Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Nữ sinh tiết lộ bí quyết đạt 118/120 TOEFL iBT

Posted: 20 Nov 2012 11:12 PM PST

– Đạt mức điểm gần như tuyệt đối trong đợt thi TOEFL iBT diễn ra cuối tháng 10 vừa qua tại Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM khiến không ít người kinh ngạc. Em Vũ Kim Khánh (học sinh lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, TP.HCM) chia sẻ, môn tiếng Anh như là một ngôn ngữ thứ 2 của mình.



Vũ Kim Khánh cùng cô giáo chủ nhiệm

Gia đình đã tạo nền tảng ban đầu

Sinh ra trong một gia đình trí thức, cả bố mẹ và chị gái đều biết tiếng Anh là một lợi thế ban đầu của Vũ Kim Khánh. Ngay từ khi Khánh chỉ mới 6 tuổi gia đình đã hướng cho em theo học tiếng Anh.

Ngoài những giờ học trên lớp, Khánh được mẹ kiểm tra phần từ vựng, bố và chị gái là người trực tiếp hướng dẫn cách học tiếng Anh. Tuy nhiên, Khánh thường cố gắng tự mình nghiên cứu các cách học tiếng Anh tốt nhất, chỉ khi nào cần mới nhờ tới sự trợ giúp của bố và chị gái.

Khánh chia sẻ: “Em không có bí quyết gì đặc biệt, chủ yếu là học nhiều từ vựng kết hợp với việc đọc sách tiếng Anh, xem các bộ phim nước ngoài để luyện nghe, đặc biệt là xem chương trình trên CNN vì theo em đây là kênh truyền hình nói tiếng Anh rất chuẩn”.

Theo Khánh khó nhất vẫn là phần nghe và nói, khi xem phim nước ngoài, nghe người ta nói câu gì, mình nhẩm đọc lại. Cứ như thế em thường lẩm bẩm nói tiếng Anh một mình, tới nay thì đã nói tốt hơn rất nhiều.

Để Khánh học nghe tốt hơn, mẹ thường cho Khánh xem phim nước ngoài và che đi phần phụ đề. Cách làm này giúp em tập trung vào phần nghe hơn là đọc phụ đề, như vậy thì khả năng nghe tiến bộ từng ngày.

Ngay từ những năm học lớp 2, 3 Khánh đã tham gia một số cuộc thi tiếng Anh dành cho học sinh cấp độ nhỏ theo chương trình của Mỹ. Đến năm học lớp 8, Khánh bất ngờ đoạt giải thủ khoa Anh văn cấp quận.

Ngoài việc học giỏi môn tiếng Anh, Khánh còn là một học sinh giỏi toàn diện với khả năng học giỏi đều tất cả các môn. Kết quả xếp hạng năm học vừa rồi Khánh là học sinh đứng đầu lớp và hiện tại là học sinh dẫn đầu trong bảng kết quả học tập hàng tháng của lớp.

Cô lớp phó học tập dễ mến

Ấn tượng ban đầu khi gặp gỡ với Vũ Kim Khánh là một nữ sinh lớp 9 hồn nhiên, dễ mến. Là lớp phó học tập, học rất giỏi, nhưng Khánh luôn có trách nhiệm với các hoạt động phong trào của lớp.

Em Khánh luôn được bạn bè yêu quý.

Cô Lê Thị Quy Thục (giáo viên chủ nhiệm của Khánh) đánh giá: “Em Khánh là một cô bé rất đặc biệt, hiền lành và luôn hòa nhã với bạn bè nên được mọi người yêu quý. Không chỉ học giỏi tất cả các môn, Khánh còn tỏ ra rất thông minh, chăm chỉ và là một cán bộ lớp gương mẫu”.

Luôn tìm ra những cách học mới mẻ đầy thú vị, Khánh còn thường xuyên trau dồi khả năng tiếng Anh, bằng cách giao tiếp với các bạn trong lớp. Dù đạt kết quả đáng kinh ngạc trong đợt thi TOEFL vừa qua với số điểm 118/120 (điểm TB của học sinh Việt Nam là 73/120) nhưng Khánh vẫn khiêm tốn: "còn nhiều bạn nói tiếng Anh giỏi hơn em rất nhiều".

Với Khánh, tiếng Anh hiện tại đối với em không còn là một ngoại ngữ, mà đã là ngôn ngữ thứ 2. Hiện em có thể giao tiếp bằng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ cả về mặt nghe và nói.

Khánh bật mí thêm: “Lúc còn nhỏ mới học tiếng Anh em rất thích nói chuyện với người nước ngoài, mặc dù khi đó thường nói sai nhiều nhưng vẫn mạnh dạn nói. Rất may họ cũng hiểu mình nói là để "luyện" ngôn ngữ của họ”.

Em cho biết, nguyện vọng khi tham gia đợt thi TOEFL  một phần muốn thử sức và thông qua kỳ thi để xin học bổng du họ. Điểm đến mà em mong muốn chính là du học tại Mỹ.

Về tương lai em thích học ngành kiến trúc sư và muốn nhận được học bổng du học trong thời gian sớm nhất.

Vẫn vẻ khiêm tốn Khánh nói "cả gia đình rất vui và tự hào về kết qủa kỳ thi TOEFL, nhưng sẽ không có chuyện "ngủ vùi" trong chiến thắng đâu chị. Em phải tiếp tục cố gắng hơn nữa…".

• Hiểu Minh

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97583/nu-sinh-tiet-lo-bi-quyet-dat-118-120-toefl-ibt.html

Sẽ có quy định dạy và học bằng tiếng nước ngoài

Posted: 20 Nov 2012 11:12 PM PST

Đây là một trong những điểm quan trọng của dự thảo Quyết định ban hành quy định việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác Bộ GD-ĐT vừa công bố lên website của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến rộng rãi.

Theo dự thảo này, thì mục ban hành quy định nhằm để nâng cao chất lượng nhân lực và giáo dục Việt Nam để đẩy mạnh tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế. Phát huy kết quả việc dạy và học ngoại ngữ nêu trong Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020".

Bên cạnh đó giúp nhà giáo và người học tăng cường năng lực ngoại ngữ, có khả năng tiếp cận và khai thác các nguồn tài liệu khoa học và chuyên môn bằng tiếng nước ngoài phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập và các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó tăng thêm cơ hội việc làm và phát triển sự nghiệp cho người học; Góp phần giúp người học nâng cao và hoàn thiện trình độ tiếng Việt.

Việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài xuất phát từ nhu cầu và sự tự nguyện của người học và người dạy. Việc dạy và học bằng tiếng nước ngoài được vận dụng linh hoạt ở nhiều mức độ trình độ khác nhau phù hợp với điều kiện dạy học của cơ sở giáo dục, đội ngũ nhà giáo và năng lực ngoại ngữ của người dạy, người học (dạy học hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài; dạy học song ngữ: là hình thức kết hợp vừa sử dụng tiếng nước ngoài vừa sử dụng tiếng Việt để dạy học).

Nhà giáo dạy học bằng tiếng nước ngoài phải đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ và dạy đúng chuyên ngành được đào tạo hoặc có chuyên ngành đào tạo phù hợp; được hưởng chế độ thù lao cho việc dạy bằng tiếng nước ngoài. Theo quy định của Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020", năng lực ngoại ngữ tối thiểu của giáo viên phổ thông dạy bằng tiếng nước ngoài phải cao hơn năng lực ngoại ngữ yêu cầu cần đạt của học sinh trong cấp học 2 bậc; người dạy tại các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải đạt trình độ ngoại ngữ bậc C1 của Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ châu Âu hoặc tương đương.

Dự thảo cũng cho biết, đối các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự lựa chọn hoặc phối hợp với đối tác nước ngoài xây dựng chương trình đào tạo để dạy bằng tiếng nước ngoài một số môn cơ bản, cơ sở, chuyên ngành, những nội dung kiến thức, kỹ năng được thiết kế thành các môn học, tín chỉ hoặc mô – đun; ưu tiên cho các chương trình tiên tiến, các chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở nước ngoài hoặc một số ngành trọng điểm, có nhu cầu hội nhập cao như công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính, ngân hàng, du lịch và các chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội và nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Không dạy học bằng tiếng nước ngoài đối với các nội dung thuộc về các lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử Việt Nam.

Giáo trình, tài liệu giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cụ thể hóa về nội dung kiến thức, kỹ năng quy định trong chương trình giáo dục đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo có thể được dịch từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài để giảng dạy hoặc sử dụng giáo trình, tài liệu của nước ngoài được lựa chọn, biên tập và điều chỉnh về nội dung sao cho phù hợp với trình độ của người học và điều kiện tổ chức đào tạo của Việt Nam.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/se-co-quy-dinh-day-va-hoc-bang-tieng-nuoc-ngoai-665194.htm

Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế

Posted: 20 Nov 2012 11:11 PM PST

(GDTĐ) – Bộ Chính trị vừa ra Chỉ thị số 20/CT/TW về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế.


Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em ở các vùng khó khăn so với trẻ em ở vùng thành phố còn có khoảng cách khá xa.

Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 55-CT/TW, ngày 28/6/2000 của Bộ Chính trị khóa VIII, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã có sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả quan trọng. Hệ thống pháp luật, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đã từng bước được hoàn thiện.

Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tăng cường. Việc huy động, sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả; chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em được cải thiện đáng kể. Số trường đạt chuẩn quốc gia và tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ngày càng tăng; đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập trung học phổ thông ở một số địa phương có điều kiện.

Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em được chú trọng, đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm.

Tuy nhiên, Bộ chính trị cũng nêu rõ công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn một số hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa hoàn thiện. Nhiều mục tiêu cụ thể quan trọng trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 thực hiện chưa đạt. Đạo đức, lối sống xuống cấp, lệch chuẩn của một bộ phận trẻ em đang trở thành nỗi lo của gia đình và xã hội.

Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bị lạm dụng sức lao động có xu hướng gia tăng, tính chất ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng trẻ em phạm tội, trẻ em lang thang, bị tai nạn, bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS vẫn là những vấn đề xã hội bức xúc. Trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao. Các điểm vui chơi và các hình thức giải trí phù hợp với trẻ em còn thiếu.

Tình trạng học sinh bỏ học còn khá phổ biến ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều kiện sống và cơ hội phát triển của trẻ em ở các vùng khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ so với trẻ em ở vùng thành phố còn có khoảng cách khá xa. Nguồn lực trong xã hội dành cho sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng yêu cầu. Huy động cộng đồng vào chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, nhất là ở nông thôn còn yếu.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tính cấp bách và tầm quan trọng của công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em; chưa dành sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức cho công tác này. Sự tham gia của các đoàn thể ở nhiều nơi còn mang tính hình thức; sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, các đoàn thể và xã hội còn thiếu chặt chẽ. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em còn nhiều hạn chế.

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Cong-tac-bao-ve-cham-soc-va-giao-duc-tre-em-van-con-mot-so-han-che-1965056/

Hoàn thiện Đề án xây dựng xã hội học tập trước ngày 30/11

Posted: 20 Nov 2012 11:11 PM PST

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo xây dựng Đề án theo hướng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, hoàn thiện về nội dung, kinh phí và chủ trì triển khai thực hiện Đề án thành phần "Hỗ trợ lao động nông thôn học tập suốt đời".

Đối với Đề án thành phần "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư" do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì, có nhiệm vụ chủ yếu là vận động, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng và phát triển các cơ sở giáo dục cộng đồng ở địa bàn như: Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề, nhà văn hoá, Trung tâm văn hoá xã để đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập thường xuyên của dân cư.

Đề án thành phần "Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời cho công nhân lao động trong các doanh nghiệp" có nhiệm vụ khuyến khích công nhân học tập; đồng thời vận động các chủ doanh nghiệp tạo điều kiện, hỗ trợ công nhân học tập, nâng cao tay nghề, khai thác các cơ hội học tập ở các trường, trung tâm dạy nghề, nhà văn hoá, trung tâm văn hoá. Hai cơ quan Hội khuyến học Việt Nam và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia đề án xây dựng xã hội học tập không phải với tư các là người cung cấp các dịch vụ học tập nên không có ngân sách cho việc này. Nếu hai cơ quan này tham gia đề án thành phần "Truyền thông về xây dựng xã hội học tập" do Bộ Thông tin và truyền thông quản lý thì nhận kinh phí từ đề án thành phần này.

Trước đó, ngày 18/10/2012 Bộ GD-ĐT đã có tờ trình lên Chính phủ để phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020. Tuy nhiên Đề án chưa được phê duyệt và sau đó ngày 15/11/2012, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các đơn vị liên quan truyền đạt lại ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hoan-thien-de-an-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-truoc-ngay-3011-665265.htm

Ban hành quy chế bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ GD-amp;ĐT

Posted: 20 Nov 2012 05:16 PM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa ban hành quy chế quy định về việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GDĐT, bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc ĐH vùng, học viện; Viện trưởng, Phó Viện trưởng; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ và các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GDĐT.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận trao quyết định, tặng hoa chúc mừng các cán bộ được bổ nhiệm, kéo dài thời gian công tác, nghỉ hưu. Ảnh: gđt.vn
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận trao quyết định, tặng hoa chúc mừng các cán bộ được bổ nhiệm, kéo dài thời gian công tác, nghỉ hưu. Ảnh: gđt.vn

Theo quy chế này, tuổi bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam, không quá 50 tuổi đối với nữ, tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm. Thời hạn giữ chức vụ một nhiệm kỳ là 5 năm tính từ ngày bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và được ghi trong quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. Khi xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phải thực hiện việc đánh giá công chức, viên chức.

Quy chế cũng quy định điều kiện, tiêu chuẩn của công chức, viên chức được đề nghị giữ chức vụ lãnh đạo; hình thức lấy thư giới thiệu, phiếu tín nhiệm; trình tự, thủ tục bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự tại chỗ; quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ cơ quan khác; điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm lại; từ chức, miễn nhiệm…

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201211/Ban-hanh-quy-che-bo-nhiem-lanh-dao-cac-don-vi-su-nghiep-thuoc-Bo-GD-DT-1965055/

Những bài báo tường hay nhất về ngày 20/11

Posted: 20 Nov 2012 05:16 PM PST

Thơ gửi thầy

Bao năm tháng, nay ta giật mình tỉnh giấc

Cô ơi

Thầy

Lời ru của thầy

Khi thầy về nghỉ hưu 

 

Theo Blog Phuongperfume

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nhung-bai-bao-tuong-hay-nhat-ve-ngay-2011/251947.gd

Xúc động chuyện những người thầy của Nhà giáo trẻ tiêu biểu

Posted: 20 Nov 2012 05:15 PM PST

Tôi gặp thầy Nguyễn Văn Cải (sinh năm 1980, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày nhà giáo Việt Nam. Đã có rất nhiều bài viết về thầy, còn điều tôi muốn viết là về "về những người thầy của thầy" – gắn liền với những câu chuyện làm nhiều người phải sụt sịt, lấy khăn lau nước mắt trong tọa đàm về vai trò người thầy do TPHCM tổ chức gần đây.

Chuyện về cô giáo Hằng

Gia đình nhiều khó khăn, mồ côi bố từ nhỏ nhưng 3 năm đầu tiên đến trường của cậu học trò Trường Tiểu học Trung Lập Hạ (Củ Chi) Nguyễn Văn Cải khá ổn. Nhưng đến ngày tựu trường của năm lớp 4, Cải nằm chèo queo ở góc nhà khóc sưng mắt nhìn mẹ mắc bệnh tâm thần lên cơn điên loạn. Người chị gái là trụ cột của gia đình lại mất việc… cả tuần nay trong nhà không còn gạo, chỉ ăn rau độn với khoai mì thì làm sao có thể đến trường.

Thầy Nguyễn Văn Cải và học trò
Thầy Nguyễn Văn Cải và học trò.

Khóc hết nước mắt, Cải nấp trong nhà lén nhìn bạn bè nô nức tựu trường. Đến tầm trưa, một số bạn trong lớp chạy đến nhà hét lớn: "Cải ơi, cô Hằng kêu bạn tới trường ngay".

Không một cuốn sổ, không một chiếc bút, chiếc áo vá lưng, Cải vớ vội chiếc cặp sách cũ chạy thẳng đến trường. Đến nới đã nhìn thấy cô chủ nhiệm Trần Thị Hằng đứng chờ trước cổng. Cô dẫn Cải đến quầy hàng gần đó chọn mua tập, viết và nhiều dụng cụ học tập khác. Cô phải mua chịu vì trong người cô cũng không có tiền… Cô còn mượn sách giáo khoa và ứng tiền để đóng học phí và các khoản tiền năm học cho Cải.

"Tôi còn hồn nhiên lắm, thấy vui mừng vì lại có thể tiếp tục đi học. Mãi sau này tôi mới biết, nhà cô cũng rất khó khăn, con còn nhỏ còn người chồng lúc đó đang thất nghiệp. Một buổi đi dạy, còn một buổi cô phải đi làm mướn cho người ta", thầy Cải nhớ lại.

Những người thầy "lạ kỳ"

Dù biết rằng chỉ có con đường học để vươn lên nhưng cũng không ít lần Cải rơi vào bế tắc mà nếu không có sự tiếp sức của các thầy cô ở các bậc học, Cải không biết mình có vượt qua nổi hay không.

Cải nhớ như in ngày thầy trợ lý thanh niên Nguyễn Văn Hiếu đến thăm nhà, thầy ngỡ ngàng khi biết nhà học trò mình vẫn đang lạc lõng với ánh đèn dầu khi hàng xóm đã thắp điện từ lâu. Vài ngày sau, thầy Hiếu cùng thầy Lê Đình Hòe – hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cùng nhiều thầy giáo nữa mang một số thiết bị điện đến nhà Cải rồi rồi các thầy tự tay nối điện, lắp cầu dao vào tận nhà cho học trò.

Sau này, dù Cải đã tốt nghiệp, theo học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thầy Hòe vẫn chạy vạy vay mượn, vận động bạn bè hỗ trợ xây lại căn nhà đã đổ nát, xiêu vẹo của mẹ con Cải. Thầy chỉ mong học trò mình có một nơi ở ổn định để tiếp tục con đường học và gắng sức chăm sóc mẹ.

Và những vị PGS đặc biệt

Ở đại học, tuy gia cảnh của sinh viên ít được đề cập nhưng PGS.TS Trần Hữu Tá (khi đó là chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) dù tuổi đã cao, công việc bận rộn vẫn biết rõ hoàn cảnh của một sinh viên một buổi đi học, một buổi làm thêm kiếm sống.

PGS.TS Trần Hữu Tá - một trong những người thầy đặc biệt của thầy Cải (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)
PGS.TS Trần Hữu Tá – một trong những người thầy đặc biệt của thầy Cải (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Thầy Tá có cách động viên rất khéo. Sợ trò buồn, thầy không nói trực tiếp mà dành thời gian trọn buổi để kể cho học trò nghe về tấm gương vượt khó của một sinh viên khiếm thị và nhiều người khác. Nghị lực của Cải như được tiếp thêm cả ngàn lần qua câu chuyện của thầy.

Rồi PGS.TS Bùi Mạnh Nhị – trưởng khoa Ngữ văn trích tiền thưởng từ việc nghiên cứu khoa học của mình tặng cậu học trò Nguyễn Văn Cải để có thêm tiền mua thuốc điều trị bệnh cho mẹ trong cơn ngặt nghèo của gia đình khi Cải học năm thứ hai.

Giờ đây, thầy Nguyễn Văn Cải tâm niệm rằng, những hỗ trợ của các thầy cô trên con đường học hành của mình không chỉ là giá trị vật chất. Mà quan trọng hơn, những điều đó gieo vào lòng thầy và nhiều học trò nghèo khó khác một niềm tin, nguồn sống để không gục gã trước bất kỳ trở ngại nào.

Học được từ chính những người thầy đi trước rằng hạnh phúc nhất của người thầy là có thể sẻ chia với học trò bằng chính tình cảm và trách nhiệm của mình, thầy Nguyễn Văn Cải luôn mang theo mình lẽ sống: "Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình".

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/xuc-dong-chuyen-nhung-nguoi-thay-cua-nha-giao-tre-tieu-bieu-664685.htm

Đừng xem con mình mãi là trẻ sơ sinh!

Posted: 20 Nov 2012 05:15 PM PST

Đừng xem con mình mãi là trẻ sơ sinh!

TT – Con trai đã học mẫu giáo mà tôi thấy như bé sơ sinh. Đôi lúc bé đòi xúc cơm ăn, tự đánh răng… nhưng nhìn bé làm vụng về, tôi giành lấy làm cho nhanh.

Thế nhưng một hôm đi họp phụ huynh, tôi ngạc nhiên khi nghe cô giáo nói rằng bé rất nhanh nhẹn. Ở lớp bé tự đánh răng, tự xúc cơm không bị đổ như một số bạn, biết thay quần áo rồi gấp bỏ đồ dơ vào balô… Cô giáo còn cho xem một đoạn phim ngắn về những hoạt động của các bé đúng như lời cô nói. Phụ huynh cười ngả nghiêng vì có bé làm thoăn thoắt, gọn gàng, nhưng có bé không thể nào mặc được quần… Cuối buổi họp, tôi gặp riêng cô giáo nhờ cô nhắc bé về nhà cũng phải tự làm những việc như ở lớp. Từ đó, tôi và cô giáo hay trao đổi với nhau qua điện thoại hoặc sổ liên lạc.

Có hôm bé kể: "Ở nhà con ngoan hay hư cô đều biết hết. Hôm qua con giúp mẹ lau bàn, dọn dẹp đồ chơi nên được cô khen!". Đi học về bé biết cởi giày, bỏ đồ dơ vào sọt. Bé còn nói: "Con không xem tivi đâu, mẹ cho con đi tắm nhé!". Tắm xong, bé tự mặc quần áo, xếp lại đồ chơi và lấy sách ra tô màu. Không phải lúc nào bé cũng ngoan. Có lúc bé không chịu làm gì cả. Nhưng với sự hỗ trợ của cô giáo, sự kiên nhẫn hướng dẫn của tôi, bé ngày càng cố gắng làm việc đơn giản mà không cần tôi nhắc.

Quả thật, sự hướng dẫn của cô giáo rất quan trọng, nhưng nếu ba mẹ không khuyến khích bé phát huy tiếp ở nhà thì bé chỉ ngoan ở lớp vì "ở nhà không có cô giáo nên con không làm" (như lời con tôi từng thú nhận). Thói quen chỉ có thể hình thành ở bé nếu ba mẹ biết tiếp sức với cô giáo chứ không thể phó mặc cho nhà trường. Đừng bao giờ cho rằng "quá bận, không có thời gian, bé nhà tôi bướng lắm…" mà giành hết mọi việc, xem con mình mãi là trẻ sơ sinh.

BÍCH HƯỜNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/521392/Dung-xem-con-minh-mai-la-tre-so-sinh.html

Comments