCM)
đó là sự sàng lọc của cơ chế
thị trường
.

Sự sàng lọc này đòi hỏi phải có nghiên cứu đổi
mới thi và tuyển sinh ngay từ bây giờ để kịp thực hiện sau năm 2015.



Lùm xùm liên kết đào tạo


 

Ảnh: Dân Trí


Liên tiếp các vụ liên kết đào tạo một đằng, tuyển
sinh một nẻo đã bị phanh phui trong năm khiến dư luận thêm một lần đặt dấu hỏi: Công
tác quản lí nhà nước có vấn đề?

Điển hình là vụ
giám đốc trường quốc tế ôm tiền tỷ biến mất.
Trường kinh doanh Melior thuộc Tập đoàn Melior Education Group tại
Singapore, đăng ký tổ chức đào tạo các khóa ngắn hạn, nhưng thực tế, Melior đã liên kết đào
tạo nước ngoài các trình độ ĐH và CĐ.

Khảo sát trên địa bàn TP.Hà Nội, có rất
nhiều trường tiểu học tại các quận đang triển khai thực hiện
chương trình Tiếng Anh liên kết
.





Hội nghị Trung ương Đảng ra nghị quyết về đổi mới giáo dục

Sáng 17/8, tại trụ sở Bộ GD-ĐT,
Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với lãnh đạo
, cán bộ chủ chốt Bộ về tình
hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.


 

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Minh Thăng


Bộ
trưởng Phạm Vũ Luận cũng
thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng giáo dục, đặc biệt là chất
lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của; quản lý nhà nước vẫn bất cập, kém hiệu quả;

Tổng Bí thư đề nghị, trước mắt cần tập trung tạo chuyển biến mạnh mẽ trong một số
lĩnh vực, quan tâm hơn nữa việc dạy đạo đức làm người… Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng
quản lý; phân cấp quản lýnhưng không được buông lỏng kiểm tra, giám sát.

“Ngành GD-ĐT phải giải quyết cho được những bức xúc hiện nay
như bạo lực học đường, bệnh bằng giả, thành tích ảo…: – Tổng bí thư lưu ý.

  • Nguyễn Hiền
    (tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/102009/nhung-su-kien--chan-dong--giao-duc-2012.html

Mỗi năm VN có thêm 53 Giáo sư, 495 Phó Giáo sư

Posted: 24 Dec 2012 05:11 AM PST

- Sáng 24/12, tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho 469 người.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao hoa và chứng nhận cho GS Phùng Hồ Hải
GS. TSKH. Trần Văn Nhung Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cho biết: Trong đợt xét công nhận chức danh GS, PGS lần này đã có 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 427 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS.

Tổng cộng có 469 tân GS và PGS trong năm 2012. Trong đó, hai người được xét đặc cách: một được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và một là PGS. Cả hai đều thuộc lĩnh vực Toán học.

GS trẻ nhất năm nay là Phùng Hồ Hải (sinh năm 1970, Toán học, được công nhận đặc cách).

Theo GS Nhung, PGS Phùng Hồ Hải là nhà toán học trẻ, có nhiều công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế danh tiếng trên thế giới, có thành tích khoa học xuất sắc. Ông là Phó Tổng Thư ký Hội Toán học Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Acta Math Vietnamica, Phó viện trưởng Viện Toán học (từ tháng 7/2012).

GS nhiều tuổi nhất lần này là GS.NSND Nguyễn Trung Kiên (73 tuổi) – người thầy của nhiều GS, PGS và nhiều thế hệ các nghệ sĩ nổi tiếng ở trong và ngoài nước.

Từ năm 2009 đến năm HĐ đã xét và công nhận 212 nhà giáo đạt tiêu chuân chức danh GS và 1.979 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh PGS. Như vậy trong 4 năm gần đây, bình quân mỗi năm thêm được 53 GS và 495 PGS.

Theo GS.TSKH Trần Văn Nhung: "Con số này vẫn chưa bù kịp cho số GS và PGS về hưu hàng năm. Vì thế hiện nay nhiều người đề xuất cần tăng tuổi về hưu của GS, PGS và TS để tận dụng tối đa lực lượng khoa giáo cao cấp này". 

  • Văn Chung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/102342/moi-nam-vn-co-them-53-giao-su--495-pho-giao-su.html

Các tân Giáo sư, Phó giáo sư ngày càng trẻ hơn

Posted: 24 Dec 2012 05:11 AM PST

Đây là những thông tin mà GS.TSKH Trần Văn Nhung - Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước chia sẻ tại buổi lễ công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt danh hiệu tiêu chuẩn GS, PGS năm 2012, được diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám vào sáng nay 24/12.

Đội ngũ GS, PGS ngày càng được trẻ hóa.
Đội ngũ GS, PGS ngày càng được trẻ hóa. Trong ảnh: Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giấy chứng nhận cho tân GS.

GS Trần Văn Nhung cũng cho biết thêm, các tân GS, PGS thuộc các cơ sở giáo dục ĐH ngày càng chiếm đa số, năm 2012 số GS là 69,05%, PGS là 77,75% trên tổng số; tỉ lệ nữ GS là 14,29%, PGS là 27,63%. Đây là những dấu hiệu đáng mừng về đội ngũ. Tuy nhiên mật độ phân bố quá tập trung: Số tân GS năm 2012 ở Hà Nội là 80,96%, TPHCM là 7,14%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại chỉ 11,09%; Con số này đối với tân PGS lần lượt là 71,20% – 14,05% – 14,75%. Tân GS năm nay trẻ nhất năm 2009 là 45 tuổi, năm 2012 là 46 tuổi, năm 2011 là 37 tuổi và năm 2012 là 42 tuổi; Đối với PGS thì năm 2009 là 31 tuổi, năm 2010 là 32 tuổi, năm 2011 là 29 tuổi và năm 2012 là 31 tuổi. Theo thống kê, những tân GS và PGS trong bốn năm vừa qua hầu hết nằm trong lĩnh vực Toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học.

Trong số 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS năm 2012, người trẻ nhất là Phùng Hồ Hải (sinh năm 1970, Toán học, được công nhận đặc cách), ba người tiếp theo là Đặng Đức Anh (sinh năm 1964, Y học), Mai Hồng Quỳ (nữ, sinh năm 1963, Luật học), Nguyễn Công Định (sinh năm 1963, Tự động hóa) và Mai Hồng Bàng (sinh năm 1962, Y học). GS cao niên nhất trong đợt năm nay là GS. NSND Nguyễn Trung Kiên (Nghệ thuật, 73 tuổi), người thầy của nhiều GS, PGS và nhiều thế hệ các nghệ sĩ nổi tiếng ở trong nước và quốc tế.

Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cũng cho hay, hiện nay trong cả nước có khoảng 30 gia đình, bố hoặc mẹ cùng với con cùng là GS, vợ cùng với chồng đều là GS. Gia đình của tân GS Phùng Hồ Hải đã vinh dự góp mặt trong tập hợp quý hiếm này.

Trong số 427 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm nay, ba người trẻ nhất là PGS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981), sau đó là PGS. Đỗ Thị Hương Giang (SN 1979), Đặng Hoàng Minh (SN 1979) và Phạm Hữu Anh Ngọc - được xét công nhận đặc cách (SN 1967). PGS cao niên nhất trong đợt năm nay là PGS. Nguyễn Thị Tình, 69 tuổi.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: "Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu nói trên, đội ngũ trí thức nói chung có vai trò rất quan trọng. Trong đó, các GS, PGS là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tri thức cho đất nước, góp phần xây dựng nên một thế hệ trẻ say mê học tập, đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chiếm lĩnh những tri thức, làm chủ công nghệ mới, đồng thời có nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu".

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cac-tan-giao-su-pho-giao-su-ngay-cang-tre-hon-677510.htm

Tôi may mắn được làm việc trong cộng đồng khoa học tuyệt vời

Posted: 24 Dec 2012 05:11 AM PST

(GDTĐ)-Là tân GS trẻ nhất, cũng là GS trong nước đầu tiên được đặc cách, GS.Phùng Hồ Hải – Phó Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam chia sẻ trong ngày được trao chứng nhận chức danh GS: Tôi có một may mắn lớn là được làm việc trong một cộng đồng khoa học tuyệt vời, đó là cộng đồng Toán học Việt Nam. Trong cộng đồng này, tôi luôn tìm được sự chia sẻ, sự hỗ trợ, động viên, sự tạo điều kiện ở mức cao nhất có thể cho công việc.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Ảnh: gdtd.vn
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Bộ Trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS cho tân GS.Phùng Hồ Hải. Ảnh: gdtd.vn

"Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS khiến tôi phải cố gắng hơn nữa trong NCKH. Sự ủng hộ vừa qua của các Hội đồng xét chức danh GS, từ cơ sở đến Hội đồng ngành, Hội đồng Nhà nước thể hiện sự tin tưởng của các thành viên hội đồng đối với tôi. Tôi cảm nhận được sức nặng của sự tin tưởng đó trên vai. Ở vị trí GS, tôi hiểu trách nhiệm của mình không chỉ thực hiện những nghiên cứu khoa học cho riêng bản thân mà còn ở việc hỗ trợ lớp trẻ, đào tạo kế cận, bổ sung cho cộng đồng Toán học Việt Nam…" – GS.Phùng Hồ Hải cho biết.

Một trong những điểm mới của việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2012 là có thể xét đặc cách các tiêu chuẩn và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi cho quyết định đối với những trường hợp đặc biệt, những người có đóng góp nổi trội, xuất sắc cho sự nghiệp khoa học công nghệ của đất nước và thế giới, tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực khoa học. Là một trong hai người được xét đặc cách năm nay, GS.Phùng Hồ Hải trong ngày đặc biệt của cuộc đời khoa học đã chia sẻ: Điểm mới của công tác xét duyệt năm nay có tác dụng động viên cao đối với các nhà khoa học, giảng viên trẻ tuổi có nguyện vọng được cống hiến cho đất nước. Tôi biết, có nhiều nhà nhà khoa học, giảng viên rất xuất sắc và trẻ hơn tôi nhiều, nếu được tạo điều kiện, chắc chắn họ sẽ có nhiều đóng góp có giá trị cho khoa học Việt Nam.

GS.Phùng Hồ Hải gửi gắm mong mỏi nhận được sự quan tâm hơn nữa của nhà nước, sự quan tâm cần được thể hiện qua việc xây dựng một cơ chế quản lý, cơ chế tài chính phù hợp với hoạt động NCKH, hoạt động giảng dạy và đào tạo. Các nhà khoa học luôn mong muốn một cơ chế quản lý gọn nhẹ, công khai nhằm tạo ra những cạnh tranh lành mạnh, tránh đầu tư không hiệu quả, thất thoát. Như thế, các nhà giáo, các nhà khoa học tâm huyết mới có cơ hội có những đóng góp thực sự cho đất nước.

GS.Phùng Hồ Hải nguyên là học sinh chuyên Toán (Ao) khóa 20 của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQGHN). Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa giáo, bố là GS.TS.Phùng Hồ, nhà Vật lý, nguyên là CBGD Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, mẹ là PGS.TSKH.Kiều Thị Xin, nguyên là CBGD Khoa Khí tượng – Thủy văn và Hải dương học Trường ĐHKHTN (ĐHQGHN).

Theo GS.TSKH.Trần Văn Nhung – Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước, đây là một trong các ví dụ cho thấy, mặc dù trong thời kinh tế thị trường, lập nghiệp bằng khoa giáo là con đường vất vả và ít hứa hẹn trở nên giầu có, nhưng vẫn có không ít gia đình, con tiếp nối cha mẹ, cháu tiếp nối ông bà để cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng khoa giáo và quốc sách hàng đầu. Đó cũng là cái phúc của giáo dục. Hiện nay, trong cả nước có khoảng 30 gia đình, bố hoặc mẹ cùng với con cùng là GS, vợ cùng với chồng đều là GS. Gia đình GS.Phùng Hồ Hải vinh dự được nằm trong số gia đình quý hiếm này.

Tân GS.Phùng Hồ Hải. Ảnh: gdtd.vn
Tân GS.Phùng Hồ Hải. Ảnh: gdtd.vn

Giờ đây, GS.Phùng Hồ Hải đã hợp tác chặt chẽ với GS.Ngô Bảo Châu – người đầu tiên của thế giới thứ 3 được trao Giải thưởng Fields cao quý nhất trong Toán học năm 2010 và GS.Lê Tuấn Hoa – Chủ tịch Hội Toán học VN góp phần xây dựng và phát triển Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của Hội Toán học VN, Hội toán học Asean và Hội Toán học thế giới.

 Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3010/201212/Toi-may-man-duoc-lam-viec-trong-cong-dong-khoa-hoc-tuyet-voi-1965821/

Học cách chiêu hiền đãi sĩ

Posted: 24 Dec 2012 05:03 AM PST

Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách đầu tư, đãi ngộ dành cho các nhà khoa học, người Việt Nam (VN) ở nước ngoài về công tác tại VN. Theo đó, các chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài hoặc Việt kiều tham gia các hoạt động tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại VN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về chỗ ở, chỗ làm việc, phương tiện đi lại, miễn thuế thu nhập cá nhân, cấp thị thực xuất nhập cảnh (kể cả thành viên gia đình)…

Với sự trân trọng những đóng góp cống hiến của các chuyên gia nước ngoài, các nhà khoa học là người VN đang sinh sống ở nước ngoài, Nhà nước đã nhiều lần "trải thảm đỏ" mời gọi nhân tài nhưng chưa tạo được sức hút đúng nghĩa. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là do các chính sách thực hiện thiếu đồng bộ và chưa tạo được môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại cho các nhà khoa học. Hơn nữa, nhiều nhà khoa học cảm thấy họ chưa được tin dụng nên rất khó thể hiện sự sáng tạo, nỗ lực nghiên cứu.

Thực tế cho thấy có không ít trí thức Việt kiều, nhà khoa học đau đáu nỗi niềm, đầy tâm huyết về nước làm việc – tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học nhưng họ luôn đắn đo, chần chừ và đành "lỡ hẹn" với quê hương. Tất cả là do chúng ta chưa tạo được môi trường, điều kiện làm việc, nghiên cứu khoa học đúng nghĩa nên họ không thể thi thố tài năng, cống hiến cho nền khoa học còn non trẻ của nước nhà.

Nhìn ra các nước phát triển nhanh, nhất là những con rồng ở châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc… chúng ta dễ thấy họ không chỉ biết cách "trải thảm đỏ", mà còn tạo chất xúc tác, thu hút, mời gọi và tạo niềm tin tuyệt đối cho các nhà khoa học là ngoại kiều quay về cố hương cống hiến tài năng, trí tuệ. Ngay như Hàn Quốc, từ thời còn nghèo khó – những năm 1970, nhưng Chính phủ đã nhìn xa trông rộng, ưu tiên đầu tư chính sách thu hút Hàn kiều về làm việc.

Không chỉ thành lập ngay Viện Khoa học – Công nghệ Hàn Quốc (KIST) do đích thân Tổng thống Park Chung Hee đỡ đầu mà còn dành cơ chế đặc biệt, rót kinh phí cho nghiên cứu khoa học không tuân theo Luật Ngân sách… Sự trân trọng và chính sách đãi ngộ đặc biệt này kèm việc trả lương cho các nhà khoa học cao hơn cả tổng thống đã tạo luồng sinh khí mới cho sứ mạng nghiên cứu khoa học – đột phá vào tri thức công nghệ của Hàn Quốc.

Từ bệ phóng Viện KIST kèm những giá trị ứng dụng nghiên cứu khoa học hiệu quả của các công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư bài bản trong nhiều thập kỷ qua, Hàn Quốc tự tin vươn lên đỉnh cao nền kinh tế tri thức – trở thành quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 13 trên thế giới. Luôn coi trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, tạo giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm quốc gia, trong tương lai gần xứ sở kim chi sẽ vươn lên vị trí phát triển cao hơn nữa.

Chính vì thế, dự thảo "trải thảm đỏ" mời Việt kiều là tri thức, các nhà khoa học hàng đầu, chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam làm việc, nghiên cứu khoa học như nêu trên phải có chính sách ưu tiên cụ thể, cơ chế đặc biệt, điều kiện đãi ngộ đúng nghĩa thì mới có thể thành công. Điều cốt lõi mà các nhà khoa học trông chờ là tin tưởng và giao cho họ quyền được sử dụng kinh phí theo tiến độ thực hiện đề tài lẫn ý tưởng, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học.

Trong thế giới phẳng, xu thế toàn cầu hóa, sự cạnh tranh gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao – tài năng đỉnh cao về sáng tạo, nghiên cứu khoa học luôn được các nước "trải thảm đỏ" để rước về. Trong cuộc chơi khôn ngoan và không cân sức này, ai có chính sách đãi ngộ, thu hút đúng thì sẽ thành công và quy tụ được chất xám, nhân tài của toàn cầu.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-cach-chieu-hien-dai-si/262485.gd

Công bố và trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2012

Posted: 24 Dec 2012 05:02 AM PST

(GDTĐ)-Sáng nay (24/12), Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2012 đã diễn ra long trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đồng chí Đinh Thế Huynh – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Vũ Luận – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cùng các tân GS, PGS và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đến dự buổi Lễ.

Đồng chí Đinh Thế Huynh phát bểu tại buổi lễ. Ảnh: gdtd.vn
Đồng chí Đinh Thế Huynh phát bểu tại buổi Lễ. Ảnh: gdtd.vn

469 tân GS, PGS, hai trường hợp đặc cách

Theo Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Trần Văn Nhung, năm 2012, tổng số ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư ban đầu tại 78 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là 66 người, PGS là 526 người. Cuối cùng, 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 427 nhà giáo được công nhận PGS, trong đó có 2 trường hợp được xét đặc cách, cả hai đều thuộc lĩnh vực Toán học.

Như vậy, nếu so với số ứng viên đăng ký ban đầu thì sau khi được sàng lọc bởi 3 cấp hội đồng, tỷ lệ được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là 64% và PGS đạt 81%. Điều đó chứng tỏ, quá trình xét, công nhận là rất chặt chẽ, nghiêm túc và khoa học. Hai hội đồng có số ứng viên nhiều nhất là Hội đồng giáo sư ngành Y học và Kinh tế.

Trong số 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS năm nay, người trẻ nhất, cũng là GS được đặc cách là GS Phùng Hồ Hải (sinh năm 1970). Cao niên nhất trong đợt này là GS.NGND.Nguyễn Trung Kiên, 73 tuổi, người thầy của nhiều GS, PGS và nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Trong số 427 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm nay, ba người trẻ nhất là PGS.Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981), sau đó là PGS.Đỗ Thị Hương Giang (SN 1979), Đặng Hoàng Minh (SN 1979) và Phạm Hữu Anh Ngọc – được xét công nhận đặc cách (SN 1967). PGS cao niên nhất trong đợt năm nay là PGS.Nguyễn Thị Tình, 69 tuổi.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh: gdtd.vn

Tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn

GS.Trần Văn Nhung cũng cho biết, trong năm 2012, số GS trên 60 tuổi chỉ còn chiếm 16,6%; PGS là 0,7% (15 năm về trước, số GS trên 60 tuổi là 31%; ba năm trước, số PGS trên 60 tuổi là 6,3%). Các tân GS, PGS thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chiếm đa số, năm nay, số GS là 69,05% và PGS là 77,75% trên tổng số; tỷ lệ nữ GS là 14,29% và PGS là 27,63%. Độ tuổi trung bình của các tân GS trong kĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là 56,8; của các tân GS trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật và thể dục thể thao là 57,5. "Đó là những dấu hiệu đáng mừng về đội ngũ" – GS.Trần Văn Nhung cho hay.

Tuy nhiên, cũng theo GS.Trần Văn Nhung, mật độ phân bố quá tập trung. Số tân GS năm 2012 ở Hà Nội chiếm 80,96%, TPHCM là 7,14%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại chỉ 11,90%. Số tân PGS năm 2012 ở Hà Nội là 71,2%, ở TPHCM: 14,05%, tất cả tỉnh thành còn lại là 14,75%.

Tân Gs trẻ nhất năm 2009 là 45 tuổi, năm 2010 là 46 tuổi, năm 2011 là 37 tuổi và năm 2012 là 42 tuổi; các PGS trẻ nhất từ năm 2009 đến nay lần lượt là 31 – 32 – 29 – 31 tuổi. Theo thống kê, những tân GS và PGS trong 4 năm vừa qua hầu hết nằm trong lĩnh vực Toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học.

Đồng chí Đinh Thế Huynh và
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh và Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận trao chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS. Ảnh: gdtd.vn

Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy trong trường ĐH ngày càng tăng

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh bày tỏ vui mừng trước việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2012 được thực hiện nghiêm túc, đúng thủ tục và quy trình trên cơ sở các văn bản pháp quy hiện hành. Thành viên các cấp các Hội đồng Chức danh GS đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm kết quá xét khách quan, công bằng, đúng tiêu chuẩn, có chất lượng. Số GS, PGS có sự trẻ hóa so với các năm trước đây. Đặc biệt, trong số GS, PGS được công nhận đợt này, đối tượng là giảng viên cơ hữu trong các trường ĐH chiếm phần lớn – 69,5%. Điều đó chứng tỏ chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các trường ĐH ngày càng được tăng cường.

"Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH và hội nhập quốc tế, phấn đấu để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu nói trên, đội ngũ trí thức nói chung có vai trò rất quan trọng. Trong đó, các GS, PGS là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tri thức cho đất nước, góp phần xây dựng nên một thế hệ trẻ say mê học tập, đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chiếm lĩnh những tri thức, làm chủ công nghệ mới, đồng thời có nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước" – đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.

Thay mặt các GS, PGS, đội ngũ các trí thức Việt Nam đang làm việc trong các lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ lòng biết ơn chân thành với Đảng, tổ quốc, nhân dân về sự nuôi dưỡng, dạy dỗ, động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức; đồng thời xin hứa với Đảng, với nhân dân sẽ phát huy truyền thống của dân tộc, truyền thống, cốt cách của tri thức Việt Nam, đồng hành cùng đất nước, cùng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp khoa học, công nghệ, GD-ĐT.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201212/Cong-bo-va-trao-chung-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-GS-PGS-2012-1965819/

Sinh viên bơ phờ “săn” vé tàu xe về quê ăn Tết

Posted: 24 Dec 2012 05:02 AM PST

Hà, sinh viên (SV) Trường ĐH KHXHNV TPHCM quê ở Thanh Hóa cho hay hai năm nay cô chưa về quê, tất cả mọi thông tin về gia đình chỉ liên hệ qua điện thoại và thư từ. Năm nay thời gian nghỉ dài, Hà và bố mẹ đều nóng lòng mong ước cái tết đầy đủ mọi thành viên nên cô quyết tâm về.

Sinh viên bơ phờ chờ mua vé tại ga Sài Gòn. (Ảnh: Hoài Nam)

Do say xe nên ngay từ đầu Hà đã xác định phải kiếm một tấm vé tàu. Trong những ngày đầu Ga Sài Gòn yêu cầu đăng ký mã số qua mạng, Hà thực hiện ngay. Đên ngày mua, cũng như tình trạng rất nhiều người gặp phải, trang website của Ga Sài Gòn quá tải, bị lỗi khiến Hà không thể mua nổi.

Trong ngày 20/12, nhà ga bán vé tàu trực tiếp thì Hà lại không kịp nắm thông tin, đến chiều cô mới biết thì xem như đã hết cơ hội để sở hữu tấm vé tàu. "Tôi nghe nói đến vé ô tô cũng rất khó mua. Cả 4 năm đại học chắc chỉ một năm duy nhất tôi có thể đón Tết cùng gia đình mà giờ chưa biết tính sao", cô gái lo lắng.

Triền miên đón Tết xa nhà, năm nay Nguyễn Quân, SV Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cũng thu xếp về quê. Quân nắm lịch bán vé tàu Tết từ ga Sài Gòn rất kỹ, từ khi bán qua mạng cho tới khi bán trực tiếp. Thế nhưng, đi lại cả chục lần, nhiều đêm lê liệt chen chúc ở ga nhưng may mắn không đến với cậu.

Quân bày tỏ: "Bọn em đi nhóm 4 người nhưng kết quả không ai mua nổi vé. Có "cò" mời tụi em mua vé, cậu bạn em chấp nhận mua dù đắt hơn mấy trăm nghìn. Em thì chỉ đủ tiền mua vé chính thức hoặc chấp nhận đi ô tô vì mỗi lần về quê rất tốn kém".

Dịp nghỉ Tết dài ngày, dự báo nhu cầu SV về quê đón Tết năm nay tăng mạnh. (Ảnh: Hoài Nam)

"Xe 45 chỗ nhưng nhà xe nhét hơn 90 người. Về được đến nhà mình đổ bệnh vì chen chúc hơn ngày trời trên xe. Năm nay gia đình tổ chức mừng thọ ông nội, không mua được tấm vé tử tế chắc mình… hết đường về quê", Hương kể.

Theo lịch nghỉ tết năm nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ ở TPHCM áp dụng thời gian nghỉ cho SV khá dài. Nhiều trường SV được nghỉ nửa tháng. Khác với mọi năm, nếu nhiều SV ở xa chọn ở lại đón thành phố đón Tết thì năm nay lượng SV về quê được dự báo tăng lên rất nhiều. Cảnh SV săn lùng vé sôi sục hơn và cũng nan giải hơn.

Giúp SV về quên thuận lợi

Năm bắt nhu cầu SV xa nhà về quê đón Tết, ĐH Sài Gòn có kế hoạch tổ chức chương trình "Hỗ trợ SV về quê đón Tết Nguyên đán 2013" bằng việc huy động các nguồn hỗ trợ bên ngoài và từ cán bộ giảng viên, lực lượng SV trong trường. Đối tượng được hỗ trợ là SV có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, vùng dân tộc thiểu số và SV ở vùng thiên tai.

Dự kiến trường sẽ tổ chức các chuyến xe đưa SV các tỉnh miền Trung về quê. Hành trình này SV sẽ được hỗ trợ hoàn toàn tiền ăn uống, chỗ nghỉ qua đêm và bảo hiểm cho suốt chuyến đi. Còn với các tỉnh lân cận, những SV đủ điều kiện được hỗ trợ sẽ được nhà trường tặng vé xe khách.

Nhiều chương trình hỗ trợ SV ở TPHCM về quê đón Tết 2013. (Ảnh: Lê Phương)

Trung tâm Tư vấn hướng nghiệp và phát triển nguồn nhân lực, Trường ĐH KHXHNV TPHCM cũng sẽ dành tặng 100 vé xe Tết  cho SV có điều kiện khó khăn (đặc biệt ưu tiên SV người dân tộc, sinh viên khuyết tật, bị ảnh hưởng chất độc da cam hoặc sinh viên là con thương binh – bệnh binh…). Theo đó, các đối tượng được tặng vé xe có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào Ninh Thuận cùng năm tỉnh Tây nguyên (Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum) đều có thể đăng ký nhận vé.

Tết năm nay, Trung tâm hỗ trợ HS-SV TPHCM sẽ tặng 3.000 vé xe trị giá 1,2 tỷ đồng cho SV về quê đón Tết. Điều kiện là SV viên đang theo học tại các trường ĐH, CĐ tại TP HCM, có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Đối tượng SV là người dân tộc thiểu số, khuyết tật, mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Ngoài ra, giúp SV ở các tỉnh xa đang học tập tại TP.HCM được thuận lợi trong việc mua vé xe về quê đón tết cùng gia đình; đồng thời, giảm tải áp lực vé tàu xe Tết và hạn chế các tình trạng phức tạp, xảy ra những điều đáng tiếc cho SV bị lừa mua vé tàu xe tết ở các nơi không uy tín, Trung tâm cũng triển khai chương trình bán vé xe tết Quý Tỵ 2013 cho SV về các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Anh Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ sợ HS-SV cho biết, các loại xe được sử dụng đưa SV về quê là xe du lịch chất lượng cao, gồm 45 ghế, được đảm bảo di chuyển an toàn, lái xe lịch sự, nhã nhặn. SV đi xe sẽ được hỗ trợ nước uống và khăn lạnh, các điểm dừng chân ăn uống chất lượng, hợp vệ sinh, giá cả phù hợp. Xe sẽ về bến cuối cùng của mỗi tỉnh và trả khách đúng quy định ban đầu.

Sinh viên mua vé có thể liên hệ trực tiếp Trung tâm Hỗ trợ HS-SV tại số 33 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TPHCM hoặc cơ sở 2 tại khu dịch vụ công cộng sinh viên, KP 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức, TPHCM.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sinh-vien-bo-pho-san-ve-tau-xe-ve-que-an-tet-677453.htm

Người thầy dạy sử bằng… thơ

Posted: 23 Dec 2012 04:45 PM PST

Đọc xong hai câu thơ, thầy tiến thẳng về phía học sinh hỏi: "Hai câu thơ thầy vừa đọc nằm trong bài thơ nào?". Đó là một trong những cách thầy Mười bắt đầu tiết dạy lịch sử của mình. Khi học sinh đồng loạt trả lời: "Bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu", như có thêm sinh khí thầy Mười hỏi ngay: "Bài thơ nói về địa danh nào? Ai biết giơ tay lên". Hàng chục cánh tay đưa lên. Một học sinh trả lời: "Dạ, Việt Bắc". Thầy Mười tươi cười nói: "Chính xác, Việt Bắc. Hôm nay chúng ta sẽ ôn lại nội dung liên quan đến địa danh Việt Bắc đó là…". Cả lớp đồng thanh: "Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947".

 


Thầy Nguyễn Văn Mười ôn tập nội dung chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947 cho học sinh.

 

Thổi hồn cho môn lịch sử

 

 

Suốt 32 năm đứng trên bục giảng, thầy Mười đã chọn cách dùng văn thơ để giảm áp lực cho học sinh khi tiếp nhận những con số khô cứng. Thầy không ngừng tìm những câu thơ kết hợp vào bài giảng. Từ việc chỉ đọc một vài câu thơ tạo không khí vui vẻ cho lớp học, đến nay thầy đã có một kho kiến thức phong phú, giảng đến đâu cũng có thể minh họa bằng thơ. "Tất cả đều là những câu thơ mà học sinh đã học qua nên dễ ghi nhớ. Nhớ câu thơ là nhớ nội dung bài", thầy Mười nói.

 

Kết hợp với văn thơ, thầy Mười còn dùng bản đồ và những câu hỏi ngắn dạng hỏi đáp giúp học sinh khắc sâu nội dung bài học. Thầy không bao giờ vẽ bản đồ ở nhà mà lên lớp mới vẽ. Chỉ cần 30 giây thầy đã hoàn thành. Giảng đến địa danh nào, thầy định vị ngay lên bản đồ.

 

"Khi đó mình ứng phó ngay bằng vài câu thơ vui: Ăn ngủ làm chi hỡi học trò/ Có công đi học phải toan lo/ Dẫu có ruộng vườn năm bảy mẫu/ Sao bằng kinh sử một đôi pho. Vậy là cả lớp tỉnh ngủ".

 

Kết thúc buổi học, thầy Mười nghiêm nghị thách đố: "Ai diễn tả lại những ngày tháng khó khăn nhưng đằm thắm nghĩa tình đồng chí, đồng bào ở Việt Bắc". Cả lớp như hiểu ý thầy liền đồng thanh đáp: "Thương nhau, chia củ sắn lùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng/ Nhớ người mẹ nắng cháy lưng/ Ðịu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô/ Nhớ sao lớp học i tờ/ Ðồng khuya đuốc sáng những giờ liên hoan…". Thầy hỏi tiếp: "Lớp học i tờ là gì?", học sinh đáp lời: "Phong trào bình dân học vụ ạ". Thầy Mười mỉm cười bước ra cửa lớp trong tiếng vỗ tay giòn giã của học trò.

 

"Môn lịch sử cho tôi rất nhiều"

 

 

Cũng từ những câu thơ, câu vè, thầy Mười giúp học sinh liên hệ với thực tế, rèn luyện khả năng liên tưởng bằng những câu hỏi ngắn gọn, xoáy vào trọng tâm. Ví dụ khi đọc xong câu thơ mô tả chiến dịch Điện Biên Phủ, thầy đặt ngay câu hỏi: chiến dịch diễn ra năm nào, những địa danh trong trận đánh… Hình thức hỏi đáp liên tục không chỉ giúp ôn nhiều kiến thức mà còn rèn luyện khả năng ứng phó tình huống cho học sinh. Thầy cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh, bao gồm việc tham quan các di tích lịch sử, nói chuyện chuyên đề… "Học sinh chúng ta tầm nhìn còn hạn chế lắm. Ngay cả Bảo tàng Vĩnh Long mà các em còn chưa biết thì làm gì biết đến những chỗ xa xôi. Chính những buổi ngoại khóa hay những buổi nói chuyện chuyên đề các em mới được tự do tìm hiểu những kiến thức bên ngoài. Chứ học theo lối chậm dần đều, không thiếu gì trong sách giáo khoa nhưng cũng không mở rộng ra bên ngoài thì không biết khi nào các em mới lớn được", thầy Mười nói.

 

Thầy Mười cho biết trong 32 năm gắn bó với môn lịch sử, có lúc khó khăn phải làm nhiều công việc mới đủ nuôi sống gia đình. "Nhiều người bảo dạy sử là gắn với chữ "nghèo". Nhưng môn lịch sử đã cho tôi rất nhiều. Đó là sự trân trọng của bao thế hệ học sinh, phụ huynh. Dạy môn lịch sử cho tôi lòng kiên nhẫn. Nhờ kiên nhẫn tôi mới có cuộc sống tốt đẹp, mới hoàn thành nhiệm vụ của một người làm sống lại không khí hào hùng của lịch sử mỗi khi đứng trên bục giảng", thầy Mười chia sẻ.

 

Nói về những đóng góp của thầy Mười, thầy Nguyễn Bá Tưởng, hiệu trưởng Trường THPT Lưu Văn Liệt, cho biết: "Thầy Mười đã đóng góp rất nhiều cho phong trào thi học sinh giỏi của tỉnh suốt những năm qua. Phương pháp giảng dạy của thầy rất đặc biệt. Nội dung thường không bó hẹp ở một phạm vi, một giai đoạn mà luôn liên hệ đến nhiều khía cạnh, giúp các em ôn lại kiến thức đã qua cũng như có thêm nhiều kiến thức mới. Đặc biệt, thầy biết cách hệ thống lại sự kiện, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt kiến thức".

 

Năm 1980, sau khi tốt nghiệp khoa sư phạm Trường đại học Cần Thơ, thầy Nguyễn Văn Mười giảng dạy môn lịch sử tại Trường THPT Lưu Văn Liệt và gắn bó đến nay. Chỉ còn bốn năm nữa thầy Mười rời bục giảng, nhưng nhiệt huyết với môn lịch sử chưa bao giờ tắt.

 

 

 

Theo Thúy Hằng

Tuổi Trẻ

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nguoi-thay-day-su-bang-tho-677265.htm

Thầy đã “may mắn” trượt đại học, trò ạ!

Posted: 23 Dec 2012 04:45 PM PST

Nếu không trượt đại học, thầy sẽ vẫn là con người cao ngạo, tự cao và luôn cho mình là số một.

Nếu không trượt đại học, thầy đã không thể được chiêm nghiệm câu danh ngôn "Thất bại là mẹ thành công!"

Nếu không trượt đại học, thầy đã không biết được gia đình quan trọng với mình đến thế, không thể biết người mẹ tảo tần yêu và hy sinh cho mình tất thảy.

Nếu không trượt đại học thì giờ này không biết thầy đã thành con người như thế nào, liệu có phải là một người tốt của xã hội hay không?

Nếu không trượt đại học, thầy sẽ không biết rằng: điều quan trọng nhất không phải là kết quả mà quan trọng là mình đã nỗ lực để đạt kết quả đó.

Nếu không trượt đại học thì thầy sẽ không biết rằng có một nghề "cao quý nhất trong những nghề cao quý, sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo".

Nếu không trượt đại học thì chín năm qua thầy đã không được gặp các trò, những thiên thần nhỏ với bao ước mơ, hoài bão, nỗ lực chinh phục những đỉnh cao.

Nếu không trượt đại học thầy sẽ không hiểu được tâm trạng, cảm xúc buồn tủi, thấy cuộc sống như đã chấm hết của các trò lúc này.

Nếu không trượt đại học, thầy sẽ không biết rằng có một tương lai đang mở ra cần những trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ chinh phục.

…và nếu không trượt đại học, thầy đã không cảm thấy may mắn như ngày hôm nay.

Vậy đấy các trò ạ! Các trò hãy tự tin tiếp tục mạnh mẽ vươn lên như cánh rừng Xà nu để thấy trượt đại học thực ra chỉ là "thành công bị trì hoãn".

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thay-da-may-man-truot-dai-hoc-tro-a-677281.htm

Một chương trình, nhiều bộ SGK: Tạo cơ hội tối đa cho học sinh

Posted: 23 Dec 2012 04:44 PM PST

Đó là những băn khoăn sát sườn của phụ huynh và học sinh (HS).


Có thêm nhiều bộ SGK, học sinh có nhiều cơ hội học tập sách đúng với nhu cầu

Lo ngại sách tăng giá

Chị Nguyễn Thu Thủy (nhà A13, Thanh Xuân Bắc, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) lo ngại: "Khi có nhiều bộ SGK, nhà nước không phải lo kinh phí trong việc biên soạn sách mà để tự thị trường cạnh tranh với nhau thì điều tôi băn khoăn nhất là liệu khi ấy giá có tăng không?". Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, lo lắng của chị Thủy là hoàn toàn có cơ sở. Hiện nay, giá sách của nhóm Cánh Buồm cao hơn rất nhiều so với SGK hiện hành mặc dù chất liệu in ấn không có nhiều khác biệt. Ví dụ, sách tiếng Việt của nhóm này là 39.000 đồng, sách văn có cuốn 48.000 đồng, cuốn thấp nhất 22.000 đồng. Trong khi đó, cả bộ SGK bậc tiểu học hiện hành chỉ khoảng 70.000 – 80.000 đồng.

Lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục cũng từng cho rằng giá SGK phải được Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính chấp thuận, chứ không phải bán theo giá thị trường và giá này luôn thấp hơn chi phí công in.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, đưa ra hướng giải quyết xung quanh lo ngại về giá SGK. Ông cho rằng cùng với chủ trương nhiều bộ sách, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu thì đợt đổi mới giáo dục sắp tới Nhà nước cần tính đến việc miễn học phí và cấp phát SGK cho HS ở những cấp học mang tính cơ bản, bắt buộc.

Đánh giá trên các tiêu chí năng lực của học sinh

Sẽ có rất nhiều thay đổi xung quanh việc dạy và học cũng như kiểm tra, đánh giá nếu có nhiều bộ SGK. Khi ấy, chương trình chuẩn được xem là pháp lệnh và quyết định mọi vấn đề kèm theo để thay thế việc giáo viên coi SGK như pháp lệnh hiện nay. Ví dụ, ở môn ngữ văn, theo đề xuất của nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ngữ liệu học tập sẽ không chỉ là SGK mà bao gồm 2 nguồn chính là văn bản văn học và các loại văn bản khác (không phải văn học). Khi đó, việc đánh giá sẽ coi trọng năng lực ngữ văn trên cả 2 bình diện: ý tưởng sáng tạo và khả năng diễn đạt, thể hiện, trình bày ý tưởng đó một cách sáng sủa, mạch lạc.

Đối với môn toán, theo PGS Trần Kiều và nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, ngay cả khi môn này được xem là môn học bắt buộc cho các lớp thuộc giai đoạn sau cơ bản cũng phải có các tài liệu giáo khoa khác nhau, với những mục tiêu riêng theo hướng phục vụ trực tiếp cho việc học tập tiếp theo của HS.

Quan điểm của GS Phạm Minh Hạc là khi có một vài bộ SGK, chương trình chỉ là cái gốc còn người thầy có thể chọn bộ sách nào phù hợp với HS. "Tuy vậy, dù nhiều bộ SGK nhưng khi đã được duyệt và lưu hành trên thị trường thì SGK không được phép có bất cứ một lỗi nào", GS Hạc nhấn mạnh.

Theo mong muốn chung của nhiều chuyên gia, với một chương trình chuẩn nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ sách nào, phương pháp nào là quyền sáng tạo của họ dựa vào thực tiễn.

Xung quanh việc kiểm tra, đánh giá khi có nhiều bộ SGK, theo hình dung của nhóm nghiên cứu, đánh giá sẽ dựa trên các tiêu chí năng lực của HS mà chuẩn giáo dục quy định. Thang đo đánh giá năng lực được quy chuẩn theo mức độ phát triển năng lực người học, mà không quy về một nội dung đã học.

Bà Vũ Hoàng Ly, giáo viên Trường tiểu học Quang Trung, Q.Đống Đa (Hà Nội), cho rằng chỉ cần đề thi dựa vào chuẩn chương trình chứ không dựa vào một bộ SGK nào cụ thể thì việc kiểm tra, đánh giá HS hoàn toàn không có gì đáng lo ngại. Điều quan trọng là SGK phải được thẩm định để dù biên soạn theo cách thức khác nhau nhưng cũng không chệch khỏi chuẩn chương trình đó.

Chương trình học và sách giáo khoa của một số nước

Phần Lan: Ủy ban Giáo dục quốc gia quyết định chương trình cốt lõi giáo dục phổ thông cấp quốc gia. Giới chức giáo dục địa phương dựa vào đây để soạn ra chương trình học cho riêng khu vực mình. Giáo viên phải theo hướng dẫn chương trình quốc gia, nhưng có nhiều quyền tự chủ trong việc tiến hành phương pháp giảng dạy và thậm chí được phép chọn SGK cho riêng mình, cũng như tự ra bài kiểm tra để biết nhu cầu và sự tiến bộ của HS.

Hàn Quốc: Bộ Giáo dục đưa ra chương trình học phổ thông quốc gia và sẽ sửa đổi nó 5 hoặc 6 năm/lần. Mỗi trường sẽ tự chọn SGK do các nhà xuất bản soạn theo khung chương trình quốc gia. Từ năm 2006, Bộ Giáo dục Hàn Quốc bắt đầu chuyển hệ thống xuất bản chính phủ sang hệ thống đánh giá chính phủ. Nghĩa là các nhà xuất bản tư nhân phát hành SGK còn chính phủ kiểm tra và phê duyệt.

Mỹ: Chương trình học phổ thông do hội đồng học khu gồm những thành viên được bầu chọn thông qua bầu cử địa phương quyết định, chính quyền bang thường quyết định các tiêu chuẩn giáo dục và thi cử. Nhiều khu vực, các giáo viên được quyền lựa chọn SGK theo nhu cầu của HS. Trong khi đó, một số bang lại quy định SGK dùng chung cho HS ở cấp độ bang.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mot-chuong-trinh-nhieu-bo-SGK-Tao-co-hoi-toi-da-cho-hoc-sinh/262314.gd

Comments