Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Mục sở thị nơi đào tạo công dân toàn cầu ở Việt Nam

Posted: 16 Dec 2012 10:39 PM PST

Tại ISHCMS AA, lần đầu tiên, ngoài nước Mỹ có chương trình giảng dạy các môn đại
cương cho học sinh cấp THPT. Điều này mang đến nền tảng cơ bản, cho các em học
sinh tự tin bước vào những trường đại học hàng đầu ở Mỹ

Trò chuyện với ông Jeffrey L. Wornstaff, Hiệu trưởng International School Ho Chi
Minh City American Academy (ISHCMC-AA).

Mang chương trình đại học vào cấp phổ thông

- Gây dựng uy tín từ năm 1993 và ngày càng được phụ huynh cũng như học sinh
tin tưởng, vậy lý do nào mà ISHCMC mở thêm ISHCMC-AA?






Sự thật là chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển ISHCMC và đồng thời xây dựng ISHCMS
AA cùng lúc.

Sau nhiều khảo sát với học sinh và các bậc phụ huynh chúng tôi nhận ra nhu cầu
rất lớn trong việc tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông Hoa Kỳ (AA -
American Academy). Chương trình này rất thú vị, chuyên sâu và hàn lâm được xây
dựng theo nguyên tắc và quy chuẩn của Mỹ. Không chỉ cha mẹ và học sinh Việt Nam
mà cả các cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam cũng quan tâm.

Ngoài ra, 95% học sinh của trường sau khi tốt nghiệp đã quyết định theo học tại
Bắc Mỹ (Mỹ và Canada). Đó là lý do ISHCMC-AA ra đời nhằm mang đến nền tảng cơ
bản, cho các em học sinh tự tin bước vào những trường đại học hàng đầu ở Mỹ.

- Ông có thể cho biết chi tiết hơn về ưu điểm của chương trình AA?

Có đến 550 học sinh đã theo học chương trình AA trong vòng 2-3 năm qua. Chúng
tôi kết hợp với Đại học Syracuse ở New York (một trong những đại học hàng đầu
nước Mỹ) để lần đầu tiên trong lịch sử, một trường phổ thông ngoài nước Mỹ có
chương trình giảng dạy các môn đại cương cho học sinh cấp trung học phổ thông.

Đã có những học sinh tại ISHCMC-AA theo học các môn nâng cao vào đại học như
toán, kinh tế, vật lý và Anh ngữ với bốn giáo viên từ Syracuse. Ý tưởng mang
chương trình đại học vào ISHCMC bắt nguồn từ việc tôi đã từng là tư vấn đặc biệt
của Syracuse. Vừa qua tôi đã có cuộc trao đổi với ông Ân Lê – Tổng Lãnh sự quán
Hoa Kỳ tại TP.HCM và ông đánh giá rất cao mối quan hệ giữa một trường quốc tế ở
Việt Nam và Đại học Syracuse ở Mỹ.

- Các gia đình và bản thân học sinh có thể tiết kiệm tiền, thời gian ít nhất
là một năm ở nước ngoài, nhưng còn về môi trường học tập cọ xát thì sao, thưa
ông?

Chắc chắn là các học sinh vẫn nhận được những gì tốt nhất tại ISHCMC. Khi kết
hợp với Syracuse chúng tôi còn có chương trình Tú tài Quốc tế nâng cao (AP) phát
triển mạnh mẽ hơn năng khiếu của từng em.

Bên cạnh đó, chúng tôi liên kết cùng Trung tâm Tài năng trẻ – CTY (Center Talent
Youth) của Đại học Johns Hopkins (đại học hàng đầu ở Mỹ có từ năm 1876) nhằm tìm
kiếm phát hiện và bồi dưỡng cho các em học sinh xuất sắc. Tại ISHCMC hiện có 22
em đang theo học thêm các chương trình của CTY.

Lắng nghe để tư vấn chính xác nhất

- Theo ông, điều gì đã tạo nên những nền tảng chắc chắn cho ISHCMC?

Cognita là tập đoàn giáo dục quốc tế cung cấp dịch vụ giáo dục cho hơn 20.000
học sinh với hơn 3.500 giáo viên, nhân viên ở hơn 60 trường tại năm quốc gia.
Trong vòng chín năm qua, chúng tôi đã phát triển nhanh chóng và trở thành tập
đoàn sở hữu các trường tư nhân hàng đầu thế giới. Năm năm trở lại đây, có đến
70-80% sự mở rộng là ở châu Á nơi Cognita muốn tập trung đầu tư, mạnh mẽ nhất là
ở Trung Quốc, Việt Nam rồi đến Thái Lan, Singapore…

 

Khi đến Việt Nam, chúng tôi nhìn vào bức tranh kinh tế đang đi lên của các bạn,
dù vài năm gần đây tình hình khá khó khăn nhưng tăng trưởng đường dài, theo tôi
không hề bị ảnh hưởng. Người Việt Nam đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang tăng
dần về số lượng và tôi biết các bạn rất quan tâm đến giáo dục. Do đó khi có cơ
hội, chúng tôi đã quyết định đầu tư mạnh mẽ vào ISHCMC với mục tiêu mang đến
chất lượng giáo dục hàng đầu cho các em học sinh.

- Xin ông cho biết cách mà ISHCMC thuyết phục các bậc cha mẹ tin tưởng giao
phó con cái mình?

Ở khía cạnh cha mẹ, chúng tôi có những buổi tiếp chuyện với họ. Đối với phụ
huynh tiềm năng, chúng tôi gặp gỡ chia sẻ thông tin, đưa họ thăm quan trường,
gặp hiệu trưởng và các nhân viên của bộ phận quan hệ. Chỉ vài ngày trước, tôi đã
nói chuyện với 52 bà mẹ trong vòng 1g30 phút về con cái họ, về chương trình, về
những gì họ quan tâm nhất… Tôi cũng gặp từng cá nhân lắng nghe nguyện vọng và
quan điểm từ họ.

Đặc biệt với các bạn chuẩn bị tốt nghiệp, chúng tôi có đội ngũ các tư vấn viên
chuyên trách sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng, lý tưởng, khát khao của không chỉ
bản thân học sinh mà còn bố mẹ họ. Từ đó chúng tôi phân tích, đánh giá và đưa ra
những lời khuyên xác đáng nhất trong việc định hướng tương lai.

- Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Anh Vũ (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/101334/muc-so-thi-noi-dao-tao-cong-dan-toan-cau-o-viet-nam.html

Doanh nghiệp “nản” với kỹ năng của SV tốt nghiệp

Posted: 16 Dec 2012 10:39 PM PST

Bức xúc vì kỹ năng của sinh viên 

Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, đối với sinh viên (SV) vừa ra trường họ đòi hỏi không cao về kinh nghiệm làm việc. Yêu cầu lớn nhất là ứng viên phải có các kỹ năng cơ bản để vào làm việc và hòa nhập với văn hóa ở doanh nghiệp thì SV lại rất yếu.

 

Qua hàng ngàn nhân viên kỹ thuật làm việc tại công ty, ông Trần Thanh Liên – Tổng công ty Điện lực TPHCM đánh giá đối với SV kỹ thuật khi ra trường tay nghề rất ổn, kiến thức nền vững và không khó để làm quen với công việc.

 

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về kỹ năng và thái độ làm việc của SV tốt nghiệp.

Thế nhưng, lợi thế này lại bị cản trở bởi điểm yếu của là SV tốt nghiệp yếu nhiều kỹ năng cơ bản, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ và làm việc nhóm.

 

"Trình độ ngoại ngữ chung hiện nay là các bạn có thể đọc, viết nhưng không nói và đổi trao đổi được. Công ty có nhiều chương trình, hội thảo ở nước ngoài nhưng rất khó trong việc tìm người đi tham dự vì yếu kém ngoại ngữ.

 

Ngoài ra, các bạn làm việc cá nhân rất tốt nhưng làm việc nhóm lại không đạt hiệu quả. Thường những bất đồng ý kiến trong công việc không giải quyết được ", ông Liên cho hay.  

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – đại diện Công ty Hùng Hậu đánh giá SV hiện nay được đào tạo chuyên môn bài bản hơn nhưng lại quá mang tính tổng quát, thiếu kiến thức chuyên ngành. Hơn nữa ngược lại với điểm tích cực là năng động thì khả năng ứng xử và hòa nhập, thích nghi với văn hóa công ty của SV còn rất hạn chế.

 

Nhiều nhà tuyển dụng chia sẻ, họ gặp không ít ứng viên tốt nghiệp từ các trường ĐH có tiếng, bằng rất đẹp, kiến thức chuyên môn cũng rất ổn, có rất nhiều chứng chỉ đi kèm…  mà vẫn bị loại vì các kỹ năng quá kém.

 

Không chỉ các kỹ năng liên quan đến công việc mà các kỹ năng về ứng xử, giao tiếp và thái độ sống của SV cũng bị nhiều DN (doanh nghiệp) than phiền. SV thường bộc lộ sự nóng vội, muốn thấy được kết quả nhanh nên thiếu sự tích cực trong việc tiếp thu, lắng nghe cũng như thiếu sự cam kết gắn bó lâu dài với công việc.

 

DN trong nước đã vậy, các công ty, tập đoàn nước ngoài với các yêu cầu cao hơn thì lời than phiền về SV còn nhiều “nặng” hơn về ngoại ngữ, làm việc nhóm, tính kỷ luật, tinh thần chịu trách nhiệm, bày tỏ ý kiến… Thậm chí có những DN nước ngoài còn dùng từ bất mãn với các cử nhân ĐH của Việt Nam vì những hạn chế đó dễ dẫn đến những hậu quả tệ hại cho công việc.  

 

Điều này ám ảnh các DN nước ngoài đến đến mức trong nhiều hội thảo về nguồn nhân lực, không ít doanh nhân ngoại quốc đã xin lỗi trước khi đưa ra nhận xét về SV Việt Nam vì "khi chúng tôi nói ra những lời góp ý chân thành này các bạn sẽ giận và bị tổn thương".

Ông H.EAndrej Motyl, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam chia sẻ ông nghe nhiều DN Việt Nam và các công ty nước ngoài khen ngợi SV Việt Nam rất chịu khó, có hoài bão nhưng cũng bức xúc sau khi tốt nghiệp ĐH, SV lại không các kỹ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng cần.

 

Thiếu nhưng khó tuyển người

Không thể phủ nhận khó khăn về kinh tế, nhiều DN đóng cửa, cắt giảm lao động ảnh hưởng đến quá trình xin việc cử nhân ra trường. Theo phân tích của TT Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu nhân lực năm 2012 giảm 2,9% so với năm 2011.

 

Chỉ số nhu cầu tìm việc làm tại TPHCM liên tục tăng qua các quý, trong đó SV tốt nghiệp CĐ, ĐH và trên đại học chiếm tỉ lệ rất cao. Một số ngành nghề rất vất vả trong quá trình xin việc theo thứ tự như kế toán, nhân sự hành chính, nhân viên kinh doanh - marketing, quản lý điều hành… Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng những ngày này ở DN vẫn nhiều nhưng không tuyển được người.

 

Sinh viên cần được định hướng sớm hơn để không bỡ ngỡ khi ra trường.

Ông  Phạm Minh Tuấn – Giám đốc Tuyển dụng và phát triển nhân sự Tập đoàn Tân Hiệp Phát  cho rằng, kiến thức ở trường học chỉ chiếm 40% khả năng thành công khi đi xin việc mà DN còn cần các tiêu chuẩn như năng lực làm việc chủ động, tốc độ làm việc, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy sáng tạo…

TS Dương Tấn Hiệp – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM cho rằng kinh tế khó khăn, bên cạnh việc sa thải nhân viên thì DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng với yêu cầu đòi hỏi về chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, DN luôn khó trong việc tuyển người.

 

"Việc đào tạo ở trường học hiện nay chú yếu vẫn chú trọng vào kiến thức nên SV ra trường tư duy độc lập, thiếu kỹ năng. Ngoài ra, một trong những vấn đề mà DN hiện nay rất quan tâm là thái độ sống, cách ứng xử của người lao động thì SV còn yếu vì các em thiếu va chạm thực tế", ông Hiệp nói.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, SV ngày nay dù đã năng động hơn rất nhiều nhưng những năm ở đại học vẫn rất bị động, thiếu va chạm với thực tế mà thường bắt đầu khi ra trường mới "bơi".

 

Ông Masaki Yamashita – Tổng giám đốc ngân hàng Mitsibishi UFN Việt Nam cho hay kiến thức chuyên ngành của lao động Việt Nam rất tốt, rất rộng nhưng lại khó chuyển giao kiến thức đó thành kỹ năng làm việc, không ứng dụng được vào thực tế.

 

"Một trong những vấn đề mà tôi cảm thấy là SV Việt Nam rất nhiều những trải nghiệm thực tế khi đi học. Các bạn nên tham gia vào các CLB học thuật hay thể thao, các hoạt động xã hội nhiều hơn nữa để qua đó trau dồi cho mình những kỹ năng thì khi đi làm các bạn sẽ thuận lợi hơn", doanh nhân người Nhật nói.

 

 

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/doanh-nghiep-nan-voi-ky-nang-cua-sv-tot-nghiep-674848.htm

Học một đằng, cấp bằng một nẻo?

Posted: 16 Dec 2012 10:39 PM PST

Hộp thư học đường

Học một đằng, cấp bằng một nẻo?

TT – Nhiều sinh viên khoa kế toán – kiểm toán Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM phản ảnh bằng tốt nghiệp mà họ vừa nhận không đúng với ngành đã học khiến họ gặp nhiều khó khăn khi đi xin việc. "Lúc tuyển sinh đầu vào nhà trường thông báo tên ngành đào tạo là kế toán – kiểm toán.

Trong quá trình học, chúng tôi cũng được đào tạo các kiến thức về kế toán – kiểm toán trong khi trên bằng tốt nghiệp lại chỉ ghi ngành "kế toán". Chính điều này khiến sinh viên gặp rắc rối khi xin việc. Nếu biết nhà trường chỉ cấp bằng tốt nghiệp ngành kế toán chúng tôi đã không chọn học" – Trương Hạnh Lâm (sinh viên lớp DHKT4B khoa kế toán – kiểm toán) bức xúc.

PGS-TS Nguyễn Đức Minh – trưởng phòng đào tạo nhà trường, giải thích trước khi Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải thay đổi mã ngành đào tạo theo thông tư 14 về danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ ĐH, CĐ (gọi tắt là thông tư 14) nhà trường xây dựng chương trình đào tạo kế toán có bổ sung phần kiến thức về kiểm toán để sinh viên dễ tìm việc sau khi tốt nghiệp. Trong tuyển sinh trước đây nhà trường gọi tên là ngành kế toán – kiểm toán nhưng trong thực tế nhà trường không đào tạo chuyên ngành riêng về kiểm toán.

Theo thông tư 14 hiện nay không có tên ngành kế toán – kiểm toán mà chỉ có tên kế toán hoặc kiểm toán. Năm 2011 nhà trường xin phép Bộ GD-ĐT mở mã ngành đào tạo và được bộ cho phép là ngành kế toán.

Đến nay nhà trường không có chương trình đào tạo kiểm toán, chỉ có khoa kế toán – kiểm toán. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi xây dựng chương trình đào tạo một ngành học ngoài chương trình "cứng" các trường được phép thiết kế chương trình "mềm" đưa một số môn học vào giảng dạy. Vì vậy trong chương trình đào tạo ngành kế toán, nhà trường có đưa vào một số học phần liên quan đến kiến thức về kiểm toán. Điều này không có nghĩa là đào tạo chuyên ngành kiểm toán. Bản chất của sinh viên khoa kế toán – kiểm toán được học là kế toán.

Hơn nữa, hiện nay sinh viên tốt nghiệp được nhà trường cấp bằng theo mẫu phôi bằng mới của Bộ GD-ĐT. Theo quy định mới trên bằng tốt nghiệp chỉ ghi tên ngành, không cần ghi rõ chuyên ngành đào tạo nên nhà trường ghi ngành, còn trong bảng điểm vẫn ghi rõ ngành kế toán – kiểm toán.

TRẦN HUỲNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/525243/Hoc-mot-dang-cap-bang-mot-neo.html

Hà Nội kiểm tra việc khắc phục lạm thu ở 38 trường

Posted: 16 Dec 2012 10:38 PM PST

Trong công văn gửi các đơn vị thông báo việc kiểm tra này, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nhấn mạnh: Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố sau kỳ họp thứ 6 Hội đồng nhân dân thành phố (khóa XIV), để khắc phục hậu quả những tồn tại trong công tác quản lý thu - chi tại các cơ sở giáo dục trên cơ sở kết quả thanh tra (có danh sách kèm theo), Sở GD-ĐT đề nghị các quận, huyện, thị xã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình giải quyết và khắc phục những tồn tại về thu – chi đầu năm học 2012 - 2013 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức. Tăng cường quản lý nhà nước, có biện pháp quyết liệt giải quyết vấn đề này; kiên quyết xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân còn thiếu dứt điểm, cố ý để xảy ra sai phạm.

Sở GD-ĐT cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các Phòng GD-ĐT triển khai thực hiện, báo cáo kết quả chậm nhất ngày 21/12/2012 để tổng hợp báo cáo Bộ GD-ĐT và HĐND, UBND Thành phố.

Trong danh sách 38 trường được kiểm tra lần này thì Huyện Sóc Sơn có đến 10 trường kế tiếp là quận Thanh Xuân, huyện Quảng Oai (4 trường), quận Long Biên, Cầu Giấy 3 trường… Dưới đây là danh sách 38 trường sẽ được Sở GD-ĐT Hà Nội kiểm tra khắc phục việc lạm thu.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ha-noi-kiem-tra-viec-khac-phuc-lam-thu-o-38-truong-674830.htm

Thời của nhà giáo…vô trách nhiệm?

Posted: 16 Dec 2012 10:38 PM PST

- Hiện nay giáo viên vẫn truyền nhau học trò là bất trị. Họ quyết định đến với những phương thức … vô trách nhiệm hơn. Họ mặc kệ học trò hư. Chúng vi phạm nội quy – họ hạ hạnh kiểm, mời phụ huynh….Nếu chúng không thay đổi – trường đuổi học là xong trách nhiệm.

Nhưng, tương lai của đứa trẻ đó sẽ ra sao chẳng liên quan gì tới họ nữa. Bạn nghĩ tương lai chúng sẽ ra sao? Những đứa trẻ mà đến trường học cũng không chứa chấp nữa sẽ trưởng thành như thế nào? Nhưng liệu giáo viên còn có lựa chọn nào khác?

Ảnh minh họa (Nguồn: báo GĐXH)

Dưới đây là ý kiến của độc giả Đặng Hương. Chị ủng hộ việc phạt đòn nhưng phải phạt với lương tâm và tình thương của một nhà giáo. Còn quan điểm bạn? Ý kiến gửi về bangiaoduc@vietnamnet.vn

Nhà giáo thời nay và “rào cản” kéo lùi sự sáng tạo

Nhà giáo hiện nay nhận được đồng lương ít ỏi, nhận được sự ủy thác một cách vô trách nhiệm của nhiều bậc phụ huynh, nhận được sự chỉ trích của xã hội khi có bất kỳ vấn đề gì xảy ra và nhận được những đứa trẻ được bao bọc quá mức bởi cha mẹ. Họ không có quyền gì ngoài hạ hạnh kiểm và trình bày vấn đề lên ban giám hiệu. Họ có chức năng bơm kiến thức khô khan vào đầu học trò để các em có thể lên lớp và ra trường.

Hình ảnh nhà giáo như vậy có thể khác với những gì các bạn tưởng tượng ra theo khuôn mẫu của một nhà giáo lý tưởng. Nhưng đó là hình ảnh thực sự của đa phần nhà giáo hiện nay.

Chuyện lương giáo viên thì ta không cần dẫn chứng gì nhiều. Nó quá rõ ràng và nó hiển hiện ngay trước mắt chúng ta; không ai có thể phủ nhận. Tất nhiên, tiền dạy thêm, tiền làm ngoài giờ có thể khiến thu nhập của họ khá hơn rất nhiều. Thế nhưng “dạy thêm” tức là làm ngoài giờ, tức là ngoài những giờ làm việc chính thức họ phải bỏ thời gian đáng nhẽ dành để nghỉ ngơi ra để mà kiếm thêm nhu nhập. Có ai trong chúng ta muốn làm việc tới 8-10 giờ tối trong khi giờ tan sở là 5 giờ?

Để nhận được tình yêu, sự kính trọng  thực sự của học trò, giáo viên hiện nay phải vượt qua vô vàn khó khăn và áp lực (Ảnh minh họa: Ảnh Văn Chung).

Hãy tiếp tục nói về sự ủy thác. Có bao nhiêu bậc phụ huynh ngồi lại cùng giáo viên để bàn bạc cách dạy dỗ con mình? Có bao nhiêu bậc phụ huynh khi nhận ra khuyết điểm của con mình tìm đến giáo viên để cùng tìm đường lối uốn nắn? Hay đa phần các bậc phụ huynh chỉ đem một cái phong bì đến và “trăm sự nhờ cô”? Không biết đã bao nhiêu lần tôi đã thấy mẹ mình khước từ những phong bì như thế.

Và cũng chừng ấy lần tôi thấy mẹ tôi mời những vị phụ huynh này ngồi lại để mẹ tôi có thể gợi ý một vài phương thức để họ động viên, dạy dỗ con mình. Có những người chăm chú lắng nghe, có những người rõ ràng là chỉ giả vờ nghe và vô cùng hiếm khi có người chủ động đưa ra ý kiến. Rồi, cứ như lẽ dĩ nhiên, họ lại quay lại học kỳ sau với một kịch bản tương tự. Cái tôi tự hỏi là: Có bao nhiêu trong số những người phụ huynh này thực sự tìm tòi, động não để tìm ra một cách hiệu quả dạy dỗ con em mình? Hay rốt cuộc, họ chỉ quay về với phương thức ít phiền toái nhất: Quát mắng khi con không đạt chỉ tiêu và thưởng hậu hĩnh khi con đạt thành tích.

Qua lăng kính của phụ huynh bênh con

Sự chỉ trích của xã hội lên giáo viên bắt nguồn từ lăng kính của các ông bố bà mẹ có con em chưa ngoan. Qua lăng kính của họ – giáo viên trở thành những người thích tiền, khắt khe, không bao dung, thiếu độ lượng nếu những người giáo viên này có thái độ “quá” nghiêm khắc với con của họ. Ngoại trừ những trường hợp đứa trẻ tỏ ra quá hư tới mức không ai phủ nhận được, các ông bố bà mẹ luôn cảm thấy khó chịu nếu người khác chỉ trích con mình một cách thẳng thừng.

Những người giáo viên trẻ muốn có được sự hợp tác của các bậc phụ huynh thường phải tìm những câu từ mang tính giảm nhẹ để nói về sai phạm của học sinh. Những người giáo viên đã già cỗi hay cứng cỏi hơn tuy có thể sẵn sàng viết rõ nhưng đa số trường hợp chỉ nhận được sự “bằng mặt, không bằng lòng” hay đơn giản chỉ là những cái phong bì.

Và từ đó cái hình ảnh truyền miệng về giáo viên của đa phần phụ huynh có con em đang trên đà đi xuống trở nên méo mó. Và khi hình ảnh ấy đã hằn vào tâm trí của họ thì khi có vấn đề gì xảy ra, dĩ nhiên trách nhiệm có phần lớn được xem là… không thuộc bản thân họ.

Quyền của nhà giáo?

Đây là vấn đề nhức nhối nhất đối với giáo viên. Có bao nhiêu trong số các bạn đọc biết rằng: Giáo viên hiện nay còn không có cả quyền đuổi học sinh ra khỏi lớp. Đừng nói là phạt đòn học sinh, quát mắng chúng cũng là việc mà giáo viên phải suy nghĩ rất kỹ trước khi làm. Tất nhiên giáo viên ở những vùng kém phát triển có thể không thực sự tuân thủ điều này.

Nhiều phụ huynh ủng hộ và cho phép thầy giáo này đánh học trò vì “ở nhà không dạy được con” (Ảnh cắt ra từ clip, Ảnh: VietNamNet)

Nhưng ở các thành phố lớn, giáo viên không có bất kỳ quyền hạn trừng phạt nào lên học sinh ngoài “hạ hạnh kiểm”. Nhưng hạnh kiểm thì có gì quan trọng đâu. Học sinh chỉ cần hạnh kiểm trung bình để lên lớp. Còn chuyện chuyển tiếp lên cấp cao hơn thì do học lực quyết định. Học trò đang dần hiểu ra là hạnh kiểm chỉ là một thứ mang tính hình thức. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể dưới đây, một trường hợp điển hình, một câu chuyện có thật:

Một học sinh A gây mất trật tự trong lớp, gây ảnh hưởng tới những bạn xung quanh. Giáo viên đang dạy tiết học bảo học sinh này đứng dậy nhưng A không đứng. Câu trả lời của cậu ta là: “Tại sao em phải đứng?”. Giáo viên nói: “Em gây mất trật tự trong lớp, gây ảnh hưởng tới các bạn, cô yêu cầu em đứng dậy.”. A trả lời: “Em không thích đứng”.

Bạn sẽ làm gì trong trường hợp này?

Giáo viên nói: “Đây là kỷ luật của lớp. Em đứng dậy cho cô”. A ngồi yên không nhúc nhích. Giáo viên tiếp tục: “Thôi được thế em cứ ngồi đấy, nhưng không được gây mất trật tự nữa”. A nói lại: “Em không thích ngồi. Cũng không thích giữ trật tự”. Đến đây người giáo viên này không thể từ tốn được nữa, cô nói:“Anh có bị điên không?”. A: “Cô mới điên. Em không điên”. Tới lúc này rồi thì người giáo viên không thể làm gì được nữa. Cô tuyên bố ghi tên A vào sổ đầu bài và sẽ đưa việc này ra buổi họp phụ huynh. Còn A, cậu ta không bao giờ trở nên tiến bộ hơn.

Mặc kệ và…nguy hại

Hiện nay giáo viên vẫn truyền nhau học trò là bất trị. Họ quyết định đến với những phương thức … vô trách nhiệm hơn. Họ mặc kệ học trò hư. Chúng vi phạm nội quy – họ hạ hạnh kiểm, mời phụ huynh. Chúng tiếp tục vi phạm – họ hạ hạnh kiểm, cảnh cáo toàn trường. Chúng vẫn tiếp tục – họ đưa lên hiệu trưởng, cảnh cáo lần cuối. Và nếu chúng không thay đổi – trường đuổi học.

Tương lai của đứa trẻ đó sẽ ra sao chẳng liên quan gì tới họ nữa. Bạn nghĩ tương lai chúng sẽ ra sao? Những đứa trẻ mà đến trường học cũng không chứa chấp nữa sẽ trưởng thành như thế nào? Nhưng liệu giáo viên còn có lựa chọn nào khác?

Tôi xin hỏi quý độc giả thêm một câu nữa, đặc biệt là những độc giả đang có con ở tuổi đi học: Liệu bạn có thể ngẩng cao đầu tuyên bố rằng: bạn có thể dạy bảo con mình khi không sử dụng đòn roi, không dọa cắt tiền tiêu, không dọa cắt một số quyền lợi của chúng?

Và bây giờ hãy nghĩ xem cái bạn đang đòi hỏi ở giáo viên là gì. Dạy bảo một lớp hơn 40 học sinh mà không có quyền phạt, quyền mắng thậm chí không có quyền đuổi ra khỏi lớp? Trẻ hư bắt chép phạt. Chúng không chép bạn sẽ làm gì? Chúng chép và vẫn tái phạm bạn sẽ làm gì? Mời phụ huynh đến liệu có giải quyết được vấn đề hay lại là “trăm sự nhờ cô”?

Ở cái thời của tôi, hạ hạnh kiểm là thứ gì đó rất kinh khủng. Một đứa trẻ bị hạ hạnh kiểm cảm thấy thật là đáng xấu hổ. Lý do vì sao? Tôi cho rằng có những sự khác biệt rất lớn giữa: “Bị hạnh kiểm kém là một việc đáng xấu hổ” với “Bị hạnh kiểm kém là cha mẹ la mắng”.

Những đứa trẻ thời nay chỉ biết rằng: “Không thể hiện tốt ở trường lớp (cho dù là học lực hay hạnh kiểm) là không vừa lòng bố mẹ”. Chúng hoàn toàn không hiểu rằng: “Không cố gắng ở trường lớp thì tương lai của mình sẽ hoàn toàn khác với những gì mình mong muốn hay mơ ước.”

Mâu thuẫn là ở chỗ: ‘Vì bạn quá thương con không thể khắt khe với chúng nên bạn mới nhờ tới thầy cô để răn đe. Nhưng khi họ răn đe thì cũng vì quá thương con bạn lại cảm thấy khó chịu với họ’.

Điều phụ huynh cần biết

Chức năng của nhà giáo không phải là làm cho con bạn lên lớp, không phải là làm cho con bạn được điểm cao, không phải là làm cho chúng vào được trường điểm lại càng không phải là chịu trách nhiệm cho cái hư của trẻ.

Chức năng của nhà giáo là hướng con bạn tới những phẩm chất tốt và khơi dậy những tiềm năng của chúng. Còn việc học, việc vươn tới tương lai, việc trở thành những con người có ích cho xã hội là việc của bản thân bọn trẻ.

Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ trở thành người thành đạt. Chúng ta chỉ có thể làm cho chúng thấy “trở thành người thành đạt là một việc tuyệt vời và con có thể làm được điều đó”.

Những việc sau đó đứa trẻ sẽ có thể tự làm được. Còn nếu bạn chỉ vẽ ra một tương lai đẹp đẽ nhưng không hợp với bản thân đứa trẻ thì có cố “gò” đến mấy cũng không đến được đâu. Cuối cùng chỉ ra được một sản phẩm nửa vời không cao không thấp. Hãy cho trẻ em những ước mơ, hãy tôn trọng những ước mơ đó (cho dù chúng viển vông tới đâu) và bạn sẽ thấy chúng mạnh mẽ đến mức nào.

Bạn cần hiểu rằng: ước mơ của một đứa trẻ sẽ trưởng thành theo con người của nó. Chỉ cần đứa trẻ biết tập trung sức lực vào ước mơ của mình thì khi lớn hơn chúng sẽ tự biết thay đổi mục tiêu hay sửa đổi ước mơ đó để nó thực tế hơn. Bạn không cần phải nói: “Ước mơ đó là ngớ ngẩn” bởi vì khi lớn dần đứa trẻ sẽ tự hiểu điều này.

****

Thiết nghĩ, thời kì quan trọng nhất trong hình thành ý thức học tập và ý thức xã hội của trẻ là trước khi dậy thì. Chúng cần một nền tảng vững chắc về các quan điểm giá trị. Những quan điểm mà có thể khi đó chúng chưa hiểu nhưng tương lai chúng sẽ hiểu. Và để chúng có được nền tảng đó, một chút hình phạt không phải là việc không chấp nhận được. Một cái vụt bằng thước kẻ vào tay sẽ khiến chúng nhớ lâu hơn là một vài trang chép phạt.

Tôi ủng hộ việc phạt đòn nhưng phải phạt với lương tâm và tình thương của một nhà giáo.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/101357/thoi-cua-nha-giao---vo-trach-nhiem-.html

Tự chủ tài chính “nửa vời” và câu chuyện thu vượt, thu sai

Posted: 16 Dec 2012 10:37 PM PST

Kì 1: Hàng loạt trường vi phạm

 

 

Vừa qua Bộ GD-ĐT đã tổ chức thanh tra một số hoạt động của trường ĐH Kinh tế Quốc dân và phát hiện ra không ít vi phạm. Liên quan đến tài chính, Thanh tra Bộ đã kết luận tổng số các khoản thu vượt, thu sai quy định trong năm 2009 và 2011 là hơn 51 tỷ đồng, bao gồm 4 nhóm khoản thu: Kinh phí hỗ trợ đào tạo sau đại học;  Học phí nâng điểm hệ chính quy; Thu vượt lệ phí tuyển sinh các hệ và các khoản thu một lần vào đầu năm học và thu khác (thu tiền giấy thi, công nghệ thông tin, làm thẻ sinh viên, khám sức khỏe, thư viện, lệ phí nhập học).

 

Do đây là khoản thu phục vụ hoạt động đào tạo, không phải thu dịch vụ và được Trường hạch toán vào tài khoản TK511 (tài khoản phí, lệ phí) nên trong phần kiến nghị, sau khi xem xét các căn cứ thu và tính chất khoản thu, Thanh tra Bộ chỉ kiến nghị thu hồi số tiền liên quan đến thu học phí nâng điểm hệ chính quy còn các khoản khác không truy hồi.

 

Tuy vậy, câu chuyện thu sai, thu vượt không chỉ là của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mà không khó để kiểm chứng các trường được giao thí điểm tự chủ tài chính cũng lâm vào cảnh tương tự. Với việc Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường "3 công khai" nên chẳng cần phải thanh tra thì cũng thấy các khoản thu của những trường được tự chủ về tài chính cũng có phần giống ĐH Kinh tế Quốc dân, thậm chí là "trội hơn".

 

Cơ chế tự chủ nửa vời khiến nhiều trường ĐH Việt Nam bị trói buộc (ảnh minh họa)

Chẳng hạn như về thu kinh phí hỗ trợ đào tạo thạc sỹ, trong số các trường thí điểm tự chủ về tài chính, Trường Đại học Ngoại thương thu ở mức 5.600.000 đồng/học viên, tiếp đến là Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM ở mức 4.500.000 đồng/học viên cao hơn so với mức thu của Trường Đại học KTQD là 4.000.000 đồng/học viên.

 

Thậm chí có những trường không thực hiện thí điểm tự chủ, được NSNN hàng năm cấp bù kinh phí cho chi thường xuyên vẫn thu kinh phí hỗ trợ đào tạo cao hơn mức thu của Trường Đại học KTQD như Trường Đại học Nông nghiệp thu ở mức 4.200.000 đồng/học viên, Trường Đại học Công nghệ ở mức 4.500.000 đồng/học viên. Đối với đào tạo nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sỹ, các trường đại học đều thu thêm kinh phí hỗ trợ đào tạo từ 1.000.000đồng/NCS đến 7.000.000 đồng/NCS.

 

Trao đổi với chúng tôi, một số trường được tự chủ tài chính đều cho rằng, nếu không tổ chức thu các khoản vượt so với quy định hiện hành thì rất khó để tổ chức hoạt động. Với việc bị cắt toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên nên nếu không thực hiện thu đủ bù chi thì rất khó để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Trong khi đó nếu thực hiện các mức thu như quy định giống các trường công được cấp ngân sách thường xuyên thì hàng năm sẽ "lỗ" đào tạo lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh đó, căn cứ để các trường thực hiện thu là theo quy định tại Điều 39 Điểm 2 Quy chế đào tạo sau đại học ban hành kèm theo quyết định số 18/2000/QĐ-BGD-ĐT ngày 8/6/2000 của Bộ GD-ĐT ghi rõ "Cán bộ, công chức được cơ quan cử đi học sau đại học theo chỉ tiêu đang còn trong thời gian học tập, kể cả thời gian gia hạn, được nhà nước hỗ trợ hỗ trợ kinh phí đào tạo. Những đối tượng khác phải đóng góp chi phí đào tạo.Mức chi phí đóng góp tương xứng với kinh phí nhà nước để cấp để đào tạo thạc sỹ hoặc tiến sỹ".

 

Thống kê chung cho thấy, tất cả các khoản thu học phí và kinh phí đào tạo cho 1 học viên cao học, nghiên cứu sinh hiện nay vẫn chỉ bằng 75% chi phí thường xuyên tối thiểu để đào tạo 1 học viên cao học của Đề án đổi mới cơ chế tài chính của Bộ GD-ĐT giai đoạn 2009-2014.

 

Học cải thiện điểm nhưng không phải… đóng phí

 

 

Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT thì mặc dù chuyển sang đào tạo tín chỉ nhưng lại chưa có văn bản nào quy định về mức thu phí nâng điểm. Chính vì thế mà trong kiến nghị đối với sai phạm ĐH Kinh tế Quốc dân Bộ yêu cầu thu hồi khoản tiền này.

 

Giải thích về việc thu hồi chứ không trả lại cho học viên Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT khẳng định: "Theo đúng quy định thì số tiền này phải trả cho học viên. Tuy nhiên đây cũng chỉ là một biện pháp kỹ thuật bởi số tiền thu trên đầu của mỗi học viên là không nhiều, có em đã ra trường… nên việc trả lại là rất khó. Chính vì thế Bộ GD-ĐT mới kiến nghị thu hồi nộp vào ngân sách nhà nước".

 

Về mặt hành chính, rõ ràng hiện các trường chưa có cơ chế để thu phí nâng điểm. Tuy nhiên theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BGDĐT ngày 15/8/2007 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có quy định: "Sinh viên được quyền đăng ký học lại hoặc học đổi sang học phần khác đối với các học phần bị điểm D để cải thiện điểm trung bình chung tích lũy".

 

Theo giải thích của các trường được tự chủ tài chính thì việc học nâng điểm, học hè là hình thức học theo yêu cầu của sinh viên, do sinh viên tự nguyện và có nhu cầu học. Do các lớp được tổ chức học vào kỳ hè, quy mô lớp nhỏ, vì vậy để bù đắp đủ chi phí cho công tác tổ chức học(đăng ký, thu tiền, mời giảng viên, coi thi chấm thi… vào dịp hè) các trường đều tính hệ số bằng 1,5 đến 2 lần so với mức học phí đại trà. Chẳng hạn như, theo thông báo công khai trên website của trường ĐH Kinh tế – ĐH Quốc gia HN, HV Ngân hàng… thu học phí nâng điểm, cải thiện điểm gấp 2 lần học phí chính quy, ĐH kinh tế Quốc dân, ĐH Kinh tế TPHCM… thu gấp 1,5 lần.

 

Ngoài khoản phí nâng điểm, các trường cũng cho rằng ngay lệ phí tuyển sinh cũng cần phải được nhìn nhận một cách thấu đáo. Mức thu được quy định theo Thông tư số 21/2010TTLT-BTC –BGDĐT ngày 11/02/2010 quy định về chế độ thu và sử dụng phí dự thi (lệ phí tuyển sinh) đại học cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp rất thấp: đăng ký dự thi đại học và sau đại học 50.000đồng/ hồ sơ, dự thi sau đại học 100.000 đồng/môn thi.

 

Hiện tại các mức thu này không còn phù hợp với tình hình lạm phát và các chi phí thực tế tăng cao (tiền đi thuê mướn địa điểm, tiền điện, nước, phụ cấp coi thi…) cho công tác tổ chức tuyển sinh hàng năm.

 

Trong giải trình của Trường Đại học KTQD với thanh tra Bộ GD-ĐT cho thấy, trong 2 năm 2009 và 2011, chỉ riêng chênh lệch giữa thu lệ phí tuyển sinh đại học chính quy và chi phục vụ công tác tuyển sinh là "âm" hơn 2 tỷ đồng.

 

Lãnh đạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định, trên nguyên tắc cân đối thu chi, lấy thu bù chi cho tuyển sinh các hệ đào tạo hàng năm mà ngân sách nhà nước không hỗ trợ cấp bù phần thiếu hụt, các trường trong đó có Trường Đại học KTQD đã thu thêm phần lệ phí tuyển sinh của một số hệ phi chính quy như; (Văn bằng 2, vừa học vừa làm, Liên thông từ cao đẳng lên đại học, đào tạo từ xa). Phần thu vượt này được sử dụng cho bù đắp chi cho công tác tổ chức tuyển sinh các hệ phí chính quy này vào các ngày nghỉ và bù đắp cho việc thiếu hụt do tổ chức tuyển sinh hệ chính quy hàng năm không được ngân sách nhà nước cấp bù.

 

Ông Lê Khánh Tuấn, phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cũng thẳng thắn nhìn nhận: "Xét một góc độ nào đó thì các khoản thu mà các trường đang thực hiện tuân thủ theo nguyên tắc thu đủ bù chi nhưng hiện nay bất cập là chưa có cơ chế hoặc chưa ban hành để cho các trường thực hiện".

 

Trước việc "đụng đâu" thấy sai đó, nhiều trường được giao thí điểm tự chủ tài chính than phiền: "Cách làm hiện nay không khác gì là giao cho tự chủ sau đó "trói chân, trói tay" bỏ vào bể bơi cho tự vận động".

 

Từ khi giao thí điểm tự chủ tài chính cho 5 trường ĐH vào năm 2008 thì cho đến nay không ít các cuộc hội thảo được Bộ Tài chính mở ra để lắng nghe ý kiến đóng góp nhằm điều chỉnh cho hợp lý. Tuy nhiên sau gần 5 năm thực hiện "nhiệm vụ" được giao các trường chỉ gói gọn trong câu nói: "Ngoài việc bị cắt chi phí hoạt động thường xuyên thì cho đến nay chưa thấy được tự chủ gì".

 

(Còn tiếp)

 

 

N.H-M.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tu-chu-tai-chinh-nua-voi-va-cau-chuyen-thu-vuot-thu-sai-674842.htm

Thay mẫu bằng tốt nghiệp, nhiều trường bất ngờ

Posted: 16 Dec 2012 10:37 PM PST

Thay đổi hình thức

So với mẫu bằng ban hành năm 2009, những nội dung ghi trên mẫu bằng mới lần này cơ bản không có gì khác so với mẫu bằng đang áp dụng, ngoại trừ việc vị trí mục ghi "tên ngành học" được chuyển lên phía trên. Mẫu bằng mới lần này vẫn không có chỗ dán ảnh và dành hẳn trang 2 để ghi thông tin bằng tiếng Anh (tương ứng phần ghi tiếng Việt bên trang 3). Nhiều trường CĐ, TCCN thắc mắc: mẫu bằng mới nhưng không có nội dung gì mới, không hiểu sao phải thay mẫu bằng?


Nội dung trang 2 và 3 mẫu phôi bằng CĐ mới (dưới) cơ bản không có gì mới so với bằng đang sử dụng (trên). (Ảnh tư liệu)

Ngày 26/11, các trường phía Nam được dự chương trình tập huấn của Bộ về quản lý và cấp phát văn bằng tại Đà Nẵng. Tất cả thông tin tại kỳ họp này đều xoay quanh mẫu bằng đang áp dụng, tuyệt đối không có thông tin nào về việc sẽ thay mẫu bằng. Đùng một cái, thông tin thay mẫu bằng được ký ngày 30/11, chỉ sau đó bốn ngày. "Tại sao bộ không công bố thông tin mẫu bằng mới để các trường có ý kiến luôn một thể? Giờ chỉ thấy thông tin trên mạng, chưa thấy Bộ hướng dẫn gì thêm"- trưởng phòng đào tạo một trường CĐ tại TP.HCM thắc mắc.

Thông tư ban hành mẫu bằng tốt nghiệp CĐ, TCCN mới có hiệu lực từ ngày 26/11/2013. Các trường còn gần một năm để chuẩn bị áp dụng mẫu bằng mới. Tuy nhiên có rất nhiều băn khoăn từ việc thay đổi bất ngờ này. Ông Đỗ Hồng Cường, trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cho hay ngay khi bộ công bố mẫu bằng CĐ mới, trường đã rà soát phôi bằng cũ đã mua chưa sử dụng, chuẩn bị báo cáo để xin hướng xử lý. "Với lớp học chính quy, năm học kết thúc từ tháng 8, các phôi bằng cũ đã dùng hết. Riêng các lớp liên thông, do đặc thù học theo đợt, chưa tốt nghiệp nên số phôi bằng trường mua của Bộ cho các lớp học này chưa dùng đến, trường phải xin ý kiến của Bộ xem có hủy hay không"…

Th.S Đỗ Hữu Khoa, chủ tịch khối liên kết các trường chuyên nghiệp tại TP.HCM, bày tỏ: "Mỗi lần thay mẫu bằng là mỗi lần xáo trộn cho người học và người tuyển dụng. Lần thay mẫu bằng năm 2010 đã gây ra rất nhiều thắc mắc từ các nhà tuyển dụng về tính xác thực của văn bằng khi họ tuyển dụng". Bằng kinh nghiệm qua mỗi lần đổi mẫu bằng, các trường cho rằng năm 2013, thời điểm giao thời 2013 thế nào cũng phát sinh những chuyện thừa – thiếu phôi bằng. Nếu chờ đến cuối tháng 11 để được mua phôi bằng mới, việc phát bằng tốt nghiệp của các trường có thể phải muộn hơn so với mọi năm.

Ông Khoa phân tích: thông thường HS TCCN sẽ tốt nghiệp khoảng tháng 9 hằng năm, việc mua

Ba năm, hai lần thay mẫu bằng

Ngày 12/8/2009, Bộ GD-ĐT ban hành các thông tư về việc thay mẫu bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ, TCCN. Ngày 24/5/2011, Bộ ban hành mẫubằng ĐH mới, áp dụng từ ngày 10/7/2011. Ngày 30/11/2012, Bộ lại có thông tư thay mẫu bằng CĐ, TCCN, áp dụng từ ngày 26/11/2013.

Ghi tên ngành bằng tiếng Anh: Mạnh ai nấy làm

Cùng với thắc mắc "vì sao phải thay mẫu bằng", nỗi băn khoăn lớn của các trường xoay quanh việc "vì sao chưa có quy định thống nhất cách ghi tên ngành bằng tiếng Anh". Nhiều trường than phiền: mẫu phôi bằng thay đổi nhưng danh mục mã ngành bằng tiếng Anh các trường chờ đợi bấy lâu vẫn chưa được ban hành. Điều này gây lúng túng cho các trường trong việc ghi ngành đào tạo bằng tiếng Anh lên văn bằng và đánh đố nhà tuyển dụng. Do chưa có quy định thống nhất nên lâu nay các trường phải tự dịch sang tiếng Anh phần tên ngành đào tạo.

Hiệu trưởng một trường TCCN tại TP.HCM nêu ví dụ: chỉ riêng ngành tin học bậc TCCN có nhiều

Để đồng bộ với phôi bằng đại học

Bà Lê Thị Kim Dung, phó vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT, cho hay: mục đích việc thay đổi mẫu bằng CĐ, TCCN lần này để đồng bộ với phôi bằng ĐH đã thay đổi từ trước. Thay đổi trên mẫu bằng chủ yếu ở phần ghi tiếng Anh. Còn về danh mục mã ngành cấp 4, bộ đang triển khai dịch để có công bố sớm nhất, giúp các trường thống nhất tên gọi tiếng Anh các ngành. Kế hoạch ban đầu mã ngành này được công bố năm 2012, nhưng do tính phức tạp của việc dịch tên ngành nên mốc ban hành bị trễ hơn.

Tính xác thực, độ tin cậy của văn bằng tốt nghiệp cũng là nỗi băn khoăn trong thời điểm bằng giả tràn lan không phải hiếm và Bộ liên tục đổi mẫu bằng tốt nghiệp. Không chỉ các doanh nghiệp nghi ngại với văn bằng, chính các trường đào tạo liên thông, văn bằng hai cũng không tin tưởng tuyệt đối khi nhận bằng của thí sinh tốt nghiệp từ trường khác.

Trưởng phòng đào tạo một trường CĐ nhóm ngành kinh tế cho biết: khi tuyển sinh liên thông, trường phải gửi công văn từng trường có thí sinh dự thi để xác nhận thông tin văn bằng.

Bộ GD-ĐT có yêu cầu các trường công khai thông tin tốt nghiệp và cấp phát bằng của HS, SV lên trang web nhưng rất nhiều trường chưa thể thực hiện được. Các nhà tuyển dụng và các trường cũng chưa quen kiểu tra cứu thông tin trên mạng. Thành ra phòng đào tạo các trường có thêm phần việc thường xuyên là xác nhận thông tin văn bằng đã cấp. Nhiều ý kiến từ các trường đề xuất: Bộ nghiên cứu đổi chất liệu làm phôi bằng. Chất liệu dùng làm phôi bằng hiện nay láng bóng, mỏng manh, có vẻ dễ làm giả hơn bằng phủ giả da trước đây. Như vậy mới xứng là bằng quốc gia".


Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thay-mau-bang-tot-nghiep-nhieu-truong-bat-ngo/260282.gd

Sinh viên chế những hình ảnh hài hước… "ngày tận thế"

Posted: 16 Dec 2012 06:41 PM PST


Nỗi lo ngày tận thế cùng với nỗi lo thi học kỳ.
 
Những hình ảnh này thể hiện sự sáng tạo, dí dỏm, hài hước vô biên của dân mạng…
 


Sinh viên cộng đồng mạng chế đề thi học kỳ hài hước.
 




Ngày tận thế của kẻ lười học
 

 


Lo lắng vì chưa có người yêu
Những mỹ nhân từng học tại trường “nhà giàu” RMIT
 


Nobita chế Ngày Tận thế
 



Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sinh-vien-che-nhung-hinh-anh-hai-huoc-ngay-tan-the/259919.gd

Đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng cao cho ngành GD

Posted: 16 Dec 2012 06:37 PM PST

(GDTĐ) – Sáng 16/12, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 long trọng tổ chức Lễ kỉ niệm 45 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Độc lập Hạng Ba. Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý, lãnh đạo các bộ ban ngành, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, đại diện các trường đại học, cao đẳng cùng các thế hệ giảng viên, sinh viên của Trường ĐHSP Hà Nội 2.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập Hạng Ba cho nhà trường

Trong chặng đường 45 năm thành lập và 37 năm đào tạo tại Xuân Hoà, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên, viên chức, học viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để chăm lo xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao phó.

45 năm qua, Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã đào tạo được hơn 30.000 cử nhân khoa học hệ chính quy, trong đó 95% làm giáo viên, 4500 chuyên gia cốt cán giáo dục, 1074 thạc sĩ, đào tạo nâng chuẩn và bồi dưỡng cho hơn 20.000 giáo viên các trường phổ thông.


Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh cùng lãnh đạo nhà trường

Trong 5 năm gần đây, cán bộ trong trường đã hoàn thành 42 đề tài khoa học cấp cơ sở, 30 đề tài cấp bộ, 5 đề án triển khai ứng dụng KHCN, 3 nhánh đề tài khoa học trong Dự án phát triển giáo viên THPT và giáo viên TCCN. Nhiều nhà giáo được phong tặng các danh hiệu NGND, NGƯT.

Trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đồng bộ, vững mạnh về phẩm chất chính trị và trình độ chuyên môn. Hiện tại đội ngũ cán bộ gồm 556 người, trong đó có 7 Phó Giáo sư, 46 Tiến sĩ, 185 Thạc sĩ; 2 giảng viên cao cấp, 76 giảng viên chính, 228 giảng viên, 6 chuyên viên chính, 103 chuyên viên.

Trường ĐHSP Hà Nội 2 hiện nay đã có một cơ sở vật chất khang trang với 2 khu giảng đường gồm 5 công trình nhà học cao tầng, 92 phòng học đủ tiện nghi và 1 giảng đường 250 chỗ ngồi đạt tiêu chuẩn. Trường có nhà học đa năng 8 tầng, đảm bảo hoạt động của trung tâm thông tin thư viện, các phòng thí nghiệm vật lí, hoá học, sinh học, các phòng học tin học và quản trị mạng, trung tâm khai thác Internet.

Nhiều thế hệ sinh viên, học viên sau đại học của Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã trở thành lực lượng nòng cốt trong giảng dạy, quản lí giáo dục, quản lí hành chính Nhà nước của các địa phương, của các trường đại học, cao đẳng và của ngành GDĐT. Nhiều người thành đạt trong chuyên môn, trong hoạt động KT-XH.


Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý phát biểu tại buổi lễ

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bọ GDĐT Trần Quang Quý chúc mừng những thành tựu mà Trường ĐHSP Hà Nội 2 đã đạt được trong 45 qua, cảm ơn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã luôn quan tâm đến Trường ĐHSP Hà Nội 2 cũng như ngành GD-ĐT, cảm ơn các bộ ban ngành đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhà trường phát triển.

Trong những năm tới, nhiệm vụ phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao là bước đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định, đòi hỏi đổi mới căn bản, toàn diện nền GDVN trong đó có GDĐH. Các trường ĐH trong đó có Trường ĐHSP Hà Nội 2 phải phấn đấu nhiều hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu của nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ trưởng đề nghị Trường ĐHSP Hà Nội 2 cần tiếp tục đổi mới, thực hiện chỉ thị 296 của Thủ tướng chính phủ trong việc đổi mới quản lý GDĐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện nền GDVN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế. Triển khai thực hiện tốt luật GDĐH, chiến lược phát triển GDVN giai đoạn 2011-2020 và chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm 2011-2020 theo quyết định số 6290 của Bộ GDĐT.


Các đại biểu tham dự buổi lễ

Nhà trường phải đổi mới tư duy, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, đảm bảo tăng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, tập trung xây dựng chuẩn đào tạo quốc gia và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng đào tạo của khu vực và quốc tế. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp, tạo việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp.

Nhà trường cần tiếp tục quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ nhằm hình thành một đội ngũ đông về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có tâm huyết với nghề. Xây dựng đội ngũ cán bộ đầu đàn trong giảng dạy và NCKH, xây dựng chuẩn GV ở các ngành đào tạo. Quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao đời sống của đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo. Phấn đấu xây dựng trường trở thành trường ĐH có uy tín của cả nước về đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đội ngũ GV có chất lượng cao cho ngành GD.

Bộ GDĐT sẽ tiếp tục quan tâm giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà trường phát huy hơn nữa các thế mạnh về đào tạo, đặc biệt là đào tạo các GV cho ngành sư phạm và nghiên cứu khoa học.

Việt Cường

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Dao-tao-doi-ngu-giao-vien-co-chat-luong-cao-cho-nganh-GD-1965655/

Nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ GV là khâu then chốt

Posted: 16 Dec 2012 06:34 PM PST

(GDTĐ) – Trong hai ngày 15 và 16-12, Trường ĐH Thái Nguyên đã cùng với Bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức Hội thảo quốc tế Kết nối nguồn lực tiếng Anh toàn cầu phục vụ nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ GV các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển; đại diện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; các chuyên gia GD của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cùng hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, GV trực tiếp giảng dạy tiếng Anh các tỉnh trong khu vực.

1.Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo

97-98% GV chưa đạt chuẩn 

Tại Hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm: Thực trạng và đề xuất trong việc triển khai thực hiện Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại các địa phương; kế hoạch gắn kết các cơ sở bồi dưỡng và đào tạo nhằm nâng cao năng lực ngoại ngữ trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nhất là năng lực tiếng Anh của đội ngũ GV; chiến lược nâng cao năng lực dạy và học các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh tại ĐH Thái Nguyên giai đoạn 2012-2015; vị trí của ĐH Thái Nguyên trong việc kết nối văn hóa bản địa để phát triển quốc tế hóa…

Trưởng Bộ phận Thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 (BG-ĐT) ông Nguyễn Ngọc Hùng cho biết: Thời gian qua khi tiến hành triển khai Đề án cho thấy vấn đề đội ngũ GV còn nhiều bất cập. Các Trường CĐ, ĐH chưa bảo đảm trình độ đầu ra. Năng lực tiếng Anh của đại bộ phận GV còn thấp, có tới 97-98% GV chưa đạt chuẩn.

Phương pháp và công nghệ dạy học còn lạc hậu, nhất là với GV Tiểu học. Khoảng cách kỹ thuật số và khả năng ứng dụng CNTT trong dạy và học còn yếu. Nhiều địa phương chưa có chế độ tuyển dụng GV, đời sống GV ngoài biên chế còn rất khó khăn. Mặc dù đến nay, đã có gần 5000 GV được đào tạo, bồi dưỡng.

Qua Hội thảo này, có thể thấy nhu cầu nâng cao trình độ cho đội ngũ GV tiếng Anh các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc rất cần thiết. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, bà Vũ Thị Nga cho biết tỉnh có 82/186 GV có điểm cao nhất qua khảo sát dự thi cấp chứng chỉ quốc tế chỉ có 12 người đạt B1 và B2, chưa có ai đạt C1.

Ngay như tỉnh Bắc Kạn, vấn đề bồi dưỡng đội ngũ là khâu khó khăn nhất, rất cần thiết khi triển khai Đề án bởi khi khảo sát trên 250 GV nhưng tất cả đều không đạt chuẩn. Chủ yếu GV trình độ xếp loại A1 và A2. Đại biểu Trần Châu- Sở GD-ĐT Lạng Sơn chia sẻ chỉ có 50/780GV khảo sát đạt yêu cầu. GV không chỉ non kém về trình độ mà còn thiếu cả kỹ năng sử dụng các trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học.

Giải pháp nâng chuẩn GV

Nâng chuẩn cho GV tiếng Anh là vô cùng cần thiết khi triển khia Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Tuy nhiên, đại biểu các địa phương cũng mong muốn bản thân giảng viên ĐH Thái Nguyên khi tham gia bồi dưỡng, đào tạo GV cho các tỉnh cũng cần được kiểm tra trình độ, ai có trình độ đạt chuẩn yêu cầu C1 mới được tham gia.    

PGS.TS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết: ĐH Thái Nguyên được chọn là một trong 4 trung tâm xuất sắc để điều phối thành công các hoạt động khảo thí, bồi dưỡng, NCKH và hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Đề án triển khai tại trường và khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Vì vậy, nhà trường không chỉ thông qua các chương trình khảo sát và bồi dưỡng mà còn phải tiến tới nâng cao năng lực GV thông qua các hoạt động NCKH.

Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự
Các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự

Năm 2012 là năm bản lề đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng trong công tác triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 nói chung và với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nói riêng. Đội ngũ giảng dạy của nhà trường có 30% là GV quốc tế. Nhà trường đã bồi dưỡng cho hơn 500 GV cốt cán của 10 Sở GD-ĐT về năng lực ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy ở bậc học TH và THCS. Hiện nay, tại trường gần 500 GV tiếng Anh dưới chuẩn của Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên đang được bồi dưỡng nâng cao trình độ, đồng thời đã tổ chức 20 đợt khảo sát năng lực tiếng Anh cho 3000 GV trong khu vực.

Trước nhu cầu của thực tiễn, đội ngũ giảng viên của nhà trường không ngừng nâng cao năng lực, trau dồi chuyên môn trên chuẩn. Nhiều người được đào tạo từ nước ngoài trở về trường công tác. Hiện nay, ĐH Thái Nguyên ký kết hợp tác toàn diện với ĐH Hawaii, Pacific Hawaii về xây dựng và triển khai các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực dạy tiếng Anh của ĐH Thái Nguyên và khu vực.

Hầu hết các ý kiến tại Hội thảo đều cho rằng việc triển khai Đề án này tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc góp phần quan trọng trong việc nâng cao tầm nhìn và năng lực về nghiên cứu hành động trong khu vực, từ đó tìm ra chiến lược, giải pháp khả thi để định hướng cho các nhà quản lý, nhà hoạch định giáo dục xây dựng và quản lý hiệu quả các chương trình dạy học bằng tiếng Anh, phát triển việc sử dụng tiếng Anh, đồng thời kết nối nguồn lực mạnh mẽ đội ngũ chuyên môn làm công tác giảng dạy tiếng Anh trong khu vực…

Do đó, GV không chỉ được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng chuẩn mà còn được nâng cao kỹ năng sử dụng trang thiết bị dạy học, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT trong việc tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ bản thân.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội cho rằng Đề án khi triển khai cần quan tâm tới 2 mục tiêu lớn. Thứ nhất, đó là thực hành tiếng, nhất là đội ngũ GV. Thứ hai là chú trọng phương pháp giảng dạy.

Cũng tại Hội thảo này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Hội thảo quốc tế Kết nối nguồn lực tiếng Anh toàn cầu phục vụ nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ GV các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối các đơn vị bồi dưỡng, đào tạo, các đại phương với ĐH vùng, với Đề án và với các nguồn lực quốc tế nhằm triển khai thành công các hoạt động của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Các Sở GD-ĐT cần xây dựng kế hoạch thự hiện Đề án, rà soát lại để điều chỉnh cho kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn, kể cả công tác bồi dưỡng đội ngũ GV nếu địa phương nào thấy chưa hợp lý thì điều chỉnh. Phải coi chất lượng là hàng đầu, việc bồi dưỡng GV là cần thiết, là khâu then chốt vì thế, rất cần đảm bảo trình độ giảng viên tham gia bồi dưỡng GV.

Bộ không lấy kết quả kiểm tra, khảo sát, đánh giá trình độ GV làm tiêu chí thi đua nhưng các Sở cần tự giác và lập kế hoạch cụ thể, từ đó nâng cao trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV, cũng như kỹ năng sử dụng trang thiết bị, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường…vv.

Việt Hoa

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201212/Nang-cao-nang-luc-tieng-Anh-cho-doi-ngu-GV-la-khau-then-chot-1965657/

Comments