Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Người thầy cầm roi mà không đánh

Posted: 18 Nov 2012 08:12 PM PST

- Tôi tần ngần  đứng trước ngôi trường cũ. Vẫn mái ngói rêu phong, vẫn những bức tường cũ kỹ in đậm màu thời gian. Hơn 40 năm trước tôi là một cậu học sinh của trường này.

Trường mang tên trường tiểu học Tân Định, trên đường Huỳnh Tịnh Của (P.HCM) – tên một nhà văn hóa Nam Bộ có công lớn trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu – được xây dựng vào thời Pháp thuộc. Lối kiến trúc của trường gồm nhiều dãy phòng học 2 tầng bao bọc chung quanh sân chơi rộng lớn.

Tôi vẫn tần ngần trước ngôi trường cũ. Cổng trường đã được thay mới. Dòng chữ "Ecole de garcon de Tân Định –  Trường học con trai Tân Định" đã không còn và thay vào bằng một tên trường khác.

Ở cổng trường này – tôi vẫn còn nhớ như in – mỗi lần ra về học sinh xếp hàng 4 theo từng lớp đi trong trật tự. Gần đến cổng, thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Xuân oai nghiêm khoanh tay đứng nhìn. Lũ học trò chúng tôi khi ngang qua thầy trăm đứa như một giở nón cúi đầu. Thầy vẫn đứng đó, nhìn từ đứa đầu tiên của lớp đầu tiên đến đứa cuối cùng, khi không còn đứa nào nữa thầy mới trở về văn phòng.

Trường Nguyễn Thái Sơn bây giờ, xưa kia là trường tiểu học Tân  Đinh.
Nơi mũi tên là phòng học, tác giả theo học với thầy Thuật nk 1960-1961.

5 năm học nơi  đây, kỷ niệm về những năm đầu tôi không còn nhớ nổi vì còn quá nhỏ. Nhưng hình ảnh thấy Vũ Thiện Thuật của năm tôi học lớp nhất (lớp 5 bây giờ) vẫn còn in đậm trong tôi. Năm ấy thầy chưa đến tuổi 30 nhưng sao trong lòng tôi thầy quá đỗi đạo mạo. Thầy to, cao. Tiếng nói thầy dõng dạc nhưng truyền cảm. Chiếc roi mây thật dài kẹp trong tay đang cầm quyển sách, thầy thao thao giảng bài. Bài giảng của thầy thật dễ hiểu và sau mỗi buổi học chúng tôi đều nhớ như in. Cả một quãng đời học sinh đó, tôi cũng như các bạn chưa bao giờ phải . . . "phụ đạo" thêm một giờ nào.

Thầy dạy chúng tôi đủ các môn từ toán số học, hình học đến các môn tập làm văn, vệ sinh thường thức, công dân giáo dục v.v. . ., môn nào tôi và các bạn cũng đều tiếp thu trọn vẹn. Cái câu học nằm lòng trong môn vệ sinh mà thầy giảng dạy về các bệnh thông thường mà giờ đây tôi vẫn còn nhớ: "sốt không phải là một bệnh mà là biệu hiện sức phản kháng của cơ thể chống lại vi trùng". Những chứng bệnh thông thường rất dễ gặp trong đời sống hàng ngày được thầy truyền đạt rất chi tiết. Thầy đã dạy cho chúng tôi bệnh lao do vi trùng Koch, thương hàn do vi trùng Salmonella enterica serovar Typhi, bênh phong do Hansen v. v. . . những kiến thức ấy đến bây giờ vẫn luôn luôn đồng hành cùng tôi. . .

Một hôm, đến giờ  tập làm văn, thầy đọc cho chúng tôi nghe bài "Tôi  đi học" của Thanh Tịnh. "Hàng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều . . ." Thầy đọc như ru. Chúng tôi im phăng phắc. Tiếng của thầy rót vào tâm hồn non trẻ và trong sáng như chúng tôi để đến bây giờ tôi có thể đọc lại bài này mà không sai một dấu phẩy. Rồi thầy ra đề cho chúng tôi làm bài văn tả cảnh. Thầy dạy, kết cấu của một câu văn không cần dài dòng. Chỉ cần đủ 3 yếu tố: Chủ từ, động từ và túc từ là thành một câu hoàn chỉnh. Thầy hướng dẫn cho chúng tôi trong một bài văn tĩnh từ rất quan trọng nó làm cho bài viết phong phú và sinh động hơn . . .

Bên cạnh những bài học, thầy còn dạy chúng tôi phải biết công ơn dưỡng dục của ông bà cha mẹ, phải biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương những người nghèo khổ cơ nhỡ. Những bài thầy giảng nhẹ nhàng mà thâm thúy và giờ đây mỗi lần nhớ lại tôi vẫn còn thấy như văng vẳng bên tai.

Vốn kiến thức của tôi hôm nay, có công của thầy rất lớn. Ngọn roi thầy cầm trên tay dường như chỉ dùng để nhịp. Nhịp theo điệu của lời giảng. Nhịp theo lời giáo huấn. Tôi chưa hề thấy thầy đánh một đứa nào mặc dù lúc bấy giờ thầy có quyền đánh mà không sơ vướng vào thưa kiện. Nhưng chúng tôi vẫn sợ.

Một hôm, thầy vào lớp với gương mặt buồn bã. Thầy nói, hôm nay là buổi học cuối cùng. Ngày mai thầy sẽ ra đi và thầy cô khác sẽ thay thầy dạy các em. Thầy không có mong ước nào lớn hơn là mong các em sẽ được nên người, sẽ là những công dân tốt cho xã hội sau này . ." Chúng tôi không dám hỏi thầy sẽ đi đâu chỉ biết buồn theo thầy. Khóe mắt đứa nào cũng cay cay mà không nói được với thầy lời nào bởi chúng tôi còn quá khờ khạo.

Nhiều năm sau, khi lớn lên tôi có tìm lại trường xưa để hỏi thăm tin tức của thầy. Các thầy cô sau này cho biết, năm đó thầy từ giã học sinh để vào nơi gió cát. Và cũng từ đó tôi không còn biết tin tức gì về thầy nữa.

Hôm nay, 20/11, ngồi nhớ lại thầy, nhớ về bạn cũ. Trò đã già và nếu thầy còn hiện hữu trên thế gian này có lẽ cũng bước vào tuổi cửu thập. Tuổi đời chồng chất nhưng có một điều, con muốn thưa với thầy: "những gì con có được ngày hôm nay là thành quả của thầy ngày trước. Thầy đã trang bị cho con kiến thức căn bản để bước vào đời. Cũng nhờ đó mà con lưôn vững niềm tin trong cuộc sống. Mãi mãi con ghi nhớ công ơn của thầy, thưa thầy Vũ Thiện Thuật năm xưa của con.

  • Trần Chánh Nghĩa

 

-

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97373/nguoi-thay-cam-roi-ma-khong-danh.html

Nghề giáo thật đặc biệt!

Posted: 18 Nov 2012 08:12 PM PST

(GDTĐ)-Tâm tư của một cô giáo trẻ trong ngày nhà giáo, có chút băn khoăn, trăn trở, chút suy tư, nhưng trên hết vẫn là niềm tự hào về nghề, về tình cảm thầy trò "tự thân nó đã là tốt đẹp và mãi là như thế!":

"Những ngày này, người ta cũng lo nhiều việc. Tháng gần cuối năm, người lo hoàn tất các thủ tục hồ sơ chờ thanh tra, kiểm tra; người mải miết kiếm tìm cơ hội cho năm mới; lại cũng chẳng ít người miên man nghĩ chuyện xa xưa, chuyện mai sau. Chỉ có một điều rất chắc, ấy là dịp này ai ai cũng nghĩ về nghề giáo về những người thầy giáo, cô giáo của mình của mọi người, cho dù điều đó có thể thoáng qua trong đầu. Ấy nghĩa là nghề giáo thật đặc biệt.

Tôi đến với Sư phạm, trở thành giáo viên là một cơ duyên. Mang theo tâm trạng có chút tò mò, có chút băn khoăn, có chút "phục tùng" – nhưng tuyệt đối không hồi hộp – tôi bước chân vào giảng đường sư phạm. Bốn năm đại học, hai năm cao học trôi qua nhanh đến nỗi, nhiều khi ngoảnh lại vẫn tự hỏi mình và hỏi bạn bè thân "chúng mình đã làm được gì ấy nhỉ?" và lại cười trừ cho qua, lắc đầu rất nhẹ "hóa ra cũng không làm được gì nhiều!". Giờ bạn cũ gặp nhau, câu chuyện bao giờ cũng mở đầu bằng những chuyện tưởng như xa xưa lắm: "này, cậu còn nhớ thầy dạy ….. không? Hôm trước gặp thầy ở ngoài đường, thấy vẫn chẳng thay đổi mấy", "cô dạy Thể dục mình ngày xưa, cô dạy bóng chuyền ấy, mới lấy chồng nhé. "Thầy dạy Triết bây giờ vẫn phong độ lắm, và giọng nói vẫn truyền cảm như xưa. Nhớ ngày xưa tớ nghỉ học một hôm mà thầy gọi điện khắp nơi hỏi xem tớ đi đâu, làm gì mà không thấy đến lớp"…

Khi ấy, chợt nhận ra rằng dường như thời gian trôi qua nhanh hay chậm là thế, dù ra trường bao năm đã khác xưa là thế thì cái đọng lại trong lòng mỗi người vẫn là biết bao kỉ niệm về thầy cô, trường lớp, bạn bè. Chúng tôi vẫn gọi đùa đó là những kỉ niệm "êm đềm" dù lắm lúc, cái sự êm đềm cũng thật dữ dội. Mỗi lần gặp nhau, vẫn chừng ấy câu chuyện mà chẳng bao giờ thấy cũ. Dường như mỗi thầy cô chèo đò, hết chuyến này đến chuyến khác, đều để lại trong lòng khách sang sông những câu chuyện, những tấm lòng mà đám học trò dù lớn bao nhiêu vẫn nhớ, vẫn nhắc như thứ dư vị ngọt ngào nhất có thể có của một thời.

Tôi đã là cô giáo!

Tôi đứng trên bục giảng nơi ngày xưa tôi từng nhìn lên. Tôi đứng trong giảng đường nơi bốn năm – lâu rồi – vẫn qua lại. Chỉ có điều giờ tôi ở đây với một tư thế khác, tâm thế khác. Ngày xưa tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng tuyệt đối không hồi hộp. Hiện tại tuyệt đối không tò mò, băn khoăn, phục tùng nhưng lại vô cùng hồi hộp. Mỗi lần đón sinh viên mới, tiếp nhận một lớp học mới, tôi hồi hộp vì chẳng rõ mình sẽ gặp những bạn trẻ thế nào? Họ cần gì, muốn gì? Họ mang những tâm tư gì vào lớp học? Mục tiêu họ muốn đạt tới là gì?… Chừng ấy câu hỏi làm tôi – một cô giáo – phải trăn trở về những gì sẽ làm.

Thời gian gần đây thấy người ta nói về giáo dục nhiều quá, nói về nghề giáo nhiều quá. Nói hay thì mình thấy vui mừng mà những lời nói không hay thì mình thấy ấm ức. Người ta nói nghề giáo nghèo lắm, lương tháng chẳng đủ để nuôi thân sao dám nghĩ đến ai. Nhỡ có ốm đau bệnh tật thì biết làm thế nào. Mà giờ ra đường có gặp công an hỏi "xe có chính chủ không", không khéo sẽ lại hết một tháng lương. Ngẫm cho cùng thì sự đúng sai cũng chỉ là tương đối, có chăng là do cách nhìn.

Mình nhìn nghề giáo thế nào nhỉ? Ừ thì lương thấp đấy, ừ thì có chỗ nọ, chỗ kia xin việc khó khăn đấy, vậy nghề giáo có gì? Nghề giáo có niềm vui, cái niềm vui nghe thật lạ lùng nhưng quả thật sẽ chẳng có niềm vui nào có thể vui hơn thế. Đó là vui về sự khôn lớn, về sự trưởng thành của những thế hệ học trò của mình… vui vì người khác vui. Nghề giáo có "của để dành" – cái "của" mà nhiều khi chính các thầy cô cũng không hay biết và cũng chẳng phải các thầy cô làm mọi thứ vì học trò để có cái "của" ấy. Đó chính là tình cảm thiêng liêng mà một năm, mười năm, hai mươi năm, thậm chí hơn thế, người ta vẫn giữ cho nhau giữa xã hội xô bồ .

"Hôm nay báo viết về gương một anh công an dũng cảm bắt cướp, ti vi nói về một vị bác sĩ tài ba, nhà doanh nghiệp xuất xắc, cô giáo viên trẻ sẵn sàng xung phong lên vùng cao gieo cái chữ…"… Ừ, học trò mình đấy, hỏi có vui được hay không? "Anh ơi! Vá hộ em cái xăm….!", "Xong rồi đây em…em là con của thầy…?", "dạ vâng", "anh ơi bao nhiêu tiền ạ?", "không phải tiền em ạ….cho anh gửi lời hỏi thăm thầy…"; (Chuông điện thoại reo!), "Em chào cô, em là…nghịch nhất lớp… đây cô… Chúng em có lỗi với cô quá, ra trường bao lâu mà chẳng hỏi thăm cô được mấy….nghe cô ốm….cả lớp đã họp…ngày mai sẽ có xe đón cô tận nhà đưa cô đi viện, mọi chi phí phẫu thuật đã được đài thọ cô ạ….em chào cô, mai chúng em đến ạ….". Đó là những câu chuyện có thật của tôi, của gia đình bạn bè tôi, và còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện như thế trên đất nước này. Nghề giáo đấy! Ai biết thế nào là "giàu"?

Người ta nói tình cảm thầy trò giờ khác xưa nhiều lắm…! Mọi thứ chẳng được như xưa…, nghe vẳng xa những từ "lạnh lùng", "vô cảm", "thực dụng". Nhớ lại những ngày xưa, 20/11 thật đúng là một ngày hội, cả lớp 50 người, đi bộ, đạp xe đủ kiểu rồng rắn đến nhà thầy cô chỉ đơn giản là được trò truyện nhân ngày ý nghĩa đó. Món quà chỉ là những bông hoa đồng nội, cái bút, quyển sổ hay chút quà quê, ngẫm thấy thật vui.

Giờ thì sao nhỉ? Chẳng lẽ người ta nói đúng?! Chỉ cần nhìn hơi khắt khe một chút, sẽ thấy học sinh bây giờ tự do hơn trong cả phát ngôn và hành động. Cũng qua rồi cái thời học sinh và thầy cô là quan hệ kiểu "kính nhi viễn chi" – chỉ dám ngưỡng vọng từ xa chứ chẳng mấy khi dám lại gần. Học sinh lại đưa nhiều yếu tố xã hội đương đại vào môi trường sư phạm làm người ta băn khoăn liệu như thế có mô phạm hay không? Ngẫm cho cùng thì sự đúng sai cũng chỉ là tương đối, có chăng là do cách nhìn. Nhìn sâu thêm, rộng thêm một chút thôi, sẽ có ít nhiều điều "biện minh", "cứu cánh".

Học sinh giờ năng động lắm! Nhiều em chủ động tìm thầy để học hỏi, xin chia sẻ kinh nghiệm. Nhiều em xông xáo ra ngoài môi trường sư phạm, rèn luyện các kĩ năng thực tế mà Nhà trường chưa trang bị hết cho các em. Nhiều em hăng hái, say mê kiếm tìm cái mới – từ cái mới trong học thuật đến cái mới trong hoạt động phong trào… Các em thôi "kính nhi viễn chi" để đến gần hơn với thầy cô giáo,  mạnh dạn chia sẻ với thầy cô tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và cả những rắc rối thường nhật. Xét ra, chia sẻ bao giờ cũng là nhu cầu bản năng của mọi con người. Và học trò vẫn tìm đến thầy cô đấy chứ! 20/11giờ không còn nhiều cảnh "rồng rắn" nữa có thể ít hoa hơn nhưng thay vào đó là những bông hoa đẹp trên thiếp điện tử, những lời chúc qua email, qua tin nhắn, qua facebook, những comment của các em vẫn đầy tình cảm. Thời đại bây giờ là thế mà, ta phải làm quen theo những cách tiếp cận mới. Chứ thực ra tình cảm thầy trò, tự thân nó đã là tốt đẹp và mãi là như thế.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm nay là một ngày khá đặc biệt trong quan niệm của nhiều người: tròn 30 năm kể từ Lễ kỉ niệm đầu tiên. 30 năm không nhiều nhưng đủ dài để xã hội biết tôn vinh những hi sinh, nỗ lực của mọi thế hệ giáo viên; để các thế hệ trẻ hiểu dù xã hội biến đổi ra sao, vẫn luôn luôn có một ngày mà tất cả chúng ta đều hướng lòng tri ân tới các thầy cô giáo.

Năm nay, chẳng rõ, vào đúng ngày kỉ niệm, trời có trở gió nữa hay không? Nhiều người bảo tự nhiên họ thấy nao lòng – nao lòng tiếc nuối về một thời học trò đã qua, nao lòng khi nghĩ đến những người đã từng yêu thương, truyền thụ tri thức và bài học cuộc sống cho mình ở trường cũ, nao lòng nhớ những người chèo đò thầm lặng, nao lòng cả khi nghĩ tới tương lai – ngay cả tương lai gần thôi, rằng có hẹn nhau đến thăm thầy cô giáo cũ được không… Nao lòng thường làm người ta buồn, buồn man mác. Nhưng rồi cảm xúc ấy cũng qua nhanh như một đêm trở gió. Rồi vào những ngày đặc biệt như thế này, ít nhiều người ta đã lắng lại để nhớ, tri ân và thì thầm lời biết ơn sâu sắc nhất tới thầy cô của mình…          

Quang Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201211/Nghe-giao-that-dac-biet-1964991/

"Phát sốt" vì 4 nữ giáo viên xinh đẹp

Posted: 18 Nov 2012 08:12 PM PST


Phan Hồng ANh – cô giáo dạy Toán tại Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
 


Khi còn học tập tại ĐH Sư phạm Hà Nội, Hồng Anh đã tham gia cuộc thi Imiss Thăng Long 2010 và trở thành Á khôi 1.
 


Không những xinh đẹp mà Hồng Anh cũng nổi tiếng vì học rất giỏi.
 


Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm 1, Phan Hồng Anh trở thành giáo viên dạy Toán tại Trường THPT Amsterdam, nơi sản sinh ra nhiều thế hệ học trò tài năng của Thủ đô Hà Nội.
 


 

Trong tà áo dài trắng tinh khôi, cô giáo Hồng Anh rạng rỡ cùng các học trò.
 


 

Hồng Anh diện áo dài trắng đẹp như một thiên thần.
 


 

Lê Quỳnh Trang, Giảng viên Khoa Quản lý Văn hóa Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
 


Quỳnh Trang tốt nghiệp Khoa Huấn luyện múa Trường ĐH Sân khấu Điện Ảnh, nhưng cô gái xinh đẹp này đã không gia nhập các đoàn ca múa nhạc mà chọn bến đỗ là một ngôi trường.
 


Cô giảng viên xinh đẹp của ĐH Văn hóa từng đoạt ngôi vị Á khôi của cuộc thi Imiss Thăng Long 2009.
 


Nữ giảng viên trẻ tuổi khoe vẻ đẹp quyến rũ khi mùa xuân về.
 


Giảng viên xinh đẹp Lê Quỳnh Trang khiến cho giới sinh viên ĐH Văn hóa “phát sốt” khi cô mới về trường.
 


Quỳnh Trang sở hữu một gương mặt khả ái, đôi mắt đẹp và nụ cười vô cùng duyên dáng.
 


 

 

Ngoài thời gian giảng dạy, Quỳnh Trang cũng tham gia một số chương trình biểu diễn và nhận vai một số bộ phim phù hợp.
 


Vũ Hồng Nhung, Á khôi 2 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (năm 2010) cũng thủ khoa đầu ra năm 2012 của trường (chuyên ngành Ngữ văn) được Hà Nội đề nghị tuyển thẳng vào Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam.
 


Điểm học tập toàn khóa của cô bạn quê gốc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định này là 8,71
 


Trong thời gian học đại học, Vũ Hồng Nhung nhiều lần đạt được các giải về thi nghiệp vụ sư phạm như: Huy chương Bạc nghiệp vụ sư phạm toàn quốc 2009-2010; Giải Nhì thuyết trình văn học, giải Nhất ứng xử sư phạm cấp khoa; Giải Nhất, Nhì, Ba toàn đoàn hội thi nghiệp vụ sư phạm cấp trường 4 năm học; Giải thưởng Sao tháng Giêng năm của Trung ương hội Sinh viên Việt Nam.
 


Phan Thị Minh Nga từng 3 lần đoạt danh hiệu Hoa khôi: Hoa khôi trường Quốc học Huế, Hoa khôi Đại học Kinh tế và Hoa khôi Đại học Huế 2008.
 


Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế (ĐH Huế), Minh Nga được giữ lại làm giảng viên của trường.
 

Trúc Diệp (Tổng hợp)

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Phat-sot-vi-4-nu-giao-vien-xinh-dep/251190.gd

Chuyện dân gian dạy “xử lý” mặt trái thế nào?

Posted: 18 Nov 2012 08:09 PM PST

Truyện dân gian của bất cứ dân tộc nào cũng nhằm chuyển tải nền tảng đạo đức của nhân loại. cũng gồm các đức khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, cũng kêu gọi "bầu thương bí"…


'Ngon gì mà ngon'

Gần đây, ở Việt Nam rộ lên chuyện có nên để đoạn kết Tấm – Cám như cổ truyền, hay là cắt đi, hoặc thay một "kết" khác. Đây là một thảo luận vô cùng hay, và các lứa tuổi dường như đã đồng ý với nhau là nên để Tấm Cám kết như nguyên bản.

Từ đây, triết lý về "hậu" của câu chuyện Việt Nam dường như thay đổi, đúng hơn là nó lại giống với quan niệm của ông bà ta về thiện – ác, theo thiển ý của tôi, trên nền ký ức về những điều các cụ đã dạy mình.

Theo tôi, "các cụ" không phân chia người ta theo hai hướng hiền nhân – ác nhân, mà tách bạch hai dạng hành vi "đúng" và sai". Những hành vi sai (bất luận của ai) phải bị trừng phạt, người không phạt được, thì "trời" phạt…

Trước đó, đã có  một xu thế xây dựng "cô Tấm dịu hiền", so với đoạn kết "có còn xin miếng" thuần Việt (mô típ "Lọ Lem" của thế giới thường kết "có hậu" truyền thống), có phần "vênh váo"? Cũng chẳng "vênh".

Hồi nhỏ, tôi đã rất ấn tượng với câu thơ: Đạp quân thù xuống đất đen/Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa, vì nó khớp với các anh hùng miền Nam "hiền khô", như các chú Huỳnh Văn Đảnh, Vai, Trần Dưỡng (và cả cô Mười Lý)… ra thăm miền Bắc khoảng trước Tết Mậu Thân. Hình ảnh các cô chú ấy còn quay lại với tôi sau khi họ đã trở về Nam chiến đấu, mỗi lần tôi chui vào xó, vừa khóc vừa đọc Sống Như Anh, hay sách về chị Út Út Tịch…

Có phải vì được thời gian thanh lọc, mà các chuyện dân gian như sống mãi trong lòng nhiều thế hệ, không chỉ ở Việt Nam. Khi nước nguồn về Hồng Hà, Cửu Long… bị chặn lại, không thể không nhớ đến sự tích Cóc kiện trời. Đồng thời, qua sự tích này, ông cha nhắn nhủ rằng không có tình huống nào gọi là "bó tay", và không nhất thiết chỉ có hai tuyến, thiện nhân và ác quỷ, mà ở giữa còn có một "ông trời" lờ phờ, đểnh đoảng, thấp cơ…

Mỗi tuổi, chúng ta lại nhìn lại, để thấy chuyện dân gian, ít nhất, không vào hùa ca ngợi một số giá trị (theo kiểu hè nhau tô hồng màu cờ thắng lợi, bỏ qua những "bè trầm" của cuộc kháng chiến), và bỏ bê một số giá trị, hoặc bài học khác. Càng ngày càng nhận thấy ông cha ta đã không giáo điều, không đạo đức giả, không cố tìm "đuôi mới" lắp vào chuyện Tấm Cám.

Thần Hạn hán "giam" nước trên mặt đất vào một cái "đập" ở gần Thiên môn (Cổng nhà trời)

Đồng thời, việc để Tấm xử lý quyết liệt tiêu cực như thế, có thể thấy
quan niệm "sống có hậu" của "các cụ" không phải là "ở hiền gặp lành" một
cách đơn thuần. Và khái niệm "ở ác gặp ác" cũng đủ nghĩa hơn, gồm cả
việc hiền nhân dùng các biện pháp bạo lực chính nghĩa để chống lại cái
Ác. Người hiền không thể mũ ni che tai, mà phải tự đào tạo bản lĩnh cho
mình đủ sức chống lại thủ đoạn phi nghĩa.

"Cóc kiện trời" (Скоро будет дождь) là một những bộ phim hoạt hình được ưa thích nhất ở Nga)

Alice đến xứ… không diệu kỳ

Khi đọc một sách khá tiêu biểu, nói về lịch sử "vừa đánh vừa đàm" của dân tộc, dẫn đến Hiệp định Paris (cuốn Không hòa bình chẳng danh dự/No peace no honor), tôi nhận thấy tác giả Larry Berman đôi lần dùng đến điển cố Alice, nhưng từ những cuốn sau "Xứ sở diệu kỳ". Thậm chí tên của một chương quan trọng cũng được đặt theo tên một sách của Lewis Carroll (cuốn Jabberwoky), trong bộ sách về Alice… Dẫn đến những người đọc nào không đọc cả bộ Alice, gồm cả những phần "không diệu kỳ", sẽ bị thiếu vốn!

Vấn đề là ở ta, hễ nói đến Alice là lại thấy hào nhoáng lên những xứ sở thần tiên. Việc dịch sách nước ngoài nếu chỉ chạy theo những "bồng lai tiên cảnh", có thể ngại giới thiệu tiếp những sách rất đáng học của cùng một tác giả?

Nói riêng, ba cuốn tiếp theo, cũng rất nổi tiếng của tác giả cuốn "Alice đến xứ sở diệu kỳ" lại hầu như không được biết đến ở giới trẻ Việt. Có phải vì tác giả Lewis Carroll (nhà văn đồng thời là nhà toán học Anh) về sau có một cái nhìn bi quan hơn với cuộc sống? Hay ông đã chủ động dần lái thế giới quan của trẻ theo hướng: cuộc sống vẫn đẹp, nhưng không mãi thuần phác, như tuổi thơ; cuộc sống nhiều góc cạnh, nhưng về cơ bản là hướng thiện (?)

Quay lại với sách Không hòa bình chẳng danh dự. Theo thiển ý của tôi, tác giả Larry Berman đã sử dụng thành công điển cố Alice đến xứ sở… không diệu kỳ, như một cách thể hiện nhân tình thế thái thời kỳ bản lề dẫn đến ký kết Hiệp định Paris về Việt Nam.

Điều lạ là bản dịch tiếng Việt của cuốn Không hòa bình chẳng danh dự không chú thích gì để những ai không đọc toàn tập "Alice" của Lewis Carroll có thể hiểu được. Ngược lại, sách tiếng Anh về kháng chiến ở Việt Nam thường "chịu khó" chú thích các tích cổ, như "Thánh Gióng", "Tết Quang Trung"…

Tên một chương của sách Không hòa bình chẳng danh dự được đặt theo một tục ngữ Việt Nam, để thể hiện một triết lý của nhân loại: Không thể lấy thúng úp voi…

Truyện dân gian của bất cứ dân tộc nào cũng "giống nhau", cũng nhằm chuyển tải nền tảng đạo đức của nhân loại.

Hẳn vì các chuẩn mực về đạo đức của các dân tộc nào cũng gồm các đức khiêm tốn, thật thà, dũng cảm, cũng kêu gọi "bầu thương bí"… Và cũng dạy ta phải tranh thủ thời gian, chắt chiu thời cơ, tự trang bị những kỹ năng, những thủ đoạn đối phó, đấu tranh, chứ không chỉ biết ngồi khóc, chờ Bụt hiện lên cứu giúp…

  • Lê Đỗ Huy

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97383/chuyen-dan-gian-day--xu-ly--mat-trai-the-nao-.html

“Chính sách học phí thấp đang trợ cấp ngược cho người giàu”

Posted: 18 Nov 2012 03:53 PM PST

Bất cập do đầu tư bình quân, cào bằng cho Giáo dục Đại học

 

 

Theo TS. Nguyễn Trường Giang, việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ sở đào tạo công lập hiện mang tính bình quân, cào bằng, chưa gắn với nhu cầu đào tạo, cơ cấu ngành nghề và chất lượng đào tạo.

 

"Hiện nay, việc giao dự toán ngân sách nhà nước cho các cơ sở giáo dục đại học công lập được thực hiện theo cơ chế khoán, việc giao khoán được căn cứ vào khả năng của ngân sách, dự đoán được giao năm trước để làm căn cứ giao khoán năm sau", TS Giang nói.

 

"Tuy nhiên, hàng năm có sự thay đổi nhiều về số lượng, cơ cấu đào tạo, giá cả… nhưng việc giao khoán không gắn với số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo. Hơn nữa, căn cứ được giao khoán dựa trên dự toán được tính toán theo định mức phân bổ ngân sách nhà nước quy định tại công văn số 562/HCSN (ngày 3/3/1998) của Bộ Tài chính, đến nay cũng đã không còn phù hợp với thực tế".

 

Ảnh minh họa

Ông Giang cũng nhấn mạnh: "Việc duy trì mức học phí thấp dưới mức chi phí đào tạo dẫn đến việc hỗ trợ của Nhà nước mang tính chất bình quân, cào bằng đối với tất cả các đối tượng học sinh, sinh viên, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo và gia đình trung lưu. Sinh viên các gia đình có thu nhập cao chiếm tỉ lệ không nhỏ, điều này dẫn đến một thực tế là chính sách học phí thấp của chúng ta lại đang trợ cấp ngược cho người giàu".

 

Đồng ý với quan điểm này, PGS.TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc đầu tư bình quân cho sinh viên các ngành học khác nhau với một khoản kinh phí như nhau từ ngân sách nhà nước là điểm bất cập hiện nay. "Với những ngành nhu cầu xã hội cần nhiều, người học thích học sẽ phải chịu một cơ chế khác so với những ngành học Nhà nước cần nhưng người học chưa mặn mà".

 

Ông Nhã đề xuất: "Sắp tới, đối với sinh viên sư phạm, có thể sẽ không miễn giảm học phí như trước, mà được cho vay như với sinh viên khác. Nếu ra trường, người tốt nghiệp làm trong ngành giáo dục thì được miễn giảm phần trả, nếu công tác ngoài ngành, sẽ có cơ chế bồi hoàn lại kinh phí đào tạo".

 

Cần phải tính đủ chi phí đào tạo

 

 

Theo TS Nguyễn Trường Giang, đối với giáo dục đại học, việc tính đủ học phí là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế về giáo dục đại học. Học đại học để có nghề, tạo thu nhập kiếm sống nuôi sống bản thân và gia đình nên người học phải đóng đủ học phí.

 

"Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta phải chấp nhận quy luật là tiền nào, của đó, dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ xã hội có nhu cầu cao thì giá phải cao và ngược lại", ông Giang nêu quan điểm.

 

Ý kiến này cũng nhận được sự ủng hộ của bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính. "Lương giáo viên tăng nhưng chất lượng giáo dục không tăng kịp với tốc độ đó, bởi lẽ lương tăng nhưng phần ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng không nhiều. Theo quan điểm của tôi, giáo dục là một dịch vụ và phải tính đủ giá dịch vụ".

 

"Theo định hướng dự kiến đổi mới tới đây, chi phí cho giáo dục Đại học (GD ĐH) phải được tính đủ. Chi phí cho một sinh viên y khoa chẳng hạn, tính đủ là 50 triệu đồng/năm; sinh viên kinh tế là 30-40 triệu đồng. Đối với những ngành có khả năng phân hóa cao, người học có nhu cầu thì ngoài phần ngân sách hỗ trợ được bao nhiêu, nhà nước sẽ cho phép các trường được trợ thu để đảm bảo đủ chi phí đào tạo", bà Minh nói.

 

Tự chủ tài chính phải gắn với trách nhiệm xã hội và chất lượng

 

 

Ủng hộ việc từng bước trao quyền tự chủ tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học nhưng PGS.TS Phùng Xuân Nhạ, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, cho rằng cơ chế tự chủ tài chính hiện tại vẫn còn nhiều bất cập.

 

"Mặc dù là tự chủ về tài chính nhưng các trường tự chủ không được tự xác định mức học phí, vẫn phải tuân thủ mức trần học phí, vốn rất thấp được quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, các trường không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với năng lực và tình hình thực tiễn của mình.

 

Với những trường tự chủ một phần, nhà nước còn thực hiện cơ chế khoán ngân sách cho từng trường, với mức khoán chưa gắn với nhiệm vụ được giao, chất lượng đào tạo và sản phẩm đầu ra", ông Nhạ dẫn giải những bất cập chính liên quan tới nguồn thu trong cơ chế tự chủ hiện hành.

 

Để giải quyết những bất cập trên, theo PGS. TS Phùng Xuân Nhạ, nhà nước cần tạo một cơ chế đầy đủ hơn cho các trường. Đi kèm với việc giao quyền tự chủ là việc tăng cường trách nhiệm giải trình của các các trường, tăng cường giám sát của nhà nước và cộng đồng với các trường qua các tiêu chí cụ thể và minh bạch.

 

"Việc chi tiêu của các cơ sở giáo dục phải minh bạch và phải công bố công khai. Cơ quan nhà nước phải tăng cường giám sát. Đồng thời phải có chế tài cụ thể cho việc tự chủ thì những người thực hiện mới yên tâm triển khai", ông Nhạ nói.

 

Ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ giáo dục Ban Tuyên giáo Trung ương, tán đồng: "Tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, người đứng đầu phải có trách nhiệm với sản phẩm đầu ra của mình, phải có cơ chế giám sát cam kết xã hội về chất lượng đào tạo".

 

Mạnh Hải

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chinh-sach-hoc-phi-thap-dang-tro-cap-nguoc-cho-nguoi-giau-664176.htm

Đầu tư cào bằng cản trở giáo dục đại học

Posted: 18 Nov 2012 03:53 PM PST

Đầu tư cào bằng cản trở giáo dục đại học

TT – "Cơ chế tài chính hiện tại là lực cản, giống như một tảng băng lớn ngăn không cho giáo dục ĐH có điều kiện bứt phá".

PGS.TS Đinh Văn Nhã, phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội, khẳng định như vậy tại hội thảo "Đổi mới cơ chế đối với giáo dục ĐH" do Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội tổ chức ngày 17-11.

Sinh viên ngành môi trường Trường ĐH Văn Lang trong một giờ học - Ảnh: Như Hùng

PGS.TS Đinh Văn Nhã cho rằng việc đầu tư bình quân cho SV các ngành học khác nhau một khoản kinh phí như nhau từ ngân sách nhà nước là không ổn. "Với những ngành nhu cầu xã hội cần nhiều, người học thích học sẽ phải chịu một cơ chế khác so với những ngành học Nhà nước cần nhưng người học chưa mặn mà" – ông Nhã nói.

Bao nhiêu tiền cũng không đủ

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Trường Giang – phó vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp Bộ Tài chính – khẳng định: "Ngân sách nhà nước dành cho giáo dục có tăng lên bao nhiêu nữa cũng không thể bao cấp đồng loạt cho tất cả ngành học, đối tượng học ĐH như hiện nay. Điều này ngay cả các nước giàu cũng không thực hiện được".

Ông Giang dẫn chứng: "Sự dư thừa nhân lực ngành tài chính – ngân hàng so với nhu cầu đã được cảnh báo. Điều tra mới nhất của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính và Hay Group cho kết quả năm 2013 sẽ có 12.000 SV chuyên ngành tài chính – ngân hàng thất nghiệp hoặc phải tìm việc khác khi sẽ có 32.000 SV chuyên ngành này ra trường, nhưng chỉ có 20.000 người được các tổ chức tài chính – ngân hàng tuyển dụng. Còn trong bốn năm tới, số SV tài chính – ngân hàng không được tuyển là 13.000 người". Các chuyên gia cho rằng Nhà nước phải có chính sách can thiệp mạnh để tránh lãng phí nguồn lực đào tạo. "Có thể phải cắt giảm ngay mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước qua học phí thấp đối với SV tài chính – ngân hàng" – ông Giang đề xuất.

Phải chấp nhận quy luật "tiền nào của đó"?

Cho rằng mức học phí rẻ hiện nay gây cản trở chất lượng giáo dục khi vì nguồn thu quá hạn chế, các trường cố gắng tăng số lượng người học để tăng thu nhập nên không bảo đảm được chất lượng, ông Nguyễn Trường Giang đưa ra giải pháp "phải từng bước tính đủ chi phí đào tạo cần thiết trong học phí".

Theo ông Giang, mức học phí dưới chi phí đào tạo quá nhiều (dự kiến đến năm 2015 mới đáp ứng được 40-50% chi phí đào tạo cần thiết) khiến việc hỗ trợ của Nhà nước mang tính bình quân, cào bằng, không có sự phân biệt giữa học sinh gia đình nghèo, thu nhập thấp với học sinh gia đình trung lưu thu nhập cao. "SV các gia đình có thu nhập cao chiếm tỉ lệ không nhỏ, nên chính sách học phí thấp lại trợ cấp ngược cho người giàu. Trong cơ chế thị trường, phải chấp nhận quy luật "tiền nào của đó", dịch vụ chất lượng cao, xã hội có nhu cầu cao thì giá cao và ngược lại" – ông Giang nói.

Theo nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM, chi phí đào tạo hiện tại của nhà trường ở mức trung bình là 7,15 triệu đồng/SV/năm (trong đó ngân sách nhà nước cấp 40%; học phí, lệ phí 50%; các nguồn thu khác 10%). Mức chi phí đào tạo hiện nay được trường cho là không bảo đảm được chi phí giảng dạy, nghiệp vụ chuyên môn… Nhóm nghiên cứu tài chính của trường đã đưa ra mức chi phí đào tạo chung toàn ngành đến năm 2015 là 19,1 triệu đồng/năm, trong đó nhóm ngành kỹ thuật là 24,5 triệu đồng/năm, ngành khoa học tự nhiên là 23,2 triệu đồng/năm, khoa học xã hội và nhân văn 16,8 triệu đồng/năm, công nghệ thông tin 17,3 triệu đồng/năm, kinh tế 14,8 triệu đồng/năm.

Riêng ngành y được tính chi phí đào tạo đặc thù lên mức 50 triệu đồng/năm. Với mức tính chi phí đào tạo tăng dần đến năm 2020 từ 7,15 triệu đồng/SV/năm (năm học 2011-2012) lên mức 24,4 triệu đồng/SV/năm (2020) thì dự kiến học phí của đại học này sẽ tăng từ mức hơn 4,29 triệu đồng năm học 2010-2011 lên 15,66 triệu đồng năm 2014-2015 và 19,99 triệu đồng/SV/năm vào năm 2020.

Với lộ trình tăng học phí để thúc đẩy tăng chất lượng, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi cả cách đầu tư ngân sách cho giáo dục. Ông Nguyễn Đắc Hưng – vụ trưởng Vụ giáo dục Ban Tuyên giáo trung ương – cho rằng cần thay thế việc đầu tư ngân sách chia theo số chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào bằng cách đầu tư dựa trên đầu ra. "Tự chủ phải đi kèm với trách nhiệm giải trình, người đứng đầu phải có trách nhiệm với sản phẩm đầu ra của mình, phải có cơ chế giám sát cam kết xã hội về chất lượng đào tạo" – ông Hưng nói.

Chi hàng tỉ USD/năm cho trường ĐH nước ngoài

Đó là ước tính của ông Nguyễn Trường Giang về lượng ngoại tệ VN phải "đổ" ra nước ngoài mỗi năm cho hơn 100.000 du học sinh đang học tại các nước trên thế giới, với mức chi trung bình 10.000 USD/du học sinh/năm. Câu trả lời cho tình trạng này là do chất lượng giáo dục ĐH VN còn yếu kém.

Theo ông Đặng Kim Vui – giám đốc ĐH Thái Nguyên, việc phụ huynh chọn lựa môi trường học tập ở nước ngoài chứng tỏ nhiều gia đình VN rất giàu. Có điều kiện kinh tế, gia đình nào cũng muốn gửi gắm con em vào môi trường giáo dục mà họ có thể đặt trọn niềm tin. Theo ông Vui, việc giao tự chủ cho các trường rất tốt, nhưng phải đi kèm các điều kiện bảo đảm chất lượng. Ở Hà Lan, nhà nước có thể chi vài trăm triệu USD cho một trường ĐH/năm, nhưng sự đầu tư của họ không lãng phí khi chất lượng giáo dục, điều kiện đào tạo, giảng dạy được kiểm định đến nơi đến chốn.

Trong khi đó, nhiều trường ĐH VN vì không được kiểm định, có tỉ lệ SV giỏi rất cao mà ít người tin vào chất lượng. "Thực tế, cơ chế tự chủ của trường ĐH chưa đến nơi đến chốn. Phải làm thế nào để doanh nghiệp cũng được đầu tư và hút được đầu tư của doanh nghiệp vào giáo dục. Nhà nước cho trường ĐH 100 tỉ đồng thì sau vài năm cũng tiêu hết, nhưng nếu cho các trường một cơ chế tự chủ, một chính sách tốt thì nhà trường sẽ vận hành để làm ra 100 tỉ đồng ấy" – ông Vui nói.

NGỌC HÀ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/520918/Dau-tu-cao-bang-can-tro-giao-duc-dai-hoc.html

Comments