Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Người lái đò miễn phí chở học sinh qua sông

Posted: 11 Nov 2012 04:59 AM PST

Điều đặc biệt là từng ấy năm làm nghề chở đò cũng là từng ấy năm ông không nhận tiền công của bất kỳ một em học sinh hay hành khách nào vì trong suy nghĩ thật bình dị của ông: "Chỉ cần các em được ngày ngày vui vẻ đến trường và học tập làm sao cho thật tốt, khách đi đường an toàn là tôi vui rồi".

Người lái đò đặc biệt ấy là ông Trần Văn Khương, sinh năm 1960, ở làng Lô Đông, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng).


Nhiều năm nay, ông Trần Văn Khương cần mẫn chở đò miễn phí đưa học sinh qua sông để đến trường.

Thấm thoắt đã gần chục năm qua cũng là ngần ấy năm ông Khương gắn bó với công việc lái đò của mình. Như thường lệ, một ngày làm việc của ông được bắt đầu theo một công thức dù mưa dầm hay gió rét, ông phải dậy từ 4 giờ sáng, đây là thời gian chủ yếu để chở những người làm nghề buôn bán của làng, thời gian kế đó đến người nông dân với tay cày tay cuốc qua sông đi làm đồng và khoảng 6h30 là các em học sinh cắp sách tới trường rồi đến 11h trưa lại chở các em khi sáng đi học về. Đối với các em đi học buổi chiều thì thời gian các em đến trường là 12h30 và khi về là 5h30 chiều.

"Còn khi khi nào thì đến lượt anh được nghỉ ngơi?" – tôi hỏi và ông Khương cười cho biết: "Thời gian nghỉ nghơi của tôi là khi hành khách cuối cùng đã sang tới bờ chú ạ, buổi tối tôi vẫn thường đợi để đưa các cháu đi học thêm về sau đó mới yên tâm nghỉ được, thực tình nhiều khi bị ốm mệt hay những khi ngoài trời thì giá lạnh đang nằm cuộn tròn trong chăn ấm thấy có người gọi đò là ngại lắm nhưng biết làm sao, có lúc khó khăn như thế này người ta mới cần nhờ tới mình mà mình bỏ mặc sao đành. Nghĩ vậy rồi tôi tiếp tục làm".

Có mặt trên sông khi trời đã về trưa, trước mắt chúng tôi từng tốp em nhỏ với áo trắng khăn quàng đỏ tung bay. Các em đang chuyện trò cười đùa vui vẻ ra về trong khi đó ở phía dưới cùng là ông lái đó dáng người nhỏ nhắn với nước da sạm đen vì nắng gió vẫn đang chăm chú cầm vững tay lái để đưa con đò cập bến một cách an toàn. Đôi khi những nụ cười rạng rỡ tinh nghịch khiến người lái đò cũng bật cười theo. Những tiếng cười giòn cùng vang vọng tan vào sông nước.

Tâm sự với chúng tôi khi vừa sang bờ để về nhà, em Nguyễn Văn Huy – học sinh lớp 8A Trường THCS Vĩnh Long cho biết: "Ở đây, tất cả chúng em đều rất yêu quý và biết ơn bác Khương, nhờ có bác mà chúng em được đến trường một cách đầy đủ và an toàn. Bác thường nhắc nhở chúng em phải ngồi cẩn thận mỗi khi qua sông và đi học thì phải biết giúp đỡ nhau cùng học tập thật tốt để cha mẹ và thầy cô vui lòng".


Những chuyến đò nghĩa tình chở các em học sinh qua sông đến trường.

Làm nghề chở đò đưa khách sang sông đã nhiều năm nay nhưng điều đặc biệt là ông Khương không hề đòi hỏi tiền công hay thu tiền lệ phí của những người qua đây và cũng không có một nguồn trợ cấp nào từ chính quyền địa phương. Ông chỉ nhận khi nó xuất phát từ tấm lòng tự nguyện của hành khách muốn cùng được chia sẻ, đóng góp thêm một vài nghìn giúp đỡ ông một phần vào việc mua xăng dầu và tiền tu sửa lại phương tiện để phục vụ lại chính việc đi lại của mình. Quanh năm gắn bó với bến sông này nên đối với việc gia đình, ông Khương cũng chẳng có thời gian giúp đỡ được gia đình nhiều, mọi việc đều phải nhờ đến bàn tay của bà Hiền – vợ ông. Cảm thông với công việc của chồng, một mình bà ngày ngày đảm đương làm lụng với hơn một mẫu trồng lúa, rồi việc nuôi lợn gà, trồng tre bát độ…

Nhận xét về công việc cũng như những đóng góp của ông Khương đối với người dân địa phương, ông Đoàn Văn Liệu – Chủ tịch xã Vĩnh Long cho biết: "Trong sự phát triển kinh tế văn hóa của làng Lô Đông nói riêng cúng như đối với xã Vĩnh Long nói chung có một phần đóng góp không nhỏ của anh Khương, đó là một con người luôn luôn hết mình về công việc. Những gì anh đã làm đã cống hiến cho quê hương tuy thầm nặng nhưng thật cao đẹp".

Xuân Nhuận

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/nguoi-lai-do-mien-phi-cho-hoc-sinh-qua-song-661513.htm

Khi mặt bàn học sinh thành nơi “trút bầu” văn nghệ

Posted: 11 Nov 2012 04:58 AM PST

Không biết mặt bàn học sinh ở các thành phố lớn như thế nào chứ ở quê tôi luôn đầy chữ viết, hình vẽ mà những người tử tế nhìn vào thấy phát ngượng. Những "tác phẩm tuổi học trò" này làm đau đầu thầy cô giáo vì không biết tác giả cụ thể là ai.

Tuổi học trò có biết bao điều dễ thương và cũng bấy nhiêu điều kỳ lạ. Học văn thì dở nhưng lại "thích" làm thơ. Anh văn chỉ bập bẹ nhưng viết và nói tiếng bồi như… gió. Những câu chữ ấy lại "trút" không thương tiếc trên mặt tường, bàn ghế, hộc bàn… Có người nói vui rằng: Có một dòng "văn nghệ bàn ghế" trong thế giới học trò.

Bây giờ bước vào bất cứ phòng học nào ở trường phổ thông quê tôi, thấy không mặt bàn ghế nào được xem là sạch sẽ. Ở đó xuất hiện đầy đủ những thể loại "văn xuôi", "thơ ca" và cả "hội họa" nữa.

Ngôn ngữ thể hiện ngoài tiếng Việt còn có tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa… có cả chữ tốc ký tiếng Việt. "Công cụ sáng tác" rất "đa hệ": bút bi, bút máy, bút chì, bút xóa…. Đề tài mà các tác giả muốn thể hiện cũng phong phú, nhưng tập trung nhiều nhất chuyện muôn thuở vẫn cứ là… tình yêu (dù ở tuổi học trò là hơi sớm).

Khi mặt bàn học sinh thành nơi trút bầu văn nghệ

Dòng "văn nghệ bàn ghế" nay cũng có lắm "triết gia" bào chữa cho đề tài của chúng, chẳng hạn như câu: "Tình yêu là một thực tế khách quan tồn tại ngoài ý muốn của… học trò". Rất nhiều sáng tác là "cóp-pi" những bậc tiền bối của thơ ca như Hồ Dzếnh, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Đại loại các câu như: "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở", "Nắng mưa là bệnh của trời. Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng", "Nếu phải cách xa em, anh chỉ còn bão tố".

Còn rất nhiều câu nữa không biết xuất xứ từ đâu, nhưng đọc lên nghe cũng hay hay. Như có lần tôi vô tình đọc được mấy câu thơ trên bàn học sinh ở trường D.Đ: "Nếu mà bên ấy có buồn. Xin theo cánh bướm, chuồn chuồn sang đây". Những câu thơ có vẻ bâng quơ ấy phần nào cũng phản ánh tâm trạng của các cô cậu chớm chuyện tình yêu.

Chắc hẳn tác giả đã "kế thừa" vào một đoạn thơ của ai đó để nói lên nỗi lòng. Đôi khi ta cũng bắt gặp tâm trạng "thất tình" khi tác giả bị ai đó nói lời từ chối. "Người ta vá áo bằng kim. Người ơi, tôi vá con tim bằng gì?". Lắm lúc vì quá thất vọng mà "nhà thơ" cũng chẳng cần theo nguyên tắc gieo vần gì cả."Yêu em hai chữ tình đầu. Ghét em bốn chữ giã từ biệt ly".

Sau các kỳ thi, bàn ghế lại xuất hiện những lời "bộc bạch" để bào chữa: "Thức đêm mới biết đêm dài. Cóp-pi mới biết được bài người ta". Bên cạnh dòng "thơ ca bàn ghế" thì văn xuôi và hội họa cũng chẳng thua kém. Về văn xuôi đó là những câu dài được trích dẫn từ bài học, để khi kiểm tra, tác giả chỉ cần nhìn xuống mặt bàn tha hồ viết, không sợ bị phát hiện.

Hay là một cuộc đối thoại "bỏ túi' của hai người ngồi chung vị trí nhưng ở hai buổi học khác nhau: Bạn tên gì? Sinh nhật ngày tháng nào? Bạn thích màu gì?… Nhiều nhất có lẽ câu… "Anh yêu em". Một cụm từ hơi khó nói "trắng trợn" nên được thể hiện bằng chữ viết, viết chữ Việt thấy hơi kỳ nên viết tiếng Anh là… chắc cú.

Vì thế mà trên mặt bàn lúc nào cũng thấy xuất hiện "I love you", và cứ thế liên tục phát triển trên tường, hộc bàn, thân cây… Người viết lắm lúc ghi thẳng thừng: "H love L" chẳng hạn. Còn về hội họa thì hình ảnh mũi tên xuyên thủng trái tim có mấy giọt máu rỉ xuống luôn là đề tài được tuổi học trò thể hiện.

Có những cô cậu học trò nổi máu họa sĩ vẽ chân dung hai người nam nữ, ở giữa có dấu cộng, còn bên dưới ghi tên của hai bạn trong lớp thường ghép đôi nhau. Lắm lúc, nhiều hình ảnh của những nhân vật trong phim hoạt hình và phim truyện cũng xuất hiện trên mặt bàn. Tham khảo dòng "văn nghệ bàn ghế", không ai tránh khỏi bực mình khi nhìn mặt bàn ghế không còn sạch đẹp.

Có nhiều trường đưa ra biện pháp xử lý nghiêm minh như buộc các em tẩy xóa, kiểm tra sơ đồ lớp học hai buổi để xác định thủ phạm, liên hệ gia đình học sinh… thậm chí là nhà trường xuất kinh phí sơn lại mặt bàn bằng một lớp keo đặc biệt để các em không thể viết chữ lên được.

Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tức thời, về lâu dài, cần giáo dục học sinh ý thức giữ gìn bàn ghế sạch đẹp và xem đó là một trong những điều kiện để xếp loại hạnh kiểm các em.

Theo Dân Việt/Làng Cười

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/khi-mat-ban-hoc-sinh-thanh-noi-trut-bau-van-nghe-661499.htm

Nước mắt rơi trong buổi tọa đàm về nghề giáo

Posted: 11 Nov 2012 04:58 AM PST

(TNO) Sáng ngày 8.11, trong buổi tọa đàm về nghề giáo (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tại Hội trường TP.HCM), nhiều giáo viên đã lặng lẽ khóc…

Chủ đề của buổi tọa đàm là "Người thầy – Nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo". Đã có lúc, buổi tọa đàm giữa các giáo viên ấy trở nên trầm lắng với tiếng khóc sụt sùi rất nhẹ của ai đó. Mà thực ra, nếu nghe những câu chuyện cảm động có thật ấy, không thể không khóc…

Vay tiền cho trò đi học

Anh Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (H.Củ Chi, TP.HCM) đến bây giờ vẫn nhớ mãi hình ảnh cô giáo thời tiểu học đã giúp anh được đến trường, được học hành như bạn bè trang lứa, dù bản thân cô giáo ấy cũng gặp không ít khó khăn.


Anh Nguyễn Văn Cải xúc động kể về người giáo viên cũ của mình

Ngày ấy, đứa trẻ lớp 4 nằm ở nhà khóc sưng mắt vì mẹ bệnh, chị thất nghiệp, nhà nghèo không có cơm ăn cả tuần lễ và không thể đến trường. Đang lúc ấy, người bạn học cùng lớp cũ chạy đến nhà nói lớn: "Cô Hằng kêu bạn đi học đi, cô giúp cho".

Sáng thứ hai, tuần đầu tiên của năm học mới, câu bé ấy đến Trường tiểu học Trung Lập Hạ với chiếc quần đùi, áo vá lưng, trên vai là chiếc cặp vỏn vẹn vài viên phấn (phần thưởng cuối lớp 3), không sách vở, không bút viết.

Cô chủ nhiệm Trần Thị Hằng đón nhận cậu bé như đứa con của mình. Cô dẫn sang quầy bán dụng cụ học tập trong trường tặng tập, bút và các vật dụng học tập. Một điều đặc biệt là khi mua, cô phải mua thiếu vì bản thân cô cũng không có đủ tiền để trả ngay lúc đó.

Sau này, cô Hằng vẫn mượn sách giáo khoa cho cậu học trò ấy, đóng học phí và các khoản tiền trong năm học…

Anh Cải cố ngăn dòng nước mắt, kể tiếp: "Thời ấy, cô vừa đi dạy một buổi, buổi còn lại đi làm thuê mà vẫn không đủ nuôi cả gia đình. Vậy mà, trong lúc khó khăn vất vả nhất, cô lại mở rộng vòng tay bằng tình thương và trách nhiệm để sẻ chia, nâng bước tôi đến trường".

Nghe anh Cải kể đến đây, cả hội trường như lắng lại, nhiều giáo viên rút khăn tay lau nước mắt.


Nhiều giáo viên không cầm được nước mắt trong buổi gặp mặt

Làm sao qua khỏi "Cơm áo, gạo tiền"?

Ngày nay, tưởng cái nghèo với nghề giáo đã qua đi, nhưng cảnh giáo viên vất vả "chạy bữa" từng ngày để lo cho cuộc sống vẫn tồn tại

NGND-GS Trần Thanh Đạm và NSƯT Châu An lại nói về thời gian làm việc của một giáo viên mầm non dạy ở TP.HCM. Sáng 6 giờ 30 đến lớp, suốt hai buổi phải đứng lớp, trừ bữa trưa và ngủ trưa, dạy hát, múa, hướng dẫn trò chơi. Trưa cô thức chăm sóc các em ngủ. 14 giờ cô dậy, cho các em ăn nhẹ rồi tiếp tục giờ lên lớp. Đến 18 giờ, cha mẹ mới đến đón hết các con về nhà. Mỗi ngày làm việc của cô là 12 giờ nhưng tiền lương là 85% lương trong 6 tháng đầu, khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng kể câu chuyện về người giáo viên đã phải nghĩ đến việc dạy một buổi, ra chợ một buổi để bán hành tỏi; có người tính buổi tối xin đi làm nghề phục vụ nhà hàng hoặc "chuyển địa bàn" để chạy xe ôm; có người nhận làm gia sư chuyên dò bài cho học sinh…


Nghề giáo với nhiều gian truân

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long, Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, ngày nay, vấn đề lương bổng, thu nhập của nghề giáo đang được xã hội đem ra để bàn luận và tính toán. Một bộ phận trong giới trẻ không lựa chọn nghề giáo nói riêng và những nghề có đồng lương thấp để làm phương tiện lập nghiệp, lập thân bởi với họ, sự giàu có luôn là nỗi ám ảnh lớn trong cuộc sống.

Với nhịp sống đòi hỏi cao chuyện "cơm áo gạo tiền", đồng tiền nhiều lúc được xem như là thước đo thành công, vai trò và hình ảnh người thầy bắt đầu có dấu hiệu bị xem nhẹ.

Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng nhận xét: "Do phải sống mẫu mực, mô phạm để làm gương nên nhà giáo chân chính luôn vượt lên chính mình để sống "đói cho sạch, rách cho thơm"”.

Khi khẳng định lại một lần nữa lựa chọn nghề giáo của mình, anh Nguyễn Văn Cải chia sẻ: "Nếu được chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn chọn nghề giáo vì ở đó tôi có những người thầy, đồng nghiệp tận tụy với nghề bằng tất cả tình thương và trách nhiệm; vì ở đó, tôi có thể sẻ chia trọn vẹn nhất với học trò của mình; vì ở đó đầy ắp tình yêu thương".

Đó có lẽ cũng là lí do nhiều giáo viên, dù sống vất vả với đồng lương nhưng vẫn gắn bó với nghề như lời PGS-TS. Nguyễn Tấn Phát: "Một người bình thường nếu bước vào nghề chỉ vì một sự toan tính nhỏ nhen, không thật tâm muốn khám phá và cống hiến cho vẻ đẹp của nghề mình chọn thì không bao giờ biết tin, biết yêu và biết có trách nhiệm với nó. Điều ấy lại càng đúng với ngành sư phạm".

 

Xây dựng cơ chế, chính sách cho giáo viên

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD-ĐT, dạy nghề (Ban Tuyên giáo trung ương):  Để phát triển đội ngũ nhà giáo, cần xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo; Xây dựng chế độ lương và phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo đúng với tính chất đặc thù lao động của họ…

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách nhằm thu hút đội ngũ sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, sinh viên các lớp cử nhân tài năng, kỹ sư chất lượng cao làm giáo viên ĐH, CĐ; xây dựng chính sách thu hút cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao ở trong và ngoài nước tham gia giảng dạy trong các cơ sở đào tạo của Việt Nam.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu để có các chính sách hợp lý nhằm cải thiện rõ rệt đời sống cho đội ngũ giáo viên của ngành như: hỗ trợ nhà công vụ, hỗ trợ giáo viên mua nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, kiến nghị trung ương có chính sách trợ cấp "đắt đỏ" cho giáo viên công tác tại các thành phố lớn.

 

Bài, ảnh: Hoàng Quyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121108/nuoc-mat-roi-trong-buoi-toa-dam-ve-nghe-giao.aspx

“Né” nghiên cứu khoa học

Posted: 10 Nov 2012 11:36 PM PST

Theo quy định, giảng viên mỗi năm phải đảm bảo 900 giờ giảng dạy, 500 giờ NCKH. NCKH là một tiêu chí đánh giá lao động giảng viên. Thế nhưng, nhiều trường ĐH, CĐ với quy mô hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn SV suốt một năm không có đề tài NCKH nào.


"Trả nợ" bằng giờ dạy

 

Theo thống kê, Trường ĐH Hồng Bàng có 32 PGS, GS, 31 tiến sĩ và 62 thạc sĩ nhưng trong năm học vừa qua, trường này chỉ có sáu công trình NCKH cấp cơ sở (cấp trường), không có công trình cấp thành phố hay nhà nước. Tương tự, Trường ĐH Văn Lang có 9 GS, PGS, 30 tiến sĩ và 151 thạc sĩ nhưng chỉ có một công trình NCKH cấp thành phố. Khá hơn một ít, Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM có hai đề tài cấp bộ, ba đề tài cấp thành phố và 30 đề tài cấp cơ sở. Lực lượng giảng viên của trường này khá hùng hậu khi có 21 GS, PGS, 75 tiến sĩ và 178 thạc sĩ. Trường ĐH Tài chính marketing cũng chỉ có một đề tài cấp thành phố và 14 đề tài cấp cơ sở, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có ba công trình cấp bộ và 64 công trình cấp cơ sở, ĐH Công nghệ Sài Gòn có bốn công trình cấp cơ sở và một công trình cấp thành phố…

NCKH kiểu… đối phó

 

Tuổi Trẻ

 

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ne-nghien-cuu-khoa-hoc-661437.htm

Tự hào Nhà giáo Việt Nam

Posted: 10 Nov 2012 11:36 PM PST

(GDTĐ) – Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 các thầy cô giáo lại thấy lòng niềm vinh dự và tự hào được các thế hệ học trò của mình thăm hỏi, chúc mừng với tấm lòng thành kính tri ân, thể hiện trên khuôn mặt rạng rỡ đầy nghĩa tình thầy trò. Nhà giáo được Đảng và Nhà nước tôn vinh, được nhân dân yêu mến.

Ảnh minh họa/Internet
Ảnh minh họa/Internet

Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 đã trở thành một mỹ tục, không phải đơn thuần chỉ là ngày Lễ của một ngành nghề mà trở thành một Lễ hội của thời đại mới hòa vào hệ thống Lễ hội cổ truyền của nhân dân ta, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và thực sự nâng cao vị trí, vai trò, nhiệm vụ vẻ vang của nhà giáo trong sự nghiệp đào tạo lớp người mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Dân tộc Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu học và "Tôn sư trọng đạo", như điều cổ nhân đã dạy "Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy" – đó là đạo lý, là triết lý sống của dân tộc Việt Nam, đã được kiểm chứng qua bao thế hệ con người.

Trong lịch sử Việt Nam đã có nhiều Nhà giáo nổi tiếng đức độ, từ tốn, tài giỏi tên tuổi được lưu truyền mãi mãi như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Qúy Đôn, Nguyễn Tất Thành…

Người thầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc truyền dạy tri thức và giáo dục nhân cách cho trẻ; được coi như người cha, người mẹ thứ hai của học trò. Nghề thầy giáo đã rất được trọng vọng trong xã hội.

Không ai có thể phủ nhận công lao dạy dỗ của người Thầy, không ai có thể khẳng định mình giỏi giang, mình hiểu biết mà không cần đến sự dạy dỗ của người thầy. Thầy chính là người trực tiếp truyền đạt kiến thức cho học trò và nhờ những kiến thức ấy, cùng với tinh thần hiếu học, cần cù, thông minh người học trò mới có được danh phận của mình trong các cuộc thi.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Người thy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang".

Người cũng đã dạy chúng ta "Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, Vì lợi ích trăm năm phải trồng người". Thực hiện lời dạy của Bác, Giáo dục và Đào tạo đã được Đảng ta khẳng định là quốc sách hàng đầu. Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ là phải "xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng", là khâu then chốt, là tiền đề trong đổi mới GDĐT.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày nay, khi xã hội phát triển, vai trò và nhiệm vụ của người thầy lại càng quan trọng hơn, bởi họ có trọng trách tạo nên đội ngũ học sinh có tri thức, đủ sức gánh vác sự nghiệp xây dựng đất nước.

Ngành giáo dục nước nhà trong suốt mấy chục năm qua đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, đã đào tạo và cung cấp hàng triệu học sinh có kiến thức để học tiếp lên cao, học nghề hoặc mang kiến thức phổ thông vận dụng vào cuộc sống lao động sản xuất… Nhiều học sinh đã trở thành cán bộ tốt phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân.

Đạt được những thành tựu đó là nhờ có sự lãnh đạo sát sao và toàn diện của các cấp uỷ đảng và chính quyền khắp các địa phương trong cả nước, sự nỗ lực phấn đấu của tất cả các thế hệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên của ngành giáo dục, trong đó đội ngũ các thầy cô giáo có vai trò hết sức to lớn.

Thế hệ các thầy cô giáo của ngành giáo dục trước đây, hiện tại và mai sau mãi mãi là những tấm gương sáng vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành GD từng bước phát triển vững chắc và đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Mỗi dịp chào đón ngày 20/11, các thầy cô giáo và những người làm công tác giáo dục đều cảm thấy vinh dự và tự hào hơn với truyền thống của ngành. Càng vinh dự và tự hào, chúng ta càng ý thức được trách nhiệm lớn lao mà ngành Giáo dục phải phấn đấu để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Mỗi giáo viên cần phải "yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu". Mỗi thầy cô giáo của ngành GDĐT hãy luôn cố gắng rèn luyện để trở thành "Người thy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thy giáo" được nhân dân kính trọng.

Lê Xuân Tăng

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Tu-hao-Nha-giao-Viet-Nam-1964795/

Nếu không có thầy, không biết giờ này em sẽ ra sao?

Posted: 10 Nov 2012 11:36 PM PST

Thầy đã nâng tôi dậy sau cú ngã quá nặng đối với một đứa học trò như tôi. Thầy đã cho tôi niềm tin, cho tôi quyết tâm và cả nhiệt huyết để tôi hiểu rằng cần phải đứng lên và phấn đấu nhiều hơn nữa sau khi vấp ngã. Trong trái tim và suy nghĩ của một đứa học trò như tôi, thầy là một người anh trai lớn trong gia đình. Hơn nữa trong cuộc sống tâm hồn của tôi, thầy còn là một người bạn tâm giao, là một điểm tựa vững chắc để tôi có thể yên tâm chia sẻ mọi thứ. Thầy đã cho tôi được một lần nữa quay trở lại. Tôi sẽ mãi mãi ghi nhớ ơn thầy vì điều ấy.

Hầu hết mọi người sinh ra ai cũng có một gia đình, một mái ấm đong đầy yêu thương, nơi đó có cha và mẹ. Nhưng tôi thì khác. Khi tôi vừa chào đời thì cha đã không còn, cha tôi đã ra đi mãi mãi, bỏ lại bơ vơ một người mẹ trẻ và một đứa con thơ dại. Mẹ tôi kiên nhẫn, tảo tần và làm tất cả để có thể nuôi tôi khôn lớn trưởng thành. Mẹ lặng im chịu đựng như thế suốt 14 năm nay, có lúc buồn, mẹ cũng chỉ khóc một mình. Thế nhưng, đôi khi công việc nhà quá nhiều, đôi vai nhỏ bé của mẹ phải gồng mình gánh vác làm mẹ thêm mệt mỏi rồi đâm ra cáu gắt, mắng mỏ vô cớ khiến tôi cũng buồn phiền. Nhưng điều mà tôi lo sợ nhất là án “không được đi học” lúc nào cũng treo lơ lửng trước mắt.

Hụt hẫng và cảm thấy cô độc, không có ai chia sẻ, tôi đã từng nghĩ đến việc bỏ nhà ra đi hay tìm lối thoát bằng cái chết. Tôi tưởng tượng và hình dung ra một cuộc sống mới bình yên hơn ở một thế giới khác, nơi đó khác xa cuộc sống đang diễn ra hiện nay. Nơi đó sẽ không có những lời mắng mỏ, răn dạy hàng ngày, không có áp lực nào đè lên tâm trí của tôi. Sẽ không có những lúc phải lo sợ vì không biết ngày mai mình có còn được cắp sách đi học hay không? Có phải nghe những lời mắng nhiếc vô cớ nữa hay không?…

Nhưng khi tôi định làm việc dại dột ấy, thầy đã cứu vớt tôi khỏi bờ vực mù mịt sâu thẳm. Thầy nói chuyện với tôi rất nhiều vấn đề về cuộc sống, thầy nhẹ nhàng phân tích cho tôi hiểu được ý nghĩa của sự sống chết với mỗi con người, thầy nói về sự vất vả của mẹ tôi để tôi thấy rằng tôi là tất cả những gì mà mẹ tôi có, tôi là cuộc sống của mẹ. Thầy khuyên tôi: “Đó không phải là cách giải quyết, hãy bình tĩnh suy nghĩ thật kĩ càng mọi việc, tìm con đường đúng đắn nhất để đi”. Những lời nói ấy của thầy như một sợi dây yêu thương gắn kết giữa tôi và thầy. Và cũng chính những lời nói ấy của thầy đã nhắc nhở và giúp tôi vượt qua những suy nghĩ chưa đúng đắn của tuổi mới lớn. Khi bình tĩnh lại sau những lời khuyên, lời chỉ bảo của thầy, tôi cảm thấy yêu cuộc sống này hơn, để không có lần thứ hai xảy ra chuyện dại dột ấy nữa. Từ đây, tôi sẽ biết chia sẻ và sống có trách nhiệm hơn với bản thân, với những người thân của tôi và với cuộc sống này. Tôi sẽ cố gắng làm tất cả để có thể vững tin vào tương lai của mình.

Thưa thầy! Người thầy đáng kính của chúng em. Nếu có một điều ước, một phép màu nhiệm, điều em ước đầu tiên đó là những điều tốt đẹp sẽ luôn ở bên thầy. Vì em biết món quà tốt đẹp ấy, thầy sẽ luôn dành cho chúng em, những mầm xanh cần sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ và chỉ bảo. Và em cũng tin rằng những điều tốt đẹp mà bao học trò nhận được nơi trái tim nhân hậu, yêu thương đầy nhiệt huyết của thầy sẽ lớn lên, trưởng thành và sống có ích.

Thầy ơi ! Thầy mãi là người thầy đáng kính trong tâm trí chúng em. Chúng em cảm ơn thầy nhiều lắm!

Em viết những dòng này gửi tới thầy Nguyễn Việt Dũng thân thương và kính yêu của em!

Nguồn: http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/neu-khong-co-thay-khong-biet-gio-nay-em-se-ra-sao-661447.htm

Kỳ cuối: Mạnh ai nấy làm

Posted: 10 Nov 2012 11:36 PM PST

TT – Sự phát triển ồ ạt đã làm lộ ra nhiều cái yếu và thiếu của công tác quy hoạch và quản lý các trường tư.

Hệ thống trường tư thục hiện đang thể hiện sự phân tầng khá rõ về quy mô đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất và uy tín đối với xã hội.

Học sinh lớp 10A1 Trường THPT tư thục Việt Thanh (Q.Tân Bình, TP.HCM) trong giờ thực hành môn lý – Ảnh: Như Hùng

Phân tốp

Ở bậc phổ thông, chỉ riêng tại TP.HCM, tính theo số học sinh, hiện nay các trường như Nguyễn Khuyến, Thanh Bình, Trương Vĩnh Ký, Trí Đức, Hồng Đức, Ngô Thời Nhiệm… luôn ổn định trong tốp những trường tư có số lượng học sinh đông nhất, từ 1.000-6.000 học sinh. Trong đó có nhiều trường rất kén chọn người học. Điểm chung của các trường này đều là những trường có thâm niên, uy tín, ổn định nền nếp, không phải vất vả tìm kiếm học sinh. Nhóm trường này luôn tự tin với nguồn tuyển từ chính "tên tuổi" của trường, học sinh cũ ra trường giới thiệu học sinh mới đến.

Một số trường quy mô nhỏ hơn (500-1.000 học sinh) nhưng hoạt động khá ổn định với số lượng học sinh không biến động nhiều nhờ có sự đầu tư tốt. Trong số những trường mới thành lập trong 3-5 năm trở lại đây, rất nhiều trường có số học sinh khoảng 100-200. Cá biệt có trường chỉ có 33 học sinh. Đầu năm học mới này, hàng chục trường cho biết chỉ tuyển sinh lèo tèo và tổng số học sinh giảm nhiều so với năm trước.

Xét về số lượng, hệ thống trường tư bậc THPT nhiều xấp xỉ số trường công trên địa bàn TP.HCM. Nhưng hệ thống trường này còn thiếu quá nhiều điều để có thể phát triển bền vững. Ông Phạm Thanh Tâm, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Hồng Đức, tâm tư: "Để phát triển một trường tư khó hơn trường công. Trong đó việc tổ chức nội trú, kinh nghiệm quản lý là điều rất cần thiết nhưng các trường tư mạnh ai nấy làm, không ai chia sẻ với ai…".

Đó là chưa kể ở nhiều trường tư còn thiếu cả quan điểm giáo dục đúng nghĩa. Một cán bộ quản lý một trường tư ở TP.HCM nói: "Có một thời kỳ phụ huynh ào ạt đưa con về thành phố với mơ ước được học trường thị thành, con mình sẽ đậu ĐH. Nhiều nhà đầu tư ảo tưởng cứ có tiền có đất sẽ có học sinh và có lợi nhuận. Không phải nhà đầu tư nào cũng nhắm đến mục đích giáo dục con người, bao giờ họ cũng hướng đến lợi nhuận".

Gánh nặng xã hội

Dĩ nhiên, trường "ba không" sẽ không thể mãi tồn tại. TS Nguyễn Kim Dung – phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – cho rằng những trường tư, không có được hướng giải quyết khó khăn dẫn đến ngưng hoạt động là điều hết sức bình thường. Vì thực tế đã cho thấy những lứa sinh viên của một trường không đáp ứng được công việc sau khi tốt nghiệp thì chuyện người học quay lưng với trường đó là điều tất yếu. Điều này cho thấy "người tiêu dùng" – người học đã có sự lựa chọn thông minh hơn khi chọn trường để gửi gắm tương lai, phát triển bản thân. "Đây thật sự là tín hiệu đáng mừng. Nếu các trường kém chất lượng mà vẫn cứ được người học lựa chọn, vẫn sống tốt mới đáng lo ngại hơn" – TS Dung khẳng định.

Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – đánh giá không ít trường tư ngay từ buổi đầu tuyển sinh cả ngàn chỉ tiêu nhưng không đủ trường lớp phải thuê mướn phòng học, giảng viên ở các trường công tổ chức giảng dạy cho sinh viên. Thậm chí có một số trường tư ở TP.HCM để "giảm thiểu chi phí, tối đa lợi nhuận" đã tự liên hệ với giảng viên ở trường công mướn phòng thực hành nhưng không ký hợp đồng với nhà trường tổ chức dạy chui vào buổi tối hoặc những cuối tuần.

"Với hiện trạng ở các trường tư như vậy thì làm sao đào tạo có chất lượng được. Rõ ràng người học đã bị lừa nhưng chắc chắn họ chỉ lừa được một lần. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, sinh viên cũng giống như sản phẩm hàng hóa của các công ty, nếu hàng kém chất lượng sẽ không có người mua, trường không có người học phải đóng cửa" – ông Dũng nói.

PGS.TS Trần Cảnh Vinh, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đúc kết việc các trường tư đang ngắc ngoải là quy luật của thị trường và chứng minh một thực tế không thể làm giáo dục theo kiểu "ăn xổi ở thì". "Đã qua rồi thời những người toan tính kinh doanh giáo dục chỉ lo kiếm lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng vẫn dễ dàng sống khỏe. Môi trường cạnh tranh trong giáo dục bây giờ và thời gian tới sẽ rất khắc nghiệt. Nếu mở trường mà chất lượng kém chắc chắn sẽ không thu hút được người học và không tồn tại được" – ông Vinh khẳng định.

PHÚC ĐIỀN – LƯU TRANG – TRẦN HUỲNH

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/519763/Ky-cuoi Manh-ai-nay-lam.html

Vướng mắc vấn đề dạy thêm, học thêm ở Đồng Nai

Posted: 10 Nov 2012 11:36 PM PST

(GDTĐ) – Từ ngày 1/11, các giáo viên trên địa bàn thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt ngừng giữ trẻ, khiến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình bị xáo trộn. Vì thế, rất nhiều phụ huynh đã kiến nghị Phòng GDĐT Biên Hòa xem xét, giải quyết cho GV được tiếp tục giữ trẻ, kết hợp bồi dưỡng thêm về văn hóa.


Học sinh Đồng Nai

Theo số liệu tổng hợp của Phòng GDĐT TP. Biên Hòa, trong 44/51 trường tiểu học trên địa bàn, số giáo viên có đăng ký giữ học sinh tại nhà là 1.278 (74,3%), số lượng học sinh đã đăng ký ở lại nhà GV là 23.988 em (37,4%). Ở bậc THCS, có 867 GV đăng ký dạy thêm (52,1%), 18.753 lượt học sinh đăng ký học thêm (gần 50%). Toàn TP. Biên Hòa, chỉ có các trường thuộc 4 xã vừa mới sáp nhập là không có GV đăng kí giữ trẻ, dạy thêm.

Tại TP Biên Hòa, từ ngày 1/11 (sau khi Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT và văn bản 1772/SGD-ĐT của Sở GDĐT được phổ biến trong toàn ngành), tất cả các giáo viên trên địa bàn đã đồng loạt ngừng giữ trẻ, khiến các phụ huynh không có chỗ gửi con, đời sống sinh hoạt bị xáo trộn.

Ông Lê Văn Hùng Trưởng phòng GDĐT TP. Biên Hòa đề nghị: Với thực trạng về cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu như hiện nay, chưa thể tổ chức các loại hình bán trú, học 2 buổi ở bậc tiểu học. Phòng GDĐT TP. Biên Hòa kiến nghị Bộ GDĐT xem xét cho các GV trên địa bàn được tổ chức giữ trẻ tại nhà, kèm theo phụ đạo về văn hóa nhằm đáp ứng nhu cầu chính đáng của phụ huynh.

Theo Sở GDĐT Đồng Nai, trong năm học 2011-2012, số giáo viên THPT được cấp phép dạy thêm là 352 người. Giấy phép này đã hết hạn từ 30/8/2012, trong khi đó, UBND tỉnh chưa ban hành văn bản mới, vì thế chưa thể thực hiện cấp giấy phép mới về việc dạy thêm.

Ông Võ Tá Tấn, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong cho biết: Việc tổ chức học thêm trong trường được phân loại theo từng nhu cầu: phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT, ôn thi đại học, cao đẳng. Tùy theo mục tiêu, mỗi lớp dạy thêm có kế hoạch, nội dung giảng dạy riêng cho phù hợp, được Ban giám hiệu tổ chức thẩm định, đánh giá định kỳ.

Qua thực tế, học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn tránh được tình trạng "chạy sô học thêm" nhờ tổ chức tốt các lớp phụ đạo ngay trong trường. Tuy nhiên, để thực hiện được việc dạy thêm trong nhà trường, yếu tố quan trọng vẫn là phải có cơ sở vật chất, đội ngũ GV đạt yêu cầu. Vì vậy, ở chừng mực nào đó, với những trường không thể tổ chức dạy thêm trong nhà trường, nên linh động cấp phép cho GV dạy thêm ngoài nhà trường.

Ông Huỳnh Văn Tới, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng: Chuyện tiêu cực trong dạy thêm, học thêm là có, nhưng đó chỉ là con số rất ít, rất nhỏ so với những đóng góp của các thầy cô trong vấn đề xã hội hóa giáo dục. Ý nghĩa của xã hội hóa giáo dục là huy động sự đóng góp của toàn dân trên nhiều mặt, trong đó có sự đóng góp trí tuệ, công sức khi đã tổ chức được nơi dạy thêm để bổ sung kiến thức cho học sinh, giữ trẻ cho cha mẹ yên tâm làm việc.

Lan Anh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/2741/201211/Vuong-mac-van-de-day-them-hoc-them-o-Dong-Nai-1964794/

Công bố danh sách NGND, NGƯT năm 2012

Posted: 10 Nov 2012 02:17 PM PST

(GDTĐ)-Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 1848/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và Quyết định số 1849/QĐ-CTN về việc phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao bằng công nhận cho các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú năm 2010. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận trao bằng công nhận cho các nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú năm 2010. Ảnh: TTXVN

Theo đó, trong tổng số 610 nhà giáo được phong tặng đợt này có 40 Nhà giáo nhân dân và 570 Nhà giáo ưu tú.

Xem danh sách cụ thể các nhà giáo được phong tặng tại đây

Hiếu Nguyễn – Việt Cường 

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3010/201211/Cong-bo-danh-sach-NGND-NGUT-nam-2012-1964780/

NCS gốc Việt đoạt giải cao trong cuộc thi KHCN danh tiếng thế giới

Posted: 10 Nov 2012 02:15 PM PST

(GDTĐ)- Nữ nghiên cứu sinh trong lĩnh vực y học nano về điều trị bệnh ung thư Nguyễn Kim Mai Thi, đang làm luận án tiến sĩ tại trường ĐH Kỹ thuật Aachen (RWTH Aachen) của Đức đã xuất sắc vượt qua gần 100 các nhà khoa học và doanh nghiệp trẻ đến từ 38 quốc gia giành giải Ba cuộc thi Falling Walls Lab 2012.

Falling Walls Lab do Quỹ Falling Walls và A.T. Kearney, một công ty tư vấn doanh nghiệp hàng đầu, sáng lập nhằm tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ và các doanh nhân trẻ được giới thiệu những giải pháp sáng tạo và lâu dài đối với những thách thức cấp bách của xã hội. Các sinh viên, nghiên cứu sinh, những bạn trẻ mới vào nghề và các doanh nghiệp trẻ trên khắp thế giới đều có thể đăng ký tham dự

Công trình mang lại vinh quang cho nữ nghiên cứu sinh gốc Việt này thuộc lĩnh vực y học nano về điều trị bệnh ung thư. Điểm mới trong công trình này là tạo ra được những phân tử chuyên chở dược liệu nhỏ xíu để tấn công những tế bào ung thư, nhưng không gây hại cho những tế bào khỏe mạnh.

Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3010/201211/NCS-goc-Viet-doat-giai-cao-trong-cuoc-thi-KHCN-danh-tieng-the-gioi-1964778/

Comments