Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Thêm ấm những bước chân tới trường

Posted: 15 Dec 2012 08:07 PM PST

(GDTĐ) – Vào thời gian cuối tháng 12 năm 2011, Thủ tướng Chính Phủ đã ra Quyết định số  85/2010/QĐ-TTg ngày 21 tháng 12 năm 2010 về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú. Sau khi có quyết định của Thủ tướng, một ngày sau đó, Thông tư liên tịch số 65/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BKHĐT giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch Đầu tư, hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính được ban hành.

Qua gần một năm thực hiện chính sách trên của Thủ tướng Chính Phủ, công tác giáo dục và chăm lo học sinh tại các trường phổ thông bán trú vùng đặc biệt khó khăn đã có những chuyển biến tích cực. Bữa ăn và điều kiện sinh hoạt, học tập của học sinh vùng cao đã được cải thiện đáng kể. 

Trước đây học sinh bán trú dù nhỏ tuổi nhưng thường phải tự lo bữa ăn cho mình
Trước đây học sinh bán trú dù nhỏ tuổi nhưng thường phải tự lo bữa ăn cho mình

Tại khoản 1, Điều 1 của Thông tư liên tịch có xác định rõ đối tượng được hưởng chính sách trên của Chính Phủ: "Học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở công lập khác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày được xét duyệt theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc bán trú ban hành theo Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định cụ thể tại Điều 2 của thông tư này". Như thế, đối tượng học sinh ở các vùng đặc biệt khó khăn sẽ được thụ hưởng chính sách trên. 

Tại Điều 4 của Thông tư có quy định mức hỗ trợ đối với hai đối tượng học sinh là học sinh bán trú và học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú.  Đối với học sinh bán trú, Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, mỗi tháng học sinh bán trú được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn căn cứ vào thời gian thực tế học bán trú của học sinh theo quy định.

Ngoài ra, học sinh bán trú được ở trong khu bán trú của nhà trường; đối với những học sinh phải tự lo chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tiền nhà ở căn cứ vào thời gian học thực tế của học sinh theo quy định.

Bữa ăn của học trò vùng cao Bảo Yên Lào Cai tại phòng bán trú
Bữa ăn của học trò vùng cao Bảo Yên Lào Cai tại phòng bán trú

Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, được Nhà nước bổ sung kinh phí chi thường xuyên hàng năm với mức 100.000 đồng/học sinh bán trú/năm để mua sắm, sửa chữa dụng cụ thể dục thể thao và phương tiện phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cho học sinh bán trú; được bổ sung kinh phí chi thường xuyên hàng năm với mức 50.000đ/học sinh bán trú/năm học để lập tủ thuốc dùng chung cho học sinh bán trú. Ngoài ra, các trường thuộc diện này còn được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở, nhà bếp, phòng ăn, nhà tắm, công trình vệ sinh, nước sạch và các thiết bị kèm theo cho học sinh bán trú được xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành.

Có thể khẳng định, với chính sách ưu tiên như trên của Thủ tướng Chính Phủ đã tạo nên "luồng gió ấm" cho học sinh các vùng đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước. Đặc biệt là đối với học sinh bán trú tại các trường bán trú dân nuôi. Còn các trường phổ thông dân tộc nội trú thì được hỗ trợ thêm kinh phí để phục vụ cho trang thiết bị ở việc ăn ở, học tập tại trường cho học sinh.

Thực tế cho thấy, những năm trước đây, việc hỗ trợ học sinh về ăn ở, đi lại và "giữ chân" học trò tại các bản xa là một bài toán khó có lời giải hay đối với các trường vùng đặc biệt khó khăn, vùng 135, 30a…Để cho học trò ở lại trường, bằng nguồn xã hội hóa giáo dục, sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, nhiều trường đã làm được nhà bán trú dù là xây cấp bốn hay nhà vách chát đất, miễn sao có chỗ ở đề học sinh ở lại tại trường.

Có chỗ ở nhưng bữa ăn hằng ngày và cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt, học tập của học sinh bán trú lại là sự lo lắng không chỉ riêng trường nào. Bởi, đối với các em đến học từ các bản xa, các nhà trường chỉ có thể thực hiện chăm lo cho các em bằng hình thức trường bán trú dân nuôi. Chuyện ăn ở, sinh hoạt của các em chỉ do phụ huynh đóng góp, nhà trường và thầy cô chỉ hỗ trợ được phần nào và ở những thời điểm nhất định mà thôi.

Chính vì vậy, những năm trước đây, học sinh ở bán trú dân nuôi thường mang theo gạo, rau, cá khô, lạc vào đầu tuần mà gia đình cung cấp, đến khu bán trú góp lại nấu cơm và ăn theo nhóm. Có nhóm 4 em ăn cùng nhau, có nhóm hai em, nhóm 3 em. Tuy không nhịn bữa nhưng bữa ăn của các em "tự chế" theo sự chuẩn bị của gia đình hết sức đơn sơ và thiếu thốn, không đảm bảo chất lượng. Nhiều khi cơm chỉ có muối ớt chấm với măng đắng luộc, canh rau hay chút lạc rang mặn hoặc bát canh đu đủ nấu suông…Ở nhiều vùng, thầy cô thấy học trò kham khổ nên đã không tiếc những đồng lương ít ỏi để hỗ trợ các em có thêm thức ăn trong mỗi bữa. 

Bữa ăn của nữ sinh bán trú trường THCS Đồng Sơn Phú Thọ
Bữa ăn của nữ sinh bán trú trường THCS Đồng Sơn Phú Thọ

 

Gần đây, nhiều trường đã thỏa thuận với phụ huynh sẽ đứng ra để nấu cơm cho học sinh ăn hằng ngày để các em đỡ vất vả sau mỗi buổi lên lớp. Tuy nhiên, khẩu phần ăn và chất lượng mỗi bữa ăn vẫn do phụ huynh học sinh quy định. Nhà trường chỉ đứng ra thuê người nấu cơm cho các em ăn hằng ngày. Tại nhiều trường ở các xã thuộc diện 30a, bữa ăn của học trò chủ yếu là rau, đậu phụ kho mặn. Cơm có thể ăn được no nhưng thức ăn cho chất lượng thì khan hiếm đối với các em. Bởi để đưa được các em tới trường, gia đình phụ huynh đã phải rất vất vả bởi hoàn cảnh kinh tế gia đình hết sức khó khăn, nhà xa trường, trình độ dân trí còn thấp…

Từ cuối năm 2011 đến nay, bữa ăn và cơ sở vật chất phục vụ cho khu bán trú và các trường dân tộc nội trú có thêm động lực bởi chính sách của Chính phủ mới ban hành. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn song với sự hỗ trợ của Nhà nước, Chính phủ đối với từng học sinh khu vực đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước, các nhà trường có đối tượng học sinh còn nhỏ, xa nhà, đi lại khó khăn đã phần nào yên tâm hơn trong công tác giáo dục, hỗ trợ học trò bán trú.

Có thêm kinh phí hỗ trợ, bữa ăn của các em học sinh khu bán trú dần được cải thiện và đi vào quy củ hơn. Hầu hết các nhà trường đã sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích và đứng ra phối hợp với phụ huynh học sinh trong việc tổ chức bữa ăn hằng ngày cho các em. Tại trường phổ thông cơ sở dân tộc bán trú Tân Tiến (Bảo Yên- Lào Cai), trường đã hợp đồng một cán bộ chuyên nấu ăn tập trung cho 96 học sinh từ các bản xa đến ăn học tại trường.

Sau giờ học, học sinh được ăn tập trung tại bếp ăn một cách quy củ, sạch sẽ, chất lượng. Bữa ăn của các em có thêm khẩu phần theo đúng quy định về giá cả mỗi bữa ăn. Nhìn khẩu phần ăn của học trò, có trứng luộc, có thịt băm, cá khô và canh râu, chúng tôi phần nào thấy vui và yên tâm hơn về bữa ăn của các em.

Tại trường THCS Đồng Sơn (Tân Sơn- Phú Thọ), xã đặc biệt khó khăn của cả nước, học trò cũng được nấu ăn tập trung. Theo lãnh đạo nhà trường thì kinh phí hỗ trợ bữa ăn của Chính phủ được Nhà trường kết hợp với sự đóng góp của phụ huynh học sinh để tổ chức bữa ăn hằng ngày cho hơn 100 em học sinh người Dao, người Mường cách xa trường hằng chục cây số. 

 

Học trò bán trú ở Xín Chéng Si Ma Cai ăn cơm tập trung tại bếp ăn
Học trò bán trú ở Xín Chéng Si Ma Cai ăn cơm tập trung tại bếp ăn

Nhờ công tác chăm lo thường xuyên và sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước nên hiện nay, các nhà trường ở những vùng đặc biệt khó khăn đã có sức thu hút học sinh tại các bản xa xuống núi học chữ. Sức lan tỏa từ chính sách mới không hề nhỏ mà có sự lay động đến tư duy của phụ huynh học sinh và học trò tại nhiều bản khó khăn. Khoảng cách con đường đến trường và đùm gạo, mớ rau trên vai các em đã bớt nặng và lo toan. Việc tiếp nhận con chữ của học trò vùng cao trở nên dễ dàng hơn.

Thầy giáo Nguyễn Tùng Sơn- Phó Hiệu trưởng trường PTCS bán trú Tân Tiến (Lào Cai), người phụ trách khu bán trú học sinh nhà trường cho biết, mấy năm trước đây học trò trên các bản xa vì nhà xa, hoàn cảnh khó khăn thường hay trốn lên núi và bỏ học. Nhưng từ khi có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhà trường tổ chức ăn tập trung, các em đi học đầy đủ và còn thích đến trường, ở lại trường. Tỷ lệ duy trì học sinh ở khu bán trú luôn đạt 100%. Theo thầy Sơn thì hiện nay, 96 em học sinh Mông, Dao, Tày trên núi cao đã thật sự yên tâm ở lại khu bán trú để học tập. 

Bà Giàng Thị Mảng- dân tộc Mông ở xã Sín Chéng huyện Simacai (Lào Cai), một phụ huynh có con học cấp 2 xa nhà vui mừng thổ lộ, nhà tôi xa trường lắm, nhà lại đông con, đói kém, không dám cho con đi học. Nhưng nay, được nhà nước hỗ trợ, tôi vui lắm, chỉ muốn cho con đến trường học chữ. 

Chắc hẳn, vùng cao vẫn còn đó những khó khăn mà thầy và trò phải vượt qua nhưng bằng sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước qua những chính sách cụ thể và thiết thực đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác giáo dục tại những vùng đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước. Con chữ vùng cao sẽ thêm ấm lòng và tìm được nơi "neo đậu". Dù khó khăn đến đâu, thiết nghĩ, sự chung tay của toàn xã hội, sự thi đua vượt khó của thầy và trò ở các nhà trường sẽ chắp cánh cho con chữ được "nở hoa" nơi vùng đất khó. 

Nguyễn Thế Lượng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Them-am-nhung-buoc-chan-toi-truong-1965638/

Dự thảo quy định về GD thể chất trong trường ĐH, CĐ không chuyên TDTT

Posted: 15 Dec 2012 08:06 PM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa công bố dự thảo Quy định về giáo dục thể chất trong các trường ĐH, CĐ không chuyên thể dục thể thao (TDTT), trong đó quy định chuẩn về chương trình môn học Giáo dục thể chất; quản lý dạy, học; các điều kiện đảm bảo chất lượng; thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm.

Theo dự thảo này, chương trình môn học Giáo dục thể chất bao gồm 3 học phần; thời lượng 9 tín chỉ đối với trình độ đại học; 6 tín chỉ đối với  trình độ cao đẳng.

Chương trình môn học Giáo dục thể chất được thực hiện từ năm học đầu tiên, khi sinh viên mới nhập học; sinh viên trình độ đại học, học trong 3-4 kỳ học, sinh viên trình độ cao đẳng, học trong 2-3 kỳ học.

Đối với những sinh viên bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh, bị các bệnh tim mạch, không có khả năng vận động với khối lượng và cường độ vận động lớn, các trường cần biên soạn các bài tập đơn giản phù hợp với sức khoẻ và chất của sinh viên.

Sinh viên có đủ số lần kiểm tra cho mỗi học phần theo quy định; mỗi lần kiểm tra đạt từ 5 điểm trở lên và đủ 80% thời gian có mặt nghe giảng lý thuyết trên lớp và học thực hành kỹ thuật trên lớp sẽ được dự thi kết thúc học phần lần thứ nhất. Mỗi sinh viên phải dự thi đủ các học phần quy định trong chương trình.

Việc kiểm tra, đánh giá các học phần và kiến thức môn học đối với những sinh viên bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh, cần được vận dụng phù hợp.

Sinh viên được cấp chứng chỉ Giáo dục thể chất sau khi kết thúc môn học, khi điểm trung bình chung môn học đạt từ 5 điểm trở lên. Chứng chỉ Giáo dục thể chất là một trong những điều kiện để xét tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Đối với sinh viên chưa đủ điều kiện được cấp chứng chỉ Giáo dục thể chất, các trường bố trí ngay học kỳ phụ tiếp sau đó và thông báo cho sinh viên biết thời gian học tập để hoàn thành chương trình theo quy định.

Các trường đại học, cao đẳng được phép in ấn, quản lý và cấp phát chứng chỉ Giáo dục thể chất theo quy định.

Cũng theo dự thảo này, trường đại học, cao đẳng có từ 3 giảng viên Giáo dục thể chất trở lên được thành lập bộ môn Giáo dục thể chất. Trường có quy mô đào tạo từ 20.000 sinh viên chính quy trở lên được thành lập, khoa Giáo dục thể chất. Nếu trường có quy mô đào tạo lớn trên 20.000 sinh viên, cần có sân vận động đa năng, bể bơi, nhà thi đấu thể thao, sân điền kinh tổng hợp, sân bóng đá tiêu chuẩn.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201212/Du-thao-quy-dinh-ve-GD-the-chat-trong-truong-DH-CD-khong-chuyen-TDTT-1965639/

Comments