Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Xác nhận điều kiện mở ngành trình độ ĐH, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ

Posted: 15 Dec 2012 05:54 AM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác nhận các điều kiện thực tế về đội ngũ giảng viên cơ hữu, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thư viện để mở ngành, chuyên ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiễn sĩ.

Ảnh MH
Ảnh MH

Theo đó, căn cứ vào Quyết định thành lập cơ sở giáo dục đại học của Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ GDĐT, sở giáo dục và đào tạo xác định trụ sở của cơ sở giáo dục đại học để tiếp nhận hồ sơ đề nghị kiểm tra và xác nhận năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Sở GDĐT không tiếp nhận hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học không có trụ sở tại địa phương.

Việc xác nhận đội ngũ giảng viên cơ hữu, Bộ GDĐT yêu cầu đối chiếu danh sách giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên hướng dẫn thí nghiệm cơ hữu trong danh sách đã khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với hợp đồng tuyển dụng (bản gốc), bảng lương trong 6 tháng liên tục (tính đến thời điểm xem xét hồ sơ) của cơ sở giáo dục đại học, danh sách đóng bảo hiểm xã hội (có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương), văn bằng chứng chỉ của giảng viên (có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền) để xác nhận đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên, nhân viên hướng dẫn thí nghiệm cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học.

Đối với những trường hợp mới tuyển dụng phải có hợp đồng lao động dài hạn và sổ bảo hiểm xã hội do cơ sở giáo dục đại học đóng.

Đối với những trường hợp đã hết tuổi lao động thì hợp đồng lao động phải ghi rõ làm việc toàn thời gian cho một cơ sở giáo dục đại học duy nhất.

Xác nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo (gồm phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, cơ sở sản xuất thử nghiệm, thư viện, các công trình xây phục vụ hoạt động giải trí, thể thao, văn hóa, các công trình y tế, dịch vụ để phục vụ cán bộ, giảng viên, sinh viên): Đối chiếu Danh mục phòng học kê khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với giấy tờ xây dựng chứng minh số phòng học, các công trình xây dựng và kiểm tra thực tế số phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và các công trình khác phục vụ giảng dạy, học tập để xác nhận.

Cơ sở giáo dục đại học thuê địa điểm, phòng học và các công trình khác phục vụ giảng dạy và học tập phải ghi rõ các nội dung: tên cơ quan, tổ chức, cá nhân, thời hạn cho thuê.

Đối chiếu danh mục phòng thí nghiệm, máy, thiết bị kê khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với sổ tài sản của cơ sở giáo dục đại học (sổ gốc) và kiểm tra thực tế để xác nhận phòng thí nghiệm, cơ sở thực hành, máy, thiết bị. Trong trường hợp thiết bị mới mua và chưa kịp đưa vào sổ tài sản của cơ sở đào tạo thì phải đối chiếu với hóa đơn, chứng từ (bản gốc) của nơi bán và nơi mua để làm căn cứ xác nhận. Đối với các máy, thiết bị được tặng từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì phải có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp nhận và nhập khẩu.

Đối chiếu Danh mục thư viện, phòng đọc, sách, tạp chí kê khai trong hồ sơ của cơ sở giáo dục đại học với sổ tài sản, hóa đơn chứng từ và kiểm tra thực tế để xác nhận về thư viện của cơ sở giáo dục đại học.

Không xác nhận các trường hợp cho mượn hoặc mua bán máy, thiết bị, sách, tạp chí không có chứng từ gốc hay tên người mua không đúng với tên của cơ sở giáo dục đại học.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Xac-nhan-dieu-kien-mo-nganh-trinh-do-DH-DH-thac-si-tien-si-1965629/

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ HN dự kiến tăng gần gấp đôi quy mô đào tạo

Posted: 15 Dec 2012 05:53 AM PST

(GDTĐ)-Hôm nay (15/12), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận, Đại sứ quán Pháp, Chủ tịch Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, đại diện Bộ GDĐH và Nghiên cứu Pháp đã dự lễ khai giảng năm học 2012-2013 của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường USTH. Ảnh: gdtd.vn
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường USTH. Ảnh: gdtd.vn

Tại lễ khai giảng, Hiệu trưởng nhà trường, ông Pierre Sebban cho biết, năm học 2012-2013, nhà trường đã tuyển sinh gần 350 sinh viên, học viên theo học các hệ cử nhân và thạc sĩ, tăng qui mô đào tạo lên 2 lần so với năm học trước.

Hiện USTH đã và đang triển khai 6 chương trình đào tạo thạc sĩ theo tinh thần Hiệp định liên chính phủ giữa Việt Nam và Pháp và đang triển khai các chương trình đào tạo tiến sỹ tại Trường.

Cũng theo ông Pierre Sebban, chương trình đào tạo hàng năm 400 nghiên cứu sinh Việt Nam tại Pháp để trở thành giảng viên của trường cũng ngày càng thu hút nhiều học viên Việt Nam, trong đó có các học viên tốt nghiệp thạc sỹ tại USTH. 24 nghiên cứu sinh khóa đầu tiên sẽ bảo vệ luận án và quay về làm việc tại trường vào năm học tới.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Những thành quả hết sức đáng quý của nhà trường cho chúng ta niềm tin tưởng về sự đúng đắn trong việc xây dựng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng như tương lai sáng lạn của nhà trường. Ảnh: gdtd.vn
Phát biểu tại lễ khai giảng, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tin tưởng, những thành quả hết sức đáng quý của nhà trường cho chúng ta niềm tin tưởng về sự đúng đắn trong việc xây dựng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng như tương lai sáng lạn của nhà trường. Ảnh: gdtd.vn

Đặc biệt, các phòng thí nghiệm hợp tác quốc tế trong các ngành Công nghệ sinh học, Khoa học – công nghệ Nano, Công nghệ Thông tin Truyền Thông và Nước – Môi trường – Hải dương học đã được thành lập. Các phòng thí nghiệm này sẽ trở thành hạt nhân của các Trung tâm nghiên cứu hỗn hợp quốc tế dự kiến thành lập trước năm 2018 theo tinh thần Hiệp định liên chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đánh giá cao những thành tích mà nhà trường đạt được trong năm qua và bày tỏ vui mừng khi biết rằng hơn 20 nghiên cứu sinh đang bảo vệ luận án ở nước ngoài sẽ về công tác tại trường năm 2013.

Tại lễ khai giảng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Đại sứ Pháp Jean-Noël Poirier và Chủ tịch Viện KHCNVN Châu Văn Minh đã trao bằng tốt nghiệp cho 15 học viên hệ Thạc sỹ khóa I của Trường.

Cũng nhân dịp này, 22 suất học bổng toàn phần năm học 2012 đã được trao cho các em sinh viên và học viên cao học xuất sắc nhất của Trường, trên tổng số 97 suất học bổng năm học 2012 với tổng kinh phí 917.562.500 đồng.

fdfdf
Trao bằng tốt nghiệp cho 15 học viên hệ Thạc sỹ khóa I trong lễ khai giảng. Ảnh: gdtd.vn

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội là trường đại học công lập thuộc dự án xây dựng các trường Đại học Xuất sắc đẳng cấp quốc tế của Việt Nam, được thành lập theo Hiệp định liên chính phủ với CH Pháp năm 2009. Là trường đại học duy nhất tại Việt Nam áp dụng hệ thống tín chỉ và bằng cấp châu Âu (hệ Cử nhân trong 3 năm), Trường đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh với đội ngũ giảng viên quốc tế giàu kinh nghiệm (hơn 50% giảng viên đến từ các trường ĐH Pháp trong Liên minh) và cấp bằng kép trong các lĩnh vực đa ngành tiên tiến gồm: Công nghệ sinh học – Dược học; Khoa học vật liệu – Công nghệ nano; Nước – Môi trường – Hải dương học; Công nghệ Thông tin và Truyền thông; Năng lượng Bền vững; Vũ trụ và ứng dụng.

Trường đang được xây dựng trên diện tích 65 héc-ta tại Hòa Lạc. Trong thời gian 8 năm đầu thành lập, Trường triển khai trong khuôn viên Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Năm học 2012, quy mô đào tạo của Trường là hơn 350 sinh viên, học viên và dự kiến tăng lên hơn 650 trong năm học 2013. Hàng năm, Trường tuyển sinh 40 nghiên cứu sinh đào tạo tại Pháp theo chương trình đào tạo giảng viên – nghiên cứu viên của Trường và tuyển sinh đào tạo nghiên cứu sinh đồng hướng dẫn với các đối tác châu Âu.
Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3162/201212/Truong-DH-Khoa-hoc-va-Cong-nghe-HN-du-kien-tang-gan-gap-doi-quy-mo-dao-tao-1965632/

Bố giáo sư, mẹ tiến sĩ: Con đòi tự tử

Posted: 15 Dec 2012 02:17 AM PST

Trong lớp cô Giang từng chủ nhiệm có trường hợp của em Lê Công Vinh (tên nhân vật đã được thay đổi) khiến các giáo viên phải đặc biệt lưu tâm. Bố mẹ của Vinh li dị khi em còn nhỏ và sống cùng mẹ.

Sau  này, khi lớn hơn, Vinh được mẹ gửi về để cho ông bà ngoại chăm sóc. Cậu học sinh này sống cùng ông bà và dì, cậu trong ngôi nhà nhỏ bé ở phố Bạch Đằng (Hoàn Kiếm, Hà Nội).


Vinh đã từng rất tuyệt vọng và nghĩ tới tự tử! (Ảnh minh họa)

Trước khi về với mái trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, cậu học trò Lê Công Vinh cũng từng khá "nổi tiếng" vì đã phải chuyển qua rất nhiều trường.

Khi cô Giang nhận cậu học trò này vào lớp, cô đã trao đổi thẳng thắn với với mẹ của Vinh rằng: "Nếu em Vinh lại tiếp tục mắc lỗi, em sẽ không gọi điện về để trao đổi với ông bà mà trao đổi trực tiếp với chị. Bố mẹ phải là người có trách nhiệm quan tâm trước hết đến tình hình của cháu". Và rồi, cô Giang cũng đã nhận được sự đồng ý hợp tác từ gia đình của Vinh.

Không những thế, trong gia đình lại có người cậu mắc bệnh về tâm thần nên không khí gia đình Vinh sống lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng. Thậm chí, có lần người cậu này còn cầm dao đòi rượt cháu khiến Vinh rất sợ hãi. Vì vậy, cậu học sinh này ít khi thích ở nhà, mà thường ra ngoài chơi cùng đám bạn.

Đòi tự tử sau khi bị đuổi ra khỏi lớp

Sau vài lần bị các cô giáo bộ môn phản ánh Vinh thường xuyên không chép bài, ngủ gật trong lớp, cô Giang lại gọi cậu học trò của mình ra tâm sự. Không có một lời trách mắng, quát nạt nào, cô Giang thủ thỉ với học trò: "Cô vừa nghe thấy cô Hồng, cô Hạnh bảo dạo này em hay ngủ gật trong lớp. Thôi, em nể cô thì đừng ngủ trong lớp, không cô lại nghe các cô kia "mắng"”.

Cô Giang dùng chính tình cảm của mình để khuyên giải học trò. Có lẽ là một học sinh khá tình cảm nên khi được cô "nhắc khéo", Vinh cũng dần dần thay đổi.

Không muốn học sinh của mình lại trở về như cũ, cô Giang đã tiếp tục nhờ tới sự giúp sức của cô bạn gái của Vinh học cùng lớp. Cô Giang giao cho bạn gái quản lý và nhắc nhở Vinh.

 

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Bo-giao-su-me-tien-si-Con-doi-tu-tu/259672.gd

Cậu học trò khiếm thị vừa học vừa làm thêm

Posted: 15 Dec 2012 02:17 AM PST

Hiện Lý Gia Huyên (21 tuổi) học lớp 12 (lớp dành cho học sinh khiếm thị) tại Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng).

Bước vào lớp học đặc biệt của cô Bùi Thị Diệp Anh, chúng tôi được biết đến trường hợp của Lý Gia Huyên. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cậu học trò 21 tuổi này là cậu có dáng người nhỏ nhắn, rất hay cười và trò chuyện rất thân thiện.

Mắt Huyên bị cận nặng bẩm sinh, lúc nhỏ còn nhìn thấy và đi học được. Nhưng đến một ngày bệnh nặng hơn. "Năm mình 7 tuổi, một hôm đang ngồi viết bài thi học kỳ lớp 1, mình đưa mắt nhìn lên, nhìn xuống, rồi tự nhiên mắt mờ dần và không thấy gì nữa" – Huyên nhớ lại.

Năm 2009, bác sĩ kết luận Huyên bị tật mù bẩm sinh. Sau đó, Huyên được bác sĩ hỗ trợ, không khám lại mà đi mổ luôn.

"Hai tuần sau đó, một hôm mình đang nằm ở nhà, mắt mình nhìn thấy được ánh nắng len lỏi qua mái nhà. Hai mẹ con mình ôm nhau khóc nức nở vì hạnh phúc. Nhưng hai tháng sau, mắt mình bị mờ lại và mù luôn tới bây giờ", Huyên nói trong nghẹn ngào.

Dù nhà khó khăn, nhưng mẹ Huyên cũng cố gắng vay mượn để chạy chữa cho con nhưng đều không thành. Lúc đó, Huyên suy sụp hoàn toàn nhưng rồi nghĩ tới tình thương và những giọt nước mắt của mẹ, cậu bạn khát khao vượt lên số phận. Năm 2001, qua lời giới thiệu của cô giáo Lê Thị Thu Hồng, dạy trường mầm non ở thôn, Huyên theo học tại trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) tới nay.

Cô Bùi Thị Diệp Anh – giáo viên chủ nhiệm của Huyên cho biết: "Em Huyên là một học sinh khiếm thị tại trường, em cũng học hòa nhập tại Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng em luôn cố gắng vượt qua để học tập. Và em đã đạt học sinh giỏi suốt nhiều năm liền".


Lý Gia Huyên và cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Diệp Anh.

Dù số phận không may mắn, nhưng ý chí và nghị lực bền bỉ của mình, Huyên đã khiến nhiều người khâm phục. Huyên luôn biết cách phân chia thời gian học tập hợp lý, luôn quý trọng và không để thời gian trôi qua lãng phí. Cậu bạn cố gắng tìm ra và nắm vững phương pháp làm bài của từng môn học để đạt hiệu quả nhất. Vì thế nên suốt 11 năm liền cậu đầu đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi toàn diện của trường.

Mẹ con Huyên sống đều cả vào tiền trợ cấp của Nhà nước, do mẹ cậu cũng đau ốm bệnh tật không làm được gì. Ngoài giờ học, vào chủ nhật hàng tuần, Huyên đi làm thêm massage (xoa bóp, bấm huyệt) tận nhà, do khách hàng có nhu cầu hoặc đến Trung tâm của Hội Người mù quận Liên Chiểu để phục vụ lượng khách dư vì Huyên không phải là nhân viên chính thức của Trung tâm. Ngoài ra, Huyên còn có năng khiếu thổi sáo nên thình thoảng có tham gia biểu diễn cùng với công ty Nhân ái và một số đoàn ở Quảng Nam. Huyên vừa học, vừa làm thêm từ lớp 6 tới nay để có tiền trang trải thêm cho việc học.


Lý Gia Huyên và cô giáo chủ nhiệm Bùi Thị Diệp Anh.

Hiện giờ, dù đang là năm cuối cấp nhưng thời gian Huyên đi làm còn nhiều hơn những năm trước. Huyên tâm sự: "Mình sẵn sàng làm những gì có thể làm được để có tiền nuôi ước mơ được đi học ĐH, mình mong muốn thi đậu vào khoa Luật ĐH Khoa học Huế, sau đó có thể về một cơ quan nào đó làm việc để có tiền nuôi mẹ và chữa bệnh cho mẹ".

Nguyễn Dương

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cau-hoc-tro-khiem-thi-vua-hoc-vua-lam-them-674139.htm

Người Thầy (video)

Posted: 15 Dec 2012 02:00 AM PST

Chấm dứt toàn bộ việc dạy thêm học thêm kiến thức phổ thông

Posted: 14 Dec 2012 05:12 PM PST

(GDTĐ) – Chủ trương của Quảng Ninh là Chấm dứt toàn bộ việc dạy thêm học thêm kiến thức phổ thông. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh trong buổi họp chiều 14/12 về đánh giá một năm thực hiện chủ trương chấn chỉnh hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh.


Học sinh Quảng Ninh

Sau một năm triển khai việc chấn chỉnh dạy thêm, học thêm trên địa bàn, Sở GDĐT Quảng Ninh đã tăng cường công tác chỉ đạo các phòng GDĐT và các cơ sở giáo dục trên địa bàn nghiêm túc thực hiện, tăng cường công tác thanh kiểm và xử lý vi phạm.

Đến nay, các hoạt động dạy thêm học thêm của các nhà trường bước đầu đã được chấn chỉnh theo quy định. Tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan trong các cơ sở giáo dục và dạy thêm học thêm trong hè cơ bản đã được chấn chỉnh.

Hầu hết các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh đều đồng thuận với chủ trương chấn chỉnh dạy thêm học thêm của tỉnh. Các hoạt động dạy thêm và học thêm trong các cơ sở giáo dục được tổ chức căn cứ vào nhu cầu tự nguyện của học sinh và được quản lý chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học của các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, còn một số cha mẹ học sinh chưa hiểu đầy đủ chủ trương nên chưa phối hợp với nhà trường trong việc quản lý và tổ chức các hoạt động dạy thêm học thêm đúng quy định và có hiệu quả. Một số cơ sở giáo dục và nhà trường chưa có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để quản lý tốt việc tổ chức dạy thêm học thêm của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường.

Thời gian qua, Quảng Ninh đã có nhiều cố gắng trong việc chấn chỉnh dạy thêm học thêm nhưng hiện tượng dạy thêm học thêm vẫn còn tồn tại và có chiều hướng phát triển một số nhóm nhỏ. Do đó cần nâng cao công tác quản lý của các cấp, tạo sự đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường kết hợp với chấn chỉnh dạy thêm học thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu chấm dứt toàn bộ việc dạy thêm học thêm kiến thức phổ thông; nâng cao chất lượng các môn học chính khóa và nêu cao trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng các nhà trường; đảm bảo việc học thêm phải xuất xuất phát từ nhu cầu chính đáng của học sinh, chứ không phải nhu cầu của phụ huynh và giáo viên.

Lãnh đạo Sở GDĐT phải chịu trách nhiệm chấn chỉnh dạy thêm, học thêm đối với cấp THPT. Các địa phương là Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, nếu còn để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn sẽ cách chức và điều chuyển công tác đối với các trưởng phòng GDĐT. Đối với các trường THPT kể cả công lập và ngoài công lập nếu còn dạy thêm, học thêm, hiệu trưởng sẽ bị kỷ luật.

Phong Huyền

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Cham-dut-toan-bo-viec-day-them-hoc-them-kien-thuc-pho-thong-1965619/

Phương pháp mới giáo dục lối “sống xanh” cho trẻ

Posted: 14 Dec 2012 05:11 PM PST

Tại Việt Nam, "Sống Xanh" hiện được đưa vào giáo dục tại nhiều trường, tuy nhiên mức độ và hiệu quả vẫn còn hạn chế. Vấn đề đặt ra với những người làm công tác giảng dạy là phải làm sao để hướng cho trẻ một tư duy và nhận thức "xanh" vững chắc.

Mới đây, chương trinh ngoại khóa với tên gọi "Vui làm Hiệp Sĩ Xanh, bé Ngại Gì Vết Bẩn" của nhãn hàng OMO đang được áp dụng tại 70 trường tiểu học tại TPHCM. Đây là một phần trong thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn "Phát triển trường học Xanh – Sạch – Khỏe" giữa Bộ GD-ĐT và Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam giai đoạn 2012 – 2016. Qua những trò chơi trực quan sinh động, thiết thựcvà gần gũi giúp trẻ nâng cao nhận thức về việc bảo vệ môi trường. Trong năm đầu tiên, chương trình dự kiến sẽ xây dựng lối "Sống Xanh" cho 70.000 Hiệp Sĩ Xanh.

Trong chương trình "Vui làm Hiệp Sĩ Xanh, bé Ngại Gì Vết Bẩn", các em học sinh được trở làm Hiệp Sĩ Xanh và tham gia các hoạt động vui nhộn, để từ đó, các em được tiếp cận và hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, phân loại và tái chế rác thải…

Các em học sinh trường tiểu học Thanh Đa hào hứng với các hoạt động của chương trình do OMO tài trợ

Các em học sinh trường tiểu học Thanh Đa hào hứng với các hoạt động của chương trình do OMO tài trợ

"Những chương trình như "Vui làm Hiệp Sĩ Xanh, bé Ngại Gì Vết Bẩn" rất thiết thực và bổ ích, giúp các em học sinh nắm bắt vấn đề một cách nhanh chóng và gần gũi hơn rất nhiều, giúp hình thành trong các em một ý thức và trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường" – thầy Nguyễn Hoàng Lâm, Tổng Phụ trách Đội trường tiểu học Thanh Đa (Quận Bình Thạnh) đánh giá cao chương trình.

Sân chơi đầy ý nghĩa "Vui làm Hiệp Sĩ Xanh, Bé Ngại Gì Vết Bẩn" đã góp phần nâng tầm các hoạt động xanh tại các trường tiểu học, tạo nên một phương pháp giáo dục mới trong việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường và hình thành lối sống xanh văn minh, hiện đại cho học sinh.

 Các em học sinh trường tiểu học Thanh Đa hào hứng với các hoạt động của chương trình do OMO tài trợ

 Thích thú khoác áo choàng đỏ, các em nhỏ tỏa ra khắp sân trường để đi thu gom rác.

 Chỉ trong chốc lát, đoàn

 Chỉ trong chốc lát, đoàn

 Chỉ trong chốc lát, đoàn

 Niềm vui của các em nhỏ khi được phong danh hiệp sĩ xanh xuất sắc nhất.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/phuong-phap-moi-giao-duc-loi-song-xanh-cho-tre-673930.htm

Cử nhân sống cơ cực hơn thời sinh viên

Posted: 14 Dec 2012 05:11 PM PST

Cơ cực đời sống cử nhân chờ việc

Tốt nghiệp ngành Kinh tế tại một trường ĐH lớn ở TPHCM nhưng hai năm nay, Ngọc vẫn chưa tìm được công việc đúng chuyên ngành. Phải tự nuôi mình khi bố mẹ ngừng viện trợ, Ngọc đành nhận việc phát tờ rơi cho một công ty với mức lương 2,1 triệu đồng chạy việc từ sáng đến chiều tối.

Ngọc sống chung với 3 người khác trong một phòng trọ 12m2 ở đường Trần Huy Liệu (Q.3) để tiết kiệm tiền phòng. Từ lâu, Ngọc chẳng biết mùi tô hủ tiếu, bún bò mà trường kỳ với cơm rang, mỳ tôm.

Việc làm không ổn định, không ít cử nhân phải

"Tiền nhà, tiền ăn uống, sinh hoạt… tháng nào tôi cũng thiếu tiền. Hồi SV thiếu còn xin bố mẹ được bây giờ đói khổ đến mấy cũng ráng mà chịu. Tôi còn bị gọi "con nợ" vì ngửa tay vay mượn khắp nơi", Ngọc thật tình.

Có thời gian Ngọc đã về quê nhưng không khả quan nên lại trở lại thành phố. Không thể sống nổi với mức lương đi phát tờ rơi, mới đây Ngọc xin đi bán hàng ở chợ đêm Hạnh Thông Tây. Hết giờ làm chính thức, Ngọc khuơ vội chén cơm nguội rồi ra chợ bán hàng đến 11 giờ tối. Về đến nhà là cô gái nằm li bì để ngày mai còn bắt đầu công việc từ lúc 6 giờ sáng.

Công việc bán hàng giúp Ngọc bớt cảnh vay nợ hơn nhưng đổi lại cô không có thời gian để học thêm Ngoại ngữ hay tìm hiểu các thông tin tuyển dụng. "Thêm thời gian nữa là… kiến thức em gửi lại hết cho thầy. Không có điều kiện trau dồi thì sau này xin việc còn khó hơn nữa. Tôi thấy bế tắc kinh khủng nhưng vì mưu sinh đâu dễ theo đuổi hoài bão", Ngọc nói.

Tốt nghiệp ĐH tại Huế, tìm việc ở nhiều nơi không thành, đường về quê cũng không có, Nguyễn Văn Hữu vào Nam kiếm cơ hội. Sau nhiều tháng sống nhờ nhà người quen kiếm việc nhưng không được, Hữu tìm chỗ ở ghép cùng nhiều thanh niên lao động phổ thông tại một phòng trọ ở đường Lũy Bán Bích (Q. Tân Phú, TPHCM) với giá 350.000 đồng. Hữu theo các thanh niên này đi phụ hồ, kiếm được mỗi ngày 150.000 đồng.

Hữu chỉ tiêu cho bản thân một nửa số tiền này, còn lại để góp trả những khoản mượn tiêu tạm trong lúc chưa đi làm và gửi về quê cho bố mẹ trả ngân hàng. Làm việc cực nhọc nhưng không ít hôm hết tiền, Hữu chỉ dám ăn ổ bánh mỳ không, có bữa còn uống nước lọc cầm hơi để ra công trường.

"Ai cũng tưởng đời SV là khổ nhất nhưng hóa ra cử nhân ra trường chưa tìm được việc hay làm những việc tạm thời để sống còn cực hơn nhiều", Hữu buồn bã.

Theo kinh nghiệm của Hữu, với những SV điều kiện gia đình eo hẹp, khi ra trường không tìm được việc gánh rất nhiều nỗi lo. Không chỉ phải tự nuôi sống bản thân mà nhiều bạn phải kiếm tiền để phụ gia đình.

"Sắp tới chị gái cưới chồng, ai cũng nhắc con ra trường lâu rồi phải có quà cưới cho đàng hoàng, tôi chạnh lòng vô cùng. Cả nhà mình em học đại học mà giờ không kiếm nổi chỉ vàng mừng chị, chẳng biết đến bao giờ mới phụ được gia đình", Hữu than thở. Hữu còn báo với bố mẹ mình bận đi công tác nên không thể về dự cưới nhưng thật ra cậu không có tiền xe để đi lại.

Cử nhân phải đối diện với áp lực mưu sinh để nuôi hy vọng tìm được việc.
Cử nhân phải đối diện với áp lực mưu sinh để nuôi hy vọng tìm được việc.

Cựu SV Lê Thúy Mai, quê ở Bình Định cho hay, khi còn đi học tuy chi tiêu cũng eo hẹp nhưng khi khốn đốn như lúc này. Mai làm kế toán cho một công ty với mức lương 1,8 triệu đồng, tất cả mọi sinh hoạt đều xoay quanh khoản tiền đó.

Tại chỗ trọ của Mai tập hợp rất nhiều cử nhân tốt nghiệp từ nhiều trường sống chen chúc ở những căn phòng ghép, ăn uống hết sức khổ sở và tằn tiện vì không có tiền. Nhiều bạn đi phục vụ ở đám cưới, phát tờ rơi hay đi tiếp thị theo thời vụ cho các nhãn hàng hoặc đi bán hoa vào các ngày lễ…

"Nói ra chắc không ai tin, có người khi bệnh không có lấy một đồng xu để mua thuốc nên nằm quắp queo ở phòng. Nhiều anh chị còn không dám nói mình tốt nghiệp ĐH vì đời sống và sinh hoạt như vậy nên ngại với các em SV", Mai nói.

Học cao học để… trốn áp lực

Do không kiếm được việc làm nên có một thực tế hiện nay là không ít cử nhân dù có bằng Giỏi, bằng Khá đành phải tiếp tục kéo dài cuộc sống SV bằng nguồn trợ cấp từ gia đình để đeo đuổi tìm việc.

Tr.N.A, tốt nghiệp một trường ĐH Kinh tế cho hay nguyên cả năm nay chưa tìm được việc nên cậu vẫn sống bằng viện trợ từ gia đình. Đầu tháng, bố mẹ vẫn gửi vào tài khoản 3 triệu đồng cho con trai chi tiêu. 4 tháng nay, A. đang xin làm tại một công ty về xuất nhập khẩu với mức lương tượng trưng để lấy kinh nghiệm.

Sinh viên tốt nghiệp đại học đang rất khó khăn tìm việc làm.
Sinh viên tốt nghiệp đại học đang rất khó khăn tìm việc làm.

"Tôi vẫn mong được làm việc đúng chuyên môn mình đã được đào tạo nên thu nhập thấp đến mấy cũng ráng. Nhiều lúc chán nản vô cùng vì công ty cắt giảm nhân sự ầm ầm, mình không có cơ hội để vào, việc thì ít mà người thi đông. Cứ xin tiền tiêu hoài nên bố mẹ cũng lo mà tôi thì rất căng thẳng, chỉ muốn bỏ hết tìm đại việc nào đó nuôi được mình cho xong", A. nói.

Mòn mỏi không xin được việc, không ít cử nhân tính đến chuyện tiếp tục học lên cao học hoặc thêm văn bằng hai để tránh áp lực từ cuộc sống và gia đình. Nếu như nhiều người học cao học có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng thì không ít người đi học chỉ vì… thất nghiệp.

Cử nhân Sư phạm N.V.Kh. cho biết, sau cả năm về quê chờ việc không có kết quả, trở lại thành phố đi gia sư như hồi SV. Năm rồi Kh. quyết định thi cao học để lỡ khi có người hỏi han về công việc còn biết đường… trả lời.

"Tôi muốn đi dạy để nâng cao nghề nghiệp rồi mới tính chuyện học lên nhưng giờ không tìm được việc đành phải học cho bớt căng thẳng, bố mẹ ở nhà cũng yên lòng hơn cho dù hàng tháng phải kiếm tiền gửi cho con", Kh. bày tỏ và khẳng định nhiều người cùng lớp học lên thạc sĩ chỉ vì không kiếm nổi việc làm. Họ hy vọng sau kho học cao học sẽ có nhiều cơ hội hơn.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, những người ra trường không làm việc đúng sở thích và ngành nghề được đào tạo sẽ không có cơ hội phát huy được khả năng của mình. Họ dễ bị ức chế về tâm lý vì không được theo đuổi công việc yêu thích và thua kém những người khác.

(Còn tiếp)

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/cu-nhan-song-co-cuc-hon-thoi-sinh-vien-673894.htm

Thủ tướng: ‘Việt Nam chúng ta đang thiếu cả thầy và thợ’

Posted: 14 Dec 2012 05:10 PM PST

Sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi đối thoại trực tiếp với thanh niên trên cả nước. Cùng dự buổi đối thoại với thanh niên còn có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng các Bộ GDĐT, KHCN, LĐTBXH, GTVT…

Thủ tướng cho biết, trong thời kì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta có những thành tựu nhất định, cơ bản giữ được ổn định kinh tế vĩ  mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm được an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, ổn định chính trị xã hội. Và, trong thành tựu đó có sự đóng góp lớn của thanh niên.

Trả lời câu hỏi của thanh niên về tìm kiếm nghề nghiệp, việc làm: Thực tế chúng ta đang đào tạo tràn lan, mất cân đối các trường nghề, trung cấp; sinh viên tốt nghiệp nhưng gặp khó khăn trong quá trình xin việc…Thủ tướng cho biết, đây là một vấn đề lớn và khó. Hiện, chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang thiếu cả thầy và thợ chứ không phải thừa thầy thiếu thợ.

Việt Nam chúng ta đến năm 2012 có khoảng 88 triệu dân số, trong đó dân số độ tuổi lao động là 60 triệu người, chiếm 66% dân số. Có thể nói, đất nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng, có nghĩa hai người độ tuổi lao động "gánh" một người đi kèm.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trong buổi đối thoại với thanh niên. Ảnh TPO

Theo Thủ tướng, giai đoạn dân số vàng này dự báo kéo dài 30 – 35 năm. Trong số 60 triệu người độ tuổi lao động đến 2012 này, số lao động được qua các cấp đào tạo là 46%, tức là 100 người mới có 46 người được đào tạo qua các cấp học. Trong số 46% chỉ có 8% được đào tạo đại học, cao đẳng, trong khi đó, các nước phát triển, các lao động trong độ tuổi đều được đào tạo và được đào tạo lại, tỷ lệ cao đẳng, đại học là khá cao, cao hơn Việt Nam, thí dụ Malaysia 20,1%, Thái lan 14, 2%…

Mặt khác, nếu tính tỷ lệ sinh viên thì tính đến năm 2011, Việt Nam mới có 250 sinh viên cao đẳng, đại học trên một vạn dân, trong khi tỷ lệ Thái Lan là 374, Hàn Quốc 674, Anh 380, Mỹ 576… Theo dự kiến, ở nước ta, đến năm 2015, tỷ lệ này sẽ đạt 300 và năm 2020 đạt 350 đến 400 sinh viên trên một vạn dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhận định rằng, Việt Nam chúng ta đang thiếu cả thầy và thợ, trong khi cơ chế đào tạo chưa hợp lý. Để giải quyết bài toàn này, Chỉnh phủ đã ban hành chiến lược về phát triển đào tạo, dạy nghề đến 2020, chiến lược và quy hoạch nguồn nhân lực.

Hiện nay cả nước hiện có 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng. Lực lượng này rất cần thiết cho đất nước, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để cho sinh viên không bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã đặt ra mục tiêu hỗ trợ cụ thể.

Theo Thủ tướng, những em chưa đủ điều kiện vào đại học, cao đẳng thì con đường vào học trung cấp, học nghề cũng rất tốt. Con đường các em có thể lập thân, lập nghiệp, khẳng định mình bằng cách vừa học vừa làm, học trong cuộc sống, học trong trường đời, học liên thông, học tại chức.

Trả lời câu hỏi từ PGS. Bùi Thế Duy (PGĐ Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) về việc có chính sách gì để thu hút lưu học sinh về nước làm việc khi kết thúc khóa học, vì thực tế ngoài trở ngại thu nhập thấp còn có khả năng không được trọng dụng…? Thủ tướng khẳng định, đất nước đang cần đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, cả thầy và thợ đểu cần có trình độ, kiến thức, kỹ năng thực sự. Hơn 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, định cư ở nước ngoài, trong đó khoảng 100.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang học ở các nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích đồng bào, thanh niên đang định cư học tập ở nước ngoài về làm việc trong nước.

Thực tế, những chính sách đó chưa thoả mãn nhu cầu của người làm việc được đào tạo sâu ở các chuyên ngành khác nhau. Chính phủ sẽ tạo điều kiện phù hợp để thanh niên có trình độ cao ở các nước về làm việc. Chính phủ đang rà soát bổ sung các cơ chế chính sách thu hút lưu học sinh.

"Tôi mong rằng, mọi công dân Việt Nam, đồng bào đang định cư ở nước ngoài, thanh niên đang học ở nước ngoài cũng chia sẻ với đất nước mình. Đất nước tuy đã vượt qua tình trạng nước nghèo kém phát triển, đang phát triển có nhu nhập trung bình, nhưng còn rất nhiều khó khăn do hậu quả của chiến tranh để lại", Thủ tướng nói.

Chính vì vậy, thanh niên cần hiểu và chia sẻ với khó khăn của đất nước mà về đất nước tìm vệc làm phù hợp với mình, cho gia đình và đóng góp cho đất nước. Như trường hợp GS Ngô Bảo Châu là một ví dụ. GS nói làm việc với lương của Việt Nam thấp xa so với nhiều trường trên thế giới nhưng sẵn sàng về Việt Nam, một năm dành ba tháng làm việc đóng góp cho đất nước.

Bạn Đặng Tất Dũng, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Vương quốc Anh, nói: Tỷ lệ các bạn lưu học sinh sau khi tốt nghiệp không chọn trở về, mà ở lại nước sở tại làm việc còn cao. Có lẽ không phải do các bạn không muốn quay về, mà có thể do môi trường làm việc trong nước chưa tạo cơ hội cho họ phát huy hết khả năng của mình… xin Thủ tướng cho biết chiến lược, chính sách, nguồn sử dụng các nguồn lao động chuyên nghiệp, nhân lực chất lượng cao?

Nhìn thẳng vào vấn đề, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đất nước hết sức coi trọng nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, có thực tế cơ chế quản lý phát triển nhân lực chưa có tầm nhìn dài hạn. Đến năm 2010 có hệ thống đào tạo tương đối phát triển. Nhưng không có một cơ quan quốc gia dự báo vấn đề nhân lực, có tầm nhìn dài hạn. Vì vậy, công tác đào tạo dựa vào khả năng đào tạo, chứ chưa bám vào nhu cầu xã hội.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020, với mục tiêu đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng được quy hoạch nguồn nhân lực quốc gia. Lần đầu tiên chúng ta có một đầu bài về đào tạo nhân lực. Trong đó nêu rõ, một trong hai trụ cột mới phát triển kinh tế, ngoài việc sử dụng vốn và đất thì sử dụng con người và khoa học công nghệ. Về việc sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao. Ta cần đặt ra câu hỏi, ai là người cần nguồn nhân lực có trình độ cao?

Phó Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta đã gặp nhiều than phiền về vấn đề này, từ phía các doanh nghiệp, các địa phương về vấn đề thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Nay ta phải thay đổi, ai cần phải cùng bắt tay hành động cùng với nhà nước.

Để giải quyết vấn đề đó, hiện tại chúng ta có hai Đại học Quốc gia Hà Nội và TPHCM, các khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), khu công nghệ cao TPHCM… các đại học, khu công nghệ là nơi thu thút nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Thu-tuong-Viet-Nam-chung-ta-dang-thieu-ca-thay-va-tho/259338.gd

Cần sự đổi mới thường xuyên trong kiểm tra đánh giá và phương thức tổ chức học

Posted: 14 Dec 2012 05:10 PM PST

(GDTĐ) – Sáng 14-12, Trường ĐH Sài Gòn đã tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc về " đổi mới kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ". Hội thảo đã thu hút gần 80 tham luận, báo cáo khoa học từ những nhà quản lý giáo dục các trường trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Ngoạn, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Với mục tiêu không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, hội thảo sẽ tập chung vào những vấn đề mang tính thực tiễn, chỉ ra những vướng mắc, nhằm đánh giá được tốt nhất phương thức đào tạo mà các trường đang áp dụng và triển khai.

Đổi mới phải triệt để: 

Nội dung hội thảo lần này tập trung vào 3 nhóm về đề chính của việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ, nên phần lớn các tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu xoay quanh 3 nhóm vấn đề cụ thể: Mối liên hệ giữa phương pháp dạy-học và kiểm tra đánh giá trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Những hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả tự học của sinh viên. Đổi mới kiểm tra đánh giá quá trình học tập của SV trong đào tạo theo hệ thống tín chỉ.  


Quảng cảnh hội Thảo

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, Nguyên hiệu trưởng trường CBQL-Bộ GD-ĐT cho rằng: Đào tạo hệ thống tín chỉ có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Nước này chuyển từ nền giáo dục ĐH tinh hoa sang giáo dục ĐH đại chúng nên họ đã chọn con đường đào tạo tín chỉ. Chúng ta đang đi những bước đầu tiên, nhưng việc thành công là điều đã nhìn thấy.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Quốc Bảo để phương thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ được hiệu quả, các trường cần đảm bảo được hai loại vấn đề; Vấn đề "Tổ chức-Sư phạm và vấn đề "Kinh tế-giáo dục". Không có sự vận dụng hài hòa cả hai loại vấn đề này, mà đã triển khai thì thường có sự méo mó và chệch choạc. Nó dẫn đến việc đào tạo không hiệu quả, dẫn đến sự phá hoại cấu trúc toàn vẹn của quá trình giáo dục đại học.

Chính vì thế, để phương thức đào tạo mới này ổn định, chất lượng đào tạo vượt lên với phương thức đào tạo truyền thống, các trường cần phải có một phương án tài chính đủ mạnh, phương thức đào tạo phải đảm bảo được 2 yếu tố: "nhân cách", đào tạo "con người". Bởi sản phẩm của giáo dục cốt yếu là 2 cái đó.  

PGS.TS Lê Đức Ngọc, giám đốc Trung tâm đo lường và đánh giá giáo dục, thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập thì cho rằng: Ngoài các giải pháp chiến lược, giải pháp tài chính và phương thức giáo dụng linh động, các trường cần đẩy mạnh hơn công tác kiểm tra đánh giá (KTĐG). Bởi theo ông đào tạo theo học chế tín chỉ-một học chế lấy người học làm trung tâm, lấy tự học làm chính thì hoạt động KTĐG cũng phải tương ứng và thường xuyên được đổi mới.

KTĐG trước tiên nhằm hỗ trợ người học điều chỉnh các hoạt động học tập, biến các công cụ đánh giá (hàng ngàn câu hỏi bài tập) thành công cụ tự học môn học cho SV.  Trước đây, với triết lý dạy học là truyền thụ kiến thức-kỹ năng-phẩm chất cho người học nên công tác KTĐG chủ yếu lấy nội dung kiến thức-kỹ năng người học được đào tạo làm chính. Nhưng ngày nay, triết lý dạy học đã thay đổi thành dạy học là dạy cách học (cách chiếm lĩnh kiến thức-kỹ năng-phẩm chất). Do đó, nội dung KTĐG phải lấy năng lực nhận thức( nhớ, hiểu, ứng dụng, phân tích và tư duy sáng tạo), năng lực tư duy và năng lực xã hội mà người học được giáo dục làm chính. Làm tốt và đổi mới phương thức KTĐG theo hướng trên, việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ mới hiệu quả, GV mới không lúng túng và dạy học tích hợp hơn. 

Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM thì trong thực tế việc áp dụng học chế tín chỉ ở các trường ĐH nước ta trong mấy năm qua chưa tiến triển nhiều vì các nhà quản lý GDĐH cũng như các giảng viên ĐH chưa hiểu biết đầy đủ về học chế này. Do đó, để đổi mới quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ hiệu quả, triệt để, các trường cần phải tiến hành đồng thời 5 nhóm giải pháp: Đổi mới chương trình và nội dung đào tạo. Đổi mới phương pháp dạy (chú trọng thảo luận). Đổi mới phương pháp học tập (chú trọng học nhóm). Đổi mới việc kiểm tra đánh giá (chú trọng đánh giá thường xuyên) và Đổi mới cách biên soạn giáo trình và tài liệu tham khảo. 

Hướng đến phục vụ người học: 

Theo TS Phạm Xuân Thanh, Phó cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định CLGD, Bộ GD-ĐT thì ngoài công tác đổi mới việc KTĐG một cách toàn diện, việc cung cấp thông tin phản hồi sau KTĐG, tạo động lực cho người học thông qua KTĐG cần được các trường chú trọng hơn. Bởi theo ông hiện nay, hiện tượng chú trọng điểm số vẫn còn rất đậm nét, công tác đa dạng hóa thi kiểm tra nhằm phát triển các phẩm chất của người học vẫn chưa được chú trọng. Chính vì thế, việc xây dựng cơ chế đảm bảo chất lượng trong KTĐG, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giảng viên, khai thác tốt khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng làm việc nhóm, khả năng trình bày, giao tiếp nơi người học…sẽ góp phần không nhỏ trong việc hướng đến công tác nâng cao chất lượng vì người học.

Ý thức tự giác của sinh viên luôn là yếu tố quyệt định mọi việc
Ý thức tự giác của sinh viên luôn là yếu tố quyệt định mọi việc

TS Tôn Thất Dụng, trường ĐH Sư Phạm Huế thì lại cho rằng: Ưu điểm của đánh giá trong đào tạo theo học chế tín chỉ là đánh giá cả quá trình học, đánh giá năng lực tự học của SV. Do vậy, theo ông, các trường cần tổ chức đa dạng các hoạt động đào tạo với cách đánh giá thích ứng, nhằm giúp SV thể hiện được các năng lực hiện có, đồng thời nâng cao tiềm lực của mình. Đặc biệt, các trường phải mạnh dạn loại bỏ những quán tính cũ để xác lập một cách thức đánh giá hiệu qủa và có độ tin cây cao, tạo ra một hợp lực để xóa bỏ cái cũ, trì trệ để xây dựng cái mới, hướng những sự đổi mới đến một mục tiêu: phục vụ và nâng cao môi trường học tập cho SV.

Đổi mới phương pháp giảng dạy theo nhiều đại biểu là việc làm cần thiết khi các trường chuyển đổi hình thức theo đào tạo tín chỉ. Trong đó, bao gồm cả công việc hướng dẫn SV tự học và nghiên cứu. Đây là hình thức học tập không thể thiếu được của SV.

Trên thực tế, theo khảo sát của TS Tô Minh Thanh, Phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng trường ĐH KHXHNV TP.HCM việc tổ chức hoạt động tự học một cách hợp lý, khoa học, hiệu quả là trách nhiệm không chỉ ở thầy và trò mà còn là hệ thống đào tạo của nhà trường.

Theo nghiên cứu, SV có nhận thức đúng về tầm quan trọng của hoạt động tự học chiếm tỉ lệ khá cao (79,5%). Trong đó, 75,7% SV được khảo sát cho biết hoạt động tự học giúp họ chủ động và linh hoạt hơn trong học tập. Tuy đánh giá cao về những lợi ích mà việc tự học mang lại. Nhưng tỉ lệ SV hài lòng với phương pháp và hiệu quả của hoạt động tự học vẫn còn khá thấp khi chỉ 17% SV được khảo sát hài lòng, 64,5% tạm hài lòng bởi những khó khăn trong thích ứng, tìm tòi tài liệu nghiên cứu  cho phương thức học tập theo học chế tín chỉ. 

Chính vì thế, theo Th.s Nguyễn Ngọc Diệp, Khoa Lý luận Chính trị, trường ĐH Thương Mại, các trường muốn nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì cần nâng cao chất lượng nghiên cứu của SV, mà trước hết là nâng cao ý thức tự giác nơi họ.

Bên cạnh đó, giảng viên cần định hướng cho SV nội dung tự nghiên cứu một cách khoa học. Bởi đối với SV, xác định rõ ràng, khoa học nội dung tự nghiên cứu có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả nghiên cứu của họ. Đặc biệt, việc hình thành kỹ năng tự nghiên cứu, phương pháp hệ thống hóa tài liệu học tập và tài liệu tham khảo để giúp họ tự nghiên cứu… theo Th.s Diệp là cực kỳ quan trọng. Vì nó không chỉ giúp SV chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, mà còn giúp giảng viên dễ hướng việc dạy theo phương thức lấy SV làm trung tâm được dễ dàng và hiệu quả hơn.

Anh Tú

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201212/Can-su-doi-moi-thuong-xuyen-trong-kiem-tra-danh-gia-va-phuong-thuc-to-chuc-hoc-1965604/

Comments