Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Kinh nghiệm luyện HS giỏi của mẹ “chàng trai vàng Olympic Vật lí”

Posted: 12 Nov 2012 05:54 AM PST

Cô Giang chia sẻ kinh nghiệm dạy đội tuyển học sinh giỏi vùng cao

Là một ngôi trường với tuổi đời còn khá trẻ (Trường THPT chuyên Sơn La thành lập được 17 năm), tuy nhiên những thành tích trường đạt được đã chứng tỏ chất lượng dạy và học ở ngôi trường vùng cao này. Năm 2011-2012, trường có 88 giải cấp tỉnh, 11 giải quốc gia, 1 huy chương (HC) Bạc Olympic Vật lí Châu Á và 1 HC Vàng Olympic Vật lí quốc tế. Tất cả những thành công đó có được là nhờ đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn giỏi trong cách truyền đạt dạy học sinh, trong đó có sự góp sức không nhỏ của cô giáo Trần La Giang.

Trường THPT chuyên Sơn La với trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều, sự đầu tư của phụ huynh khác nhau đã làm ảnh hưởng nhất định đến chất lượng chọn đội tuyển. Bằng kinh nghiệm tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi nhiều năm liền, cô Giang đã có những chia sẻ: "Vì là trường chuyên nên khâu chọn đúng học sinh có năng khiếu là điều quan trọng nhất. Để làm được điều này, nhà trường chúng tôi không chỉ theo dõi quá trình học tập của các em mà còn để chính các em thử sức mình qua nhiều cuộc thi khác nhau".

Ngoài yếu tố năng lực, trình độ của học sinh, cô Giang khẳng định, vai trò của người giáo viên hết sức quan trọng. Giáo viên phải là người gieo niềm hứng thú, khơi gợi say mê sáng tạo để học sinh say học và yêu học. Về điều này, cô tâm sự: "Tôi thường mời những học sinh thành đạt của những khóa trước về để nói chuyện và chia sẻ kinh nghiệm học với các em khóa sau. Trong những lần giao lưu đó, thường học sinh của tôi sẽ có cái nhìn đúng đắn và tự xác định được thái độ học tập cũng như có lòng quyết tâm hơn".

Về dự cuộc giao lưu, cô Giang mang theo một niềm vui đặc biệt đó là em Ngô Phi Long – con trai cô là chính là chủ nhân của HC Vàng Olympic vật lí quốc tế năm 2012. Chia sẻ về phương pháp giáo dục con, cô Giang khiêm tốn nói: "Bản thân Long biết tự giác học và có niềm say mê với Vật lí từ ngày còn nhỏ nên tôi cũng không vất vả nhiều. Tuy nhiên, dù con có bận học đến đâu gia đình tôi cũng nhắc nhở cháu sắp xếp thời gian nghỉ ngơi để không bị căng thẳng".

Cô Giang trong dịp về Hà Nội dự lễ tuyên dương ngày 9/10

Hơn 20 năm trong nghề có biết bao niềm vui, nỗi buồn và cả sự trăn trở của cô giáo trong việc dạy học sinh. Cô Giang đùa rằng: "Tôi nói với học sinh rằng cô và các em là cơm chấm cơm" tức cô có gì cô sẽ truyền đạt hết và các em có điều gì thắc mắc cũng mạnh dạn bày tỏ hết với cô.

Trong cách giáo dục của cô Giang không có sự khô cứng, ép buộc mà cô và trò như những người cùng tham gia học tập và nghiên cứu một cách thoải mái, tự nhiên. Không chỉ dạy bằng những kiến thức, cô còn dạy học trò bằng cả tấm lòng và sự "chăm chút" như chính những đứa con của mình. Có lẽ cũng chính vì thế mà bao thế hệ học trò đã và đang học tại mái trường THPT chuyên Sơn La vẫn gọi cô bằng hai tiếng "mẹ Giang" thân thương và đầy yêu kính.

Phạm Oanh

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/kinh-nghiem-luyen-hs-gioi-cua-me-chang-trai-vang-olympic-vat-li-661767.htm

Người thầy dạy tôi cách phản biện

Posted: 11 Nov 2012 06:52 PM PST

- Được Thầy truyền thụ, tôi càng ngày càng cháy bỏng niềm đam mê Sử học. Có lẽ nếu không gặp được Thầy tôi đã từ bỏ đam mê của mình từ lâu…

Năm 2006, tôi được chọn vào đội tuyển Bồi dưỡng học sinh giỏi Sử của Tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đó cũng là dịp tôi gặp được Thầy, nhân vật chính của câu chuyện mà tôi đang kể.

Thầy Hoàng Văn Hiển, PGS.TS, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKH Huế chụp ảnh lưu niệm với cựu sinh viên khóa 30 nhân Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Khoa Lịch sử, trường ĐHKH Huế.

Khác hẳn với các Thầy Cô khác tham gia giảng dạy, những kiến thức của Thầy không những khá mới lạ so với SGK mà còn rất sâu sắc. Tôi đặc biệt ngưỡng mộ thần thái và ngôn ngữ giảng dạy của Thầy. Nó khiến tôi cảm thấy mình như đang được giải bày dần những trang sử sách còn nhiều mơ hồ, nghi hoặc.

Trước khi gặp Thầy, tôi hầu như không đọc báo, ít xem ti vi, thỉnh thoảng mới nghe đài phát thanh vào đêm khuya hay chỉ vài đôi lần trong tháng lên mạng internet để tìm kiếm kiến thức. Trong suy nghĩ "ấu trĩ" của tôi lúc đó, mọi kiến thức đều nằm trong SGK hoặc trong các giờ học trên lớp, cứ thế mà "học đi học lại" cho kỹ càng thì ắt sẽ được điểm cao. Nhưng khi được Thầy truyền thụ bằng phương pháp mới, đầu óc tôi như mở ra một luồng suy nghĩ khác. Suy nghĩ này thôi thúc một học sinh cấp III như tôi phải biết tự mình suy luận những điều mình thắc mắc, không ngừng tìm kiếm những kiến thức mới để bổ sung những điều còn thiếu sót. Thành ra, nhờ Thầy mà càng ngày tôi càng mê học Sử.

Năm đó, tôi đã may mắn đạt được giải ba Quốc gia. Suốt những ngày sau đó, sau khi thi xong tốt nghiệp, tôi ao ước được bước chân vào ngôi trường Đại học Khoa học Huế. Tôi quả thật mong muốn mình có thêm cơ hội được Thầy giảng dạy.

Ngày nhập học Đại học, tôi gặp lại hai người bạn trong Đội tuyển. Thật bất ngờ, các bạn ấy cũng như tôi, đều cảm phục tài trí của Thầy mà nộp đơn vào học ngành Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế.

Việc học chung lớp với hai đứa bạn cũ đã là chuyện hiếm có, vậy mà lớp chúng tôi lại còn được Thầy làm chủ nhiệm lớp đúng năm thứ nhất. Điều đó làm ba chúng tôi không khỏi cho đó là một sự may mắn, trùng hợp đến lạ lùng.

Trong suốt năm học thứ nhất, ba đứa sinh viên người Huế chúng tôi như "ngựa non háu đá", luôn tranh luận sôi nổi với nhau về tất cả những vấn đề. Và đôi khi, vì tranh luận quá mức đã đâm ra cãi cọ, hậm hực với nhau. Cho đến khi học đến học phần của Thầy, chúng tôi mới được Thầy nhắc nhở sau một buổi thảo luận nặng mùi "thuốc súng". Bởi theo Thầy, việc thảo luận trong khi học Đại học không phải là việc giành phần hơn về cho một ai mà là khiến lượng kiến thức của người học được thu nạp được nhiều hơn so với các phương pháp khác và đảm bảo được thói quen phản biện trong khoa học, một phương pháp học tập hiệu quả suốt đời.

Được Thầy chỉ ra điều sai lầm, ba chúng đều vạch ra cho mình những con đường đi riêng phù hợp với bản thân để tiếp cận chân lý khoa học và trưởng thành trong cuộc sống. Hai người bạn của tôi nay đều đang học Thạc sĩ ngành lịch sử dù một đứa theo nghiệp nhà văn, một đứa hiện làm cho một công ty du lịch tư nhân. Bản thân tôi, một phóng viên mới vào nghề cũng luôn say mê những đề tài về lịch sử mang tính khám phá.

Đến nay, cả ba chúng tôi đều nhớ đến Thầy như một tượng đài để bản thân mình noi theo. Riêng phần tôi, nếu không được gặp Thầy tại Lớp Bồi dưỡng và sau đó được học 4 năm dưới mái trường Đại học Khoa học Huế có lẽ cuộc đời tôi đã thiếu hẳn đi niềm đam mê và sự cầu tiến trong cuộc sống. Và có lẽ, nếu không những cái "nếu không" trên, tôi cũng đã không học được và làm được những gì mình thực sự đam mê và trân trọng trong những năm tháng sinh viên.

Huế, ngày 11/11/2012

Kính tặng Thầy Hoàng Văn Hiển

  • Nguyễn Văn Toàn (Cựu sinh viên Khóa 30, ngành Lịch sử, trường Đại học Khoa học Huế)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/96423/nguoi-thay-day-toi-cach-phan-bien.html

Sinh viên thích thú với “vai diễn” nghề nghiệp

Posted: 11 Nov 2012 06:51 PM PST

(TNO) Từ những buổi thực hành mới mẻ và cuốn hút được lồng ghép trong chương trình học đã giúp nhiều sinh viên (SV) ngay từ năm nhất, năm hai “va chạm” với nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu của công việc trong tương lai.

Làm tổng biên tập, thư ký tòa soạn

Nếu ai có dịp ghé website của SV ngành báo chí Trường đại học KHXH-NV TP.HCM, đều cảm nhận được một không khí rất "báo chí". Nhiều chuyên mục thú vị, hấp dẫn được minh họa bằng những video clip sinh động như: Cuộc sống muôn màu, Thời sự, Nghề báo, Giải trí, Thế giới trẻChia sẻ… Và ít ai nghĩ sản phẩm báo chí rất chuyên nghiệp này đều được thực hiện bởi những SV từ năm nhất, năm hai… chuyên ngành báo chí của trường.


Sinh viên tài chính ngân hàng Trường đại học Tài chính – Marketing thực hành tại ngân hàng mô phỏng – Ảnh: M.Dung

Quách Cảnh Toàn, từng là một trong ba SV tham gia phụ trách nội dung của website này, cho biết: "Không đơn giản như việc viết một bài báo nữa, tụi mình phải có khả năng bao quát để làm sao duy trì "đời sống" của tờ báo mạng này với rất nhiều chuyên mục trong nhiều ngày liên tiếp. Phải định hướng ngày mai sẽ có những bài viết về vấn đề gì sao cho thời sự, hấp dẫn, thu hút bạn đọc… Nhờ những buổi thực hành ngay từ năm nhất trong quá trình học, tụi mình đã biết làm thế nào để xuất bản một tờ tạp chí, một chương trình truyền hình, một website…".

Được biết, bắt đầu từ năm học này, SV ngành báo chí của Trường đại học KHXH-NV TP.HCM được tiếp cận một chương trình đào tạo mới với thời lượng thực hành chiếm tới 50% toàn bộ chương trình.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng khoa Báo chí và truyền thông thông tin, cho biết: "Khoa thiết kế chương trình mới nhằm giúp SV ngay từ năm nhất được trải nghiệm làm một phóng viên viết tin giỏi, các năm sau sẽ được tham gia vào một tòa soạn mô phỏng, được đóng vai tổng biên tập, thư ký tòa soạn, biên tập viên… Với đặc điểm báo chí ngày nay, SV ngành báo chí sẽ được đào tạo thành phóng viên Multi Media (truyền thông đa phương tiện) biết làm nhiều việc ở nhiều vị trí khác nhau như biên tập, dàn trang, xuất bản, quản lý… và nhiều thể loại báo chí khác nhau như: báo in, radio, báo điện tử, truyền hình…".

Làm đạo diễn, luật sư và… nông dân

Không chỉ sinh viên ngành báo chí vừa nêu, những SV đang theo học ngành đạo diễn điện ảnh của Trường đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM cũng rất thích thú vì ngay từ năm nhất đã được xâm nhập thực tế để thực hiện nhiều bộ phim.

Trương Thị Tuyết Mai, SV K10 ngành đạo diễn điện ảnh hào hứng: "Bọn em được học công tác đạo diễn, dựng phim, biên kịch. Cuối học kỳ thầy chia nhóm cho SV làm phim tài liệu (3-5 phút). Nhóm của em 6 người đã sản xuất bộ phim tài liệu về cây me ở Sài Gòn. Tụi em phân công người viết kịch bản, người làm đạo diễn, một bạn làm giám đốc sản xuất, bạn thì quay phim, bạn thì có nhiệm vụ dựng phim…".

“Việc thực hành nhiều và liên tục theo một phương pháp hiện đại của trường giúp các bạn không chỉ rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ mà còn trau dồi được những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, quản lý thời gian, thực hiện ý tưởng…”, SV Lê Trương Mỹ Vy, chung nhóm thực hành với Tuyết Mai, chia sẻ.

Đối với Trường đại học Luật TP.HCM, những tòa án mô phỏng, những phiên tòa giả định thường xuyên được tổ chức giúp SV được "diễn" đủ các vai thẩm phán, luật sư… vô cùng bổ ích. Hay SV ngành nuôi trồng thủy sản của Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân lại được tham gia sản xuất nghêu, tôm… tại Trung tâm nghiên cứu và nuôi trồng thủy sản đặt tại huyện Cần Giờ (TP.HCM).

Hiện nay, SV ngành kế toán tại hầu hết các trường đại học đều được đóng vai kế toán trưởng, kế toán công nợ, kế toán kho… tại văn phòng kế toán mô phỏng; sinh viên tài chính ngân hàng thì có ngân hàng mô phỏng ngay tại trường để thực hành với các số liệu thực…

Việc thay đổi chương trình đào tạo theo hướng gắn kiến thức với thực tiễn của nhiều trường đại học, cao đẳng hiện nay đã giúp cho SV nhanh chóng hiểu nghề và hành nghề ngay từ những năm đầu theo học.

Mỹ Quyên

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121108/Sinh-vien-thich-thu-voi-vai-dien-nghe-nghiep.aspx

Đề án phổ cập tiếng Anh của TP.HCM: Cân nhắc hiệu quả và sự lan tỏa

Posted: 11 Nov 2012 06:50 PM PST

Việc tuyển giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy theo đề án phổ cập, nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh tại TP.HCM bằng huy động 100% đóng góp của phụ huynh, đang đặt ra tính hiệu quả và sự lan tỏa của đề án.

Trùng lặp nhiều chương trình

Trong buổi họp bàn về công tác tuyển dụng giáo viên nước ngoài mới đây, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: "Để thực hiện đề án này, tất cả các điều kiện như sử dụng giáo viên bản ngữ, trang thiết bị đều do ngân sách TP hỗ trợ. Tuy nhiên, vừa qua, sau khi tính toán, UBND TP.HCM cho chủ trương năm nay thí điểm 100 giáo viên bản ngữ bằng hình thức xã hội hóa".

Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ
Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong một giờ học với giáo viên nước ngoài – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong cuộc họp ngày 7.8 bàn về kinh phí thực hiện đề án này, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng do tình hình ngân sách rất khó khăn nên ngoài việc chi trả 100% kinh phí thuê giáo viên nước ngoài, phụ huynh còn phải đóng góp 50% kinh phí cho việc mua sắm bộ thiết bị giảng dạy đa chức năng trị giá 181 triệu đồng/bộ. Phụ huynh học sinh của các trường tham gia sẽ đóng khoảng 90 tỉ đồng. Ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, tính trung bình học sinh sẽ đóng 120.000 đồng/tháng để học từ 1 – 2 tiết/tuần với giáo viên nước ngoài; mỗi năm đóng tiền trang thiết bị từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Lê Hồng Sơn cũng cho biết chỉ có học sinh tăng cường tiếng Anh được học với giáo viên nước ngoài sắp tuyển dụng.

 

 

Mục tiêu của đề án

Đầu năm 2012, UBND TP.HCM phê duyệt đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp giai đoạn 2011 – 2020. Mục tiêu nhằm đổi mới toàn diện việc dạy và học tiếng Anh, triển khai chương trình dạy và học mới ở các cấp học, đến năm 2015 đạt được bước tiến rõ rệt về trình độ, năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và các trường chuyên nghiệp. Nhiệm vụ cụ thể theo đề án của Sở là tất cả học sinh phổ thông đều được học tiếng Anh trong nhà trường với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sử dụng thực tế trong xã hội theo từng cấp độ tương ứng với lớp học và chuẩn quốc tế. Tổng kinh phí đầu tư cho công tác phổ cập và nâng cao trình độ ngoại ngữ khoảng 2.509 tỉ đồng…

 

Chính điều này đã khiến nhiều giáo viên cũng như phụ huynh tỏ vẻ không hài lòng và nghi ngờ về hiệu quả của đề án. Nếu chỉ áp dụng cho các học sinh chương trình tăng cường tiếng Anh thì không cần thiết vì hầu hết các trường theo chương trình này đều đã có giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, học phí do trường thỏa thuận với phụ huynh. Bây giờ, thực hiện theo đề án thì sẽ trùng lặp với chương trình của nhà trường.

Nguyên lãnh đạo phòng GD một quận trung tâm của TP cho rằng: "Chương trình tăng cường tiếng Anh đã thí điểm hơn 10 năm nay với gần 200 trường. Từ khoảng 5 năm trở lại đây hầu hết các trường đều hợp đồng với giáo viên nước ngoài dạy cho học sinh mỗi tuần từ 1 đến 2 tiết. Việc này đơn giản, ở cấp độ trường, hiệu trưởng vẫn tự quyết định, sao giờ Sở phải làm thay?". Lãnh đạo Trường tiểu học Âu Cơ (Q.Tân Phú) tâm tư: "Đầu năm không nghe nói gì nên để đảm bảo tiến độ học tập, trường đã ký hợp đồng với giáo viên người Canada từ đầu tháng 10, vì thế không thể tự nhiên ngưng được. Mặt khác, học phí là 90.000 đồng/tháng, nay áp dụng đề án này phải thu thêm tiền phụ huynh, ái ngại vô cùng".

Không tiếp cận đến học sinh khó khăn

Trong khi đó, ngoài tiếng Anh tăng cường, TP.HCM còn có nhiều chương trình khác, trong đó gần 500 trường tiểu học đang thực hiện chương trình tiếng Anh tự chọn ( học 2 tiết/tuần). Phần lớn các học sinh tăng cường và chương trình Cambridge hưởng thụ nhiều điều kiện học tập tốt do sự đóng góp của phụ huynh.

Vì vậy, để 100 giáo viên Philippines tham gia giảng dạy cho học sinh tăng cường tiếng Anh vừa lãng phí vì các trường này đều đã có giáo viên bản ngữ, vừa tạo thêm khoảng cách cho các học sinh ở những trường thiếu điều kiện học tập ngoại ngữ. Thế nên, không ngạc nhiên khi một phụ huynh ở Q.12 bức xúc: "Hóa ra, đề án này cuối cùng lại phục vụ cho một nhóm học sinh chứ không còn mang tính phổ cập nữa. Ở vùng xa như con em chúng tôi, trường không có lớp tăng cường tiếng Anh nên thiệt thòi nhiều quá!". Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, theo dự kiến phân bổ nguồn kinh phí trang thiết bị giảng dạy đa chức năng, thì chỉ 194 trường có học sinh tăng cường tiếng Anh mới được thụ hưởng 50% ngân sách của nhà nước. Như vậy là không công bằng cho học sinh của các trường còn lại.

Băn khoăn về giáo viên bản ngữ

Việc chọn giáo viên Philippines chứ không phải các quốc gia nói tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ cũng gây ra nhiều ý kiến.

Ông Lê Hồng Sơn cho biết: "TP có ký kết hợp tác các vấn đề văn hóa – xã hội với Philippines. Ngoài ra UBND TP có đoàn đại diện các sở liên quan sang Philippines tìm hiểu mô hình trường học. Kết quả cho thấy Philippines là quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nhưng tiếng Anh được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày và trong các loại văn bản hành chính. Hầu hết các trường phổ thông và ĐH ở nước này giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Về kinh phí, chẳng hạn như giáo viên người Úc họ yêu cầu mức lương tối thiểu là 5.000 USD, người Anh còn đòi cao hơn nữa. Trong khi đó, giáo viên người Philipines sau khi nhận lương 2.000 USD, họ tự thu xếp các hoạt động sinh sống khác".

Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.4 băn khoăn: "Trường đang hợp đồng với giáo viên người Úc. Giờ chuyển qua học với giáo viên Philippines cũng là một nước Đông Nam Á không biết sẽ như thế nào?". Ông T.T.Thiện, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Kim Đồng (Q.Gò Vấp), tâm tư: "Dù người Philippines nói tiếng Anh tốt nhưng tôi e rằng không hiệu quả cho lắm. Đã học tiếng Anh thì phải học đúng với người bản ngữ là người Anh, hoặc người Úc hay người Mỹ".

TP.HCM là một địa phương có những đột phá ở nhiều mặt. Ngay trong lĩnh vực giáo dục, TP cũng đi đầu khi thực hiện nhiều chương trình nhằm đẩy mạnh khả năng học ngoại ngữ của học sinh. Đề án nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh TP vô cùng có ý nghĩa. Thế nhưng bước đầu triển khai có những điều chưa hợp lý nên cần phải cân nhắc, tính toán lại. Nếu đề án sử dụng ngân sách của nhà nước thì cần đảm bảo sự lan tỏa và hiệu quả cao. Còn nếu thực hiện theo kiểu xã hội hóa thì người dân cần được quyền có ý kiến, lựa chọn chứ không mang tính áp đặt.

Bích Thanh

 

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121108/De-an-pho-cap-tieng-Anh-cua-TP-HCM-Can-nhac-hieu-qua-va-su-lan-toa.aspx

Quen tay

Posted: 11 Nov 2012 06:49 PM PST

Câu chuyện giáo dục

Quen tay

TT – 1 Trong xóm thường xuyên mất trộm trái cây, gà vịt, đồ nhôm như nồi niêu, xoong chảo…và rồi cuối cùng cũng phát hiện kẻ trộm không ai khác là thằng bé xóm trên tuổi mới lên 10.

Mọi người thấy vậy mới báo cho cha mẹ thằng bé biết để răn đe giáo dục con cái. Cha thằng bé nghe vậy mới kêu thằng bé vào, chưa hỏi han gì đã thẳng tay tát vào mặt nó nói: "Ai dạy mày, ai biểu mày đi ăn trộm để người ta giờ mắng vốn". Còn bà mẹ thì khóc mếu máo cho rằng con mình ngoan nhưng bị người ta ghét nên vu oan giá họa. Mấy năm sau, thằng bé bỏ học, ăn chơi lêu lổng và đến 16 tuổi, cậu con trai này đã tổ chức cắt trộm dây điện chiếu sáng bị bà con vây bắt giao cho công an.

2 Cứ vài ba ngày là học sinh lớp 2/1 Trường tiểu học X báo cô giáo chủ nhiệm tiền trong cặp bị mất khi 2.000 đồng, lúc 5.000 đồng. Cô giáo dùng mọi biện pháp động viên học sinh nào lỡ lấy tiền bạn thì xin lỗi. Cô còn nói nếu thật sự cần tiền mua gì đó thì nói với cô để cô chia sẻ. Nhưng không học sinh nào dám nhận. Đến khi chính cô giáo bị mất 200.000 đồng bỏ trong bóp để quên trên bàn giờ ra chơi, thông qua một học sinh khác, cô phát hiện thủ phạm. Cô báo gia đình và mẹ em đến trường xin lỗi cô giáo. Cô bỏ công tìm hiểu và biết nhà học sinh này có ba chị em. Cha bỏ mẹ đi lấy vợ khác. Nhà gần chợ, mẹ buôn bán nhỏ tiền kiếm được không đủ sống mà đam mê bài bạc, đánh đề bỏ mặc con không quản lý và giáo dục nên con nghiện game. Để có tiền chơi, học sinh này ăn cắp tiền mẹ, tiền bạn và rồi tiền của cô chủ nhiệm.

Cha mẹ thờ ơ, bênh vực con cái thật tình chỉ dung dưỡng và góp sức cho trẻ mai sau trở thành người không lương thiện, không có ích cho xã hội. Tục ngữ có câu "Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt", lúc trẻ còn nhỏ không được uốn nắn dạy bảo khi lỡ ăn trộm vặt món đồ nhỏ không giá trị thì mai sau tay lỡ nhúng chàm sẽ ăn cắp thứ lớn hơn.

TRẦN VĂN TÁM (Củ Chi, TP.HCM)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/520011/Quen-tay.html

Phương thuốc đặc trị “bệnh lạm thu”?

Posted: 11 Nov 2012 06:49 PM PST

(GDTĐ) – Mặc dù năm học mới đã được gần nửa học kì,  nhưng "sức nóng" về các câu chuyện xoay quanh đóng góp đầu năm vẫn chưa hạ nhiệt. Những lời kêu ca của PHHS về các khoản thu chi, trong đó các khoản thu tự nguyện, thu thỏa thuận là đề tài đang được nhiều người quan tâm nhất… 

Hiện nay hình thức "xã hội hóa giáo dục" hình như bị nhiều nhà trường hiểu sai? Vì tôi thấy có vẻ như họ cứ cho rằng PHHS đóng góp cũng là XH hóa GD, nên dẫn đến lạm thu theo kiểu "tự nguyện"?

Vừa qua, Sở GDĐT Hà Nội, đã thanh tra rà soát 29 quận, huyện về vấn đề thu chi, không chỉ nhắc nhở mà còn chấn chỉnh lạm thu trong các cơ sở giáo dục. Qua kiểm tra phát hiện vẫn còn tình trạng thu không đúng quy định. Đoàn khảo sát nhận thấy, giải thích của các hiệu trưởng về vấn đề thu chi còn rất mơ hồ, không nắm rõ các văn bản của Bộ cũng như Sở và Phòng Giáo dục đã ban hành. Nếu Hiệu trưởng không ra lệnh thu, chắc chắn không có giáo viên nào dám thu, Ban phụ huynh học sinh cũng không được phép.

Minh bạch các khoản thu, giảm tình trạng thu sai, giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của phụ huynh học sinh. (Ảnh Internet)
Minh bạch các khoản thu, giảm tình trạng thu sai, giải tỏa tâm lý băn khoăn, bức xúc của phụ huynh học sinh. (Ảnh Internet)

Thực tế các khoản thu chi đều được quy định rất rõ ràng trong các văn bản hướng dẫn. Để tránh phụ huynh hiểu nhầm thì khi họp phụ huynh, trường cần phổ biến và nói rõ về các văn bản này. Đối với các khoản khác liên quan đến thỏa thuận hoặc xã hội hóa thì phải thống nhất trong Hội đồng trường, tập thể giáo viên (GV)và Hội phụ huynh. Sau đó, GV chủ nhiệm các lớp tiếp tục phổ biến đến phụ huynh để hiểu rõ chủ trương, nếu phụ huynh thắc mắc thì phải giải thích cặn kẽ. Trong trường hợp không giải thích được thì Ban giám hiệu sẽ làm việc trực tiếp với phụ huynh.

Vấn đề mấu chốt là hiệu trưởng cần phải có kế hoạch cụ thể về phương án thu chi để qua đó phụ huynh nhìn thấy rõ có hợp lý hay không. Chỉ được tiến hành khi các phụ huynh đã tán thành 100%. Không nên ép buộc dù chỉ còn    một ý kiến không đồng tình. Khi triển khai hãy để cho chính các phụ huynh trực tiếp giám sát. Tuy nhiên thực hiện như thế nào để phụ huynh không bức xúc và tự nguyện tham gia là điều không phải dễ dàng. Việc đóng góp dựa trên nguyên tắc tự nguyện và chủ yếu là nhờ sự trợ giúp của các mạnh thường quân, không nên chia bổ đầu cho phụ huynh. Danh mục của khoản thu thỏa thuận – khoản thu được cho là thường bị biến tướng, để định ra một danh mục cụ thể, thống nhất mức thu là việc không đơn giản.

Có thể thấy việc thiếu rõ ràng trong quy định, lỏng lẻo trong giám sát, kiểm tra  là những nguyên nhân khiến tình trạng lạm thu ở các nhà trường tái phát. Vì thế, việc thống nhất, công khai danh mục các khoản thu trong trường học là cần thiết, tạo thuận lợi cho cơ sở và là căn cứ pháp lý để các cấp quản lý giám sát việc thực hiện.

Trong việc chống lạm thu trong trường học, quan trọng  nhất vẫn là cách làm của người quản lý nhà trường. Chỉ cần sự minh bạch, có kế hoạch và mức thu hợp lý từ ban giám hiệu là phương thuốc hữu hiệu đặc trị “bệnh lạm thu", lúc ấy chắc chắn chẳng phụ huynh nào có ý kiến khi những lợi ích đó phục vụ cho chính con em họ.

Đăng Huyền

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Phuong-thuoc-dac-tri-benh-lam-thu-1964813/

Comments