Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo

Posted: 23 Nov 2012 02:59 PM PST

(GDTĐ)-Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học đã được thực hiện một cách quyết liệt, thậm chí, nhiều việc được triển khai sớm trước thời điểm ban hành Chỉ thị, đó là đánh giá của đoàn công tác của Bộ GDĐT do Thứ trưởng Trần Quang Quý làm trưởng đoàn trong buổi làm việc với Trường ĐH Giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg chiều nay (23/11).

Bộ GDĐT kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 296 tại ĐH Giao thông vận tải. Ảnh: gdtd.vn
Bộ GDĐT kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị 296 tại ĐH Giao thông vận tải. Ảnh: gdtd.vn

Báo cáo tại buổi làm việc, PGS.TS.Trần Đắc Sử – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngay sau khi Chỉ thị 296/CT-TTg, Nghị quyết 05/NQ-BCSĐ của Ban Cán sự Đảng và Chương trình hành động của Bộ GDĐT được ban hành, Trường ĐH Giao thông vận tải đã nghiêm túc triển khai nội dung các văn bản nêu trên bằng hàng loạt các hoạt động. Từ năm học 2010- 2011, các nội dung của Chỉ thị 296, Chương trình hành động của Bộ và của nhà trường được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ trọng tâm của từng năm học. Theo đó, năm học 2010-2011 tập trung xây dựng và ban hành các văn bản liên quan đến công tác quản lý trên  mọi mặt hoạt động của trường. Năm học 2011-2012, triển khai các giải pháp đổi mới trên các mặt hoạt động: tổ chức cán bộ, đào tạo, khoa học – công nghệ, tài chính, cơ sở vật chất, công tác sinh viên, an ninh trật tự, đối ngoại.

Riêng với năm học 2012-2013 này, trường sẽ tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo với 4 nhóm giải pháp: tiếp tục rà soát chương trình đào tạo; đổi mới công tác tổ chức giảng dạy; tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng cơ chế tài chính.

PGS.TS.Trần Đắc Sử cho biết, Trường ĐH Giao thông vận tải đã xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra. Chiến lược phát triển nhà trường thường xuyên được rà soát, chỉnh sửa, bổ sung. Bên cạnh đó, nhà trường cũng làm tốt công tác xây dựng cam kết đảm bảo chất lượng đào tạo và hợp tác với doanh nghiệp; quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên; tiếp tục đổi mới công tác quản lý NCKH, đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy…

Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn
Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: gdtd.vn

Đạt được những kết quả như trên là do có sự chỉ đạo thống nhất và đồng bộ của Chính phủ, Bộ GDĐT, các cấp, các ngành, sự đồng thuận của xã hội cũng như nhận thức của cán bộ, giáo viên, công nhân viên về sự cần thiết phải đổi mới. Ngoài ra còn do một số công việc theo Chương trình hành động của Bộ đã sớm được nhà trường thực hiện từ thời gian trước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đó, PGS.TS.Trần Đắc Sử cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị 296 còn gặp một số khó khăn, rào cản. Trước hết là việc đáp ứng nhu cầu học tập của sinh viên với đảm bảo cân đối ngành nghề đào tạo và nâng cao chất lượng còn nhiều mâu thuẫn. Các đơn vị sử dụng lao động chưa quan tâm nhiều đến chất lượng thực sự của kỹ sư mà mới chỉ quan tâm đến bằng cấp dẫn tới việc nâng cao chất lượng đào tạo có khó khăn. Nguồn lực cho việc đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Chế độ chính sách đối với nhà giáo còn bất cập, đời sống của nhà giáo còn nhiều khó khăn. Cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học dù đã được triển khai nhưng còn có những vướng mắc. Tính chủ động, sáng tạo của sinh viên còn rất hạn chế.

PGS.TS.Trần Đắc Sử kiến nghị nhà nước và Bộ GDĐT tiếp tục nghiên cứu để có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với nhà giáo; có cơ chế để cơ quan, doanh nghiệp có trách nhiệm với các nhà trường khi sử dụng lao động do trường đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường ĐH, tiếp tục việc phân cấp cho các trường; thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao hơn nữa đối với các trường đi đôi với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, hạn chế các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh trong đào tạo.

Tại buổi làm việc, Trường ĐH Giao thông vận tải cũng giải đáp hàng loạt các vấn đề theo yêu cầu từ đoàn kiểm tra như: Công tác học sinh sinh viên, xây dựng chuẩn đầu ra, khoa học công nghệ, giáo trình, công tác xây dựng đội ngũ, cơ sở vật chất, kiểm định chất lượng GD; công tác đảm bảo chất lượng; tuyển sinh, đào tạo theo học chế tín chỉ…

Trường ĐH Giao thông vận tải, một trong những điển hình trong thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH. Ảnh: gdtd.vn
Trường ĐH Giao thông vận tải, một trong những điển hình trong thực hiện đổi mới quản lý giáo dục ĐH. Ảnh: gdtd.vn

Đánh giá cao những kết quả của Trường ĐH Giao thông vận tải triển khai Chỉ thị 296 và chia sẻ một số khó khăn với nhà trường, Thứ trưởng Trần Quang Quý đề nghị, trong thời gian tới, những hoạt động của nhà trường cần bám sát Luật Giáo dục ĐH, Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 và kết luận về phát triển giáo dục của Hội nghị Trung ương 6. Về quản lý nhà trường, làm sao để bộ máy hoạt động đơn giản nhưng hiệu quả; tiếp tục rà soát lại chiến lược phát triển nhà trường; gắn chặt đào tạo với NCKH và với doanh nghiệp; tập trung nâng cao chất lượng; tăng cường bồi dưỡng đội ngũ…

Thứ trưởng cũng đề nghị Trường ĐH Giao thông vận tải tăng cường hơn nữa tự chủ cho các đơn vị cũng như từng giảng viên, cán bộ, nhân viên để đội ngũ này có thể phát huy hết năng lực, tuy nhiên, việc thực hiện phân cấp cần đi kèm với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/Tap-trung-trien-khai-cac-giai-phap-nang-cao-chat-luong-dao-tao-1965127/

Quyết tâm nâng cao chất lượng GD-ĐT

Posted: 23 Nov 2012 02:58 PM PST

(GDTĐ) – Sáng ngày 23/11, tại tỉnh Bắc Giang, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì Hội nghị giao ban lần thứ nhất các tỉnh thi đua Vùng I, năm học 2012-2013. Đến dự còn có các đồng chí lãnh đạo đại diện các Vụ, Cục chức năng Bộ GD-ĐT; Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh và lãnh đạo 15 Sở GD-ĐT các tỉnh miền núi phía Bắc.

Là đại diện trưởng vùng, Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Thọ Lê Xuân trường báo cáo: Các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh vùng cao biên giới đời sống của đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, địa bàn rộng, dân cư thưa thớt, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, song hệ thống mạng lưới trường lớp và quy mô HS tiếp tục được duy trì, củng cố và phát triển từ MN đến các cơ sở GD chuyên nghiệp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong vùng. Năm học này, toàn vùng  có 9.388 trường học các cấp với tổng số hơn 2 triệu HS. Số trường MN và Tiểu học tăng mạnh với hơn 100 trường.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu chỉ đạo

Chuẩn bị cho năm học mới, toàn vùng xây mới được gần 5000 phòng học, sửa chữa được 6.217 phòng học. Số phòng học bộ môn, thư viện, phòng thí nghiệm đạt chuẩn đã, đang được các tỉnh xây dựng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Tuy nhiên, ở một số tỉnh, trên địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiếu phòng học.

Để tăng cường nguồn lực xây dựng CSVC cho GD, các tỉnh miền núi đã tích cực tham mưu, phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh, tăng cường nguồn vốn đầu tư từ ngân sách; kêu gọi XHH, đẩy nhanh tiến độ KCH trường, lớp và nhà công vụ GV.

15 tỉnh ký giao ước thi đua
15 tỉnh ký giao ước thi đua

 

Bên cạnh việc giải quyết tốt các chế độ chính sách, nâng cao chất lượng đội ngũ cũng được các Sở chú trọng như bồi dưỡng hè, đào tạo và đào tạo lại đối với GV yếu, nâng chuẩn cho GV dưới chuẩn. Đồng thời tổ chức rà soát, đánh giá chất lượng Gv, đổi mới phương thức tuyển dụng, ưu tiên tuyển GV người dân tộc thiểu số…vv.

Hiện nay, toàn vùng có 2.661/9.388 trường đạt chuẩn. Trong đó, một số tỉnh có tỉ lệ trường chuẩn cao như Bắc Giang 65%, Thái Nguyên gần 61%, Quảng Ninh 48,9%, đơn vị trưởng Vùng I là Phú Thọ đạt gần 45%. Tuy nhiên, ở khối THPT, toàn vùng mới chỉ có 75 trường đạt chuẩn. Trong khí đó, Bắc Kạn, Hà Giang và Lai Châu chưa hề có trường THPT chuẩn quốc gia.

 

Đồng chí Nguyễn văn Linh tặng hoa các NGƯT tham dự Hội nghị
Đồng chí Nguyễn văn Linh tặng hoa các NGƯT tham dự Hội nghị

Năm học 2012-2013 do các tỉnh thực hiện nhiều gải pháp quyết liệt nên đã duy trì được tỉ lệ HS chuyên cần, vận động HS ra lớp, HS bỏ học giảm. Bởi số HS bỏ học sau hè và đầu năm học của 15 tỉnh trong vùng là gần 7000 em, chiếm 0,32%.

Đặc biệt, đây là Vùng khó khăn nhưng nhiều địa phương có cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả GD cao. Như Sở GD-ĐT Quảng Ninh đã tham mưu với UBND tỉnh quyết định cho 90 GV tiếng Anh đi học 3 tháng và 2 chuyên viên học 6 tháng tại Trường ĐH Segi- Malaysia. Hay Thái Nguyên ký hợp đồng với ĐH Thái Nguyên bồi dưỡng cho 163 GV tiếng Anh trong thời gian 6 tháng với kinh phí hơn 1 tỉ đồng…vv. Hoặc Lào Cai triển khai rất thành công chương trình GD mới dành cho các lớp thí điểm HS Tiểu học.

Tiêu biểu như đơn vị Lai Châu, nhằm nâng cao chất lượng GD, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường có điều kiện đảm bảo CSVC sẽ thực hiện phương án chuyển HS thuộc các điểm lẻ khối 3-4-5 về học ở trường trung tâm. Để HS có chế độ bán trú, trực tiếp các nhà trường tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc HS. Đây là cách làm hay, góp phần nâng cao chất lượng HS vùng khó, vừa giảm được số biên chế GV của trường, chất lượng GD đi lên rõ rệt.

Các đại biểu tham dự
Các đại biểu tham dự

Nhưng tại cuộc họp giao ban vùng lần này, một số đại diện các Sở đã đưa ra những khó khăn với mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ. Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang và Thái Nguyên nêu ra khó khăn của tỉnh khi không có biên chế dành cho cô nuôi đối với bậc học MN mà chủ yếu các trường đi thuê. Do đó, mong muốn Bộ có hướng dẫn, có định mức biên chế cô nuôi

Đặc thù là tỉnh miền núi, HS đi lại khó khăn, trường học xa nhà, nhất là với HS THPT. Nhu cầu trọ học cao nhưng Nhà nước chỉ có chính sách hỗ trợ cho HS bán trú Tiểu học và THCS, vì vậy, các đại biểu trong vùng có mong muốn có nguồn hỗ trợ cho HS THPT, giúp các em tốt nghiệp THCS có điều kiện học lên cao mà không phải bỏ học để đi làm. Sở GD-ĐT Cao Bằng kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục quan tâm cấp kinh phí xây dựng các TT GDTX; tăng kinh phí để tỉnh tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà công vụ, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỉnh Sơn la lại mong muốn tăng chỉ tiêu biên chế GVMN bởi để tăng tỉ lệ huy động, dự kiến mỗi năm riêng tỉnh này cần từ 300-350 GV cho các huyện…vv.

 

Các đại biểu tham dự
Tiết mục văn nghệ chào mừng của Gv Bắc Giang 

Sau khi đại diện một số Vụ, Cục chức năng giải đáp những thắc mắc của các Sở, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Vùng I là vùng khó khăn nhất, kinh tế nghèo khó nhất, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Thời gian qua Vùng I giải quyết tương đối tốt những bất cập, thực hiện các nhiệm vụ năm học của ngành đề ra. Trong thời gian tới các tỉnh cần tiếp tục  đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; triển khai sáng tạo và hiệu quả phong trào xây dựng Trường học thân thiện, HS tích cực và cuộc vận động Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo.

Bên cạnh đó, tiếp tục chăm lo đội ngũ GV, việc bồi dưỡng GV Ngoại ngữ, cần ưu tiên GV đi bồi dưỡng chương trình dạy học mới, GV dạy phải đạt trình độ yêu cầu tương đương B1, B2, C1; tăng cường CSVC, giải quyết cơ bản phòng học tạm; Thực hiện phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi; Tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, phát triển hệ thống trường PTDT nội trú, bán trú. Đặc biệt, cần nhân rộng các điển hình tiên tiến, giúp các sở học tập lẫn nhau những thế mạnh của các địa phương…vv.

Việt Hoa

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Quyet-tam-nang-cao-chat-luong-GDDT-1965128/

Thầy cô giáo góp gạo nuôi học sinh H’re

Posted: 23 Nov 2012 02:58 PM PST

Vừa trò chuyện với PV Dân trí về hoàn cảnh của 13 học sinh bán trú, thầy Trần Duy Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba vừa chỉ về ngọn núi bên kia sông, cho biết: "Từ nhà đến trường học, các em phải đi bộ hơn 4 giờ đồng hồ, nếu vừa đi và về thì mất hơn 8 giờ đồng hồ thì không có thời gian để nghỉ ngơi hay ôn bài, ngày nào cũng đi như vậy, sức nào chịu cho thấu".

Với lòng nhiệt huyết của một nhà giáo trẻ, thầy Trần Duy Hùng quyết tâm nuôi dưỡng 13 học sinh bám trụ tại trường, trong đó có 8 em học lớp 7 và 5 em học lớp 8. Nguồn kinh phí nuôi các em được vận động bằng nhiều nguồn hỗ trợ của xã hội và từ đồng lương ít ỏi của giáo viên trong trường.


Học sinh bán trú chăm chỉ học tập.

Tan giờ học buổi sáng trên lớp, em Đinh Thị Về – học sinh bán trú tranh thủ nhóm lửa nấu ăn và hướng dẫn các em lớp dưới học bài, tâm sự: "Nhà em ở tận trên đồi núi, khi chưa ở lại trường, em phải đi học từ lúc 2 giờ sáng mới kịp giờ học. Giờ thì em lên lớp rất gần, còn có nhiều thời gian học bài cũ, tìm hiểu nội dung bài mới và kết quả học tập có tiến bộ hơn".


Học sinh bán trú chăm chỉ học tập.

Các học sinh ở bán trú đa phần là con em cùng thôn Gò Da, có khi là bà con với nhau nên khi ở chung, em lớn đùm bọc và dạy bảo em nhỏ hơn. Đến mùa mưa lũ, đường đồi núi đầy bùn lầy, dòng nước sông Re chảy xiết nên các em không dám về nhà.


Tranh thủ nồi cơm đang chín, chị lớn kiểm tra bài cũ các em.

"Vừa dạy bảo các em, các thầy cô giáo ở trường vừa đóng vai trò là cha, mẹ và anh chị, được cái các em ngoan, hiền và lễ phép nên chúng tôi cũng vui lòng. Không chỉ vậy, nhà trường thường xuyên "đi xin" hỗ trợ ở khắp nơi, cầu mong các nhà hảo tâm hỗ trợ gạo ăn và thực phẩm là chúng tôi vui rồi. Những lúc hết lương thực, giáo viên cùng nhau góp tiền mua gạo, thức ăn cho các em bám trụ qua ngày, rồi lại tiếp tục chạy đi xin", thầy Hùng tâm sự.

13 học sinh ở bán trú được nhà trường nuôi dưỡng suốt 2 năm qua, trong khi chưa được hưởng bất kỳ nguồn chính sách nào hỗ trợ học sinh bán trú theo Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư Liên tịch số 65 ngày 22/12/2011 giữa 3 Bộ (GDĐT, Tài chính và Kế hoạchĐầu tư) và Quyết định 84/QĐ-UBND ngày 28/5/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi.

Theo đó, ngoài nhà ở trong khu bán trú của nhà trường, học sinh được hỗ trợ tiền ăn bằng 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh, ước tính mỗi học sinh trường THCS Sơn Ba được hỗ trợ 3.780.000 đồng/9 tháng

Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba cho biết: "Vừa rồi ngành giáo dục yêu cầu nhà trường tổng hợp danh sách học sinh bán trú, số tiền hỗ trợ. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được gì cho các em theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ và 84 của UBND tỉnh".

Trong khi chờ đợi chính sách đến với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như xã Sơn Ba, 21 thầy cô giáo ở Trường THCS Sơn Ba tiếp tục hành trình vận động các tấm lòng hảo tâm để giúp học sinh nuôi chữ giữa đại ngàn, nơi con sông Re chia đôi con chữ và đời sống người H're.

Hồng Long

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/thay-co-giao-gop-gao-nuoi-hoc-sinh-hre-665971.htm

Comments