Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Sinh viên nghe doanh nhân chia sẻ kinh nghiệm làm giàu

Posted: 27 Nov 2012 02:22 AM PST

Làm lớn từ những việc nhỏ

Tại phiên thảo luận "Kinh thương Việt Nam - Đánh thức con Rồng ngủ quên" diễn ra cuối tuần trước tại TPHCM do chương trình Hạt giống lãnh đạo IPL khởi xướng, đông đảo bạn trẻ, sinh viên (SV) ưu tú của các trường đại học đã được nghe các doanh nhân thành đạt truyền lửa lập thân, làm giàu.

Cả khán trường hôm ấy chật kín người. Mỗi bạn trẻ có thể là doanh nhân, là SV, là người hoạt đông trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật… nhưng đều có một khát khao cống hiến, sống cháy bùng và chí lập thân cao. Trước mặt họ là những doanh nhân tận tình kể chuyện đời, chuyện kinh doanh, truyền lửa khát vọng cho đàn em.

Sự gặp gỡ giữa 2 thế hệ doanh nhân.

Nhiều bạn trẻ bày tỏ sự băn khoăn khi có quá nhiều luồng thông tin, nguồn văn hóa từ nước ngoài tràn vào. Họ trở nên lạc lối, không biết đi hướng nào cho đúng đắn nhất. Thậm chí, khi vào nhà sách chọn sách khởi nghiệp, đủ loại sách không biết chọn sách nào bày làm giàu thực tế, hiệu quả nhất. Thế hệ trẻ ngày nay, dự trên mặt bằng chung, họ hơn đàn anh ở việc tiếp nhận công nghệ hiện đại, ngoại ngữ… nhưng họ vẫn chưa phát huy hết lợi thế của mình.

"Người Việt Nam rất tự hào về mình nhưng cũng có tính hướng ngoại nhiều quá. Vì vậy, trong giáo dục, đào tạo, cần đề cao tinh thần doanh nhân, đề cao tinh thần sẵn sàng thất bại khi khởi nghiệp thì các bạn trẻ mới mạnh dạn vươn đến những tầm cao", CEO trẻ Trần Ngọc Thái Sơn tâm sự.

Ông Võ Quốc Thắng – Chủ tịch Đồng Tâm Group cho rằng, quan niệm của ông là làm được việc nhỏ thì sẽ làm được việc lớn. "Tôi lúc nào cũng lạc quan, tự tin và suy nghĩ đơn giản về vấn đề. Người làm doanh nghiệp rất cực các bạn à. Ăn mặc, đi xe sang trọng như vậy nhưng mỗi khi về là cảm giác rất cô đơn. May mà tôi có nhiều bạn bè để chia vui. Kinh nghiệm, trải nghiệm cuộc đời, thương trường là rất quan trọng nên các em sinh viên đừng nôn nóng ra trường là mở công ty", ông Thắng chia sẻ.

Để một công ty phát triển, cần phải xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa ấy xuất phát từ giáo dục mà nên. Vì vậy, để giáo dục tốt thì cần phải xây dựng một ý thức cộng đồng tốt. Điều này không hề đơn giản.

Ông Thắng đem câu chuyện một công ty của mình ở miền Trung, ông rất đau đầu khi thấy mỗi khi ăn, giấy vệ sinh công nhân vứt trắng cả xưởng. Ông giao cho giám đốc khu vực này trong một tháng phải chấm dứt tình trạng xả rác bừa bãi. Một tháng sau, giám đốc lắc đầu với ông chủ rằng mình đã chịu thua. Vậy là ngay trong chuyến công tác ra miền Trung, trưa hôm ấy ông Thắng đội nón đi nhặt từng tờ giấy rác công nhân xả xuống. Hành động đó đã khiến nhiều nhân viên tâm phục, khẩu phục và "vấn nạn" xả rác bừa bãi chấm dứt ngay.

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Thép Việt Group cho rằng, mỗi bạn trẻ phải biết đi trên chính đôi chân của mình, biết xác định chiến lược đúng đắn. Mỗi người phải tư duy độc lập. Không suy nghĩ độc lập, ắt không có sự tiến bộ. Chính sự đối lập, chấp nhận những tư duy trái ngược nhau thì mới thành công. Còn độc quyền về chân lý, ắt sẽ khó khăn cho sự phát triển.

Ông Thái kể, những ngày đầu khởi nghiệp, ông tự làm tất cả mọi việc như canh dây curoa trong hệ thống máy móc… Nhờ những việc nhỏ và thực tế ấy mà ông mới có ý niệm về tự động hóa… Và nhờ ý niệm đó mà giờ ông có một doanh nghiệp đứng vững trên thương trường. "Một người muốn phát triển phải đi từ những cái nhỏ. Đừng hy vọng xây dựng một tập đoàn với số tiền khổng lồ nào đó mà chưa từng là con người thành công từ cái nhỏ", ông Thái chia sẻ.

Đánh thức con Rồng ngủ quên

Có người ví nền kinh tế Việt Nam như con rồng đang ngủ quên. Muốn đất nước phát triển, sánh vai thì phải làm sao đánh thức con rồng ấy. Trọng trách "đánh thức" đang là sứ mệnh của những người Việt trẻ.

Tuy nhiên, hiện có nhiều bạn trẻ mới bước vào thương trường cứ nghĩ mình đã là… rồng. Điều này vô cùng tai hại. Tâm lý tự mãn sẽ hủy hoại thế hệ và chính bản thân mình.

Thế hệ doanh nhân đi trước khuyên các bạn trẻ lập thân từ những việc nhỏ.

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, để không có sự đứt đoạn cần có tầm nhìn xuyên thế hệ. "Có thể ngày mai chúng tôi biến mất nhưng có những con rồng con kế thừa quá khứ, hướng đến tương lai. Chúng ta đang thiếu hệ giá trị cốt lõi nên nay thấy Trung Quốc hay, mai thấy Mỹ tốt và chúng ta bối rối trong một rừng thông tin hội nhập. Chúng ta phải có niềm tin. Đừng là người đẽo cày giữa đường", ông Vũ chia sẻ.

Chủ tịch của Trung Nguyên phân tích rằng, các học thuyết về tôn giáo, chính trị, kinh tế đều du nhập từ nước ngoài. Chưa có cái "não" của Việt Nam. Một quốc gia mẫu mực cần có nền chính trị mẫu mực, giáo dục tiên tiến và kinh tế hùng mạnh. Để quốc gia phát triển, kinh tế hùng mạnh thì cần có tinh thần sáng tạo, tinh thần doanh nhân cao thượng và tư duy độc lập. Muốn làm một con rồng, trước hết phải hóa kiếp qua các con: đại bàng (phóng tầm mắt nhìn xa 60km, tập trung cao độ khi săn mồi), cú (quay 360 độ, nhìn xuyên màn đêm), sư tử (biểu tượng của sức mạnh), sói (đồng đội, kỷ luật, biết phối hợp khi săn mồi) và có tính chất mưu lược của con cáo.

"Chúng ta nghĩ gì, làm gì rất là quan trọng. Chúng ta phải biết tự giáo dục, giáo dục lẫn nhau. Bình tĩnh, suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách có hệ thống thì con Rồng đang ở rất gần chúng ta", ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.

Công Quang

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/sinh-vien-nghe-doanh-nhan-chia-se-kinh-nghiem-lam-giau-667526.htm

Tuyển giáo viên Philippine, chỉ 29 người đăng ký

Posted: 27 Nov 2012 02:22 AM PST

Đến nay đã hết hạn đăng ký tuyển giáo viên (GV) Philippines về dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học, THCS (chương trình thí điểm tuyển sinh 100 GV Philippines của Sở GD-ĐT TP.HCM), nhưng các trường chỉ đăng ký nhận 29 giáo viên.


Thầy Adam Priestley trong một tiết dạy tiếng Anh tăng cường cho học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Theo ông Lê Hồng Sơn – giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, vì đây là chương trình thí điểm nên các trường tự do đăng ký theo nhu cầu và điều kiện của mình chứ sở không bắt buộc thực hiện. Trong số vài trăm trường có dạy tiếng Anh tăng cường, các quận huyện có thể chọn ra 100 trường hoặc nhiều hơn hoặc ít hơn để nhận GV Philippines về dạy.

Ngại ngần

"Các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Q.3 năm nay tạm thời không đăng ký tuyển GV Philippines nào. Nguyên nhân là các trường đã hợp đồng với giáo viên nước ngoài (thông qua những trung tâm ngoại ngữ) ngay từ đầu năm học trong khi đến tháng 10.2012 sở mới triển khai việc này. Bây giờ không thể chấm dứt hợp đồng ngang xương được" – ông Lê Trường Kỳ, trưởng Phòng GD-ĐT Q.3, cho biết.

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Q.3 còn phân tích: "Nhiều năm nay trường đều hợp đồng với GV người Anh, mỗi tháng học sinh đóng thêm 70.000 đồng để học với người nước ngoài. Các khoản thu chúng tôi đều đã thỏa thuận với phụ huynh học sinh từ đầu năm học. Bây giờ, nếu tuyển GV Philippines thì mỗi học sinh phải đóng 120.000 đồng/tháng, nhà trường phải xin ý kiến phụ huynh, mà cũng rất khó thuyết phục họ khi tăng mức thu như thế".

Tương tự, Q.6 cũng không có trường nào đăng ký tuyển GV Philippines, nói như một lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận này: "Nhận hay không là tùy thuộc vào các trường. Hiện đa số trường hợp đồng với GV người bản ngữ hẳn hoi (Mỹ và Canada) mà mức thu mỗi tháng chỉ có 50.000-70.000 đồng/tháng/học sinh. Trong khi đó, người Philippines thì tiếng Anh đối với họ chỉ là ngôn ngữ thứ hai mà học phí lại cao hơn học với GV bản ngữ khiến các trường băn khoăn…".

Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Thanh Hải – trưởng Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình – chia sẻ: "Các trường thuộc Q.Tân Bình vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi và thăm dò xem GV Philippines giảng dạy ra sao rồi mới tính. Nếu ngân sách trả lương thì chúng tôi ủng hộ ngay, còn chuyện thu của phụ huynh để trả lương cho GV thì phải cân nhắc.

Nếu tuyển GV Philippines phải tính toán và họp với phụ huynh học sinh xem số lượng học sinh bao nhiêu, nguồn thu có đủ bù chi hay không. Mà muốn thu tiền thì các trường phải thông qua UBND quận, quận đồng ý mới được phép thu".

Một trong những ví dụ có thể kể là ở Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Q.Tân Bình những năm trước trường có hợp đồng với GV người Mỹ để dạy tiếng Anh cho học sinh các lớp tăng cường. Thù lao cho GV do nhà trường trích từ quỹ học phí tiếng Anh tăng cường chứ học sinh không phải đóng thêm.

Xem chất lượng ra sao, rồi tính tiếp

Q.5 được xem là địa phương đăng ký nhận nhiều GV Philippines nhất trong đợt này: sáu người. Theo bà Võ Ngọc Thu – trưởng Phòng GD-ĐT Q.5: "Không phải một GV dạy một trường mà một GV Philippines dạy tại một cụm gồm ba trường tọa lạc gần nhau. Học sinh sẽ đóng từ 120.000-150.000 đồng/tháng và mỗi cụm trường có mười lớp trở lên, như vậy thu mới đủ để trả lương cho GV.

GV Philippines chỉ dạy cho học sinh học chương trình tiếng Anh theo đề án ngoại ngữ quốc gia, còn học sinh chương trình tiếng Anh tăng cường vẫn học với GV người bản ngữ do các trường tự hợp đồng từ đầu năm học".

Đây cũng là một giải pháp đáng ghi nhận nhưng bên cạnh đó, có hiệu trưởng đã băn khoăn: "Một GV dạy cùng lúc ba trường thì sinh hoạt chuyên môn sẽ như thế nào, liệu có toàn tâm toàn ý được hay không?".

Q.1 được xem như cái nôi của chương trình tiếng Anh tăng cường (với đa số các trường tiểu học, THCS trên địa bàn đều có giảng dạy chương trình này) nhưng cũng chỉ thử đăng ký hai GV Philippines cho hai trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm và tiểu học Lê Ngọc Hân.

Ông Đinh Thiện Căn, trưởng Phòng GD-ĐT Q.1, giải thích: "Hầu hết các trường đều đã hợp đồng với GV nước ngoài ngay từ đầu năm học, một số ít trường khác chưa có GV nước ngoài thì số học sinh học tiếng Anh lại ít quá, thu không đủ bù chi, nhà trường không dám nhận GV Philippines về dạy. Thôi thì cứ để hai trường có uy tín của Q.1 sử dụng trước xem chất lượng giảng dạy của GV Philippines như thế nào rồi năm học sau sẽ tính tiếp".

Ông Lê Hồng Sơn khẳng định: "Dự kiến tháng 12.2012, GV Philippines sẽ chính thức giảng dạy tại các trường. Nói là tuyển nhưng trong quá trình giảng dạy, nếu GV không đủ năng lực, trình độ; tác phong, tư cách có vấn đề thì sở sẽ ngưng hợp đồng ngay. Sau một năm, chúng tôi sẽ đánh giá xem hiệu quả giảng dạy của GV Philippines ra sao rồi mới quyết định có nhân rộng vào những năm tiếp theo hay không".

Ngân sách không kham nổi

"Ban đầu, việc tuyển 100 GV Philippines
về dạy tại các trường phổ thông sẽ do ngân sách trả lương (2.000
USD/tháng/GV). Ngoài việc đứng lớp giảng dạy, các GV này sẽ tham gia
sinh hoạt tổ chuyên môn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho học sinh,
góp ý và chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp VN; hướng dẫn giáo viên
tiếng Anh tại trường về phương pháp giảng dạy mới… nhằm mục đích nâng
cao khả năng nghe – nói tiếng Anh cho GV và học sinh VN.

Đây là
hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án "Phổ cập và nâng cao năng lực sử
dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn
2011-2020". Sau đó, như mọi người đã biết là tình hình kinh tế khó khăn,
ngân sách không kham nổi nên dự kiến sẽ xã hội hóa 50%, còn 50% ngân
sách cấp bù. Nhưng rồi cuối cùng 50% lương của GV Philippines thì ngân
sách cũng không kham nổi nên đành xã hội hóa 100%".

Ông LÊ HỒNG SƠN (giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

(Theo Hoàng Hương/ Tuổi Trẻ)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98574/tuyen-giao-vien-philippine--chi-29-nguoi-dang-ky.html

Trị “bệnh” hàn lâm trong môi trường đại học

Posted: 27 Nov 2012 02:22 AM PST


Trị

Doanh nghiệp chê đào tạo

"Nhiều sinh viên tốt nghiệp nộp hồ sơ tuyển dụng ở chỗ chúng tôi với bảng điểm đẹp nhưng điều này không nói lên nhiều về người mà chúng tôi muốn tuyển"- TS. Nguyễn Ngọc Anh, Trung tâm nghiên cứu chính sách và phát triển chia sẻ. "Chúng tôi từng gặp phải những sinh viên tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ nhưng dịch không được, giao tiếp với khách hàng người nước ngoài cũng rất khó khăn. Sinh viên hiện nay lướt web rất nhanh nhưng trình bày văn bản chuẩn trên Word, Excel không làm được. Các kỹ năng làm việc theo nhóm, quản lý thời gian, giao tiếp với khách hàng, với lãnh đạo, báo cáo… của sinh viên đều có vấn đề"- ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm.

Cử nhân kinh tế, cử nhân Toán cũng bị vị TS này "chê" khi đưa ra những bài kiểm tra về toán thống kê hay phân tích số liệu. "Chỉ có một số sinh viên đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Đây là những bạn xác định rõ công việc thực sự là gì nên có sự chuẩn bị phù hợp. Còn lại nhiều bạn đến phỏng vấn nhưng không biết nhà tuyển dụng cần vị trí gì, công việc như thế nào. Với việc thiếu định hướng như vậy thì đào tạo đang dẫn tới sự lãng phí lớn". "Sinh viên ra trường không kiếm được việc làm tốt, lương thấp vì trình độ không đáp ứng thực tế. Nhiều em thay đổi tới 6 công việc trong vòng 2 năm, vậy là bao nhiêu kiến thức đào tạo chính ở trường sẽ rơi rụng hết" – TS. Nguyễn Ngọc Anh khẳng định.

Nhà trường "bất đồng" với nhà tuyển dụng

Trước yêu cầu đáp ứng nhu cầu xã hội đối với đào tạo ĐH, nhiều trường đang bắt tay triển khai chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng thay vì nghiên cứu hàn lâm. Tuy nhiên, rất nhiều cản trở đặt ra khiến chương trình này không phát triển mạnh như mong muốn Theo như TS. Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, một trong những lý do đó là: "Tâm lý trọng bằng cấp trong xã hội. Thói quen quan tâm đến bảng điểm hơn là tay nghề và khả năng thực sự của sinh viên ra trường của các nhà tuyển dụng đang ảnh hưởng lớn đến chương trình đào tạo nghề nghiệp-ứng dụng. Nếu theo chương trình này, sinh viên khó có được một bảng điểm đẹp bởi yêu cầu cao với dự án thực hành, bài tập nhóm được đánh giá bằng nhiều nguồn, nhấn mạnh đến kỹ năng thực hành…".

Đồng quan điểm, ông Trần Viết Khanh, Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, sinh viên tham gia chương trình nghề nghiệp-ứng dụng được nhấn mạnh đến khả năng thực hành, bài tập nhóm, còn các sinh viên tham gia chương trình truyền thống chủ yếu học lý thuyết, đánh giá qua thi cử nên điểm số sẽ cao hơn hẳn. Cùng với đó GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, học phí những chương trình truyền thống thấp hơn nhiều lần so với học phí của chương trình đào tạo nghề nghiệp – ứng dụng, khiến cho sự lựa chọn của người học với chương trình này không cao.

Sản phẩm đầu ra kém nhạy bén, sáng tạo

Chương trình đào tạo nghề nghiệp – ứng dụng được đánh giá vượt trội về kiến thức thực tế, thực tập và ứng dụng, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy độc lập sáng tạo, nhạy bén và biết nắm cơ hội ngoài kiến thức chuyên môn như các chương trình truyền thống. Sinh viên chương trình này cũng được đánh giá là tích cực, năng động và tự tin hơn. Sau khi tốt nghiệp, khả năng có việc làm của sinh viên cũng cao hơn… Tuy nhiên, bài toán khó giải cản trở sự phát triển của chương trình này, theo GS.TS Phạm Quang Trung là phương thức đào tạo khác xa với cách truyền thống đào tạo của đa số các trường. Thực hiện thành công chương trình này đòi hỏi sự mạo hiểm và tiên phong, chấp nhận thách thức và trách nhiệm để đổi mới. Trong khi đó, TS. Phạm Thị Ly lại chỉ rõ tầm nhìn và chiến lược phát triển của các trường ĐH chưa rõ ràng.

"Hiện có 8 trường ĐH thực hiện chương trình này nhưng có tới 6/8 trường coi họ là trường định hướng nghiên cứu. Như vậy, nhà trường sẽ ưu tiên hướng nghiên cứu hàn lâm và sẽ là rào cản khi phát triển theo hướng thực hành nghề nghiệp vì đây là 2 định hướng hoàn toàn khác nhau" – TS. Phạm Thị Ly phân tích.

Theo bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT thì phát triển chương trình một cách hiệu quả và nhân rộng các trường cần rất nhiều thay đổi cả về chính sách, cả về nền nếp… Trước nhiều khó khăn, đặc biệt là về tài chính, học phí thì vấn đề đầu tư cùng nhà nước, đặc biệt vai trò của doanh nghiệp thị trường lao động cần rõ hơn và phải cùng tham gia, mới có thể chuyển đổi được trước yêu cầu của Chính phủ đạt 70-80% sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp – ứng dụng đến năm 2020.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tri-benh-han-lam-trong-moi-truong-dai-hoc-667542.htm

Nỗi niềm cùng con chữ

Posted: 27 Nov 2012 02:22 AM PST

(GDTĐ) – Thầy rất muốn truyền con chữ, trò rất muốn nhận con chữ. Nhưng, hoàn cảnh khó khăn của hiện tại đã khiến cho tinh thần ấy ở những lớp xóa mù  chữ dành cho người dân làng chài bên phá Tam Giang huyện Quảng Điền có nguy cơ ngừng hoạt động.

Trước đây, do hoàn cảnh khó khăn với đặc thù của cuộc sống lênh đênh vùng sông nước, không có thời gian cũng như điều kiện để học hành, nên hầu hết người dân làng chài bên phá Tam Giang đều không biết đến con chữ. Giờ đây, xã hội phát triển đòi hỏi những nhu cầu bức thiết thì người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc biết chữ.


Thầy Thăng đang truyền con chữ cho bà con.

 Đến với con chữ, đến với nguồn sáng

Cô Hồ Thị Thủy (46 tuổi) – Lớp trưởng lớp xóa mù chữ thôn Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi) ấm ức kể lại: " Cách đây 2 năm, tui đi nuôi con gái vừa mới sinh ở bệnh viện. Bệnh viện thì lớn, đứng trước khoa sản mà vì không biết chữ nên tui không dám vô. Gặp cô y tá, tui hỏi khoa sản ở mô liền bị cằn nhằn với vẻ mặt khó chịu. Vì rứa, tui ao ước được biết chữ để không bị ai coi thường nữa". Thế là, sau đó, cô Thủy liền vận động 5 cặp thanh niên không biết chữ khác trong làng đến tìm thầy Hồ Quang Chính (45 tuổi – Giáo viên Trung tâm thường xuyên Quảng Điền) để mong muốn thầy truyền cho con chữ giải tỏa nỗi bực tức đó.

Từ đó, lớp học của thầy Chính thu hút số lượng lớn "học sinh" tới xin học. Có thời điểm, số lượng "học sinh" lên đến hơn 50 người. Do học ở nhà cộng đồng văn hóa thôn nên không đủ sức chứa, đành phải chia thành 2 lớp. Cứ thế, 2 năm trôi qua, không biết bao nhiêu người dân làng Ngư Mỹ Thạnh được tiếp cận với con chữ. Hỏi cô Thủy nếu giờ đây vô bệnh viện thì cô có còn hỏi như vậy không? Cô ngắt lời: "Giờ mà vô lại bệnh viện đố mà tui không biết cái khoa nào!".

Lân la về thôn Vạn Hạ Lang (xã  Quảng Phú) khi trời đã sập tối, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những chú, những bác, cô, dì dắt theo con, cháu cầm trên tay cuốn vở đến ngôi trường Tiểu học số 1 Vạn Hạ Lang cũ khi mái tóc chưa kịp khô do mới tắm khi đi làm về. Chưa kịp chào, chị Phan Thị Hương (36 tuổi) hớn hở: "Mấy cô chú thấy tụi tui lớn tuổi như ri mà như con nít không. Được đi học khi con cái đã lớn sướng lắm mấy cô chú à. Thú thật, ban đầu bước vô lớp, tui ngại mà run lắm nhưng chừ thì hết ngại rồi. Tui còn khuyên mọi người đi học nữa." Chị Hương là một trong những người tham gia lớp học ở thôn Vạn Hạ Lang do thầy Lê Công Thăng (50 tuổi) đảm trách cách đây 2 năm. Khi được đề cập đến vấn đề vì sao lớn tuổi rồi mà vẫn học, chị quả quyết: "Học chứ. Học để biết chữ. Học để ra đường còn biết những biển cấm không thôi bị phạt vô duyên, rồi còn để tìm được đường nữa chứ."


Tuy số lượng "học viên" không nhiều nhưng lớp học vẫn cố duy trì hoạt động.

Nhiều năm liền người dân nơi đây đều phải dùng cách "lăn tay" (điểm chỉ) để thay cho việc kí tên xác nhận pháp nhân vào các loại giấy tờ. Gắn với cái mác mù chữ của dân vạn đò. Nhiều người dân không cam tâm chịu thiệt đã nuôi ý chí đến với cái chữ bằng sự nhiệt tình trong việc học và tự học. Giờ đây khi đã đã biết đọc và kí tên của mình, mọi người ai cũng hào hứng, phấn khởi. Với anh Hoàng Minh Nam (40 tuổi), anh đến với con chữ để ghi chép lại khi buôn bán chứ lớn tuổi rồi không thể nhớ nỗi.

 Nỗi lòng của thầy trò

Công việc gắn liền với sông nước nên thời gian của bà con cũng không cố định. Bởi vậy, việc sắp xếp lịch học là rất khó khăn. Để thu xếp 1 tuần học 3 buổi, học sáng hay chiều là cả một vấn đề nan giải. Thầy Thăng cho biết thêm: "Thường bà con làm việc suốt ngày, chập tối mới về nên không thể sắp xếp được vào ban ngày để học cho tiện. Đành phải học vào buổi tối. Mà học buổi tối thì bất tiện nhiều điều như cúp điện, mưa gió, tối tăm…" Lớp thầy Chính thì đỡ hơn chút ít. Hầu hết người dân thôn Ngư Mỹ Thạnh đều đánh bắt thủy hải sản vào buổi khuya. Họ giao lưu buôn bán lúc 3 giờ sáng. Tới chừng 6 giờ thì chợ tan. Tiện đó xếp học buổi sáng để bà con khỏi mất thời gian. Tuy vậy, một tuần lớp cũng duy trì chỉ được 3 buổi.

Sắp xếp lịch học đã khó, làm sao ổn định được lớp mới là vấn đề lớn. Thầy Chính tâm sự: "Do gia đình đông con, điều kiện kinh tế lại không khá giả gì nên khi biết ít chữ, bà con thường nghỉ học. Số lượng "học sinh" dao động bất thường. Chúng tôi dạy phải phụ thuộc vào thời gian của bà con. Bởi thế, không nhất quán về chương trình dạy được. Ngoài ra, trình độ mỗi người khác nhau. Chúng tôi không thể dạy gộp được. Một lớp học chung như vậy nhưng có khi phân ra thành cấp độ lớp từ lớp 1 đến lớp 5 nên rất khó trong việc truyền con chữ".

Cơ sở vật chất, dụng cu học tập thiếu phần nào ảnh hưởng đến việc dạy và  học. Hầu hết người dân khó khăn, rất khó để họ bỏ tiền ra mua sách vở, bút… Thường mỗi thầy đều bỏ tiền ra để photo sách rồi phát cho mỗi "học sinh". "Chỉ có học sách nguyên bản thì bài học mới đến với các bà con hiệu quả hơn. Nhưng không có thì đành học sách photo. Mỗi lần photo sách như vậy tôi phải bỏ ra khoảng 500 ngàn. Một số tiền tương đối lớn với một thầy giáo còn phải nuôi cả gia đình như tôi" – Thầy Thăng chia sẻ.

Dù biết tầm quan trọng của con chữ  với đời sống nhưng bà con còn phải lao động để kiếm sống, nuôi gia đình, con cái ăn học. "Tụi tui rất muốn theo học một cách ổn định để biết nhiều hơn còn về bảo ban con cái. Mà mấy cô chú thấy đấy. Nhà thì nghèo, lại đông con. Phải làm việc cả ngày, mệt lắm chứ. Chừ kiếm được đôi ba chữ, nghỉ học cái đã. Khi mô quên thì học tiếp thôi chú à! Khổ thế đấy!"  – Anh Nam tâm sự.

Trang Trần

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Noi-niem-cung-con-chu-1965205/

Thiếu công bằng với Khoa học xã hội và nhân văn?

Posted: 26 Nov 2012 06:28 PM PST

(GDTĐ)-Khoa học xã hội- nhân văn (KHXH-NV) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong giai đoạn hình thành và phát triển của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, trào lưu toàn cầu hoá đang làm thay đổi sâu sắc vai trò của ngành khoa học này; đồng thời cho rằng, KHXH-NV hiện nay chưa được đối xử một cách công bằng.

Cần rất nhiều yếu tố để HSSV thực sự yêu thích các môn KHXH. Ảnh: gdtd.vn
Cần rất nhiều yếu tố để HSSV thực sự yêu thích các môn KHXH. Ảnh: gdtd.vn

HSSV không mặn mà với các môn KHXH

Vài năm gần đây, dư luận xã hội nói nhiều đến hiện tượng HSSV không mặn mà với các môn khoa học xã hội, trong đó thể hiện rõ nhất ở mỗi mùa tuyển sinh.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2012, cả nước có hơn 1,8 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, trong đó chỉ có hơn 80 nghìn hồ sơ đăng ký vào ngành khoa học xã hội, chiếm 4,43%. Nếu xét theo số lượng thì nhóm ngành này đã giảm đến gần 8% so với năm 2011 (năm 2011 có khoảng 87 nghìn hồ sơ). Do số lượng thí sinh quá ít, một số trường ĐH phải ngừng tuyển sinh một số ngành khoa học xã hội hoặc phải tìm cách tăng nguồn tuyển bằng việc mở thêm các khối thi đầu vào như khối A, D.

TS.Trần Văn Hải – Trường ĐHKHXHNV cho hay: Lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, khoa Lịch sử thuộc trường ĐHKHXHNV – một khoa được tuyên dương Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới không tuyển đủ số sinh viên trong chỉ tiêu nguyện vọng 1. Số lượng sinh viên thi vào trường khối KHXH-NV đã ít, nhưng đa số trong số đó lại thuộc dạng không thi được khối nào mới chọn khối C.

Không chỉ số lượng, chất lượng đầu vào của sinh viên các ngành khoa học xã hội cũng là vấn đề đáng quan tâm. Mùa tuyển sinh năm 2012, dù điểm các môn thi ĐH khối C được đánh giá là cao hơn năm trước nhưng số lượng bài thi có điểm trung bình vẫn chiếm đa số.

Nghiên cứu về KHXHNV được đầu tư ít

Theo công bố của ĐHQGHN, tổng chi trong giai đoạn 2006-2010 cho KH-CH của trường ĐHKHTN (ĐHQGHN) là là 59.725 triệu đồng, trong khi đó, Trường ĐHKHXH-NV chỉ có 15.330 triệu đồng. Với ĐHQGHCM, năm 2009, trường này chi cho trường ĐHKHTN trực thuộc là 9235 triệu đồng và năm 2010 là 6319 triệu đồng cho hoạt động nghiên cứu; trong khi đó, nguồn chi này cho trường ĐHKHXH-NV chỉ có 1855 triệu đồng (năm 2009) và 2130 triệu đồng (năm 2010).

Theo TS.Trần Văn Hải – Trường ĐHKHXHNV, việc đánh giá sai vai trò của KHXH-VN bao gồm cả việc đánh giá không đúng mức các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này, dẫn đến đầu tư kinh phí cho NCKH thấp, hậu quả là kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực KHXH-NV có chất lượng thấp, dẫn đến chất lượng đào tạo nhân lực thấp, hậu quả là thị trường lao động – nơi tiếp nhận nguồn nhân lực được đào tạo từ nhà trường có chất lượng thấp.

Cụ thể về nghiên cứu KHXH-NV, TS.Trần Văn Hải cho rằng, số lượng các công trình khoa học của Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế đã ít, nhưng tỷ lệ nghiên cứu về KHXNNV trong số này lại càng ít hơn. Theo thống kê từ Scopus, số lượng các công trình nghiên cứu của Việt Nam từ năm 1996-2010, tức là trong vòng 15 năm được công nhận trên trường quốc tế chỉ có 354 bài. Đa phần những công trình nghiên cứu của Việt Nam tập trung ở lĩnh vực Địa lý học (chiếm 21% trên tổng số), Phát triển học (16%), Y tế (12%), Xã hội học (11%), Nhân chủng học (5%), Chính trị học (5%), dân số học (4%), khảo cổ học (1,4%). Số lượng các bài nghiên cứu ít về số lượng, yếu về chất lượng nên không được các tạp chí khoa học quốc tế đăng tải, từ đó ứng xử với KHXHNV theo chiều hướng thấp hơn ứng xử với các khoa học khác.

PGS.TS Trần Lê Bảo – Trường ĐHSP Hà Nội cũng thừa nhận thực tế, mặc dù có những nỗ lực nhất định song nghiên cứu xã hội và nhân văn trong trường đại học biến đổi còn chậm chạp, giáo điều, giản đơn một mặt do điều kiện nghiên cứu khó khăn, mặt khác do bản thân chương trình giáo dục đại học hay thay đổi. Một lí do khác cũng đáng quan tâm là hoạt động tự nghiên cứu nâng cao tay nghề chưa được đáp ứng xứng đáng, để những người hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nói riêng có thể tiếp tục tái sản xuất sức lao động đầu tư cho nghiên cứu.

Nâng cao vị thế của khoa học xã hội

Tại một hội thảo lớn bàn riêng về KHXH-NV tổ chức tại ĐHSP Hà Nội, các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp để nhằm nâng cao vị thế của khoa học xã hội. Trong đó nhấn mạnh cần xây dựng Chiến lược tổng thể phát triển khoa học xã hội Việt Nam; đổi mới cơ chế quản lý đối với khoa học xã hội, cần tính đến đặc thù của khoa học xã hội và tạo điều kiện phát huy sáng tạo của các trường đại học khoa học xã hội và cá nhân nhà khoa học; tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học xã hội; nâng cao  năng lực của đội ngũ khoa học xã hội trong các trường đại học.

Cũng theo các nhà khoa học, cần  đổi mới tư duy về vai trò của khoa học xã hội trong các cấp quản lý, cũng như nhận thức của nhân dân; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá,tuyển sinh; viết những bộ giáo trình có tầm quốc gia, có chất  lượng; đẩy mạnh học ngoại ngữ, chú ý tiếng Anh để hội nhập quốc tế tốt hơn….

Đề cập đến vấn đề KHXH-NV trong trường ĐH, PGS.TS Trần Lê Bảo cho rằng, các nhà nghiên cứu KHXH-NV ở các trường đại học, các viện trực thuộc Bộ GDĐT một mặt cần nghiên cứu sâu các chuyên ngành khác nhau của KHXH-NV phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy, đào tạo con người của tương lai. Đồng thời các nhà khoa học cần trước hết tự mình phải là con người nhân văn, mặt khác bằng lí luận và thực hành góp phần làm cho môi trường giáo dục nói riêng và xã hội nói chung mang tính nhân văn.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/Thieu-cong-bang-voi-Khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van-1965183/

Viết chữ đẹp đã lỗi thời?

Posted: 26 Nov 2012 06:27 PM PST

– Nhìn nhận thế nào về tâm lý trầm trồ khi thấy những bản viết tay "chữ đẹp như in" của các học trò nhỏ khi tham gia các cuộc thi 'luyện chữ"?

Theo GS Nguyễn Ngọc Lanh, chuyện học sinh cả lớp, cả trường, cả huyện… phải rầm rộ đi thi "chữ đẹp" thể hiện triết lý rất lỗi thời. Tại sao trẻ em Việt Nam cứ phải vung phí tuổi xuân vào những cuộc đua – tuy rất bổ ích cho "thành tích" của người có quyền, nhưng – vô bổ đối với sự nghiệp tương lai của chính các em?

Dưới đây là phân tích của ông. VietNamNet mong nhận được các ý kiến trao đổi. Thư gửi về: bangiaoduc@vietnamnet.vn.

Các bài luyện và các bài thi cứ na ná như nhau về nét chữ

Không có chữ, phải đi mượn; lại mượn phải thứ chữ rất khó viết

Ba ngàn năm không có chữ, tới thiên niên kỷ thứ tư, tổ tiên ta đành chấp nhận chữ Hán.

Khổ! Đây là thứ chữ tượng hình; viết chữ gần như "vẽ chữ". Sự sáng tạo chung quy chỉ là thay đổi cách đọc chữ Hán cho lọt tai người Việt – nghĩa là tạo ra các từ Hán-Việt. Viết như nhau, Trung Quốc đọc là "zẩn mỉn" còn ta đọc là "nhân dân". Tới nay, các từ Hán-Việt chiếm tới quá bán hoặc 2/3 kho từ vựng của ta. Vui hay buồn?

Cứ bảo chữ Hán thịnh hành suốt ngàn năm trước. Kỳ thực, nó độc tôn, chứ "thịnh hành" cái nỗi gì mà chỉ 1% dân biết chữ?

Nói khác, tới 99% dân ta không đọc nổi, mà nghe người khác đọc hộ cũng không hiểu.

Hẳn là, 99% các cụ ta thời xưa nghe đọc câu "Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" (học không chán, dạy người không mỏi) và "Tiên giác giác hậu giác" (người biết trước dạy cho người biết sau) cũng giống như vịt nghe sấm?

Đã thế, dùng chữ Hán không thể ghi lại kho tàng văn hóa dân gian do người Việt sáng tạo. Lưu giữ bằng cách "truyền miệng" thì làm sao tránh khỏi thất thoát lớn?

Giải quyết bằng sáng tạo ra chữ Nôm: Vẫn rơi vào lẩn quẩn!

Chữ Nôm ghi lại tiếng Việt (ca dao, tục ngữ, văn thơ Việt). Nghĩa là khi đọc văn Nôm, người Việt mù chữ vẫn hiểu. Tổ tiên ta càng thêm hứng khởi sáng tác bằng chữ Nôm. Chính nhờ chữ Nôm mà truyện Kiều ra đời…

Nhưng đó là cái vòng lẩn quẩn. Vì cách phổ biến nhất để tạo ra chữ Nôm là ghép hai chữ Hán lại làm một: Trong đó, một chữ dùng để chỉ "nghĩa", còn chữ thứ hai để chỉ "âm".

Ví dụ, muốn viết chữ "tay" thì các cụ ghép chữ "thủ" (nghĩa là tay) với chữ "tây" (phương tây, phương Đoài). Người đọc phải… suy hoặc đoán, để mà đọc thành "tay". Thật phiền, cứ phải giỏi chữ Hán (và giỏi đoán) mới học được, đọc và viết được chữ Nôm. Số người biết chữ Hán vẫn chỉ 1%; biết Nôm càng dưới 1%.

"Văn hay" phải kèm "chữ tốt: Chuyện đương nhiên thời xưa

"Văn hay, chữ tốt" là câu cửa miệng của người xưa nói về thành công trong nghiệp học.

Thời xưa, học vấn của một người được đánh giá ở "văn". Nhưng "văn" chứa trong… bụng (các cụ nghĩ thế), dù hay đến mấy vẫn phải thể hiện bằng chữ thì người khác (ví dụ, người chấm thi) mới đánh giá được. Do vậy "văn hay" phải có cả "chữ tốt".

Luyện "chữ tốt" thời xưa gian khổ gấp trăm (hay ngàn) luyện chữ quốc ngữ thời nay.
Viết chữ gần như "vẽ chữ", thiếu hay thừa một nét là thành vô nghĩa hoặc khác nghĩa (sai một ly đi một dăm). Hàng ngang, hàng dọc cứ đều tăm tắp. Tập viết chữ Hán là nỗi vất vả và sợ hãi của học trò xưa, vì đây là chính giai đoạn rất dễ bị "ăn roi" của thầy.

Nhưng trên mức "chữ tốt" còn có mức "chữ đẹp" (cực tốt) nữa. Nhưng đó là chuyện năng khiếu, "hoa tay"…, chỉ dành cho số ít người.

Thời ấy, chỉ cần "văn hay, chữ tốt" là đủ để công thành danh toại. Thời nay, nếu chỉ hành văn trơn tru và viết chữ đẹp – tuy vẫn là ưu điểm – nhưng chưa nói được gì nhiều.
Phúc thay! Từ năm 1915, nước ta đã thay chữ Hán bằng chữ quốc ngữ. Để thanh toán mù chữ, thuở xưa cần 3 năm; thì thời nay chỉ cần 3 tháng. Để luyện "chữ tốt" cũng vậy.

Thứ bậc giữa "văn hay" với "chữ tốt"

Một cách vắn tắt, làm văn là việc của cái đầu, viết chữ do cái tay.

- Khi vua muốn ban ra một chiếu chỉ, một đạo sắc phong, một lời khuyến dụ… thì các vị "văn hay" sẽ lĩnh ý và thảo ra văn bản. Họ phải dùng lời văn thích hợp và viết bằng thứ "chữ tốt" để vua duyệt. Sau đó, sẽ có những người "chữ cực tốt" sao chép thành nhiều bản để gửi đi các nơi. Như vậy, người "văn hay" là quan, gần gũi vua; còn người "chữ đẹp" chỉ là những thư lại, có khi cả đời không thấy long nhan.

Ở cấp địa phương (đạo, trấn, tỉnh, huyện) vị đứng đầu chính quyền vẫn là người "văn hay", còn trong số phụ tá có vài người "chữ tốt" (lo việc sổ sách, sao chép văn thư…).

Dẫu sao, thời xưa người "chữ tốt" (nhất là "chữ đẹp") vẫn có việc làm phù hợp. Còn thời nay, khó kiếm kế sinh nhai thuần túy chỉ bằng "chữ đẹp". Bởi vì, máy đã thay thế. Người viết đẹp nhất cả nước cũng chỉ "đẹp như chữ đánh máy", hoặc "như chữ sách in"(!).

Thi chữ đẹp

Thời nay, máy đã thay thế ngày càng vượt trội sự khéo léo của bàn tay. Tuy nhiên, vẫn nên tổ chức thi chữ đẹp, để đáp ứng nguyện vọng của những người có năng khiếu muốn tranh tài – giống như nhiều cuộc thi năng khiếu khác.

Phải nói thêm: Viết chữ đẹp, thêm óc sáng tạo, tâm hồn nghệ sĩ… vẫn có thể "sống tốt" bằng nghề thư pháp. Thực tế, sản phẩm của các nhà Thư Pháp ở ta thường là để tặng.

Còn chuyện học sinh cả lớp, cả trường, cả huyện… phải rầm rộ đi thi "chữ đẹp", thì đấy là chuyện khác. Nó thể hiện một triết lý rất lỗi thời (mà người có quyền cứ tự ý áp đặt, dưới danh nghĩa nào đó – ví dụ, để rèn "nết người" – cho đại trà vài chục triệu đứa trẻ), nguy hiểm hơn cả bệnh "thành tích", bệnh "phong trào".

Số người dựa vào "chữ tốt" để sinh nhai cứ hiếm dần. Vậy, các bậc cha mẹ thời nay nếu có ý định đầu tư tiền của và công sức cho con cái về "chữ tốt" cần suy nghĩ cho kỹ.

Rèn chữ

- Thời xưa, không rèn chữ sẽ thiệt thòi nhãn tiền. Vì đó là thứ chữ khó viết và dễ sai sót dẫn đến sai nghĩa. Những người "văn hay" thì địa vị xã hội không thấp. Họ phải thảo ra những văn bản "chữ tốt", để cho đám "chữ cực tốt" khỏi nhầm lẫn khi sao chép.

Nếu họ là các bậc uyên thâm, họ còn sáng tác (Lê Hữu Trác, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Nguyễn Du…) và có cả một đội ngũ "chữ tốt" sao chép thành hàng trăm cuốn sách. Cho tới khi con người biết khắc chữ vào tấm ván để in ra hàng loạt thì bản gốc càng phải viết bằng thứ "chữ tốt" để thợ khác khỏi nhầm lẫn (rất khó sửa).

- Thời cận đại, khi đã có chữ quốc ngữ, có máy chữ và máy in, các vị Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng… vẫn phải rèn chữ để bản thảo đỡ tốn giấy (giấy rất đắt, phải viết bằng thứ chữ nhỏ li ti) và để thư ký gõ máy chữ khỏi nhầm lẫn; và để thợ in đỡ mắc lỗi khi xếp chữ. Điều khác xưa: người đánh máy chữ và thợ xếp chữ in không cần "chữ tốt" nữa. Các nhà văn thế hệ sau làm việc lúc giao thời, nhưng thích nghi rất nhanh: từ viết tay, họ chuyển sang dùng bàn phím.

"Chữ đẹp" đến mức nào là đủ?

Đã đi học thì phải tập viết. Cứ cho rằng trong tương lai không xa, mỗi học sinh sẽ sở hữu một máy tính gọn nhẹ (mang theo tới lớp) trong chứa sẵn toàn bộ sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; cứ cho rằng họ sẽ được dạy sử dụng bàn phím thành thạo tới mức gõ chữ nhanh hơn viết (quả vậy đấy: gõ một chữ trên bàn phím để nó hiện ra màn hình vẫn nhanh hơn viết chữ đó ra giấy)… Nhưng, dứt khoát, họ vẫn phải tập viết. Vì trong cuộc đời, có lúc họ phải viết chứ không chỉ trông cậy vào máy vi tính mà xong.

Vậy, cần tập viết tới mức nào? Chẳng cần cãi nhau cho mất thì giờ; mà cứ xem "người ta" đã làm.

1) Dứt khoát học sinh phải viết đủ nét, đủ dấu, để ai cũng đọc được bản viết của mình. Họ viết ra là để người khác đọc (trước hết là để trả bài cho thầy, cô; sau này là lá đơn xin việc mà nơi tuyển chọn quy định "tự viết", tờ giấy biên nhận, đăng ký bút tích với cơ quan quản lý…). Còn việc ghi chép cho riêng mình, họ tha hồ tự ghi, tự hiểu.

2) Họ phải tập viết nhanh, vì thời công nghiệp đòi hỏi tiết kiệm thời gian.

3) Họ chỉ viết ngắn. Nếu cần viết dài, đã có vi tính và máy in.

Thế là đủ.

Nhưng khi cần viết nhanh, nét chữ lại trở về kiểu "vốn có"

Thời gian lẽ ra dành cho tập viết như hiện nay (nhất là để thi "chữ đẹp") liệu có nên dùng để dạy các cháu sử dụng bàn phím? Nhiều phụ huynh đã nhận ra lợi hại.

- Điều không lạ, những bài được giải "chữ đẹp" đều có nét chữ na ná như nhau, vì cùng được dạy theo một mẫu, mặc dù internet đã miễn phí rất nhiều mẫu chữ cực đẹp.

- Điều không lạ nữa: Khi phải viết nhanh, những người được giải lại trở về cách viết cố hữu của mình. Chữ là người. Chính do vậy, ta mới có thể "đoán tính cách con người theo nét chữ". Rút ra: nét chữ (để thi) chẳng liên quan gì tới "nết người". Chớ ngộ nhận.

Tại sao trẻ em Việt Nam cứ phải vung phí tuổi xuân vào những cuộc đua – tuy rất bổ ích cho "thành tích" của người có quyền, nhưng – vô bổ đối với sự nghiệp tương lai của chính các em? Mà tuổi thọ của dân ta chưa phải quá cao so với các dân tộc khác, để các cháu tiêu tốn tuổi trẻ vào việc này.

  • GS Nguyễn Ngọc Lanh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98398/viet-chu-dep-da-loi-thoi-.html

Trường học Mỹ phân vân bỏ viết tay

Posted: 26 Nov 2012 02:36 PM PST

Dù là môn bắt buộc hay tự chọn, viết tay đang nhanh chóng biến mất khi
các trường thay thế giấy và bút bằng máy vi tính. Thậm chí, các bài kiểm
tra tiêu chuẩn đang dần được quản lý thông qua máy vi tính trong 3 năm
nay. Liệu viết tay có lãng phí thời gian không? Các trường học ở California (Mỹ) thì không nghĩ vậy.

 

 

Viết tay có lãng phí thời gian?

Ngày nay, chiếc bút có thể không có sức mạnh phi thường như bàn phím nhưng California và một số bang khác của Mỹ nhất quyết không từ bỏ hoàn toàn hình thức văn bản này.

Chống lại xu hướng đang ngày càng nở rộ là loại bỏ việc rèn chữ ra khỏi chương trình giảng dạy tiểu học hoặc đưa nó thành môn tự chọn, California là một trong số những bang khác vẫn đang tiếp tục coi môn viết chữ là môn quan trọng của học sinh lớp 3.

Một số người cho rằng viết tay là lãng phí thời gian, là lỗi thời trong thời đại số hóa – thời đại mà chữ ký thậm chí còn là chữ ký điện tử, tuy nhiên những người khác lại cho rằng viết tay là cần thiết để trẻ có thể trau dồi các kỹ năng vận động, phát triển đặc tính riêng của trẻ.

Tranh cãi dấy lên khi 45 bang dự định áp dụng những hướng dẫn giảng dạy năm 2014 cho môn tiếng Anh và Toán, không bao gồm môn viết chữ, nhưng lại yêu cầu thành thạo đánh máy khi tốt nghiệp tiểu học.

Một số bang trong đó có California, Georgia và Massachusetts có thêm yêu cầu viết chữ theo tiêu chuẩn quốc gia, trong khi hầu hết các bang khác như Indiana, Illinois và Hawai đưa môn này thành môn tự chọn. Một số bang như Utah vẫn đang xem xét vấn đề này.

Dù là môn bắt buộc hay tự chọn, viết tay đang nhanh chóng biến mất khi các trường thay thế giấy và bút bằng máy vi tính. Thậm chí, các bài kiểm tra tiêu chuẩn đang dần được quản lý thông qua máy vi tính trong 3 năm nay.

"Có thực sự cần phải học 2 loại bản thảo khác nhau hay không?" – Steve Graham, chuyên gia giáo dục tại ĐH Bang Arizona đặt câu hỏi. "Sẽ có nhiều trẻ không học viết chữ. Kỹ năng quan trọng hơn là đánh máy".

Tuy vậy, viết tay vẫn được nhiều người ủng hộ – những người cho rằng nó có lợi cho não của người trẻ cũng như tốt cho các kỹ năng vận động, phối hợp. Viết tay cũng là một cách biểu hiện của tính cách, những người ủng hộ nói.

"Tôi nghĩ nó là một phần bản sắc và lòng tự trọng của bạn" – Eldra Avery, giáo viên ngôn ngữ và sáng tác tại Trường Trung học San Luis Obispo. "Có cái gì đó rất đặc biệt và mang tính cá nhân trong một bức thư viết tay".

Đối với nhiều giáo viên tiểu học, yêu cầu trẻ dành hàng giờ viết đi viết lại những con chữ là không thực tế trong kỷ nguyên của công nghệ.

Học sinh Alexia Herrara đang luyện chữ tại Trường St. Mark’s Lutheran, Hacienda Heights, California, Mỹ.

Học sinh lớp 3 có thể dành 15 phút luyện chữ vài lần một tuần, nhưng lên lớp 4, việc này gần như không có vì giáo viên không yêu cầu bài luận viết tay. Trong khi một số đứa trẻ vẫn viết tay thì có nhiều trẻ chọn đánh máy vì chúng thực hành đánh máy nhiều hơn.

Dustin Ellis – giáo viên lớp 4 Trường Tiểu học Big Springs ở Simi Valley cho biết anh thường giao bài tập luyện chữ về nhà, nhưng nếu anh cho phép tự chọn thì chỉ có 3 trẻ chọn viết tay trong số 32 đứa.

"Trẻ có thể chỉ thành công khi biết đánh máy. Khi một đứa trẻ có thể gõ 60 chữ một phút, điều đó có nghĩa là chúng đang hướng tới một hướng đi khác. Viết tay đang trở nên ngày càng ít quan trọng hơn".

Điều đó cũng phụ thuộc vào giáo viên. Nhiều giáo viên trẻ cũng không được chuẩn bị cho việc dạy viết tay – Kathleen S. Wright, quản lý sản phẩm chữ viết tay của công ty sản xuất dụng cụ giảng dạy Zaner-Bloser cho biết.

Để khắc phục điều này, công ty đã phát triển một chương trình máy vi tính dạy trẻ cách hình thành các chữ cái.

Nhiều học sinh nói rằng hầu như không ai viết tay trừ giáo viên và cha mẹ. Các bài luận ở trường đều yêu cầu đánh máy, những bản thảo cá nhân như thiệp cảm ơn, thiệp mừng sinh nhật cũng đều là email – Monica Baerg, học sinh 16 tuổi chia sẻ.

Baerg cho biết em học viết chữ năm lớp 3 nhưng chưa bao giờ sử dụng nó và cũng rất khó dịch được chữ viết tay của bố mẹ.

"Chuyện đó thật lãng phí thời gian. Chưa ai từng ép buộc chúng em viết tay. Thật rắc rối để nhớ các chữ cái. Không cần thiết phải viết tay" – cô bé nói.

Tại trường St. Mark’s Lutheran, Hacienda Heights, viết tay vẫn là một môn học chính. Học sinh được yêu cầu viết tay trong suốt những năm trung học để chúng thành thạo nó. Học sinh cũng được cung cấp một cuốn sách để học và luyên tập tại nhà.

"Luôn có những trường hợp bạn phải sử dụng đến chữ viết tay" – bà Linda Merchant, giám đốc chương trình giảng dạy và hướng dẫn nói.

Chuyên gia Graham cho rằng với nhiều đứa trẻ, mục đích thực tế duy nhất của việc học viết tay chỉ để ký tên.

"Người ta chỉ nên dạy viết tay cho mục đích này" – học sinh Baerg nói. "Ai cũng muốn có một chữ ký đẹp với những đường nét theo ý mình".

Phản hồi đa chiều

Sau khi bài viết được đăng tải, đã có nhiều phản hồi tranh luận về vấn đề này với những ý kiến trái chiều.

Một ông bố chia sẻ, anh đã phát hoảng khi phát hiện cậu con trai 15 tuổi đang học lớp 9 không có khái niệm về viết tay. Khi anh hỏi cô con gái 17 tuổi là sinh viên loại A từ năm lớp 7, hiện đang học năm cuối trung học, anh còn phát hiện ra rằng con bé không được dạy viết tay. "Nếu bạn yêu cầu con bé ký tên, con bé sẽ in tên mình ra. Không thể tưởng tượng được một học trung trung học xuất sắc không thể ký tên mình" – ông bố Gregory A. Peterson chia sẻ.

Những người phản đối bỏ dạy viết tay trong trường học cho rằng nếu không viết tay, sẽ không thể đọc được những bản thảo viết tay quan trọng khác. Hay "nếu không biết viết tay, chúng ta sẽ có một thế hệ không biết ký séc hay không thể viết một bức thư mà không cần máy vi tính, máy tính bảng hay điện thoại.

Giáo viên lớp 6 – Erin Redding thì hoàn toàn đồng ý với California và các bang khác. Cô cho biết tất cả những học sinh của mình đều được yêu cầu viết tay mọi thứ, ngoại trừ môn Toán. "Đó là một cách tốt điều chỉnh các kỹ năng vận động. Ngày nay, không phải mọi thứ đều được thực hiện bằng máy vi tính. Nhiều người trong số chúng ta vẫn phải sử dụng chữ ký cho các tài liệu không phải điện tử và học sinh của tôi cũng vậy".

Trái lại, những người phản đối lại cho rằng viết tay không phải cách để "mài giũa kỹ năng vận động" – Shaw Sullivan nhận định.

Trong khi đó, nhiều độc giả đưa ý kiến cả 2 dạng viết tay đều quan trọng, cần thiết và các trường phải dạy học sinh thành thạo cả hai kỹ năng này.

  • Nguyễn Thảo (Theo USA Today)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98501/truong-hoc-my-phan-van-bo-viet-tay.html

Ngậm ngùi vì thầy … sang quá!

Posted: 26 Nov 2012 02:35 PM PST

Nghe cán bộ giáo vụ khoa báo tin tuần lễ tới, lớp sẽ học môn của một PGS có tên là S ở Hà Hội vào thỉnh giảng, sinh viên lớp báo chí năm thứ tư của trường đại học nọ mừng rơn. Chỉ vì từ đầu năm học tời giờ, toàn phải lên lớp theo thời khóa biểu chính khóa do các GV ở trường dạy.

Được học với giáo viên thỉnh giảng có phần mới mẻ, đỡ gò bó về giờ giấc; thêm nữa, giáo viên thỉnh giảng thường có tay nghề, nhiều vốn sống thực tế. "Tiếp cận với họ chẳng bổ bề dọc, cũng bổ bề ngang", GV chủ nhiệm lớp đã từng nói một cách hóm hỉnh như vậy! Phó giáo sư S có thâm niên ở một trường đại học thuộc hàng quốc gia, thế nào học môn của thầy cũng bổ ích, lý thú.

Ảnh minh họa/ Internet

Lớp trưởng lớp báo chí năm tư giãi bày tâm sự trên đây với một SV khóa trước đã ra trường, thì SV này cười và nói một cách bí ẩn: " Phó giáo sư S hả? Ừ thì …hãy đợi đấy!", làm lớp trưởng báo chí năm thứ tư càng hồi hộp.

Giây phút chờ đợi rồi cũng đã đến! Vị PGS nọ bước vào lớp, dáng dấp phương phi và bước chân đường hoàng, đĩnh đạc. Vừa ngồi vào bàn giáo viên, thầy đã đảo mắt quan sát khắp lượt phòng học và chê bai trang thiết bị ở đây "nghèo" quá. "Thời buổi bây giờ tất cả phải công nghệ cao. Công việc của tôi hàng ngày quá nhiều, nên lúc nào máy móc, phương tiện phục vụ cũng phải chỉnh chu"- Thầy nói với chất giọng lơ lớ xứ Nghệ, rồi giở chiếc máy vi tính mới toanh ra để trên bàn và hỏi cả lớp: "Wifi cắm ở đâu các em?". Học sinh ở bên dưới bắt đầu " mắt tròn mắt dẹt" nhìn nhau. Rồi thì lớp trưởng đứng lên "Thưa thầy, Wifi là mạng không dây, chỉ cần gõ mật mã Password là được ạ". Rắc rối, "quật" với chẳng "quộc", thời buổi hiện đại mà rắc rối ! Ở phòng làm việc của tôi la liệt máy móc nên chỗ nào cũng phải có ổ ắm tiện lợi cả ".

Tiếp đó, thầy "con cà con kê" về chuyến bay từ Hà Nội vào, ở đâu, ăn gì, làm gì từ tối hôm qua tới giờ. Rồi thầy ghi lên lớp tên bài giảng cùng đề mục một la mã –"Khái niệm"; thầy mở giáo trình ra "lua" một mớ định nghĩa, con số và những lời phát biểu của triết gia này, triết gia nọ, bảo học sinh phải chép vào đầy đủ, bởi "môn học của tôi không có sẵn tài liệu đâu đấy nhé. Muốn có tài liệu thì phải biết điều, phải năng động"… Trong lúc học sinh còn hí hoáy "toát mồ hôi" cũng không chép kịp thì thầy đã kể chuyện bên Tây, bên Tàu; toàn những chuyện mà thầy cho là "sang trọng hơn hẳn bên ta".

Không khí lớp học trầm lắng. Thầy bảo: " Thầy dạy ở đâu học sinh cũng tập trung học răm rắp chứ không có lơ tơ mơ. Nhưng học là học mà chơi là phải chơi cho ra trò, thì tinh thần mới khỏe khoắn. Đàn ông thì phải như cụ Lý Bạch ở Trung Quốc hay chí ít ra cũng như cụ Nguyễn Công Trứ của ta mới là sang! Tối hôm qua thầy đi dạo một mình ngoài phố, buồn thênh thang. Cánh mày râu lớp này tối nay mời thầy đi chơi một bữa cho ra trò nhé!"…

Thầy bước ra khỏi lớp rồi, lớp trưởng bảo cả lớp phải ngồi lại để hội ý. Bàn qua, cãi lại mãi vẫn không định được là phải nộp mỗi người bao nhiêu để cánh SV nam đưa thầy đi chơi là vừa. Thôi thì cứ gom góp mà ứng trước đi vậy!

Tối hôm ấy, cánh SV nam tới khách sạn để rước thầy. Sau khi đưa thầy đi dạo một vài thắng cảnh thì thầy bảo tìm một nhà hàng "víp một chút" để thưởng ngoạn đặc sản. Thầy gắp nhắm, cụng ly liên tục. Mấy SV nam được "đề cử" tiếp thầy từ trước cũng phải gắp nhắm, cụng ly theo thầy. May quá, đúng vào lúc SV nào, SV nấy cảm thấy ngà ngà hơi men thì thầy bảo "stop" để đưa thầy đi massage thư giãn, có sức khỏe mai lên lớp "chiến đấu" tiếp.

Cánh SV nam đã tản mạn ra về, chỉ còn có lớp trưởng và lớp phó ngủ gà, ngủ gật, chờ thầy ở ngoài phòng massage. Tưởng thế là đã trọn vẹn trách nhiệm với thầy. Ai ngờ khi thầy bước ra, lại có mấy cô nhân viên trẻ trung, xinh đẹp ra bảo trả tiền "bo" cho thầy. Lớp trưởng, lớp phó nhìn nhau vì tiền đưa thầy đi chơi đã cạn rồi. Nhưng không còn cách nào khác là phải bỏ thêm tiền túi cá nhân lớp trưởng, lớp phó ra để mà "bo" giúp thầy. Lòng ngậm ngùi vì nỗi…thầy chơi sang quá!

Tôi hỏi lại các em SV rằng, tại sao nhà trường đã thực hiện chủ trương lấy ý kiến phản hồi của người học của Bộ mà SV lại không phản ánh sự việc bất bình ra trình bày với lãnh đạo khoa của trường, thì các em bảo, sợ phản ánh sẽ bị thầy trù dập, không cho đủ điểm thi hết môn, hơn nữa nghe đâu thầy S lại có quan hệ "dây mơ, rễ má" gì đấy với một cán bộ của khoa. Sự thật này với tôi thật sự đột ngột ! Có người còn chỉ cho tôi tâm sự não nùng của một SV trên Facebook: " Ở khoa của chúng tôi, các thầy cô giáo, kể cả một vài GV được mời thỉnh giảng cũng rất giản dị, gần gũi với SV, thương SV lắm. Nên chúng đâu có ngờ người có học hàm, học vị đầy mình như giáo sư S lại " bắt chẹt" sinh viên đến thế".

Đã từng được may mắn tiếp cận với nhiều cán bộ, giảng viên rất đáng kính, chuẩn mực từ tác phong, lối sống tới năng lực giảng dạy, chính tôi cũng khó ngờ kiểu giáo viên như Phó giáo sư S vẫn còn tồn tại nơi giảng đường đại học. Mong sao qua mẩu chuyện này, nỗi niềm khó nói của SV khoa báo chí kể trên đến được với tất cả, trong đó có Phó giáo sư S…

(Theo Hồng Châm/ Giáo Dục Thời Đại)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/98395/ngam-ngui-vi-thay---sang-qua-.html

Quyết liệt thực hiện đổi mới, nâng chất giáo dục

Posted: 26 Nov 2012 02:34 PM PST

(GDTĐ) – Chiều 26-11, tại TP Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận, Hội nghị giao ban vùng thi đua số 5-lần thứ nhất năm học 2012-2013 đã chính thức diễn ra. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, GS, TSKH Bùi Văn Ga đã dự và chỉ đạo hội nghị.

7 lãnh đạo Sở vùng thi đua số 5 ký kết thi đua vùng
7 lãnh đạo Sở vùng thi đua số 5 ký kết thi đua vùng

Thẳng thắn nhìn vào khó khăn:

" Chúng ta ngồi đây là để cùng nhau nhìn nhận những vấn đề thực tế trong việc thực hiện nhiệm vụ năm học mà các địa phương khu vực  Đông Nam Bộ đang phải đối mặt. Vì vậy, tôi mong các đồng chí thẳng thẳn cùng nhau thảo luận, chỉ ra những khó khăn để cùng nhau tháo gỡ"-Thứ trưởng yêu cầu và mang một thông điệp rất thẳng thắn đến hội nghị giao ban vùng. Thay mặt vùng, đồng chí Nguyễn Hồng Liêu-giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Thuận đã báo cáo tổng kết nhiệm vụ năm học của vùng thi đua số 5 với Thứ trưởng.

Ông Mai Hữu Cường, phó giám đốc sở GD tỉnh Bình Thuận phát biểu, kiến nghị
Ông Mai Hữu Cường, phó giám đốc sở GD tỉnh Bình Thuận phát biểu, kiến nghị

Theo đó, nổi bật và đáng chú ý nhất nửa đầu năm học 2012-2013 của khu vực Đông Nam Bộ chính là công tác huy động trẻ ra lớp và kéo giảm tỉ lệ nghỉ bỏ học của khu vực ngày càng giảm theo hướng bền vững, với tỉ lệ giảm bình quân từ 0,13 đến 0,3%. Công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc xiết công tác kiểm định được đã có những chuyển biến rõ rệt khi hiệu quả đào tạo ngày càng cao. Tuy nhiên, theo trưởng vùng thi đua số 5, khó khăn chung của toàn vùng vẫn tập trung nhiều vào 4 nhóm vấn đề chính: Đó là việc thực hiện và hoàn thành công tác phổ cập MN 5 tuổi(kinh phí và đội ngũ). Công tác thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho cán bộ Sở, phòng (bất cập trong đãi ngộ). Sự thiếu hụt đội ngũ GV (xét theo định biên) dạy tiếng Anh, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý học sinh nội trú, thư viện trường(chưa có biên chế). Công tác kiện toàn cơ sở vật chất, kết thúc đề án kiên cố hóa trường lớp một số địa phương vẫn chưa kịp tiến độ, khiến việc quá tải và thiếu trường lớp vẫn còn (giải ngân chậm, thiếu kinh phí).

Đồng chí Nguyễn Thanh Giang-giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng: Việc thực hiện đề án nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh của Chính Phủ là rất đúng đắn. Nhưng nếu không giải quyết bài toán nhân sự, định biên tăng thêm cho các trường thì rất khó để hoàn thành. Đặc biệt, công tác nâng cao chất lượng đội ngũ CB quản lý, công tác nâng cao chất lượng giáo dục mà không đi kèm với chế độ phù hợp sẽ rất khó tạo sự chuyển biến.

Đồng quan điểm, ông Trần Hiếu-phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương thẳng thắn: Chế độ chính sách của ngành giáo dục nói một cách chính xác là còn khá nhiều bất cập. Các chính sách, chế độ đãi ngộ cho GV, đội ngũ CB quản lý, chuyển ngạch công tác còn quá chồng chéo, chưa sát với thực tế. " Tôi thấy việc thực hiện chế độ thâm niên cho nhà giáo là rất tốt, nhưng cần phải làm một cách linh hoạt hơn. Không nên đặt nặng vấn đề chi trả bao nhiêu tiền cho GV theo kiểu mua đứt-bán đoạn. Bởi nếu thực hiện theo cách đó không chỉ ý nghĩa nhạt phai, kinh phí Chính phủ không đáp ứng kịp, dẫn đến chậm trễ và bị động. Riêng việc từ GV dạy giỏi được điều lên Phòng, Sở làm công tác quản lý rồi mất rất nhiều quyền lợi, khiến người giỏi không mặn mà, Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu lại để tháo khó cho các địa phương"-ông Hiếu nói.

Trong hàng loạt các vấn đề nổi bật của vùng đầu năm học 2012-2013, có lẽ  vấn đề trao quyền tự chủ cho trưởng phòng GD (được quyền bổ nhiệm hiệu trưởng theo NĐ 115 của Chính Phủ) nhưng lại bị "đá" bởi chính thông tư hướng dẫn của Bộ, hay vấn đề các trường phải thực hiện quá nhiều các hoạt động, tham gia các cuộc thi, phong trào khiến cho ảnh hưởng công tác dạy và học của học sinh, tốn kém kinh phí của nhà trường (ý kiến của Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai). Rồi chuyện các chương trình mục tiêu quốc gia cần ưu tiên kinh phí nhiều hơn cho các tỉnh nghèo…là những vấn đề thu hút ý kiến của khá nhiều đại biểu.

Để tìm cách tháo gỡ: 

Ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng vụ KH-TC Bộ GD trả lời các kiến nghị
Ông Nguyễn Văn Áng, Phó vụ trưởng vụ KH-TC Bộ GD trả lời các kiến nghị

Khó khăn từ những vấn đề nêu trên của khu vực vùng thi đua số 5 đều là những vấn đề không mới. Tuy nhiên, để tìm được nút thắt, tháo gỡ cho các địa phương thì đến bây giờ Bộ GD vẫn đang hết sức cố gắng. Ông Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng vụ KH-TC Bộ GD-ĐT tâm tư: Việc đưa ra chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo không gì khác ngoài mục đích cải thiện, hỗ trợ hơn cho đời sống GV của Bộ GD. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế khó khăn, nguồn ngân sách của Chính Phủ đang hạn hẹp thì ưu tiên trước mắt là thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho các nhà giáo đang làm công tác đứng lớp. Mong các đồng chí và thầy cô thông cảm với Bộ. Về những bất cập trong việc thực hiện phụ cấp thâm niên với cán bộ lãnh đạo phòng và Sở, Bộ sẽ nghiên cứu.

Về kiến nghị thay đổi định mức biên chế GV tiếng Anh, cũng như thay đổi phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng (cần có bộ chuẩn đánh giá chung). Ban hành định mức biên chế sự nghiệp trong các trung tâm GDTX hay việc cần phải ban hành chủ trương kiên cố hóa trường lớp riêng cho bậc MN để việc kiện toàn trường lớp, GV bậc học MN bớt căng thẳng của các đại biểu tỉnh Tây Ninh và Ninh Thuận…Bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng vụ giáo dục Tiểu học đã đồng tình và ghi nhận. " Đây là vấn đề và một bất cập lớn khi chúng ta triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ. Nguồn GV và định biên GV hiện nay là không ổn, chúng tôi tiếp thu những kiến nghị này để tham mưu lãnh đạo Bộ có những thay đổi trong việc thực hiện thông tư 35. Tuy nhiên, điều này cần phải có thời gian và lộ trình".

Ông Phạm Hùng Anh, Phó cục trưởng cụ cơ sở vật chất Bộ GD-ĐT cho biết: Với mức ngân sách dành cho giáo dục không ngừng tăng qua mỗi năm cho thấy sự quan tâm của Chính Phủ cho giáo dục là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế nguồn ngân sách chi cho chương trình kiên cố hóa trường lớp sẽ giảm dần từ năm 2013 vì sắp kết thúc. Với các tỉnh có nguồn kinh phí xã hội hóa lớn (Bình Thuận) được sự ủng hộ mạnh của địa phương (Bình Dương) thì nên tiếp tục phát huy. Bộ vẫn sẽ tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về công tác kiện toàn cơ sở vật chất, trường lớp cho các địa phương trong vùng. Nhưng các địa phương cũng cần đầu tư hợp lý, tránh đầu tư dàn trải gây thất thoát, lãng phí. " Đề án trang thiết bị dạy học tiếng Anh cho các trường thời gian qua ít nhiều cho thấy sự lãng phí ấy. Nhiều nơi đầu tư trang thiết bị hiện đại, giáo trình tiên tiên nhưng lại chưa thật sự phù hợp với điều kiện và năng lực của đội ngũ GV nơi đó, gây ra sự đầu tư thiếu hiệu quả. Vì vậy, mong các địa phương có kế hoạch, lộ trình chi tiết, hiệu quả"-ông chia sẻ.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo, kết thúc hội nghị
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chỉ đạo, kết thúc hội nghị

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đặc biệt ghi nhận nỗ lực không ngừng của một vài địa phương như Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương trong việc vượt qua khó khăn để quyết liệt hoàn thành những mục tiêu và chiến lược phát triển giáo dục của địa phương nói riêng, toàn vùng nói chung. Thứ trưởng cũng ghi nhận những kiến nghị và cho biết Bộ GD sẽ nghiên cứu để giảm bớt các cuộc thi trên tinh thần hạn chế gây ảnh hưởng tới học sinh và nhà trường.

Đặc biệt, Thứ trưởng chỉ đạo: Các địa phương trong cụm thi đua số 5 cần phải quyết liệt thực hiện chiến lược, chính sách phát triển giáo dục sao cho thật phù hợp với tình hình địa phương. Lãnh đạo Sở GD-ĐT các tỉnh cần phải thường xuyên tham mưu cho UBND tỉnh về các chính sách, việc phân cấp trong quản lý cũng như đầu tư có lộ trình vào các mục tiêu trọng điểm của ngành. Trong đó, Thứ trưởng lưu ý các địa phương cần thực hiện nghiêm túc chiến lược, công tác quyết liệt trong đổi mới giáo dục của Đảng, Chính Phủ và mục tiêu của Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ XI vừa qua. Song song đó là không ngừng đổi mới công tác kiểm định chất lượng, đổi mới phương pháp dạy học để công tác đào tạo hiệu quả hơn.

Các đại biểu tại hội nghị
Các đại biểu tại hội nghị

Anh Tú

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Quyet-liet-thuc-hien-doi-moi-nang-chat-giao-duc-1965193/

Cô giáo Đặng Anh Đào của tôi

Posted: 26 Nov 2012 02:34 PM PST

Cô giáo Đặng Anh Đào của tôiHoàn toàn ngẫu nhiên tôi được cô nhận làm người hướng dẫn thạc sĩ và tiến sĩ. Năm 1991, từ Huế, tôi ra Hà Nội ôn thi cao học hệ thạc sĩ, một trong những chuyên gia dạy tôi lúc đó là cô giáo Đặng Anh Đào. Không ngờ, kể từ đó, mối duyên cô trò kéo dài mãi đến tận bây giờ; và cảm xúc của tôi trước cô bao giờ cũng là một cậu trò nhỏ, lạc lõng trước bao xô bồ chốn thị thành.

Xuất thân trong một gia đình quyền quý, được hưởng một nền giáo dục căn bản và tiến bộ, nhưng PGS.TS. Đặng Anh Đào lại luôn là người giản dị, giản dị đến mức mà không giới thiệu tên cô, nếu người đối diện chưa từng gặp thì sẽ không thể hình dung đấy là một học giả uy tín hàng đầu Việt Nam.

Cô vốn ít lời, rất ghét những kẻ ba hoa chích chòe. Đặc biệt là luôn dị ứng với kẻ xấu và đạo đức giả. Là học trò, tôi nghiệm ra không ít lần cô bị những kẻ xấu chơi xỏ vì sự hồn nhiên, tin người của cô. Về sau, nếu nhận ra chân tướng của họ thì cô chỉ nói, "tay đó xấu lắm". Cô không có tính nói xấu người khác. Nhận định về ai thì cũng chỉ nhân chuyện gì đó đá qua đôi câu chứ không hề có chủ định xem đó là đề tài chính cho một cuộc nói chuyện. Suốt hai năm làm cao học, tôi chỉ được tiếp xúc với cô vài lần, mỗi lần không quá 5 phút. Những gì cần, tôi phải viết ra, cô đọc, chữa thật kĩ, thậm chí còn viết nhận xét bên lề để học trò biết được tại sao sai và cách chữa. Phải nói cách làm việc của cô nghiêm túc vô cùng. Trong nghiên cứu, cô luôn khuyến khích sáng tạo. Suốt một đời lao động khoa học, cô chỉ viết riêng dăm ba cuốn sách, nhưng đấy là những tài liệu vô cùng quý giá cho mọi thế hệ học sinh.

Trong đời học tập và nghiên cứu của mình, tôi hiếm gặp người có nhân cách như cô. Cô sống hồn nhiên trong quan hệ với mọi người, không bon chen, ganh đua vật chất hay đố kị mảy may với đời. Cô yêu lao động và lấy đó làm niềm vui của đời mình…

Các con cô rất thành đạt, hiếu thảo và giàu có, nhưng cô vẫn giữ nếp sống đạm bạc của một nhà giáo. Vốn là người mắc bệnh tim nặng và thường xuyên mất ngủ, nhưng cô vẫn cứ lạc quan yêu đời. Bệnh tật đối với cô như là phần tất yếu của cuộc sống. Lương hưu tháng 5 triệu đồng, không đủ tiền sống và uống thuốc, cô lại dịch, viết sách, báo để tăng thu nhập. Tuổi già, cường độ làm việc của cô suy giảm nhưng niềm đam mê vẫn như xưa. Các bản dịch của cô về lí luận, về văn học nói chung vẫn thường xuyên được đăng trên các báo.

Cô mang một tâm hồn nghệ sĩ. Cô viết truyện ngắn, viết hồi kí. Cuốn hồi kí Tầm xuân của cô có thể được xem là một trong những cuốn hồi kí hay nhất ở Việt Nam từng được viết ra. Không biết bằng cách nào mà cô có thể dung hòa được hai phẩm chất vốn được xem là trái ngược nhau: sự nghiêm túc, cẩn trọng, chính xác của nhà nghiên cứu và sự lãng mạn, phá cách của một nghệ sĩ. Nhưng chính nhờ hai tố chất này mà cô có được nhiều trang viết xuất thần, hiếm người theo kịp. Cô dạy nhiều học trò, từ bậc trung học phổ thông đến đại học. Học trò cô nhiều người thành đạt và luôn nhớ về cô, nhạc sĩ Trần Tiến là một trong số đó. Đến nay cô chỉ hướng dẫn bốn nghiên cứu sinh. Tất cả đều là giảng viên đại học.

Chỉ vài tháng nữa là cô bước sang tuổi tám mươi. Vẫn bị bệnh tim đe dọa, lại vừa ngã sái khớp tay, người gầy đi rất nhiều, nhưng cách nói chuyện của cô vẫn như cũ, vừa nghiêm nghị vừa pha chút hài hước, vừa lịch thiệp kiểu Pháp, vừa uyên áo đồ Nho, vẫn là người cũ nhưng cố cập thời bằng trái tim nhân hậu, bất khuất trước bao niềm vui nỗi buồn đang diễn ra hằng ngày.

Mấy tháng trước, cô vừa đi Pháp về. Bên đó, người ta mời cô dự Hội nghị về văn học. Vài tuần trước cô vừa đi Sài Gòn về,… những chuyến bay ngang dọc bầu trời của cô quả là phi phàm. Thử tưởng tượng, một người đã tám mươi tuổi, nhỏ bé lại có thể đi lại ngần ấy dặm trường? Cuộc đời cô, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng là những chuyến đi.

Cô vẫn thường hay nói chuyện thế cuộc, nhưng theo cách chẳng mấy giống ai. Khi cái cây cổ thụ ngoài đường kề nhà cô bị chèn đến chết và bị đốn hạ, cô thắc mắc "Tại sao con người ta cần đất hơn là cây xanh, nếu không có cây xanh thì cuộc sống con người phỏng có gì là tốt đẹp nào?". Những câu hỏi cô đặt ra cho chúng tôi trong những lần nói chuyện tầm phào hiếm hoi, dường như là sự tự trải nghiệm, tự nói với chính mình của một tâm hồn trải qua tám mươi năm cuộc đời. Quả thực, trước lúc cô nói, chúng tôi rất ít khi chú ý đến những chuyện được xem là vặt vãnh xung quanh, những chuyện chất chứa bao hồn cốt cuộc đời.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/co-giao-dang-anh-dao-cua-toi-667206.htm

Comments