Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục

Nghề Giáo - Giáo viên - Giáo dục


Trẻ chỉ biết hưởng thụ có phải lỗi của phụ huynh?

Posted: 06 Oct 2012 06:46 PM PDT

Trước những trăn trở của một cô giáo về cách dạy con của các phụ huynh hiện nay đang khiến các em trở thành những con người ích kỉ, vô cảm, chịu đựng kém, độc giả đã bày tỏ những quan điểm trái chiều.

 

 

Thầy cô cũng là người góp phần tạo nên nhân cách, phẩm chất của trẻ. Ảnh minh họa

Độc giả Nguyễn Mơ thừa nhận "thế hệ trẻ ngày nay sống chỉ biết hưởng thụ, cứ nghĩ rằng bố mẹ phải có trách nhiệm này, trách nhiệm khác mà quên đi trách nhiệm của chính mình, không động lực, không phấn đấu". Độc giả Thu Hương cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần là do các phụ huynh lúc nào cũng muốn con được hưởng thụ những điều tốt đẹp nhất và lúc nào cũng coi con là một đứa trẻ.

Đồng tình với ý kiến này, một độc giả đưa ra lời khuyên: "Các bậc phụ huynh hãy hình thành cho con mình nhân cách sống, bản lĩnh, sự tự lập chứ đừng cứ bao bọc vì các bạn có bao bọc được mãi đâu. Hãy cho con bạn cái cần câu và dạy cho chúng cách câu cá chứ đừng cho chúng con cá vì nếu mãi cứ như thế thì ngay cả khi có cá rồi con bạn cũng không biết làm thế nào để ăn nó".

Nhiều thầy cô giáo cũng đồng cảm và chia sẻ với những nhọc nhằn của nghề cao quý này và lo ngại rằng "rồi đến lúc sẽ không còn học sinh giỏi muốn học sư phạm". "Bản thân tôi bây giờ cũng đang trách mình đi nhầm nghề, bao tâm huyết, ước mơ giờ đây đâu cả. Thật buồn cho những ai làm giáo viên nhất là giáo viên tiểu học như tôi, cả ngày ở trường lo chất lượng học sinh, bộ vở sạch chữ đẹp ,tối về vẫn còn phải la bài vở, đò dùng dạy học ngày mai, lo kiểm tra dự giờ đột xuất . Giá mà có cách nào đánh gia giáo viên nhẹ nhàng hơn, bớt hình thức đi ,có lẽ còn có người yêu nghề" – độc giả Đồng Văn chia sẻ.

Một độc giả khác cũng thể hiện sự nuối tiếc khi chọn nghề giáo sau khi đã ra trường được gần 10 năm, công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng gần như không nuôi nổi thân.

Ai ảnh hưởng đến các cháu nhiều hơn?

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình và chia sẻ, một số độc giả cho rằng không nên chỉ đổ lỗi cho gia đình, mà đây là trách nhiệm chung của cả nhà trường, gia đình và hệ thống giáo dục.

Độc giả Thu Hương cho rằng tác giả bài viết cũng nên xem lại thời gian biểu của một học sinh khi mà "trung bình học sinh có 8-9 giờ ở trường, 15-16 giờ ở nhà (trong đó 7-8 giờ để ngủ). Vậy ai là người ảnh hưởng đến các cháu nhiều hơn?". Theo độc giả này, vai trò của thầy cô quan trọng không kém gì các bậc phụ huynh, không nên đổ lỗi hoàn toàn cho các bậc phụ huynh.

Một số ý kiến nhất trí cho rằng nguyên nhân là do hệ thống giáo dục: chương trình quá nặng, trẻ không còn thời gian học kỹ năng sống, đánh giá thấp vai trò của lao động trong việc hình thành và phát triển nhân cách…

"Chung quy vẫn tại chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay. Mang tiếng cải cách, giảm tải nhưng cặp sách lớp 1 thì nặng khủng khiếp, còng lưng, oằn vai với sách vở… Trẻ con tối mắt tối mũi vì học. Thử hỏi, còn đâu tuổi thơ, lấy đâu kỹ năng sống? Lớn lên chút, gặp khó khăn là thất bại, nản chí thôi! Âu, đó là hệ quả tất yếu" – một độc giả tỏ ra bi quan.

Hay như độc giả Lê Nam chia sẻ câu chuyện của gia đình mình: "Nhà tôi có đứa cháu năm nay tốt nghiệp đại học nhưng đến nay vẫn chưa biết nấu cơm, cứ ăn xong là học, không học thì nằm xem ti-vi, mặc cho ông bà 80 tuổi cặm cụi nấu nướng hoặc rửa bát quét nhà. Tất nhiên việc đó có lỗi của bố mẹ em, nhưng cũng có lỗi của công tác giáo dục vì đã đánh giá quá thấp vai trò của lao động trong việc hình thành và phát triển nhân cách của các em".

Độc giả Huyền Hân thì đưa ra một lý do khách quan khác giải thích cho sự vô tâm của nhiều người trẻ hiện nay: "Đúng là một phần có lỗi của cha mẹ nhưng hoàn cảnh xã hội bây giờ rất khác với thời của những người lớn ngày xưa: thông tin quá nhiều, quan điểm nhận thức nhiều chiều, giáo dục nhân văn, biết sống vì mọi người đã kém đi mà con người là sản phẩm của xã hội. Không thể trách bên nào, chúng ta hãy chung tay làm tốt nhất có thể về phần mình để giúp đỡ các em. Ngày trước, con cái chỉ biết nghe lời bố mẹ, thầy cô giáo và người lớn. Ngày nay, các em được nhìn, thấy, nghe, chứng kiến nhiều chuyện nên dễ nảy sinh sự so sánh mà thiếu đi sự thông cảm, đồng cảm.

Việc học quá nhiều mà không có thời gian lao động sẽ chỉ tạo ra những con người lười nhác, không biết giá trị của đồng tiền, sống hưởng thụ, trông chờ vào người khác…"

Một độc giả cho rằng "nên có cái nhìn thông cảm với con trẻ, vì chúng chỉ là hậu quả của rất nhiều việc hợp lại mà thành".

  • Nguyễn Thảo (Tổng hợp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/91386/tre-chi-biet-huong-thu-co-phai-loi-cua-phu-huynh-.html

Tạo hứng thú học tập cho học sinh

Posted: 06 Oct 2012 06:46 PM PDT

Nâng cao chất lượng giảng dạy luôn là vấn đề khiến thầy cô ngày đêm trăn trở nhằm giúp học sinh yêu thích môn học.

Sử dụng giáo án điện tử

Giáo án điện tử là phương tiện hỗ trợ cho giáo viên (GV), giúp bài giảng sinh động hơn, học sinh (HS) hứng thú học tập và dễ dàng tiếp thu bài. Vì vậy, để giúp HS khắc sâu kiến thức, kích thích nguồn cảm hứng học tập, khi giảng dạy GV cần phải kết hợp hài hòa giữa màn hình với lời giảng và giữa màn hình với ghi bảng sao cho linh hoạt uyển chuyển.

Bên cạnh đó, GV phải thật sự có ý thức học hỏi, khai thác và sử dụng có chọn lọc những tư liệu quý trên internet. Đừng quá tham lam tư liệu, có bao nhiêu cũng đưa vào bài giảng, làm cho bài giảng dễ bị loãng.

Tích cực dự giờ

Dự giờ sẽ giúp GV chủ động, tích cực hơn trong bài giảng của mình. Khi đồng nghiệp đến dự giờ, GV sẽ chuẩn bị bài kỹ hơn, sẵn sàng trao đổi về bài dạy trước khi lên lớp. Đây là việc làm hết sức thiết thực và cần thiết. Những lớp học có GV đến dự giờ cũng sẽ sôi nổi, ý thức học tập của HS được nâng cao. Đây là điều kiện thuận lợi để phát huy được sự sáng tạo trong quá trình giảng dạy và cũng là một biện pháp quan trọng giúp GV luôn chuẩn bị đầy đủ kiến thức và hồ sơ, sổ sách trước khi đến lớp, tránh được tình trạng dạy chay, thiếu sự chuẩn bị.

Tạo hứng thú học tập cho học sinh
HS vào vai Bác Hồ (trái) và thương nhân người Pháp  trong một buổi học về lịch sử tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM) – Ảnh: M.Luân

Tạo kịch tính trong giờ học

Thay vì giảng dạy theo tuần tự bình thường, nhiều GV biến tiết học thành một vở kịch với những hình ảnh, tình huống sống động, khiến HS quên cả giờ ra chơi.

GV Phạm Thị Hào, chủ nhiệm lớp 5/2 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi Q.4, TP.HCM đã biết lồng ghép vở kịch ngắn, âm nhạc, thơ ca… vào bài giảng lịch sử.

Mở đầu tiết học, cô cho cả lớp hát một bài để tạo cho HS tinh thần thoải mái, dễ chịu trước khi bước vào bài học. Vào đầu tiết, cô vẫn áp dụng những phương pháp truyền thống, đặt những câu hỏi nhằm giúp HS ôn bài cũ, qua đó giới thiệu bài học mới Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước (môn lịch sử – địa lý lớp 5).

Sau đó cô không đọc hoặc giảng cho HS nghe như thường thấy mà chia lớp làm 6 nhóm. Mỗi nhóm được yêu cầu tìm hiểu một thông tin lịch sử về Bác Hồ trong bài. Không khí lớp học náo nhiệt hơn khi cô Hào mời mọi người xem vở kịch ngắn 5 phút mà trong đó các "diễn viên" đều là HS của lớp. Các HS hóa thân thành những nhân vật: Bác Hồ, anh Tư Lê (một người bạn của Bác), thương nhân người Pháp… một cách rất tự nhiên và dễ thương. Song song đó, màn hình chiếu xuất hiện những hình ảnh quê Bác ở Nghệ An. Phía dưới, cô Hào đọc trên nền nhạc bài thơ Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên). HS vừa xúc động vừa cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước lớn lao của Bác.

Kết thúc vở kịch, cô Hào cho HS chơi trò ô chữ để ôn lại bài học.

Trao đổi với Thanh Niên, cô Hào cho biết: "Chuyện thực hiện vở kịch như thế này không khó và tốn rất ít thời gian. Quan trọng nhất là việc tìm tư liệu lịch sử một cách chính xác và chắt lọc thông tin đưa vào kịch".

Ngô Mã Thiên – Minh Luân

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121005/Tao-hung-thu-hoc-tap-cho-hoc-sinh.aspx

Có nên đánh giá cực đoan về giáo dục?

Posted: 06 Oct 2012 06:45 PM PDT

(GDTĐ) – Ngày hôm qua, GS. NGƯT Trần Hữu Dàng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Huế có khoe với tôi rằng, anh vừa đọc một bài viết ở một tờ báo mạng nổi tiếng bởi những "tin nóng", nghiêng ở phía  "vạch lá tìm sâu" hơn là hướng đến khía cạnh tích cực. Vậy mà tờ báo này bỗng dưng có bài viết thừa nhận giáo dục Việt Nam có 3 cái được, đó là: truyền thống hiếu học; cuộc thi đại học là một cuộc thi sàng lọc để chọn người tài một cách nghiêm túc, đáng tin cậy; cải thiện năng lực ngoại ngữ.

Ảnh minh họa (S.Đ gdtdvn)
Ảnh minh họa (gdtd.vn)

Thông tin bất ngờ từ vị giáo sư đáng kính này làm tôi thật sự phấn khích, bởi cách đó chỉ vài ngày, tôi nghe dư luận bạn đọc đề cập đến việc có bài báo nào đó đã phủ định một cách cực đoan các thành quả giáo dục. Trong khi  đó, Báo cáo của Chính phủ về tình hình giáo dục tại các kỳ họp của  Quốc hội cũng như những ý kiến phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI vào ngày 1/10 mới đây đã hâm nóng nhiệt huyết của toàn đảng, toàn dân hướng tới một nền giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện.

Tuy nhiên, đây đó vẫn có tác giả bài viết bàn về giáo dục một cách đáng ngạc nhiên, khi tác giả bài viết lại cho rằng: "Đổi mới theo kiểu gặp đâu làm đó thì sẽ không tránh được đầu Ngô mình Sở, hiệu quả sẽ rất thấp kém".

Đúng là thiếu thông tin thật! Từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" không chỉ riêng ngành GD mà cả xã hội cùng vào cuộc. Có biết bao nhiêu hội thảo, hội nghị từ trung ương tới địa phương bàn thảo về đổi mới giáo dục, quy tụ được trí tuệ và tâm huyết của đội ngũ. Tại các kỳ họp của Quốc hội, các đại biểu cũng đặc biệt quan tâm hiến kế cho GD. Đảng, nhà nước ta bao lâu nay đã khẳng định "Giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu", là mũi nhọn để phát triển kinh tế-xã hội. Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI của Đảng vẫn tiếp tục nhấn mạnh điều này. Vậy mà ai đó lại nói giáo dục "gặp đâu làm đó", "đầu Ngô mình Sở"?

Nếu tôi nhớ không lầm thì đúng vào ngày 24/4/2012, báo chí đồng loạt đưa tin về việc Ngân hàng thế giới (WB) trong báo cáo về nâng cao chất lượng giáo dục cho mọi người đã khẳng định GD Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.  Báo cáo này chỉ ra rằng, tuy thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/7 của các nước khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bằng 1/4 mức thu nhập trung bình của các nước có mức thu nhập trung bình, nhưng tỷ lệ người biết chữ ngang bằng với hai nhóm nước này. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc liên quan tới trình độ học vấn kể từ đầu những năm 1990. Những tiến bộ này chủ yếu diễn ra ở cấp tiểu học và trung học mặc dù khả năng theo học đại học cũng đang dần tăng lên. Tỷ lệ HS nhập học cấp tiểu học hiện nay đã gần đạt mức phổ cập….

Giáo dục đại học Việt Nam 26 năm qua đã đồng hành và cung cấp nhân lực trình độ cao cho quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự phát triển vượt bậc về quy mô nền kinh tế và nhiều ngành kinh tế mới, về xuất khẩu, việc ra đời hàng nghìn doanh nghiệp mới, triển khai hơn 10.000 dự án đầu tư nước ngoài, sự gia tăng mạnh mẽ lao động công nghiệp và dịch vụ đã đòi hỏi nền kinh tế phải được bổ sung hàng trăm nghìn lao động có trình độ ĐH, CĐ, hàng vạn thạc sĩ và hàng nghìn tiến sĩ. Cách đây một vài năm, một số báo đăng thông tin Intel Việt Nam khi tuyển dụng lao động không tuyển được ai nhưng mới đây, trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Intel đã phủ định điều đó và khẳng định: Đại bộ phận người lao động làm việc cho Intel là do người Việt Nam đảm bảo, trong số đó có những người giữ vị trí chủ chốt và hiện chuẩn bị được điều kiện có thể làm việc ở các khu vực khác trên thế giới. Vào năm 2008, Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng về chỉ số cạnh tranh của Việt Nam là 120/141; đến năm 2011, xếp hạng về chỉ số cạnh tranh của VN là 69, tăng 51 bậc. Tính theo thang điểm 5 của điểm chất lượng GD, Việt Nam được Tổ chức Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng từ chỉ số 3,4 năm 2008 lên 3,7 vào năm 2011…

Còn rất nhiều tư liệu khác để có thể minh chứng cho những thành tựu của GD Việt Nam thời kỳ đổi mới. Song song với thành tựu đạt được, vẫn còn những yếu kém, bất cập mà ngành giáo dục đã và đang tìm mọi giải pháp để khắc phục. Muốn phát triển tốt hơn, GD phải xác định con đường đúng đắn để phát triển. Bởi vậy rất cần xem xét giáo dục một cách khách quan, cẩn trọng để làm căn cứ xây dựng và triển khai đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Có nên đánh giá cực đoan về giáo dục?

Hồng Thúy

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3161/201210/Co-nen-danh-gia-cuc-doan-ve-giao-duc-1963938/

Chuẩn hóa giáo viên thể dục vào năm 2015

Posted: 06 Oct 2012 06:45 PM PDT

(GDTĐ) – Theo thông báo từ Văn phòng Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã đưa ra kết luận về nhiệm vụ công tác giáo dục thể chất trong thời gian tới.


Ảnh: MH

Theo đó, các địa phương cần chú trọng phát triển hoạt động thể thao ngoại khóa ở trường học; cải tiến nội dung, phương pháp tổ chức các hoạt động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng trường học nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục môn thể dục trong các nhà trường..

Mục tiêu đến năm 2015, phải chuẩn hóa GV thể dục, không còn GV trình độ trung cấp và sơ cấp. Đến năm 2020, phấn đấu 100% các trường phổ thông có GV chuyên trách công tác giáo dục thể chất tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục thể chất, trong đó ưu tiên đối với các trường tiểu học.

Bảo Minh

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Chuan-hoa-giao-vien-the-duc-vao-nam-2015-1963952/

Khẩn trương phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án dạy, học ngoại ngữ ở địa phương

Posted: 06 Oct 2012 06:19 PM PDT

(GDTĐ) – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020″ vừa có thông báo yêu cầu Bộ GDĐT đôn đốc và hỗ trợ 23 tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án ở địa phương.

Cũng tại thông báo này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GDĐT nghiên cứu, đề xuất việc điều chỉnh tiến độ triển khai Đề án, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định; đồng thời, chủ trì làm việc với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở dạy nghề; với Bộ Nội vụ về nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ công chức, viên chức; với các Bộ, ngành khác về dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp do Bộ, ngành quản lý.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ GDĐT lựa chọn và giao chức năng đánh giá, công nhận đạt chuẩn ngoại ngữ cho các đơn vị phù hợp thuộc 2 ĐHQG và các trường đại học ngoại ngữ; giao trách nhiệm hình thành ngân hàng đề thi cho Cục Khảo khí và Kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ; cũng như có cơ chế, chính sách ưu đãi để duy trì đội ngũ chuyên gia trình độ cao tham gia bộ máy chuyên trách triển khai thực hiện Đề án, trong trường hợp cần thiết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3005/201210/Khan-truong-phe-duyet-ke-hoach-trien-khai-De-an-day-hoc-ngoai-ngu-o-dia-phuong-1963960/

“Phải cải tạo tâm lý sính bằng cấp nặng nề trong xã hội”

Posted: 06 Oct 2012 06:18 PM PDT

Nền giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập và mâu thuẫn

 

 

Khi đánh giá thực trạng của nền giáo dục hiện nay, GS. Phạm Minh Hạc cho rằng không thể phủ nhận những thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong những thập kỷ qua. Nhờ có đường lối giáo dục đúng đắn, truyền thống hiếu học đã được hun đúc qua bề dày lịch sử đất nước và đội ngũ giáo viên có tâm huyết, nền giáo dục Việt Nam hiện nay đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của toàn dân với đủ mọi cấp học (khoảng hơn 20 triệu người học hàng năm), ở khắp các vùng miền.

 

Tuy nhiên, hiện nền giáo dục cũng tồn tại nhiều yếu kém, bất cập và lạc hậu, đang đứng trước rất nhiều thách thức cần vượt qua, những mâu thuẫn phải giải quyết. Không khó để chỉ ra bất cập từ sách giáo khoa, cơ cấu hệ thống giáo dục, đội ngũ giáo viên đến chính sách, quản lý… trong giáo dục.

 

GS. Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

"Đơn cử như chương trình SGK hiện tại, còn mang nặng yếu tố hàn lâm và nhiều khi dài dòng không cần thiết. Nhiều giáo viên tiểu học kêu với tôi là chương trình toán tiểu học quá nặng so với sức chịu đựng của học sinh. Ngược lại, các môn sinh vật, lịch sử ở cấp phổ thông lại được học quá ít. Đó cũng là điều mất cân đối", GS Hạc cho biết.

 

Một thực trạng đáng buồn khác là tâm lý xã hội hiện "nặng" về học chạy theo bằng cấp hơn là để thu nạp kiến thức. "Đa số học sinh đi học, đi thi đều để kiếm mảnh bằng đại học, bất kể giá trị tấm bằng đó như thế nào. Bởi vậy mới có những con số đáng để suy nghĩ như mới đây, có trường đại học công bố 70% sinh viên ra trường phải đào tạo lại, có trường "tiết lộ" trong 100 sinh viên ra trường thì chỉ 1 em đạt chất lượng, hay ở một hội chợ tuyển dụng lao động, 1000 hồ sơ dự tuyển chỉ lấy được 7 người…", GS Hạc dẫn chứng.

 

Cần một hệ giải pháp đồng bộ

 

 

Để thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, theo GS Phạm Minh Hạc, chúng ta cần hệ giải pháp đồng bộ, từ vĩ mô cho đến vi mô, thể hiện ở đường lối chính sách, chế độ của Nhà nước, cho tới tâm lý xã hội ở trong từng gia đình, của mỗi học sinh.

 

Về đường lối, cần phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, xác định có giáo dục mới tạo được nền tảng và động lực phát triển xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh và quan tâm hơn nữa tới chế độ, chính sách dành cho giáo viên, giúp đội ngũ nhà giáo yên tâm cống hiến với sự nghiệp "trồng người". Trang thiết bị dạy học, đặc biệt là SGK, cần được đổi mới, nâng cấp cho phù hợp với tình hình và nhu cầu phát triển của giáo dục.

 

Một điều quan trọng mà GS Phạm Minh Hạc nhấn mạnh là cần cải tạo tâm lý xã hội, kể cả trong quản lý nhà nước. Suốt nhiều năm qua, nền giáo dục của ta vẫn không thoát ra khỏi tâm lý "Hư văn, khoa cử, quan trường", trong đó có cả phần trách nhiệm của cơ quan quản lý. Chính tâm lý này là nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực tế bất lực của giáo dục Việt Nam trong việc phân luồng học sinh suốt những năm qua.

 

Tâm lý sính bằng cấp đang tồn tại rất nặng nề trong xã hội Việt Nam

Cơ cấu hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn được xác định ở thế "kiềng 3 chân" khá hài hòa gồm: Phổ thông, Đại học và dạy nghề. Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, do tâm lý sính bằng cấp ngày càng nặng nề nên nhánh Dạy nghề gần như bị "bỏ quên", dẫn đến thực trạng "thừa thày thiếu thợ", lãng phí tiền của trong đào tạo, khiến cho "thế chân kiềng" này chỉ còn… hai chân, chênh vênh không bền vững.

 

Làm thế nào để cải tạo tâm lý?

 

 

GS Phạm Minh Hạc cho rằng, để giải quyết "bài toán" cải tạo tâm lý, chúng ta cần phải thực hiện cuộc vận động xã hội mạnh mẽ, với sự vào cuộc của đông đảo thành phần trong xã hội, từ cơ quan quản lý, các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng… Điều cốt yếu là phải làm thực sự và làm một cách kiên trì bởi đây là bài toán không dễ giải.

 

"Trước tiên là cần giác ngộ hay còn gọi là tư vấn tâm lý, hướng nghiệp từ rất sớm cho học sinh, ngay từ trung học cơ sở. Ở ta hiện nay, có tới hơn 80% học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên THPT, trong khi chỉ có hơn 10% học nghề hoặc tham gia lao động. Như vậy, vô hình chung gây sức ép quá lớn lên bậc THPT và tạo nên "nút thắt cổ chai" ở kỳ thi đại học", GS Hạc nói về mâu thuẫn trong cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam.

 

"Nhìn ra các nước phát triển phương Tây, họ đã thực hiện việc này từ ngay đầu thế kỷ 20. Ví dụ như ở Đức, họ phân luồng, định hướng nghề cho học sinh từ rất sớm, ngay cuối tiểu học và đầu cấp hai. Ở Pháp, có hội đồng ở từng quận, xã để hướng nghiệp cho học sinh, được làm ngay từ lớp 7. Học sinh được định hướng nghề sớm giúp hệ thống đào tạo vận động hài hòa, có sự liên thông giữa các hệ đào tạo và xã hội tận dụng được mọi nguồn lực".

 

"Đây là vấn đề cần làm đồng bộ, nhưng vai trò quyết định là ở quản lý nhà nước, cần tổ chức hướng nghiệp cho học sinh, vượt qua tâm lý học để đi thi, từ đó phát triển hệ thống giáo dục theo hướng cải tạo tâm lý", nguyên Bộ trưởng Phạm Minh Hạc đánh giá.

 

Mạnh Hải

 

Thực hiện

Nguồn: http://dantri.com.vn/c25/s25-648494/phai-cai-tao-tam-ly-sinh-bang-cap-nang-ne-trong-xa-hoi.htm

Sẽ có nghị định mới về thanh tra giáo dục

Posted: 06 Oct 2012 06:18 PM PDT

(GDTĐ)-Bộ GDĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động Thanh tra giáo dục.

Nghị định này quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục bao gồm: Tổ chức thanh tra giáo dục; hoạt động thanh tra giáo dục; thanh tra viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục; cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động; trách nhiệm và mối quan hệ của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thanh tra giáo dục; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thanh tra giáo dục.

Dự thảo Nghị định này có nhiều điểm mới so với Nghị định của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra giáo dục ban hành năm 2006.

Những điểm mới này liên quan đến các nội dung về cộng tác viên thanh tra giáo dục; thanh tra hành chính trong lĩnh vực giáo dục; thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục; hoạt động thanh tra giáo dục ở cấp huyện; hoạt động thanh tra trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp…

Theo Bộ GDĐT, việc ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 85/2006/NĐ-CP ngày 18/8/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra giáo dục là hết sức cấp bách và cần thiết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, hạn chế những vi phạm trong hoạt động quản lý và hoạt động giáo dục, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Lập Phương

Nguồn: http://gdtd.vn/channel/3222/201210/Se-co-nghi-dinh-moi-ve-thanh-tra-giao-duc-1963961/

Sự kiện giáo dục 6.10.2012

Posted: 06 Oct 2012 06:18 PM PDT

Bổ nhiệm 3 phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Trong đó, PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng được bổ nhiệm lại, PGS-TS Phạm Văn Hiền và TS Dương Duy Đồng được bổ nhiệm mới. (M.Q)

50 năm Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Trường thành lập từ năm 1962 với tên gọi ban đầu là Ban Cao đẳng sư phạm kỹ thuật thuộc Trường Bách khoa Phú Thọ. Trong 5 năm trở lại đây, trường đã đào tạo được 445 thạc sĩ, hơn 20.000 kỹ sư ĐH và 2.799 cử nhân CĐ. (M.Q)

Tiếp tục tuyển dụng giáo viên. Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị các quận huyện tổ chức tuyển dụng giáo viên đợt 3 năm học 2012-2013 bắt đầu từ ngày 6.10, ngày 10.10 công bố kết quả. (B.Thanh)

Nguồn: http://www.thanhnien.com.vn/Pages/20121006/Su-kien-giao-duc-6-10-2012.aspx

Comments