Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


‘Bất hạnh cho xã hội khi giáo viên làm như máy’

Posted: 20 Nov 2012 04:34 AM PST

- Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) Lê Kim Long chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.


 

Thầy Lê Kim Long (bìa phải) nhậm chức Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục


Nhà giáo phải có tâm-tầm và biết diễn

Ông nghĩ sao một số Sở GD-ĐT "nói không" với sinh viên tốt nghiệp khoa sư phạm Trường ĐH Giáo dục và một số trường?

- Đúng là có chuyện một số Sở giáo dục khi tuyển giáo viên đã không đưa SV tốt nghiệp khoa Sư phạm Trường ĐH Giáo dục vào đối tượng tuyển. Họ được giải thích do đây là trường mới, chưa có thử nghiệm thực tiễn về chất lượng.

Sau khi nhà trường chứng minh những cử nhân của trường đi dự thi và kết quả nên các Sở đó đã nhận hồ sơ thi tuyển của các SV này ngay. Nhiều người sau khi được tuyển dụng đã chứng tỏ được năng lực của mình. Đây chính là câu trả lời tốt nhất cho những hoài nghi của nhà tuyển dụng.

Những năm qua, học sinh dự thi vào các trường sư phạm rất ít và vì thế chất lượng đầu vào vì vậy cũng chưa được như mong muốn. Trong hoàn cảnh đó, làm sao để đào tạo được giáo viên vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi kỹ năng, thưa ông?

– Các cơ sở đào tạo giáo viên có rất nhiều khó khăn không chỉ là đầu vào. Song không vì thế mà không đào tạo được SV có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi. Bình thường, học sinh giỏi ở đầu vào thì sản phẩm đào tạo ở đầu ra cũng giỏi.

Nhưng giáo dục là một hàm đa biến. Ngoài chất lượng đầu vào, đầu ra muốn tốt còn có sự nỗ lực của người học và cơ sở đào tạo “để tạo ra giá trị gia tăng” thế mới là đào tạo người và nhất là đào tạo giáo viên.

Trong tình hình đổi mới đào tạo, việc phấn đấu để sinh viên tốt nghiệp có việc làm là một việc không dễ. Tuy nhiên để đáp ứng yêu cầu hiện nay, trường ĐH cần đào tạo làm sao để SV ra trường sớm có việc làm, làm đúng nghề và được trả lương hợp lý.

Nghề dạy học hiện nay không còn hấp dẫn người trẻ nữa. Nhiều người đang công tác khi được hỏi họ thẳng thắn "sẽ chọn nghề khác" nếu được làm lại bởi áp lực lớn, thu nhập quá thấp. Hình ảnh người giáo viên ít nhiều phai nhạt bởi đồng tiền. Ông có suy nghĩ gì về điều này?

– Đừng lấy một vài hiện tượng để suy ra bản chất. Nói “nhiều người đang công tác khi được hỏi họ thẳng thắn sẽ chọn nghề khác" nếu được làm lại bởi áp lực lớn, thu nhập lại quá thấp” cũng chưa hẳn đúng. Bởi vì nếu hỏi nhiều người khác họ vẫn chọn nghề dạy học vì luôn thấy hấp dẫn, vì tươi mới và được trọng vọng thì sao? Nếu cho tôi chọn lại thì tôi vẫn chọn nghề dạy học.

Hàng năm cũng có vô số em đăng ký vào học để làm nghề dạy học đấy chứ. Thực tế vẫn có hàng triệu học sinh vẫn đang cần mẫn học tập và hàng trăm ngàn thầy cô vẫn đang miệt mài giảng dạy và vẫn in đậm từng dấu ấn lên những thành công của xã hội đấy chứ! Có nhạt đâu?

Xã hội và người quản lí và thậm chí cả các phụ huynh nữa chứ cần phải biết bảo vệ giáo viên của mình trước cám dỗ của đồng tiền.

Thầy cô giáo cũng cần phải biết tự bảo vệ mình một cách chuyên nghiệp. Tôi vẫn từng nói với giáo viên của mình: Cái tâm, cái tầm của người thầy nằm ở khâu chuẩn bị. Còn khi dạy chỉ là diễn những gì mình đã chuẩn bị. Diễn cũng cần làm tốt, diễn giỏi. Cái nào cũng quan trọng.

Tôi nghĩ bước vào nghề dạy học, tham gia vào ngành GD-ĐT thì mình sống phong lưu là tốt, đừng ham làm giàu. Bởi nếu mong làm giàu thì không tránh khỏi việc chạy theo đồng tiền. Nhưng người thầy cũng đừng nghèo quá, không làm gương cho học trò được. Học trò sẽ không học để nối nghiệp thầy cô.

Ai đó nói rằng "Đã giỏi thì phải giàu. Mà không giàu thì không giỏi". Thực chất đó chỉ là sự biện minh cho nhiều việc trong đó có cả việc dạy thêm học thêm của một số thầy cô trong thời buổi hiện nay mà thôi.

Bất hạnh cho xã hội khi giáo viên làm như máy

Ông có suy nghĩ như thế nào khi nhiều nhận xét cho rằng, việc đào tạo giáo viên hiện nay của chúng ta còn nhiều hạn chế đặc biệt là nghiệp vụ sư phạm?

– Thời xưa một giáo viên khi ra trường được những người đi trước dìu dắt từng bước rất chi tiết. Mọi người đều nghèo như nhau chứ không khác biệt như bậy giờ. Lớp học ít học sinh, không đông như bây giờ. Đội ngũ giáo viên cũng đủ chứ không thiếu như bây giờ. Áp lực cần phải thuần thục nghề nghiệp không mạnh như bây giờ.


“Tôi vẫn từng nói với giáo viên của mình: Cái tâm, cái tầm của người thầy nằm ở khâu chuẩn bị. Còn khi dạy chỉ là diễn những gì mình đã chuẩn bị. Diễn cũng cần làm tốt, diễn giỏi…”

Vì thế giáo sinh cứ “thong thả” mà rèn luyện. Nếu có sức ép thì mọi người cũng dễ thông cảm, chỉ bảo cho nhau tận tình hơn như bây giờ… Hiện nay tôi cảm nhận thấy các nhà quản lí thả cho các em tự bơi mà lại đòi bơi nhanh và bơi giỏi. Đấy là thách thức lớn nhất đối với giáo viên mới ra trường. Sức ép giáo viên phải nhập cuộc ngay lập tức.

Việc đào tạo giáo viên cần phải chấn chỉnh một bước để làm nền cho việc đổi mới nền giáo dục một cách “căn bản và toàn diện”.

Việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm còn có vấn đề trách nhiệm của xã hội, của người đi trước như quan tâm nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn chứ không phải đòi hỏi nhiều hơn hay đòi hỏi các em giỏi sớm hơn.

Xã hội đặt ra nhu cầu và các trường sẽ đáp ứng.

Và nhà trường sẽ trang bị cho người thầy những phẩm chất gi đáp ứng nhu cầu xã hội?

– Phẩm chất của người thầy gồm hình thức và phong cách. Theo tôi phong cách của người thầy mới quan trọng. Phong cách người thầy không chỉ ở hình thức bên ngoài mà phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh của mỗi giáo viên.

Giáo viên trẻ mới ra trường hăng hái trong mọi việc, hay mắng học trò, học trò lơ mơ là quát  sẽ không có tác dụng.

Thầy giáo già, tóc bạc vào lớp chỉ cần nhẹ nhàng nhắc nhở một tiếng là học trò im thin thít. Vậy đó là cái uy của người thầy được rèn luyện và nâng dần theo năm tháng. Có người sẽ hỏi rằng cái uy có tốt không? Theo phong cách hiện đại, cái uy chưa chắc đã tốt. Thầy và trò cần phải thân thiện mới là giáo dục hiện đại.

Để có nguồn nhân lực tốt thì thầy và trò đều phải làm việc chăm chỉ và có hiệu quả. Thật bất hạnh cho xã hội khi người giáo viên chỉ làm việc như cái máy. Phẩm chất của người thầy giáo hiện nay là giỏi nghề, tâm huyết một cách có phương pháp.

Xin cảm ơn ông!

  • Văn Chung (thực hiện)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97660/-bat-hanh-cho-xa-hoi-khi-giao-vien-lam-nhu-may-.html

7 đặc điểm của nghề dạy học

Posted: 20 Nov 2012 01:27 AM PST

7 đặc điểm của nghề dạy học

TTO – Nghèo tiền, thanh bạc, thầm lặng, học không ngừng, giàu tình cảm, có duyên thầm, tồn tại mãi là những đặc điểm mà vị thầy Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng đã đúc kết về nghề dạy học.

1. Nghèo tiền: tuyệt đại đa số thầy giáo có mức sống trung bình và nghèo. Hiếm có thầy giàu. Ngay cả ở các nước có nền kinh tế phát triển cao, số đông nhà giáo cũng không thuộc tầng lớp giàu. Ai muốn giàu, muốn thành đại gia thì chớ chọn nghề dạy học.

Trò xây nhà tặng thầy
Nguyễn Ngọc Ký và 60 năm truyền lửa

Thầy Nguyễn Ngọc Ký – tấm gương nghị lực và say mê với nghề – giao lưu với học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Tự Trung

2. Thanh bạch: nghèo nhưng nhà giáo là người luôn sống theo phương châm "đói cho sạch, rách cho thơm" vì nhà giáo không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà chủ yếu là dạy làm người, do đó phải nêu gương bằng hành động của mình, lối sống của mình. Ai có nếp sống phóng túng đều không thích hợp với nghề này.

3. Thầm lặng: những nỗ lực của người thầy là bền bỉ, liên tục, không tên, năm này qua năm khác, là nỗ lực tập thể. Phải qua thời gian dài, có khi rất dài mới thấy được thành quả, người đời mới nhận ra. Ai muốn nổi tiếng, được ngưỡng mộ, được tung hô thì đừng chọn nghề dạy học.

4. Học không ngừng: người thầy hằng ngày phải tự làm mới, tự bồi bổ hiểu biết, nâng cao trình độ của mình để đủ sức khai sáng thế hệ trẻ mỗi ngày một khác, mỗi ngày một khôn theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Người thầy có trình độ cao khiến học trò nể phục. "Người thầy như ngọn nến, đốt cháy mình để thắp sáng nhân gian".

5. Giàu tình cảm: nghề dạy học đòi hỏi người thầy phải giàu tình cảm, phải sống được "nhiều cuộc đời" – nghĩa là phải biết hóa thân vào thân phận từng học trò của mình để hiểu hoàn cảnh, động cơ, mục đích hành động của trò từ đó nghĩ ra cách dạy, cách nâng đỡ, cách tha thứ và cách thuyết phục thành công. Người thầy giàu tình cảm luôn được trò thương, trò nhớ, gia đình học trò biết ơn.

6. Có duyên thầm: nghề dạy học khó thu hút người ngoài nghề bằng bề ngoài hào nhoáng, hấp dẫn nhưng níu chân người đã bước vào nghề bằng cái duyên thầm của mình. Nhiều người lúc đầu không có cảm tình đặc biệt với nghề này nhưng bước vào rồi thì mới thấm được cái duyên đó. Bén duyên rồi thì thấy say mê. Được nhìn thấy một đứa trẻ khôn lớn lên, thành người là niềm hạnh phúc vô bờ của người thầy.

7. Tồn tại mãi: trong xã hội, luôn có một số nghề mất đi nhưng có nghề cứ tồn tại mãi cùng xã hội loài người. Nghề dạy học là một trong số đó. Thử tưởng tượng một xã hội không có người thầy, xã hội đó sẽ đi về đâu? Thử tưởng tượng một ngày không có thầy cô, từng gia đình sẽ khó xử nhường nào? Không ai trên đời này từ người lao động bình thường đến nhà khoa học được giải Nobel hay nguyên thủ quốc gia mà không có thầy. Mãi mãi sẽ là như vậy.

TS HỒ THIỆU HÙNG

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/521280/7-dac-diem-cua-nghe-day-hoc.html

Chuyện về 58 người của dòng họ hiếu học nơi đại ngàn

Posted: 20 Nov 2012 01:27 AM PST

Có lẽ vì cái nghèo vẫn còn đeo bám, nên khá nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung vẫn xem "học cái chữ không bằng việc làm no cái bụng". Chính vì vậy, ít có gia đình người dân tộc thiểu số ở mảnh đất cao nguyên này có con học tới bậc Đại học. Ấy vậy mà dòng Xiêng Var thuộc dân tộc Triêng, ở làng Dục Nhầy (xã Đắk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum) chỉ vỏn vẹn có 58 nhân khẩu, với 14 hộ gia đình lại có đến 8 người tốt nghiệp Đại học, 2 người tốt nghiệp Cao đẳng, và 25 thành viên đang ở độ tuổi đến trường đều được ra lớp với nhiều giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Không giấu niềm tự hào về dòng họ của mình, ông Xiêng Var Nùng – trưởng dòng họ Xiêng Var kể, trước đây dòng họ của Xiêng Var nhà ông có cuộc sống rất khó khăn, sống cuộc đời du canh, du cư, quanh năm chỉ biết bám nương, bám rẫy nên nhận thức rất hạn chế. Bản thân ông và những người khác trong họ cũng đã từng nghĩ "học cái chữ không quan trọng bằng việc làm no cái bụng", bởi cái chữ không thể cho vào bụng được. Nhưng “mưa dầm thấm đất”, được sự vận động của cán bộ địa phương và những bằng chứng sống của một số hộ gia đình khác, dòng họ Xiêng Var đã "ngộ" ra chân lý: Cái chữ không làm no được cái bụng nhưng lại làm cái đầu thêm sáng suốt. Đôi tay chỉ làm cái bụng no hôm nay, nhưng cái đầu sẽ giúp đôi tay làm được nhiều việc hơn. Và muốn thoát khỏi cái đói, cái nghèo chỉ còn cách là học cái chữ.

Chính vì vậy, dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công việc nương rẫy khá lam lũ và cần nhiều nhân công, nhưng nhiều năm qua dòng họ Xiêng Var luôn cố gắng dốc hết mọi khả năng để đầu tư cho con em mình được đến trường đầy đủ. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi gia đình trong dòng họ: "Người đồng bào mình muốn thoát nghèo thì phải học cái chữ thôi, chỉ có cái chữ mới làm cho cái đầu mình sáng suốt được. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng dòng họ Xiêng Var mình phải luôn ưu tiên cho việc học của con, cháu là hàng đầu. Dòng họ chúng tôi luôn nhận thức được giáo dục là vấn đề cực kì quan trọng, nên chúng tôi luôn giáo dục, động viên con, cháu phải học nữa, học mãi", ông Nùng bày tỏ.

Ông Xiêng Var Nùng- trưởng họ cho biết: Muốn thoát nghèo phải học cái chữ.

Không chỉ tạo điều kiện tốt nhất về thời gian cho con, em được học hành tốt nhất, mà bí quyết để giúp con, em trong dòng họ Xiêng Var không sớm bỏ cái chữ để theo cha mẹ lên rẫy như những gia đình khác đó chính là sự quan tâm sát sao của những người lớn trong họ. Các bậc ông bà, cha mẹ luôn động viên về tinh thần cho con, cháu, thường xuyên dạy bảo con em mình phải cần cù, chăm chỉ học tập để có được kết quả tốt nhất trong học tập. Ngoài ra, hàng tháng, những người trong dòng họ thường tổ chức các buổi họp mặt giành cho đại diện các hộ gia đình, để tất cả những người trong họ nắm tình hình học tập của con, cháu. Kịp thời vận động, khuyên nhủ những trường hợp có ý định bỏ học giữa chừng.

Để động viên, khích lệ tinh thần hiếu học cho con, em mình, dòng họ đã gây được một nguồn quỹ khuyến học (khoảng hơn 1 triệu đồng/năm) để mỗi cuối năm họ, cả họ lại tổ chức liên hoan, động viên, khen thưởng, khích lệ tinh thần học tập của những cháu đạt thành tích cao, hay thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học… Điều này không chỉ khích lệ tinh thần hiếu học của các thế hệ trong dòng họ mà đó còn là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo.

Ông Xiêng Var Nùng- trưởng họ cho biết: Muốn thoát nghèo phải học cái chữ.

Và tất nhiên, thành quả đạt được của dòng học Xiêng Var về tấm gương học tập, nó không chỉ là điều hiếm có ở các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mà nó còn là niềm tự hào của những người trong họ. Tuy là dòng họ khá "neo" người, nhưng trước sự phấn đấu không ngừng trong học tập, dòng họ Xiêng Var đã có nhiều người con trong họ đỗ đạt cao. Sau khi học tập, họ đã trở về phục vụ quê hương, công tác ở các cơ quan đoàn thể của huyện, tỉnh, trong các ngành an ninh, y tế, giáo dục, thương binh xã hội… với nguyện vọng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh hơn.

Nhờ vào nhận thức đúng đắn này, vừa qua tại Đại hội tuyên dương "Gia đình hiếu học", "Dòng họ hiếu học", "Cơ quan hiếu học" của huyện Ngọc Hồi năm 2012, dòng họ Xiêng Var đã được vinh danh trong đại hội, và trở thành dòng họ duy nhất đại diện cho các dòng họ hiếu học khác đọc tham luận tại đại hội. Và dòng họ Xiêng Var cũng là tấm gương sáng về sự nghiệp trồng người trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.

Thiên Thư

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuyen-ve-58-nguoi-cua-dong-ho-hieu-hoc-noi-dai-ngan-664891.htm

Làm thầy tử tế mới có trò tử tế

Posted: 20 Nov 2012 01:27 AM PST

Với một thế hệ học sinh Hà Nội những năm 1980 – 1990, thầy giáo dạy văn Vũ Xuân Túc là một tên tuổi đáng kính trọng. Ông là một trong những thầy giáo dạy Văn giỏi nhất của Sở Giáo dục Hà Nội thời bấy giờ và là một trong những thầy giáo đầu tiên của Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam. Bây giờ, trông ông trẻ hơn nhiều so với tuổi 70. Ông trò chuyện với chúng tôi nhiều câu chuyện vui buồn của nghề giáo viên.

Nhà giáo Vũ Xuân Túc

Phấn đấu làm người thầy tử tế trước

Thưa nhà giáo Vũ Xuân Túc, đối với ông, người thầy giáo trước hết phải là người như thế nào?

Đứng trên bục giảng suốt 38 năm, tôi luôn nghĩ phải cố gắng là người thầy tử tế trước khi mong muốn học trò của mình thành người tử tế. Không có ngành nào hay bằng ngành giáo dục. Trong khi mình trao cho người khác kiến thức, thì cũng là lúc mình học tập, trau dồi kỹ năng, kiến thức. Làm người dạy học không nghiêm không được. Nhưng làm sao để học sinh thấy trong cái nghiêm có tình thương của người thầy.

Thưa ông, có phải vì muốn làm người tử tế, nên hồi còn là tổ trưởng tổ chuyên Văn ở Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, ông đã từ chối danh hiệu nhà giáo ưu tú?

- Tôi được anh em tín nhiệm bầu làm tổ trưởng môn Văn ở Trường “Ams" suốt 18 năm. Đã nhiều lần được bình chọn danh hiệu nhà giáo ưu tú nhưng tôi luôn từ chối. Thậm chí có lần bỏ phiếu, tôi cùng với một thầy giáo khác được phiếu cao nhất, nhưng tôi trước sau vẫn xin rút. Tôi nghĩ mình chỉ là một nhà giáo bình thường, chưa xứng đáng với tiêu chuẩn nhà giáo ưu tú, nên không nhận.

Nói thật là trong thâm tâm, tôi nghĩ danh hiệu không phải là vấn đề quan trọng nhất của người làm nghề dạy học, nên tôi không thấy thú vị gì. Tôi muốn chú tâm với công việc đứng trên bục giảng của mình, lấy công việc làm vui, lấy học sinh làm trọng. Vì thế, bây giờ, nghỉ hưu cả chục năm, cứ dịp 20-11 là rất đông học trò cũ đến thăm thầy. Đánh giá trung thực nhất, quan trọng nhất là tình nghĩa đồng nghiệp, tình thầy trò, kể cả lúc mình đang đứng trên bục giảng hay lúc nghỉ hưu. Chính vì thế tôi không lăn tăn gì khi mình về hưu với… hai bàn tay trắng.

Tôi “sợ" nhất học trò

Thưa ông, ông có đồng ý rằng làm thầy đã khó, làm thầy giáo dạy Văn còn đòi hỏi cao hơn?

- Tôi quan niệm, dạy Văn là dạy nhân cách con người. Hay nói cách khác, dạy làm người tốt nhất là thông qua môn Văn. Khi dạy Văn, tôi cũng không muốn học sinh mình thuộc lòng, bài này cần nhớ mấy ý chính. Cái quan trọng, thông qua bài giảng, các em phải đọng lại được một điều gì để biến thành rung động của chính mình, đồng thời giúp các em nhận ra được cái đẹp của văn chương. Người ta nói: Cái đẹp cứu cả thế giới. Tôi thì nghĩ đơn giản hơn: Khi học sinh rung động trước một áng văn, rung động trước cái đẹp, tức là các em đang hình thành được nhân cách làm người tử tế, có ích cho xã hội. Nhiều thầy cô sau mỗi bài giảng cho các em thường kêu mệt mỏi, tôi thì thường thấy vui.

Thưa ông, thật đáng trân trọng với niềm vui của người giúp các em làm người tử tế. Trong khi bây giờ, có đôi khi cảm tưởng học trò đến trường nặng về học kiến thức mà mục tiêu dạy làm người tử tế lại bị lơ là?

- Chú trọng kiến thức cũng không sai, nhưng đừng để học sinh “chết ngạt" với kiến thức mà không có khoảng trống cho tâm hồn bay bổng. Ngoài ra, giáo viên bộ môn nào cũng vậy, cần tranh thủ những dịp phù hợp để hướng dẫn thêm nhiều kỹ năng sống cho các em. Nên khôi phục các tổ chức hướng đạo sinh như thời trước, dạy các em cách nhóm lửa, cách buộc một sợi dây thừng, cách qua sông qua suối… cho các em phát triển một cách toàn diện.

Nhưng cũng có thực tế là thời các ông, áp lực mất việc làm không lớn như bây giờ. Nhiều giáo viên ngày nay phải chạy theo thành tích vì tìm được chỗ đứng ở một trường học ở Thủ đô không phải dễ?

- Làm thầy, tôi “sợ" nhất học trò. Nghề giáo viên luôn đối diện với con người, đồng thời cũng phơi bày con người mình ra không thể che giấu được. Người giáo viên đứng trên bục giảng như tấm gương, học sinh sẽ nghĩ gì khi nhìn vào một tấm gương méo mó? Thầy giỏi, thầy kém bộc lộ rõ ràng ra cả, học sinh biết và đánh giá cả. Đừng nghĩ chỉ mình dạy học sinh, các em cũng là tấm gương để người thầy soi vào mà chỉnh mình đấy.

Bỏ bực dọc ngoài cổng trường

Nhiều người sẽ đổ lỗi cho một trong những nguyên nhân khiến ngành giáo dục bị đưa ra “mổ xẻ" là do những hệ lụy phức tạp của xã hội đã len vào trường học?

- Khi cái xe đạp xuống dốc thì tất cả các bộ phận đều xuống theo. Chính sự đi xuống của xã hội ngày nay đã khiến các ngành, trong đó có giáo dục suy thoái. Trong tình hình như thế, chỉ các thầy cô giáo kêu gọi học sinh sống tốt hơn, chăm chỉ học hành, bớt đua đòi… thì làm sao các em có thể tin được. Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, đâu đâu cũng ập vào mắt các em biết bao nhiêu điều tiêu cực, nói dối,… thì lâu ngày chẳng có thuốc nào có thể giúp các em “miễn nhiễm" được. Đừng nói sự “đổ đốn" của giáo dục do kinh tế thị trường, cũng đừng trách cơ chế. Theo tôi, phần lớn bắt đầu từ những người lớn trong gia đình, trong nhà trường. Bây giờ là lúc từng nhà giáo có lương tri, có bản lĩnh phải chống lại những cái xấu của xã hội đang dội vào trường học.

Bằng cách nào, thưa ông?

- Nếu nhìn rộng ra, áp lực của nền kinh tế xã hội khiến người ta có nhiều bức xúc chưa giải tỏa được. Khi vào trường học, người ta không gạt được điều đó ra ngoài, nên khi gặp thêm bức xúc, các thầy cô giáo không kiềm chế được nữa. Tôi cho rằng đã xác định đi theo nghề giáo viên thì phải rèn luyện được một điều: Bước vào cổng trường phải bỏ lại bực dọc của gia đình, xã hội ở bên ngoài cánh cổng. Luôn có ý thức rèn luyện thì sẽ làm được. Nếu ai không rèn luyện được điều này, tốt nhất nên chuyển sang nghề khác. Đừng góp thêm sự “ô nhiễm" trong nghề giáo nữa.

Nghệ thuật đổi chỗ

Còn sự xuống cấp của chính đạo đức nhà giáo thì sao, thưa ông? Ông có theo dõi những câu chuyện thầy đánh trò hay học trò đánh nhau trong nhà trường hiện nay mà thỉnh thoảng báo chí lại đưa hết sức giật gân?

- Có chứ. Tôi rất bức xúc. Kinh nghiệm của tôi khi giảng dạy là phải có “nghệ thuật đổi chỗ". Trước khi giảng một bài văn, tôi phải “đổi vị trí" tới 3 lần. Lần một tôi tiếp cận với tư cách độc giả. Lần hai là với tư cách học trò. Lần ba mới là một thầy giáo, một nhà phê bình. Mỗi lần như thế, tôi tìm hiểu xem độc giả muốn gì, học sinh cần gì, biết được chiều hướng nhận thức của học trò từ thầy giáo nên dạy thế nào. Tôi nghĩ bây giờ, ngành giáo dục cũng nên có nghệ thuật đổi chỗ. Mỗi lần hoán đổi vị trí chúng ta sẽ có góc nhìn khác, để phân tích và giải quyết các hiện tượng trong ngành giáo dục hiện nay.

Phải “đổi chỗ" ngay trước khi sự việc xảy ra, để thầy giáo trở thành người bạn tinh thần của học sinh. Đổi chỗ cả trong cách học sinh nhìn nhận ông bà, cha mẹ, thầy cô… Nên hướng các em đánh giá người lớn như thế nào cho hợp đạo lý. Tôi thường nói với các học trò của mình là cần có cái nhìn độ lượng với người lớn. Điều đó cần thiết lắm. Nếu cứ lúc nào cũng không hài lòng, lúc nào cũng oán thán thì nó sẽ chất chồng rồi một ngày bùng nổ ra… Người thầy cần dạy cho các em cái suy nghĩ tỉnh táo. Bởi ở lứa tuổi học trò, các em đã qua tuổi trẻ con nhưng chưa phải là người lớn.

Dạy thêm không phải là tệ nạn

Còn về câu chuyện dạy thêm – học thêm hiện nay, nói theo ngôn ngữ bây giờ thì ngày trước thầy Túc cũng khá “đắt sô" đấy chứ. Nhiều người còn nhớ ông hay được mời dạy các đội tuyển văn?

Tôi đồng ý rằng ngày càng ít các thầy cô nói “không" với dạy thêm học sinh do mình trực tiếp dạy ở trường. Song, tôi không đồng ý gọi dạy thêm là một tệ nạn, giống như cách chúng ta lâu nay vẫn gọi tệ nạn ma túy… Tôi cho rằng dạy thêm thời nào cũng có, và nó cũng chính đáng. Chỉ có điều hiện nay, nhiều nơi dạy thêm đang bị lạm dụng, mục đích của việc dạy thêm nhiều khi không phải để nâng cao, bồi dưỡng kiến thức cho học trò mà để các thầy cô giáo kiếm tiền, cải thiện cuộc sống, thậm chí làm giàu.

Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(Theo Nguyễn Thanh Bình/ Đại Đoàn Kết)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97587/lam-thay-tu-te-moi-co-tro-tu-te.html

Rộn ràng ngày lễ tri ân thầy cô

Posted: 20 Nov 2012 01:27 AM PST

Với các em học sinh cuối cấp, ngày lễ Nhà giáo Việt Nam tri ân thầy cô giáo mình năm nay đặc biệt hơn những năm trước. Em Như Trang – học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Phan Bội Châu cho biết: "Mặc dù trường đã tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường nhưng chúng em vẫn muốn đến nhà cô giáo chủ nhiệm để chúc mừng cô bởi cô đã gắn bó với chúng em suốt ba năm học qua".

Trong ngôi nhà bé nhỏ ở đường Hecman của cô giáo trẻ Đậu Thị Quỳnh, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng hôm nay trở nên ấm cúng và không ngớt tiếng cười, hàn huyên tâm sự giữa cô và các nhóm học sinh. Cô và trò trở nên gần gũi, thân quen như những người bạn.

Giữa cô và trò trở nên gần gũi, thân quen, không còn khoảng cách. (Ảnh: Doãn Hòa)

Cô Quỳnh tâm sự: "Được đón nhận tình cảm của các em học sinh trong ngày lễ này, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Là một giáo viên trẻ, tôi thực sự xúc động trước những nghĩa cử, những ân tình mà toàn xã hội đã dành cho sự nghiệp trồng người cao quý".

Trong khi đó, không khí ngày lễ tri ân thầy cô tại các huyện miền núi xứ Nghệ cũng rộn ràng không kém. Em Nguyễn Thị Thảo, học sinh lớp 8 Trường THCS Long Sơn, huyện Anh Sơn háo hức: "Sáng nay, chúng cháu dậy từ sáng sớm hẹn nhau tại cổng trường để đi mua hoa tặng thầy cô. Tuy hoa của chúng cháu không có nhiều nhưng tấm lòng của chúng cháu đến thầy cô giáo nhiều lắm".

Những bó hoa tươi thắm được các em học sinh dành đến các thầy cô trong ngày lễ 20/11 (Ảnh: Ngọc Tú)

Đến với thầy cô, các em học sinh vùng cao mang những bó hoa, những món quà tự tay mình làm, hay đơn giản cô trò chỉ quây quần trò chuyện với nhau bên gói kẹo nhỏ. Với mỗi thầy cô thì những món quà đó của các em học sinh dành mình luôn là những món quà có ý nghĩa nhất bởi đó là tình cảm chân thành tri ân thầy cô.

Trên khắp các con đường nhỏ vùng quê nghèo miền biển Quỳnh Lưu của xứ Nghệ rộn ràng khi các em học sinh chọn hoa, mua quà tri ân thầy cô trong ngày 20/11. Những tốp học sinh trên những chiếc xe đạp đi thành hàng dài trên tay là những bông hoa thắm, những món quà bé nhỏ đang hồ hởi cố đạp thật nhanh những vòng xe mong sớm đến với những thầy cô trong ngày lễ vinh danh nhà giáo Việt Nam.

Những bó hoa tươi thắm được các em học sinh dành đến các thầy cô trong ngày lễ 20/11 (Ảnh: Ngọc Tú)

Cô Lê Thúy Hương vui mừng nhận bó hoa tươi thắm của các em học sinh (Ảnh: Thái Bá)

Cô Nguyễn Thị Hải - GV Trường tiểu học Lý Tự Trọng nhận hoa của các em học sinh (Ảnh: Thái Bá)

Cô Lê Thúy Hương vui mừng nhận bó hoa tươi th

Bạn Nguyễn Kim Thư – sinh viên năm thứ 2, Trường ĐH Hồng Đức chia sẻ: "Ngày 20/11 là ngày học sinh nhớ về công lao của thầy cô giáo đã dạy mình. Dù mình đã học năm thứ 2 rồi nhưng năm nào cũng vẫn trở về thăm cô giáo chủ nhiệm 3 năm cấp III của mình. Mỗi lần về là cô trò lại hàn huyên tâm sự những chuyện của thời "nhất quỷ nhì ma", không những thế cô còn dạy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống".

Trước đó, từ chiều ngày 19/11, ông Hoàng Văn Hoằng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đến thăm và chúc mừng cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên Trường CĐ Nghề Công nghiệp Thanh Hóa, Trường ĐH Hồng Đức và Trường ĐH Dân tộc dự bị Sầm Sơn… Cũng trong ngày 19/11, các trường trên toàn tỉnh cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, vinh danh những thầy cô giáo có nhiều thành tích trong công tác, giảng dạy.

Cô giáo trẻ ở Sóc Trăng với niềm vui trong Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Ảnh: Cao Xuân Lương)

Học sinh Sóc Trăng gắn hoa tri ân thầy cô. (Ảnh: Cao Xuân Lương)

TS. Nguyễn Việt Đức, GĐ Học viện âm nhạc Huế đã gửi lời cảm ơn đến các thế hệ thầy cô nhà trường đã và đang cống hiến và đến lãnh đạo của các cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế, ĐH Huế đã quan tâm đến trường trong thời gian qua. Trường hiện đã mở được 2 khóa liên kết đào tạo cao học đầu tiên, phấn đấu đến năm 2015 sẽ tự đào tạo được cao học và liên kết đào tạo tiến sĩ. Cơ sở mới hiện đại của trường ở khu Bàu Vá đang bắt đầu vào giai đoạn đầu nên thầy Đức cũng mong muốn các ban ngành tạo sự thuận lợi hết sức để giúp trường.

Các tiết mục văn nghệ với chủ đề tình thầy trò, tình yêu quê hương đất nước đã được sinh viên các khoa Giao hưởng, Âm nhạc dân tộc, Thanh nhạc… trình diễn đầy cảm xúc. Tiết mục tặng hoa cho các thầy cô giáo diễn ra gần cuối cùng với nhiều tình cảm thân thương đã khép lại chương trình buổi lễ kỷ niệm

Rộn ràng ngày lễ tri ân thầy cô

Các thế hệ sinh viên của trường tặng hoa tri ân thầy cô. (Ảnh: Đại Dương)

Nhóm PV

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ron-rang-ngay-le-tri-an-thay-co-664819.htm

Nhiều hoạt động chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam

Posted: 20 Nov 2012 01:26 AM PST

Nhiều hoạt động chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam

TT – Ngày 19-11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dự lễ kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 của Học viện Chính trị – hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi đến các đồng chí nguyên lãnh đạo, các thầy, cô giáo, cán bộ, viên chức và học viên của học viện lời chúc tốt đẹp cùng những tình cảm thân thiết.

Dẫn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Cán bộ là cái gốc của công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", Chủ tịch nước nhấn mạnh những năm qua, hàng vạn cán bộ được học viện đào tạo, bồi dưỡng đã trưởng thành, trở thành cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp.

Đây là đóng góp to lớn, đáng tự hào của học viện đối với Đảng, với đất nước, được Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước đã trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho sáu cán bộ học viện có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu.

* Sáng 19-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo Phạm Vũ Luận đã tới thăm hỏi động viên thầy cô giáo và các em học sinh tại lớp học Hi Vọng thuộc Bệnh viện Nhi trung ương.

Ông Phạm Vũ Luận đã cảm ơn đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và đặc biệt là các thầy cô giáo là tình nguyện viên đã góp sức mang lại cho bệnh nhi nhiều niềm vui mới. Ông Luận đánh giá lớp học Hi Vọng có ý nghĩa rất đặc biệt với bệnh nhi.

* Cùng ngày, đoàn đại biểu TP.HCM do ông Lê Minh Trí, phó chủ tịch UBND TP, làm trưởng đoàn đã đến thăm và chúc mừng GS.TS – nhà giáo nhân dân Đặng Đình Áng nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11.

* Thiếu tướng Nguyễn Chí Thành, giám đốc Công an TP.HCM, cùng các sở ngành cũng đã tới thăm và tặng quà cho PGS.TS Phan Thị Tươi – nguyên bí thư đảng ủy, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, và PGS.TS Võ Thị Ngọc Tươi – nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa.

* UBND quận 5, TP.HCM vừa tổ chức lễ tôn vinh các nhà giáo giỏi. Trong đó có 22 cán bộ quản lý và giáo viên được trao giải thưởng truyền thống (dành cho những cán bộ, giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy hoặc phục vụ trong ngành GD-ĐT ít nhất từ năm năm trở lên, có thành tích nổi bật…).

TTXVN – Nhóm PV Tuổi Trẻ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/521206/Nhieu-hoat-dong-chao-mung-Ngay-nha-giao-Viet-Nam.html

Khoảnh khắc đẹp của thầy và trò

Posted: 20 Nov 2012 01:26 AM PST

- Hôm nay 20/11, cả nước tổ chức kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Đây là dịp
học trò tri ân các thế hệ thầy cô giáo…

Một số khoảnh khắc đẹp của thầy và trò được
ghi lại:

Thân thiện…

Phút “nhí nhảnh” của cô giáo Hà Hồng Hạnh (Trường THPT Trần Nhân Tông) và học trò


…Ấm lòng (trong ảnh cô Tôn Thị Thu Nguyệt  và học trò Nguyễn Sơn Lâm)

 

  • Nguyễn Hiền (tổng hợp)

*****************

Mời các bạn chia sẻ hình ảnh ngày nhà giáo Việt Nam theo địa chỉ: bangiaoduc@vietnamnet.vn

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97592/khoanh-khac-dep-cua-thay-va-tro.html

Muôn màu du học sinh Việt tri ân cô thầy

Posted: 20 Nov 2012 01:26 AM PST

DHS tại Trung Quốc: Nhớ ơn thầy cô

 

Tại đất nước láng giềng Trung Quốc, dưới tiết trời -10 độ C, các bạn du học sinh tại Cát Lâm vẫn tề tựu đông đủ trong chương trình văn nghệ đặc biệt "Nhớ ơn thầy cô". Tối ngày 18/11 vừa qua, trung tâm văn hóa trường ĐH Công Nghệ Trường Xuân đã trở thành không gian của chuyện trò và sẻ chia cảm xúc giữa những giáo viên, giảng viên đã tạm ngừng công việc ở trong nước để sang đây nghiên cứu, học tập. Những tiết mục văn nghệ công phu, ngợi ca quê hương, hát về tình thầy trò, máy trường đã nói hộ tấm lòng của các bạn du học sinh tại Cát Lâm với thầy cô giáo của mình.

Chương trình được dàn dựng hết sức công phu (Ảnh: Hội LHS VN tại Cát Lâm, TQ)
Chương trình được dàn dựng hết sức công phu (Ảnh: Hội LHS VN tại Cát Lâm, TQ)

Hát mừng các thầy cô giáo (Ảnh: Hội LHS VN tại Cát Lâm, TQ)

DHS tại Singapore: "Made A Difference"

 

 

Còn tại quốc đảo Singapore, các bạn du học sinh tại Đại học Công nghệ Nan Yang hướng về ngày Nhà giáo bằng những tình cảm hết sức đáng quý: "20/11 hằng năm rơi vào giai đoạn ôn thi căng thẳng tại NTU, có lẽ vì thế mà trong những năm học tại đây, chúng ta không thể trở về trường cũ thăm lại thầy cô, bè bạn".

Các bạn cũng chia sẻ thêm: "Tuy phải ở nơi xa, du học sinh vẫn có thể tri ân thầy cô bằng những nỗ lực, thay đổi và những thành quả đạt được tại đất khách. Hãy để thầy cô của chúng ta thấy rằng, họ đã "Made A Difference"".

Kèm theo đó là ca khúc "’You have made a difference", cũng là món quà tinh thần mà các bạn trẻ nơi đây gửi tặng thầy cô giáo của mình.

DHS tại Nga: "Giữa Mạc Tư Khoa nghe" … tiếng hát tri ân cô thầy

 

 

Giữa Mạc Tư Khoa… nghe tiếng hát tri ân cô thầy (Ảnh: Đơn vị LHS MADI)

Với chủ đề "Tôn sư trọng đạo", buổi giao lưu văn nghệ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra vào này 18/11 vừa qua tại trường ĐH Giao thông đường bộ đã trở thành nơi các bạn du học sinh tại Moscow thể hiện rằng: Mình yêu quý các thầy cô giáo như thế nào.

Niềm biết ơn của những chàng trai, cô gái Việt hiện đang học tập ở xứ sở bạch dương đã được các bạn gửi gắm qua những lời ca tiếng hát, những phần biểu diễn hết sức ấn tượng.

Thắp sáng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc (Ảnh: Đơn vị LHS MADI)

DHS tại Pháp: Tưng bừng ngày hội tri ân

 

 

Thắp sáng truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc (Ảnh: Đơn vị LHS MADI)

Các nhà giáo trẻ với những tình cảm của

Và các bạn sinh viên Việt tại Bordeaux (Pháp) đã cụ thể hóa tình cảm đó bằng một "Ngày hội tri ân thầy cô" với sự tham gia của đông đảo các bạn du học sinh tại đây, trong đó không thể thiếu các giảng viên, giáo viên trẻ. Cùng với những sẻ chia của các thầy cô giáo, những món quà tinh thần từ các bạn sinh viên, ngày Nhà giáo Việt Nam đã đến với nước Pháp như thế.

Dạo một vòng thế giới mới thấy các du học sinh dù xa nhà vẫn yêu quý các thầy cô giáo như thế nào, còn bạn thì sao? Hôm nay đã là 20/11 rồi đấy, bạn đã làm gì để thể hiện lòng tri ân của mình chưa?

Hải Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/muon-mau-du-hoc-sinh-viet-tri-an-co-thay-664884.htm

Comments