Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Công nhận chức danh 467 giáo sư, phó giáo sư

Posted: 10 Dec 2012 06:01 PM PST

- Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước chính thức công bố danh sách các tân giáo sư
(GS), phó giáo sư (PGS) được xét duyệt năm 2012.

 

GS Trần Văn Nhung tặng hoa cho các tân GS, PGS năm 2011

 

Năm nay, có 41 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, trong đó có 1
ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS đặc cách.

426 ứng viên
được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, 1 ứng viên được đề nghị công nhận đạt
tiêu chuẩn chức danh PGS đặc cách.

Nhà khoa học được đặc cách xét chức danh GS là ông Phùng Hồ Hải, phó Viện trưởng
Viện Toán học, sinh năm 1970. Anh cũng là GS trẻ nhất trong năm 2012.

PGS trẻ nhất trong năm nay là Nguyễn Khánh Diệu Hồng sinh năm 1981, công tác tại
Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Năm 2011, có 34 giáo sư và 374 phó giáo sư được tôn vinh.

  • N.Hiền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/100486/cong-nhan-chuc-danh-467-giao-su--pho-giao-su.html

Chung tay tương trợ gia đình giáo viên qua đời

Posted: 10 Dec 2012 06:00 PM PST

Chúng tôi được thầy Phạm Văn Báo – Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Vĩnh Long cho biết, ở Vĩnh Long từ nhiều năm nay có một nguồn góp tương trợ quý báu dành cho những cán bộ, giáo viên (GV), công nhân viên trong ngành rất có ý nghĩa đó là "tương trợ giáo viên qua đời".

 

Thầy Phạm Văn Báo (

Từ tương trợ gia đình các giáo viên qua đời…

Nói về xuất phát ý tưởng ra đời nguồn tương trợ này, thầy Báo kể lại, hồi năm 1992, khi đó thầy là Chủ tịch Công đoàn cơ sở một trường THPT ở Tam Bình, trong lần đi dự đám tang một GV chẳng may bị bệnh qua đời, thầy thấy hoàn cảnh của GV này hết sức khó khăn. Người GV ra đi để lại vợ con sống trong cảnh túng thiếu, nghèo khổ nên ai cũng xót xa. Lúc đó, bản thân thầy Báo rất cảm thương cho hoàn cảnh của người thân của đồng nghiệp và thầy còn cho biết, vào thời điểm đó có rất nhiều hoàn cảnh tương tự như thế.

Từ những hình ảnh mà thầy Báo tận mắt chứng kiến tại các đám tang của đồng nghiệp, trong đầu thầy Báo nảy sinh ý nghĩ: đồng lương GV đã ít ỏi, vì một lý do nào đó mà một thầy giáo là trụ cột gia đình mất đi thì vợ con của họ sẽ sống thế nào hoặc một cô giáo mất đi thì cuộc sống của chồng con cũng sẽ lắm khó khăn. Thầy Báo cho biết, sau một thời gian suy nghĩ, thầy thấy rằng nếu có sự tương trợ của các đồng nghiệp biết đâu sẽ đỡ đần được những đồng nghiệp có hoàn cảnh không may.

Theo thầy Báo, hồi những năm 1993- 1994, toàn ngành giáo dục Vĩnh Long có khoảng 7.000 cán bộ, GV, công nhân viên, nếu mỗi người góp 1.000 – 2.000 đồng thì sẽ được một khoản tiền không nhỏ để có thể hỗ trợ cho các gia đình đồng nghiệp phần nào đó trong cuộc sống. Ý tưởng này của thầy Báo được lãnh đạo cũng như thành viên trong Công đoàn ngành nhiệt tình tán thành.

Thế rồi, một văn bản "tương trợ giáo viên qua đời" chính thức được Công đoàn ngành Giáo dục Vĩnh Long cho "ra đời" vào năm 1994 với nội dung chủ yếu là khi có một cán bộ, GV, công nhân viên trong ngành qua đời thì tất cả những đồng nghiệp còn lại sẽ góp 1% lương tối thiếu (khoảng 1.200 đồng) gọi là phúng điếu. Toàn bộ số tiền này là sự đóng góp tự nguyện và sẽ được gửi đến gia đình có GV qua đời.

Cho chúng tôi biết thêm, thầy Báo nhớ lại, cô giáo N.T.H (GV một trường tiểu học ở huyện Trà Ôn) là GV được nhận sự tương trợ đầu tiên trong ngành. Sau khi nhận được thông tin cô H. bị bệnh ung thư qua đời, ngành GD đã góp được khoảng 7,8 triệu đồng. Sau đó, có trường hợp thầy giáo N.A.D (lãnh đạo một trường tiểu học ở huyện Tam Bình) mất do bệnh teo cơ, ngành hỗ trợ được 8,2 triệu đồng. "Nhờ số tiền của ngành hỗ trợ mà người thân của cô H., thầy D. đỡ đần được chi phí mai táng, chuộc lại đất cầm cố và lo thêm cho con cái ăn học", thầy Báo cho biết.

Từ những năm 1994 trở đi, nguồn "tương trợ giáo viên qua đời" ngày càng được tăng lên theo thời gian. Thầy Báo cho hay, ban đầu các GV góp 1.200 đồng, sau đó tăng dần và đến nay là chừng 2.500 đồng, với tổng số tiền hỗ trợ hiện nay khoảng 43 triệu đồng/người. Một con số hỗ trợ không nhỏ bởi từ 7.000 cán bộ, GV, công nhân viên thì đến nay toàn tỉnh đã có trên 17.000 người tham gia. Theo thầy Báo, 18 năm qua, nguồn tương trợ đã chia sẻ đến khoảng 300 gia đình các GV qua đời, với số tiền gần 10 tỷ đồng.

 

….Đến tương trợ GV mắc bệnh hiểm nghèo

Sau khi nguồn "tương trợ giáo viên qua đời" thể hiện được tinh thần lá lành đùm lá rách, nhận được nhiều nghĩa cử cao đẹp của cán bộ, GV, công nhân viên trong ngành, thầy Báo cho biết vào năm 2010, Công đoàn ngành tiếp tục triển khai phát động "tương trợ giáo viên bệnh hiểm nghèo".

Theo thầy Báo, khi có thông tin từ công đoàn cơ sở báo lên về trường hợp GV, công nhân viên nào đó mắc bệnh thì công đoàn tỉnh sẽ cử người xuống tận nơi để thăm hỏi, xem xét. Sau đó, tùy vào mức độ bệnh mà ngành có quyết định hỗ trợ để đồng nghiệp của mình đi chữa trị. Mặc dù hiện nay đời sống GV, công nhân viên ngành giáo dục có ổn định hơn trước nhưng vẫn còn nhiều trường hợp khó khăn. Bên cạnh đó, các căn bệnh hiểm nghèo thường có chi phí điều trị rất cao nên toàn ngành hỗ trợ được phần nào đó cũng nhằm mang đến cho đồng nghiệp thêm tinh thần vượt qua bệnh tật.

Hiện nguồn tương trợ này đã vận động được trên 400 triệu đồng, hỗ trợ cho trên 20 trường hợp GV, công nhân viên bị bệnh, có người thân bị bệnh ở trong tỉnh Vĩnh Long. Như một giáo viên ở TP.Vĩnh Long đã nhận được nguồn hỗ trợ này là cô N.T.T.N, bị bệnh ung thư tủy cấp tính. Hiện cô N. đã thực hiện thành công ca ghép tủy và sức khỏe ổn định. Và còn nhiều GV khác trong tỉnh Vĩnh Long đã vượt qua nhưng cơn nguy hiểm khác như bệnh suy thận, ung thư, tim mạch… khi có sự hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần của đồng nghiệp.

Nhiều GV chia sẻ với chúng tôi rằng, dù nguồn hỗ trợ tuy không lớn về vật chất nhưng lại rất lớn về tinh thần. Bởi người bệnh họ thường rất cần, rất quý sự chia sẻ tinh thần của người thân, của bạn bè đồng nghiệp. Nhiều GV cũng cho biết, các nguồn tương trợ cần được thực hiện lâu dài để san sẻ sự quan tâm lẫn nhau của những đồng nghiệp trong ngành và không chỉ ngành giáo dục mà có thể lan rộng qua nhiều ngành nghề khác.

Huỳnh Hải

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chung-tay-tuong-tro-gia-dinh-giao-vien-qua-doi-672356.htm

Sau năm 2015: Giáo dục phổ thông sẽ phát triển năng lực của học sinh

Posted: 10 Dec 2012 05:59 PM PST

(GDTĐ)- Sáng nay (10/12), tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã dự và phát biểu khai mạc hội thảo "Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông- Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam". Đây là hoạt động của dự án xây dựng chương trình giáo dục phổ thông trong Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và Đan Mạch. 

Hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học giáo dục, nhà nghiên cứu uy tín trong nước và nước ngoài. Hội thảo sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ 10 đến 13/12) để các đại biểu thảo luận, đóng góp các ý kiến trong các nhóm thảo luận và đưa ra cho đoàn chủ tịch trong phiên thảo luận cuối cùng.


 hội thảo "Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông- Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam".  Ảnh, gdtd.vn

Tại hội thảo, các nhà khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ các nghiên cứu về; mục tiêu, chuẩn đầu ra của giáo dục phổ thông và của từng cấp học; năng lực và cách thức xác định các năng lực chung cốt lõi của học sinh; xây dựng kế hoạch dạy học, xác định các lĩnh vực/môn học và thời lượng cho mỗi lĩnh vực/môn học; phương án thực hiện dạy học tích hợp và dạy học phân hóa; phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh; nội dung và hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập; hình thức thử nghiệm, tiêu chí đánh giá chương trình, SGK; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo định hướng phát triển năng lực học sinh… Các nghiên cứu này đã được các nhà khoa học giáo dục của Việt Nam nghiên cứu dựa trên kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và các nước trong khu vực có nền giáo dục có nhiều thành tựu.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn vinh Hiển nhận định: Để thực hiện tốt việc đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông cần có nguồn lực. Hiện ngành giáo dục đang thiếu nhiều nguồn lực để thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông như: đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Do vậy muốn xây dựng chương trình SGK mới phải xuất phát từ thực tiễn của Việt Nam và kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để học hỏi. Làm thế nào đó để chương trình dạy học của Việt Nam có tính khả thi, đáp ứng được nhu cầu dạy và học ở nhiều vùng miền khác nhau của đất nước theo định hướng: không chỉ quan tâm đến trang bị kiến thức kĩ năng mà còn quan tâm đến việc sau đó học sinh làm được cái gì, học sinh có ứng dụng được những kiến thức kĩ năng đã học vào trong cuộc sống và ngay vào trong quá trình học tập hay không.

Bá Hải

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201212/Sau-nam-2015-Giao-duc-pho-thong-se-phat-trien-nang-luc-cua-hoc-sinh-1965494/

Tương lai mới cho quan hệ giáo dục Việt Nam

Posted: 10 Dec 2012 05:59 PM PST

Trong buổi hội thảo sáng nay, đã có 7 cơ sở giáo dục đại học từ Ireland đến Hà Nội để giao lưu và tìm cơ hội hợp tác lâu dài, phía Việt Nam cũng có nhiều trường mong muốn hợp tác lâu dài với Ireland.

Đại diện phía Ireland cho rằng, việc quốc tế hóa và phối hợp hợp tác trong giáo dục là rất quan trọng, hiện tại đã có khoảng 11% sinh viên đang học ở Ireland đến từ các nước châu Á, hy vọng từ nay tới năm 2015 số lượng này sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt là phải tìm ra hướng hợp tác để sinh viên Việt Nam đến với Ireland sẽ tăng lên trong những năm tới.

Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang (Bộ GDĐT Việt Nam), cho biết tiềm năng quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Ireland trong giáo dục là rất nhiều. Để thấy được cơ hội mở trong vấn đề phối hợp, hợp tác đào tạo liên kết với nước ngoài, ông Vang dẫn ra một loạt các quyết định, văn bản pháp quy cho việc phối hợp này.

Theo vị Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài, Chính phủ Việt Nam luôn mở rộng và coi trọng việc hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, trong đó có Ireland. Trong các văn bản pháp quy trên đang chú ý là QĐ 911 về việc có kế hoạch gửi 10.000 sinh viên Việt Nam sang nước ngoài học tập, trong giai đoạn 2010-2020 sẽ đưa 23.000 người đi đào tạo Tiến sĩ tại nước ngoài. Hiện tại, con số sinh viên đang lưu học tại nước ngoài là 100 nghìn người, bình quân mỗi năm nhà nước đưa 10.000 người ra nước ngoài học tập. Với số lượng này hàng năm Chính phủ Việt Nam phải chi một khoản kinh phí không hề nhỏ.


Bộ trưởng Giáo dục Ireland, ông Ciaran Cannon cho biết lần sang Việt Nam này là cơ hội và hy vọng sẽ tạo ra mối quan hệ lâu bền giữa nền giáo dục hai nước. Ảnh Hoàng Lâm.

Ireland là một đất nước có dân số hiện tại khoảng 4,5 triệu người. Tuy nhiên, nền giáo dục ở đây đã đạt được những thành tựu lớn. Hiện có nhiều trường ĐH nổi tiếng thế giới, đáng kể nhất là ĐH Dublin được thành lập từ thế kỷ thứ 16, thu hút nhiều sinh viên tới học, trong đó có sinh viên Việt Nam.

Đại diện cho nền giáo dục Ireland cho biết, giáo dục là một trong những vấn đề được Chính phủ Ireland chú trọng đầu tư để phát triển. Muốn giáo dục phát triển, Chính phủ Ireland đã quan tâm tới chế độ thuế rất ưu đãi. Chính vì thế, trong những năm qua, giáo dục Ireland đã hưởng nhiều chế độ giáo dục công lập miễn phí, bắt đầu từ những năm 1960.

Hiện tại có 85% học sinh Ireland tốt nghiệp phổ thông và con số tiếp tục đi học đại học là 65%. Một nền giáo dục hiện đại với nhiều điểm giống nước Anh láng giềng, Ireland có chương trình học tiên tiến với 6 năm cho tiểu học và 3 năm đầu học phổ thông. Với năm thứ 4 những học sinh sẽ được chuyển tiếp để hình thành khả năng hướng nghiệp. Hàng năm luôn thu hút tới hàng chục nghìn sinh viên tới đây học tiếng Anh và thu được kết quả học tập cao.

Với sinh viên học đại học chỉ cần học 3 năm sẽ có bằng cử nhân, những sinh viên có nhu cầu sẽ được ở lại 1 năm tại Ireland để tìm việc, và những ai có năng lực sẽ có nhiều đầu mối việc làm hấp dẫn tại đây. Một điểm mạnh của nền giáo dục Ireland là giữa nhà trường và các doanh nghiệp luôn có mối liên kết trong tổ chức đào tạo, sinh viên học xong không sợ thất nghiệp.


Buổi hội thảo thu hút các trường ĐH hàng đầu ở Ireland và các trường ĐH của Việt Nam tham dự. Ảnh Hoàng Lâm

Bên cạnh đó, trong quá trình học tập tại Ireland sinh viên sẽ có cơ hội tìm được nhiều nguồn học bổng toàn phần hấp dẫn. Với mức học phí dao động trong khoảng 8.000-22.000 Euro được cho là mức đóng góp vừa phải so với các nước như Anh, Mỹ hay Australia…

Cũng trong buổi Hội thảo sáng nay, lần đầu tiên đến với Việt Nam, Bộ trưởng Giáo dục Ireland -Ngài Ciaran Cannon cho biết, lần sang Việt Nam này là cơ hội và hy vọng sẽ tạo ra mối quan hệ lâu bền giữa nền giáo dục hai nước. Cơ hội hôm này là điều kiện thuận lợi  giữa các cơ sở giáo dục hai nước trong việc phối hợp hợp tác lâu dài. Hiện nay, nền giáo dục Ireland đã được cả thế giới thừa nhận, đặc biệt có thế mạnh trong các ngành Dược và Y. "Nhận thấy tầm quan trọng trong việc phát triển hợp tác giáo dục tại Việt Nam, những sinh viên nước ngoài đang học tập tại Ireland tương lai họ sẽ trở thành những đại sứ quán sau này, đó là những đối tác lâu dài của chúng tôi. Đối với Ireland – hệ thống giáo dục chất lượng cao đã trở thành điểm nam châm thu hút nhiều người học hơn. Đó là những thành tựu tuyệt vời", Ngài Ciaran Cannon nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ciaran cũng bày tỏ lần thăm Việt Nam lần này cũng là các bước cho quan hệ hợp tác giáo dục giữa hai nước trong tương lai, và hy vọng trong những thời gian tới sẽ vinh dự được chào đón các phái đoàn Việt Nam sang thăm Ireland.

Đại diện cho một trường ĐH hàng đầu của Việt Nam, PGS.TS.NGƯT Phùng Xuân Nhạ – Phó Giám đốc ĐH QG Hà Nội cho biết, giáo dục luôn luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội. Hiện Chính phủ Việt Nam luôn đặt ưu tiên hàng đầu cho phát triển giáo dục. Muốn cải thiện được chất lượng giáo dục cần thúc đẩy hội nhập quốc tế, cải thiện chất lượng giáo dục, đặc biệt chú ý tới các trường ĐH, CĐ hàng đầu trên thế giới là chiến lược quan trọng. Đó là một trong những điều quan trọng để có được các mối quan hệ trong tương lai.

"Quốc tế hóa giáo dục cao học không chỉ là xu thế toàn cầu để hướng tới môi trường cạnh tranh cao hơn. Ireland là quốc gia phát triển, một nền giáo dục có mô hình tiên tiến, có mối quan hệ phù hợp với Việt Nam" ông Nhạ cho biết.


Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tuong-lai-moi-cho-quan-he-giao-duc-Viet-Nam-Ireland/258077.gd

Hội thảo góp ý Khung chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh bậc tiểu học

Posted: 10 Dec 2012 03:56 PM PST

(GDTĐ) – Sáng nay (10.12), tại trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, đã diễn ra Hội thảo góp ý Khung chương trình đào tạo ngành Sư phạm tiếng Anh bậc Tiểu học theo học chế tín chỉ. Tham dự hội thảo, ngoài ban biên soạn, còn có đại diện bộ phận thường trực Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 và đại biểu đến từ một số trường ĐH trong cả nước.

z
Đại diện ban soạn thảo trình bày Khung chương trình đào tạo GV tiếng Anh tiểu học

Theo đó, khung chương trình được sử dụng Khung quy chiếu chung Châu Âu (CEFR). Các mối quan tâm trong quá trình xây dựng khung chương trình gồm trình độ đầu vào của người học, thống nhất tiêu chí đánh giá trình độ người học; vai trò của kiểm tra đánh giá trong quá trình đào tạo và vai trò của người học trong quá trình đào tạo. Việc xây dựng chương trình này còn dựa trên nền tảng khối kiến thức về phương pháp giảng dạy cũng như kiến thức về người học và phương pháp học.

Mục tiêu chung của chương trình đào tạo GV tiếng Anh bậc Tiểu học là: ngoài những nhà chuyên môn có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức, trình độ và năng lực chuẩn về tiếng Anh (ít nhất tương đương mức C1 theo khung tham chiếu Châu Âu) còn phải là những nhà sư phạm am hiểu về hoạt động dạy – học, biết ứng dụng các tri thức về dạy và học cho từng hoàn cảnh giảng dạy cụ thể.

Người GV tiếng Anh bậc Tiểu học của thế kỷ XXI còn phải có khả năng thích ứng cao, linh hoạt, chủ động, nhạy bén trong mọi tình huống giảng dạy, có những khả năng và năng lực cần thiết như khả năng giao tiếp, tư duy phê phán, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định… Họ cũng cần phải hiểu biết về môi trường địa phương, trong nước hay quốc tế mà ở đó tiếng Anh được dạy.

 

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, thì đội ngũ GV tiếng Anh ở bậc Tiểu học ở nước ta hiện nay còn hạn chế về năng lực chuyên môn, phương pháp dạy học và mức độ gắn bó với nghề nghiệp.

Ngoài ra, GV tiếng Anh dạy ở bậc Tiểu học ở Việt Nam áp dụng phương pháp phù hợp với người lớn hơn là đối với trẻ em, chẳng hạn: Tập trung vào hình thái ngôn ngữ và tính chính xác hơn là sự thành thạo; nhấn mạnh kỹ năng độc và viết ngay giai đoạn đầu; nặng về luyện tập nhắc đi nhắc lại và đọc đồng thanh cả lớp với mục đích cho các em học các từ chuẩn xác một cách tuyệt đối; thiếu sự quan tâm và cơ hội cho việc sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên vào mục đích giao tiếp.

Theo kết quả khảo sát của Hayes về thực trạng GV tiếng Anh bậc Tiểu học trên phạm vi toàn quốc thì tại thời điểm năm 2008, có 6.400 GV tiếng Anh tiểu học. Con số này không đủ để đáp ứng nhu cầu giảng dạy tiếng Anh tiểu học từ lớp 3 trở lên như một môn học bắt buộc. Bộ GDĐT ước tính cần hơn 12.000 GV mới đào tạo thì mới đáp ứng đủ việc giảng dạy tiếng Anh 2 tiết/tuần trên toàn quốc.

Dạy tiếng Anh cho bậc Tiểu học đòi hỏi người GV ngoài thông thạo tiếng Anh còn phải có kiến thức sâu rộng về phát triển trẻ em và là người có khả năng bồi dưỡng động cơ học tập cho trẻ. Nếu không chuẩn bị tốt được khâu GV ở giai đoạn quan trọng này thì về sau khi trẻ lớn lên, rất khó để sửa chữa được.

Hà Nguyên

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201212/Hoi-thao-gop-y-Khung-chuong-trinh-dao-tao-nganh-Su-pham-tieng-Anh-bac-tieu-hoc-1965491/

Tạo nền tảng cho phát triển bền vững

Posted: 10 Dec 2012 03:56 PM PST

(GDTĐ)-Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) cuối kỳ 2012 với chủ đề "Tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững" chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng nay (10/11). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự Hội nghị. Cùng tham dự còn có các vị Đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành. Đại diện cho Bộ GDĐT, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận tham dự hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) cuối kỳ 2012. Ảnh: gdtd.vn

Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề chính về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2012, những ưu tiên cho năm 2013 và một số vấn đề phát triển giáo dục, dạy nghề và sửa đổi đất đai. Hội nghị cũng sẽ nghe các báo cáo của Diễn đàn Doanh nghiệp, Diễn đàn chống tham nhũng, Diễn đàn hiệu quả viện trợ, thông báo mô hình tổ chức Hội nghị CG trong thời gian tới.

Giải quyết những thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, năm 2012, kinh tế Việt Nam phải đối diện với những thách thức cả trong và ngoài  nước. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã nỗ lực cùng cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân và sự hỗ trợ của cộng đồng các nhà tài trợ khắc phục khó khăn, từng bước ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống nhân dân. Ttình hình kinh tế – xã hội vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ: GDP cả năm dự kiến khoảng 5,2%, lãi suất giảm so với đầu năm, lạm phát được kiềm chế ở mức 7,5%, thanh khoản của hệ thống tín dụng được cải thiện đáng kể, nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống được đẩy lùi, an sinh xã hội được đảm bảo; tái cơ cấu nền kinh tế đạt được những kết quả quan trọng bước đầu…

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: bước sang năm 2013, năm thứ 3 và cũng là năm bản lề thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015, Việt Nam tiếp tục đặt trọng tâm vào tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát, tăng trưởng cao hơn năm 2012, đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo.

Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đồng thời cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy quá trình cải cách, đặc biệt trong xử lý nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước…

Tại phiên khai mạc Hội nghị CG, các đối tác phát triển một mặt bày tỏ sự ủng hộ những nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm 2012, mặt khác chỉ ra những thách thức cần giải quyết trong và sau năm 2013.

Chỉ ra rằng, để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô một cách vững chắc, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cụ thể về tái cấu trúc kinh tế trong những năm tới, trong đó, vấn đề cấp bách nhất là xây dựng hệ thống tài chính lành mạnh, điều này đòi hỏi phải giải quyết được vấn đề nợ xấu và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Tanizaki Yasuaki cũng nêu ra 3 thách thức mà Việt Nam cần phải giải quyết. Đó là sự cạnh tranh giữa các nước láng giềng ngày càng tăng, Việt Nam cần lựa chọn ra các ngành công nghiệp chiến lược có nhiều tiềm năng giúp tăng cường giá trị gia tăng và tính cạnh tranh…; Việt Nam cũng cần nỗ lực hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư và cần sử dụng nguồn viện trợ phát triển chính thức ODA một cách hiệu quả và chiến lược hơn để đáp ứng những yêu cầu tài chính quy mô lớn của đất nước mình.

Đại diện các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam thì cho rằng, thách thức kinh tế chính đối với Việt Nam hiện nay là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời tiến hành các cải cách cơ cấu trong dài hạn.

Còn theo ông Sanjay Kalra – Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, thách thức phía trước là tăng trưởng đã chậm hơn vào năm 2012 và các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn. Mặc dù lạm phát chung có giảm nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao; thanh khoản trong ngành ngân hàng vẫn dồi dào nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng lại rất yếu ớt và lượng hàng tồn kho cao… Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất trắc.

Toàn cảnh hội nghị, Ảnh: gdtd.vn
Toàn cảnh hội nghị, Ảnh: gdtd.vn

Bày tỏ mong muốn các Nhà tài trợ quốc tế sẽ tiếp tục đồng hành và hợp tác với Việt Nam trên chặng đường phát triển, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá, tiền tệ chặt chẽ, chú trọng bảo đảm an sinh xã hội. Song nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và tồn tại, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô và kết quả kiềm chế lạm phát chưa vững chắc; do nguồn lực có hạn nên việc mở rộng diện và nâng mức hỗ trợ các chính sách an sinh xã hội, chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm và cải cách tiền lương chưa đáp ứng được yêu cầu; việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước còn chậm; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều…

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội 2013, Chính phủ sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu: tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn năm 2012. Tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững; từng bước nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế; cải thiện môi trường kinh tế, xã hội để thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển. Tạo nền tảng cho phát triển bền vững trong những năm tiếp theo. Nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục cho công dân và doanh nghiệp; kiên quyết phòng chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những vấn đề quan trọng tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Báo cáo của Bộ GDĐT tại hội nghị cho biết, trong những năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của Đảng, Nhà nước, GD-ĐT Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đã qua đào tạo đạt được những bước tiến đáng ghi nhận. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2010, tổng số nhân lực qua đào tạo ở tất cả các trình độ đã tăng gấp 3,4 lần, từ 5,9 triệu người (năm 2000) lên 20,1 triệu người (năm 2010). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng từ 16% năm 2000 lên 40% năm 2010, trong đó, nhân lực được đào tạo ở bậc ĐH tăng khá nhanh, đạt gần 140 nghìn người trong giai đoạn 2005-2010.

Ngành GD-ĐT đang và sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần làm cho mọi người hiểu rõ về vai trò của nguồn nhân lực và các chính sách phát triển nhân lực trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, coi đây là khâu them chốt trong hệ thống giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam. Cùng với đó, tiến hành điều tra, khảo sát thường xuyên về nhân lực và chất lượng nhân lực ở tất cả các ngành, các cấp, địa phương và cả nước; đảm bảo cân đối cung – cầu nhân lực; chủ động đổi mới công tác dự báo nhu cầu lao động; xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm triển khai đào tạo nhân lực theo địa chỉ, theo nhu cầu xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa để tăng cường huy động các nguồn vốn cho phát triển nhân lực trong giai đoạn tới; đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế…

Khẳng định phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia, đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động là đòi hỏi cấp bách, được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ Việt Nam. Muốn vượt qua được "bẫy thu nhập trung bình" để tiến tới mức thu nhập cao hơn, Việt Nam cần tăng cường tạo ra giá trị nội tại, phát triển vốn con người với kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng với nền kinh tế toàn cầu. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đầu tư, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo nghề. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các quốc gia thành công về đào tạo nghề như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia và Pháp… và sẽ xúc tiến hình thành một diễn đàn đối thoại chính sách với các đối tác về dạy nghề…

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201212/Tao-nen-tang-cho-phat-trien-ben-vung-1965493/

Đề xuất giảm môn học phổ thông

Posted: 10 Dec 2012 03:56 PM PST

Đề xuất giảm môn học phổ thông

TT – Đó là một trong những đề xuất được đưa ra tại hội thảo quốc tế "Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện Việt Nam" sáng 10-12.

PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – trình bày về chuẩn của môn ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông – Ảnh: Nguyễn Khánh

Hội thảo do Bộ GD-ĐT VN và Bộ Giáo dục và trẻ em Đan Mạch đồng tổ chức. Đây là một trong những hội thảo mở đầu cho một loạt hội thảo bàn về đổi mới nội dung, phương pháp dạy học ở nhiều phân môn sẽ tổ chức trong tháng 12.

Theo GS Đinh Quang Báo (ĐH Sư phạm Hà Nội), hội thảo không chỉ để giải đáp các câu hỏi mà còn tạo các câu hỏi mới để ban soạn thảo chương trình – sách giáo khoa sau năm 2015 tiếp thu, nghiên cứu và vận dụng.

Giải quyết được nạn "nhồi nhét kiến thức"?

Chương trình phổ thông, nhất là chương trình THPT hiện nay, quá nặng về việc truyền thụ kiến thức, với số lượng môn học quá nhiều ở cuối cấp học, không chú trọng hình thành năng lực, không chú trọng các môn học cốt lõi cần thiết cho con người trong xã hội hiện đại và hội nhập, không chú trọng việc bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách của học sinh… là những vấn đề được nhiều người chia sẻ trong và bên lề hội thảo trên.

Với tư cách người đồng chủ trì hội thảo (cùng GS Jens Rasmussen đến từ Bộ Giáo dục và trẻ em Đan Mạch và GS Phan Văn Kha, Viện Nghiên cứu giáo dục VN), GS Đinh Quang Báo đã trình bày những tư tưởng mới mang tính định hướng xây dựng chương trình.

Ông Báo cho biết chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ xây dựng theo hướng phát triển năng lực người học thay vì chủ yếu tiếp cận nội dung.

Với dự thảo của Bộ GD-ĐT xây dựng cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông sau năm 2015 gồm 12 năm, GS Báo đưa ra hướng xây dựng chương trình giáo dục phổ thông nhằm hình thành các phẩm chất, các năng lực chung và năng lực chuyên biệt (gắn với các môn học).

Một số ý kiến tại hội thảo có đồng quan điểm khi cho rằng cần phải thay đổi cơ bản quan điểm "gia tăng kiến thức, trong đó có những kiến thức chuyên sâu không cần thiết", tập trung vào việc hình thành năng lực học sinh thông qua việc đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, tổ chức hoạt động cho học sinh.

Theo PGS Vũ Trọng Rỹ – Viện Khoa học giáo dục VN, với hướng "tiếp cận năng lực" cũng cần lựa chọn "năng lực chìa khóa" làm vấn đề trọng tâm đổi mới nội dung dạy học trong trường phổ thông.

Tích hợp và phân hóa

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đề xuất phương án dạy học tích hợp và phân hóa trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015. Đây là hướng sẽ giải quyết được tình trạng học quá nhiều môn, quá nhiều kiến thức, đồng thời tăng cường việc bồi dưỡng năng lực cho người học.

Theo đó, có việc tích hợp trong phạm vi hẹp theo hướng gắn kết nội dung có liên quan của các phân môn trong một môn học và tích hợp trong phạm vi rộng các kiến thức liên quan đến hai lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Nhóm nghiên cứu này đề xuất xây dựng hai môn học mới ở lớp 4 và 5, gồm môn khoa học và công nghệ tích hợp kiến thức của hai môn khoa học và công nghệ (kỹ thuật) bây giờ; môn tìm hiểu xã hội tích hợp từ hai môn lịch sử, địa lý. Bậc THCS cũng xây dựng các môn học mới. Ví dụ môn khoa học tự nhiên gồm các phân môn vật lý, hóa học, sinh học, môn khoa học xã hội gồm phân môn địa lý, lịch sử và phân môn các vấn đề xã hội.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận định về những hạn chế của chương trình phân ban hiện nay và đề xuất dạy học tự chọn theo hướng học môn, cho học sinh chọn môn học/chủ đề phù hợp với sở trường, khuynh hướng nghề nghiệp ở bậc THPT. Có thể xây dựng chương trình lớp 10 là giai đoạn giáo dục chung của bậc học và phân hóa mạnh ở lớp 11, 12.

Đồng quan điểm với các chuyên gia trên, GS Đinh Quang Báo cho rằng chương trình – sách giáo khoa mới cần đẩy mạnh tích hợp ở các bậc học thấp và thực hiện phân hóa sâu bằng hoạt động tự chọn (không bắt buộc hoặc bắt buộc) ở bậc học cuối.

Ông Báo bày tỏ quan điểm nên xác định chương trình có trọng tâm cho một số môn học cốt lõi như ngôn ngữ, toán, công nghệ thông tin. Trong số các môn cốt lõi không phải chỉ xác định bởi thời gian học, mà phải thay đổi quan điểm dạy các môn học đó với mục tiêu trang bị công cụ hoạt động cho học sinh trong học tập, nhận thức, giao tiếp và ứng dụng thực tiễn.

VĨNH HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/524321/De-xuat-giam-mon-hoc-pho-thong.html

Khi đào tạo thạc sĩ trở thành phong trào?

Posted: 10 Dec 2012 03:55 PM PST

– Chất lượng đa số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ kém, lỗi tại ai?

Bàn về vấn đề này theo tiến sĩ Trần Thị Bích Liễu có 4 câu hỏi lớn cần giải mã: Ai muốn có bằng thạc sĩ và luận án tiến sĩ? Học để có bằng hay để phục vụ công việc tốt hơn và vì sao? Vì sao học viên vẫn được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ dù chất lượng nghiên cứu không đảm bảo? Làm gì để có "chất lượng thật" của luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ ở Việt Nam?

Dưới đây là phân tích của bà. VietNamNet mong nhận được các ý kiến trao đổi. Thư gửi về: bangiaoduc@vietnamnet.vn.


 

Ảnh minh họa

Ai muốn có bằng thạc sĩ và luận án tiến sĩ?

Giảng viên các trường ĐH, các trường CĐ, cán bộ quản lí các bộ, các ngành, các tổ chức chính phủ.

Cán bộ, viên chức đi học vì yêu cầu của tổ chức, vì để tăng lương, thăng tiến và giữ được vị trí công việc do những tiêu chuẩn về cán bộ đặt ra. Đó là những mục đích tốt nhưng vì sao chất lượng không được như yêu cầu.

Đi học để có bằng hay để phục vụ công việc tốt hơn?

Khi chất lượng thực hiện công việc (ví dụ như chất lượng giáo dục của những người làm công tác giáo dục) vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có thang đánh giá rõ ràng thì mục tiêu học để làm tốt hơn công việc chưa được người học đặt ra một cách nghiêm túc.

Khi hầu hết mọi người trong một tổ chức nào đó ít quan tâm đến chất lượng công việc thì ai đó muốn làm việc có chất lượng và yêu cầu tổ chức đó đảm bảo chất lượng thì người đó sẽ bị lạc lõng và sẽ bị loại trừ. Nên học để làm việc tốt hơn là chuyện khó…

Khi đào tạo thạc sĩ trở thành phong trào và nhiều chuyên ngành mở ra các lớp thạc sĩ với số lượng học viên lớn, trong khi số lượng giảng viên ít, không đảm bảo tỉ lệ đào tạo thì khó để thực hiện được nghiêm túc chất lượng đào tạo nên việc học nghiêm túc cũng trở thành xa lạ. Hơn nữa khi phương pháp đào tạo tích cực, hiên đại ít được sử dụng, tài liệu giảng dạy ít cập nhật thì không thể có chất lượng đào tạo tốt để người học có đủ kiến thức và kĩ năng làm việc tốt hơn sau khi tốt nghiệp.

Khi học viên không dành toàn bộ sức lực và thời gian vào việc học tập (học ít vì vẫn phải tiếp làm việc nhiều, học đối phó…) thì không thể có chất lượng học tập tốt nên cũng không có chất lượng làm việc tốt.

Vì sao học viên vẫn được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ dù chất lượng nghiên cứu không đảm bảo?

Chất lượng nghiên cứu như thế nào là đảm bảo? Một công trình nghiên cứu, đặc biệt là luận án tiến sĩ được yêu cầu phải có tính Mới, tính Ứng dụng, có phương pháp nghiên cứu khoa học đảm bảo độ tin cậy thì mới được xem là đảm bảo chất lượng. Đó là những yêu cầu cũng đã được Luật Giáo dục đưa ra và được Bộ GD-ĐT chi tiết hóa trong qui định đánh giá luận án tiến sĩ (Gồm 10 tiêu chí: 1.Chất lượng phần tổng quan tình hình nghiên cứu (phân tích, đánh giá các phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu; 2.Tính cấp thiết của đề tài; 3. Sự không trùng lặp về đề tài, nội dung, kết quả nghiên cứu và sự không trùng lặp của các công bố trong và ngoài nước; 4.Sự phù hợp của các phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa, độ tin cậy của các kết quả đạt được; 5. Những giả thuyết, vấn đề được phát hiện, những tài liệu, phương pháp mới được áp dụng trong việc chứng minh các giả thuyết, giải quyết các vấn đề đặt ra và đánh giá kết quả nghiên cứu của luận án; 6. Những đóng góp mới có giá trị về lí thuyết hoặc thực tiễn của luận án; 7.Sự liên quan giữa công trình công bố và kết quả chủ yếu của luận án, chất lượng của các bài báo và uy tín của tạp chí bài đăng; 8.Tính trung thực, minh bạch trong trích dẫn tài liệu; 9. Bố cục phù hợp và hình thức trình bày rõ ràng của luận án; 10. Nội dung và hình thức tóm tắt của luận án phản ánh đúng nội dung của luận án).

Tuy nhiên giữa yêu cầu, thực thi và kiểm soát chưa có sự thống nhất: yêu cầu cao và hay nhưng thực thi chưa đúng với yêu cầu và Lãnh đạo Bộ GD-ĐT chưa có phương pháp kiểm soát việc thực thi. Gần đây Bộ GD-ĐT yêu cầu thẩm định các luận văn, luận án. Nhưng để việc thẩm định đúng, chính xác và khách quan, Bộ cần giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định lựa chọn luận văn, luận án một cách ngẫu nhiên và chọn người thẩm định có đủ năng lực, đặc biệt là những người được đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH tiên tiến trên thế giới và những người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị. Chất lượng luận văn, luận án thuộc về trách nhiệm của những ai?

a.Vai trò, trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn và người học

Một luận văn thạc sĩ được viết trong 6 tháng là một khoảng thời gian đủ để giải quyết một vấn đề nho nhỏ (nói một cách khiêm tốn) và một luận án tiến sĩ được viết trong 4 năm đủ để giải quyết một vấn đề tương đối lớn của thực tiễn.

Tính mới và tính ứng dụng của luận văn, luận án phụ thuộc vào người hướng dẫn. Người hướng dẫn trước hết phải là người cập nhật các thông tin nghiên cứu mới và có biện pháp để khơi gợi học viên thực hiện một đề tài nghiên cứu mới; là người chỉ ra các nguồn tư liệu tham khảo cần thiết, các vấn đề cần nghiên cứu trong luận văn, luận án và yêu cầu học viên phải tuân theo. Người hướng dẫn luận văn thạc sĩ cần biết đưa ra các câu hỏi khơi gợi ở học viên các vấn đề thực tiễn trong công việc họ cần giải quyết hay của tổ chức nơi họ đang công tác cần được giải quyết để chọn những đề tài có tính ứng dụng thực tiễn. Đối với luận án tiến sĩ họ có trách nhiệm đề cập đến những vấn đề mang tính khoa học cao, các vấn đề nghiên cứu mà quốc tế đang theo đuổi, phát hiện các lỗ hỏng cần được sửa chữa bằng những cách thức mới…để NCS theo đuổi những đề tài có tính mới.

Nhiều học viên đưa ra những yêu cầu vô lí đối với giảng viên như họ không muốn giảng viên bắt làm nhiều bài tập hay đọc nhiều tài liệu, yêu cầu người hướng dẫn đừng bắt họ làm những đề tài mới vì họ không có thời gian để đọc tài liệu, vì còn phải làm việc của cơ quan và bản thân họ không đủ năng lực hay họ làm cũng chẳng để làm gì sau khi tốt nghiệp…Bảo vệ kiểu gì cũng qua và điểm thì không thấp đã tạo nên tính ì của học viên đối với việc làm luận văn và luận án. Học viên không nên sao chép các luận văn, luận án đã bảo vệ trước đó vì điều đó là phạm luật trí tuệ và đặc biệt là vấn đề trách nhiệm đối với lương tâm.

Học viên trước hết phải có trách nhiệm với chính việc học tập của mình. Các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cần có phương pháp đánh giá kiến thức và kĩ năng của học viên một cách chính xác để việc học và dạy diễn ra nghiêm túc hơn.

b.Vai trò, trách nhiệm của hội đồng khoa học

Chấm điểm một cách khoa học khách quan không bị ràng buộc bởi các mối quan hệ là trách nhiệm và lương tâm của hội đồng khoa học chấm luận văn và luân án tiến sĩ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều hội đồng đã không làm được điều này. Thang điểm đánh giá cũng có phần bất cập đối với việc chấm điểm luận văn thạc sĩ nên việc cho điểm của các thành viên hội đồng cũng có phần khó khăn. Không nên sử dụng thang điểm 20 và không nên để một số điểm lớn cho tiêu chí về tính mới của luận văn thạc sĩ. Khi thành viên hội đồng cho điểm cao ở mục này vô hình chung đã đánh giá không chính xác chất lượng luận văn thạc sĩ; còn nếu cho đúng thì điểm luận văn sẽ bị quá thấp trong khi yêu cầu về tính mới đối với luận văn thạc sĩ không cần đặt ra quá cao như đối với luận án tiến sĩ và trên thực tế, luận văn thạc sĩ đa số ít có tính mới. Các tiêu chí đánh giá luận văn thạc sĩ nên là tính thực tiễn, khả năng ứng dụng, phương pháp nghiên cứu khoa học và tính chính xác của thông tin thu thập được, khả năng tổng quan, phân tích các thông tin nghiên cứu… Nên có điểm khuyến khích cho luận văn có tính mới.

Đối với luận án tiến sĩ nên đề cao tính mới, các đóng góp lí luận và thực tiễn của luận án, phương pháp nghiên cứu khoa học và tính chính xác của thông tin, tư duy phê phán và năng lực sáng tạo của NCS…

c.Vai trò của các trường ĐH, Bộ GD-ĐT và của các cấp Lãnh đạo nhà nước

Các cấp Lãnh đạo nhà nước, Bộ GD-ĐT nên có các định hướng chiến lược cho việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực thạc sĩ và tiến sĩ phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và xu hướng phát triển khoa học trong tương lai; có các chính sách đầu tư phù hợp cho nghiên cứu khoa học; qui định và có yêu cầu rõ ràng về chế độ, chính sách đối với tiến sĩ và thạc sĩ để các trường ĐH có cơ sở thực thi. Ví dụ: Chính phủ yêu cầu các trường ĐH có các chính sách và chế độ khác biệt rõ ràng giữa cán bộ có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ và yêu cầu khác biệt đối với công việc và các lợi ích mà họ được hưởng: yêu cầu cao đối với kết quả nghiên cứu khoa học và giảng dạy của tiến sĩ, kèm theo là chế độ lương cao hơn và các điều kiện làm việc tốt hơn. Các trường ĐH phải thực thi hóa các yêu cầu này.

Các trường ĐH cần đảm bảo thời lượng dạy và học về phương pháp nghiên cứu khoa học để người học có đủ kiến thức và kĩ năng nghiên cứu khoa học khi viết luận văn và luận án. Hiện tại thời lượng dạy và học về phương pháp nghiên cứu khoa học còn khá bất cập và còn ít ở nhiều cơ sở đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.

Làm gì để có "chất lượng thật"?

Đảm bảo tính hệ thống của việc yêu cầu cao đối với chất lượng đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ từ chính phủ đến các cơ sở đào tạo, từ người dạy đến người học, từ ban hành chế độ chính sách, chuẩn đánh giá đến việc thực thi và kiểm soát kết quả thực hiện.

Nâng cao chế độ hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiến sĩ, chế độ của hội đồng chấm để nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người chấm (Ví dụ, người phản biện phải bỏ ra ít nhất 2 đến 3 ngày để đọc một luận văn thạc sĩ khi phản biện nhưng chỉ được trả 400 đến 500 nghìn đồng).

  • Trần Thị Bích Liễu

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/100433/khi-dao-tao-thac-si-tro-thanh-phong-trao-.html

Không hoàn thành nhiệm vụ, không được dạy thêm

Posted: 10 Dec 2012 03:54 PM PST

Không hoàn thành nhiệm vụ, không được dạy thêm

TT  – Sở Giáo dục – đào tạo Quảng Bình vừa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định dạy thêm, học thêm từ năm 2013.

Theo đó, giáo viên chưa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn sẽ không được cấp phép dạy thêm và không cho phép dạy thêm ngoài nhà trường.

Trong những tháng nghỉ hè, chỉ dạy thêm, học thêm (trong và ngoài nhà trường) sau khi học sinh đã kết thúc năm học một tháng (theo quy định đối với từng cấp học, trừ trường hợp dạy thêm cho học sinh cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông).

L.GIANG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/524331/Khong-hoan-thanh-nhiem-vu khong-duoc-day-them.html

Vẫn còn một sợi dây

Posted: 10 Dec 2012 03:54 PM PST

Tôi khá phân vân khi được đặt viết về xung đột thế hệ, bởi đây là chuyện lớn, khó gói trong ngàn chữ. Nhưng vì “vấn nạn to tướng” – tiếng kêu thống thiết của một bà mẹ trẻ – tôi mạo muội chia sẻ…

1. Tôi đọc đâu đó tâm sự của đứa con, rằng những lần em đau mẹ em rất nâng niu: nghỉ việc, nấu món em thích, kêu bác sĩ, đưa em đi viện… Nhưng khi em suy sụp vì điểm kém, chia tay bạn trai, vì những bất công trong gia đình, xã hội… thì mẹ cáu gắt, giễu cợt. Em kể bạn em trước khi tự tử bị rối loạn tiêu hóa, rằng gia đình mua cho bạn ấy cơ man thuốc, nhưng tim bạn ấy tan vỡ thì không ai nhìn thấy…

Hai năm trước cô bé tội phạm Đào Thu Hương 14 tuổi với biệt danh My sói khiến dư luận kinh hãi, nhưng tác giả Đinh Hiền trong bài “Nữ quái My sói trút tâm sự vào… thơ” cho ta hình ảnh khác: “Nó tết hai chữ Cô Đơn trên chiếc nhẫn tự làm bằng mảnh nilon rách. Một đứa trẻ chợt nhận ra mình cô đơn giữa thế giới này, hẳn đứa trẻ ấy có nhiều uẩn ức…”. Tác giả khiến ta thở hắt khi chép lại những vần thơ Hương viết trong trại: "Vạn lý vạn ly chia ly. Nhan hồng bạc phận biết về đâu. Nữ sinh cao quý giờ lao lý. Tim hồng nhỏ máu lòng quặn đau…" Trong cái gãy vụn của ngôn ngữ là cái vỡ vụn của tâm hồn. Bài báo kể Hương viết cho bố mẹ: "Con rất muốn được sà vào lòng bố mẹ, để được ôm hôn và nói những lời ngọt ngào với bố mẹ. Hôm qua trời mưa to, con gửi lời vào gió nhắn đến cho bố mẹ những lời an lành nhất…". Nhưng cái gia đình đó, như lời My sói trên một bài báo khác: “Bố mẹ con bỏ nhau từ lúc con mới ra đời. Họ lấy vợ, lấy chồng và có con riêng. Hoàn cảnh như thế, cô bảo con biết nương tựa vào đâu? Dù bố là người cho tiền con đóng học phí, nhưng nói thật con không biết bố làm nghề gì. Thỉnh thoảng gặp mẹ, con chỉ biết mẹ sống bằng ‘nghề’ cờ bạc (…). Con thấy mình hư hỏng, nhưng đã bước đi rồi thì không dừng lại được. Có lúc con thèm một bàn tay cứu rỗi…”

2. Vốn nghiêm khắc nên thi thoảng tôi cũng khẻ tay, bắt con quỳ gối khi cháu nhỏ. Năm cháu sáu tuổi, vì một lỗi lớn, tôi cầm roi quát con: "Nằm xuống!". Cháu ngơ ngác, nằm… ngửa. Tôi nín cười, kêu cháu úp sấp, quất một roi đích đáng. Con tôi, sau khi hiểu ra hình phạt mới đã ngồi bật lên, khóc nấc: “Sao mẹ muốn con đau?” Đó là lần duy nhất tôi đánh con… bài bản – cái hình phạt mà thế hệ chúng tôi chịu rất thường xuyên, nhưng không dám bật lên, dù dáng hay lời. Thế hệ mẹ tôi nói họ còn bị đòn nặng hơn, phải quỳ cả trên vỏ mít… Vào những lúc vui tươi, tôi kể hết con nghe, nói nhờ vậy mà chúng tôi thành nhân. Tôi thật sự tin điều đó, nhưng là thời xưa, chứ không phải thời này – thời hiện đại, trẻ con hiểu biết.

Khoa học nói đời người phải trải qua vài lần khủng hoảng, trong đó khủng hoảng tuổi dậy thì quan trọng nhất. Do biến động nội tiết, trẻ dậy thì thường có những thay đổi tâm lý lớn, dẫn theo những biến động trong hành xử, mà biểu hiện rõ nhất là khao khát độc lập. Ai cũng trải qua giai đoạn “bùng nổ” này, có điều các thế hệ trước không… nổ lớn vì luân lý khắc nghiệt, xã hội không tạo thêm bất mãn. Hãy đối diện thực tế như tiến trình tự nhiên thay vì quy chiếu đạo đức. Hãy chia sẻ thay vì trừng trị, bêu riếu mà hậu quả là đẩy trẻ xa ta, sống gian dối. Hãy chấp nhận tuột tay vài tiểu tiết để nắm được cái lớn hơn. Hãy nhớ con người, dù tuổi nào cũng thích được lắng nghe, khích lệ. Tôi năm xưa cũng có nhiều uẩn ức với mẹ, nhưng khi biết bà cưng quý “tạp chí văn” con nít của tôi, thì mọi phiền muộn trong tôi hóa giải. Tôi ghi khắc điều đó và đem ứng xử với con.

3. Nhà tôi hay dùng với nhau từ “biết điều”, rằng mỗi người có thế giới riêng chính đáng, nhưng phải biết chỗ dừng để không hư cái chung, không làm đau người khác. Một lần tôi khen vui con ngoan, không khủng hoảng dậy thì. Cháu cười, “Có chứ, nhưng tại con… biết điều”. Biết điều – hợp lý, cảm thông – theo tôi là liệu pháp dung hòa sự khác nhau giữa các thế hệ. Không lâu sau lần… nằm ngửa, tôi thủ thỉ với đứa con cách mình… 41 tuổi: “Mẹ xin lỗi đã làm con đau. Mẹ không đánh con nữa nhưng không có nghĩa mẹ thôi buồn giận. Cất giận vào tim là mẹ tự đánh mẹ. Con có muốn mẹ đau không?” Bé nhìn tôi khá lâu, từ đó cháu thay đổi hẳn.

Xin lỗi luôn khó, đặc biệt với người lớn; nhưng chỉ khi nói ra được điều nuối tiếc – như bài viết “Ngày thứ 100″ của bạn tôi – Tố Nga – thì mâu thuẫn mới hóa giải: “(…) Thương con 99 ngày, đến ngày thứ 100, không kiềm chế được, tôi đánh con. Cái ngày thứ 100 ấy sẽ là ngày duy nhất lưu lại trong tâm trí trẻ thơ (…)” Con tôi nay đã 40, rất tự hào về hai đứa con xinh xắn của mình. Mới đây, trong câu chuyện vui, người mẹ trẻ khoe đã dùng những điều được mẹ dạy khi xưa để dạy lại con. Và nói thêm: “Con đã từng bị đối xử bất công nên con không bao giờ bất công với con của con đâu”. Câu nói như mũi dao xoáy vào tim mẹ… Tôi đã từng dùng cuộc đời mình trải thảm cho con bước đi, từng hy sinh những năm tháng còn có thể hạnh phúc riêng để chuộc lỗi với con, nhưng vô ích. Con tôi không thể quên.”

Con cái ta có hướng thiện không? Có. Miễn là ta biết khơi gợi. Như mọi đứa trẻ, con tôi hay bừa bộn. Có lần tôi hỏi cháu, nếu ai cũng bầy hầy như con, thì nhà mình giống cái gì? Cháu cười: Giống… bãi rác. Từ đó cháu ngăn nắp hơn. Thử giả định hoàn cảnh, thử đổi vai nhau… cũng là một liệu pháp.

4. Như đề tựa, tôi tin trong đứt gãy thế hệ vẫn còn sợi dây kết nối mang tên đạo đức. Trong bài “Con của người tu” tôi đã viết: “(…) Những ký ức hỗn độn cứ trôi qua đầu nó, để nó hiểu mẹ đã tu từ lâu trong hành xử cuộc đời mà chiếc áo ni cô hôm nay, những kinh kệ hôm nay chỉ là khẳng định. Nó nhìn lại bức ảnh ni cô xa lạ mà thân thuộc, hiểu rằng từ nay, nó, chị em nó, những dâu, rể, ruột rà cháu chắt… sẽ sống bằng tâm thế khác – tâm thế của cháu con một kẻ tu hành.”

Tôi kính mẹ, tin có sợi dây nối từ ông bà sang cha mẹ tôi, từ cha mẹ sang tôi… Con gái tôi rất yêu ông nội. Năm ông mất (2011) nó 18 tuổi. Đứa con hiện đại, sinh trưởng bên Tây không phải lúc nào cũng làm tôi thỏa mãn, đã viết trong sổ tang – và tự dịch sang tiếng Việt – như vầy: “Ông nội ơi, ông nội hứa lúc ngày sinh nhật con, là sẽ chờ đến khi con được tú tài. Không ai tin, vì ông đã yếu, nhưng ông giữ lời hứa. Chúng ta đã sống cùng nhau 18 năm như ông nội muốn. Con thường nói về ông nội với bạn bè con: Bạn có biết không, ông nội của tôi 100 tuổi, mạnh khỏe, đi đứng được, nói chuyện được. Mùa hè qua ở Việt Nam, con đã đi thăm đập nước, đình, trường học ông Trai xây dựng. Con rất tự hào là cháu nội của luật sư Trần Văn Trai. Ông nội ơi, con sẽ không thể nào bằng ông nội, nhưng con hứa với ông con sẽ học đàng hoàng và thi vô trường tốt. Con muốn ông nội tự hào về con, đứa cháu nội duy nhất của ông. Con nhớ ông nội…”

Giữa 18 và 100 là 82 năm, vậy mà sao đứa cháu vẫn yêu ông thắm thiết? Vì giữa họ có sợi dây kết nối. Trừ ngoại lệ, thế hệ sau luôn là quả của thế hệ đi trước.

(Theo Việt Linh/ Đẹp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/100472/van-con-mot-soi-day.html

Comments