Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


‘Cậu bé vàng Toán học Việt Nam’ giờ ra sao?

Posted: 13 Nov 2012 05:14 AM PST

Từng đoạt cả huy chương vàng lẫn giải đặc biệt tại kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 ở London (Anh) nhưng thầy vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc trên bục giảng của mình.

Năm 1979, cái tên Lê Bá Khánh Trình ghi dấu ấn trong tâm trí nhiều người, trong và ngoài nước, khi đoạt Huy chương vàng và giải đặc biệt trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 ở London (Anh).

Giây phút… nghẹt thở

Thầy Lê Bá Khánh Trình

Chúng tôi gặp thầy trong căn nhà giản dị trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TPHCM). 33 năm đã trôi qua, nhưng những kỉ niệm về kỳ thi năm đó vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của thầy.

Trao đổi với chúng tôi, thầy Lê Bá Khánh Trình kể về kỉ niệm lạc đề dẫn tới chiến thắng vang dội năm đó: "Lúc học bài và đọc tài liệu, tôi ôn rất kỹ. Thậm chí khi đọc những cuốn sách và biết được những cách giải rất hay nhưng khi vào phòng thi, người ta cho đề ngược. Tôi lại làm bài theo những cách đã ôn.

Sau khi làm bài xong, còn thời gian rất nhiều, tôi kiểm tra lại bài rất kỹ và để chắc ăn, tôi giải thêm cách giải nữa, kết quả đều giống nhau.

Nhưng khi rà soát lại đề thì không phải, tôi làm bài bị sai. Đề cho một đường, tôi lại đi làm một nẻo. Nhìn đồng hồ, chỉ còn khoảng 30 phút nữa là hết giờ. Thật lạ, cảm giác lúc đó là bình thản! Tôi đọc lại đề bài rồi tìm ra cách giải cho bài toán".

Lê Bá Khánh Trình chia sẻ: "Có thể những con người ta bị dồn vào thế bí nhất, họ sẽ tìm ra một hướng giải quyết rất phù hợp và xuất sắc. Tôi cũng vậy, dù thời gian thi không còn nữa nhưng vẫn bình tĩnh làm bài.

Khi tiếng chuông báo hết giờ, giám thị đến thu bài, tôi giơ tay lên xin ít phút nữa để giải cho xong bài toán cuối cùng. Đúng như ý nguyện của tôi, vị giám khảo vẫn nhẹ nhàng đứng chờ cho đến khi tôi hoàn thành bài giải".

Ánh mắt thầy rạng lên khi kể về vị giám khảo coi thi hôm ấy.

Trong lúc Lê Bá Khánh Trình làm bài thi, do mệt nên có ho vài tiếng, vị giám khảo ấy ân cần đứng bên cạnh rót nước và lấy khăn lau cho thí sinh bé nhỏ đến từ Việt Nam, để Lê Bá Khánh Trình yên tâm làm bài thi tiếp.

Rồi trong lúc làm bài thi, các giám khảo cứ vài phút lại đến bên xem tình hình sức khỏe của thí sinh. Chỉ cần thấy ai có biểu hiện về sức khỏe không tốt, ngay lập tức họ chăm sóc rất ân cần.

Chính vì sự ân cần và quan tâm đó, Lê Bá Khánh Trình ngày nay vẫn tin rằng, thầy đoạt giải cao chính là nhờ vị giám khảo ấy: "Nếu lúc đó, hết giờ mà thầy ấy thu bài ngay, thì có lẽ tôi đã không đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi".

Một kỷ niệm cũng làm Lê Bá Khánh Trình nhớ mãi là tình đồng đội giữa các thí sinh thể hiện rất cao. Dù mỗi người ở mỗi nước khác nhau và hầu như không ai biết về nhau, nhưng sau mỗi lần làm bài xong, tất cả các đều ngồi lại, xem lại bài thi rồi cùng tìm ra những cách giải khác nhau hay hơn.

Không chỉ thế, với những người làm bài không tốt thì cả nhóm cùng xúm lại động viên. Chính vì vậy, ngày hôm sau ai cũng làm bài tốt hơn ngày trước.

"Ngày diễn ra buổi lễ trao giải thưởng, tôi cũng rất bất ngờ vì mình được xướng danh hai lần chỉ trong vòng mấy phút. Lần thứ nhất, tôi được gọi lên nhận giải những thí sinh đoạt giải nhất của cuộc thi.

Cầm giải thưởng về chưa đến chỗ ngồi, niềm vui chưa ngớt, tôi lại được xướng danh thêm một lần nữa, là thí sinh đoạt giải xuất sắc cuộc thi. Bất ngờ và không có niềm vui nào diễn tả được vào thời điểm đó.

Hôm đó, vị giám khảo coi thi cũng đến chúc mừng tôi. Khi đi tham quan thành phố London, lúc chúng tôi đang ăn, một cô gái nhìn thấy tôi ngay lập tức đến bắt tay và ôm hôn chúc mừng", Lê Bá Khánh Trình vui vẻ kể lại.

Lặng lẽ Lê Bá Khánh Trình

Sau ngày đoạt giải, cái tên Lê Bá Khánh Trình nổi lên như cồn. Nhưng rồi 5 năm sau, 10 năm sau, không ít người hỏi Lê Bá Khánh Trình bây giờ làm gì, ở đâu? Không ít người kỳ vọng cậu bé vàng ngày xưa làm tiếp thêm nhiều kì tích khiến bạn bè năm châu ngưỡng mộ, vinh danh cho đất nước Việt Nam.

Gia đình nhỏ của thầy Lê Bá Khánh Trình

Nhưng người trong cuộc như Lê Bá Khánh Trình nghĩ gì, muốn gì? Và đâu là lựa chọn của một người nổi tiếng?

Đặt câu hỏi đó cho Lê Bá Khánh Trình vào một ngày đầu tháng 11, chúng tôi được biết, sau ngày nhận giải, Lê Bá Khánh Trình được tuyển thẳng vào khoa toán – cơ, Trường đại học Tổng hợp Moskva.

Tiếp đến, thầy làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).

Bốn năm sau, thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ rồi trở về Việt Nam làm giảng viên Khoa toán – tin, Trường đại học Khoa học tự nhiên TPHCM. Từ đó đến nay, Lê Bá Khánh Trình say mê với công việc của mình, say mê với việc truyền kiến thức toán học cho các thế hệ học sinh.

Chúng tôi hỏi, có khi nào thầy hối hận vì sự lựa chọn của mình? Mỉm cười, Lê Bá Khánh Trình cho biết: Nghề giáo với tôi có lẽ là duyên nợ, là "nghề chọn mình".

Thầy chọn nghề này không phải vì gia đình có truyền thống làm nghề giáo, cũng không phải say mê, hướng đến từ lúc sinh ra mà nó có gì đó, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, cậu học trò nhỏ đã biết học hỏi, đúc rút từ những kinh nghiệm quý báu của các thầy cô đi trước.

"Hơn nữa, tôi không thích phải cầm lá đơn chạy loanh quanh đi xin việc làm và tìm cái gì đó bình lặng để hưởng thụ riêng cho mình, đó không phải là tôi. Vì vậy, nghề giáo rất phù hợp với tính cách và sức khỏe của tôi"

Càng tiếp xúc với rất nhiều học trò, Lê Bá Khánh Trình lại yêu cái nghề mà "duyên nợ" mang đến cho mình hơn. Thầy cho biết, toán vốn dĩ là môn học rất khô cứng, khiến nhiều học trò… chán. Vì vậy trong mỗi bài giảng, Lê Bá Khánh Trình đều "biến tấu" thành những cái đơn giản, đời thường nhất để học trò dễ hiểu.

"Có khi đang giảng bài mà bất chợt đâu đó có tiếng nhạc lướt qua, tôi đều ngưng giảng lại để đố các học trò tiết mục ấy là gì, do ai thể hiện, ai là người sáng tác ra nó. Rồi những khi giảng bài nhưng tôi vẫn ngưng lại để đùa nghịch với học trò… Ngay lập tức, tiết giảng của tôi rất có chất lượng", Lê Bá Khánh Trình chia sẻ.

Nguyên tắc của thầy là hướng cho học trò những cái đơn giản, đời thường và dễ hiểu nhất. Hãy để cho các học trò tự tư duy và tự tìm cách giải cho riêng mình thì các em mới nhớ được lâu.

Lê Bá Khánh Trình nửa đùa nửa thật: "Có nhiều khi tôi phải học hỏi từ các học trò của mình nữa. Bởi có những bài toán, ngay cả mình cũng không giải được, tôi đưa cho tất cả học trò cùng giải. Khi đó có những học trò đã tìm ra cách giải rất hay mà ngay cả tôi cũng không nghĩ đến.

Tuy nhiên cũng có lúc, học trò họ cũng chỉ đưa ra những cái nửa vời, nhưng tôi vẫn ghi lại rồi về nhà nghiên cứu thêm, tìm ra cách giải đơn giản nhất, ngắn nhất, dễ hiểu nhất để truyền đạt lại cho học trò".

Vội vã chia tay chúng tôi để về đón con, Lê Bá Khánh Trình tâm sự, không bao thấy hối hận với công việc, cuộc sống hiện tại. Có đôi khi cảm thấy mệt mỏi song mệt mỏi đó chỉ là vì những chuyện thường nhật mà ai cũng có. Vì cuộc đời nó là thế…

Theo VTC News

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/96704/-cau-be-vang-toan-hoc-viet-nam--gio-ra-sao-.html

Đề nghị được nhận thiệp điện tử nhân Ngày Nhà giáo VN

Posted: 13 Nov 2012 05:14 AM PST

(GDTĐ)-Sở GDĐT TP.HCM vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố; quận ủy, UBND các quận, huyện; các cơ quan thông tấn, báo đài, đề nghị được nhận thiệp điện tử chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Theo sở này, những tình cảm tốt đẹp của các cơ quan, đơn vị nhân ngày Nhà giáo Việt Nam bằng thiệp chúc mừng điện tử gửi qua địa chỉ email vanphong.sotphochiminh@moet.edu.vn  là món quà ý nghĩa nhất đối với đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên sở GDĐT trên tinh thần thân ái và tiết kiệm.

Trước đó, Bộ GDĐT cũng thông báo chủ trương không tổ chức tiếp khách, không nhận hoa chúc mừng tại trụ sở Cơ quan Bộ và Cơ quan đại diện của Bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc này nhằm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 22/7/2010 của Bộ Chính trị (khóa X) "Về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước và các hình thức khen thưởng cao", chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/De-nghi-duoc-nhan-thiep-dien-tu-nhan-Ngay-Nha-giao-VN-1964850/

Du học bậc trung học tại Canada

Posted: 13 Nov 2012 05:13 AM PST

Trong hai ngày 12 và 14.11, tại TP.HCM, Hà Nội, đại diện của 18 trường nội trú thuộc Hiệp hội Các trường tư thục của Canada (CAIS) sẽ có buổi giới thiệu về chương trình du học.

Đại diện của những trường nói trên sẽ cung cấp cho phụ huynh, học sinh những thông tin về môi trường, điều kiện học tập của những địa chỉ tốt nhất về giáo dục nội trú cho học sinh bậc THCS và THPT. Ngoài ra, các trường còn thông tin nhiều chương trình học bổng cho học sinh Việt Nam có kết quả học tập xuất sắc.

Chi tiết về buổi giới thiệu thông tin cùng các chương trình học bổng, bạn đọc quan tâm tìm hiểu tại www.img-education.com.

B.Thanh

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121113/Du-hoc-bac-trung-hoc-tai-Canada.aspx

Nhân ngày 20/11 nghĩ đến “Lương sư, hưng quốc” và đạo làm thầy

Posted: 12 Nov 2012 09:20 PM PST

(GDTĐ) – Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Các câu thành ngữ “Không thầy đố mày làm nên”; ” Muốn sang thì bắc cầu Kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, ” Muốn làm thầy phải dày sự học” ..v..v. đã khẳng định vị thế của người thầy giáo trong xã hội, đức tính hiếu học của nhân dân ta. 

 

Sự phát triển của giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy. "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Nói về vai trò người thầy  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục".

Thầy giáo Chu Văn An thế kỉ 14 là biểu tượng của nhân cách làm thầy. Thế kỷ 20 có bậc thầy vĩ đại Hồ Chí Minh, người sáng lập ra nền giáo dục cách mạng. Cho đến ngày nay lớp lớp con cháu noi gương Người giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống để nền giáo dục Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc mà vẫn hội nhập quốc tế trong thời đại khoa học – công nghệ đang phát triển như vũ bão.


Ảnh MH (Nguồn: Internet)

Ở mọi thời đại, người thầy luôn để lại dấu ấn trong sự phát triển của các thế hệ tiếp nối. Người thầy chân chính thường đánh thức, bồi dưỡng và phát huy tiềm năng của học trò với tấm lòng nhẫn lại, bền bỉ và bằng cả cái tâm trong sáng của mình. Cách đây hơn 200 năm, người thầy đầu tiên của đất Nam Bộ – Võ Trường Toản đã nói đến trách nhiệm và đóng góp của những người làm nghề giáo, đó là đạo lý "Lương sư, hưng quốc", nghĩa là quốc gia có những người thầy giỏi và có một nền giáo dục tốt, thì sẽ hưng thịnh. “Lương sư, hưng quốc” vừa nhắc nhở trọng trách, vừa ngợi ca những người thầy vừa có tầm, vừa có tâm và có đạo hạnh. Trong tinh thần đó, vinh danh công lao của nhà giáo chính là bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã dạy mình, đồng thời thể hiện niềm tôn quý đối với truyền thống giáo dục, truyền thống văn hoá dân tộc.

"Lương sư" hiểu đơn giản là làm thầy phải là người vừa có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt lại vừa có năng lực chuyên môn. Thật ra đây chỉ là một diễn giải khác về "đạo làm thầy" đã được các bậc thức giả từ cổ chí kim ra sức khái luận. Đạo lí nói thì dễ, luận bàn thì nhiều nhưng quan trọng là hiểu như thế nào và thực hiện ra sao mới là điều đáng nói. Những lời đó của người thầy vốn được mệnh danh là "Gia Định xử sĩ” ấy quả là một nhận định tinh tường, sáng suốt ngay trong chính thời của ông và ngay cả thời đại hôm nay. Trong quá trình phát triển đi lên của sự nghiệp giáo dục không thể thiếu vai trò của người thầy nói chung và mỗi cá nhân nhà giáo nói riêng. Không chỉ vậy, đội ngũ nhà giáo còn có vai trò không thể phủ nhận đối với sự phát triển và tương lai của đất nước nói chung.

Để thể hiện đầy đủ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với đội ngũ nhà giáo, để nêu rõ ví trí, vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, để phát huy truyền thống của nhân dân ta luôn luôn tôn trọng, quý mến thầy giáo và cô giáo; để các thế hệ học sinh tri ân người đã dạy dỗ mình, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó,  ngày 20/11 cũng là ngày hội của giáo giới Việt Nam và cũng là ngày mà toàn xã hội dành cho các thầy giáo, cô giáo sự quan tâm sâu sắc.

Cả nước ta hiện nay có khoảng 1,2 triệu giáo viên, giảng viên. Con số này đã chứng tỏ sự nỗ lực trong xây dựng đội ngũ nhà giáo ở nước ta. Điều này thể hiện sự quan tâm ủng hộ to lớn của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với giáo dục. Đội ngũ nhà giáo đông đảo hiện nay đang thực sự đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.

Những năm gần đây, tiếc rằng vẫn còn có các thầy giáo, cô giáo có biểu hiện tha hóa về đạo đức. Đặc biệt nguy hại khi điều này chẳng những tác động tiêu cực đến ngành Giáo dục mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhân dân, làm xấu đi hình tượng của những người làm nghề dạy học.

Người xưa cho rằng: "Làm người khó, mà làm thầy người ta cũng chẳng dễ". Làm người khó vì phải có thiên tư, có học vấn, có kiến thức, có khí tượng. Còn muốn làm thầy người ta, thì ngoài những điều đó ra phải có tông chỉ, có giáo nghĩa, có pháp tướng, có cái "tâm". Nếu tông chỉ không vững vàng, pháp tướng không thông suốt, giáo nghĩa không rõ ràng, tâm không trong sáng thì cũng chưa thể làm thầy người ta được. Phải nắm chắc được tông chỉ, phân tích được giáo nghĩa, giải minh được pháp tướng. Không phải dễ dàng mà trở thành một nhà sư phạm khi chưa hội tụ những "tiêu chuẩn" trong cái đạo làm thầy. Nhưng cái "đạo làm thầy" này được công nhận như thế nào, thực hiện bằng phương cách gì? "Đạo làm thầy" đến từ trong bản thân mỗi người thầy của chúng ta, chỉ có sự tự giác về bổn phận làm thầy mới tạo nên những tấm gương sáng cho "sự nghiệp trồng người" đầy gian lao, thử thách.

Người làm thầy phải am hiểu "đạo" của mình mới hoàn thành tốt trách nhiệm bản thân đối với xã hội, đất nước. Suy cho cùng, "Lương sư" chính là hình tượng muôn đời của một người thầy trọn nghĩa đã được "đúc, tạc" trong sử sách, điển tích kim cổ. Trong quá trình phát triển đi lên của sự nghiệp giáo dục của nước ta, nếu có nhiều lương sư chắc chắn sẽ đào tạo nên nhiều người tài giúp ích cho nước nhà ngày càng phát triển, ngày càng giàu mạnh, theo kịp bước tiến nền văn minh trí tuệ của nhân loại.

 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Nhan-ngay-20/11-nghi-den-Luong-su-hung-quoc-va-dao-lam-thay-1964828/

Cô giáo 12 năm đi 55km tới trường hàng ngày

Posted: 12 Nov 2012 09:09 PM PST

- Hàng ngày, cô phải dậy từ 4 giờ sáng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, từ nhà đến trường là 55km, cô phải căn giờ để chậm nhất là 7h10 phút phải có mặt ở lớp. Phần lớn
học sinh nhà trường là người dân tộc. Tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo lên tới 70
đến 80%,  Ban Giám hiệu (BGH) nhà trường và các thầy cô giáo
phải chung lưng tìm lời giải cho bài toán duy trì sĩ số.

Một lớp học vùng cao. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tận mắt mới thấy

Cô là Phạm Thị Hằng, sinh năm 1977. Tốt nghiệp CĐ Sư phạm chuyên ngành Ngữ văn năm
1999 – cô bắt đầu sự nghiệp “trồng người” tại Trường THCS xã Phúc An (Yên Bái) năm
2000. Và cũng thời gian này, cô trở thành vợ của một người lính. Tới năm 2002, cô được
điều chuyển về trường THCS xã Yên Thành và là giáo viên giảng dạy tại đây tới nay.

Hỏi về lịch trình hàng ngày, cô niềm nở cho hay, một ngày mới bắt đầu từ từ lúc 4 giờ sáng để
nấu cơm. 5 giờ kém, thức các con dậy, cho con ăn và đi gửi con rồi đến việc công. Ngày
nắng cũng như ngày mưa, từ nhà đến trường là 55km, cô phải căn giờ để chậm nhất là
7h10 phút phải có mặt ở lớp.

Mười hai năm cho một hành trình không đổi với 55 km cho mỗi lượt đi về tại các ngôi trường vùng 135 (Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc
biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi).

Năm học 2012-2013, cô giáo Hằng được phân công chủ nhiệm lớp 9 và phụ trách một
phòng bán trú 31 học sinh.

Nếu chỉ tính theo quy định, định mức lao động  của cô là 17
tiết mỗi tuần. Phải tận mắt nhìn những việc làm của cô cũng như các cô giáo ở nơi
đây, mới có thể cảm nhận được phần nào sự nỗ lực đến tột cùng.

Phần lớn học sinh nhà trường là người dân tộc ít va chạm nên khi sống tập trung,
thầy cô giáo phải dạy từ cách chào hỏi, cách ăn uống thế nào cho hợp vệ sinh, cách
rửa bát, cách gấp chăn màn…Tỷ lệ học sinh thuộc diện hộ nghèo lên tới 70 đến 80% nên
bài toán duy trì sĩ số BGH nhà trường và các thầy cô giáo phải chung lưng tìm lời
giải.

Phụ huynh tin mới cho con đi học

Làm giáo viên chủ nhiệm (GVCN) – công việc của cô giáo Hằng đòi hỏi tinh thần
trách nhiệm không chỉ của một người thầy mà còn là tình yêu thương của một người mẹ.

Cô tìm đến nhà từng học sinh, có em nhà cách trường tới 11, 12 km. Đường đèo dốc lầy
trơn thế nào cũng phải cố gắng để phụ huynh quý và tin mình mới cho con đi học.

Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

 

Là trường thuộc loại hình trường bán trú dân nuôi, nhà nước hỗ trợ kinh phí cho
mỗi cháu 40% mức lương cơ bản/tháng (khoảng 300.000- 400.000 đồng theo thời điểm).
Để đảm bảo cho học sinh được ăn ba bữa cơm mỗi ngày, cha mẹ các em nộp từ 2 – 3 kg gạo
trong một tuần nhưng cũng có em không có nổi ngần ấy gạo mang đến trường. Khi đó lũ
trò nghèo nhưng giàu lòng tự trọng lại chẳng dám đến lớp.

Thương trò, các thầy cô bảo nhau ủng hộ gạo để các em có cơm ăn no mà đi học.
Rồi mùa đông đến, cái lạnh cắt da cắt thịt miền sơn cước càng tê buốt hơn bởi nhiều
cháu chỉ phong phanh manh áo mỏng, các thầy cô lại gom góp áo quần cho các em đủ ấm.

Như tất cả các thầy cô khác, với đồng lương khiêm tốn của mình (từ 2000 đến tháng
3 năm 2008 là giáo viên hợp đồng, tháng 4 năm 2008 được vào biên chế) cô vẫn sẵn lòng sẻ chia mà không hề so đo toan tính.

Ngoài giờ lên
lớp, cô và đồng nghiệp nhận tất cả các công trình trong nhà trường cần thuê khoán; các thầy nhận xây
dựng, các cô nhận việc cấp dưỡng để lấy tiền hỗ trợ cho học sinh.

Hạnh phúc nhỏ nhoi

Những ngày lễ tết, nhiều thầy cô vùng thấp còn có hạnh phúc được đón nhận những
đóa hoa tri ân của học trò nhưng với cô giáo Hằng và các đồng nghiệp của cô ở ngôi
trường này lại là điều gần như không thể.

Kỷ niệm khó quên nhất có lẽ là một lần nhân
dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Cô bất ngờ nhận được lời chúc mừng của em lớp
trưởng. Nhìn vẻ lúng túng, ngại ngần của em khi bày tỏ tình cảm, cô thấy rưng rưng. Hạnh phúc của người thầy ở ngôi trường vùng khó nhiều khi chỉ
là một điều hết sức nhỏ nhoi như thế.

Thoáng chút suy tư, cô Hằng tỏ ra mạnh mẽ: “Những năm đầu, khi mới chỉ là
giáo viên hợp đồng, cả nhà chỉ trông nhờ vào một suất lương bộ đội của chồng. Trách
nhiệm của người con, người vợ, người mẹ…đè nặng lên vai. Nhiều lúc nhìn các con thơ
phải thức dậy từ 5 giờ sáng còn mình thì lặn lội trên đường vắng khi nhiều người còn
đang chìm trong giấc ngủ ấm áp, tưởng chừng không thể vượt qua được. Nhưng rồi đứng
trên bục giảng, gắn bó với học trò thì lại quên hết.”

Các thầy cô động viên nhau cố gắng bền gan vượt khó và thế là đàn trẻ dần trưởng
thành. “Em Bàn Thị Thịnh ở thôn 3 – nhà có 7 chị em, nghèo quá, mẹ bắt nghỉ học ở
nhà. Nhưng cô đến nhà vận động. Một lần, hai lần… Thương cô, mẹ cho Thịnh đi học
tiếp. Không phụ lòng cô em chăm chỉ luyện rèn và bây giờ em đã tốt nghiệp Trường ĐH
Sư phạm Hà Nội – khoa Toán tin – sắp nối nghiệp cô giáo”
- cô Hằng niềm nở.

Lương Thị Tuyết Nga (GV trường THCS xã
Thịnh Hưng, Yên Bình – Yên Bái)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/96532/co-giao-12-nam-di-55km-toi-truong-hang-ngay.html

Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam: Tụt hạng

Posted: 12 Nov 2012 09:09 PM PST

Tụt hạng cả 3 tiêu chí

GS Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales (Úc) cho biết, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang tụt hạng. Sự tụt hạng xảy ra ở cả 3 tiêu chí chính: trí tuệ, kinh tế tri thức và đẳng cấp của ĐH.

Bảng xếp hạng của Tổ chức trí tuệ thế giới cho thấy Việt Nam đứng hạng 76/141 về khả năng sáng tạo các cách tân. Trong khi đó thứ hạng của Malaysia là 65, Thái Lan là 57 và Singapore là 3. GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, thứ hạng này khá nhất quán với số bằng sáng chế được đăng ký ở Mỹ.

Theo báo cáo của UNESCO, trong thời gian từ năm 2000 - 2007, các nhà khoa học Việt Nam chỉ đăng ký được 19 bằng sáng chế ở Mỹ, tức làm mỗi năm trung bình chỉ có 2 bằng sáng chế. Có năm (năm 2002 và 2011) không có bằng sáng chế nào được đăng ký.

Năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đang tụt hạng.

Các chỉ số kinh tế tri thức của Việt Nam cũng thấp hơn so với các nước trong vùng. Theo báo cáo của Tổ chức giáo dục Khoa học và Văn hóa của UNESCO năm 2011, Việt Nam đứng hạng 106/145 về kinh tế tri thức. So với năm 1995, thứ hạng này tăng 14 bậc. Song so với các nước tương đương trong vùng, kinh tế tri thức của Việt Nam thấp nhất, thậm chí còn ở thứ hạng thấp hơn bán đảo Fiji (hạng 86).

Hệ thống GDĐH Việt Nam đang mở rộng rất nhanh chóng. Từ năm 2001 đến 2011, trung bình mỗi năm có 8 trường ĐH và 12 trường CĐ được thành lập, số lượng SV hàng năm tăng 9%, một con số rất “vượt mặt” các nước trong khu vực. Nhưng đến nay không một ĐH nào của Việt Nam nằm trong danh sách các ĐH hàng đầu thế giới. Theo kết quả phân tích và xếp hạng của nhóm Quacquarelli Symonds mới đây, châu Á có 65 trường nằm trong top 400. Trong đó Nhật Bản có 16 trường, Trung Quốc có 9 trường. Riêng khối ASEAN có 11 trường có trên trong top 400 này như Thái Lan 2 trường, Lalaysia 5, Singapore 3…

Với tốc độ hiện nay, ông Tuấn nhấn mạnh, chúng ta đã đi sau Thái Lan đến hơn nửa thế kỷ, chứ chưa dám so với các nước tiên tiến ngoài khu vực.

Nghiên cứu khoa học lu mờ

GS Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, cả 3 tiêu chí về kinh tế tri thức, số bằng sáng chế và xếp hạng ĐH, Việt Nam đang ở một vị thế thấp và bất lợi. Mẫu số chung cho sự tụt hậu này là do sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế còn quá lu mờ. Vì các chỉ số trí tuệ, kinh tế tri thức và đẳng cấp của ĐH được cấu thành từ nghiên cứu khoa học (NCKH).

Việt Nam hiện có khoảng 24.000 TS và trên 9.000 GS và PGS nhưng số công trình NCKH công bố lại nằm vào nhóm thấp nhất các nước Đông Nam Á. Đại đa số TS được đào tạo từ trong nước cũng không hay chưa bao giờ có các bài báo trên các tạp san khoa học quốc tế. 70% TS giữ chức vụ quản lý và không làm NCKH.

Trong thời gian từ 1970 đến 2011, Việt Nam công bố được 10.745 bài báo khoa học trên các tạp san khoa học quốc tế. Con số này chỉ bằng 22% của Thái Lan, 27% của Malaysia và 11% của Singapore. Tầm ảnh hưởng của các công trình NCKH của Việt Nam cũng thấp nhất trong các nước được đề cập trên.

Một trong những lý do dẫn đến tình trạng NCKH của Việt Nam quá "nhạt nhòa" ở trường quốc tế và trong vùng xuất phát từ nguyên nhân là các ĐH và trung tâm NCKH ở nước ta chưa có những quy định về chuẩn mực NCKH phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Hệ thống đề bạt GS vẫn dựa trên các tiêu chuẩn "nội địa" mà chưa quan tâm đúng mức đến độ đóng góp vào khoa học có công trình đăng trên tạp san khoa học quốc tế.

GS Nguyễn Văn Tuấn thẳng thắn cho rằng, ngay cả những người làm khoa học thì số người "làm thật" cũng không nhiều. Nhà khoa học này cũng tỏ ra tiếc nuối khi chia sẻ: "Nước ta có nhiều công trình NCKH rất xứng đáng được chia sẻ với với cộng đồng khoa học thế giới nhưng tiếc là cho đến nay nhiều công trình vẫn loay quanh trong các báo cáo nghiệm thu, dẫn đến hệ quả thiệt thòi cho khoa học nước nhà”.

Hoài Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nang-luc-canh-tranh-toan-cau-cua-viet-nam-tut-hang-661868.htm

Nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay cần được nhân rộng

Posted: 12 Nov 2012 02:12 PM PST

(GDTĐ) - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Lễ tuyên dương GV dạy giỏi Tiểu học toàn quốc năm học 2012 – 2013 được tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng nay (12.11).

Gần 500 sáng kiến kinh nghiệm tại liên hoan là sự kết tinh tâm huyết, là sự thể hiện tài năng, sáng tạo, bề dày thành tích trong các hoạt động giáo dục của đội ngũ GV Tiểu học… Đây cũng là cơ hội để các CBQL, GV trao đổi về mô hình trường Tiểu học mới Việt Nam và phương pháp Bàn tay nặn bột đang được triển khai ở cấp Tiểu học.

Ông Lê Tiến Thành – Vụ trưởng Vụ GD Tiểu học cho biết: "Năm học 2012 – 2013, Bộ GDĐT tổ chức Liên hoan GV dạy giỏi cấp Tiểu học lần thứ 4 với sự tham dự của 447 GV xuất sắc được các Sở GDĐT chọn cử, thay mặt cho 347.840 GV tiểu học trong toàn quốc.

Đây là những nhà giáo tiêu biểu, đại diện cho đội ngũ các thầy cô giáo đã âm thầm đóng góp biết bao công sức, trí tuệ, tâm huyết cho sự phát triển bền vững của GD Tiểu học (TH), đem lại hạnh phúc tuổi thơ và niềm vui học hành cho hơn 7 triệu HS TH khắp mọi miền của Tổ quốc".

Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa và đại diện Vụ Tiểu học trao giấy chứng nhận GV dạy giỏi Tiểu học cấp quốc gia cho các thầy, cô giáo
Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa và đại diện Vụ GD Tiểu học trao giấy chứng nhận GV dạy giỏi Tiểu học cấp quốc gia cho các thầy, cô giáo

Từ thực tiễn dạy học cũng như hoạt động giáo dục phong phú ở TH – cấp học nền tảng trong hệ thống giáo dục quốc dân, báo cáo sáng kiến kinh nghiệm của các GV ở Liên hoan lần này rất phong phú, đa dạng: kinh nghiệm dạy học môn Tiếng Việt có 128 sáng kiến, Lịch sử – Địa lý: 10; môn TNXH: 6; Mỹ thuật: 11; Hát nhạc: 9; môn Đạo đức, môn tiếng Anh và các hoạt động giáo dục có 108 sáng kiến.

Sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học môn Tiếng Việt thể hiện ở cả 5 phân môn. Với sáng kiến kinh nghiệm Nâng cao khả năng cảm thụ văn học cho HS lớp 4 qua giảng dạy phân môn Tập đọc, Cô Phạm Thị Thuỳ Linh – trường TH Phú Châu, Đông Hưng, Thái Bình có nhiều biện pháp khơi gợi những hiểu biết của HS, tránh sự khiên cưỡng, áp đặt của GV, tập cho HS thói quen ghi Sổ tay Tiếng Việt và văn học.

GV Trần Khanh, trường TH Liêu Tú C, Trần Đề, Sóc Trăng có nhiều giải pháp giúp HS đọc nhanh, phát âm đúng và thông hiểu nội dung bài học, phân loại từng đối tượng HS, quan tâm đến HS yếu, phối hợp với phụ huynh để hỗ trợ, rèn luyện thêm cho HS ở nhà.

Có sáng kiến kinh nghiệm liên quan đến việc chấm, chữa bài làm văn cho HS, rèn luyện cho HS cách diễn đạt, đặt câu, viết chữ đẹp…; tăng thêm vốn từ cho HS qua tiết kể chuyện, xây dựng tủ sách dùng chung…

Các sáng kiến kinh nghiệm môn Toán tập trung vào một số vấn đề dạy học, nâng cao chất lượng môn Toán ở TH như: Dạy học phù hợp với HS, dạy và đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng; biện pháp giúp đỡ HS yếu, công tác bồi dưỡng HS giỏi, thiết kế tổ chức trò chơi trong dạy học Toán, ứng dụng CNTT; khó khăn, vướng mắc, sai lầm và giải pháp khắc phục khi dạy học một số vấn đề môn Toán…

Ngoài ra, các sáng kiến kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm, giáo dục kỹ năng sống cũng giành được nhiều sự đầu tư, quan tâm của các nhà giáo, bởi đó là điều kiện và môi trường thực hiện mục tiêu của GD Tiểu học: Dạy chữ – Dạy kỹ năng sống – dạy Người.

Ông Lê Tiến Thành nhận xét: "Nhiều sáng kiến đề cập đến đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức lớp học theo hướng tích cực. Qua các sáng kiến kinh nghiệm, nhiều vấn đề bổ ích về chuyên môn, nghiệp vụ được đúc kết thành những bài học quý báu, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng GV và phục vụ công tác dạy học ở các cơ sở".

Tại Liên hoan GV dạy giỏi Tiểu học toàn quốc lần thứ 4, các nhà giáo còn được dự 4 tiết dạy minh hoạ cho dạy – học theo phương pháp Bàn tay nặn bột và phương pháp Mô hình trường học mới Việt Nam.

Đây là những tiết dạy minh hoạ cho mô hình dạy học mới. Qua các tiết dạy, các thầy cô giáo thể hiện những hiểu biết, kinh nghiệm và sáng tạo của bản thân về phương pháp dạy học mới trong quá trình giảng dạy và giáo dục HS TH. Các tiết dạy minh hoạ được chuẩn bị khá công phu với tất cả tâm huyết, trách nhiệm và khả năng của cá nhà giáo.

Từ thực tế hoạt động của HS qua các tiết dạy minh hoạ, qua trao đổi kinh nghiệm sau tiết dạy, các GV dạy giỏi sẽ có được những thu hoạch thiết thực riêng cho bản thân, chia sẻ kinh nghiệm hay với đồng nghiệp để có được hành trang đầy đủ cho sáng tạo trong quá trình giảng dạy sau này.

Hà Nguyên

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/Nhieu-sang-kien-kinh-nghiem-hay-can-duoc-nhan-rong-1964818/

Nhiều sáng kiến mới giúp trò mê học

Posted: 12 Nov 2012 02:11 PM PST

Nhiều sáng kiến mới giúp trò mê học

Tại liên hoan, phương pháp Mô hình trường học mới Việt Nam và phương pháp "bàn tay nặn bột" (phương pháp áp dụng trong giảng dạy các môn khoa học tự nhiên chú trọng việc giúp học sinh tiếp thu kiến thức bằng các thí nghiệm, nghiên cứu… để HS qua đó tự trải nghiệm và tìm ra câu trả lời cho các vấn đề của cuộc sống xung quanh – PV) được các GV chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm qua 4 tiết học minh họa. Qua đó, mỗi GV tự tìm ra những bài học riêng, những ý tưởng sáng tạo từ các tiết học minh họa để mang về cho học trò những tiết học thú vị, hấp dẫn hơn.

Nhiều sáng kiến trong công tác giảng dạy của các thầy cô đưa ra chia sẻ tại liên hoan được các đồng nghiệp hưởng ứng, quan tâm như cách của cô Phạm Thị Thùy Linh (GV trường TH Phú Châu, tỉnh Thái Bình) tập cho HS thói quen ghi chép sổ tay văn học, giúp HS cảm thụ kiến thức bộ môn tiếng Việt tốt hơn từ chính những cảm nhận, quan sát hàng ngày của các em; cách của thầy Trần Khanh (GV trường TH Liêu Tú C, tỉnh Sóc Trăng) phân loại HS qua các bài kiểm tra, quan tâm hơn đến những HS yếu và chủ động trao đổi với phụ huynh học sinh về phương pháp dạy học giúp các em tự học ở nhà tốt hơn…

Còn nhiều sáng kiến giúp học sinh học tiếng Việt tốt hơn như giúp các em làm giàu vốn từ qua các tiết kể chuyện, xây dựng tủ sách dùng chung, giúp HS hành văn tốt hơn với cách chấm, chữa các bài làm văn kỹ lưỡng từng câu, chữ…

Trong giờ học Toán, các thầy cô cũng có nhiều sáng kiến giúp học trò cảm thấy tiết học lý thú hơn với việc tổ chức trò chơi, đố vui Toán học và ứng dụng CNTT để minh họa kiến thức sinh động hơn. Ngoài ra, còn có nhiều sáng kiến trong công tác chủ nhiệm, giáo dục kỹ năng sống cho HS cũng được các thầy cô chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong liên hoan.

Dự lễ tuyên dương các thầy cô dạy giỏi Tiểu học toàn quốc trong khuôn khổ liên hoan sáng nay 12/11, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng hàng trăm sáng kiến kinh nghiệm dạy học của các thầy cô được chia sẻ tại liên hoan lần này là sự kết tinh tâm huyết, thể hiện tài năng, sức sáng tạo chũng như bề dày thành tích trong hoạt động giáo dục của đội ngũ GV Tiểu học… Đây thực sự là những sáng kiến, kinh nghiệm hay cần nhân rộng để góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc Tiểu học – bậc học nền tảng của hệ thống GD quốc dân.

Khánh Hiền

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nhieu-sang-kien-moi-giup-tro-me-hoc-661959.htm

Nhiều ý kiến được giải toả

Posted: 12 Nov 2012 02:11 PM PST

(GDTĐ) - Sáng ngày (12/11) tại tỉnh Phú Yên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi đua năm học 2012 -2013 vùng thi đua số 4 gồm 10 tỉnh khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên.Tham dự và đồng chủ trì Hội nghị có đồng chí Trần Quang Quý – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng chí Trần Quang Nhất – UVBTV. Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên.

Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GDĐT phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị đã nhìn nhận lại những thành quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc mà các tỉnh, thành khu vực này đang gặp phải.

Trong năm học 2012-2013, cơ sở vật chất trường học của các tỉnh trong vùng tiếp tục được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, đồng bộ hóa. Kinh phí dành cho công tác xây dựng, sửa chữa, mua sắm phương tiện, thiết bị, đồ dùng dạy học năm 2012 trong vùng trên 1 ngàn tỷ đồng, trong đó xây dựng và đưa vào sử dụng trên 1.500 phòng học mới, mua sắm gần 1.000 bộ bàn ghế học sinh và bổ sung thiết bị dạy học.

Công tác xã hội hoá giáo dục tiếp tục được phát huy với sự tham gia của Ban đại diện Cha mẹ học sinh, Chi hội Khuyến học; sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể cả vật chất và tinh thần, đặc biệt là việc vận động học sinh bỏ học đến trường.

Tuy nhiên, có một thực tế là có một số phòng học xuống cấp chưa được sửa chữa, nâng cấp; thiếu phòng học tổ chức dạy 2 buổi/ ngày; số phòng chức năng, thư viện, thí nghiệm còn thiếu so với yêu cầu; nhiều phòng bộ môn đã có hiện nay cũng chưa đạt chuẩn theo quy định mới của Bộ GDĐT. Một số điểm trường, nhà vệ sinh chưa có hoặc tạm bợ, thiếu nguồn nước sạch.

Từ tháng 5 đến tháng 9/2012, toàn vùng thi đua số 4 có 10.734 học sinh bỏ học, chủ yếu xảy ra ở các địa bàn khó khăn. Nhìn chung, tỷ lệ học sinh bỏ học trong hè giảm hoặc xấp xỉ năm học trước, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều nhất (0,84%), tỉnh Lâm Đồng có tỷ lệ học sinh bỏ học thấp nhất (0,17%).

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

Để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhiều Sở GDĐT đã thực hiện nhiều giải pháp mạnh. Nổi bật là toàn ngành tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, Ban đại diện cha mẹ học sinh để vận động học sinh ra lớp; tổ chức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của học sinh, cha mẹ học sinh về những lợi ích của việc học tập. Từng trường học căn cứ vào chất lượng học sinh đầu năm xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu với các hình thức, nội dung phù hợp giúp các em tự tin trong học tập; tổ chức dạy 02 buổi/ngày để nâng cao chất lượng học tập của học sinh.

Đáng chú ý, các tỉnh đã tổ chức vận động hỗ trợ cho học sinh nghèo; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách các đối tượng học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang, miền núi, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó tỉnh Phú Yên đã triển khai cuộc vận động "Mỗi cán bộ, giáo viên nhận đỡ đầu một học sinh có nguy cơ bỏ học vì gia đình có hoàn cảnh khó khăn hay học yếu" đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Hội nghị đã ghi nhận 13 kiến nghị và đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trọng tâm là xoay quanh các vấn đề thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm, học thêm; việc thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo trong thời gian qua; việc hỗ trợ nhiều hơn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; kiểm điểm việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, Chương trình Kiên cố hóa trường, lớp học; bổ sung định mức biên chế cho các loại hình trường học, …… .

Đáng chú ý, các tỉnh đều kiến nghị Bộ nên tham mưu cho Chính phủ tăng tỷ lệ chi công việc của ngành giáo dục lên mức 70% chi lương và các khoản đóng góp theo lương và 30% chi công việc mới đảm bảo hoạt động của ngành; sớm ban hành Quyết định về một số chính sách hỗ trợ cho học sinh cấp THPT ở các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đang học xa trường, không thể đi về nhà trong ngày phải ở trọ; sớm đề xuất sửa đổi Nghị định 49/2010/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH cho phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước, trong đó chỉ tập trung hỗ trợ cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo, không nên hỗ trợ đại trà vì những vùng này vẫn có những hộ gia đình giàu có, khá giả,….


Ký kết giao ước thi đua

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý đã đánh giá cao sự nỗ lực của các tỉnh khu vực thi đua số 4 trong phong trào thi đua dạy tốt – học tốt và các phong trào, cuộc vận động; đã có nhiều biện pháp đi đúng hướng trong công tác phát triển giáo dục; thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới chương trình giảng dạy, giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Thứ trưởng yêu cầu lãnh đạo các Vụ, Cục tổng hợp ý kiến của các tỉnh đề Lãnh đạo Bộ có hướng chỉ đạo giải quyết trong thời gian đến.

Để sự nghiệp giáo dục tiếp tục phát triển hiệu quả, Lãnh đạo Bộ đề nghị toàn khu vực tiếp tục tổ chức các phong trào thi đua, nổi bật là phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", " Trường học thân thiện, học sinh tích cực",…..

Đối với việc triển khai thực hiện Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về quy định dạy thêm, học thêm đang là điểm nóng thời sự của toàn xã hội, Thứ trưởng Trần Quang Quý đề nghị các tỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng các điều khoản quy định, đồng thơi tham mưu UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quy định DT-HT trên địa bàn, tránh làm lơi lỏng hoặc căng thẳng không chính đáng.

Bên cạnh đó, các tỉnh phải thực sự chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thực hiện phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông đối với các em học sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sắp đến.

Thành Hoàng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201211/Nhieu-y-kien-duoc-giai-toa-1964827/

Comments