Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Những bài giảng từ trái tim

Posted: 18 Nov 2012 01:26 AM PST

Những bài giảng từ trái tim

TT – Tối nay (18-11), Thành đoàn TP.HCM vinh danh 149 nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2012. Họ là những người đã dành trọn tình yêu nghề nghiệp cho học trò và những bài giảng của họ đều xuất phát từ trái tim.

Giáo viên Nguyễn Thị Thúy Uyên giải thích với học trò về "Cây mơ ước" – Ảnh: K.ANH

Với những nhà giáo trẻ ấy, việc dạy không chỉ đem đến con chữ, kiến thức mà ở đó còn là bài học làm người cho bao lớp học trò.

"Ánh sáng" từ bài học

Nhận nhiệm sở, đến với những học trò Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) – ngôi trường của học sinh khiếm thị, cô giáo Phạm Thị Thu Thanh nhiều đêm trăn trở tìm phương pháp giảng bài cho các học trò của mình.

"Môn địa lý rất cần các em nhìn và phân tích trên bản đồ, biểu đồ nhưng học trò của mình lại không nhìn được. Mới đầu đứng lớp rất khó khăn, dùng ngôn từ không khéo cũng dễ làm tổn thương các trò. Nhiều học trò còn lớn tuổi hơn cả tôi nữa mà"- cô Thanh tâm sự.

Nhờ đồng nghiệp đi trước chia sẻ cùng những tìm tòi riêng mà cô Thanh đã tự làm dụng cụ dạy học để giúp các em cảm nhận bài học bằng các giác quan khác. Cô dùng phần mềm Quicktac vẽ những bản đồ nổi để các em sờ vào và cảm nhận. Khi dạy về những vùng trọng điểm kinh tế, cô lại dùng mô hình thủ công tự làm để trò sờ vào hiểu được bài giảng.

Giáo viên Phạm Thị Thu Thanh hướng dẫn học sinh khiếm thị làm gốm – Ảnh: K.ANH

Với những vấn đề biển đảo đang nóng trên các diễn đàn mạng, sợ học trò nhận được những thông tin không chính thống, cô Thanh nhanh chóng đưa ngay phần chủ quyền biển đảo vào bài giảng của mình. Cô Thanh cho biết: "Hiểu về chủ quyền biển đảo, nhiều em đã bày tỏ quan điểm rõ ràng và thấy được trách nhiệm của một công dân với Tổ quốc".

Để giúp học trò cảm nhận nhiều hơn về cuộc sống, cô Thanh đã xin ban giám hiệu trường cho ra tận làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) để học nghề làm gốm về hướng dẫn học trò. "Làm gốm đòi hỏi đôi tay linh hoạt, nhờ thế các em sẽ viết bài tốt hơn, vì khi viết chữ nổi rất cần lực từ những ngón tay" – cô Thanh bộc bạch. Cứ thế, khi thấy "món" gì có thể hướng dẫn học trò nhằm giúp các em phát huy hơn nữa những giác quan, để cảm nhận cuộc sống tốt hơn là cô lại tìm tòi và ứng dụng…

Còn cô giáo Nguyễn Thị Thúy Uyên – giáo viên môn giáo dục công dân (Trường THCS Colette, Q.3) – lại tìm kiếm những trò chơi, những câu chuyện, hình ảnh xúc động để giúp bài học của các trò thêm sinh động.

Tiết giảng bài "Mục đích học tập của học sinh" ở khối lớp 6 diễn ra nhẹ nhàng, trước đó cô đã cho các bạn chuẩn bị thuyết trình về ước mơ. Kết thúc bài giảng, những trái táo đem những ước mơ của học trò được gắn lên "Cây mơ ước" do cô Uyên tự thiết kế. Ai cũng vui và tự tin nói lên mơ ước của mình.

"Không phải bài học nào cũng có thể thiết kế thêm trò chơi cho các trò trải nghiệm. Nếu là những bài học sâu lắng thì tôi sẽ kể những câu chuyện xúc động, nhiều trò đã rơi nước mắt khi nghe về tình cảm mẹ cha, cô thầy…" – cô Uyên cho biết.

Lần thứ ba nhận giải thưởng nhà giáo trẻ tiêu biểu, cô Uyên chia sẻ: "Với mỗi bài giảng tôi luôn cố gắng đầu tư, dành hết tâm huyết và giảng bằng chính cái tâm của mình. Nhiệt huyết của người thầy sẽ được bù đắp khi hành vi của trò ngày càng thay đổi theo chiều hướng tích cực". Nhiều trò của cô dù đã ra trường nhưng vẫn liên lạc với cô để tìm nguồn động viên, sẻ chia khi gặp chuyện rắc rối từ gia đình, bè bạn, cuộc sống…

Giảng viên Võ Trung Tín (bìa trái) trong một lần nhận giải thưởng "Nhà giáo trẻ tiêu biểu" – Ảnh nhân vật cung cấp

Người thầy năm lần nhận giải

Nhà giáo trẻ duy nhất năm lần vinh dự nhận giải thưởng là thạc sĩ Võ Trung Tín (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM). Nhằm giúp sinh viên phát huy hơn tinh thần tự học tập và nghiên cứu, thầy luôn giao việc cho các sinh viên thông qua những nhóm thực hiện đề tài thuyết trình. Nhờ thế với môn học về Luật môi trường dưới sự hướng dẫn của thầy, sinh viên sẽ có thêm nhiều bài học từ thực tế.

"Khi dạy, tôi luôn tìm thông tin về những vụ liên quan đến môi trường đang nóng trên các diễn đàn thông tin đại chúng để làm ví dụ và cho các em cùng tranh luận. Nhờ thế những điều luật, nghị định được các em tìm hiểu kỹ hơn, nắm bắt nhanh hơn. Tôi không thích kiểu thầy nói trò nghe"- thầy Tín chia sẻ.

Thầy Tín còn dùng Facebook để vừa chia sẻ những câu chuyện cuộc sống vừa chuyển tải và tạo không khí trao đổi bài học cho sinh viên khối ngành luật. Không chỉ dành nhiều tâm huyết cho bài giảng, thầy còn là một đàn anh trong các phong trào của sinh viên. Từng là bí thư Đoàn trường, nhiều hoạt động tình nguyện hầu như không vắng bóng thầy. Bây giờ khi không còn làm công tác Đoàn, thầy vẫn là một tình nguyện viên đến khắp các vùng miền tư vấn pháp luật trong các chiến dịch Mùa hè xanh.

Bằng mối quan hệ của mình, thầy luôn là người dìu dắt, tìm nơi thực tập, giới thiệu việc làm cho sinh viên của mình. Và mới đây thầy khởi xướng thành lập quỹ "San sẻ yêu thương" nhằm hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn đột xuất. Thầy cũng luôn là người được các sinh viên tìm đến để giãi bày, chia sẻ, tìm nguồn động viên trong học tập và cuộc sống xa nhà…

KIM ANH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/520890/Nhung-bai-giang-tu-trai-tim.html

Vang tiếng hát, lời ca mừng Ngày nhà giáo

Posted: 18 Nov 2012 01:26 AM PST

(GDTĐ)-Sáng nay (18/11), Công đoàn cơ quan Bộ GDĐT khai mạc hội diễn văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và Đại hội công đoàn cấp trên cơ sở lần thứ nhất.

Theo Chủ tịch công đoàn cơ quan Bộ GDĐT Trần Quang Phương, hội diễn năm nay có sự tham gia của hơn 100 lượt diễn viên đến từ 19 đơn vị với tổng số 41 tiết mục. Đây đều là những tiết mục đặc sắc, đã được lựa chọn qua vòng sơ loại.

Sau hội diễn, Ban giám khảo sẽ lựa chọn ra một tiết mục xuất sắc nhất để trao giải đặc biệt. Ngoài ra, hội diễn sẽ trao 4 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba và 28 giải khuyến khích với tổng giá trị giải thưởng trên 19 triệu đồng.

"Mặc dù công việc rất bận rộn nhưng trong những ngày qua, các đơn vị tham gia hội diễn đã tranh thủ thời gian sau giờ làm việc, tập luyện sôi nổi nhằm mang đến hội diễn những màn biểu diễn đặc sắc nhất" – Ông Trần Quang Phương cho biết.

Với những tiết mục mang nội dung ngợi ca nghề giáo, ngợi ca quê hương đất nước, hội diễn văn nghệ do Công đoàn cơ quan Bộ GDĐT tổ chức thực sự là hoạt động ý nghĩa chào mừng dịp đặc biệt là 30 năm Ngày nhà giáo Việt Nam và Công đoàn Bộ GDĐT trở thành công đoàn cấp trên cơ sở.

Sau đây là hình ảnh một số tiết mục tại hội diễn:

Tiết mục mở màn hội diễn của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD. Ảnh: gdtd.vn
Tiết mục mở màn hội diễn của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng GD. Ảnh: gdtd.vn

Tiết mục song ca của Vụ Pháp chế. Ảnh: gdtd.vn
Tiết mục song ca của Vụ Pháp chế. Ảnh: gdtd.vn

Hai diễn viên song ca đến từ Vụ Mầm non. Ảnh: gdtd.vn
Hai diễn viên song ca đến từ Vụ Mầm non. Ảnh: gdtd.vn

Tiết mục hát múa - Vụ Mầm non. Ảnh: gdtd.vn
Tiết mục hát múa – Vụ Mầm non. Ảnh: gdtd.vn

Tiết mục biểu diễn của Công đoàn Khách sạn 23 Lê Thánh Tông. Ảnh: gdtd.vn
Tiết mục biểu diễn của Công đoàn Khách sạn 23 Lê Thánh Tông. Ảnh: gdtd.vn

Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201211/Vang-tieng-hat-loi-ca-mung-Ngay-nha-giao-1964979/

Giới trẻ ‘lần mê cung, hồi lịch sử’

Posted: 18 Nov 2012 01:26 AM PST

– “Lần hồi" – một mê cung của nghệ thuật sắp đặt, một triển lãm lịch sử lấy ý tưởng từ sự chảy trôi của thời gian do nhóm bạn trẻ học sinh – sinh viên thủ đô thực hiện diễn ra ngày 13/11 tại Hồng Mai – Hà Nội.


 

Một hình ảnh tại triển lãm

Đa số khán giả đến với triển lãm "Lần Hồi" là những người trẻ. Họ tò mò, bước vào mê cung có cái tên gọi khó lý giải, và cứ thế, bị lôi kéo vào một không gian kỳ lạ: Trong ánh đèn vàng mờ nhạt, mê cung bắt đầu được mở ra. Cả một dòng chảy lịch sử từ thuở khai thiên lập địa – thời chiến tranh – đến những năm tháng đất nước chuyển mình đổi mới… được tái hiện bằng tranh, ảnh, grafiti, chai nhựa, thậm chí là cỏ, rơm, lá khô…

Người xem đi qua từng chặng mê cung là trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Có người  ồ à thích thú khi được xem lại những truyền thuyết dân gian "trăm trứng nở trăm con",  "bánh chưng bánh dày", những trò chơi dân gian thuở nhỏ như ô ăn quan, nhảy lò cò, lớp học i tờ, bảng đen, phấn trắng.

Có người rùng mình trước dãy dài những chiếc mũ bộ đội gác lên cọc gỗ đẫm màu máu, trước lá cờ đỏ sao vàng phủ lên nấm đất nâu.

Có người lại trầm tư xao động ngắm những pa nô, áp phích thời đất nước đổi mới, ngắm bức tranh vẽ cảnh ngày về của người lính, ôm người thân bằng một cánh tay còn lại, miệng cười nhưng nước mắt tuôn rơi…

Ở cuối mê cung có căn phòng nhỏ phảng phất mùi trầm hương, nơi khán giả có mươi phút tĩnh tâm "lần hồi" lại những xúc cảm đã trải qua.

Không cần những con số, những diễn giải phức tạp nhưng triển lãm Lần hồi gợi mở cho người xem nhiều suy nghĩ và cảm nhận về lịch sử. Lịch sử không phải cái gì khô khan, lớn lao, đó chính là tâm thức nguồn cội, là ký ức tuổi thơ, là dòng chảy văn hóa dân tộc sẵn có trong mỗi người…

Ông Phạm Cao Quý –  khán giả của "Lần Hồi" tâm sự, sau khi phải trải qua những phút tắc đường, bụi bặm ngoài phố để đến đây thì "không gian của buổi triển lãm thực sự đã khiến tôi cảm thấy sững sờ xúc động".

Một khán giả trẻ khác thì chia sẻ, anh đã bị thu hút đến mức xin vào mê cung tới 4 – 5 lần. "Chưa bao giờ tôi được tham dự một triển lãm "lạ" như thế" – anh nhận xét.

Quả thực, "lạ" là cảm nhận của đa phần khán giả khi đến với triển lãm. Họ tò mò bởi cái tên "Lần Hồi", tò mò bởi "Mê cung lịch sử", và đặc biệt, tò mò với cái ý tưởng có phần "khó hiểu" về lịch sử của một nhóm người trẻ đa phần là 9x: "Dự án nghệ thuật cộng đồng – mượn rung cảm thời gian".

"Người trẻ không quay lưng với lịch sử"

Đinh Thảo Linh – SV năm thứ 2 ĐH Ngoại Thương, thành viên của nhóm cho biết, ý tưởng về một dự án liên quan đến lịch sử – nghệ thuật cộng đồng đã được các bạn ấp ủ trong suốt 3 năm. Bắt tay vào thực hiện, nhóm mất gần 4 tháng để xây dựng và đưa "Lần Hồi" đến với các bạn trẻ, ra mắt triển lãm.

Thảo Linh chia sẻ: "Nhiều người nghĩ rằng giới trẻ hiện nay ít quan tâm đến lịch sử, chúng tôi muốn đưa dự án này đến với các bạn trẻ, đánh thực sự quan tâm của các bạn đối với lịch sử, văn hóa, nghệ thuật".

Vô số khó khăn nảy sinh, từ thiếu thốn nhân lực, tài trợ, sự eo hẹp về thời gian, sự nghi ngờ của bạn bè, và thậm chí là của người thân, nhưng họ đã lần lượt vượt qua tất cả với mục đích chính: Đưa văn hóa, lịch sử trở nên gần gũi hơn với giới trẻ Việt, mong muốn đặt những viên gạch đầu tiên cổ vũ phong trào sáng tạo nghệ thuật tìm về với những giá trị bất biến của dân tộc.

Có mặt tại buổi triển làm nhà sử học Dương Trung Quốc – cố vấn dự án cho biết, dự án "Lần Hồi" là một câu chuyện về cách tiếp cận lịch sử của giới trẻ, và là một tín hiệu "vui" với những người quan tâm đến lịch sử như ông.

"Tuy là cố vấn của chương trình, nhưng những góp ý của tôi là rất nhỏ, ý tưởng và cách triển khai hoàn toàn là của các bạn. Nếu để những người lớn làm một triển làm với chủ đề tương tự, có lẽ sẽ không thể làm tốt đến vậy. Thành công của các bạn là gợi ra một cách tiếp cận lịch sử hoàn toàn mới mẻ, độc đáo.Thông qua triển lãm, các bạn đã làm được một điều đó là gắn kết thế hệ này với quá khứ, dân tộc, gia đình và cả nhân loại. Đây là nhận thức quan trọng cần cho mỗi người, mỗi xứ sở, mỗi thời đại nếu muốn hướng lên phía trước. Đã từng có băn khoăn đặt ra, rằng "giới trẻ ngày nay có quay lưng lại với lịch sử hay không"? Câu trả lời xác đáng nhất chính là đây, chính là triển lãm này – người trẻ chưa bao giờ thờ ơ, quay lưng với lịch sử".

Hài lòng với những nỗ lực tiếp cận lịch sử của nhóm dự án Lần Hồi, ông Dương Trung Quốc cũng bày tỏ hi vọng sẽ có thêm nhiều ý tưởng đa dạng về lịch sử do các bạn trẻ thực hiện.

"Người trẻ là nguồn lực mạnh mẽ nhất mà chúng tôi luôn trân trọng" – ông nhấn mạnh.

  • Quỳnh Anh

Một số hình ảnh tại triển lãm:

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97376/gioi-tre--lan-me-cung--hoi-lich-su-.html

Nhớ nhé, cô giáo của ngày mai

Posted: 18 Nov 2012 01:26 AM PST

Con gái mẹ học giỏi đều các môn, cậu con luôn bảo hãy học kinh tế, theo ngành nọ ngành kia để cậu truyền nghề, khi đó chỉ học cấp hai, thế mà con vẫn khăng khăng rằng con chỉ thích làm cô giáo. Mẹ đã rất vui, bởi chính mẹ đã nhen nhóm trong con ước mơ ấy nhưng bên cạnh niềm vui khôn tả, mẹ cũng rất lo, con gái ạ!

Mới đó thôi mà chỉ hơn nửa năm nữa con gái mẹ sẽ tốt nghiệp ĐH. Con đã chọn cho mình bộ môn văn yêu thích để theo đuổi, con muốn nuôi dưỡng tâm hồn cho học trò của con, rằng con sẽ thắp lên trong các em những ước mơ đẹp đẽ, thánh thiện.

Mẹ hiểu, cái hoài bão của con rất lớn, ý chí và sự năng nổ con cũng không thiếu, nhưng kinh nghiệm và sự trải đời, trải nghề thì con chưa có. Con từ nhỏ đã được mẹ bảo bọc, cuộc đời đối với con vẫn lung linh sắc hồng.

Thế nên, hôm rồi, con đã chạy về nhà, ôm lấy mẹ mà khóc nức nở, khóc khi hỏi mẹ có phải con đã chọn nhầm nghề không. Khóc khi muốn bỏ cuộc trước những trở ngại ban đầu.

Mọi chuyện bắt đầu khi ngày đầu tiên đi thực tập, cũng là lần đầu tiên con đứng trên bục giảng với hơn 50 ánh mắt trân trân nhìn con dò xét. Con nghe học trò kháo nhau: "Cô gì mà "xì tin" quá", "người sao mà gầy nhom", "cái áo dài sặc sỡ chúng mày nhỉ"… Sau những săm soi về ngoại hình, học trò bắt đầu điều tra, "cô ơi, cô có người yêu chưa", "người yêu cô làm gì"… Con cố gắng trấn tĩnh trước đám trẻ chỉ cách con vài tuổi, có lẽ vì thế mà học trò cứ vô tư xem con như bạn bè, con nói gì học trò cũng đáp lại một cách táo tợn.

Chưa hết, khi con đang thao thao giảng bài về những câu thơ của Xuân Quỳnh, chợt nhìn xuống lớp, vài em gục mặt lên bàn hồn nhiên ngủ, góc này hai ba em túm lại chơi cờ carô, em thì lấy cuốn sách dựng lên ngụy trang để đọc truyện, chốc chốc lại khúc khích cười, em thì lôi điện thoại nhắn tin hay lướt Facebook…. Con bảo nước mắt chỉ chực trào ra, con đã gắng gượng để nó không phải rơi như một sự bất lực với đám học trò bất trị. Những lời con muốn giảng không còn nữa, con bị phân tâm và cứ thế, con kéo dài những lời sáo rỗng lặp đi lặp lại cho đến hết giờ. Con đã đánh mất sự tự tin và nhiệt huyết ngay trong những va vấp đầu tiên.

Bao giờ cũng thế, kiến thức con học trong sách vở với những trải nghiệm thực tế trên bục giảng hoàn toàn khác nhau, khác xa một trời một vực. Học trò thì thời nào cũng quậy, chẳng thế mà có câu "nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", đằng sau sự quậy phá lém lỉnh đó, đằng sau một vài gương mặt bất trị cá biệt, con hãy chịu khó tìm hiểu nguyên nhân.

Con muốn hiểu tâm lý học trò ra sao thì phải đặt mình vào vị trí ấy – con cũng từng trải qua những ngày tháng học sinh mà, hãy lội ngược dòng để hiểu và bao dung hơn. Nếu bắt gặp những lá thư tình ngây ngô, sướt mướt, đừng vội la ầm lên, hãy tâm sự để các em có thể coi con như người bạn, để rồi từ đó chỉ dẫn cho các em. Mẹ biết ngay cả chuyện tình yêu của con, đôi khi con còn chưa chín chắn, nhưng ít nhất, con phải để học trò thấy sự trưởng thành của con là hơn các em, con gái ạ. Đôi khi con sẽ học được nhiều thứ từ học trò, hãy cởi mở để đón nhận, đừng giữ khoảng cách và đừng ngại tiếp thu.

Cái quan trọng con phải khiến học trò nể phục chứ không phải là quát nạt, ra oai, dọa dẫm để học trò sợ. Sự vị nể tồn tại lâu còn sợ hãi chỉ thoáng qua ở phút giây nào đó, rồi sẽ tan biến ngay. Cách con sống ảnh hưởng đến cái nhìn và cách nhìn của học trò về nghề nghiệp của con.

Phàm ở đời, nghề gì cũng đòi hỏi tiêu chuẩn, nhất là một khi con đứng trên bục giảng để dạy người ta, cái tiêu chuẩn đó được cả xã hội đánh giá và soi vào. Thế nên, con phải sống mực thước, có nguyên tắc, có chừng mực, đừng để phạm sai lầm trong nghiệp vụ, tác phong hay những đàm tiếu không đáng có trong cuộc sống. Mỗi hành động, cư xử, lời nói của con, đều bị đánh giá để làm gương cho học trò. Bởi vậy, hãy luôn nhắc nhở mình, sống sao để học trò vị nể. Đừng sống ủy mị hay giả dối, đừng để một vết nhơ nào lấm lem trên tà áo của con, vì học trò sẽ thấy trước tiên. Những ánh mắt thơ ngây, trong trẻo đó sẽ là tấm gương phản chiếu đầu tiên khi con làm gì sai trái.

Trở thành giáo viên, không chỉ đơn giản như con hằng nghĩ, "ngoài các ngày lễ, sinh nhật ra, con còn được nhận hoa trong ngày nhà giáo, như thế quá vui, mẹ nhỉ". Thế nhưng, để được nhận hoa, để được "tri ân" một cách thành kính, để được học trò cũ nhớ tới con (chứ không chỉ riêng học trò hiện tại) là cả một quá trình phấn đấu miệt mài. Con ngưỡng mộ mẹ vì đến ngày lễ Tết, 20/11, các anh chị học trò cũ về thăm. Có người mang theo cả chồng vợ, con cái, mỗi người một câu chuyện, nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa…

Mẹ nói con nghe, mỗi nghề có cái khắc nghiệt của nghề, "nghề nào nghiệp nấy". Song nếu con chọn cho mình con đường như mẹ, đứng trên bục giảng say sưa với những ánh mắt của học trò thì con hãy luôn giữ cho mình ngọn lửa đam mê ấy và đừng bỏ cuộc, cuộc sống sẽ ghi nhận nếu con cố gắng không ngừng. Đừng bao giờ coi việc thức khuya, dậy sớm soạn bài hay chấm điểm là trách nhiệm nặng nề, hãy làm bằng tất cả sự say mê. Đừng đến lớp bằng tâm trạng bực bội, chán nản, bực tức chuyện ngoài đường, vì như thế con đâu còn tâm trí để truyền thụ những bài giảng cho học trò nữa. Hãy dẹp tất cả qua một bên trước khi con lên lớp. Đừng nóng giận hay mất bình tĩnh trước những ngỗ ngược của học trò, hãy uốn nắn các em một cách nhẹ nhàng nhất mà con có thể…

Nghề gì cũng cần đam mê, nhất là với nghề giáo, nếu không đam mê, đứng trên bục giảng mà cứ chờ hết giờ thì nên xem lại lựa chọn đó. Mẹ tin rằng, con gái mẹ không chọn nhầm đường, với những ước mơ, hoài bão mà con có, nay mai con sẽ vững vàng trên bục giảng, sẽ xứng đáng với những kỳ vọng của ba mẹ và thầy cô, xứng đáng với công sức con đã bỏ ra. Nhớ nhé, cô giáo của ngày mai!

Diệu Ái

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nho-nhe-co-giao-cua-ngay-mai-664077.htm

Không dạy ‘mặt trái’ cho trẻ, gây hậu quả gì?

Posted: 18 Nov 2012 01:25 AM PST

Tôi nhớ Liên Xô một thời "mở cửa". Chị tôi nấu cơm 'ta', hai cậu cháu xem TV. Mỗi lần trên màn hình xuất hiện cảnh tươi mát, chị tôi bỏ đũa bếp xuống, bịt mắt cháu tôi lại…

Không thể mãi "giật dây" con

Tháp ngà

May mà cháu tôi "ngoan", nếu phải con tôi, hôm nay, nó không chịu. Ngược lại, nhờ thời mở cửa Liên Xô ấy, (dù khá bát nháo), nhưng cháu tôi cư xử khá ổn tại thị trường – nó khá "sành", mà vẫn có văn hóa. Còn tôi, vì không được trang bị kỹ năng tài chính gì trong thời "bao cấp", tới hơn hai chục tuổi vẫn là "con gà", cứ ra đến "chợ búa" là bị lừa.

Vì sao không dạy mặt trái xã hội cho con? Vì sợ "gở mồm", sợ con mình không còn "trong sáng"? Muốn "bao bọc", che chắn cho con cái khỏi những tác động tiêu cực của xã hội? Muốn "bao cấp", làm thay con suốt đời?

Về sau tôi đọc "Người trong bao" của Tsekhov (không được dạy trong trường), qua tiếng Nga. Nhân vật chính điển hình đến mức tôi bắt đầu nhận thấy nhân vật này giống toàn phần hoặc bộ phận, với một số người lớn quanh mình. Tôi lấy làm tiếc là mình đã không được đọc, không được học, về các sách như thế sớm hơn. Cho dù tôi đã không màng đến "ô dù" trong đời mình, cũng không sống "hộp" quá (không thu mình lại), theo cách nói thời bao cấp.

Tước vũ khí

Gần đây U60 tôi nghe một bạn cùng trang lứa phàn nàn là cha mẹ, và trường lớp nữa, đã không dạy chúng tôi về những mặt xấu trong xã hội. Chuyện gì "không ổn" đã xảy ra ở nhà và ở trường thời "bao cấp"?

Theo tôi, ít nhất, đã có xu hướng nhào nặn "lịch sử" (trình bày phiến diện, các bối cảnh lịch sử của một sự kiện, phản  ảnh một chiều nhân cách của các nhân vật lịch sử, nhấn mạnh thắng lợi; các bài học lịch sử "thuốc đắng dã tật" lu mờ), và "kiểm duyệt" các bài sẽ đưa vào dạy ở môn Văn. Thơ chẳng hạn, chỉ dạy các tác giả "vừa hồng vừa chuyên", thậm chí chỉ "hồng". Ví dụ, chúng tôi đã không được dạy các bài Màu tím hoa sim, thậm chí "Tây Tiến"… Đây hẳn là một số nguyên nhân làm học sinh trở nên vô cảm với hai môn vô cùng quan trọng.

Phải chăng vì đã mặc định là mọi sự trong xã hội định hướng XHCN tất yếu sẽ tốt lên, các mặt tiêu cực chỉ là hiện tượng, không mang tính bản chất, chỉ là tạm thời?

Đến khi Liên Xô sụp, nhiều điều được vỡ ra, ít nhất là bài học "có thực mới vực được đạo" được nhớ lại.

Riêng với trường hợp Liên Xô, bên cạnh thành tựu rõ nét của giáo dục và văn hóa xô viết, có cả trường phái hôm nay cho rằng, vì trước đó chỉ chăm chăm dạy những điều tốt, nhiều trẻ em, và cả một số đông các cựu công dân xô viết đã bị "tước vũ khí" khi hòa nhập vào một xã hội thị trường, lại mang đậm nét 'vô chính phủ'.

Trở lại với giáo dục "bao cấp" Việt Nam, đã có hay không, ý thích chủ quan là mọi chuyện phải được kết thúc có hậu, chẳng hạn, theo kiểu "ta nhất định thắng, địch tất thua"; đã luôn áp đặt trong đánh giá đến mức truy chụp? Nhưng trong đời sống trường lớp, cái nhìn thực tiễn vẫn là chủ đạo: trực diện với các vấn đề tuổi học trò, Nhà và Trường quan hệ chặt, Đoàn – Đội "chưa chạy theo thành tích ảo", nếp sống tuân thủ pháp luật khá nghiêm và tình người còn đậm, làm cho những vụ "tự tử vì làm mất tiền quỹ lớp" khó xảy ra..
.
Chuyện nhạy cảm

Tôi từng muốn đăng một bài dịch tổng hợp từ sách của một nhà sử học Mỹ nổi tiếng về sự kiện Mỹ phong tỏa cầu cảng miền Bắc năm 1972, nhưng không mấy ai quan tâm. Hẳn vì bài chứa đựng những chi tiết, lấy từ lưu trữ quốc gia Mỹ về cách xử sự của hai đồng minh to thuộc phe XHCN? Cho dù bài cũng cho thấy Việt Nam thời ấy "vững tay chèo", vẫn "nhằm thẳng hướng mà đi".

Có cần phải e ngại, không muốn cho thế hệ sau biết rằng, "Vì độc lập, vì tự do", cha anh đã từng phải men theo lối đi chênh vênh bên vực thẳm, không chỉ của thù địch, mà cả của bội bạc, thất tín để rút ngắn, từng ngày, tình trạng đất nước bị chia cắt?

Đơn giản hơn, cô giáo dạy văn của tôi, nếu hôm nay lại đứng trên bục giảng, chắc cô khó cất giọng như đọc thơ của mình để bình giảng Truyện Kiều: "Xã hội phong kiến rất nhiều Kiều". Đi về nhà mình mỗi sẩm tối qua một bảo tàng đẹp nhất, thấy trên hè đường là một "hàng rào danh dự" nghịch nghĩa, gồm những cô gái trẻ, ăn mặc cũn cỡn, co mình trước gió. Con hỏi "sao các cô đứng đây?". Tôi chẳng biết nói sao.

Dạy xử lý 'mặt trái' thế nào?

Có nên can thiệp trực tiếp mỗi sự vụ, hay có nên vứt con "chưa biết bơi xuống nước"?

Con tôi có một số bạn ở trên Facebook của nó, và chúng thường xuyên trao đổi.

Có lần một cô bé Mỹ phàn nàn bị một bạn trai dính kẹo cao su vào tóc. Con tôi (học một trường quốc tế Đông Âu ở Hà Nội) khuyên nên mách thày Hiệu trưởng. Nhưng các bạn Mỹ nói nên tự mình xử lý lấy. Còn ở trường con tôi, có lần thày giáo Tây còn tới một cửa hàng gần trường, nơi dường như đã lừa tiền của một nữ học sinh Việt của thày, để làm rõ chuyện.

Với Việt Nam, nên chăng, vẫn áp dụng cách "giải quyết mặt trái " đời học trò của thời bao cấp. Đó là: cá nhân học sinh gặp vấn đề hết sức tự lực cánh sinh để xử lý, trong sự tương trợ, hướng dẫn đúng mực của thày, bạn, cha mẹ, đoàn thể?

Dạy "mặt trái" cho trẻ, chắc vẫn phải "gạn đục, khơi trong".

  • Lê Thành

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97368/khong-day--mat-trai--cho-tre--gay-hau-qua-gi-.html

Công bố 130 kết quả nghiên cứu khoa học

Posted: 18 Nov 2012 01:25 AM PST

Công bố 130 kết quả nghiên cứu khoa học

TT – Ngày 17-11, Đại học Đà Nẵng tổ chức hội nghị khoa học lần 5 (năm 2012) thu hút sự tham gia của 250 nhà khoa học, quản lý và cán bộ, giảng viên các trường thuộc Đại học Đà Nẵng và các giáo sư – tiến sĩ của Trường đại học Aston (Vương quốc Anh).

130 đề tài nghiên cứu khoa học của các cán bộ, giảng viên thuộc Đại học Đà Nẵng và Trường ĐH Aston đã được chọn để báo cáo, công bố kết quả nghiên cứu mới nhất.

Theo PGS.TS Trần Văn Nam – giám đốc Đại học Đà Nẵng, từ năm 1994 đến nay Đại học Đà Nẵng đã triển khai 1.473 đề tài nghiên cứu khoa học các loại. Đặc biệt, có tám bằng độc quyền sáng chế trong và ngoài nước, nhiều đề tài nghiên cứu đã được ứng dụng rộng rãi vào đời sống sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của TP Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung – Tây nguyên.

HẢI THƯ

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/520915/Cong-bo-130-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc.html

Ngàn lần tri ân những người kỹ sư tâm hồn vĩ đại

Posted: 18 Nov 2012 01:25 AM PST

(GDTĐ) – Tháng mười một tiết trời se se, trong cái rét non mơn trớn thịt da, khiến ta dễ lâng lâng đến lạ. Bao kỷ niệm dạt dào về thầy cô, về mái trường lại trào dâng, bởi lẽ tháng mười một có ngày đặc biệt: Ngày Nhà giáo Việt Nam.

 

Dẫu mỗi năm có một ngày đặc biệt ấy và hàng ngày vẫn hai tiếng "thầy cô" thiêng liêng vang lên từ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi con người một cách thân thương, nhưng sao cứ đến tháng 11 nó vẫn làm lòng người xốn sang đến lạ kỳ. Thế mới biết cái nghề dạy học và đạo lý thầy – trò với truyền thống tôn sư trọng đạo được người Việt Nam ta ủ giữ thật đáng quý trọng biết bao, nó ăn sâu vào trong tiềm thức của mỗi người và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tình cảm ấy như một khoảng trời trong xanh mà dẫu giông tố bão bùng cũng không thể làm nhạt phai, nó như một mạch nguồn chảy mãi, nuôi dưỡng tâm hồn những người con đất Việt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng năm qua đi, suy nghĩ lớn lên ta càng hiểu sâu sắc vai trò của người những người thầy. Có ai đó đã nói ra rằng: "Con người không phải là chiếc bình nước cần được đổ đầy mà là ngọn đèn cần được thắp sáng. Chính thầy cô là những người lặng lẽ thu nhặt những mảnh vỡ cuộc đời, thắp lên ánh sáng hy vọng ấm áp". Đó là cả một quá trình của sự nghiệp cao quý "trồng người".  Chặng đường khơi dậy những tâm hồn và truyền vào đó ánh sáng của tri thức thật lắm gian nan thử thách nhưng cũng rất đỗi vinh quang. Biết bao người thầy đã đi vào huyền thoại lịch sử, bất tử với thời gian, sống mãi trong lòng ngưỡng mộ, làm cảm phục biết bao thế hệ con người như các thầy: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Võ Trường Toản, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Lân, Tạ Quang Bửu… đã làm rạng danh non sông, đất nước, dân tộc.

Tĩnh lòng trở về với cuộc sống hôm nay, ta vẫn cảm thấy ấm áp bởi lắng nghe những hơi thở lặng lẽ, bình dị trong cuộc sống, vẫn thấy ánh lên từ giá trị bản nhạc từ những nốt nhạc trầm. Vẻ đẹp của cuộc sống hôm nay đang được góp lại bởi những người thầy chưa một lần biết đến tên. Đó là những cô giáo đến với vùng cao, họ đã đi để lại quê hương, gia đình, mang theo một ước mơ, một khát vọng cháy bỏng đem kiến thức hiểu biết đến nơi núi rừng hẻo lánh xa xôi, đến với những đứa trẻ ngày ngày chỉ quen với núi đồi nương rẫy. Đó là những cô giáo đã vượt qua hàng chục cây số đường rừng để đến vận động học sinh đến trường. Đó là những cô giáo đã dùng những đồng lương ít ỏi của mình để mua áo ấm cho học trò bớt lạnh. Đó là những người thầy sẵn sàng hy sinh cả thân mình để cứu học trò qua cơn lũ… và biết bao tấm lòng cao thượng, tâm hồn trong sáng, cốt cách thanh cao, khí phách của thầy cô không bao giờ chuyển lay, không bị cám dỗ bởi tiền tài, danh vọng không chỉ làm lay động tức tỉnh con người, mà nổi lên là những tấm gương sáng ngời của những con người bình dị …

Chao ôi, họ là những con người thật đáng ngưỡng mộ và tuyệt vời biết bao. Những câu chuyện về thầy cô đẹp như huyền thoại. Họ đang viết lên trang cổ tích giữa đời thường. Hôm qua, ngày nay và cả mai sau nữa, chữ  "Tài", chữ "Tâm" của người thầy sẽ mãi là ánh sáng vĩnh cửu của thời đại, soi rọi vào những gợi sâu kín nhất của con người. Thầy cô đã giữ chặt sợi dây để nâng đỡ và chắp cánh cho ta điều mơ ước, lái con đò đưa ta đến bến bờ tương lai…

Ôi! Cao quý thay người thầy, người cô! Thật công đức mà vĩ đại biết nhường nào. Xin ngàn lần tri ân đến thầy cô – nhưng người kỹ sư tâm hồn vĩ đại!

Minh Tư

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Ngan-lan-tri-an-nhung-nguoi-ky-su-tam-hon-vi-dai-1964978/

Qùa 20/11, khen giầy cô đẹp để lấy số đo

Posted: 18 Nov 2012 01:24 AM PST

- Chuyện quà cáp thầy cô nhân ngày 20/11 năm nào cũng là chủ đề được bàn tán rộn ràng của các bậc phụ huynh. Chỉ cần lướt qua một vài trang web dành cho các bậc cha mẹ, có thể dễ dàng thấy những "topic" nóng này luôn được cập nhật hằng ngày khi ngày của thầy cô đang tới gần.

Phong bì vẫn là lựa chọn số 1

Rất nhiều phụ huynh đồng ý với phương án tặng thầy cô "bao thư", vừa nhanh, tiện, lại đúng ý. Dù hơi thực dụng, nhưng theo giải thích của các mẹ thì hoa tươi chỉ bày được mấy ngày rồi bỏ đi, rất phí phạm. Ngày này, thầy cô được tặng nhiều hoa, có khi còn phải cho bớt đi. Quần áo, giày dép, túi xách, mỹ phẩm… thì không biết cô dùng loại nào, thích gì, có vừa hay không nên rất khó mua. Phong bì vẫn là tiện nhất, để các cô mua đúng ý mình, mua đồ mình thực sự cần.

Nhiều cha mẹ không ngần ngại thừa nhận tất cả các dịp lễ tết phong bì trao tay, từ 20/10, 20/11, 8/3, Tết dương, Tết âm…

"Mình thấy bây giờ đi quà các thầy cô chủ yếu là phong bì cho tiện. Nhiều khi mua quà cô không vừa ý, không dùng cũng phí, tiện nhất là đi phong bì. Mình cũng thường làm vậy vào các dịp như đầu năm, lễ , tết… để cô quan tâm để ý đến bé hơn" – một mẹ chia sẻ trên webtretho.

Mẹ Akami cũng đồng tình với ý kiến này: "Mình cũng tặng cô phong bì, 20-10, 8/3… đều phong bì tất, đỡ phải đau đầu nghĩ gì vì mình mua chắc gì cô đã thích, mình thấy các cô toàn cho họ hàng, bè bạn mà. Không tặng thì lại lo lắng cho con, thôi thì có vẫn hơn, dẫu biết có cô không quan trọng việc đó".

Theo các mẹ thì "thời buổi này chẳng cô nào thích sữa tắm, dầu gội đâu, cứ phong bì là tiện nhất".

Nhiều mẹ tế nhị hơn thì mua một tấm thiệp, quyển sổ hay một món quà nho nhỏ rồi kẹp phong bì bên trong. "Ngày trước, mình hay mua đồ lưu niệm hay đồ dùng xinh xinh (tất, khăn tay,…) rồi nhét phong bì vào đó".

Hay như một mẹ khác chia sẻ: "Mình cũng hay mua quà rồi đưa cho con tặng cô, nếu có phong bì thì khéo léo gài thêm vào gói quà không cho con biết!" Mẹ có nickname Nga Nhím thì tiết lộ món quà vừa thực tế vừa tận dụng được "cây nhà lá vườn": "Nhà mình sẽ đi 5- 10kg Cam Vinh cây nhà lá vườn và phong bì cho cô nữa".

Một phụ huynh khác đưa ra lý  do khá hợp lý cho việc tặng phong bì thay vì  hoa, quà: "Đúng là đi phong bì làm hư  thầy cô, nhưng các mẹ cứ thử nghĩ xem, giờ mua bó hoa tặng cô cũng 200 nghìn rồi, mà hoa thì chả đùng được bao nhiêu. Nếu 200 nghìn đó cho vào phong bì thì các cô còn dùng được nhiều cái thiết thực hơn".

Cũng có nhiều bố mẹ ủng hộ  việc tặng quà cho thầy cô, cho dù là hoa, quà hay phong bì. Một mẹ phân tích rất hợp tình hợp lý: "Em cũng nghĩ là chẳng vì 100-200 nghìn mà các cô ghét cháu. Hoặc đơn giản là nếu cả lớp đều “quan tâm” cô thì cô cũng chẳng thể ưu ái đặc biệt cho cháu nào. Nhưng mình thấy cả năm cô cũng quần quật với cháu, nên không có quà tặng cô vào ngày đấy thì cũng tủi, mà tặng thì hoa với quà hoá ra lại lãng phí".

Một mẹ khác cũng chia sẻ rằng tặng quà cô "không hề thấy tiếc"  vì cô chăm bé khá kĩ. Việc tặng cô  bao nhiêu là tùy tấm lòng và điều kiện mỗi người, không nhất thiết phải có giá chung hay nhất định phải là phong bì.

Hàng hiệu: độc, xịn

Một ông bố giấu tên chia sẻ, vài năm gần  đây, quà tặng thầy cô không chỉ có phong bì mà còn rộ mốt tặng hàng hiệu. Hiện tượng này xuất hiện chủ yếu ở các trường công – môi trường mà việc quà cáp được  đặt nặng hơn cả. Các gia đình "chịu chơi" cũng là những phụ huynh có điều kiện bởi một món quà hàng hiệu bình thường nhất cũng phải vài ba triệu.

Hài hước hơn cả là để tặng quà hợp với sở thích, nhu cầu và vừa vặn với thầy cô, các bậc phụ huynh đã phải dùng đến những mẹo nhỏ để biết được chính xác các thông tin mà vẫn tế nhị.

Ví dụ như muốn tặng cô một đôi giày, các mẹ có thể dùng chiêu khen giày của cô đẹp, rồi mượn cô ướm thử để đoán kích cỡ chân to bé thế nào. Hay để biết cô thích áo, túi màu gì, phụ huynh có thể khơi gợi, trò chuyện với cô về phong thủy, tuổi, mệnh… Hoặc nếu có quen người nhà của cô thì nhờ hỏi xem cô thích gì, loại nào… Nhìn chung, cách này vừa tốn kém hơn lại khá công phu, vất vả với các phụ huynh, tuy nhiên với hi vọng quà "độc", xịn sẽ giúp cô quan tâm tới các con hơn, vẫn có những ông bố bà mẹ dám chi và chấp nhận sự vất vả đó.

Vẫn còn những phụ huynh dám "làm liều"

Tuy nhiên, bên cạnh những ý tưởng có phần thực tế, nhanh gọn của đại đa số phụ huynh, vẫn có nhiều mẹ ủng hộ những món quà truyền thống, mang nhiều ý nghĩa mặc dù về mặt kinh tế cũng không hề rẻ hơn. Thậm chí, các mẹ còn phải mất công tự làm, tự thiết kế món quà.

Nhiều mẹ đưa ý kiến nên tặng cô những lọ hoa lụa giá từ 100-300 nghìn, hoặc có thể mua nguyên liệu về tự làm, vừa đẹp vừa để được lâu, không nhanh tàn như hoa tươi. Hay có mẹ kể chuyện cô giáo được tặng một bức tranh thêu chữ thập (một thú vui của khá nhiều bà mẹ hiện đại), được cô giáo rất thích và treo ngay phòng khách.

Phần lớn các ông bố bà mẹ đều không ủng hộ việc tặng phong bì, tuy nhiên do tâm lý  sợ con em mình thiệt thòi, không bằng bạn bè, nên đành nhắm mắt làm theo số đông. Rất ít phụ huynh dám "làm liều" đi ngược lại.

Cá biệt có nickname metysusu tâm sự không ủng hộ việc đưa phong bì cho cô và nảy ra sáng kiến tổ chức tiệc ngọt cho các cô cùng học sinh, mục đích chỉ để vui vẻ.

Ủng hộ quan điểm này và dám làm theo chỉ có một vài phụ huynh. "Chắc tại em hơi cổ hủ chứ em ko thích trẻ con biết đến chuyện đưa tiền sớm quá nên em với các chị nhà em toàn cho bọn trẻ con tặng cô giáo cái khăn, mảnh vải hay lọ hoa lụa (cái này nhà em trồng được) rồi tự tay các con viết thiếp chúc mừng cô thôi!".

Không giống nhiều phụ huynh nhận  định, một bạn trẻ có bố là giáo viên tâm sự, không phải quà cho giáo viên hầu hết đều là phong bì, thầy cô cũng nhận được nhiều món quà khác tuy không có giá tri vật chất nhưng giá trị tinh thần thì rất lớn. Có những món quà rất dễ thương như một con ngựa bằng len vì thầy cô tuổi ngựa, hay một đôi tất, hộp kẹo…

Nghĩ về sự trong sáng, giản dị của tình thầy trò ngày xưa, một mẹ bùi ngùi kể về một lần hai mẹ con lóc cóc đạp xe đến tặng cô một chiếc nón, nhỏ bé nhưng vô cùng ý nghĩa, để rồi mỗi lần nhìn thấy cô đội chiếc nón ấy, chị lại thấy vui trong lòng.

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97369/qua-20-11--khen-giay-co-dep-de-lay-so-do.html

Xúc động hình ảnh gieo chữ trên vùng khó

Posted: 17 Nov 2012 04:57 PM PST

(GDTĐ)-Từ vùng núi cao mù sương đến tận nơi đất Mũi năm đôi ba đợt ngập vì triều cường đều có bóng dáng của những người thầy, cô miệt mài, thầm lặng gieo chữ bằng tình yêu và trí tuệ. Hình ảnh cô giáo nâng niu từng nét chữ, chăm sóc cho học sinh từ bữa ăn, giấc ngủ đã trở thành ấn tượng đẹp không bao giờ quên được trong tuổi học trò.

vcvcv
Cô, trò Trường tiểu học Thị trấn Ít Ong B, huyện Mường La, Sơn La. Ảnh: gdtd.vn

xã Huông Păng - một xã vùng cao được đánh giá là còn nghèo và khó khăn của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Một tiết học tình nguyện tại xã Huông Păng – một xã vùng cao được đánh giá là còn nghèo và khó khăn của huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: gdtd.vn

vcvc
Trường lớp còn khó khăn, thiếu thốn, cái được nhất của các em học sinh vùng cao này chính là tình yêu và nhiệt huyết của các thầy cô giáo. Ảnh: gdtd.vn

fgfgf
Là vùng sông nước, đi học bằng đò, mỗi năm đôi lượt triều cường ngập trường, ngập lớp, học sinh tại Trường mẫu giáo xã Đất Mũi (Ngọc Hiến, Cà Mau phải mặc áo phao khi đến trường). Ảnh: gdtd.vn

cxcxcx
Cô giáo Trường mẫu giáo Đất Mũi giúp học sinh làm vệ sinh cá nhân. Ảnh: gdtd.vn

Cả một xã mới chỉ có một trường mẫu giáo nên các cô giáo nơi đây luôn mong mỏi trường lớp được mở rộng hơn để tất cả trẻ em trong xã được đến trường. Ảnh: gdtd.vn
Cả một xã mới chỉ có một trường mẫu giáo nên các cô giáo nơi đây luôn mong mỏi trường lớp được mở rộng hơn để tất cả trẻ em trong xã được đến trường. Ảnh: gdtd.vn

bvbvbv
Niềm vui của các cô cũng thật giản dị: mỗi ngày thấy học trò của mình tiến bộ hơn. Ảnh: gdtd.vn

vcvc
Từ lớp học đơn sơ này, chính những người thầy đã thắp cho các em niềm tin, vững bước trên con đường phía trước. Ảnh: gdtd.vn

 Ảnh: Thu Hà

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2762/201211/Xuc-dong-hinh-anh-gieo-chu-tren-vung-kho-1964970/

Người thầy truyền lửa đam mê môn Văn cho học trò

Posted: 17 Nov 2012 04:55 PM PST

Truyền lửa đam mê cho học trò

Sinh năm 1966 trong một gia đình có truyền thống nho giáo tại xã Thanh An (Thanh Chương, Nghệ An), ngay từ nhỏ, thầy Hòa đã cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn chương qua ông bà, bố mẹ. Ông nội vốn là nhà nho, bố mẹ là giáo viên cấp 2, bởi vậy, khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn cho mình con đường tiến thân, Nguyễn Chí Hòa đã được định hướng nối nghiệp truyền thống quý báu của gia đình.

Tốt nghiệp khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Vinh (nay là Trường ĐH Vinh), năm 1988, Nguyễn Chí Hoà được phân công công tác tại Trường THPT Thoại Sơn (nay là Trường THPT Nguyễn Văn Thoại), tỉnh An Giang. Sau 5 năm công tác xa nhà, năm 1993, thầy Hòa chuyển về nhận công tác tại Trường THPT Hà Huy Tập cho tới nay. "Hồi đó, tôi xin chuyển về đây với nguyện vọng tha thiết được đi nghiên cứu sinh để nâng cao trình độ nhưng nhiều lý do nên không đi được. Rồi lấy vợ, sinh con, gánh nặng gia đình, trách nhiệm giáo dục con cái… nên cuối cùng quyết định từ bỏ ước mơ của mình", thầy Hòa tâm sự.

Đam mê nghiên cứu đã ngấm sâu vào người, không đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, thầy không ngừng tự làm giàu vốn kiến thức văn chương của mình. Bảo vệ thành công luận án thạc sỹ, làm tốt công tác chuyên môn và chịu trách nhiệm bồi dưỡng đội tuyển thi học sinh giỏi của trường, thầy dành phần thời gian còn lại cho nghiên cứu khoa học.

Tính đến nay, thầy Hòa đã có một gia tài kha khá các công trình nghiên cứu, sáng kiến kinh nghiệm, chủ yếu là về phương pháp học văn trong nhà trường phổ thông, trong đó có 2 sáng kiến đạt giải A, 3 sáng kiến đạt giải B và 1 công trình nghiên cứu đạt giải sáng tạo khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An vào năm 2010.

Truyền lửa đam mê cho học trò

Được biết, các tiết dạy văn của thầy luôn sôi nổi. Với thầy Hòa, để học sinh yêu văn chương, thích học văn thì người thầy giáo phải truyền lửa đam mê cho học trò. Phải truyền cho học trò ý thức tiếp nhận văn chương để tiếp nhận được các giá trị của nó, từ đó vận dụng vào lời ăn tiếng nói, cách ứng xử trước xã hội và khả năng trình bày các vấn đề trước cuộc sống.

Thầy cười: "Muốn các em chịu học và thích học văn thì thầy phải dạy hay và dễ hiểu. Hay mà khó hiểu thì thành văn nghệ mất rồi. Học trò bây giờ không như ngày xưa nữa, không còn chịu khó tìm tòi kiến thức bởi vậy không có nhiều phản ứng khiến thầy bị động. Tôi thích giữa thầy và trò có những tranh cãi, thậm chí là những tranh cãi quyết liệt về những khía cạnh nào đó trong tác phẩm đang học.

Có thể từ những tranh cãi đó, thầy "vỡ" ra được nhiều điều và chính những lần như thế càng kích thích các em yêu văn hơn và thể hiện được chính kiến của mình. Học văn, sợ nhất là đi theo lối mòn. Học văn là phải không ngừng sáng tạo nhưng sáng tạo một cách đúng đắn. Muốn làm được như thế thì người dạy phải biết tôn trọng người học, đặt học trò trong môi trường của mình, phải có đối thoại dân chủ và tạo ra cái mới, cái lạ cho học sinh. Tôi quan niệm, làm thầy giáo phải có ý thức nghề nghiệp, đi dạy mà chỉ chăm chăm mong hết giờ thì hỏng. Phải có nghị lực trong công việc và phải giữ được chữ tình".

24 năm đi dạy, gia tài lớn nhất của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Chí Hoà là tình cảm đối với nghề, tình cảm của đồng nghiệp, của bạn bè và phụ huynh học sinh dành cho mình. Còn hạnh phúc lớn nhất của người thầy chính là sự trưởng thành của học sinh. Hiện, nhiều học sinh của thầy đã và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sỹ văn học. Với thầy, đó chính là thành công của người cầm phấn khi đã truyền được ngọn lửa đam mê văn chương cho học sinh của mình.

Hoàng Lam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nguoi-thay-truyen-lua-dam-me-mon-van-cho-hoc-tro-663914.htm

Comments