Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hà Tĩnh: Bi hài chuyện thầy… nhiều hơn trò

Posted: 04 Nov 2012 12:10 AM PDT

Thừa thầy, thiếu trò

Hiện nay có lớp học chỉ có 2 em học sinh, thậm chí cả trường cũng chỉ vẻn vẹn có 19 em học sinh nhưng vẫn phải duy trì và hoạt động như 1 lớp, 1 trường bình thường.

 

Trường THCS Quang Điền xã Hương Quang, huyện Vũ Quang chỉ vẻn vẹn có 25 em học sinh chia làm 4 lớp mà có tới 18 cán bộ công nhân viên chức trong đó 13 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Lớp học đông nhất cũng chỉ có 9 em học sinh. Có lớp chỉ có 2 em nhưng vẫn phải bố trí giáo viên dạy học như bình thường.

Một buổi dự giờ ở Trường THCS Quang Điền chỉ có duy nhất 2 em học sinh.

Thầy Mai Anh Đức – hiệu trưởng Trường THCS Quang Điền cho biết: "Dù có lớp học chỉ có 2 em học sinh nhưng cũng phải bố trí giáo viên dạy chứ không thể bỏ, hay gộp được. Phải đảm bảo cơ cấu số giáo viên, số lớp, hoạt động như một trường bình thường không thể gộp hay ghép được".

Theo như quy định của Bộ GD-ĐT thì tỉ lệ số giáo viên trên một lớp theo đúng tiêu chuẩn là 1,45 giáo viên/1 lớp học thế nhưng ở Trường THCS Quang Điền thì tỉ lệ này lên tới là 3,1 giáo viên/1 lớp học.

Thầy Đức giải thích: "Hai xã Hương Quang và Hương Điền thuộc diện phải di dời để phục vụ cho Dự án thủy điện Ngàn Trươi – Cẩm Trang, thế nên trong những năm gần đây rất nhiều hộ dân đã chuyển đến các vùng khác để sinh sống dẫn tới số lượng học sinh giảm một cách nghiêm trọng".

Tương tự, ở Trường Tiểu học Hương Quang, và Trường Tiểu học Hương Điền cũng xảy ra tình trạng thừa giáo viên thiếu học sinh. Trường Tiểu học Hương Quang có 2 cơ sở: cơ sở 2 ở thôn Kim Quang có 52 em học sinh và 5 giáo viên, thậm chí ở cơ sở 1 ở thôn Kim Thọ chỉ có 32 em học sinh nhưng có đến 13 giáo viên trực tiếp đứng lớp . Tương tự Trường Tiểu học Hương Điền hiện nay chỉ có 19 em học sinh, có lớp học chỉ có 2 em, 3 em học sinh với tổng 10 thầy cô giáo, trong đó 6 người trực tiếp đứng lớp.

Lớp 4 của Trường Tiểu học Hương Quang, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang chỉ có 4 em học sinh.

Ông Nguyễn Thái Hòa, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vũ Quang cho biết: "Phải đảm bảo cơ cấu giáo viên. Ở đây số giáo viên được tính theo lớp học chứ không phải tính theo học sinh nên không thể giảm bớt giáo viên ở đây được". Hiện toàn huyện có 641 giáo viên biên chế. Nếu đúng như quy định, tiêu chuẩn của Bộ thì hiện tại huyện Vũ Quang đang thừa 56 giáo viên, trong đó cấp Trung học thừa 43 giáo viên, cấp Tiểu học thừa 13 giáo viên nhưng mầm non hiện đang thiếu 45 giáo viên.

Không chỉ có Vũ Quang mà nhiều địa phương khác của Hà Tĩnh đang xảy ra thực trạng tương tự như huyện Hương Khê hiện thừa 145 giáo viên chủ yếu ở cấp TH và Tiểu học…

Lớp 4 của Trường Tiểu học Hương Quang, xã Hương Quang, huyện Vũ Quang chỉ có 4 em học sinh.

Thừa mà thiếu

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Tĩnh thì hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đang thừa hơn 1.000 giáo viên, chủ yếu là bậc TH và Tiểu học. Thừa nhưng không thể biết được danh sách cụ thể, tên tuổi của các giáo viên thừa. Bởi con số thừa này là trên định mức của trường, tổng quát, còn nói ra cụ thể thì không thể đưa ra ai là người thừa nên việc điều chuyển giáo viên hết sức khó mới dẫn tới chuyện kẻ thừa người thiếu.

Giờ ra chơi của các em học sinh Trường THCS Quang Điền chỉ có lèo tèo vài em

Ở huyện Vũ Quang, hiện ở cấp THCS và Tiểu học thừa 56 giáo viên trong khi cấp mầm non lại đang thiếu 45 giáo viên, để đảm bảo việc học các trường phải kí hợp đồng với giáo viên bên ngoài để đủ giáo viên đủ lớp.

Tương tự, ở Hương Khê hiện thừa 145 giáo viên văn hóa nhưng lại thiếu giáo viên đặc thù, đặc biệt là giáo viên dạy ngoại ngữ.

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Hương Khê, hiện nay Số CBQL, GV, nhân viên ngành học mầm non: 544 giáo viên (trong đó có 114 hợp đồng), Số CBQL, GV, nhân viên bậc học THCS: 680 (trong đó có 4 giáo viên hợp đồng). Môn văn hóa cần: 398 GV, hiện có 466 (thừa 68), môn âm nhạc cần: 27 GV, hiện có 24 ( thiếu 3), môn mỹ thuật cần: 27 GV, hiện có 28 (thừa 1), môn tiếng Anh cần: 17 GV, hiện có 13 (thiếu 4),môn thể dục cần: 7 GV, hiện có 5 (thiếu 2), môn Tin học cần: 7 GV, hiện có 5 (thiếu 2) 

Lớp học đông nhất ở Trường THCS Quang Điền  cũng chỉ có... 9 em học sinh

Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hương Khê cho biết: hiện nay các cấp Trung học và Tiểu học của huyện Hương Khê đang thừa hơn 145 giáo viên nhưng lại đang rất thiếu các giáo viên đặc thù (giáo viên dạy nhạc, tin, ngoại ngữ). Toàn huyện Hương Khê có 31 Trường Tiểu học nhưng chỉ có 12 giáo viên dạy tiếng Anh nên để đáp ứng nhu cầu học của học sinh một giáo viên tiếng Anh ở huyện Hương Khê phải đi dạy 2-3 trường. "Nhu cầu học tiếng Anh còn cao, chúng tôi đã xin biên chế thêm giáo viên tiếng Anh nhưng tỉnh không cho vì hiện nay còn thừa giáo viên. Nhưng ở đây thừa giáo viên văn hóa, chứ còn giáo viên đặc thù như ngoại ngữ, tin thì lại đang rất thiếu. Các trường phải kí hợp đồng với các giáo viên tiếng Anh để đáp ứng như cầu học của các em và phụ huynh" - ông Hùng nói.

Việc đào tạo tràn lan không bám sát nhu cầu thực tế tại địa phương đã dẫn tới chuyện bi hài thừa mà thiếu, thừa thầy thiếu trò, thừa so với định mức nhưng thiếu so với nhu cầu.

Được biết, trong năm nay, tỉnh Hà Tĩnh đã ra Quyết định không biên chế thêm giáo viên nhưng chỉ riêng Trường ĐH Hà Tĩnh sẽ cho ra lò hơn 1000 giáo viên!

Xuân Sinh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-658795/ha-tinh-bi-hai-chuyen-thay-nhieu-hon-tro.htm

Giáo dục ngốn hàng tỷ USD vẫn lạc hậu

Posted: 04 Nov 2012 12:10 AM PDT

Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, ĐH Quốc gia Hà Nội, đơn cử về sự lạc điệu, lạc hậu của giáo dục nước nhà có thể nhìn vào giáo dục đại học. Số lượng trường ĐH,CĐ hiện nay khoảng 500 trường, dự kiến từ nay đến 2020 chúng ta sẽ có khoảng 576 trường với 4,5 triệu sinh viên. So với năm 1987, số trường ĐH, CĐ tăng gấp 5 lần, số sinh viên tăng 13 lần, nhưng số giảng viên tăng có 3 lần.

Trẻ cần được dạy để tự chủ và phát triển tối đa trí thông minh

Trẻ cần được dạy để tự chủ và phát triển tối đa trí thông minh

Việc mở rộng đại học ồ ạt này không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, vượt xa sức chịu đựng của nền kinh tế. Tệ hơn, chất lượng đào tạo của ta rất thấp, bằng cấp của đại học VN chưa được thị trường lao động quốc tế thừa nhận, đào tạo mà không sử dụng được là sự lãng phí ghê gớm.

- Đất nước và người dân còn nghèo nhưng đã dành những gì tốt nhất để đầu tư cho giáo dục.Vậy mà những năm qua, giáo dục càng đổi mới càng luẩn quẩn?

- GS Nguyễn Xuân Hãn: Về khủng hoảng giáo dục, nhóm giáo sư Harvard đã nói “Sự thất bại của ngành giáo dục không những kìm hãm sự phát triển của quốc gia mà còn duy trì sự bất công bằng trong xã hội”. Đầu tư cho GD là đầu tư cho phát triển, kinh phí cho GD ngày càng tăng. Dự kiến đến năm 2010 ngân sách Nhà nước sẽ chi 20%, nhưng dự kiến này đã thực hiện trước ba năm vào năm 2007 đã chi 20% NSNN, đó là một tỷ lệ lớn.

Đó là chưa kể tới mức đóng góp rất lớn của dân, mức  thu của dân vào mức cao nhất thế giới. Trong khi đó đầu tư giáo dục ở Mỹ tính theo GDP là 7,2%, Pháp 6,1%, Nhật 4,7%. Trung Quốc 12%. Cuba vẫn giữ nền giáo dục miễn phí.  Năm 1990, ta có 12 triệu học sinh, sinh viên, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chỉ có 767 tỉ đồng (120 triệu USD theo giá USD) còn dân đóng góp không đáng kể.

Đến năm 2011 số học sinh, sinh viên tăng lên gần hai lần, là 22 triệu em, nhưng ngân sách chi cho giáo dục  của Nhà nước và dân đóng góp là xấp xỉ 10% GDP (tổng số 12 tỉ USD, trong đó Nhà nước chi 7 tỷ USD) gấp 100 lần, đó là chưa kể vay của nước ngoài trung bình 100 triệu USD/năm kể từ năm 1993 đến nay.

- Ông từng nhiều lần lên tiếng về việc cần xây dựng chương trình và bộ sách giáo khoa chuẩn, thứ mà ngành giáo dục loay hoay ba chục năm nay. Đó cũng là một sự lãng phí rất lớn?

- GS Nguyễn Xuân Hãn: Chỉ nói riêng về việc viết, in, bán sách giáo khoa, chúng ta đã lãng phí tiền của một cách khủng khiếp.

Toàn quốc có 55 nhà xuất bản, và 6.200 doanh nghiệp và cơ sở in ấn của Nhà nước và tư nhân, với doanh thu 1 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng doanh thu trung bình 100 triệu USD đến 150 triệu USD/năm. Riêng giấy in sách giáo dục cần khoảng 2 triệu tấn/năm, trong nước chỉ cung cấp được 40% còn lại 60% phải nhập ngoại.

Theo số liệu điều tra ở Cty phát hành sách Hà Nội năm 2008, có 3.120 sách tham khảo cho tất cả HS phổ thông, cụ thể: Lớp 1 có 59 cuốn sách tham khảo; Lớp 2 có 85 cuốn; Lớp 3 có 109 cuốn; Lớp 4 có 147 cuốn; Lớp 5 có 180; Lớp 6 có 202; Lớp 7  có 199; Lớp 8 có 288; Lớp 9 có 357; Lớp 10 có 394 ; Lớp 11 có 442; Lớp 12 có 148.

Chưa kể tiền của dân bỏ ra, đợt thay sách từ 2002 đến 2011 dự chi 32.000 tỷ, khoảng 2 tỷ USD, gần đây lại có dự kiến thay SGK vào sau năm 2015, với kinh phí 70.000 tỷ đồng – khoảng 3,5 tỷ USD.

Sự lãng phí này nằm ở chỗ, ba chục năm nay chúng ta không cho ra được bộ sách giáo khoa chuẩn. Mỗi năm lại in lại sách giáo khoa, học sinh lại mua sách mới và bỏ sách cũ, lãng phí xã hội rất lớn mà học sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa vẫn không có tiền để mua sách.

- Cải cách giáo dục là đòi hỏi bức bách của xã hội. Vậy làm sao để cuộc "đổi mới toàn diện lần này" thực sự làm giáo dục tiến bộ và trong sáng hơn?

- GS Nguyễn Xuân Hãn: Có thể nói, thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ÐT là cần thiết nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội một cách căn cơ và bền vững. Tuy nhiên, việc đổi mới cần trên cơ sở đánh giá và nhìn nhận đúng thực trạng, tìm rõ nguyên nhân và có giải pháp vừa cụ thể, vừa tổng quát. Trong đổi mới giáo dục, việc trước tiên cần bảo đảm đủ trường lớp kiên cố với thiết bị dạy học tối thiểu.

Nhanh chóng có sách giáo khoa mới cho phổ thông: các sách khoa học tự nhiên như ở các nước tiên tiến, sách khoa học xã hội bảo đảm tính khoa học, chính xác, đơn giản, thiết thực với phần thực hành tương thích, dạy và học giá trị sống và kỹ năng sống. Chấn chỉnh, củng cố đội ngũ nhà giáo  có phẩm chất và tay nghề.

Tôi cho rằng, cần thành lập ủy ban quốc gia về cải cách giáo dục độc lập với Bộ GD-ÐT để thực hiện hai nhiệm vụ: tổ chức tiến hành cuộc tổng điều tra GD trong năm 2013 và tổ chức soạn thảo Ðề án tổng thể về cải cách giáo dục trong năm 2014 để Chính phủ trình Quốc hội thông qua và tổ chức thực hiện bắt đầu từ năm 2015.

- Thưa giáo sư, làm sao bảo đảm rằng chúng ta sẽ đổi mới giáo dục thành công khi có quá nhiều thách thức ở phía trước?

- GS Nguyễn Xuân Hãn:Đúng là chúng ta có những thách thức rất lớn. Lớn nhất, theo tôi, chính là tư duy đổi mới, tư tưởng, ý thức hệ. Tuy nhiên, chúng ta có thời cơ để đổi mới giáo dục. Hiện nay, giáo dục đang là nỗi bức xúc lớn của người dân, nếu không muốn đất nước chìm đắm mãi trong vòng lạc hậu. Chính những đòi hỏi bức xúc này sẽ thúc cải cách giáo dục toàn diện, triệt để, trở thành mệnh lệnh của cuộc sống.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-658834/giao-duc-ngon-hang-ty-usd-van-lac-hau.htm

Kéo dài tuổi nghỉ hưu để tận dụng trí thức

Posted: 04 Nov 2012 12:10 AM PDT

Kéo dài tuổi nghỉ hưu để tận dụng trí thức

TT – Sáng 3-11, Bộ GD-ĐT kiểm tra tình hình thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 tại ĐH Đà Nẵng. PGS.TS Trần Văn Nam – giám đốc ĐH Đà Nẵng – cho biết hiện ĐH Đà Nẵng đang triển khai nhiều biện pháp để trở thành ĐH nghiên cứu.

Trong đó, đơn vị này đã thực hiện chính sách giữ tiến sĩ đến tuổi về hưu thêm ba năm, với học hàm, học vị phó giáo sư, giáo sư thì giữ thêm 5-6 năm nhằm tận dụng kiến thức của các nhà khoa học.

Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đã giữ lại sáu tiến sĩ.

Tại các trường thành viên, ĐH Đà Nẵng đã thành lập các tổ thanh tra công tác đào tạo do các giáo sư, tiến sĩ về hưu đảm trách.

Ngoài ra, mỗi cán bộ, giảng viên phải có ít nhất hai bài báo đăng tạp chí khoa học mới được điểm thi đua, nếu không sẽ bị trừ 60 giờ dạy trong năm học.

Giảng viên trẻ chậm nhất 30 tuổi phải có trình độ thạc sĩ, 38 tuổi có trình độ tiến sĩ.

ĐOÀN CƯỜNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/518918/Keo-dai-tuoi-nghi-huu-de-tan-dung-tri-thuc.html

Dự giờ theo diện… quy hoạch

Posted: 04 Nov 2012 12:10 AM PDT

Đó là do tâm lý chủ quan. Từ trước đến nay, Phòng hay Sở đi dự giờ thường là vào thời điểm giữa học kỳ hay là giữa năm học, chứ không ai lại đi vào đầu năm học…

Bốn tuần lễ vừa qua, Ban giám hiệu phải "chạy sô" bao nhiêu là việc, nào phân công chủ nhiệm, phân công chuyên môn, nào đại hội công nhân viên chức, rồi còn đang phải chuẩn bị đại hội phụ huynh học sinh, vân vân và vân vân…". "Ông Sở" chẳng tâm lý chút nào, ai lại xuống trường người ta vào lúc lấn bấn như thế này", hiệu trưởng than van cùng hiệu phó.


(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Than van thì than van vậy nhưng mà cấp trên lệnh thì cấp dưới vẫn phải nghe. Mà có cãi lại thì cũng không có cớ để mà cãi. Sở về dự giờ để nắm bắt việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy của nhà trường. Chẳng lẽ lại bảo: chúng tôi bận quá chưa có thời giờ để mà đổi mới hay sao?

Chỉ còn cách là Ban giám hiệu họp các tổ trưởng chuyên môn để hội kiến gấp, để hiến kế cách đối phó sao cho ổn thỏa mà thôi. Ngặt nỗi Sở lại chẳng thông báo dự giờ nào, dự giờ của ai. Thế nên chỉ còn cách là tất cả những giờ dạy ở thời khóa biểu sáng mai (thứ ba) đều được đưa vào diện "quy hoạch".

Tiết dạy nào trúng giáo viên dạy giỏi thì thôi, còn tiết dạy nào trúng GV còn non tay nghề thì tạm thời "xin phép" nghỉ có lý do gì đấy, để GV khác vào dạy thế.

Những GV được "bỏ nhỏ" tạm thời được nghỉ đã không tự ái lại còn tỏ ra vui mừng, vì chẳng ai lại chuốc họa vào thân, vì chỉ một sơ xuất trong giờ dạy mà bị Sở phê bình thì coi như mất luôn uy tín của cả cá nhân, lẫn tập thể, không khéo còn ảnh hưởng cả tới xếp loại thi đua trong năm nữa.

Sáng hôm sau, đúng y thông báo, chuyên viên của Sở về trường dự 2 tiết, Toán và Địa lý ở tiết thứ hai của Thời khóa biểu trong ngày. Tiết Địa thì trúng một giờ của một GV dạy giỏi cấp Quận thì không ai phải lo. Chỉ có mỗi tiết Toán là nhà trường đã phải hoán đổi thầy N có giờ dạy buổi chiều lên dạy thế chỗ của cô V, một GV dạy ở mức độ trung bình.

Thầy N dạy có tiếng là dạy HS dễ hiểu bài, chỉ phải cái tội thầy thuộc hàng "a ma tơ"; các em HS cho biết nhiều hôm thầy đi tay không vào lớp, chẳng giáo án giáo iếc gì, chỉ có cây thước với cục phấn mà dạy như gió. Nhưng hôm nay thầy N vào lớp lại rất chi là cẩn thận; thầy dạy giáo án điện tử, máy chiếu, bảng biểu, bản đồ tư duy, thôi thì đủ cả.

Thầy giảng tới đâu, học sinh giơ tay đều răm rắp tới đó. Rồi thầy gọi học sinh trả lời, em A, em B trót lọt. Tới em C, thầy "mời em" vui vẻ, nhưng em vừa giơ tay nghe thầy gọi đến lại rụt tay lại tỏ ra bối rối.

Thầy khuyến khích" Em cứ nói, sai thì các bạn bổ sung, đâu có gì phải ngại!", thế là em C phải đứng lên, em trình bày lí nhí nhưng lớp học bỗng như ngưng thở nên ai cũng nghe rõ: " Thưa thầy, em không được cử phát biểu trước, em chỉ giơ tay cho có thôi ạ!".

Tới đây thì cả người dạy lẫn người dự đều giật mình không biết nói gì hơn. Tiết học từ đó trở đi bỗng trầm lắng thiếu sinh khí, dù thầy N đã hết sức cố gắng bằng sở trường vốn có của mình.

Sở dĩ có sự cố nói trên, là thầy N, do phải hoán đổi dạy lớp không phải của mình nên không nắm được đối tượng học sinh nào là khá giỏi để mà đối phó với người dự.

Thầy nghĩ ra cách, phân một số em về nhà chuẩn bị thật kỹ những câu hỏi thầy đặt ra trên lớp. Ai dè đâu khi lên lớp thầy không nhớ hết nên đã chỉ nhầm em B thành C.

Có bao nhiêu tiết dạy thuộc diện "quy hoạch" trên đây? Thật khó tìm được một số liệu thống kê chính xác…

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-658771/du-gio-theo-dien-quy-hoach.htm

Quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo

Posted: 04 Nov 2012 12:10 AM PDT

Quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo

TT – "Để giải quyết tiêu cực trong dạy thêm học thêm, cần phải vừa thực hiện giải pháp quyết liệt trước mắt, vừa thực hiện giải pháp căn cơ, lâu dài" – ông Nguyễn Huy Bằng, chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, bày tỏ quan điểm sau hai tháng triển khai thông tư 17 quy định về dạy thêm, học thêm.

Ông Nguyễn Huy Bằng – chánh thanh tra Bộ Giáo dục – đào tạo – Ảnh: Ngọc Hà

Ông Bằng chia sẻ:

- Thông tư số 17 quy định về dạy thêm học thêm (DTHT) với nhiều nội dung mới, quan trọng về nguyên tắc DTHT, các trường hợp DTHT, tổ chức DTHT, thủ tục cấp phép, trách nhiệm quản lý… đã tạo khung pháp lý để quản lý DTHT lành mạnh, đáp ứng nhu cầu thật của xã hội, hạn chế, tiến tới loại bỏ hành vi DTHT mang tính tiêu cực. Nhiều nơi đã chủ động triển khai, bước đầu chấn chỉnh tốt hoạt động DTHT. Song còn có nơi băn khoăn, thậm chí cho rằng khó thực hiện một số điểm của thông tư.

* Đã có nơi cấm DTHT tuyệt đối. Thậm chí một vài địa phương lại thực hiện những giải pháp được xem là thô bạo với nhà giáo và phản cảm trong mắt học sinh như thành lập đoàn kiểm tra, bao gồm cả công an để "bắt quả tang giáo viên dạy thêm". Đó có phải là "giải pháp quyết liệt" cần thiết không, thưa ông?

- DTHT trái quy định thực chất là hành vi vi phạm pháp luật, cần được phát hiện kịp thời, xử lý đúng quy định pháp luật. Vi phạm này tồn tại dai dẳng nhiều năm, phải có giải pháp vừa quyết liệt, vừa căn cơ. Tuy nhiên, quyết liệt không đồng nghĩa với thô bạo.

Tôi không đồng tình với cách "đi bắt giáo viên dạy thêm" thô bạo như Tuổi Trẻ phản ánh bởi phản giáo dục. Không chỉ học trò mà xã hội sẽ nhìn nhận hình ảnh người thầy méo mó. Giáo dục cần có môi trường sư phạm với quan hệ đặc biệt giữa thầy và trò. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra là cần thiết với kết luận rất cụ thể, song không thể dùng giải pháp hạ thấp danh dự của thầy cô như việc lập biên bản hoặc có lời lẽ nặng nề trước mặt người học. Cũng không nên tổ chức đoàn rầm rộ, gây hoang mang học sinh trong và ngoài trường.

* Cái khó với nhà quản lý giáo dục là làm sao phân biệt được dạy thêm có chất lượng, theo nhu cầu thật với dạy thêm mang màu sắc tiêu cực. Đây cũng là một phần lý do khiến nhiều nơi thực hiện thông tư 17 một cách cực đoan và có phần thô bạo. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- DTHT cần được phân tích ở cả khía cạnh tích cực và tiêu cực. Vấn đề này cần được thông tin rõ ràng để xã hội cùng biết, đánh giá công bằng và cùng góp ý, hiến kế khắc phục bất cập. Tại hội nghị giao ban giáo dục năm thành phố trực thuộc trung ương, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TP.HCM) nói sau khi được phổ biến thông tư 17, các thầy cô giáo có dạy thêm ở nhà, tại các trung tâm đều đến đăng ký với nhà trường và cam kết sẽ thực hiện đúng quy định, không để xảy ra tiêu cực.

Dư luận bức xúc nhất trong thời gian qua có lẽ tập trung nhiều vào việc DTHT tiểu học. Kết quả thanh tra tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy tình trạng này là không ít. Với chương trình và yêu cầu của Bộ GD-ĐT hiện nay, học sinh tiểu học đã học hai buổi/ngày tại trường thì không được dạy thêm với bất cứ hình thức nào. Kể cả có sự đồng tình từ phụ huynh, việc dạy thêm đối tượng này cũng không được làm. Quy định trong thông tư 17 với đối tượng học sinh tiểu học cũng rất rõ.

* Có giáo viên nói việc học thêm là nhu cầu tự nguyện và thực tế các cháu đi học thêm thường có kết quả học tập cao hơn. Ông có đồng quan điểm như vậy không?

- Tâm lý nhiều phụ huynh cũng sốt ruột khi thấy con mình không đi học thêm thì điểm trên lớp thấp hơn bạn học thêm. Người tìm hiểu kỹ hơn thì nói có nơi cô tổ chức dạy trước, hôm sau đến lớp hỏi, các cháu biết rồi nên điểm cao, cháu không đi học thêm không biết nên điểm thấp?!

Nếu có như vậy là vi phạm quy định rồi. Cô tổ chức dạy thêm nói "không bắt buộc", nhưng khoảng cách điểm số của các em buộc phụ huynh phải có "nhu cầu". Học thêm và không học thêm có thể tạo ra chút lệch về điểm số và bị ngộ nhận là người đi học thêm sẽ giỏi hơn người không học thêm. Cái "giỏi hơn" ấy không có giá trị thực tế.

Cuộc chạy đua này có nguyên nhân từ phía phụ huynh. Do đó, việc "không dạy thêm cho học sinh tiểu học" không chỉ thực hiện nghiêm với thầy cô mà còn phải tuyên truyền cho phụ huynh.

* Nhưng ở bậc trung học chương trình quá tải, thi cử nặng nề, trình độ giáo viên không đồng đều nên nhu cầu học thêm là có thật. Làm cách nào xử lý tiêu cực dạy thêm nhưng không ngăn cản quyền được học, được lựa chọn thầy, cô tốt của học sinh?

- Tôi cho rằng cần thực hiện ngay và nghiêm việc thanh tra hoạt động sư phạm của giáo viên trong các nhà trường, thanh tra cả nội dung DTHT, để nhà giáo dạy ở các lớp học thêm kiểu gì cũng không được dạy trước chương trình, thầy giáo trên lớp cũng dạy đúng chương trình. Làm việc này thường xuyên sẽ ngăn được giáo viên cắt xén giờ chính khóa để dạy bên ngoài, hoặc không làm đúng nhiệm vụ, có hành vi sai trái ép học sinh học thêm.

Giáo viên có thể dạy cho các trung tâm hay do cá nhân tổ chức nhưng phải đảm bảo những yêu cầu như thông tư 17 quy định. Việc thanh tra không chỉ để chấn chỉnh sai phạm mà còn tư vấn, hướng dẫn, giúp các địa phương, các nhà trường, thầy cô giáo tháo gỡ vướng mắc và thực hiện đúng các quy định DTHT.

VĨNH HÀ – NGỌC HÀ

Quản lý dạy thêm: nên giao cho hiệu trưởng

* DTHT là nhu cầu có thật, khó có thể cấm được việc này. Cách hay nhất là đưa về cho hiệu trưởng các trường quản lý. Hãy để giáo viên thoải mái đăng ký với hiệu trưởng: dạy thêm ở đâu, thời gian ra sao, sĩ số học sinh, học phí như thế nào… ban giám hiệu trường sẽ dễ dàng nắm được giáo viên đó giảng dạy có chất lượng hay không (thông qua bài vở của học sinh hoặc từ thực tế kiểm tra). Trong nhà trường, ban giám hiệu cũng dễ dàng nhắc nhở, giáo dục tư tưởng…cho giáo viên hoặc nhân rộng những gương điển hình về dạy thêm,…

Bà Võ Ngọc Thu (trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, TPHCM)

* Dạy thêm hiện tồn tại cả hai mặt tích cực và tiêu cực: đối với những giáo viên giỏi thì dù họ ở chỗ nào phụ huynh cũng tìm ra và xin cho con em được học thêm. Đây là công việc làm thêm chính đáng của giáo viên trong khi mức lương vẫn chưa đủ sống. Mặt tiêu cực là có một số giáo viên tìm cách ép buộc học sinh phải đi học với mình. Tuy nhiên, số giáo viên này rất nhỏ. Để quản lý số giáo viên này không khó, hãy giao về cho hiệu trưởng các trường. Từ thông tin của phụ huynh (bằng việc phản ảnh trực tiếp hay điện thoại, thư…), của học sinh (từ hộp thư "Điều em muốn nói", phiếu thăm dò…), hiệu trưởng các trường sẽ biết ngay giáo viên nào tiêu cực và ngược lại. Nếu gặp trường hợp tiêu cực thì khống chế bằng cách bố trí lại số tiết dạy của giáo viên, làm sao để "trong tay" giáo viên này có càng ít (hoặc không có) học sinh chính khóa càng tốt. Khi không có học sinh trong tay thì làm sao giáo viên ép buộc được các em học thêm?

Ông Đặng Thanh Tuấn (trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, TP.HCM)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/518939/Quyet-liet-khong-dong-nghia-voi-tho-bao.html

Gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya

Posted: 03 Nov 2012 03:36 PM PDT

Không giống các cộng đồng khác ở khu vực Đông Âu, cộng đồng người Việt Nam tại Rumani là cộng đồng được hình thành muộn nhất (vào những năm 1993-1995) và có số lượng ít nhất (chưa đầy 500 người). Có thể nói, đây là một cộng đồng trẻ, tập hợp xung quanh Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp và Câu lạc bộ Phụ nữ. 20 năm qua, cộng đồng đã không ngừng được củng cố cả về tổ chức và phương thức hoạt động. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những sinh hoạt thường xuyên và phong phú do Hội tổ chức luôn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc ý thức dân tộc, hướng về cội nguồn.


Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani kỷ niệm 1 năm thành lập. (Ảnh: Hoàng Thị Hiền)

Trẻ em không biết tiếng Việt, lỗi do đâu?

Ở Rumani, đa phần trẻ được giao cho các bà Tây chăm sóc suốt từ vài ba tháng tuổi đến tuổi đi học. Vào các đợt nghỉ hè, nghỉ đông thậm chí nhiều phụ huynh cũng gửi con về nhà bà Tây, đến mức các cháu thích ăn món tây hơn cả cơm ta, tâm sự với bà Tây dễ hơn cả với người nhà của mình.

Điều cản trở lớn nhất, có lẽ không phải do thế hệ con cháu không có ý thức, lười biếng, mà là do nhiều phụ huynh còn thiếu quan tâm và thiếu quyết tâm. Dù ai cũng thấy việc cho con mình học tiếng Việt là quan trọng nhưng, vì nhiều lý do khác nhau, họ đã không tạo điều kiện cho trẻ làm việc đó. “Em rất tiếc là đã lãng đi việc học tiếng Việt của cháu. Lúc đó, vì công chuyện làm ăn, vợ chồng lại không biết tiếng Ru nên cần cháu phiên dịch. Vì thế, chỉ chú trọng tiếng Ru. Vả lại, đi làm suốt ngày, tối về đã mệt, chẳng có lúc nào nói tiếng Việt với cháu. Đến bây giờ lớn rồi, nó ngại học lớp thấp vì xấu hổ” – Đây chính là tâm sự của không ít các bà mẹ Việt đang sinh sống ở Rumani.

Một khó khăn nữa là ở nước ngoài, do hoàn cảnh bắt buộc, nhiều ông bố mà mẹ phải phó thác con cái cho những người không có kiến thức giáo dục sư phạm cần thiết. Vì vậy, để giữ mối truyền thống giữa các thành viên trong gia đình, dù có bận rộn lo kế sinh nhai, cha mẹ cần dành thời gian giáo dục con cái về cội nguồn, về đạo lý, về tập tục của tổ tiên ông bà để trẻ không bị bỡ ngỡ, thậm chí hiểu sai khi tiếp xúc với con người và văn hóa mẹ đẻ.

Cần quyết tâm của cả cộng đồng

Luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ bản sắc dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Hội người Việt Nam tại Rumani luôn coi đây là một trong nhiệm vụ trọng tâm. Vào dịp hè hàng năm, lớp học tiếng Việt do Hội người Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán tổ chức ngày càng được cải thiện từ cơ sở vật chất đến chất lượng giảng dạy cùng các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Khoá đông nhất là hè 2009 gồm 35 cháu, chia làm 4 lớp theo các lứa tuổi từ lớp 1 đến lớp 4, tổ chức vào tất cả các buổi chiều trong tuần tại trụ sở Đại sứ quán.

Không chỉ học chữ, đến lớp, các em còn được học làm bánh, cắt hoa làm thiếp về tặng cha mẹ, học hát, học múa, đọc thơ, tập thể dục, chơi các trò chơi dân gian… Đi học tiếng Việt mà được học thêm nhiều thứ nên nhiều em còn đòi bố mẹ đưa đến lớp dù không phải ngày học của lớp mình. Ở lớp Bé, các em đua nhau xung phong phát biểu để nhận được những tấm phiếu Bé ngoan, còn ở lớp Lớn, em nào cũng cố gắng tập đọc, tập viết và có nhiều em còn xin thêm cả vở Viết chữ đẹp để về nhà luyện.

Thiếu giáo viên chuyên trách, Hội người Việt Nam ở đây đã chủ trương phải dựa vào sức mình, tận dụng mọi cơ hội và khả năng hiện có để dạy, nhưng vẫn đảm bảo quy trình sư phạm, nội dung và chất lượng giảng dạy. Được Đại sứ quán ủng hộ, người Việt ở Rumani đã vận động các Phu nhân cán bộ Sứ quán đảm nhiệm công việc lên lớp. Đặc biệt từ hai năm nay, Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam tại Rumani đã cử 3 hội viên – những người ít nhiều có kinh nghiệm giảng dạy- đảm nhận việc dạy các cháu, giúp tháo gỡ được một vấn đề nan giải của Hội từ nhiều năm nay: không có giáo viên dạy tiếng Việt. Hàng năm, Đại sứ quán đã cùng Hội và giáo viên bàn bạc thống nhất về nội dung kế hoạch mở lớp, phương pháp giảng dạy, xây dựng giáo án, cũng như mọi công việc liên quan tới tổ chức lớp.

Một biện pháp hiệu quả khác là cho các cháu về Việt Nam sinh hoạt hè hay nghỉ Tết cùng họ hàng, anh chị em để bồi dưỡng nâng cao các khả năng nghe nói, thực hành tiếng mẹ đẻ. Bên cạnh đó, các chương trình truyền hình trên VTV4 và sách vở tiếng Việt dành cho thiếu nhi, nhi đồng là nguồn đề tài vô tận trợ giúp trẻ học và thực hành tiếng mẹ đẻ, bồi bổ kiến thức văn hóa Việt.

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-658752/goi-tham-tieng-viet-moi-dem-khuya.htm

Nữ sinh tỏ bày tâm tình với nhà tuyển dụng

Posted: 03 Nov 2012 03:36 PM PDT

- Tôi – một con bé tỉnh lẻ, chẳng có gì ngoài một nỗ lực học tập sao cho thật tốt nơi đô thi phồn hoa đề sau này có một việc làm ổn định, xứng đáng với những gì mà bản thân và gia đình đã bỏ ra.

Tôi – một con bé 21 tuổi, chập chứng bước vào đời bằng vồn kiến thức ít ỏi trong nhà trường. Tập đi những bước đầu tiên, nhẹ, ngắn thôi nhưng ngã thì cũng đau đớn lắm đấy.

Khóa chúng tôi có hơn 100 sinh viên chia ra thành các chuyên ngành học khác nhau. Đứa theo Sở hữu trí tuệ, đứa theo Khoa học Công nghệ, đứa lại theo Chính sách xã hội. Còn tôi, tôi theo Quản trị nhân lực. Chẳng có gì ngoài mấy môn chuyên ngành phụ giúp cho công việc chuyên môn, chẳng có gì ngoài niềm đam mê khao khát được làm việc. Tôi cũng như bao bạn bè khác, làm hồ sơ, đi phỏng vấn để mong có một nơi thực tập tốt nghiệp cho đúng nghĩa của nó.

Tân cử nhân tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tôi đi phỏng vấn rất nhiều nơi và thất bại thì cũng không phải là ít. Tôi cũng chẳng hiểu vì tôi yếu về kỹ năng phỏng vấn, tôi trả lời không đạt hay vì một lý do nào đó mà đến giờ tôi chưa vẫn thấm thía nhưng tôi chỉ muốn được nói rằng: nếu không cho chúng tôi cơ hội thì làm sao chúng tôi có thể chứng minh?

- Em học trường gì vậy?

- Em học Nhân văn chị ạ.

- Em học Khoa gì ở trường đó mà lại xin vào vị trí Thực tập Nhân sự?

- Em học Khoa Quản lý, chuyên ngành Quản lý nguồn nhân lực chị ạ.

- Trường đó mà cũng đào tao về Nhân sự sao?

- Vâng…

Đó là câu hỏi đã quá quen thuộc mà tôi có lẽ đi tới nơi nào phỏng vấn cũng được "chào hỏi và làm quen" như thế từ chính những ứng viên hay từ chính nhà tuyển dụng.

Những câu hỏi đó làm tôi nhiều khi thấy thật mất tự tin và thấy mình "thấp" hơn những bạn đã tốt nghiệp các trường khác đào tạo về Nhân sự.

Nhưng Nhân sự trường Nhân văn thì sao? Có thể chúng tôi không tư duy nhanh nhạy trong một số trường hợp, có thể chúng tôi không được học nhiều và kỹ các môn chuyên ngành như các trường khác nhưng đã có ai thực sự hiểu về nghề Nhân sự? Đâu phải Nhân sự chỉ là tính tiền lương? Là định mức? Là tuyển dụng? Là đào tạo? Nhân sự là một nghề không đơn giản và riêng lẻ như thế, đó là một nghề tổng hợp và cũng cần những con người biết "tổng hợp".

Lần đi thực tập thực tế (cuối năm 3), tôi đã tự tin và thấy hãnh diện vì mình học Nhân sự tại Nhân văn.

Tôi không dám đề cao mình, không dám hạ thấp bất kỳ một trường nào vì mỗi trường đào tạo theo một tiêu chí khác mặc dù nó là một ngành chung nhưng tôi hài lòng một phần vì tôi đã chọn ngành Nhân sự trường tôi. Có ai đã từng nghĩ mối quan hệ và xây dựng, duy trì mối quan hệ giữa con người với con người là yếu tố quan trọng nhất trong nghề Nhân sự chưa? Kỹ năng làm việc với con người mới là quan trọng nhất trong nhân sự chưa? Nếu ai đã từng nghĩ thế thì tôi tin rằng sinh viên Nhân văn không thua kém ai.

Thực tập tốt nghiệp đợt này, tôi cũng tự tìm cho mình một cơ hội, một lối đi riêng nhưng xem chừng thật khó.

Đọc xong yêu cầu công việc của một nhà tuyển dụng đang tuyển vị trí thực tập Nhân sự cho công ty mà tôi… choáng váng. Mọi điều kiện tôi thấy rất phù hợp với mình nhưng rồi một dòng chữ in đậm làm tôi "chột dạ": Yêu cầu học chuyên ngành nhân sự khối ngành kinh tế.

Cảm xúc trong tôi lúc này chắc cũng không khác gì cảm xúc của những bạn sinh viên trường Đại học Ngoại thương khi nhìn thấy mẩu tin tuyển dụng: "Không tuyển sinh viên Ngoại thương" ngày trước.

Là gì nhỉ? Tôi lấy gì ra để chứng minh và lấy gì ra để giải thích cho điều này? Thực sự chỉ có một điều duy nhất: có lẽ cử nhân học chuyên ngành Nhân sự – Nhân văn kém hơn cử nhân học Nhân sự các trường khác?

Mọi người vẫn thường nghe câu "thiếu gì thì cần lấy" vậy tại sao các nhà tuyển dụng không thử một lần đặt giả thiết và giải bài toán này nhỉ?

Tôi là một sinh viên Nhân văn, đánh giá khách quan của tôi về chương trình đào tạo của trường đó là: sơ sài, thiếu chuyên sâu. Chính vì vậy, sinh viên ra trường mới lúng túng và mới bị tẩy chay như thế.

Thế nhưng, tôi muốn đặt một câu hỏi: liệu tất cả các trường khác có chắc chắn rằng được đào tạo hơn chúng tôi hay không? Và nếu hơn sẽ là hơn bao nhiêu %? Các nhà tuyển dụng đã bao giờ đi làm một cuộc điều tra, rà soát về "nhu cầu được làm" của sinh viên các trường hay chưa? (Nhu cầu được làm ở ngay trong kỳ thực tập tốt nghiệp)?

Tôi dám khẳng định rằng chúng tôi và ngay cả bản thân tôi mong ước và khao khát được làm việc, được xâm nhập thực tế nhiều hơn thế. Một báo cáo đẹp, một số điểm cao, sinh viên nào không muốn, nhưng song song với đó, tôi và các bạn tôi mong muốn được nhiều và nhiều hơn thế.

Tôi mong có được một điều gì đó đằng sau thời gian thực tập và bản báo cáo có dấu, có những lời khen "chắp cánh" ấy. Có ai đã từng khóc, đã từng dằn vặt, đã từng lặn lội đi khắp các công ty để xin vào thực tập, được đi phỏng vấn chỉ để được thực tập theo đúng nghĩa của nó?

Và tôi muốn biết một nhà tuyển dụng mong muốn có một người có nhiều kiến thức, kỹ năng hơn (tạm gọi là thế) nhưng chỉ cần đến, làm nhàng nhàng và viết báo cáo hay thích một người thiếu thốn đấy nhưng có sự vươn lên, khao khát được học hỏi và làm việc? Đó cũng là câu trả lời cho câu "thiếu gì thì cần lấy" ở trên của tôi.

Kinh tế khó khăn, các công ty lớn cắt giảm nhân sự, công ty nhỏ thì lao đao, sinh viên ra trường muốn đi xin việc làm nhưng chỗ nào cũng phải kinh nghiệm vậy cái nghịch lý này ai sẽ giải quyết? Ai sẽ đưa ra phương án? Các trường đại học thì ồ ạt mở ra, ngành nào hot thì đổ xô vào học, đổ xô đào tạo mà chẳng cần biết đầu ra mai sau sẽ thế nào? Và cuối cùng ai chịu hậu quả? Nhà nước? Các trường đại học? Doanh nghiệp? Hay chính là những sinh viên "cõng chữ" đến gù lưng mang theo cả những ước mơ và niềm kỳ vọng của gia đình?

Thêm một chút bên lề cho câu chuyện này, cô bạn tôi học chuyên ngành Sở hữu trí tuệ của khoa tôi, đi xin thực tập, đã được nhận.

Thế nhưng trong quá trình làm việc, dưới con mắt của 2 nhân viên cũ – những người được học trong môi trường chuyên sâu về luật hơn, phán: "Nói em cũng không hiểu đâu, chỉ làm mất thời gian hướng dẫn mà thôi". Đây được gọi là kỳ thị, gọi là ma cũ bắt nạt ma mới hay được gọi là sự phân biệt "bằng cấp"? Liệu bằng cấp của trường này hơn bằng cấp của trường kia? Liệu bằng cấp là đẳng cấp?

Thực sự qua bài viết ngắn ngủi này, tôi không hề có ý định chê trách các nhà tuyển dụng, không có ý định hạ bệ các trường khác để tự tôn mình lên mà tôi chỉ muốn khẳng định với các nhà tuyển dụng một điều rằng: không thể lấy một con người làm thước đo cho nhiều người.

Không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá cái bên trong. Và mong muốn của tôi cũng như bao người bạn của tôi – những người không muốn đi thực tập là xin dấu và báo cáo cũng là những người đang lao đao liên hệ nơi thực tập chỉ là: hãy cho chúng tôi cơ hội.

Nếu không cho thì làm sao biết chúng tôi thế nào? Nếu có cơ hội để học hỏi, tiếp xúc với thực tế thì chắc chắn chúng tôi làm được nhiều hơn thế. Và lúc đó, liệu lời phán quyết chúng tôi được việc hay không được việc có là quá muộn?

Xin gửi lời cảm ơn đến những ai đọc và bình luận về bài viết này!

Độc giả Khoai Tây
**************
Ý kiến của bạn về bài viết của Khoai Tây, xin gửi theo địa chỉ bangiaoduc@vietnamnet.vn hoặc theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/95242/nu-sinh-to-bay-tam-tinh-voi-nha-tuyen-dung.html

SV hào hứng tham gia Ngày hội hướng nghiệp và tuyển dụng

Posted: 03 Nov 2012 03:36 PM PDT

Với thông điệp “FPT Software - nơi tập hợp lực lượng công nghệ Việt Nam”, chương trình đã mang đến cho các bạn SV cái nhìn bao quát và trải nghiệm thực tế về môi trường, văn hóa và công việc tại FPT Software. Tại đây, các bạn trẻ còn được tham quan các khu làm việc khang trang và hiện đại của công ty, nghe giới thiệu về định hướng phát triển, cơ hội nghề nghiệp và chương trình đào tạo cũng như giao lưu với lãnh đạo FPT Software.

Ngày hội thu hút hàng nghìn sinh viên các trường ĐH đến tham dự.

Những câu hỏi như "Phải đảm bảo điều kiện gì thì nhân viên của FPT Software sẽ được sang Nhật Bản làm việc?" hay "Nhân viên của công ty sẽ đi theo lộ trình như thế nào để tiếp cận với đẳng cấp quốc tế?" của các bạn SV đều được ông Phan Phương Đạt (Phó Tổng Giám đốc công ty FPT Software) giải thích rõ ràng. Theo thông tin ông Đạt cho biết, hiện tại đối tác lớn nhất của công ty là Nhật Bản nên với những người có kiến thức cứng về CNTT và tiếng Nhật hoàn toàn sẽ có cơ hội sang Nhật làm. Và đây cũng là điểm nhấn thu hút sự quan tâm các bạn SV đến tham dự ngày hội.

Ai cũng mong muốn tìm cho mình cơ hội làm việc tốt sau khi ra trường.

Tại ngày hội, ông Đạt cũng giới thiệu về chương trình mang tên "Đào tạo tân binh" với các đối tượng là SV thuộc chuyên ngành CNTT ở các trường đại học và học viện. Đăng ký tham gia để thực tập tại FPT Software, các SV sẽ được làm việc trong một môi trường thực sự và cũng là dịp khẳng định năng lực bản thân. Với nhu cầu tuyển dụng lên đến 5.000 người vào năm 2013, FPT Software mở ra nhiều cơ hội cho các SV tốt nghiệp trong thời gian tới.

Nhiều những câu hỏi được các bạn sinh viên đặt ra cho nhà tuyển dụng.

Phạm Oanh

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-658744/sv-hao-hung-tham-gia-ngay-hoi-huong-nghiep-va-tuyen-dung.htm

Học sinh giỏi nhiều, mừng hay lo?

Posted: 03 Nov 2012 03:36 PM PDT

– Mấy năm trước, khi Bộ Giáo dục-Đào tạo phát động cuộc vận động "hai không" trong ngành đã tạo được một bước chuyển biến mạnh mẽ. Tình trạng gian lận trong thi cử giảm hẳn, cách đánh giá của giáo viên đã hướng tới một chất lượng thật.

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Điều này đã được sự đồng thuận của xã hội, người thầy cũng cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Thế nhưng… cuộc vận động " hai không" cũng chỉ thực sự chuyển biến được một hai năm đầu. Mấy năm nay, mọi thứ lại gần như đã trở về vạch xuất phát của khi chưa vận động. Vì sao có tình trạng này? Là người trong ngành, chúng tôi cũng rất trăn trở với những gì mà xã hội quan tâm và đã nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian qua.

Nếu như một hai năm đầu cuộc phát động, tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT có nhiều địa phương rất thấp, thậm chí có trường là số 0 tròn trịa. Nhưng không hiểu vì sao vài năm lại nay tỉ lệ đậu tốt nghiệp lại "đẹp" như vậy? Có phải học sinh đã học giỏi hơn không?

Tình trạng "lạm phát" học sinh giỏi ở Tiểu học trong vài năm gần đây thực sự đã là câu hỏi lớn cho toàn xã hội quan tâm. Đến nỗi cuối năm nhà trường phải đưa phần thưởng để giáo viên chủ nhiệm phát trước một phần, vì ngày tổng kết nếu phát toàn trường sẽ không có thời gian.

Ơ các cấp phổ thông người thầy cho điểm giỏi và khá dễ hơn cho điểm trung bình và yếu kém. Rất hiếm giáo viên dám cho điểm thật (!) vì thế mà cuối năm cũng loạn học sinh khá giỏi. Vui thì vui thật nhưng những người thầy chân chính thì chua xót.

Không chua xót sao được khi mà học sinh không làm được bài vẫn phải cho điểm trung bình vào cuối năm. Học sinh tốt nghiệp 12 mà không biết viết một cái đơn, một tờ trình hay biên bản sinh hoạt lớp . Lỗi chính tả thì tràn lan nhưng khi chấm bài chỉ sửa lỗi mà không dám trừ điểm!

Xã hội sẽ đặt câu hỏi vì sao mà giáo viên không làm, không dám làm? Là người trong cuộc chúng tôi day dứt lắm. Bộ phát động "trường học thân thiện, học sinh tích cực" nên giáo viên chỉ có thể khuyến khích học sinh học bài, chỉ có thể động viên an ủi các em cá biệt sửa đổi, nhưng học sinh cá biệt thì mấy em có thể sửa đổi được. Nhiều khi học sinh vô lễ với thầy cô, nhưng không dám chửi, không dám đánh, Vì như vậy sẽ vi phạm đạo đức nhà giáo. Cho học sinh ở lại ư? Điều lệ Bộ Giáo dục mới ban hành và có hiệu lực từ 15/5/2011 không cho phép học sinh ở lại hai lần/ cấp học. Nghĩa là dù các em kém đến đâu cũng phải cho lên lớp khi các em đã có một lần lưu ban.

Hàng năm, các cấp trên vẫn ra chỉ tiêu bao nhiêu phần trăm tốt nghiệp, bao nhiêu phần trăm lên lớp, bao nhiêu phần trăm bỏ học, không đạt được chỉ tiêu thì bị phê bình, không được xét thi đua. Những tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long là một trong những khu vực có tỉ lệ học sinh bỏ học cao nhất nước. Nhiều em bỏ học nhiều tháng trời nhưng khi thi học kỳ cứ phải vận động vào thi để đạt tỉ lệ học sinh đến lớp ! Nhiều trường cho điểm thật thì cuối năm bị cấp trên phê bình là chất lượng giảng dạy yếu kém.

Tỉ lệ học sinh đạt loại giỏi, khá và tỉ lệ tốt nghiệp các cấp đang cao lên nếu sự thật như vậy là đáng mừng. Song, cao quá và không đúng chất lượng đào tạo thật thì sẽ tạo một tiền đề nguy hiểm cho nền giáo dục. Bộ Giáo dục cần thiết có những sách lược lâu dài để chấn chỉnh tình trạng này.

  • Bạn đọc Nhật Duy

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/95262/hoc-sinh-gioi-nhieu--mung-hay-lo-.html

“Giáo sư biết tuốt” chia sẻ những câu chuyện thú vị về "sự" học

Posted: 03 Nov 2012 03:35 PM PDT

Từ rất lâu rồi, công chúng đã quen với Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân (GS.TS.NGND) Nguyễn Lân Dũng với hình ảnh vị giáo sư biết tuốt chuyên giải đáp mọi thắc mắc trên truyền hình, truyền thanh và trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Khán giả thiện cảm với một vị giáo sư luôn có những câu trả lời dí dỏm và sở hữu một nụ cười hiền hậu, rất đỗi thân thiện. Nhưng ít ai biết, ngoài đời ông là một giáo sư đầu ngành về vi sinh vật học và con đường ông đi không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.

Đi dạy môn… chưa được học

GS, TS Nguyễn Lân Dũng là một trong hai người tốt nghiệp đại học ít tuổi nhất Việt Nam. Ông ra trường  khi vừa tròn 18 tuổi. Chính vì điều đặc biệt này mà ông cũng gặp một tình huống dở khóc dở cười. Ông kể: “Khi đi tiếp xúc cử tri để ứng cử Quốc hội, có một anh trông khá dữ tướng đứng lên chỉ mặt tôi bảo: “Trông thế kia mà khai gian lý lịch, ông khai sinh năm 1938 mà ông bảo ông tốt nghiệp đại học năm 1956, tôi tính ra rồi, năm đó ông mới học lớp 11 thôi”.

GS Nguyễn Lân Dũng phải giải thích: “Trong thời gian chống Pháp, chúng tôi chỉ được học có 9 năm là tốt nghiệp phổ thông, sau hòa bình lập lại, đất nước có nhu cầu cấp bách đào tạo cán bộ, nên chúng tôi chỉ học đại học có 2 năm rưỡi và lớp tốt nghiệp năm 1956 là lớp đầu tiên bổ sung cho các trường đại học. Trong khóa tôi, có tôi và anh Nguyễn Văn Hiệu là 2 người tốt nghiệp đại học năm 18 tuổi. Như vậy là có người thật việc thật đấy”. Mọi người vỗ tay và cười vui.

Trong dòng hồi tưởng về thời sinh viên, GS Nguyễn Lân Dũng nhớ lại: “Hồi đó, vì không có người học nên chúng tôi vào học đại học mà không phải qua thi cử gì cả. Vì thế trình độ và hoàn cảnh rất khác nhau. Các bạn học tú tài ở trong thành có người đi vespa, có người đi xe đạp, tôi và mọi sinh viên từ kháng chiến và từ Khu học xá Trung ương về đều… đi bộ. Mỗi ngày chúng tôi đi bộ từ Việt Nam học xá, khu vực trường Bách Khoa hiện giờ, đến phố Lê Thánh Tông để học. Sáng học rồi buổi trưa phải về ăn cơm. Bữa trưa chỉ có cơm với bí ngô và một vài miếng thịt rất mỏng, có thể nói là rất nghèo. Ăn xong lại cuốc bộ đi học. Cứ thế ngày 4 lần đi về. Bây giờ nghĩ lại, đi một lần cũng khó”.


GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng làm việc tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học.

GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng làm việc tại Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học.

 

Khó khăn là vậy nhưng câu chuyện của ông luôn tràn đầy lạc quan. Ông kể rằng: “Ngày đó tất cả chúng tôi không ai có xe đạp, có lúc đã bàn nhau mua một cái xích lô, một thằng đạp năm thằng ngồi, thay phiên nhau. Nhưng đào đâu ra tiền mà mua xích lô, cho nên cứ thế mà đi bộ suốt mấy năm trời”.

Sau khi tốt nghiệp, vì trẻ quá nên Nguyễn Lân Dũng được gửi về dạy tại trường Trung cấp Nông lâm một năm, rồi ông được giữ lại trường. Thầy Lê Khả Kế nói với ông: “Các môn khác đã có người dạy rồi, em phải dạy về vi sinh vật học”. Cậu cán bộ trẻ Nguyễn Lân Dũng ngỡ ngàng vì ở trường được học về động vật, thực vật, và người, những thứ nhìn thấy được, còn vi sinh vật là thứ không nhìn thấy thì lại chưa được học một chữ nào.

Nhận nhiệm vụ khó khăn, Nguyễn Lân Dũng nghĩ tới GS Đặng Văn Ngữ, nhà khoa học danh tiếng, người đã được đào tạo chính quy về vi sinh vật học tại Nhật và cũng là người đã có thành tích làm dịch lọc penicilline để chữa vết thương cho biết bao thương binh. Nhưng thời điểm đó ông phải bỏ nghề vì vi sinh vật học đã có người dạy rồi, ông phải chuyển sang xây dựng từ đầu ngành ký sinh trùng học.

Nguyễn Lân Dũng đến gặp GS Đặng Văn Ngữ và thầy Ngữ đã khuyên cậu cán bộ trẻ 3 điều mà đến giờ Nguyễn Lân Dũng vẫn nhớ như in: “Thứ nhất, em phải học ngoại ngữ vì không có ngoại ngữ em không thể có kiến thức. Thứ hai, dạy đại học em phải làm nghiên cứu nếu không sẽ là những bài giảng khô khan. Thứ ba, em phải viết sách giáo khoa, không thể dạy chay ở bậc đại học được”.

Tâm niệm ba điều đó, Nguyễn Lân Dũng về kiếm ngay 2 cuốn sách về vi sinh vật học, một cuốn của Nga và một cuốn của Trung Quốc, trong khi đó, cả hai ngoại ngữ này ông chỉ biết rất ít. Ông đặt quyết tâm: “Trong một năm phải dịch xong hai cuốn đó. Tôi bắt đầu bằng cách tra từng chữ một nhưng từ điển chuyên môn cũng đâu có mà tra. Tôi bắt đầu một cách khó khăn như vậy nhưng đã hoàn thành việc dạy vi sinh vật học ở đại học Tổng hợp ngay từ khóa 1 cho đến tận khi nghỉ hưu”.

Nhà khoa học mạnh dạn

Khi mới xây dựng bộ môn vi sinh vật học ông đã bắt tay ngay vào nghiên cứu và đã từng bước xây dựng được một lực lượng khoa học về lĩnh vực mới mẻ này. Ban đầu là Phòng nghiên cứu chuyên đề vi sinh vật học do cấp hiệu trưởng đại học ký quyết định, tiến lên bước thứ hai là Trung tâm Nghiên cứu vi sinh học ứng dụng do bộ trưởng ký, rồi bước thứ ba là Trung tâm Công nghệ sinh học do giám đốc đại học Quốc gia ký. Cuối cùng là viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định.

Việc thành lập viện Vi sinh vật cũng lắm gian nan. GS, TS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Vi sinh vật là nguồn gen để tạo nên công nghệ sinh học hiện đại. Nguồn gen được lấy từ vi sinh vật là chính. Vì thế, không phát triển vi sinh vật học thì không thể xây dựng được công nghệ sinh học. Tôi là người mạnh dạn đề nghị được làm điều đó. Trong một cuộc họp với các nhà khoa học do Thủ tướng chủ trì, tôi đã đứng lên đề nghị với Thủ tướng cho nhận nhiệm vụ xây dựng Viện Vi sinh vật học cấp nhà nước, chỉ  với một số kinh phí tối thiểu để có thể tiếp cận được với sinh học phân tử. Thủ tướng Phan Văn Khải và tiếp theo là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý.

Sau khi tham khảo ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, hiện giờ,  Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có 40 cán bộ khoa học trẻ, trong đó không ít là các bạn đã được đào tạo từ nước ngoài. Con gái của GS Nguyễn Lân Dũng cũng vừa ở Mỹ về và đã công tác ngay tại Viện này.

Với hơn 3 triệu USD, ông cùng đội ngũ của mình đã lập được một viện nghiên cứu đạt trình độ mà các chuyên gia Nhật Bản hàng năm thường xuyên sang cùng làm việc nhiều ngày và đã tìm được không ít các loài vi sinh vật mới cho thế giới. Viện đã và đang hoàn thành nhiều nghiên cứu cơ bản gắn liền với nhu cầu của đất nước. Vì chế độ lương bổng dành cho cán bộ khoa học quá thấp, nên hiện nay, viện đang phấn đấu xây dựng xưởng sản xuất pilot để có thể đưa ngay kết quả nghiên cứu vào sản xuất và cũng từ đó góp phần cải thiện mức sống cho các thành viên. Có thể nói, với những gì đã đóng góp, ông góp phần xây dựng một thế hệ kế cận mà ông luôn tự hào là “đã giỏi hơn hẳn so với thế hệ chúng tôi”.

Người Đưa Tin

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-658750/giao-su-biet-tuot-chia-se-nhung-cau-chuyen-thu-vi-ve-su-hoc.htm

Comments