Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tạm dừng mở một số ngành đào tạo dư thừa "đầu ra"

Posted: 19 Dec 2012 04:09 AM PST

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết tại cuộc họp về công tác thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực và đào tạo theo nhu cầu xã hội diễn ra chiều 18/12 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.


Tạm dừng mở một số ngành đào tạo dư thừa đầu ra

Cho tới nay, các Bộ, ngành đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp hơn với ngành mình. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết Bộ sẽ có khuyến cáo về những ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu lớn. Đồng thời, từ năm 2013, sẽ tạm dừng mở các ngành đào tạo đang thừa "đầu ra" như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép mở các trường đại học đào tạo các ngành này.

Theo kế hoạch trong năm 2013, để đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao 1.400 chỉ tiêu cho một số cơ  sở giáo dục để đào tạo cán bộ nguồn cho cán bộ tỉnh/thành phố của khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Trên cơ sở kết quả triển khai năm 2012, Bộ sẽ sơ kết đánh giá việc thực hiện tại các khuc vực này để rút kinh nghiệm và triển khai cho các năm tiếp theo.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, qua rà soát nhu cầu nhân lực cả nước, Bộ đã xác định được trong giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cần phải bổ sung khoảng 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề; giai đoạn 2016-2020 bổ sung khoảng 2,18 triệu lao động.

Bộ sẽ ban hành khung trình độ đào tạo nghề quốc gia nhằm cải thiện chất lượng và và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề; đảm bảo việc so sánh và công nhận quốc tế về văn bằng, chứng chỉ nghề, công nhận kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế.

Thảo luận về  các giải pháp để công tác quy hoạch nhân lực  được vận hành có hiệu quả vào năm 2013, các Bộ ngành đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thành lập các hội đồng phát triển nhân lực có sự tham gia của các sở ngành, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trên địa bàn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ  Lao động, Thương binh và Xã hội lập kế hoạch kiểm tra một số địa phương, Bộ ngành và một số tập đoàn kinh tế lớn về công tác thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực, đào tạo theo nhu cầu xã hội để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo.

Cùng với đó, tổ chức hội nghị bàn về công tác thông tin thị trường lao động, dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo để có sự phân công phối hợp hiệu quả của một số trung tâm dự báo thuộc các bộ ngành có liên quan và chỉ đạo thu thập, xử lý thông tin từ trung ương đến địa phương và ngay trong một ngành kinh tế…

Sớm xây dựng khung trình độ đào tạo quốc gia

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá các Bộ, ngành, địa phương đã cơ bản phê duyệt được quy hoạch nhân lực. Phó Thủ tướng đề nghị trước ngày 25/12/2012, Bộ Tài chính hoàn thành hướng dẫn về cơ chế tài chính làm cơ sở để các bộ ngành triển khai việc quy hoạch nhân lực.

Các Bộ, ngành nên thành lập Vụ chuyên ngành để phát triển quy hoạch nhân lực và phát triển khoa học công nghệ. Phó Thủ tướng lưu ý, phải hiểu cơ quan chuyên lo nhân lực cho các Bộ là cơ quan phát triển nhân lực cho ngành đó trên cả nước. Các Bộ, ngành cần tính toán để có đủ khả năng để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Trong năm 2013, từng Bộ, ngành cần tổ chức hội nghị chuyên đề để thảo luận về công tác quy hoạch và phát triển nhân lực, nhân lực trình độ cao để cụ thể hóa nhiệm vụ mà mỗi Bộ, ngành đã phê duyệt.

Các Bộ chủ quản quản lý các trường đào tạo cần có kế  hoạch triển khai đánh giá về chất lượng đào tạo. Đồng thời trong quý 1/2013, các Bộ cần phải khẩn trương phê duỵệt quy hoạch nhân lực các trường đào tạo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, xây dựng đề án xây dựng khung trình độ quốc gia, trình Thủ tướng ban hành trong quý 3/2012.

Tháng 6/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo trình đề án giải quyết việc làm cho sinh viên đã tốt nghiệp đại học chưa có  việc làm. Đồng thời, đề xuất cơ chế để các trường chủ động tuyển sinh phù hợp.

Đối với học sinh được đào tạo ở nước ngoài, Bộ Giáo dục và Đào tạo lập website giúp các sinh viên tốt nghiệp đại học, thạc sỹ tham gia đăng ký thông tin tìm việc làm trong nước để các cơ quan đơn vị doanh nghiệp lựa chọn.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm sơ kết việc thực hiện thí điểm  đào tạo nhân lực cho khu kinh tế Vũng Áng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo chung về tình hình triển khai về đào tạo nhân lực năm 2012 và kế hoạch năm 2013 để có báo cáo cụ thể với Chính phủ trong tháng 1/2013.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tam-dung-mo-mot-so-nganh-dao-tao-du-thua-dau-ra-675567.htm

Cách chức trưởng phòng giáo dục nếu để dạy thêm tràn lan

Posted: 19 Dec 2012 04:08 AM PST

Cách chức trưởng phòng giáo dục nếu để dạy thêm tràn lan

TT – Ngày 18-12, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có thông báo chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm và nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn.

UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu sở GD-ĐT, UBND các thành phố không cấp phép dạy thêm học thêm, không tổ chức dạy thêm, dạy phụ đạo chương trình, kiến thức phổ thông ở mọi cấp học, bậc học (trừ học sinh lớp 12). Chấm dứt tình trạng dạy thêm cho trẻ trước khi vào lớp 1 từ năm 2013.

Theo thông báo này, UBND tỉnh Quảng Ninh quy trách nhiệm cụ thể đối với lãnh đạo UBND và phòng GD-ĐT ở một số thành phố. Theo đó, chủ tịch UBND TP Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả và một số địa phương khác phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh; miễn nhiệm trưởng phòng GD-ĐT và hiệu trưởng các trường THPT nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan không đúng quy định.

THÂN HOÀNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/525641/Cach-chuc truong-phong-giao-duc-neu-de-day-them-tran-lan.html

TS Nguyễn Tùng Lâm nêu sáng kiến chống tham nhũng trong giáo dục

Posted: 19 Dec 2012 04:08 AM PST

Xã hội hóa tạo nên tham nhũng trong giáo dục

Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý giáo dục khẳng định, xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng đắn, đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó chủ yếu là công tác dạy nghề. Với hình thức xã hội hoá, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đã phát triển nhanh, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của xã hội.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội: Xã hội hóa cũng tạo nên tham nhũng trong giáo dục. Bởi mục tiêu của xã hội hóa là nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ, vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Thế nhưng, quá trình huy động sự đóng góp tiền của nhân dân trong thời kỳ kinh tế thị trường đã dẫn đến nhiều hệ lụy, đó là "tham nhũng trong giáo dục".


TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục HN (Ảnh: Internet)

Những tiêu cực ngày càng trở nên phổ biến, gần như người dân nào có con đi học nhất là ở thành phố đều phải "tiếp tay" cho tiêu cực. Tổng số tiền của mọi người để đóng góp là rất lớn nhưng mỗi người lại không phải là nhiều nên không thể "hình sự" hóa vấn đề. Khi mà giáo dục Việt Nam còn ẩn chứa nhiều bất cập chưa giải quyết được thì người dân có con đi học tất yếu phải đóng góp. Sự mất cân đối giữa cung và cầu dẫn đến tham nhũng tiêu cực trong giáo dục.

Những tiêu cực có nhiều lý do như: dạy thêm, học thêm, tuyển sinh và đào tạo, chuyển trường chuyển lớp, xuất bản sách giáo khoa…

Bàn sâu hơn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Những văn bản pháp lý của Nhà nước trang bị cho ngành giáo dục để chống tham nhũng, tiêu cực là chưa có hiệu quả.

Bởi văn bản pháp lý trong giáo dục để chống tiêu cực hiện nay chỉ có: Nghị định ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan số 71/1998 NĐ-CP; Bộ GDĐT đã cụ thể hóa nghị định trên của Chính phủ bằng quyết định về việc ban hành "Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động nhà trường".

 

Trong các văn bản này mới chỉ quy định trách nhiệm của Nhà trường, những việc mà nhà trường phải công khai; trách nhiệm Hiệu trưởng và những việc mà Hiệu trưởng phải lấy ý kiến tham gia đóng vai trò xây dựng của các cá nhân hoặc tổ chức, đoàn thể trong trường; trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ, công chức và những việc họ được biết, tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra; những việc mà người học được biết và tham gia ý kiến; trách nhiệm của các đơn vị, đoàn thể, nhà trường, phụ huynh..

Thế nhưng trong văn bản này chưa có quy định rõ nội dung, hình thức mà nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường, người học, phụ huynh và người dân được bàn và quyết định trực tiếp; biểu quyết để cấp trên quyết định hay được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có quyết định.

Do đó, khi có xung đột quyền lợi thì trong mọi trường hợp nhà giáo, cán bộ, công chức trong nhà trường, người học, cha mẹ học sinh và người dân chỉ được quyền kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền.

Đây là lý do cơ bản giải thích tại sao các văn bản pháp lý của Nhà nước trang bị cho ngành giáo dục để chống tham nhũng, tiêu cực chưa có hiệu quả.

Mô hình “giám sát cộng đồng”

Đây là giải pháp để người dân được làm chủ trong quá trình xã hội hóa giáo dục, phòng chống tham nhũng trong giáo dục hiệu quả.

TS Tùng Lâm cho biết: Nhà nước không đủ kinh phí nên phải tiến hành xã hội hóa công tác giáo dục. Tuy vậy, người dân chỉ biết đóng góp, chưa có quyền quyết định trực tiếp về các khoản cần đóng góp, mức đóng góp của từng khoản và giám sát việc chi tiêu số tiền mình đóng góp cho nhà trường.

Như vậy, vấn đề chống tiêu cực chống tham nhũng trong giáo dục nếu chỉ có các biện pháp tuyên truyền giác ngộ cho người dân, cho cán bộ ngành giáo dục chỉ trông chờ vào sự thanh tra trừng phat của nhà nước như hiện nay chúng ta đang làm là không đủ. Điều chủ yếu là tất cả các lực lượng làm nên chất lượng giáo dục hôm nay phải có đủ cơ chế và thể chế cho cộng đồng xã hội ở mỗi địa phương được quyền giám sát, làm theo cách làm riêng sao cho phù hợp với luật pháp, chất lượng giáo dục mỗi cộng đồng được đảm bảo phù hợp với mức độ kinh phí mà họ đã đóng góp thêm.


Hội thảo "Xã hội hóa giáo dục- thực trạng và giải pháp" (Ảnh: Đỗ Quyên)

TS Nguyễn Tùng Lâm có sáng kiến: Chúng ta có thể thiết kế nên một bản quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng giám sát của cộng đồng các trường học trong đó có vai trò của cha mẹ học sinh, của giáo viên và các tổ chức đoàn thể xã hội ở địa phương như Hội Khuyến học, Hội Cựu Giáo chức, Hội Cựu chiến binh…

Ở Tiểu học cha mẹ học sinh nào không muốn con phải học thêm các bộ môn văn hóa (trừ học sinh cá biệt, yếu kém) nhưng không dạy thêm thì thầy cô giáo không đủ lương sống. Hội đồng giám sát này có thể thống nhất cha mẹ học sinh đóng một khoản tiền để con em họ học những môn năng khiếu, những hoạt động giáo dục ngoài giờ như giá trị sống, kỹ năng sống, học ngoại ngữ, âm nhạc, hội họa…

Như vậy, tất cả những giáo viên có đủ chuyên môn, năng lực dạy thêm, nếu không quản lý học sinh…tất cả đều có thể điều hòa các mối lợi ích và Hội đồng giám sát có quyền quyết định chi trả theo nghị quyết của hội đồng, chứ không phải quyền của hiệu trưởng.

Hiệu trưởng tham gia để cho các hoạt động giáo dục của nhà trường có chất lượng chứ không trực tiếp chi các khoản của dân đóng góp như vậy chắc chắn không thể có "tham nhũng trong giáo dục".

TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: "Từ lý thuyết đến thực tiễn cũng là một khoảng cách không nhỏ nhưng nếu quyết tâm giải quyết vấn đề chắc chắn chúng ta sẽ tháo gỡ được những điều khó khăn, khoa học quản lý giáo dục có thêm một nội dung mới để nghiên cứu và đưa mô hình giám sát của cộng đồng để giải bài toán quản lý giáo dục sao cho đạt được sự đồng thuận, dân chủ của các lực lượng tham gia làm nên chất lượng của giáo dục hiện nay trong quá trình xã hội hóa".

 

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/TS-Nguyen-Tung-Lam-neu-sang-kien-chong-tham-nhung-trong-giao-duc/260919.gd

Những phụ huynh ‘hủy hoại’ danh dự nhà giáo

Posted: 19 Dec 2012 04:07 AM PST

- Chỉ vì vết xây xước trên người trẻ, cả nhà đến gặp "đòi xử" giáo viên mầm non. Khi trao đổi còn đang diễn ra phụ huynh mang bức xúc tung lên facebook với lời lẽ thậm tệ hoặc dọa sẽ đăng báo…

Tiền thay lời muốn nói?
Từng là giảng viên, chuyên gia và nhà tuyển dụng giáo viên mầm non TS Hồ Lam Hồng, nguyên phó Viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) không khỏi xót xa trước cách hành xử kiểu khinh miệt giáo viên của phụ huynh: "Nhất là ở trường tư. Họ cậy nhờ có chút tiền gửi con nên giáo viên bị coi thường".

Nói như một giáo viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM: "Bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ là nghề vất vả và cả nguy hiểm. Giờ trả trẻ, phụ huynh thất một vết trầy xước trên người con dù chưa biết đúng sai nhưng nếu giáo viên không nhận họ sẵn sàng nổi xung lên".

Bản thân giáo viên từng chứng kiến đồng nghiệp bị cả gia đình kéo đến trường với thái độ hung hăng "đòi xử theo luật rừng" nếu cô không nhận mình sai.

Phụ huynh nên thường xuyên trao đổi với giáo viên về tình hình trên lớp của con
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet)

Nói như GS.TS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện nghiên cứu sư phạm: "Giáo viên mầm non luôn rình rập những tai nạn mà chủ yếu từ nguyên nhân khách quan do trẻ nô đùa. Đã phải hi sinh hạnh phúc vì cả ngày quần quật trên lớp với trẻ, họ luôn đối mặt với sức ép từ không chỉ người cha, người mẹ mà là cả gia đình của bé".

Một giáo viên dạy trẻ tự kỉ ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện của chính mình: "Thường những gia đình có con như vậy họ rất cảm thông cho giáo viên. Trẻ dạy cả năm mà nói được một câu đã mừng rớt nước mắt. Nhưng có lần vì quá nôn nóng, mong con tiến bộ một gia đình vợ chồng đều làm công chức mắng mình vì "cô chẳng làm gì nên hồn".

Có bé bị tăng động nghịch quá, lúc cô vừa quay đi cháu vấp ngã chảy máu. Đúng khi bố mẹ cháu về, chị vợ vào xuýt xoa con vừa tức giận mắng mình. Anh chồng chắc vì xót con chạy tới tát mình một cái. Rồi sau vợ chồng lại quay ra xin lỗi, thiết tha ở lại giúp con họ".

Ở khía cạnh, một giáo viên mầm non dạy giỏi ở Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Lớp tôi dạy, một cháu phụ huynh là người nổi tiếng. Nhưng họ ngại gặp giáo viên. Đầu năm họ nhờ con mang "quà" tặng (là tiền) cô. Tôi ân cần: "Con mang về nói với bố mẹ tình cảm bố mẹ dành cho cô cô đã nhận và cảm ơn con nhé".

Hiệu trưởng Trường THPT DL Nguyễn Tùng Lâm tâm sự: "Phụ huynh gửi con vào trường không ít người có tiền rồi phó mặc trách nhiệm cho giáo viên. Khi trường thông báo tình hình các cháu hay phải kỉ luật cháu nào có phụ huynh chưa biết đúng sai sẵn sàng chửi bới hoặc cư xử thiếu văn hóa với giáo viên".

Sai sót là…lên báo

Trả lời báo chí sau sự việc giáo viên dạy Văn một trường THCS tại Hà Nội sai sót dạy trẻ "canh gà Thọ Xương" là một món ăn sau đó được phụ huynh gửi thắc mắc lên cơ quan báo chí, GS Nguyễn Minh Thuyết bức xúc: "Một số thầy cô giáo có sai sót về chuyên môn, xã hội cũng nên có cái nhìn đúng mực. Đặc biệt là cơ quan truyền thông, cần có sự định hướng dư luận nhìn nhận vấn đề đúng đắn.

(…) Tôi cho rằng chuyện sai thời nào cũng có, ai cũng có. Nhất là chuyên môn, chữ nghĩa. Những trường hợp như vậy, chỉ nên góp ý với giáo viên, nhà trường một cách nhẹ nhàng, tế nhị. Không nên tung lên mạng, lên báo để chứng minh rằng giáo dục thời nay kém quá".

Đối với một GS, lãnh đạo một trường sư phạm đã nghỉ hưu câu chuyện trên như một bức tranh buồn mà mỗi lần nhìn vào đó ông lại xót xa cho nghiệp trồng người ở VN hiện nay.

"Buồn nhất là cách cư xử của phụ huynh, một người có tri thức. Tôi hiểu chị bức xúc nhưng lên facebook bày tỏ bức xúc hay gửi lên báo chí (rồi báo đăng), phụ huynh vô tình đã hủy hoại danh dự cả một con người. Khổ đau hơn ở đây lại là giáo viên. Thử hỏi chị ấy sẽ tủi hổ như thế nào mỗi lần đứng trước trò hay bị ai đó nhắc về lỗi lầm trên" – Vị GS tâm sự.

Hiệu trưởng một trường mầm non ở Hà Nội không khỏi bất ngờ khi sự việc một bé không hiểu do nghịch với bạn hay bị cô đánh được gia đình phụ huynh đưa lên mặt báo. Phụ huynh theo lời của giáo viên đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện chửi bới và đau khổ nhất là đem sự việc kể với bất kỳ phụ huynh nào họ gặp.

"Chưa bàn tới đúng sai ra sao nhưng giáo viên chúng tôi thực rất đau lòng bởi phụ huynh đều là trí thức, có học vấn cao song hành xử lại thiếu văn hóa" – giáo viên này rơm rớm nước mắt chia sẻ.

Thay đổi như thế nào?

Đồng cảm trước những bức xúc của phụ huynh nhưng hiệu phó Trường THPT Trần Phú-Hoàn Kiếm (Hà Nội) Trần Thị Hoa Lư cho rằng: "Người giáo viên cần được rèn luyện và cần có bản lĩnh để đứng vững trước sức ép của phụ huynh. Chỉ cần bình tĩnh lý giải cho phụ huynh thấy mục đích thực sự của việc giáo viên làm là gì, tôi tin họ sẽ có cái nhìn chia sẻ".

Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Lê Kim Long chỉ ra thực tế: "Thời xưa một giáo viên khi ra trường được những người đi trước dìu dắt từng bước rất chi tiết. Áp lực cần phải thuần thục nghề nghiệp không mạnh như bây giờ. Vì thế giáo sinh cứ “thong thả” mà rèn luyện.

Nếu có sức ép thì mọi người cũng dễ thông cảm, chỉ bảo cho nhau tận tình hơn như bây giờ… Hiện nay tôi cảm nhận thấy các nhà quản lí thả cho các em tự bơi mà lại đòi bơi nhanh và bơi giỏi thì khó lắm".

TS Hồ Lam Hồng cũng thừa nhận bất cập trong việc đào tạo giáo viên bậc mầm non hiện nay không chỉ về giáo trình thiếu thực tế mà theo bà phải nâng thời gian đào tạo với sinh viên từ 4 lên thành 5 năm. "Phải làm sao để giáo viên sống được với nghề, yêu nghề thì xã hội mới có những mầm non tốt" – bà đúc kết.

Trong khi chờ thay đổi lớn từ chính sách, ý thức xã hội,…hiệu trưởng Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ: "Giáo viên chúng tôi phải cất công gõ cửa từng nhà, thuyết phục phụ huynh theo kiểu "mưa dầm thấm lâu" với hi vọng họ chung tay với nhà trường giáo dục con cái".

  • Phong Đăng

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/101403/nhung-phu-huynh--huy-hoai--danh-du-nha-giao.html

“Nhanh chân” học sau đại học

Posted: 19 Dec 2012 04:07 AM PST


Ngày càng nhiều cử nhân muốn học cao học (Ảnh minh họa)

Tranh thủ lúc "nhá nhem"

Lý do đi học cao học của M.N.Tuyết là để được cộng điểm thi công chức. Tuyết chọn một trường có mối quen biết cũ để vượt qua kỳ thi đầu vào với trình độ tiếng Anh chưa đủ để nói được một câu vì ra trường đã 10 năm nay. Trong khi đó, điều kiện đầu vào thạc sỹ hiện nay là trình độ A2 theo khung chuẩn châu Âu và tiến tới B1 trong thời gian tới. Theo lời khuyên của các bạn đã hoàn thành luận văn thạc sỹ thì Tuyết vẫn còn cơ hội hoàn thành "bổ túc" cao học trong 2 năm tới nếu không có gì thay đổi về quy chế hay bị thanh tra rà soát.

Để đáp ứng nhu cầu của người học, các trường liên tiếp xin chỉ tiêu đào tạo sau ĐH. Quy mô đào tạo sau ĐH của các trường ĐH trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Chỉ riêng đợt 1 tuyển sinh đào tạo thạc sĩ năm 2012, trường ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội đưa ra chỉ tiêu tới 1.000 học viên. ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thông báo tuyển 700 chỉ tiêu thạc sỹ trong đợt 1 năm 2012. Còn ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển đến 4.000 thạc sĩ, 376 chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ năm 2011 trong khi chỉ tiêu đào tạo ĐH chính quy của trường được định hướng giữ nguyên quy mô với mức khoảng 5.500 sinh viên. Con số thống kê cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 20.000-25.000 thạc sỹ được đào tạo.

Số lượng đào tạo ngày càng lớn thì chất lượng khó có thể đòi hỏi cao. Điều này đã được chính các chuyên gia về đào tạo sau đại học nhìn nhận. PGS.TS Ngô Kim Thanh, Khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định tình trạng đổ xô đi học thạc sĩ đang trở thành trào lưu trong xã hội. Một giảng viên có học vị tiến sĩ trong vòng một năm có thể hướng dẫn khoảng 10 đề tài thạc sĩ, chưa kể các luận văn đại học, thì không thể có chất lượng cho các đề tài luận văn thạc sĩ, nhiều luận văn được sao chép gần như hoàn toàn mà không hề bị các thầy phát hiện.

Rục rịch rà soát chất lượng

Không chỉ lo ngại về chất lượng luận văn thạc sỹ mà ngay cả luận án tiến sĩ cũng đang là đối tượng phải rà soát. Mới đây ĐH Bách khoa Hà Nội đã rà soát toàn bộ các bộ môn có nghiên cứu sinh trong trường. GS Nguyễn Trọng Giảng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, Hội đồng kỷ luật đã quyết định đình chỉ 2 nghiên cứu sinh đang làm luận án tiến sĩ. Nguyên do là những nghiên cứu sinh này cũng như thầy hướng dẫn hoàn toàn không có mặt ở khoa, không thực hiện quy chế làm việc ở trường. "Thậm chí cả năm trời không thấy đến trường, các thầy bộ môn không ai biết nghiên cứu sinh này vì họ không tham gia sinh hoạt chuyên môn, một trong những yêu cầu bắt buộc với nghiên cứu sinh" – GS Nguyễn Trọng Giảng cho biết. Hiện trường này đã ra một loạt quy định để đưa việc đào tạo thạc sỹ  cũng như hướng dẫn nghiên cứu sinh vào nề nếp.

Đánh giá thực trạng các luận án tiến sĩ kinh tế ở các trường ĐH khối kinh tế, PGS.TS Nguyễn Ngọc Quang, Viện Kế toán – Kiểm toán, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhiều nghiên cứu sinh chưa thực sự dành tâm huyết cho quá trình học tập, nghiên cứu viết luận án. Có người đang trong thời gian viết luận án tiến sĩ nhưng một năm vẫn giảng 1.000 tiết ở một trường ĐH, hoặc tham gia kinh doanh công ty riêng.

Nhằm kiểm soát chất lượng đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, vừa qua ĐH Bách khoa Hà Nội đã có một số quy định mới, thậm chí gây phản ứng khá mạnh về quy định độ tuổi và giới hạn một trong 2 người hướng dẫn nghiên cứu sinh phải là cán bộ của trường. Giải thích về việc này GS Nguyễn Trọng Giảng cho biết, trường có quyền đưa ra các quy chế chặt hơn của Bộ GD-ĐT, vì vậy các quy định mới nhằm đưa đào tạo thạc sỹ và hướng dẫn nghiên cứu sinh vào nền nếp.

Còn tại ĐH Kinh tế Quốc dân, việc đặt ra chuẩn đánh giá luận văn, luận án cũng đang được bàn tới để khắc phục chất lượng sản phẩm khoa học thấp do trình độ và ý thức trách nhiệm của nhiều cán bộ hướng dẫn cùng tâm lý dễ dãi với người học. Trong các hội đồng chấm, nhiều giám khảo nhận xét rất nghiêm khắc nhưng cuối cùng vẫn cho điểm cao. Điều này cho thấy cần xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá luận văn, luận án.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhanh-chan-hoc-sau-dai-hoc-675579.htm

Comments