Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Hiệu quả từ thầy chủ đạo, trò chủ động

Posted: 27 Nov 2012 09:18 PM PST

(GDTĐ) – Nhiều giáo viên chủ quan cho rằng, chỉ cần dốc tất cả sự nhiệt tình để truyền thụ kiến thức trong một tiết dạy, như thế là thành công. Thật ra, nghề dạy học là một trong những nghề công phu nhất. Một giờ dạy trên lớp có cho hiệu quả hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, mà chỉ khi nào, thầy chuẩn bị tốt ở vai trò chủ đạo, trò học tập trong tâm thế chủ động thì mới gọi là thành công…

Tâm thế của người thầy giáo

Kinh nghiệm qua những lần đi dự giờ các giáo viên cho thấy, yếu tố đầu tiên đem đến thành công cho một giờ dạy trên lớp là tâm thế thoải mái, sự tự tin của người thầy giáo khi bước vào lớp học. Một là do chính thầy giáo chuẩn bị bài kỹ càng nên học sinh dễ tiếp thu bài; hai là chính sự tự tin của người thầy làm không khí lớp học thêm phấn chấn .


GV phải tạo tâm thế vui tươi, thoải mái cho học sinh ( trong ảnh: HS THCS ở Thừa Thiên Huế)  

Một nữ giáo viên ở trường trung học phổ thông nọ kể lại: Có lần đã vào thời điểm gần kết thúc năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đột xuất thông báo xuống trường về việc đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đi thực tế, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình ở cơ sở. Cả Ban giám hiệu và giáo viên đều lo lắng, vì không kịp chuẩn bị trước để đối phó như mỗi khi có thanh, kiểm tra, nề nếp cuối năm có phần trễ nải. Cuối cùng thì đoàn thanh tra vào dự đột xuất một tiết dạy lịch sử lớp 11 của đúng nữ GV nọ. Cô cho biết : " Thú thật là lúc đó em vô cùng lo sợ, vì từ nhiều năm em chỉ chuyên dạy lịch sử lớp 10; nhưng vì sĩ diện của bản thân, của trường, em lấy hết can đảm bước vào lớp, trên môi nở một nụ cười thân thiện với tất cả. Học sinh nhìn cô giáo mới cũng với vẻ thân thiện và chờ đợi. Thế là em bình tĩnh tập trung tất vào bài giảng, cố nhớ những gì cần phải nhớ. Tuy tiết dạy hôm ấy không thật xuất sắc như mọi tiết khác, nhưng cũng diễn ra trôi chảy từ đầu đến cuối."

Sự chi phối của tâm thế người thầy đối với hiệu quả lên lớp như vậy, nhưng khi chuẩn bị một giáo án lên lớp, người thầy đã không lường trước những tình huống sẽ xảy ra. Tại sao có hiện tượng một học sinh khi kiểm tra bài cũ ở môn học này luôn đủ điểm, còn ở môn học khác lại rất hay bị điểm yếu, kém? Hãy xem lại thái độ của người thầy giáo khi gọi em lên bảng để kiểm tra. Chính vì thế, có giáo viên đã dùng " thủ thuật" tạo tâm thế trước khi kiểm tra bài cũ bằng cách khi vào lớp, khen một bình hoa tươi cắm khéo, hỏi han, trò chuyện một cách tự nhiên với học sinh. Tâm thế của người thầy giáo còn rất cần trong khi giới thiệu chuyển tiếp từ bài cũ sang bài mớí, làm cho lời giới thiệu bài mạch lạc, trôi chảy hơn.

Cải tiến khâu kiểm tra bài cũ  

Khái niệm "cũ" và " mới" ở phạm trù kiến thức không những không khác biệt nhau như xem xét hình thức của một vật thể, mà nó còn dung hoà trong một hệ thống. Trong một bộ môn, kiến thức mới là sự tiếp nối của kiến thức được gọi là " cũ". Hiểu được vấn đề này, người thầy giáo không thể xem nhẹ khâu kiểm tra bài cũ. Khi học sinh nắm chắc bài cũ tức là người thầy đã thành công 50%.


Phát huy tính tích cực học tập từ cấp học nền tảng ( trong ảnh: HS lớp 1 vùng dân tộc Khánh Hòa)

Muốn học sinh nắm vững bài cũ, có mấy thao tác giáo viên cần lưu ý: Chuẩn bị kỹ các câu hỏi ở phần củng cố lại bài học; Cho học sinh chuẩn bị bài ở nhà theo hệ thống câu hỏi đó;  Chọn câu hỏi kiểm tra bài phù hợp với từng đối tượng; Mức độ kiểm tra ở mỗi lần tăng dần từ dễ đến khó với mỗi học sinh để các em có cơ hội tiến bộ. Không vội trách phạt, nhục mạ một học sinh không thuộc bài khi chưa hiểu rõ nguyên nhân. Tất nhiên không phải giáo viên nào cũng làm được như vậy. Nhưng nếu kiên trì và tính toán một cách khoa học từng thao tác như trên, nhất định sẽ thành công.

Trong thực tế, giáo viên rất hay kêu ca học sinh lười học, hay là chậm tiếp thu bài. Nhưng bản thân giáo viên thì chưa chắc đã chu đáo khi soạn thảo bước kiểm tra bài cũ trong giáo án lên lớp của mình, có khi chỉ là soạn đối phó cho đủ 5 bước lên lớp mà thôi. Hệ thống câu hỏi kiểm tra bài cũ cũng phải đảm bảo tính tối ưu như hệ thống câu hỏi dẫn đắt tìm hiểu bài mới: Tính bao quát, tính trọng tâm, tính vừa sức.

Ngoài ra cũng cần phải chú ý các hình thức kiểm tra, không nhất thiết khi kiểm tra miệng cứ phải gọi học sinh lên phía trên bục giảng để đọc thuộc làu lý thuyết, mà có thể để học sinh đứng ở bên dưới trình bày bài hoặc chiếu lên bảng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, bản đồ tư duy cho học sinh phát hiện nhanh. Trong vòng 10 phút kiểm tra bài cũ, vẫn có thể huy động được nhiều học sinh tham gia chứ không chỉ kiểm tra 1, 2 em. Chuẩn bị kỹ lưỡng khâu kiểm tra bài cũ như vậy, học sinh không bị cho điểm oan; không hao phí thời giờ cho sự khiển trách; kiến thức được củng cố vững chắc, nhanh tiếp thu bài mới…

Thay đổi "khẩu vị" trong khi giảng bài

Người thầy giáo có thể say mê giảng bài suốt gần cả tiếng đồng hồ của một tiết học mà không có cảm giác mệt mỏi. Nhưng với một học sinh, việc ngồi im để nghe thầy giảng bài suốt gần cả tiếng không phải là điều dễ dàng. Hiện tượng uể oải, ngáp vặt, ngủ gục, nói chuyện riêng trong lớp diễn ra khá phổ biến. Những giáo viên thiếu kinh nghiệm khi bắt gặp những hiện tượng như vậy thường hay nổi nóng, và buộc học sinh phải ngồi nghe một cách nghiêm túc mà không biết làm như vậy không những không mang lại hiệu quả gì mà còn gây thêm sự căng thẳng trong lớp học.

Để một tiết học diễn ra nhẹ nhàng, sinh động, giáo viên cần lưu ý những điểm sau đây: Lường trước đối tượng học sinh thiếu tập trung do tác động của hoàn cảnh khách quan (có chuyện không hay trong gia đình, sức khoẻ kém, cơ thể mệt mỏi) để có cách giảng bài thích hợp; Không rập khuôn theo một trình tự mà học sinh đã quá quen thuộc; Linh hoạt thay đổi khẩu khí, thay đổi cách thức hỏi, giảng giải đối với học sinh; Không tiếp tục giảng giải khi học sinh ở dưới lớp ồn ào… mà có thể bất ngờ gọi một học sinh kiểm tra lại kiến thức mà giáo viên vừa truyền đạt.

Có một vị phụ huynh than phiền về đứa con trai học lớp 11 không phải là đứa con hư hỏng không biết vâng lời cha mẹ, nhưng lại bỏ rất nhiều giờ học Toán. Tiếp cận, gần gũi em học sinh này một thời gian, chúng tôi mới biết em bị mất căn bản sau kỳ nghỉ ốm một tuần lễ vào năm học lớp 10, từ đó, mỗi khi vào tiết Toán lại có trạng thái lo lắng, thiếu tự tin vào bản thân mình. Nhưng thầy giáo dạy Toán ở lớp 11 đã không hiểu được tâm trạng đó của em và còn rất hay gọi em lên để kiểm tra bài cũ và sỉ mắng trước mặt bạn bè.

Tóm lại, để một tiết dạy thật sự thành công, đem lại hứng thú cho học sinh, trong một người thầy phải hội đủ cả 3 yếu tố: Nhà sư phạm, nhà khoa học và người nghệ sĩ. Sự hỗ trợ của công nghệ thông tin với những phần mềm và thiết bị nghe nhìn hiện đại là điều kiện vô cùng thuận lợi để các giáo viên có thể cải tiến lối dạy truyền thống, tạo nên những tiết dạy mới mẻ, sinh động, hạn chế tối đa tình trạng học sinh bỏ học chỉ vì chán học.

Uyên Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Hieu-qua-tu-thay-chu-dao-tro-chu-dong-1965215/

Bốn năm tới, bậc phổ thông dạy kiểu gì?

Posted: 27 Nov 2012 03:39 PM PST

- Nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề về dạy học tích hợp, dạy học phân hóa trong
chương trình và sách giáo khoa (SGK) cho việc triển khai đề án đổi mới sau năm 2015
của Bộ GD-ĐT đã được tranh luận tại hội thảo khoa học về dạy học tích hợp – dạy học
phân hóa ở giáo dục phổ thông.

Học mô hình của nước ngoài?

Có mặt tại hội thảo do Bộ GD-ĐT tổ chức ở TP.HCM ngày 27/11, nhiều chuyên gia cho
rằng, đây là vấn đề quan trọng trong việc đổi mới chương trình – SGK.

TS Đỗ Xuân Hộ (đứng)i: “Nên
triển khai các chủ đề hội tụ như chương trình dạy học và SGK của Pháp…”

Nhiều mô hình về việc dạy học tích hợp – dạy học phân hóa của các nước có nền GD
tiên tiến trên thế giới đã được nhiều nhà nghiên cứu hiến kế.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng nên nhìn chương
trình giáo dục phổ thông của Hàn Quốc để đề xuất hướng tích hợp và phân hóa.

Ông phân tích, ở Hàn Quốc, vấn đề tích hợp đang được thực hiện cao độ và đậm đặc ở
lớp 1 và 2 với các nội dung như Chúng ta là một, cuộc sống dễ chịu, cuộc sống thông
minh, cuộc sống kỉ luật. Ở các lớp từ 3 đến 10, nội dung tích hợp thể hiện rõ ở hai
môn Khoa học và Tìm hiểu xã hội. Ngoài ra, ở nội dung từ lớp 1 đến lớp 10 cũng được
phân hóa theo trình độ Toán và tiếng Anh, tiếng Hàn. Ở hai lớp 11 và 12, chương trình
có sự phân hóa bằng cách tự chọn các khóa học tự chọn cơ bản và các khóa học tự chọn
chuyên sâu.

Từ đó, PGS.TS Thống đề xuất, Việt Nam nên thực hiện tích hợp và phân hóa như: Hai
lớp 1,2 cho HS học chỉ 3 môn Toán, Ngữ văn, Cuộc sống quanh ta (Ngữ văn và Cuộc sống
quanh ta là môn học tích hợp); từ lớp 3 đến 5 học 7 môn: Ngữ văn, Khoa học/thực hành,
Giáo dục sức khỏe (tích hợp) Tìm hiểu xã hội/đạo đức, Toán, Nghệ thuật/Âm nhạc và
tiếng Anh; lớp 6 đến 9, HS học 7 môn: Ngữ văn, Tìm hiểu Xã hội, Khoa học/công
nghệ/tin học, Giáo dục sức khỏe (môn học tích hợp), Toán, Nghệ thuật, tiếng Anh; lớp
10 học các môn chung gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, lịch sử, địa lý, GD Công dân… HS
lớp 11 và 12 học 3 môn học cơ bản bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1 còn lại tự
chọn các môn theo 2 bộ môn chuyên ngành hoặc tùy ý tự chọn 3 chủ đề thuộc các lĩnh
vực nghề.

Trong khi đó TS Đỗ Xuân Hội, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM), hiến kế nên
triển khai các chủ đề hội tụ như chương trình dạy học và SGK của Pháp.

Theo TS Hội, các chủ đề hội tụ của giáo dục Pháp bao gồm 6 đề tài chung có tính
thời sự và thể hiện mỗi liên hệ chặt chẽ với nhau như chủ đề Năng lượng, Môi trường
và phát triển bền vững, Khí tượng học và khí hậu, Tầm quan trọng của tư tưởng thống
kế trong cái nhìn khoa học về thế giới, Sức khỏe, An toàn. Các chủ đề này đã được đưa
vào chương trình THCS. 6 chủ đề này cũng là phần học bắt buộc trong chương trình
giảng dạy các môn học như Toán, Khoa học về sự sống và Trái đất, Vật lý- Hóa học,
Công nghệ, Giáo dục thể chất và Thể thao, Lịch sử – Địa lý.

TS Hội lý giải, một số chủ đề hội tụ của Pháp cũng đã được trình bày trong các SGK
của Việt Nam, tuy nhiên triển khai tùy tiện, thiếu hệ thống, theo ý kiến của từng
nhóm tác giả sách, do không có một chỉ đạo chung, thiếu vắng ý thức và tầm quan trọng
của việc "làm hội tụ".

Chọn kiểu "tích hợp Việt Nam"

Theo TS Nguyễn Hồng Vân, Viện KHGD Việt Nam, sau năm 2015, cần tăng cường tích hợp
trong nội bộ các môn học Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội các lớp 1, 2,
3 xây dựng hai môn học mới Khoa học và Công nghệ (dựa trên môn khoa học- công nghệ
trong chương trình hiện hành)
Tìm hiểu xã hội (trên cơ sở môn lịch sử,địa lý trong
chương trình hiện hành và thêm một số vấn đề mới)
đối với hai lớp 4 và 5

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: “Việt Nam nên thực hiện tích hợp và phân hóa…”

Ở cấp THCS cần tăng cường tích hợp các nội bộ môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Công
nghệ, GDCD..và xây dựng hai môn học mới: Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Ở cấp
THPT cần tích hợp các môn học và lồng ghép các vấn đề môi trường, biến đổi khí
hậu…vào các môn học và hoạt động giáo dục.

Đối với việc phân hóa, TS Vân cho rằng, có thể lựa chọn một số hình thức phân ban,
phân ban kết hợp với tự chọn, tự chọn theo hướng học ít môn và cho HS tự chọn các môn
học, chủ đề phù hợp với năng khiếu và khuynh hướng nghề nghiệp.

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Minh Oanh – Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Trường ĐHSP
TP.HCM nêu ý kiến cần chú trọng tích hợp tối đa ở các cấp học dưới và phân hóa các
cấp học trên, nhất là các lớp cuối cấp. Việc thực hiện phân hóa nên chia thành hai
giai đoạn theo kiểu "tú tài bán phần" và "tú tài toàn phần" trong giáo dục Việt Nam
thời Pháp và Mỹ.

PGS.TS Nguyễn Lan Phương đề xuất, có thể lựa chọn các phương án như điều chỉnh cấp
TH và THCS từ cấp phổ cập thành bắt buộc, THPT có thể chia thành hai giai đoạn định
hướng và phân hóa sâu, hoặc khuyến khích khoảng 30% HS tốt nghiệp THCS, THPT chuyển
sang đào tạo nghề, bổ sung chính thức các loại trường THPT kỹ thuật…

Quan trọng là giáo viên

Ý kiến của TS Vũ Thị Sơn ở Viện Nghiên cứu Sư phạm thuộc Trường ĐHSP Hà Nội cũng
là băn khoăn của nhiều người: có thực hiện được tích hợp – phân hóa chương trình hay
không còn phụ thuộc rất nhiều và chất lượng và trình độ tay nghề của giáo viên.

Vì vậy, giáo viên cần phải có các kĩ năng xác lập được mỗi liên hệ giữa mục tiêu,
nội dung môn học chuyên ngành với mục tiêu, nội dung môn học khác trong chương trình,
xác định mục tiêu tích hợp, kĩ năng xây dựng bộ cây hỏi, bài tập tích hợp, quản lý.

Có mặt tại buổi hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, xét trong điều
kiện hiện nay, các hướng dạy học tích hợp, dạy học phân hóa vẫn riêng lẻ là do việc
thực hiện và đánh giá riêng lẻ và quá tải của nội dung. Sau năm 2015, việc dạy học
này phải hợp với từng đối tượng học sinh, vùng miền cụ thể và đáp ứng được mục đích
dạy học.

Cũng theo Thứ trưởng, trước đó vấn đề về dạy học tích hợp, dạy học phân hóa trong
chương trình GDPT đã được đặt ra nhưng do đội ngũ GV chưa thực hiện được, nay phải
thực hiện cho bằng được bằng cách xây dựng, soạn thảo chương trình, xây dựng đội ngũ
GV cụ thể.

  • Lê Huyền

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98687/bon-nam-toi--bac-pho-thong-day-kieu-gi-.html

Nhà giáo và danh hiệu

Posted: 27 Nov 2012 03:39 PM PST

Tái hiện cảnh thi Đình xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh: Mytour.vn)

Tái hiện cảnh thi Đình xưa tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (ảnh minh họa, nguồn: Mytour.vn)

Có lẽ 2 trong những nghề được công nhận sớm nhất trong lịch sử phát triển của loài người mà người ta có thể kể ra ngay, đó là nghề dạy học và nghề chữa bệnh, với danh xưng thầy giáo, thầy thuốc. Và càng không lạ khi trong lịch sử đã có không ít người bỏ chốn quan trường về quê gõ đầu trẻ hoặc bốc thuốc cứu người. Cao quí  là thế.

 

Danh hiệu hay hư danh

 

Từ 1991 bắt đầu biết đến những danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND), Nhà giáo ưu tú (NGUT), trước đó là Chiến sĩ thi đua, Giáo viên giỏi (cấp huyện, tỉnh…)

 

Dịp 20/11 vừa rồi, như mọi năm (có người đã gọi là mùa, mùa danh hiệu), ngành Giáo dục có thêm 40 NGND, 570 NGUT. Sau 21 năm phong tặng và được phong tặng chúng ta đã có nhiều trăm NGND, nhiều nghìn NGUT (người viết bài chưa kịp cập nhật thêm). Đó là niềm kiêu hãnh của ngành Giáo dục, của các cơ sở đào tạo, của cá nhân được phong tặng. Chắc thế.

 

Còn nhớ năm 1991, ở một khoa của một trường đại học khá nổi tiếng trong "làng" đại học Hà Nội mà người viết bài có may mắn là giảng viên ở đó, chúng tôi đã tôn vinh 3 thầy - những thầy của rất nhiều thầy. Đề nghị Nhà nước phong tặng 2 thầy là NGND, 1 thầy là NGUT. Cả 3 thầy cứ khăng khăng không nhận đề cử. Các thầy bảo: Những gì đã làm là nghề. Nghề dạy học là thế thôi. Nói cống hiến, to tát quá. Chúng tôi nhất quyết không chịu. Cứ đề cử. Và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu cho 3 thầy như sự tôn vinh, đề cử của cả khoa. Từ đấy cho đến mãi bây giờ và còn mãi mãi, các thầy là niềm tự hào và kiêu hãnh của chúng tôi.

 

Còn bây giờ, những danh hiệu ấy, tiêu chí vẫn thế, có phần còn cao hơn, nhưng người được phong tặng hình như kém ấn tượng. Hầu hết những người được phong tặng đều có chức sắc, nhiều người đã rời bục giảng từ lâu. Thậm chí không ít người chưa bao giờ là giáo viên, giảng viên cơ hữu của một cơ sở giáo dục. Trớ trêu thật.

 

Xã hội đang truyền tai nhau: liệu có chuyện "chạy" các danh hiệu trên như ở một lĩnh vực khác cũng trong ngành giáo dục? Ấy là “chạy” Tiến sĩ, “chạy” Phó giáo sư, Giáo sư. Hay rộng hơn mà hơn một lần làm nóng nghị trường Quốc hội về chuyện "chạy" quyền "chạy" chức… Đến mức người đứng đầu Chính phủ khi trả lời chất vấn phải dõng dạc khẳng định "Tôi không chạy, không xin…"

 

Mọi danh hiệu đều cao quí, nhưng phải là thật. Làm sao đừng để phía sau tấm huân chương quá nhiều tì vết.  Và nên chăng, nhìn ra bên ngoài tại nhiều quốc gia phát triển hình như họ không có, không cần những thứ danh hiệu như ở ta và một số quốc gia XHCN. Nào là Tiến sĩ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn X; GS. Bộ trưởng Trạch Văn Y; Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Công huân…đến NGND, NGUT… Thế mà đất nước họ cứ liên tục phát triển. Tại sao?

 

Danh hiệu, phẩm hàm và chất lượng sản phẩm

 

 

Thật nghịch lí khi càng nhiều GS, Phó GS, càng nhiều NGND, NGUT thì chất lượng giáo dục càng tụt giảm, khoa học công nghệ hầu như chưa có gì để khoe với thiên hạ. Với hơn 9.000 GS, Phó GS, trăm nghìn Tiến sĩ, Thạc sĩ thì vô thiên lủng mà từ 2006 đến 2010 chỉ có 5 bằng sáng chế đăng ký tại Hoa Kỳ. Năm 2011 không một bằng sáng chế nào đăng ký từ Việt Nam trong khi đội ngũ GS, Phó GS, TS điệp điệp trùng trùng.

 

Tái hiện cảnh thi Đình xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ảnh: Mytour.vn)

 

Và các anh Hai Lúa

 

 

Thật khó tin, nhưng lại là sự thật. Sự thật trần trụi, giản dị. Nhiều Hai Lúa học chưa hết phổ thông, thậm chí mới hết tiểu học trường làng lại đã sáng chế nhiều máy móc đủ loại phục vụ sản xuất ngay trên cánh đồng của mình. Cao hơn, xa hơn còn cả gan làm được máy bay đã lượn trên trời để thực hiện giấc mơ dùng máy bay tự chế làm phương tiện tưới cây, phun thuốc trừ sâu. Kinh thật.

 

Mới đây, ngày 13/9/2012 anh Nguyễn Kim Chính, nông dân (chân có đi dép) ngụ tỉnh Bình Định công bố máy tuốt đậu phộng (chưa từng có ở Việt Nam). Trước đó anh đã làm máy tuốt lúa, đã bán hơn 200 chiếc, trong đó có bán cho cả nước ngoài. Các anh Hai Lúa không cần, không nghĩ đến bất kỳ loại danh hiệu gì. Họ cần lao động, muốn cho người lao động đỡ bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Họ muốn sống có chất lượng hơn, có ích hơn…Thế đấy.

 

Dịp 20/11 vừa rồi, cùng một số bạn học, chúng tôi tới thăm một số thầy đã vượt xa cái tuổi thất thập. Các cụ bảo danh hiệu, học hàm học vị nhiều mà vô duyên. Nếu có thì chỉ nên ít thôi cho thật xứng. Và hãy dành nhiều cho các thầy các cô đang dạy học ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo – những người đã quên tuổi thanh xuân vì đồng bào dân tộc, những người đang sống trong các lều công vụ (chữ của nguyên Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân) và bữa cơm có thịt với họ… vẫn còn xa…lắc.

 

Đinh Việt Bình

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nha-giao-va-danh-hieu-667513.htm

Comments