Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Không đăng tải thông tin TS những trường không nghiêm túc báo cáo

Posted: 14 Nov 2012 04:34 PM PST

(GDTĐ)-Để có cơ sở tổng kết và đánh giá công tác tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2012 và chuẩn bị kế hoạch công tác tuyển sinh năm 2013, Bộ GDĐT đề nghị các Bộ, ngành, các sở GDĐT báo cáo về Bộ kết quả công tác tuyển sinh TCCN năm 2012 của tất cả các trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành hoặc địa phương.

Trong báo cáo, đề nghị các Bộ, ngành, sở GDĐT nêu rõ tổng chỉ tiêu thực tế được thông báo, số lượng thí sinh trúng tuyển, số lượng thí sinh nhập học của từng trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành hoặc địa phương; số liệu thống kê trong báo cáo phải chính xác và điền đầy đủ nội dung các ô theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng đề nghị các Bộ, ngành, sở GDĐT phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chỉ đạo, triển khai công tác tuyển sinh TCCN và đề xuất, kiến nghị với Bộ GDĐT về Quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn công tác tuyển sinh TCCN.

Về dự kiến kế hoạch tuyển sinh TCCN năm 2013, đề nghị các Bộ, ngành, sở GDĐT chỉ dự kiến kế hoạch tuyển sinh TCCN năm 2013 của các trường đối với các ngành học đã được phê duyệt mở ngành đào tạo (tính đến thời điểm báo cáo).

Địa phương nào có sự thay đổi về khu vực tuyển sinh, về mã tỉnh (TP), quận (huyện), thị xã so với năm 2012 (tính đến thời điểm nộp báo cáo này), đề nghị sở GDĐT báo cáo kịp thời về Bộ GDĐT để điều chỉnh và đăng tải trên tài liệu "Thông tin về tuyển sinh TCCN năm 2013" và website của Bộ GDĐT. Nếu trong báo cáo của sở GDĐT không có nội dung này, Bộ GDĐT coi như địa phương đó không có sự thay đổi về khu vực tuyển sinh và mã tuyển sinh.

Bộ GDĐT cho biết sẽ không thông báo chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 và không đăng tải thông tin tuyển sinh của các trường trên tài liệu "Thông tin về tuyển sinh TCCN năm 2013" và website của Bộ GDĐT đối với những đơn vị không báo cáo về Bộ theo các quy định trên.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2801/201211/Khong-dang-tai-thong-tin-TS-nhung-truong-khong-nghiem-tuc-bao-cao-1964885/

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nói về nhiệm vụ của ngành giáo dục

Posted: 14 Nov 2012 04:34 PM PST

Nhân dịp này Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã ôn lại tinh thần "uống nước nhớ nguồn", "tôn sư trọng đạo" của người dân Việt Nam nói chung về sự nghiệp dạy người. Tinh thần này là nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, luôn được Đảng và Nhà nước vun đắp, phát triển. Truyền thống đó đã trở thành một đạo lý cao cả.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng. Ảnh XT

Ngày 20/11 hàng năm chính là ngày hội tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo, những người đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước ở mọi thời kỳ.

Phó Chủ tịch nước cho biết, đã qua bao thời kì, có những nhà  giáo âm thầm đóng  góp cho sự nghiệp giáo dục, ngày đêm cắm bản, cắm trường, bám lớp ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi, hy sinh thầm lặng, miệt mài, tận tụy nhưng vẫn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Có những nhà giáo đã gắn bó với các em câm, điếc, mò lòa, khuyết tật… giảng dạy với trẻ em bình thường đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn vất vả hơn nhiều.


40 thầy cô gáo nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân. Ảnh XT

Đánh giá về công lao của nghề giáo, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, nhiều giáo viên là tấm gương, phẩm chất đạo đức, dạy học với tất cả lòng nhiệt huyết, đó chính là cội nguồn của sức mạnh, của tinh thần đoàn kết, thống nhất làm nên vẻ vang của giáo dục Việt Nam. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng cho rằng, chính những sức mạnh, tình thần đoàn kết là động lực thúc đẩy đội ngũ nhà giáo tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi của Đảng và Nhà nước giao phó.

Theo Phó Chủ tịch nước, nghề giáo càng vinh dự, tự hào bao nhiêu thì các thầy cô giáo phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề  của sự nghiệp giáo dục trong thời kỳ mà giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu.

Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị, trong thời kì mới mỗi thầy cô giáo không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức người thầy. Ngành giáo dục tiếp tực thực hiện có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương về giáo dục đào tạo, về chiến lược giáo dục đào tạo giai đoạn 2011-2020. Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn hiện nay, xác định rõ nhiệm vụ của ngành giáo dục nói riêng và của đất nước nói chung.

Cũng trong buổi kỷ niệm 30 ngày Nhà giáo Việt Nam, 40 thầy cô giáo tiêu biểu đã được nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân và 570 Nhà giáo ưu tú. Phó Thủ tướng Chính phủ nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú, các danh hiệu trên do Chủ tịch nước trao tặng.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

 Tâm sự ứa nước mắt của cô sinh viên về quê sau trận bão

Thủ khoa ĐH Xây dựng nuôi ước mơ xây nhà cao ốc

Tôi cảm thấy có lỗi vì đã đi gia sư

Cậu bé nghèo từ cõi chết trở về, thi đỗ hai trường đại học

“Hãy nghĩ đến Ireland nếu có quyết định đi du học”

Clip hot: Sinh viên nhảy Gangnam Style đón Halloween kinh dị

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Xuân Trung

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Pho-Chu-tich-nuoc-Nguyen-Thi-Doan-noi-ve-nhiem-vu-cua-nganh-giao-duc/250022.gd

Thầy giáo làng đáng kính

Posted: 14 Nov 2012 04:34 PM PST

- Chúng tôi gọi thầy là "ông giáo
già" có dáng hình cũ kĩ. Ông sẵn lòng dạy thêm không lấy tiền nếu kiến thức chúng tôi bị hổng. Không chỉ thế, chiều đến ông đạp xe quanh làng rồi rẽ vào nhà một học sinh nào đó, ngồi nói chuyện với bố mẹ dăm ba
phút ra về….Đến khi lớn, trưởng thành – nghĩ về thầy chúng tôi lại rưng rưng nhớ “thầy giáo làng” – Trần Văn Xương.

Ảnh có tính chất minh họa (Nguồn: Tuổi Trẻ)

Trường tôi đa phần là các thầy cô giáo trẻ. Họ đều đến từ những xã lân cận, không có
ai là người trong làng. Điều đó làm cho tôi và phần lớn bạn bè cảm thấy có chút gì đó
thiếu thốn, mặc cảm. Bởi vì, tuy hầu hết các thầy cô giáo trong trường đều yêu quý
chúng tôi, nhưng không thầy cô nào hiểu hết hoàn cảnh cụ thể của từng đứa.

Có lần tôi hỏi mẹ: Tại sao làng mình không có thầy giáo nào hả mẹ? Mẹ tôi
bảo: Tại vì làng mình nghèo quá con a! Chẳng mấy người học hành đến nơi đế chốn.
Con cố gắng học sau này làm thầy giáo về mà dạy trường làng.

Những người thầy, người cô trong mắt chúng tôi đều là những con người vĩ đại, cái
gì họ cũng biết, ai gặp họ cũng trân trọng cuối chào. Tiếc là làng tôi chẳng có một
ai!

Thông tin ban đầu mà chúng tôi được biết về giáo viên mới, đó chính là "người
trong làng". Chao ôi, có lẽ không còn niềm vui nào lớn hơn niềm vui được học với một
thầy cô sinh ra từ chính mảnh đất nghèo khó quê mình. Suy nghĩ đó khiến đám trẻ làng
chúng tôi hò hét gần hết một tiết học cuối.

Chờ đợi mãi cũng đến ngày chúng tôi được đón tiếp con người "đặc biệt" đó. Sáng
thứ 2 đầu tuần, cô giáo chủ nhiệm vào lớp sớm hơn thường lệ. Cô yêu cầu cả lớp ổn
định trật tự, rồi cô lên tiếng: Hôm nay, thầy giáo mới dạy môn Toán sẽ lên lớp với
các em, thay cho thầy Hùng. Cả lớp chúng tôi đồng thanh đáp lời cô trong niềm hân
hoan vui sướng.

“Một ông già cũ kĩ…”

Tiếng trống cuối cùng báo vào lớp học vừa dứt cũng là lúc hiện diện trước mắt
chúng tôi một con người không giống như chúng tôi hình dung, mong đợi: Một thầy giáo
già! Cả lớp lặng lẽ nhìn nhau, chẳng đứa nào ho he lấy một lời.

Thầy bước vào lớp với dáng điệu khoan thai. Khi vào đến chính giữa bục giảng, thầy
đứng trang nghiêm, quay xuống lớp, lặng lẽ quan sát rồi nhẹ nhàng nói: Thầy mời cả
lớp ngồi xuống!

Chỉ trong ít phút, những đứa trẻ tinh ranh chúng tôi đã kịp "săm soi" dáng vóc của
thầy. Thầy già, già thật, già hơn hết thảy các thầy cô giáo trong trường, kể cả thầy
Hiệu trưởng. Thầy đi đôi dầy cũ, chiếc quần màu nâu, áo màu trắng, bút dắt ở bao áo.
Thầy không đeo kính như một số thầy cô trong trường. Đôi mắt rất sáng nhìn chúng tôi
hiền từ, độ lượng….

Dường như hiểu được tâm lí học trò, thầy nở nụ cười hiền rồi nói với chúng tôi:
Các trò nhìn thầy cho kĩ vào nhé! Thầy trò chúng ta sẽ gặp nhau thường ngày đấy. Thầy
xin tự giới thiệu, thầy tên là Trần Văn Xương, nhà thầy ở xóm 3, từ nay thầy sẽ dạy
các em môn Toán thay thầy Hùng.

Sau vài lời ngắn gọn, thầy yêu cầu Ban cán sự lớp giới thiệu rồi bắt đầu vào bài
giảng.

Kể từ hôm đó, chúng tôi bị cuốn hút vào những buổi học đầy hấp dẫn của "ông giáo
già" với dáng hình cũ kĩ.

Lớp chúng tôi – những đứa trẻ làng vốn ham chơi hơn ham học, kiến thức môn Toán
phần lớn đều rất lõm bõm. Chỉ qua một tuần giảng dạy, thầy đã nhận ra đứa nào học
yếu, đứa nào học khá. Thầy bắt đầu giảng chậm hơn và có khi dừng lại vài ba phút
trong buổi học để giảng lại những nội dung mà chúng tôi chưa hiểu. Học được nửa tháng
thầy "kêu gọi" chúng tôi đến nhà thầy học thêm. Đứa nào, đứa nấy đều lặng thinh trước
đề nghị của thầy.

Hình như hiểu được học trò của mình đang nghĩ gì, thấy trấn an: Các em cứ yên tâm.
Thầy dạy thêm không lấy tiền. Các em cứ đến nhà thầy lúc nào các em có thời gian.
Đừng ngại các em nhé!

Thế là từ hôm đó, lác đác có vài đứa cắp sách vở đến nhà thầy. Rồi cứ đông dần,
đông dần, đến khi chật cứng cả căn nhà ngói hai gian của thầy.

Nhưng tận tâm

Sau một tháng vào lớp dạy – thầy đã biết rõ lai lịch từng đứa. Chúng tôi không
ngạc nhiên về điều đó vì chiều chiều chúng tôi vẫn thấy thầy đạp xe đi vòng quanh
làng. Bất chợt, thầy lại rẽ vào nhà một đứa nào đó, ngồi nói chuyện với bố mẹ dăm ba
phút ra về.

Thỉnh thoảng buổi tối thầy cũng đến với chúng tôi. Có hôm, tôi đang ngồi học ở góc
nhà thì thấy thầy nhẹ nhàng đi vào. Thầy hỏi tôi có bài tập nào khó không, thầy động
viên cố gắng học tập rồi lại lặng lẽ ra về. Cứ mỗi lần như thế, tôi lại thấy như được
tiếp thêm nghị lực, quyết tâm học tập.

Ông bà, bố mẹ và những người trong làng cũng đã kể cho lũ trẻ cho chúng tôi nghe
về người thầy của mình. Qua lời kể của mọi người chúng tôi được biết lúc còn nhỏ thầy
học rất giỏi, lớn lên thầy thi vào sư phạm, rồi sau đó lên miền núi công tác. Bây giờ
về hưu, thầy chuyển về quê sống và xin dạy hợp đồng ở trường làng.

Sau một thời gian được thầy giảng dậy lớp chúng tôi học hành ngày một tiến bộ.
Thời gian thấm thoát trôi, trong mắt chúng tôi, thầy không còn là ông giáo già nua và
cũ kĩ mà đã trở thành người ông hiểu biết và hiền lành. Thầy vừa gần gũi thân thiện
lại vừa nghiêm khắc với chúng tôi như con, như cháu trong nhà.

Bây giờ chúng tôi trưởng thành, hầu hết đều đi xa quê. Mỗi lần về, dù có vướng
trăm công nghìn việc, cũng không đứa nào quên ghé vào thăm thầy. Vẫn còn đó ngôi nhà
ngói hai gian mộc mạc, duy chỉ có thầy là đã già yếu đi nhiều. Ra về, lòng đứa nào
cũng thấy rưng rưng.

  • Đặng Ngọc Khương

(Bài viết về thầy Trần Văn Xương – Giáo viên trường THCS Quảng Nhân – Xã Quảng
Nhân – huyện Quảng Xương – Thanh Hóa)

MỜI VIẾT BÀI VỀ NHỮNG THẦY CÔ ẤN TƯỢNG
Bạn đọc thân mến!
Trong cuộc sống, các bạn đã được học hành hay gặp gỡ những người
thầy, người cô có phương pháp giáo dục tốt, cách dạy dỗ đặc biệt,
truyền cảm hứng và khát vọng cho mình.
Để chia sẻ những bài học, kinh nghiệm và cảm xúc của mình về những
người thầy – người cô, mời bạn đọc tham gia viết bài cho chủ đề này.
Bài viết bằng tiếng Việt có dấu, không quá 1.200 chữ, có thông tin
đầy đủ về tác giả và nhân vật được đề cập.
Bài được chọn đăng sẽ hưởng chế độ nhuận bút của tòa soạn. Bạn đọc
gửi về theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn.
Cảm ơn các bạn!

 

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/96905/thay-giao-lang-dang-kinh.html

Phấn khởi và tự hào về lực lượng cán bộ nòng cốt trong giảng dạy và NCKH

Posted: 14 Nov 2012 04:34 PM PST

(GDTĐ)-Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã ghi nhận những cống hiến to lớn của đội ngũ các thầy, cô giáo, nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ đào tạo cho đất nước lớp lớp những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, những công dân tài ba…, đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

vcvc
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Biết bao thế hệ các thầy, cô giáo đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ, đào tạo cho đất nước lớp lớp những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, những công dân tài ba…, đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.Ảnh: gdtd.vn

Phó Chủ tịch nước khẳng định: "Uống nước nhớ nguồn", "Tôn sư trọng đạo" là nét đẹp, là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, luôn được Đảng, Nhà nước vun đắp, phát triển. Truyền thống đó đã trở thành đạo lý cao cả, thiêng liêng, đã thấm sâu vào trong nhận thức tình cảm của mỗi người. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính là ngày để mỗi người dân, mỗi học trò thể hiện đạo lý đẹp đẽ ấy.

Vì vậy, ngày 20-11 hàng năm không chỉ là ngày hội của riêng ngành Giáo dục mà là ngày hội của toàn xã hội – Ngày hội tôn vinh nghề dạy học, tôn vinh các nhà giáo, những người đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước ở mọi thời kỳ.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang".

Thấm nhuần lời dạy đó, biết bao thế hệ các thầy, cô giáo đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ, đào tạo cho đất nước lớp lớp những nhà khoa học, những nhà lãnh đạo, những công dân tài ba…, đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Có những nhà giáo ngày đêm cắm bản, cắm trường, bám lớp ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi; hy sinh thầm lặng, miệt mài, tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT. Có những nhà giáo gắn bó với các em câm điếc, mù lòa, khuyết tật,… Giảng dạy với trẻ em bình thường đã khó, với người khuyết tật thì khó khăn, vất vả hơn nhiều. Có thể nói, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, đội ngũ người thầy vẫn không ngừng lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng. Đặc biệt, trong sự nghiệp CNH-HĐH, hội nhập quốc tế hiện nay, các thầy, cô giáo đã đem hết tình cảm và trí lực để "Nâng cao dân trí- Đào tạo nhân lực- Bồi dưỡng nhân tài", đóng góp quan trọng cho sự phát triển, đi lên của đất nước.

Nhiều thầy giáo, cô giáo đã là tấm gương về phẩm chất đạo đức, tác phong và trí tuệ cho các em học sinh, sinh viên noi theo. Với tất cả tấm lòng và nhiệt huyết, hầu hết các thầy cô đã gắn bó cả cuộc đời với nghề nghiệp. Đây chính là cội nguồn của sức mạnh, của tinh thần đoàn kết, thống nhất, làm nên những thành tích vẻ vang của giáo dục đào tạo Việt Nam trong suốt mấy thế kỷ qua. Sức mạnh và tinh thần đoàn kết, thống nhất đó chính là động lực thúc đẩy đội ngũ nhà giáo tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, làm sáng danh thiên chức Nhà giáo Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước nhận định, đất nước ta những năm qua đã thu được nhiều thành tựu phát triển rất đáng tự hào trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Những thành công ấy không tự nhiên mà có, mà đó là kết quả của quá trình phấn đấu lâu dài, là sức mạnh, trí tuệ Việt Nam. Giáo dục và đào tạo nước nhà đã đóng góp quan trọng vào sự thành công đó. Đồng thời, giáo dục – đào tạo đã không ngừng phát triển cả lượng và chất, được Đảng, Nhà nước và xã hội đánh giá cao.

Đặc biệt, sau gần hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, ngành Giáo dục – đào tạo đã chủ động, sáng tạo, kế thừa những thành tựu đã đạt được trên cơ sở thực tiễn đất nước, học hỏi, chắt lọc tinh hoa thế giới để tiến hành đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; chủ động tự nhìn nhận lại để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, yếu kém, từ đó có được những đổi mới từ nhận thức đến hành động. Vai trò, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo ngày càng được khẳng định, tác động tích cực tới sự nghiệp đổi mới, phát triển của ngành, bước đầu tạo được những nhân tố mới trong giáo dục. Chất lượng giáo dục đại trà đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục "vùng trũng" được nâng lên, chất lượng giáo dục "đỉnh cao" có những khởi sắc và tiếp tục được khẳng định bằng những thành quả đáng trân trọng.

Phó Chủ tịch nước khẳng định, công lao này, ngoài sự quan tâm, chăm sóc của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội thì trước hết thuộc về đội ngũ thầy giáo, cô giáo và những người làm quản lý giáo dục. Nhìn vào đội ngũ nhà giáo hôm nay, chúng ta thực sự phấn khởi, tự hào về lực lượng cán bộ nòng cốt trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học của cả nước (với hơn 1,2 triệu nhà giáo, 528 nhà giáo nhân dân, 6.736 nhà giáo ưu tú, trên 9000 tiến sĩ, 2600 giáo sư và phó giáo sư, 36 ngàn thạc sĩ…). Các thầy, các cô đã góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục – đào tạo, tạo tiền đề để bứt phá, đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học trong các nhà trường.

Song, cũng phải nói rằng, càng vinh dự, tự hào bao nhiêu, chúng ta lại càng phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề của sự nghiệp giáo dục – đào tạo trong thời kỳ mà vai trò của giáo dục – đào tạo đã được xác định là quốc sách hàng đầu, cạnh tranh trong phát triển chính là cạnh tranh trong giáo dục – đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhất là hiện nay, ngành Giáo dục – đào tạo đang phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc mà xã hội đang đặt ra và đòi hỏi chúng ra phải suy nghĩ.

Đứng trước yêu cầu mới, bản chất nghề nghiệp đòi hỏi người thầy giáo phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức người thầy. Mỗi thầy giáo, cô giáo, mỗi cán bộ quản lý giáo dục mà trước hết là những Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú phải là một tấm gương sáng về đạo đức, về tinh thần tự học và sáng tạo, về trình độ và năng lực, về lòng yêu nghề; về sự quan tâm, yêu thương đối với thế hệ trẻ; về tinh thần tận tụy và trách nhiệm trong công việc để đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, phát triển tư duy, trí tuệ cho học sinh. Đây không những là yêu cầu mà còn là tiêu chuẩn thi đua đối với cán bộ làm công tác giáo dục trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành GDĐT tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XI của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Trung ương về GDĐT, về chiến lược phát triển GDĐT giai đoạn 2011-2020, đồng thời xuất phát từ thực tiễn hiện nay, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ của ngành và kiên trì thực hiện những nhiệm vụ quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành Giáo dục nói riêng và của đất nước nói chung. Đặc biệt, phải quan tâm, bồi dưỡng đội ngũ thầy, cô giáo để đội ngũ này xứng đáng với niềm tự hào, sự trân trọng của toàn xã hội.

Hiếu Nguyễn (ghi) 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/Phan-khoi-va-tu-hao-ve-luc-luong-can-bo-nong-cot-trong-giang-day-va-NCKH-1964882/

Comments