Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Những điều ít biết về GS Đàm Thanh Sơn trên đất Mỹ

Posted: 16 Nov 2012 03:27 AM PST

"Tôi tin chắc rằng những công trình xuất sắc nhất của ông đang ở phía trước" – Lời GS Edward Brucher, Đại học Chicago dành cho Đàm Thanh Sơn.

Ngồi vào chiếc ghế Fermi và Chandrasekhar từng ngồi

Thế là, vào ngày 1/9/2012, Đàm Thanh Sơn chuyển từ Đại học Washington ở Seattle ven bờ đông Thái Bình Dương ấm áp, gần biên giới Canada, đến chỗ làm việc mới tại Đại học Chicago, bên bờ hồ Michigan xanh rộng tới tận chân trời, trắng lóa rập rờn những cánh hải âu – nơi tôi từng dừng "gót lãng du", ngắm cảnh chiều thu u hoài khi sang dự Hội nghị Quốc tế về lepton – photon ở Fermilab năm 2003, với tư cách một nhà báo khoa học đến từ Hà Nội qua vạn dặm đường xa…

GS Đàm Thanh Sơn (áo kẻ, bên trái) trò chuyện cùng nhà báo Hàm Châu
Là người từng say sưa viết bài về GS Đàm Thanh Sơn ngay từ lúc anh mới 15 tuổi, đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế, tôi cảm thấy phấn chấn lạ thường khi được tin: Ngày 8/8/2012 vừa qua, anh Sơn được Đại học Chicago bổ nhiệm làm University Professor.

Từ university dịch cho hết nghĩa là đại học tổng hợp, một đại học lớn bao gồm nhiều học viện (institute) và trường đại học hay cao đẳng chuyên ngành (college). University professor dịch đầy đủ là giáo sư đại học tổng hợp (dịch gọn là giáo sư đại học), một vinh dự cao hơn giáo sư thông thường.

Chúng ta đều biết, anh Ngô Bảo Châu cũng đã lựa chọn Đại học Chicago ở bang Illinois, sau mấy năm làm việc đầy hiệu quả tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton ở bang New Jersey.

Vào dip nhà trường công bố quyết định bổ nhiệm nói trên, GS Robert Fefferman, chủ nhiệm Khoa Vật lý Đại học Chicago, nói: "Tôi tin chắc GS Sơn sẽ thể hiện vai trò dẫn đường về trí tuệ, đánh dấu sự mở ra một kỷ nguyên mới trong truyền thống nghiên cứu vật lý tích tụ nhiều thành quả của đại học này (will mark the opening of a new era in the University's stored tradition of physics research)."

GS Edward Brucher, một nhà vật lý, bày tỏ hy vọng: "Đàm Thanh Sơn đã công bố nhiều công trình lớn, nhưng chúng tôi rất phấn khởi chào đón ông về trường này, vì tin chắc rằng những công trình xuất sắc nhất của ông đang ở phía trước. Ông là người thích hợp nhất để thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc nghiên cứu tại khoa vật lý trường chúng tôi."

GS Emil Martinec, giám đốc Viện Enrico Fermi, nhận xét: "Đàm Thanh Sơn là một trong số rất ít nhà vật lý lý thuyết đứng đầu thế hệ ông, là tinh hoa hiếm thấy; công trình của ông có tầm ảnh hưởng rộng lớn bậc nhất."

Phát biểu cảm tường về quyết định bổ nhiệm, GS Đàm Thanh Sơn nói: "Đại học Chicago là một trung tâm khoa học nổi tiếng thế giới, có truyền thống lâu đời về vật lý. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự được làm việc tại chính nơi Enrico Fermi và Subrahmanian Chandrasekhar đã từng làm việc.

Cuộc hành trình nổi tiếng của Chandrasekhar từ Ấn Độ sang châu Âu gieo vào lòng tôi bao cảm xúc, ước mơ khi tôi còn là một cậu bé ở Việt Nam. Và những bài giảng sáng suốt của Fermi ảnh hưởng sâu xa đến tôi khi tôi là sinh viên ở Moskva.

Tôi đã làm việc mười năm cực kỳ hào hứng tại Viện Lý thuyết hạt nhân ở Đại học Washington, và nay tôi sẵn sàng đón nhận những thách thức mới."

E. Fermi là một trong những tác giả kinh điển của vật lý hạt cơ bản, người Italy được tặng Giải Nobel năm 1938, sau đó, di cư sang Chicago để tránh thảm họa phát-xít ngay trên quê hương mình.

Những ai từng học qua chương trình cử nhân vật lý, đều quen thuộc tên ông qua thống kê Fermi – Dirac (bên cạnh thống kê Bose – Einstein). Fermi cũng là người đã lần đầu tiên chế tạo pin uranium vào năm 1942, tìm ra nguyên lý vận hành của nhà máy điện hạt nhân.

Còn S. Chandrasekhar là nhà vật lý thiên văn sinh ở Lahore, Ấn Độ, đến làm việc ở châu Âu, rồi sang Mỹ. Ông được tặng Giải Nobel năm 1983 về các công trình nghiên cứu sao lùn trắng (white dwarf), một loại thiên thể nhỏ, do đó mới có cái tên là "lùn", một ngôi sao "chết" đã xài hết nhiên liệu, co sập lại, đặc đến mức 1 cm3 nặng tới 1 tấn!

Theo GS Trịnh Xuân Thuận, một thìa vật chất trên sao lùn này nặng bằng một con voi trên Trái đất!

Nay Đàm Thanh Sơn ngồi vào chiếc ghế giáo sư đại học mà hai nhà bác học lừng danh Fermi và Chandrasekhar đã từng ngồi.

Từ một "thần đồng" Hà Nội…

Cũng như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn sinh tại Hà Nội trong một gia đình trí thức cấp cao, không giàu nhưng mà sang.

Sơn chào đời năm 1969, hơn Châu ba tuổi. Bố của Sơn là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ sinh hoá Nguyễn Thị Hảo; chú ruột là giáo sư vật lý Đàm Trung Đồn. (Còn nhớ bố của Ngô Bảo Châu là giáo sư, tiến sĩ khoa học cơ học Ngô Huy Cẩn; mẹ là phó giáo sư, tiến sĩ dược học Trần Lưu Vân Hiền).

Nếm trải biết bao khó khăn, thiếu thốn thời hậu chiến và bao cấp, thế mà từ bé, Sơn đã nổi tiếng "thần đồng"! Mới học lớp 2 (lớp 3 hiện nay), cậu bé 7 tuổi đã giải được toán lớp 10 (lớp 12 hiện nay)!

Lên cấp III, Sơn thi đỗ vào Khối Phổ thông chuyên toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.

Năm 1984, mới 15 tuổi, lần đầu dự Olympic Toán quốc tế ở Prague, Sơn đoạt ngay huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42. Ngay từ dạo ấy, GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đã hết lời khen ngợi Sơn.

Chàng trai trẻ Đàm Thanh Sơn ngày còn học phổ thông
Rồi Sơn được đích thân Bộ trưởng Bửu – một nhà lãnh đạo giáo dục hết lòng yêu quý tài năng – chọn gửi sang Moskva học vật lý tại Đại học Lomonosov, trường đại học danh tiếng nhất hệ thống xã hội chủ nghĩa thời ấy.

Chịu ảnh hưởng của người chú ruột Đàm Trung Đồn, Sơn mơ trở thành một nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc. Muốn thế, phải học thật giỏi toán. Sau khi tốt nghiệp đại học, được giữ lại Moskva, Sơn bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 25 tuổi.

Người hướng dẫn Sơn là GS Valery Rubakov, viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva (tên thủ đô LB Nga, tiếng Anh thông thường viết là Moscow, nhưng tiếng Anh khoa học viết chính xác hơn là Moskva).

Bước ngoặt khi tới Mỹ!

GS Đàm Thanh Sơn
Yêu Sơn như con đẻ, thầy Rubakov khuyên anh nên sang Mỹ, nơi có điều kiện tốt hơn nước Nga đang khủng hoảng dữ dội dưới thời Boris Yeltsin, để khỏi thui chột mất tài năng.

Tại Mỹ, đầu năm 2005, P. K. Kovtun, Đàm Thanh Sơn và A. O. Starinets (về sau được goi là nhóm KSS) công bố một công trình mới về một mô hình lỗ đen lỏng (liquid black hole) trong không gian 10 chiều (10-dimensional space) trên tạp chí vật lý đỉnh cao thế giới Physical Review Letters (tập 91, trang 111601).

Khám phá này gây tiếng vang ngay lập tức trong giới bác học chuyên sâu. Các tạp chí thông tin khoa học có ảnh hưởng rộng như New Scientist (tháng 4-2005), Physics Today (tháng 5-2005) đều có bài viết về công trình ấy, một phát minh lý thuyết quan trọng.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp một số nhà vật lý Việt Nam dự Găp gỡ Việt Nam năm 2004. Trong ảnh, từ trái sang phải: Trịnh Xuân Thuận, Đàm Thanh Sơn, Trần Thanh Vân, Phạm Quang Hưng, Nguyễn Văn Hiệu.
Tháng 11-2005, trên tạp chí Scientific American, Juan Maldacena, nhà vật lý Mỹ rất nổi tiếng, cho in một bài tổng quan, trong đó, sau khi nhắc tới khám phá của nhà bác học Anh lừng danh Stephen W. Hawking về lỗ đen, liền nhắc đến phát minh của Đàm Thanh Sơn, nhà bác học người Việt Nam làm việc tại Mỹ, về thể lỏng của "Vũ Trụ sơ sinh".

Cách đây chưa lâu lắm, tháng 5/2010, tờ Physics Today đã in ba bài liền trong cùng một số tạp chí, ca ngợi công trình của nhóm KSS – một sự kiện hiếm thấy.

Ngay sau đó, GS Phạm Xuân Yêm, nhà vật lý lý thuyết nổi tiếng ở Đại học Paris 6 và GS Nguyễn Văn Liễn, tiến sĩ khoa học toán – lý ỏ Viện Vật lý Việt Nam, đã viết hai bài báo dài, đánh giá rất cao thành tựu của giáo sư Đàm Thanh Sơn và hai tiến sĩ cộng sự P. K. Kovtun, A. O. Starnet, coi đó điều "kỳ diệu"!

Một quy luật phổ quát đã được khám phá! Một hằng số mới đã được phát hiện! Không phải là quá lời khi coi đó là một thành tựu lớn, mang tính đột phá trong vật lý học.

Đàm Thanh Sơn đã nhận bằng Thạc sĩ Vật lý tại Đại học Tổng hợp Moscow
vào năm 1991 và nhận bằng Tiến sĩ Vật lý tại Viện Nghiên cứu hạt nhân
của Moscow vào năm 1995.

Sau đó, anh làm nghiên cứu sinh hậu tiến
sĩ tại Đại học Washington và Viện Công nghệ Massachusetts. Trở thành
nghiên cứu viên của Trung tâm thí nghiệm quốc gia Brookhaven vào năm
1999, anh bắt đầu giảng dạy tại Đại học Columbia – cho tới tận năm 2002.


thành viên Quỹ Nghiên cứu Alfred P. Sloan, học giả của Hội Vật lý Mỹ và
làm việc tại Viện Lý thuyết hạt nhân của ĐH Washington, Đàm Thanh Sơn
cũng từng nhận giải thưởng cho Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc của Cơ quan
Năng lượng Mỹ.

Tính từ năm 1994 đến năm 2008, Đàm Thanh Sơn là
tác giả và đồng tác giả của 92 bài báo, bản báo cáo trong đó có tới 14
bài trên Tạp chí Physical Review Letters và nhiều công trình trên các
tạp chí uy tín khác của Hội Vật lý Mỹ.

(Theo Hàm Châu/VTC)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97121/nhung-dieu-it-biet-ve-gs-dam-thanh-son-tren-dat-my.html

Bà giáo 80 tuổi vẫn miệt mài dạy chữ “không công”

Posted: 16 Nov 2012 03:27 AM PST

Dạy chữ "O" trong… 3 tháng

Lớp học của bà Nam được đặt ở một góc nhỏ của khuôn viên Trường THCS An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội). Thành viên của lớp học đặc biệt đó là những đứa trẻ khuyết tật, câm điếc, thiểu năng trí tuệ… hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh lớn nhất của lớp học này là 31 tuổi và bé nhất là 8 tuổi.

Năm nay đã 80 tuổi nhưng bà Nam vẫn miệt mài với lớp học đặc biệt của mình
Năm nay đã 80 tuổi nhưng bà Nam vẫn miệt mài với lớp học đặc biệt của mình.

Bà giáo Nam bộc bạch: "Thời gian đầu khó khăn nhiều lắm, không có chỗ dạy, phải mượn nhà văn hóa rồi lớp mẫu giáo. Tôi làm công tác dân số ở phường, biết hoàn cảnh gia đình nên tôi đến từng nhà để thuyết phục phụ huynh để tôi dạy dỗ chúng. Vận động hơn một tháng, họ đồng ý cho "thử thách" và nếu thấy chuyển biến thì học tiếp. Sau một thời gian, các cháu thay đổi cả hành vi, cử chỉ, biết chào hỏi, mời cơm, đi vệ sinh…, gia đình rất vui mừng!".

Bà cũng cho biết thêm, dạy trẻ bình thường đã khó, dạy cho những đứa trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn nữa. "15 cháu trình độ khác nhau, tiếp thu rất chậm, có cháu bị khèo không cầm được bút. Tôi dạy một cháu 3 tháng mới viết được chữ O hoàn chỉnh. Nhiều người không tin! Ban đầu, tôi viết lên bảng đen để cháu nhận mặt chữ, sau đó viết bút chì vào vở ô ly, nắm tay cháu kéo khoanh tròn chữ O theo đúng hướng. Cứ như vậy, sau 3 tháng, cháu đó đã tự viết được chữ O", bà Nam xúc động kể lại.

Khung cảnh lớp học của bà Nam
Khung cảnh lớp học của bà Nam.

Không ít lần sự cố xảy ra trong lớp học đặc biệt này như bột phát có tiếng hét, đang học lăn ra ngủ hoặc chạy lung tung, hiếu động thậm chí có HS còn vệ sinh ngay trong lớp… Hơn nữa, để dạy được học sinh câm điếc, bà Nam lặn lội ra trung tâm ở Thanh Xuân để học ngôn ngữ ký hiệu trong 15 ngày. Bà kể rằng mình là học viên lớn tuổi nhất lớp và tốt nghiệp xuất sắc. Mặc dù mắc bệnh tuổi già huyết áp cao nhưng chưa bao giờ bà bỏ lớp, bỏ các cháu ngày nào dù mưa hay nắng.

Người thầy phải có tâm sáng

Bà nghĩ rằng, với những học trò như vậy thì người dạy phải có phương châm "vừa dạy vừa dỗ", chứ mắng là không được, chỉ nói từ "cháu hư" cũng khiến các em buồn, khóc, tủi thân. Bà quan niệm, nhà giáo phải có tâm với nghề và có tình thương học sinh.

"Tôi luôn có một tâm niệm, tất cả giáo viên cố gắng kéo các em tật nguyền ra khỏi mặc cảm của con người. Yêu nghề bao nhiêu thì yêu người bấy nhiêu", bà giáo Nam chia sẻ từ đáy lòng.

Theo tâm niệm của bà Nam thì tất cả giáo viên cần cố gắng kéo các em tật nguyền ra
Theo tâm niệm của bà Nam thì tất cả giáo viên cần cố gắng kéo các em tật nguyền ra khỏi mặc cảm của con người.

Đối với lớp học này thì mỗi lần các cháu nhảy ra ôm hôn bà, biết cất nón cho bà; đó là những câu khen "bà có áo mới đẹp quá" chân thật, hồn nhiên, vô tư hay chính là những bông hoa mà chúng nói "dành tiền ăn quà tặng bà" nhân ngày 20/11… là niềm hạnh phúc vô bờ bến đối với bà giáo già tận tụy với nghề.

Chia tay chúng tôi, bà Nam trăn trở: "Tôi sẽ không bao giờ thôi dạy những học sinh đặc biệt coi như con cháu ấy mà chỉ đến bao giờ chân chậm, mắt mờ thì không dạy nữa. Khi nào mệnh trời kéo đi thì chịu. Nhưng tôi sợ đến lúc đó, không ai đủ tâm để dạy các em. Chúng đang học dở chừng…".

Kim Ngân - S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ba-giao-80-tuoi-van-miet-mai-day-chu-khong-cong-663306.htm

Tổ chức trao tặng danh hiệu NGND-NGƯT năm 2012

Posted: 16 Nov 2012 02:58 AM PST

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa có văn bản đề nghị các Bộ và cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà trường tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú (NGND, NGƯT) vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2012).

Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận tặng hoa chúc mừng NGƯT được phong tặng năm 2012. Ảnh: gdtd.vn
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận tặng hoa chúc mừng NGƯT được phong tặng năm 2012. Ảnh: gdtd.vn

Nghi lễ trao tặng được thực hiện theo quy định của Chính phủ về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm, trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức buổi Lễ trang trọng, tiết kiệm đồng thời tôn vinh các nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu, có tài năng sư phạm xuất sắc, có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.

Tiền thưởng cho NGND, NGƯT thực hiện theo quy định tại Điều 69 và khoản 3 Điều 73 của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

Ngày 6/11/2012, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 1848/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu NGND cho 40 nhà giáo và Quyết định số 1849/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu NGƯT cho 570 nhà giáo.

Danh hiệu NGND, NGƯT là danh hiệu vinh dự nhà nước nhằm phát huy truyền thống "Tôn sư, trọng đạo" của dân tộc. Bộ GDĐT trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường và các đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT, triển khai thực hiện.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201211/To-chuc-trao-tang-danh-hieu-NGNDNGUT-nam-2012-1964916/

Nhà giáo- yếu tố quyết định nhất đến chất lượng GD-ĐT

Posted: 15 Nov 2012 05:43 PM PST

(GDTĐ)- Nhân dịp kỉ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2012), phóng viên báo Giáo dục Thời đại đã cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển xung quanh các vấn đề thực trạng, vai trò, trách nhiệm mới của nhà giáo đối với sự nghiệp GD-ĐT có nhiều đổi mới hiện nay? 

Phóng viên (PV): Thưa thứ trưởng, đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) các cấp có vai trò như thế nào đối với sự nghiệp GD-ĐT hiện nay?

Thứ trưởng (TT) Nguyễn Vinh Hiển: Từ xưa đến nay vai trò của GV vẫn là đào tạo thế hệ tương lai cho đất nước. Sứ mệnh đào tạo con người mới là trách nhiệm chung của toàn xã hội, nhưng đội ngũ GV vẫn là yếu tố giữ vai trò quyết định nhất đến chất lượng GD-ĐT. Tục ngữ có câu: "không thầy đố mày làm nên" cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh Bá Hải/gdtd.vn

Hiện nay, học sinh (HS) có nhiều nguồn thông tin để thu nhận tri thức nên làm thầy bây giờ khó hơn ngày xưa, thầy giáo phải đạt đến những phẩm chất và chức năng mới. HS của chúng ta đã có mạng internet và nhiều phương tiện truyền thông khác, có các cơ hội giao lưu với bạn bè học trong nước và quốc tế…

Chính vì vậy, nếu trước đây GV chỉ cần bộ SGK để đi dạy thì nay GV phải biết nhiều hơn thế để có thể chủ động ứng xử được trước các tình huống do HS đưa ra, đó là những tình huống mà các em dựa trên các thông tin thu nhận được từ ngoài nhà trường, đưa ra thắc mắc, muốn được GV làm sáng tỏ thêm.

Xét đến mục tiêu giáo dục chúng ta sẽ gặp một vấn đề hệ trọng khác. Chúng ta biết rằng từ trước đến nay mục tiêu chung của giáo dục các cấp đều là đào tạo những con người sáng tạo, có năng lực thực hành và vận dụng kiến thức vào cuộc sống; tuy nhiên, trong thời gian qua chúng ta làm việc này chưa tốt. GV chủ yếu vẫn đóng vai trò truyền thụ cho HS nắm được một số kiến thức, kỹ năng; còn HS có năng lực sáng tạo, phối hợp các kiến thức, kỹ năng đã học được để giải quyết các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống hay không thì chưa được quan tâm.

Để khắc phục hạn chế này, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, nhà giáo phải là người tổ chức các hoạt động học tập, hướng dẫn, rèn  luyện HS cách học, cách thu thập, xử lý thông tin để phục vụ việc học tập; không phải chỉ dạy cho HS nắm được cái gì mà phải biết hướng dẫn người học vận dụng tổng hợp những kiến thức, kĩ năng đã học để phát hiện, giải quyết vấn đề trong thực tiễn đời sống. Do vậy người GV phải có năng lực, trình độ cao để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giảng dạy, vận dụng nhiều hình thức tổ chức giáo dục và kiểm tra, đánh giá giáo dục mới khác nhau và hiện đại.

Để đáp ứng yêu cầu đó, nhà giáo cũng phải biết tự học và biết vận dụng những kiến thức đã học vào hoạt động nghề nghiệp và cuộc sống thì mới có thể làm gương và biết cách dạy cho học trò của mình. Nếu trước đây có câu: "thầy già, con hát trẻ" là nói đến yếu tố không thể thiếu được của người GV là quá trình tích luỹ kinh nghiệm thì ngày nay GV được sống trong một xã hội năng động, có sự thay đổi nhanh chóng, GV không chỉ cần tích luỹ kinh nghiệm mà còn phải không ngừng tự học, tự nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đổi mới của sự nghiệp giáo dục, góp phần đào tạo các thế hệ người học biết tự học và ham muốn học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội nước ta thành một xã hội học tập.

02.jpg
Nhà giáo, yếu tố quyết định nhất đến chất lượng GD-ĐT. Ảnh Bá Hải/gdtd.vn

Tôi cũng muốn nói đến một hạn chế nữa, đó là chúng ta chưa thực hiện tốt phương châm kết hợp 3 môi trường giáo dục HS là gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục HS. Nói đến điều này, chúng ta muốn GV phải là thật sự là người của cộng đồng, là người gương mẫu và chủ động kết nối 3 môi trường giáo dục; công tác quản lí phải tạo điều kiện cho giáo viên làm tốt chức năng này.

Pv: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng đội ngũ GV và CBQLGD ở nước ta hiện nay?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Ở nước ta hiện nay số lượng nhà giáo và CBQLGD tăng nhanh, cơ bản bảo đảm được số lượng và cơ cấu cho các cấp học, môn học; số lượng đó từ mầm non đến đại học có gần 1,2 triệu người, trong đó nhà giáo chiếm khoảng 88%, CBQLGD khoảng 12%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên và CBQLGD có nhiều chuyển biến tích cực. Tính đến năm 2011, tỉ lệ giáo viên mầm non đạt chuẩn và trên chuẩn về bằng cấp là 96,03%, ở tiểu học là 99,46%, THCS là 98,84%, THPT là 99,14%.

CBQLGD các cấp đều đạt hoặc vượt chuẩn bằng cấp, nhất là ở phổ thông, trình độ cử nhân đạt gần 100%. Tỉ lệ có bằng thạc sĩ ngày càng tăng, ở các cơ sở đào tạo CĐ, ĐH tỉ lệ này đạt từ 20 đến 50%. Nhìn chung các nhà giáo và CBQLGD có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững và phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của nhà giáo…

Pv: Trong bối cảnh: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ GV và CBQLGD ở nước ta ra sao? 

IMG_6901.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đang lắng nghe những chia sẻ của các học viên lớp bồi dưỡng Tiếng Anh bậc B2 theo khung tham chiếu Châu Âu tại trưởng CĐ Hải Dương. Ảnh Bá Hải/gdtd.vn

TT Nguyễn Vinh Hiển: Để tiến hành "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo" hiện nay thì cần phải đề cập đến đổi mới đào tạo GV trong trường sư phạm. Chương trình đào tạo GV trong các trường sư phạm hiện nay cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhưng có nhiều yếu tố đã lạc hậu, không theo kịp với yêu cầu đổi mới giáo dục.

Cụ thể là chương trình đào tạo còn nặng về kiến thức chuyên môn, chưa quan tâm đúng mức đến rèn luyện trách nhiệm nhà giáo và năng lực sư phạm của giáo sinh. Thời lượng và điều kiện dành cho việc học và rèn các kĩ thuật, phương pháp và hình thức dạy học – giáo dục còn rất ít; trường sư phạm chưa chú trọng việc phát triển hệ thống các trường phổ thông thực hành, các cơ sở rèn luyện kĩ năng sư phạm.

Trong chương trình đào tạo, các trường sư phạm chưa quan tâm mục tiêu tích hợp vừa dạy kiến thức chuyên môn vừa đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho giáo sinh. Cần phải khắc phục những hạn chế này và quan tâm hơn đến giáo dục lý tưởng, ý thức trách nhiệm công dân, lòng yêu nghề của người GV ngay khi đang học tập và rèn luyện trong trường sư phạm; đồng thời trang bị thêm những kiến thức hiện đang còn thiếu cho sinh viên sư phạm về các lĩnh vực kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục, giáo dục hòa nhập, tư vấn hướng nghiệp cho HS, phương pháp dạy học cho người lớn…

Đối với cán bộ quản lý, nếu không có tâm huyết và năng lực quản lý sự phát triển thì chính họ lại là lực cản trong quá trình đổi mới. Trước đây chúng ta quan tâm đến việc trang bị cho CBQLGD các kĩ năng quản lý nhà trường, quản lí hệ thống giáo dục như một môi trường tĩnh. Nay phải đổi sang bồi dưỡng cho họ năng lực lãnh đạo, quản lí quá trình đổi mới của nhà trường và hệ thống giáo dục.

Trong những năm gần đây Bộ GD-ĐT và các cơ sở đào tạo đã có nhiều cố gắng trong việc bồi dưỡng GV và CBQLGD. Nội dung bồi dưỡng GV và CBQLGD đã cố gắng xuất phát từ nhu cầu thực sự của GV, của CBQLGD, thiếu mặt nào được bồi dưỡng mặt đó. Chương trình bồi dưỡng thường xuyên được biên soạn thành nhiều modul khác nhau để GV và CBQLGD chọn lựa và tự học là chính…

Trong thời gian tới, để đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng GV và CBQLGD, Bộ GD-ĐT sẽ tập trung thực hiện "Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011 – 2020", hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện chế độ chính sách cho GV để đáp ứng những nhu cầu cơ bản và phù hợp với những đặc điểm của nghề giáo để GV được làm việc một cách chân chính, tập trung tâm trí vào nhiệm vụ giáo dục, hạn chế những tiêu cực trong ngành; hỗ trợ, tạo điều kiện để GV đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức quá trình dạy học – giáo dục.

Theo đó, mục tiêu trong 10 năm tới là xây dựng đội ngũ nhà giáo và CBQLGD theo hướng chuẩn hóa về năng lực, có lòng yêu nghề, tận tâm với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, am hiểu và vận dụng sáng tạo khoa học giáo dục, khoa học quản lý vào điều kiện cụ thể của giáo dục Việt Nam; đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bá Hải (ghi)

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Nha-giao-yeu-to-quyet-dinh-nhat-den-chat-luong-GDDT-1964909/

Gõ cửa từng nhà gieo chữ

Posted: 15 Nov 2012 05:42 PM PST

- Đã hơn 5 năm qua, ở khu chung cư S dành cho người nghèo bên cầu Sông Hàn có một
lớp học "đặc biệt". Bởi học trò là những phụ nữ nghèo, trẻ bị thiểu năng. Hằng đêm, người giáo viên ấy mang cả sự nhiệt tình và
tâm huyết ân cần đến từng nhà gõ cửa mong học trò đến lớp đầy đủ để xóa mù chữ.
Cô tên Nguyễn Thị Bích (57 tuổi) ở khối phố Thành Vinh 10, phường Thọ Quang
(quận Sơn Trà, Đà Nẵng).


 

Cô Bích soạn bài trước khi lên lớp dạy

Trò đặc biệt

Chúng tôi tìm đến lớp học của người giáo viên ấy trong một buổi tối lạnh se rít cả
người. Bên trong tầng trệt của khu chung cư S vang lên tiếng đọc ê a bảng chữ cái của
người lớn và trẻ em. Hiện ra trước mắt chúng tôi là một căn phòng rộng khoảng 20m2,
một chiếc bảng lớn, bên dưới là chiếc bàn giáo viên đã cũ và ba dãy bàn ghế. Trên bục
giảng, một người phụ nữ tóc đã lấm tấm bạc, ăn mặc giản dị với đôi kính lão giày đọc
bài giảng với sự chăm chú hướng về các học trò trong lớp.

Trò chuyện với chúng tôi, cô Bích cho biết: "Đây là lớp thứ ba kể từ khi tôi mở
lớp dạy xóa mù chữ đầu tiên cho phụ nữ nghèo giữa năm 2007. Các học trò là những phụ
nữ đã lớn tuổi và cả trẻ em thiểu năng. Trẻ nhất là 8 tuổi, cao nhất lên đến gần 50
tuổi rồi."

Hằng đêm, cứ đến 6h30 tối là cô Bích lại cặm cụi cắp trang giáo án đến gõ cửa tận
nhà của học trò. Hầu hết là những người phụ nữ đã có tuổi, sau khi lo cơm nước cho
chồng con lại tất bật đem vở theo cô đến học. Có một số trẻ em bị thiểu năng trí tuệ,
gia đình không cho đi học, được cô Bích động viên, thuyết phục xin cho đến lớp của
mình học cho biết mặt chữ.

"Khó khăn có nhiều lắm! Những ngày đầu đến động viên chị em bị mù chữ theo học,
tôi đã bị các anh chồng quở trách rằng không lo chuyện gia đình mình mà đi lo bao
đồng, học có kiếm ra tiền đâu, để vợ con tôi được yên đi. Lúc đó tôi thấy buồn lắm
chứ nhưng tôi đã quyết tâm. Tuy việc dạy học của tôi không đem lại vật chất nhưng sẽ
giúp chị em phụ nữ mù chữ hiểu biết. Có thể biết tính toán tiền bạc chi tiêu cuộc
sống, viết đơn thư, đọc sách báo…Đó là những việc đơn giản nhất góp phần giúp chị em
bản lĩnh hơn trong cuộc sống đang phát triển từng ngày."
– Cô Bích tâm sự.

Để các học trò đến lớp thường xuyên đầy đủ, không sẽ quên mặt chữ. Cô Bích sắp xếp
học tất cả các ngày trong tuần để rèn thường xuyên. Bất kể thời tiết mưa gió, gia
đình bận chuyện, tất cả chị em phụ nữ cũng cố gắng thu xếp đến học cho đầy đủ. Nếu ai
bận thì ngày hôm sau cô đến tận nhà để phụ đạo lại.

Cô Bích tâm sự: "Các chị em trong lớp đã luống tuổi, phải quán xuyến việc gia đình
nên khó khăn trong việc tiếp thu. Nhưng thật sự là ai cũng quyết tâm học cho biết cái
chữ nên đến nay đã có 30 người đã phổ cập xong bậc văn hóa tiểu học. Hơn chục em nhỏ
vẫn đang tiếp tục được học tiếp chương trình cấp hai."

Em Lê Thịnh, 8 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, học trò ít tuổi nhất trong lớp hồ hởi
ngọng ngịu khoe: "Cháu thích được đi học cô Bích lắm! Cô dạy dễ hiểu lắm ạ! Cô cầm
tay giúp cháu viết chữ. Đến nay cháu đã đọc và tập viết được rồi!"

"Tôi đã học và viết được chữ thành thạo là nhờ cô Bích tận tình giúp đỡ. Thật sự
thì ban đầu khi cô Bích đến nhà động viên đi học chữ tôi đã rất là ngượng lại sợ
chồng la nên không dám đi. Sau khi cô thủ thỉ việc học giúp hiểu biết công việc giấy
tờ hơn lại được chồng ủng hộ nên tôi đi học. Giờ việc đọc sách báo hay viết đơn từ gì
nó cũng dễ, ngay cả đi chợ mua gì tính nó cũng nhanh hết, chi tiêu cũng hợp lí hơn."
– Vừa nói chị Nguyễn Thị Hường, 49 tuổi, khu chung cư S không giấu nổi niềm vui mừng
khi đã biết đọc viết chữ.

Đã là một phần của cuộc sống…

Cô Bích tốt nghiệp nghành trung cấp kế toán, sau khi ra trường thì xin làm tại một
công ty tư nhân Dệt may tại Đà Nẵng. Năm 1998, chồng cô là chú Hoàng Đức Tâm bị tai
biến, cô bán hết nhà cửa chuyển đến sống ở khu chưng cư S dành cho người nghèo để
dành tiền chạy chữa cho chồng.

Lớp học của cô Bích là phụ nữ nghèo và trẻ em thiểu năng

Tâm sự về lí do mở lớp dạy học xóa mù chữ cho phụ nữ nghèo và trẻ em kém may mắn,
cô Bích nói: "Tôi đã từng phải cố gắng lắm mới theo nổi mặt chữ học tốt nghiệp ra
trường. Lớp học tôi thời đó chỉ có nổi hai người con gái. Cái ăn còn không có lấy đâu
ra mà đi học. Sau khi tôi về hẳn ở nhà chăm sóc chồng con, chứng kiến các chị em mỗi
khi có việc viết đơn thư, nhờ đọc bài báo là tìm đến nhà đã thôi thúc tối quyết định
mở lớp để dạy.

Thời gian đầu cô Bích phải mượn căn phòng của Công ty quản lý nhà chung cư Đà Nẵng
để làm lớp học. Sau đó, cô đã phối hợp với Hội Khuyến học cùng Trung tâm học tập cộng
đồng phường Thọ Quang liên hệ với các trường học trên địa bàn phường xin lại những bộ
bàn ghế cũ, hư hỏng về cho con trai mình sửa chữa. Còn bảng đen, khăn lau, phấn
viết,…cô đều tự bỏ tiền túi ra để mua.

Khi mở lớp được một thời gian thì quản lí chung cư không cho phép dạy nữa, một
mình cô phải lật đật chạy lên chính quyền năn nỉ xin được mượn lại phòng để dạy.
Nhiều khi trời mưa gió lớn, sợ chị em và các cháu không đến lớp, cô phải giao lại
việc chăm sóc chồng cho các con rồi cắp nón đến gõ cửa từng nhà để động viên đến học.
Đã hơn 5 năm qua, tiếng gõ cửa của cô đã trở nên quen thuộc đối với các học trò trong
lớp.

Hiện tại lớp học của cô Bích có 14 người, cả chị em phụ nữ và trẻ em theo học.
Trong đó có 3 cháu bị thiểu năng trí tuệ, học chậm hơn rất nhiều nên được bố trí ngồi
riêng để kèm cặp. Cô Bích chia sẻ: "Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng mỗi lần thấy
các chị em và các cháu nơi đây cặm cụi tập đánh vần và viết nên từng nét chữ khiến
tôi cảm thấy như được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc. Tôi sẽ mãi gắn bó vì
đã là một phần cuộc sống của tôi rồi!"

  • Nguyễn Văn Luận

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/97078/go-cua-tung-nha-gieo-chu.html

Hiểu lao động của nhà giáo để đãi ngộ và tôn vinh

Posted: 15 Nov 2012 05:42 PM PST

Đó là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) khi chia sẻ với Dân trí nhân dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Nhà giáo lao động cả trí tuệ lẫn nhân cách

Hiểu lao động của nhà giáo để có chế độ đãi ngộ và tôn vinh thỏa đáng.
Hiểu lao động của nhà giáo để có chế độ đãi ngộ và tôn vinh thỏa đáng.

Không có động lực thì HS không thể có nghị lực để vượt qua những thử thách, những cám dỗ của cuộc sống đầy biến động hiện nay. Chính người thầy bằng ngọn lửa nhiệt tình của mình, đem hiểu biết của mình gieo vào tâm hồn trẻ. Tất cả những cái đó phải được huấn luyện, được đào tạo, chọn lọc mới có. Cái đó thì không có máy móc nào thay được người thầy. Người ta đã tổng kết rằng, một nền giáo dục không thể vượt được tầm của ông thầy. Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thầy tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa… Chất lượng cao là phải ở chất lượng của thầy.

Cũng theo TS Lâm, trong xã hội hiện nay, tỷ lệ các gia đình không ổn định rất cao. Trẻ em là người thiệt thòi nhất khi nhân tố giáo dục trẻ từ mỗi gia đình bị phá vỡ. Nếu các em không được các thầy cô trong các nhà trường nâng đỡ chăm sóc. Chắc chắn nhiều em dễ bị lệch chuẩn. Và vai trò của nhà giáo lúc này sẽ là người cha, người mẹ thứ 2 của các em. Nên ta không chuẩn bị tốt cho những người thầy có đủ năng lực sư phạm tâm huyết với nghề để làm thiên chức thứ 2 này, chắc chắn xã hội sẽ nhận nhiều hậu quả.

"Trong khi xã hội chưa tìm được giải pháp để xây dựng các tổ ấm gia đình, tạo môi trường giáo dục tốt cho trẻ. Tại sao ta không tôn vinh, đãi ngộ để các nhà giáo yên tâm, chuyên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp cho nghề dạy học của mình?" - TS Nguyễn Tùng Lâm đặt vấn đề.

Cần có chế độ đãi ngộ hợp lý

Liên quan đến vấn đề lương của giáo viên (GV) hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng có mấy vấn đề cần phải quan tâm. Thứ nhất là quan niệm của chúng ta về lao động của nhà giáo như thế nào để trả lương cho thỏa đáng. Lương cao hơn tất cả thì chắc là khó vì cao nhất cũng chỉ bằng quân đội, công an, nhưng đó là lương xương máu.

Thứ hai là nếu đã coi giáo dục là quốc sách, là điểm tựa để đi đến tương lai, để giải quyết vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết vấn đề nhân lực chất lượng cao… thì phải ưu tiên giải quyết vấn đề lương giáo viên trước.

"Cái quan trọng là làm thế nào để các trường học được trả lương cho thầy giáo theo hiệu quả lao động thực tế. Lương hiện nay chỉ xếp theo giờ dạy chuẩn, nhưng công tác giáo dục, ngoại khóa, đoàn đội, chủ nhiệm… cũng phải được trả tiền. Chứ nếu trả tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng thôi. Lao động của người thầy giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương" - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Cũng theo TS Nguyễn Tùng Lâm, hiện nay có hai kiểu GV. Một là kiểu thực sự có năng lực giỏi được HS yêu quý. Còn kiểu thứ hai, phổ biến nhất, là dùng cách này hay cách khác để ép HS phải học. Trước thực tế này, TS Lâm đặt vấn đề: Tại sao không khuyến khích người ta dạy giỏi để trả lương thật cao? Chúng ta phải mạnh dạn cải tiến tiền lương theo hướng đó. Với GV phải đi đúng 4 bước: Tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ. Và trong tuyển chọn phải có thải loại, dám bỏ những người không phù hợp. Ngành giáo dục càng loại trừ tốt bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Không thể nhân đạo với một người mà vô nhân đạo với rất nhiều thế hệ.

"Việc đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ GV mầm non và tiểu học hiện nay chúng ta đang làm ngược quy luật. Trẻ mầm non và tiểu học là lứa tuổi cần được chăm sóc và giáo dục một cách chu đáo và khoa học nhất, kết quả giáo dục của những lớp này sẽ quyết định rất nhiều đến việc phát triển tài năng và tính cách của mỗi cháu. Để làm được việc này, GV mầm non và tiểu học phải được đào tạo chính quy đạt ít nhất trình độ Cao đẳng và tiền lương lại được ưu tiên có hệ số cao hơn các GV dạy ở các cấp khác. Bảng lương của ta chỉ có hệ số cao cho GV THPT và Đại học. Có lẽ phải làm ngược lại. Nhiều sai sót trong ứng xử sư phạm hiện nay của GV mầm non và tiểu học cũng là do họ không được đào tạo chính quy, không được đãi ngộ đúng với lao động có tầm quan trọng với lứa tuổi học trò" - TS Lâm nói.

Chốt vấn đề tiền lương, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, chúng ta đặt ra yêu cầu đối với GV, rồi đưa người ta đi bồi dưỡng. Có thể GV sau 5 năm phải đào tạo lại 6 tháng. Đảm bảo là chỉ sau 3 năm là có thể có được đội ngũ GV giỏi. Nếu trả lương thỏa đáng và được đào tạo lại, GV lại biết yêu cầu của ngành thì họ sẽ phấn đấu theo. Còn ai không phấn đấu được, ai không phù hợp với nghề thì phải chịu loại bỏ. Sử dụng, đãi ngộ và chọn lọc phải đi với nhau.

S.H (ghi)

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/hieu-lao-dong-cua-nha-giao-de-dai-ngo-va-ton-vinh-663234.htm

Nhà giáo cần được quan tâm hơn nữa

Posted: 15 Nov 2012 05:42 PM PST

Nhà giáo cần nhận được sự quan tâm hơn
Quang cảnh buổi tọa đàm về vai trò và vị thế của nhà giáo trong xây dựng xã hội học tập hòa nhập, sáng tạo và bền vững.

Chủ tịch Nguyễn Mạnh Cầm cũng cho rằng, nếu XHHT là một thiết chế gắn kết hệ thống giáo dục chính quy trong nhà trường với hệ thống giáo dục không chính quy ngoài xã hội, giáo dục ban đầu ở nhà trường với giáo dục tiếp tục sau nhà trường, thì nhà giáo không những chỉ trang bị kiến thức và bồi dưỡng nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn phải hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ người lớn nâng cao kiến thức, tiếp cận với sự phát triển của tri thức nhân loại, với tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, đưa đất nước tiến lên cùng với thời đại.

Đồng với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao đổi thêm: "Nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng XHHT là làm cho mọi người từ trẻ đến già đều thấy cần phải học, có thể học và được học suốt đời; xem học tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc. Đồng thời, XHHT sẽ tạo môi trường thuận lợi, đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập ban đầu và học suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi trình độ, trong đó đặc biệt chú ý nhu cầu học tập của người cao tuổi, người bị khuyết tật, người bị thiệt thòi về giáo dục…”.

Nhà giáo với xã hội học tập: Không thể thiếu sự hỗ trợ

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam thì XHHT không phải là vấn đề mới đối với thế giới hiện đại. Tuy nhiên, đối với nhà giáo, hình như vấn đề XHHT còn khá mới mẻ, bởi ngành giáo dục chưa mở ra các lớp tập huấn, chưa được biên soạn những chuyên đề hoặc tài liệu khoa nào trong trường sư phạm về vấn đề này, Chính phủ cũng chưa ban hành một văn bản quy định vai trò, vị trí, trách nhiệm của nhà giáo đối với XHHT.

Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam phân tích: Xã hội vốn đòi hỏi cao ở giáo viên (GV) nhưng những kỳ vọng đối với họ còn lớn hơn nữa khi Việt Nam hướng tới trở thành một XHHT, nơi mọi công dân đều học tập và học tập suốt đời dưới nhiều hình thức khác nhau và mọi tổ chức, cá nhân, mọi nhà giáo đều có trách nhiệm tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân.

"Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ về đối tượng GV mong đợi trong tương lai. Đó là một danh sách rất dài các yêu cầu đòi hỏi. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra đó là từng người trong số chúng ta đã và đang làm những gì để mang lại một môi trường thuận lợi trong thời gian sớm nhất nhằm giúp cho những con người kỳ diệu này có thể làm tốt công việc của họ? Và đương nhiên câu trả lời không chỉ đơn thuần là việc bố trí kinh phí mới có thể tạo nên những thay đổi" – bà Katherine Muller-Marin nói.

Với tư cách là người trong cuộc, cô Đinh Phương Anh - GV Trường THCS Lê Ngọc Hân (Hà Nội) thẳng thắn nói: "Hiện nay có rất nhiều thách thức đối với đội ngũ nhà giáo. Việc khoa học kỹ thuật thay đổi như vũ bão đòi hỏi GV cũng phải luôn vận động để bắt kịp. Tuy nhiên với việc lương nhà giáo còn thấp nên họ chưa thể dành toàn bộ tâm huyết đối với ngành mà vẫn phải bươn chải để chăm lo cuộc sống gia đình".

Cô Phương Anh đánh giá thêm, với việc không có sự phân biệt giữa các GV nên làm ảnh hưởng ít nhiều đến động lực phấn đấu. Chẳng hạn như nhiều thầy cô dành thời gian, công sức để nghiên cứu các đề tài sáng kiến kinh nghiệm, phấn đầu để trở thành chiến sĩ thi đua… nhưng thành quả họ nhận được cũng chỉ mới dừng lại là động viên, khen thưởng theo yếu tố tinh thần là chính còn về vật chất thì rất hạn hẹp…

Ông Sziraczki – Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, một thách thức lớn nhất đối với Việt Nam, là làm thế nào để nghề giáo trở thành một việc làm bền vững xứng đáng với vị thể vốn có của nghề này trong xã hội. Việt Nam đã nêu một tấm gương sáng khi dành cho giáo dục 20% phân bổ ngân sách quốc gia, nhưng còn cần rất nhiều sự hỗ trợ nữa để giúp các nhà giáo đưa giáo dục đến tất cả mọi người.

Cũng theo ông Sziraczki, là một XHHT, các quốc gia có thể thúc đẩy một tương lai ngày càng hòa bình và thịnh vượng. GV chính là tâm điểm của tầm nhìn này. Họ là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Không có gì có thể thay thế được GV. Không có gì quan trọng hơn là hỗ trợ họ.

Ngoài việc làm rõ cơ hội và thách thức đối với nhà giáo khi tham gia XHHT thì buổi tọa cũng trao đổi thêm về vấn đề hỗ trợ nhà giáo, đề xuất nâng cao vị thế của nhà giáo trong XHHT… Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, từ những cuộc trao đổi sát thực như thế này sẽ hình thành những khuyến nghị giúp nhà giáo thực hiện hướng tới xây dựng nước ta trở thành một XHHT.

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nha-giao-can-duoc-quan-tam-hon-nua-663096.htm

Chọn quà 20/11 tặng thầy cô của con

Posted: 15 Nov 2012 05:40 PM PST

Nhìn thấy mẹ tẩn mẩn gói quà, con trai hỏi: "Mẹ ơi, quà gì mà nhiều thế ạ?". Mẹ âu yếm nhìn con: "Quà tặng thầy cô giáo nhân ngày 20/11 đó con".

Vừa gói quà, mẹ vừa giải thích một cách thật đơn giản để con hiểu về ý nghĩa của Ngày Nhà giáo Việt Nam. Rồi mẹ đưa những tấm thiệp xinh xắn mà mẹ đã chuẩn bị để cho con viết lời chúc mừng thầy cô. Mẹ cũng không gợi ý nội dung mà để con tự viết. Những nét chữ dẫu còn vụng về  nhưng mẹ biết con đã cố gắng và đặc biệt hơn cả đó là những tình cảm ngây thơ, trong sáng của con. Con còn nhỏ để hiểu hết ý nghĩa của ngày lễ này nhưng nhìn ánh mắt chăm chú của con, nhìn bàn tay nhỏ bé của con đưa từng nét chữ, mẹ nghĩ  những việc mẹ cùng con làm hôm nay sẽ đọng lại trong trí nhớ, trong trái tim con ít nhiều.

Vài ngày trước, mẹ đã nghĩ rất nhiều mà vẫn chưa tìm ra những món quà ý nghĩa để tặng thầy cô giáo của con. Lên Facebook, thăm dò ý kiến bạn bè mẹ nhận được những câu trả lời khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là: "Quà cáp gì cho phức tạp ra, cứ phong bì vừa nhanh gọn, tiện lợi, hiệu quả".

Mẹ suy nghĩ nhiều về gợi ý đó nhưng mẹ đã không làm như thế con ạ.  Bởi với mẹ, ngày 20/11 không chỉ là ngày để mẹ có dịp tri ân những thầy cô giáo đã dạy dỗ con, những người đã cùng mẹ đồng hành với con trong suốt thời gian qua mà còn có thêm một ngày để mẹ dạy con những bài học vỡ lòng đầu tiên trong chuỗi bài học mà con người ta phải học cả đời – bài học làm người, từ những việc làm tưởng như rất nhỏ bé nhưng lại có ý nghĩa hơn vạn lần những lời giáo huấn khô khan về đạo hiếu, về lễ nghĩa… Vì thế mà mẹ tự tay mình chọn quà, mẹ để con tự  tay viết thiếp, để con tự tay mang quà đến tặng thầy cô và mẹ vẫn mong sau này con lớn hơn chút nữa mẹ sẽ để con tự chọn quà và dạy con cách gói quà…

Con biết không, trong giỏ quà của mẹ có rất nhiều món quà dù những món quà đó rất nhỏ bé, dù rằng mẹ không thể cảm ơn tất cả những người đã cùng mẹ dìu dắt con từ những bước đi đầu tiên nhưng có những người chỉ cần nhắc đến tên là mẹ biết con sẽ reo lên vì vui sướng: Đó là bà hiệu trưởng Trường Mầm non Diêm Thống Nhất mà con đã học, một nhà giáo mẫu mực đã yêu thương con hết lòng, một cô giáo đã sắp sửa nghỉ hưu nhưng vẫn canh cánh nỗi lo không biết lên lớp 1, "vầng trăng khuyết" của mẹ có hòa nhập được không. Mỗi lần cô gọi điện cho mẹ, câu đầu tiên là cô hỏi về con, câu cuối cùng cũng vẫn dành cho con. Đó cũng là người đã giúp mẹ hiểu những điều mẹ đã sai từ lâu mà mẹ không nhận ra: "Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ, hãy để con phát triển bằng những khả năng con có chứ không phải bằng mong muốn của bố mẹ".

Đó là cô giáo chủ nhiệm cũ của con, người chỉ dạy con một tháng học hè rồi chuyển trường nhưng đã để lại trong con những tình cảm tốt đẹp. Và để giữ lời hứa với con, cô đã quay về trường để tặng con con dấu mà con yêu thích có chữ "cô khen" mà con vẫn giữ bên mình.

Đó là cô chủ nhiệm mới của con, một người vừa sẵn tình thương của một người cô, người mẹ vừa bằng kinh nghiệm của mình đã không quản vất vả, khó khăn để chung tay cùng bố mẹ bù đắp và san lấp dần những khiếm khuyết thân thể của con, giúp con hòa nhập, khuyến khích, động viên con vươn lên bằng rất nhiều cách khác nhau, bằng tấm lòng rất mực yêu thương, sự tận tụy, kiên nhẫn… những thứ mà mẹ không thể đong đếm được.

Đó là những thầy cô giáo bộ môn: Tiếng Anh, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật… những môn học mà con vốn không thích nên không hợp tác nhưng thầy cô đã rất khéo léo và tận tình hướng dẫn con, tạo cho con sự hứng thú. Đó là cả một sự nỗ lực và nghệ thuật mà mỗi ngày mẹ vẫn thầm lặng ghi nhận.

Đó là cô hiệu trưởng, hiệu phó Trường Tiểu học Thanh Am… những người quản lý một ngôi trường mới với bộn bề những khó khăn, thử thách nhưng vẫn tâm huyết với nghề, vẫn vững niềm tin, vẫn luôn coi trọng giáo dục toàn diện nhưng không quên giáo dục cá biệt với những trường hợp "đặc biệt" như con. Niềm tin và sự lạc quan đó lan tỏa trong cả ngôi trường và trong chính lòng mẹ…

Dẫu chưa nhiều nhưng con ngày hôm nay đã khác con của ngày hôm qua, mẹ biết không chỉ mẹ vui mà những người đã sát cánh bên con cũng sẽ thấy hạnh phúc vì đó là thành quả của tất cả sự nỗ lực, cố gắng hợp thành mà có, có cả những cố gắng thầm lặng mà có thể mẹ con mình chưa biết, chưa nhìn thấy hết nhưng mẹ cũng rất muốn được gửi một lời cảm ơn chân thành trong ngày lễ ý nghĩa này.

Con trai! Mẹ biết cuộc sống bây giờ có nhiều thứ đã thay đổi, có những thứ quan trọng người ta cũng dễ dàng quy đổi bằng tiền nhưng mẹ tin những giá trị tốt đẹp và chân chính sẽ không bao giờ mất đi, mà để giữ lại được những thứ đó cho con, mẹ phải bắt đầu từ khi con còn nhỏ, từ trong ý nghĩ, trong mỗi việc làm. Vì thế, con hãy tự tay mang cầm những món quà mẹ chuẩn bị cho con đến tặng thầy cô giáo – những món quà nhỏ dù không có giá trị nhiều về mặt kinh tế nhưng khởi điểm từ tấm lòng, từ sự quan tâm, kính trọng, từ sự biết ơn chân thành.

Mỗi năm có một ngày 20/11 để chúng ta bày tỏ lòng tri ân với thầy cô giáo nhưng mẹ mong tình cảm tốt đẹp với thầy cô sẽ ở lại và lớn dần trong con mỗi ngày, con nhé.

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chon-qua-2011-tang-thay-co-cua-con-663166.htm

“Vai trò và vị thế của nhà giáo trong xây dựng xã hội học tập hòa nhập, sáng tạo và bền vững”

Posted: 15 Nov 2012 05:40 PM PST

(GDTĐ) – Đó là nội dung buổi tọa đàm diễn ra tại Nhà Thái học, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội ngày 15/11 nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Ngày Nhà giáo thế giới 5/10, do UNESCO, Tổ chức Lao động thế giới (ILO), Hội Khuyến học VN, Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TBXH phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại buổi tọa đàm
Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình học tập của mỗi người đều rất cần sự tham gia của người thầy. Ở mỗi cấp học, hình thức học, người thầy đều gặp những thách thức khác nhau với những đặc thù riêng biệt. Đặc biệt, trong công tác xóa mù chữ, phổ cập GD, người thầy gặp muôn vàn khó khăn, thách thức.

Chính vì vậy, thông điệp của buổi tọa đàm là cần xác định vai trò ngày càng quan trọng của nhà giáo cũng như vị thế tương ứng của họ trong XHHT, những thách thức đối với các nhà giáo trong việc hỗ trợ hiệu quả quá trình học tập suốt đời của người dân, từ đó tìm ra những giải pháp hỗ trợ nhà giáo một cách toàn diện để họ góp phần xây dựng VN trở thành một XHHT.

P.V

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Vai-tro-va-vi-the-cua-nha-giao-trong-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-hoa-nhap-sang-tao-va-ben-vung-1964905/

Hình ảnh độc trong ngôi trường đào tạo nhân tài ở New York

Posted: 15 Nov 2012 05:40 PM PST


Những đứa trẻ này được xem là cực kỳ thông minh ở lứa tuổi của mình. Các bức ảnh này ghi lại những khoảnh khắc học tập, sáng tạo những đứa trẻ vô cùng thông minh trong môi trường giáo dục đặc biệt tại  P.S. 600, Hunter College, New York, Mỹ.


Đây là ngôi trường duy nhất ở Mỹ chỉ chuyên cho giáo dục cho các nhân tài. Nina Leen- một trong những nữ nhiếp ảnh gia đầu tiên của tạp chí Life đã chộp được những khoảnh khắc vô cùng sống động của các cô cậu học trò tại đây khi chúng đang trong lịch trình quen thuộc của mình: chơi nhạc, viết lách, nghiên cứu khoa học, triết học, xây dựng mô hình


Tuy nhiên bài báo trên cũng đã nhìn nhận rằng: việc những đứa trẻ quá thông minh này được đào tạo chuyên biệt thông qua một môi trường kiểu như thế này, cuối cùng cũng sẽ tạo ra những sản phẩm trở nên rất khập khiễng với xã hội, không thể tận hưởng được cuộc sống hồn nhiên ở lứa tuổi của chúng.


Ngược lại, nếu cho chúng quay trở lại môi trường chung ở lứa tuổi của mình thì những khả năng tinh thần vượt trội của chúng cũng sẽ nhay chóng bị lu mờ và thui chột.


Những đứa trẻ này được xem là cực kỳ thông minh ở lứa tuổi của mình.

Theo VTC

Nguồn: http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hinh-anh-doc-trong-ngoi-truong-dao-tao-nhan-tai-o-New-York/250319.gd

Comments