Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Lương thấp, giáo viên giỏi sẽ bỏ nghề

Posted: 09 Nov 2012 05:18 AM PST

- Lương không đủ sống, thầy cô giáo phải bươn chải kiếm sống. Ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, phần đông người thầy, ngoài giờ lên
lớp không ai muốn đi dạy thêm. Muốn nâng vị thế người thầy trước hết phải nâng lương.

Sáng 8/11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm khoa học "Người thầy nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo". Buổi tọa đàm trở nên nóng hơn khi vấn đề dạy thêm được đưa ra mổ xẻ. Nhà giáo đang đứng giữa hai ranh giới mong manh là phẩm
chất và tiêu cực nếu coi dạy thêm là hành vi tiêu cực, làm khó…

Ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm

Giáo viên đang bị xúc phạm?

TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên phó trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Thành ủy TPHCM, nguyên GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng: nhà giáo hiện nay đang bị đè nặng bởi nguồn thu
nhập đã hạn hẹp, lại bị xúc phạm về danh dự và uy tín, một trong số nguyên nhân là do
dạy thêm.

Theo ông Hùng, sở dĩ các giáo viên phải dạy thêm, một phần đều bắt nguồn từ các
vấn đề trong giáo dục như chương trình học ôm đồm, thi cử nặng nề, trang bị cơ sở vật
chất nghèo nàn, lạc hậu…nhưng ở một khía cạnh khác là việc nhiều phụ huynh hằng ngày
phải rời con đi làm, muốn con tránh được cạm bẫy  trong xã hội nên chỉ còn mỗi
nơi tin cậy để giữ con là vòng tay của thầy, cô.

Hiện nay, nhiều giáo viên đã nghĩ tới việc dạy một buổi, đi làm thêm một buổi để
kiếm thêm thu nhập nhưng vẫn không đủ sống. Có nhà giáo năng lực tốt nhưng xin nghỉ
dạy về mở lớp tại nhà để có thời gian làm việc gia đình mà thu nhập vẫn cao.

Nên đối xử với nghề giáo như những nghề khác. Bác sĩ có quyền mở phòng mạch tư thì
nhà giáo cũng được làm thêm để có thêm thu nhập từ nghề dạy học, để sống như một công
dân lương thiện?

TS Hùng gay gắt khi cho rằng, có lẽ danh dự nhà giáo đang bị xúc phạm, lương không
đủ sống, nhà giáo đang đứng giữa hai ranh giới mong manh là phẩm chất và tiêu cực nếu
coi dạy thêm là hành vi tiêu cực, làm khó.

Theo ông, pháp luật không cấm người làm thêm để có thêm thu nhập thì nên khuyến
khích người lao động có thêm thu nhập từ chính nghề của mình, miễn thu nhập đó là
chính đáng. Không nên coi việc dạy thêm làm biểu hiện của tham nhũng mà có chăng nên
"cấp phép" cho những nhà giáo có đủ năng lực, phẩm chất để họ có thể đứng lớp.

Cũng quan điểm về việc nhà giáo đang bị xúc phạm danh dự do dạy thêm kiếm sống,
GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM, cho
rằng: "Cần phải nhìn nhận nguyên nhân vì sao có việc dạy thêm, học thêm. Nếu học sinh
có năng khiếu, đi học thêm để nâng cao khả năng thì đâu có gì là sai. Nhưng sẽ hết
sức sai lầm khi bắt giáo viên dạy thêm như bắt buôn lậu."

Để nhà giáo không bươn chải kiếm sống

TS Hồ Thiệu Hùng cho rằng, sở dĩ có hiện tượng chảy máu chất xám là vì lương của
một giáo viên không đủ sống để có thể trang trải cuộc sống cho chính bản thân mình,
chưa nói đến việc nuôi người khác. Lương của một giáo viên không bằng lương của lái
xe cơ quan hay kĩ thuật viên đánh máy vi tính, vì vậy các thầy cô không sống được
bằng lương thì phải tự cứu mình bằng chuyên môn. Nhưng trên thực tế, lương của những
người làm giáo dục thấp hơn rất nhiều so với lương của các cơ quan khác.

TS Hùng phân tích hiện nay có khoảng 50% số giáo viên từ bậc Tiểu học đến THPT
lãnh mức từ 3 – 3,5 triệu/tháng. Hệ số lương của giáo viên mầm non bậc 1 là 1,86; bậc
10 là 3,66 thấp hơn cả mức lương của người làm công tác đánh máy, lái xe cơ quan (bậc
1 là 1,87, bậc 10 là 3,67) trong khi các ngành khác như Điện tử viễn thông 5,5
triệu/tháng, Y – dược 7 triệu/tháng, các ngành nghề khác như luyện kim, khai mỏ có
mức lương trung bình tương đối cao khi dao động khoảng 9,2 triệu/tháng….

"Nguyện vọng của các nhà giáo là được sống bằng lương để có thể toàn tâm, toàn
ý dốc sức cho sự nghiệp giáo dục. Nếu coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên tạo cho
giáo viên một cuộc sống ổn định…"
– TS Hùng nói

Còn với, PGS-TS Nguyễn Tất Phát, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trong 100% công chức,
viên chức sống bằng lương hiện nay thì có khoảng 80% là nhà giáo. Mức lương vẫn là
yếu tố nan giải nhất trong các vấn đề của giáo dục.

"Nhà nước cần có cách tính lương cao nhất dành cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo
dục, bởi mức lương như vậy mới thể hiện sự tôn vinh của xã hội với lĩnh vực luôn được
xem là quốc sách hàng đầu của đất nước. Cần có chủ trương, kế hoạch khả thi lo cho
đời sống của giáo viên, đừng để nhà giáo tự bươn chải, vật lộn với đồng lương không
đủ sống" – ông nói.

Ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, phần đông người thầy, ngoài giờ lên
lớp không ai muốn đi dạy thêm, đây không phải cách làm giàu mà đang là cách để vượt
qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao cả – nhà giáo.

Xã hội đã tạo ra một nếp nghĩ về một biểu tượng người thầy chỉ nên sống bằng đồng
lương, thanh bạch mà cao quý. Tuy nhiên chỉ khi đồng lương đủ trang trải cuộc sống
cho bản thân và gia đình, người thầy mới đáp ứng được những yêu cầu và đỏi hỏi ngày
càng cao của xã hội".

  • Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/96133/luong-thap--giao-vien-gioi-se-bo-nghe.html

Mở rộng hợp tác “Đào tạo tiếng Anh theo Chuẩn Khung tham chiếu châu Âu”

Posted: 09 Nov 2012 05:18 AM PST

(GDTĐ) – Diễn ra trong 2 ngày 09 và 10/11, Hội thảo "Đào tạo tiếng Anh theo Chuẩn Khung tham chiếu châu Âu" thu hút được sự tham gia đông đảo giảng viên tiếng Anh tại các trường và cơ sở đào ngoại ngữ trên địa bàn Hà Nội. 

Hội thảo được Trung tâm Ngoại ngữ và Hợp tác giáo dục – Trường Đại học KHXHNV (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Hội đồng Khảo thí tiếng Anh Trường Đại học Cambridge (Cambridge ESOL) tổ chức. Chương trình của Hội thảo nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2008 – 2020 của Bộ GDĐT, Khung tham chiếu Châu Âu được ứng dụng vào việc giảng dạy ngoại ngữ  trong hệ thống giáo dục quốc dân.


Hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm của các giảng viên tiếng Anh

Tại hội thảo, thuyết trình viên là các chuyên gia của tổ chức Cambridge ESOL và một số trường ĐH chuyên ngữ tại Hà Nội cùng giới thiệu về về bài thi PET, hướng dẫn các bước biên soạn đề thi tiếng Anh theo định hướng trình độ B1 (Khung tham chiếu Châu Âu) và kỹ năng làm bài thi PET và bài thi tiếng Anh B1.

Các thông tin tại Hội thảo đã được giảng viên tiếng Anh của các cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, Trung tâm Ngoại ngữ và Hợp tác Đào tạo đánh giá cao về chất lượng cũng như mở ra triển vọng các chương trình hợp tác đào tạo sau này.

Thanh Tùng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Mo-rong-hop-tac-Dao-tao-tieng-Anh-theo-Chuan-Khung-tham-chieu-chau-Au-1964755/

Giáo viên méo mặt nhận lương qua thẻ

Posted: 09 Nov 2012 05:17 AM PST

- Để nhận lương mỗi tháng, nhiều giáo viên các xã vùng sâu vùng xa của huyện nam Trà
My phải vượt hàng chục km đường rừng. Thậm chí có cô giáo phải mất vài ngày đi bộ mới
đến được trung tâm huyện để nhận lương qua thẻ ATM.


Đường lên các xã vùng cao Nam Trà My thường ách tắc vào mùa mưa làm sao để ra huyện nhận lương.

Từ tháng 8-2012, UBND huyện Nam Trà My áp dụng trả lương qua thẻ Ngân hàng Nông
nghiệp và phát triển Nông thôn (NN-PTNT) chi nhánh tại Nam Trà My – ngân hàng duy
nhất tại huyện vùng cao này.

Để nhận được lương tháng của mình cán bộ và giáo viên phải rồng rắn xếp hàng ở
ngân hàng để rút tiền. Mà nhân viên ngân hàng chỉ làm việc trong giờ hành chính, nên
cán bộ và giáo viên muốn rút được tiền thì phải bỏ công việc hoặc trốn giờ làm hành
chính của mình để đi xếp hàng nhận lương tại ngân hàng.

Cô giáo Nguyễn Thị Tháo đang dạy ở Trà Nam cùng một người bạn của mình cũng là
giáo viên đang dạy học ở Trà Linh, hai xã vùng sâu của huyện Nam Trà My kể: Để nhận
được lương, hai chị em phải cắt rừng lội bộ gần một ngày đường mới ra đến thị trấn
Tắkkpo, trung tâm của huyện để chờ nhận lương.

Một cô giáo từ Trà Linh vượt hơn 2 ngày đường về huyện nhận lương qua tài khoản ngân hàng.

Tương tự, cô Lê Thi Ngân Phương cho biết – kể từ khi trả lương qua thẻ, tụi em
công tác ở các xã vùng cao không thể rút được tiền để chi tiêu mua lương thực, thực
phẩm. Vì ở các xã không có máy rút tiền….

Tình trạng chung của giáo viên nơi đây – muốn rút được tiền, phải dậy sớm lội bộ
vượt rừng về huyện để nhận. Còn thầy Nguyễn Văn Xuân, giáo viên trường Trà Tập bảo,
tất cả các thầy cô giáo muốn rút lương đều phải bỏ tiết dạy vượt núi về huyện để rút
tiền mất cả ngày đường.

” Chưa kể, mùa mưa đến – nơi đây thường xuyên tắc đường do lũ và sạt núi thì làm
sao về huyện để rút tiền lương…” – thầy Xuân thở dài.

Hai thầy giáo méo mặt đẩy xe vượt rừng hơn 1 ngày đường từ xã Trà nam về huyện nhận lương.

Hiệu trưởng Trường Bán trú cụm xã Trà Dơn – ông Lê Thanh Trà cho rằng: "Việc
trả lương qua thẻ cho giáo viên là chưa cần thiết vì ở huyện chưa có máy ATM. Giáo
viên trường tôi đang dạy trên thôn 4, thôn 5 cách xã cả ngày đường leo núi nên không
thể bỏ tiết dạy để lên huyện rút lương. Việc trả lương qua thẻ ATM đối với thầy cô
giáo vùng cao như chúng tôi là chưa hợp lý và gay khó khăn cho giáo viên…"

Lý do chưa có máy rút tiền tự động được GĐ chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT huyện Nam
Trà My – Lê Tự Bán cho biết: Do số lượng người sử dụng thẻ ATM tại ngân hàng chưa
vượt quá 500 nên chưa thể xây dựng máy rút tiền qua thẻ. Trong thời gian đến nếu số
cán bộ nhân viên đủ số lượng ngân hàng sẽ xin lắp đặt máy rút tiền tự động tại trung
tâm huyện.

Để giải quyết việc rút lương cho cán bộ, giáo viên, ông Bán cho biết bắt đầu từ
tháng 12 đến, ngân hàng sẽ tổ chức cho nhân viên làm thêm buổi sáng thứ bảy
hàng tuần để chi trả lương.

Còn chính quyền huyện Nam Trà My khẳng định, việc trả lương qua thẻ là qui định
chung phải triển khai.

  • Vũ Trung

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/96196/giao-vien-meo-mat-nhan-luong-qua-the.html

Đi sâu thảo luận những chuyên đề bức xúc

Posted: 09 Nov 2012 05:17 AM PST

(GDTĐ) – Hôm nay (9/11), tại TP Bến Tre đã diễn ra Hội nghị giao ban lần I các sở GDĐT vùng 6, các tỉnh đồng bằng sông Cửu long, năm học 2012-2013.

Trong hội nghị giao ban lần này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trương đổi mới hội nghị, tập trung vào một số chuyên đề bức xúc nhằm tìm giải pháp tháo gở khó khăn cho ngành giáo dục trong vùng như: giải pháp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xóa trường lớp tạm bợ, chấn chỉnh vấn đề dạy thêm, học thêm, tìm ra nguyên nhân học sinh bỏ học ở cấp THPT, giải pháp  kết quả phân luồng học nghề sau THCS…

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Báo cáo tổng hợp của ông Lê Ngọc Bửu, Giám đốc sở GDĐT Bến Tre, trưởng vùng thi đua nêu bật một số thành tựu và những khó khăn của ngành giáo dục trong khu vực.

Trong năm học này, quy mô học sinh trên toàn vùng ở tất cả các cấp đều tăng. Tuy nhiên một số tỉnh quy mô học sinh THCS và THPT có giảm như Bến Tre, Vĩnh Long, Cà Mau, Long An.

Tổng số phòng học được xây mới và đưa vào sử dụng trong năm học này 2.647 phòng với kinh phí 1.765 tỷ đồng. Nâng cấp sửa chửa 9.769 phòng học, với kinh phí 376 tỷ đồng. Xây 432 nhà công vụ  cho giáo viên, với kinh phí 47 tỷ đồng.

Mặc dù đã dồn nguồn kinh phí cho kiên cố hóa trường lớp, nhưng cơ sở vật chất trường lớp trong vùng còn  khó khăn. Tổng số phòng học tạm, mượn 5.465 phòng. Trong đó Sóc Trăng có 1871 phòng, Cà Mau 1160 phòng.

Tình hình học sinh bỏ học có giảm, nhưng còn ở mức cao. Bỏ học trong hè tiểu học 0,25%, THCS 1,52%, THPT 2,09%. Bậc TH Cà Mau có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất 1,06%, THCS Kiên Giang tỉ lệ bỏ học nhiều nhất 2,68%, bậc THPT bỏ học nhiều nhất ở Sóc Trăng 3,26% và Long An 3,01%.

Nguyên nhân bỏ học chủ yếu là học sinh theo gia đình đi làm ăn xa, một số đi học nghề ngắn hạn đi làm ở các khu công nghiệp, đi biển, đi lao động trong nông nghiệp…

Kinh phí đầu tư cho bậc học MN ở các tỉnh trong khu vực còn hạn chế, ảnh hưởng đến đề án phổ cập MN 5 tuổi. Tình trạng thừa thiếu giáo viên, giáo viên MN, TH, trong khi giáo viên THCS, THPT thừa là vấn đề trăn trở.

Các đại biểu tập trung thảo luận 4 vấn đề bức xúc hiện nay của ngành giáo dục ĐBSCL đó là:

Một là vấn đề cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, các viên chức phục vụ trong ngành nhưng chưa có chế độ phụ cấp tương xứng. Biên chế ở các Sở GDĐT, Phòng GDĐT còn thiếu, chưa tương xứng với chức năng nhiệm vụ được giao. Cơ chế ưu tiên cho vùng trong chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ đề án phổ cập MN 5 tuổi.

Hai là vấn đề học sinh bỏ học không còn ở chỗ hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hay học sinh mất căn bản mà ảnh hưởng sâu hơn vào việc làm, thu nhập trong xã hội hiện đại.

Ở Kiên Giang, học sinh 12-13 tuổi bỏ học để làm ngư phủ có thu nhập cao, các tỉnh có khu công nghiệp thì học sinh hết THCS đi làm lao động phổ thông để có thu nhập, thay vì học trung cấp nghề, học cao đẳng, đại học khó tìm việc làm.

Để đối phó với tình trạng học sinh bỏ học, An Giang có mô hình vận động toàn xã hội hỗ trợ cho  40.000 học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học vào đầu năm học, với mỗi suất hỗ trợ  500.000 đ từ nguồn huy động xã hội 27 tỉ đồng.

Bạc Liêu có mô hình học sinh học xong THCS vào học lớp GDTX, vừa học nghề, vừa học văn hóa, sau 3 năm có 2 bằng tốt nghiệp THPT và trung cấp nghề. Đây là giải pháp phân luồng học sinh khá hiệu quả, đã triển khai ở 3 huyện.

Ở An Giang, phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, 20% học nghề, 80% tiếp tục học THPT. Có thể phân luồng mạnh hơn nhưng tỉ lệ trường nghể, trường trung cấp chuyên nghiệp còn quá ít.

Ba là, quản lý dạy thêm, các tỉnh đồng bằng thực hiện quyết liệt. Tỉnh Đồng Tháp tham mưu với UBND tỉnh ra chỉ thị. Hai tháng đầu thực hiện có rất nhiều phản ứng tiêu cực. Nhất là ở bậc tiểu học, phụ huynh có nhu cầu gửi con 2 buổi/ngày nên giáo viên nhận học sinh buổi chiều về nhà riêng với lý do dạy "kỹ năng sống", nhưng Sở GDĐT ra quân giải quyết dứt điểm nên đã đi vào nề nếp.

Thứ tư, về kỳ thi tốt nghiệp THPT, các đại biểu nhất trí rằng kỳ thi năm 2012 có rất nhiều tiến  bộ, nhất là cách ra đề thi. Kỳ thi tới Bộ nên công bố các môn thi tốt nghiệp THPT sau khi thi xong học kỳ 2, để tránh tình trạng  học lệch. Nên phát huy quyền tự chủ của địa phương.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga biểu dương thành tích của ngành giáo dục đồng bằng sông Cửu Long: ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong giảng dạy cũng như trong quản lý giáo dục; tăng cường giáo dục kỹ năng sống thông qua phong trào xây dựng trường học thân thiện-học sinh tích cực;

Bộ lắng nghe ý kiến đề xuất của đại biểu về việc không thu học phí học sinh hệ MN; phát huy hơn nữa việc xóa bỏ việc học thêm, dạy thêm; địa phương tích cực phân luồng học sinh sau THCS bằng cách tăng cường chương trình dạy nghề. Bộ sẽ tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền mạnh hơn cho các sở trong quản lý GD địa phương.

Nguyễn Ngọc

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/Di-sau-thao-luan-nhung-chuyen-de-buc-xuc-1964752/

Lương 2.000 USD giáo viên sẽ vượt chuẩn châu Âu

Posted: 09 Nov 2012 05:16 AM PST

"Nếu Nhà nước trả cho giáo viên tiếng Anh người Việt 2.000 USD/tháng thì chỉ trong
vòng khoảng hai năm, hầu như tất cả giáo viên tiếng Anh ở Việt Nam sẽ đạt và thậm chí
vượt chuẩn châu Âu" – ý kiến một giáo viên.

Ảnh minh họa

Một giáo viên tiếng Anh, đã bức xúc nêu ý kiến như vậy trước thông tin Sở GD-ĐT
TP.HCM vừa thông qua đề án từ tháng 11/2012 – 100 giáo viên người Philippines sẽ bắt
đầu tham gia giảng dạy thí điểm tiếng Anh tại các trường tiểu học và THCS trên địa
bàn TP.HCM với mức lương 2.000 USD/tháng/giáo viên (mức lương này do phụ huynh chi
trả).

“Mình tốt nghiệp ĐH ngành Sư phạm tiếng Anh loại khá, nhưng ra trường phải ăn cơm
cha mẹ trong vòng sáu năm. Dành dụm được chút ít, sau đó vay thêm ngân hàng 30 triệu
đồng mới xây được ngôi nhà cấp 4 để cưới vợ – cô gái đã phải chờ tôi bốn năm để có
nhà vì ở chung với bố mẹ thì nhà vừa nhỏ vừa đông” – giáo viên tiếng Anh viết.

Bây giờ sau mười năm dạy học, vợ chồng tôi vẫn chưa trả xong nợ ngân hàng. Lỗi của
chúng tôi à? Trong khi chúng tôi đã tốt nghiệp từ ngôi trường mà chúng tôi nộp thuế
để được đi học. Nếu không đạt chuẩn sao lại cho chúng tôi tốt nghiệp? Trả cho chúng
tôi chưa đầy 100 USD/tháng mà đòi chúng tôi đạt chuẩn châu Âu? Trong khi đó, lại sẵn
lòng trả 2.000 USD cho người nước ngoài.

Tôi thấy bức xúc thì ít mà thấy xấu hổ thì nhiều. Ở ngành điện, ngành giao
thông… thì đem tiền ra làm giàu cho thiên hạ bằng cách mua công nghệ dỏm của nước
ngoài. Ở ngành giáo dục nay cũng học đòi thế, tại sao không tăng đãi ngộ cho giáo
viên để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm?

Theo Sài Gòn tiếp thị

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/96131/luong-2-000-usd-giao-vien-se-vuot-chuan-chau-au.html

Học bổng Dr Goh Keng Swee năm học 2013

Posted: 09 Nov 2012 05:14 AM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT thông báo chương trình học bổng Dr Goh Keng Swee năm học 2013

Quỹ học bổng Dr Goh Keng Swee được cộng đồng tài chính Singapore thành lập để tỏ lòng tôn kính nguyên Phó Thủ tướng Singapore Dr Goh Keng Swee (GKS). Ông là người đã có công đưa Singapore trở thành một trung tâm tài chính quốc tế lớn. Đây là học bổng của khối tư nhân do Hiệp hội Ngân hàng Singapore quản lý (ABS).

Hàng năm có khoảng 3 đến 4 suất học bổng Dr GKS được trao cho các cá nhân xuất sắc trong 15 nước khu vực Châu Á – Thái Bình Dương để học đại học tại các trường ở Singapore như trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS), trường Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), trường Đại học Quản trị Singapore (SMU) và trường Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD). Học bổng này sẽ ưu tiên trao cho các ngành học liên quan đến lĩnh vực tài chính.

Học bổng Dr GKS có tính cạnh tranh cao nên các yêu cầu tương đối khắt khe. Các ứng cử viên phải đáp ứng các tiêu chí sau:

Tự đăng ký thi vào các trường đại học nói trên của Singapore và phải làm đúng theo hướng dẫn do các trường đại học Singapore quy định cho sinh viên nước ngoài

Tích cực tham gia vào các hoạt động ngoại khóa/sinh hoạt tập thể chứng tỏ được khả năng lãnh đạo của mình

Các thí sinh đã thi hoặc đã đăng ký thi lấy chứng chỉ SAT

Ứng viên dưới 25 tuổi sẽ được ưu tiên.

Học bổng được cấp cho tối đa 4 năm học đại học (có thể bao gồm Bằng Danh Dự – Honours). Sinh viên nhận học bổng này sẽ được hưởng trợ cấp học phí và các khoản lệ phí bắt buộc khác, vé máy bay sang Singapore khi bắt đầu khóa học và vé máy bay về nước khi tốt nghiệp, trợ cấp sinh hoạt phí 6.500 đô la Singapore/năm, trợ cấp nội trú và trợ cấp ổn định chỗ ở ban đầu 200 đô la Singapore. Học bổng sẽ được xem xét lại hàng năm căn cứ vào kết quả học tập của sinh viên nhận học bổng.

Nếu trúng tuyển, những sinh viên này sau khi tốt nghiệp bậc đại học sẽ phải làm việc 3 năm cho một công ty được chỉ định tại Singapore, hoặc một công ty được chỉ định của Singapore đặt tại Việt Nam. Sinh viên không được trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ cam kết học bổng vì bất kỳ lý do gì kể cả lý do học tiếp cao học.

Thời hạn đăng ký học bổng Dr Goh Keng Swee năm học 2013 sẽ bắt đầu từ ngày 30 tháng 11 năm 2012 và kết thúc vào ngày 17 tháng 1 năm 2013.

Thí sinh có thể lấy mẫu đơn từ website (http://www.pscscholarships.gov.sg/content/pscsch/default/scholarshipapplication/otherscholarships/gks_scholarship.html). Thí sinh gửi đơn đã điền đầy đủ cho tan_yong_li@psd.gov.sg và psc@psd.gov.sg.

Thí sinh lưu ý không nộp bản cứng của đơn đăng ký như trước đây.

Đan Thảo

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3009/201211/Hoc-bong-Dr-Goh-Keng-Swee-nam-hoc-2013-1964746/

Nhìn nhận lại môn lịch sử

Posted: 09 Nov 2012 05:14 AM PST

Từ mong muốn của bạn đọc, Báo Thanh Niên cùng các nhà sử học và sư phạm đã rà soát lại các bộ sách giáo khoa (SGK) môn lịch sử bậc phổ thông và phát hiện một số thiếu sót đáng tiếc về kiến thức, hoặc những nhận định chưa thật thỏa đáng, mang dấu ấn của tư duy cũ.

Phát hiện công trường khai thác đá xây thành nhà Hồ
Thành nhà Hồ có hy vọng ghi danh Di sản văn hóa thế giới
Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc tại Thành nhà Hồ

Điểm lại những bất cập này, chúng tôi mong muốn trong công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục sắp tới, việc thay đổi cách dạy và học, biên soạn SGK – trước hết ở môn lịch sử – sẽ được đặt ra nghiêm túc, có vị trí xứng đáng nhằm góp phần khắc phục tình trạng thế hệ trẻ lờ mờ với lịch sử dân tộc như hiện nay.

Loạt bài này bắt đầu bằng những nhận định khách quan về các vương triều gây nhiều tranh cãi trong lịch sử.

Dù có những đóng góp quan trọng trong tiến trình của lịch sử Việt Nam nhưng nhà Hồ chỉ hiện diện hết sức sơ sài và nhiều thiếu sót trong SGK.

Nhìn nhận lại môn lịch sử: Một nửa sự thật về nhà Hồ

Năm 2011, UNESCO công nhận Thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới – Ảnh: Ngọc Thắng

Phải là một vương triều chính thống

SGK lịch sử lớp 7 có nhắc đến nhà Hồ nhưng không thành một chương riêng. Mở sách Lịch sử 7, muốn biết về nhà Hồ thì tìm đọc tiểu mục Nhà Hồ và cải cách Hồ Quý Ly trong bài Sự suy sụp của nhà Trần cuối thế kỷ XIV. Sắp xếp như vậy có nghĩa là nhà Hồ chỉ được chép phụ vào nhà Trần, không được xem là vương triều chính thống.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên (thế kỷ 15), sau kỷ nhà Trần, có phần phụ: Hồ Quý Ly và Hán Thương, viết về lịch sử Nhà Hồ (1400-1407). Ngô Sĩ Liên và các sử gia thời phong kiến đều đứng trên quan điểm Nho gia tôn sùng dòng chính thống của họ vua, không chấp nhận triều đại "thoán vị" (đoạt ngôi) nên trong sử chỉ được "phụ chép".

Viết SGK lịch sử, ngoài việc phải trình bày một cách chân thật, sinh động các sự kiện, các hành vi lịch sử, đòi hỏi "sử bút" vừa nghiêm vừa cần đạt tới độ cao của tình cảm

PGS-TS TẠ NGỌC LIỄN

Có lẽ Trần Trọng Kim là nhà sử học đầu tiên ở nước ta coi nhà Hồ ngang hàng như các triều đại khác. Trong Việt Nam sử lược xuất bản vào đầu thế kỷ 20, Trần Trọng Kim chia lịch sử Việt Nam (VN) theo thời đại với các chương. Thí dụ: Chương 4 – 5: Nhà Lý; Chương 6 – 10: Nhà Trần; Chương 11: Nhà Hồ…

Từ năm 1960-1961, trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử đã có cuộc tranh luận về Hồ Quý Ly. Những năm tiếp theo có nhiều cuộc hội thảo khoa học cũng như một số công trình nghiên cứu về Hồ Quý Ly, những cải cách và triều đại của ông.

Cho đến nay, giới nghiên cứu lịch sử nước ta đều thống nhất, nhà Hồ là một vương triều chính thức, như các vương triều khác: có vua, có quốc hiệu, kinh đô, có bộ máy chính quyền từ triều đình xuống địa phương, có tiền tệ, quân đội, có tổ chức khoa cử… Những nghiên cứu về Hồ Quý Ly và vương triều Hồ của giới sử học trong nửa thế kỷ qua đã đi tới thống nhất quan điểm khẳng định vương triều Hồ bên cạnh các vương triều Lý, Trần, Lê… Vì vậy, khi viết SGK lịch sử giảng dạy trong nhà trường, không thể không thể hiện rõ quan điểm đó.

Nhìn vào 6 chương lớn trong SGK lịch sử lớp 7 về các triều đại, thấy rằng cần phải bàn lại là việc phân kỳ lịch sử. Từ chương 1 đến chương 4, lịch sử được phân kỳ theo triều đại Ngô – Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Lê Sơ. Còn chương 5 và chương 6 lại phân kỳ theo thế kỷ. Tại sao thiếu sự thống nhất như vậy? Điều này dễ khiến nảy sinh câu hỏi rằng trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam, chỉ có nhà Lý, Trần, Lê Sơ là vương triều, còn nhà Hồ, nhà Mạc, Tây Sơn và nhà Nguyễn không phải là các vương triều sao?

Cần nhìn nhận khách quan

Nội dung viết về nhà Hồ trong Lịch sử 7, theo tôi khá sơ sài, chưa khúc chiết và thiếu những chi tiết cụ thể cần thiết. Thí dụ, cần phân biệt rõ 2 giai đoạn: Cải cách mà Hồ Quý Ly thi hành trong thời gian ông là đại thần ở triều Trần và triều Hồ sau khi thành lập năm 1400. Triều nhà Hồ trong khoảng 5 – 6 năm đã làm được nhiều việc, như sửa chữa đường sá, định lệ thi cử, đặt nhã nhạc, đặt phép hạn chế gia nô, tiêu chuẩn hóa đơn vị cân, đong, định tô thuế ruộng đất… Đặc biệt, nhà Hồ đẩy mạnh lực lượng quân sự, quốc phòng, chuẩn bị đối phó trước âm mưu xâm lược của quân Minh cũng như tăng cường sức mạnh để ổn định biên giới phương Nam. Thực tế ấy chưa được phản ánh đầy đủ trong sách Lịch sử 7.

Về văn hóa, giáo dục, SGK viết: "Hồ Quý Ly bắt các nhà sư chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục, cho dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy cho vua Trần và phi tần, cung nữ. Ông cũng sửa đổi cả chế độ thi cử, học tập" (trang 79). Các việc làm này không phải là thành tích về văn hóa, giáo dục của vương triều Hồ mà là một số sự việc Hồ Quý Ly thực thi dưới triều nhà Trần.

Về cuộc kháng chiến chống xâm lược Minh của nhà Hồ, sách Lịch sử 7, viết: "Tháng 11.1406… nhà Minh đã huy động một lực lượng lớn gồm 20 vạn quân cùng với hàng chục vạn dân phu, do tướng Trương Phụ cầm đầu, chia làm hai cánh tràn vào biên giới nước ta… Quân Minh lần lượt đánh bại quân nhà Hồ ở một số điểm thuộc Lạng Sơn. Hồ Quý Ly phải lui về đóng ở bờ nam sông Nhị (sông Hồng), lấy thành Đa Bang làm trung tâm phòng ngự. Ngày 22.1.1407, sau khi đánh bại quân nhà Hồ ở Đa Bang, quân Minh đánh chiếm Đông Đô (Thăng Long). Quân nhà Hồ phải lui về cố thủ ở thành Tây Đô. Tháng 4.1407, quân Minh tấn công vào Tây Đô, Hồ Quý Ly chạy vào Hà Tĩnh và bị bắt vào cuối tháng 6.1407" (trang 82). Trình bày về cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ như vậy chỉ mới đúng "một nửa sự thật" vì ở đây, SGK chỉ nói sự thất bại liên tiếp của nhà Hồ, mà không đề cập quá trình nhà Hồ chủ động chuẩn bị chống Minh, cũng như những trận chiến đấu hy sinh dũng cảm của quân, tướng nhà Hồ.

Khi biết nhà Minh đang âm mưu xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly cho chuẩn bị lực lượng quân đội, phòng vệ đất nước, và ông thường hỏi các quan rằng: "Ta làm sao có được 100 vạn quân để đánh giặc Bắc?". Quyết tâm chống quân Minh xâm lược cũng được thể hiện ở câu nói nổi tiếng của Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng (con cả Hồ Quý Ly): "Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không thôi".

Công việc chuẩn bị kháng chiến chống Minh của nhà Hồ rất tích cực ở phía bắc cũng như phía nam. Trên các con sông phía bắc, nhà Hồ cho đóng cọc gỗ, xây doanh lũy bên bờ phía bắc sông Hồng, bố trí các đội voi chiến… Những trận đánh nhau dữ dội giữa quân nhà Hồ và quân Minh diễn ra tại trận Mộc Hoàn (trên sông huyện Ba Vì), trận Đa Bang, trận Hàm Tử. Riêng trận Đa Bang diễn ra vô cùng ác liệt, quân nhà Hồ thất thủ nhưng để chiếm được thành Đa Bang quân Minh cũng thiệt hại nặng nề, xác chết chất cao ngang thành. Tướng Minh Trương Phụ chỉ huy tấn công phía tây-nam thành Đa Bang đã thuật lại: "Thần là bọn Trương Phụ cầm dùi, thúc trống ra lệnh, thân hành đốc chiến… Đạn bay như mưa, súng vang như sấm, giặc (quân nhà Hồ) lùa voi xông ra lao thẳng trận chiến, ta dùng hỏa hổ phá vỡ voi trận của địch…".

Cuộc kháng chiến chống Minh của nhà Hồ thất bại, nhưng là một thất bại bi tráng của những người anh hùng.

Viết SGK lịch sử, ngoài việc phải trình bày một cách chân thật, sinh động các sự kiện, các hành vi lịch sử, đòi hỏi "sử bút" vừa nghiêm vừa cần đạt tới độ cao của tình cảm, như vậy mới có sức hấp dẫn đối với học sinh.

Đã đến lúc SGK cần bổ sung, viết đầy đủ hơn về những đóng góp tích cực của nhà Hồ đối với đất nước hồi đầu thế kỷ 15.

 

Vừa thừa vừa thiếu

Có mấy nhận xét sơ bộ về SGK lịch sử VN từ lớp 6 đến lớp 12:

Phần lịch sử VN từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 19: Ngoài các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, mục tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa cứ lặp lại hết thời kỳ này đến thời kỳ khác theo lối dàn trải mà không nêu bật lên những thành tựu, tiến bộ tiêu biểu của mỗi thời kỳ.

Phần lịch sử VN từ giữa thế kỷ 19 đến năm 1975: Nặng về lịch sử kháng chiến chống Pháp, phong trào yêu nước, phong trào cách mạng, 2 cuộc kháng chiến (1945-1975) cùng một số chuyển biến kinh tế – xã hội nhất định còn phần phát triển văn hóa rất mờ nhạt. Từ năm 1975 đến năm 2000 thì trình bày theo các kế hoạch 5 năm, không nêu bật lên những điểm tiêu biểu.

Chưa cập nhật nhiều thành tựu nghiên cứu mới về lịch sử. SGK lớp 6 có một tiết cho nước Chămpa từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 5. SGK lớp 10 có một bài cho các quốc gia cổ đại trên đất nước VN. Sự bổ sung này cần ghi nhận nhưng vẫn chưa rõ quan niệm. Nhà Mạc là một vương triều tồn tại trong thế kỷ 16 cũng không có chỗ trong SGK. Một nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của Tổ quốc cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông cũng không được đề cập.

GS Phan Huy Lê

 

 

PGS-TS Tạ Ngọc Liễn

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121109/Nhin-nhan-lai-mon-lich-su-Mot-nua-su-that-ve-nha-Ho.aspx

5 lý do để quyết định học MBA Mỹ

Posted: 08 Nov 2012 05:05 PM PST

Sở dĩ người học luôn lựa chọn các chương trình MBA của Mỹ vì tính ứng dụng, thực tiễn cao và đặc biệt là hệ thống kiểm định giáo dục của Mỹ giúp người học dễ dàng phân biệt, đánh giá chất lượng của chương trình MBA.

 

Hệ thống kiểm định Mỹ – Bằng cấp giá trị toàn cầu

 

 

Các trường kinh doanh của Mỹ thông thường chịu sự kiểm định của hai hệ thống: kiểm định vùng và kiểm định chuyên ngành. Nước Mỹ có 6 tổ chức kiểm định giáo dục, bao gồm NEASC, NCA, MSA, SACS, WASC, NWCCU, phân theo 6 khu vực lãnh thổ, tổ chức kiểm định nằm trong vùng lãnh thổ nào thì có chức năng kiểm định chất lượng giáo dục các trường đại học và cao đẳng nằm trong vùng lãnh thổ đó. Sáu tổ chức này là đều được Bộ giáo dục Mỹ và Hội đồng kiểm định giáo dục đại học Mỹ (CHEA) công nhận. Ngoài việc cần được kiểm định chất lượng bởi một trong 6 tổ chức trên, các trường đào tạo về kinh doanh còn phải nỗ lực đạt được kiểm định chuyên ngành của ACBSP hoặc AACSB là hai tổ chức kiểm định có giá trị nhất về đào tạo kinh doanh. Một cách để nhận biết chương trình MBA có được ACBSP hoặc AACSB kiểm định hay không đó là dựa trên điều kiện đầu vào của chương trình (có yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh TOEFL hoặc IELTS không, có yêu cầu GMAT không?) hoặc nhìn vào hồ sơ của đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy trong chương trình (có bằng Tiến sĩ đúng chuyên ngành không? ACBSP hoặc AACSB kiểm định cho các trường kinh doanh trên toàn thế giới và Chương trình MBA được hai tổ chức này kiểm định có giá trị toàn cầu.

 

Phương pháp đào tạo và đội ngũ giảng viên từ Mỹ

 

 

Có một điểm chung giữa những trường đào tạo MBA có thứ hạng tại Mỹ đó là luôn đặt trọng tâm vào các môn học như truyền thông tiếp thị, hành vi người tiêu dùng, quản lý chuỗi cung ứng, chiến lược marketing. Tiếp thu kiến thức và kỹ năng một cách thụ động trên lớp không bao giờ được khuyến khích tại những trường kinh doanh lớn này mà quan trọng là học viên phải tự hình thành được cho mình tầm nhìn chiến lược, sự thấu hiểu và khả năng tư duy đột phá về thị trường và quản trị. Việc chuẩn hóa đội ngũ giảng viên là một yêu cầu bắt buộc đối với các chương trình MBA được kiểm định. Ít nhất 50% giảng viên giảng dạy trong chương trình phải là giảng viên cơ hữu của trường cấp bằng.

 


ĐH

ĐH Troy thu hút sinh viên từ hơn 80 quốc gia trên khắp thế giới theo học.

 

 

5 lý do để lựa chọn MBA Troy (Mỹ)

 

 

Chương trình MBA Troy tại Việt Nam đến nay đã triển khai được 7 khóa, thu hút hàng nghìn ứng viên quan tâm. Đây là chương trình MBA được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao. Theo học MBA Troy tại Hà Nôi, học viên được tiếp cận các bài học thực tiễn mới nhất trong môi trường kinh doanh toàn cầu, do đích thân giảng viên từ ĐH Troy chia sẻ. Hơn 80% học viên tốt nghiệp MBA Troy đang làm việc trong các công ty đa quốc gia tại Việt Nam và nước ngoài.

 


Một góc khu giảng đường MBA Troy tại trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN).

Một góc khu giảng đường MBA Troy tại trường ĐH Kinh tế (ĐHQGHN).

 

 

Theo kết quả khảo sát, có 5 lý do khiến MBA Troy là sự lựa chọn của các ứng viên:

 

1. Kiểm định chất lượng quốc tế bởi ACBSP đảm bảo bằng cấp của bạn có giá trị toàn cầu

 

 

3. Giảng viên giỏi: 50% giảng viên đến từ ĐH Troy (Mỹ), 50% giảng viên do chính ĐH Troy tuyển chọn và kiểm định

 

4. Ngân sách đầu tư hợp lý cho một chương trình MBA chuẩn Mỹ (dưới 10.000 đô la Mỹ, tương đương 200 triệu đồng)

 

5. Cơ hội học khóa ngắn hạn tại một trong những cơ sở của ĐH Troy trên toàn cầu và khóa luyện thi IELTS GMAT miễn phí.

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-660188/5-ly-do-de-quyet-dinh-hoc-mba-my.htm

Cảm động chuyện kể của “nữ sinh được bố cõng đi thi”

Posted: 08 Nov 2012 05:04 PM PST

"Với em, cô là người mẹ thứ hai đã dìu dắt và cho em được như ngày hôm nay" – đó là những chia sẻ của Linh về cô giáo Nguyễn Thúy Nga, hiện giảng dạy tại Trường THPT Trương Định (Hà Nội). Ba năm học dưới mái trường phổ thông tại lớp cô Nga chủ nhiệm, với Linh đó là quãng thời gian đẹp và ý nghĩa.

Nhớ lại những ngày đầu mới bước chân vào Trường THPT Trương Định, Linh tâm sự: "Từ nhỏ em đã bị tật nguyền và phải ngồi xe lăn nên cũng mặc cảm nhiều lắm. Lên đến lớp 10 thì em lại càng lo hơn bởi suy nghĩ lớn hơn rồi phải học nhiều và tham gia các hoạt động nên việc di chuyển cũng sẽ nhiều hơn mà điều này với em thì không dễ dàng gì cả. Tuy nhiên, khi được xếp vào lớp cô Nga chủ nhiệm thì mọi nỗi lo đó cũng em đều không còn nữa vì cô luôn tạo điều kiện tốt nhất cho em yên tâm học hành".

Kể chuyện cô giáo chủ nhiệm, Nguyễn Phương Linh vô cùng xúc động.

Cô Thúy Nga rất tâm lí và thương Linh nên cô luôn ở bên cạnh hỏi han, quan tâm và động viên em học tập. Đối với những hoạt động ngoại khóa của lớp tổ chức, bao giờ cô cũng hướng dẫn các bạn chọn địa điểm nào phù hợp mà Linh có thể tham gia được. Hay những dịp nhà trường tổ chức cắm trại và làm các chương trình, cô Nga lại ân cần giao các việc mà Linh có thể làm như ngồi kết hoa, vẽ báo tường và ở khâu chuẩn bị để em được hòa nhập với các bạn. Với cô, Linh không chỉ là một học sinh mà còn là một đứa con nhỏ đã phải chịu nhiều thiệt thòi nên cô thương và yêu quý lắm.

Ba năm – khoảng thời gian không quá dài so với cuộc đời một con người nhưng bằng đó là đủ để cho cô học trò nhỏ ngấm và hiểu dần những lời cô Thúy Nga dạy. Với cô Nga, là cô giáo chủ nhiệm lại trực tiếp dạy Linh bộ môn tiếng Anh nên cô có nhiều thời gian gần gũi và hiểu học trò hơn. Những hôm Linh đau ốm phải nghỉ học, cô không quản ngại mang vở đến tận nhà cho em chép và giảng lại bài học ngày hôm đó. Đối với những môn học khác, chính cô Nga lại làm nhịp cầu để Linh có điều kiện được học hỏi ngoài giờ lên lớp. Có việc gì khó cô đều ở bên cạnh Linh giúp đỡ và giảng giải cho em hiểu cách làm nào tốt và phù hợp với em nhất.

Trong tâm trí của Linh, em nhớ đã có lần mình biếng học và không cố gắng nhưng những lời cô Nga phân tích: "Bố mẹ sẽ không ở lại với con cả cuộc đời được, vì thế bản thân con phải tự cứu lấy con bằng cách học hành để có một công ăn việc làm ổn định nuôi sống bản thân mình sau đó giúp đỡ những người khác" khiến em ngộ ra nhiều điều và thay đổi suy nghĩ. Từ đó, em càng cố gắng chăm chỉ học tập hơn và xác định được mục tiêu phấn đấu cho tương lai.

Linh và cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thúy Nga có mặt trong buổi lễ giao lưu.

Thương Linh, cô Nga luôn dõi theo cô học trò nhưng không vì thế mà cô xem nhẹ những lỗi Linh mắc phải. Nghiêm khắc xử phạt cũng như thẳng thắn góp ý, cô muốn Linh luôn xác định rõ ràng em cũng như các bạn khác, không vì nghĩ mình khuyết tật mà được đặc cách. Các bạn học thì em cũng học, các bạn lao động hay vui đùa cũng luôn có Linh bên cạnh cổ vũ động viên tinh thần. Cũng nhờ cách dạy đó của cô Nga mà cô học trò nhút nhát đã mạnh dạn và tự tin hơn vào bản thân rất nhiều khiến em không thấy giữa mình và mọi người có khoảng cách. Tất cả mọi việc đều diễn ra bình thường ngay cả khi em phải ngồi xe lăn để di chuyển.

Hiện tại Linh là sinh viên năm nhất khoa Luật của Trường ĐH Công đoàn nhưng những kỉ niệm về cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thúy Nga vẫn theo sát em trên giảng đường. Hình ảnh người cô ngày ngày cặm cụi với phấn trắng bảng đen dạy học trò luôn hiển hiện trong em. Câu nói vô tình của ai đó rằng "Cuộc đời giáo viên như người lái đò chở những thế hệ học sinh qua sông nhưng nhiều người cập bến rồi cũng đã quên mất" đã khiến Linh bật khóc. Qua cuộc trò chuyện giao lưu, Linh cũng muốn nhắn nhủ đến các thế hệ học trò hãy nhớ và gửi lời tri ân đến những người thầy cô đã và đang cần mẫn với công việc trồng người.

Phạm Oanh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-660647/cam-dong-chuyen-ke-cua-nu-sinh-duoc-bo-cong-di-thi.htm

Khi trường công có giáo viên “Tây”

Posted: 08 Nov 2012 05:04 PM PST

(GDTĐ) – Không chỉ có các trung tâm ngoại ngữ, các trường quốc tế hay trường tư thục, vài năm trở lại đây, các trường công lập cũng đã hợp đồng giảng dạy tiếng Anh với người nước ngoài. Mục tiêu của các trường là giúp học sinh tăng cường phần giao tiếp với người bản xứ, rèn kỹ năng nghe nói.

Rẻ và tiết kiệm thời gian

Tại TP.HCM, việc hợp đồng với giáo viên bản ngữ trong trường công được thực hiện từ nhiều năm nay, ở các trường có tăng cường tiếng Anh, trường tiên tiến. Năm học rồi, HS lớp TCTA của Trường THCS Tân Bình được học với giáo viên bản ngữ mỗi tuần 2 tiết, mỗi tháng học phí thỏa thuận với phụ huynh 150.000đ/trò. Ở bậc THPT thì học phí với giáo viên bản ngữ cao hơn, như ở Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền nay là 300.000 đ/tháng. Ở Trường THPT Nguyễn Du, nơi triển khai mô hình chất lượng cao, thì trong gói 890.000 đ học phí/tháng đã bao gồm mỗi tháng 2 buổi giáo viên bản ngữ (mỗi buổi 2 tiết).

Họp phụ huynh đầu năm khi đề cập đến "dịch vụ" giáo viên bản ngữ", hầu hết phụ huynh đều đưa cả hai tay. Lí do khá đơn giản: rẻ, tiết kiệm thời gian học thêm. Chị Ngọc, một phụ huynh có hai con học tăng cường tiếng Anh cho biết:  "Tính ra, với một lớp tăng cường 35 học sinh, tổng thu học phí để trả cho thầy ngoại và giáo viên nội (tiếng Anh) trợ giảng cũng không phải quá cao. Cộng với học phí tăng cường tiếng Anh nữa, cũng chỉ khoảng 200.000 đ/tháng. Mà học sinh học được nhiều, không phải "đi" trung tâm. So với mức học phí tuần ba buổi tiếng Anh ở các trung tâm cỡ trung như Dương Minh hay Việt Mỹ, thì quá rẻ, so với ILA thì… rẻ bộn. Con mình lại được học trong thời gian ở trường, không phải đêm hôm đưa đón đi học thêm nữa".

Với học trò, thì được học với thầy "Tây", cô "Tây" là việc thú vị rồi, ấy là chưa kể, một số giáo viên có cách dạy và giao tiếp thoải mái hơn cô "nhà mình". Một chuyên gia tư vấn giáo dục Hội đồng khảo thí đại học Cambridge, cũng cho biết:  Việc học tiếng Anh có yếu tố người nước ngoài, học sinh hứng thú hơn. Đặc biệt các kỹ năng nghe, nói, giao tiếp bằng tiếng Anh của học sinh nhờ đó cũng được nâng lên đáng kể.

Những bất cập từ… thầy Tây

Bên cạnh những mặt được, việc hợp đồng với các thầy Tây thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập về mặt chuyên môn và văn hóa. Về chuyên môn người nước ngoài thường tùy hứng dạy, bởi vậy đã xuất hiện tình trạng có nhiều chương trình dạy khác nhau trong cùng cấp học hoặc trong cùng trường.

Một giáo viên dạy tăng cường tiếng Anh qua thực tế trợ giảng cho thầy Tây ở trường T (TP.HCM) cho biết: Theo quy định, giáo viên nước ngoài chỉ được phép tham gia chương trình dạy thêm và không được tham gia đánh giá học sinh. Nếu không tuân thủ nghiêm nguyên tắc này, học sinh sẽ đi chệch chương trình pháp quy và tiêu chuẩn đánh giá Việt Nam về giáo dục.

Bởi vậy, trong quá trình trợ giảng, mặc dù tôn trọng đồng nghiệp nhưng cô cũng phải rút kinh nghiệm với đồng nghiệp nhiều về sự tùy hứng. Khổ thay, học trò nhiều lúc coi tiết giáo viên bản ngữ như dịp xả stress nên… thích tùy hứng hơn chính quy. Học với giáo viên bản ngữ ở bậc tiểu học lại gặp khó khăn khi cùng thời điểm, trò vừa tập tròn vành rõ chữ tiếng Việt, vừa học ngoại ngữ. Vậy là tiết giáo viên bản ngữ nhưng… phải thực hiện song ngữ trò mới hiểu!


Học với giáo viên nước ngoài giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp ngoại ngữ cho học sinh

Một mặt trái nữa là yếu tố văn hóa. Thầy "Tây" nên rất tự nhiên, ngay cả với học sinh nữ. Hiệu trưởng một trường THCS từng hợp đồng với thầy "Tây" cho biết: Có giáo viên bản xứ rất hay trong tăng cường kỹ năng nghe nói của học sinh. Nhưng mặc dù phụ huynh có nhu cầu nhưng trường cũng có e ngại. Bởi vì xác định tư cách, trình độ của thầy "Tây" không phải dễ, chủ yếu trường nhờ Tổ ngoại ngữ giúp là chính, quản lí không rành.

Cũng có trường hợp thầy "Tây" không chú ý đến văn hóa học đường Việt Nam, khá tùy nghi trong ứng xử. Ví dụ, có thầy hồn nhiên ôm học trò vô tư, khiến học trò hoảng loạn. Khi giảng dạy thì… ngồi hẳn lên bàn học sinh. Các thầy cũng hay kết nhóm với một số em đi ăn uống, picnic… khiến phụ huynh e ngại. Mấy năm trước, khi phá một vụ án xâm hại tình dục trẻ em của một người nước ngoài, người ta phát hiện y từng… dạy tiếng Anh cho một số trung tâm.

Cần chuẩn hóa người nước ngoài dạy học

Thực hiện đề án dạy học chương trình tiếng Anh giai đoạn 2008-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải pháp sử dụng người nước ngoài dạy học là một hướng đi được các thành phố lớn trực thuộc TW chú ý. Thay vì để các trường, các tổ ngoại ngữ linh động hợp đồng thầy "Tây" sau khi thỏa thuận với phụ huynh, ngành giáo dục các địa phương đã chú ý tới yếu tố quản lý chất lượng và tư cách nhà giáo của người đứng lớp.

Một lãnh đạo của ngành GDĐT Hải Phòng cho biết: Khi trong trường học có giáo viên nước ngoài dạy, các trường thông qua các công ty, trung tâm Anh ngữ có tư cách pháp nhân giới thiệu giáo viên cho trường, các đơn vị bảo lãnh ký hợp đồng có trách nhiệm đánh giá trình độ bằng cấp của giáo viên bản ngữ có đáp ứng yêu cầu không, có trình độ nghiệp vụ sư phạm mới được tham gia giảng dạy. Đối với các trường học, việc thuê giáo viên người nước ngoài dạy cũng góp phần nâng cao trình độ dạy tiếng Anh cho giáo viên của trường.

Tại TP.HCM, ngành GDĐT đã đi trước một bước bằng việc có đề án tuyển dụng giáo viên người nước ngoài đứng lớp. Mới đây,  Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức họp bàn về công tác tuyển dụng giáo viên bản ngữ phục vụ cho việc thực hiện đề án phổ cập năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông.

Bắt đầu từ tháng 11 này, 100 giáo viên bản ngữ có bằng sư phạm tiếng Anh, có năng lực tổ chức các hoạt động ngoại khóa sẽ tham gia giảng dạy thí điểm tại các trường tiểu học, THCS. Những giáo viên này hưởng lương khoảng 40 triệu đồng/tháng (tương đương 2.000 USD), đảm nhận 35 tiết/tuần. Trong đó có 20 tiết trực tiếp đứng lớp, số tiết còn lại giáo viên tổ chức sinh hoạt ngoại khóa.

Tùy vào số lượng học sinh sẽ quyết định mức thu cụ thể nhưng để học với giáo viên bản ngữ từ 1-2 tiết/tuần học sinh sẽ phải đóng trung bình khoảng 120.000 đồng/tháng và mỗi năm các em đóng tiền trang thiết bị cho việc học này từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Sở  tuyển 100 giáo viên nước ngoài theo quy chuẩn. Với nguồn đó, trường nào thấy thích hợp thực hiện trong năm học này thì  đăng ký.

Tổ chức được cho giáo viên nước ngoài tăng cường kỹ năng nghe nói của học sinh là một giải pháp hay thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia. Khi đã xem đây là một trong những biện pháp để đẩy mạnh dạy học ngoại ngữ theo đề án quốc gia thì cũng cần có chính sách tương tự mua sắm trang thiết bị.

Tại TPHCM, thoạt đầu đề án tuyển dụng giáo viên nước ngoài dự kiến 50% kinh phí từ ngân sách, 50% kinh phí từ phụ huynh, nhưng trong cuộc họp mới đây, có vẻ như  lãnh đạo thành phố đã đổi ý: 100% kinh phí phụ huynh phải chịu!

Hà Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/Khi-truong-cong-co-giao-vien-Tay-1964727/

Comments