Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nữ sinh Việt xinh đẹp đỗ 6 ĐH danh tiếng nước Mỹ

Posted: 02 Dec 2012 04:08 AM PST

Cô nữ sinh Việt Nam này đã khiến nhiều người phải ngưỡng mộ và thán phục khi cùng
lúc đỗ 6 trường Đại học danh tiếng ở Mỹ gồm Yale, MIT, Harvard, Brown, UCLA,
Ucberkeley.

Tháng 6/2012, Hồ Ngọc Nhi được vinh danh trên tờ báo riêng của trường THPT Santa
Monica khi xuất sắc đỗ vào 6 trường ĐH danh tiếng của Mỹ. Hiện tại, cô bạn đang là
sinh viên trường ĐH Harvard, ngành công nghệ Y sinh. Cùng trò chuyện với nữ sinh
người Việt vô cùng xuất sắc này!

- Chào Nhi. Đỗ 1 lúc cả 6 trường Đại học lớn và nổi tiếng của Mỹ gồm Yale, MIT,
Harvard, Brown, UCLA, Ucberkeley, vì sao Nhi lại chọn Harvard làm điểm đến cho mình?

Khi biết tin mình đỗ một lúc nhiều trường như vậy, mình không tin đó là sự thật.
Sau khi tham quan và tìm hiểu cả 6 trường Đại học này, Nhi thích nhất là Yale và
Harvard, bởi vì hai ngôi trường đó có “Liberal arts” (nghệ thuật tự do) trong khi MIT
lại là chuyên khoa. Đứng giữa Yale và Harvard, Nhi lại tiếp tục có sự băn khoăn,
nhưng sau đó cũng đưa ra quyết định cuối cùng là lựa chọn Harvard.

Một phần là vì Harvard ở trong thành phố Boston, gần MIT và các cơ sở nghiên cứu
quan trọng về Biomedical Engineering, mà ước mơ từ nhỏ của Nhi lại là muốn được
nghiên cứu chuyên sâu về sinh học, vậy nên Nhi nghĩ Harvard là sự lựa chọn tối ưu.


 



- Bạn có thể chia sẻ hành trình chinh phục 6 trường ĐH nổi tiếng này được
không?

Gia đình mình qua Mỹ năm 2002. Cuộc sống ban đầu ở bên này khá vất vả. Trong nhà
ai cũng bận rộn với công việc hàng ngày nên mình phải quen độc lập tự nhỏ. Chính thói
quen này cũng đã giúp mình rất nhiều trong việc học tập về sau.

Mình rất yêu thích môn Sinh học. Năm lớp 11, mình đỗ USA Biology Olympiad, là 1
trong 20 thí sinh cuối cùng trong 10.000 thí sinh dự thi năm 2011 được chọn để tham
gia chương trình đào tạo tại khu dân cư của trường ĐH Purdue (cuộc thi này cũng có cả
học sinh Việt Nam tham gia nữa đấy). Hàng năm, mình cũng hay apply vào các khóa học
ngắn, xin học bổng của các tổ chức về lĩnh vực mà mình đam mê. Mình từng đến Đức và
Trung Quốc trong 6 tuần hồi lớp 10 và 11 để tham gia những khóa học đó.

Khi còn là học sinh trường Santa Monica, Nhi cũng tham gia nhiều hoạt động xã hội,
hoạt động ngoại khóa như tổ chức các buổi trình chiếu phim ảnh và dựng quỹ để nâng
cấp Trường học tim mạch cấp 2, kêu gọi quyên góp được khoảng 1.000 USD mỗi năm, là
tình nguyện viên nhiều sự kiện khác nhau.

Nhi cũng là chủ tịch của 1 câu lạc bộ giúp đỡ các trẻ em châu Phi. Nhi nghĩ để
thành công phải cần biết kết hợp giữa việc học và tham gia hoạt động xã hội bởi có
những kiến thức ta không thể tìm kiếm được trong sách vở mà chỉ có ra thực tiễn mới
thu nhận được.


 





- Harvard là ngôi trường danh tiếng trên thế giới, được trở thành sinh viên
Harvard, Nhi cảm thấy như thế nào?

Khi gia đình chuyển đến đây vào năm 2002, Nhi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình
trở thành sinh viên của một trong những trường ĐH bậc nhất thế giới này. Cho đến lúc
này, khi đã đi học được một thời gian nhưng mỗi ngày đến trường Nhi cũng vẫn ngỡ như
đang mơ vậy. Nhiều lúc đi trong trường, tự nhiên ngừng lại ngước lên những tán là đỏ
của mùa thu và tự hỏi: “Mình là sinh viên Harvard rồi ư?” (Cười). Mình cảm thấy mình
thật may mắn và tự hào khi đỗ vào Harvard. Mình được như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ
của gia đình, thầy cô và bạn bè nhiều lắm.

 

- Harvard là ngôi trường danh tiếng trên thế giới, được trở thành sinh viên
Harvard, Nhi cảm thấy như thế nào?

 

Khi gia đình chuyển đến đây vào năm 2002, Nhi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình
trở thành sinh viên của một trong những trường ĐH bậc nhất thế giới này. Cho đến lúc
này, khi đã đi học được một thời gian nhưng mỗi ngày đến trường Nhi cũng vẫn ngỡ như
đang mơ vậy. Nhiều lúc đi trong trường, tự nhiên ngừng lại ngước lên những tán là đỏ
của mùa thu và tự hỏi: “Mình là sinh viên Harvard rồi ư?” (Cười). Mình cảm thấy mình
thật may mắn và tự hào khi đỗ vào Harvard. Mình được như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ
của gia đình, thầy cô và bạn bè nhiều lắm.

 

- Rời Việt Nam từ năm 9 tuổi, từ đó đến nay Nhi về thăm lại Việt Nam lần nào
chưa? Mỗi lần như vậy cảm xúc của Nhi thế nào?

 

Nhi có về Việt Nam ba lần cùng gia đình, đó là năm 2004 (lúc Nhi 11 tuổi về đám
cưới chị hai), năm 2007 về thăm quê và năm 2012 vừa rồi, Nhi về đám cưới chị ba. Chị
của Nhi và chồng đều sống và làm việc ở Mỹ nhưng anh chị muốn tổ chức lễ cưới tại
Việt Nam để luôn nhớ đến nguồn gốc của mình.

Dù xa quê nhưng Nhi vẫn luôn nhớ về quê hương, nhớ ông bà, các cô chú, các bác,
anh chị của mình. Vì vậy hễ có cơ hội là gia đình Nhi lại về quê. Người Việt Nam luôn
yêu thương và đùm bọc nhau, nhất là nơi đất khách. Ở Mỹ, người Việt Nam trong một phố
là ai cũng biết và quan tâm lẫn nhau.

 

 


 




 



- Ở Haravrd bạn có gặp nhiều sinh viên Việt Nam không? Bạn nhận xét thế nào về
những sinh viên đó?

Theo Nhi thấy thì ở Harvard không nhiều sinh viên Việt Nam cho lắm. Chỉ có khoảng
50 đến 100 người trên tổng số 6000 đến 7000 sinh viên. Thế nhưng họ cũng rất xuất
sắc. Sinh viên Việt Nam rất tự hào về quê hương và văn hóa đất nước mình.

Hễ có cơ hội là họ sẽ chia sẻ về truyền thống, kể về đất nước Việt Nam cho bạn bè
được biết.

- Bạn có thể chia sẻ một chút về việc cuộc sống hiện tại của mình không?

Nhi học ở Boston trong khi gia đình ở Los Angeles, vì vậy Nhi cũng phải học xa
nhà. Mỗi lần về nhà đều phải đi máy bay mất 6 tiếng, mà việc học chiếm khá nhiều thời
gian, tiền vé máy bay cũng không rẻ nên Nhi ít về nhà, chỉ về được trong các ngày lễ
tết thôi. Nhi mới được về thăm nhà và dự Lễ Tạ Ơn cùng gia đình, vừa quay trường được
ít hôm thôi. Nói chung việc học của Nhi vẫn tiến triển bình thường. Học Đại học, nhất
lại là Harvard nên lượng kiến thức rất nhiều, phải luôn nỗ lực hết mình thì mới không
bị các bạn bỏ xa.

- Vậy ước mơ trong tương lai của bạn là gì?

Như mình đã chia sẻ, mình rất yêu thích môn sinh học và ngành học hiện tại của
mình là Công nghệ Y Sinh, vì vậy sau này mình mong được trở thành một bác sĩ Nhi
khoa. Mình rất yêu trẻ con. Nhưng để đạt được ước mơ đó mình sẽ phải cố gắng rất rất
nhiều nữa. Bây giờ Nhi mới là sinh viên năm nhất thôi, trước mắt sẽ vẫn là quãng
đường dài cần vượt qua nữa.

- Cảm ơn và chúc Nhi sẽ luôn thành công trên con đường đã chọn!

(Theo TTVN)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/99317/nu-sinh-viet-xinh-dep-do-6-dh-danh-tieng-nuoc-my.html

Mầm non lao đao thuở “xã hội hóa”

Posted: 02 Dec 2012 04:08 AM PST


Mầm non lao đao thuở

 

 

Từ năm 2007 đến nay là giai đoạn ngành mầm non thủ đô chịu áp lực đặc biệt căng thẳng mỗi khi đến mùa tuyển sinh. Cao trào là năm 2011 khi hàng loạt báo mạng và báo giấy cùng đăng những phóng sự ảnh trắng đêm xếp hàng xin học của người dân ở nhiều trường mầm non công lập (những năm trước chỉ mới lác đác một vài báo phản ánh). Nhiều trường khác dù không có cảnh xếp hàng trắng đêm nhưng đường dây nóng của các cơ quan báo chí nóng rực lên bởi những lời kêu than của phụ huynh khi không biết gửi con ở đâu!

 

Giờ đây, vừa mới nghỉ hưu, bà Lan Hương vẫn còn ngùn ngụt xúc động khi nói về giai đoạn Hà Nội quyết tâm gồng mình rẽ lối khác khi đối mặt với thực tế nhu cầu nóng bỏng "được học mầm non công lập" của con em người dân thủ đô. Trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 150 trường mầm non bán công nông thôn phát triển rất èo uột với điều kiện cơ sở vật chất tạm bợ cũng như hệ thống giáo viên thiếu được đào tạo. "Nghị quyết 05 yêu cầu thúc đẩy xã hội hóa giáo dục mầm non, Luật giáo dục 2005 không cho phép tồn tại loại hình trường bán công.

 

 


Mầm non lao đao thuở

"Cái chết" của một chủ trương

 

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/mam-non-lao-dao-thuo-xa-hoi-hoa-669231.htm

Sự cố tại kỳ thi Olympic tiếng Anh trên Internet

Posted: 02 Dec 2012 04:07 AM PST

Sự cố tại kỳ thi Olympic tiếng Anh trên Internet

TT – Sáng 1-12, tại khung giờ thi từ 7g30-8g kỳ thi Olympic tiếng Anh trên Internet dành cho học sinh phổ thông (do Bộ GD-ĐT tổ chức), nhiều học sinh khối 4 ở TP.HCM cho biết các em không thể đăng nhập để vào thi. Ngoài ra, kết quả thi của một số thí sinh cũng không chính xác, một số thí sinh cho biết các em bị điểm 0 trong khi làm bài rất tốt.

Ban tổ chức cuộc thi cho biết do quá tải hệ thống nên nhiều thí sinh các khối 4, 6 và 10 gặp trục trặc trong khung giờ trên. Các trường có thể tổ chức thi lại vào ngày 2-12. Về việc đăng nhập trễ, hệ thống sẽ tự động tính thời gian thi đúng 30 phút từ khi học sinh thi.

H.HG.

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/523027/Su-co-tai-ky-thi-Olympic-tieng-Anh-tren-Internet.html

Thanh tra giáo dục nhìn từ góc độ cơ chế

Posted: 02 Dec 2012 01:31 AM PST

(GDTĐ) – Đảng ta coi phát triển giáo dục là sự nghiệp hàng đầu. Nhà nước  đã đầu tư về mặt tài chính cho giáo dục trong nhiều năm nay với tỷ lệ từ 18 đến 20% ngân sách quốc gia. Đây là một tỷ lệ đầu tư cho GD từ ngân sách nhà nước cao so với nhiều nước trên thế giới. 

Thế nhưng tại sao GD của ta hiện thời lại còn nhiều bất cập? Chỉ nói riêng về đầu tư cho GD, tỷ lệ ngân sách chi cho GD rất cao, nhưng 95% số tiền ấy phải chi cho con người nên cơ sở vật chất trong hầu hết các trường công lập thiếu và lạc hậu, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu GD hiện đại…

Nguyên nhân của thực trạng trên thì có nhiều, nhưng cơ bản là do cơ chế quản lý nhà nước về GD ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực chưa phù hợp.  Bởi vì, cơ chế quản lý nhà nước về GD đúng đắn, hợp qui luật là chìa khoá mở ra cho sự năng động phát triển của nền GD.

Quản lý GD là một phạm trù rộng lớn, ở đây ta chỉ  xét riêng vấn đề Thanh tra giáo dục. Đảng, nhà nước, ngành GD luôn coi trọng công tác thanh tra, các văn bản, các qui định có thể không thiếu, nhưng thực thi kém hiệu quả. Không ít vấn đề sai sót, thậm chí sai lầm nghiêm trọng, sai trái trong một thời gian dài với địa bàn rộng lớn ai cũng có thể nhìn thấy nhưng chưa được xử lý kịp thời.


Ảnh MH

Trong nhiều năm, đồ dùng dạy học kém chất lượng, thậm chí có những trường nhận đồ dùng dạy học về không dùng được vì thiếu, không đồng bộ…thì đem cất vào kho, gây ra sự lãng phí trên qui mô lớn, trong thời gian gần đây mới được phanh phui để khắc phục…

Thực trạng này diễn ra trong một thời gian dài, nhưng tại sao hệ thống thanh tra giáo dục, nhất là ở các địa phương, vẫn để tồn tại gần như không có sự kiểm soát, điều chỉnh? Có thể thấy rất rõ một số yếu tố khách quan do cơ chế đưa lại không tạo điều kiện tốt cho người thanh tra thực thi chức trách của mình.

Thứ nhất là người làm công tác thanh tra của phòng và sở thường là GV trong địa bàn rút lên và bổ nhiệm. Họ là người bạn đồng nghiệp, là người quen biết nhiều năm, là đồng hương gần xa của các ban giám hiệu và GV, thế thì làm sao tránh khỏi vị tình, vị nể, đó là chưa nói có thể dễ dàng biết rõ nhau và cùng nhau thoả thuận với những việc không chân chính. Trong điều kiện như vậy, người thanh tra khó  tránh được sự thiên lệch trong minh định và xử lý.

Thứ hai là tổ chức thanh tra nằm trong và phụ thuộc rất nhiều mặt vào hệ thống tổ chức quản lý nhà nước chung của ngành. Quyền lợi kinh tế, địa vị chính trị do nghề nghiệp đưa lại phần lớn phụ thuộc vào sự phán quyết của lãnh đạo và tập thể công chức ngành; những người thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước các cấp trong ngành là thủ trưởng, là bạn bè đồng nghiệp lâu năm của họ. Trong điều kiện như vậy người thanh tra bị một sợi dây vô hình ràng buộc, không thể thực thi công vụ một cách độc lập, khách quan, vô tư được, mặc dầu trách nhiệm của họ đã được qui định ở các luật.

Thứ ba là khi phát hiện ra những vấn đề tiêu cực như vậy bản thân người thanh tra sẽ được gì và mất gì trong một cơ chế hoạt động như vậy? Vì thanh tra cũng là con người, luôn bị chi phối trong mọi sự quan hệ, trong đó quan hệ kinh tế đóng vai trò quyết định…

Luật hồi tỵ trong thời phong kiến ở nước ta có qui định đối với người được bổ nhiệm làm quan: Cha con, anh em, những người bà con dòng tộc, bạn bè thân thuộc… không được làm chung trong một đơn vị công quyền (trừ một số ngành gia truyền như thầy thuốc….); không được nhậm chức tại quê hương; không được làm nhà ở, mua đất, tậu ruộng, làm sui nơi cai quản…

Đành rằng ở từng giai đoạn lịch sử, trong mỗi hoàn cảnh xã hội khác nhau sẽ phải có cơ chế quản lý phù hợp, không thể rập khuôn, giáo điều. Nhưng cần phải chọn lọc điều hay, điều phù hợp của quá khứ và đương đại mà học tập, ứng dụng trong cơ chế quản lý GD nói chung, công tác thanh tra GD nói riêng để giám định được thực chất chất lượng GD góp phần quan trọng chấn hưng và phát triển bền vững nền GD nước nhà.

Phạm Hoàng Lê

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Thanh-tra-giao-duc-nhin-tu-goc-do-co-che-1965311/

Học sinh đang thụ động trước cuộc sống

Posted: 02 Dec 2012 01:30 AM PST

Chưa kịp yêu đã chán

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Tiểu học Sở GD-ĐT Hà Nội, cho rằng: "Ở bậc tiểu học, trẻ có những suy nghĩ rất trong sáng, mỗi bài văn là một cơ hội để trẻ bày tỏ tình cảm, nhận thức, lòng yêu thương. Vậy thì thay vì áp đặt bằng cảm quan và văn phong của người lớn, hãy tôn trọng và hòa mình vào thế giới của các em".


Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (TP.HCM) trong một tiết học môn văn theo hướng không đọc chép, HS tự tổ chức và làm chủ giờ học

PGS Đỗ Ngọc Thống, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, cho rằng, văn học trong nhà trường là một bộ môn khoa học về văn chương. Vì thế nó cần được xem xét và đối xử như các bộ môn khoa học khác. Nghĩa là cũng có đúng/sai, có những tiêu chí khoa học. Tuy nhiên, theo ông Thống, do dạy văn là dạy và học về cách cảm thụ nghệ thuật, không thể dùng văn mẫu để yêu cầu HS cảm thụ đúng hướng… Với những tác phẩm đa nghĩa, cần khuyến khích HS đưa ra nhiều cách hiểu, cách cảm nhận độc đáo, sáng tạo, nhưng phải có lý, có căn cứ… chứ không phải muốn hiểu thế nào cũng được.

Nhà giáo Đặng Đình Đại, người có thâm niên mấy chục năm dạy văn ở bậc THPT cho rằng, hậu quả của việc học thuộc lòng theo văn mẫu rất nặng nề. Chấm thi tốt nghiệp THPT, ĐH sẽ thấy rõ nhất điều này. Nhiều bài văn giống nhau dù không ngồi cùng một phòng thi hay một hội đồng thi. Ấy là do các em được học thuộc văn mẫu để đi thi.

Ông Đại cho biết, kết quả của văn mẫu ở cấp học dưới khiến cho nhiều HS lên lớp 10, khi gặp đề đòi hỏi sáng tạo một chút là kêu khó và lúng túng không làm bài được. Làm văn theo mẫu từ khi bắt đầu học tập làm văn đã khiến HS chưa kịp yêu môn văn đã chán môn học này.

Làm hỏng tư duy diễn đạt, thuyết trình

Thói quen làm theo văn mẫu khiến cho khả năng tư duy, sáng tạo của các em bị mai một dần, thói quen đọc sách cũng không được hình thành vì nó không trở thành nhu cầu tự thân nữa. Ngày nay học văn nhưng HS không cần đọc tác phẩm mà chỉ học theo văn mẫu để làm bài. "Văn hóa đọc của giới trẻ mà chúng ta vẫn lo ngại cũng xuất phát từ điều này" – ông Đại nói.

Nhưng mọi chuyện không chỉ dừng ở việc học và dạy môn văn, HS có yêu thích môn này hay không… mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến kỹ năng sống của HS khi bước ra ngoài cuộc sống. Ông Đại cho biết, nhiều HS ra trường với kết quả học tập có thể rất cao nhưng lại "lơ ngơ" và thụ động trước mọi thứ. Cứ gặp tình huống không nằm trong khuôn mẫu là lúng túng, không biết phải ứng xử thế nào.

Một cán bộ của một tổ chức nước ngoài tại Việt Nam cho biết, khi tuyển dụng xin việc, nhiều bạn trẻ không đương đầu nổi với các câu hỏi đòi tư duy logic, biết cách trình bày quan điểm của mình. Trong khi đó, để tìm cho mình những ứng viên thông minh, có tố chất và khả năng sáng tạo cao trong công việc, nhà tuyển dụng thường phỏng vấn những câu hỏi "kỳ lạ" để kiểm tra phản ứng, triết lý, tư duy riêng của ứng viên.

Mất dần cảm xúc

Bà Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng điều đáng lo ngại đặc biệt là nhờ một bài mẫu làm sẵn hoặc dàn bài khai thác thật hoàn hảo, HS có thể đạt được điểm văn cao nhưng chất văn vẫn không thấm vào trong tình cảm của các em. Bà Dương Thị Mai Hương, cũng giáo viên trường này so sánh: "Nếu dạy theo kiểu đọc chép thì thầy là "máy dạy" và trò là "máy học". Cái nguy hại của phương pháp dạy học này là làm thui chột tài năng của người dạy. Người dạy cứ theo một bài bản nhất định, lớp nào cũng thế, năm nào cũng thế, không cần phải học hỏi, trau dồi gì thêm, không cần phải giảng giải, tranh luận, xử lý tình huống sư phạm, dần dần trở thành một cái "máy dạy" văn".

Theo nhiều nhà chuyên môn, dạy văn là dạy cho HS biết cách ăn nói, miêu tả, dùng ngôn từ đúng cảnh, đúng người, đúng tình huống diễn ra trong cuộc sống, và hơn nữa dạy cho HS biết cảm nhận và có cảm xúc thật để nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ. "Nếu với cách dạy văn không để hiểu, để cảm xúc mà chỉ đưa ra những bài văn mẫu hoặc viết đúng theo gợi ý của cô giáo thì liệu thế hệ con em chúng ta có còn những cảm nhận và cảm xúc thật để viết ra bài văn thật sự là của mình hay chỉ biết máy móc viết theo bài văn mẫu đã học thuộc hoặc viết y như lời cô giáo bày sẵn?", một giáo viên suy tư.


Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hoc-sinh-dang-thu-dong-truoc-cuoc-song/255304.gd

Bài văn lạ về nỗi sợ của loài người

Posted: 01 Dec 2012 02:04 PM PST

– Diễn viên Lương Mạnh Hải lại nói: “Tôi chỉ sợ luật pháp”… Phải chăng
bên cạnh sự can đảm thì cái sợ ở một khía cạnh nào đó cũng thật cần
thiết?

 

Ảnh minh họa

Đề bài:

Trong bài phỏng vấn diễn viên Lương Mạnh Hải trên trang tạp chí điện tử Đẹponline ngày 14.9.2012 có đoạn đối thoại sau:

- Còn anh, anh sợ "thằng"nào?

- Tôi chỉ sợ luật pháp.

- Ngoan hiền thế kia sao phải sợ luật pháp?

- Đấy, chính vì sợ luật pháp nên mới ngoan hiền.

Lấy "Sợ" làm đề tài, anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của mình
.

Bài làm:

Napoleon từng nói "Kẻ nào sợ bị khuất phục, kẻ đó sẽ thất bại." Bởi thế nên trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta luôn được khích lệ động viên bằng những câu nói "Đừng sợ thất bại", "Chớ sợ khó khăn"… Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, cái sợ dường như thật vô ích, cái sợ trở thành một thứ ngăn trở con người tiến lên, thành công. Vậy mà trả lời phỏng vấn một tờ báo, khi được hỏi sợ điều gì, diễn viên Lương Mạnh Hải lại nói :"Tôi chỉ sợ luật pháp." "- Ngoan hiền thế kia sao phải sợ luật pháp?" "- Chính vì sợ luật pháp nên mới ngoan hiền." Phải chăng bên cạnh sự can đảm thì cái sợ ở một khía cạnh nào đó cũng thật cần thiết?

Sợ là cảm xúc lo lắng, bất an khi đối diện với một nỗi nguy hiểm hoặc một mối đe dọa nào đó có thể xảy đến với mình. Sợ là một biểu hiện tâm lý mà bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải trong cuộc sống, nó luôn hiện diện thật phong phú. Một đứa bé có thể sợ không có mẹ ở bên, một học sinh sợ bị điểm kém, một cô gái nhút nhát có thể sợ khi đối diện với đám đông, một người bán rong sợ trời mưa gánh hàng bị ế, một người sắp rời khỏi cuộc đời sợ cái chết,…. Theo các nhà tâm lý học thì sợ là một cảm xúc thuộc về bẩm sinh, bản năng của mỗi con người, nó là một điều rất đỗi bình thường.

Đa phần ta vẫn thường cho rằng sợ hãi là một cảm xúc không tốt, nó khiến con người trở nên nhụt chí, trở nên hèn nhát và cản trở thành công. Kinh Phật cũng đề cao cái "vô úy", "vô sở úy" (Tức là không sợ hãi) mà răn rằng: "Đừng nên để lòng vào chỗ sợ hãi lắm mới xa lìa trong trường chiêm bao tráo trác".

Nếu sợ thất bại mà không dám đối diện với khó khăn, không dám thử, không dám khám phá những cái mới, cái sợ đó sẽ khiến con người trở nên nhỏ bé và giới hạn khả năng của chính mình. Turgot nói: "Có những người vì sợ gãy chân mà không dám bước đi. Nhưng không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy?" Quả thực, với cuộc sống phong phú này thì một lần dám đối diện với thử thách, một lần dám "liều" thì con người sẽ khám phá và mở rộng hơn rất nhiều cuộc sống vốn ngắn ngủi, đó là khi thành công đến, là khi tìm thấy và khẳng định được chính mình.

Nếu sợ cường quyền mà khuất phục, cúi đầu để được sống, để đạt được mục đích đê hèn thì nỗi sợ hãi đó cũng thật đáng khinh. Sợ cấp trên nên nịnh nọt để được thăng tiến, để không bị trù dập, sợ mất cơ hội mà tranh giành, đấu đá dẫm đạp nên mọi giá trị. Những nỗi sợ đó khiến con người vốn nhỏ bé lại càng bị kéo xuống thấp hơn.

Nhưng không phải vì thế mà cứ sống một cách ngang tàng, không biết sợ bởi lẽ có những nỗi sợ lại rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu biết tiết chế nỗi sợ hãi và biết sợ hãi đúng lúc, đó có khi lại là một cách hay để sống tốt cuộc sống của mình.

Bởi lẽ đối diện với bất kỳ một vấn đề nào trong cuộc sống, cái sợ sẽ khiến con người trở nên cẩn trọng hơn. Cuộc sống luôn ẩn chứa những khó lường, những thay đổi mà con người không thể biết hết, sợ những hiểm nguy đó cũng giống như một người đi trong đêm sợ bóng tối vậy. Để từ nỗi sợ đó, ta sẽ tính toán cẩn thận và có những bước đi đúng đắn. Sợ thất bại, ta sẽ cẩn trọng để không phải mắc sai lầm, để đi đến thành công nhanh chóng hơn. Nếu không biết sợ, ai cũng có thể nhắm mắt làm liều, làm bừa thì hậu quả sẽ khôn cùng. Vụ sập cầu Cần Thơ năm 2008 chẳng phải cũng là biểu hiện của sự thiếu cẩn trọng mà căn nguyên của nó cũng chỉ vì không biết sợ hay sao?

Hơn nữa, đôi khi cái sợ lại là biểu hiện trái chiều của thái độ trân trọng với cuộc đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: "Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung." Một ví dụ giản dị nhất của nỗi sợ, đó là sợ cái chết. Sợ cái chết không chỉ là một nỗi sợ bản năng của con người mà với những người biết trân trọng cuộc sống, sợ cái chết vì còn nhiều điều chưa hoàn thành, vì còn nhiều dự định còn ấp ủ. Không yêu đời sao phải ngại chết, không trân trọng tình người sao phải sợ mất tình?

Ta vẫn thường nhìn nhận sự sợ hãi đồng nghĩa với hèn nhát, thiếu can đảm, từ đó mà xem nhẹ, coi khinh cái sợ. Nhưng đôi khi, có những nỗi sợ hãi lại tôn con người lên, khẳng định phẩm giá của con người, như nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm "Chữ người tử tù" của nhà văn Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao – một con người không biết sợ bất cứ thế lực nào nhưng lại có một nỗi sợ thật cao quý "sợ phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." Chính cái sợ đó đã tôn vinh Huấn Cao lên thêm một bậc của kẻ anh hùng.

Trở lại với cuộc đối thoại ngắn của diễn viên Lương Mạnh Hải để thấy được một trong những điều con người nên sợ hãi, đó là sợ pháp luật. Người ta thường nói, nếu không làm điều gian tà, độc ác, sao phải sợ sự trừng trị của pháp luật? Nhưng Lương Mạnh Hải lại cho rằng người thiện lương mới là người sợ pháp luật. Bởi lẽ cái sợ sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật với những kẻ gian tà thực chất chỉ là cái sợ bề ngoài, cái sợ thuộc về bản năng khi phải đón nhận một bản án không tốt dành cho mình. Còn cái sợ pháp luật của người lương thiện đó không chỉ là cái sợ để hướng con người biết giới hạn, biết hành xử đúng mực mà đó là cái sợ khi phải đối diện với tòa án lương tâm trong chính mỗi con người.

Xã hội sẽ ra sao nếu như ai ai cũng không biết sợ pháp luật? Đó là khi những quy tắc, chuẩn mực, giới hạn bị phá vỡ, khi mọi quyền của con người bị xâm phạm một cách ngang nhiên. Đó là khi ai cũng có thể lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để gây tội ác, như những dư chấn sau vụ án Lê Văn Luyện, đó là tội ác của Lê Anh Tuấn, không biết sợ pháp luật vì biết mình chưa đủ độ tuổi luật định để nhận bản án thích đáng của pháp luật đối với tội ác dã man của mình.

Bởi thế mà cái sợ không phải lúc nào cũng là vô ích, vô nghĩa. Sợ để biết sống đúng mực, sợ để biết trân trọng những gì đáng quý trong cuộc đời, sợ để biết cẩn trọng hơn. Đó là cái sợ nên có trong cuộc đời.

Cuối cùng, thực chất, sợ và không sợ cũng chỉ tồn tại trong cùng một mối quan hệ mà thôi, vì sợ cái này mà không sợ cái kia. Nó giống như sự can đảm của người lính, không sợ cái chết bởi sợ sống một cuộc sống còn tồi tệ hơn cái chết, đó là cuộc sống của một dân tộc đã chết. Nó cũng giống như nhà bác học Ga-li-lê không sợ giáo hội Thiên Chúa giáo thế kỉ XVIII vì sợ chân lý bị đánh cắp khi bảo vệ quan điểm Trái Đất quay quanh mặt trời của mình. Bởi vậy sợ và không sợ, cái nào nên, cái nào không nên thực chất không có ranh giới rõ rãng, ranh giới đó do chính mỗi người tự đặt ra khi đối diện với mọi vấn đề trong cuộc sống. Để làm sao, dù không sợ hay sợ thì ta vẫn luôn hành xử một cách đúng mực.

Còn tôi, tôi sợ một ngày tôi đánh mất chính mình…

  • Bùi Thị Kim Anh

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/99109/bai-van-la-ve-noi-so-cua-loai-nguoi.html

Thư viện sách nơi cửa Phật

Posted: 01 Dec 2012 02:04 PM PST

Trò chuyện với chúng tôi, sư thầy Thích Đàm Nam – người trụ trì chùa Sàng cho biết: "Ý tưởng thành lập thư viện này là của anh Trần Văn Thuấn và các bạn trong thôn Sàng. Nhận thấy việc các em nhỏ hiếu học luôn phải đi lên tận huyện để có thể mua hoặc đọc được những cuốn sách hay trong khi hoàn cảnh gia đình các em lại khó khăn nên các bạn trẻ đã nảy ra ý tưởng mở một thư viện nhỏ trong làng để phục vụ nhu cầu của các em học sinh và giữ gìn văn hóa đọc cho người dân địa phương…".

Thấy đây là một ý tưởng hay và thật sự có ý nghĩa, sư thầy Thích Đàm Nam đã đồng ý cho mượn 3 gian nhà nhỏ trong khuôn viên chùa Sàng để làm địa điểm mở một thư viện sách nhỏ. Và như thế là một thư viện nhỏ nơi làng quê nghèo đã được hình thành ngay trong đất Phật.


Sư thầy Thích Đàm Nam đang giới thiệu các đầu sách quý trong thư viện chùa Sàng.

Trò chuyện với chúng tôi, sư thầy tâm sự: "Ban đầu khi nhận được lời đề nghị của Thuấn với các bạn trẻ trong làng, thầy cũng cảm thấy rất băn khoăn vì không biết mở thư viện ra rồi có thu hút được các cháu nhỏ và mọi người đến đọc không, hay lại chỉ để như vậy cho đẹp thôi thì không hiệu quả. Nhưng thật sự chỉ sau một tháng mở cửa thì thư viện đã thu hút được khá nhiều người đến đọc, nhất là các em học sinh trong và ngoài làng…".

Lúc đầu số lượng  sách trong thư viện của chùa rất hạn chế, chỉ khoảng trên dưới 100 cuốn sách, chủ yếu là các cuốn do các bạn trẻ trong làng quyên góp và một số sách Phật học của nhà chùa đem ra phục vụ nhu cầu bạn đọc. Tuy nhiên đến nay, số lượng đầu sách đã tăng lên một cách đáng kể do được huy động từ nhiều nguồn khác nhau.

Sư thầy cho biết: "Đại đa số các đầu sách đều được Thuấn và các bạn đem từ Hà Nội về thông qua việc vận động người thân và kêu gọi qua Internet… Mặt khác, các cháu nhỏ trong làng sau một vài lần đến thư viện đọc sách đã lên lớp giới thiệu cho nhiều bạn trong làng, ngoài xã biết để đến chùa đọc sách. Đến nay, thư viện chùa Sàng đã có khoảng trên 2.000 đầu sách khác nhau về nhiều lĩnh vực, nguồn tri thức quý báu từ sách được đến gần với các em học sinh và người dân trong thôn hơn".


Thư viện có nhiều đầu sách khác nhau phục vụ các tầng lớp độc giả.

Được biết, sách trong thư viện hiện nay gồm 6 loại chính: Sách tham khảo từ cấp tiểu học đến cấp THPT; sách tham khảo đề thi tuyển sinh cao đẳng, đại học; sách nông nghiệp chăn nuôi, trồng trọt; sách y tế; truyện giải trí cho các em học sinh, đặc biệt là những bộ sách về kỹ năng sống. Ngoài ra, không thể thiếu các cuốn sách Phật học quý giá hướng con người ta đến lòng hướng thiện và sự thanh thản trong tâm hồn. Chính vì sự phong phú và đa dạng đó mà thư viện hiện thu hút rất nhiều người đến đọc và mượn sách. Có lúc cao điểm, thư viện đón tới hàng trăm lượt người mỗi ngày. Đây có thể xem là một điều rất đáng mừng cho việc giữ gìn và phát triển văn hóa đọc cho người dân địa phương. Tuy nhiên, khi chia sẻ với chúng tôi, sư thầy Thích Đàm Nam cũng mong muốn nhận được sự ủng hộ và quan tâm của tất cả mọi người cũng như chính quyền địa phương để thư viện được khang trang và sạch đẹp hơn nữa, góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc cho người dân trong thôn, ngoài xã.

Gia Đông

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thu-vien-sach-noi-cua-phat-669070.htm

Hội thảo khoa học “Học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

Posted: 01 Dec 2012 02:03 PM PST

(GDTĐ) – Ngày 01/12/2012, tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh do Đảng ủy Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đăng cai tổ chức, nhằm tiếp tục đẩy mạnh và đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các tổ chức Đảng, theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị.

Quang cảnh buổi hội thảo (tác giả: Nguyễn Sỹ Xuân)
Quang cảnh buổi hội thảo (tác giả: Nguyễn Sỹ Xuân)

Tham dự hội thảo có đại diện của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp TP.HCM, gần hai trăm đại biểu đại diện của cấp ủy Đảng, lãnh đạo các trường ĐH-CĐ-TCCN và các cán bộ, giảng viên đến từ các trường thuộc Đảng ủy Khối các trường TP.HCM.

Hội thảo đã tập hợp 53 bài báo cáo tham luận của hơn 20 trường thuộc Đảng ủy Khối. Tác giả các tham luận hội thảo tập trung nhiều thế hệ, nhiều thầy cô giáo với nhiều chuyên ngành giảng dạy và nghiên cứu khác nhau ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp với các loại hình đào tạo khác nhau. Các tham luận tập trung vào các chủ điểm: Học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, nhiều tham luận trình bày về những kết quả thực hiện cuộc vận động, nêu nhiều cảm nghĩ chân thành khác nhau về Chủ tịch Hồ Chí Minh của các cán bộ, giảng viên trẻ rất đáng trân trọng.

Tại hội thảo, nhiều báo cáo tham luận được tác giả trình bày được các đại biểu trao đổi và thảo luận sối nổi, như: Những bài học về đạo đức Hồ Chí Minh ở các mốc thời gian quan trọng của PGS.TS Bùi Khánh Thế; Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên của TS. Nguyễn Thị Kim Anh; Thực hành chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân chủ trong giáo dục của PGS.TS Võ Văn Lộc; Phong cách ngôn ngữ Hồ Chí Minh, nhìn từ góc độ ngôn ngữ học tri nhận của PGS.TS Trịnh Sâm;…

Hội thảo đã thu được kết quả mang ý nghĩa to lớn, tác dụng thiết thực trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của Đảng ta.

PV

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Hoi-thao-khoa-hoc-Hoc-tap-tu-tuong-tam-guong-dao-duc-phong-cach-Ho-Chi-Minh-1965306/

Săn học bổng: Tiếng Anh tốt quyết định 50% thành công

Posted: 01 Dec 2012 02:03 PM PST

Để săn được học bổng cũng như để học tập tốt ở nước ngoài, theo kinh nghiệm của tôi, các bạn cần có 3 yếu tố quan trọng.

Tạo sự nổi bật bằng hoạt động ngoại khóa

Bạn nào ngay từ nhỏ đã có mong muốn được học tập tại môi trường nước ngoài thì nên có một sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng từ sớm, nhất là về ngoại ngữ. Trong việc săn học bổng cũng như học tập sau này, nếu các bạn có nền móng tiếng Anh vững, chắc chắn sẽ tạo được một lợi thế lớn, quyết định hơn 50% sự thành công. Tuy nhiên, tiếng Anh cũng chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ để bạn có thể hoàn thành ước mơ du học bằng học bổng của mình.

 

Lời khuyên cho các bạn là ngoài ngoại ngữ ra thì thành tích học tập xuất sắc ở Việt Nam và sự tham gia nhiệt tình trong các hoạt động ngoại khóa cũng đóng một vai trò quan trọng và tạo sự nổi bật cho hồ sơ xin học bổng của bạn.

 

Các bạn trẻ ở Việt Nam có xu hướng tập trung rất nhiều vào việc học và thờ ơ với các hoạt động cộng đồng. Trong khi ở nước ngoài, các hoạt động ấy lại rất được nhà trường cũng như các công ty tuyển dụng đánh giá cao. Vì vậy, các bạn hãy cố gắng tích lũy cho mình bề dày kinh nghiệm các hoạt động cộng đồng. Các bạn có thể tham gia các hoạt động đoàn hội, văn nghệ, thể thao cũng như hoạt động từ thiện trong trường và ngoài xã hội.


Sinh viên Việt

Gửi nhiều hồ sơ

Ngoài các việc trên, các bạn có mong muốn tìm kiếm học bổng cần chịu khó tìm kiếm, cập nhật và theo dõi các thông tin về học bổng ở các trường trung học hoặc ĐH mình mong muốn. Các bạn có thể nắm bắt thông tin bằng cách tìm kiếm trên mạng, tham dự các buổi hội thảo du học, đọc các mục tin về du học và học bổng ở các báo và tạp chí cũng như hỏi han bạn bè và thầy cô. Công việc này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tập trung và tự giác.

Trong các nguồn thông tin trên thì internet là công cụ nhanh và cho các bạn sự chủ động nhất. Một số lượng lớn các thông tin du học và học bổng các bạn có thể tự tìm kiếm chỉ bằng một vài thao tác trên máy tính. Chẳng hạn, đối với một trường ĐH bạn đang muốn xin học bổng, chắc chắn ngôi trường đó sẽ có một trang web và ở đó thường có một chuyên mục về học bổng cùng với các thông tin hướng dẫn cụ thế cách thức đăng ký và nộp hồ sơ học bổng.

 

Kinh nghiệm nhỏ nữa là phải chuẩn bị hồ sơ của mình từ sớm và theo dõi hạn chót nhận hồ sơ của các trường. Ngoài ra, nếu không bị bó buộc vào một trường, các bạn nên gửi hồ sơ vào nhiều nơi để tăng cơ hội nhận học bổng của mình.

 

Cuối cùng, các bạn nào đang trong quá trình xin học bổng nên nhớ rằng nếu bạn nhận được học bổng thì đó chỉ là món quà khích lệ cho thành công đầu tiên, con đường học tập tại nước ngoài phía trước sẽ còn nhiều chông gai và cần nhiều nỗ lực cố gắng hơn nữa.

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/san-hoc-bong-tieng-anh-tot-quyet-dinh-50-thanh-cong-669074.htm

Cần sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn

Posted: 01 Dec 2012 02:03 PM PST

(GDTĐ) – Sáng 1-12, tại TP Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết đợt đánh giá của ADB về dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN giai đoạn 2012, đồng thời triển khai kế hoạch hoạt động của dự án năm 2013. Đến dự lễ tổng kết có đại diện lãnh đạo cục, vụ: GDCN, Cơ sở vật chất, Nhà giáo, đại diện ADB (Ngân hàng phát triển Á Châu) bà Eiko, cùng 17 trường, các Sở GD-ĐT nằm trong dự án.

Quang cảnh hội hội thảo
Quang cảnh hội hội nghị

Tiến độ năm 2012 chậm:

Dự án phát triển giáo viên THPT và TCCN (USPTDP) được Ngân hàng Phát triển Á Châu tài trợ nguồn vốn là 43,186 triệu USD (vốn vay ADB là 34 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 9,186 triệu USD) và chính thức khởi động vào đầu năm 2007 với 5 thành phần chính. Đó là nâng cao chất lượng đào tạo GV, mở rộng cơ hội cho đối tượng là người dân tộc thiểu số được đào tạo thành GV THPT và TCCN, tăng cường năng lực quản lý phát triển đội ngũ GV THPT, BT THPT và TCCN, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị dạy học cho các cơ sở đào tạo GV THPT và TCCN, cuối cùng là quản lý thực hiện dự án. Đây được xem là một dự án lớn của Bộ GD-ĐT và Ngân hàng Phát triển Á Châu với mong muốn củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, chất lượng giảng dạy của đội ngũ GV bậc THPT và TCCN.

Triển khai từ tháng 10-2007, đến nay có thể nói dự án đã đi vào những chặng đường cuối cùng (83% thời gian) với tỉ lệ giải ngân đạt 78%. Trong đó vốn ADB đạt 82%, vốn đối ứng đạt 62%. Tỉ lệ trao thầu toàn dự án đạt 82%. Trong đó vốn ADB đạt 87%, vốn đối ứng đạt 62%. Riêng hoạt động đào tạo và bối dưỡng CBQL, GV năm 2012 của dự án đạt con số 13.389 người, đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn (10 ngày) là 35.732 người.

Phát biểu, đánh giá một năm hoạt động của dự án PGS.TS Vũ Quốc Chung – trưởng ban điều hành dự án cho rằng dù năm 2012 có gặp nhiều khó khăn, tiến độ trao thầu và triển khai một vài gói dự án còn chậm tiến độ và phải chuyển qua năm 2013, nhưng nhìn chung công tác triển khai hoạt động là rất tốt. Dự án trong năm 2012 phù hợp với thiết kế dự án, chủ trương của Bộ và nhu cầu xã hội. Trong đó, các tác động tích cực, mang tính bền vững tới hệ thống giáo dục, công tác phát triển đội ngũ mà dự án mang lại là rất rõ nét khi các trường, các đơn vị đã áp dụng các Chuẩn giáo dục ( Chuẩn nghề nghiệp GV, Chuẩn giám đốc TT GDTX, Chuẩn hiệu trưởng phổ thông) vào đánh giá cán bộ. Điểm nhấn rõ nét nhất mà dự án này mang lại theo PGS.TS Vũ Thành Chung thì ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng giáo dục phổ thông thì công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực sử dụng và ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy đã thể hiện rõ sự tích cực trong việc hỗ trợ GV, CBQL về công tác giảng dạy và quản lý.

Đánh giá về công tác xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị mà các trường, đơn vị đang thực hiện và triển khai, dự án. Bà Eiko-chuyên gia cao cấp của ADB cho rằng các trường, cũng như Ban điều hành đề án cần phải cố gắng khắc phục những khó khăn để sớm kết thúc các gói thầu mà ADB đã phê duyệt. Việc thực hiện dự án cho thấy các hoạt động tài chính nhìn chung ổn định.

Tuy nhiên, chưa hiệu quả đối với năm 2012. Bởi theo thống kê, tổng kinh phí mà ADB phê duyệt năm 2012 là trên 6 triệu USD, trong khi đó các trường mới chỉ giải ngân theo kế hoạch được hơn 2,5 triệu USD (tức 39%). Bên cạnh đó, tổng giá trị hợp đồng trao thầu được ADB phê duyệt (hơn 6 triệu USD) cũng mới được thực hiện triển khai so với kế hoạch năm là 69% (hơn 4 triệu USD)…

Chính vì thế, bà Eiko đề nghị: Bên cạnh sự tiến bộ trong quản lý dự án vẫn còn một số yếu kém trong công tác lập kế hoạch và hoạt động đấu thầu. Vì thế, đoàn yêu cầu Ban điều hành dự án cần nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao năng lực thực hiện dự án, cũng như việc thông tin liên lạc giữa ADB và Ban điều hành để việc triển khai dự án được hiệu quả và đúng tiến độ hơn. Riêng về vấn đề bình đẳng giới và dân tộc thiểu số, bà Eiko cho biết dự án đặc biệt chú ý tới bình đẳng giới và nỗ lực hết sức để đảm bảo trên 50% SV nữ/GV được cấp học bổng. Trên 80% SV là người dân tộc thiểu số tại các trường được nhận học bổng. Đoàn đánh giá của ADB và Ban điều hành dự án cũng đã thống nhất sẽ tiếp tục chú trọng các ứng viên nữ là người dân tộc thiểu số /nữ giới khi cử đi tham gia các chương trình đào tạo ở nước ngoài.

Bà Eiko-thứ 2 từ phải sang đang thông báo công tác đánh gái của ADB về dự án năm 2012
Bà Eiko-thứ 2 từ phải sang đang thông báo công tác đánh gái của ADB về dự án năm 2012

Cần quan tâm và tháo gỡ:

Đó là tâm tư của các trường, Sở GD-ĐT đang tham gia dự án. Bởi trong thực tế có nhiều gói thầu được phê duyệt quá chậm khiến cho các đơn vị gặp khó trong quá trình thực hiện và giải ngân. Bàn về công tác đầu tư trang thiết bị, công tác phối kết hợp giữa các vụ, cục chức năng với Ban điều hành dự án, ông Nguyễn Khang, phó vụ trưởng vụ GDCN Bộ GD-ĐT cho rằng: ADB cần phải đẩy nhanh tốc độ phê duyệt và chuyển kinh phí cho Ban điều hành để giúp Ban điều hành có thể sớm phân phối về các trường, tránh tình trạng chậm chễ như năm 2012. Trong đó, sự phối hợp giữa 2 bên ADB và Ban điều hành dụ án cần chặt chẽ và gắn kết hơn.

Vụ GDCN cũng có khá nhiều đầu việc trong kế hoạch thực hiện năm 2013 (trong đó có rất nhiều đầu việc chuyển từ năm 2012 sang). Trong khi, vụ GDCN lại không thật sự kết nối được với ADB, Ban điều hành dự án. Do đó, tôi đề nghị trong kế hoạch thực hiện năm 2013, việc gì liên quan đến vụ GDCN các đồng chí cần có sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa.

Đặc biệt, việc xây dựng 20 giáo trình trong năm 2013 Ban điều hành nên yêu cầu đơn vị nào trúng thầu cần liên hệ với vụ GDCN để công tác phối hợp được thuận lợi và hiệu quả.-ông Khang nói.
Đại diện một trường ĐH tham gia dự án cũng chia sẻ: Trong thực tế các trường rất chủ động trong các kế hoạch. Nhưng có một số gói thầu được phê duyệt chậm, các thiết bị hỗ trợ công tác giảng dạy, đào tạo không đúng thiết kế, vướng mắc trong việc bàn giao thiết kế giữa nhà thầu và đơn vị thụ hưởng chậm trễ, sự thay đổi thời gian của một số hợp đồng…cũng dẫn đến việc chậm trễ. Do đó, theo ý kiến của các trường, nếu được Ban điều hành dự án cần giúp các trường tháo khó ở vấn đề này.

PGS.TS Vũ Quốc Chung-trưởng ban điều hành dự án báo cáo tại hội nghị
PGS.TS Vũ Quốc Chung-trưởng ban điều hành dự án báo cáo tại hội nghị

PGS.TS Vũ Quốc Chung- Trưởng ban điều hành dự án ghi nhận những vấn đề mà các trường, đơn vị thụ hưởng gặp phải trên. Ông  cho rằng: hầu hết các gói thầu về cơ sở vật chất có giá trị lớn xây dựng cho các trường đều thuận lợi và thành công, giá trị sử dụng bền vững, chỉ số ít các gói thầu nhỏ vướng mắc chủ yếu là về mặt thủ tục, Ban điều hành sẽ phối hợp để tháo khó cho các trường.

"Kế hoạch hoạt động của dự án phát triển GV THPT và TCCN năm 2013 sẽ có 89 đầu việc (Bộ GD đã phê duyệt). Trong đó, việc cố gắng giúp 4 trường gồm ĐH Quy Nhơn, ĐH An Giang, ĐH Ngoại Ngữ ĐHQG Hà Nội và ĐH Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn tất hồ sơ xây dựng cơ bản(vướng mắc nhỏ) sẽ được làm sớm để chốt lại dự án"-ông nói.

Theo kế hạch năm 2013, công tác xây dựng 6 trung tâm hội nghị tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho GV ( nơi GV có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm, tập huấn) tại 6 tỉnh thành Thái Nguyên, Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk, TP.HCM, Cần Thơ sẽ sớm tập chung triển khai…Vì vậy ông Chung mong muốn các trường, các Sở GD-ĐT quan tâm chỉ đạo để các hoạt động được thực hiện đúng cam kết, đúng tiến độ, không gây ảnh hưởng đến các hoạt động kiên quan khác của dự án.

Nói về vấn đề trên, bà Eiko đồng tình với quan điểm một số đơn vị, nhưng bà cũng cho rằng, chính sự làm việc thiếu gắn kết, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng hiệu quả giữa các ban, ngành cũng là yếu tố dẫn đến sự chậm trễ. Do đó bà mong muốn năm 2013 các đơn vị tham gia dự án cần có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn với Ban điều hành dự án.

Anh Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Can-su-phoi-hop-chat-che-va-hieu-qua-hon-1965308/

Comments