Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Lương giáo viên: Không phải tăng mà cải tiến

Posted: 08 Oct 2012 04:18 AM PDT

- Tăng lương chỉ là một phần nhỏ để tạo sự khác biệt về lương cho giáo
viên (GV), nhưng nó sẽ không giải quyết triệt để các vấn đề tiêu cực nảy
sinh do lương, cũng không tạo động lực triệt để khuyến khích GV dạy
tốt. Cải tiến chế độ tiền lương có tác dụng tạo động lực thúc đẩy GV làm
tốt công tác dạy học vì nó đòi hỏi sự đồng bộ cả về chính sách, cơ chế
lẫn trách nhiệm của cả hệ thống giáo dục đối với chất lượng giáo dục
Việt Nam.

Trong ảnh: Một tiết học của cô trò Trường TH Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội.

(Ảnh: Văn Chung)

Việc cải tiến chế độ lương để có thể tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục cần giải quyết các vấn đề sau:

1) Mặt bằng lương đảm bảo cho GV có  thể nuôi sống được bản thân + ít nhất 1 đứa con + phát triển chuyên môn nghề nghiệp.

Đây
là tiêu chuẩn dành cho giáo viên VN, chưa dựa trên những tính toán thực
tế về tài chính dành cho GD và tình trạng tài chính chung của quốc gia.

Còn ở các nước, lương GV đủ để nuôi sống cả gia đình, thỏa mãn cuộc
sống tinh thần và tích lũy được để tiết kiệm cho việc mua sắm và phòng
thân.

Ở Việt Nam, nếu rà soát lại cách sử dụng ngân sách cho GD và
rà soát lại ngân quĩ quốc gia thì có lẽ lượng tiền không chỉ đủ để đáp
ứng lương cho GV nói riêng theo cách trả lương của quố tế mà còn đủ cho
cán bộ hành chính và các ngành hưởng phúc lợi  nói chung.

2) Khi đã có mặt bằng lương như  vậy thì cần có chế tài kèm theo: ai
còn đi dạy thêm thì xử lí kỉ luật, đuổi việc nếu tiếp tục vi phạm.

3)
Bộ GD ĐT cần cải tiến việc  đánh giá, thi cử và xây dựng văn hóa
chất lượng. Nếu tiếp tục giữ chế độ thi cử, kiểm tra đánh giá và xem nhẹ
chất lượng GD như hiện nay (qua thành tích thi tốt nghiệp phổ thông và
năng lực thật của HS phổ thông và SV đại học; ở cấp học cao hơn sau đại
học như thạc sĩ hay tiến sĩ thì HV vừa học, vừa làm, ít có thời gian để
học nghiêm túc, giảng viên nào đòi hỏi cao là bị kêu, học để lấy bằng,
luận văn, luận án thì sao chép, ít nghiên cứu cập nhật thông tin mới
nhưng vẫn bảo vệ loại giỏi và xuất sắc… Nhiều GS.PGS  nhưng không có
nhiều bài báo, công trình nghiên cứu quốc tế)  thì các trường học và GV
cũng sẽ tiếp tục không coi trọng chất lượng thực tế của HS mà chỉ nhăm
nhăm dạy thế nào để HS làm tốt các bài thi trắc nghiệm, chỉ tập trung
vào kì thi cuối cấp  hay thi vào đại học hơn là phát triển năng lực của
mỗi học sinh. Ở cấp học cao hơn thì bảo vệ kiểu gì cũng qua nên luận văn
hay luận án chẳng cần làm theo những hướng nghiên cứu mới hay có cái
mới.

Cần xây dựng văn hóa coi trọng chất lượng giáo dục với các việc làm cụ thể sau:

a) xây dựng lòng tự trọng của GV và trách nhiệm của họ đối với chất lượng GD (qui chuẩn văn hóa chất lượng GD);

b)
xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích nâng cao chất lượng
GD; c) Xây dựng chuẩn công dân thế kỉ 21 của Việt Nam đáp ứng các yêu
cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế thị trường và kinh tế tri
thức của VN và đánh giá chất lượng dựa trên các chuẩn này;

d) Xây dựng một nền GD dựa trên các thành tựu và kết quả nghiên cứu khoa học. Điều này khuyến khích GV nghiên cứu khoa học;

e)
Sử dụng trí tuệ của các nhà khoa học và các nhà hoạt động thực tiễn
giàu kinh nghiệm trong quá trình hoạch định các chính sách, xây dựng và
thực hiện chiến lược phát triển giáo dục;

g) Thay đổi cơ chế cấp ngân sách nghiên cứu khoa học để khuyến khích
GV nghiên cứu khoa học nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo kiến thức,
sản phẩm mới cho nền GD;

f) Xây dựng năng lực phê phán và tiếp nhận các phê phán về những yếu kém của hệ thống GD.

4) Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích nâng cao chất
lượng GD: việc tăng lương cần dựa trên thành tích giảng dạy và nghiên
cứu khoa học theo các thang bậc:

Ở phổ thông:

a) có sự khác biệt giữa lương của GV có HS tham gia các kì thi HS giỏi quốc tế, quốc gia, thành phố/tỉnh…

b) khác biệt giữa chất lượng học tập của HS được đo bằng các kĩ
năng  yêu cầu đối với HS- công dân thế kỉ 21(chứ không phải bằng điểm số
vì điểm số rất dễ thay đổi và còn gây ra các hiện tượng tiêu cực);

c) có thành tích giảm số lượng HS yếu kém;

d) Tạo điều kiện để HS khuyết tật hòa nhập và phát triển năng lực của bản thân;

e) có nhiều sáng kiến trong dạy học;

d) Sử dụng thành thạo ICT trong dạy học.

Ở đại học: có sự khác biệt về lương giữa:

a) giảng viên có thành tích nghiên cứu trong khoa học về số bài đăng tạp chí quốctế, sách xuất bản bằng tiếng Anh;

b) thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: chủ nhiệm các đề tài, dự án quốc tế và trong nước;

c) sự khác biệt giữa GV có các hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giảng dạy;

d) Thành tích hướng dẫn học viên các đề tài có tính mới, có tác dụng ứng dụng thực tiễn…

5)
Đổi mới cơ chế tuyển chọn và sử dụng GV ở tất cả các cấp học: thực hiện
chế độ hợp đồng GV và bảo hiểm xã hội thay cho biên chế vĩnh cửu. Kèm
theo đó là qui định các điều kiện làm việc tạo điều kiện cho GV phát huy
năng lực, sở trường của bản thân. Cho phép GV lựa chọn nơi làm việc phù
hợp với năng lực của mình, nghĩa là khi NT không đáp ứng nhu cầu làm
việc thì GV có thể ra đi mà không bị níu kéo lại hay gây khó khăn,
phiền.

hà, sách nhiễu.

6) Xử phạt các hiện tượng tham nhũng và hối lộ
trong GD để tránh việc chạy việc hay dễ dàng có được điểm cao, có chức
danh, lấy được bằng cấp…Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng
dẫn đến chất lượng đào tạo thấp.

  • TS Giáo dục Trần Thị Bích Liễu (chương trình Fulbright)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91594/luong-giao-vien--khong-phai-tang-ma-cai-tien.html

Việt Nam – Iran tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục

Posted: 08 Oct 2012 04:18 AM PDT

(GDTĐ)-Sáng nay (8/10), Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý đã có buổi tiếp thân mật Đại sứ quán nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, ngài Hossein Alvandi Behineh.

cxcxcx
Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý và ngài Hossein Alvandi Behineh. Ảnh: gdtd.vn

Trong buổi gặp gỡ, ngài Hossein Alvandi Behineh bày tỏ mong muốn mở rộng mối quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể là hợp tác trong đào tạo ngôn ngữ Ba Tư, ngành Việt Nam học, liên kết giữa các trường ĐH của Iran và Việt Nam, trao đổi sinh viên, giảng viên giữa hai nước. Ngài Hossein Alvandi Behineh cho biết, Trường ĐH Tổng hợp Iran vừa ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường ĐHKHXH NV Hà Nội, đồng thời coi đây như một khởi đầu tốt đẹp trong mối quan hệ hợp tác về giáo dục đào tạo giữa hai nước. Mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ GDĐT Việt Nam trong việc thành lập ngành ngôn ngữ tiếng Ba Tư trong trường ĐHKHXHNV Hà Nội, ngài Hossein Alvandi Behineh cho rằng, việc học tiếng Ba Tư không chỉ giúp các sinh viên Việt Nam biết đến văn hóa của Iran mà còn giúp làm quen với cả nền văn hóa phương Đông, khu vực Trung Á.

Ủng hộ đề xuất tiếp tục đẩy mạnh ngôn ngữ Ba Tư trong trường ĐH, Thứ trưởng Bộ GDĐT Trần Quang Quý cũng đồng thời tán đồng việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, đặc biệt là hợp tác song phương giữa các trường ĐH hai nước. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quang Quý đề xuất đẩy mạnh quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực các trường ĐH của Iran có thế mạnh là Hóa dầu. Thứ trưởng cho rằng, để mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ và bài bản hơn, Bộ Giáo dục hai nước nên tiến tới xây dựng một thỏa thuận hợp tác, trước mắt là ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về giáo dục đào tạo.

Hiếu Nguyễn

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Viet-Nam-–-Iran-tang-cuong-quan-he-hop-tac-trong-linh-vuc-giao-duc-1963988/

Tư vấn trực tuyến: EMBA-MCI

Posted: 08 Oct 2012 04:18 AM PDT

Ở Việt Nam, khi MBA trở nên quen thuộc thì EMBA là một khái niệm tương đối mới mẻ. Executive Master of Business Administration (EMBA) là mô hình đào tạo bán thời gian, dành cho những nhà quản lý.

Mặc dù các chương trình EMBA ở Việt Nam không nhiều nhưng để tìm ra một chương trình đào tạo uy tín, chất lượng và được kiểm định quốc tế lại càng khó. EMBA-MCI (Management Consulting International – Thạc sĩ QTKD Chuyên ngành Tư vấn Quản lý Quốc tế) tại Việt Nam là chương trình hợp tác giữa ĐH Bách Khoa TP.HCM và ĐH Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ (University of Applied Sciences and Arts Northwestern Switzerland), là một trong số rất ít chương trình được chứng nhận chất lượng bởi tổ chức kiểm định FIBAA. Hệ thống cung cấp dịch vụ của chương trình đạt chuẩn chất lượng ISO 9001:2008.

Với EMBA-MCI, học viên được tiếp thu kỹ năng và kiến thức quản trị hiện đại từ đội ngũ giảng viên là các tiến sĩ, giáo sư, chuyên gia hàng đầu châu Âu có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh Tư vấn quản lý. Hoặc học hỏi từ bạn bè với hơn 60% học viên có trên 7 năm kinh nghiệm; 40% giữ vị trí quản lý cao cấp từ nhiều ngành nghề trong và ngoài nước.

Tư vấn trực tuyến

Diễn đàn Tư vấn Quản trị - Ảnh: BK

Buổi tư vấn có sự tham gia của các vị khách mời sau:

1. TS Vũ Thế Dũng – Giám đốc chương trình EMBA-MCI tại Việt Nam, kiêm Trưởng VPĐT Quốc tế – ĐH Bách khoa TP.HCM

2. Th.S Nguyễn Thị Ánh Phương – Phó giám đốc chương trình EMBA-MCI tại Việt Nam

3. Mr. Victor Cobo Ramirez (MBA) – cựu học viên khóa 1 chương trình EMBA-MCI.

Chương trình EMBA - MCI Việt Nam:

Phòng 306 Nhà A4, 268 Lý Thường Kiệt, P.14, Q.10, TP.HCM

ĐT: 08 3865 4183 hoặc 0917 569 967 (Ms.Phương)

Website: www.mba-mci.edu.vn Email: information@mba-mci.edu.vn

Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi theo hướng dẫn bên cạnh.

TNO

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121007/Tu-van-truc-tuyen-EMBA-MCI-xu-huong-moi-tao-su-khac-biet-de-thanh-cong-cua-nha-quan-ly.aspx

Cơ hội gặp gỡ với 36 trường danh tiếng Anh quốc tại Việt Nam

Posted: 08 Oct 2012 04:17 AM PDT

Vương quốc Anh không chỉ biết đến như một quốc gia có hệ thống giáo dục hàng đầu với các trường Top Thế giới (ĐH Cambridge, ĐH Oxford) – điểm đến của nhiều sinh viên quốc tế, mà còn được biết đến bởi những khu giảng đường lung linh (ĐH Birmingham, ĐH Cardiff, ĐH Sussex, ĐH Keele, ĐH Exeter, ĐH St. Andrew…), cái nôi đào tạo các triệu phú (ĐH Aston, ĐH Southampton, ĐH Glasgow, ĐH Leeds…), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm được việc làm nhanh (ĐH Aberdeen, ĐH Lancaster, ĐH Surrey..) và chi phí hợp lý (rất nhiều thành phố tại Anh sinh viên chỉ cần mức từ 51 - 70 bảng/tuần dành cho tiền thuê nhà và với mức 100 - 150 bảng/tháng dành cho tiền ăn).

Cơ hội gặp gỡ với 36 trường danh tiếng Anh quốc tại Việt Nam

Triển lãm du học Anh quốc hàng năm do văn phòng ISC-UKEAS tổ chức nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam tiếp cận và tìm hiểu các trường phù hợp với năng lực bản thân và khả năng tài chính của gia đình. Học sinh và phụ huynh qua đó lên kế hoạch chuẩn bị và lựa chọn thời gian du học. Tham dự triển lãm tháng 10 tại Hà Nội và TP HCM có 36 trường đến từ nước Anh. Các trường này có những đặc điểm và thế mạnh đào tạo riêng của mình.

Thời gian và địa điểm:

09h00 đến 12h30 Thứ 7     ngày 13.10.2012 tại Khách sạn Melia, Hà Nội

09h00 đến 12h30 Chủ Nhật ngày 14.10.2012 tại Khách sạn Rex,  TPHCM

Các trường tham dự triển làm lần này gồm:

Khối các trường Đai học:

Anglia Ruskin, Aston, Bangor, Bath, Bournemouth, Bradford, Bristol, Brunel, DMU, Essex, Goldsmiths, Kent, Leeds, Middlesex, Newcastle, Northumbria, NTU, Portsmouth, Reading, Salford, Sheffield, SHU, Stirling, UEA, Westmister, West London, York, Lincoln, Derby, Nottingham.

Khối các trường Trung học và các Tổ chức liên kết với trường Đại học:

CRIC, Bellerbys College, Navitas, KAPLAN, INTO và Study Group.

Các trường ĐH như: ĐH Leeds, Newcastle, Sheffield nằm trong nhóm tinh hoa Russell Group, gồm 20 trường đại học dẫn đầu về nghiên cứu tại Anh quốc cũng như nhận được nhiều tài trợ nhất từ chính phủ và dự án của các tập đoàn công ty. Hay nhóm các trường ĐH 1994 với các đại diện như trường ĐH Essex, ĐH Reading và ĐH York. Nhóm 1994-Group gồm 19 trường có quy mô nhỏ hơn các trường trong nhóm Russell, được thành lập năm 1994. Phương châm của nhóm không chỉ chú trọng vào các hoạt động nghiên cứu mà còn vào chất lượng giảng dậy. Tham gia triển lãm lần này còn có đại diện nhóm các trường đại học mới được thành lập sau năm 1992 như trường ĐH Nottingham Trent, ĐH Westminster. Những trường đại học mới này cung cấp các chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, đảm bảo sinh viên sau khi ra trường có được việc làm nhanh chóng (Nottingham Trent nằm trong top 10 trường ĐH tại Anh có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay cao ở mức 93,6%).

Ở những trường ĐH lớn và nổi trội về thành tích nghiên cứu khoa học, các môn học mang tính lý thuyết rất cao và thúc đẩy các sinh viên suy nghĩ sâu hơn, rộng hơn và cũng khuyến khích sinh viên nâng cao kỹ năng học tập độc lập vì sinh viên có ít cơ hội làm việc hay trao đổi trực tiếp với các vị giáo sư. Bù lại sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận với các công trình nghiên cứu mới, và đây là môi trường thích hợp cho các bạn có thành tích xuất sắc và có tham vọng đi sâu vào lĩnh vực nghiên cứu sau khi tốt nghiệp. Ở các trường ĐH mới, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận với giảng viên hơn, bài giảng trên trường mang nhiều tính thực tiễn hơn, hay nói cách khác là có tính hướng nghiệp cao. Nhiều giảng viên của khối các trường ĐH mới đã có nhiều thâm niên làm việc thực tế trong các lĩnh vực chuyên môn. Các thầy hiểu được những thử thách cũng như cơ hội mà sinh viên sẽ phải đối mặt trong công việc tương lai và từ đó thiết kế những môn học và phương pháp phù hợp nhất giúp các em trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng thực tế.

Ngoài ra còn có khối các trường PTTH và các tổ chức giáo dục liên kết với các trường ĐH danh tiếng như CRIC, Bellerbys College, INTO, NAVITAS, KAPLAN và Study Group. Phụ huynh và sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu nhiều hơn về du học Anh Quốc bậc trung học, dự bị đại học, dự bị cao học, các khoá diploma và cả những khoá học tiếng Anh. Theo học tại các trường này sinh viên được hỗ trợ nhiều hơn (quy mô lớp học nhỏ), làm quen dần với môi trường đại học, được chuẩn bị kiến thức tốt hơn cho các chương trình chính sau này (đại học, cao học). Việc tư vấn và chuẩn bị cho chuyên ngành sau này của sinh viên đặc biệt quan trọng, sinh viên định hướng tốt hơn về ngành nghề và mục đích học tập

Đặc biệt: có hơn 200 học bổng các loại dành cho sinh viên trong triển lãm này.

Triển lãm giáo dục Anh Quốc do văn phòng Tư vấn Du học ISC-UKEAS tổ chức không chỉ là cơ hội để nhà trường cùng gia đình và các em sinh viên trao đổi thông tin, nguyện vọng mà còn là cơ hội hiếm có để nhận được những ưu đãi cho kế hoạch du học:

Tặng 100% học phí khóa luyện IELTS trị giá 8 triệu đồng với giáo viên bản xứ kinh nghiệm

Tặng lệ phí thi IELTS trị giá 3,2 triệu đồng

Nộp đơn vào nhiều trường cùng lúc

Tặng phí dịch vụ và tư vấn visa trị giá 8 triệu đồng

Tặng 100% phí dich vụ tư vấn và nộp hồ sơ xin học bổng

Hướng dẫn trước khi lên đường với các cựu du học sinh, tư vấn viên và giáo viên bản xứ

Cơ hội gặp gỡ với 36 trường danh tiếng Anh quốc tại Việt Nam

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-648879/co-hoi-gap-go-voi-36-truong-danh-tieng-anh-quoc-tai-viet-nam.htm

Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm

Posted: 08 Oct 2012 04:17 AM PDT

Ngành sư phạm đang đứng trước nguy cơ sụt giảm chất lượng vì ngày càng ít thí sinh giỏi dự thi. Đây là thực trạng báo động cho chất lượng giáo dục trong tương lai, bởi thiếu thầy giỏi thì khó lòng đào tạo ra những trò giỏi.

"Chuột chạy cùng sào" vẫn không vào sư phạm !

GS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ĐH Sư phạm Hà Nội, chua chát nói: "Vài ba năm nay thì tuyển sinh vào ngành sư phạm (SP) còn nặng nề hơn cả câu “chuột chạy cùng sào”, nghĩa là đã phải tuyển nhóm “cùng sào” rồi mà cũng không đủ. Nếu cứ tiếp tục thế này sẽ là một vấn đề báo động cho chất lượng giáo dục phổ thông. Anh muốn nâng cao chất lượng nền giáo dục mà chất lượng đội ngũ giảng dạy không được cải thiện thì chỉ là nói suông".

Tháng 3.2012, tiến sĩ Nguyễn Thúy Quỳnh Loan, Phó trưởng khoa Quản lý công nghiệp Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cùng cộng sự công bố nghiên cứu về xu hướng chọn ngành thi ĐH của thí sinh tại TP.HCM giai đoạn 2006 – 2010. Kết quả cho thấy nhóm ngành kinh tế, quản lý, tài chính luôn có lượng đăng ký rất cao. Trong khi đó, số lượng thí sinh đăng ký dự thi ngành SP – quản lý giáo dục ngày càng giảm, nhất là các ngành: tiếng Pháp, Nga, năng khiếu, âm nhạc…

Năm 1998, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có hơn 22.000 thí sinh dự thi, đến năm 1999 có gần 30.000 và năm 2000 có đến hơn 40.000. Thế nhưng, trong 3 năm trở lại đây, lượng thí sinh thi vào trường khoảng từ 15.000 đến hơn 17.000. Số lượng thí sinh thi vào ngành SP ở các trường địa phương năm nay rất thấp. Tại ĐH Cần Thơ, ngành SP tiếng Pháp có 20 thí sinh, trong khi chỉ tiêu của ngành là 40… Đến nay, nhiều trường đã phải tuyên bố đóng cửa ngành SP vì không đủ sinh viên để mở ngành. Trường ĐH Quảng Nam tạm dừng tuyển sinh ngành SP mỹ thuật (bậc CĐ), Trường ĐH An Giang tạm dừng tuyển sinh ngành SP sinh học và SP tin học…

Mùa tuyển sinh năm 2012, lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa đã nhận định thí sinh của tỉnh này dự thi vào SP thấp kỷ lục. Trong tổng số gần 80.000 hồ sơ thí sinh dự thi vào các trường, chỉ có hơn 386 vào ĐH SP Hà Nội, 29 vào SP Huế, 41 vào ĐH SP Hà Nội 2; 392 vào CĐ Sư phạm T.Ư. Ở Phú Thọ, số lượng cũng giảm đáng kể: 425 vào ĐH SP Hà Nội, 349 vào ĐH SP Hà Nội 2…

Học sinh giỏi chưa mê ngành sư phạm
Những năm gần đây, các trường sư phạm không còn là điểm nóng tuyển sinh như trước đây – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Điểm chuẩn cũng thấp dần

Trong những năm khoảng từ 1999 đến 2003, SP là một trong ít ngành có điểm chuẩn cao thời bấy giờ. Chẳng hạn tại Trường ĐH SP TP.HCM, năm 1999 ngành SP toán lấy 20 điểm, năm 2000 là 31 (môn toán hệ số 2), vào năm 2002 lấy 22 và năm 2004 là 24. Khoảng thời gian này, thí sinh nào trúng tuyển vào SP được coi là danh giá và được bạn bè ngưỡng mộ…

Đông đảo thí sinh chọn ngành SP trong giai đoạn này vì học phí cho tất cả học sinh, sinh viên ngành SP được miễn. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn (lúc bấy giờ còn là CĐ Sư phạm TP.HCM), cho biết: "Thời điểm đó kinh tế khó khăn, việc học SP không phải đóng học phí, ra trường lại được bố trí việc làm ngay khiến phụ huynh và thí sinh rất mê. Chỉ những học sinh giỏi mới có khả năng trúng tuyển. Khá chưa chắc đã đậu".

GS Đinh Quang Báo cho rằng thời kỳ hoàng kim trong tuyển sinh Trường ĐH SP Hà Nội là từ 1997 – 2003, hồi ấy phải đạt 27 điểm/3 môn mới đỗ vào khoa toán, 24 – 25 điểm vào khoa văn, các khoa khác cũng phải 22 điểm, tỷ lệ là 7 – 8 thí sinh "chọi" 1, thậm chí mười mấy chọi 1. Sau năm 2003, chất lượng đầu vào trường SP đuối dần nhưng vẫn còn học sinh giỏi để tuyển, chỉ có điều những thí sinh xuất sắc nhất (đoạt giải quốc gia, quốc tế) thì không vào SP nữa.

Thế nhưng vài năm trở lại đây, điểm chuẩn những trường ĐH có đào tạo ngành SP thường khá thấp.

Ba năm gần đây, điểm chuẩn nhiều ngành tại trường ĐH SP TP.HCM chỉ ngang điểm sàn (khoảng 13 – 14 điểm) như: SP giáo dục chính trị, SP sử – giáo dục quốc phòng, SP giáo dục đặc biệt… Nhiều ngành như: SP tin học, SP tiếng Pháp phải xét tuyển. Đa số ngành SP ở các trường ĐH An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp cũng chỉ tương đương điểm sàn. Tại Trường ĐH Sài Gòn, các ngành SP cơ bản như: toán, lý, văn, sử… cũng có điểm chuẩn thấp so với các ngành khác, dao động từ 16 – 17,5 điểm.

Năm nay, ngành SP tiếng Pháp của ĐH Cần Thơ chỉ có 12/20 thí sinh dự thi đạt điểm từ 13 trở lên. Ngành SP ngữ văn của Trường ĐH Trà Vinh có 24/105 đạt 13 điểm. Đặc biệt, ngành SP toán Trường ĐH Đồng Tháp chỉ có 10 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên ở 2 khối A và A1, ngành SP tin học có 13 thí sinh và điểm cao nhất chỉ 11 điểm, SP vật lý có 27 thí sinh nhưng chỉ 1 đạt 14,5 điểm…

Tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐH SP TP.HCM, thừa nhận: "Đúng là thí sinh giỏi ngày nay không chọn học SP. Thực tế, nhiều em đạt điểm cao ở trường (từ 27 điểm trở lên) nếu đỗ thêm một trường khác nữa thì họ sẵn sàng chọn học trường đó. Những năm trở lại đây, chính vì SP không còn sức hút nên các trường SP phải đào tạo thêm nhiều ngành ngoài SP để tuyển dễ hơn".

Tuệ Nguyễn – Mỹ Quyên – Đăng Nguyên

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121008/Hoc-sinh-gioi-chua-me-nganh-su-pham.aspx

Những người gốc Việt từng nhận giải “Thiên tài” của Mỹ

Posted: 08 Oct 2012 04:16 AM PDT

- Giải MacArthur Fellowship hay còn có tên Genius Grants (Giải Thiên tài) – một trong những giải cao quý của Mỹ tôn vinh những cá nhân có hoạt động sáng tạo đem lại lợi ích cho cộng đồng và nhân loại. Giải thưởng này đã từng vinh danh 3 người gốc Việt.

Học giả Huỳnh Sanh Thông là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được trao giải MacArthur năm 1987.

Học giả Huỳnh Sanh Thông (15/7/1926 – 17/11/2008) là học giả chuyên nghiên cứu văn học Việt Nam. Ông sinh năm 1926 tại huyện Hóc Môn, TP. HCM, định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1948 sau khi bị chính quyền Pháp bắt giam một năm vì hoạt động chống chính quyền thực dân. Ông tốt nghiệp ngành kinh tế học ở ĐH Ohio năm 1951 sau đó làm giảng viên Việt ngữ ở Viện Ngoại vụ thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Năm 1957 ông chuyển sang dạy văn chương Việt Nam ở Đại học Yale cho đến năm 1972. Cũng trong thời gian này ông đã soạn một số sách dạy tiếng Việt cho người nói tiếng Anh.

Huỳnh Sanh Thông được biết đến nhiều nhất qua tác phẩm dịch The Tale of Kieu, tức Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Tác phẩm này được ĐH Yale cho ra mắt từ năm 1973 và sau này đã được tái bản nhiều lần.

Tác phẩm khác của ông cũng rất có tiếng trong văn đàn Mỹ là An Anthology of Vietnamese Poems: From the Eleventh through the Twenthieth Centuries (Tuyển tập thi văn Việt Nam: Thế kỷ 11 đến thế kỷ 20).

Ngoài ra ông là người sáng lập ra bộ sách Lạc Việt và tạp chí Vietnam Forum. Tạp chí này ra được 16 số từ năm 1983 đến năm 1997. Bộ sách Lạc Việt có nhiều bài biên khảo và dịch thuật giá trị, chuyển thể các tác phẩm văn học cổ kim sang tiếng Anh như The Song of a Soldier’s Wife (Chinh phụ ngâm) và The Quarrel of the Six Beasts (Lục súc tranh công). Tạp chí Vietnam Forum đã giới thiệu đến độc giả nói tiếng Anh nhiều nét đa dạng của văn hóa – văn học Việt Nam như những bài thơ tình của Xuân Diệu.

Ông từng được nhận giải Harry J. Benda năm 1981 và McArthur vào năm 1987 vì những thành tựu trong lĩnh vực dịch thuật, đưa tác phẩm văn học của Việt Nam đến với độc giả thế giới.

20 năm sau, nhà khoa học Huỳnh Mỹ Hằng là người con gốc Việt thứ hai vinh dự nằm trong danh sách những người nhận giải MacArthur Fellowship năm 2007. Tiến Sĩ Huỳnh Mỹ Hằng sinh sống tại tại tiểu bang New Mexico. Bà làm việc cho phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos tại tiểu bang này. Thành tựu của tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng là tìm ra kỹ thuật để tổng hợp các chất có năng lượng mạnh. Nhiều loại chất nổ, chất có năng lượng mạnh thường được sử dụng trong nhiều lĩnh vực nhưng chúng để lại hậu quả rất xấu đối với môi trường và nhiệt độ trái đất. Phát minh của tiến sĩ Mỹ Hằng đã giúp giải quyết được cả hai yếu tố này.

Bà đã sáng tạo ra các cơ chế phản ứng hóa học dựa trên thuộc tính nhiệt của các chất có năng lượng mạnh để giúp chúng tổng hợp lại tạo thành một hợp chất mới có thể chịu nhiệt ở mức độ cao nhất, đồng thời cấu trúc của hợp chất mới sẽ giúp thay thế các kim loại nặng chứa nhiều độc tố, như thủy ngân hay chì, bằng các chất ít độc hơn, như đồng hoặc iron.

Tiến sĩ Huỳnh Mỹ Hằng sinh năm 1962. Năm 1991, bà tốt nghiệp với hai tấm bằng cử nhân nhân văn và kỹ thuật của trường ĐH New York, thị trấn Geneseo. Năm 1998, bà lấy bằng tiến sĩ hóa học tại ĐH New York, thành phố Buffalo. Từ năm 2002, bà công tác tại phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos.

5 năm sau, Lê Mỹ An là cái tên Việt thứ 3 được vinh danh. Bà là nhiếp ảnh gia chuyên thực hiện ảnh về đề tài chiến tranh. Sang Mỹ định cư từ năm 1975, những tác phẩm ảnh của người phụ nữ 52 tuổi này chủ yếu lấy cảm hứng từ đề tài chiến tranh bởi chính những trải nghiệm của bản thân về những biến động lớn trong cuộc đời những số phận nhỏ bé nơi mà cuộc chiến tràn qua.

Một trong những bộ ảnh nổi tiếng của bà trong làng nhiếp ảnh Mỹ là 29 Palms (29 cây cọ) được thực hiện trong hai năm 2003-2004 tại một căn cứ quân sự trên sa mạc miền Nam bang California – nơi các lĩnh Mỹ được tập huấn trước khi tới tham chiến ở Iraq.

Sinh ra tại Sài Gòn năm 1960, di cư tới Mỹ năm 1975, Mỹ An đã nhận bằng Cử nhân Khoa học năm 1981, bằng Thạc sĩ Khoa học của ĐH Stanford năm 1985, bằng Thạc sĩ Nghệ thuật đương đại của ĐH Yale năm 1993. Kể từ năm 1998, bà làm giảng viên cho Khoa Nhiếp ảnh của trường Cao đẳng Bard. Hiện bà đang sống và làm việc tại New York.

MacArthur Foundation là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận tại Hoa Kỳ. Hàng năm tổ chức này chọn ra 20-40 công dân Mỹ để trao giải MacArthur Fellowship. Những người trúng giải là những người có những sáng tạo trong nhiều lĩnh vực như khoa học, giáo dục, văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, điện ảnh… Người giành được giải MacArthur Fellowship sẽ nhận được gói tài trợ 500.000 đô la trong vòng 5 năm. Phần thưởng lớn của giảm nhằm mục đích đầu tư cho những tiềm năng này phát triển trong tương lai. Giải này không nộp đơn xin mà phải được đề cử. Ủy ban xét giải gồm 12 thành viên, bí mật về danh tính. Họ sẽ xét chọn từ hàng trăm ngàn ứng viên để tìm ra 20-40 người nhận giải mỗi năm.

(Theo Dân trí)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91610/nhung-nguoi-goc-viet-tung-nhan-giai--thien-tai--cua-my.html

Dự thảo trợ cấp giáo viên nghỉ hưu và nỗi đau của nhà giáo

Posted: 08 Oct 2012 04:16 AM PDT

Ngày 4/10, Bộ GD-ĐT đã đăng tải Dự thảo Quyết định quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Theo đó, tùy vào thời điểm nghỉ hưu, các nhà giáo sẽ nhận được mức trợ cấp một lần từ 2-3,5 triệu đồng.

565 tỷ đồng trợ cấp cho 190.000 nhà giáo

Hội Cựu Giáo chức Việt Nam (HCGCVN) cho biết, hiện tại có khoảng 190.000 nhà giáo nghỉ hưu từ tháng 1/1994 đến tháng 5/2011 chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu nhưng đã được hưởng thâm niên từ tháng 9/1988 đến tháng 3/1993 theo Quyết định số 309 – CT ngày 9/12/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ).

Theo GS Phạm Minh Hạc – Chủ tịch HCGCVN thì với từng đó nhà giáo nghỉ hưu thuộc diện được hưởng trợ cấp mà chỉ dùng 565 tỷ đồng để giải quyết thì không thể hiểu nổi. Cách trả cho các nhà giáo như dự thảo đưa ra là cách làm bần tiện, không thể chấp nhận được. Vì khoản đó không bằng một tháng phụ cấp thâm niên của người đương chức, người đang đứng trên bục giảng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì trong quá trình soạn thảo, HCGCVN cũng được mời tham gia vào tiểu ban. Trong quá trình làm việc với các bên, Hội cũng đã đề xuất tiền trợ cấp tính theo công thức là số năm công tác của từng người nhân với % số lương (hệ số K) thì trung bình một người dạy trong 40 năm được khoảng 30 – 45 triệu đồng. Khi bàn thảo thì các bên cũng có phần xuôi nhưng chẳng hiểu sao bản dự thảo công bố lại không đề cập đến vấn đề này. HCGCVN cũng rất bất ngờ khi biết dự thảo này được đưa lên mạng bởi nội dung cuối cùng này Hội không được biết.

Trước việc Ban soạn thảo viện ra lý do khả năng Ngân sách nhà nước không đáp ứng được, GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh: "Điều đầu tiên cần phải làm đó là thực hiện chế độ cho nhà giáo một cách công bằng trên giấy cái đã. Còn nếu đất nước còn khó khăn thì có thể chi trả thành nhiều đợt. Các nhà giáo nghỉ hưu có yêu cầu chi trả ngay một lần đâu".

Còn TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) phân tích: "Bản chất ở đây là phải trả lại công bằng. Tức là trước đó nhà giáo được thâm niên, sau đó cũng được thâm niên. Hơn nữa, đây là những nhà giáo đều trưởng thành và cống hiến trong giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ hết sức khó khăn. Rồi thời kỳ bao cấp họ cũng phải chịu đựng thiếu thốn. Do đó nếu hiện nay chưa giải quyết được thì dừng lại, chứ không nên đưa ra một dự thảo thiếu tính khoa học để làm tổn thương nhà giáo".

Chính sách cần phải thực hiện công bằng

Các nhà giáo đã tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục do đó
Các nhà giáo đã tâm huyết cống hiến cho sự nghiệp giáo dục do đó các chính sách cần phải được thực hiện công bằng để tránh những tổn thương (Ảnh minh họa)

Theo cách lý giải của HCGCVN thì Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra mục tiêu xây dựng đất nước là một "xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", nhưng các nhà giáo nghỉ hưu từ thập kỷ 90 của thế kỷ đến nay không được hưởng công bằng, văn minh, trong khi người làm nhiệm vụ "đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau" đứng trên bục giảng, giảng cho thế hệ trẻ nhưng điều này, rồi nghỉ hưu và ngày nay những nhà giáo đang tiếp nối sự nghiệp, vẫn đang giảng những điều trên cho lớp trẻ bước vào đời. Là người giảng những điều trên, mà lại bị đối xử không công bằng, không văn minh, không dân chủ.

HCGCVN cũng cho rằng, bản thân việc chính sách phụ cấp thâm niên không áp dụng đối với cán bộ quản lý giáo dục các cấp của ngành cần phải được xem xét lại. Chỉ có những người đã từng làm thầy, làm cô giáo, giảng dạy có kinh nghiệm tốt, ngành mới tuyển lên làm cán bộ quản lý. Làm nhiệm vụ của người chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, lại không được hưởng phụ cấp thâm niên là hết sức bất công, ở chỗ: Đã từng giảng dạy tốt; Huy động tri thức của thâm niên sư phạm để hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục, như vậy là người vốn có thâm niên giảng dạy, lại công được hưởng phụ cấp thâm niên giảng dạy.

Cũng chính vì sự bất cập này mà qua khảo sát ở nhiều địa phương, hiện nay nhiều nhà giáo đang hoạt động ở cấp cơ sở khi được đưa lên làm quản lý ở Phòng hoặc Sở GD-ĐT thường không “mặn mà”.

"Đang được hưởng khoản phụ cấp đứng lớp, thâm niên giờ lên làm quản lý thì không còn gì nên khi bổ nhiệm lên làm quản lý thì họ thường không mặn mà, thậm chí có người còn từ chối. Chính vì thế, việc bổ sung cán bộ ngành ở cấp phòng và Sở là tương đối gian nan" – lãnh đạo của một Sở GD-ĐT phía Bắc tâm sự.

Chủ trương quan tâm đội ngũ giáo viên là một hướng đi đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, các chính sách đưa ra cần phải được thực hiện một cách công bằng để tránh làm tổn thương đội ngũ thầy cô đang còn làm công tác hoặc đã nghỉ hưu. Thay cho lời kết, xin dẫn lời kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi làm việc với Chủ tịch HCGCVN về vấn đề phụ cấp thâm niên: "Mặc dù đất nước ta còn nghèo, ngân sách nhà nước hiện còn rất khó khăn, những vấn đề này phải được xem xét một cách thấu đáo, đảm bảo sự công bằng hợp lý. Thể hiện sự công nhận công lao đối với các nhà giáo đã nghỉ hưu và có tác dụng động viên khích lệ đối với các nhà giáo đang làm việc".

S.H

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-648988/du-thao-tro-cap-giao-vien-nghi-huu-va-noi-dau-cua-nha-giao.htm

Nhiều khó khăn trong công tác thanh tra ở phòng GD-ĐT

Posted: 08 Oct 2012 04:16 AM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT cho biết, hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra giáo dục ở các địa phương, cơ sở giáo dục, đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.

Theo đó, số cán bộ Thanh tra các Sở GDĐT có 317 người; cộng tác viên thanh tra khối Sở là 7.239 người; cộng tác viên thanh tra khối Phòng GDĐT là 30.484 người.

Tuy nhiên, hoạt động thanh tra giáo dục ở các Phòng GDĐT và hoạt động thanh tra trong các cơ sở giáo dục đại học và trường trung cấp chuyên nghiệp hiện chưa được quy định rõ.

Hiện nay, trên cả nước có 452 cơ sở giáo dục đại học; có 287 cơ sở giáo dục trung cấp chuyên nghiệp; có 63 sở GDĐT có 696 phòng GDĐT.

Số đơn vị, trường học và cán bộ, giáo viên, nhân viên do phòng GDĐT quản lý rất đông; có phòng GDĐT quản lý hàng trăm đơn vị, trường học và hàng nghìn cán bộ, giáo viên, nhân viên; phòng quản lý ít thì cũng hàng chục đơn vị, trường học và hàng trăm cán bộ, giáo viên, nhân viên. Vì vậy, hoạt động thanh tra ở Phòng GDĐT là không thể thiếu.

Thanh tra giáo dục hoạt động rộng về địa bàn, đông về đối tượng nhưng một số Sở GDĐT, số lượng cán bộ chuyên trách tại Thanh tra Sở không đủ, còn có cán bộ Thanh tra Sở chưa được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên; chưa đảm bảo về cơ cấu (thiếu Thanh tra viên có nghiệp vụ tổ chức). Đội ngũ cộng tác viên thanh tra trực thuộc Sở GDĐT và phòng GDĐT hầu hết là những cán bộ quản lý, các nhà giáo cốt cán của các cơ sở giáo dục phải kiêm nhiệm nhiều công việc, kinh phí dành cho hoạt động thanh tra hạn hẹp.

Các phòng GDĐT quản lý đến tận các đơn vị, trường học ở xã, phường, thôn, bản; ở mỗi xã, phường đều có các trường trung học cơ sở, trường tiểu học, trường mầm non. Tại các phòng GDĐT, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm công tác thanh tra. Mặc dù, các đơn vị và cán bộ, giáo viên trực thuộc phòng GDĐT rất đông, trong khi đó không có cán bộ chuyên trách về công tác thanh tra nên công tác thanh tra ở phòng giáo dục gặp rất nhiều khó khăn.

Theo khảo sát của Thanh tra Bộ GDĐT về thực trạng, nhu cầu đổi mới về tổ chức, hoạt động của thanh tra giáo dục tại các tỉnh, thành phố, những ý kiến tập trung nhất là cần có cán bộ chuyên trách ở Phòng GDĐT phụ trách công tác thanh tra giáo dục. Bộ GDĐT cần quy định chế độ của cán bộ chuyên trách ở Phòng GDĐT phụ trách hoạt động thanh tra giáo dục cũng như quy định cụ thể về tiêu chuẩn, chế độ, chức năng, nhiệm vụ của CTVTT giáo dục. Thanh tra Bộ GDĐT cần thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thanh tra viên, CTVTT giáo dục, chú trọng công tác thanh tra chuyên ngành, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Hải Bình

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Nhieu-kho-khan-trong-cong-tac-thanh-tra-o-phong-GD-DT-1963983/

Báo nước ngoài bàn về tham nhũng giáo dục Việt Nam

Posted: 08 Oct 2012 04:15 AM PDT

Tờ Business Recorder của Pakistan đã có bài viết bàn về hiện trạng tham nhũng, hối lộ trong hệ thống giáo dục Việt nam từ hai vụ việc "nhận tiền tăng điểm" gần đây ở ĐH Khoa học Huế và ĐH Nông nghiệp Hà Nội.

Sinh viên năm cuối Nguyễn Đức Hùng cảm thấy vô cùng xấu hổ khi được các em năm nhất nhờ giảng bài giúp nhưng lại không thể trả lời được những câu hỏi đó mặc dù cậu đi học gần như đầy đủ. "Tôi không hiểu môn học đó chút nào" – chàng sinh viên ngành Kỹ thuật dân dụng chia sẻ. "Môn đó tôi làm sai nhiều trong bài kiểm tra, nên đã đưa cho giáo viên một triệu đồng để nhờ giúp đỡ. Thầy trả lại bài kiểm tra ban đầu và cho phép tôi sửa những lỗi sai đó tại nhà thầy".

Hùng kể năm đầu tiên lên Hà Nội học đại học (ở một ngôi trường giấu tên), cậu đã học hành rất chăm chỉ nhưng một số bài kiểm tra vẫn nhận điểm thấp so với các bạn khác lười biếng hơn mình. Sau đó, Hùng phát hiện ra rằng những sinh viên này đã hối lộ giảng viên để được nhận điểm cao. "Thực sự buồn vì hối lộ trong các kỳ thi bây giờ là chuyện quen thuộc. Nếu không hối lộ các thầy thì tôi sẽ bị cô lập mặc dù tôi không muốn làm vậy".

Nạn hối lộ giáo viên là một bí mật mà ai cũng biết ở Việt Nam. Tuần trước, báo chí đưa tin một trưởng khoa của ĐH Khoa học Huế buộc phải từ chức và 22 giảng viên và cán bộ của ĐH Nông nghiệp Hà Nội bị cảnh cáo vì nâng điểm cho 180 sinh viên để họ đủ điểm đỗ kì thi cao học. Vụ việc được phát hiện sau khi một số sinh viên tố cáo họ phải trả tiền cho giáo viên để nhận điểm cao hơn.

Hành động này không chỉ làm thế hệ trẻ mất tinh thần học tập mà còn gây tác động lớn tới xã hội – ông Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt – Đức Hà Nội nhận định. "Hối lộ trong các kỳ thi làm sinh viên lười biếng. Vì không có kiến thức thật nên sau khi tốt nghiệp, họ cần phải được đào tạo lại hoặc đổi nghề, gây ra sự lãng phí nguồn lực cho xã hội".

Bà Lê Hiền Đức – nhà giáo về hưu, một người tích cực chống tham nhũng cho rằng hiện trạng này đang lan rộng. "Ngay cả các quan chức cấp cao của Chính phủ – những người được cử đi học tập ở các trường đại học hàng đầu cũng làm vậy, hối lộ giáo viên để nhận điểm cao. Tôi biết một số quan chức mua bằng Tiến sĩ bằng cách đút lót tiền cho giáo viên". Bà Đức cho biết người ta thường kể với bà về những sinh viên thường xuyên nghỉ học nhưng vẫn thi qua các kỳ thi nhờ hối lộ giáo viên.

Những lời chỉ trích được đưa ra khi Đảng đang lên kế hoạch cải cách giáo dục. Trong một cuộc họp ở Hà Nội vào tuần trước, các chuyên gia cho rằng hệ thống giáo dục Việt Nam đang dưới chuẩn, đồng thời kêu gọi Chính phủ thực hiện cải cách trên diện rộng. "Giáo dục Việt Nam đang đi lạc đường" – GS Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định.

Các chuyên gia tập trung bàn về chất lượng giáo viên thấp, nhiều giáo viên không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, chương trình giảng dạy bậc đại học đã lạc hậu, và những vấn đề này dẫn đến sự hạn chế lực lượng lao động có trình độ. Vấn đề tham nhũng trong giáo dục nhiều khả năng sẽ được đề cập đến như một phần của công cuộc cải cách khi Trung ương Đảng họp ở Hà Nội vào 2 tuần đầu tháng 10.

Năm 2006, Chính phủ Việt Nam đã phát động một chiến dịch nói không với tiêu cực, bao gồm cả tham nhũng và hối lộ, tuy nhiên các nhà quan sát cho rằng chiến dịch này đạt hiệu quả rất thấp trong trường học. Nhà giáo chống tiêu cực Đỗ Việt Khoa, 44 tuổi, giáo viên dạy Toán ở một vùng quê gần Hà Nội cho rằng anh đã bị các giáo viên khác tẩy chay và liên tục bị từ chối đề bạt sau khi phơi bày hành động nhận hối lộ của các giám thị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006. Mặc dù nhận được bằng khen của Chính phủ về việc lên tiếng chống tiêu cực, song từ ngày đó anh nghỉ việc và hiện đang dạy ở một trường khác xa nhà.

Các bậc phụ huynh cũng thường xuyên hối lộ giáo viên để con cái được học ở những trường tốt nhất, bà Đức nói. "Hối lộ trong trường học đang có xu hướng đi lên và không giới hạn tới bậc đại học" – ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Trẻ em của Quốc hội đánh giá. "Thực sự buồn khi nhìn thấy sinh viên ngày càng lười biếng và thiếu kiến thức".

Nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng những tân cử nhân kỹ năng kém không thu hút được nhà tuyển dụng. "Bên cạnh tình trạng đưa hối lộ cho giáo viên, sinh viên cũng phải đưa hối lộ để có việc làm sau khi tốt nghiệp".

Đức Hùng – chàng sinh viên vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp thừa nhận rằng cậu không học hành nhiều trong suốt 4 năm đại học. "Tôi không chắc chắn là có thể kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp" – Hùng nói. Bà Đức thì bi quan về tương lai: "Hệ thống giáo dục của chúng ta đang xuống dốc. Nếu xu hướng này tiếp tục thì chúng sẽ chỉ có những quan chức ngu ngốc và những con người xảo trá".

Business Recorder là tờ nhật báo tài chính lớn nhất ở Pakistan, được thành lập vào năm 1965 bởi nhà báo kỳ cựu M.A. Zuberi. Ấn phẩm đầu tiêncủa tờ này được xuất bản trong thế giới Hồi giáo. Business Recorder được sở hữu bởi Tập đoàn Business Recorder – một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu của khu vực Nam Á, chuyên về truyền hình, web, tài chính và công nghệ.

  • Nguyễn Thảo (Theo Business Recorder)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91675/bao-nuoc-ngoai-ban-ve-tham-nhung-giao-duc-viet-nam.html

Hòa giải mâu thuẫn học trò

Posted: 08 Oct 2012 04:15 AM PDT

Câu chuyện giáo dục

Hòa giải mâu thuẫn học trò

TT – 1. V. và Q. đang học lớp 5. Một ngày, cả hai đánh nhau đến xây xát. Lý do của trận đánh nhau chỉ vì Q. gọi V. là "heo". Vừa tan học, mẹ V. đến đón con, nghe con kể liền tìm và đánh Q.. Q. giải thích và van xin thế nào người mẹ ấy cũng không nghe. Đến mức các giáo viên phải can ngăn. Hôm sau, giáo viên mời hai phụ huynh đến trường. Sau khi nghe phải trái, hai bà mẹ làm hòa. Giáo viên chủ nhiệm cũng làm công tác tư tưởng cho cả lớp, nhắc nhở học sinh. Vậy là cả Q. và V. xin lỗi lẫn nhau, xin lỗi giáo viên chủ nhiệm, rồi sau đó tìm gặp mẹ của bạn xin lỗi. Mẹ V. cũng xin lỗi mẹ Q. vì sự nóng nảy của mình.

2. Mới học lớp 7 nhưng A. "nổi tiếng" về chuyện yêu đương. Chán một bạn này, A. lại viết thư tán tỉnh một bạn gái khác nhưng kèm trong thư còn đe dọa không được để ai biết chuyện, nếu không sẽ nhờ một học sinh cá biệt "xử". Biết A. tán tỉnh bạn gái mới, "người cũ" của A. tìm đến người mới gây sự. Linh tính thấy không phải việc đơn giản nên cô giáo D. cất công tìm hiểu sự tình.

Thế nhưng, khi cô D. thông báo lại với hội đồng sư phạm nhà trường đề nghị hỗ trợ, nhiều giáo viên lờ đi. Có người còn nói: "Mấy cái chuyện con nít, để chúng tự giải quyết, vướng vào làm gì!". Sốc hơn nữa, khi báo cáo vụ việc với hiệu trưởng, hiệu trưởng cho rằng: "Đứa nói kiểu này, đứa nói kiểu khác. Chuyện bé xé ra to. Học sinh cãi nhau là chuyện bình thường, hơi đâu can thiệp!". Thế là từ tâm trạng lo lắng muốn giúp đỡ học sinh, cô giáo D. dần thấy nản rồi bỏ mặc câu chuyện phức tạp của nhóm học trò.

Ngày nào cũng đầy thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nạn bạo lực học đường. Biết và ngăn được khi mâu thuẫn bắt đầu phát sinh sẽ ngăn ngừa bao hiểm họa rình rập với học trò.

PHẠM THỊ TRANG (Bình Định)

Nguồn: http://tuoitre.vn/Giao-duc/514918/Hoa-giai-mau-thuan-hoc-tro.html

Comments